SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Từ hai loại dược liệu là dâm dương hoắc và mật nhân, nhóm tác giả công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM đã bào chế thành công viên nén bao phim, có tác dụng tăng cường sinh dục nam, tạo ra sản phẩm mới chất lượng, thuận tiện cho người sử dụng, đồng thời nâng cao giá trị của những dược liệu trong nước.

Tạo sản phẩm chất lượng cao từ dược liệu quý

Dâm dương hoắc và Mật nhân là hai trong những dược liệu qua nghiên cứu cho thấy có hiệu quả tốt trong việc hỗ trợ và điều trị tình trạng suy giảm chức năng sinh dục ở nam giới. Trong đó, dâm dương hoắc có vị ngọt tính ôn, quy vào kinh can, thận, có tác dụng bổ thận, tráng dương, khu phong, trừ thấp, cường gân cốt. 

Mật nhân có tác dụng bồi bổ khí huyết, chủ trị khí huyết lưỡng hư, cơ thể yếu mệt, thiếu máu, ăn uống kém, khó tiêu, trường hợp sinh dục yếu, dương suy,… Các nghiên cứu khác cũng cho thấy các dược liệu này có tác dụng tăng hàm lượng testosteron, ức chế phosphodiesterase-5, cải thiện số lượng cũng như chất lượng tinh trùng. Đây là một trong những cơ chế quan trọng để điều trị chứng suy giảm chức năng sinh dụng ở nam giới. 

Theo các nghiên cứu y khoa trước đó, Icariin và epimedin C là những hoạt chất sinh học chính có trong dâm dương hoắc với nhiều tác dụng quý như tăng testosteron, bảo vệ thần kinh, điều trị loãng xương. Mật nhân có thành phần hóa học đặc trưng là quassinoid, trong đó nổi bật với hợp chất eurycomanon với tác dụng tăng tổng hợp testosteron ở tế bào Leydig. 


matnhan

Các bộ phận của cây Mật nhân

Dược sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Phương Nam (công tác tại Bệnh viện y học cổ truyền), là chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu bào chế viên nén bao phim từ cao chiết Dâm dương hoắc (Extractum Herba Epimedii) và cao chiết Mật nhân (Herba Radix Eurycomae longifoliae) có tác dụng tăng cường sinh dục nam” được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu trong năm 2021, cho biết việc phối hợp giữa hai dược liệu Dâm dương hoắc và Mật nhân trong điều trị suy giảm chức năng sinh dục nam đã được các y bác sỹ tại Bệnh viện y học cổ truyền TP.HCM sử dụng từ lâu và cho hiệu quả điều trị tốt. 

damhoacduong

Cây Dâm dương hoắc

Từ hai dược liệu ban đầu là Dâm dương hoắc và Mật nhân, nhóm tác giả đã chiết xuất hai loại cao tương ứng, đồng thời phân lập được 3 hợp chất EUR (241 mg), EPI (304 mg), ICA (235 mg) lần lượt được xác định cấu trúc là eurycomanone, epimedin C và icariin. 

"Các hợp chất eurycomanone, epimedin C và icariin phân lập được có độ tinh khiết lớn hơn 95% và hàm lượng lần lượt là 96,9%, 90,3%, 97,2 % tính trên nguyên trạng. Cao có dạng bột mịn, đồng nhất, màu nâu, với mùi dược liệu, dễ hút ẩm", báo cáo nghiệm thu nêu rõ. 

Đại diện nhóm nghiên cứu cũng khẳng định, thử nghiệm trên chuột nhắt cho thấy, cao Dâm dương hoắc và Mật nhân không thể hiện độc tính cấp đường uống trên chuột nhắt ở liều 16g cao/kg. Ngoài ra, trên chuột nhắt đực trước đó được gây suy sinh dục nam bằng cách cắt bỏ tinh hoàn và phối hợp sử dụng hai loại cao trên, kết quả ghi nhận cho thấy đã làm tăng hàm lượng testosteron và trọng lượng tương đối của túi tinh - tuyến tiền liệt sau 2 tuần điều trị tương tự testosteron 2 mg/kg.

caomndhd

Cao Mật nhân (trái) và cao chiết Dâm dương hoắc

Để cân bằng giữa hiệu quả tác động hướng sinh dục nam, tính an toàn của sản phẩm và khả năng tiết kiệm về mặt kinh tế, nhóm đã chọn tỷ lệ phối hợp khối lượng cao Dâm dương hoắc và cao Mật nhân là 8-1 để phát triển sản phẩm viên nén bao phim Dâm dương hoắc - Mật nhân (MD). Đồng thời, nhóm cũng đã xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho viên nén bao phim MD. 

Viên nén MD cũng được thử độc tính cấp đường uống trên chuột nhắt, cho thấy sản phẩm không thể hiện độc tính cấp đường uống và không gây chết chuột nhắt thử nghiệm với liều tối đa cho uống được qua kim (Dmax) là 50 g/kg. Thử nghiệm tác dụng hướng sinh dục nam của viên nén MD trên chuột nhắt đực gây suy sinh dục bằng cách cho uống natri valproat 500 mg/kg trong 5 tuần liên tiếp với liều cho uống 300 mg/kg và 600 mg/kg. Kết quả, viên nén MD liều 300 mg/kg thể hiện tác dụng hướng sinh dục nam sau 2 tuần điều trị, giúp tăng nồng độ protein huyết tương, testosteron huyết tương, tỷ lệ tinh trùng di động và mật độ tinh trùng của chuột thử nghiệm tương tự testosteron 2 mg/kg.

Về mặt cảm quan, viên bao phim có lớp bao đạt về hình thức viên trơn, láng, màu sắc viên đồng nhất, hoàn toàn che đi màu sắc ban đầu của viên nhân. Viên nhân sau hút ẩm có màu sậm hơn so với ban đầu, viên bao phim không thay đổi đáng kể về màu sắc, với hạn sử dụng 18 tháng.

Sẵn sàng chuyển giao kết quả nghiên cứu 

Suy giảm chức năng sinh dục nam là một trong những căn bệnh khá phổ biên về nội tiết ở nam giới, đặc biệt ở người cao tuổi. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh tăng mạnh theo độ tuổi, tuy nhiên hiện nay đang trở thành một căn bệnh của thời đại và ngày càng trẻ hóa. Vì vậy, nhu cầu cũng như thị trường cho sản phẩm này là rất lớn. Trong khi đó, các thuốc tây y điều trị bệnh này chỉ mang tính tức thời, chứ không trị căn nguyên mà còn thường kèm theo nhiều tác dụng phụ. Do vậy, người tiêu dùng thường tìm đến các sản phẩm từ dược liệu bởi độ an toàn khi sử dụng lâu dài. 

Dược sỹ Nguyễn Phương Nam cho biết, hiện Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM đang sử dụng hai dược liệu Dâm dương hoắc và Mật nhân trong việc điều trị bệnh suy giảm chức năng sinh dục nam. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn đang dùng dưới dạng thuốc sắc, và điều này gây nhiều bất tiện cho việc sử dụng cũng như tuân thủ điều trị của người bệnh. 

"Trong khi đó, viên nén bao phim là một dạng bào chế khá phổ biến và thuận tiện cho sử dụng đặc biệt cho các chế phẩm từ dược liệu", dược sỹ Nguyễn Phương Nam cho biết thêm, "Dạng bào chế này với ưu điểm là có khả năng chống hút ẩm tốt cho các viên từ cao với lớp màng phim bên ngoài. Bên cạnh đó, đơn vị sản xuất có thể chủ động trong việc lựa chọn và điều chỉnh màu sắc của viên thông qua lớp màng bao từ đó dễ dàng tạo được nét đặc trưng riêng cho từng sản phẩm.". 

viennenmn

Viên nhân (trái) và các viên nén bao phim MD

Vẫn theo lời dược sỹ Nguyễn Phương Nam và nhóm nghiên cứu, viên nén bao phim từ cao chiết Dâm dương hoắc và cao chiết Mật nhân là sản phẩm là kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn điều trị và y học hiện đại. Sản phẩm của đề tài có đầy đủ quy trình sản xuất, tiêu chuẩn, hiệu quả và cơ sở khoa học cần thiết. Đây là điểm mạnh vượt trội so với hầu hết các mặt hàng sản xuất trong nước hiện nay. Đồng thời, so với các sản phẩm có chất lượng tương tự từ nước ngoài, thì MD có giá thành rẻ hơn rất nhiều do được sản xuất trong nước. Ngoài ra, đề tài xây dựng các quy trình chiết xuất cao, sản xuất dựa trên các dung môi thân thiện với môi trường và hệ thống trang thiết bị phù hợp với điều kiện xử lý trong nước. Vì vây, quá trình sản xuất sản phẩm đảm bảo được tính phổ biến, an toàn cũng như không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. 

"Với nguồn dược liệu sẵn có trong nước, việc tạo ra sản phẩm viên nén MD chất lượng cao, thuận tiện cho người sử dụng, cùng với quy trình phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước, kết quả nghiên cứu có thể chuyển giao ngay cho các công ty sản xuất để đăng ký và sản xuất dược phẩm bảo vệ sức khỏe", đại diện nhóm nghiên cứu khẳng định.

Thông tin liên hệ:

Bệnh viện Y học cổ truyền

Địa chỉ: 179-187 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM

Điện thoại: 028 39326579 - 028 39326004 

Email: phnam1966@yahoo.com.vn - Website: www.yhct.vn

Các sản phẩm tận dụng vật liệu phế thải nên giảm được chi phí sản xuất, giảm ảnh hưởng xấu đến môi trường, nhưng vẫn mang tính mới về công nghệ, đáp ứng các tiêu chí khắt khe hơn trong điều kiện kỹ thuật khắc nghiệt. 

Trong 10 năm trở lại đây, với nhiều ưu điểm như có độ bền cơ học cao, dễ thi công, chịu ăn mòn tốt… nên ống gân xoắn HDPE (polyetylen tỷ trọng cao) được thị trường ưa chuộng hơn ống thép, ống PVC, đã được ứng dụng trong xây dựng hạ tầng hệ thống truyền tải điện lực, viễn thông và các hệ thống thoát nước, phân phối khí. Tuy nhiên, tác động của thời tiết, khí hậu nhiệt đới, nhựa HDPE thông thường dễ bị phân hủy quang-nhiệt-ẩm dẫn tới sự suy giảm nhanh và rõ rệt tới chất lượng sản phẩm. Một hạn chế nữa là nhựa HDPE có nhiệt độ bắt cháy tương đối thấp nên dễ bắt cháy, làm ảnh hưởng đến khả năng ứng dụng trong một số lĩnh vực đòi hỏi điều kiện kỹ thuật khắc nghiệt. Thực trạng này chính là cơ hội để các nhà khoa học phối hợp với doanh nghiệp tiến hành nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm ống gân xoắn HDPE chất lượng cao, có tính năng ưu việt hơn như khả năng chống bắt cháy tốt hơn, bền hơn khi để ở điều kiện ngoài trời.

Dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường đối với sản phẩm ống gân xoắn, nhóm nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã phối hợp cùng một số doanh nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu, chế tạo vật liệu tổ hợp HDPE/EVA/gypsum biến tính ứng dụng chế tạo ống gân xoắn chất lượng cao chống cháy, bền thời tiết phục vụ ngành điện lực và viễn thông”. Từ nguồn vật liệu tổ hợp HDPE/EVA/gypsum biến tính và một số phụ gia, nhóm nghiên cứu đã sản xuất thành công các loại ống gân xoắn chất lượng cao, có khả năng chống cháy, bền thời tiết đáp ứng chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 7997:2009.

HDPE1

Sản phẩm ống gân xoắn

Sản phẩm ống gân xoắn chống cháy có đường kính 25/32 mm và đường kính 55/65 mm, được sản xuất bằng thành phần nguyên liệu chủ yếu gồm hạt chất chủ HDPE/EVA/gypsum/phụ gia chống cháy và hạt HDPE. Ống có tỷ lệ khối lượng 0,18-0,32 kg/m, thời gian tắt cháy dưới 15-17 giây, độ bền nén 2,89%, độ bền kéo đứt là 22,4-22,67MPa, độ ngấm nước trong 24 giờ là 0,15%.

HDPE2

Thử khả năng chống cháy của sản phẩm ống gân xoắn HDPE/EVA/gypsum chống cháy theo tiêu chuẩn TCVN 7997:2009.

Sản phẩm ống gân xoắn bền thời tiết có đường kính 55/65 mm được sản xuất bằng thành phần nguyên liệu chủ yếu gồm hạt chất chủ HDPE/EVA/gypsum/phụ gia bền thời tiết và hạt HDPE. Sau thử nghiệm gia tốc thời tiết (được tiến hành theo tiêu chuẩn ASTM G154 trong điều kiện 8 giờ chiếu bức xạ tử ngoại ở 60oC và 4 giờ ngưng hơi ẩm ở 50oC là 1 chu kỳ; mẫu được phơi trong tủ thời tiết với thời gian tương đương với 56 chu kỳ), mẫu có độ bền cơ học và độ bền màu sắc vẫn đảm bảo, không có sự thay đổi đáng kể so với mẫu trước thử nghiệm.

