SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thực hiện Kế hoạch số 1602/KH-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tổ chức tháng cao điểm thực hiện chủ đề năm 2021 "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư", Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng Kế hoạch số 1286/KH-SKHCN ngày 17 tháng 6 năm 2021 với chủ đề "cam kết, trách nhiệm và hành động" trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm, Sở Khoa học và Công nghệ giới thiệu 8 chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực năng suất chất lượng, sở hữu trí tuệ, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo

htdn

htdn1

htdn2

htdn3

htdn4

htdn5

htdn6

htdn7

htdn8

 

 

 

Hội nghị khoa học trẻ (YSC) lần thứ 3 năm 2021 diễn ra bằng hình thức trực tuyến, với hơn 700 bài báo tham gia ở 18 chuyên ngành, chia làm 5 lĩnh vực. Có 24 bài được lựa chọn báo cáo tại hội nghị và 50 bài được lựa chọn để trình bày tại triển lãm poster.

Ngày 06/8, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội nghị khoa học trẻ (YSC) lần thứ 3 năm 2021 với chủ đề: “Tri thức trẻ thời đại 4.0”. Hội nghị thu hút hơn 300 đại biểu tham gia là các Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh thành, các chuyên gia, nhà khoa học, đông đảo giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên các viện, trường trong và ngoài nước. Đây là một trong các hoạt động kỷ niệm 45 năm thành lập Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM (05/8/1976 – 05/8/2021).

YSC 2021 diễn ra theo hình thức online, với 2 phiên gồm: phiên poster vào ngày 05/08 (triển lãm trưng bày 50 poster ở các lĩnh vực khác nhau); phiên chính thức vào ngày 06/08 (phiên khai mạc toàn thể, phiên báo cáo ở 5 tiểu ban và tổng kết công bố kết quả).

Bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) cho biết, sau gần 7 tháng phát động, hội nghị đã nhận được 774 bài gửi tham gia, thuộc 5 lĩnh vực Hóa – Sinh – Thực phẩm – Môi trường, Kinh tế, Công nghệ thông tin – Điện – Điện tử, Cơ khí – Động lực – Nhiệt lạnh – Xây dựng, Khoa học xã hội và nhân văn. Trong đó có 432 bài tóm tắt và 141 bài toàn văn được phản biện và chấp nhận đăng trong các ấn phẩm hội nghị; có 24 bài được chọn báo cáo tại hội nghị và 50 bài được chọn để trình bày tại triển lãm poster.

cvh

Bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị. 

Thông qua hội nghị, chúng tôi mong muốn đẩy mạnh phong trào sinh viên, học viên và giảng viên trẻ tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ để thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân”. Đồng thời để phát huy vai trò của trí thức trẻ trong bối cảnh chuyển dịch của nền kinh tế toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ về tri thức và công nghệ; tạo môi trường giao lưu và học hỏi, cũng như tăng cường sự kết nối, chia sẻ, tạo cầu nối cho các nhà nghiên cứu trẻ. Hình thành cộng đồng các nhà khoa học trẻ, kết nối chuyên gia và xây dựng các đề án nghiên cứu có tính khả thi, phục vụ sự phát triển của Việt Nam nói chung và của các viện, trường nói riêng.

Tại phiên chính thức ngày 06/8, có hai bài tham luận được trình bày trước hội nghị, gồm: Nghiên cứu các sản phẩm thiên nhiên ứng dụng trong dược liệu và thực phẩm chức năng; Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp Spin-off trong môi trường giáo dục đại học tại Việt Nam. Các bài báo đáng chú ý, được đánh giá có chất lượng tốt tại các tiểu ban nội dung có thể kể đến là: Đánh giá hiệu quả sử dụng dung dịch bồ hòn hỗ trợ cho quá trình tuyển nổi nhằm phân tách PVC từ hỗn hợp nhựa thải; Thẩm định quy trình phân tích arsenic vô cơ và arsenic hữu cơ trong nước mắm bằng phương pháp quang phổ hấp thu nguyên tử với kỹ thuật tạo hydride; Ảnh hưởng của hàm lượng nước đến khả năng kháng oxy hóa và kháng khuẩn của các hợp chất trích ly từ vỏ chôm chôm rong riêng bằng phương pháp đun hoàn lưu và phương pháp vi sóng; Tối thiểu hóa sự phát sinh entropy của collector không khí có tấm hướng dòng; Phát triển tài chính và hiệu quả đầu tư doanh nghiệp tại Việt Nam; Nghiên cứu mối quan hệ giữa nội dung tự tạo của công ty, sự đồng cảm, nội dung tự tạo của người dùng và giá trị thương hiệu; Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng marketing 4.0 tại các doanh nghiệp thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu trên địa bàn TP.HCM;…

bcaoonl

Một báo cáo được trình bày tại tiểu ban Hóa - Sinh - Thực phẩm - Môi trường.

YSC là hội nghị khoa học thường niên, là sân chơi khoa học công nghệ dành cho các thầy cô giảng viên trẻ và các bạn sinh viên, học viên, nhà khoa học trẻ có dịp giao lưu, học hỏi, trao đổi lẫn nhau và với Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh thành, chuyên gia, nhà khoa học; tiếp cận, làm chủ khoa học hiện đại, hình thành những ý tưởng, sáng kiến mới nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế,…

Theo ban tổ chức, YSC lần 3 ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ không chỉ về số lượng các bài báo gửi tham dự hội nghị mà còn có sự tiến bộ rất lớn về chất lượng bài báo, cùng sự quan tâm và tham gia của đông đảo giảng viên và các bạn sinh viên, học viên, nhà khoa học trẻ. Có tổng cộng 1367 tác giả là các nhà khoa học trong nước và 15 tác giả đến từ 7 quốc gia (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Romani, Nga, Đài Loan, Hoa Kỳ) đã gửi bài tham gia hội nghị.

