SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Điểm mới của nhóm nghiên cứu là ứng dụng màng nhôm oxit (AAO) chế tạo kinh kiện bán dẫn phát quang kích thước nm cấu trúc thanh nano. Từ đó, hình thành nên các đèn LED kích thước micromet (micro LED).

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Thiết kế và chế tạo đèn điốt bán dẫn kích thước micro mét cấu trúc InGaN dây nano với hiệu suất phát quang cao ứng dụng trong kỹ thuật trình chiếu thông minh”. Nhiệm vụ do Viện Công nghệ Hóa học chủ trì, được triển khai từ cuối năm 2019.

220622hk1.jpg

Báo cáo tại buổi nghiệm thu, TS. Nguyễn Hoàng Duy (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết, nhóm thực hiện đã thiết kế và mô phỏng cấu trúc thanh nano của đèn LED có hiệu suất phát quang cao (với vùng hoạt động gồm 10 lớp giếng lượng tử InGaN (dày khoảng 3nm) xen kẽ với 10 lớp rào điện tử AlGaN (dày khoảng 3nm), chiều dài lớp n-GaN khoảng 250nm, chiều dài lớp p-GaN khoảng 100-150nm) bằng các phần mềm Advanced Physical Models of Semiconductor Devices (APSYS) và Finite difference time domain (FDTD).

Nhóm nghiên cứu đã chế tạo các màng AAO bằng phương pháp điện hóa. Sau đó, sử dụng màng AAO làm mặt nạ để phát triển các thanh nano theo kỹ thuật nuôi có lựa chọn (selective area growth) giúp quá trình phát triển các thanh nano dễ dàng hơn. Đặc biệt là sự phân bố các thanh nano cũng như kích thước và vị trí của thanh trên đế được điều chỉnh tốt hơn so với kỹ thuật nuôi thanh nano ngẫu nhiên.

Điểm mới của nhóm nghiên cứu là ứng dụng màng nhôm oxit (AAO) chế tạo kinh kiện bán dẫn phát quang kích thước nm cấu trúc thanh nano. Từ đó, hình thành nên các đèn LED kích thước micromet (micro LED). Micro LED được xem là công nghệ hiển thị thế hệ tiếp theo, có khả năng thay thế các màn hình OLED và LCD. Micro LED là công nghệ mới, sử dụng các điểm ảnh là đi-ốt tự phát sáng được làm bằng chất liệu vô cơ thay vì hữu cơ như trên các công nghệ trước, chưa có sản phẩm được thương mại hóa, chỉ được một số hãng lớn như Apple, Samsung công bố trong giai đoạn R&D. Micro LED được đánh giá là công nghệ đột phá, sở hữu các đặc tính như nhẹ hơn, mỏng hơn và hiển thị tốt hơn so với các dòng màn hình hiện nay.

Về kết quả của nhiệm vụ, nhóm thực hiện đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho (1) công nghệ chế tạo micro LED cấu trúc thanh nano không dùng lớp bẫy điện tử bằng kỹ thuật MBE, và (2) công nghệ chế tạo micro LED bằng kỹ thuật MBE và sử dụng màng AAO. MBE là kỹ thuật chùm phân tử (molecular beam epitaxy).

Micro LED cấu trúc thanh nano sử dụng màng AAO có chi phí sản xuất thấp, đáp ứng yêu cầu cho ứng dụng trong màn hình hiển thị thông minh với độ phân giải cao như thiết bị thực tế ảo AR/VR, thiết bị truyền tín hiệu, cảm biến y sinh, quang học di truyền... Đây cũng sẽ là công nghệ tiềm năng góp phần nâng cao sự phát triển kinh tế khi được thương mại hóa.

Hoàng Kim (CESTI)

Hai bên sẽ xác lập thành những chương trình hành động có mục tiêu cụ thể, tạo điều kiện để các nhà khoa học tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển TP.HCM.

Ngày 17/6/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã có buổi làm việc với đại diện bang New South Wales (Australia) tại Việt Nam và Đại học Công nghệ Sydney. Đây là hoạt động nhằm tăng cường mối hợp tác giữa TP.HCM và bang New South Wales, ở các lĩnh vực như giáo dục, tài nguyên, năng lượng, nông nghiệp và thực phẩm, doanh nghiệp khởi nghiệp, khoa học công nghệ... sau thời gian gián đoạn do dịch Covid-19.

220619hk1.jpg

Trước đó, năm 2019, TP.HCM đã thiết lập quan hệ hợp tác, kết nghĩa với bang New South Wales. Hai bên cam kết thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng cường gắn kết các mối quan hệ. TP.HCM cũng mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng trong các lĩnh vực mà Thành phố đang có nhu cầu như xây dựng hạ tầng giao thông, chống biến đổi khí hậu, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục...

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) mong muốn bang New South Wales và Đại học Công nghệ Sydney hỗ trợ, tư vấn để TP.HCM triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách và dự án đầu tư, triển khai hoạt động nghiên cứu ứng dụng cho Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó là những mô hình thúc đẩy thương mại hóa giải pháp - sản phẩm công nghệ phục vụ cho quá trình phát triển TP.HCM thành đô thị thông minh.

