SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thiết bị lọc cơ học dạng trống được công ty CENINTEC cải tiến và sản xuất thử nghiệm thành công, hỗ trợ năng suất lọc 94,32m3/h cùng mức tiêu thụ điện năng tối ưu, được đánh giá là giải pháp hữu ích để triển khai tại các đơn vị nuôi trồng thủy sản. 

Theo mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025, ngành tôm sẽ đạt giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025. Tại TPHCM, tôm nước lợ cũng được xác định là một trong những sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm thủy sản chủ lực. Do đó, để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu 10 tỷ USD tôm vào năm 2025, ngành nông nghiệp Việt Nam đang bám sát "chiến lược" gia tăng mật độ nuôi với các mô hình nuôi thâm canh và siêu thâm canh bởi thực tế diện tích đất dành cho nuôi trồng thủy sản hiện nay không đủ để đảm bảo năng suất khi áp dụng mô hình nuôi quảng canh, cũng như quảng canh cải tiến.

Tuy nhiên, tại các mô hình nuôi thâm canh và siêu thâm canh đang được triển khai, đã phát sinh thực tế là một lượng lớn chất thải rắn lơ lửng đã sinh ra trong môi trường nuôi. Đồng thời, người nuôi cần phải bổ sung một lượng khoáng chất, hóa chất lớn để tạo môi trường phù hợp cho tôm sinh trưởng với mật độ cao, trong khi đó nếu chọn giải pháp thay nước để loại bỏ chất thải thì chi phí phát sinh sẽ rất cao. Ngoài ra, nguồn nước sạch từ sông - biển ngày càng trở nên khan hiếm do ô nhiễm từ công nghiệp và nông nghiệp, cũng trực tiếp mang đến sự rủi ro cho các mô hình nuôi tôm sử dụng nguồn nước tự nhiên để thay thế nước đã ô nhiễm trong ao.

Trước thực tế đó, một thiết bị hay hệ thống lọc nước hiệu quả, có khả năng loại bỏ chất thải rắn trong ao nuôi, nhằm tái sử dụng một phần lượng nước trong ao, đã và đang là lựa chọn của nhiều đơn vị nuôi tôm ở nhiều địa phương.

Cải tiến từ thực tiễn ứng dụng

Từ những năm 2018 và 2019, công ty CENINTEC cùng một số đơn vị liên quan đã chủ động ứng dụng giải pháp máy lọc cơ học vào thực tế quá trình nuôi tôm tại TPHCM và một số tỉnh thành lân cận. Tuy nhiên, qua quá trình thử nghiệm, cùng với việc nghiên cứu tài liệu tham khảo và tham vấn ý kiến từ chuyên gia, nhóm chuyên gia tại công ty CENINTEC nhận thấy còn một số hạn chế cần được nghiên cứu, cải tiến để các thiết bị lọc cơ học nhập ngoại hiện nay có khả năng ứng dụng có hiệu quả hơn trong thực tế sản xuất.

loccohoc1

Đại diện công ty CENINTEC giới thiệu thiết bị lọc cơ học dạng trống phiên bản cải tiến đến các thành viên Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ

TS Nguyễn Minh Hà, chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học "Hoàn thiện thiết kế, công nghệ chế tạo thiết bị lọc cơ học dạng trống sử dụng trong nuôi tôm nước lợ" vừa được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu vào trung tuần tháng 7/2022 cho biết thiết bị lọc cơ học dạng trống về cơ bản giúp gom tụ chất thải rắn lại với mật độ rất cao so với nước trước khi lọc, qua đó giúp việc áp dụng các phương tiện cô đặc chất thải rắn để xử lý nhằm giảm ô nhiễm môi trường trở nên khả thi hơn. 

"Việc ứng dụng thiết bị lọc cơ học dạng trống để xử lý chất thải, nước thải trong ao nuôi tôm nước lợ là hoàn toàn mới, ưu việt hơn nhiều so với phương thức thay nước hiện được sử dụng rộng rãi", TS. Nguyễn Minh Hà chia sẻ, "Thiết bị lọc cơ học dạng trống có thể ứng dụng cho các mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Thiết bị lọc cơ học dạng trống mà công ty CENINTEC cải tiến, hoàn thiện đã được nghiên cứu nhằm tối ưu các thông số vận hành phù hợp cho ngành nuôi tôm, cụ thể là nâng cao năng suất lọc (thể hiện bằng lưu lượng lọc trong một đơn vị thời gian), tiết kiệm chi phí vận hành, giảm giá thành chế tạo, gia tăng độ tin cậy của thiết bị và tuổi thọ của các bộ phận công tác".

Là một phần của nhiệm vụ khoa học - công nghệ, TS. Nguyễn Minh Hà và cộng sự cũng đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu các đặc tính của nguồn nước nuôi tôm để phục vụ nhu cầu cải tiến các giải pháp hệ thống lọc nước cơ học dạng trống đang được thương mại hóa và sử dụng rộng rãi ở các đơn vị nuôi trồng thủy sản. 

loccohoc2

Nguyên mẫu sản phẩm và thiết kế lọc cơ học sau khi cải tiến (1 - Nắp trên; 2 - Nắp trước; 3 - Hộp điện; 4 - Hộp động cơ; 5 - Công tắc; 6 - Ống cấp nước; 7- Hai ổ đỡ trống lọc; 8 - Ống thoát nước thải; 9 - Trống lọc).

So với các máy lọc cơ học dạng trống thông dụng, thì giải pháp cải tiến do công ty CENINTEC đề xuất không chỉ khắc phục được những vấn đề thường gặp như năng suất lọc thấp, thường xuyên phải thay các cơ cấu vận hành và vệ sinh béc phun - lưới lọc, mà còn đáng chú ý ở việc đảm bảo hiệu năng - chất lượng lọc nhờ kết hợp với một bộ phận được bố trí phía trước máy lọc cơ học nhằm lọc vỏ tôm cũng như tôm chết trong nguồn nước. 

Bởi lẽ, theo đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ, lột vỏ là một đặc điểm khác biệt quan trọng của quá trình sinh trưởng của tôm so với cá. Với số lượng nhiều và kích thước nhỏ, tôm chết thường xuyên hơn, đặc biệt là khi lột vỏ. 

"Với kích thước lớn hơn nhiều so với phân tôm và thức ăn thừa, vỏ tôm và tôm chết cần được loại bỏ ra khỏi nước trước khi được lọc bằng thiết bị lọc cơ học để gia tăng lưu lượng lọc (năng suất lọc) của thiết bị", TS. Nguyễn Minh Hà nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng bổ sung số béc phun; vị trí đặt và tần suất, áp suất phun rửa để tối ưu việc vệ sinh cụm lưới lọc, tang trống. Đơn cử, so với giải pháp cũ, giải pháp mới sử dụng 11 béc phun, trong đó 2 béc phun nằm tại 2 đầu là loại quạt tam giác vuông giúp làm sạch khu vực mép trống lọc.

loccohoc3

Quá trình di chuyển của dòng nước khi vào thiết bị lọc cơ học

Bên cạnh đó, để giảm thiểu trọng lượng của máy lọc, cũng như cải thiện độ bền của máy khi sử dụng trong môi trường nước mặn cũng như nước lợ, nhóm nghiên cứu tại công ty CENINTEC đã chủ động ứng dụng vật liệu nhựa cho một số bộ phận, cải tiến khả năng rửa tấm lọc, và thay đổi vị trí và tần suất hoạt động của đèn chiếu UV tích hợp. 

TS Nguyễn Minh Hà cho biết, máy lọc cơ học dạng trống là sản phẩm của nhiệm vụ có thể sử dụng lưới lọc với mắt lưới từ 37µm (mesh 400) đến 105µm (mesh 140) tùy theo yêu cầu của khách hàng. 

