SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ngày 9-1, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Vị trí, vai trò của đại học khởi nghiệp trong phát triển đô thị sáng tạo, thông minh”. Hơn 50 nhà khoa học, diễn giả trong và ngoài nước đến dự.

Vai trò của đại học trong phát triển đô thị sáng tạo, thông minh

Các đại biểu tham quan mô hình rô-bốt tự động được trưng bày tại hội thảo.

Tại hội thảo, PGS, TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG) cho biết, từ năm 2014, ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã chủ trương xây dựng Khu công nghệ phần mềm (ITP) thành một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo gắn kết với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại TP Hồ Chí Minh và quốc gia. Qua đó, làm nền tảng khởi nghiệp tiềm năng cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đã và đang trực tiếp hỗ trợ 40 dự án khởi nghiệp. Các dự án khởi nghiệp này trực tiếp tạo ra 300 việc làm và là môi trường thực tập hàng trăm sinh viên mỗi năm.

ĐHQG TP Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu đến năm 2020, ITP sẽ trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp năng động ở phía Đông TP Hồ Chí Minh. Đồng thời là nơi tập trung của khoảng 100 doanh nghiệp khởi nghiệp với 2.000 việc làm và là nơi thực tập của 2.000 sinh viên mỗi năm.

Cũng tại hội thảo, các nhà khoa học, diễn giả đã tập trung thảo luận về tầm nhìn và nhận thức chung về khu đô thị sáng tạo, thông minh, định hình những bước đi thực tế trong việc phát triển, xây dựng khu đô thị sáng tạo mà ĐHQG TP Hồ Chí Minh đang hướng đến. Theo đó, các đại biểu nhấn mạnh đến ba mỏ neo, đó là: Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Khu đô thị mới Thủ Thiêm và ĐHQG TP Hồ Chí Minh để làm nền tảng xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía đông TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, hội thảo cũng tập trung thảo luận về bản chất của khu đô thị đại học sáng tạo, thông minh là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao. Thực tiễn từ các nước cho thấy, các hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo luôn gắn với sự tiên phong của các trường đại học, đóng vai trò là nguồn cung các nhà cách tân và doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng, chủ thể của hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp.

CAO TÂN - NDĐT

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong trường đại học (ĐH) được các quốc gia xây dựng với yếu tố cốt lõi là con người cùng với sự tham gia hợp tác, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, Chính phủ.

Con người là nguồn lực cốt lõi của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo - 1

Con người được các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong trường ĐH nhiều quốc gia xem tài sản cốt lõi. Ảnh: Hà Thế An.

Đây là những kinh nghiệm được đại diện một số quốc gia như Singapore, Thái Lan xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong trường ĐH tại hội thảo “Vị trí, vai trò của ĐH khởi nghiệp trong phát triển đô thị sáng tạo, thông minh” tổ chức sáng 09/01.

Hội thảo do Khu công nghệ phần mềm, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức với sự tài trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

Bà Natcha Thawesaengskulthai, Phó chủ tịch phụ trách đổi mới sáng tạo của ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) cho biết, nhân tố con người được coi là trung tâm để xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong trường ĐH.

Theo bà Natcha, trước đây các nghiên cứu trong trường ĐH tại Thái Lan cũng bị xem xa rời thực tế, và không tạo được nhiều giá trị cho xã hội. Tuy nhiên, sau đó các trường ĐH đã mạnh dạn hợp tác với khối tư nhân với sự tài trợ từ Chính phủ để tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong trường ĐH.

“Chúng tôi coi con người là những hạt giống để nuôi dưỡng và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Kiến thức của sinh viên sẽ cùng với các thành tố khác trong hệ sinh thái chuyển đổi thành những mô hình, sản phẩm cụ thể”- bà Natcha nói.

Tại ĐH Chulalongkorn đang có hệ sinh thái mang tên CU Innovation Hub, với sự tham gia của sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp lớn, các chuyên gia khởi nghiệp… với sự hỗ trợ của Chính phủ.

“CU Innovation Hub đã tạo ra một môi trường cùng làm việc, cùng nhau chơi để cho mỗi người có thể thoải mái sáng tạo. Đã có những hạt giống khởi nghiệp từ sinh viên phát triển thành các dự án khởi nghiệp có sự tăng trưởng tốt. Đó là những gì chúng tôi đã làm được trong suốt hơn 1 năm qua”- bà Natcha chia sẻ.

Tại Thái Lan, có 3 khu công nghệ cao lớn nhất ở phía Tây Bắc, Đông Bắc, phía Nam đều có một trường ĐH nằm trong đó.

ĐH kết nối mật thiết với các khu công nghệ cao chính là mục tiêu của dự án OneHub Saigon sẽ được triển khai trong thời gian tới. Đây là dự án đầu tư do Ascendas - Singbridge (Singapore) thực hiện.

Theo ông Koh Mui Kwang, Giám đốc Ascendas - Singbridge, dự án OneHub Saigon sẽ kết nối ĐH Quốc gia và Khu công nghệ cao TP.HCM bằng việc xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động sáng tạo.

Theo đó, đơn vị đầu tư sẽ xây dựng tổng cổng 11 tòa nhà với mục đích tạo ra môi trường sống, làm việc cho cộng đồng. Các doanh nghiệp tại tại Khu công nghệ cao TP.HCM như Intel, Samsung…cũng sẽ được thu hút tham gia vào hệ sinh thái phục vụ cho hoạt động sáng tạo.

“Tạo ra không gian bằng những tòa nhà làm việc nhằm kết nối cộng đồng. Khách hàng chúng tôi chính là sinh viên, doanh nghiệp, nhà khoa học... Chúng tôi tin rằng, với những nỗ lực đó, sẽ tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại TP.HCM”- ông Koh Mui Kwang nói.

 
Hà Thế An - khampha.vn

Theo Ban tổ chức, việc gia hạn thời gian nhận bài dự thi nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tìm hiểu và hoàn thiện hồ sơ dự thi theo đúng quy định.

 

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa công bố sẽ kéo dài thời hạn nhận bài dự thi Cuộc thi sáng chế năm 2018 đến hết ngày 31/1/2019.

Theo Ban tổ chức, việc gia hạn thêm 30 ngày này nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham dự Cuộc Thi Sáng chế 2018 tìm hiểu và hoàn thiện hồ sơ dự thi theo đúng quy định. Các hoạt động hướng dẫn, tư vấn cho các tổ chức, cá nhân có giải pháp kỹ thuật đăng ký dự thi vẫn được thực hiện cho đến hết thời gian nhận hồ sơ dự thi nêu trên.

Gia hạn cuộc thi Sáng chế 2018: Đăng kí liền tay, thi ngay kẻo lỡ - 1

Đại diện lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, Ban khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam tại lễ phát động cuộc thi vào ngày 16/8/2018 

Với chủ đề “Sáng tạo công nghệ cho cuộc sống hàng ngày”, cuộc thi nhằm khuyến khích các hoạt động sáng tạo nhằm tạo ra các công nghệ, giải pháp kỹ thuật mới có tính ứng dụng rộng rãi, dễ dàng và tiết kiệm chi phí để đáp ứng các nhu cầu thiết thực của cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Trước đó, Bộ KH&CN đã tổ thành công của Cuộc thi Sáng chế các năm 2013, 2014. Cuộc thi năm nay, Bộ KH&CN giao Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan thường trực, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam (VTV2) tổ chức thực hiện. 

Tại TP.HCM, Giải thưởng Sáng chế TP.HCM do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì được hình thành từ năm 2008 nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ trong phong trào sáng tạo kỹ thuật của TP.HCM. 

Trước đó, tháng 10/2018, Sở KH&CN TP.HCM cũng vừa vinh danh 7 sáng chế ấn tượng và hữu ích nhất năm. Giải thưởng năm 2018 không có giải nhất, gồm: 1 giải nhì, 3 giải ba và 3 giải khuyến khích.