Lam Vân (CESTI)

Sau TP. Thủ Đức, 11 quận huyện khác trên địa bàn TP.HCM đã tiếp nhận ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Chiều 04/8/2021, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội nghị trực tuyến chuyển giao giải pháp “Ứng dụng công nghệ GIS trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận huyện”.

Trước đó, hệ thống GIS với 2 phần mềm ứng dụng là Thủ Đức Covid và Thủ Đức mua sắm đã được triển khai tại TP. Thủ Đức. Hệ thống do Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin Địa lý (HCMGIS) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiên cứu xây dựng và triển khai theo đặt hàng của TP. Thủ Đức, nhằm hỗ trợ cho việc quản lý tình hình dịch bệnh tại địa phương và hỗ trợ người dân trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, Sở mong muốn hỗ trợ các sở ngành, quận huyện ứng dụng các công cụ, giải pháp, mô hình KH&CN phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Thời gian qua, TP. Thủ Đức đã triển khai 2 ứng dụng Thủ Đức Covid (ứng dụng GIS trong việc quản lý dịch bệnh Covid-19) và Thủ Đức mua sắm (ứng dụng công nghệ GIS hỗ trợ người dân mua sắm trực tuyến). Đây là một trong những công cụ đã hỗ trợ rất nhiều cho địa phương cũng như người dân trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Cụ thể, ứng dụng Thủ Đức Covid hỗ trợ công tác quản lý, cho phép đánh giá tình dịch bệnh với các thống kê rất chi tiết về các ca nhiễm, nơi làm việc của ca nhiễm, các thống kê về vùng phong tỏa, cách ly,… Bên cạnh đó, Sở cũng nhận được đề xuất của một số quận, huyện về hỗ trợ trang web cung cấp địa điểm phục vụ thức ăn cho người nghèo, điểm bán hàng bình ổn, điểm bán hàng giá rẻ, phiên chợ 0 đồng. Sở KH&CN sẽ căn cứ vào nhu cầu/đề xuất cụ thể của các quận, huyện, và xây dựng các nhiệm vụ KH&CN để triển khai hỗ trợ.

Tại hội nghị lần này, Sở KH&CN đã chuyển giao hai phần mềm ứng dụng hệ thống GIS cho 11 quận huyện là Quận 4, Quận 6, Quận 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè. HCMGIS sẽ triển khai cài đặt và hỗ trợ huấn luyện đào tạo, hướng dẫn sử dụng hai phần mềm nhằm hỗ trợ các quận huyện ứng dụng nhanh các giải pháp KH&CN trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.

gistd

Các lớp bản đồ trong ứng dụng Thủ Đức Covid.

Ứng dụng GIS quản lý dịch bệnh Covid-19 gồm các tính năng chính là bản đồ, quản lý Covid, phân tích không gian, quản lý các lớp dữ liệu, thống kê báo cáo. Các tính năng này với các lớp dữ liệu, lớp diễn tiến Covid, lớp thống kê, sẽ giúp quản lý về số ca nhiễm, quản lý điểm phong tỏa, quản lý vùng cách ly, cung cấp các thông tin về địa điểm, địa chỉ lây nhiễm, sơ đồ lây nhiễm, thông tin cách ly, phong tỏa, điều trị, xét nghiệm. Các công cụ phân tích và thống kê báo cáo cho phép phân tích các ca dương tính, ca nghi nhiễm, ca bệnh cùng nhà, phân tích diễn tiến Covid, vùng cách ly, điểm phong tỏa, cơ sở cách ly tập trung, chốt kiểm soát; thống kê số ca dương tính phát sinh trong ngày, thống kê điểm phong tỏa; trích xuất dữ liệu, thống kê, biểu đồ, gởi email thông báo cho các cấp lãnh đạo. Bản đồ các lớp dữ liệu hỗ trợ công tác phòng chống Covid: ranh giới khu phố, ranh giới phường, bản đồ quản lý các cơ sở cách ly tập trung, điều trị y tế, xét nghiệm; bản đồ, số liệu, biểu đồ để đánh giá tình hình dịch bệnh theo từng ngày, xem thông tin diễn tiến ca bệnh F0-F1-F2 theo từng ngày, đánh giá khả năng lây lan, đánh giá nguồn lây Covid, biểu đồ phường có ca nhiễm cao,…

Ứng dụng mua sắm có thể hỗ trợ người dân mua sắm trực tuyến trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay. Hệ thống cập nhật dữ liệu các cửa hàng, chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn quận, huyện; cập nhật danh mục hàng hóa; cho phép tự động định vị vị trí người dùng, xem thông tin của các cửa hàng mua sắm và chọn lộ trình đi tới cửa hàng mua sắm, hoặc đặt hàng giao hàng, đặt hàng trực tuyến,… Khi người dùng truy cập, hệ thống sẽ định vị vị trí và đề xuất 10 – 20 cửa hàng gần nhất, hiển thị danh mục hàng hóa tại các cửa hàng, hiển thị thông tin về bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nhà, tìm đường đi đến địa điểm mua sắm,… để người dùng lựa chọn. Ngoài ra, ứng dụng này có thể mở rộng cập nhật các điểm phát hàng cứu trợ, từ thiện, kết nối người cho và nhận, đây là những tính năng cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Lam Vân (CESTI)

Chặng đường phát triển 45 năm của ngành khoa học và công nghệ Thành phố luôn được Đảng bộ và lãnh đạo thành phố quan tâm, chỉ đạo và cùng sát cánh để phát huy những tiềm năng, lợi thế, nắm bắt những cơ hội, đẩy lùi khó khăn. 