HDPE3

Thử nghiệm sản phẩm ống gân xoắn HDPE/EVA/Gypsum trong tủ gia tốc thời tiết UV-CON

Điểm đặc biệt ở nhiệm vụ là các nhà khoa học đưa gypsum (thạch cao phế thải) vào thành phần vật liệu tổ hợp (HDPE/EVA/gypsum biến tính) chế tạo ống gân xoắn. Gypsum là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất phân lân, được nhóm nghiên cứu sử dụng làm chất độn, do có các tính năng nổi bật như khả năng chống cháy và bền thời tiết. Trong đó, để nâng cao hàm lượng độn sử dụng, gypsum được biến tính với natri dodecyl sulfat (SDS), hoặc etylen bis stearamide (EBS), để có khả năng tương tác với gypsum tốt hơn (so với axit stearic). Bên cạnh đó, để cải thiện độ bền va đập và độ dẻo dai của sản phẩm, EVA (nhựa copolyme etylen vinylaxetat) được sử dụng đóng vai trò làm chất tương hợp giữa các cấu phần của vật liệu.

PGS.TS. Nguyễn Vũ Giang (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết: “Gypsum có nhiều ưu điểm như độ bền nhiệt cao, khả năng chống cháy, chịu mài mòn và bền thời tiết nên được nghiên cứu và ứng dụng như một chất độn vô cơ thông thường để tăng tính cơ học, khả năng chống cháy cải thiện độ bền nhiệt của pha nền. So với các loại chất độn và các chất gia cường nhập ngoại, gypsum có nguồn gốc trong nước có giá thành thấp hơn, chỉ khoảng 50 – 75%, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất và giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên vật liệu. Việc nghiên cứu xử lý gypsum phế thải thành các sản phẩm chất độn cho nhựa nhiệt dẻo còn mang tính bảo vệ môi trường cao.”.

HDPE4

Sơ đồ công nghệ chế tạo ống gân xoắn có sử dụng phụ gia chống cháy và bền thời tiết

Về hiệu quả kinh tế, chi phí sản xuất 2 sản phẩm ống gân xoắn chống cháy và bền thời tiết thấp hơn ống truyền thống từ 1-2 triệu đồng/1.000 mét ống. Đó là nhờ sử dụng gypsum nên hạ được chi phí sản xuất trong khi vẫn đảm bảo cải thiện tính chất cơ học, khả năng chống cháy, bền thời tiết. Các sản phẩm cũng mang tính mới, đáp ứng các tiêu chí cao hơn trong lĩnh vực kỹ thuật và đời sống, gia tăng mạnh tính cạnh tranh và làm phong phú thị trường. 

HDPE5

Phơi thử nghiệm sản phẩm ống gân xoắn HDPE/EVA/gypsum bền thời tiết tại trạm thử nghiệm Hạ Long

Về mặt môi trường, việc xử lý và biến tính gypsum mở ra hướng mới trong việc ứng dụng sản phẩm này trong lĩnh vực nhựa compozit. Theo đó, sẽ góp phần làm giảm lượng rác thải công nghiệp cũng như diện tích bãi chứa gypsum phế thải, giảm ô nhiễm không khí, nguồn nước ở các khu vực xung quanh. Mặt khác, lượng gypsum nếu được biến tính tăng tương hợp tham gia vào thành phần các loại nhựa và cao su compozit từ vài phần trăm đến vài chục phần trăm khối lượng cũng sẽ góp phần làm giảm đáng kể giá thành sản xuất các sản phẩm nhựa compozit, đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho doanh nghiệp. 

Theo PGS.TS. Nguyễn Vũ Giang, quy trình tạo gypsum biến tính mà nhóm nghiên cứu đã xây dựng có công suất dự kiến vào khoảng 2.500 tấn/năm. Nhóm cũng xây dựng thành công quy trình sản xuất ống gân xoắn chống cháy và ống gân xoắn bền thời tiết từ vật liệu tổ hợp HDPE/EVA/gypsum biến tính đáp ứng tiêu chuẩn TCVN 7997:2009, sản xuất được 525 mét ống mỗi loại. Việc xử lý và biến tính gypsum còn có khả năng mở rộng, ứng dụng để làm chất độn cho nhiều sản phẩm khác nhau như: xi măng, bê tông, gạch không nung… 

Từ kết quả của nhiệm vụ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho 2 giải pháp hữu ích là “Phương pháp sản xuất vật liệu nhựa compozit HDPE/EVA chống cháy và vật liệu thu được từ phương pháp này” và “Vật liệu compozit bền thời tiết chứa hỗn hợp nhựa nhiệt dẻo và thạch cao phế thải biến tính”. Được biết, doanh nghiệp tham gia phối hợp thực hiện triển khai nhiệm vụ cùng Viện Kỹ thuật nhiệt đới cũng rất muốn sớm được nhận chuyển giao công nghệ để tiến hành sản xuất, chế tạo các sản phẩm ống nhựa gân xoắn mới. 

Có thể thấy rằng, nếu được tiếp tục mở rộng quy mô ứng dụng và hoàn thiện công nghệ chế tạo các sản phẩm kỹ thuật từ vật liệu compozit HDPE/EVA/gypsum trong năm tiếp theo, thành quả nghiên cứu từ nhiệm vụ sẽ góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy và nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, đồng thời khẳng định vai trò của nghiên cứu khoa học trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. 

Thông tin liên hệ:
Viện Kỹ thuật nhiệt đới
Địa chỉ: Nhà A12-A13, 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 

Website: https://itt.vast.vn/

Giải pháp do thạc sỹ Cao Xuân Vũ và nhóm cộng sự tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM triển khai thành công không chỉ giúp rút ngắn thời gian hoàn thiện sản phẩm in offset trên các loại vật liệu không thấm hút, mà còn giúp doanh nghiệp giảm đến 1/5 chi phí đầu tư so với khi sử dụng giải pháp tương tự nhập ngoại.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, ngành in ấn nói chung và in bao bì, tài liệu quảng cáo nói riêng cũng đang bước vào giai đoạn phải liên tục cải thiện chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ phía khách hàng. Tuy nhiên, hiện đa số công ty gia công in đều sử dụng loại mực in tự khô, cần khoảng 5-6 giờ để khô mực; và điều này khiến thời gian hoàn thành đơn hàng chậm, thậm chí không kịp đáp ứng tiến độ với các đơn hàng khẩn cấp. 

Để giải quyết nút thắt này, thời gian qua, phương pháp làm khô mực in sử dụng tia cực tím UV đã được nhiều đơn vị in ấn sử dụng, bởi có nhiều ưu điểm hơn hẳn các phương pháp còn lại.

ledmh

(Ảnh minh họa)

"Một trong những yêu cầu từ doanh nghiệp sản xuất là nguồn nguyên vật liệu phải phong phú và đa dạng để không bị động trong kế hoạch sản xuất. Vì vậy đa số các doanh nghiệp sản xuất in bao bì trên vật liệu không thấm hút đều chọn phương pháp làm khô mực in bằng tia cực tím UV vì phù hợp với quy mô sản xuất tại Việt Nam", thạc sỹ Cao Xuân Vũ, chủ nhiệm thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống UV LED làm khô mực in trong ngành in bao bì" thông tin.

Một số doanh nghiệp in có vốn đầu tư lớn đã mạnh dạn đầu tư hệ thống làm khô mực in bằng đèn phóng điện tia cực tím UV, tuy nhiên phương pháp này vẫn ghi nhận vài hạn chế, chẳng hạn phát sinh ra lượng nhiệt quá lớn làm ảnh hưởng tính chất bề mặt vật liệu in (nhãn decal bị hỏng lớp keo..), tiêu hao năng lượng điện lớn, phát sinh ra lượng lớn khí ozone vốn ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. 

Trong khi đó, hệ thống UV LED có rất nhiều ưu điểm và là công nghệ của tương lai, công nghệ xanh - thân thiện với môi trường. Hay nói cách khác, ứng dụng công nghệ UV LED trong quá trình làm khô mực in là một yêu cầu bắt buộc đối với các công ty sản xuất in, vừa tiết kiệm năng lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm in, tăng năng suất vừa an toàn với môi trường và người lao động. Đây là định hướng phát triển của tất cả các ngành công nghiệp là thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Cũng theo lời thạc sỹ Cao Xuân Vũ, thì UV LED một trong những công nghệ mới được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực trong đó có ngành in ấn và bao bì, chủ yếu được ứng dụng trong các sản phẩm in đặc biệt là sản phẩm giấy không thấm hút như những màng nhựa hay màng metalized hoặc là những giấy mỹ thuật, giấy cao cấp độ thấm hút thấp. Đáng chú ý, so với công nghệ làm khô bằng đèn UV truyền thống, thì công nghệ UV LED giúp tiết kiệm đến 80% năng lượng tiêu thụ điện.

Sau 18 tháng nghiêm túc nghiên cứu, nhóm thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã hoàn thiện và láp ráp hoàn chỉnh, đưa vào vận hành thử nghiệm giải pháp UV LED với các thông số ban đầu được tính toán cho khổ máy in offset tờ rời 52x72cm. Cụ thể, đó là cụm đèn sấy sử dụng chip UV LED (của hãng Nichia, Nhật Bản) bao gồm 286 chip LED (tương ứng 3x96 chip LED). Cụm mô-đun UV LED được thiết kế gồm 3 hàng 4 cột để thuận lợi cho bảo trì bảo dưỡng; và được giải nhiệt bằng hệ thống làm mát sử dụng chất lỏng tuần hoàn.

ledht

Cụm đèn sấy UV LED hoàn thiện được trang bị và vận hành thực tế trên máy in offset 5 màu tại công ty Trúc My

Kết quả của nhiệm vụ là hệ thống UV LED làm khô mực in trên các vật liệu in không thấm hút như nhựa, decal PVC, giấy ghép màng metalized…. Trọn bộ giải pháp gồm cụm đèn sấy, và cụm điều khiển, giám sát hoạt động và đồng bộ với máy in offset nhiều màu; và tủ điều khiển gồm bo mạch và màn hình cảm ứng HMI (9 inch) tích hợp.

lednhom

Các mô-đun UV LED được gia công lên khối nhôm

Hệ thống UV LED hoàn thiện được triển khai thử nghiệm tại công ty in Trúc My (quận Tân Phú, TP.HCM) cho kết quả vượt trội, đáp ứng tốc độ làm khô từ 6.400 -7.200 tờ/giờ đối với các vật liệu không thấm hút như nhựa, metalized, decal. Chất lượng sản phẩm in đạt yêu cầu về độ khô và có thể chuyển sang công đoạn thành phẩm ngay sau khi in giúp doanh nghiệp có thể giao hàng nhanh chóng.

Theo nhận xét khách quan của một số chuyên gia trong ngành in và kể cả các cơ sở, công ty trong lĩnh vực in ấn thì tốc độ làm khô 7.200 tờ/giờ là con số ấn tượng, có thể sánh ngang với các giải pháp hiện đại nhập khẩu từ Đức, Mỹ.

Về cơ bản, hệ thống UV LED làm khô mực in do nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ hoàn thiện và được nghiệm thu gồm 2 đơn vị có thông số kỹ thuật, như sau: Bước sóng 396nm; Giải nhiệt nước lạnh; Công suất quang 18W; và Tốc độ khô 7.200-7.300 tờ/giờ và vùng làm khô tối đa 720mm (tức 72cm).

Là một phần trong kết quả nghiên cứu, nhóm cũng xây dựng các tiêu chuẩn kiểm soát vật liệu in và kiểm soát chất lượng sản phẩm in.

led2a

Phương án bố trí UV LED và kiểm soát bức xạ UV

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, từ yêu cầu thiết kế bộ nguồn cấp cho chip UV LED là đơn vị nguồn cung cấp được thiết kế nhỏ gọn, khởi động thông minh, dễ dàng mở rộng nên hệ thống UV LED hoàn thiện được triển khai theo phương châm tự động đồng bộ theo chế độ hoạt động của máy in offset tờ rời 5 màu.

Với đặc điểm tắt mở không cần thời gian chờ như đèn UV truyền thống, hệ thống UV LED đảm bảo năng lượng UV ngay sau khi được cấp nguồn. Do đó, nhóm nghiên cứu quyết định chọn tín hiệu "ép in" là tín hiệu đồng bộ khởi động đèn UV LED. Để đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của máy in, nhóm nghiên cứu sử dụng 1 rơ le phụ để copy tín hiệu ép in của máy in offset. Ngoài ra, với đặc điểm bàn ra giấy cách xa đơn vị cuối cùng nên đối với tín hiệu "tắt đèn" thì nhóm nghiên cứu từ thực nghiệm cho kết quả thời gian trễ từ lúc ngưng ép in đến lúc đèn UV LED tắt hoàn toàn tùy thuộc vào tốc độ đang vận hành máy in.

ledtquan

Tổng quan mô hình hoạt động của hệ thống đèn sấy UV LED

Đa số sản phẩm ứng dụng công nghệ làm khô UV LED đều là các dòng sản phẩm bao bì cao cấp. Nếu các lỗi như không khô mực xảy ra sẽ gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc đo bức xạ UV của đèn UV LED để đảm bảo quá trình khô mực phù hợp với nhiều loại vật liệu khác nhau và phát hiện lỗi cụm đèn sớm nhất là một vấn đề rất quan trọng. Nhóm nghiên cứu đã thiết kế mô-đun đo bức xạ UV LED và tính toán xử lý để điều khiển và cảnh báo mức bức xạ UV.