Kỹ sư Lê Đình Cẩn, thành viên nhóm triển khai nhiệm vụ - khoa học công nghệ thông tin thêm, thiết bị lọc cơ học sử dụng nguyên lý lọc cơ học dạng trống (gọi tắt là nguyên lý lọc trống) là một trong những nguyên lý xử lý nước thải, được sử dụng phổ biến rộng rãi trong các đơn vị nghiên cứu và các hệ thống nuôi trồng thủy sản đã được thương mại trên thế giới. Thiết bị gồm một trống lọc được bao phủ bởi một tấm lọc mịn với kích thước của các mắt lưới 37µm. Nước thải được đưa vào trống và khi tang trống quay, những hạt có kích thước lớn hơn mắt lưới sẽ được giữ lại trên bề mặt lưới lọc. Hệ thống vòi phun rửa ngược sẽ làm sạch những chất rắn lở lửng ở tấm lọc lưới, chất thải này sau đó được dẫn xuống máng thoát chất thải và đưa ra bên ngoài xử lý.

loccohoc4

Sơ đồ nguyên lý thiết bị lọc cơ học dạng trống

Ở mức tổng quát, thiết bị lọc cơ học dạng trống gồm các thành phần: cụm khung, cụm truyền động, cụm làm sạch, cụm tang trống, cụm cấp nước và máng thoát chất thải, cụm tủ điện. 

loccohoc5

Thiết kế 3D của thiết bị lọc cơ học

Quá trình ứng dụng máy lọc cơ học dạng trống (phiên bản cải tiến) vào thực tế nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh tuần hoàn tại Huyện Cần Giờ (TPHCM) đã cho thấy, các chỉ tiêu sinh học của nước sau lọc đạt kết quả tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nuôi trồng thủy sản.

Về hiệu quả, đại diện công ty CENINTEC cho biết, năng suất lọc của máy đạt tối thiểu 60m3/h phụ thuộc vào tổng lượng chất rắn lơ lửng (TSS) của nước cần lọc; và chi phí điện năng thực tế trong 1 tháng là 450kW, tương ứng tổng chi phí điện là 615.000 đồng/tháng. Nhóm triển khai khẳng định, giải pháp lọc mới đã giúp giảm 30% - 50% lượng nước thay hằng ngày cho các ao nuôi có thể tích 500-1.000m3 nước.

loccohoc6

Thiết bị lọc cơ học dạng trống được vận hành thực tế tại trang trại CENINTEC (huyện Cần Giờ, TPHCM)

Ngoài ra, các bộ phận xịt rửa bao gồm bơm và các béc phun bằng nhựa hoạt động tốt, lưới lọc sạch; thời gian cần cho hoạt động vệ sinh thiết bị lọc cơ học hằng ngày là 10 phút; công việc được thực hiện dễ dàng và thiết bị lọc cơ học được làm sạch do máng hứng chất thải và các nắp che có thể tháo rời. Đáng chú ý, tuổi thọ của lưới lọc với mắt lưới 37µm là 3,5 tháng với độ mặn của nước là 25ppt; thời gian dừng thiết bị lọc cơ học để thay lưới lọc là 18-20 phút.

Về hiệu quả kinh tế, đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ cho biết: Với ao nuôi tròn thể tích 1.000m3, áp dụng cho 30 ngày trước khi thu hoạch, giả định lượng nước thay giảm 30%, tương ứng 150m3/ngày, thì ở mức chi phí xử lý 1m3 nước là 3.300 đồng, số tiền tiết kiệm được trong 1 tháng vận hành, sau khi trừ chi phí vận hành, chi phí bảo trì và chi phí khấu hao thiết bị là 10,554 triệu đồng/tháng. Do đó, với tổng chi phí đầu tư là 90 triệu đồng bao gồm chi phí mua thiết bị, chi phí lắp đặt đường ống, máy bơm… thì thiết bị được hoàn vốn trong chưa đến 9 tháng hoạt động. "Vì thế, việc triển khai thành công của dự án sẽ tạo ra nguồn cung thiết bị có giá thành rất cạnh tranh, chỉ vào khoảng 30-80% giá của các thiết bị ở cùng mức công suất, qua đó tạo điều kiện cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản dễ dàng nâng cấp, bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, đảm bảo chất lượng thành phẩm", đại diện công ty CENINTEC nhấn mạnh.

Có thể khẳng định rằng, giải pháp máy lọc cơ học dạng trống dùng cho nuôi tôm nước lợ vừa được công ty CENINTEC cải tiến, hoàn thiện và sản xuất thử nghiệm hàng loạt đã cho thấy trình độ cao của kỹ sư, chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực chế tạo các thiết bị cơ khí gắn liền với hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ ứng dụng trực tiếp vào sản xuất nói chung, và nuôi trồng thủy sản nói riêng.

Có hai loại thiết bị lọc cơ học, được phân biệt bằng vị trí tương đối của đáy trống lọc với mặt nước đã lọc. Loại thứ nhất là loại chìm, với đáy trống lọc nằm chìm trong nước đã lọc; và loại thứ hai là đáy trống lọc nằm cao hơn mặt nước đã lọc. Hai loại thiết bị này khác nhau chút ít về kết cấu, và không dễ chuyển đổi từ loại này sang loại khác.

Loại lắp chìm có ưu điểm là ít mất áp hơn, do đó tốn ít năng lượng cho bơm nước. Tuy nhiên, loại này chỉ phù hợp để lọc chất thải rắn dễ chìm, ít bị phân rã và thường dùng trong môi trường nước ngọt. Lọc chìm được dùng nhiều cho các hệ thống lọc nước cho nuôi cá, khi chất thải cá vừa to, vừa nặng, dễ chìm trong nước ngọt. Tuy nhiên, sử dụng lọc chìm để lọc nước nuôi tôm kéo theo nhiều bất cập. Môi trường nước mặn và lợ có tỷ trọng cao khiến các chất thải rắn khó chìm. Chất thải trong nước nuôi tôm có kích thước lớn, độ nhớt cao, khó chìm. Do vậy, một lượng lớn chất thải sẽ lơ lửng trong trống lọc mà không lọc ra được.

Bên cạnh đó, các thử nghiệm thực tế tại trang trại của CENINTEC ở huyện Cần Giờ (TPHCM) đã chứng tỏ không thể sử dụng thiết bị lọc lắp chìm để lọc nước nuôi tôm do khả năng lọc kém, chất lượng nước sau khi lọc không đạt yêu cầu. Vì thế, nhóm chuyên gia khuyến nghị không dùng thiết bị lọc lắp chìm để lọc nước nuôi tôm.

 

 

Thông tin liên hệ:

Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ CENINTEC

Địa chỉ: 91 Nguyễn Trọng Lội, P.4, Q.Tân Bình, TPHCM

Số điện thoại: 0983221831 - 0977757005

Email: minhhavs@gmail.com - cenintec.vn@gmail.com

Nét đẹp văn hóa đa dạng, độc đáo của đồng bào và các công trình tôn giáo, tín ngưỡng chính là ưu điểm trong thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. 

Ở TPHCM hiện nay, cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã sinh sống lâu đời, hình thành những khu vực cư trú tập trung của mỗi cộng đồng, để lại nhiều dấu ấn sắc nét về lịch sử, dân số, kinh tế, xã hội và văn hóa, góp phần tạo nên diện mạo của một thành phố văn minh, hiện đại, đa dân tộc, đa tôn giáo và đa dạng sắc thái văn hóa. Đặc điểm cư trú tập trung thành cộng đồng trên địa bàn dân cư của các tộc người này đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cố kết cộng đồng dân tộc như cộng đồng tôn giáo Hồi giáo (Islam) của người Chăm, Phật giáo Nam tông của người Khmer hay tín ngưỡng thờ nhân thần của người Hoa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, tâm lý truyền thống của mỗi dân tộc. Đồng thời, trong điều kiện cư trú tập trung của các DTTS trong trường hợp người Hoa, người Chăm và người Khmer cũng tạo thuận lợi cho việc thực thi chính sách dân tộc, thực hiện công tác dân tộc trong các DTTS.

