SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ngày 11/10, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội nghị tập huấn “Kỹ năng lập hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế”. Sự kiện nhằm giúp các nhà nghiên cứu nắm được bí quyết soạn thảo bản mô tả sáng chế, một trong những chìa khóa để thúc đẩy hoạt động đăng ký bảo hộ sáng chế tại đơn vị.

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung (Phó Trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, khai thác sáng chế và thương mại hóa kết quả nghiên cứu giữ vai trò then chốt đối với sự phát triển của các viện nghiên cứu, là mũi nhọn phát triển đối với doanh nghiệp, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế quốc gia tăng trưởng bền vững. Việc khai thác hiệu quả các sáng chế có tác động tích cực tới hoạt động thương mại hóa, đưa các kết quả nghiên cứu đến gần hơn với cuộc sống, qua đó, nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia. Mặc dù có vai trò quan trọng với quá trình nghiên cứu, triển khai, sản xuất và kinh doanh, tuy nhiên thông tin sở hữu công nghiệp nói chung, cũng như thông tin sáng chế nói riêng vẫn là một nguồn tài nguyên còn bỏ ngỏ, thậm chí, nhiều trường hợp bị người khác chiếm dụng hoặc trở thành tài sản chung của cộng đồng. Qua tập huấn lần này, Sở mong muốn nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ khoa học, định hướng viết đăng ký sáng chế như một phần của công việc nghiên cứu, góp phần đẩy mạnh công tác sở hữu trí tuệ tại từng đơn vị.

BANHUNG.png

Bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung (Phó Trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại sự kiện.

Hội nghị tập trung vào những nội dung cụ thể như kiến thức mới cập nhật của văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ liên quan đến xác lập quyền đối với sáng chế (thủ tục đăng ký bảo hộ, quy trình xử lý đơn,…); đánh giá tính mới và tính sáng tạo của sáng chế, hướng dẫn viết bản mô tả sáng chế (hướng dẫn viết bản mô tả sáng chế dạng sản phẩm, dạng quy trình); kinh nghiệm xây dựng hồ sơ và xử lý các vấn đề phát sinh đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế; tư vấn chuyên sâu, giải đáp thắc mắc về quy định pháp luật liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu, các quy định mới về sáng chế… Tại Hội nghị, đại biểu tham dự còn được hướng dẫn thực hành tra cứu thông tin nhằm đánh giá khả năng bảo hộ sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký, hướng dẫn thực hành lập hồ sơ đăng ký sáng chế, xử lý tình huống. Toàn bộ những nội dung này nhằm góp phần giải quyết hiệu quả hơn các đơn đăng ký sở hữu trí tuệ hiện còn tồn đọng của đơn vị, giúp các nhà khoa học đang theo đuổi đơn hoặc trong quá trình chuẩn bị nộp đơn được tư vấn, hướng dẫn, giải đáp thêm các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tại Hội nghị, ông Hoàng Minh Thanh (Trung tâm Thẩm định Sáng chế, Cục Sở hữu trí tuệ) đã trình bày báo cáo về tình hình đăng ký sáng chế và các điều kiện bảo hộ; thủ tục đăng ký sáng chế; quy trình thẩm định đơn đăng ký sáng chế.

ONGTHANHOK.png

Ông Hoàng Minh Thanh (Trung tâm Thẩm định Sáng chế, Cục Sở hữu trí tuệ)  trình bày các nội dung tại sự kiện.

Theo đó, sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Về bản chất, sáng chế có yêu cầu bảo hộ cao hơn (phải đáp ứng được tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp) so với giải pháp hữu ích (không cần tính sáng tạo), đi kèm với thời hạn bảo hộ dài hơn (sáng chế: 20 năm, giải pháp hữu ích: 10 năm). Về cơ sở pháp lý, ông Thanh lưu ý, cần nắm các quy định và cập nhật những điểm mới, sửa đổi bổ sung của các luật, nghị định, thông tư liên quan như Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 (sửa đổi gần nhất theo Luật số 07/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022); Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 của Chính phủ; Thông tư 23/2023/TT-BKHCN ngày 30/11/2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Về thủ tục đăng ký sáng chế, ông Thanh hướng dẫn, cần nắm rõ cơ sở pháp lý và chuẩn bị được các tài liệu như tờ khai đăng ký, tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng, giấy ủy quyền, tài liệu chứng minh quyền đăng ký và quyền ưu tiên, chứng từ nộp phí… Trong đó, theo Điều 102 Luật Sở hữu trí tuệ, tài liệu xác định sáng chế bao gồm bản mô tả sáng chế (gồm phần mô tả sáng chế có thể kèm theo bản vẽ nếu cần và phạm vi bảo hộ sáng chế) và bản tóm tắt sáng chế. Ông Thanh đặc biệt lưu ý, trong bản mô tả sáng chế phải làm rõ được các nội dung: phần mô tả cần bộc lộ đầy đủ bản chất kỹ thuật của giải pháp; phần yêu cầu bảo hộ cần xác định phạm vi mong muốn được bảo hộ; cuối cùng là có thể đính kèm bản vẽ (nếu cần) để minh họa, làm rõ thêm bản chất giải pháp.

"Khi mô tả sáng chế thì ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chí để cấp bằng sáng chế như tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp, còn cần phải nắm được văn phong, cách viết mô tả sáng chế theo Luật Sở hữu trí tuệ, phải biết cách tra cứu dữ liệu sáng chế để xác định tính mới, phải biết viết sao cho phạm vi bảo hộ của sáng chế rộng nhất có thể", ông Thanh lưu ý thêm.

Hiện nay, doanh nghiệp và nhà sáng chế có thể khai thác thông tin một cách đầy đủ, dễ dàng thông qua cơ sở dữ liệu tra cứu sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ TẠI ĐÂY  .

THAOLUANOK.png

Phần thảo luận tại sự kiện.

