SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM hội đủ điều kiện trở thành trung tâm về Trí tuệ nhân tạo

20-03-2019

Sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo được nghiên cứu ra có thể thương mại hóa, phục vụ ngay cho thị trường 10 triệu dân, hơn 300 nghìn doanh nghiệp của thành phố. TP.HCM cũng dành ưu tiên phát triển nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực này.

 

TP.HCM đủ điều kiện trở thành trung tâm về trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo cũng là đề tài tương đối mới trên thế giới. Nếu chúng ta quyết tâm từ bây giờ sẽ không quá chậm so với thế giới. Thành phố có đủ nguồn lực và sẽ dành ưu tiên để thúc đẩy cho trí tuệ nhân tạo nhưng phải kèm theo cơ chế chi phù hợp.

Đó là những chia sẻ của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tại Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 – 2025” do Sở Khoa học và Công nghệ cùng Sở Thông tin Truyền thôngTP.HCM phối hợp tổ chức sáng ngày 20.3.

Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi 3 hội thảo dự kiến sẽ tổ chức trong năm 2019 theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM nhằm xây dựng Đề án “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2019 - 2025”. Đề án có tính chất tương hỗ quan trọng để thực hiện thành công đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Đề án Xây dựng khu đô thị sáng tạo.

TP.HCM hội đủ điều kiện trở thành trung tâm về Trí tuệ nhân tạo - 1

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Thành phố cũng dành ưu tiên thúc đẩy lĩnh vực này

TP.HCM là đô thị lớn với tiềm lực kinh tế lớn, tập trung nhiều trung tâm nghiên cứu mạnh và dân số lớn khoảng 10 triệu người. Với những đặc điểm đó, TP.HCM có đủ điều kiện để cùng cả nước hình thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, TP.HCM có ưu thế rất thuận lợi là vừa có nguồn lực nghiên cứu vừa có thị trường tại chỗ.

“Chúng ta tạo ra sản phẩm ứng dụng cho 10 triệu người, cho hơn 300.000 doanh nghiệp có khả năng tạo ra vòng liên kết tại chỗ rất nhanh. Sản phẩm nghiên cứu được thương mại hóa có khách hàng ngay tại đây, có nguồn thu về ngay”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định lãnh đạo thành phố nhận thức rõ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội vàng để thành phố nhảy vọt tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Do đó, từ năm 2017, thành phố đã tích hợp một số lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh. Điều này được kỳ vọng như một hạt nhân để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn thành phồ và làm nền tảng để thành phố triển khai thành công đề án đô thị thông minh trên toàn thành phố.

Cần chính sách huy động nguồn lực xã hội

Tuy nhiên, theo các chuyên gia và các nhà quản lý thì xét tổng thể việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và đời sống tại thành phố còn khá chậm. Thành phố đang ở vị trí phía sau về nghiên cứu, đào tạo so với các đô thị trên thế giới. Thành phố vẫn thiếu chuyên gia, nhà khoa học cho đến nhà hoạch định chính sách về trí tuệ nhân tạo. Môi trường kinh doanh chưa thực sự tốt; sự tiếp cận nguồn lực vào cơ hội của người dân chưa thực sự bình đẳng.

TP.HCM hội đủ điều kiện trở thành trung tâm về Trí tuệ nhân tạo - 2

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia uy tín về trí tuệ nhân tạo như PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó GĐ ĐH Quốc gia TP.HCM, GS.TS KH Hồ Tú Bảo - Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán...

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh: “Đặc biệt, sự gắn kết, tương tác tứ giác của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính còn lỏng lẻo, là một trong những điểm nghẽn kìm hãm sự nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố.”

Một lý do khác khiến cho kết quả nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo còn hạn chế nằm ở sự thiếu hụt các khung pháp lý, cơ chế chính sách phù hợp. Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM lấy ví dụ như cơ sở dữ liệu mở rất cần thiết để xây dựng thành phố thông minh cũng như phát triển trí tuệ nhân tạo nhưng vẫn chưa khung pháp lý cụ thể. Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo còn thấp.

TP.HCM hội đủ điều kiện trở thành trung tâm về Trí tuệ nhân tạo - 3

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, thiếu khung pháp lý đầy đủ và nguồn lực đầu tư thấp là những yếu tố chính hạn chế kết quả nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Đây cũng là nội dung được nhiều chuyên gia quan tâm tại hội thảo. Theo nhiều chuyên gia, để giải quyết bài toán về nguồn lực tài chính cũng như nguồn dữ liệu cho phát triển trí tuệ nhân tạo không thể chỉ trông chờ ở nhà nước mà cần nguồn lực từ toàn xã hội. TS Đinh Bá Tiến, Trưởng khoa Công nghệ Thông tin – ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM đề xuất: “Dữ liệu đến từ toàn xã hội do đó, thành phố nên tạo điều kiện để mọi người, mọi đơn vị có thể chia sẻ dữ liệu một cách thuận lợi, an toàn.”

Ghi nhận những ý kiến của các chuyên gia, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định thành phố có đủ nguồn lực và sẽ dành ưu tiên để thúc đẩy cho AI kèm theo cơ chế chi phù hợp. Đồng thời, thành phố cũng sẽ báo cáo lên chính phủ để xin cơ chế đặc thù trong vòng trước mắt là 2 năm tới đây để đẩy nhanh các nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo.  

Phạm Sơn - khampha.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353