Trong giai đoạn 2010 – 2020, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đặc thù cho TPHCM. Các chính sách này đã được tổ chức thực hiện nghiêm túc và có kết quả trên thực tế. Nhờ đó, Thành phố tiếp tục phát huy vai trò là một trong hai đô thị đặc biệt của cả nước, trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế động lực của các tỉnh phía Nam. Đời sống của nhân dân tiếp tục được nâng lên, trong đó có đồng bào DTTS. Đa số người dân trong cộng đồng DTTS đều được Thành phố quan tâm về tinh thần, vật chất để phát triển kinh tế, nâng cao trình độ nhận thức, văn hóa của mỗi cá nhân và cộng đồng. Tuy nhiên, xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, cùng với những diễn biến bất thường về sự biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng, tác động của dịch bệnh… đang ảnh hưởng mạnh đến quá trình phát triển và đời sống các DTTS ở TPHCM.

bdt1

Ban Dân tộc TPHCM bàn giao nhà tình thương cho đồng bào DTTS ở Quận 11.

Từ kết quả đánh giá tác động của các chính sách về kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh chính trị, môi trường đến đời sống các DTTS ở TPHCM, bà Nguyễn Thị Thanh Nga - chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu kết quả thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010-2020 và đề xuất chính sách phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035” nhận định: “TPHCM cần thiết lập hệ quan điểm cơ bản và đề xuất các giải pháp khả thi nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần các DTTS ở Thành phố trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập và tăng tốc phát triển, phát triển nhanh và phát triển bền vững”.

Thực tế cho thấy, các DTTS trong trường hợp người Hoa, người Chăm và người Khmer ở TPHCM hiện đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển. Trình độ học vấn và mặt bằng dân trí đồng bào nhìn chung còn thấp hơn so với trình độ học vấn và mặt bằng dân trí chung của cư dân Thành phố. Điều kiện chăm sóc sức khoẻ, cải thiện và bảo vệ môi trường còn kém, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Cộng đồng người Hoa với truyền thống buôn bán, kinh doanh lâu đời thường có mức sống tốt hơn.

Trong khi đó, đời sống cộng đồng người Khmer và người Chăm còn bấp bênh, thu nhập thấp do nguồn thu chủ yếu là từ buôn bán nhỏ (Chăm) và làm thuê, làm mướn (Khmer) theo tập quán truyền thống của mỗi dân tộc.

Mặc dù người Hoa, người Chăm và người Khmer có dân số trẻ, nhất là đối với lao động nhập cư và lực lượng lao động khá dồi dào, cũng được Thành phố tạo điều kiện để cải thiện trình độ lao động thông qua nâng cao giáo dục và đào tạo nghề nhưng vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Nhiều lao động được đào tạo nhưng không có việc làm hoặc làm những công việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Việc kết nối đào tạo nghề với giải quyết việc làm chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, nhiều người chỉ có thể tìm được việc lao động phổ thông, lao động tự do, bán thời gian. Tỷ lệ người thiếu việc làm hoặc không có việc làm vẫn ở mức cao, dù trong gia đình số lượng người trong độ tuổi lao động ở mỗi gia đình là nhiều (từ 2 đến trên 4 người). 

bdt2

Hội quán người Hoa tổ chức đấu giá lồng đèn để gây quỹ chăm lo đồng bào có hoàn cảnh khó khăn

Mặt khác, sự thay đổi của cơ cấu kinh tế cũng như sự phát triển kinh tế không đồng đều ở các tỉnh thành thuộc khu vực Tây Nam Bộ dẫn đến hiện tượng một lực lượng lớn thanh niên người Khmer đã di cư từ các tỉnh ở Tây Nam Bộ vào TPHCM để tìm kiếm sinh kế. Chính những dòng chảy di cư như trên đặt ra nhiều thách thức cho việc đưa ra các chính sách quản lý và hỗ trợ vấn đề về di cư. Đó là những thách thức lớn đối với việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao trong các DTTS, đáp ứng yêu cầu thu hút lao động DTTS làm việc trong các thành phần kinh tế, tham gia các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động và việc làm, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần, an toàn sinh kế, an sinh xã hội. 

bdt5

Cán bộ, hội viên phụ nữ Chăm Islam TPHCM tích cực, nỗ lực tham gia các phong trào, công tác an sinh xã hội

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết, điểm mạnh trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào DTTS ở TPHCM là vô cùng đa dạng và phong phú. Nhiều công trình văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa, Chăm, Khmer đóng vai trò đặc biệt trong việc giữ vững cấu trúc cộng đồng dân tộc và lưu giữ, cũng như truyền tải giá trị văn hóa bên trong cộng đồng và ra bên ngoài. Tuy nhiên, Thành phố chưa có nhiều chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, các giá trị giải trí tinh thần, các phong tục tập quán, nghệ thuật, ẩm thực đặc trưng của đồng bào DTTS trên địa bàn Thành phố. Chính điều này đặt ra những thách thức trong chính sách phát triển văn hóa và du lịch của TPHCM trong việc tận dụng các nguồn lực văn hóa này. 

bdt3

Hoạt động tết của đồng bào Khmer

Vì thế, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã kiến nghị TPHCM thực hiện việc phát triển du lịch kết hợp với văn hóa du lịch tâm linh của dân tộc Chăm, Hoa, Khmer, hướng đến việc vừa phát triển văn hóa, đồng thời cũng vừa phát triển kinh tế cho cộng đồng. Văn hóa phải gắn với việc phát triển về mặt sinh kế và trong các hoạt động du lịch từ phía cộng đồng. 

Trong đó, xây dựng các chính sách trong việc phát triển du lịch gắn với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng Hoa, Chăm, Khmer nhằm mục đích cải thiện sinh kế của cộng đồng thông qua du lịch. Nhiều nghề truyền thống của các cộng đồng đang dần bị mai một, việc xây dựng các chính sách đầu tư giáo dục phát triển nghề truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc kết hợp du lịch. Không gian văn hóa công cộng cũng nên được quan tâm, chăm sóc và phát triển để trở thành cầu nối trong việc giao lưu, phát triển văn hóa và cố kết các dân tộc với nhau. Từ đó, hướng đến điều hòa các mối quan hệ dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội và an ninh – quốc phòng. 

bdt4

Một buổi đại lễ tại chùa Pothiwong (quận Tân Bình)

Bên cạnh đó, nhóm thực hiện còn đề xuất Thành phố kiến tạo Trung tâm phát triển cộng đồng để làm nơi kết nối, thông tin các chính sách của Đảng và Nhà nước đến với cộng đồng. Nơi đây cũng là nơi kết nối giao lưu văn hóa của cộng đồng với nhau. 

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ và nâng cao giáo dục cho cộng đồng Chăm, Hoa, Khmer cũng cần gắn liền với với chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ người trong các nhóm dân tộc để hướng đến sự đa dạng và đại đoàn kết dân tộc, thấu hiểu vấn đề bên trong của cộng đồng hơn, nâng cao chất lượng, hoạt động hiệu quả trong công tác dân tộc. Từ đó, phát huy vai trò công tác vận động nhân dân của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, lực lượng cốt cán, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc; kịp thời phát huy và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến ở các lĩnh vực trong đồng bào các dân tộc.

Thông tin liên hệ:
Ban Dân tộc TPHCM
Địa chỉ: 108 Ngô Quyền, Phường 8, Quận 5, TPHCM
Điện thoại: (028) 38552202

Website: http://bandantoc.hochiminhcity.gov.vn/

Các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức sở hữu trí tuệ trong cộng đồng, xây dựng văn hóa ứng xử tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ ở thế hệ trẻ, xây dựng ý thức và trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, từng bước hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng, dùng sở hữu trí tuệ làm công cụ hữu hiệu để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 8/9/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tiếp ông Hasan Kleib (Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới - WIPO).

220909hk1.jpg

Tóm tắt hoạt động đào tạo, huấn luyện về sở hữu trí tuệ, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, Sở đã triển khai Chương trình đào tạo Quản trị viên tài sản trí tuệ với 3 cấp độ từ năm 2008. Đến nay, đã có trên 700 học viên tham dự, riêng trong năm 2022 đang đào tạo 54 học viên. Đây là chương trình đầu tiên của cả nước được lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ ghi nhận và chính thức trở thành nhiệm vụ trong Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với giải pháp “đào tạo chuyên gia về quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp”. Nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ tham gia chương trình đã ứng dụng triển khai quản trị tài sản trí tuệ tại một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh nhờ công cụ sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM “kết tinh” thành tài sản trí tuệ, được ghi nhận và xác lập quyền sở hữu. Hiện nay, mỗi năm có trên 60 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nghiệm thu tại Sở, trung bình 1 nhiệm vụ có ít nhất 1 đơn vị tài sản trí tuệ.

Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng nỗ lực đưa sở hữu trí tuệ đến gần hơn với thế hệ trẻ thông qua các cuộc thi, hoạt động chào mừng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới 21/4, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 và Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Sở cũng sẽ đưa sở hữu trí tuệ vào khối tiểu học – phổ thông nhằm nâng cao nhận thức sở hữu trí tuệ trong cộng đồng, xây dựng văn hóa ứng xử tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ ở thế hệ trẻ, xây dựng ý thức và trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, từng bước hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng, dùng sở hữu trí tuệ làm công cụ hữu hiệu để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Hasan Kleib bày tỏ ấn tượng tốt về số lượng đơn đăng ký xác lập quyền ở TP.HCM tăng cao trong 3 năm trở lại đây. Hơn thế, những hoạt động sở hữu trí tuệ ở Thành phố cũng hướng đến 3 nhóm đối tượng gồm phụ nữ, giới trẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa mà WIPO đang rất quan tâm. Ông Hasan Kleib cũng giới thiệu về Viện đào tạo về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam sắp thành lập nhằm hỗ trợ Việt Nam sử dụng sở hữu trí tuệ như một công cụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Dịp này, ông Nguyễn Việt Dũng cũng đề xuất WIPO hỗ trợ chia sẻ các mô hình quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ chế chính sách tăng cường hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trên môi trường số. Thêm vào đó là những bộ tài liệu, phương thức tuyên truyền sở hữu trí tuệ trong trường học để đưa sở hữu trí tuệ đến với giới trẻ hiệu quả hơn.

Hoàng Kim (CESTI)

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ cho các đơn vị ngay trong giai đoạn đầu để làm quen, kết nối với các thành phần trong hệ sinh thái, đảm bảo nhận được thông tin từ chuyên gia, cùng tương tác với vấn đề muốn giải quyết, tìm ra giải pháp hoàn thiện.

Ngày 7/9/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội nghị triển khai thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) khẳng định: “Vấn đề có rất nhiều, nguồn lực thì có hạn, nhiệm kỳ thì ngắn, nên chọn vấn đề cần ưu tiên có thể giải quyết được ngay, có tính lan tỏa.”.

220907hk1.jpg

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đang đồng hành cùng các Sở ban ngành, Thành phố Thủ Đức và UBND quận – huyện triển khai thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công ở 3 nội dung cụ thể gồm:

+ Inno-Coffee: sự kiện kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đây là cơ hội để các đơn vị có chung nhu cầu trình bày vấn đề cần giải quyết, nhận tư vấn từ phía chuyên gia (Viện – trường, doanh nghiệp), nhằm tìm kiếm hướng giải pháp đổi mới sáng tạo phù hợp để hợp tác triển khai.

+ R&D: chính sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển giải pháp. Đây là chính sách áp dụng sau khi đơn vị đã tìm được hướng giải quyết vấn đề.

+ Sandbox: chính sách hỗ trợ thử nghiệm để các bên hoàn thiện giải pháp giải quyết vấn đề.

Phát hiện vấn đề và xác định vấn đề ưu tiên cũng chính là khâu quan trọng trong phương thức thực hiện triển khai xây dựng các bài toán lớn về hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công (cho một số lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể). Phương thức này gồm 5 bước: Xây dựng nội dung các bài toán lớn (khảo sát, đánh giá, phát hiện vấn đề, phân loại vấn đề, mô tả vấn đề để xây dựng nội dung bài toán); Công bố rộng rãi cho cộng đồng về nội dung bài toán lớn; Tuyển chọn đơn vị chủ trì thực hiện; Tổ chức phối hợp thực hiện; Triển khai ứng dụng các nội dung của bài toán lớn và đánh giá kết quả.

220907hk3.jpg

Ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) trình bày phương pháp xác định vấn đề ưu tiên

Theo đó, các đơn vị cần xác định rõ mục đích mong muốn là gì, sau đó tìm xem vấn đề phát sinh ở đâu. Đây là việc không phải của riêng cá nhân hay nhóm người nào đó nên rất cần có sự chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo đơn vị trong việc định danh vấn đề, định danh nguồn nhân lực sẽ tham gia giải quyết. Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ ngay cho các đơn vị ngay trong giai đoạn đầu để làm quen, kết nối với các thành phần trong hệ sinh thái, đảm bảo nhận được thông tin từ chuyên gia, cùng tương tác với vấn đề muốn giải quyết, tìm ra giải pháp hoàn thiện.

Bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) chia sẻ, từ năm 2021, bài toán quản trị chợ tại các quận - huyện đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM triển khai theo phương thức 5 bước kể trên. Cụ thể, sau khi khảo sát nhu cầu ở các đơn vị, Sở nhận ra các quận Bình Thạnh và Phú Nhuận và nhiều đơn vị khác có vấn đề chung là gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý chợ. Sở đã theo sát và hướng dẫn các đơn vị viết bản mô tả vấn đề cần giải quyết. Trong buổi Inno-Coffee sau đó, lãnh đạo quận Bình Thạnh đã nêu rõ vấn đề trong nhu cầu quản lý chợ, mời Viện – trường và doanh nghiệp cùng tham gia góp ý để đặt hàng giải quyết vấn đề. Đến nay, bài toán quản trị chợ đã tiến hành đến bước 5 - triển khai ứng dụng trong thực tế.

220907hk2.jpg

Bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) chia sẻ kinh nghiệm giải quyết bài toán quản lý chợ

Bà Chu Vân Hải khẳng định, ở bước 5 này, rất cần có sự cam kết của lãnh đạo để cung cấp nguồn lực, đưa cái mới vào ứng dụng. Sự tương tác giữa đơn vị cung cấp giải pháp đổi mới sáng tạo với đơn vị nhận chuyển giao cần được tiến hành liên tục để đảm bảo kết quả đạt hiệu quả tốt nhất. Từ đó, bài toán lớn về quản lý chợ có thể triển khai nhân rộng cho các đơn vị khác.

Dự kiến trong tháng 10/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ tổ chức khóa tập huấn Govtech cho các thành viên trong tổ công tác thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công của các đơn vị theo hình thức online.

Hoàng Kim (CESTI)

Sau 5 tháng phát động, Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 (I-Star 2022) đã bước vào vòng trong với 40 dự án được bình chọn nhiều nhất, tiếp tục tranh tài để tiến tới lễ tổng kết và trao giải.

Tính đến hết ngày 31/8, I-Star 2022 đã thu hút 370 bài dự thi. Theo ban tổ chức, 40 bài dự thi lọt vào vòng trong được chia làm 4 nhóm đối tượng, bao gồm: đối tượng 1 - doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đối tượng 2 - giải pháp đổi mới sáng tạo; đối tượng 3 - các tác phẩm truyền thông; đối tượng 4 - các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp. Để lọt vào Top 40, các bài dự thi đã được đánh giá dựa trên sự bình chọn của cộng đồng mạng xã hội tại vòng sơ khảo. Việc bình chọn của cộng đồng tại vòng chung kết diễn ra từ ngày 01/9 – 30/9. Song song đó, hội đồng giám khảo sẽ chấm điểm và chọn ra 12 hồ sơ xuất sắc nhất của 4 nhóm để công bố và trao giải I-Star 2022.