Gia hạn cuộc thi Sáng chế 2018: Đăng kí liền tay, thi ngay kẻo lỡ - 2

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, trao giải nhì Giải thưởng Sáng chế TP.HCM cho nhà sáng chế Trần Kim Qui 

Giải nhì trị giá 10 triệu đồng đã được trao cho tác giả Trần Kim Qui với sáng chế “Quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt”. 

 3 sáng chế đạt giải 3 trị giá 7 triệu đồng là máy ép gạch ống định hình không nung hoạt động theo nguyên lý chày tạo lỗ có chuyển động tách rời với khuôn cối (tác giả Nguyễn Chí Dũng); Hệ thống và phương pháp giám sát quy trình sản xuất thông qua việc trao đổi thông tin theo thời gian thực (tác giả Phạm Quốc Đạt); Bộ cổ quạt có cơ cấu quạt xoay 360 độ (tác giả Trần Chí). 

Các sáng chế đạt giải khuyến khích là: Hệ thống hỗ trợ điều khiển từ xa (tác giả Nguyễn Xuân Hoàng); Mũ bảo hiểm thoáng khí (tác giả Trương Thành Lễ) và Chủng vi khuẩn Edwardrosiela Ictaluri giảm độc lực mang gen WZZ đột biến và vacxin chứa chủng vi khuẩn này (thuộc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM). 

Giải thưởng sáng chế TP.HCM và các hoạt động triển khai có liên quan, đã góp phần thúc đẩy lượng Đơn đăng ký sáng chế của TP.HCM. Tính đến tháng 11/2017, TP.HCM có 14.789 đơn đăng ký. Trong đó, đăng ký nhãn hiệu có 13.686 đơn, kiểu dáng công nghiệp có 776 đơn, sáng chế, giải pháp hữu ích có 327 đơn. 

Cũng trong giai 2016 - 2020, TP.HCM đạt mục tiêu nâng lượng đơn đơn ký sáng chế lên 400 đơn/năm so với mức 200 đơn/năm ở giai đoạn 2011 -2015, và nâng lượng bằng độc quyền được cấp cho các chủ thể TP.HCM từ 50 bằng/năm trong năm 2015 lên 100 bằng/năm vào năm 2020. 

Xem chi tiết tại đây

Thảo Hiền - khampha.vn

Bằng việc sử dụng ưu thế lai đời F1, cây cao lương được tổ hợp có năng suất sinh khối cao nhằm phục vụ thức ăn thô xanh, thức ăn ủ chua cho gia súc. 

Đây là kết quả nghiên cứu khoa học của nhóm tác giả Cái Thị Đức, Hồ Thanh Phong, Trương Thị Hạnh và Phạm Văn Đạt - cùng là sinh viên ĐH Nông lâm TP.HCM.

Nhóm sinh viên tạo ra giống 'siêu' cao lương bằng phép lai - 1

Các thành viên nhóm và giáo viên hướng dẫn thực nghiệm phép lai trong một khu vườn cao lương tại TP.HCM. Ảnh: NVCC.

Cao lương không thể thua ngô

Theo tìm hiểu của nhóm, hiện nay lượng cung cấp thức ăn chăn nuôi trong nước mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Không chỉ nhập khẩu thành phẩm, ngành chăn nuôi còn đang phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất…

Mặt khác, vấn đề biến đổi khí hậu đã làm cho diện tích đất hoang hóa ngày càng gia tăng. Điều này đã ảnh hưởng đền nền nông nghiệp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhằm giảm áp lực nguồn thức ăn cung cấp cho ngành chăn nuôi, việc chọn tạo ra loại cây dễ trồng, yêu cầu dinh dưỡng thấp, có thể chống chịu được với điều kiện bất lợi của môi trường là nhiệm vụ cấp bách.

Ở Việt Nam, cao lương được trồng phổ biến ở các khu vực núi cao như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên. khu vực Tây Nguyên. Cao lương là loại thực vật dễ trồng, ít kén đất, sinh trưởng khỏe, canh tác tương tự như sản xuất ngô nhưng chưa được trồng phổ biến tại Việt Nam.

Nguyên nhân chính là do năng suất hạt các giống cao lương ăn hạt thấp (1,5 - 2,5 tấn/ha) và chưa được cải thiện, trong khi chương trình ngô lai đã đạt được bước tiến vượt bậc với năng suất hạt (5,0 - 7,5 tấn/ ha) cao gấp hai đến ba lần so với cao lương.

Vì thế, các thành viên nhóm hướng nghiên cứu chọn tạo giống cao lương ưu thế lai có ý nghĩa thực tiễn lớn trong phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành chăn nuôi.

Tăng năng suất cao lương

Cái Thị Đức, trưởng nhóm cho hay, cây cao lương có thể tạo ra những tổ hợp lai có tính ưu việt như: năng suất sinh khối cao, rút ngắn thời gian sinh trưởng nhằm phục vụ thức ăn thô xanh, thức ăn ủ chua.

“Ngoài ra, cao lương còn có thể lấy hạt để cung cấp thức ăn giàu tinh bột cho chăn nuôi. Hướng sử dụng cao lương ngọt làm nhiên liệu sinh học đang mở ra triển vọng cho cây trồng này tại Việt Nam"- Đức chia sẻ.

Theo đó, quy trình lai tạo cây cao lương gồm các bước: Chọn cây bố mẹ; Khử đực, bao cách ly trước khi lai; Thụ phấn, đánh dấu tổ hợp lai và chăm sóc cây lai.

Sau quá trình thí nghiệm, nhóm đã chọn được 2 tổ hợp lai có năng suất thân lá cao, thời gian sinh trưởng trung bình thích hợp cho việc lấy sinh khối.

Để có được những kết quả đó nhóm gặp không ít khó khăn. Theo Trương Thị Hạnh, thành viên nhóm, khi mới bắt đầu lai do còn chưa quen thao tác khử đực nên hầu hết những cây ban đầu đều không đạt yêu cầu và phải cắt bỏ.

“Có những hôm trời mưa to không lấy được phấn nên tỷ lệ đậu hạt rất thấp. Khó khăn nhất là vào tháng 11 năm 2017. Có một trận bão khá bất ngờ, nhà lưới nơi chăm sóc cây lai bị hư hỏng nặng. Có những cây đã tạo được hạt lai bị gãy ngang làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện nghiên cứu”- Hạnh nhớ lại.

Nhưng với sự quyết tâm của các thành viên trong nhóm cùng với sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè nhóm đã tiếp tục để tạo đủ hạt lai để có thể trồng ngoài đồng và đánh giá ưu thế lai.

Nhóm sinh viên tạo ra giống 'siêu' cao lương bằng phép lai - 2

Một công đoạn trong quy trình lai cây cao lương. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, theo các thành viên nhóm, kết quả nghiên cứu mới là một bước trong tiến trình chọn tạo giống, để có thể áp dụng trong thực tế cần phải tiếp tục nghiên cứu các tổ hợp lai trong thí nghiệm để xác định một cách chắc chắn các tổ hợp này cho năng suất sinh khối cao.

Từ đó đề xuất các tổ hợp lai tốt cho khảo nghiệm giống. Thực hiện nghiên cứu các tổ hợp lai ở các đời tiếp theo để đánh giá được mức độ ưu thế lai của con lai qua các thế hệ.

Để một giống được sản xuất đại trà thì cần phải trải qua quá trình: chọn giống, khảo nghiệm, sản xuất thử và công nhận giống.

Theo Th.s Hồ Tấn Quốc, Giảng viên ĐH Nông lâm TP.HCM, kết quả nghiên cứu của nhóm là cơ sở tạo ra giống cao lương F1 có sinh khối cao phục vụ cho chăn nuôi bò.

“Tuy nhiên cần phải mở rộng thêm các nghiên cứu khác trên cây cao lương như quy trình kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại, nghiên cứu thành phần dinh dưỡng trên cây cao lương”- Ths. Quốc nói. 

