SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và xây dựng các giải pháp thích ứng

26-12-2021

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ đồng thời với quá trình đô thị hóa, TP.HCM cần đặc biệt quan tâm các giải pháp ứng phó chủ động, từ đó tạo nên sự tồn tại và phát triển bền vững trong môi trường sống liên tục.

Những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và các yếu tố liên quan ở TP.HCM đã có sự thay đổi rõ rệt, nền nhiệt độ có xu thế tăng ở hầu hết các trạm quan trắc, các trận mưa cực đoan xuất hiện với tần suất và cường độ ngày càng nhiều, hiện tượng xâm nhập mặn xuất hiện sâu vào đất liền, ngập lụt diễn ra cũng ngày càng nặng nề… Điều này cho thấy BĐKH đã và đang có nhiều tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và các tỉnh, thành lân cận.

Trước sự tác động của BĐKH đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố, nhu cầu nghiên cứu về mức độ tác động và đề xuất các giải pháp ứng phó là điều rất cần thiết, đang được sự quan tâm từ nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Cũng trên cơ sở phân tích các yếu tố BĐKH và giải pháp ứng phó liên quan, nhiệm vụ khoa học công nghệ“Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu tới phân bố dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng cấp nước sạch, vệ sinh môi trường và đề xuất các giải pháp thích ứng” đã được nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nhiệt đới môi trường chủ động thực hiện từ tháng 9/2019 với sự hỗ trợ kinh phí từ Sở KH&CN TP.HCM. 

Cụ thể hơn, nhóm nghiên cứu hướng đến mục tiêu đánh giá tác động của BĐKH ảnh hưởng tới sự phân bố dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, đồng thời đưa ra các đề xuất giải pháp thích ứng.

bdkh1

Mức tăng nhiệt độ dự báo qua các thời kỳ

Sau quá trình nghiên cứu, kết quả của đề tài vừa được nghiệm thu trong năm 2021 đã cho thấy những đặc điểm liên quan đến tác động của BĐKH tới phân bố dân cư, hạ tầng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở TP.HCM. 

Đồng thời nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng hoàn thiện các kịch bản phát triển về phân bố dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng cấp nước sạch, vệ sinh môi trường ở TP.HCM đến năm 2030 và 2050; xây dựng giải pháp thích ứng với BĐKH theo mức độ tổn thương khí hậu, rủi ro khí hậu và nhu cầu thích ứng của Thành phố.

Ảnh hưởng của BĐKH dựa trên phân bố dân cư

Thạc sỹ Nguyễn Phú Bảo, chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, phân bố dân cư, hạ tầng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường là  3 yếu tố có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, góp phần cho sự phát triển về an sinh và kinh tế xã hội. Trong đó, phân bố dân số càng phát triển thì nhu cầu về phát triển hạ tầng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường cũng càng cao, và ngược lại, sự phát triển phát triển hạ tầng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường cũng sẽ nâng cao chỉ số phát triển về phân bố dân số.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu ảnh hưởng của BĐKH đến phân bố dân số, hạ tầng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường cũng là hướng đi quan trọng và cần thiết về đánh giá tác động cũng như ứng phó với BĐKH”, đại diện nhóm thực hiện nhiệm vụ nêu rõ trong báo cáo nghiệm thu nhiệm vụ. 

bdkh2

Sơ đồ tổng thể xây dựng kịch bản BĐKH cho TP.HCM

Sau quá trình nghiên cứu, thạc sỹ Nguyễn Phú Bảo và cộng sự tại Viện Nhiệt đới môi trường  đã tổng hợp được nhiều dữ liệu liên quan tới tình hình tác động của BĐKH ở thời điểm hiện tại cho đến năm 2050.

Cụ thể, tác động của BĐKH tới phân bố dân cư tương ứng với mốc thời gian: hiện tại - năm 2030 - năm 2050, là khá rõ rệt. Đặc biệt, dự báo trong năm 2030 sẽ là giai đoạn có tốc độ tăng dân số cao nhất. Tuy nhiên, các giải pháp thích ứng với BĐKH của lĩnh vực này lại chưa thể hiện dược kết quả rõ rệt.

bdkh4

Bản đồ chỉ số tổn thương khí hậu do tác động cảu BĐKH đến phân bố dân cư.