Được biết, thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục nghiên cứu thực hiện theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 với quan điểm đổi mới căn bản cách tiếp cận so với giai đoạn 2011-2020 nhằm góp phần đưa sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn  hóa, xã hội. Mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn 2021-2030 sẽ có nhiều nội dung mới hơn so với giai đoạn trước, bảo đảm hỗ trợ đầy đủ các nội dung từ hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho đến các nhiệm vụ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học… nhằm khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

  Minh Nhã (CESTI) 

Sáng ngày 10/10/2024, tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và Công nghệ (SIHUB) đã diễn ra Hội nghị chia sẻ các thách thức, vấn đề cần tìm giải pháp trong lĩnh vực phát triển bền vững. Hội nghị do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chủ trì và SIHUB là đơn vị thực hiện tổ chức, nằm trong khuôn khổ cuộc thi “Tuyển chọn các dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực phát triển bền vững trên địa bàn TP.HCM - Ho Chi Minh of Green Innovation Contest (GIC 2024).

Theo Ban tổ chức, hiện nay chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh nền kinh tế và xã hội các quốc gia trên thế giới đang đối mặt với những thách thức về môi trường và phát triển bền vững. Chuyển đổi số giúp tối ưu hóa các quy trình hoạt động, giảm thiểu chi phí, tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua tự động hóa, phân tích dữ liệu và quản lý thông tin hiệu quả. Phát triển bền vững ngày nay được hiểu là việc đáp ứng nhu cầu mọi mặt của xã hội hiện tại nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển cho thế hệ tương lai thông qua việc tạo ra sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội. Đặc biệt tại TP.HCM, nơi trung tâm chính trị - kinh tế - tài chính lớn nhất cả nước. Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh sẽ thúc đẩy sự phát triển các mô hình kinh tế mới giúp cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đưa Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.

10102024nl1.jpg

Hội nghị đã thu hút được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp có quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững tham dự

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ, chúng ta nhắc rất nhiều về phát triển bền vững và chúng ta cũng nhắc rất nhiều về cái gọi là mục tiêu phát triển bền vững, viết tắt là SDGs. Thực chất đó là một khuôn khổ toàn diện, bao gồm 17 mục tiêu cụ thể của Liên Hợp Quốc để giải quyết những vấn đề mà các nước đang phải đối mặt. Trên thực tế đó là một quá trình phức tạp, khi mà chúng ta đòi hỏi phải có cả là 3 yếu tố là kinh tế, xã hội và môi trường. 

Một mình chúng ta thì không thể làm được. Đó phải là sự liên kết của rất nhiều tổ chức, đơn vị từ Nhà nước, doanh nghiệp cho đến tổ chức xã hội và kể cả người dân. Thông qua Hội nghị chúng tôi muốn truyền tải ba nội dung, thông qua ba bài tham luận. Thứ nhất, những gì chúng ta phải đối mặt khi tham gia vào quá trình phát triễn bền vững, những giá trị cốt lõi, những thách thức thật sự đó là gì? Thứ hai, việc đóng góp của khoa học công nghệ trong những lĩnh vực mà phát triển bền vững yêu cầu để chúng ta sẽ thấy một bức tranh tổng quan chung cũng như sự gắn kết rất là rõ ràng và cụ thể về khoa học công nghệ, việc ứng dụng công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo sẽ giải quyết những vấn đề của phát triển bền vững như thế nào và cuối cùng đó là các chính sách của Nhà nước mà chúng tôi muốn chia sẻ ở đây, một trong số đó là những nhóm chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua cuộc thi Green Innovation Contest 2024. Trong buổi Hội nghị này, chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp, hiến kế cũng như là đề xuất của tất cả các quý vị đại biểu cũng như là các chuyên gia và mục tiêu cuối cùng là giải quyết được một số câu chuyện thực sự mà Thành phố đang phải đối mặt và làm thế nào để những chính sách của Nhà nước thật sự hiệu quả, có đóng góp thiết thực cho sự phát triển của Thành phố cũng như là trong các lĩnh vực phát triển bền vững mà TP.HCM đang hướng tới”, bà Phan Thị Quý Trúc kỳ vọng.

10102024nl2.jpg

Bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu khai mạc Hội nghị

Tại Hội nghị, chia sẻ về thực trạng và thách thức trong lĩnh vực phát triển bền vững, TS. Trần Thanh Tâm - Phó Trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ đối ngoại, Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường nhận định, sự biến đổi ngày nay đã tạo nên những thách thức lớn tới Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trên hành trình phát triển bền vững như: Ô nhiễm môi trường; Biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Khai thác tài nguyên thiếu bền vững; Quá tải cơ sở hạ tầng và giao thông; Ý thức cộng đồng và trách nhiệm doanh nghiệp; Chênh lệch kinh tế xã hội; Phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch; Chuyển đổi năng lượng sạch vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản; Sự kết hợp giữa khoa học và công nghệ, sáng tạo vào phát triển bền vững chưa khai thác hết tiềm năng… Trong đó, thách thức cần giải quyết của TP.HCM là ô nhiễm môi trường vì không khí, nước, đất bị ô nhiễm nặng nề do hoạt động công nghiệp, giao thông và sinh hoạt; ùn tắc giao thông do hệ thống giao thông không đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân; ngập lụt là vấn đề ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất; chuyển đổi số vì quá trình chuyển đổi số còn chậm so với các quốc gia trong khu vực; bất bình đẳng xã hội do khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, nhiều người dân vẫn còn gặp khó khăn trong cuộc sống; việc quản lý đô thị còn nhiều bất cập, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa…

10102024nl3.jpg

TS. Trần Thanh Tâm - Phó Trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ đối ngoại, Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường chia sẻ tham luận tại Hội nghị

TS. Trần Thanh Tâm đề xuất một số giải pháp cho phát triển bền vững gồm: (1) Chuyển đổi mô hình tăng trưởng: Từ tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên sang tăng trưởng xanh, bền vững; (2)  Đầu tư vào hạ tầng: Nâng cấp hệ thống giao thông công cộng, xử lý nước thải, rác thải; (3) Phát triển đô thị thông minh: Áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý đô thị, tạo thuận lợi cho người dân; (4) Phát triển nguồn nhân lực: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hiện đại; (5) Phát triển kinh tế xanh: Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất sạch, thân thiện môi trường; (6) Cải thiện môi trường sống: Tăng cường không gian xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; (7) Xây dựng cộng đồng: Tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào quá trình phát triển đô thị.

