SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Tọa đàm góp ý tiêu chí đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

23-10-2023
Tọa đàm nhằm trao đổi, thảo luận, lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp để giúp hoàn thiện lại hệ thống các tiêu chí đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, theo Quyết định số 35/2023/QĐ-UBND ngày 21/8/2023 của Ủy ban nhân dân TP.HCM về ban hành Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước TP.HCM.

Ngày 19/10/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Tọa đàm góp ý “Tiêu chí đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ”. Tham dự tọa đàm có TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM; TS. Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng dự với Lãnh đạo Sở còn có đại diện Phòng Quản lý Khoa học, Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ Cơ sở cũng như một số phòng ban chuyên môn và Trung tâm trực thuộc Sở. Tọa đàm này cũng đã thu hút được hơn 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp khoa học công nghệ, trường viện, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn TP.HCM cùng tham dự.

21102023TD3.jpg

Hơn 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp khoa học công nghệ, trường viên, trung tâm nghiên cứu tham dự buổi tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, hiện nay không riêng TP.HCM mà các tỉnh thành trên cả nước đều gặp khó khăn trong vấn đề chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Điều này cũng dẫn tới sự chậm trễ trong việc tuyển chọn hồ sơ, lựa chọn đơn vị cũng như cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ trong thời gian vừa qua.

“Ví dụ đơn cử về vấn đề hồ sơ, thật sự chúng tôi cũng muốn nhanh nhất, nhưng quý vị cũng biết, nộp bất kỳ 1 nhiệm vụ đề xuất nào vào cho tới khi ký được hợp đồng theo quy trình thì cũng đã mất 53 ngày làm việc... chúng tôi không muốn điều đó. Cho nên thông qua tọa đàm ngày hôm nay, dựa trên chủ đề là tiêu chí đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, rất mong quý thầy cô, các nhà khoa học, chuyên gia, quý doanh nghiệp cùng nhau chúng ta thẳng thắn góp ý và tiếp thu để làm sao vận dung sáng tạo nhất có thể, khắc phục những khó khăn, thay thế những hạn chế để công tác này được thực hiện một cách hiệu quả nhất, nhanh chóng nhất và tối ưu nhất. Gợi ý, thứ nhất là chúng ta rút ngắn được quá trình xét duyệt và tuyển chọn hồ sơ. Thứ hai là tiêu chí chấm điểm đề tài. Thứ ba là cách hướng dẫn thực hiện đề tài của các chủ nhiệm dành cho các cá nhân, đơn vị khi thực hiện đề tài. Thứ tư là mức chi cho nhiệm vụ khoa học công nghệ…”. TS. Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.

21102023TD1.jpg

TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu tại tọa đàm

Cũng theo TS. Nguyễn Việt Dũng, hiện nay Sở cũng đang thực hiện các bước đề xuất và trình Hội đồng nhân dân Thành phố về việc chi ngân sách cho chủ nhiệm đề tài khi được xét duyệt. Cụ thể, mức chi có thể lên tới 60 triệu đồng, thay cho trước đây chỉ có 48 triệu đồng, khoản chi này dựa trên tinh thần của Nghị quyết 98 mà Quốc hội cho TP.HCM.

“Chúng tôi cũng có một đề xuất nữa với mức chi cao hơn, để dành cho các đơn vị muốn trở thành nghiên cứu mạnh… tất nhiên không phải đơn vị nào cũng được. Các chương trình bình thường khác thì vẫn sẽ làm đúng theo quy trình, riêng phần này là dành cho các dự án, chương trình, đề tài dài hơi có thể là 5 năm hoặc dài hơn. Và cũng chia sẻ thêm là, chi ngân sách cho nhiệm vụ khoa học công nghệ được Bộ Tài chính thiết kế trước đây theo cá nhân tôi nghĩ nó giống như việc làm thêm của các nhà khoa học, cho nên với mức thù lao như hiện tại thì khó mà nuôi được lực lương nghiên cứu viên thật sự chuyên nghiệp. Do đó, việc đề xuất chi cao hơn cho đội ngũ này sẽ đáp ứng được mức sống và khi đó chuyên gia có thể tập trung 100% vào vấn đề nghiên cứu mà không phải lo chạy ngược chạy xuôi cơm áo gạo tiền, giảng dạy…”. TS. Nguyễn Việt Dũng bộc bạch.

