SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Phát triển Sàn giao dịch công nghệ muốn mạnh và bền vững cần cách nhìn mới cũng như tư duy mở

03-11-2023
Xây dựng nền tảng và mô hình cho Sàn giao dịch công nghệ không khó, nhưng phát triển nó muốn mạnh và bền vững thì khi thiết kế cần phải có cách nhìn mới cũng như tư duy mở, để nó phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và theo từng lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó, thị trường khoa học công nghệ lại thay đổi không ngừng, nhu cầu rất đa dạng nên đội ngũ vận hành, quản lý phải đủ tâm, đủ tầm và có trình độ cao... cái mà chúng tôi đặc biệt quan tâm là có được sự đồng hành và cùng tham gia ở khối doanh nghiệp vào hoạt động của Sàn giao dịch công nghệ theo mô hình hợp tác công tư, với tiêu chí phục vụ nhu cầu người dân cũng như đặt sự phát triển của xã hội lên hàng đầu thì thật sự rất tuyệt vời", đó là nhận định và kỳ vọng của Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - TS. Nguyễn Việt Dũng.

Ngày 02/11/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã chủ trì tổ chức Hội thảo góp ý Đề án “Kết nối các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại TP.HCM với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ”. Tham dự Hội thảo về phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở; Bà Nguyễn Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Sở cùng đại diện các Phòng chuyên môn và Trung tâm trực thuộc Sở. Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có ông Huỳnh Văn Tùng - đại diện Cục công tác phía Nam; ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Về phía đại diện Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh vùng Đông Nam Bộ có bà Nguyễn Thị Kim Quyên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh; ông Trần Trọng Tuyên - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương; ông Đoàn Hùng Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai cùng với sự hiện diện của đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như các Sở ngành TP.HCM, các viện trường, các chuyên gia, doanh nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP.HCM.

3112023ht.jpg

Hội thảo đã thu hút được gần 100 đại biểu tham dự

Phát biểu khai mạc Hội thảo TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, quá trình xây dựng Đề án, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức nhiều nghiên cứu và hội thảo lấy ý kiến các cơ quan của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như làm việc với các tỉnh miền Đông Nam Bộ để có được những thông tin đóng góp và phác thảo ra dự thảo Đề án này. 

“Mục đích chính của Hội thảo ngày hôm nay, chúng tôi muốn báo cáo lại dự thảo đó ở phiên bản mới nhất và mong các tỉnh với thực tiễn hoạt động chuyển giao công nghệ tại địa phương của mình, hoạt động kết nối cung cầu, biểu diễn công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ trường viện nghiên cứu, hỗ trợ thương mại hóa nghiên cứu, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo… để hình dung các nội dung Đề án đã đầy đủ chưa, còn thiếu gì không, hay về mặt cơ chế chính sách, tài chính, đầu tư… xem có đáp ứng chưa và cùng đóng góp, bổ sung, vì hệ thống hành lang pháp lý mà không chặt chẽ thì chúng ta rất khó triển khai. Cụ thể là cơ chế chính sách cho tổ chức Sàn giao dịch công nghệ hoạt động trong thời gian tới như thế nào vì theo Nghị quyết của Trung ương hiện nay thì các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung phải hướng tới tự chủ tài chính, tuy nhiên những cái này mà thị trường làm được thì không cần tới mình, nhưng rõ ràng là thị trường không làm chính vì vậy nhà nước phải hỗ trợ và chúng ta phải tham mưu để có hướng cho các đơn vị liên quan xây dựng chính sách. Hai là đầu tư cơ sở vật chất cho Sàn giao dịch công nghệ gồm những gì, nội dung hoạt động, dịch vụ là gì bởi nó vẫn lại liên quan đến câu chuyện xây dựng chính sách. Ngoài ra còn các hoạt động khác về đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, truyền thông… đặc biệt là trong nội dung hoạt động, chúng tôi cũng trên thực tiễn của TP.HCM và các hoạt động hợp tác với các tỉnh trong thời gian qua về thúc đẩy giao dịch công nghệ đã cố gắng tập hợp tất cả vào dự thảo Đề án, tuy nhiên vẫn mong các đơn vị ở các tỉnh hết sức lưu ý xem trên thực tiễn ở địa phương mình còn những vấn đề gì nữa vì Sàn giao dịch công nghệ hiện nay mục đích không còn giống như trước đây nữa mà phải mở rộng ra rất nhiều câu chuyện khác, ví như kết nối cung - cầu của thị trường để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, khởi nghiệp sáng tạo... Sàn giao dịch công nghệ ở đây không chỉ là kết nối người mua và người bán, máy móc và công nghệ mà còn là tư vấn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và công nghệ ở đây cũng không chỉ là máy móc mà còn dịch vụ về đào tạo nguồn nhân lực, về chuyên môn, về tiêu chuẩn chất lượng, về đo lường, về sở hữu trí tuệ. Một lần nữa hy vọng quý vị cùng nhau, chúng ta góp ý thẳng thắn, cởi mở, thiết thực để hoàn thiện Đề án này một cách chỉn chu nhất và khi triển khai sẽ đạt được hiệu quả cao nhất”, TS. Nguyễn Việt Dũng cho hay.

