SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Cao lỏng Tam thất hỗ trợ điều trị ung thư

19-06-2023

Chế phẩm cao lỏng Tam thất chế không chỉ giúp tăng sức đề kháng và bồi bổ cơ thể, giảm trầm cảm, làm chậm quá trình ô xy hóa, mà còn tăng cường khả năng miễn dịch của các cơ quan, giúp hạn chế đáng kể sự phát triển của các tế bào ung thư.

Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, con người luôn đối mặt với các yếu tố nguy cơ gây ung thư như ô nhiễm môi trường, hóa chất độc hại… Đến nay, gánh nặng ung thư vẫn đang tiếp tục tăng trên toàn cầu và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần và tài chính đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và hệ thống y tế.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới với gần 10 triệu người đã tử vong do ung thư trong năm 2020.

Tiềm năng từ nguồn nguyên liệu Tam thất

Từ năm 1970, Việt Nam bắt đầu nhập trồng các dòng Tam thất ở các tỉnh phía Bắc như Sapa, Lào Cai, Lai Châu. Đặc biệt gần đây, với các dự án chuyển đổi kinh tế cây trồng, khu vực tỉnh Hà Giang và Lào Cai đã phát triển vùng trồng Tam thất với diện tích rất lớn.

Tương tự các dược liệu thuộc chi Panax khác, Tam thất có thành phần hóa học chính là các saponin thuộc nhóm dammaran có cấu trúc protopanaxadiol (PPD) và protopanaxatriol (PPT) với hơn 80 saponin khác nhau đã được phân lập, trong đó các thành phần chính là ginsenosid Rb1, -Rd, -Rg1, notoginsenosid R1…

Tam thất có nhiều tác dụng dược lý đặc trưng của chi Panax như tăng lực, chống trầm cảm, tăng sinh thích nghi, tác dụng chống oxy hóa. Trong các nghiên cứu tác dụng điều hòa miễn dịch in vitro và  in vivo, Tam thất có tác dụng kích thích miễn dịch, rút ngắn thời gian đông máu. Ngoài ra, Tam thất còn có tác dụng kích thích chức năng nội tiết sinh dục nữ, giãn mạch ngoại biên. Trong y học cổ  truyền, Tam thất được sử dụng để chữa trị chứng thổ huyết, chảy máu cam, băng huyết, rong kinh, có tinh hoạt huyết, chữa thiếu máu, mệt mỏi, chóng mặt…

Tuy nhiên, một trong những tác dụng của Tam thất được các nhà khoa học thế giới cũng rất quan tâm nghiên cứu là tác dụng chống ung thư. Bởi lẽ, tam thất có tác dụng làm giảm kích thước khối u trên chuột nhắt gây ung thư bằng cách cấy vào tế bào ung thư ác tính. Trong các nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học đã chứng minh rằng Tam thất còn làm hạn chế sự di căn của tế bào ung thư và kéo dài thời gian sống ở chuột bị ung thư.

Trên thực tế, Tam thất có giá trị không kém Nhân sâm do có hàm lượng saponin cao hơn gấp đôi so với Nhân sâm, và đồng thời có một số tác dụng đặc biệt mà Nhân sâm không có, ngoài ra giá thành lại rẻ hơn so với Nhân sâm Hàn Quốc.

Hiện nay, trên thị trường bên cạnh sản phẩm dược liệu thô (nguyên củ Tam thất), bột củ Tam thất, và một số công ty dược phẩm đã chế biến các sản phẩm từ Tam thất như sản phẩm viên nang, viên nén có kết hợp với một số dược liệu như Nghệ, Đan sâm trong điều trị các bệnh liên quan đến máu huyết, bệnh tim mạch như phòng ngừa và điều trị các chứng đau thắt ngực, tim hồi hộp; phòng ngừa và điều trị  bệnh xơ vữa mạch vành…

"Có rất nhiều công trình nghiên cứu cho thấy Tam thất, đặc biệt là Tam thất chế theo kiểu Hồng sâm (hấp ở nhiệt độ cao) có tác dụng ức chế sự phát triển tế bào ung thư (in vitro) và ức chế tăng trưởng khối u (in vivo) trên nhiều dòng tế bào ung thư.

Sau quá trình chế biến, nhiều thành phần saponin mới đã được hình thành như G-Rh2, GRh1, G-Rk1, G-Rg5… đã được chứng minh có tác dụng ức chế sự phát triển tế bào ung thư in vitro và in vivo", TS. Lê Thị Hồng Vân cho biết.