Ngành khoa học và công nghệ đã có những đóng góp tích cực góp phần đưa Thành phố trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về kinh tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo và đặc biệt là khoa học và công nghệ. Thành tựu của ngành khoa học và công nghệ thành phố còn có sức lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói riêng và cả nước nói chung, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

45nam

Ngày 15/11/1977, Ban Thường vụ Thành ủy đã ra Nghị quyết đầu tiên về công tác khoa học và kỹ thuật. Nghị quyết đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động khoa học và kỹ thuật trong thời gian đầu là xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành một Thành phố công nghiệp có cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp hiện đại. Các hoạt động khoa học và kỹ thuật đã được triển khai, nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực như: đất đai, thổ nhưỡng, giống cây trồng và vật nuôi, kỹ thuật canh tác và chăm sóc, thuốc trừ sâu và thú y, đến kỹ thuật thu hoạch, bảo quản và chế biến… để hỗ trợ nông dân ngoại thành khôi phục sản xuất nông nghiệp, nâng cao cả về số lượng và chất lượng hàng hoá, đẩy mạnh công tác chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu cung cấp lương thực cho nhân dân thành phố. Vùng nông thôn ngoại thành trở thành vành đai xanh – thực phẩm cung ứng được phần lớn nhu cầu rau xanh, thực phẩm cho cư dân của thành phố.

Về mặt tổ chức, ngày 6/8/1976, Ủy ban nhân dân Thành phố đã thành lập Ban Khoa học và Kỹ thuật theo Quyết định số 1810/QĐ-UB của UBND TP.HCM.

Ngày 10/3/1984 được đổi tên thành Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật theo Quyết định số 45/QĐ-UB của UBND TP.HCM

Ngày 29/1/1994 được đổi tên thành Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường theo Quyết định số 340/QĐ-UB-NC của UBND TP.HCM.

Ngày 18/7/2003 được đổi tên thành Sở Khoa học và Công nghệ theo Quyết định số 123/QĐ-UB của UBND TP.HCM.

Các đơn vị thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM:

Năm 1982, thành lập Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng với chức năng tham mưu và quản lý nhà nước về các hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn thành phố.

Năm 1983, thành lập Trung tâm Thông tin KH&CN với chức năng ban đầu là thực hiện công tác thông tin KH&CN phục vụ yêu cầu nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống trên địa bàn thành phố và khu vực.

Năm 1985, Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm được thành lập với chức năng làm dịch vụ trong lĩnh vực phân tích và thí nghiệm.

Năm 1986, thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu tập hợp lực lượng các nhà khoa học để tham gia đóng góp, tư vấn phản biện những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố và thiết lập mối quan hệ hợp tác với các tổ chức khoa học và kỹ thuật của các nước và của những người Việt Nam ở nước ngoài.

Hoàng Kim (CESTI)

Chương trình nhằm thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ tiếp cận đồng thời với nhiều chuyên gia, đơn vị cung ứng để có được giải pháp công nghệ phù hợp với năng lực sản xuất.

Thực hiện mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có công nghệ, kết quả nghiên cứu hoặc dự án đổi mới sáng tạo có thể chuyển giao, thương mại hóa hoặc tìm kiếm đối tác cùng hợp tác tiếp tục phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM triển khai Chương trình Kết nối cung - cầu công nghệ “Cà phê công nghệ” (Tech-Coffee). Qua đó, tạo điều kiện để công nghệ, kết quả nghiên cứu hoặc dự án đổi mới sáng tạo được đưa vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tăng cường các dịch vụ phục vụ người dân.

coffee

Chương trình Kết nối cung - cầu công nghệ “Cà phê công nghệ” (Tech-Coffee) là một trong tám Chương trình được Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh triển khai xuyên suốt trong năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch Covid - 19, tiến đến Chào mừng 45 năm thành lập Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

Chương trình Kết nối cung - cầu công nghệ “Cà phê công nghệ” (Tech-Coffee) gồm 2 nội dung chính: hoạt động “Hợp tác công nghệ” nhằm thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ (nguồn cung công nghệ) đến các doanh nghiệp sản xuất, nhà đầu tư (nơi ứng dụng công nghệ) và hoạt động “Kết nối ý tưởng” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ tiếp cận đồng thời với nhiều chuyên gia, đơn vị cung ứng để có được những giải pháp công nghệ phù hợp với năng lực sản xuất của doanh nghiệp.

ketnoicoffee

Bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI, giữa) kết nối hợp tác công nghệ cho doanh nghiệp với Viện, trường

Trong năm 2020, đã có 10 buổi sự kiện “Cà phê công nghệ” được tổ chức, tạo lập được nhiều ghi nhớ hợp tác ngay tại sự kiện giữa các bên tham gia. Nhờ đó, các công nghệ được giới thiệu chi tiết hơn, tạo được sự quan tâm, tin cậy của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư, tiến đến ký kết các hợp đồng hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các sự kiện cũng mở ra cơ hội liên kết công nghệ, thúc đẩy các bên hợp tác phát triển công nghệ mới để giải quyết bài toán nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp, đặc biệt là có sự đóng góp tích cực từ những kết quả nghiên cứu ở Viện – trường Đại học cùng sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo của startup.