Tham luận về công nghệ của các ngành phát triển bền vững trong kỷ nguyên số, ông Tôn Thất Hạc Minh - Tư vấn trưởng Dịch vụ phát triển bền vững, Công ty Cổ phần Năng lượng và Môi trường thông minh BYECO2 chia sẻ, phát triển bền vững trong kỷ nguyên số là quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai, đồng thời tận dụng tối đa các công nghệ số. Định nghĩa mở rộng này nhấn mạnh vai trò của công nghệ số như một động lực chính thúc đẩy phát triển bền vững, tạo ra một xã hội công bằng, hiệu quả và bền vững. Các yếu tố chính bao gồm tính kết nối chặt chẽ giữa kinh tế, xã hội và môi trường; khả năng thích ứng với công nghệ mới và thách thức mới; và tính bao trùm đảm bảo mọi người đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển.

10102024NL4.jpg

Ông Tôn Thất Hạc Minh - Tư vấn trưởng Dịch vụ phát triển bền vững, Công ty Cổ phần Năng lượng và Môi trường thông minh BYECO2 chia sẻ tại Hội nghị

Ông Tôn Thất Hạc Minh cũng nêu, có rất nhiều thách thức khi ứng dụng công nghệ vào phát triển bền vững như chi phí đầu tư lớn vì xây dựng và nâng cấp hạ tầng công nghệ, mua sắm thiết bị và bảo trì hệ thống đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn. Thứ hai, thiếu hụt nguồn nhân lực, các chuyên gia có kỹ năng cao về công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo cũng như khó khăn trong việc đào tạo và nâng cao năng lực cho nhân viên. Thứ ba, vấn đề bảo mật và an toàn thông tin do rủi ro rò rỉ dữ liệu cá nhân, bí quyết công nghệ và tấn công mạng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân và tổ chức. Ngoài ra, còn khó khăn trong tích hợp và liên kết dữ liệu khi không tương thích về chuẩn do các hệ thống công nghệ khác nhau có thể sử dụng các chuẩn và định dạng dữ liệu khác nhau. Mặt khác, các dữ liệu thu thập có thể không đầy đủ, không chính xác hoặc không đồng bộ và một số người có thể kháng cự việc thay đổi các thói quen và phương thức làm việc truyền thống cũng như văn hóa tổ chức chưa sẵn sàng cho việc chuyển đổi số có thể cản trở quá trình áp dụng công nghệ mới…

“Vậy giải pháp là phải: Đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ, công nhân viên; Xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ, đầu tư vào việc xây dựng và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; Đảm bảo an toàn thông tin, đầu tư vào các hệ thống bảo mật và nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho người dùng; Xây dựng các tiêu chuẩn và quy định về dữ liệu, bảo mật để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ và sử dụng dữ liệu… Phát triển bền vững không thể thành tựu bởi những nỗ lực đơn lẻ mà bằng sự hợp tác và đồng sáng tạo”, ông Tôn Thất Hạc Minh chia sẻ.

10102024NL5.jpg

Tại Hội nghị các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và đại diện các hệ sinh thái khởi nghiệp đã cùng chia sẻ và thảo luận những nội dung về sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh trong thúc đẩy sự phát triển các mô hình kinh tế mới nhằm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đưa TP.HCM đạt mục tiêu trong cam kết Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Cùng với đó là các nội dung xoay quanh cuộc thi “Tuyển chọn các dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực phát triển bền vững trên địa bàn TP.HCM - Ho Chi Minh of Green Innovation Contest (GIC 2024)...

Cuộc thi “Tuyển chọn các dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực phát triển bền vững trên địa bàn TP.HCM - Ho Chi Minh of Green Innovation Contest (GIC 2024)” là cuộc thi do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức với mục tiêu tìm kiếm, hỗ trợ các dự án sáng tạo có giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, phát triển xanh có ứng dụng đổi mới sáng tạo. Cuộc thi được kỳ vọng sẽ là nơi cung cấp một môi trường ươm tạo thuận lợi cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đầy sáng tạo, đầy tâm huyết có thể phát triển. Thông qua đó giúp TP.HCM “xanh” hơn về mọi mặt. Tham gia cuộc thi, các dự án không chỉ gặp gỡ chuyên gia để hoàn thiện mô hình kinh doanh mà còn có cơ hội gặp gỡ các đơn vị chức năng chuyên môn, nhằm khơi gợi bài toán đặt hàng phù hợp với các chính sách của Thành phố. Bên cạnh đó các dự án cũng có cơ hội nhận gói ươm tạo từ 40 triệu đến 400 triệu đồng của Nghị quyết 20 dành riêng cho các dự án tham gia cuộc thi. Hiện cuộc thi đã nhận được sự đồng hành của các đơn vị gồm: Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM, New Energy Nexus, BambuUp, Swiss EP và  Công ty Cổ phần Năng lượng và Môi trường thông minh BYECO2…

Nhật Linh (CESTI)