3112023ht1.jpg

TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu khai mạc Hội thảo

Đồng quan điểm, ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng, cần phân định thật rõ vai trò của nhà nước và của thị trường là làm những việc gì và làm tới đâu.

"Hiện nay có nhiều dịch vụ khoa học công nghệ tư nhân không làm vì không thu được lợi nhuận. Tuy nhiên, ở vai trò nhà nước chúng ta lại cần phải thực hiện với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Mô hình sàn cần phải dựa vào chính sách, khuôn khổ pháp lý hiện hành của nhà nước và ngoài hành lang pháp lý đang có, chúng tôi sẽ tham mưu với Bộ và cố gắng đề xuất với Quốc hội có thể đưa vào một số chính sách vượt trội hơn hay cho thử nghiệm chính sách để mô hình này thật sự phát huy được hiệu quả", ông Phạm Đức Nghiệm kỳ vọng.

3112023ht2.jpg

Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ chia sẻ về định hướng mô hình phát triển Sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, đại diện cho Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM báo cáo tham luận với nội dung giới thiệu dự thảo Đề án "Kết nối các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại TP.HCM với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ”, ông Phan Quốc Tuấn - Phó trưởng phòng Phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ cho biết, theo thống kê, hiện cả nước đang có khoảng 20 Sàn giao dịch công nghệ trực tiếp và trực tuyến.

"Ở khu vực miền Đông Nam Bộ, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu có các mô hình Sàn giao dịch công nghệ. Riêng các tỉnh Bình Phước và Tây Ninh đã phối hợp với TP.HCM thành lập các sàn giao dịch trực tuyến liên kết. Trong dự thảo Đề án, trước mắt từ nay đến năm 2028 sẽ tập trung nâng cấp Sàn giao dịch công nghệ TP.HCM làm đầu mối trung tâm kết nối cho các sàn vùng Đông Nam Bộ. Sàn giao dịch sẽ được đa dạng thông tin sản phẩm, giải pháp công nghệ và gia tăng các hoạt động liên kết giữa bên bán và bên mua", ông Phan Quốc Tuấn thông tin thêm.

3112023ht4.jpg

Ông Phan Quốc Tuấn - Phó trưởng phòng Phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ giới thiệu về dự thảo Đề án tại Hội thảo

Về góc độ địa phương, bà Nguyễn Thị Kim Quyên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh cho biết, trong thời gian vận hành Sàn giao dịch công nghệ ở địa phương, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn còn khá e ngại về chất lượng sản phẩm và công nghệ được giới thiệu trên sàn, do đó đã nêu mong muốn về sự bảo đảm. Thậm chí có doanh nghiệp còn đặt thẳng vấn đề liệu rằng Sở Khoa học và Công nghệ có thể là bên đồng cam kết về chất lượng sản phẩm và công nghệ cho doanh nghiệp khi mua hàng hay không?

