SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM: Hoạt động sở hữu trí tuệ hướng đến phụ nữ, giới trẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa

09-09-2022

Các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức sở hữu trí tuệ trong cộng đồng, xây dựng văn hóa ứng xử tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ ở thế hệ trẻ, xây dựng ý thức và trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, từng bước hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng, dùng sở hữu trí tuệ làm công cụ hữu hiệu để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 8/9/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tiếp ông Hasan Kleib (Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới - WIPO).

220909hk1.jpg

Tóm tắt hoạt động đào tạo, huấn luyện về sở hữu trí tuệ, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, Sở đã triển khai Chương trình đào tạo Quản trị viên tài sản trí tuệ với 3 cấp độ từ năm 2008. Đến nay, đã có trên 700 học viên tham dự, riêng trong năm 2022 đang đào tạo 54 học viên. Đây là chương trình đầu tiên của cả nước được lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ ghi nhận và chính thức trở thành nhiệm vụ trong Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với giải pháp “đào tạo chuyên gia về quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp”. Nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ tham gia chương trình đã ứng dụng triển khai quản trị tài sản trí tuệ tại một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh nhờ công cụ sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM “kết tinh” thành tài sản trí tuệ, được ghi nhận và xác lập quyền sở hữu. Hiện nay, mỗi năm có trên 60 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nghiệm thu tại Sở, trung bình 1 nhiệm vụ có ít nhất 1 đơn vị tài sản trí tuệ.

Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng nỗ lực đưa sở hữu trí tuệ đến gần hơn với thế hệ trẻ thông qua các cuộc thi, hoạt động chào mừng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới 21/4, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 và Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Sở cũng sẽ đưa sở hữu trí tuệ vào khối tiểu học – phổ thông nhằm nâng cao nhận thức sở hữu trí tuệ trong cộng đồng, xây dựng văn hóa ứng xử tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ ở thế hệ trẻ, xây dựng ý thức và trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, từng bước hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng, dùng sở hữu trí tuệ làm công cụ hữu hiệu để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Hasan Kleib bày tỏ ấn tượng tốt về số lượng đơn đăng ký xác lập quyền ở TP.HCM tăng cao trong 3 năm trở lại đây. Hơn thế, những hoạt động sở hữu trí tuệ ở Thành phố cũng hướng đến 3 nhóm đối tượng gồm phụ nữ, giới trẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa mà WIPO đang rất quan tâm. Ông Hasan Kleib cũng giới thiệu về Viện đào tạo về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam sắp thành lập nhằm hỗ trợ Việt Nam sử dụng sở hữu trí tuệ như một công cụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Dịp này, ông Nguyễn Việt Dũng cũng đề xuất WIPO hỗ trợ chia sẻ các mô hình quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ chế chính sách tăng cường hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trên môi trường số. Thêm vào đó là những bộ tài liệu, phương thức tuyên truyền sở hữu trí tuệ trong trường học để đưa sở hữu trí tuệ đến với giới trẻ hiệu quả hơn.

Hoàng Kim (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353