SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM “đặt hàng” giải pháp xây dựng công cụ hỗ trợ trực quan hoá, phân tích, thống kê, công khai dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng

28-09-2023
Chiều ngày 27/9/2023 tại Saigon Innovation Hub (Sihub) đã diễn ra sự kiện kết nối sáng tạo tháng 9 với chủ đề “Các giải pháp ứng dụng GIS trong quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng” thuộc chuỗi các sự kiện kết nối hợp tác giữa khu vực nghiên cứu với khu vực công (Inno-Coffee) nhằm kết nối chia sẻ khó khăn trong khu vực công và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, startup đưa ra những sáng kiến giải quyết vấn đề đóng góp cho sự phát triển của Thành phố.

2892023HT1.jpg

Sự kiện đã thu hút được hơn 50 đại biểu là đại diện các Trường, tổ chức Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học, Lãnh đạo các phòng chức năng, đơn vị của Sở cùng đại diện các doanh nghiệp, Startup... tham dự

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sương - Quyền Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ, TP.HCM là đô thị lớn của cả nước, có diện tích tự nhiên là 2.095 km2, dân số khoảng 10 triệu người, được chia thành 22 quận huyện và TP Thủ Đức. Với vai trò đầu tàu trong đa giác chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và là Thành phố đông dân nhất cả nước (chiếm tỷ lệ 9,35%), Thành phố có tốc độ đô thị hoá nhanh, đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bấp cập trong quản lý cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng.

"Do đó, hệ thống thông tin địa lý (GIS), viễn thám ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạch định các chính sách, chiến lược của một vùng lãnh thổ, hỗ trợ quản lý nhà nước trong rất nhiều lĩnh vực. Có thể nói đó là những công cụ không thể thiếu đối với một đô thị thông minh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát sự phát triển đô thị, kinh tế, xã hội", bà Nguyễn Thị Thu Sương nhận định.

Hiện nay, các đơn vị quản lý nhà nước trên địa bàn TP.HCM đã từng bước ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong các lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng, cụ thể:

Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai: “Chương trình xây dựng Hệ thống thông tin quản lý ngành tài nguyên và môi trường TP.HCM giai đoạn 2014-2020” theo quyết định số 1869/QĐ-UBND ngày 17/4/2014 của UBND Thành phố. Cũng như, triển khai các dự án thành phần chuyên ngành thuộc Đề án đô thị thông minh. Đồng thời, xây dựng nền tảng dữ liệu đất đai trực tuyến gồm Cổng thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường TP.HCM https://geodata-stnmt.tphcm.gov.vn/và Hệ thống trục tích hợp các dịch vụ web ngành tài nguyên môi trường https://esb-stnmt.tphcm.gov.vn/, các nền tảng này hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có thể xem dữ liệu phân khu, diện tích, quy hoạch, kế hoạch, mục đích sử dụng đất... toàn Thành phố trực tuyến.

Sở Xây dựng triển khai: “Chương trình xây dựng Hệ thống thông tin Quản lý xây dựng TP.HCM giai đoạn 2014-2020”  theo quyết định số 3845/QĐ-UBND ngày 08/8/2014 của UBND Thành phố. Cũng như, triển khai các dự án thành phần chuyên ngành thuộc Đề án đô thị thông minh.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc triển khai: Dự án “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công tác công bố, công khai thông tin quy hoạch” https://thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn/, nhằm hỗ trợ người dân, tổ chức tra cứu thông tin quy hoạch trực tuyến. Cũng như, triển khai các dự án thành phần chuyên ngành thuộc Đề án đô thị thông minh.

Uỷ ban nhân dân các quận huyện và TP Thủ Đức ứng dụng GIS trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường, xây dựng, cung cấp thông tin quy hoạch.

Các hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng đã mang lại hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước của các Sở ban ngành, quận huyện và TP Thủ Đức. Từ thực tiễn cho thấy 3 lĩnh vực quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng có sự quan hệ mật thiết với nhau, đòi hỏi sự kết nối và chia sẻ thông tin liên tục giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân 22 quận huyện và TP Thủ Đức.

2892023HT.jpg

Bà Nguyễn Thị Thu Sương - Quyền Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM trình bày bài toán “đặt hàng”

Tuy nhiên, cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Sương, hiện nay các cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý chuyên ngành về quản lý đất đai ở Sở Tài nguyên và Môi trường), quy hoạch ở Sở Quy hoạch - Kiến trúc và xây dựng ở Sở Xây dựng chưa có sự liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu một cách đồng bộ, thống nhất; chưa có các công cụ trực quan hóa, thống kê số liệu, tạo các báo cao nhanh phục vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng. Việc này gây không ít khó khăn cho công tác quản lý nhà nước của các Sở ban ngành, quận huyện.

