SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM tổ chức tập huấn tiêu chuẩn quốc gia truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản

09-10-2023
Truy xuất nguồn gốc (TXNG) là hoạt động giám sát, xác định được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh. Hệ thống TXNG là hệ thống bao gồm hoạt động định danh sản phẩm, thu thập và lưu trữ thông tin về trạng thái của sản phẩm theo thời gian, địa điểm nhằm quản lý thông tin về chất lượng và an toàn của sản phẩm.

Ngày 06/10/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (GS1 VietNam, trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức lớp tập huấn, phổ biến, hướng dẫn áp dụng theo tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản sơ chế có bao gói cá rô, cá lóc, cá sặc, khô cá dứa… (Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9988:2013 và TCVN 9988:2013 Xác định nguồn gốc sản phẩm cá có vây).  

1092023ht1.jpg

Lớp tập huấn đã thu hút được gần 50 học viên tới từ các doanh nghiệp, Sở ban ngành, quận huyện và TP. Thủ Đức cùng tham dự

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, bà Võ Đình Liên Ngọc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), trong năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM triển khai kế hoạch tổ chức 6 lớp tập huấn về truy xuất nguồn gốc, tập trung phổ biến các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm hàng hoá được ban hành theo Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn TP.HCM theo Quyết định 1383/QĐ-UBND, tập trung vào các nhóm hàng hoá nông nghiệp, thực phẩm. Sau tập huấn, doanh nghiệp có thể nắm bắt được những quy định về tiêu chuẩn quốc gia trong truy xuất nguồn gốc, cụ thể là 23 tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc của Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành. Đồng thời, có thể áp dụng để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm - hàng hóa được sản xuất - kinh doanh tại từng doanh nghiệp.

"Đây là lớp tập huấn tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc cuối cùng trong năm 2023, trước đó Sở cũng đã tổ chức các lớp tập huấn về truy xuất nguồn gốc cho rau quả tươi, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm... hay việc ứng dụng mô hình truy xuất nguồn gốc sử dụng hệ thống NBC Trace. Trong năm 2024 tới đây, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tổ chức nhiều lớp tập huấn hơn nữa ở khắp các lĩnh vực khác nhau, rất mong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; Sở ban ngành, Ủy ban nhân dân các quận huyện và TP. Thủ Đức sẽ cử đại diện để cùng tham gia. Riêng trong lớp tập huấn ngày hôm này, các chuyên gia đến từ Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia sẽ giới thiệu, hướng dẫn, phổ biến tới anh chị và các bạn học viên tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản sơ chế có bao gói như cá rô, cá lóc, cá sặc, khô cá dứa theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9988:2013 và TCVN 9988:2013 Xác định nguồn gốc cá có vây. Hy vọng những nội dung này, có thể một phần nào đó góp sức cùng các đơn vị khắc phục thẻ vàng cảnh cáo thuỷ sản của Công đồng Châu Âu đang áp lên nước ta, chúng tôi cũng mong rằng trong thời gian tới, sau khi các đơn vị của Cộng đồng Châu Âu sang giám sát ở nước ta vào tháng 10 thì thuỷ sản của ta sẽ được gỡ thẻ vàng và qua đó thúc đẩy phát triển mạnh trở lại việc xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Châu Âu", bà Võ Đình Liên Ngọc chia sẻ.

9102023ht2.jpg

Bà Võ Đình Liên Ngọc phát biểu khai mạc lớp tập huấn

Tại lớp tập huấn, báo cáo viên của Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia đã phổ biến, hướng dẫn cụ thể việc áp dụng theo tiêu chuẩn quốc gia về truy suất nguồn gốc sản phẩm thủy sản sơ chế có bao gói cá rô, cá lóc, cá sặc, khô cá dứa… (Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9988:2013 và TCVN 9988:2013 Xác định nguồn gốc sản phẩm cá có vây). Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuỷ sản sơ chế có bao gói áp dụng theo các tiêu chuẩn này.

Cụ thể, TCNV 9989:2013 (tương đương với ISO 12877:2011) do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/JTC1/SC31 thu thập dữ liệu tự động biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Nội dung, gồm 6 điều chung và quy định thông tin cần được ghi lại trong các chuỗi phân phối cá nuôi. Tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu đối với chuỗi cung ứng cá nói chung, bao gồm cả nuôi trồng và đánh bắt để đảm bảo khả năng TXNG. Các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh được xác định trong tiêu chuẩn này bao gồm nhà sản xuất giống; nhà cung cấp cá bột; nhà cung cấp cá thương phẩm; nhà chế biến; nhà vận chuyển và nhà lưu kho nhà mua bán sỉ; nhà bán lẻ và bếp ăn lớn.

9102023ht3.jpg

Báo cáo viên Nguyễn Văn Công - Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia trình bày tại lớp tập huấn

Cũng trong khuôn khổ lớp tập huấn, các học viên còn được giới thiệu và hướng dẫn về mô hình truy xuất nguồn gốc sử dụng chung hệ thống NBC Trace cũng như quy trình 5 bước đăng ký để sử dụng hệ thống này, từ đó có thêm giải pháp số hóa và minh bạch thông tin sản phẩm, khẳng định thương hiệu và xây dựng niềm tin với khách hàng. Theo báo cáo viên, hệ thống NBC Trace phù hợp Tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc Quốc tế GS1 và Tiêu chuẩn, Quy chuẩn truy xuất nguồn gốc Quốc gia, phù hợp với mọi đối tượng trong chuỗi cung ứng sản phẩm - hàng hóa từ hộ kinh doanh đến doanh nghiệp. Hệ thống có khả năng tùy biến linh động, cho phép người dùng tự xây dựng quy trình riêng cho từng loại sản phẩm. Đồng thời, hệ thống cũng có khả năng tích hợp với hệ thống quản lý thông tin mã số, mã vạch sản phẩm, tham gia liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm - hàng hóa. Mặt khác, người dùng có thể chủ động quản lý, thiết kế, in, kích hoạt tem truy xuất nguồn gốc.

Hiện nay, mô hình truy xuất nguồn gốc sử dụng chung hệ thống NBC Trace đã được ứng dụng, triển khai cho 15 sản phẩm OCOP ở Sơn La, Sơn Dung Trà (Thái Nguyên), Cam Xã Đoài - Cam Vinh (Nghệ An), nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang)…

Ngoài ra, các báo cáo viên còn thông tin về Cổng Thông tin Truy xuất nguồn gốc quốc gia, hiện đang đưa vào thử nghiệm, dự kiến vận hành chính thức vào cuối năm. Việc vận hành Cổng Thông tin Truy xuất nguồn gốc quốc gia cũng sẽ góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp có định hướng trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, triển khai cách thức thực hiện. Cổng Thông tin Truy xuất nguồn gốc quốc gia còn là nơi hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể xuất khẩu sản phẩm - hàng hóa ra thị trường quốc tế.

Nhật Linh (CESTI


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353