SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tiếp và làm việc với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

30-11-2023
Đây là buổi làm việc nhằm thu thập dữ liệu, khảo sát và đánh giá thực trạng hệ thống thống kê văn hóa, mức độ triển khai các mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực văn hóa, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn TP.HCM và các nội dung khác liên quan đến Đề án Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững theo Quyết định số 2974/QĐ-BVHTTDL và Đề án Xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 3120/QĐ-BVHTTDL… mà hiện nay, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao thực hiện.

Chiều ngày 29/11/2023, tại trụ sở của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, ông Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do bà Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam dẫn đầu, cùng tham gia đoàn còn có bà Nguyễn Thị Thanh Hoa - Phó Trưởng ban Nghiên cứu Văn hoá; bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa và Nghệ thuật đương đại; bà Nguyễn Thị Thu Trang - Trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa và Nghệ thuật đương đại; ông Nguyễn Tuấn Anh - Trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa và Nghệ thuật đương đại; bà Phạm Thị Nhung - Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế. Cùng tham gia với lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM còn có bà Nguyễn Thị Thu Sương - Quyền Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học; ông Phan Quốc Tuấn - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ; bà Đặng Thị Luận - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ cùng các chuyên viên thuộc Sở.

301123HT1.jpg

Buổi làm việc giữa Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM với đoàn công tác của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Theo bà Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là một đơn vị tư vấn chính sách cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong các lĩnh vực liên quan đến văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch… Hiện nay, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao thực hiện một số đề án như Đề án Xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hay Đề án Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững.

“Với 2 đề án và nhiệm vụ được giao, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam hiện đang thực hiện một đợt khảo sát ở TP.HCM nhằm gặp gỡ các cơ quan như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, các viện nghiên cứu, các trường, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các cá nhân và doanh nghiệp… làm cơ sở thực tiễn cho Viện để xây dựng nội dung của các chiến lược và đề án này. Hôm nay rất cảm ơn Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã sắp xếp thời gian để tiếp đoàn, chúng tôi rất hy vọng những trao đổi trong buổi hôm nay thật là cởi mở và thu thập được nhiều thông tin nhất có thể, bà Nguyễn Thị Thu Phương kỳ vọng.

301123HT2.jpg

Đoàn công tác của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đến thăm và làm việc tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã giới thiệu các thông tin mới về chủ trương, định hướng xây dựng và phát triển TP.HCM trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia. Cũng như, giới thiệu tổng quan về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và các chỉ số đánh giá của thế giới đối với hệ sinh thái này mà TP.HCM hiện đang đạt được. Bên cạnh đó, phía Sở Khoa học và Công nghệ cũng giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh, những định hướng mới trong công tác xây dựng và phát triển lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố ở giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai. Đồng thời, cũng giới thiệu về chương trình nghiên cứu quản lý đô thị mà trong đó có các lĩnh vực ưu tiên về văn hóa đô thị, con người và gia đình đô thị cũng như chiến lược phát triển ngành văn hóa, công nghiệp văn hóa, du lịch và thể thao… Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM còn đề xuất các nội dung trọng tâm sẽ đưa vào nghiên cứu nhằm thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

"Về vai trò của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM trong chiến lược phát triển văn hóa cũng như đề án phát triển văn hóa của TP.HCM trong giai đoạn vừa qua thì Sở cũng tập trung tham mưu với Ủy ban nhân dân Thành phố và các đơn vị liên quan để ban hành nhiều chương trình trọng tâm. Ngoài ra, Sở cũng là nơi mà các cơ quan, Sở ban ngành, đơn vị nghiên cứu, trường viện… có thể đặt hàng hoặc ngược lại nhận đặt hàng từ Sở nhằm nghiên cứu các vấn đề về văn hóa, về cơ sở lý luận văn hóa để làm cơ sở cho việc phát triển văn hóa của Thành phố. Trong thời gian vừa qua, thông qua công tác đặt hàng, đã có khoảng 25 đề tài được Sở tiếp nhận từ phía các đơn vị như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa và Thể thao, Công viên Lịnh sử - Văn hóa Dân tộc… để đưa ra thông báo, lựa chọn đơn vị thực hiện nghiên cứu và nghiệm thu”, ông Lê Thanh Minh chia sẻ.