Hội nghị tập huấn "Kỹ năng lập hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp" được tổ chức ngày 10/10/2024, nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân đang hoạt động, sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố biết cách tự lập hồ sơ đăng ký và xử lý các tình huống trong quá trình nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, từ đó bảo vệ tài sản trí tuệ do mình tạo ra.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung (Phó Trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, đây là một trong những hoạt động có tính chất chuyên sâu, nhằm hướng dẫn kỹ năng, kiến thức, thông tin, chia sẻ kinh kiệm, trao đổi, giải đáp thắc mắc liên quan các nội dung cụ thể như điểm mới của văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) liên quan đến xác lập quyền đối với kiểu dáng công nghiệp (KDCN); kinh nghiệm xây dựng hồ sơ và xử lý các vấn đề phát sinh đối với đơn đăng ký bảo hộ KDCN. Đại biểu tham dự hội nghị cũng được hướng dẫn cách tra cứu thông tin nhằm đánh giá khả năng bảo hộ KDCN trước khi nộp đơn đăng ký; hướng dẫn thực hành lập hồ sơ đăng ký KDCN và xử lý tình huống. Thông qua lớp tập huấn này, Sở mong muốn các đại biểu có thể áp dụng các kỹ năng, kiến thức được trang bị vào thực tiễn hoạt động tại đơn vị, doanh nghiệp của mình.

03HDKHLVtaphuanbaohoKDCNh2.jpg

Bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung (Phó Trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở KH&CN TP.HCM) phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, báo cáo viên của chương trình là bà Nguyễn Thu Trang (Trung tâm Thẩm định Kiểu dáng công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ) đã trình bày và làm rõ các nội dung về đối tượng của KDCN; thủ tục đăng ký KDCN; thủ tục sửa đổi, bổ sung, chuyển nhượng; quy trình đăng ký KDCN.

Theo đó, việc bảo hộ KDCN có thể áp dụng cho nhiều loại hình sản phẩm (thực phẩm, đồ gia dụng, đồ thời trang, phương tiện, sản phẩm công nghệ, đồ trang trí, đồ dùng văn phòng, đồ chơi, thiết bị điện, vật liệu xây dựng,…). Tuy nhiên, cần nhận biết đúng đối tượng đăng ký bảo hộ KDCN, dựa trên hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp của những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp. KDCN rất quan trọng, sẽ quyết định sự lựa chọn của người tiêu dùng (quyết định mua sản phẩm đó hay không) và dễ bị sao chép, vì vậy, việc đăng ký bảo hộ KDCN chính là bảo vệ tài sản trí tuệ do mình tạo ra.

03HDKHLVtaphuanbaohoKDCNh4.jpg

Bà Nguyễn Thu Trang (Trung tâm Thẩm định Kiểu dáng công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ) trình bày, hướng dẫn các nội dung tại hội nghị 

Về thủ tục đăng ký KDCN, bà Trang hướng dẫn, cần nắm rõ cơ sở pháp lý và chuẩn bị được các tài liệu tối thiểu (gồm tờ khai đăng ký, bộ ảnh chụp hoặc bộ bản vẽ, bản mô tả KDCN, chứng từ nộp phí/lệ phí). Hồ sơ đăng ký KDCN sẽ bao gồm các tài liệu tối thiểu này và các tài liệu khác kèm theo đơn như giấy ủy quyền, bản sao đơn đầu tiên, tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, tài liệu xác nhận quyền nộp đơn,… Về cơ sở pháp lý, bà Trang lưu ý, cần nắm các quy định và cập nhật những điểm mới, sửa đổi bổ sung của các luật, nghị định, thông tư liên quan như Luật SHTT số 50/2005/QH11 được sửa đổi bổ sung bởi Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/6/2009; Luật số 42/2019/QH14 ngày 14/6/2019; Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về sở hữu công nghiệp; Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN ngày 30/11/2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về sở hữu công nghiệp;…

03HDKHLVtaphuanbaohoKDCNh3.jpg

Các đại biểu tham dự hội nghị tập huấn

Đối với quy trình đăng ký KDCN, báo cáo viên của lớp tập huấn đã trình bày và hướng dẫn các nội dung cụ thể về quy trình xử lý đơn đăng ký KDNC, thẩm định hình thức, thẩm định nội dung, đánh giá tính mới, thực hành đánh giá sự khác biệt, đánh giá tính sáng tạo, đánh giá khả năng áp dụng công nghiệp,… Cuối cùng là các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ: là đối tượng của KDCN; không vi phạm chính sách của Nhà nước về SHTT; đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên; đáp ứng yêu cầu về tính thống nhất; đáp ứng các điều kiện bảo hộ (tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp).  

Được biết, dịp này Sở KH&CN cũng tổ chức các khóa huấn luyện chuyên sâu khác như hội nghị tập huấn Kỹ năng lập hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế (ngày 11/10/2024); lớp huấn luyện Nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ cho hoạt động đổi mới sáng tạo năm 2024 (kéo dài 15 buổi, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong thời gian từ ngày 28/10 - 29/11/2024).

Lam Vân (CESTI)

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu sử dụng tín hiệu PPG và trí tuệ nhân tạo trong tầm soát phát hiện tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim”. Nhiệm vụ do Trường Đại học Bách Khoa chủ trì và phối hợp cùng Bệnh viện Thống Nhất thực hiện.

Nhiệm vụ tập trung vào việc xây dựng bộ dữ liệu PPG (tín hiệu quang học dùng để đo tình trạng lưu thông máu ở các mạch ngoại biên) theo nhịp tim và chỉ số huyết áp. Từ đó nghiên cứu thuật toán ước tính huyết áp, cho phép dự đoán được những bệnh nhân bị huyết áp cao, giúp các bác sĩ phối hợp theo dõi chặt chẽ, chủ động xây dựng phác đồ chăm sóc sức khỏe một cách tích cực và hiệu quả.

HOIDONG.png

Quang cảnh buổi nghiệm thu.