Từ nay đến hết năm 2021, doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu tìm kiếm hoặc kết nối cung - cầu công nghệ sẽ được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí.

Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có công nghệ (hoặc kết quả nghiên cứu hoặc dự án đổi mới sáng tạo) muốn giới thiệu ở nội dung Hợp tác công nghệ có thể quét mã QR (bên dưới) hoặc đăng ký trực tuyến bằng liên kết này (https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSeIXpqpFnt2gghAwR8e0YsHjenp4JaovGJbekBiY9HMo73goA/viewform?zarsrc=1303).

QRHTCN.jpg

Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm kiếm công nghệ, cần được chuyên gia tư vấn ở nội dung Kết nối ý tưởng có thể quét mã QR (bên dưới) hoặc đăng ký trực tuyến bằng liên kết này (https://docs.google.com/forms/d/1virBIsrknb0ifWI02QvrIv4vQmpzOu1decHxO3ocNp0/viewform?edit_requested=true&zarsrc=1303).

QRKNYT.jpg

Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân muốn tìm hiểu thông tin chi tiết vui lòng liên hệ: ông Duy Khanh (Phòng Giao dịch Công nghệ - Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM).

Địa chỉ: 79 Trương Định, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM.

Website: https://dost.hochiminhcity.gov.vn

Email: duykhanh@cesti.gov.vn

Điện thoại: 028. 3825.0602

Hoàng Kim (CESTI)

Chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực trong hoạt động năng suất chất lượng (NSCL), quản trị tài sản trí tuệ (TSTT), đổi mới sáng tạo (ĐMST) thông qua nội dung tập huấn, huấn luyện, tư vấn.

Đây là một trong tám chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố vừa được Sở KH&CN TP.HCM công bố, nhằm góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trong giai đoạn dịch Covid -19. Các chương trình này được đẩy mạnh triển khai trong Tháng cao điểm thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” và sẽ thực hiện xuyên suốt trong năm, tiến đến chào mừng 45 năm thành lập Sở KH&CN TP.HCM.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030. Mục tiêu chung của Chương trình là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thủ tướng chính phủ cũng ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030 tại quyết định số 36/QĐ-TTg. Kế hoạch này có mục tiêu chung là đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất; xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, kế hoạch nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tại TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ đang nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho UBND Thành phố các nhiệm vụ và giải pháp để triển khai thực hiện Kế hoạch Tổng thể nâng cao năng suất và chất lượng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025.

Chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp về năng suất, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, quản trị tài sản trí tuệ và đổi mới sáng tạo” dành cho các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố có nhu cầu về tập huấn, huấn luyện, tư vấn; doanh nghiệp cung ứng dịch vụ KH&CN. Với chương trình này, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia tập huấn, huấn luyện, tư vấn về NSCL, ĐMST, quản trị TSTT; được tư vấn, hướng dẫn miễn phí các kiến thức triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Cụ thể, các nội dung hỗ trợ gồm:

- Huấn luyện các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về tiêu chuẩn, hệ thống quản lý, công cụ nâng cao NSCL, ĐMST, quản trị TSTT, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cho nhân sự của các doanh nghiệp.

- Huấn luyện các chuyên gia về quản lý NSCL, quản trị TSTT, quản lý ĐMST (bộ tiêu chuẩn ISO 56000), đánh giá Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

- Tư vấn cho doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, đo lường, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số, dịch vụ thông minh, quản trị TSTT,…

Thông tin chi tiết liên hệ tại:

Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Sở Khoa học và Công nghệ

Địa chỉ: 263 Điện Biên Phủ, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Website: www.chicuctdc.gov.vn

Email: chicuc_tdc.skhcn@tphcm.gov.vn

Điện thoại: 028.3932004.

Thời gian tiếp nhận tham gia chương trình: đến hết ngày 31 tháng 10 hàng năm.

Lam Vân (CESTI)

Các thiết bị - giải pháp sẽ được hỗ trợ tổ chức sự kiện trình diễn và giới thiệu công nghệ, kết hợp trưng bày tại các khu vực Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, khu vực Chợ công nghệ và thiết bị thường xuyên…

Nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM triển khai Chương trình Hỗ trợ trình diễn công nghệ (Tech-Demo) để hỗ trợ doanh nghiệp và startup quảng bá, giới thiệu những sản phẩm - giải pháp công nghệ hữu ích có tiềm năng ứng dụng trong sản xuất, phát triển kinh tế thông qua hoạt động tổ chức trực tuyến các buổi trình diễn công nghệ; kết nối cung - cầu công nghệ. Qua đó, góp phần đưa mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tăng cường các dịch vụ phục vụ người dân.

