SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM kỳ vọng tạo bứt phá cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ

30-10-2023
Để có được sự bứt phá này, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã đề xuất với UBND Thành phố mức chi cao hơn để dành riêng cho các đơn vị muốn trở thành trung tâm nghiên cứu mạnh, xuất sắc theo chuẩn quốc tế và trong tháng 11 tới đây sẽ trình Hội đồng Nhân dân Thành phố thông qua… Quy chế mới (Quy chế 35) theo Quyết định số 35/2023/QĐ-UBND ký ngày 21/8/2023 của Uỷ ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước TP.HCM đã được ban hành và đây cũng là sự kỳ vọng của Thành phố đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học vì nhiều quy định mới của Quy chế 35 khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Quy chế 48 cũ như về chi ngân sách, về tiền thù lao cho nhà khoa học, về tư vấn và đánh giá của Hội đồng, về yêu cầu đối với việc thực hiện nhiệm vụ…

Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tại Hội nghị công bố và hướng dẫn triển khai thực hiện “Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước TP.HCM” vừa được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức vào chiều ngày 27/10/2023, tại Trung tâm Hội nghị 272 Võ Thị Sáu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM nhằm phổ biến thông tin đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện Quy chế nêu trên.

30102023qc.jpg

Hội nghị đã thu hút được hơn 300 đại diện tới từ các trường, viện, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM cùng tham dự

Thông tin thêm tại Hội nghị, TS. Nguyễn Việt Dũng chia sẻ, trước đây TP.HCM có Quy chế 48 - cũng là Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước Thành phố trên địa bàn TP.HCM nhưng sau hơn 5 năm thực hiện thì Quy chế này cũng đã phát sinh một số vấn đề bất cập. Do đó, trong thời gian vừa qua được sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ đã lấy ý chuyên gia, các đơn vị liên quan để tham mưu cũng như triển khai đánh giá lại nhằm khắc phục những bất cập của Quy chế này. Trên tinh thần đó Quy chế mới - Quy chế 35 ra đời cùng với đó là một số thay đổi cơ bản, được kỳ vọng sẽ tạo bức phá cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ nói riêng cũng như hiện thực hóa quá trình thương mại hóa các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới phục vụ cho cuộc sống nói chung thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và cả nước.

Ngoài việc, phổ biến thông tin và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện Quy chế nêu trên thì Sở Khoa học và Công nghệ cũng sẽ hướng dẫn cơ chế tài chính mới theo Thông tư số 03/2023/TT-BTC quy định về việc lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (Thông tư 03) được Bộ Tài chính ký ban hành vào ngày 10/01/2023, thay thế cho Thông tư liên tịch số 55/2015/TT/BTC-BKHCN; Và Thông tư 02/2023/TT-BKHCN hướng dẫn một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước được Bộ Khoa học và Công nghệ ký ban hành vào ngày 08/5/2023.

“Ủy ban nhân dân Thành phố ưu tiên các nghiên cứu giải quyết các vấn đề của địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đối với các công nghệ mang tính đột phá so với sản phẩm cùng loại trên thị trường cũng như sản phẩm có tiềm năng phát triển trong tương lai sẽ được xem xét hỗ trợ 100% kinh phí. Đối với nhà khoa học mức chi thù lao nghiên cứu cũng đã tăng rất nhiều so với trước và để đảm bảo tiến độ đề tài, tính chuyên nghiệp trong quá trình nghiên cứu thì phải thực hiện định kỳ báo cáo 3 tháng một lần thay vì 6 tháng như quy định cũ. Ngoài ra hiện nay, xu hướng của các nghiên cứu là hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội tham gia, nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ một phần… Do đó, khi tham gia đề tài, nhà khoa học, nhóm nghiên cứu nếu có đối tác là doanh nghiệp đầu tư sẽ giúp tăng độ tin cậy của nghiên cứu với Hội đồng thẩm định và chắc chắn riêng cá nhân tôi tin rằng, nghiên cứu đó sẽ có khả năng ứng dụng tốt và tiềm năng thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu tốt hơn”, TS. Nguyễn Việt Dũng nhận định.

