SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Xây dựng mô hình hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp và trường, viện

03-10-2018

Trong tam giác hợp tác giữa Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp, Nhà nước đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhà khoa học nhưng còn thiếu công cụ để thúc đẩy hợp tác nhà khoa học và doanh nghiệp.

 

Đó là nhận định của PGS.TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao tại hội thảo mô hình khung hợp tác thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức ngày 3.10. Ngoài đại diện của Sở KH&CN TP.HCM, buổi hội thảo có sự tham gia, góp ý của đại diện một số đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn thành phố.

Doanh nghiệp phải đóng vai trò trung tâm

Thống kê của S&P 500 từ năm 1975 tới nay, tài sản vô hình, yếu tố công nghệ đang đóng vai trò ngày càng lớn trong giá trị của mỗi doanh nghiệp. Tỷ lệ của tài sản vô hình trong giá trị các doanh nghiệp này tăng từ 17% (năm 1975) lên tới 87% (năm 2015).

Trong 10 năm trở lại đây, các công ty dựa trên công nghệ số như Apple, Amazon, Facebook cũng đã soán ngôi các công ty dầu mỏ, công ty sản xuất để chiếm đa số trong danh sách những công ty có giá trị lớn nhất thế giới. Trước xu thế đó, vai trò của đổi mới trong KH&CN cần phải được đặc biệt quan tâm.

Xây dựng mô hình hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp và trường, viện - 1

Chuỗi giá trị được hình tượng hóa theo khái niệm của Stan Shih. Khâu sản xuất đem lại giá trị thấp nhất trong khi hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) đem lại giá trị lớn cho doanh nghiệp

“Đổi mới KH&CN dựa trên 4 trụ cột là KH&CN phải góp phần chuyển đổi mô hình tăng trường kinh tế; Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ; Đẩy mạnh ứng dụng và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp; KH&CN phải góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm, chú trọng phát triển doanh nghiệp KH&CN”, PGS.TS Lê Hoài Quốc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, từ tình hình thực tế hiện nay, PGS.TS Lê Hoài Quốc nhận xét trong tam giác hợp tác giữa Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp, Nhà nước đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhà khoa học nhưng còn thiếu công cụ để thúc đẩy hợp tác nhà khoa học và doanh nghiệp, nhất là các công cụ tài chính.

Thời gian qua, Sở KH&CN TP.HCM cũng đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm hỗ trợ hoàn thiện, thương mại hóa sản phẩm nhưng kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn.

GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM thừa nhận các chương trình hỗ trợ đã có nhưng chưa thành hệ thống, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn gặp rất nhiều khó khăn.

Xây dựng mô hình hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp và trường, viện - 2

Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng chia sẻ với đại diện các đơn vị tham gia hội thảo

Tăng cường kết nối

Để tháo gỡ các khó khăn này, PGS.TS Lê Hoài Quốc đề xuất khi xây dựng các chương trình hỗ trợ phải đặt mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn, từ đó xác định được lộ trình cụ thể cũng như quyền lợi, nghĩa vụ các bên.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần làm rõ hỗ trợ thương mại hóa gồm những nội dung gì. Trong đó, có thể tham khảo những mô hình như Stan Shih kết hợp với thực tế của thành phố để đưa ra những mục tiêu cụ thể. Mô hình thúc đẩy hợp tác Doanh nghiệp với trường, viện sẽ đóng vai trò quan trọng, cần nhất là phải giúp doanh nghiệp tiếp cận được những công nghệ từ kết quả nghiên cứu, hướng tới các sản phẩm cụ thể, rõ ràng.

“Các nhà khoa học khó có thể tự thương mại hóa kết quả nghiên cứu do đó rất cần có các bộ phận phụ trách kết nối tại các trường, viện. Ngoài ra, cũng nên đưa chỉ tiêu thương mại hóa vào đánh giá các trường, viện”, PGS.TS Lê Hoài Quốc nói.

Xây dựng mô hình hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp và trường, viện - 3

Theo PGS.TS Lê Hoài Quốc, kết quả thương mại hóa nên được đưa vào trong các tiêu chí đánh giá hiệu quả của trường, viện

Quan điểm trên cũng nhận được sự đồng tình của đại diện các doanh nghiệp.  Đại diện của doanh nghiệp KH&CN Thuận Thiên cho rằng doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về vấn đề kết nối với thị trường và hỗ trợ mặt bằng, chính sách thuê đất sao cho thuận tiện, giảm chi phí logistics.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện công ty viễn thông Khánh Hội cũng nhận định tài chính là vấn đề mà mọi doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp gặp phải. Tuy nhiên, sự hỗ trợ quan trọng nhất mà những đơn vị như Khánh Hội trong đợi từ các cơ quan quản lý Nhà nước là các hoạt động kết nối giúp doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm, giải pháp thành phẩm tới khách hàng tiềm năng.

Đại diện công ty Khánh Hội cho biết: "Chúng tôi hiện đã có giải pháp, sản phẩm thiết bị hoàn chỉnh về giám sát, định vị GPS dành cho phương tiện vận tải, và đã thương mại hóa nhiều năm này. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu Sở KHCN cũng như Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố giúp chúng tôi tiếp cận với các đề án của Thành phố, Sở ngành liên quan."

Chia sẻ với đại diện các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở KH&CN GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng cho biết Sở KH&CN đang tiếp tục đẩy mạnh các chương trình thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kết nối trường, viện với doanh nghiệp. Sàn giao dịch công nghệ TP.HCM là một địa chỉ uy tín để doanh nghiệp và các trường, viện có thể tìm hiểu nhu cầu, giới thiệu các sản phẩm, công nghệ, thiết bị.

Trong thời gian vừa qua, Sở KH&CN TP.HCM cũng đã tổ chức các chuyền khảo sát thực tế tại một số trường đại học, cao đẳng, đơn vị nghiên cứu và các doanh nghiệp để nắm tình hình thực tế và ghi nhặn ý kiến của các đơn vị. Từ những ý kiến đó, Sở KH&CN TP.HCM sẽ điều chỉnh cũng như đưa ra các chương trình thiết thực thúc đẩy kết nối trường, viện – doanh nghiệp trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

 

 
Phạm Sơn - khampha.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353