Ở nhóm 1 (doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo), 10 gương mặt xuất sắc có lượt bình chọn cao nhất gồm: Cohota - Kiến trúc học tập tổng thể trong chuyển đổi số giáo dục; WASH-UP (Ứng dụng đặt lịch rửa xe công nghệ); SHub Classroom - Giải pháp quản lý dạy và học hàng đầu Việt Nam; WIDDY - Ứng dụng mạng xã hội giao thông cho tài xế Việt; Koro.love (Nước từ trường tốt cho sức khoẻ tế bào); Voiz FM - Ứng dụng sách nói chất lượng cao; Công ty Cổ phần Vietnam Blockchain (VBC); Tủ trồng rau thông minh và Smart substrate (Công ty SGS); Abivin xây dựng nền tảng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa chuỗi giá trị của doanh nghiệp (Công ty Abivin Việt Nam); Giải pháp chiết xuất tinh dầu bằng thiết bị chưng cất tinh dầu đa nguyên liệu (Công ty Thủy Mộc Việt).

doituong1.jpg

Top 10 xuất sắc nhất của nhóm 2 (các giải pháp đổi mới sáng tạo) có thể kể đến các giải pháp như: Deep Signature - Giải pháp chống hàng giả bằng công nghệ blockchain; Mô hình 21 ngày kinh doanh thực chiến; Xe chữa cháy mini lưu động; Tuyến phố 4.0 - Mô hình mua bán không dùng tiền mặt; Đẩy mạnh giáo dục STEM vào tiết học và câu lạc bộ nhằm nâng cao sự sáng tạo, năng động của học sinh; Bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng thông qua mô hình CLB Thực hành Sống Xanh; Giải pháp học chữ dân tộc Thái Việt Nam; Ứng dụng chức năng tạo sách điện tử bằng phần mềm iSpring Suit 10.0 để xây dựng kho học liệu tương tác trong bài giảng E-learning môn Khoa học Tự nhiên lớp 6; Sản phẩm gậy dẫn đường thông minh ứng dụng công nghệ OCR; Vận dụng trò chơi kéo co nhằm tạo hứng thú trong giờ học giáo dục thể chất.

doituong2.jpg

Tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp và những ý tưởng đổi mới sáng tạo tại I-Star năm nay phải kể đến các tác phẩm truyền thông. Top 10 của nhóm 3 (các tác phẩm truyền thông) gồm những tác phẩm đáng chú ý như: Chương trình trò chuyện cùng Thành phố thông minh - Chủ đề Nông dân làm nông nghiệp thông minh (Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM – VOH); Chuỗi tác phẩm thuộc chương trình “Đô thị số” phát trên sóng kênh Thời sự Chính trị AM 610KHZ -VOH; Giải pháp mới - Thiết bị sấy động ứng dụng năng lượng mặt trời (Đài PT-TH Bình Dương); Chuỗi tác phẩm Xây dựng hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ (Báo Nhân Dân); Chuỗi bài “Để khởi nghiệp đi vào chiều sâu” (Báo Người Lao Động); Biến nông sản “bỏ đi” thành tinh dầu cao cấp (Báo Người Lao Động); Hiệu quả từ Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (Báo Nhân Dân); Mở rộng ứng dụng công nghệ blockchain (Báo Sài Gòn Giải Phóng);…

doituong3.jpg

Được xướng tên trong Top 10 của nhóm 4 (các tổ chức, cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp) là những gương mặt có nhiều đóng góp, tích cực hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo khởi nghiệp tại TP.HCM. Nổi bật như Trường Đại học Nguyễn Tất Thành - Hành trình ươm mầm khởi nghiệp cho sinh viên và giảng viên; Ông Đỗ Văn Long - Chủ tịch HĐQT/CEO Công ty Cổ phần Vietnam Blockchain hỗ trợ quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp ở Việt Nam; Quỹ đầu tư BESTB CAPITAL - Kiến tạo giá trị doanh nghiệp Việt; Quỹ đầu tư mạo hiểm Expara Vietnam – Leading Venture Creation; Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Chuyển giao Công nghệ (CITT);…

doituong4.jpg

Giải thưởng I-Star do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức thường niên nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố. Qua 4 năm tổ chức (2018 – 2021), I-Star đã có hơn 1.000 hồ sơ của 4 nhóm đối tượng tham gia, trong đó 43 hồ sơ đã được trao giải. Top 40 của I-Star 2022 sẽ tiếp tục kêu gọi bình chọn đến ngày 30/9. Sau khi vào đến chung kết, các hồ sơ dự thi sẽ qua vòng sơ khảo và vòng chấm giải của ban giám khảo chuyên môn để tìm ra 3 giải đồng hạng ở mỗi nhóm. Lễ công bố kết quả và trao giải thưởng sẽ được tổ chức trong tháng 10/2022.

Toàn bộ bài dự thi Giải thưởng I-Star 2022 và danh sách 40 hồ sơ vào Top 40 được đăng tải tại: www.doimoisangtao.vn/giaithuong2022.

Thông tin liên hệ: Ban tổ chức Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: 244 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 028.39320122 (ông Đào Tuấn Anh) – 0907.176.313 (bà Đặng Thị Luận)

Email: giaithuong@doimoisangtao.vn

Lam Vân (CESTI)

Hợp chất nano carbon (aerogel carbon, carbon nanotube) được tổng hợp ở quy mô công nghiệp là giải pháp hiệu quả cao về mặt kinh tế lẫn tính tiện dụng để thay thế than hoạt tính vẫn thường được trang bị trong các mặt nạ phòng hóa.

 

Thực tế cho thấy, các loại mặt nạ phòng hóa có tác dụng hấp phụ khí độc hiệu quả hiện được bán trên thị trường thường có kết cấu phức tạp, và giá thành khá đắt (từ trên 1,5 triệu đồng/cái). Bên cạnh đó, nguyên liệu thông dụng sử dụng trong hầu hết hộp lọc (gắn trên mặt nạ) là than hoạt tính vốn có khối lượng lớn nên cũng tương ứng làm tăng khối lượng tổng thể của mặt nạ, khiến người dùng có phần bất tiện trong thao tác và hơn hết là việc bảo quản đòi hỏi sự phức tạp nhất định. 

Không chỉ được trang bị cho nhu cầu huấn luyện, diễn tập và tác chiến quân sự, nhiều loại mặt nạ phòng hóa cũng đã và đang được khai thác, đưa vào sử dụng trong hoạt động dân sinh như phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, y tế và nông nghiệp. 

Trước nhu cầu rất lớn về "một công nghệ lớp lọc không khí" ở quy mô đơn giản có khả năng thay thế cho toàn bộ hay một phần trong bộ phận hộp lọc của mặt nạ phòng hóa, đồng thời chi phí sản xuất không quá cao, nhằm tăng cường khả năng bảo vệ đường hô hấp cho người dân cũng như các lực lượng chức năng trong hoạt động nghiệp vụ, nhóm chuyên gia tại Viện Nhiệt đới Môi trường đã triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Nghiên cứu công nghệ chế tạo tấm lọc xử lý hơi độc bằng carbon nano ứng dụng trong mặt nạ phòng hóa".

Báo cáo trước hội đồng tư vấn nhiệm vụ vừa được Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức, PGS. TS. Lê Anh Kiên, chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, trong những năm gần đây xu hướng phát triển mạnh của vật liệu carbon aerogel (CA) cũng như carbon nanotube (CNT) đang diễn ra tại Việt Nam và trên thế giới. Theo đó, carbon aerogel có nhiều tính chất vật lý nổi bật như diện tích bề mặt riêng lớn, độ xốp cao, khối lượng riêng nhỏ…nên được ứng dụng làm điện cực, siêu tụ điện, pin, màng lọc khí, chất xúc tác hiệu quả để giảm lượng khí thải nitơ oxit từ khí thải ôtô, chất thân thiện với môi trường thay thế CFC có hại trong tủ lạnh. Hơn nữa, carbon aerogel có khả năng hấp phụ, lưu trữ khí, làm sạch không khí, kiểm soát ổ nhiễm không khí từ khí thải công nghiệp và khí thải động cơ. 

Trong khi đó, carbon nanotube là vật liệu nano carbon dạng ống với đường kính ở kích thước nanomet (1-20nm), có chiều dài từ vài nm đến micromet (thậm chí đến cả centimet). Với cấu trúc tinh thể, carbon nanotube có nhiều tính năng đặc biệt như tính đàn hồi, khả năng phát xạ, diện tích bề mặt riêng lớn rất thích hợp để làm vật liệu hấp phụ. Do đặc tính kết tụ thành từng bó nhỏ nên kích thước lỗ xốp trên bề mặt bó carbon nanotube lớn hơn trên carbon hoạt tính và bề mặt carbon nanotube tích điện dương hơn carbon hoạt tính. Đây là hai đặc tính chính làm cho carbon nanotube  có khả năng hấp phụ các chất hữu cơ tự nhiên rất tốt. 

