SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Tiếp cận đa chiều về ứng dụng AI trong trường học

14-06-2023
Học tập bằng AI là một cách học nhằm tìm hiểu bản chất của vấn đề, tìm hiểu các nguyên lý cơ bản, tạo nền tảng khoa học và tư duy suy nghĩ sáng tạo có hệ thống, có tính đổi mới sáng tạo cao.

Ngày 13/6/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng KDI Education tổ chức hội thảo “Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng trong trường học”. Sự kiện diễn ra tại Trường Quốc tế Canada (CIS), số 07 Đường số 23, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Quận 7, TP.HCM, thu hút sự tham dự của hàng trăm thầy cô đến từ các trường trên địa bàn Thành phố, cùng nhiều chuyên gia và cán bộ quản lý giáo dục.

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Hưng Sơn (Trưởng phòng Quản lý khoa học và công nghệ cơ sở - Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) chia sẻ AI có ảnh hưởng và tác động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều giải pháp AI đang được triển khai trong hoạt động đào tạo, giảng dạy và quản lý giáo dục. Do đó, việc tiếp cận và đưa các môn học về AI vào giảng dạy là hết sức cần thiết nhằm phổ biến, tuyên truyền để nhân sự ngành giáo dục nắm bắt và ứng dụng AI đạt hiệu quả tốt, đồng thời hạn chế tác động xấu của AI.

AIgiaoduc1.jpg

Ông Võ Hưng Sơn phát biểu tại hội thảo

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về giảng dạy AI cho giáo viên và học sinh. Đó là việc trực tiếp trải nghiệm một số ứng dụng AI nhằm hiểu về nguyên lý hoạt động, tiềm năng ứng dụng và cả những mối nguy đi kèm. Đó cũng là một cách học nhằm tìm hiểu bản chất của vấn đề, tìm hiểu các nguyên lý cơ bản, tạo nền tảng khoa học và tư duy suy nghĩ sáng tạo có hệ thống, có tính đổi mới sáng tạo cao. Điều kiện học tập như vậy chỉ có thể triển khai khi áp dụng các giải pháp về AI. Ví dụ, trong hoạt động tuyển sinh du học, học sinh có thể ứng dụng AI để viết thư giới thiệu học bổng, hoặc trau dồi khả năng nắm bắt công nghệ AI (kỹ năng lập trình, phân tích dữ liệu, chia sẻ và khai thác mã nguồn mở…) để có lợi thế hơn khi xin học bổng.

Do vậy, các chuyên gia gợi ý cơ sở giáo dục cần có lộ trình ứng dụng và khai thác các giải pháp AI trong giáo dục nhằm khuyến khích, định hướng cho học sinh trong việc tạo những trải nghiệm mới, tìm kiếm sự yêu thích trong học tập, hướng đến việc học để sử dụng. Cấm cản và hạn chế sử dụng AI là cách làm kém hiệu quả, đi ngược xu thế phát triển, gây thiệt thòi và bỏ lỡ cơ hội của học sinh. Tuy nhiên, giáo viên có vai trò quan trọng định hướng việc sử dụng AI của học sinh nhằm bảo vệ sự riêng tư và bảo mật của học sinh, tránh phụ thuộc quá nhiều vào AI, đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ, thấu hiểu nhu cầu và tình cảm xã hội của học sinh, tránh tình trạng dùng AI chỉ để nâng cao điểm số. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý giáo dục có thể ban hành các hướng dẫn rõ ràng về quá trình thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu.

AIgiaoduc2.jpg

Chuyên gia Ngô Quốc Hưng chia sẻ kinh nghiệm triển khai giải pháp AI ở cơ sở giáo dục

Về khía cạnh hoạt động quản lý điều hành, các chuyên gia nhận định việc ứng dụng AI mang đến cơ hội lớn để nâng cấp chất lượng giáo dục, nhưng cũng là thách thức đối với sự đổi mới, sự phát triển. Theo đó, cơ sở giáo dục cần sớm có định hướng tuyển dụng giáo viên có năng lực ứng dụng AI, bên cạnh chính sách hỗ trợ bồi dưỡng năng lực ứng dụng và triển khai AI ở đội ngũ giáo viên hiện hữu. Bởi lẽ, AI không chỉ là công cụ hỗ trợ cho giảng dạy và quản lý, mà còn là cơ hội tiếp cận đào tạo, khai thác AI cho cả giáo viên và học sinh.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm triển khai và sử dụng một số giải pháp AI hỗ trợ tự động hóa và chuyển đổi số năng lực quản lý điều hành giáo dục như: hệ thống xếp lịch học, hệ thống điểm danh quy mô lớn, hệ thống giảng dạy cá nhân hóa lộ trình học tập theo từng học sinh… Cùng với đó là nhiều nội dung giảng dạy AI đáng chú ý như: Nển tảng AI (thuật toán và lập trình, kiến thức dữ liệu, giải quyết vấn đề theo ngữ cảnh), Đạo đức và tác động xã hội (đạo đức của AI, ý nghĩa xã hội và tác động xã hội của AI), Hiểu – sử dụng và phát triển AI (kỹ thuật – công nghệ AI, phát triển công nghệ AI).

Tuấn Anh - Hoàng Kim (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353