SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM tập huấn tiêu chuẩn quốc gia truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau quả tươi

25-08-2023
Ngày 25/8, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức lớp tập huấn, phổ biến, hướng dẫn áp dụng theo tiêu chuẩn quốc gia về xác định nguồn gốc sản phẩm rau quả tươi (tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12827:2019 về truy xuất nguồn gốc - yêu cầu đối với chuỗi cung ứng rau quả tươi).

Theo bà Võ Đình Liên Ngọc (Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo Lường Chất lượng – Sở KH&CN TP.HCM), đây là lớp tập huấn thứ 4 trong kế hoạch năm 2023 của Sở KH&CN nhằm thực hiện theo Quyết định số 1659/QĐ-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2023 của Ủy ban Nhân dân TP.HCM về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn TP.HCM năm 2023. Sản phẩm rau quả tươi (bao gồm sản phẩm xoài cát) thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn TP.HCM theo Quyết định 1383/QĐ-UBND của UBND Thành phố cùng với một số sản phẩm đã và đang được triển khai thời gian qua như thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm. Thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai cho các nhóm sản phẩm khác trong danh mục như tôm, thủy sản sơ chế có bao gói, tổ yến.

01HDKHLVtaphuanTXNGrauquah2.jpg

Báo cáo viên của Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia trình bày tại lớp tập huấn

Tại lớp tập huấn, báo cáo viên của Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia cho biết, xu hướng thị trường hiện nay rất quan tâm rau sạch, rau an toàn, nhưng hiện trạng vẫn còn là vấn đề nan giải. Thành công của một số chuỗi cửa hàng kinh doanh trong lĩnh vực này cho thấy, yếu tố chủ yếu giúp mang lại hiệu quả là nhờ đảm bảo được chất lượng sản phẩm hàng hóa gắn liền với minh bạch nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm (truy xuất nguồn gốc), và uy tín thương hiệu. Nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích của truy xuất nguồn gốc (TXNG), các cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành, triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức triển khai áp dụng hệ thống TXNG, định hướng ứng dụng công nghệ để minh bạch nguồn gốc nông sản, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa,… Liên quan đến những quy định về tiêu chuẩn quốc gia trong TXNG, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 23 tiêu chuẩn quốc gia về TXNG.

Trong đó, TCVN 12850:2019 đưa ra các yêu cầu chung đối với hệ thống TXNG. Theo tiêu chuẩn này, TXNG là hoạt động giám sát, xác định được một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh. Hệ thống TXNG là một hệ thống bao gồm hoạt động định danh sản phẩm, thu thập và lưu trữ thông tin về trạng thái của sản phẩm theo thời gian, địa điểm nhằm quản lý thông tin về chất lượng và an toàn của sản phẩm. Các nguyên tắc cơ bản của hoạt động TXNG theo TCVN 12850:2019 phải có sự tham gia đầy đủ các bên TXNG, nguyên tắc một bước trước một bước sau, minh bạch và sẵn có phần tử dữ liệu chính. Yêu cầu về hệ thống và quản lý dữ liệu phải có khả năng tương tác, tính đa dạng, định danh, có nguồn dữ liệu, trao đổi dữ liệu, đảm bảo tính chính xác, chất lượng của dữ liệu,…

01HDKHLVtaphuanTXNGrauquah3.jpg

Theo báo cáo viên Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia, đối với sản phẩm rau quả, hiện nay có tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12827:2019 về TXNG - yêu cầu đối với chuỗi cung ứng rau quả tươi. TCVN 12827:2019 xác định đối tượng áp dụng là các cơ sở trồng trọt (trồng, thu hoạch, lưu kho, bán, vận chuyển); cơ sở đóng gói, cơ sở đóng gói lại (thu thập, đóng gói, bán, vận chuyển); nhà phân phối và nhà bán buôn (lưu kho, bán, vận chuyển); cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và cơ sở bán lẻ (lưu kho, sơ chế, chế biến, bán cho người tiêu dùng). Doanh nghiệp cần đáp ứng các nguyên tắc chung trong TCVN 12827:2019 gồm xác định đối tượng cần TXNG, thống nhất giữa các bên tham gia, định danh đơn nhất vật phẩm, sản phẩm được đóng gói lại, nhãn mác trên vật phẩm. Tiêu chuẩn này cũng đưa ra các yêu cầu cụ thể và yêu cầu về dữ liệu đối với cơ sở trồng trọt, yêu cầu đối với cơ sở đóng gói/đóng gói lại, nhà phân phối/bán buôn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bán lẻ,…

Tại lớp tập huấn, các báo cáo viên cũng giới thiệu một số mô hình TXNG thiết kế theo đặc thù riêng của địa phương, mô hình TXNG rau quả áp dụng TCVN 12827:2019. Hiện nay, để đưa một sản phẩm từ vùng trồng đến tay người tiêu dùng phải trải qua nhiều công đoạn với sự tham gia của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, thương hiệu, nhà cung ứng khác nhau,… Tuy nhiên, các giải pháp TXNG được cung cấp trên thị trường còn tồn tại một số hạn chế như cơ sở dữ liệu phân tán, gây nhiễu thông tin cho người tiêu dùng, chưa tuân thủ các tiêu chuẩn TCVN về TXNG, thông tin TXNG chưa đảm bảo minh bạch,… Vì vậy, việc triển khai TXNG cần có giải pháp kết nối tổng thể, tích cực truyền thông, hướng dẫn, phổ biến giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin chi tiết, minh bạch về hệ thống TXNG cũng như những quy định về tiêu chuẩn quốc gia trong TXNG.

Lam Vân (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353