Ở mức hoàn thiện, báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức trong năm 2021, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết hệ thống UV LED làm khô mực in được thiết kế và chế tạo có nguyên tắc hoạt động: hệ thống có cấu tạo gồm 2 cụm đèn đặt ở đơn vị in số 1 và đơn vị in số 5 của máy in offset tờ rời khổ 52x72cm. Tín hiệu điều khiển đèn UV LED có 2 cách: có thể điều khiển bằng tay thao tác trên màn hình HMI hoặc tự động theo tín hiệu ép in của máy in offset. Ngoài ra, năng lượng bức xạ UV được đo bởi cảm biến VEML6075 và dòng điện đầu ra của bộ nguồn cũng được đo để kiểm soát năng lượng bức xạ của cụm UV LED. Điều này giúp tránh được các lỗi ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm in.

Leduv

Vị trí bố trí 2 cụm đèn sấy UV LED được nhóm nghiên cứu đề xuất

Nhận định về hiệu quả kinh tế, thạc sỹ Cao Xuân Vũ khẳng định, so với hệ thống UV LED làm khô mực in lắp đặt cho máy in 5 màu của Mỹ hiện có giá tham khảo khoảng 5 tỷ đồng (bao gồm thiết bị, chi phí lắp đặt, chi phí chuyên gia chuyển giao công nghệ), thì kết quả nhiệm vụ sau khi hoàn thiện có giá dao động khoảng 1 tỷ đồng. Do đó, nhóm nghiên cứu dự kiến kết hợp với Hiệp hội in Việt Nam và Hội in TP.HCM để giới thiệu công nghệ UV LED này đến các nhà in cũng như thương mại hóa sản phẩm.

Có thể khẳng định rằng, tại Việt Nam, mặc dù còn gặp khó khăn trong việc triển khai ứng dụng UV LED do giá thành vẫn còn ở mức cao so với mặt bằng chung, tuy nhiên ngành in ấn Việt Nam không thể phủ nhận những lợi ích và những ưu điểm vượt trội mà UV LED, mang lại, đặc biệt ở tiêu chí thân thiện với môi trường trong khi vẫn đảm bảo khả năng nâng cao năng suất - chất lượng cho sản phẩm in ấn. 

Thông tin liên hệ:

Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

Địa chỉ: 01 Võ Văn Ngân, P. Linh Chiểu, TP. Thủ Đức, TPHCM.

Số điện thoại:  0909043689 - Email: xuanvu.cao@gmail.com

Ứng dụng các kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu để khảo sát bệnh tồn lưu tối thiểu, có thể giúp phân nhóm nguy cơ, tiên lượng, đánh giá đáp ứng điều trị và theo dõi tái phát một cách chính xác ở các bệnh nhân ung thư máu.

Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (BCCDL) là một rối loạn ác tính hệ tạo máu do sự chuyển dạng bất thường của tế bào đầu dòng lympho. Bệnh có đặc điểm tăng sinh rất mạnh, nhưng không biệt hóa hoặc biệt hóa bất thường của các nguyên bào lympho dẫn đến sự tích tụ những tế bào này trong tủy xương gây ức chế sự tạo máu bình thường và thâm nhiễm các cơ quan, tổ chức ngoài tủy xương. BCCDL là loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở trẻ em hơn, đặc biệt là trong độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi. 

Trong suốt bốn thập kỷ qua, tỷ lệ sống còn của bệnh nhân BCCDL đã được cải thiện đáng kể, nhưng có sự thay đổi nhiều theo tuổi. Trẻ em được điều trị dựa trên các phác đồ mới có tỷ lệ sống còn trên 90%. Ở trẻ em thì BCCDL-B chiếm khoảng 85% và nhóm bệnh nhân này có tiên lượng rất tốt với tỷ lệ sống còn toàn bộ sau 5 năm lên đến 90%.

Theo dõi bệnh tồn lưu tối thiểu (BTLTT - sự tồn tại một lượng nhỏ các tế bào ung thư trong bệnh nhân đang điều trị hoặc sau khi điều trị, mặc dù thăm khám lâm sàng và quan sát dưới kính hiển vi đã xác nhận lui bệnh hoàn toàn và bệnh nhân không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của bệnh), là một trong những yếu tố rất quan trọng trong đánh giá đáp ứng và là yếu tố giúp các bác sỹ lâm sàng quyết định phân nhóm điều trị và theo dõi tái phát bệnh. Hiện nay, hầu hết trường hợp BCCDL trẻ em và người lớn ở các nước phương Tây đang được theo dõi BTLTT để đánh giá hiệu quả điều trị và phân loại bệnh theo các nhóm nguy cơ. 

Ứng dụng phương pháp kỹ thuật hiện đại trong nghiên cứu

Một số phương pháp có độ nhạy cao được phát triển để phát hiện BTLTT bao gồm kỹ thuật tế bào dòng chảy (TBDC) sử dụng các kiểu hình miễn dịch đặc trưng cho dòng tế bào bất thường; Kỹ thuật PCR xác định sự tái sắp xếp các gene immunoglobulin (Ig) và T-cellreceptor (TCR) (Ig/TCR); Kỹ thuật PCR phát hiện các tổ hợp gene do chuyển vị nhiễm sắc thể tạo ra (RQ-RT-PCR). 

Hiện nay, ở trong nước chưa có công trình nào thực hiện hoàn chỉnh việc khảo sát BTLTT trên BCCDL-B sử dụng cả kỹ thuật TBDC và PCR định lượng. Do đó, TS.BS Nguyễn Phương Liên, Phó Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM cùng cộng sự đã thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Khảo sát bệnh tồn lưu tối thiểu trong bệnh Bạch cầu cấp dòng lympho B ở trẻ em”. 

Nhóm tác giả tiến hành khảo sát BTLTT trên bệnh nhân (BN) mắc BCCDL-B, giúp các bác sĩ lâm sàng có thể theo dõi diễn tiến bệnh, phân nhóm điều trị và theo dõi tái phát sớm để kéo dài thời gian sống cho các BN. 

bcau1

Đánh giá BTLTT bằng kỹ thuật Flow cytometry

Theo đó, từ tháng 4/2019 đến tháng 9/2021 nhóm nghiên cứu đã thu thập được các mẫu tủy của 81 trẻ em (1-15 tuổi) BCCDL-B sau các giai đoạn điều trị để đánh giá BTLTT. Nhóm sử dụng cả 3 kỹ thuật nói trên để đánh giá BTLTT cho các trẻ em BCCDL-B, nhằm mục tiêu “xác định tỷ lệ BTLTT dương và BTLTT âm sau điều trị tấn công hoặc củng cố trong phác đồ Fralle 2000 ở bệnh BCCDL-B trẻ em”. 

Kết quả nhiên cứu đã phát hiện 77 BN có kiểu hình miễn dịch ác tính (LAIPs) và 4 BN không có kiểu hình LAIPs để theo dõi BTLTT. Hầu hết (72/81 ca, 88,9%) đều có ít nhất 1 kiểu hình LAIPs để theo dõi đánh giá BTLTT, trong đó phổ biến nhất là sự xuất hiện KN khác dòng (chiếm đến 84%), kế đến là sự đồng biểu hiện cặp đôi CD34+CD123+, chiếm 74.1% và CD45 âm tính, chiếm 70,4%.

Sau giai đoạn tấn công, có 22 ca với BTLTT dương tính, và 55 ca có BTLTT dưới âm tính. Sau giai đoạn củng cố, 13 ca có BTLTT dương tính và sau tăng cường có 8 trường hợp vẫn còn BTLTT và đã tái phát ở thời điểm chuẩn bị chuyển sang duy trì, trong đó 2 trường hợp tái phát đã tử vong.

Nghiên cứu cũng phát hiện 70/81 BN mang bất thường về di truyền, chiếm 86,42% và 12,35% BN không phát hiện bất thường. 25 trường hợp mang các bất thường di truyền thường gặp, chiếm 30,86%, bao gồm: tổ hợp gene TEL/AML1 (15 BN), E2A/PBX1 (6 BN), BCR/ABL (2 BN) và MLL/AF4 (2 BN), chiếm các tỷ lệ tương ứng 18,52%, 7,41%, 2,47% và 2,47%. Kết thúc giai đoạn điều trị tấn công, 9/25 BN có BTLTT dương tính (36%). Hai BN trong số này tái phát tại thời điểm điều trị tăng cường.

bcau2

Đánh giá BTLTT dựa trên biểu hiện kiểu TSX gene Ig-TCR.

Đánh giá mức độ biểu hiện của các kiểu TSX Ig/TCR và đánh giá BTLTT dựa trên kiểu TSX Ig/TCR, cho thấy 73/81 BN có biểu hiện mạnh và rất mạnh, chiếm 90,12 % và 8/81 BN không biểu hiện mạnh kiểu TSX nào, chiếm 9,88%. 19/81 BN mang 2 hoặc 3 kiểu TSX có biểu hiện mạnh, chiếm 23,5% và 54/81 BN mang biểu hiện mạnh ở 1 kiểu TSX, chiếm 66,67%. Tất cả các kiểu TSX này sau đó đều đạt độ nhạy cao hơn 0,0001 ở các phản ứng RQ-PCR đánh giá BTLTT.

Nhóm nghiên cứu cũng đã thiết kế được các 99 probe chuyên biệt, đặc hiệu cho 73 BN mang kiểu TSX Ig-TCR biểu hiện mạnh. Tại thời điểm kết thúc điều trị tấn công 48/73 BN lui bệnh có mức BTLTT < 0,01%, chiếm 65,75%. Trong khi đó, 25/73 BN chỉ cho kết quả đánh giá BTLTT ở mức  0,01%, chiếm 34,25% có nguy cơ tái phát, trong đó 6 BN có nguy cơ tái phát cao. 4/6 BN này đã tái phát trong thời gian điều trị tăng cường, trong đó 2 BN đã tử vong.

Đánh giá đáp ứng điều trị và tỷ lệ tái phát sớm cho thấy, tỷ lệ lui bệnh hoàn toàn được ghi nhận sau giai đoạn tấn công đạt 100%, với tỷ lệ OS, EFS sau 33 tháng cao (97,5±1,7% và 90,1±3,31%). Nghiên cứu cũng ghi nhận 8/81 trường hợp tái phát, chiếm 9,9%. Trong đó, 6/8 BN có BTLTT dương tính sau giai đoạn điều trị tấn công.

BS Nguyễn Phương Liên, đại diện nhóm thực hiện nhiệm vụ cho biết: qua khảo sát, nghiên cứu cho thấy, mức BTLTT phát hiện sau giai đoạn điều trị tấn công thật sự có ảnh hưởng đến thời gian sống còn của các BN. Những BN có BTLTT âm (<0,01%) sau giai đoạn tấn công thì có tiên lượng tốt hơn với thời gian sống cao hơn nhóm còn lại. Điều này cũng phù hợp với các nghiên cứu trong nước và ngoài nước. Hay nói cách khác, mức BTLTT đánh giá bằng các kỹ thuật TBDC, kỹ thuật TSX gene Ig/TCR và RQ-PCR các tổ hợp gene đặc hiệu giúp các nhà lâm sàng phân nhóm nguy cơ cao và nguy cơ thấp, chọn lựa phác đồ điều trị thích hợp và tiên lượng chính xác hơn cho bệnh nhân. Vì vậy, cần quan tâm và chú trọng hơn vào các kỹ thuật này nhằm đánh giá và theo dõi BTLTT liên tục cho các bệnh nhân BCCDL-B.

Phối hợp 3 kỹ thuật trong chẩn đoán bệnh

Cũng theo lời TS. BS Nguyễn Phương Liên, các kết quả thu được từ nghiên cứu đã cho thấy vai trò của kỹ thuật TBDC, RQ-PCR tổ hợp gen và kỹ thuật TSX gen Ig/TCR trong việc phát hiện BTLTT. Mỗi kỹ thuật có ưu và nhược điểm khác nhau, do đó nhóm tác giả kiến nghị phối hợp thực hiện cả 3 kỹ thuật tại thời điểm chẩn đoán bệnh nhằm tìm ra mục tiêu theo dõi BTLTT cho mỗi BN, giúp cho phân nhóm nguy cơ, tiên lượng, đánh giá đáp ứng điều trị và theo dõi tái phát một cách chính xác hơn. 

