SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM xây dựng tài liệu kỹ thuật nuôi trồng thủy hải sản cho huyện Cần Giờ, Nhà Bè

09-06-2022

Trại nuôi, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, hộ dân nuôi trồng thủy hải sản có thể tham khảo các tài liệu để triển khai ứng dụng hoặc chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp với sự hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

Ngày 7/6/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức nghiệm thu các tài liệu kỹ thuật gồm: “Quy trình nuôi tôm sú (Penaeus monodon) kết hợp với cá măng (Chanos chanos) trong ao đất”, “Quy trình nuôi thương phẩm cá hồng mỹ (Sciaenops ocellatus Linnaeus, 1766) trong lồng bè bằng thức ăn tổng hợp”, “Quy trình sinh sản và ương nuôi cá chẽm (Lates calcarifer) quy mô nông hộ”. Đây là những tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho người dân, đóng góp tích cực vào chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững ở các huyện Cần Giờ, Nhà Bè và các tỉnh thành lân cận.

220608hk1.jpg

“Quy trình nuôi tôm sú (Penaeus monodon) kết hợp với cá măng (Chanos chanos) trong ao đất” được xây dựng dựa trên dự án triển khai thực tế ở các huyện Duyên Hải, huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh). Quy trình ứng dụng giải pháp nuôi kết hợp, sử dụng tác nhân sinh học là cá măng để giải quyết về tảo trong ao (tảo phát triển quá mức, gây tàn lụi, ô nhiễm gây hại cho tôm) và vấn đề môi trường của ao nuôi, giúp ổn định môi trường, tạo chất lượng nước tốt, khắc phục hiện tượng tảo tàn trong ao, giảm khí độc tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho tôm tăng trưởng nhanh, hạn chế rủi ro trong nuôi tôm. Kết quả, tạo chất lượng tôm đạt yêu cầu cho xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với quy trình nuôi tôm thông thường.

“Quy trình nuôi thương phẩm cá hồng mỹ (Sciaenops ocellatus linnaeus, 1766) trong lồng bè bằng thức ăn tổng hợp” được xây dựng dựa trên dự án triển khai thực tế ở Cà Mau. Đây là giải pháp giúp các cơ sở tận dụng lồng bè nuôi thủy hải sản khác không hiệu quả có thể chuyển đổi sang nuôi cá hồng mỹ. Quá trình nuôi cá hồng mỹ cho ăn bằng thức ăn tổng hợp trong quy trình nuôi thương phẩm sẽ đem lại hiệu quả kinh tế hơn so với nuôi cá hồng mỹ bằng cá tạp và giảm ô nhiễm môi trường. Kết quả sau 10 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình từ 0,8-1,2 kg/con, tỷ lệ sống đạt trên 70%, hệ số FCR đạt 1,8-2,0.

220608hk2.jpg

“Quy trình sinh sản và ương nuôi cá chẽm (Lates calcarifer) quy mô nông hộ” được xây dựng dựa theo dự án triển khai thực tế tại nhiều cơ sở sản xuất giống ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Quy trình có thể áp dụng cho cơ sở, trại sản xuất giống cá biển nói chung và cá chẽm nói riêng, hoặc các trại sản xuất tôm giống không hiệu quả có thể áp dụng quy trình này để ương nuôi cá chẽm. Sản phẩm là cá chẽm giống từ 3-4 cm, đủ tiêu chuẩn để chuyển đến ao gièo, ương lên cỡ cá lớn hơn để thả nuôi thương phẩm hình thức ao đất hoặc lồng bè. Sản phẩm cá chẽm giống chủ yếu cung cấp cho các cơ sở, các doanh nghiệp và các hộ nông dân tại các huyện Nhà Bè, Cần Giờ và và các tỉnh lân cận (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang).

Được biết, các tài liệu kỹ thuật sau khi hoàn thiện sẽ được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM công bố trên trang web của Sở và các kênh truyền thông để người dân biết và tiếp cận.

Hoàng Kim (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353