 
Hà Thế An - khampha.vn

Đây là những nhà khoa học tuổi đời còn rất trẻ, đều là thế hệ 8x, họ sẽ là chỗ dựa của đất nước.

10 tài năng khoa học trẻ nhận giải Quả cầu vàng năm 2018 - 1

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân bắt tay chúc mừng 10 nhà khoa học trẻ đạt giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2018. Ảnh: Hà Thế An.

TS Trịnh Kiều Thế Loan (sinh năm 1988), Trợ lý giáo sư khoa công nghệ sinh học nano, trường ĐH Gachon, Hàn Quốc là một trong 10 nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng. Lễ trao giải thưởng được tổ chức tại TP.HCM vào tối 28/12.

TS Loan đã có khoảng thời gian 7 năm làm việc trong môi trường giáo dục và nghiên cứu khoa học tại Hàn Quốc. Chị cho biết, ngoài vấn đề về cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu được đầu tư, các doanh nghiệp tại Hàn Quốc cũng rất quan tâm và tạo mọi điều kiện cho nhà khoa học nghiên cứu.

Cụ thể, những tập đoàn công nghệ lớn của Hàn Quốc như Samsung hay LG luôn đưa ra các vấn đề và đặt hàng cho nhà khoa học trong trường ĐH. Không những thế, doanh nghiệp luôn bên cạnh hỗ trợ, sát cánh cùng nhà khoa học cho đến khi có kết quả.

“Vì thế, chúng tôi luôn có được mục tiêu cuối cùng là kết quả nghiên cứu để phục vụ doanh nghiệp, cộng đồng”- TS Loan nói.

Là một nhà nghiên cứu tại nước ngoài, nhưng TS Loan luôn mong muốn đóng góp cho khoa học nước nhà. Chị nói rằng, làm việc ở nước ngoài không có nghĩa là không thể đóng góp cho khoa học trong nước, nhất là trong thời buổi công nghệ và sự kết nối dễ dàng như hiện nay.

“Chúng tôi có thể đóng góp bằng các chương trình hợp tác, chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc về Việt Nam. Hoặc có thể thực hiện các đề án liên kết cùng nhau làm nghiên cứu khoa học”- TS Loan bày tỏ.

10 tài năng khoa học trẻ nhận giải Quả cầu vàng năm 2018 - 2

Những gương mặt nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng năm 2018. Ảnh: Hà Thế An.

Chia sẻ với 10 nhà khoa học đạt giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2018, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM, ghi nhận những đóng góp to lớn của các nhà khoa học trẻ cho cộng đồng.

Ông Nhân nói rằng, đây là những nhà khoa học tuổi đời còn rất trẻ, đều là thế hệ 8x, và khi Đảng tròn 100 năm (2030), đất nước kỷ niệm 100 năm quốc khánh (2045) thì họ là chỗ dựa của đất nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

“Tôi chỉ nhắn nhủ với các bạn hai điều, làm khoa học cần sự sáng tạo và đoàn kết. Sáng tạo phải luôn nằm trong ý chí của mỗi người. Đó là sự tìm tòi, ham thích những điều mới mẻ. Sự sáng tạo cũng phải có mục đích là đóng góp được gì cho công việc, cho xã hội hay cho chính các bạn. Thế hệ của tôi cũng là nghiên cứu, cùng làm khoa học. Nhưng chúng tôi đã già rồi, và tôi xin gửi trọn niềm tin ở các bạn”- Bí thư Nhân nói.

Kết thúc chương trình, Ban tổ chức đã trao cúp và bằng khen cho 10 nhà khoa học trẻ trong 5 lĩnh vực đạt giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2018. Giải thưởng do Trung ương Đoàn TNCS HCM phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hằng năm. Đây là lần đầu tiên giải thưởng này được trao tại TP.HCM.

10 cá nhân nhận giải Quả Cầu Vàng năm 2018 gồm:

Lĩnh vực công nghệ y – dược: TS Vòng Bính Long; ThS Đặng Hoàng Phú (cùng là giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM). 

Lĩnh vực công nghệ môi trường: TS Đào Sỹ Đức (Phó trưởng Bộ môn Công nghệ Hóa học, Khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội); TS Phạm Thị Phương Thùy (Giảng viên ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM); TS Đinh Minh Quang (Trưởng phòng thí nghiệm Động vật học, Khoa Sư phạm, ĐH Cần Thơ).

Lĩnh vực công nghệ sinh học: TS Chu Đình Tới (Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội); TS Trịnh Kiều Thế Loan (Trợ lý Giáo sư Khoa Công nghệ Sinh học Nano, ĐH Gachon, Hàn Quốc).

Lĩnh vực công nghệ vật liệu mới: TS Nguyễn Đại Hải (Trưởng phòng Vật liệu Y-Sinh, Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); TS Phạm Văn Việt (Phó Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ vật liệu, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM).

Lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông: Th.S Đào Như Ngọc (Nghiên cứu sinh Khoa Công nghệ thông tin, ĐH Chung-Ang, Hàn Quốc).

 

Hà Thế An - khampha.vn

Vì thế, thành phố phải xây dựng các chương trình, chính sách để phát huy nguồn lực vô giá này, biến họ trở thành những lao động thông minh để xây dựng thành phố thông minh.

Nguồn nhân lực công nghệ là tài sản vô giá của TP.HCM - 1

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố tham quan các gian hàng của các doanh nghiệp đạt giải thưởng CNTT-TT năm 2018. Ảnh: Hà Thế An.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ như vậy tại buổi lễ tổng kết 10 năm và trao giải Giải thưởng Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT-TT) TP.HCM năm 2018 do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức vào sáng 28/12.

Theo Bí thư Nhân, doanh nghiệp và nhân lực CNTT của thành phố hiện nay còn khá khiêm tốn. TP.HCM hiện có khoảng 56.000 doanh nghiệp CNTT (chỉ chiếm 2,6% số lượng doanh nghiệp thành phố); nhân lực CNTT hiện có khoảng 80.000 người trong tổng số 4,5 triệu lao động (chiếm 1,8% tổng số lao động).

Vì thế, ông Nhân mong muốn số lượng và số lao động trong lĩnh vực CNTT phải đạt ít nhất 5% tỉ trọng ngành công nghiệp của TP.HCM. Muốn làm được việc đó, Ban tổ chức giải thưởng CNTT-TT TP.HCM cần phải thúc đẩy, mở rộng quy mô giải thưởng nhằm tôn vinh những doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực này đóng góp nhiều hơn.

“Chúng ta tổ chức giải thưởng không phải chỉ mục đích khen ngợi những đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực CNTT. Mà những sản phẩm công nghệ của các cá nhân, doanh nghiệp phải được cụ thể hóa bằng việc tạo ra những doanh nghiệp mới, lao động có chuyên môn cao. Điều này cũng sẽ góp phần tạo dựng hệ sinh thái ngành CNTT trở thành lĩnh vực mũi nhọn của thành phố”- ông Nhân nói.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng cho rằng, ở các nước như Nhật Bản, Đức… đang thiếu lao động. Nước Đức phải tuyển dụng chuyên gia quân sự ở nước ngoài, không phải quốc tịch Đức. Ở Nhật Bản, họ phải nhập khẩu lao động, thậm chí nhiều nơi phải kêu gọi lao động về làm việc và “cho không” nhà để ở.

Chính vì thế, nguồn nhân lực chính là tài sản vô giá mà TP.HCM phải tận dụng được và phải xây dựng các chương trình, chính sách phát huy nguồn lực con người này, biến họ trở thành những lao động thông minh để xây dựng thành phố thông minh.