"Chỉ cần một trong 3 kỹ thuật phát hiện được BTLTT là có tính đặc hiệu rất cao và các bác sĩ lâm sàng nên dựa vào đó để thay đổi chiến lược điều trị và theo dõi sát", đại diện nhóm nghiên cứu khuyến nghị.

bcau4

Khảo sát biểu hiện gen kiểu TSX Vd2-Dd3

Riêng trong thực hành lâm sàng tại Bệnh viện truyền máu huyết học TP.HCM, để tiết kiệm thời gian và chi phí cho người bệnh, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã tiến hành thường qui như sau: Tại thời điểm chẩn đoán, sẽ thực hiện đồng thời 2 kỹ thuật TBDC và RQ-PCR để phát hiện kiểu hình LAIPs và tổ hợp gene đặc hiệu. Đồng thời, ly trích DNA của người bệnh. Nếu không đánh giá được BTLTT dựa trên cả LAIPs và tổ hợp gene trên mẫu tủy sau điều trị, sẽ tiếp tục thực hiện khảo sát TSX Ig-TCR trên mẫu DNA đã được lưu giữ từ lần chẩn đoán để theo dõi BTLTT ở các giai đoạn sau.

Đối với các đơn vị chuyên khoa điều trị huyết học khác, đại diện nhóm nghiên cứu đề nghị tối thiểu phải có hệ thống phân tích TBDC, kế đến là kỹ thuật RQ-PCR phát hiện tổ hợp gen đặc hiệu để phối hợp phát hiện BTLTT trên 95% các trường hợp BCCDL-B.  

TS.BS Nguyễn Phương Liên khẳng định, kết quả của nghiên cứu có thể ứng dụng trong điều trị tại các bênh viện chuyên khoa Huyết học và các Bệnh viện Nhi có điều trị bệnh lý huyết học trên cả nước; đồng thời cho biết, nhu cầu khảo sát BTLTT rất cấp thiết nên sản phẩm của đề tài này sẽ có ứng dụng rộng rãi cho các Bệnh viện điều trị bệnh BCCDL-B trên cả nước, và nghiên cứu nói trên là dữ liệu tham khảo cho các công trình nghiên cứu BTLTT trong BCCDL-B ở người lớn và BCCDL-T.

Được biết, nhiệm vụ khoa học công nghệ do Bệnh viện Truyền máu huyết học chủ trì vừa được Sở KH&CN TPHCM tiến hành nghiệm thu và nhiều nội dung, kết quả quan trọng của công trình nghiên cứu này cũng đã đăng trên một số tạp chí y học trong nước. Ngoài ra, trong quá trình triển khai đề tài, TS.BS Nguyễn Phương Liên và các cộng sự đã tham gia đào tạo được 2 thạc sỹ bác sĩ chuyên khoa huyết học. 

Thông tin liên hệ:

Bệnh viện Truyền máu Huyết học 

Địa chỉ: 118 Hồng Bàng, P. 12, Q. 5, TP.HCM

Điện thoại: 848-39571342

Email: hemato@vnn.vn - Website: http://bthh.org.vn 

Kết quả từ nhiệm vụ khoa học công nghệ do nhóm kỹ sư, chuyên gia Đại học Nguyễn Tất Thành (Tp.HCM) triển khai được kỳ vọng giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào máy nhập ngoại trong sản xuất ống thép hàn, tiết kiệm chi phí đầu tư. 
Theo định hướng phát triển, ngành thép Việt Nam đang từng bước tập trung vào mục tiêu chủ động và tự sản xuất các loại thép đặc thù, thay vì "chạy đua" vào những nhóm sản phẩm thép đang dư thừa cũng như giảm thiểu lượng thép nhập khẩu. Do đó, việc sản xuất ống thép được xác định là "lối thoát" cho ngành thép trong nước, nhằm phục vụ thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. 

Được biết, trước giai đoạn năm 2019, doanh nghiệp cơ khí - điện tử công nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể chế tạo hệ thống cho khâu kéo và tạo hình ống trong tổng thể một dây chuyền sản xuất ống thép hàn, nhưng riêng đối với thiết bị hàn ống cao tần thì vẫn phải nhập ngoại, từ đó dẫn đến sự phụ thuộc công nghệ và hạn chế ngành sản xuất ống thép hàn đối với doanh nghiệp trong nước. 

"Đây là bộ phận quan trọng nhất của dây chuyền sản xuất ống thép hàn, có ảnh hưởng chính đến chất lượng ống thép hàn", TS. Ngô Mạnh Dũng nhận xét. 

Gỡ nút thắt nhập ngoại

TS Ngô Mạnh Dũng, chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống hàn cao tần không tiếp xúc công suất 250kW cho dây chuyền sản xuất ống thép hàn" do Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) chủ trì thực hiện, cho biết các kết quả khảo sát, phân tích cho thấy tất cả máy hàn cao tần chế tạo trong nước chủ yếu là lắp ráp các board điều khiển và board công suất theo mẫu nhập của Trung Quốc, chất lượng không cao, thường không ổn định và hư hỏng do cháy nổ phần công suất, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất liên tục.

"Việc sử dụng board nhập khẩu để lắp ráp, không làm chủ được công nghệ, mỗi lần máy hàn hư hỏng phải chờ nhập board điện tử, thời gian chờ nhập ít nhất 2 tuần, làm cho cả dây chuyền sản xuất ống thép hàn phải đình trệ, gây thiệt hại lớn về kinh tế", TS. Ngô Mạnh Dũng phân tích.

Chưa dừng lại ở đó, các nhà sản xuất dây chuyền sản xuất ống thép hàn trong nước hiện chủ yếu sử dụng các thiết bị hàn cao tần nhập ngoại (đa số từ Đài Loan, và Trung Quốc) với giá thành rất đắt, và khó có điều kiện bảo hành thiết bị công suất tại chỗ. Trong khi đó, thiết bị hàn cao tần ống thép công suất 250kW có giá thành khoảng 30.000USD, chiếm đến 30-40% giá thành hệ thống sản xuất ống thép hàn cao tần, và điều này cho thấy vai trò quan trọng của thiết bị hàn cao tần trong dây chuyền.

"Do đó, mục tiêu cốt lõi mà nhóm nghiên cứu đặt ra chính là thiết kế, chế tạo thiết bị hàn cao tần công suất, nhằm hỗ trợ khả năng sản xuất trọn bộ dây chuyền sản xuất cho các doanh nghiệp chế tạo máy vừa và nhỏ trong nước", TS. Dũng nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, hàn ống thép có 3 dạng là hàn lò, hàn điện (hồ quang) và hàn cao tần không tiếp xúc. Trong đó, công nghệ hàn cao tần không tiếp xúc hiện nay được ứng dụng rộng rãi vì phù hợp cho dây chuyền sản xuất liên tục không gián đoạn, đảm bảo năng suất cao.

hanktx1

Hàn ống thép bằng dòng cao tần (trái), và cấu hình các cuộn dây công tác cao tần thường được sử dụng trong hàn ống thép

Làm chủ hoàn toàn công nghệ 

Thực tế cho thấy, hàn cao tần là công đoạn then chốt và quan trọng trong sản xuất ống thép hàn từ băng thép phẳng (cán nóng). Hệ thống hàn cảm ứng thực hiện truyền năng lượng không cần tiếp xúc. 

Nguyên tắc hàn cao tần cảm ứng là đưa ống thép qua “lò” nhiệt tạo bởi cuộn dây đồng có dòng điện xoay chiều cao tần chạy qua. Dòng cao tần này tạo ra từ trường phát triển xung quanh cuộn dây, một phần của nó trực giao với ống thép hở. Kết quả tạo ra một điện trường trên bề mặt ngoài của ống, từ đó tạo ra sự chênh lệch điện áp trên các cạnh rìa ống thép. Hiệu ứng “bề mặt” giới hạn dòng điện trong một vài phần nghìn inch trên bề mặt. Kết quả là có một dòng điện chạy trên bề mặt ống theo các cạnh chưa ghép của dải ống và dòng điện bên trong lòng ống chảy theo hướng ngược lại.

Dòng điện cao tần chảy trên bề mặt ống theo các cạnh rìa ống, làm nóng chảy các cạnh rìa ống, được ép lại với nhau và được hàn tại điểm hàn. Ở tần số được sử dụng cho hàn cảm ứng, sự tương tác giữa điện trường và từ trường có thể khiến dòng điện chạy theo những cách không mong muốn. 

"Vì vậy, điểm mấu chốt để vận hành hiệu quả máy hàn tần số cao là hướng phần lớn dòng điện dọc theo các rìa cạnh ống, để dòng điện này nung nóng các cạnh rìa ống và giảm thiểu dòng ký sinh lãng phí chảy quanh bề mặt bên trong của ống", đại diện nhóm nghiên cứu khuyến nghị, "Và để làm điều đó, cần phải đảm bảo sao cho trở kháng của đoạn chữ V thấp so với trở kháng bề mặt bên trong của ống".

hanktx3

Nguyên lý hàn cao tần đối với ống thép cuộn tròn

Đại diện nhóm nghiên cứu cũng thông tin thêm, nguyên tắc hàn cảm ứng là đưa ống qua  “lò” với nhiệt độ cao (vài ngàn độ C). Một lò nung cảm ứng đơn giản gồm một cuộn dây đồng mang một dòng điện xoay chiều cao tần (ống làm rỗng để dẫn nước giải nhiệt). Các đối tượng được gia nhiệt là đặt ở tâm (lõi) của cuộn dây. Thiết bị làm việc theo nguyên lý này thường gọi là lò nung cao tần.

Khi dòng điện ở cao tần (thường trong khoảng 80-250kHz) chạy qua một cuộn dây, các electron trong kim loại đặt trong vùng từ trường sẽ bị dòng xoáy từ trường cuốn trong các chuyển động có định hướng, liên tục đổi chiều với cao tần hàng trăm ngàn lần trong một giây, chúng va chạm với nhau và sinh nhiệt (dòng Fuco). Kim loại sẽ nóng chảy nếu dòng cảm ứng chạy bên trong (kim loại) đủ mạnh. Người ta sử dụng hiệu ứng này để làm bếp từ, hàn vật liệu, nung nóng chảy kim loại, hoặc tôi các loại vật liệu bằng kim loại.  

hanktx2

Cấu trúc hàn ống thép bằng dòng cao tần

Đặc điểm của hàn cao tần là có hiệu ứng bề mặt - làm nóng tức thời bề mặt vật liệu cần hàn (ống thép). Ngoài ra, độ sâu của lớp gia nhiệt có thể điều chỉnh bằng tần số dòng điện qua cuộn tạo từ trường. Tốc độ hàn có thể đạt từ 20-70m/phút. Đây chính là những đặc điểm phù hợp cho công nghệ hàn ống thép.

hanktx4

Cấu hình hệ thống hàn cao tần không tiếp xúc được nhóm chuyên gia, kỹ sư Đại học Nguyễn Tất Thành triển khai

Bên cạnh "trọng tâm" là cuộn cảm ứng cao tuần phục vụ hàn ống thép, nhóm nghiên cứu cũng đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo nhiều thành phần liên quan, như Bàn điều khiển (giúp người vận hành thao tác điều khiển máy và giám sát các thông số vận hành máy); Tủ chỉnh lưu công suất lớn giải nhiệt nước (chuyển AC thứ cấp máy biến áp thành DC ổn định giúp cho mối hàn đẹp và chất lượng hàn ổn định); Tủ công suất dùng nước giải nhiệt để đảm bảo hoạt động bền bỉ và không chiếm nhiều không gian bố trí; Tủ nghịch lưu công suất lớn giải nhiệt nước (chuyển nguồn DC từ tủ chỉnh lưu thành tín hiệu AC cao tần, cấp cho cuộn dây đồng tạo từ trường ổn định, tủ công suất dùng nước giải nhiệt để đảm bảo hoạt động bền bỉ và không chiếm nhiều không gian bố trí).

Được biết, trọn bộ hệ thống hàn cao tần không tiếp xúc với thép ống tròn do TS. Ngô Mạnh Dũng và các cộng sự phát triển sau giai đoạn hoàn thiện tổng thể cũng đã được đưa vào vận hành thử nghiệm tại một số nhà máy sản xuất ống thép tại TP.HCM và Long An, ghi nhận kết quả khả quan với độ ổn định và hiệu suất cao.

Đại diện nhóm nghiên cứu khẳng định, trong quá trình nghiên cứu và chế tạo các bộ phận, thành phần liên quan, đề tài đã đồng thời ứng dụng các kỹ thuật về điện tử công suất, sử dụng các linh kiện mới, tiến hành thiết kế, chế tạo thiết bị điện tử cao tần tới 320kHz, công suất cao làm việc ở 250kW, với hệ số công suất đạt tới 0,85, độ mấp mô sóng nhỏ hơn mức 2%.

TS Ngô Mạnh Dũng khẳng định, kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ vừa được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu trong năm 2021 cũng đã khẳng định trình độ của kỹ sư Việt Nam ở lĩnh vực cơ khí chính xác, điều khiển tự động và một số ngành liên quan khác như điện, điện tử,… hoàn toàn đủ sức để triển khai "trọn gói" một số giải pháp mà qua đó giúp các ngành sản xuất công nghiệp từng bước làm chủ công nghệ được chế tạo hoàn toàn trong nước, nâng cao năng suất chất lượng cũng như giảm thiểu đến mức tối đa sự phụ thuộc vào máy móc, phụ tùng nhập ngoại.