Ông Nguyễn Văn Kiền (đại diện bang New South Wales tại Việt Nam) cho biết, đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh, sản xuất công nghệ cao là những lĩnh vực mà bang New South Wales đề xuất hợp tác với TP.HCM, xác lập thành những chương trình hành động có mục tiêu cụ thể, tạo điều kiện để các nhà khoa học tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển TP.HCM. Ngược lại, TP.HCM cũng có thể học tập kinh nghiệm từ những mô hình quản lý đổi mới sáng tạo, mô hình đô thị công nghệ (Tech Central precinct) đã và đang triển khai ở bang New South Wales.

Theo đó, đổi mới sáng tạo sẽ là cầu nối tốt giúp TP.HCM và bang New South Wales gắn kết với nhau hơn, đồng thời, là cơ hội tốt để các trường Đại học cũng như nhà khoa học của hai bên dễ dàng hợp tác với nhau, từ đó giúp cho doanh nghiệp có thể tham gia đầu tư, mang đến nhiều cơ hội phát triển tốt hơn. Bang New South Wales cũng sẽ tìm kiếm và kết nối những nhà cung ứng công nghệ phù hợp theo yêu cầu của TP.HCM.

Về hoạt động hỗ trợ ươm tạo startup, nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ, GS. Eryk Dutkiewicz (Đại học Công nghệ Sydney) giới thiệu UTS Rapido Việt Nam - mô hình phát triển và chuyển giao công nghệ sáng tạo vào trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Mô hình nằm trong khuôn khổ Chương trình đổi mới sáng tạo Aus4Innovation (Chương trình đổi mới sáng tạo hợp tác giữa Australia và Việt Nam) do Chính phủ Australia tài trợ, với mục đích trang bị cho các trường đại học và tổ chức nghiên cứu của Việt Nam kiến thức và công cụ để phát huy năng lực nghiên cứu, xây dựng các mô hình phù hợp và tạo ra các công nghệ sáng tạo dễ tiếp cận cho nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Không chỉ vậy, bang New South Wales và Đại học Công nghệ Sydney cũng sẽ hỗ trợ, tư vấn TP.HCM xây dựng các cơ chế, chính sách và khuôn khổ pháp lý quản lý trí tuệ nhân tạo, vừa đáp ứng nhu cầu quản lý Nhà nước về công nghệ vừa tạo thuận lợi để các nhà khoa học, startup có điều kiện triển khai nghiên cứu, ứng dụng và hội nhập quốc tế về AI.

Hoàng Kim (CESTI)

CESTI - TP.HCM và bang New South Wales hợp tác đổi mới sáng tạo, thương mại hóa giải pháp - sản phẩm công nghệ

Ngày 31 tháng 5 năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN về hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2022;

Sở Khoa học và Công nghệ thông tin đến các đơn vị một số nội dung chính như sau:

1. Về Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN

a) Hướng dẫn các nội dung chi sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, gồm:

* Chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

* Chi hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;

* Chi thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ;

* Chi phục vụ hoạt động quản lý Quỹ.

b) Các Điều 2, Điều 3, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 15 và Mẫu số 01 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN có hiệu lực.

c) Toàn văn Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN

2. Trong trường hợp không được sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% số quỹ đã trích lập, doanh nghiệp có thể xử lý nộp một phần về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Thành phố, cụ thể như sau:

* Tên đơn vị: Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

* Địa chỉ: 244 Điện Biên Phủ, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

* Điện thoại: 028 39320462

* Số tài khoản: 3761.0.1126857.91999

* Tại: Kho bạc Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh

* Nội dung: Tổng Công ty/Công ty … nộp Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp năm …

Sở Khoa học và Công nghệ thông báo đến các đơn vị để biết

Chiều 20/6/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức buổi gặp gỡ báo chí nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) nhằm gắn kết và tri ân đội ngũ phóng viên, nhà báo trong công tác truyền thông khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tham dự buổi họp mặt có đại diện lãnh đạo Trung tâm Báo chí TP.HCM và hơn 25 phóng viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình tại TP.HCM.

Tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) gởi lời chúc mừng và tri ân đến đội ngũ phóng viên, nhà báo đã đồng hành cùng các hoạt động của Sở trong suốt thời gian qua. Đồng thời chia sẻ một số định hướng hoạt động của Sở trong thời gian tới, cũng như mong muốn lắng nghe những chia sẻ, trao đổi, hiến kế của đội ngũ phóng viên, nhà báo trong công tác truyền thông hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, về hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới, Sở KH&CN đang triển khai 2 chương trình lớn là Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP.HCM giai đoạn 2021-2025; chương trình Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025.

14HDKHLVhopmat216h4.JPG

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) chúc mừng các nhà báo và chia sẻ, trao đổi một số thông tin tại buổi họp mặt

Trong đó, một trong những mục tiêu chính của chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là tái cấu trúc lại các chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ để làm sao phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Việc tái cấu trúc phải gắn với mục tiêu phục vụ giải quyết được những vấn đề Thành phố đang cần, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng. Điều này sẽ hướng cộng đồng nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo tham gia vào các mối quan hệ hợp tác, gắn kết chặt chẽ nhằm chia sẻ các vấn đề và cùng nhau giải quyết.

Về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Dũng cho biết, thời gian qua, đóng góp của khu vực nhà nước vào hoạt động này tại TP.HCM khá lớn, thể hiện qua số lượng thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp và số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, startup. Giai đoạn 2021 – 2025, chương trình nhắm đến các mục tiêu thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố ngang tầm khu vực; đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP đến năm 2025 đạt từ 45% - 50%; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh;… Đến năm 2025, hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 3.000 doanh nghiệp; hỗ trợ ươm tạo, phát triển 1.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 100 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm.