Tại buổi nghiệm thu, PGS.TS. Lưu Thanh Tùng (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 17,9 triệu người chết vì các bệnh tim mạch vào năm 2016, chiếm 31% tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Trong số những ca tử vong này, 85% là do đau tim và đột quỵ, trong đó, 3/4 số ca tử vong xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ở Việt Nam, hằng năm có khoảng 200.000 người tử vong do các bệnh tim mạch, cao hơn cả số tử vong do ung thư. Điều đáng lo ngại là các ca tử vong tim mạch lại chủ yếu do không được phát hiện và điều trị kịp thời. Thêm vào đó, nếu như các vấn đề về tim mạch khoảng vài thập kỷ trước được xem là một chứng bệnh của tuổi già thì trong những năm gần đây đã có hiện tượng trẻ hóa căn bệnh này.  

Theo PGS.TS. Lưu Thanh Tùng, tim mạch là một trong những bệnh lý khó khăn, phức tạp hàng đầu về chẩn đoán. Những năm gần đây, ý tưởng về một hệ thống thăm khám từ xa, kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) đã được khởi xướng và nghiên cứu rộng rãi. Công nghệ này sẽ giúp giảm tải cho hệ thống y tế, bệnh viện, giúp các bác sĩ quản lý tốt hơn, qua đó mang lại cho người bệnh cơ hội được điều trị hiệu quả, nhanh chóng và tiết kiệm.

CHUNHIEM.png

PGS. TS. Lưu Thanh Tùng (chủ nhiệm nhiệm vụ) báo cáo kết quả đề tài tại buổi nghiệm thu.

Bên cạnh đó, một giải pháp mang tính khả thi đã và đang được sự quan tâm của cộng đồng y tế trên thế giới là sử dụng tín hiệu photolethysmographic (PPG), một dạng tín hiệu quang học dùng để đo tình trạng lưu thông máu ở các mạch ngoại biên. Điểm mạnh của tín hiệu này là thiết bị nhỏ gọn có thể đeo trên người ở dạng đồng hồ hay nhẫn, tín hiệu nhạy với sự thay đổi của tình trạng mạch máu. Dựa trên ý tưởng về tín hiệu PPG, nghiên cứu này được thực hiện với mong muốn xây dựng một kho dữ liệu về tín hiệu PPG, đồng thời, sử dụng AI dự đoán sớm các bệnh tim mạch, đưa ra thông báo về nguy cơ về tim và hơn thế nữa có thể dự đoán về nguy cơ đột quỵ để có thể cứu chữa kịp thời.

Nhóm đã áp dụng các phương pháp nghiên cứu chính: nghiên cứu thuật toán trích xuất huyết áp từ PPG; thuật toán phát hiện tăng huyết áp; thuật toán phát hiện rối loạn nhịp tim.

Theo đó, đối với thuật toán trích xuất huyết áp từ PPG, đề tài sử dụng trực tiếp tín hiệu chuỗi thời gian PPG để dự đoán huyết áp tâm trương và tâm thu thông qua chỉnh sửa và cải tiến mạng nơ-ron ConvNext. Một số sửa đổi và cải tiến trên lớp tích chập một chiều cho phép mạng học và nắm bắt được mối tương quan theo chuỗi thời gian của tín hiệu PPG và huyết áp. Về thuật toán phát hiện tăng huyết áp, đề tài sử dụng trực tiếp tín hiệu chuỗi thời gian PPG để phát hiện bệnh tăng huyết áp qua chỉnh sửa và cải tiến mạng nơ-ron ConvNext. Một số sửa đổi và cải tiến trên lớp tích chập một chiều cho phép mạng học và nắm bắt được mối tương quan theo chuỗi thời gian của tín hiệu PPG và tăng huyết áp. Còn ở thuật toán phát hiện rối loạn nhịp tim, thuật toán sẽ biến tín hiệu PPG ở dạng chuỗi thời gian (time series) thành dạng phổ tần số - thời gian (time frequency spectrum). Phổ thời gian – tần số sẽ thể hiện rõ các vùng tần số và thời điểm mà ở đó các cơn rối loạn xảy ra. Phổ thời gian - tần số sẽ được làm đầu vào cho mô hình học sâu để xác định là mẫu PPG có xuất hiện rối loạn nhịp tim hay không. Đề tài tiến hành nghiên cứu trên cả hai mô hình CNN (mô hình mạng nơ-ron tích chập) và CNN-LSTM (kết hợp mạng nơ-ron tích chập và mạng bộ nhớ dài hạn ngắn hạn).

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập và phân tích dữ liệu tín hiệu PPG kết hợp với huyết áp từ các nhóm người bệnh gồm 557 mẫu người rối loạn nhịp tim, 761 mẫu người tăng huyết áp và 505 mẫu người bình thường. Qua đó tạo ra một cơ sở dữ liệu đa dạng và phong phú đủ để phục vụ cho việc phát triển và huấn luyện mạng AI. Trên bộ dữ liệu này, nhóm nghiên cứu đã xây dựng và huấn luyện một mô hình AI chuyên dụng có khả năng nhận dạng những người có nguy cơ mắc bệnh huyết áp. Ngoài ra, thuật toán AI mà đề tài phát triển còn chẩn đoán các thông số quan trọng khác như nhịp tim và mức độ rối loạn nhịp tim của từng cá nhân.

Kết quả, nhiệm vụ đã tạo ra thiết bị đo nhịp tim dựa trên nguyên lý của tín hiệu PPG, với đầu đo sử dụng thiết bị Beurer PO80 (Beurer GmbH, Söflinger Str. 218, 89077 Ulm, Germany) kết hợp với máy tính và phần mềm AI; thiết bị đo huyết áp dựa trên nguyên lý của tín hiệu PPG, với đầu đo sử dụng thiết bị Beurer PO80 kết hợp với máy tính và phần mềm AI; bộ dữ liệu PPG trên đối tượng nghiên cứu là 1823 mẫu; phần mềm AI tích hợp trên thiết bị.

TEST.png

PGS. TS. Trương Đình Cẩm (chủ tịch Hội đồng tư vấn nghiệm thu) thử nghiệm mẫu sản phẩm của đề tài, đối chứng với thiết bị của bệnh viện Thống Nhất.

