SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu sản xuất nhựa, bao bì 'xanh' và thông minh

14-06-2019

Thách thức cho các công ty thực phẩm và nhà sản xuất bao bì không chỉ là thích nghi với các xu hướng đã và đang hình thành, mà còn phải dự báo và tạo cảm hứng sáng tạo xu hướng mới.

 

Chiều ngày 14/6/2019, Sở KH&CN TP.HCM phối hợp cùng Quỹ phát triển KH&CN TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học "Kết nối hình thành các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển ngành nhựa/màng bao bì thực phẩm của Thành phố tầm nhìn đến 2025".

Hội thảo nhằm kết nối các nhà khoa học và doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và giải quyết các vấn đề cấp bách của ngành nhựa/bao bì cũng như tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi ni lông trên địa bàn TP.

TP.HCM đặt mục tiêu sản xuất nhựa, bao bì 'xanh' và thông minh - 1

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Khắc Thanh -  Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho biết từ năm 2014, Sở KH&CN đã được UBND TP.HCM giao trách nhiệm nghiên cứu phát triển các loại túi ni lông thân thiện với môi trường đồng thời đề xuất tiêu chí đánh giá các loại túi ni lông cũng như chuyển giao công nghệ tái chế.

Sau gần 5 năm, mặc dù đạt được nhiều thành quả nhưng trước xu hướng phát triển của công nghệ đòi hỏi ngành nhựa/màng bao bì thực phẩm phải có những thay đổi mang tính cấp thiết hơn. Thông qua buổi Hội thảo, Sở KH&CN mong muốn doanh nghiệp, trường, viện cùng chia sẻ công việc cũng như phương hướng phát triển để tạo ra mối liên kết, giải quyết những vướng mắc của ngành. 

TP.HCM đặt mục tiêu sản xuất nhựa, bao bì 'xanh' và thông minh - 2

TS. Hoàng Xuân Tùng - Trường ĐH Công Nghệ TP.HCM

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra những xu hướng phát triển của ngành nhựa/bao bì. Theo TS Hoàng Xuân Tùng, trường Đại học Công Nghệ TP.HCM, một trong những xu hướng phát triển trong tương lai là bao bì thông minh giúp theo dõi chất lượng thực phẩm trong quá trình vận chuyển và lưu kho.

Bao bì thông minh có thể tự điều chỉnh để kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm cũng như đổi màu để biểu hiện mức độ tươi mới của thực phẩm. Điều này góp phần hạn chế thực phẩm lãng phí cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tránh trường hợp nhiễm bệnh do ăn, uống thực phẩm bị hỏng. Cùng với đó là xu hướng sản xuất bao bì thân thiện với môi trường. Loại bao bì này không chỉ có khả năng phân hủy tự nhiên mà quá trình sản xuất cũng không gây ảnh hưởng gián tiếp đến môi trường.

TS Hoàng Xuân Tùng cũng cho hay, thách thức cho các công ty thực phẩm và nhà sản xuất bao bì không chỉ là thích nghi với các xu hướng đã và đang hình thành, mà còn phải dự báo và tạo cảm hứng sáng tạo xu hướng mới.

TP.HCM đặt mục tiêu sản xuất nhựa, bao bì 'xanh' và thông minh - 3

Ông Lê Xuân Dục - Phó tổng giám đốc công ty Liksin

Đồng quan điểm, ông Lê Đức Dục - Phó tổng giám đốc công ty Liksin, cho biết doanh nghiệp của ông hiện đang phát triển sản phẩm theo xu hướng bền vững với 3 yếu tố: Tối giản hóa, Tái sử dụng và Tái chế. Trong đó, tối giản hóa sẽ giúp làm giảm lượng nhựa sử dụng, giảm độ dày hay kích thước của bao bì nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng. Tái chế bằng cách sử dụng vật liệu thân thiện như giấy, vật liệu phân hủy sinh học. Tái sử dụng đơn giản là tái chế lại những sản phẩm qua sử dụng.

Cũng tại hội thảo, ông Phạm Văn Xu - Trưởng phòng quản lý khoa học Sở KH&CN TP.HCM, đã nêu ra một số định hướng nghiên cứu trong thời gian tới đối với ngành nhựa/bao bì thực phẩm dựa trên kết quả khảo sát 30 doanh nghiệp trong ngành.

Theo đó, ngành nhựa/bao bì thực phẩm cần tập trung vào nghiên cứu ứng dụng vật liệu sinh học trong sản xuất bao bì sinh học và thân thiện môi trường; Xây dựng các quy định, tiêu chuẩn đối với bao bì và tiến tới xuất khẩu. Đồng thời nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất bao bì thông minh cho ngành thực phẩm.

 
Thạch An - khampha.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353