14HDKHLVhopmat216h1.JPG

Lãnh đạo Sở KH&CN tặng quà, tri ân các phóng viên nhà báo 

Về góc độ truyền thông, ông Dũng cho rằng, thời gian qua có rất nhiều tác phẩm truyền thông trải đều trên các mặt hoạt động của lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ những sản phẩm nghiên cứu ứng dụng thiết thực trong cuộc sống và sản xuất, doanh nghiệp khởi nghiệp, đến các chính sách, chiến lược, đề án của ngành KH&CN. Thời gian tới, Sở mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đồng hành của đội ngũ phóng viên, nhà báo trong công tác truyền thông khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là phát huy các tác phẩm truyền thông có tính đổi mới, đi sâu vào các hoạt động đổi mới sáng tạo sinh động, hấp dẫn, thiết thực.

14HDKHLVhopmat216h5.JPG

14HDKHLVhopmat216h6.JPG

Các phóng viên, nhà báo chia sẻ, đóng góp ý kiến tại buổi họp mặt 

Tại buổi họp mặt, đại diện các cơ quan báo, đài, các phóng viên, nhà báo đã thể hiện sự quan tâm công tác truyền thông KH&CN cũng như chia sẻ, góp ý, trao đổi thẳng thắn những vấn đề mà báo giới quan tâm. Bên cạnh sự quan tâm, trao đổi liên quan đến các hoạt động cụ thể của Sở KH&CN như giải thưởng I-Star, Techmart, các đề tài, kết quả nghiên cứu khoa học,… các phóng viên cũng chia sẻ những khó khăn, hạn chế trong quá trình tác nghiệp. Qua đó, mong muốn Sở hỗ trợ tạo điều kiện tốt hơn nữa cho quá trình thu thập, khai thác thông tin liên quan đến hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Lam Vân (CESTI)

CESTI - Sở Khoa học và Công nghệ tri ân nhà báo nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Diễn đàn hợp tác công nghệ và thương mại Việt Nam - Úc năm 2022 giúp doanh nghiệp hai nước tìm kiếm, đẩy mạnh hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi số.

Ngày 16/6/2022, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST), Saigon Innovation Hub và Đại học Bách Khoa TP.HCM phối hợp tổ chức “Diễn đàn hợp tác công nghệ và thương mại Việt – Australia: Chuyển giao công nghệ và cơ hội kinh doanh giữa các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng chuyển đổi số”.

vuc

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Bùi Thế Duy (Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong những năm qua, từ năm 2018, Australia đã đồng hành cùng Việt Nam. Hai bên cùng nhau nghiên cứu và công bố báo cáo về tương lai nền kinh tế số Việt Nam, đánh giá về đóng góp của đổi mới sáng tạo đối với phát triển kinh tế xã hội Việt Nam. Hai bên cũng đã phối hợp triển khai chương trình Aus4Innovation, nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái về đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng như tìm kiếm hợp tác quan hệ giữa các trường đại học, các doanh nghiệp giữa hai quốc gia, kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo giữa hai quốc gia -  chuyển giao những kinh nghiệm từ Australia sang Việt Nam.

Bà Sarah Hooper, Tổng Lãnh sự Australia tại TP.HCM cho biết, Chính phủ Australia sẽ ưu tiên những hoạt động tài trợ thông qua Đại học UTS, đặc biệt là hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực an ninh năng lượng. Australia có thể hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng điện gió, năng lương sạch tại Việt Nam, giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu trong COP26 (Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021). Australia sẵn sàng mời các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu cơ hội mới về năng lượng mới cũng như hợp tác chuyển giao công nghệ với đối tác Australia. Các chương trình hợp tác sẽ giúp tăng cường mối quan hệ hai bên và củng cố thương mại đầu tư giữa hai nước.

Tại diễn đàn, một số giải pháp, công nghệ đã được giới thiệu gồm: Giải pháp sản xuất nước công nghệ cao cho kinh doanh nông nghiệp và chế biến thực phẩm; Chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Ứng dụng chuyển đổi số trong tìm kiếm cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế; Mô hình kinh doanh chia sẻ lợi nhuận trong đầu tư dự án năng lượng, Công nghệ sấy nông hải sản bằng năng lượng mặt trời; Ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, giải pháp nông nghiệp thông minh; Biomethane từ chất thải nông nghiệp, tăng hiệu xuất kinh tế từ năng lượng, năng lượng sạch; Giải pháp xử lý nước thải bằng nước và điện (Infiniete Water), công nghệ tạo ra năng lượng sạch từ hữu cơ (ActiveResearch)…

Hoàng Kim (CESTI)

CESTI - Thúc đẩy kết nối hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thương mại Việt - Australia

Trại nuôi, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, hộ dân nuôi trồng thủy hải sản có thể tham khảo các tài liệu để triển khai ứng dụng hoặc chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp với sự hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

Ngày 7/6/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức nghiệm thu các tài liệu kỹ thuật gồm: “Quy trình nuôi tôm sú (Penaeus monodon) kết hợp với cá măng (Chanos chanos) trong ao đất”, “Quy trình nuôi thương phẩm cá hồng mỹ (Sciaenops ocellatus Linnaeus, 1766) trong lồng bè bằng thức ăn tổng hợp”, “Quy trình sinh sản và ương nuôi cá chẽm (Lates calcarifer) quy mô nông hộ”. Đây là những tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho người dân, đóng góp tích cực vào chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững ở các huyện Cần Giờ, Nhà Bè và các tỉnh thành lân cận.