Ông Nhân cũng đề nghị giải thưởng CNTT-TT TP.HCM cần mở rộng thêm các hạng mục về: giảng viên ĐH, CĐ có đóng góp cho sự phát triển CNTT, những nhóm nghiên cứu trong trường ĐH, những người hay nhóm người xây dựng chính sách thúc đẩy CNTT thành phố,…

Nguồn nhân lực công nghệ là tài sản vô giá của TP.HCM - 2

Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM (bìa trái) trao giải cho đại diện VNPT TP.HCM ở hạng mục Đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển CNTT-TT thành phố. Ảnh: Hà Thế An.

Đứng về phía doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nguyên, Phó giám đốc công ty phần mềm MISA, chi nhánh TP.HCM chia sẻ, đơn vị đã gắn bó với giải thưởng từ 9 năm trước và gần như năm nào cũng đạt giải. Có thể nói, giải thưởng CNTT-TT TP.HCM chính là động lực để tâp thể công ty nỗ lực cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ để mang lại những gì tốt nhất cho khách hàng.

“Mong muốn của chúng tôi, là các giải pháp phần mềm có thể được ứng dụng nhiều hơn trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức để giúp họ nâng cao năng suất, cải tiến quy trình làm việc, giúp cho hoạt động của họ trở nên khoa học và chuyên nghiệp hơn. Chúng tôi cũng đang cùng với các đơn vị nhà nước ứng dụng CNTT vào việc xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu, hộ tịch, thông tin công dân, quản lý tài sản…nhằm nâng cao hoạt động các cơ quan nhà nước”- ông Nguyên nói.

MISA cũng chính là một trong ba doanh nghiệp nhận giải thưởng CNTT-TT TP.HCM ở hạng mục Doanh nghiệp có sản phẩm và giải pháp phần mềm tiêu biểu với sản phẩm phần mềm hóa đơn điện tử Meinvoice.

Vinh danh cá nhân, tập thể của 6 hạng mục Giải thưởng CNTT-TT TP.HCM năm 2018

Hạng mục doanh nghiệp có sản phẩm và giải pháp phần mềm tiêu biểu: Công ty MISA, công ty cổ phần FPT, công ty phần mềm Trí Tuệ và công ty công nghệ VietInfo.

Hạng mục doanh nghiệp có sản phẩm phần cứng tiêu biểu: Công ty Thế giới công nghệ (HD King), công ty ITO Việt Nam và công ty tin học Anh Phương.

Hạng mục doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng tiêu biểu:Công ty cổ phần dịch vụ di động trực tuyến (Ví Momo), công ty tin học HPT, Công ty viễn thông TP.HCM (VNPT TP.HCM).

Hạng mục đơn vị ứng dụng CNTT tiêu biểu: Công ty cổ phần dịch vụ di động trực tuyến (Ví Momo), công ty TNHH một thành viên phát triển phần mềm Quang Trung (QTSC).

Hạng mục đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển CNTT TP.HCM: Ông Nguyễn Bá – Nguyên Tổng giám đốc VNPT Việt Nam; Giải thưởng tập thể thuộc về công ty viễn thông TP.HCM (VNPT TP.HCM).

Hạng mục sinh viên ngành CNTT-TT có thành tích nghiên cứu và học tâp xuất sắc: sinh viên Đào Tuấn An, Bùi Ngọc Minh, Lương Quốc An, Đỗ Trọng Lễ, Hồ Nguyễn Hải Tuấn, Hoàng Trung HIếu, Nguyễn Khắc Tuấn (cùng là sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM); Hồ Thị Kim Hoàng (ĐH CNTT TP.HCM); Trần Văn Phúc (ĐH công nghiệp TP.HCM); Lê Hùng Sơn (ĐH FPT TP.HCM).

Hà Thế An - khampha.vn

Trong số này nhiều bạn đã có những sáng kiến bằng các phần mềm, giải pháp hữu ích tiết kiệm hàng tỉ đồng cho đơn vị mình. Có bạn bước ra biển lớn bằng những dự án khởi nghiệp “nặng ký”.

 

Thành đoàn TP.HCM vừa chính thức công bố 9 gương mặt công dân trẻ tiêu biểu của thành phố trong năm 2018. Họ là những người trẻ giàu khát vọng với những lý tưởng sống cống hiến và tận tâm vì cộng đồng, vì xã hội.

Tạp chí Khám phá xin được giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu với những sáng chế, giải pháp hữu ích trong lĩnh vực khoa học và công nghệ giúp tiết kiệm hàng tỉ đồng. Có bạn còn bước ra biển lớn bằng những dự án khởi nghiệp triệu đô.

Sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin cho 24 kho bạc quận, huyện

Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM: Hiện thân cho khát vọng và sáng tạo - 1

Câu châm ngôn mà Lan Anh yêu thích là “Khi cuộc đời cho bạn cả trăm lý do để khóc, hãy cho đời thấy bạn có cả ngàn lý do để cười”. Ảnh: BTC.

Phan Thị Lan Anh (sinh năm 1989) tốt nghiệp tại ĐH Kinh tế TP.HCM và có thời gian công tác 6 năm tại Kho Bạc Nhà nước thành phố. Cô luôn tâm niệm làm thế nào để công việc được thuận lợi hơn và đó là động lực để cho “ra lò” những sáng kiến.

Năm 2018, Lan Anh đã đưa ra sáng kiến xây dựng phần mềm tiện ích phục vụ cho công tác đối chiếu số liệu chi tiết theo Mã Dự phòng, áp dụng triển khai tại đơn vị mình. Sáng kiến trên đã được Hội đồng sáng kiến của Bộ Tài chính thông qua và được triển khai thực hiện từ tháng 8/2018 tại 24 Kho bạc quận, huyện.

Sáng kiến giúp công tác quản lý, tổng hợp báo cáo và đối chiếu với các đơn vị sử dụng ngân sách được thuận lợi, giảm bớt khối lượng xử lý công việc cho cán bộ công chức, tạo thuận lợi cho việc hạch toán, và đối chiếu với cơ quan có liên quan.

Theo đó, chấm dứt nhập liệu trên hệ thống cũ, tiến tới đánh giá hiệu quả và nghiên cứu phương án để tiếp tục triển khai đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trong năm 2019.

Chàng kỹ sư tiết kiệm hàng tỉ đồng cho đơn vị mình

Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM: Hiện thân cho khát vọng và sáng tạo - 2

Chiến luôn tâm niệm "Cuộc sống là không chờ đợi" và luôn luôn tận lực cống hiến vì công việc chung, vì lợi ích mọi người.

Nguyễn Ngọc Chiến (sinh năm 1989) tốt nghiệp khoa điện, điện tử trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM năm 2012 và công tác tại Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn. Với khát vọng cống hiến của một người trẻ, chỉ trong 4 năm, Chiến đã tiết kiệm cho doanh nhiệp số tiền tương đương hơn 2 tỉ đồng.

Trong năm 2018, Chiến đã đề ra giải pháp nâng cấp hệ thống điện xe nâng container (hãng PPM) sử dụng bộ xử lý trung tâm PLC S7-200 cải thiện hệ thống cũ cũng đã xuống cấp, dây điện lão hóa dễ gây chạm chập, cháy, nổ. 

Ngoài ra, Chiến còn đưa ra giải pháp thiết kế hệ thống chiếu sáng tự động cho cẩu QC giúp tiết kiệm 60 giờ dừng xe/năm.

Không dừng lại ở đó, Chiến còn đưa ra giải pháp cải tạo hệ thống điện xe nâng container Rỗng (hãng Kalmar) sử dụng rơ le có đèn báo nên dễ sửa chữa khi có sự cố. Giải pháp giúp tiết kiệm 360 giờ dừng xe/năm và tiết kiệm chi phí sửa chữa cho đơn vị gần 110 triệu đồng.

Chàng trai 9x khởi nghiệp triệu đô

Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM: Hiện thân cho khát vọng và sáng tạo - 3

Hồ Đức Hoàn (phải) đã chọn con đường khởi nghiệp sáng tạo và tạo ra giá trị cho cộng đồng.