Chương trình Hỗ trợ trình diễn công nghệ (Tech-Demo) là một trong tám Chương trình được Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh triển khai trong Tháng cao điểm thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Chương trình cũng sẽ được thực hiện xuyên suốt trong năm nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch Covid - 19, tiến đến Chào mừng 45 năm thành lập Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

techdemo

 

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên các buổi sự kiện trình diễn, giới thiệu công nghệ trong Chương trình sẽ được tổ chức chủ yếu theo hình thức trực tuyến. Nội dung truyền phát sau đó được biên tập thành video công nghệ, trình chiếu trên Cổng thông tin Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ (Techport.vn) và kênh Youtube của Sàn giao dịch công nghệ. Đây là giải pháp linh hoạt vừa hỗ trợ doanh nghiệp vừa thực hiện yêu cầu phòng chống dịch. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phục vụ người dân, doanh nghiệp trong và sau dịch Covid-19.

Từ nay đến hết năm 2021, doanh nghiệp, tổ chức hoặc startup có nhu cầu trình diễn, giới thiệu công nghệ sẽ được hỗ trợ thực hiện và hoàn toàn miễn phí chi phí tổ chức sự kiện. Sau sự kiện, doanh nghiệp, tổ chức hoặc startup còn được tham gia thêm những hoạt động tư vấn, hỗ trợ tiếp theo để tăng cơ hội kết nối, ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ. Các thiết bị - giải pháp công nghệ cũng sẽ được hỗ trợ trưng bày tại các khu vực Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, khu vực Chợ công nghệ và thiết bị thường xuyên…

techdemo1

Bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở KH&CN phát biểu tại Hội thảo trực tuyến giới thiệu công nghệ ứng dụng tại các quận, huyện, TP. Thủ Đức

Doanh nghiệp, startup có thể đăng ký đăng ký tổ chức hội thảo online bằng cách quét mã QR code (bên dưới), hoặc nhấn vào liên kết này (https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSdCqAPBeoBYIRiZFor-ws3zloFAeLRTXeaYr5bRKYbJ-_1qhw/viewform), điền thông tin và nhấn gửi phiếu đăng ký; hoặc gửi thông tin đăng ký đến email: duykhanh@cesti.gov.vn.

QRtechdemo.png

Doanh nghiệp, startup muốn tìm hiểu thông tin chi tiết vui lòng liên hệ: ông Duy Khanh (Phòng Giao dịch Công nghệ - Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM).

Hoàng Kim (CESTI)

Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) là “trái tim kinh tế”, nơi ảnh hưởng rất lớn đến “tình trạng sức khỏe” của cả nước. Tuy nhiên, TP. HCM đang phải đối mặt với “nguy cơ dương tính” rất cao do ảnh hưởng nghiêm trọng từ tâm dịch COVID-19. Cuộc tìm kiếm “quỹ vaccine” khẩn cấp bắt đầu! Tin vào tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, chính phủ kêu gọi thành công “Quỹ vaccine phòng chống COVID-19” nơi tập trung nguồn lực vật chất toàn dân đồng lòng cùng chính phủ chống dịch.

Tiếp tục với niềm tin toàn dân cùng với chính quyền Thành phố chung tay góp sức, ủng  hộ cả vật chất và tinh thần cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, Thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc này đang ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, việc hỗ trợ doanh nghiệp để có sự thích ứng và có chiến lược phát triển phù hợp với từng diễn biến khác nhau của dịch bệnh là hết sức cần thiết. Với ý nghĩa như vậy, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chương trình “Tìm kiếm và kết nối các giải pháp đổi mới sáng tạo ứng phó dịch COVID-19 tại TP. HCM năm 2021” (HCMC Innovative Solution - COVID 2021, sau đây chương trình được gọi tắt là HIS – COVID 2021). HIS-COVID 2021 được xem như “Quỹ vaccine về giải pháp đổi mới sáng tạo” giúp Thành phố nâng cao “kháng thể” đối phó COVID-19.

HIS-COVID 2021 - “Quỹ vaccine về giải pháp đổi mới sáng tạo” chào đón sự đóng góp và đăng ký tham gia của các cá nhân, nhóm, tổ chức, doanh nghiệp có các giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số,… trong nhiều lĩnh vực của đời sống và đã có sản phẩm hoàn thiện, có khả năng hỗ trợ TP. HCM ứng phó đại dịch COVID-19. Sở KH&CN sẽ hỗ trợ truyền thông và giới thiệu các giải pháp đổi mới sáng tạo đã có sản phẩm hoàn thiện và sẵn sàng chuyển giao cho Chính quyền TP. HCM, Sở ban ngành và các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

Một trong những giá trị lớn nhất của chương trình HIS-COVID 2021 là TP. HCM sẽ là địa phương tập hợp, triển khai thí điểm các giải pháp đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ từ sự tham gia và đóng góp của cộng đồng, từ đó đánh giá hiệu quả, tác động triển khai, rút kinh nghiệm, đóng gói và chuyển giao sáng kiến không chỉ cho cộng đồng tại TP. HCM và còn cho các tỉnh thành khác trên cả nước. Cả nước đoàn kết đồng lòng kết nối nguồn lực tạo nên “chiến dịch tiêm vaccine toàn dân” với mục tiêu tạo ra “miễn dịch cộng đồng” chống lại sức tàn phá của COVID-19 đang đánh trực diện vào đời sống xã hội và nền kinh tế Việt Nam. Sở KH&CN TP. HCM khuyến khích những sáng tạo dù rất nhỏ nhưng có thể ứng dụng được trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, kiểm soát, truy vết, điều tiết nguồn lực xã hội, tạo ra giá trị cho cộng đồng hay cung cấp các giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp để duy trì và phát triển trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp,…tất cả đều có thể tham gia, hiến kế và đóng góp. Bên cạnh đó, với tầm nhìn dài hạn hơn, Sở KH&CN TP. HCM sẽ tiếp tục thu thập, tổng hợp tất cả các giải pháp trên như một nguồn dữ liệu công nghệ và giải pháp đổi mới sáng tạo quý giá từ tâm huyết của cộng đồng để chung tay cùng TP. HCM ứng phó với dịch bệnh và truyền thông đến cộng đồng xã hội.