220608hk1.jpg

“Quy trình nuôi tôm sú (Penaeus monodon) kết hợp với cá măng (Chanos chanos) trong ao đất” được xây dựng dựa trên dự án triển khai thực tế ở các huyện Duyên Hải, huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh). Quy trình ứng dụng giải pháp nuôi kết hợp, sử dụng tác nhân sinh học là cá măng để giải quyết về tảo trong ao (tảo phát triển quá mức, gây tàn lụi, ô nhiễm gây hại cho tôm) và vấn đề môi trường của ao nuôi, giúp ổn định môi trường, tạo chất lượng nước tốt, khắc phục hiện tượng tảo tàn trong ao, giảm khí độc tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho tôm tăng trưởng nhanh, hạn chế rủi ro trong nuôi tôm. Kết quả, tạo chất lượng tôm đạt yêu cầu cho xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với quy trình nuôi tôm thông thường.

“Quy trình nuôi thương phẩm cá hồng mỹ (Sciaenops ocellatus linnaeus, 1766) trong lồng bè bằng thức ăn tổng hợp” được xây dựng dựa trên dự án triển khai thực tế ở Cà Mau. Đây là giải pháp giúp các cơ sở tận dụng lồng bè nuôi thủy hải sản khác không hiệu quả có thể chuyển đổi sang nuôi cá hồng mỹ. Quá trình nuôi cá hồng mỹ cho ăn bằng thức ăn tổng hợp trong quy trình nuôi thương phẩm sẽ đem lại hiệu quả kinh tế hơn so với nuôi cá hồng mỹ bằng cá tạp và giảm ô nhiễm môi trường. Kết quả sau 10 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình từ 0,8-1,2 kg/con, tỷ lệ sống đạt trên 70%, hệ số FCR đạt 1,8-2,0.

220608hk2.jpg

“Quy trình sinh sản và ương nuôi cá chẽm (Lates calcarifer) quy mô nông hộ” được xây dựng dựa theo dự án triển khai thực tế tại nhiều cơ sở sản xuất giống ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Quy trình có thể áp dụng cho cơ sở, trại sản xuất giống cá biển nói chung và cá chẽm nói riêng, hoặc các trại sản xuất tôm giống không hiệu quả có thể áp dụng quy trình này để ương nuôi cá chẽm. Sản phẩm là cá chẽm giống từ 3-4 cm, đủ tiêu chuẩn để chuyển đến ao gièo, ương lên cỡ cá lớn hơn để thả nuôi thương phẩm hình thức ao đất hoặc lồng bè. Sản phẩm cá chẽm giống chủ yếu cung cấp cho các cơ sở, các doanh nghiệp và các hộ nông dân tại các huyện Nhà Bè, Cần Giờ và và các tỉnh lân cận (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang).

Được biết, các tài liệu kỹ thuật sau khi hoàn thiện sẽ được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM công bố trên trang web của Sở và các kênh truyền thông để người dân biết và tiếp cận.

Hoàng Kim (CESTI)

Ngày 27/5/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội nghị “Tìm kiếm giải pháp hỗ trợ quận - huyện trong quản lý, điều hành” nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực công.

Sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), hiện nay, chuyển đổi số trong khu vực công còn khá chậm, nhất là trong giai đoạn đầu của đại dịch còn khá lúng túng. Theo chủ trương của Thành phố, trong xu thế xây dựng đô thị thông minh và chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong khu vực công là nhu cầu cấp bách.

Thành phố đã giao Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với các sở ngành, Thành phố Thủ Đức, quận huyện và cộng đồng doanh nghiệp sớm đề xuất nghiên cứu xây dựng các bài toán lớn của Thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025.

03HDKHLVhotroquanhuyenh2.jpg

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) trình bày nội dung về đổi mới sáng tạo trong khu vực công

Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị này nhằm tìm hiểu nhu cầu của các quận, huyện để tìm kiếm các giải pháp khả thi, từ đó đẩy nhanh các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN trong khu vực công. Thông qua hội nghị, các trường, viện, doanh nghiệp, startup và quận, huyện có thể hợp tác tìm kiếm, sáng tạo và triển khai thử nghiệm các giải pháp mới cùng với sự đồng hành hỗ trợ của Sở KH&CN. Qua đó vừa giúp được cho khu vực công (về lĩnh vực quản lý), vừa giúp phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp cũng như phát triển nghiên cứu.

Trả lời cho câu hỏi vì sao cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công, ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng có nhiều mục đích như: chính trị, đòi hỏi của xã hội, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực hữu hạn, thúc đẩy khu vực tư phát triển, thu hút tài năng,… Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo khu vực công, cần quan tâm đến các sản phẩm đổi mới sáng tạo trong khu vực công như dịch vụ, quy trình, quy định, chính sách,…

Hiện nay, những rào cản lớn nhất khi thực hiện đổi mới sáng tạo trong khu vực công liên quan đến tính quan liêu, thiếu tinh thần khởi tạo, thiếu chiến lược đổi mới sáng tạo. Muốn vượt qua rào cản, việc đầu tiên cần phải xây dựng được văn hóa đổi mới sáng tạo.

Để xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, cần có tinh thần khởi tạo; xây dựng tinh thần hợp tác đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo mở; xây dựng phương pháp, kỹ năng thực hành đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết thêm, hiện tại, Sở Khoa học và Công nghệ có thể hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng thông qua các hoạt động kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để trình bày vấn đề và tìm kiếm đối tác, giải pháp; chính sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển giải pháp; chính sách hỗ trợ thử nghiệm.