Sản phẩm của nghiên cứu này sau khi được đưa vào sử dụng hứa hẹn sẽ giải quyết bài toán cho khâu khám và sàng lọc, hỗ trợ chẩn đoán, theo dõi sức khỏe tim mạch, cung cấp các thông tin hữu ích cho cả người bệnh lẫn chuyên gia y tế. Từ đó mở ra cơ hội cho các ứng dụng trong việc theo dõi sức khỏe từ xa, cho phép người dùng theo dõi liên tục tình trạng sức khỏe của mình mà không cần đến những thiết bị y tế phức tạp hay sự can thiệp trực tiếp từ bác sĩ.

Báo cáo trước Hội đồng tư vấn nghiệm thu, đại diện nhóm nghiên cứu khẳng định, nhiệm vụ đã thành công trong việc làm chủ được công nghệ và dữ liệu về con người Việt Nam, góp phần phát triển công nghệ nhận dạng các vấn đề về huyết áp, nhịp tim một cách nhanh chóng và đơn giản. Việc thực hiện đo các chỉ số huyết áp và nhịp tim có thể chỉ do người bệnh tự thực hiện và gửi đến bệnh viện. Với những kết quả này, đề tài được xem như một bước tiến lớn trong việc ứng dụng AI vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, mà cụ thể là giải quyết vấn đề tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu.

Minh Nhã (CESTI)

Khóa huấn luyện kéo dài 15 buổi, nhằm thúc đẩy hình thành nguồn nhân lực về quản trị tài sản trí tuệ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, đồng thời hỗ trợ tổ chức thiết lập, xây dựng công cụ quản trị tài sản trí tuệ.

Tài sản trí tuệ đã và đang trở thành bệ phóng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phát triển tài sản trí tuệ còn là con đường ngắn nhất để gia tăng giá trị thị trường của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần phải trang bị năng lực quản trị tài sản trí tuệ, chẳng hạn như tạo lập tài sản trí tuệ mới, bảo hộ và khai thác các quyền sở hữu trí tuệ...

Nhằm thúc đẩy hình thành nguồn nhân lực về quản trị tài sản trí tuệ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo tại các đơn vị cơ sở (doanh nghiệp, trường đại học, viện/trung tâm nghiên cứu…), đồng thời hỗ trợ tổ chức thiết lập, xây dựng công cụ quản trị tài sản trí tuệ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức khóa huấn luyện nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ cho hoạt động đổi mới sáng tạo năm 2024 cho nhóm đối tượng là lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhân viên thuộc các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc là giảng viên, công chức, viên chức thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

qttstt.jpg

Khóa huấn luyện kéo dài 15 buổi (12 buổi lý thuyết, 02 buổi thực hành và 01 buổi kiểm tra, giải đáp thắc mắc), thực hiện theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thời gian học từ 18-21h các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần, từ ngày 28/10-29/11/2024. Địa điểm: học trực tiếp tại địa chỉ 79 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM. Kinh phí của khóa huấn luyện do ngân sách khoa học và công nghệ của Thành phố đài thọ theo quy định. Học viên tham dự khóa huấn luyện sẽ được cấp Giấy chứng nhận sau khi hoàn thành khóa huấn luyện.

Nội dung khóa huấn luyện bao gồm:

+ Tài sản vô hình và tài sản trí tuệ trong kinh doanh và đổi mới sáng tạo

+ Sản phẩm trí tuệ mới từ hoạt động đổi mới sáng tạo

+ Thực hành lưu chứng và bảo mật các dữ liệu và thông tin mới trong hoạt động đổi mới sáng tạo

+ Quyền tác giả trong hoạt động đổi mới sáng tạo

+ Quyền liên quan đến Quyền tác giả trong hoạt động đổi mới sáng tạo

+ Thực hành ghi nhận các kết quả đổi mới sáng tạo dạng Quyền tác giả và Quyền liên quan

+ Kiểu dáng công nghiệp trong hoạt động đổi mới sáng tạo

+ Bằng độc quyền sáng chế trong hoạt động đổi mới sáng tạo

+ Bí mật kinh doanh trong hoạt động đổi mới sáng tạo

+ Thực hành ghi nhận các kết quả đổi mới sáng tạo dạng Kiểu dáng công nghiệp và Sáng chế

+ Các chỉ dẫn thương mại trong kinh doanh sản phẩm mới

+ Thương hiệu và Nhãn hiệu trong hoạt động đổi mới sáng tạo

+ Quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm

+ Giống cây trồng mới trong hoạt động đổi mới sáng tạo

Thông tin chi tiết về khóa huấn luyện, vui lòng liên hệ: Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo – Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, 273 Điện Biên Phủ, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM. Điện thoại: 0902.860.488 (Anh Tuấn Anh).

Hoàng Kim (CESTI) 

Đại biểu tham dự sẽ được hướng dẫn cách tra cứu thông tin nhằm đánh giá khả năng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, bảo hộ sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký, hoặc nhận tư vấn, hướng dẫn thực hành lập hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp, xử lý tình huống.

Tài sản trí tuệ là kết quả sáng tạo từ hoạt động khoa học và công nghệ. Tài sản trí tuệ có thể gia tăng đáng kể sức cạnh tranh trên thị trường, do đó bảo vệ tài sản trí tuệ là vấn đề luôn được doanh nghiệp, tổ chức và người dân quan tâm. Nhằm tăng cường hỗ trợ các trường đại học, viện/trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang hoạt động và kinh doanh trên địa bàn Thành phố biết cách tự lập hồ sơ đăng ký, xử lý các tình huống trong quá trình nộp đơn đăng ký (kiểu dáng công nghiệp, sáng chế,…) nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ do mình tạo ra. Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức 02 hội nghị tập huấn về kiểu dáng công nghiệp và sáng chế.