Hồ Đức Hoàn (sinh năm 1990) tốt nghiệp ĐH kinh tế TP.HCM năm 2012 và đạt học bổng du học tại Phần Lan. Sau đó, Hoàn đã tham gia chương trình nghiên cứu sâu về thương hiệu tại ĐH Catholique de Lyon (Pháp). Mặc dù có khả năng tiếp tục công việc và định cư tại Pháp, nhưng Hồ Đức Hoàn đã lựa chọn trở về Việt Nam và khởi nghiệp với EBIV.

EBIV là một start-up được thành lập tháng 6/2015, chuyên đánh giá tín nhiệm cá nhân và tổ chức trên các lĩnh vực. Năm 2016, EBIV đã đạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp Startup Wheel 2016.

Hoàn cho ra nền tảng Edu2Review là mô hình đánh giá giáo dục và đặt chỗ khoá học trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam, đạt nhiều thành quả ấn tượng với hơn 3.500 đơn vị đào tạo trong cơ sở dữ liệu và 30.000 đánh giá xác thực từ học viên. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Edu2Review đã phục vụ gần 4,2 triệu lượt người dùng và xử lý hơn 25.000 lượt đặt chỗ khoá học trên toàn hệ thống. Đến tháng 5/2018, trên 60% số trung tâm ngoại ngữ tại TP.HCM và 25% tại Hà Nội đã đăng ký trên hệ thống Edu2Review.com.

Từ khi thành lập, đội ngũ EBIV đã 2 lần gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư cá nhân từ Hoa Kỳ và Canada vào tháng 6/2017 và từ Nest Tech (Singapore) hồi đầu tháng 4/2018. Để đạt mục tiêu dẫn đầu thị trường Việt Nam và mở rộng ra khu vực Đông Nam Á trong hai năm tới, đội ngũ Edu2Review vẫn đang liên tục lên kế hoạch huy động số vốn bổ sung lên tới 3,5 triệu USD từ các nhà đầu tư hiện tại và các các nhà đầu tư mới. Trong quá trình hoạt động, Edu2Review đã tài trợ học bổng, làm diễn giả, nền tảng kỹ thuật cho hơn 450 chương trình phục vụ sinh viên.

21 tuổi đã có 6 bài báo khoa học quốc tế

Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM: Hiện thân cho khát vọng và sáng tạo - 4

Tôn Thất Vĩnh, một sinh viên tuổi trẻ tài cao trong nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế.

Tôn Thất Vĩnh (sinh năm 1997) là sinh viên năm 4 trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM. Với niềm đam mê tin học từ khi là học sinh THPT, Thất Vĩnh đã có những thành tích ấn tượng tại các kỳ thi quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đặc biệt, dù còn rất trẻ, Tôn Thất Vĩnh đã có 6 bài báo khoa học quốc tế mà Vĩnh là tác giả chính (2 bài) và đồng tác giả (4 bài) được đăng tải tại các Hội nghị khoa học Công nghệ Máy tính uy tín số 1 trên thế giới.

Gương mặt 9 công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2018:

Phan Thị Lan Anh (Kho bạc Nhà nước TP.HCM)

Nguyễn Ngọc Chiến (Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé)

Lê Chí Cường (ĐH Công nghiệp TP.HCM)

Nguyễn Hải Đăng (vận động viên cầu lông)

Cao Thanh Hiếu (Trường THCS Nguyễn Du, Q.Gò Vấp)

Hồ Đức Hoàn (Công ty cổ phần chỉ số tín nhiệm quốc tế Ebrand Index Value)

Nguyễn Hải Long (Sở Tư pháp TP.HCM)

Trần Chí Thiện (ca sĩ)

Tôn Thất Vĩnh (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM).

 

Hà Thế An - khampha.vn

10 sự kiện này được bình chọn trên các lĩnh vực: Cơ chế chính sách, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn, Nghiên cứu ứng dụng, Hội nhập quốc tế; và Tôn vinh nhà khoa học.

 

Ngày 25/12, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học Công nghệ công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện khoa học và công nghệ (KH&CN) nổi bật năm 2018 thuộc các lĩnh vực cơ chế chính sách, khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu ứng dụng, hội nhập quốc tế, tôn vinh nhà khoa học.

Đây là năm thứ 13, sự kiện bình chọn này được tổ chức. Cùng với hệ thống các giải thưởng, cuộc bình chọn là một cách đánh giá khách quan, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá và tôn vinh của xã hội thông qua góc nhìn của các nhà báo chuyên theo dõi lĩnh vực KH&CN.

10 sự kiện này được hơn 60 nhà báo thuộc Câu lạc bộ bình chọn trên các lĩnh vực: Cơ chế chính sách; Khoa học tự nhiên; Khoa học xã hội và nhân văn; Nghiên cứu ứng dụng; Hội nhập quốc tế; và Tôn vinh nhà khoa học.

10 sự kiện khoa học - công nghệ nổi bật năm 2018 - 1

Đại diện của một số sự kiện KH-CN được bình chọn, tôn vinh tại buổi lễ công bố chiều 25/12.

Danh sách 10 sự kiện KH&CN nổi bật năm 2018 cụ thể như sau:

1. Hệ tri thức Việt số hóa chính thức được vận hành

Ngày 1/1/2018, tại Hà Nội, Đề án “Hệ tri thức Việt số hoá” đã chính thức khởi động dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Với mục tiêu “Chia sẻ tri thức - Cổ vũ sáng tạo - Kết nối cộng đồng - Vì tương lai Việt Nam”, Hệ tri thức Việt số hóa được thiết lập để hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ tri thức tổng hợp trong mọi lĩnh vực, góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện để mọi người dân học tập, làm chủ tri thức, tăng cường nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH và CN, thúc đẩy phát triển đất nước.

10 sự kiện khoa học - công nghệ nổi bật năm 2018 - 2

Hệ tri thức Việt số hóa chính thức được vận hành.

2. Công trình đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018

TS. Trần Đình Phong, Trưởng khoa Khoa học cơ bản và Ứng dụng, Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - USTH, đã được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018, cho công trình nghiên cứu trong lĩnh vực vật lí “Cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác tạo H2 của molybdenum sulfide vô định hình”.

10 sự kiện khoa học - công nghệ nổi bật năm 2018 - 3

TS Trần Đình Phong, tác giả công trình “Cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác tạo H2 của molybdenum sulfide vô định hình”.

Từ đầu thế kỉ 21, khi năng lượng sạch dần trở thành một trong những vấn đề được quan tâm nhất trên thế giới, hướng nghiên cứu chế tạo lá nhân tạo có khả năng chuyển hoá ánh sáng mặt trời và nước thành hydro đã thú hút sự cú ý của rất nhiều nhà khoa học. Chất xúc tác cho phản ứng hoá học này là bạch kim, một vật liệu quý hiếm và đắt tiền.

Nghiên cứu của TS. Phong và cộng sự đã chứng minh thành công cấu trúc và cơ chế hoạt động của molybden sulfide vô định hình, một loại vật liệu dễ chế tạo và có giá thành thấp có khả năng thay thế bạch kim cho phản ứng điều chế nhiên liệu sạch H2 từ nước. Nghiên cứu của TS. Phong là một bước tiến quan trọng trong “cuộc chạy đua” tìm ra giải pháp về năng lượng và cắt giảm khí thải CO2 ra môi trường.

3. Phần mềm vOCS 3.0​ đoạt giải vàng kinh doanh quốc tế

Ngày 21/10, tại London (Vương quốc Anh), phần mềm tính cước thời gian thực (vOCS 3.0) của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã được Ban Tổ chức Giải thưởng Kinh doanh quốc tế - International Business Stevie Awards trao giải vàng ở hạng mục “Sản phẩm hoặc dịch vụ tốt nhất của năm”.  

Phần mềm vOCS 3.0 của Viettel được đánh giá cao về sự sáng tạo, tác động đến số người sử dụng lớn. Hiện tại, vOCS 3.0 của Viettel đã được đưa vào sử dụng tại 11 nước trên thế giới với 170 triệu thuê bao di động. 