Cũng tại Tọa đàm bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) đã trình bày dẫn đề về tiêu chí đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước TP.HCM theo Quyết định số 35/2023/QĐ-UBND ngày 21/8/2023 của UBND Thành phố (Quy chế 35) với một số nội dung cần lưu ý như: Yêu cầu đối với việc thực hiện nhiệm vụ; Nguyên tắc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ; Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ; Giao trực tiếp đơn vị sự nghiệp công lập khoa học và công nghệ của Thành phố thực hiện nhiệm vụ.

Cụ thể, yêu cầu đối với việc thực hiện nhiệm vụ theo Quy chế 35 thì nhiệm vụ có 01 chủ nhiệm nhiệm vụ. Trong đó, điều kiện đối với tổ chức đăng ký chủ trì đã bổ sung trường hợp tổ chức không đủ điều kiện hoặc có sai phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ sẽ không được đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp trong thời gian 01 năm kể từ khi có quyết định đình chỉ của Sở Khoa học và Công nghệ hay như vi phạm các hành vi bị cấm theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ. Còn điều kiện đối với cá nhân đăng ký chủ nhiệm thì không quy định số lượng nhiệm vụ do cá nhân chủ trì và nếu cá nhân có vi phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ do mình làm chủ nhiệm trong thời gian 03 năm kể từ khi có quyết định của Sở Khoa học và Công nghệ thì không đủ điều kiện tham gia tuyển chọn.

“So với Quy chế 35, Quy chế 48 theo yêu cầu đối với việc thực hiện nhiệm vụ thì chỉ có 01 chủ nhiệm nhiệm vụ, ngoại trừ những nhiệm vụ có tính chất liên ngành và do thủ trưởng cơ quan quản lý quyết định. Đối với tổ chức thì các trường hợp này chưa được quy định. Còn đối với cá nhân thì nếu đang làm chủ nhiệm từ 01 nhiệm vụ trở lên bằng nguồn kinh phí tài trợ của thành phố hay có sai phạm dẫn đến bị đình chỉ sẽ không được đăng ký thực hiện nhiệm vụ trong thời hạn hai năm kể từ ngày có quyết định của cơ quan có thẩm quyền sẽ không được tham gia tuyển chọn”. bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng chia sẻ. 

21102023TD2.jpg

Bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng chia sẻ tại tọa đàm

Đối với Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ thì Quy chế 35 nêu rõ Hội đồng gồm có 01 Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch (nếu cần), 02 thành viên là ủy viên phản biện, 01 ủy viên thư ký khoa học và các thành viên khác. Số lượng các thành viên trong Hội đồng từ 05 đến 09 thành viên. Các ủy viên phản biện của Hội đồng công tác tại các tổ chức khác nhau. Giao trực tiếp đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố thành lập thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ thực hiện nhiệm vụ cụ thể gồm: Đơn vị xây dựng chương trình khoa học và công nghệ/ dự án khoa học và công nghệ; các nhiệm vụ phát sinh hàng năm phù hợp với chức năng nhiệm vụ của đơn vị. Đơn vị gửi Chương trình/dự án khoa học và công nghệ, nhiệm vụ phát sinh về Sở Khoa học và Công nghệ để tổ chức thẩm định, phê duyệt, ký hợp đồng thực hiện. Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức quản lý nhiệm vụ theo quy định tại Quy chế. 

“Hội đồng tư vấn gồm có 01 Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch, 02 thành viên là ủy viên phản biện, 01 ủy viên thư ký khoa học và các thành viên khác. Số lượng các thành viên trong Hội đồng tư vấn từ 05 đến 09 thành viên. Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách sự nghiệp khoa học của Thành phố có thể áp dụng quy định tại Chương V của Quy chế này hoặc ban hành quy định riêng phù hợp với điều kiện, đặc thù của cơ quan, đơn vị đê thực hiện việc quản lý các nhiệm vụ có sử dụng ngân sách thành phố thuộc phạm vi quản lý của mình. Cơ quan quản lý tự thực hiện”, bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng chia sẻ. 