30102023qc1.jpg

TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu khai mạc Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, TS. Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã có phần báo cáo tham luận thông tin về nội dung và hướng dẫn triển khai thực hiện “Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước TP.HCM”, theo đó, Quyết định số 35/2023/QĐ-UBND ngày 21/8/2023 của Uỷ ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước TP.HCM (Quy chế 35) có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, bao gồm 6 chương và 28 điều. Đây là Quyết định thay thế cho Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 24/11/2016 về việc ban hành Quy chế quản lý nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ trên địa bàn TP.HCM và Quyết định số 42/2018/QĐ-UBND ngày 07/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ trên địa bàn TP.HCM ban hành kèm theo Quyết định 48/2016 ngày 24/11/2016 của Uỷ ban nhân dân Thành phố. Riêng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn TP.HCM đã được cấp có thẩm quyền duyệt nhiệm vụ trước ngày Quyết định số 35/2023/QĐ-UBND có hiệu lực thì tiếp tục áp dụng theo Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND và Quyết định số 42/2018/QĐ-UBND cho đến khi kết thúc thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hợp đồng đã được phê duyệt.

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Quy chế 35 quy định việc quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước TP.HCM cũng như áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân quản lý, thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước TP.HCM và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

30102023QC2.jpg

TS. Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM trình bày phần tham luận tại Hội nghị

Theo TS. Lê Thanh Minh, Quy chế 35 bao gồm 6 chương và 28 điều, tuy nhiên sẽ có một số nội dung cần lưu ý như sau: Yêu cầu đối với việc thực hiện nhiệm vụ; Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ; Tổ thẩm định kinh phí thực hiện nhiệm vụ; Tổ chức quản lý nhiệm vụ; Tổ chức thực hiện; Nguyên tắc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ; Giao trực tiếp đơn vị sự nghiệp công lập khoa học và công nghệ của Thành phố thực hiện nhiệm vụ.

Cụ thể, yêu cầu đối với việc thực hiện nhiệm vụ theo Quy chế 35 thì nhiệm vụ chỉ có 01 chủ nhiệm nhiệm vụ. Trong đó, điều kiện đối với tổ chức đăng ký chủ trì đã bổ sung một số trường hợp tổ chức không đủ điều kiện tham gia tuyển chọn như có sai phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ sẽ không được đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp trong thời gian 01 năm kể từ khi có quyết định đình chỉ của Sở Khoa học và Công nghệ hay như vi phạm các hành vi bị cấm theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ. Còn điều kiện đối với cá nhân đăng ký chủ nhiệm thì không quy định số lượng nhiệm vụ do cá nhân chủ trì và nếu cá nhân có vi phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ do mình làm chủ nhiệm trong thời gian 03 năm kể từ khi có quyết định của Sở Khoa học và Công nghệ thì cũng không đủ điều kiện tham gia tuyển chọn.

Đối với Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ thì Quy chế 35 cũng nêu rõ Hội đồng gồm có 01 Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch (nếu cần), 02 thành viên là ủy viên phản biện, 01 ủy viên thư ký khoa học và các thành viên khác. Số lượng các thành viên trong Hội đồng từ 05 đến 09 thành viên. Các ủy viên phản biện của Hội đồng công tác tại các tổ chức khác nhau.

Đối với Tổ thẩm định kinh phí thực hiện nhiệm vụ đây được xem là một điểm mới so với Quy chế 48 cũ, cụ thể theo Quy chế 35 quy định Tổ thẩm định có từ 03 đến 05 thành viên và ít nhất phải có 01 thành viên có chuyên môn thuộc lĩnh vực tài chính. Nhiệm vụ của Tổ này là đánh giá sự phù hợp của dự toán kinh phí đối với các nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ; đánh giá khả năng đối ứng vốn ngoài ngân sách nhà nước; kiến nghị tổng mức kinh phí thực hiện tỷ lệ sở hữu các kết quả nghiên cứu theo quy định; Phương án xử lý tài sản.