4. Chế tạo thành công máy làm đá tuyết từ nước biển 

Trung tâm Phát triển công nghệ cao thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chế tạo thành công máy làm đá tuyết từ nước biển. Với thiết kế đơn giản, gọn nhẹ, bền, máy phù hợp với tàu cá Việt Nam cũng như dễ bảo dưỡng, sửa chữa...

Máy được chế tạo dựa trên các nguyên vật liệu có khả năng chịu ăn mòn của nước biển. Người sử dụng có thể dễ dàng lựa chọn và điều chỉnh độ đậm đặc của sản phẩm đá tuyết theo nhiệt độ xác định. 

So với đá nước ngọt truyền thống, đá tuyết làm từ nước biển là hỗn hợp giữa tinh thể đá nhỏ và nước, được duy trì trong dải nhiệt độ từ - 6 độ C đến -2 độ C, có thể bơm được từ buồng tạo đá lỏng đến các bồn lưu trữ hoặc các ngăn bảo quản cá trên tàu.

10 sự kiện khoa học - công nghệ nổi bật năm 2018 - 4

Máy làm đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ. Ảnh: Viện Hàn lâm KH&CN.

Với nhiệt độ bảo quản thấp hơn đá nước ngọt, đá tuyết giúp thời gian bảo quản hải sản trên tàu lâu hơn, tốc độ làm lạnh nhanh hơn, làm tăng chất lượng của hải sản, giảm thiểu lượng hải sản bị hư hỏng, hủy bỏ, góp phần bảo vệ môi trường. 

Đây là kết quả của đề tài nghiên cứu do Thạc sĩ Lê Văn Luân và cộng sự thực hiện. 

5. Ra mắt Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu KH-CN ứng dụng 2.000 tỷ đồng

Ngày 21/8, Tập đoàn Vingroup chính thức ra mắt Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ ứng dụng với mục tiêu tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, robotics, tự động hóa, công nghệ na-nô, năng lượng tái tạo, nguyên liệu thế hệ mới.

10 sự kiện khoa học - công nghệ nổi bật năm 2018 - 5

Lễ ra mắt Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ ứng dụng của Vingroup.

Quỹ có mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Cùng với việc thành lập quỹ, Tập đoàn còn ra mắt Công ty Phát triển công nghệ VinTech; Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn; Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech; ký thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với hơn 50 trường đại học hàng đầu Việt Nam.

Vingroup cũng công bố định hướng trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế trong tương lai. 

6. Trao chứng nhận đầu tư dự án sản xuất thiết bị điện công nghệ cao 

Ngày 1/11/2018, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã trao chứng nhận đầu tư dự án ‘Nhà máy sản xuất thiết bị điện Công Nghệ cao Á Châu’ cho Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu. Cùng ngày Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu và Tập đoàn Schneider Electric đã tiến hành lễ ký kết thỏa thuận hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa hai đơn vị.

Sự kiện nói trên đánh dấu bước ngoặt trong lĩnh vực sản xuất, tích hợp-phát triển, quản lý vận hành, giám sát tự động hóa hệ thống năng lượng khi Việt Nam trở thành một trong hai quốc gia trên toàn thế giới có doanh nghiệp được ký kết hợp tác toàn diện và chuyển giao công nghệ cao.

7. Các hoạt động quốc tế về cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra tại Việt Nam

Ngày 13/7/2018, tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2018). Sự kiện thu hút 2.000 đại biểu, gồm 11 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế, hơn 50 chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới, các doanh nghiệp trong nước, quốc tế.

10 sự kiện khoa học - công nghệ nổi bật năm 2018 - 6

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0.

Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhằm xây dựng các chủ trương, chính sách giúp Việt Nam tham gia chủ động, có hiệu quả cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, tuyên truyền cho cộng đồng về cách mạng công nghiệp 4.0, tạo cơ hội tìm hiểu, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, nhất là công nghệ 4.0.

Từ ngày 11 đến 13/9/2018, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” đã được tổ chức tại Hà Nội và được đánh giá là hội nghị khu vực thành công nhất.

8. Giáo sư Đàm Thanh Sơn nhận Giải thưởng Dirac 2018

Giải thưởng vật lý Dirac 2018 được trao cho GS Đàm Thanh Sơn, Đại học Chicago (Mỹ) và hai nhà vật lý Subir Sachdev, Đại học Harvard và Xiao-Gang Wen, Viện Công nghệ Massachusetts. Cả ba nhà khoa học là những người đi  tiên phong trong việc nghiên cứu ảnh hưởng của cơ học lượng tử lên các nhóm hạt lớn, còn được gọi là hệ nhiều vật (many-body system).

10 sự kiện khoa học - công nghệ nổi bật năm 2018 - 7

Giáo sư Đàm Thanh Sơn cùng hai nhà vật lý người Mỹ gốc Ấn Độ và Trung Quốc cùng nhận Huy chương Vật lý Dirac năm 2018 vì những đóng góp cho hiểu biết về các hệ đa vật thể.

Họ đã tìm ra các định luật cơ học lượng tử ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của các nhóm hạt rất nhỏ. Ba nhà khoa học có nhiều đóng góp quan trọng giúp phát hiện các pha mới của vật chất (bên cạnh ba pha quen thuộc là rắn, lỏng, khí) và làm rõ quá trình chuyển tiếp giữa các pha này khi những yếu tố tác động bên ngoài như nhiệt độ và áp suất thay đổi. 

9.Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp được vinh danh là Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới

TS. Nguyễn Thị Hiệp, giảng viên Bộ môn Kỹ thuật y sinh, Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) được vinh danh “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” do Quỹ L’Oréal - UNESCO trao tặng vì những đóng góp cho ngành y học tái tạo. 

10 sự kiện khoa học - công nghệ nổi bật năm 2018 - 8

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp được vinh danh là Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới.

Nhóm nghiên cứu của TS Hiệp hiện đang nghiên cứu và thử nghiệm một loại keo có thể dán ngay lập tức lên tất cả các loại vết thương, giúp loại bỏ vi khuẩn và thúc đẩy sự tái tạo mô. Khi dán lên, keo sẽ tạo thành một lớp màng để ngăn ngừa chảy máu, hấp thụ chất lỏng từ vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng từ vi sinh vật.

10. Phát hiện di cốt cư trú của người tiền sử tại núi lửa ở Đắk Nông

Di cốt người tiền sử trong hang động đá vôi ở Việt Nam cũng như trên thế giới khá phổ biến nhưng trong hang động núi lửa chưa có tài liệu nào công bố. Di cốt được khai quật tại khu vực hang động núi lửa Krông Nô là di cốt đầu tiên được phát hiện trong hang động núi lửa ở Việt Nam và Đông Nam Á, hiếm gặp trên thế giới.

10 sự kiện khoa học - công nghệ nổi bật năm 2018 - 9

Lần đầu tiên sau rất nhiều cuộc khai quật, Việt Nam tìm được di cốt người trong hang động núi lửa ở Tây Nguyên

Kết quả khai quật đã cung cấp những luận cứ khoa học thuyết phục cho việc phục dựng, tái hiện sinh cảnh người tiền sử. Đồng thời đóng góp bằng chứng có tính thuyết phục cao cho việc xây dựng Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông.

 
Liên Cơ - khampha.vn

Sau hơn mười năm thành lập, Viện Tế bào gốc (được thành lập trên cơ sở các thành tựu của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc), trường ĐH KHTN, ĐHQG TP Hồ Chí Minh không chỉ đem lại những nghiên cứu quan trọng về tế bào gốc trên người và chuyển giao công nghệ để đưa vào điều trị phổ biến trong y tế mà còn góp phần làm thay đổi hẳn diện mạo của ngành học này ở Việt Nam.


