SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thầy giáo 'sáng kiến': Cho học trò thành thị đi chợ, nấu cơm để 'tự chủ'

27-12-2018

Trong giờ Sinh học và Công nghệ của thầy Phúc, học sinh sẽ tự tay lựa chọn thực phẩm an toàn, thỏa sức nấu nướng chế biến và còn quay phim, dựng clip để giới thiệu về sản phẩm của mình.

 

Hãy để học sinh tự thể hiện

Tốt nghiệp ngành Sư phạm Sinh, thầy giáo Lê Thiên Phúc, sinh năm 1988, về giảng dạy tại trường THPT Phú Nhuận. Tại đây, thầy Phúc đã gây ấn tượng với mọi người bằng tinh thần đổi mới sáng tạo để đem những điều tốt nhất đến cho học sinh.

“Học sinh ngày nay ngày càng thông minh, cá tính và tự chủ hơn. Kiến thức về công nghệ thông tin và việc tiếp cận các nguồn thông tin của các em cũng tốt hơn rất nhiều so với thế hệ trước. Vậy tại sao không để các em chủ động nêu lên quan điểm, ý kiến của mình và tự trình bày theo cách riêng?”, thầy Phúc chia sẻ.

Thầy giáo 'sáng kiến': Cho học trò thành thị đi chợ, nấu cơm để 'tự chủ' - 1

Thầy Lê Thiên Phúc và những sản phẩm của dự án “Phòng chống muỗi học đường”.

Với quan điểm đó, thầy Phúc đã biến những giờ dạy Sinh học và Công nghệ của mình trở thành những buổi thực hành hấp dẫn. Thay vì tiếp nhận kiến thức một cách một chiều, các em học sinh làm việc theo nhóm để chủ động tìm hiểu kiến thức liên quan tới bài học.

Theo đó, học sinh được trải nghiệm thực tế từ việc nhận diện rau nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu và cách trồng rau sạch để ăn. Các em cũng được tìm hiểu và nắm được thông tin chất dinh dưỡng (protein, lipit, cacbonhidrat, chất xơ, vitamin và khoáng chất..) có trong các loại rau củ quả... để từ đó chế biến thành những món ăn ngon.

Toàn bộ quá trình này sẽ được các em ghi lại và dựng thành các clip, đồng thời, các em đóng vai trò là diễn giả, giới thiệu về sản phẩm hoàn chỉnh của mình.

Nhờ đó, ngoài các kiến thức từ bài học, các em còn học được những kỹ năng khác như làm việc nhóm, tìm kiến thông tin và kỹ năng thuyết trình. Mỗi em cũng phát huy được năng lực bản thân cũng như biết được ưu khuyết điểm bạn bè trong lớp để phối hợp tốt hơn.

Ngoài ra, các em được thực hành trên mẫu vật thật và tự làm ra các mô hình, sản phẩm có thể dùng trong cuộc sống. Nhiều sản phẩm độc đáo đã ra đời từ sự sáng tạo của chính các em.

Thầy Phúc cũng đã áp dụng việc dạy học chuyên đề cho các em học sinh vào chương trình sinh học 11. Nhiều chuyên đề thú vị như quan hệ tình dục tuổi vị thành niên, sống thử, cách sử dụng bao cao su, tình yêu tuổi học đường... đã giúp học sinh có định hướng về các vấn đề giáo dục giới tính, các vấn đề cảm trong cuộc sống. 

Thầy Phúc cho hay: “Ai cũng muốn được thể hiện mình và được ghi nhận. Do đó, khi các em được tự chủ động tìm hiểu thông tin, tự làm slide Power Point và tự thuyết trình, chia sẻ về những kiến thức mình tìm hiểu được thì các em rất hào hứng và tìm hiểu rất sâu về nội dung đó. Giáo viên chỉ là người định hướng, điều khiển các hoạt động trong tiết học”.

Học là phải ứng dụng và xài được

Thầy Phúc cũng cho biết không chỉ học sinh mà cả giáo viên cũng học hỏi được nhiều từ những giờ học sáng tạo đó. Bản thân thầy Phúc học hỏi được từ chính các học sinh của mình những kiến thức công nghệ mới, những góc nhìn, quan điểm khác nhau về những nội dung được thảo luận.

Những phương pháp sáng tạo của thầy Phúc đã tạo ra sự hứng thú cho các em học sinh và nhận được sự đánh giá cao từ ban giám hiệu nhà trường. Sau 2 lớp Công nghệ theo phương pháp STEM trong năm học 2017 - 2018, phương pháp này được mở rộng lên thành 10 lớp (6 lớp môn Sinh và 4 lớp môn Công nghệ) trong năm học 2018 – 2019.

Thầy giáo 'sáng kiến': Cho học trò thành thị đi chợ, nấu cơm để 'tự chủ' - 2

Các học sinh của thầy Lê Thiên Phúc bên những sản phẩm của các em trong tiết học STEM

Thầy Trần Công Tuấn, phó hiệu trưởng trường THPT Phú Nhuận, nhận xét: “Thầy Phúc là giáo viên trẻ có năng lực chuyên môn rất tốt và được học sinh yêu quý. Thầy cũng luôn chịu khó tìm tòi đổi mới. Có những giờ ra chơi, thầy Phúc vẫn ở lại lớp để trao đổi với các em học sinh.”

Phương pháp dạy học sáng tạo của thầy Lê Thiên Phúc đã giành được giải nhất của cuộc thi Sáng kiến Cộng đồng 2018. Cuộc thi do Sở KH&CN TP.HCM khởi xướng từ năm 2016 và giao Tạp chí Khám Phá  phối hợp với Phòng Quản lý Khoa học Cơ sở (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức thường niên. 

Chia sẻ sau khi nhận được giải thưởng, thầy Phúc nói: "Tôi rất tự hào khi được nhận giải thưởng cao quý này. Tôi thấy sự nỗ lực của bản thân mình và sự cố gắng của các em học sinh đã được ghi nhận. Điều đó tạo niềm tin, động lực để tôi có thể sáng tạo, đổi mới hơn nữa trong công tác giảng dạy cũng như đem lại những sự tốt đẹp, hạnh phúc cho cộng đồng”.

Thầy giáo 'sáng kiến': Cho học trò thành thị đi chợ, nấu cơm để 'tự chủ' - 3

Thầy Lê Thiên Phúc đã được trao giải nhất cuộc thi Sáng kiến Cộng đồng 2018 

Với quan niệm hãy cho đi khi còn có thể, thầy giáo trẻ này cũng mong muốn có thể cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục, "giúp các em học sinh đam mê, hứng thú hơn với môn học và được trải nghiệm, sáng tạo nhiều hơn bởi học là phải ứng dụng và xài được”.

 

Phạm Sơn - khampha.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353