03HDKHLVhotroquanhuyenh3.jpg

Ông Lê Huy Hoàng (Phó Trưởng phòng Quản lý KH&CN Cơ sở - Sở KH&CN) trình bày tại hội nghị

Tại hội nghị, ông Lê Huy Hoàng (Phó Trưởng phòng Quản lý KH&CN Cơ sở - Sở KH&CN) cũng trình bày báo cáo “Xây dựng nhiệm vụ đổi mới sáng tạo trong khu vực công: nguyên tắc và đề xuất một số nhiệm vụ”.

Theo đó, cách thức để xây dựng nhiêm vụ trước tiên cần phải xác định được “vấn đề” trong khu vực công, tiếp theo là xây dựng quy trình để giải quyết vấn đề và sau đó là tìm các giải pháp ứng dụng KH&CN để đạt được hiệu quả công việc. Về giải pháp công nghệ, Sở KH&CN sẽ hỗ trợ các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị thông qua triển khai nhiệm vụ KH&CN. Để triển khai nhiệm vụ KH&CN, cần có hồ sơ đặt hàng thực hiện nhiệm vụ cho Sở KH&CN với các nội dung mô tả thực trạng, nhu cầu và đề xuất chi tiết.

Trao đổi, thảo luận tại hội nghị, đại diện Quận 11 cho biết, thời gian qua Quận 11 đã phối hợp với Sở KH&CN xây dựng nhiệm vụ Hệ thống quản lý tập trung các đơn vị kinh tế. Căn cứ trên thực tế, nhiệm vụ tập trung xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu của các đơn vị kinh tế (doanh nghiệp, cơ sở/hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã) trên địa bàn, dùng làm hạ tầng thông tin nền tảng cho các hệ thống thông tin khác hoạt động. Đồng thời ứng dụng các thành tựu KH&CN như bản đồ số, các dữ liệu tổng hợp của các cơ sở, đơn vị trên địa bàn, phục vụ công tác quản lý, điều hành một cách chính xác, kịp thời; góp phần cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư khi muốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn quận.

Sản phẩm dự kiến của nhiệm vụ là cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã với các tiêu chí phù hợp và đáp ứng được nhu cầu quản lý nhà nước của UBND Quận; công cụ cập nhật thông tin từ các đầu mối, tương tác được với thuế, thống kê; công cụ báo cáo, bảng hiển thị trực quan (dashboard); thông tin vị trí doanh nghiệp (trên nền bản đồ GIS).     

Các ý kiến thảo luận tại hội nghị cũng cho rằng, thực tế các quận, huyện đều có những vấn đề khó khăn vướng mắc trong quá trình quản lý, điều hành. Việc tìm kiếm giải pháp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN trong khu vực công là rất kịp thời, cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của Sở KH&CN, phía quận, huyện có nhu cầu cần xác định vấn đề cụ thể cần giải quyết và nỗ lực quyết tâm thực hiện.

Ngoài ra, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo khu vực công, cần đẩy mạnh xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo trong các cơ quan, ban ngành khu vực công; nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, công chức viên chức trong việc đổi mới trong công việc hàng ngày; xây dựng chính sách khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở các cơ quan ban ngành.

Lam Vân (CESTI)

Chương trình tìm kiếm các ý tưởng, giải pháp của khu vực nghiên cứu và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời thu hút các nguồn lực của xã hội tham gia để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực y, dược.

Ngày 27/5/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM công bố cùng triển khai thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế TP. HCM giai đoạn 2022 – 2025. Tham dự chương trình có ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) và ông Tăng Chí Thượng (Giám đốc Sở Y tế TP.HCM).

220527hk1.jpg

Chương trình phối hợp này nằm trong nội dung “Chủ trì, phối hợp các Sở ngành, thành phố Thủ Đức, quận huyện và cộng đồng doanh nghiệp sớm đề xuất nghiên cứu xây dựng các bài toán lớn của thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025”, do UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện.

Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ làm đầu mối kết nối Sở Y tế với khu vực nghiên cứu, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo để tìm ra các kết quả nghiên cứu tốt nhất, phù hợp nhất nhằm giải quyết vấn đề mà Sở Y tế đặt hàng.

220527hk2.jpg

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) gợi ý ý tưởng thực hiện đổi mới sáng tạo trong y tế

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng sẽ hỗ trợ Sở Y tế trong việc đánh giá, nghiệm thu, phát triển các ý tưởng, giải pháp của khu vực nghiên cứu và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ triển khai, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo khi Sở Y tế có nhu cầu. Mục tiêu đặt ra là đẩy mạnh sự hợp tác, tăng cường kết nối, ứng dụng khoa học và công nghệ, thu hút các nguồn lực của xã hội tham gia để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực y, dược trong thời gian tới.

Tại buổi công bố Chương trình phối hợp, đại diện Sở Y tế đã nêu một số vấn đề cần giải quyết trong công tác quản lý, điều hành, chẩn đoán, điều trị, phục hồi, chăm sóc sức khỏe người dân. Đại diện Sở Y tế cũng tìm kiếm các ý tưởng để giải quyết vấn đề trong nâng cao năng lực quản lý y tế cơ sở góp phần tham gia phục hồi kinh tế sau đại dịch.

