SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực: doanh nghiệp phải chủ động hơn

14-05-2019

Chính doanh nghiệp cũng phải thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong doanh nghiệp mình và từ đó kết hợp với các trường, viện, đặt ra các đề tài hay cho trường, viện.

 

Sáng 14/5, hội thảo “Các giải pháp thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP.HCM” do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức đã thu hút sự tham gia góp ý của nhiều trường, viện, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Cuối năm 2018, UBND TP.HCM đã ra quyết định về danh mục “Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP.HCM giai đoạn 2018 - 2020”. Trong đó, 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực gồm có: Sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; Sản phẩm thiết bị điện; Sản phẩm từ nhựa, cao su; Sản phẩm thực phẩm chế biến; Sản phẩm đồ uống; Sản phẩm điện tử - CNTT và Sản phẩm Trang phục may sẵn. Ngoài ra, nhóm sản phẩm thuốc, hóa dược và dược liệu được xác định là nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố.

Điều này đã nhận được sự phản hồi tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cho rằng để nhóm sản phẩm trên được phát triển, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thành phố thì còn rất nhiều việc phải làm.

Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực: DN phải chủ động hơn - 1

Đại diện Sở KH&CN, Sở Công thương và các trường ĐH, doanh nghiệp trao đổi tại hội thảo 

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, nhận định các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn, cần sự tham gia, phối hợp của nhiều đơn vị, cơ quan chức năng. Bản thân Sở Công thương cũng đã chủ động phối hợp với các Sở ngành để giúp tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.

“Nhiều chính sách đã được đưa ra để giúp hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được các chính sách này. Bởi vậy, chúng ta cần có các chính sách mà doanh nghiệp có thể tiếp cận được. Những ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp tại hội thảo sẽ là những góp ý quan trọng để điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách”, ông Đông nói.

Một yếu tố khác được các chuyên gia đề cập tới trong câu chuyện phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực là phải tăng cường sự gắn kết 3 nhà (Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp) để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, giúp các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Nhận xét về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho biết đây là điều đã được nói đến nhiều nhưng kết quả thực tế vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Bởi vậy, GS.TS Phùng cho rằng sẽ cần những thay đổi trong cách làm để chủ trương này thực sự đem lại kết quả.

GS.TS Phùng nói: “Hiện nay, hơn 95% doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế về nguồn lực nên sự song hành với nhau giữa các trường ĐH, viện nghiên cứu và doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Các doanh nghiệp lớn phải thực hiện vai trò đi đầu, dẫn dắt để tạo ra các công nghệ nền.”

Ngoài ra, bản thân các nhà trường cũng cần có sự thay đổi. Để thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu rất cần những tổ chức trung gian. Trong đó, việc thành lập các doanh nghiệp trong trường ĐH là cách làm hiệu quả. Ngoài ra, bản thân nhà trường cũng cần có sự thay đổi cơ cấu như mời doanh nghiệp tham gia cùng nhà trường, xây dựng chương trình đào tạo.

Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực: DN phải chủ động hơn - 2

GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng cho rằng sự liên kết 3 nhà hiện nay vẫn chưa hiệu quả

Với góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trần Quốc Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty Điện Quang, cũng cho rằng các nghiên cứu trong trường ĐH trước đây thường mang tính kỹ thuật mà chưa xem đến khía cạnh thị trường. Điều này dẫn đến việc sản phẩm nghiên cứu ra tuy tốt nhưng giá quá cao, không được thị trường đón nhận.

Rút kinh nghiệm đó, công ty Điện Quang đã hợp tác với trường ĐH Bách Khoa TP.HCM phát triển công nghệ chế tạo hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng LED với sự hỗ trợ của Sở KH&CN TP.HCM theo mô hình mới. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đặt hàng cho trường ĐH và đồng hành ngay từ đầu quá trình nghiên cứu. Hiện tại, sản phẩm nghiên cứu đang được thử nghiệm và cho kết quả tích cực.

“Từ kinh nghiệm đã có, chúng tôi cho rằng doanh nghiệp phải là người chủ động. Chính doanh nghiệp cũng phải thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong doanh nghiệp mình và từ đó kết hợp với các trường, viện, đặt ra các đề tài hay cho trường, viện. Đồng thời, khi hợp tác cần phải xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi bên ngay từ ban đầu”, ông Toản cho biết.

Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực: DN phải chủ động hơn - 3

Đại diện các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu ký kết thỏa thuận hợp tác tại hội thảo

Cũng tại hội thảo, 6 biên bản thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp với các đơn vị nghiên cứu nhắm hình thành các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố đã được ký kết. 

 
Phạm Sơn - khampha.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353