“Trước đây, theo Quy chế 48 trường hợp nhiệm vụ có thời gian thực hiện dưới 12 tháng hoặc kinh phí dưới 150 triệu đồng sẽ không cần thực hiện giám định, tuy nhiên Quy chế 35 sẽ có Tổ thẩm định kinh phí cho các nhiệm vụ. Riêng về nguyên tắc cấp kinh phí, quy định cấp tối đa đến 100% tổng kinh phí cho các nhiệm vụ thuộc danh mục nhiệm vụ theo thông báo của Sở Khoa học và Công nghệ hoặc nhiệm vụ được xét giao trực tiếp. Các nhiệm vụ khác được Hội đồng đánh giá đạt từ 80/100 điểm trở lên và có sản phẩm phục vụ cho khu vực công, cộng đồng người dân cũng như nhóm doanh nghiệp TP.HCM hay sản phẩm mang tính đột phá với sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường hoặc sản phẩm có tiềm năng phát triển trong tương lai”, TS. Lê Thanh Minh chia sẻ thêm.

30102023QC3.jpg

Ông Trần Hữu Chương - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kế hoạch tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM giới thiệu và hướng dẫn việc lập dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước TP.HCM

Theo ông Trần Hữu Chương - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kế hoạch tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, các nhiệm vụ do Thành phố đặt hàng theo quy định và những dự án sản xuất thử nghiệm được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước thì sẽ được cấp toàn bộ kinh phí.

“Những nhiệm vụ không thuộc quy định tại danh mục nêu trên thì được xem xét cấp một phần kinh phí thực hiện nhưng không quá 1 tỷ đồng đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ, không quá 500 triệu đồng đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đối với trường hợp đặc biệt sẽ do Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định. Về dự toán thuê chuyên gia dựa trên sự cần thiết, nội dung yêu cầu công việc thuê, kết quả của việc thuê, tiêu chí đánh giá kết quả thuê chuyên gia với mức từ 15-40 triệu đồng/tháng”, ông Trần Hữu Chương nói.

Cũng theo ông Trần Hữu Chương, một số điểm mới về kinh phí trong công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ như tăng mức chi cho Hội đồng, Tổ thẩm định thêm 30%-50% so với mức chi cũ quy định tại Thông tư 55 và bổ sung thêm nội dung chi thù lao, công tác phí của chuyên gia xử lý các vấn đề kỹ thuật hỗ trợ cho hoạt động của Hội đồng. Quy định mới cũng bổ sung thêm nội dung chi kiểm tra, đánh giá sau khi giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu hoặc họp Hội đồng đánh giá trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

30102023qc6.jpg

TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng bà Nguyễn Thị Thu Sương - Quyền Trưởng phòng Phòng Quản lý khoa học và ông Trần Hữu Chương - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kế hoạch tài chính chủ trì phần trao đổi, hỏi đáp tại Hội nghị

30102023QC4.jpg

Các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các viện trường, trung tâm nghiên cứu, các tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp cùng trao đổi, đặt câu hỏi với tinh thần cởi mở, tích cực tại Hội nghị

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, trường viện, trung tâm nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM cho rằng, các quy định mới hiện đã thuận lợi hơn cho các đơn vị và được kỳ vọng sẽ tạo động lực để đẩy mạnh hoạt động phát triển khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, còn tạo điều kiện để các Sở ban ngành, quận huyện đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội tại TP.HCM.

30102023QC5.jpg

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng đại diện các phòng chuyên môn thuộc Sở chụp hình lưu niệm với các chuyên gia, nhà khoa học tới từ các trường, viện, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM

Nhật Linh (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353