"Hiện nay, yêu cầu vật liệu lọc sử dụng cho hộp lọc hơi khí độc là phải có khối lượng nhỏ nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của người sử dụng, nhưng đồng thời hiệu quả lọc lại cao nhất", TS Lê Anh Kiên thông tin, "Vì thế hiện nay, người ta dùng các vật liệu lọc là vật liệu xốp, nhẹ có nguồn gốc từ carbon. Đây là loại vật liệu có khối lượng riêng nhỏ, diện tích bề mặt riêng lớn, dung lượng hấp phụ cao, kích thước lỗ nhỏ (cỡ nano), một số có khả năng kháng nước, kháng ẩm, dầu và kháng khuẩn".

Nhóm nghiên cứu khẳng định, tính đến thời điểm tháng 6/2022, đội ngũ chuyên gia - nhà khoa học thuộc Viện Nhiệt đới môi trường đã hoàn thiện các mục tiêu đề ra của nhiệm vụ, đó là hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo tấm lọc sử dụng carbon nanotube  (CNT); quy trình công nghệ chế tạo tấm lọc sử dụng carbon aerogel (CA); và đặc biệt nhất là quy trình sản xuất tấm lọc phủ hỗn hợp nano carbon để phòng khí độc.

MNPD1

Sản phẩm của nhiệm vụ khoa học - công nghệ được Viện Nhiệt đới Môi trường thực hiện và báo cáo nghiệm thu hồi cuối quý 2/2022

Cụ thể, TS. Lê Anh Kiên và cộng sự đã tổng hợp được vật liệu carbon nanotube  (CNT) với một số tính chất ưu điểm: có cấu trúc ống và bó ống dài vài trăm nanomet, đường kính ống tương đối nhỏ, trung bình 30nm, thành ống mịn, ít khuyết tật; diện tích bề mặt riêng 240,166 m2/g, có nhiều lỗ xốp meso và marco, kích thước lỗ xốp trung bình khoảng 2,380nm; cấu trúc lỗ xốp đa phần hình trụ hở 2 đầu.

"CNT tổng hợp được có hình thái và cấu trúc tương đối giống với CNT thương mại có trên thị trường", đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ khẳng định. 

MNPD2

TS Lê Anh Kiên trình bày kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ

Ngoài ra, nhóm đã tổng hợp được vật liệu carbon aerogel (CA) có nhiều tính chất nổi bật như khối lượng riêng thấp 0,24-0,26 g/cm3, diện tích bề mặt riêng lớn 900-1163 m2/g, độ bền nhiệt cao với nhiệt độ phân hủy khoảng 500 độ C. Kích thước lỗ rỗng còn tương đối lớn, đường kính lỗ xốp trung bình vẫn nằm trong khoảng meso và khoảng phân bố rộng.

Đối với từng loại vật liệu, nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm đánh giá khả năng hấp phụ khí bằng phép đo độ hấp phụ được thực hiện tại Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) với các khí HCN, C6H6, CCl3NO2 theo tiêu chuẩn TCVN/QS 1223:2010

MNPD3

Đánh giá khả năng hấp phụ của từng loại vật liệu

Kết quả cho thấy, thời gian bảo vệ đối với các khí độc của vật liệu CA tốt hơn so với hỗn hợp CNT/CA và CNT. Hiệu quả bảo vệ giảm khi tăng lượng CNT, nguyên nhân là do CNT có diện tích bề mặt riêng thấp hơn rất nhiều so với CA. Bên cạnh đó, số liệu kiểm nghiệm cũng cho thấy vật liệu CA với khối lượng ít hơn lượng than hoạt tính đang trang bị trong hộp lọc MV5 (thường được sử dụng cho các lực lượng cứu hộ - cứu nạn chuyên nghiệp, và thậm chí trong lĩnh vực quốc phòng) cũng đã cho hiệu quả đáp ứng được tiêu chuẩn TCVN/QS 1223:2010. 

"Điều này cho thấy khả năng sử dụng vật liệu CA hoàn toàn có thể thay thế than hoạt tính trong hộp lọc MV5", TS. Lê Anh Kiên chia sẻ.

MNPD4

Phương pháp chế tạo tấm lọc khí độc với lớp phủ carbon nanotube (trái); và carbon aerogel

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm chuyên gia tại Việt Nhiệt đới Môi trường cũng sử dụng bộ vỏ hộp lọc độc quân sự MV5 đã có để thiết kế, chế tạo hộp lọc độc dùng vật liệu lọc độc là carbon nano được tổng hợp từ quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ. 

Đại diện Viện Nhiệt đới Môi trường cho biết thêm, với Quy trình công nghệ chế tạo tấm lọc sử dụng carbon nanotube (CNT) và Quy trình công nghệ chế tạo tấm lọc sử dụng carbon aerogel (CA); cũng như Quy trình sản xuất tấm lọc phủ hỗn hợp nano carbon để phòng khí độc, có thể khẳng định rằng, đội ngũ kỹ sư - chuyên gia Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ tổng hợp carbon nano, để từ đó đưa vào sản xuất tấm lọc phủ hợp chất này để ứng dụng vào mặt nạ phòng hóa ở quy mô công nghiệp ở mức chi phí thấp. Đáng chú ý, với việc đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về sinh hóa, các loại tấm lọc phủ carbon nano là kết quả của nhiệm vụ khoa học - công nghệ này có thể sử dụng hiệu quả đồng thời trong các hoạt động phòng cứu hộ - cứu nạn dân sự lẫn tác chiến quân sự, mang tới sự linh hoạt tối đa cho sản phẩm. Từ đó, Viện Nhiệt đới Môi trường kiến nghị Sở KH&CN TPHCM và các đơn vị hữu quan tiếp tục tạo điều kiện để để ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài vào thực tế, cũng như đưa vào sản xuất thực nghiệm trên quy mô lớn.

Thông tin liên hệ:

Viện Nhiệt đới môi trường

Địa chỉ: 57A Trương Quốc Dung, Q.Phú Nhuận, TP.HCM

Số điện thoại: (028.3844.6262 – 0918053364) 

Email: leanhkien@hcmut.edu.vn 

Đây là luận cứ khoa học khảo sát đáp ứng miễn dịch trong thời gian 6 tháng sau tiêm đủ 2 liều vaccine ChAdOx1 nCoV-19 (AZD1222) ở nhân viên y tế và người thân trong gia đình.

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu đánh giá đáp ứng miễn dịch sau tiêm chủng vaccine ChdOx1 nCoV-19 (AZD1222)”. Đây là nhiệm vụ do Đại học Y dược TP.HCM chủ trì thực hiện.

covid19

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Bắc (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết, nhóm thực hiện đã phân tích nồng độ kháng thể anti-S (bao gồm IgG) và kháng thể trung hòa hiện diện trong huyết thanh của người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin ChAdOx1(S) nCoV-19 trong khoảng thời gian 180 ngày (sau 6 tháng tiêm đủ 2 liều) nhằm cung cấp cơ sở dữ liệu về khả năng sinh miễn dịch sau tiêm đủ liều của loại vắc xin này.

ChAdOx1 nCoV-19 (AZD1222) là vắc xin được đồng phát triển bởi Đại học Oxford và hãng dược nổi tiếng thế giới – AstraZeneca (Anh), sử dụng công nghệ vector adenovirus, có mã di truyền là một phần gai protein được gọi tên là Spike hoặc S trên bề mặt của vi rút SARS-CoV-2. Gai protein này được gắn vào một loại vi-rút cảm là “vật mang” (adenovirus), không có khả năng gây hại, và không thể tăng sinh hoặc gây ra sự nhiễm trùng. Adenovirus có tác dụng đưa gai protein vào các tế bào của người được tiêm, sau đó, các tế bào trong cơ thể người được tiêm sẽ sản sinh các gai protein này. Hệ thống miễn dịch của người được tiêm sẽ được kích hoạt tạo ra kháng thể và tế bào miễn dịch chống lại vi-rút SARS-CoV-2. Vắc-xin ChAdOx1(S) nCoV-19 đã được cấp phép ở 138 quốc gia và được sử dụng cho hàng triệu người nên việc đánh giá hiệu quả của vắc xin ở nhiều quần thể khác nhau sẽ mang lại ý nghĩa quan trọng cho chiến lược tiêm chủng toàn cầu và sự phát triển của vắc xin thế hệ tiếp theo. Tại Việt Nam, đây là loại vắc xin đã được đưa vào sử dụng trong tiêm phòng SARS-CoV-2 từ tháng 3 năm 2021.