Trong khi đó, tác động của BĐKH đối với hạ tầng cấp nước sạch là ở mức độ cao với khoảng thời gian hiện trạng - năm 2030 - năm 2050. Nguyên nhân là do tác động của xâm nhập mặn đến các nguồn cung cấp nước là đáng kể và năng lực thích ứng với vấn đề xâm nhập mặn còn hạn chế.

bdkh5

Bản đồ tổn thương khí hậu do tác động của BĐKH đến hạ tầng cấp nước sạch.

Cuối cùng, về tác động của BĐKH tới lĩnh vực vệ sinh môi trường, nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt giữa các khu vực địa lý của TP.HCM, trong đó khu vực ngoại thành thành phố có mức độ ảnh hưởng khí hậu cao nhất.

bdkh6

Bản đồ chỉ số tổn thương khí hậu về vệ sinh môi trường.

Bên cạnh đó, kết quả đánh giá tác động của BĐKH của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy mức độ tác động của BĐKH đến từng lĩnh vực có sự khác nhau do đặc tính về độ nhạy cảm và năng lực thích ứng.

Dựa trên những tiêu chí đánh giá về tác động của BĐKH, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được bộ chỉ thị tương ứng với mức độ tổn thương khí hậu, bao gồm: độ phơi nhiễm (17 chỉ thị), độ nhạy cảm (phân bố dân cư: 15 chỉ thị, hạ tầng cấp nước sạch: 17 chỉ thị, vệ sinh môi trường: 11 chỉ thị về quản lý CTR và 10 chỉ thị về quản lý nước thải).

BDKH3

Sơ đồ quy trình đánh giá tác động của BĐKH theo hướng dẫn của IPCC và GIZ

Thạc sỹ Nguyễn Phú Bảo cho biết, kết quả nghiên cứu của đề tài là một trong những công cụ hiệu quả giúp cho thành phố có chiến lược, quy hoạch trong các quy hoạch liên quan về phân bố dân cư thích ứng với BĐKH, hạ tầng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường. 

Cụ thể, việc xây dựng danh mục các giải pháp ứng phó với BĐKH cho TP.HCM cần dựa trên những định hướng, chiến lược, quy hoạch chung từ cấp trung ương đến những chương trình, kế hoạch cụ thể trong cùng giai đoạn. 

Để thực hiện thành công các giải pháp và chiến lược thích ứng với BĐKH cho các lĩnh vực nghiên cứu thì cần lấy cơ quan nhà nước làm nền tảng và có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý liên quan. Ngoài ra cũng cần tuân thủ quy hoạch vệ sinh môi trường của thành phố và các quy hoạch của chính phủ.

“Thành phố cần lồng ghép các yếu tố BĐKH vào các quy hoạch (quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung, các quy hoạch ngành..), đặc biệt chú trọng vấn đề tăng diện tích mặt nước và mảng xanh đô thị; Phòng chống và giảm thiệt hại của ngập lụt; Nâng cao chất lượng sống trong điều kiện biến đổi khí hậu; Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong quá trình xử lý và phân phối nước;  Tăng cường khả năng chống chịu của mạng lưới cấp nước trước các điều kiện thời tiết khắc nghiệt…”, thạc sỹ Nguyễn Phú Bảo đưa ra một số đề xuất.

Đối với lĩnh vực vệ sinh môi trường, để thích ứng với BĐKH cần giảm áp lực chất thải cho mỗi địa phương bằng giải pháp tăng năng lực thu gom và xử lý chất thải. Giải pháp quan trọng nhất là giảm thiều chất thải. Khi thực hiện giải pháp giảm thiểu chất thải sẽ nâng cao năng lực thích ứng hơn 30-40%.

Ngoài ra, Thành phố cũng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo khung pháp lý thuận lợi để khuyến khích và tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho các dự án liên quan đến quy hoạch đô thị, dự án giảm phát thải khí nhà kính, thu hồi khí thải và các dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thích nghi với tác động của BĐKH cho các khu vực dễ bị tổn thương.

 

Thông tin liên hệ:

Viện Nhiệt đới môi trường

Địa chỉ: 57A Trương Quốc Dung, P.10, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Điện thoại: (028) 38 455140


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353