Hội nghị 1: Chủ đề “Kỹ năng lập hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp”. Hội nghị sẽ cập nhật những điểm mới của văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ liên quan đến xác lập quyền đối với kiểu dáng công nghiệp (thủ tục đăng ký bảo hộ, quy trình xử lý đơn,…), đồng thời chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hồ sơ và xử lý các vấn đề phát sinh đối với đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Tại hội nghị, đại biểu tham dự sẽ được hướng dẫn cách tra cứu thông tin nhằm đánh giá khả năng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trước khi nộp đơn đăng ký, hoặc nhận tư vấn, hướng dẫn thực hành lập hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp, xử lý tình huống.

kdcn.jpg

Hội nghị “Kỹ năng lập hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp” sẽ diễn ra lúc 8h15 ngày 10/10/2024 tại Khách sạn Paragon Saigon (22 - 24 Thi Sách, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM). Hội nghị dành cho nhóm đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức và cá nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố. Đăng ký tham dự tại: https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSdNps4kGDy2MtYD_3Hk_ekv65eOf9GheDmK8PgXmfl-cl-DpQ/viewform.

Hội nghị 2: Chủ đề “Kỹ năng lập hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế”. Hội nghị sẽ cập nhật những điểm mới của văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ liên quan đến xác lập quyền đối với sáng chế (thủ tục đăng ký bảo hộ, quy trình xử lý đơn,…), chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hồ sơ và xử lý các vấn đề phát sinh đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế. Tại hội nghị, đại biểu tham dự sẽ được hướng dẫn thực hành tra cứu thông tin nhằm đánh giá khả năng bảo hộ sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký, hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thực hành lập hồ sơ đăng ký sáng chế, xử lý tình huống.

sangche.jpg

Hội nghị “Kỹ năng lập hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế”. sẽ diễn ra từ 8h15 ngày 11/10/2024 tại Khách sạn Paragon Saigon (22 - 24 Thi Sách, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM). Hội nghị dành cho nhóm đối tượng là viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố. Đăng ký tham dự tại: https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSd4dSxbWRUpEI8ukbys1wOtdWWf4hdtEUE7Hk2RzW7Bu7bXQA/viewform.

Thông tin chi tiết về các hội nghị, vui lòng liên hệ: Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo – Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Điện thoại: 028.3829 8217 / 0908 891 744 (Thanh Tuyền). Email: ttttuyen.skhcn@tphcm.gov.vn.

Hoàng Kim (CESTI)

 

Ngày 03/10, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học "Triển khai các giải pháp thương mại hóa, đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh".

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, Thành phố đã đầu tư rất nhiều nguồn lực vào nghiên cứu khoa học (NCKH), tạo ra nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị, đồng thời đạt được thành công bước đầu trong việc chuyển giao công nghệ (CGCN), thương mại hóa (TMH) các kết quả NCKH, sáng chế/giải pháp hữu ích. Điều này được thể hiện qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn tăng và ở mức cao trong giai đoạn 2016 - 2022 (đạt trung bình 46,7%), trong đó đóng góp của khoa học và công nghệ (KH&CN) vào tăng trưởng TFP là 74%. Đồng thời, trong giai đoạn 2016 - 2022, năng suất lao động xã hội của TP.HCM cao gấp 2 lần so với cả nước và bình quân đạt 272 triệu đồng, năng suất lao động của doanh nghiệp có hàm lượng khoa học và công nghệ cao thuộc 4 ngành công nghiệp và 9 ngành dịch vụ trọng yếu gấp 1,67 lần năng suất lao động xã hội của Thành phố.

01HDKHLVhoithaothuongmaihoaKQNCh2.jpg

Ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại hội thảo

Để đưa nhanh kết quả NCKH hình thành từ ngân sách Nhà nước vào thực tiễn, Thành phố đã ban hành và triển khai các chương trình/đề án như Dự án Thương mại hóa thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ trong hoạt động nghiên cứu triển khai tại Khu Công nghệ cao TP.HCM giai đoạn 2017 - 2020, Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, tại Sở KH&CN cũng đã xây dựng và triển khai Kế hoạch thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả NCKH, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2025.

Công tác TMH kết quả NCKH, phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ từ các viện, trường cũng được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức. Một số mô hình đã được thành lập để thúc đẩy TMH kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ như mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp từ trường đại học, viện nghiên cứu; trung tâm dịch vụ CGCN (TTO); mô hình hợp tác 3 nhà (nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nước) trong quá trình triển khai nghiên cứu.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi những kết quả NCKH thành sản phẩm, dịch vụ có giá trị thương mại vẫn còn nhiều hạn chế. Hoạt động chuyển giao và TMH kết quả nghiên cứu của các viện, trường hầu hết được thực hiện bởi chính mối quan hệ của các nhà khoa học, thông qua các trung tâm nghiên cứu, trung tâm dịch vụ CGCN (TTO) trực thuộc viện, trường. Do đó, trong quá trình đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cần có "tiếng nói chung" với nhu cầu thị trường.

Ông Minh cũng cho rằng, việc TMH thành công kết quả từ nhiệm vụ KH&CN sẽ trở thành yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của đổi mới sáng tạo. Vì vậy, cần có giải pháp để tăng cường đầu tư cho KH&CN không chỉ từ phía Nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp; nâng cao nhu cầu công nghệ tự thân của doanh nghiệp; tăng cường liên kết viện, trường và doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng nhiều đại diện sở, ban, ngành, doanh nghiệp,… đã lắng nghe các bài tham luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thương mại hóa kết quả NCKH; trao đổi, thảo luận, đề xuất, góp ý xoay quanh các nội dung về thực trạng cơ chế, chính sách và giải pháp tạo động lực TMH kết quả NCKH, phát triển công nghệ hình thành từ ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, các báo cáo tham luận được trình bày gồm: Nhận định về khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp (bà Nguyễn Thị Thu Sương, Quyền Trưởng phòng Quản lý Khoa học – Sở KH&CN TP.HCM); Đánh giá thực trạng thương mại hóa kết quả nghiên cứu tại Trường Đại học Bách Khoa (PGS.TS. Phạm Đình Anh Khôi, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ); Thúc đẩy ứng dụng nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghệ thông tin - truyền thông vào thực tiễn (PGS.TS. Quản Thành Thơ, Trường Đại học Bách Khoa); Mô hình TTO tại Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ cao (ThS. Bùi Quang Vinh, Trung tâm Nghiên cứu Triển khai - Khu Công nghệ cao TP.HCM).