220527hk3.jpg

Ông Tăng Chí Thượng (Giám đốc Sở Y tế TP.HCM) trao đổi một số vấn đề cần giải quyết

Nội dung đặt hàng mà Sở Y tế dự kiến gồm có: xây dựng, phát triển các công cụ, giải pháp, mô hình phục vụ công tác quản trị, điều hành của hệ thống y tế Thành phố, trong đó, ưu tiên nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho hệ thống y tế cơ sở, y tế công cộng và hệ thống cấp cứu ngoại viện. Ngoài ra còn có các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị, phục hồi và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Hoàng Kim (CESTI)

Cuộc thi góp phần lan tỏa tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ trong cộng đồng, hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong giới trẻ.

Ngày 28/5/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng Cục Sở hữu trí tuệ, Trung tâm Sở hữu Trí tuệ và Chuyển giao Công nghệ (IPTC) tổ chức vòng Chung kết cuộc thi “Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ S&IP năm 2022” với chủ đề “Sở hữu trí tuệ, Đổi mới sáng tạo và Thế hệ trẻ vì một tương lai tốt đẹp hơn”. Cuộc thi là một trong những hoạt động chào mừng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới 21/4, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 và Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.

Ở vòng Chung kết, 5 đội thi đã trải qua 4 phần thi gồm Chào hỏi, Khởi động, Tăng tốc và Khẳng định. Ở phần thi Chào hỏi, mỗi đội có 3 phút để giới thiệu về đội của mình. Ở phần thi Khởi động, các đội thi cùng trả lời lần lượt 8 câu hỏi trắc nghiệm trong vòng 30 giây. Ở phần thi Tăng tốc, mỗi đội sẽ bốc thăm một bộ đề và trả lời lần lượt 5 câu hỏi trắc nghiệm. Ở phần thi Khẳng định, các đội bốc thăm chọn ra giám khảo đặt câu hỏi xử lý tình huống.

220530hk1.jpg

Ông Đinh Hữu Phí (Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ) và bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) trao giải Nhất cho đội thi Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn

Kết quả, đội thi Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn đạt giải Nhất, giải Nhì và Ba lần lượt thuộc về Đại học Quốc tế miền Đông và đội 1 của trường Đại học Kinh tế Luật (ĐHQG TP.HCM). Trường Đại học Công nghệ TPHCM và đội 2 của trường Đại học Kinh tế Luật (ĐHQG TP.HCM) đạt giải Khuyến khích.

Phát biểu tại cuộc thi, bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết cuộc thi “Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ S&IP năm 2022” góp phần hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ, từ đó làm giảm tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Sau cuộc thi, các bạn sinh viên chính là những tuyên truyền viên tích cực nhất trong việc lan tỏa tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ trong cộng đồng.

Cuộc thi “Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ S&IP năm 2022” thu hút 47 đội thi đến từ các trường Đại học – Cao đẳng ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Trải qua vòng loại, 5 đội vào chung kết gồm: Đại học Công nghệ (HUTECH), Đại học Quốc tế Miền Đông, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cùng 2 đội thuộc Đại học Kinh tế Luật (ĐHQG TP.HCM). Đảm nhiệm vai trò giám khảo tại vòng Chung kết của cuộc thi là TS. Nguyễn Hồng Quang (Chánh Văn phòng Viện Quản trị Tài sản trí tuệ Minh Đức), ThS. Ngô Phương Trà (Cục Bản quyền tác giả) và ThS. Lê Thị Thanh Tâm (Trung tâm Sở hữu Trí tuệ và Chuyển giao Công nghệ).

220530hk2.jpg

Cuộc thi đề cao vai trò lực lượng tiên phong thực hiện đổi mới sáng tạo và phát triển tài sản trí tuệ của thế hệ trẻ. Cuộc thi hướng đến nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới trong mọi khía cạnh của sự phát triển con người, đổi mới sáng tạo để khơi nguồn trí thức và nâng cao giá trị cuộc sống. Từ đó, giúp các bạn trẻ tìm hiểu và trang bị thêm nhiều kiến thức về vai trò và công cụ của sở hữu trí tuệ, góp phần xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh và phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ. Cuộc thi cũng nhằm xây dựng văn hóa ứng xử tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ ở thế hệ trẻ, xây dựng ý thức và trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, từng bước hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng, dùng sở hữu trí tuệ làm công cụ hữu hiệu để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàng Kim (CESTI)

Đây là những sản phẩm thuốc nano được nghiên cứu phát triển thành dạng thuốc thành phẩm viên nang mềm (dạng bào chế phân liều) ở Việt Nam trên dây chuyền công nghệ tự động tạo nang mềm bằng phương pháp ép khuôn trên trụ.

Thải ghép (từ chối cấy ghép) xảy ra khi mô cấy ghép bị hệ thống miễn dịch của người nhận từ chối, phá hủy mô cấy ghép. Thuộc nhóm thuốc ức chế miễn dịch thông qua việc ức chế calcineurin, cyclosporine A thường được dùng trong chống thải ghép sau khi phẫu thuật, bao gồm các trường hợp cấy ghép gan, thận, tim, ghép tủy. Cyclosporine A thuộc nhóm thuốc ức chế miễn dịch thông qua việc ức chế calcineurin. Mục tiêu của thuốc là con đường truyền tín hiệu nội bào tạo ra bởi sự hoạt hóa thụ thể các tế bào. Cyclosporine A không trực tiếp tạo nên tác động ức chế miễn dịch mà liên kết với immunophilin, sau đó sự tương tác với calcineurin sẽ gây ức chế hoạt tính phosphatase. Phản ứng dephosphoryl hóa xúc tác bởi calcineurin rất cần thiết cho hoạt động của các thành phần trong yếu tố cốt lõi của tế bào lympho T hoạt hóa (NFAT). NFAT sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các gen cytokine, gồm interleukin–2 (IL–2), một yếu tố tăng trưởng và biệt hóa tế bào lympho T. Cyclosporine A không gây ức chế tủy xương ở động vật và người.