Theo đó, các mẫu máu được chuyển tới Khoa Xét nghiệm (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), ly tâm và tách chiết huyết thanh để đo kháng thể anti-N, kháng thể anti-S (bao gồm IgG) và kháng thể trung hòa ở 4 thời điểm trên bằng phương pháp ELISA. Nếu người tham gia đã nhiễm bệnh thì ngoài dữ liệu từ Phiếu thông tin thu thập trước khi lấy mẫu, xét nghiệm kháng thể anti-N sẽ cho kết quả dương tính. Những trường hợp “dương tính” với kháng thể anti-N sẽ được nghiên cứu viên thông báo kết quả xét nghiệm kháng thể và loại khỏi nghiên cứu.

Sau quá trình triển khai nhiệm vụ, nhóm thực hiện nhận xét 100% người tham gia có sự hiện diện của kháng thể anti-S và giảm dần nồng độ qua các thời điểm. Tý lệ giảm nồng độ kháng thể anti-S là 46% ở thời điểm 90 ngày (3 tháng) và hơn 67% ở thời điểm 180 ngày (6 tháng) sau tiêm mũi 2. Ở thời điểm 180 ngày, kháng thể ở nhóm 40-59 tuổi có nồng độ trung bình thấp nhất, và khác biệt theo nhóm tuổi. Vì vậy, nhóm thực hiện kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích và hỗ trợ người dân thực hiện tiêm mũi tăng cường nhằm củng cố đáp ứng miễn dịch, ngăn chặn dịch bùng phát trở lại.

Hoàng Kim (CESTI)

Điều đáng mừng là Viện – trường đã hình thành thói quen chủ động hợp tác với doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.

Ngày 19/8/2022, Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) tổ chức Hội thảo “Thực trạng cơ chế, chính sách và giải pháp tạo động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu hình thành từ ngân sách nhà nước”. Hội thảo thuộc Đề án thành phần “Thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh khu vực phía Nam”.

220822hk1.jpg

Ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu đề dẫn hội thảo

Tại hội thảo, các đơn vị, tổ chức đã trình bày các tham luận gồm: “Thực tiễn triển khai thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ ngân sách nhà nước ở trường Đại học Bách Khoa”, “Công tác chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học tại Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao”, “Thực tiễn thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu ở Viện Công nghệ Nano”.

Các báo cáo tham luận cho thấy Viện – trường đã hình thành thói quen chủ động hợp tác với doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Điển hình như Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) đã thực hiện tổng số 5.594 hợp đồng trong giai đoạn 2012-2021, doanh thu chuyển giao công nghệ từ năm 2015 tới nay đều vượt mức 100 tỷ đồng/năm. Trong giai đoạn 2010-2021, Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao (AHRD) đã chuyển giao công nghệ cho trên 65 doanh nghiệp, tổ chức, hộ nông dân ở địa bàn TP.HCM, các tỉnh khu vực phía Nam, Tây Nguyên và khu vực duyên hải Trung Bộ và phía Bắc theo các tiêu chí “chìa khóa trao tay”, “cầm tay chỉ việc”, đồng thời tổ chức trên 110 lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn, dạy nghề với hơn 5.200 lượt người tham dự về các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Viện Công nghệ Nano (INT) triển khai hợp tác với nhiều địa phương và doanh nghiệp, thực hiện các dự án ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, môi trường, y sinh, mực in nano bạc… phục vụ phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ cộng đồng.

220822hk3.jpg

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm tại Tọa đàm “Những điểm nghẽn cần tháo gỡ về cơ chế chính sách và giải pháp nhằm tạo động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu”. Đó là những vấn đề về triển khai các mô hình thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; rà soát, đánh giá hiện trạng và xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách tạo động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ….

220822hk2.jpg

Không chỉ vậy, các đại biểu còn nêu một số hạn chế trong hoạt động chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như khâu định giá sản phẩm – công nghệ muốn chuyển giao chưa có cơ chế rõ ràng. Hay quy định phân chia lợi nhuận chưa thống nhất, đặc biệt khi kết quả nghiên cứu khoa học cần phát triển thêm để phù hợp với nhu cầu thực tế.

Hoàng Kim (CESTI)

Rung siêu âm trong đúc kim loại là công nghệ phụ trợ sạch, cải tiến chất lượng vật đúc mà không sử dụng các hóa chất phụ gia công nghiệp nên mang lại tác động tích cực với môi trường và năng lượng. Công nghệ này khi áp dụng vào quá trình sản xuất sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm đúc trong khuôn kim loại, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô. 

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất đúc hợp kim nhôm sử dụng phương pháp đúc áp lực cao. Phương pháp này tạo ra sản phẩm đúc có chất lượng bề mặt rất tốt, các chi tiết thành mỏng có độ sắc nét cao. Tuy nhiên, nhược điểm lớn của phương pháp này là chi phí đầu tư ban đầu cao và yêu cầu sản lượng phải đủ lớn, đồng thời hợp kim đúc phải được tinh luyện kỹ lưỡng. 

Các nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra 2 phương án công nghệ nhằm cải thiện chất lượng kim loại và vật đúc gồm: xử lý trực tiếp kim loại lỏng và xử lý gián tiếp bằng rung khuôn. Trong đó, phương pháp xử lý trực tiếp kim loại lỏng (sử dụng tần số cao – siêu âm) yêu cầu đầu rung siêu âm nhúng trực tiếp vào bể kim loại lỏng để truyền dao động siêu âm. Điều này yêu cầu vật liệu của đầu rung có khả năng chịu nhiệt, đồng thời nhiệt độ của đầu rung phải được kiểm soát để đảm bảo tính ổn định của quy trình sản xuất. Trong khi đó, phương pháp rung khuôn khi đúc chỉ mới được nghiên cứu thực hiện với tần số thấp, điều này không tận dụng được các hiệu ứng như xâm thực hay luồng dao động nhằm tác động mạnh mẽ đến quá trình kết tinh của kim loại. Hơn nữa, việc rung khuôn tần số thấp với các thiết bị như bàn rung, động cơ lệch tâm có biên độ tương đối lớn sẽ khiến cho độ chính xác và chất lượng bề mặt của chi tiết đúc bị ảnh hưởng. 

Chính vì thế, TS. Nguyễn Thanh Hải và cộng sự tại Trường Đại học Bách Khoa TPHCM (ĐHQG TPHCM) đã triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu công nghệ và thiết bị rung siêu âm ứng dụng đúc hợp kim nhôm trong khuôn kim loại”. Đây là hướng đi rất mới, ứng dụng rung khuôn siêu âm khi đúc khuôn kim loại tĩnh, hoàn toàn có thể tạo nên một quy trình sản xuất mới trong thực tế, tạo ra sản phẩm đúc có chất lượng tương đương như đúc áp lực mà không cần đầu tư chi phí cho thiết bị đúc áp lực. Từ đó, giúp các doanh nghiệp sản xuất đúc truyền thống cải tiến dây chuyền sản xuất, thậm chí có thể phối hợp triển khai thực hiện thử nghiệm, tiến đến sớm chuyển giao công nghệ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

hkn1

Trọn bộ giải pháp được nhóm kỹ sư - chuyên gia tại Đại học Bách Khoa TPHCM hoàn thiện, vận hành ổn định.

hkn2

Thiết bị đúc nhôm sử dụng khuôn rung siêu âm

TS Nguyễn Thanh Hải cho biết, trong nghiên cứu đã sử dụng dao động siêu âm với tần số 20kHz và công suất 2kW sẽ tác động trực tiếp vào khuôn vật đúc trong quá trình đông đặc. Thông số này dựa trên các tính toán về ngưỡng xâm thực của hợp kim nhôm lỏng, đồng thời là thông số được lựa chọn cho phù hợp với các yêu cầu về khả năng của thiết bị và quy định về tiếng ồn khi hoạt động. 