Tuy nhiên, theo lời TS. Lê Thị Hồng Vân (Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn), cho đến nay thị trường Việt Nam, sản phẩm từ Tam thất hỗ trợ điều trị ung thư được bào chế từ Tam thất chế dạng Hồng sâm còn khá hạn chế. Đa số các sản phẩm được bào chế từ Tam thất ở dạng bột Tam thất, hoặc viên nén, viên nang… mà chưa có dạng cao lỏng. Đây là dạng bào chế cho hiệu quả trong hấp thu hơn so với các dạng bào chế viên nén, viên nang.

Do vậy, nhiệm vụ "Hoàn thiện quy trình nghiên cứu cao định chuẩn và chế phẩm cao lỏng Tam thất chế có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư từ dược liệu Tam thất (Panax notoginseng)" đã được các nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn đề xuất nhằm phát triển sản phẩm cao lỏng từ Tam thất chế nhằm hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung thư cũng như nhiều tác dụng hỗ trợ khác mang lại từ Tam thất để đưa đến sản phẩm cuối cùng có khả năng được cấp phép lưu hành trên thị trường.

Nhiệm vụ hướng đến các mục tiêu chính gồm: 1) Lựa chọn nguồn nguyên liệu Tam thất và phân lập các chất chuẩn từ Tam thất; 2) Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) cho Tam thất; 3) Nghiên cứu điều kiện chế biến Tam thất và xây dựng TCCS cho Tam thất chế; 4) Tối ưu  hóa quy trình chiết xuất cao định chuẩn, xây dựng TCCS cho cao định chuẩn và cao chiết Tam thất chế; (5) Nghiên cứu xây dựng quy trình bào chế sản phẩm cao lỏng Tam thất chế; 6) Xây dựng TCCS cho sản phẩm cao lỏng Tam thất chế; và 7) Khảo sát độc tính và hoạt tính của cao Tam thất chế và sản phẩm cao lỏng Tam thất chế.

H-1B.jpg
Sản phẩm cao lỏng Tam thất chế

Báo cáo trước hội đồng nghiệm thu vừa được Sở KH&CN TP.HCM tổ chức, TS. Lê Thị Hồng Vân cho biết: nhiệm vụ đã đạt được các mục tiêu đã đề ra cùng với các sản phẩm cụ thể đã đăng ký trong thuyết minh. Theo đó, nhóm triển khai nhiệm vụ đã phân lập được 8 chất tinh khiết làm chất chuẩn cho việc xây dựng tiêu chuẩn nguyên liệu đầu vào và tiêu chuẩn cho bán thành phẩm và thành phẩm từ dược liệu Tam thất chế, đồng thời xây dựng được quy trình định lượng của các ginsenosid chính trong nguyên liệu, cao chiết và thành phẩm. Cụ thể, nhóm đã thiết lập 5 tiêu chuẩn cơ sở với các chỉ tiêu cơ bản của nguyên liệu dược liệu và cao chiết của Nguyên liệu Tam thất, Tam thất chế, Cao định chuẩn Tam thất chế, Cao đặc Tam thất chế, và Cao lỏng Tam thất chế.

H-5.jpg

TS. Lê Thị Hồng Vân (trái) trao đổi với đại diện hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ về kết quả nghiên cứu

"Các tiêu chuẩn này đã được thẩm định bởi cơ quan độc lập là Viện kiểm nghiệm thuốc TP.HCM", TS. Lê Thị Hồng Vân khẳng định, "Đặc biệt, tiêu chuẩn cơ sở của nguyên liệu Tam thất đầu vào được lựa chọn, so sánh và đối chiếu với 31 mẫu dược liệu tươi, khô có nguồn từ Trung Quốc và cả Việt Nam. Nguyên liệu có hàm lượng ginsenosid tổng (G-Rb1 + G-Rg1 + G-Rd + G-Re và NR1) lớn hơn 8%, cao hơn  gần 1,5 lần so với tiêu chuẩn hiện hành của Dược điển Việt Nam. Đặc biệt, tiêu chuẩn hàm lượng kim loại nặng đã được đưa vào  cho tất cả TCCS của nguyên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm".

Nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn cũng đã khảo sát quy trình chế biến Tam thất chế dựa vào sự thay đổi hàm lượng ginsenosid và sự thay đổi hoạt tính ức chế phát triển tế bào ung thu phổi A549, ung thư vú MDA-MB-231, từ đó lựa chọn ra điều kiện chế biến phù hợp là hấp Tam thất ở 120 độ C trong 4 giờ. Đồng thời, nhóm cũng đã tối ưu hóa quy trình chiết cao định chuẩn hóa dựa trên hiệu suất chiết cao và hàm lượng ginsenosid tổng; xây dựng quy trình chế biến cao định chuẩn, cao đặc toàn phần từ Tam thất chế đạt hàm lượng ginsenosid cao; và xây dựng quy trình điều chế sản phẩm cao lỏng từ Tam thất chế.

