SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nhà khoa học 83 tuổi đến từ TP.HCM giành giải Nhất cuộc thi Sáng chế

26-04-2019

Giải pháp của tác giả Trần Kim Qui và cộng sự với quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt đã giành giải nhất cuộc thi Sáng chế 2018.

 

Tối 25/4, Lễ trao giải cuộc thi Sáng chế năm 2018 đã được tổ chức tại Hà Nội. Cuộc thi do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức.

Theo ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, mục tiêu của giải thưởng nhằm khuyến khích, tôn vinh các hoạt động sáng tạo, tạo ra các công nghệ, giải pháp kỹ thuật, dịch vụ mới có khả năng ứng dụng rộng, tiện ích, với chi phí thấp để phục vụ tốt hơn cho cuộc sống người dân và sự phát triển chung của đất nước.

Sau ba năm tổ chức, Giải thưởng lan tỏa tinh thần sáng tạo tới nhiều thành phần kinh tế trong xã hội, nhận được sự quan tâm của cộng đồng từ nhà khoa học đến người dân. Hồ sơ gửi đến tham gia giải gia tăng trong các năm.

Tại lễ trao giải, 10 sáng chế xuất sắc, ứng dụng khả thi giúp cải thiện cuộc sống của người dân và góp phần phát triển kinh tế đã được vinh danh.

Trong số này, giải pháp của tác giả Trần Kim Qui và cộng sự với quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt đã giành giải nhất. GS.TS Trần Kim Qui, 83 tuổi, nguyên giảng viên Đại học khoa học tự nhiên TP.HCM, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hóa sinh ứng dụng TP.HCM.

Nhà khoa học 83 tuổi đến từ TP.HCM giành giải Nhất cuộc thi Sáng chế - 1

Nhóm tác giả nhận giải Nhất cuộc thi. GS.TS Trần Kim Qui đứng thứ 2 từ phải qua.

Sử dụng rác thải sinh hoạt đô thị và nông thôn làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ vi sinh, nhóm tác giả đã điều chế các chế phẩm vi sinh vật để khử mùi, sát trùng và phân giải rác thải; điều chỉnh một số thông số kỹ thuật để tăng hiệu quả xử lý…

Nhờ đó, quá trình phân hủy rác giảm xuống còn khoảng 25 ngày trong khi hiệu suất đạt khoảng 30%. Bên cạnh đó, sản phẩm phân bón hữu cơ được tạo ra có giá thành thấp hơn nhiều so với các sản phẩm ngoại nhập tương tự. Theo tính toán, với mức giá chỉ từ 2.500 đồng/kg thì nhà đầu tư có thể thu hồi vốn trong hơn 2 năm. Trong khi đó, giá các loại phân bón hữu cơ nhập ngoại hiện nay từ khoảng 6.000 đồng tới 12.000 đồng/kg.

Ngoài phân hữu cơ vi sinh, các thành phần khác trong rác thải cũng có thể được tận dụng để sản xuất ván ép composite, gạch block không nung. Những thành phần kim loại, thủy tinh được tách ra trong quá trình xử lý sẽ được tái sử dụng.

Sáng chế được đánh giá cao nhờ việc giải quyết được cùng lúc 2 nhu cầu bức xúc của xã hội là xử lý rác thải sinh hoạt và cung cấp nguồn phân hữu cơ giá rẻ cho thị trường. Bên cạnh đó, thời gian xử lý rác thải rút ngắn xuống chỉ còn khoảng 1/3 so với các công nghệ tương tự cũng như giải quyết được ô nhiễm trong quá trình xử lý.

Hội đồng giám khảo cuộc thi cũng cho rằng, giải pháp kỹ thuật khả thi và tính ổn định cao trong điều kiện kinh tế hiện nay của Việt Nam. Giải nhất được nhận 80 triệu đồng, cúp của Ban tổ chức và bằng khen của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ. Trước đó, hồi tháng 10 năm 2018, giải pháp này cũng đã đoạt giải Nhì (không có giải nhất) của cuộc thi Giải thưởng Sáng chế TP.HCM do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức. 

Giải nhì trị giá 50 triệu đồng đã được trao cho giải pháp "Hệ thống hộp thép mạ kẽm bọc nhựa PVC chứa đá hộc liên kết dạng bậc so le bảo vệ mái hạ lưu đập đá đổ giảm lũ quét và bùn đá" của tác giả Phạm Anh Tuấn và cộng sự tại Hà Nội. Giải pháp này giúp xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện, công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển hạn chế xói lở bờ, công trình giảm thiểu rủi ro thiên tai lũ ống, lũ quét,  bùn đá tại khu vực miền núi có nguy cơ sạt lở cao. 

Giải ba trị giá 30 triệu đồng được trao cho phương pháp và hệ thống thiết bị sản xuất hỗn hợp C60 – C70 Fullerene của tác giả Trịnh Đình Năng (Vĩnh Phúc). Giải pháp sáng chế này tận dụng các loại chất thải nông nghiệp có hàm lượng carbon cao như vỏ trấu, sọ dừa, vỏ tơ của hạt cà phê, lông vũ, cùi ngô... là những nguyên liệu có sẵn, rẻ tiền để tổng hợp ra sản phẩm hỗn hợp C60 - C70 fullerene - vật liệu phục vụ cho nhiều lĩnh vực kỹ thuật cao như: vật liệu, điện tử... 

Với chủ đề "Sáng tạo công nghệ cho cuộc sống hàng ngày", cuộc thi năm nay đã nhận được 212 hồ sơ dự thi, từ 40 tỉnh/thành phố trong cả nước, trong đó Hà Nội là địa phương có nhiều hồ sơ dự thi nhất (61 hồ sơ). 

7 giải Khuyến khích, thuộc về các giải pháp:

- “Đập mở chặn thủy triều và giữ nước sông” của tác giả Hoàng Ngọc Kỷ (thành phố Hồ Chí Minh) 

- “Chậu tự động cung cấp nước cho quy trình tự tưới cho cây” của nhóm tác giả Nguyễn Vĩnh Phúc - Nguyễn Vĩnh Sơn (thành phố Hồ Chí Minh)

- "Hệ thống thu thập, quản lý thông tin bệnh tật, khám bệnh, chữa bệnh” của tác giả Vũ Văn Anh (Hà Nội)

- “Thiết bị cảnh báo lũ từ xa sử dụng tín hiệu pháo hoặc còi cảnh báo cho các đoạn đường ngập nước” của tác giả Nguyễn Đức Thành (Bắc Giang)

- “Thiết bị phát sáng đeo tay và phương pháp điều khiển” của tác giả Phạm Huỳnh Phong (thành phố Hồ Chí Minh)

- "Hỗn hợp dược liệu chăm sóc tóc, lông và chế phẩm chứa hỗn hợp này" của tác giả Nguyễn Thị Hương Liên (Công ty cổ phần Sao Thái Dương - Hà Nội)

- “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” của tác giả Hoàng Đức Thảo (Công ty cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam BUSADCO - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

N.H - khampha.vn


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353