Các nghiên cứu trước đây cho thấy, mức tần số 20kHz là phù hợp, cao hơn mức tần số này, thiết bị không đảm bảo công suất hay nói cách khác do biên độ dao động quá nhỏ làm cho khả năng truyền sóng và phạm vi ảnh hưởng của siêu âm giảm xuống, từ đó các tác động đến chất lượng của vật đúc không đáng kể. Còn với mức tần số thấp hơn 20kHz thì sẽ gây tiếng ồn khó chịu ảnh hưởng đến người lao động trong quá trình sản xuất. 

Quá trình đúc được thực hiện với hệ thống lò nấu, rót kim loại và hệ rung siêu âm được thiết kế và chế tạo theo yêu cầu nghiên cứu. Kết quả thực nghiệm cho thấy khi có siêu âm, mẫu đúc đạt kết quả tốt hơn, cụ thể giảm và gần như không có khuyết tật bên trong, cơ tính độ bền kéo của vật đúc bằng hợp kim nhôm tăng, tổ chức cấu trúc tế vi mịn hơn, giảm thiên tích từ đó cải thiện chất lượng vật đúc bên trong. Vì thế, việc áp dụng rung siêu âm khi đúc trong khuôn kim loại tĩnh giúp cải thiện chất lượng vật đúc đạt được các ưu điểm cao khá tương tự như đúc áp lực. Công nghệ rung khuôn siêu âm khi đúc khuôn kim loại tĩnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến các quy trình đúc trong khuôn kim loại tĩnh, mà chỉ cần đầu tư chi phí thấp hơn.

hkn3

Thiết kế mẫu đúc

Ngoài ra, nhóm thực hiện còn chú ý đến quá trình đông đặc dưới tác động siêu âm trên vật liệu là hợp kim nhôm. Theo đó, nhóm đã chọn nhôm ADC12 để tiến hành nghiên cứu vì đây là loại hợp kim có hàm lượng Silic cao (8-12%), thường được dùng làm nguyên liệu trong các nhà máy sản xuất các bộ phận, phụ tùng bằng hợp kim nhôm (thiết bị điện tử, linh kiện ô tô, xe điện, xe máy, máy móc công – nông nghiệp…) theo phương pháp đúc áp lực. 

TS Nguyễn Thanh Hải nhận định, quá trình đông đặc nhôm ADC12 có thể làm nền tảng để tiếp tục triển khai các nghiên cứu mới về công nghệ và thiết bị cho việc đúc các chi tiết và kết cấu kim loại khác, thậm chí là nghiên cứu chuyên sâu về các phương pháp công nghệ cải thiện chất lượng của vật đúc nói chung và đúc trong khuôn kim loại nói riêng. Bởi vì, nhóm hợp kim Al - Si có đặc trưng là khả năng đúc tốt, chống ăn mòn tốt, có thể gia công cắt gọt và hàn, chiếm khoảng 85-90% tổng sản lượng nhôm đúc được sản xuất. 

hkn4

Thiết kế khuôn đúc

Thiết bị đúc hợp kim nhôm có hỗ trợ rung khuôn siêu âm được thiết kế và chế tạo với các thông số kỹ thuật có quy mô phòng thí nghiệm. Thiết bị bước đầu có khả năng vận hành tốt, đúc được các sản phẩm có chất lượng cao. Với một số thiết kế khuôn thay đổi, thiết bị có thể đúc được các mẫu thử dùng cho đo kiểm cũng như các chi tiết cơ khí kích thước nhỏ dùng trong một số máy móc thông dụng. 

HKN5

Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ do Sở KH&CN TPHCM tổ chức hồi quý 2/2022 trực tiếp kiểm sát thiết bị - giải pháp thành phẩm tại trường Đại học Bách khoa TPHCM

"Tuy việc chuyển giao ứng dụng thiết bị này vào sản xuất thực tế vẫn còn một chặng đường lâu dài, nhưng hoàn toàn có thể rút ngắn nếu có sự phối hợp tích cực của doanh nghiệp ngành đúc. Đó là sự đào tạo nhân lực vận hành quy trình công nghệ đúc có hỗ trợ siêu âm, sự thay đổi thiết kế khuôn và cải tiến công suất máy cho phù hợp với quy mô sản xuất thực tế nhằm hoàn thiện quy trình công nghệ ứng dụng siêu âm để cải thiện chất lượng vật đúc", đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ chia sẻ thêm.

Nhóm tác giả cũng đề xuất cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng khả năng ứng dụng công nghệ rung siêu âm ứng dụng đúc hợp kim nhôm trong khuôn kim loại như: cải tiến công suất nguồn siêu âm, kích thước vật đúc và khuôn, các yêu cầu về xử lý hợp kim đúc trong quá trình nấu chảy và rót vào khuôn.

Thông tin liên hệ:
Phòng Khoa học Công nghệ và Dự án (Đại học Bách Khoa TPHCM)
Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, phường 14, Quận 10, TPHCM
Điện thoại: (028) 38636856

Email: khcn@hcmut.edu.vn 

Website: http://www.khcn.hcmut.edu.vn/ 

Việc hợp tác giữa SHTP Labs và ICST được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hoạt động đưa kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ vào ứng dụng thực tiễn sản xuất. Đồng thời, là gợi mở để TP.HCM có thêm nhiều mối hợp tác tương tự.

Ngày 19/8/2022, Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP Labs) cùng Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán (ICST, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) ký thỏa thuận hợp tác triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

220821hk3.jpg

Đại diện SHTPLABS và ICST công bố nội dung ký kết hợp tác

Trong những năm gần đây, SHTP Labs và ICST đã cùng thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Điển hình là nhiệm vụ thiết kế tính toán quang phổ cấu trúc nano vàng bằng phương pháp tính toán hóa học lượng tử và so sánh với thực nghiệm, chế tạo nano vàng với cấu trúc lưỡng tháp tam giác và ngôi sao bằng phương pháp vi sóng; ứng dụng làm chất kháng vi khuẩn, tạo ra các sản phẩm hỗ trợ điều trị viêm da. Từ kết quả nhiệm vụ, hai bên đã thương mại hóa thành công sản phẩm trị mụn ACNE GOLDSTAR (hiện đang do Công ty TNHH Mediworld phân phối độc quyền) ứng dụng nano vàng ngôi sao.

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, tuy Viện - trường thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ mang tính ứng dụng cao nhưng thực tế vẫn chưa được triển khai nhiều. Hạn chế này một phần là do sự gắn kết giữa các đơn vị thực hiện nhiệm vụ với doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Việc hợp tác giữa SHTP Labs và ICST được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh việc đưa kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ vào ứng dụng thực tiễn sản xuất. Đồng thời, là gợi mở để TP.HCM có thêm nhiều mối hợp tác tương tự.

220821hk1.jpg

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại buổi ký kết

Theo thỏa thuận, SHTP Labs và ICST sẽ cùng phối hợp nghiên cứu, thiết kế, mô phỏng, chế tạo linh kiện vi cơ điện tử (ứng dụng trong các ngành công nghiệp và y tế); nghiên cứu tính toán và chế tạo các vật liệu cấu trúc nano (graphene, nano vàng, nano bạc) để ứng dụng trong sản xuất công nghiệp. Hai bên cũng sẽ hợp tác biên soạn tài liệu khoa học về việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đồng thời phối hợp triển khai ứng dụng, thương mại hóa kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Ông Ngô Võ Kế Thành (Giám đốc SHTP Labs) khẳng định, thỏa thuận hợp tác giữa SHTP Labs và ICST sẽ phát huy thế mạnh của hai đơn vị, đặc biệt là khi phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có hàm lượng chất xám khoa học và công nghệ cao. Mục tiêu sắp tới là sẽ triển khai ứng dụng nhiều hơn nữa các kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hướng đến tăng số lượng sản phẩm thương mại hóa đưa vào phục vụ cuộc sống.

Hoàng Kim (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353