Phì đại tuyến tiền liệt là hiện tượng tăng kích thước tuyến tiền liệt ở nam giới. Ở giai đoạn đầu, phì đại tuyến tiền liệt sẽ khiến đường tiểu bị chèn ép, gây nên một số rối loạn và ảnh hưởng đến chức năng tiểu tiện. Về lâu dài, bệnh gây nhiễm trùng đường tiết niệu do nước tiểu ứ đọng, tạo cơ hội cho vi khuẩn sản sinh hoặc dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Bệnh thường gặp ở nam giới trên 45 tuổi, riêng ở Việt Nam, tỷ lệ mắc ở lứa tuổi 45 – 59 là 45,9%, lứa tuổi 60-74 là 59,5% và ở lứa tuổi 75 trở lên là 72,8%. Ngoài biện pháp luyện cơ co thắt ống tiểu hoặc can thiệp ngoại khoa (cấy ghép thay thế hay mở rộng tiền liệt tuyến), việc sử dụng thuốc đường uống cũng là một biện pháp thường được lựa chọn hàng đầu trong việc điều trị và phòng ngừa phì đại tuyến tiền liệt. Trong đó, dutasteride là một hợp chất 4-azasteroid tổng hợp, có tác dụng ngăn cản sự chuyển hóa từ testosterone thành dihydrotestosterone (DHT), được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) chấp thuận vào năm 2001 để sử dụng điều trị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính ở nam giới dưới dạng đơn trị liệu hoặc kết hợp với tamsulosin để tăng cường đáp ứng điều trị. 

Hiện nay, dược phẩm chứa dutasteride và cyclosporine A dùng trong điều trị cho bệnh nhân chủ yếu là thuốc nhập ngoại. Do đó, TS. Trương Công Trị (chủ nhiệm) cùng các cộng sự ở Trung tâm Khoa học và Công nghệ Dược Sài Gòn (SAPHARCEN) đã ứng dụng giải pháp bào chế tiên tiến là hệ vi tự nhũ (Seft-microemulsified drug delivery system – SMEDDS), hệ tự nhũ nano (Seft-nanoemulsified drug delivery system – SNEDDS) để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ “Nghiên cứu phát triển hai sản phẩm thuốc nano: viên nang mềm SMEDDS cyclosporine A 25 mg điều trị chống thải ghép và viên nang mềm SNEDDS dutasteride 0,5 mg điều trị u xơ tuyến tiền liệt”). Nhiệm vụ được SAPHARCEN phối hợp triển khai cùng nhiều đơn vị như Khoa Dược – Đại học Y Dược TP.HCM, Công ty Cổ phần Dược Danapha, Công ty TNHH Nanoprolife, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng – Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.

sapha1

Sản phẩm hoàn thiện của nhiệm vụ khoa học - công nghệ được Sở KH&CN Tp.HCM nghiệm thu

Theo TS. Trương Công Trị, với kích thước tiểu phân thu được (khi phân tán vào môi trường nước hoặc môi trường dịch tiêu hóa) ở kích thước hàng nanomet, đồng thời duy trì được khoảng kích thước này trong một khoảng thời gian xác định (đủ cho việc hấp thu ở ống tiêu hóa), SMEDDS và SNEDDS có thể được xem là các hệ phân tán nano phân phối thuốc, giúp tăng sinh khả dụng đường uống của hoạt chất khó tan trong nước. Ngoài ra, việc tạo thành các giọt kích thước nhỏ sẽ làm tăng tổng diện tích bề mặt, làm tăng tốc độ phóng thích hoạt chất và dẫn đến làm tăng tính hòa tan của thuốc. Việc các hoạt chất được nang hóa trong các giọt dầu góp phần bảo vệ hoạt chất tránh khỏi tác động của các enzym cũng như các yếu tố hóa học khác trong dịch tiêu hóa. Điều này giúp cho hoạt chất tránh khỏi sự hư hỏng trong quá trình sử dụng bằng đường uống, đặc biệt đối với các hoạt chất có cấu trúc đại phân tử như các protein, peptid trị liệu. 

Kết quả, nhóm nghiên cứu đã tạo ra 2 sản phẩm là viên nang mềm SMEDDS CA (SMEDDS cyclosporine A 25mg) tương đương độ hòa tan với viên đối chiếu Neoral  25mg, và viên nang mềm SNEDDS DU (SNEDDS dutasteride 0,5mg) cải thiện được độ hòa tan so với viên đối chiếu Avodart 0,5mg. 

sapha2

Đại diện cơ quan chủ trì nhiệm vụ nhiệm khoa học - công nghệ tại buổi nghiệm thu vừa được Sở KH&CN TPHCM tổ chức hồi trung tuần tháng 4/2022

Hai sản phẩm có công thức bào chế mới so với thuốc đối chiếu nhập khẩu trên thị trường, có khả năng nâng cao hiệu quả trị liệu và đảm bảo tính an toàn của sản phẩm đối với người sử dụng, ứng dụng quy trình sản xuất đơn giản, chi phí nhân công thấp nên sẽ có rất nhiều lợi thế cạnh tranh khi được ứng dụng đưa vào sản xuất quy mô công nghiệp và thương mại hóa. Hơn thế, đây là những sản phẩm thuốc nano được nghiên cứu phát triển thành dạng thuốc thành phẩm viên nang mềm (dạng bào chế phân liều) ở nước ta trên dây chuyền công nghệ tự động tạo nang mềm bằng phương pháp ép khuôn trên trụ.