01HDKHLVhoithaothuongmaihoaKQNCh3.jpg

Bà Nguyễn Thị Thu Sương (Quyền Trưởng phòng Quản lý Khoa học – Sở KH&CN TP.HCM) trình bày báo cáo tham luận tại hội thảo

Về thực trạng TMH kết quả NCKH sử dụng ngân sách Nhà nước, bà Nguyễn Thị Thu Sương cho biết, giai đoạn 2014 - 2018, số lượng nhiệm vụ có kết quả được TMH thành công là 13%, tuy nhiên, hiện tại, tỷ lệ này giảm còn 5%. Trong số các doanh nghiệp khởi nghiệp tại TP.HCM, số doanh nghiệp khởi nguồn từ viện nghiên cứu, trường đại học (spin-off) chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 5%. Kết quả khảo sát độ sẵn sàng TMH của đề tài NCKH được nghiệm thu trong giai đoạn 2014 - 2018 cho thấy, nhóm đề tài sẵn sàng chuyển giao chiếm 37%, đề tài đã được TMH chiếm 13%. Tính chung cả 2 nhóm, tỷ lệ các đề tài NCKH có khả năng TMH khá cao (50%), tuy nhiên việc đưa các kết quả NCKH có tiềm năng ra thị trường không phải dễ dàng.

Theo bà Sương, cần nhìn nhận một số nguyên nhân hạn chế TMH kết quả NCKH như thiếu cơ chế kết nối giữa đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp, vấn đề bí mật kinh doanh, nhiều doanh nghiệp chưa thật sự tin tưởng các nhà khoa học; các quy định pháp luật hiện hành còn rào cản (xem kết quả nghiên cứu là tài sản công), cơ chế quản lý phức tạp, chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm ra thị trường,…

Do đó, Sở KH&CN đề xuất "Đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh" nhằm tháo gỡ một số vướng mắc, rào cản, tạo thêm chính sách ưu đãi và hỗ trợ nguồn lực để đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường. Đề án là hoạt động cụ thể hóa nội dung ký kết hợp tác giữa Ban cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM. Trong đề án này, Sở mạnh dạn đề xuất mục tiêu ở giai đoạn thí điểm cần có 10 sản phẩm KH&CN được thương mại hóa; hình thành ít nhất 5 quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa viện, trường - Nhà nước - doanh nghiệp; số lượng tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước được chuyển giao và TMH đạt 10% - 15%.

Các giải pháp triển khai đề án gồm lựa chọn các kết quả nghiên cứu tiềm năng; xây dựng cơ chế tài chính và hỗ trợ pháp lý; hình thành mạng lưới hợp tác giữa Nhà nước, viện nghiên cứu và doanh nghiệp; thực hiện chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp KH&CN. Để thực hiện, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ lập danh mục các nhiệm vụ KH&CN có tiềm năng TMH với các tiêu chí về tính khả thi (kỹ thuật), tiềm năng thị trường, kinh nghiệm đội ngũ quản lý, mô hình kinh doanh và khả thi tài chính, tác động xã hội và môi trường,... Cơ quan nhận chuyển giao phải triển khai các hoạt động thúc đẩy TMH như thành lập doanh nghiệp KH&CN, thành lập doanh nghiệp spin-off, góp vốn cùng doanh nghiệp khác, nhượng quyền sử dụng sản phẩm trí tuệ,... Quá trình thực hiện đề án sẽ được theo dõi đánh giá để rút kinh nghiệm và điều chỉnh nhằm phù hợp tình hình thực tế, bà Sương chia sẻ.

01HDKHLVhoithaothuongmaihoaKQNCh5.jpg

Phần trao đổi, thảo luận, đề xuất giải pháp tại hội thảo 

Các ý kiến thảo luận, góp ý, đề xuất tại hội thảo đánh giá cao đề án này và nhận định đề án có thể tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc hiện nay trong CGCN và TMH kết quả NCKH. Việc triển khai các cơ chế tài chính và hỗ trợ pháp lý trong đề án được xem là hoạt động hỗ trợ pháp lý quan trọng giúp xác lập quyền sở hữu cho nhà khoa học tạo ra công nghệ, thúc đẩy hoạt động thương mại hóa, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.

Các chia sẻ, thảo luận tại hội thảo cũng cho rằng, quá trình NCKH tạo ra sản phẩm có thể chuyển giao đã rất nhiều khâu, để TMH sản phẩm nghiên cứu còn nhiều hoạt động khác như định giá công nghệ, hoàn thiện sản phẩm, đánh giá khả năng chuyển giao, tìm thị trường,… Nhà khoa học không chỉ tập trung nghiên cứu tạo ra sản phẩm mà còn phải phát triển công nghệ, phát triển thị trường,… Hơn nữa, hoạt động CGCN và TMH kết quả NCKH vốn khá phức tạp, đa dạng, còn gặp rào cản về cơ chế chính sách, tài chính,… Do vậy, để tăng khả năng thành công, bên cạnh việc tháo gỡ các vướng mắc, rào cản, hoạt động CGCN và TMH kết quả NCKH cần tìm được "tiếng nói chung" giữa các đơn vị nghiên cứu (viện, trường), doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.

Lam Vân (CESTI)

Clip hoạt động


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537358