Tựu trung, TS. Ngô Mạnh Dũng khẳng định, khả năng thương mại hóa trọn bộ giải pháp hệ thống hàn cao tần không tiếp xúc trong sản xuất ống thép với năng suất lên đến 60-80 mét/phút, hoàn toàn có thể được đón nhận bởi các nhà máy sản xuất thép quy mô từ trung bình đến lớn, đồng thời nhóm thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ và các đơn vị liên quan như Đại học Nguyễn Tất Thành cũng cho biết sẵn sàng chuyển giao, phát triển thêm một số tính năng mới và tùy chỉnh giải pháp cho từng nhu cầu cụ thể của khách hàng trong thời gian tới.

Thông tin liên hệ:

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành 

Địa chỉ: 300A Nguyễn Tất Thành, Q.4, TP.HCM

Điện thoại: 0919796497 - (028) 39411189          

Email: nmdung@nttu.edu.vn

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ đồng thời với quá trình đô thị hóa, TP.HCM cần đặc biệt quan tâm các giải pháp ứng phó chủ động, từ đó tạo nên sự tồn tại và phát triển bền vững trong môi trường sống liên tục.

Những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và các yếu tố liên quan ở TP.HCM đã có sự thay đổi rõ rệt, nền nhiệt độ có xu thế tăng ở hầu hết các trạm quan trắc, các trận mưa cực đoan xuất hiện với tần suất và cường độ ngày càng nhiều, hiện tượng xâm nhập mặn xuất hiện sâu vào đất liền, ngập lụt diễn ra cũng ngày càng nặng nề… Điều này cho thấy BĐKH đã và đang có nhiều tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và các tỉnh, thành lân cận.

Trước sự tác động của BĐKH đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố, nhu cầu nghiên cứu về mức độ tác động và đề xuất các giải pháp ứng phó là điều rất cần thiết, đang được sự quan tâm từ nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Cũng trên cơ sở phân tích các yếu tố BĐKH và giải pháp ứng phó liên quan, nhiệm vụ khoa học công nghệ“Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu tới phân bố dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng cấp nước sạch, vệ sinh môi trường và đề xuất các giải pháp thích ứng” đã được nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nhiệt đới môi trường chủ động thực hiện từ tháng 9/2019 với sự hỗ trợ kinh phí từ Sở KH&CN TP.HCM. 

Cụ thể hơn, nhóm nghiên cứu hướng đến mục tiêu đánh giá tác động của BĐKH ảnh hưởng tới sự phân bố dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, đồng thời đưa ra các đề xuất giải pháp thích ứng.

bdkh1

Mức tăng nhiệt độ dự báo qua các thời kỳ

Sau quá trình nghiên cứu, kết quả của đề tài vừa được nghiệm thu trong năm 2021 đã cho thấy những đặc điểm liên quan đến tác động của BĐKH tới phân bố dân cư, hạ tầng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở TP.HCM. 

Đồng thời nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng hoàn thiện các kịch bản phát triển về phân bố dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng cấp nước sạch, vệ sinh môi trường ở TP.HCM đến năm 2030 và 2050; xây dựng giải pháp thích ứng với BĐKH theo mức độ tổn thương khí hậu, rủi ro khí hậu và nhu cầu thích ứng của Thành phố.

Ảnh hưởng của BĐKH dựa trên phân bố dân cư

Thạc sỹ Nguyễn Phú Bảo, chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, phân bố dân cư, hạ tầng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường là  3 yếu tố có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, góp phần cho sự phát triển về an sinh và kinh tế xã hội. Trong đó, phân bố dân số càng phát triển thì nhu cầu về phát triển hạ tầng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường cũng càng cao, và ngược lại, sự phát triển phát triển hạ tầng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường cũng sẽ nâng cao chỉ số phát triển về phân bố dân số.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu ảnh hưởng của BĐKH đến phân bố dân số, hạ tầng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường cũng là hướng đi quan trọng và cần thiết về đánh giá tác động cũng như ứng phó với BĐKH”, đại diện nhóm thực hiện nhiệm vụ nêu rõ trong báo cáo nghiệm thu nhiệm vụ. 

bdkh2

Sơ đồ tổng thể xây dựng kịch bản BĐKH cho TP.HCM

Sau quá trình nghiên cứu, thạc sỹ Nguyễn Phú Bảo và cộng sự tại Viện Nhiệt đới môi trường  đã tổng hợp được nhiều dữ liệu liên quan tới tình hình tác động của BĐKH ở thời điểm hiện tại cho đến năm 2050.

Cụ thể, tác động của BĐKH tới phân bố dân cư tương ứng với mốc thời gian: hiện tại - năm 2030 - năm 2050, là khá rõ rệt. Đặc biệt, dự báo trong năm 2030 sẽ là giai đoạn có tốc độ tăng dân số cao nhất. Tuy nhiên, các giải pháp thích ứng với BĐKH của lĩnh vực này lại chưa thể hiện dược kết quả rõ rệt.

bdkh4

Bản đồ chỉ số tổn thương khí hậu do tác động cảu BĐKH đến phân bố dân cư.

Trong khi đó, tác động của BĐKH đối với hạ tầng cấp nước sạch là ở mức độ cao với khoảng thời gian hiện trạng - năm 2030 - năm 2050. Nguyên nhân là do tác động của xâm nhập mặn đến các nguồn cung cấp nước là đáng kể và năng lực thích ứng với vấn đề xâm nhập mặn còn hạn chế.

bdkh5

Bản đồ tổn thương khí hậu do tác động của BĐKH đến hạ tầng cấp nước sạch.

Cuối cùng, về tác động của BĐKH tới lĩnh vực vệ sinh môi trường, nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt giữa các khu vực địa lý của TP.HCM, trong đó khu vực ngoại thành thành phố có mức độ ảnh hưởng khí hậu cao nhất.

bdkh6

Bản đồ chỉ số tổn thương khí hậu về vệ sinh môi trường.

Bên cạnh đó, kết quả đánh giá tác động của BĐKH của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy mức độ tác động của BĐKH đến từng lĩnh vực có sự khác nhau do đặc tính về độ nhạy cảm và năng lực thích ứng.

Dựa trên những tiêu chí đánh giá về tác động của BĐKH, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được bộ chỉ thị tương ứng với mức độ tổn thương khí hậu, bao gồm: độ phơi nhiễm (17 chỉ thị), độ nhạy cảm (phân bố dân cư: 15 chỉ thị, hạ tầng cấp nước sạch: 17 chỉ thị, vệ sinh môi trường: 11 chỉ thị về quản lý CTR và 10 chỉ thị về quản lý nước thải).

BDKH3

Sơ đồ quy trình đánh giá tác động của BĐKH theo hướng dẫn của IPCC và GIZ

Thạc sỹ Nguyễn Phú Bảo cho biết, kết quả nghiên cứu của đề tài là một trong những công cụ hiệu quả giúp cho thành phố có chiến lược, quy hoạch trong các quy hoạch liên quan về phân bố dân cư thích ứng với BĐKH, hạ tầng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường. 

Cụ thể, việc xây dựng danh mục các giải pháp ứng phó với BĐKH cho TP.HCM cần dựa trên những định hướng, chiến lược, quy hoạch chung từ cấp trung ương đến những chương trình, kế hoạch cụ thể trong cùng giai đoạn. 

Để thực hiện thành công các giải pháp và chiến lược thích ứng với BĐKH cho các lĩnh vực nghiên cứu thì cần lấy cơ quan nhà nước làm nền tảng và có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý liên quan. Ngoài ra cũng cần tuân thủ quy hoạch vệ sinh môi trường của thành phố và các quy hoạch của chính phủ.

“Thành phố cần lồng ghép các yếu tố BĐKH vào các quy hoạch (quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung, các quy hoạch ngành..), đặc biệt chú trọng vấn đề tăng diện tích mặt nước và mảng xanh đô thị; Phòng chống và giảm thiệt hại của ngập lụt; Nâng cao chất lượng sống trong điều kiện biến đổi khí hậu; Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong quá trình xử lý và phân phối nước;  Tăng cường khả năng chống chịu của mạng lưới cấp nước trước các điều kiện thời tiết khắc nghiệt…”, thạc sỹ Nguyễn Phú Bảo đưa ra một số đề xuất.

Đối với lĩnh vực vệ sinh môi trường, để thích ứng với BĐKH cần giảm áp lực chất thải cho mỗi địa phương bằng giải pháp tăng năng lực thu gom và xử lý chất thải. Giải pháp quan trọng nhất là giảm thiều chất thải. Khi thực hiện giải pháp giảm thiểu chất thải sẽ nâng cao năng lực thích ứng hơn 30-40%.

Ngoài ra, Thành phố cũng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo khung pháp lý thuận lợi để khuyến khích và tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho các dự án liên quan đến quy hoạch đô thị, dự án giảm phát thải khí nhà kính, thu hồi khí thải và các dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thích nghi với tác động của BĐKH cho các khu vực dễ bị tổn thương.

 

Thông tin liên hệ:

Viện Nhiệt đới môi trường

Địa chỉ: 57A Trương Quốc Dung, P.10, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Điện thoại: (028) 38 455140

Phương pháp này có tỷ lệ khỏi bệnh cao, ít biến chứng, bệnh nhân phục hồi nhanh hơn.

Ung thư thanh quản là loại ung thư thường gặp ở Việt Nam với tỷ lệ bệnh ở mức 3/100.000 dân. Bệnh thường gặp ở nam giới từ 40 tuổi trở lên, nhưng hiện nay độ tuổi mắc bệnh ngày càng được trẻ hóa và số lượng bệnh nhân ung thư thanh quản ngày càng tăng.

Phương pháp điều trị cơ bản trong ung thư thanh quản hiện nay vẫn là phẫu thuật. Các phương pháp điều trị triệt để tại chỗ, tại vùng bao gồm phẫu thuật và xạ trị có thể để lại nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến các chức năng thở, nuốt và phát âm của bệnh nhân, làm giảm chất lượng sống rất nhiều. Do đó, các kỹ thuật cắt thanh quản một phần ra đời nhằm bảo tồn các chức năng của thanh quản mà vẫn duy trì kiểm soát tại chỗ. Với những tiến bộ về công nghệ laser trong những năm gần đây, phương pháp vi phẫu ung thư thanh quản bằng laser qua đường miệng, bắt đầu được ứng dụng và ngày càng được chấp nhận như là phương pháp trị liệu có hiệu quả và là lựa chọn ưu tiên trong điều trị ung thư giai đoạn sớm

ungthu

Vì vậy, PGS.TS.BS. Trần Phan Chung Thủy (chủ nhiệm nhiệm vụ) và các cộng sự tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM đã triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Ứng dụng phẫu thuật laser vi phẫu qua đường miệng trong điều trị ung thư thanh quản tầng thanh môn giai đoạn sớm” nhằm giải quyết 3 mục tiêu: (1) Mô tả đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng ở bệnh nhân ung thư thanh quản tầng thanh môn giai đoạn sớm; (2) Đánh giá hiệu quả của phương pháp phẫu thuật laser vi phẫu qua đường miệng trong bệnh lý ung thư thanh quản tầng thanh môn giai đoạn sớm; (3) Đánh giá bảo tồn chức năng thanh quản sau phẫu thuật laser vi phẫu qua đường miệng trong bệnh lý ung thư thanh quản tầng thanh môn giai đoạn sớm.