Do đó, căn cứ Kế hoạch số 752/KH-SKHCN của Sở Khoa học và Công nghệ ngày 24/3/2022 về Công tác quản lý nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ năm 2022. Cũng như, căn cứ Quyết định số 3030/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/8/ 2020 về “Phê duyệt Đề án Ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn Thành phố”, nhằm: Liên thông, đồng bộ, thống nhất các dữ liệu, ứng dụng quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng, tạo thuận lợi cho công tác quản lý đô thị của các sở ngành, quận huyện; Cung cấp thông tin trực quan, kịp thời cho lãnh đạo Thành phố, các Sở ban ngành, quận huyện về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, điều hành, ra quyết định; Công khai thông tin về đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn Thành phố cho người dân, doanh nghiệp theo quy định.

Xuất phát từ thực tế nói trên trong công tác quản lý đô thị của Thành phố, đặc biệt là các lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng. Đồng thời, thực hiện mục tiêu xây dựng Thành phố thành đô thị thông minh, đổi mới sáng tạo, Ủy ban nhân dân Thành phố đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các quận huyện nghiên cứu “Xây dựng các công cụ trực quan hoá, phân tích, thống kê, công khai dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng”.

Mục tiêu tổng quát là nghiên cứu, xây dựng nền tảng trực quan hoá, phân tích, thống kê, công khai dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn TP.HCM. Cũng như, cung cấp các công cụ phân tích, thống kê và tra cứu các số liệu báo cáo nhanh về các lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng, hỗ trợ các cấp lãnh đạo đưa ra các hoạch định chính xác, hợp lý hỗ trợ tốt hơn cho công tác quản lý, quy hoạch, kịp thời phát hiện các sai phạm đối với các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, xây dựng. Đồng thời, chia sẻ các thông tin về dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng cho người dân và các tổ chức cần tra cứu góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn Thành phố.

Mục tiêu cụ thể là nghiên cứu, xây dựng nền tảng trực quan hoá, phân tích, thống kê, công khai dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng nhằm hỗ trợ việc phân tích, thống kê, trình diễn dữ liệu (không gian và thuộc tính). Cũng như, chia sẻ thông tin phục vụ lãnh đạo Thành phố, các Sở ban ngành, quận huyện và người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, triển khai vận hành thí điểm nền tảng trực quan hóa, phân tích, thống kê, công khai dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng.

Nội dung chủ yếu là đề án Ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn Thành phố gồm 06 nội dung như sau: (1) Xây dựng kiến trúc tổng thể, chi tiết hệ thống GIS, viễn thám về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng; (2) Rà soát, bổ sung, cập nhật cơ sở dữ liệu, xây dựng ứng dụng quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng; (3) Tích hợp, liên thông cơ sở dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng; (4) Xây dựng các công cụ trực quan hoá, phân tích, thống kê, công khai dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng; (5) Xây dựng quy chế vận hành, liên thông dữ liệu, cập nhật; (6) Khai thác dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng.

Sản phẩm cần đạt là nền tảng trực quan hóa, phân tích, thống kê, công khai dữ liệu. Cộng với đó là, kết quả vận hành thí điểm nền tảng trực quan hóa, phân tích, thống kê, công khai dữ liệu cũng như liên thông, tích hợp dữ liệu từ nền tảng tích hợp dữ liệu trong lĩnh vực quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng.

Dự kiến kết quả đạt được, đối với lĩnh vực Khoa học và Công nghệ có liên quan là nền tảng trực quan hoá, phân tích, thống kê, công khai dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng, đóng góp vào sự phát triển của việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng, phục vụ công tác hỗ trợ chuyển đổi số của Thành phố. Đối với kinh tế - xã hội và môi trường là hệ thống cũng cho phép chia sẻ dữ liệu, thông tin tới cộng đồng, người dân, tổ chức những thông tin về dữ liệu đất đai, quy hoạch, xây dựng trên địa bàn TP.HCM.

Được biết, sự kiện kết nối sáng tạo tháng 9 với chủ đề “Các giải pháp ứng dụng GIS trong quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng” là một sự kiện thuộc chuỗi các sự kiện kết nối hợp tác giữa khu vực nghiên cứu với khu vực công (Inno-Coffee) nhằm kết nối chia sẻ khó khăn trong khu vực công và tạo điều kiện các doanh nghiệp, startup đưa ra những sáng kiến giải quyết vấn đề đóng góp cho sự phát triển của Thành phố, do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chủ trì tổ chức. 

Nhật Linh (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353