SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tập huấn: “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ quản lý nhà nước”

18-04-2023

Nhằm thực hiện công tác chuyển đổi số về nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho công chức, viên chức và người lao động tại Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị trực thuộc Sở.

Chiều ngày 14/04/2023, tại trụ sở Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi khai mạc lớp tập huấn với chủ đề: "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ quản lý nhà nước - Sử dụng ChatGPT trong soạn thảo một số tài liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước". Báo cáo viên là PGS.TS Đinh Điền - Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 

2.jpg

Lớp tập huấn đã thu hút hơn 100 học viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các phòng ban của Sở, các đơn vị và trung tâm trực thuộc Sở cùng tham gia trực tiếp và trực tuyến

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, đối với lĩnh vực của quản lý Nhà nước, ChatGPT có thể ứng dựng vào các nội dung công việc như: hỗ trợ cung cấp các dịch vụ công cho công dân hay hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc ra quyết định… Mặc dù có mặt tích cực nhưng ChatGPT cũng đặt ra những thách thức cho quản lý Nhà nước. Vì vậy, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Sở và các đơn vị trực thuộc Sở cần tích cực nghiên cứu, tìm hiểu về ChatGPT. Đồng thời để tiếp cận ChatGPT hiệu quả, cần thận trọng, xem xét một cách khoa học, tận dụng những lợi thế và xác định những rủi ro để có biện pháp phòng tránh liên quan đến bản quyền, an toàn an ninh mạng.

3.jpg

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc lớp tập huấn.

“Mục tiêu của Sở khi tổ chức lớp học này là ngoài học để ứng dụng được công cụ của trí tuệ nhân tạo thì chúng ta cũng phải biết về nó, về những lợi ích, hạn chế và những cơ hội của Chat GPT cho công việc của mình nói riêng, cho xã hội nói chung. Điều quan trọng nhất là nó sẽ được cụ thể hóa khi chúng ta học xong, sắp tới đây Sở sẽ ứng dụng để hỗ trợ người dân và giúp công chức, viên chức trong công việc. Nếu phát triển được, công cụ của trí tuệ nhân tạo sẽ giúp cho chúng ta tự đào tạo về nghiệp vụ, về quy trình quy định của các bộ phận khác nhau trong cùng một bộ máy”, ông Dũng nói.

Tại buổi học đầu tiên, báo cáo viên PGS.TS Đinh Điền đã giới thiệu các nội dung liên quan đến ứng dụng ChatGPT: những ứng dụng trong hệ thống dịch vụ công trực tuyến, cơ hội và thách thức; các cơ chế bảo mật và an toàn thông tin khi ứng dụng ChatGPT và sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo; ứng dụng ChatGPT trong lĩnh vực hành chính công nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; ứng dụng ChatGPT về phục vụ dịch vụ công trực tuyến, trả lời tiến độ thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; ứng dụng ChatGPT vào việc ghi nhận và trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp…

4.jpg

PGS. TS. Đinh Điền - Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học máy tính, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về ứng dụng ChatGPT tại lớp tập huấn.

Theo báo cáo viên PGS. TS. Đinh Điền - Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học máy tính, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, ChatGPT tồn tại dưới dạng ngôn ngữ nên khi áp dụng vào quản lý nhà nước, nó sẽ hỗ trợ khá nhiều cho các nhà quản lý, cụ thể là phân loại thông tin và phản ánh thông tin trả lời tự động… Bình thường, một ngày một cơ quan hành chính có thể nhận tới hàng ngàn thư từ, thông tin phản ánh từ người dân, doanh nghiệp. Nếu giao cán bộ phân loại sẽ phải mất vài ngày xử lý, tuy nhiên với ứng dụng ChatGPT, thời gian xử lý sẽ nhanh hơn tính theo giờ và giúp các nhà quản lý phân loại các phản ánh theo từng nhóm ngành nghề và chuyển tới các phòng ban xử lý theo đúng chuyên môn. Ngoài ra, ChatGPT là dạng thông tin cá nhân hóa, nghĩa là khi chúng ta quan tâm tới mảng kinh doanh thì công cụ này sẽ tập trung cung cấp và trả lời các thông tin xung quanh mảng kinh doanh, sẽ cho độ chính xác khá cao.

“Mặc dù có nhiều mặt tích cực nhưng mô hình này cũng có sai số, đó là việc cung cấp các kiến thức về kinh tế, xã hội, lịch sử… có rất nhiều kết quả khác nhau và nó không phân được đâu là thông tin đúng và sai. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước muốn sử dụng ChatGPT hiệu quả cần phải giỏi hơn và làm chủ được ChatGPT. Nghĩa là, người dùng phải tự trang bị những kiến thức thông tin nền cao hơn ChatGPT để có thể kiểm chứng độ chính xác mà ChatGPT cung cấp...”, ông Điền nhấn mạnh.

Theo Ban tổ chức, các buổi học tiếp theo của lớp tập huấn sẽ diễn ra vào 14h00 các ngày 21/04, 28/04 và 05/05/2023:

Buổi 2: Dịch văn bản; Tóm tắt nội dung văn bản; Tạo văn bản; Chỉnh sửa nội dung văn bản.

Buổi 3: Điền form tự động; Sáng tạo ý tưởng; Sáng tạo hình ảnh; Sáng tạo nội dung video.

Buổi 4: Tìm kiếm thông tin trên ChatGPT; Phân tích dữ liệu; Ứng dụng ChatGPT trong nghiên cứu khoa học.


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353