Đăng ký tham gia HIS-COVID 2021 nếu cá nhân, nhóm, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố có:

- Giải pháp có tính sáng tạo;

- Công nghệ, giải pháp, sản phẩm đã sẵn sàng áp dụng, có tính khả thi nhằm ứng phó tình hình dịch COVID-19;

- Dự án mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội giúp ứng phó với diễn biến phức tạp dịch bệnh.

Sở KH&CN TP. HCM sẽ chọn ra 20 giải pháp, công nghệ tốt nhất được tham gia huấn luyện và tư vấn hoàn thiện kỹ năng trình bày trước hội đồng tuyển chọn. Sau đó, sẽ chọn ra 10 giài pháp xuất sắc được vinh danh trong Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 - WHISE 2021 và có cơ hội nhận được các ưu tiên sau:

+ Các giải pháp đổi mới sáng tạo xuất sắc, phù hợp sẽ được Sở KH&CN TP. HCM giới thiệu cho Ủy ban nhân dân Thành phố, các Sở ban ngành, Quận – Huyện và Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố triển khai đến các đối tác có nhu cầu.

+ Doanh nghiệp có giải pháp đổi mới sáng tạo xuất sắc sẽ được ưu tiên xem xét để được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ để được nhận nhiều chính sách ưu đãi từ TP. HCM.

+ Các giải pháp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoặc đang trong giai đoạn dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có nhu cầu được hỗ trợ tiếp sẽ được tạo điều kiện đăng ký tham Chương trình Speedup của Sở KH&CN TP. HCM và được kết nối để có cơ hội nhận được các gói đầu tư cho giai đoạn tiếp theo.

Các giải pháp đổi mới sáng tạo đăng ký tham gia hoặc đóng góp cho Chương trình đã được thẩm định bởi hội đồng chuyên gia sẽ được truyền thông trên website và fanpage Chương trình HIS-COVID 2021 và trên website Techport.vn của Sở KH&CN. Đồng thời, các giải pháp sẽ được chia sẻ trên Nền tảng chia sẻ các giải pháp sáng tạo để tìm kiếm đối tác và khách hàng có nhu cầu trong việc ứng phó tình hình COVID-19

Đăng ký tham gia Chương trình HIS-COVID 2021 tại: https://his-covid.doimoisangtao.vn

Thể lệ Chương trình

Thời hạn nộp hồ sơ: từ 26/7/2021 đến hết ngày 15/8/2021.

Chương trình “Tìm kiếm và kết nối giải pháp đổi mới sáng tạo ứng phó dịch COVID-19 tại TP. HCM năm 2021 - HCMC Innovative Solution - COVID 2021 (HIS-COVID 2021) được Sở Khoa học & Công nghệ TP. HCM khởi xướng và tổ chức, triển khai thực hiện bởi Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) – là đơn vị uy tín hàng đầu trong lĩnh vực hỗ trợ khởi nghiệp trên cả nước với nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp chuyên sâu với mong muốn trở thành nơi giao thoa và chuyển giao mọi kinh nghiệm, kiến thức và nguồn lực hữu ích từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài phạm quy quốc gia để tạo nền tảng bền vững cho quá trình khởi nghiệp của Startup Việt Nam.

HIS-COVID 2021 nhận được sự phối hợp và tham gia của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh: Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ TP.HCM - Saigon Innovation Hub; Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ - Trường Đại học Bách Khoa; Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ cao; Zone Startups Vietnam; Công ty cổ phần quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (ICM); Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo Victory; Viện Đổi mới sáng tạo – Đại học Kinh tế TPHCM; Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao (AHBI); Công ty TNHH Ươm tạo doanh nghiệp Phần mềm Quang Trung.

Hệ thống thông tin địa lý (GIS) được triển khai tại TP. Thủ Đức với hai phần mềm ứng dụng hỗ trợ cho việc quản lý tình hình dịch bệnh tại địa phương và hỗ trợ người dân trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Ngày 23/7/2021, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội thảo trực tuyến với các quận, huyện nhằm giới thiệu hệ thống phần mềm GIS đã được ứng dụng ở TP. Thủ Đức và tiếp tục hỗ trợ triển khai cho các quận huyện khác trên địa bàn TP.HCM. Hệ thống GIS với hai phần mềm ứng dụng là Thủ Đức Covid và Thủ Đức mua sắm được Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin Địa lý (HCMGIS) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiên cứu xây dựng và triển khai theo đặt hàng của TP. Thủ Đức.

Bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, Sở mong muốn hỗ trợ các sở ngành, quận huyện ứng dụng các công cụ, giải pháp, mô hình KH&CN phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Thời gian qua, TP. Thủ Đức đã triển khai hai ứng dụng Thủ Đức Covid (ứng dụng GIS trong việc quản lý dịch bệnh Covid-19) và Thủ Đức mua sắm (ứng dụng công nghệ GIS hỗ trợ người dân mua sắm trực tuyến). Đây là một trong những điều tâm đắc bởi các công cụ này đã hỗ trợ rất nhiều cho địa phương cũng như người dân trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Cụ thể, ứng dụng Thủ Đức Covid hỗ trợ quản lý, cho phép đánh giá tình dịch bệnh với các thống kê rất chi tiết về các ca nhiễm, nơi làm việc của ca nhiễm, các thống kê liên quan,… Bên cạnh đó, Sở cũng nhận được đề xuất của một số quận, huyện như quận 6 đề xuất hỗ trợ trang web cung cấp địa điểm phục vụ thức ăn cho người nghèo, điểm bán hàng bình ổn, điểm bán hàng giá rẻ, phiên chợ 0 đồng. Sở KH&CN sẽ căn cứ vào nhu cầu/đề xuất cụ thể của các đơn vị và xây dựng các nhiệm vụ KH&CN để triển khai hỗ trợ.

giscovid

Theo giới thiệu, ứng dụng GIS quản lý dịch bệnh Covid-19 (Thủ Đức Covid) gồm các tính năng chính là quản lý Covid; phân tích không gian; quản lý các lớp dữ liệu; thống kê báo cáo;… Các tính năng này giúp quản lý về số ca nhiễm, quản lý điểm phong tỏa, quản lý vùng cách ly, cung cấp các thông tin về địa điểm, địa chỉ lây nhiễm, sơ đồ lây nhiễm, thông tin cách ly, phong tỏa, điều trị, xét nghiệm. Các công cụ phân tích và thống kê báo cáo cho phép phân tích các ca dương tính, ca nghi nhiễm, ca bệnh cùng nhà, phân tích diễn tiến Covid, vùng cách ly, điểm phong tỏa, cơ sở cách ly tập trung, chốt kiểm soát; thống kê số ca dương tính phát sinh trong ngày, thống kê điểm phong tỏa; trích xuất dữ liệu, thống kê, biểu đồ, gởi email thông báo cho các cấp lãnh đạo. Bản đồ các lớp dữ liệu hỗ trợ công tác phòng chống Covid: ranh giới khu phố, ranh giới phường, bản đồ quản lý các cơ sở cách ly tập trung, điều trị y tế, xét nghiệm; bản đồ, số liệu, biểu đồ để đánh giá tình hình dịch bệnh theo từng ngày, xem thông tin diễn tiến ca bệnh F0-F1-F2 theo từng ngày, đánh giá khả năng lây lan, đánh giá nguồn lây Covid,…

Ứng dụng Thủ Đức mua sắm có thể hỗ trợ người dân mua sắm trực tuyến trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay. Hệ thống cập nhật dữ liệu hơn 400 chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP. Thủ Đức, cho phép tự động định vị vị trí người dùng, đề xuất các địa điểm ưu tiên mua sắm gần nhất theo phân tuyến, hiển thị danh mục hàng hóa, bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nhà, tìm đường đi đến địa điểm mua sắm,… Khi người dùng truy cập, hệ thống sẽ định vị vị trí và hiển thị danh sách 10 - 20 cửa hàng gần nhất, cho phép xem thông tin của các cửa hàng mua sắm và chọn lộ trình đi tới cửa hàng mua sắm, hoặc đặt hàng giao hàng, đặt hàng trực tuyến,…

Với việc triển khai thành công tại TP. Thủ Đức, HCMGIS sẽ tiếp tục nghiên cứu và hỗ trợ các quận, huyện khác triển khai ứng dụng theo nhu cầu thực tế. Được biết, quận 6, huyện Nhà Bè, quận Tân Bình đã có những đề xuất với Sở KH&CN về việc ứng dụng hệ thống này. Sở KH&CN sẽ tiếp tục đồng hành cùng các đơn vị, quận, huyện để triển khai ứng dụng hệ thống GIS cũng như xây dựng các nhiệm vụ, mô hình, giải pháp KH&CN căn cứ trên các đề xuất/nhu cầu ứng dụng cụ thể của TP. Thủ Đức và các quận, huyện phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Thông tin chi tiết có thể liên hệ với Phòng Quản lý KH&CN Cơ sở - Sở KH&CN TP.HCM. Người liên hệ: ông Phan Quốc Thắng (điện thoại 028 39307463, email pqthang.skhcn@tphcm.gov.vn).

Lam Vân (CESTI)

Không chỉ tập đoàn công nghệ lớn, các cá nhân, startup công nghệ thông tin… đã tập trung đưa ra nhiều sáng kiến, sản phẩm công nghệ cụ thể và ứng dụng tức thời nhằm phục vụ người dân, chung tay góp sức phòng chống dịch Covid-19.
 
udchongcovid

Kiểm tra giấy tờ “không chạm” bằng camera tại chốt kiểm soát dịch đầu cầu Phú Long. Ảnh: Hoàng Hùng

Từ cây ATM gạo thông minh

Dịch Covid-19 bùng phát ở TPHCM, không ít người dân gặp khó khăn, nhất là những người nghèo. Cùng với các cây ATM gạo xuất hiện ở nhiều nơi, anh Lê Hải Bình, CEO một công ty công nghệ tại TPHCM cùng nhóm bạn cho ra đời cây ATM gạo thông minh có khả năng nhận diện khuôn mặt, lưu trữ thông tin đám mây, có cả hệ thống thống kê. Cây ATM gạo thông minh có thể nhận diện người nhận gạo, tránh tình trạng ùn ứ tập trung đông người hay một người nhận gạo nhiều lần… nên việc phát gạo được khoa học hơn. 