TS. Trương Công Trị cho biết, viên nang mềm SMEDDS CA 25mg được sản xuất bằng phương pháp ép khuôn trên trụ với kiểu viên oval 5 ở cỡ lô 5.000 viên/lô từ dịch thuốc SMEDDS CA điều chế đạt các chỉ tiêu theo quy định của USP 41. Quy trình điều chế đơn giản, không sử dụng các dung môi hữu cơ và hoàn toàn khả thi khi nâng cỡ lô sản xuất. Trong đó, SMEDDS hình thành từ CMCM – Kolliphor RH 40 – PEG 400 có khả năng tải 25mg cyclosporine A/275mg hỗn hợp dịch thuốc, đủ để đưa vào một viên nang mềm và không ảnh hưởng đến tính ổn định của vỏ nang. Hỗn hợp dịch thuốc này có khả năng tự nhũ hóa trong nước tạo ra vi nhũ tương có kích thước tiểu phân trung bình phân tán dưới 200 nm với dãy phân bố kích cỡ hẹp 1 đỉnh, đúng với định nghĩa SMEDDS.

sapha3

Quy trình bào chế dịch thuốc SMEDDS CA tương ứng cỡ lô 5.000 viên nang mềm

Viên nang mềm SMEDDS CA đã sản xuất ở cỡ lô 5.000 viên/lô và viên đối chiếu Neoral đạt tương đương độ hòa tan. Cả hai đều là dạng thuốc phóng thích tức thời (phóng thích trên 85% hoạt chất trong cả 3 môi trường pH 1,2; pH 4,5 và pH 6,8 sau 15 phút, ở điều kiện thử nghiệm tương đương độ hòa tan theo quy định của ASEAN). Ưu thế của viên nang mềm SMEDDS CA là có độc tính tế bào biểu mô thận thấp hơn và có tính thấm cao hơn so với thuốc đối chiếu.

Viên nang mềm SNEDDS DU là dạng thuốc mới chứa hệ thân nước SNEDDS dutasteride (so với dạng đối chiếu nhập khẩu chứa hệ phân tán thân dầu). Ưu điểm của hệ thân nước: khi vào môi trường dịch tiêu hóa chủ yếu là nước kết hợp với sự co bóp dạ dày và nhu động ruột sẽ phân tán thành dạng tiểu phân nano với kích thước trung bình nhỏ hơn 100nm giúp tăng cao diện tích tiếp xúc bề mặt với các màng sinh học, tăng khả năng bám dính màng sinh học, tăng hấp thu, nâng cao sinh khả dụng của thuốc. 

sapha4

Sơ đồ điều chế SNEDDS DU 0,2% ở quy mô 2.000g/lô (tương ứng 5.000 viên nang mềm/lô)

Khi điều chế ở cỡ lô 2.000 g/lô bằng kỹ thuật ép khuôn trên trụ, SNEDDS DU 0,2% có hàm lượng dutasteride 0,5mg thu được có các chỉ tiêu phù hợp đóng nang mềm như pH = 6,9 và độ nhớt nhỏ hơn 2000 cP. Quy trình điều chế SNEDDS DU 0,2% đơn giản, không sử dụng dung môi hữu cơ. SNEDDS DU 0,2% đồng nhất, bền qua các điều kiện nhiệt động học như ly tâm, chu kỳ nóng – lạnh, chu kỳ đông – rã động, dễ dàng phân tán vào nước và các môi trường pH (1,2; 4,5 và 6,8). Khi pha loãng vào nước, SNEDDS DU 0,2% có khả năng tự nhũ hóa tạo nhũ tương có kích thước trung bình tiểu phân dưới 100 nm với dãy phân bố kích cỡ hẹp 1 đỉnh và giá trị thế zêta hướng đến giá trị 0 tạo sự ổn định nhờ cản trở không gian bề mặt. Sản phẩm có độ hòa tan dược chất được cải thiện so với viên đối chiếu Avodart 0,5mg và đạt tất cả các chỉ tiêu như cảm quan, độ đồng đều hàm lượng, định tính, định lượng, độ hòa tan, giới hạn nhiễm khuẩn, thậm chí còn có lợi thế là có tính thấm cao hơn so với thuốc đối chiếu và đã chứng minh được độc tính cấp trên chuột và độc tính trên dòng tế bào biểu mô thận.

Được biết, nhóm nghiên cứu có dự định phối hợp cùng một số doanh nghiệp triển khai dự án sản xuất sản phẩm thử nghiệm để sớm đưa kết quả nghiên cứu này vào thương mại hóa. 

 

Thông tin liên hệ:
Trung tâm Khoa học và Công nghệ Dược Sài Gòn (SAPHARCEN)
Địa chỉ: 41 Đinh Tiên Hoàng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM
Điện thoại: (028) 38295696

Email: sapharcen@ump.edu.vn  

Website: http://www.uphcm.edu.vn 


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353