H-2.jpg

Quy trình chế biến cao lỏng Tam thất chế (trái), và quy trình chế biến Tam thất nguyên liệu

Các đánh giá độc tính cấp, độc tính bán trường diễn của cao đặc Tam thất chế, cao lỏng thành phẩm; và khảo sát độc tính cấp đường uống đã cho thấy cao chiết Tam thất chế không thể hiện độc tính cấp đường uống trên chuột nhắt với liều tối đa có thể qua kim là 200 ml cao lỏng/kg và 55 gam cao đặc/kg.

Chưa dừng lại ở đó, nhóm triển khai nhiệm vụ đã tạo được dạng chế phẩm cao lỏng Tam thất từ  cao đặc Tam thất chế nhằm gia tăng hoạt tính so với dạng Tam thất chưa chế, đồng thời chế  phẩm dạng lỏng cũng giúp tăng độ hấp thu của sản phẩm so với các sản phẩm như viên uống. Chế phẩm được định hướng hỗ trợ cho bệnh nhân điều trị ung thư với liều sử dụng dự kiến khoảng 2-3 lần/ngày.

Từ việc tính toán chi phí, có thể ước lượng chi phí cho một ngày sử dụng sản phẩm là 35.000 - 40.000 đồng (trong đó chi phí nguyên vật liệu khoảng 20.000-25.000 đồng/ngày). Chi phí này là hợp lý cho sản phẩm từ Tam thất để hỗ trợ điều trị.

Đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ cho biết kết quả thử nghiệm dược lý tiền lâm sàng trên sản phẩm cao chuẩn hóa cũng giống như là cao lỏng tam thất đã cho thấy hai dạng chế phẩm này mang lại những tác dụng tăng cường hơn với dạng tam thất chưa chế biến, đặc biệt là tác dụng ức chế khối u cũng như là tác dụng chống huyết khối trên động vật thử nghiệm.

H-3.jpg

Nguyên liệu đầu vào của nghiên cứu là Tam thất chưa qua chế biến và đã qua sơ chế (Tam thất nguyên liệu)

Với những kết quả khả quan đó, nhóm nghiên cứu nghiên cùng với trung tâm Khoa học Công nghệ dược Sài gòn (Đại học Y dược TP.HCM) mong muốn dự án sẽ được tiếp tục phát triển ở pha tiếp theo, đó là sản xuất thực nghiệm cũng như thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân, với mong muốn đưa được sản phẩm hiệu quả đến bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân có những vấn đề liên quan đến điều trị ung thư.

Dược liệu Tam thất hay còn gọi là tam thất bắc (kim bắc hoán), là dược liệu quý trong y học cổ truyền, và từ lâu đã được sử dụng với nhiều công dụng quý như là bổ máu tăng lực, cầm máu, chống huyết khối,…

Tại Việt Nam, các sản phẩm từ Tam thất đa số được dùng dưới dạng Tam thất thô, như là Tam thất xay bột, hoặc là một số sản phẩm được bào chế từ Tam thất như là viên nén, viên nang dạng trà từ sản phẩm củ Tam thất hoặc hoa Tam thất. Tuy nhiên chưa có nhiều nghiên cứu cũng như là các sản phẩm được bào chế theo dạng Tam thất chế theo kiểu Hồng sâm (Nhân sâm) thì chưa được nghiên cứu, cũng như là chưa có nhiều sản phẩm phổ biến trên thị trường.

Chính vì vậy, đây là mục tiêu của nhóm triển khai nhiệm vụ, cụ thể là phát triển một dạng sản phẩm từ Tam thất chế theo kiểu Hồng sâm. Để chế biến dạng này thì Tam thất phải được lựa chọn với nguồn nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đầu vào, sau đó được chế biến bằng cách hấp ở nhiệt độ cao.

Bằng cách hấp này, quá trình gia nhiệt sẽ làm cho Tam thất với những thành phần hoạt chất trong Tam thất được chuyển hóa thành những thành phần có hoạt tính mạnh hơn so với dạng bào chế ban đầu những dạng Tam thất thô, và chính nhờ những dạng Tam thất thô bào chế có sự thay đổi thành phần hóa học này cũng đã mang lại sự thay đổi mạnh mẽ, từ tác dụng dược lý cho Tam thất, đặc biệt là tác dụng kháng ung thư, cũng như sự tiện dụng trong sử dụng.

 

Thông tin liên hệ:

Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn (Sapharcen)

Địa chỉ: 41 Đinh Tiên Hoàng, P.Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM

Điện thoại: 028.38295641 - 0984711256

Email: levan@ump.edu.vn

Website: sapharcen@ump.edu.vn


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353