301123HT3.jpg

Đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng đại diện Phòng Quản lý Khoa học, Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ trong buổi làm việc

Cũng tại buổi làm việc các đại diện Phòng ban, Trung tâm trực thuộc Sở đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến sự phối hợp giữa Sở và các đơn vị trong tiến trình phát triển văn hóa tại địa phương, về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố, các chương trình ươm tạo, sự hỗ trợ của Sở và Thành phố đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ và đặc biệt là văn hóa xã hội trên địa bàn Thành phố.

Cụ thể, trong 5 năm gần đây, TP.HCM liên tục tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đã thu hút hơn 2.000 dự án tham gia. Bên cạnh đó, khoảng 250 dự án được lựa chọn vào các chương trình ươm tạo vườn ươm. Theo thống kê, có 61 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình SpeedUP dưới hình thức thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ thông qua các vườn ươm và trung tâm khởi nghiệp với kinh phí hỗ trợ mỗi dự án tối đa 2 tỷ đồng từ ngân sách, thời gian hỗ trợ tối đa 2 năm.

Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng cho Thành phố các chính sách thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khu vực công. Đối với những vấn đề đã có sản phẩm, giải pháp công nghệ thì Thành phố sẽ mời gọi các startup triển khai. Với những vấn đề Thành phố đang đặt hàng nhưng chưa có sản phẩm, dịch vụ phù hợp thì sẽ đặt hàng và lựa chọn đơn vị thực hiện.

Để thu hút các dự án đầu tư cho đổi mới sáng tạo khu vực công, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã tham mưu cho Thành phố thực hiện cơ chế ưu đãi về thuế, miễn thuế, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các thành phần chủ chốt trong hệ sinh thái mà cụ thể ở Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội thông qua.

Trước đó, năm 2022, TP.HCM cũng đã chính thức triển khai chương trình đổi mới sáng tạo trong khu vực công, kêu gọi các giải pháp, ý tưởng cải thiện hoạt động quản trị nhà nước trong lĩnh vực công và đã có 3 đơn vị là Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh triển khai tìm kiếm giải pháp từ cộng đồng khởi nghiệp vào công tác quản lý, quản trị điều hành. Thành phố đã đặt hàng triển khai 134 nhiệm vụ khoa học công nghệ. Trên 60% là các nhiệm vụ ứng dụng trực tiếp tại các Sở, ngành, quận, huyện, chủ yếu là chương trình nghiên cứu phục vụ quản lý và phát triển đô thị.

Đối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, TP.HCM cũng có các nhóm chính sách tập trung vào hoạt động tập huấn, huấn luyện nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của cộng đồng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ươm tạo cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua hỗ trợ các cuộc thi, chương trình tuyển chọn từ các vườn ươm; chương trình SpeedUp. Thành phố ưu tiên cho các chương trình chuyển đổi số, AI, y tế và giáo dục và các nhiệm vụ triển khai dưới 12 tháng.

Đồng thời, Thành phố cũng có nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường khoa học công nghệ kể cả trong lĩnh vực văn hóa. Sở Khoa học và Công nghệ cũng đang quản lý 4 nền tảng trực tuyến nhằm đào tạo, huấn luyện nâng cao năng suất chất lượng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; một sàn giao dịch khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tập trung những công nghệ, thiết bị muốn chuyển giao của các đơn vị trong và ngoài nước và nền tảng triển lãm trực tuyến giới thiệu sản phẩm của các startup. Đó là trang phổ biến kiến thức trực tuyến https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn/; hệ thống liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ Stinet https://stinet.gov.vn/; cổng thông tin đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ Thành phố Techport http://techport.vn/.

Ngoài ra, các nhiệm vụ chuyển đổi số phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thành phố, Sở cũng đang triển khai vận hành, thử nghiệm “Hệ thống quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ” và “Nền tảng trực tuyến hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo tại TP.HCM (HCMC Open Innovation Platform - H.OIP)” và đang hoàn thiện nội dung đặt hàng “Phát triển nền tảng trực tuyến sáng kiến cộng đồng” và “Xây dựng công cụ cập nhật, số hóa cơ sở dữ liệu về nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ và các hoạt động liên quan hoạt động an ninh nguồn phóng xạ, ứng phó sự cố bức xa”.

301123HT4.jpg

Đoàn công tác của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cùng chụp ảnh lưu niệm với Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng các phòng ban chuyên môn thuộc Sở

Nhật Linh (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353