Nguồn thu từ chuyển giao công nghệ đã đem lại nguồn đầu tư cho tốt cho nghiên cứu của Viện/ Viện đủ khả năng chi trả cho các đề tài nghiên cứu cấp Viện tối đa lên tới 500 – 600 triệu/ một đề tài. Ảnh: Trong phòng thí nghiệm của Viện Tế bào gốc. Nguồn: Viện Tế bào gốc.


Đi đầu trong chuyển giao công nghệ tế bào gốc

Năm 2016, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, TP HCM là đơn vị duy nhất được Bộ Y tế phê chuẩn áp dụng chính thức kỹ thuật điều trị thoái hóa khớp bằng tế bào gốc mô mỡ tự thân (lấy mô mỡ của chính người bệnh để tách chiết lấy tế bào gốc) và huyết tương giàu tiểu cầu. Phương pháp mới này đem lại hiệu quả điều trị lên tới 86% và bệnh nhân thoái hóa khớp gối không cần phải phẫu thuật cũng như quá trình hồi phục kéo dài sau phẫu thuật. Cùng thời điểm, đây cũng là đơn vị đầu tiên được thử nghiệm lâm sàng đánh giá an toàn và hiệu quả bước đầu của phương pháp ghép tế bào gốc trung mô ở bệnh nhân đái tháo đường type 1, thử nghiệm lâm sàng liệu pháp tế bào gốc để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD.

Điều đáng ngạc nhiên là, những kỹ thuật được đánh giá là tiên tiến này lại không phải là sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, mà hoàn toàn là chuyển giao công nghệ “nội địa” giữa bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với Viện Tế bào gốc. Những bộ kit tách chiết tế bào gốc từ mô mỡ và bộ kit tách chiết huyết tương giàu tiểu cầu đều là những kết quả nghiên cứu hoàn toàn do người Việt thực hiện tại Viện tế bào gốc và được chuyển giao cho công ty TNHH Thế giới gene ở Khu công nghệ cao Quận 9 TP HCM sản xuất.

Hiện nay, các đơn vị ứng dụng nghiên cứu tế bào gốc vào điều trị không còn hiếm hoi ở Việt Nam, ước tính, có khoảng gần 50 cơ sở trong cả nước, nhưng Viện Tế bào gốc là cơ quan duy nhất có khả năng thực hiện các nghiên cứu bài bản, đưa ra công nghệ, từ chỗ chứng minh được hiệu quả, an toàn của công nghệ ở mức độ phòng thí nghiệm, trên động vật cho đến … đưa ra quy trình sản xuất đảm bảo đạt quy chuẩn cấy ghép trên người. “Viện khẳng định, môi trường nuôi cấy tế bào gốc trung mô của Viện không thua kém bất kỳ một sản phẩm nào khác, của bất cứ nước nào trên thị trường. Nếu các đơn vị sử dụng môi trường nuôi cấy của Viện tế bào gốc mà nhận thấy có sản phẩm của nơi khác tốt hơn, thì Viện sẽ tặng không môi trường nuôi cấy của Viện”, TS. Vũ Bích Ngọc, Trưởng phòng KH&CN và Sở hữu trí tuệ tại Viện cho biết. Nhưng những đơn vị đã dùng môi trường nuôi cấy tế bào gốc của Viện đều rất “chung thủy” với sản phẩm của Viện. Bởi vì, hiện nay, đa số công nghệ được chuyển giao của Viện đều có giá … 1.000 đồng – Với mức giá chuyển giao này, Viện không nhận tiền chuyển giao công nghệ mà chỉ yêu cầu đơn vị nhận chuyển giao sử dụng hóa chất, vật tư của viện trong quá trình sử dụng sau này. Sản phẩm tốt là chưa đủ, Viện còn hỗ trợ kỹ thuật bài bản cho các đơn vị được chuyển giao công nghệ, thậm chí nếu đơn vị đó muốn thành lập một đơn vị chuyên tách chiết và nuôi cấy tế bào gốc phục vụ cho điều trị hoặc nghiên cứu thì Viện cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình xây dựng.




Điều trị bệnh thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc tại bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh. Ảnh: VTV.

Cách tổ chức bài bản, minh bạch

Hiệu quả từ nghiên cứu ứng dụng có thể “đo đếm” được mới chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”. Những ứng dụng và chuyển giao đó là kết quả của đầu tư cho nghiên cứu cơ bản rất bài bản của Viện trong suốt mười năm qua. Không khó để nhìn thấy kết quả đó, với một loạt công bố của các nhà nghiên cứu trong Viện: PGS.TS Phạm Văn Phúc (Viện trưởng) và Ths Phan Kim Ngọc (nguyên Trưởng Phòng thí nghiệm Tế bào gốc) đều có hơn một trăm công bố, các trưởng phòng hiện nay của Viện đều có khoảng hơn 10 cho tới 40 - 50 công bố, cho đến những nhà nghiên cứu trẻ cũng đều có tên trong danh sách công bố này. Thậm chí, “hầu hết sinh viên được giữ lại ở đây, sau khi làm xong đề tài tốt nghiệp là đã công bố được một bài báo quốc tế thuộc Web of Science và Scopus với Impact factor cao”, TS. Vũ Bích Ngọc cho biết.

Viện khẳng định, môi trường nuôi cấy tế bào gốc trung mô của Viện không thua kém bất kỳ một sản phẩm nào khác, của bất cứ nước nào trên thị trường


Chính những nghiên cứu cơ bản là những viên gạch móng đầu tiên cho ngành học này. Từ những năm 2000, khi thế giới công bố các nghiên cứu về tế bào gốc, Ths Phan Kim Ngọc nhận ra ngay đây là “kho vàng” của y học và bắt đầu xắn tay vào viết dự án thành lập phòng thí nghiệm tế bào gốc. Ông tham khảo kinh nghiệm quốc tế, viết thư hỏi các đồng nghiệp trên thế giới. “Thậm chí, tại thời điểm thành lập Phòng thí nghiệm tế bào gốc, khái niệm tế bào gốc vẫn chưa ra đời, thời gian đó các nhà khoa học Việt Nam vẫn gọi stem cell như là tế bào mầm. Chúng tôi đọc các công bố nước ngoài thì phát hiện có một thuật ngữ khác là germ cell là tế bào mầm và đề xuất thay đổi cái gọi từ tế bào mầm sang tế bào gốc (stem cell). Song vẫn còn tranh cãi và niềm tin về vai trò một loại tế bào đặc biệt - tế bào gốc vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi trong các nhà khoa học ở nước ta”, PGS.TS Phạm Văn Phúc nhớ lại.

Nhưng Ths Phan Kim Ngọc tin tưởng vào sự chuẩn bị bài bản của ông, từ chỗ thuyết phục, kêu gọi các nhà khoa học nước ngoài cùng tham gia hợp tác nghiên cứu, cho tới đặt vấn đề hợp tác với các phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu khác trong nước (Bệnh viện Từ Dũ, Viện Chăn nuôi quốc gia). Ông tự đề ra một khái niệm “biên giới linh động”. “Khi ai hỏi ‘biên chế’ phòng thí nghiệm của tôi bao nhiêu người, tôi yêu cầu phải hỏi cụ thể ‘biên chế của chương trình nào, đề tài nào, hướng nghiên cứu nào?’, vì mỗi Chương trình của tôi có nhiều người từ các đơn vị khác, thậm chí có cả người nước ngoài, được ký cùng làm trong 2- 3 năm chẳng hạn. Mình chưa biết làm, tất cả đều mới, nên chắc chắn phải hợp tác với nước ngoài”, ông kể. Ông cùng học trò bắt đầu tiến hành những thí nghiệm đầu tiên. Năm 2005, Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học phân tử - do Ths Phan Kim Ngọc xây dựng trước đó và sau này sáp nhập vào Phòng thí nghiệm Tế bào gốc - đã phân lập nuôi cấy, biệt hoá thành công tế bào gốc từ tuỷ xương chuột, phôi thai chuột. Tất cả những điều đó đã đem lại một thuyết minh dự án đầy tiềm năng, tương lai nghiên cứu mới của ngành học mới mẻ này. Năm 2007, Bộ KH&CN quyết định đầu tư cho phòng thí nghiệm trọng điểm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc với số tiền đầu tư lên tới 40 tỉ đồng.




