SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Phát huy sức trẻ trong hoạt động tham vấn – phản biện khoa học

02-11-2021

Đây là kiến nghị nhằm tăng tính mới, hiệu quả đổi mới sáng tạo cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chính sách, phát huy trí tuệ của cộng đồng để phục vụ cộng đồng.

Ngày 2/11/2021, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội thảo “Cơ chế huy động chuyên gia, nhà khoa học trong tư vấn xây dựng và phản biện chính sách, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng của Thành phố”. Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chủ trì hội thảo.

211102hk11.jpg

Trong những năm qua, TP.HCM đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút chuyên gia, nhà khoa học tham gia xây dựng và phản biện chính sách. Do đó, hình thức huy động chuyên gia, nhà khoa học trong hoạt động tham vấn – phản biện hiện nay tương đối đa dạng với nhiều cấp độ tư vấn, đã dần thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia trong và ngoài nước đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế cần có giải pháp khắc phục để hoạt động tham vấn – phản biện thêm hiệu quả, ví dụ như cách tổ chức thực hiện tham vấn, việc cung cấp thông tin cho hoạt động tham vấn, thời gian đảm bảo cho hoạt động tham vấn, hình thức phản biện – tranh luận để đi đến kết luận giải quyết vấn đề…

Làm thế nào để đổi mới cách thực hiện nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động tham vấn – phản biện? Giải pháp nào có thể khuyến khích cộng đồng cùng tham gia hoạt động tham vấn – phản biện, từ đó phát huy trí tuệ của cộng đồng?”, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng đặt vấn đề với các đại biểu tham dự hội thảo.

TS Trần Du Lịch đề nghị, để các chuyên gia, nhà khoa học tận tâm “hiến kế” giải pháp thì Thành phố cần xem việc nghe chuyên gia phản biện là công việc tất yếu, dành thời gian và thể hiện tính cầu thị, mong muốn tìm giải pháp. Để hoạt động tham vấn – phản biện không đi theo tính hình thức, Thành phố nên tin và giao việc cho chuyên gia, nhà khoa học ngay từ giai đoạn khởi thảo ý tưởng. Cùng với đó, Thành phố cần có chế độ cung cấp thông tin cho chuyên gia, nhà khoa học vì việc phân tích, xử lý thông tin không thể dựa vào những nguồn tin phi chính thống hoặc chưa xác thực.

211102hk2.jpg

Với số lượng tổ chức, hội đồng khoa học và công nghệ đông đảo, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng TP.HCM không cần lập thêm tổ chức mới, mà chỉ cần củng cố các tổ chức, hội đồng đang hoạt động. Thành phố có thể tạo dựng 2 “phòng tuyến” cho hoạt động tham vấn – phản biện: một là các chuyên gia nòng cốt và tham gia thường xuyên, hai là các chuyên gia cộng tác (theo từng ngành, lĩnh vực) ở Viện – trường.

Về vấn đề tuyển chọn nhân sự cho Hội đồng phản biện khoa học, để tăng tính minh bạch, sức trẻ và hiệu quả đổi mới sáng tạo, các đại biểu đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cân nhắc hình thức “chuyên gia giới thiệu chuyên gia”. Trong đó, các chuyên gia đầu ngành giàu kinh nghiệm sẽ đề xuất các chuyên gia trẻ có năng lực chuyên môn tốt tham gia vào Hội đồng. Một hình thức khác, là chọn chuyên gia trẻ theo dữ liệu (được thống kê và cập nhật thường xuyên, là từ kết quả nghiên cứu, các bài báo khoa học đã công bố, các dự án đã thực hiện…) phù hợp với chủ đề, đề tài nghiên cứu khoa học, chính sách.

Các đại biểu cũng kiến nghị, Hội đồng phản biện khoa học có thể tổ chức theo hình thức tập trung vào Chủ tịch hội đồng. Theo đó, Chủ tịch hội đồng sẽ chịu trách nhiệm điều hành hội đồng theo quy định, đồng thời tự điều phối đội ngũ chuyên gia hoặc kêu gọi chuyên gia từ doanh nghiệp tham gia. Điều này đòi hỏi Chủ tịch hội đồng phải có uy tín với cộng đồng, mới có thể kêu gọi, tập trung nhân lực tham gia Hội đồng.

Theo hướng triển khai này, ngoài phần ngân sách hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học, Chủ tịch hội đồng hoàn toàn có thể kêu gọi được tài trợ kinh phí từ doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chính sách. Việc kết hợp ngân sách và tài trợ sẽ tạo nguồn kinh phí đủ lớn để các chuyên gia, nhà khoa học tăng cường điều kiện nghiên cứu, mở rộng triển khai hoặc đề xuất các giải pháp, tiến hành các dự án nghiên cứu quy mô lớn, hoặc tiến hành nghiên cứu cùng một vấn đề theo nhiều hướng tiếp cận khác nhau để tìm giải pháp tối ưu.

Một ý kiến khác mà các đại biểu gợi ý là Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nên phát triển nền tảng công nghệ kết nối mạng lưới chuyên gia trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố. Bằng nền tảng này, Thành phố có thể kêu gọi các thành phần tri thức trong cộng đồng cùng tham gia, đóng góp ý kiến cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chính sách của Thành phố, từ đó phát huy trí tuệ của cộng đồng để phục vụ cộng đồng.

Hoàng Kim (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353