Nhóm nghiên cứu cũng hoàn thành tài liệu hướng dẫn thực hiện 2 quy trình, đó là Quy trình phẫu thuật cắt u dây thanh bằng laser CO2 qua đường miệng; và Quy trình chăm sóc hậu phẫu và theo dõi bệnh nhân sau cắt u dây thanh bằng laser CO2, giúp cho quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân tốt hơn (trước và sau phẫu thuật), nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân ung thư thanh quản tầng thanh môn.

laser1

Các bước tiến hành thăm khám, điều trị và theo dõi

PGS.TS.BS. Trần Phan Chung Thủy cho biết, phương pháp phẫu thuật vi phẫu laser CO2 qua đường miệng sử dụng một chùm tia laser để cắt khối u ra khỏi các mô bình thường, ít tổn thương mô lân cận, đường rạch chính xác, ít để lại sẹo xơ dính, có thể hàn các mạch máu và bạch mạch để hạn chế sự phát tán của các tế bào ung thư. Đây là phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu nên bệnh nhân có xu hướng phục hồi nhanh hơn với ít biến chứng hơn so với phẫu thuật truyền thống. Phương pháp này có tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh cao, nhưng ít biến chứng, giảm thiểu phù nề tổ chức sau phẫu thuật, chảy máu tối thiểu (do khả năng kiểm soát chảy máu của laser CO2), hạn chế tối đa sự di căn tế bào ung thư theo đường máu trong lúc phẫu thuật, hỗ trợ bảo tồn tối đa chức năng phát âm, nuốt cũng như khả năng kiểm soát chính xác diện cắt. Ngoài ra, phẫu thuật qua đường miệng còn có lợi thế về chi phí cũng như hiệu quả nhờ thời gian nằm viện và hồi phục ngắn hơn.

laser2

Kết quả cắt u dây thanh bằng laser (A: trước phẫu thuật, B: sau phẫu thuật) ở 2 ca bệnh

Qua triển khai thực tế, phương pháp phẫu thuật laser vi phẫu qua đường miệng được sử dụng để điều trị cho 84 bệnh nhân (82 nam, 2 nữ) ung thư thanh quản tầng thanh môn giai đoạn sớm nhập viện, không có hạch cổ di căn (N0), không có di căn xa (M0), có chỉ định phẫu thuật tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM. Trong quá trình cắt bỏ khối u, nhóm nghiên cứu nhận xét việc sử dụng laser để đánh dấu ranh giới cắt bỏ tổn thương cho phép cắt bỏ hết khối u và bảo tồn tối đa tổ chức lành nhằm hạn chế ảnh hưởng về mặt chức năng thanh quản do việc cắt bỏ khối u gây ra, đồng thời cũng làm giảm nguy cơ tái phát khối u tại chỗ.

laser3

Cắt u bằng laser, nhuộm và đánh dấu biên phẫu thuật trên u gửi sinh thiết tức thì

Trong nghiên cứu, có 15 trường hợp có biến chứng chiếm 17,8%; bao gồm: 1,2% chảy máu sau phẫu thuật; 2,4% tràn khí dưới da; 9,5% có mô hạt viêm; 3,6% bị dính mép trước. Tỷ lệ tái phát (tính đến thời điểm tháng 11/2021) là 2/84 trường hợp (2,4%). Một trường hợp tái phát tại chỗ được điều trị bằng phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần, còn một trường hợp tái phát tại chỗ và có di căn hạch được cắt thanh quản toàn phần kết hợp nạo hạch cổ tận gốc và xạ trị bổ túc. Nhóm nghiên cứu cho rằng tỷ lệ phẫu thuật thành công 97,9 %, không bị tái phát là khá khả quan.

Ngay sau phẫu thuật, bệnh nhân được hướng dẫn cách phát âm, cách chăm sóc dây thanh và theo dõi sự phục hồi phát âm. Ở giai đoạn phục hồi bệnh nhân nên luyện thanh. Mục đích luyện thanh là tạo thuận lợi cho hai dây thanh tiếp xúc nhau, cải thiện khép thanh môn, giảm co thắt trên thanh môn, cân bằng giữa lực co cơ và áp lực luồng khí lúc phát âm, từ đó phục hồi tiếng nói tốt nhất, tránh những bù trừ không đúng. Nếu thanh môn hở rộng có thể huấn luyện sử dụng giọng trên thanh môn thay thế.

Theo PGS.TS.BS. Trần Phan Chung Thủy, các bệnh nhân được tập thở sớm 2 ngày sau mổ, không có ca nào phải mở khí quản. Như vậy, phẫu thuật laser vi phẫu trong nghiên cứu này đã giúp bảo tồn tối đa chức năng thở của bệnh nhân. Trong nghiên cứu, chỉ có 1 trường hợp cần đặt ống nuôi ăn là bệnh nhân có u dây thanh xâm lấn sụn phễu, được phẫu thuật theo type Vb (cắt toàn bộ dây thanh và sụn phễu), sau phẫu thuật được đặt ống nuôi ăn để giảm ho sặc, được rút ống sau phẫu thuật 7 ngày. Bệnh nhân này sau đó cũng được tập ăn sớm khi thanh quản lành, thể hiện trên soi thanh quản hay qua thăm khám lâm sàng bệnh nhân nuốt không đau. Đối với những bệnh nhân còn lại thì không cần đặt ống nuôi ăn, được tập ăn cho bệnh nhân ngay ngày thứ 2 sau phẫu thuật. Như vậy phẫu thuật laser vi phẫu trong nghiên cứu đã giúp bảo tồn chức năng nuốt với 98,9% trường hợp không phải đặt ống nuôi ăn.

Bệnh nhân xuất viện khi thở thông qua đường tự nhiên, ăn uống qua đường miệng bình thường và vết mổ lành. Có bệnh nhân xuất viện chỉ sau 2 ngày. Bệnh nhân xuất viện trễ nhất là vào ngày thứ 10. Thời gian điều trị trung bình sau phẫu thuật là 3,9 ± 1,9 ngày. Có 2 trường hợp tràn khí dưới da đều xuất viện trên 7 ngày do cần theo dõi diễn tiến biến chứng trên bệnh nhân. Việc đặt ống nuôi ăn cũng làm chậm phục hồi chức năng thanh quản, làm kéo dài thời gian nằm viện.

Ở khảo sát tiền phẫu thuật, đa số bệnh nhân đều đánh giá giọng nói thay đổi ở mức độ trung bình và nặng. Sau phẫu thuật 1 tháng, đa số bệnh nhân đều còn mảng giả mạc, mô hạt chưa tiến triển và sự di động dây thanh chưa thay đổi đáng kể. Sự viêm và tạo sẹo có thể dẫn đến chất lượng giọng nói thay đổi trong vài tháng đầu sau mổ. Sau phẫu thuật 3 tháng, không bệnh nhân nào còn khuyết tật giọng nói ở mức độ nặng. Phần lớn bệnh nhân đều đánh giá giọng nói ở mức độ khuyết tật nhẹ.

laser4

Hình ảnh nội soi theo dõi bệnh nhân sau phẫu thuật

Theo nhóm nghiên cứu, sự tác động đến dây thanh sau một cuộc phẫu thuật là nặng nề, do đó giọng nói bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, sau thời gian hồi phục, bệnh nhân có thể cảm thấy giọng nói ở mức chấp nhận được, đủ thoả mãn các nhu cầu sống về giao tiếp và nghề nghiệp mỗi ngày do sự bù trừ hoạt động của các cấu trúc lân cận. Chất lượng giọng nói sẽ được cải thiện với quá trình lành thương và sẹo hóa dây thanh. Do thời gian tiến hành nhiệm vụ có hạn nên cần tiếp tục theo dõi thêm sự ảnh hưởng của chất lượng giọng nói, sự liên quan giữa độ thay đổi giọng nói với khả năng tái phát khối u, cũng như những yếu tố về tỷ lệ tái phát, tỷ lệ sống còn đặc trưng ở các nghiên cứu về bệnh lý ung thư.

Vấn đề đặt ra khi khảo sát bệnh nhân là đa số các trường hợp bệnh đều hút thuốc lá (92,9%), gồm 75% trường hợp hút thuốc lá đơn thuần và 17,9% trường hợp vừa hút thuốc lá vừa uống rượu. Trong đó, 97,6% bệnh nhân có triệu chứng khởi phát là khàn giọng đơn thuần và 2,4% bệnh nhân có khàn giọng kèm theo nuốt vướng. Vì vậy, nhóm nghiên cứu kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe ban đầu nhằm phát hiện ung thư thanh quản giai đoạn sớm. Cụ thể là những trường hợp từ 50 tuổi khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần phải đến khám Tai - Mũi - Họng để được nội soi tầm soát ung thư thanh quản, phát hiện sớm những tổn thương bất thường của thanh quản. Tất cả bệnh nhân một khi đã được chẩn đoán là ung thư thanh quản nên được tư vấn lợi ích và hướng dẫn phương pháp ngừng hút thuốc hợp lý.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, trong số các bệnh nhân được điều trị, người nhỏ nhất mới 34 tuổi, từ đó kiến nghị trong thời gian tới tiếp tục được hỗ trợ kinh phí và nhân lực để tiếp tục thực hiện các nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn và thời gian dài hơn nhằm đánh giá toàn diện các yếu tố ảnh hưởng đến bệnh, phương pháp điều trị, hiệu quả, tỷ lệ tái phát và sống còn ở bệnh nhân ung thư thanh quản. 

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa quy trình phẫu thuật laser vi phẫu qua đường miệng trong điều trị ung thư thanh quản giai đoạn sớm nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, giúp bệnh nhân không chỉ kéo dài thời gian sống mà còn bảo tồn chức năng thanh quản, mau chóng sinh hoạt bình thường.

Thông tin liên hệ:
Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM
Địa chỉ: 155B Trần Quốc Thảo, phường 9, Quận 3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 39317381

Email: info@bvtaimuihong.vn

Website: bvtaimuihong.vn 

Nhờ tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo và học máy, có khả năng tự động nhận diện, ghi nhớ và phân tích cùng lúc hàng ngàn khuôn mặt, nên giải pháp camera giám sát do nhóm chuyên gia thuộc Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM triển khai đã giúp nâng cao đáng kể hiệu quả công tác đảm bảo an ninh.

hững năm gần đây, nhu cầu trang bị camera giám sát (camera an ninh) dần phổ biến rộng rãi trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, từ các tòa nhà văn phòng, cơ quan hành chính... cho đến các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ, hộ gia đình… dưới  nhiều hình thức khác nhau. Ngoài mục đích then chốt là đảm bảo an ninh, thì camera giám sát còn được sử dụng như một công cụ để doanh nghiệp phân tích thói quen, hành vi của con người, qua đó tăng cường trải nghiệm tích cực từ phía người dùng, cũng như đơn vị quản lý. 

Trước nhu cầu đó, nhiều trường viện và tổ chức khoa học đã đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai thử nghiệm việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống camera giám sát, thông qua việc khai thác các lĩnh vực/công nghệ như thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, robotics, biểu diễn tri thức và suy diễn…; từ đó cho phép tăng cường khả năng xử lý dữ liệu, phân tích và nhận diện con người với số lượng lớn tại cùng một thời điểm.

Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Bách khoa TP.HCM đã phát triển và ứng dụng thành công hệ thống camera an ninh tích hợp AI, phục vụ công tác quản lý sinh viên tại ký túc xá của trường này; và đây cũng là nội dung chính của nhiệm vụ khoa học “Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong bài toán giám sát an ninh tại Trung tâm dịch vụ Ký túc xá Bách Khoa - Đại học Bách Khoa, ĐHQG TP.HCM” được Sở KHCN TP.HCM nghiệm thu hồi đầu tháng 12/2021. 

camtm

Tổng quan hệ thống giám sát an ninh 3 mức độ tại Trung tâm dịch vụ Ký túc xá Bách Khoa (Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM)

TS Dương Ngọc Hiếu, chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, giải pháp được hướng đến khả năng quản lý tại mỗi thời điểm khoảng 2.500 sinh viên và thường xuyên biến động (khoảng 40% sinh viên mỗi năm). Bên cạnh đó, giải pháp cũng có khả năng phân biệt nam -  nữ và cán bộ nhân sự, để cho phép bước vào các khuôn viên tương ứng.

Sau quá trình nghiên cứu, “thành quả” của nhiệm vụ là vận hành thành công hệ thống giám sát có khả năng nhận diện nhiều góc khuôn mặt khác nhau. Trong đó, tỷ lệ chính xác ở mức 71,86% đối với sinh viên mới; 84,25% đối với sinh viên cũ đã thu thập đủ mẫu; và 83,46% đối với sinh viên mới được tăng cường mẫu bằng nội suy…

camtm1

Hệ thống giám sát nhận diện khuôn mặt được triển khai thực tế tại KTX Đại học Bách Khoa TP.HCM.

Nhờ hệ thống camera giám sát này, KTX cũng giải quyết nhiều vấn đề an ninh như trộm cắp, phá rối), vi phạm nội quy… để từ đó tạo nề nếp học tập, sinh hoạt lành mạnh trong khuôn viên KTX, nâng cao ý thức tôn trọng tài sản chung, cũng như hỗ trợ công tác giám sát từ xa của Ban quản lý KTX.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng xây dựng và hoàn thiện các phần mềm và công nghệ đi kèm, gồm: Phần mềm vào cổng kết hợp công nghệ RFID và trí tuệ nhân tạo; Phần mềm quản lý video VMS; Lõi nhận diện khuôn mặt bằng thuật giải học sâu; Phần mềm giám sát an ninh 3 mức độ; Ứng dụng di động phục vụ giám sát từ xa.

camtm2

Kiến trúc các phân hệ của hệ thống giám sát an ninh.

“Huấn luyện” AI để giải quyết nhiều bài toán khó 

TS Dương Ngọc Hiếu cho biết, trước đây, KTX Đại học Bách Khoa TP.HCM đã ứng dụng công nghệ thẻ RFID trong việc giám sát vào cổng. 

"Tuy nhiên điểm hạn chế của cơ chế nhận dạng này là phụ thuộc vào con người (nhân viên bảo vệ) và rất khó để nhận biết đâu là sinh viên đang lưu trú, đâu là người đột nhập trái phép, đặc biệt là những lúc có số lượng sinh viên đông", TS. Dương Ngọc Hiếu nêu vấn đề.