Các thí sinh tham tham gia cuộc thi Stem Cell Innovation 2018 của Viện. Ảnh: Viện Tế bào gốc.

Mở ngay từ ban đầu

Đầu năm 2018, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc chính thức được quyết định chuyển thành Viện Tế bào gốc hoạt động theo cơ chế tự chủ. Tự nuôi quân, trong khi “Phúc là người 'già' nhất ở Viện", theo Ths Phan Kim Ngọc, còn ông thì cũng đã nghỉ hưu từ năm 2016. Một đội ngũ rất trẻ, với tất cả lãnh đạo các phòng ban đều thuộc thế hệ 8X, thậm chí một số trưởng phòng chỉ mới 9X, liệu có bỡ ngỡ?

“Không, ngay từ giai đoạn còn là phòng thí nghiệm thì chúng tôi đã hoạt động chuyên nghiệp giống như một tổ chức độc lập, nên khi phát triển thành Viện, chỉ cần bê nguyên cơ cấu nhân sự đó thành Viện rồi kiện toàn cho nó hoàn thiện hơn”, TS Vũ Bích Ngọc nói. Chẳng hạn, theo chị Ngọc, từ trước 2007, mặc dù tất cả nhân sự của phòng thí nghiệm đều là làm công tác nghiên cứu (trừ kế toán) nhưng vẫn phân chia trách nhiệm xử lý hành chính theo từng nhóm riêng, sự kết hợp giữa các nhóm trong giải quyết hồ sơ rất ăn khớp, nhịp nhàng, khi có hồ sơ chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu… đều được chuẩn bị rất bài bản rồi gửi sang cho trường giải quyết. Để giảm tải, tối ưu hóa thời gian cho khối lượng công việc hành chính cũng như trao đổi giữa các thành viên trong viện, chính Viện trưởng là người cập nhật và yêu cầu toàn bộ cán bộ sử dụng những phần mềm hỗ trợ tương tác, trao đổi công việc như Basecamp. Thậm chí, người viết bài này, khi đề xuất cán bộ Viện cập nhật một số tin tức mới về tình hình nghiên cứu y học trên thế giới cũng như thành tựu của Viện, thì ngay lập tức được mở một quyền truy cập vào Thư mục Tin khoa học trong Basecamp của Viện, và các trao đổi, thắc mắc đều được giải đáp, trả lời chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Không chỉ đảm bảo một guồng máy làm việc nội bộ chặt chẽ, êm ru nhất, mà Viện cũng có tư duy mở, kết nối với giới nghiên cứu quốc tế cũng như cách thức quảng bá, truyền thông về tế bào gốc đến công chúng rất hiệu quả. Hai năm một lần, Viện tổ chức hội thảo quốc tế về tế bào gốc, mời những nhà khoa học uy tín trên thế giới về tế bào gốc cũng như toàn bộ giới nghiên cứu tế bào gốc, công nghệ sinh học ở Việt Nam, nhằm thảo luận về tình hình nghiên cứu trên thế giới, các kết quả mới ở Việt Nam. “Những hội thảo này rất hiệu quả, thông qua đó, chúng tôi đều có được bài viết tốt, mối quan hệ với những nhà khoa học uy tín và cơ sở hàng đầu trên thế giới”, theo TS. Vũ Bích Ngọc. Hàng loạt các trường đại học lớn, viện nghiên cứu đều đã tìm đến Viện để đặt vấn đề hợp tác. Viện cũng đã “hữu xạ tự nhiên hương”, chẳng hạn lãnh đạo và giảng viên của ba trường đại học từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt đến Viện để tham quan, trao đổi trong tháng 11, 12 này đều là tự tìm đến chứ không phải do Viện liên hệ và mời. Năm năm nay, Viện thường xuyên tổ chức cuộc thi Stem Cell Innovation nhằm tạo sân chơi học tập và nghiên cứu cho tất cả các bạn học sinh, sinh viên yêu thích lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học. Quy mô của các kỳ thi này tăng lên nhanh chóng, năm 2016, có 200 đội thi đăng ký thì đến năm 2018, đã có tới 386 đội thi với 1185 thí sinh đến từ 41 trường đại học, phổ thông trung học trong cả nước.
Một phong cách làm việc chuyên nghiệp, một tư duy cởi mở không phải tự nhiên mà có.

Từ thế hệ đầu là Ths Phan Kim Ngọc cho tới các thế hệ sau này, cán bộ Viện đều thực sự được “truyền lửa” – như cách nói của TS Vũ Bích Ngọc về một cách làm việc nhiệt huyết, không mệt mỏi của những thế hệ đi trước. Ths Phan Kim Ngọc hay PGS.TS Phạm Văn Phúc đều được các đồng nghiệp đánh giá là người “không biết đến điều gì khác ngoài công việc”. Ths Phan Kim Ngọc là người xây dựng phòng thí nghiệm từ số không, còn PGS.TS Phạm Văn Phúc tiếp nhận Viện khi đã có hình hài, cơ cấu bộ máy tương đối ổn định nhưng anh không hề ngơi tay. Người viện trưởng sinh năm 1983 này còn là tổng biên tập của hai tạp chí của Viện và đều được công nhận trong danh mục Scopus, Web of science vào năm ngoái. “Toàn bộ bài vở của hai tạp chí này đều do thầy Phúc lo, cán bộ Viện chỉ gửi bài thôi”, TS Vũ Bích Ngọc nói.

Thu Quỳnh - tiasang.com.vn

Các cán bộ quản lý công nghệ thông tin tại 24 quận, huyện và một số sở ngành tại TP.HCM đều được tham gia đào tạo kiến thức về kiến trúc chính quyền điện tử. 

TP.HCM: Cán bộ quản lý 'học' về kiến trúc chính quyền điện tử - 1

Đông đảo đại diện các sở ngành, quận huyện tai TP.HCM tham gia khóa đào tạo về kiến trúc chính quyền điện tử. Ảnh: Hà Thế An.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, sáng 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã tổ chức buổi “Đào tạo kiến trúc chính quyền điện tử” cho 86 cán bộ quản lý công nghệ thông tin của các quận huyện, sở ngành thành phố.

Theo ông Lý Minh Tuân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, mục tiêu của khóa học là giúp các học viên nắm chắc khung kiến trúc chính quyền điện tử mà UBND thành phố công bố trước đó. Điều này giúp cán bộ phụ trách ở cơ sở thuận lợi hơn trong công việc, thực hiện những yêu cầu của cấp trên trong các bước triển khai chính quyền điện tử ở địa phương.

“Hiện nay chúng tôi đã hoàn thiện công nghệ để tiến hành xây dựng trung tâm dữ liệu dùng dung, kết nối, liên thông dữ liệu của tất cả các quận huyện, sở ngành thành phố”- ông Tuân nói.

Trước đó, UBND TP.HCM đã công bố kiến trúc chính quyền điện tử của TP.HCM. Theo đó, Kiến trúc chính quyền điện tử sẽ đáp ứng các mục tiêu chiến lược của thành phố để phát triển thành đô thị thông minh.

Đề án được xây dựng dựa trên các công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp 4.0 như: Internet vạn vật, cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ trợ lý ảo, robot thông minh...

Kiến trúc Chính quyền điện tử là một tài liệu "sống" được tiếp tục điều chỉnh, cập nhật, bổ sung hàng năm dựa trên kết quả triển khai thực tế và những yếu tố mới xuất hiện nhằm đạt kết quả cao nhất.

Kiến trúc Chính quyền điện tử sẽ đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp đồng thời cơ quan nhà nước sẽ tránh lãng phí, trùng lặp, tiết kiệm ngân sách.

 
Hà Thế An - khampha.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353