Chỉ vài ngày chuẩn bị, cây ATM gạo thông minh đặt tại 12A đường Núi Thành (phường 13, quận Tân Bình) đã đi vào hoạt động, tặng gạo cho bà con. Nhưng sau đó nhận thấy thực tế, vẫn còn nhiều người “tụ tập” để nhận gạo tại một địa điểm nên nhóm làm cây ATM gạo này ngay lập tức thiết lập tổng đài (028) 77.77.77.88. Với tổng đài này, bà con chỉ cần gọi vào số tổng đài, hệ thống sẽ tự tra cứu dữ liệu và thông báo lịch hẹn với ngày giờ, địa điểm cụ thể để bà con đến nhận gạo mang về. 
Ở góc nhìn khác, hai bạn trẻ Trần Thanh Tuấn và Nguyễn Hữu Đạt nhận thấy danh sách do TPHCM cung cấp cho người dân gồm 111 chợ, 106 siêu thị, 2.616 cửa hàng tiện lợi tại TPHCM phục vụ mua sắm nhu yếu phẩm theo Chỉ thị 16 hiển thị bằng bản thống kê Excel, bất tiện trong việc tìm kiếm địa điểm. Hai bạn đã tạo nên trang web https://diembanhangthietyeu.com để số hóa thông tin và định vị bản đồ gần 3.000 địa điểm trên. Người dân chỉ cần mở điện thoại hoặc máy tính, vào trang web trên sẽ biết ngay điểm có thể mua hàng thiết yếu ở gần nhất. Mặc dù thời điểm này việc mua hàng thiết yếu có khó khăn do nhiều nguyên nhân nhưng thực tế ứng dụng này vẫn thiết thực với nhiều người.

Trang web này còn gợi ý người dùng chia sẻ vị trí để hiển thị các cửa hàng gần nhất, tính khoảng cách để gợi ý địa điểm gần nhất, gợi ý lộ trình di chuyển và thời gian di chuyển tới địa điểm mong muốn. Anh Trần Thanh Tuấn bày tỏ: “Tôi chỉ muốn giúp người dân dễ dàng tiếp cận và tìm kiếm thông tin các địa điểm bán hàng thiết yếu trong thời gian này. Có thể sau thời gian giãn cách trang web này đã hoàn thành sứ mạng hoặc có thể chuyển đổi thành trang cập nhật thông tin các địa điểm từ thiện, cơm miễn phí, nơi trợ giúp người khó khăn…”. 

Đến camera soi chiếu, tổng đài Robot Call

Tại chốt kiểm dịch cầu Phú Long (giáp ranh giữa quận 12-TPHCM và tỉnh Bình Dương) đã xuất hiện mô hình kiểm tra giấy tờ “không chạm”, thông qua hệ thống camera. Tại đây, một khay đựng giấy tờ đặt phía trước chốt, người đi qua chốt chỉ cần bỏ giấy tờ cần kiểm tra vào khay, được hệ thống camera quét, ghi nhận… và thông báo trên hệ thống, giúp hạn chế tối đa việc tiếp xúc. Hệ thống này còn có thiết bị đo thân nhiệt tự động, phía đơn vị phát triển đang chuẩn bị thêm hạ tầng để đưa AI vào hệ thống để đếm số lượng người và phương tiện qua trạm kiểm soát nhằm thực hiện các công tác phát hiện, thống kê. 

Đây là sản phẩm thử nghiệm được phát triển từ Phòng Chiến lược và Thị trường thuộc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp, an toàn phòng dịch cũng như giảm nhân lực ở các chốt kiểm soát dịch. Nếu thí điểm hiệu quả, đơn vị phát triển sẽ xin phép ứng dụng hệ thống này ở các cửa ngõ ra vào thành phố. 

“Robot Call” phòng chống dịch Covid-19 đã được ứng dụng tại Bình Thuận, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và Nghệ An. Mỗi tỉnh thành ứng dụng có số tổng đài khác nhau như ở Bình Thuận số 0899531199, Nghệ An số 0936837115… Điểm chung của Robot Call là thực hiện các nhiệm vụ: tự động gọi điện tới người dân trong vùng dịch, vùng cách ly hoặc các đối tượng F1, F2  để khảo sát, thu thập và cập nhật nhanh chóng về tình hình sức khỏe, dấu hiệu dịch bệnh. Với những người khai báo chưa rõ ràng, Robot Call sẽ gọi lại để cập nhật thông tin, từ đó lập báo cáo danh sách đối tượng có biểu hiện để gửi cơ quan phòng chống dịch bệnh tỉnh. 

Toàn bộ quá trình được thực hiện hoàn toàn tự động, sử dụng công nghệ AI với khả năng thực hiện và xử lý hàng trăm ngàn cuộc gọi mỗi ngày. Robot Call có thể gọi điện và trò chuyện với người nghe, bằng cách ứng dụng công nghệ Text-To-Speech để chuyển văn bản thành giọng nói. 

Robot Call là sản phẩm của của startup Vbee, chuyên về AI nhận diện giọng nói. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các bạn trẻ của Vbee đã cùng nhà mạng các tỉnh thành thể hiện mong muốn được triển khai công nghệ phục vụ phòng chống dịch và nhiều tỉnh thành đã mở của đón nhận.

BÁ TÂN - SGGP


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353