Chính vì thế, nhóm nghiên cứu tập trung xây dựng hệ thống giám sát với số lượng 174 camera được bố trí tại nhiều khu vực khác nhau trong khuôn viên KTX. Tất cả dữ liệu từ camera được truyền trực tiếp đến Phần mềm quản lý video VMS (Video Management System). Phần mềm này cũng có khả năng lưu trữ những bất thường để làm bằng chứng, đó là những hình ảnh, video playback được rút trích tại thời điểm xảy ra bất thường thông qua phần mềm VMS. 

camtm3

Kiến trúc hệ thống phần mềm trong đó (a) là phần nội dung huấn luyện mô hình trí tuệ nhân tạo và (b) là phần nội dung giám sát thời gian thực.

Cũng theo lời TS. Hiếu, để ứng dụng các mô hình học máy (machine learning) vào bài toán nhận diện khuôn mặt của AI đạt độ chính xác cao, Ban quản lý KTX yêu cầu mỗi sinh viên cung cấp 10 hình ảnh (khuôn mặt) để huấn luyện mô hình học máy.

“Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu cũng sẽ tiếp tục nâng cấp trọn bộ giải pháp này, bằng cách tại thời điểm sinh viên quẹt thẻ xác thực vào cổng thì phần mềm sẽ chụp lại hình của sinh viên. Hình này sẽ được sử dụng để huấn luyện mô hình học máy. Dự kiến mỗi sinh viên sẽ chụp lại từ 20 đến 50 hình để làm mẫu huấn luyện.”, TS. Hiếu thông tin thêm.

camtm4

Quy trình xây dựng tâp dữ liệu mẫu

Dựa trên hình ảnh thu thập, kết hợp cùng dữ liệu trong lưu trữ trong hệ thống, trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích, nhận diện khuôn mặt và đưa ra kết quả chỉ trong thời gian tính bằng giây. Phần mềm đảm bảo độ chính xác hơn 90% trong thí nghiệm và đạt 85% trong vận hành thực tế.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực tế, những trường hợp dự đoán bởi mô hình máy học có thể bị sai lệch sẽ được ghi nhận, làm nhãn và bổ sung thêm vào tập dữ liệu mẫu. Đây là một quá trình tinh chỉnh mô hình trí tuệ nhân tạo để "hệ thống" có thể thích nghi với tính chất dữ liệu từ các camera thực tế triển khai.

Bên cạnh nhận diện khuôn mặt, bộ giải pháp còn ứng dụng công nghệ học sâu (deep learning) vào nhận diện giới tính đối tượng, có khả năng phân loại nam/nữ đạt độ chính xác hơn 90%. 

Đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ thuộc Đại học Bách Khoa TP.HCM cho biết, phương pháp đánh giá cũng tương tự khi đánh giá mô hình nhận diện khuôn mặt.

camtm6

Hệ thống giám sát có khả năng nhận diện nhiều góc khuôn mặt khác nhau, kể cả đang đeo khẩu trang

Không chỉ việc tập trung xây dựng công cụ nhận diện khuôn mặt bằng trí tuệ nhân tạo, nhóm nghiên cứu còn hoàn thiện bộ giải pháp bao gồm nhiều phần mềm "con", hoạt động liên hoàn tạo thành một hệ thống giám sát thời gian thực, từ đó giải quyết tất cả mục tiêu đề ra. Đơn cử như Phần mềm kiểm tra chéo việc đối tượng quẹt thẻ RFID vào cổng; Ứng dụng di động cho phép cảnh báo thời gian thực các sự kiện an ninh; Ứng dụng quản trị và giám sát trên nền web; Các phân hệ trực quan thông tin như Dashboard, eMap…

Ngoài ra, bộ giải pháp còn đi kèm Ứng dụng di động phục vụ giám sát từ xa trên nền tảng iOS và Android với các tính năng: Xác thực và phân quyền; Nhận thông báo tình hình vi phạm an ninh dựa trên cấu hình cảnh báo; Xem dữ liệu minh chứng mức độ an ninh vi phạm, đối tượng vi phạm, thời điểm vi phạm, minh chứng (video playback)…

camtm7

Giao diện quản lý qua ứng dụng trên thiết bị di động.

Cũng theo lời đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học nói trên, bên cạnh giải pháp sử dụng AI trong quản lý sinh viên tại KTX, ĐH Bách Khoa TP.HCM cũng đã và đang triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giám sát an ninh, trật tự công cộng tại nhiều địa phương và đơn vị, điển hình như như Công an P.1 Q. 10 (TP.HCM). 

Đại diện hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ Sở KHCN TP.HCM đánh giá rằng, kết quả nghiên cứu của nhóm rất tốt, đặc biệt là độ chính xác của lõi trí tuệ nhân tạo. Do vậy, tính ứng dụng của kết quả đề tài không nên chỉ dừng lại ở quy mô giám sát an ninh KTX mà có thể ứng dụng cho nhiều nhu cầu khác nhau như hệ thống điểm danh/chấm công, kiểm tra đối tượng có chứng nhận tiêm vắc xin phòng COVID-19, cũng  như các giải pháp xác thực/nhận diện vào ra khác.

 

Thông tin liên hệ:

Trung Tâm Kỹ Thuật Điện Toán, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM

Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3864 7256.  Website: www.cce.hcmut.edu.vn

Nhiệm vụ khoa học vừa được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu đã gợi mở những thay đổi về hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong đối với các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) trên địa bàn Thành phố, đồng thời khuyến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng những chính sách hợp lý để hướng dẫn CSGDĐH triển khai hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong thành công.

Gần 20 năm qua, hệ thống BĐCL bên trong hầu hết CSGDĐH đều có một đơn vị chuyên trách về bảo đảm chất lượng (BĐCL) hệ thống BĐCL bên trong.

cldh

Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống BĐCL bên trong ở các CSGDĐH có sự phân hoá ở nhiều cấp độ khác nhau giữa các trường. Hệ thống BĐCL bên trong của nhiều CSGDĐH vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, chưa hiệu quả trong việc đạt các mục tiêu chiến lược. Ví dụ, các CSGDĐH đều có sứ mạng và tầm nhìn, nhưng chưa có sự liên kết của các hoạt động bảo đảm chất lượng với sứ mạng và tầm nhìn, đó là chưa kể đến hiện trạng rất ít CSGDĐH phát triển toàn diện một cơ chế bảo đảm chất lượng phù hợp với sứ mạng và tầm nhìn mà họ đang theo đuổi. Một ví dụ khác là các công cụ BĐCL bên trong của các CSGDĐH chưa phục vụ đắt lực cho cải tiến chất lượng, mà đôi khi chỉ tập trung vào việc thực hiện các yêu cầu tối thiểu của cơ quan quản lý như Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

cldh1

Hình 1: Hệ thống BĐCL bên trong của các trường đại học (theo khung lý thuyết của Luckett, 2007, tr. 5)

Do đó, nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu đề xuất mô hình bảo đảm chất lượng bên trong hiệu quả cho các trường đại học tại TP.HCM nhằm nâng cao chất lượng giáo dục” do Viện Nghiên cứu Giáo dục – Trường Đại học Sư phạm TPHCM chủ trì thực hiện là rất cần thiết để tìm hiểu về những thách thức và rào cản mà các CSGDĐH tại TPHCM đã và đang gặp phải trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống BĐCL bên trong.

Nhiệm vụ đã xây dựng và đề xuất mô hình BĐCL bên trong cho các trường đại học ở TPHCM cùng với bộ tài liệu hướng dẫn xây dựng hệ thống BĐCL bên trong, gợi mở những thay đổi về cách xây dựng hệ thống BĐCL ở các trường đại học tại TPHCM. Nhiệm vụ cũng đưa ra các khuyến nghị gửi Bộ GD&ĐT để ban hành thông tư hướng dẫn CSGDĐH triển khai hệ thống BĐCL bên trong hiệu quả.

Xây dựng và phát triển văn hoá chất lượng

TS Nguyễn Vũ Phương (chủ nhiệm thực hiện nhiệm vụ) cho biết hệ thống BĐCL nên bớt tập trung quá vào các vấn đề kỹ thuật mà cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức, ý nghĩa và nổ lực cải tiến chất lượng của từng cá nhân trong các CSGDĐH, từng bước hình thành văn hoá chất lượng. Theo mô tả của nhóm nghiên cứu, trong bối cảnh phải thay đổi để thể hiện trách nhiệm giải trình và cải tiến liên lục, thì CSGDĐH cần tập trung xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng. Để có văn hóa chất lượng thì CSGD cần xem xét và hoàn thiện cấu trúc BĐCL bên trong và các yếu tố tâm lý tổ chức ở hai cấp độ cá nhân và tập thể. Về cấu trúc, việc xây dựng hệ thống BĐCL bên trong cần dựa trên sự cân bằng giữa cơ chế quản lý tập trung và phân cấp, thể hiện khuynh hướng phát huy sự tham gia các bên liên quan (“hợp lý tập thể” - collegial relationality) trong đó thể hiện sự cân bằng giữa quyền lực và kiểm soát. Các cá nhân trong một CSGD sẽ chia sẻ những giá trị chung (shared values) của tổ chức, cam kết (commitment), trách nhiệm (responsibility), và tham gia (engagement) vào tất cả các hoạt động của nhà trường. Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng đòi hỏi sự lãnh đạo (leadership), thông tin và truyền thông (communication), và sự cam kết tham gia (commitment and participation) của các bên liên quan.

cldh2

Hình 2: Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng (Sattler, Sonntag, Götzen, 2016)

cldh3

Hình 3: Mô hình hệ thống BĐCL bên trong đề xuất cho các trường đại học ở TPHCM

Những kiến nghị

CSGD cần tập trung hoàn thiện hệ thống BĐCL bên trong với các nội dung cốt lõi sau:

Xây dựng các quy định để thực hiện thành công hệ thống BĐCL bên trong

Các kết quả nghiên cứu cho thấy sự phân tán trong phương thức vận hành hệ thống BĐCL bên trong, bao gồm cấu trúc nhân sự BĐCL, hệ thống tài liệu bảo đảm chất lượng bên trong, phê duyệt, vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; việc đánh giá hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; hoạt động cải tiến liên tục; chế độ báo cáo; và hệ thống quản lý thông tin. Do đó, hệ thống hóa các quy định liên quan các nội dung này sẽ là cơ sở để thực hiện thành công hệ thống BĐCL bên trong.

- Mô hình hệ thống BĐCL bên trong

Kết quả nghiên cứu cho thấy các CSGD còn những hạn chế trong việc thiết lập hệ thống đo lường mục tiêu, chỉ số đánh giá hiệu quả CSGD tương thích với tầm nhìn, sứ mạng và các mục tiêu chiến lược. Do đó, việc thiết kế một hệ thống BĐCL bên trong nhấn mạnh vào tính hiệu quả của CSGD là cần thiết để đánh giá sự phù hợp của các kết quả so với các ưu tiên chiến lược, tầm nhìn, sứ mệnh của trường.

- Phát triển và nâng cao hiệu quả các công cụ BĐCL để cải tiến chất lượng giáo dục

Để thực hiện đảm bảo chất lượng chức năng, các CSGD cần có một hệ thống các công cụ và quy trình đảm bảo chất lượng, thành phần chính của mô hìnhBĐCL bên trong của AUN-QA. Công cụ BĐCL cần được xây dựng một cách khoa học và có hệ thống nhằm thu thập dữ liệu có giá trị giúp nhà trường thực hiện các hoạt động cải tiến. Việc các bên có liên quan tham gia vào việc xây dựng và hoàn thiện các công cụ BĐCL sẽ góp phần hình thành văn hóa chất lượng.

- Hệ thống thông tin BĐCL

Quá trình đánh giá tính hiệu quả của CSGD dựa trên việc kiểm tra xem liệu các kết quả hoạt động có phù hợp với tầm nhìn, sứ mệnh và mục tiêu chiến lược, cũng như quy trình đảm bảo chất lượng chức năng; điều này đòi hỏi phải có hệ thống thông tin quản lý. Các CSGD phải đảm bảo việc thu thập, phân tích và sử dụng thông tin liên quan để quản lý hiệu quả các chương trình và các hoạt động khác. Dữ liệu đáng tin cậy là rất quan trọng để đưa ra quyết định dự trên thông tin đầy đủ và hiểu biết về các khía cạnh tích cực của hiệu quả và các lĩnh vực cần cải thiện. Do đó, các quy trình hiệu quả để thu thập và phân tích thông tin về các chương trình học và các hoạt động khác cần được tích hợp vào hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong.

Như đã đề cập ở trên, CSGD cần xây dựng hệ thống BĐCL bên trong hiệu quả và văn hóa chất lượng. Trong bối cảnh phải thay đổi để thể hiện trách nhiệm giải trình và cải tiến liên lục mà CSGD phải đáp ứng, ngoài những ảnh hưởng của các bên liên quan bên ngoài, thì yếu tố trung tâm hạn chế sự thay đổi là văn hóa, cụ thể là tập trung vào chất lượng trong văn hóa.