Nguyên tắc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ với trường hợp cấp tối đa đến 100% tổng kinh phí bao gồm: Nhiệm vụ thuộc danh mục nhiệm vụ theo thông báo của Sở Khoa học và Công nghệ; Nhiệm vụ được xét giao trực tiếp theo quy định; Nhiệm vụ khác được Hội đồng đánh giá đạt từ 80/100 điểm trở lên và có sản phẩm đáp ứng một trong các tiêu chí cụ thể như: phục vụ cho khu vực công của Thành phố; phục vụ cho cộng đồng người dân Thành phố; phục vụ nhóm doanh nghiệp của Thành phố; sản phẩm mang tính đột phá so với sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường hoặc sản phẩm có tiềm năng phát triển trong tương lai. Ngoài ra, sẽ xem xét hỗ trợ một phần kinh phí ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ không thỏa tiêu chí nêu trên.

"Riêng Quy chế 48 ở Điều 24. Nguyên tắc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ bao gồm: Nhiệm vụ do Thành phố đặt hàng theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Quy chế này được cấp toàn bộ kinh phí thực hiện; Dự án sản xuất thử nghiệm được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 22/2011/TTLT-BTC-BKHCN ngày 21 tháng 02 năm 2011 về hướng dẫn quản lý tài chính đối với các dự án sản xuất thử nghiệm được ngân sách nhà nước hỗ trợ; Nhiệm vụ không thuộc quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này được xem xét cấp một phần kinh phí thực hiện nhưng không quá 1 tỷ đồng đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ, không quá 500 triệu đồng đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Trường hợp đặc biệt do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định", bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng nói.

Đối với tiêu chí đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ; khoa học xã hội và nhân văn; đề án khoa học hay tiêu chí đánh giá nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản phẩm (dự án sản xuất và thử nghiệm) thì TP.HCM cũng có trọng số bám khá sát với Bộ Khoa học và Công nghệ theo các bộ tiêu chí đánh giá nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia do hiện nay không có tiêu chí đánh giá nhiệm vụ khoa học công nghệ cụ thể cho cấp tỉnh.

"Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố trên cơ sở tham khảo Bộ Khoa học và Công nghệ về tiêu chí đánh giá thuyết minh nhiệm vụ cũng gặp phải những khó khăn và vấn đề phát sinh. Thứ nhất là khi mình đành giá thì yêu cầu đánh giá hiện tại của mình chỉ đánh giá đúng định hướng, đúng mục tiêu đặt hàng, nhiệm vụ có tính mới về khoa học và công nghệ, nội dung và phương pháp và sản phẩm phù hợp với mục tiêu đề ra. Cũng như kết quả tư vấn của Hội đồng cho Sở Khoa học và Công nghệ khi không thực hiện nhiệm vụ thì đề nghị thực hiện nhiệm vụ hay đề nghị thực hiện nhiệm vụ đó với một số điều chỉnh. Tuy nhiên, đối với điều kiện thực tế của TP.HCM thì phát sinh 1 số yêu cầu sau khi quy chế mới ban hành thì ngoài yêu cầu đánh giá theo hiện tại thì có thêm các yêu cầu như: sản phẩm phải có tính đột phá, tính ưu tiên, nhiệm vụ có cần thiết hay không, phương pháp thực hiện có khả thi không, kinh phí thực hiện có phù hợp không...", bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng chia sẻ thêm.

21102023TD4.jpg

Đại diện doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi với tinh thần cởi mở, tích cực tại tọa đàm

Được biết, tại toạ đàm đã có trên 15 phát biểu đóng góp ý kiến tới từ các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp khoa học công nghệ, trường viện, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn TP.HCM xoay quanh các vấn đề mà Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã gợi ý trước đó. Theo Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ chia sẻ thêm, trong thời gian sắp tới đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức thêm các buổi tọa đàm, hội thảo với nhiều nội dung khác để đưa Nghị quyết 98 của Quốc hội cho Thành phố thực sự đi vào cuộc sống.

Nhật Linh (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353