"Sau một năm chúng tôi vận hành Sàn giao dịch công nghệ trực tuyến Tây Ninh, nhiều doanh nghiệp đánh giá khá tích cực về những công nghệ được giới thiệu. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cũng nêu ra những băn khoăn về chất lượng nên không dám mua. Thật sự doanh nghiệp họ không thể nào bỏ 1 tỷ để cập nhật công nghệ, rồi mai lại bỏ tiếp 2 tỷ... cái mà họ cần là một sự đảm bảo", bà Nguyễn Thị Kim Quyên bộc bạch.

3112023ht3.jpg

Bà Nguyễn Thị Kim Quyên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh nêu ý kiến tại Hội thảo

Còn ở góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm giải pháp Miền Nam, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel thì lại cho rằng, việc kết hợp các Sàn giao dịch công nghệ giữa các địa phương là điều nên làm, từ đó cùng nhau nghiên cứu để tạo ra sàn chung và tất cả cùng hoạt động ở trên đó và chỉ nên có một hoặc một số Sàn giao dịch công nghệ chính theo vùng.

"Các tỉnh, thành phố nếu chưa có sàn của riêng mình thì cũng không nên tìm cách để có sàn cho bằng được. Bởi nhìn chung các điều kiện và nhu cầu công nghệ trong một vùng sẽ có sự tương đồng. Sàn giao dịch chính nên được TP.HCM hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ lập ra, không nên tạo lập riêng lẻ, mạnh ai nấy làm, hoạt động rời rạc", ông Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Tuấn nhìn nhận, cái khó của các Sàn giao dịch công nghệ ở Việt Nam hiện nay vẫn là đầu ra. Các sản phẩm khoa học và công nghệ trên sàn đang khó tìm được bên mua. Một nguyên nhân là các sàn trực tuyến hiện đưa công nghệ chưa có một chiến lược ưu tiên. Do đó, trước mắt có thể dồn sức cho các công nghệ trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, giải pháp môi trường do nhu cầu lớn và dễ chuyển giao hay nhà nước nên có cơ chế đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu, sau đó chuyển giao cho doanh nghiệp để nhân rộng và xã hội sẽ cùng thụ hưởng kết quả nghiên cứu đó.

3112023ht6.jpg

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm giải pháp Miền Nam, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel 

Về góc nhìn của trường Đại học, TS. Lê Tấn Cường - Phó trưởng phòng Khoa học công nghệ kiêm Giám đốc Trung tâm chuyển giao công nghệ, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chia sẻ, các đây 2 năm khi nhìn nhận được vấn đề chuyển giao công nghệ ở trong nhà trường cho các doanh nghiệp bên ngoài rất là cần thiết, tránh sự lãng phí từ các đề tài nghiên cứu khoa học cũng như công sức của các thầy cô. Chúng tôi cũng đã xây dựng cho trường 1 sàn thương mại điện tử với mong muốn doanh nghiệp sẽ biết đến vì thầy cô thì chỉ lo nghiên cứu chứ không có nhiều điều kiện để đi ra bên ngoài giới thiệu công nghệ, sản phẩm.

"Thật sự chúng tôi khi nghe có Hội thảo này rất háo hức và cũng mong muốn sau Hội thảo này sàn thương mại điện tử của trường sẽ được kết nối với các Sở để những nhà nghiên cứu, những kết quả từ trường có thể có điều kiện đưa đến các Sở nhằm giúp bà con nông dân hay doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh... vì những nghiên cứu đang ấp ủ và chất xám của thầy cô ở trường cũng rất cần có bến để hiện thực hoá bằng các sản phẩm. Một lần nữa chúng tôi rất kỳ vọng sàn thương mại điện tử của trường sẽ được hội nhập với sàn chung khi Đề án này được phê duyệt", TS. Lê Tấn Cường nói.

3112023ht5.jpg

TS. Lê Tấn Cường - Phó trưởng phòng Khoa học công nghệ kiêm Giám đốc Trung tâm chuyển giao công nghệ, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chia sẻ ý kiến tại Hội thảo

Cũng tại Hội nghị các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, trường viện, đại diện các địa phương vùng Đông Nam Bộ cũng đã nêu lên nhiều ý kiến xây dựng và góp ý cho Đề án. Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, đơn vị sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, tiếp tục cho hoàn thiện Đề án và sẽ dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Kết nối các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại TP.HCM với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ” vào cuối năm 2023.

Nhật Linh (CESTI)

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353