Chẳng hạn đối với trường hợp Trường L, khi phân tích hệ thống hệ thống BĐCL bên trong ở Trường L (tên trường đã thay đổi), nhóm nghiên cứu nhận xét Trường L có hệ thống thông tin quản lý giúp quản lý hoạt động và quá trình ra quyết định. Trường đã thực hiện lập kế hoạch chiến lược trong từng giai đoạn với các mục tiêu tương thích với tầm nhìn sứ mạng của trường, có các kế hoạch đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và định hướng quốc tế, nhưng gặp nhiều thách thức về nguồn tài chính (do bước sang giai đoạn tự chủ tài chính).

Do vậy, đối với Trường L, nhóm nghiên cứu đề xuất các chiến lược và giải pháp cải tiến hệ thống BĐCL bên trong cho Trường L tập trung vào việc xác định các kết quả mong đợi (chẳng hạn, các chỉ số thực hiện chính – KPIs) và xây dựng hệ thống công cụ để đo lường hiệu quả hoạt động của Trường, song song với việc xây dựng và phát triển văn hoá chất lượng. Phát triển hệ thống thông tin quản lý, tích hợp cơ sở dữ liệu. Hệ thống công cụ đo lường việc đạt được các kết quả mong đợi và hệ thống thông tin quản lý sẽ giúp đối sánh nội bộ, quốc gia, quốc tế làm cơ sở để đánh giá hiệu quả và cải tiến liên tục. Kế hoạch chiến lược BĐCL có thể tích hợp vào kế hoạch chiến lược của Trường. Chẳng hạn, các chiến lược giúp tăng nguồn thu với các quy tắc, quy định BĐCL. Tăng nguồn thu từ các hợp đồng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đi với việc hoàn thiện cơ chế phối hợp, phân quyền cho các đơn vị trong việc chủ động tìm kiếm nguồn thu từ dịch vụ, tư vấn pháp lý; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các trường đại học uy tín trên thế giới, nâng cao số lượng chương trình và nguồn thu từ liên kết đào tạo quốc tế thông qua cải tiến chương trình; hình thành các trung tâm/viện/công ty cung cấp các dịch vụ cho người học, xã hội theo hướng tiên phong, gắn với nhu cầu phát triển năng động của TP.HCM và các tỉnh thành. Đối với chiến lược nâng cao hình ảnh của trường, trường có thể xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về khả năng có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp; thu thập ý kiến phản hồi của các bên có liên quan chất lượng đào tạo, thực hiện trách nhiệm công khai, giải trình về các cam kết chất lượng đào tạo đối với xã hội; định kỳ thực hiện rà soát và điều chỉnh chương trình đào tạo, đối chiếu và so sánh với các tiêu chuẩn kiểm định, chương trình của các trường đại học có uy tín quốc tế để không ngừng nâng cao chất lượng; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đảm bảo cho việc triển khai đánh giá các chương trình đào tạo thuận lợi, hiệu quả; xây dựng bộ chỉ số theo dõi các kết quả đã đạt được trong đánh giá đảm bảo chất lượng.

CSGD cần thực hiện chu kỳ đánh giá hoạt động (xem hình 4). Đứng đầu mô hình đánh giá của CSGD là chu kỳ đánh giá. Trước khi bắt đầu quá trình này, điều cần thiết là phải xây dựng một Kế hoạch đánh giá. Mục tiêu chính của kế hoạch này phải dựa trên nhu cầu của đơn vị và phù hợp với sứ mạng của đơn vị. Một Chu kỳ Đánh giá nên bao gồm sứ mạng và mục tiêu của đơn vị, kết quả, các hoạt động đã xác định, các biện pháp/tiêu chí đánh giá thành công và quan trọng nhất là phần “kết thúc vòng lặp” bao gồm phân tích kết quả và thực hiện các cải tiến.

cldh4

 Hình 4: Chu kỳ đánh giá CSGD

Chu kỳ đánh giá hoạt động bao gồm 6 bước: Xác định nhiệm vụ và mục tiêu của đơn vị; Xây dựng và sửa đổi mục tiêu; Xác định các Hoạt động/Nguồn dữ liệu; Thiết lập các biện pháp và tiêu chí để đánh giá mức độ thành công; Thu thập dữ liệu; Phân tích kết quả và cải tiến.

Từ kết quả của nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất cơ quan quản lý nhà nước tiến hành các nghiên cứu đánh giá các chỉ số thực hiện hiệu quả của CSGDĐH, nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý phục vụ xây dựng hệ thống hệ thống BĐCL bên trong ở cả cấp nhà nước và cấp CSGDĐH, nghiên cứu về mức độ minh bạch thông tin làm cơ sở cải tiến chất lượng. Đề tài thành công trong việc xây dựng hướng dẫn triển khai các hoạt động BĐCL bên trong cho các trường đại học ở Việt Nam cùng với bản khuyến nghị gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chính sách BĐCL bên trong cho hệ thống GDĐH của Việt Nam.

Thông tin liên hệ:
Viện Nghiên cứu Giáo dục
Địa chỉ: 115 Hai Bà Trưng, P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM
Điện thoại: (028) 38245955. Email: viennghiencuu@ieredu.vn

Bên cạnh việc hoàn thiện các mô hình dự báo, cảnh báo mưa và ngập theo mô hình toán về thuỷ văn, thuỷ lực kết hợp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning) trên cơ sở dữ liệu thống kê trích xuất từ nhiều đơn vị khí tượng thủy văn, nhóm chuyên gia tại Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cũng đưa vào vận hành thành công hệ thống cảnh báo ngập bằng camera giám sát cùng trọn bộ phần mềm quản lý ngập, thông tin ngập bằng WebGIS và ứng dụng trên thiết bị di động.

Với mục tiêu xây dựng hệ thống cảnh báo ngập thông qua hệ thống camera, kết nối xây dựng thành phố thông minh cho Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm các chuyên gia tại Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã chủ động đề xuất và thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ Xây dựng mô hình dự báo, cảnh báo và quản lý ngập cho đô thị thông minh tại TP.HCM.

TS Phạm Thanh Long, chủ nhiệm đề tài cho biết, mục tiêu cụ thể của nhiệm vụ khoa học mà đơn vị này vừa hoàn thành và cũng được thông qua bởi hội đồng tư vấn nghiệm thu do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức hồi cuối tháng 11/2021 đã giải quyết hai mục tiêu cụ thể, đó là (1) Dự báo, cảnh báo ngập trên các tuyến đường thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi ngập trên địa bàn TP.HCM và thí điểm ở vùng Đông của TP.HCM, nay là Thành phố Thủ Đức; (2) Xây dựng công cụ trực quan (hình ảnh camera, bản đồ 2D/3D, các phần mềm trên điện thoại, WebGIS) quản lý và cảnh báo ngập nhằm kết nối chung cho mô hình đô thị thông minh mà TP.HCM đang xây dựng.

gsngap1

Toàn cảnh buổi nghiệm thu nhiệm vụ

Bên cạnh đó, nhóm các chuyên gia và nhà khoa học tham gia thực hiện nhiệm vụ này cũng chủ động đề xuất, xây dựng các quy trình cảnh báo ngập với định hướng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hạ tầng quản lý cũng như vận hành của một thành phố thông minh.

Đưa trí tuệ nhân tạo vào dự báo, cảnh báo ngập

Báo cáo tại buổi nghiệm thu nhiệm vụ, đại diện nhóm nghiên cứu khẳng định, các mô hình dự báo, cảnh báo mưa, ngập được hoàn thiện ngoài việc khai thác trọn vẹn các số liệu thống kê cũng như cập nhật thường xuyên từ các cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn cũng như các đơn vị, sở ngành thuộc lĩnh vực giao thông, công chánh của TP.HCM thì nhóm cũng chủ động đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo, chủ yếu là giải pháp máy học (machine learning), vào các mô hình thẩm định, để qua đó tăng độ chính xác hơn nữa cho các mô hình dự báo tương ứng với từng lưu vực, khu vực mà các cơ quan quản lý nhà nước cần giám sát, chú trọng việc vận hành và điều phối chống ngập.

gsngap2

Giao diện kết quả mực nước dự báo trong tháng 10/2021 hiển thị trên trang WebGIS

Về cơ bản, theo lời TS. Phạm Thanh Long, toàn bộ các mô hình mô phỏng dự báo, cảnh báo mưa và ngập mà nhóm nghiên cứu hoàn thiện hiện hoàn toàn có thể áp dụng cho phạm vi toàn TP.HCM, đặc biệt ở khu vực trung tâm và TP Thủ Đức (thuộc TP.HCM).

Bên cạnh đó, trong xu hướng 4.0 hiện đại, để nâng cao hơn nữa việc giám sát hiệu quả để từ đó đưa ra các cảnh báo "tức thời" đối với hiện tượng mưa, thì nhóm thực hiện nhiệm vụ đã triển khai giải pháp camera giám sát các điểm ngập, đồng thời tạo ra ra một bộ cơ sở dữ liệu mới nhằm phục vụ nhu cầu đối chiếu lại tính chính xác của các số liệu được các mô hình dự báo cung cấp trước đó.

Các thông tin dự báo mưa và  ngập cũng như các thông tin khác về thời tiết, về cơ bản đều được hiển thị trực quan trên bản đồ WebGIS được cung cấp tại địa chỉ http://chongngaphcm.info.

Quản lý tập trung

Là một phần của giải pháp, nhóm nghiên cứu đã khảo sát, xây dựng hệ thống camera giám sát hàng chục điểm ngập thường xuyên tại đường Cây Trâm (quận Gò Vấp), đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), đường Trần Ngọc Diện, đường Phạm Văn Đồng, Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức). 

gsngap3

Camera giám sát điểm ngập được tích hợp trên WebGIS ở chế độ thời gian thực

Từ hình ảnh, hệ thống sẽ "số hóa" ảnh chụp, sau đó đó sử dụng các thuật toán so sánh "hình ảnh gốc" với các "mốc marker" tại hiện trường để xác định mức ngập tương ứng. Hay nói cách khác, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện công cụ trích xuất bản đồ ngập từ camera được xây dựng qua các bước tiền xử lý ảnh và phân tích mức ngập được lưu trữ trong server.

gsngap4

Dự báo tình trạng mưa hiển thị trên giao diện WebGIS

Đại diện nhóm thực hiện nhiệm vụ cho biết, quy trình thông báo các điểm ngập phát sinh, hay sự cố hệ thống thoát nước dẫn đến ngập lụt sẽ gây hậu quả lâu dài nếu không được phát hiện và khắc phục sớm sẽ khiên điểm ngập trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân cũng như công tác chống ngập, quy trình thông báo gồm các bước: (1) Quản lý hệ thống camera kịp thời thông báo các vị trí con đường ngập, phối hợp với các đơn vị khác, cǜng như người dân để kịp thời nhận thông tin thông qua công kết nối hai chiều; (2) Đưa các thông tin về điểm ngập phát sinh lên báo cáo, trang thông tin website để các cơ quan quản lý kịp thời khác phục.

gsngap5

Quy trình vận hành hệ thống cảnh báo mưa, ngập

Đại diện cho biết, xây dựng kênh kết nối hai chiều về ngập chính là xây dựng kết nối giữa các nhà quản lý với người dân, thông qua một ứng dụng hay một nền tảng có thể thông báo kịp thời các thông tin về ngập, các sự cố về kẹt xe do ngập từ các đơn vị quản lý đến người dân, cũng như nhận được những phản hồi nhanh chóng và chính xác về các đường, điểm ngập phát sinh hay có sự cố về thoát nước, hỏng hóc từ người dân đến các đơn vị quản lý, các đơn vị chức năng có liên quan. 

gsngap6

Thông tin cảnh báo ngập được hiển thị trên app di động

"Mục tiêu chính của nền tảng là tạo ra một công cụ thu thập dữ liệu số, đảm bảo dữ liệu được lưu trữ một cách có hệ thống, từ đó dữ liệu có thể được dễ dàng tổng hợp, trích xuất phục vụ cho công tác báo cáo, cũng như phân tích, quản lý tình hình ngập. Bên cạnh đó, nền tảng cũng là một kênh thu thập và chia sẻ thông tin ngập của TP.HCM (sau khi đã được kiểm chứng) với người dân trên địa bàn Thành phố", TS. Phạm Thanh Long nhấn mạnh. 

Cũng thời lời khẳng định của TS. Phạm Thanh Long, chủ nhiệm nhiệm vụ, xuyên suốt quá trình triển khai nhiệm vụ, nhóm thực hiện "tập trung đề tài vào khu vực phía Đông của TP.HCM, bởi kỳ vọng của đề tài là giải quyết bài toán chống ngập của TP Thủ Đức nói riêng và khu vực TP.HCM nói chung, và sau đó là giúp người dân có thể lựa chọn được cung đường di chuyển để tránh những tuyến đường bị ngập có thể xảy ra trong thời gian sắp tới.

"Bên cạnh đó, nhiệm vụ khoa học công nghệ vừa được nghiệm thu này cũng giúp Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng TP.HCM có những chiến lược, chính sách để quản lý vấn đề ngập của TP được hiệu quả hơn trong thời gian tới", TS. Long nhận định.

 

Thông tin liên hệ:
Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu
Địa chỉ: 19 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM
Điện thoại: (028) 38290057
E-mail: khcn.sihymecc@gmail.com - Website: http://sihymecc.vn


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353