SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Mỗi người dân sẽ là một chủ thể sáng tạo trong đô thị thông minh

26-02-2018

Hàng loạt các nhóm giải pháp phục vụ lợi ích của người dân đã được đưa ra trong Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

 

Người dân là trung tâm của đô thị

 

Chiều 26.11, TP.HCM đã chính thức công bố Đề án "Xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến đến năm 2025". Tầm nhìn, nội dung xuyên suốt được nêu ra trong đề án là “TP.HCM sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị.”

 

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, Phó trưởng ban điều hành đề án Thành phố thông minh, nhận định: “Đối với người dân, đô thị thông minh giúp cung cấp các tiện ích hỗ trợ người dân ra quyết định một cách tối ưu hơn, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân để người dân tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng thành phố.”

 

Về giao thông, dữ liệu mở và thông tin dự báo giao thông giúp người dân tìm được lộ trình phù hợp cũng như cho phép người dân tham gia giám sát các hoạt động liên quan.

 

Việc tìm chỗ gửi xe tại các khu vực trung tâm cũng sẽ không còn là nỗi lo thường trực của nhiều người nhờ những giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh. Hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông cũng là một nội dung được nhiều người dân trông đợi ở đề án.

 

 

Với các giải pháp được nêu trong đề án, những hình ảnh này sẽ không còn là nỗi ám ảnh với người dân TP.HCM

 

Đối với phần lớn người dân TP.HCM, chống ngập lụt là vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất. Bởi vậy, trong đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020 có riêng một nhóm giải pháp dành cho vấn đề này gồm: xây dựng hệ thống dự báo thời tiết tiểu vùng thời gian thực, xây dựng hệ thống cảm biến giám sát ngập, xây dựng hệ thống dự báo lũ, tích hợp viễn thám và GIS phục vụ nhiệm vụ thoát nước, chống ngập của TP.HCM…

 

Ngoài giao thông, lĩnh vực y tế cũng nhận được quan tâm đặc biệt. Bệnh án điện tử, các thiết bị đeo thông minh với chức năng giám sát sức khỏe từ xa kết hợp với những hệ thống phân tích dự báo, hội chẩn từ xa… là những ứng dụng hứa hẹn đem lại những lợi ích to lớn trong lĩnh vực y tế.

 

 

 

Nếu các ứng dụng trên được triển khai hiệu quả, người bệnh hoàn toàn có thể được bác sĩ khám chữa bệnh và tư vấn từ xa. Khi đó, hình ảnh những khuôn mặt mệt mỏi vì chờ đợi hay các phòng bệnh chật kín bệnh nhân sẽ không còn là nỗi ám ảnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế.

 

Bên cạnh đó, các vấn đề an toàn thực phẩm, môi trường, phát triển nguồn nhân lực, an ninh trật tự, chính quyền điện tử, chỉnh trang và phát triển đô thị cũng là những nội dung quan trọng trong đề án nhằm đem lại chất lượng sống tốt hơn cho người dân.

 

Những dấu hiệu tích cực

 

Thực tế, nhiều chương trình, dự án đã được các sở, ban, ngành thực hiện thí điểm và đang đem lại những kết quả hết sức tích cực.

 

Hệ thống quản lý, tiếp nhận thông tin phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị 1022 do Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM thực hiện tiếp nhận phản ánh của người dân qua các kênh phổ biến như điện thoại, tin nhắn SMS, email, website và ứng dụng di động. Hệ thống hiện đang nhận được sự phản hồi tích cực của người dùng.

 

Theo ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, hệ thống có sự tham gia của 85 đơn vị trên địa bàn thành phố. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, hệ thống sẽ thông báo đến cơ quan hữu trách để có biện pháp xử lý. Đồng thời, quá trình xử lý cũng sẽ được công khai để người dân có thể giám sát và kiểm tra.

 

 

An toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra

 

3517 trang trại, 63 cơ sở giết mổ đăng ký tham gia đề án, 100% sản phẩm được truy xuất tại 2 chợ đầu mối… là những kết quả của đề án Quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt heo do Sở Công Thương TP.HCM thực hiện.

 

Ngoài ra, các chương trình như Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông tập trung, thí điểm Giải pháp quản lý an ninh trật tự hay cung cấp thông tin quy hoạch qua Internet và smart phone... cũng đang tạo ra những nét mới tích cực trong đời sống của cư dân thành phố.

 

 

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại buổi công bố đề án

 

Với vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo đề án, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhấn mạnh: “Đô thị thông minh phải giúp mỗi người dân, mỗi một cơ quan tổ chức là một chủ thể sáng tạo, góp ý được cho thành phố và cho chính họ”.

 

Theo người đứng đầu Thành uỷ, mục tiêu quan trọng nhất của Đề án là phát triển kinh tế bền vững, trong đó phải dự báo, thấy trước khó khăn, giải pháp phòng ngừa và liên kết tốt; phải làm sao kết hợp các nguồn lực để đạt hiệu quả cao hơn trong khi từng nguồn lực không thay đổi; cùng với đó tạo môi trường sống của người dân phải tốt trong các vấn đề như hạ tầng, chất lượng không khí, thúc đẩy dịch vụ y tế…

 

“Bản chất làm đô thị thông minh là bớt giật mình, vì mọi thứ dự báo được. Nếu có đủ số liệu ngập nước, triều cường, thời tiết trong 1 năm, thì có thể dự báo được tình hình thời tiết, ngập nước trong đô thị. Dự báo không tính bằng tay được, phải dùng máy tính, phần mềm”, ông Nhân bày tỏ.


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353