SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng kết hợp bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP tại TP.HCM

30-06-2023
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các chủ thể tham gia Đề án Chương trình OCOP ứng dụng các giải pháp công nghệ nhằm đổi mới, hoàn thiện công nghệ sản xuất, chế biến theo quy mô phù hợp, tăng cường nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm OCOP.

Ngày 27/6/2023, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP.HCM (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) tổ chức hội thảo “Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn TP.HCM năm 2023”.

OCOP2023.jpg

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đinh Minh Hiệp (Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) cho biết hiện nay TP.HCM có tổng cộng 67 sản phẩm OCOP. Trong số này, có 66 sản phẩm được công nhận 27 sản phẩm 3-4 sao và 1 sản phẩm được đề xuất đánh giá 5 sao.

Đầu năm 2019, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một dự án trên địa bàn vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 với định hướng tập trung phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực (rau, hoa cây cảnh, bò sữa, heo, tôm nước lợ, cá cảnh), 6 sản phẩm thuộc 6 làng nghề truyền thống (làng nghề đan lát Thái Mỹ, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, làng nghề mành trúc Tân Thông Hội, làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn, làng nghề se nhang Lê Minh Xuân, làng nghề muối Lý Nhơn), cùng 4 sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng của huyện ngoại thành (khô cá dứa một nắng Cần Giờ, khô cá đù một nắng Cần Giờ, khô cá sặc một nắng Củ Chi, tổ yến Cần Giờ) và 1 sản phẩm nông nghiệp mang đậm nét vùng miền (xoài Long Hòa – Cần Giờ).

Thực hiện triển khai cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố hỗ trợ chuyển giao kết quả ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao giá trị sản phẩm OCOP. Bình quân mỗi năm có 150 mô hình được hỗ trợ xây dựng và chuyển giao như: các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, mô hình trồng rau thủy canh, mô hình trồng hoa lan theo hướng công nghệ cao… Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM còn hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP xây dựng website – logo, xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì - ấn phẩm quảng bá sản phẩm... Nhờ vậy, Đề án Chương trình OCOP đã góp phần khơi gợi và thúc đẩy phát triển ý tưởng của chủ thể sản xuất, tăng cường sự chủ động, cải tiến công nghệ - thiết bị để sản xuất nhiều sản phẩm mới mang tính độc, lạ, đạt chất lượng tốt phục vụ nhu cầu của thị trường.

Với vai trò thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ứng dụng khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM hỗ trợ các chủ thể tham gia Đề án Chương trình OCOP ứng dụng các giải pháp công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm OCOP nhằm đổi mới, hoàn thiện công nghệ sản xuất, chế biến theo quy mô phù hợp, tăng cường nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm OCOP. Thêm vào đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng có vai trò tập huấn, hướng dẫn các chủ thể và địa phương tham gia Đề án Chương trình OCOP tạo lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ (nhãn hiệu, giống cây trồng mới…), đăng ký bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP.

Theo ông Nguyễn Thanh Bảo (Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP.HCM), trong giai đoạn 2023-2025, sản phẩm OCOP được phân thành 6 nhóm gồm: thực phẩm; đồ uống; dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu; hàng thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh; dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm bán hàng.

Văn Kiệt - Hoàng Kim (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353