SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Hãy nhìn cách mà các doanh nghiệp thể thao sử dụng bằng sáng chế và thiết kế để phát triển những công nghệ,phương pháp huấn luyện, thiết bị để giúp các vận động viên cải thiện thành tích hay cách mà các cầu thủ, đội tuyển xây dựng và khai thác thương hiệu của mình.

 

Với chủ đề “Vươn tới giải vàng: Sở hữu trí tuệ và thể thao”, ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2019 (26.4) sẽ đem đến cái nhìn cận cảnh hơn về thế giới thể thao cũng như khám phá sự đổi mới sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thể thao.

Nhiều người nghĩ rằng sở hữu trí tuệ và thể thao dường như chẳng hề liên quan gì đến nhau. Nếu bạn cũng có suy nghĩ như vậy, hãy nhìn cách mà các doanh nghiệp thể thao sử dụng bằng sáng chế và thiết kế để phát triển những công nghệ, chất liệu, phương pháp huấn luyện, thiết bị để giúp các vận động viên cải thiện thành tích thể thao và thu hút người hâm mộ trên toàn thế giới.

Ngày Sở hữu trí tuệ 2019: Bàn về Sở hữu trí tuệ và thể thao - 1

Ngày Sở hữu trí tuệ năm nay được lấy chủ đề “Vươn tới giải vàng: Sở hữu trí tuệ và thể thao”

Ngày nay, nhờ những tiến bộ trong công nghệ phát thanh và truyền thông mà bất cứ ai, dù ở bất cứ đâu, cũng có thể theo dõi những diễn biến thể thao, màn trình diễn của các vận động viên và đội mình yêu thích mà không cần phải rời khỏi nhà vào bất kỳ thời gian nào.

Thể thao cũng đã trở thành một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá hàng tỷ đô la. Thể thao thu hút lượng đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng từ phòng tập thể thao đến mạng lưới phát sóng, thu hút hàng triệu người trên khắp thế giới. Trong đó, không thể thiếu các thành phần của tài sản trí tuệ.

Ngày Sở hữu trí tuệ 2019: Bàn về Sở hữu trí tuệ và thể thao - 2

Công nghệ VAR - Ví dụ cho thấy sự tác động của công nghệ mới tới thể thao 

Những thương vụ kinh doanh được xây dựng trên quyền sở hữu trí tuệ giúp bảo đảm giá trị kinh tế của thể thao. Đồng thời, chúng cũng kích thích sự phát triển của ngành bằng cách cho phép các tổ chức thể thao tài trợ sự kiện mà chúng ta thưởng thức và cung cấp các phương tiện để thúc đẩy phát triển thể thao.

Những vận động viên thể thao có thể tạo ra thu nhập từ các hợp đồng tài trợ với các thương hiệu nổi tiếng, nhờ đó giá trị của các thương hiệu được nâng cao thông qua hình ảnh các vận động viên. Bên cạnh đó bản quyền các giải đấu củng cố cho mối quan hệ giữa thể thao và truyền hình cùng những phương tiện truyền thông khác, đem người hâm mộ tiến đến gần hơn với các hoạt động thể thao.

Theo Tổ chức tài sản trí tuệ thế giới WIPO: “Chiến dịch năm nay là một cơ hội để tôn vinh những người hùng thể thao và tất cả mọi người trên khắp thế giới, những con người phía sau hậu trường đang góp phần đổi mới sáng tạo để tăng sức hấp dẫn của thể thao trên toàn cầu.” 

 
Phạm Sơn - khampha.vn

Ngày 12/4, tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, diễn ra vòng chung kết cuộc thi “Công nghệ chế biến sau thu hoạch” năm 2019. Có 30 đề tài tham gia trưng bày, giới thiệu ý tưởng, sản phẩm thuộc hai nhóm là nhóm các đề tài khoa học thực phẩm – dinh dưỡng và nhóm các đề tài công nghệ chế biến thực phẩm và đồ uống.

Nhóm công nghệ chế biến thực phẩm – đồ uống gồm 13 đề tài nghiên cứu các quy trình tạo ra các sản phẩm mới về thực phẩm và đồ uống như: nghiên cứu chế biến nước Jelly kiwi bổ sung hạt vi bao tảo Spirulina, rượu vang lên men từ vỏ và ruột của 2 loài thanh long (Hylocereus undatus và Hylocereus polyrhizus), sốt tỏi đen, snack lá lốt, nước thanh long cô đặc, sữa chua tiểu mạch thảo, sản phẩm giảm đau từ tinh dầu (gừng),…

Vòng chung kết với phần trưng bày giới thiệu ý tưởng sản phẩm thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm. Ảnh: LV.

Nhóm khoa học thực phẩm – dinh dưỡng gồm 17 đề tài, tập trung vào các nghiên cứu tăng giá trị dinh dưỡng của các loại thực phẩm như: nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất trà hòa tan lá sen, nghiên cứu quy trình chế biến bột khoai lang trắng và ứng dụng chế biến bánh mì bột nhào chua, nghiên cứu biến tính chitosan với dịch chiết polyphenols từ lá trà xanh ứng dụng trong việc bảo quản nông sản, đánh giá khả năng kháng nấm mốcAspergilus niger của màng bao có bổ sung nano đồng và ứng dụng trong bảo quản táo, đánh giá khả năng kháng nấm mốc Colletotrichum gloeosporioides của màng bao có bổ sung nano đồng và ứng dụng trong bảo quản xoài, nghiên cứu và phát triển sản phẩm bột rau đắng hòa tan chứa hợp chất sinh học triterpen saponin,...

Trưng bày sản phẩm sữa chua tiểu mạch thảo. Ảnh: LV.

Cuộc thi đã lập 2 hội đồng khoa học chấm điểm các đề tài và trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba cùng 5 giải khuyến khích cho các đề tài chất lượng và có tiềm năng phát triển. Trong đó, giải nhất thuộc về đề tài “Nghiên cứu biến tính chitosan với dịch chiết polyphenols từ lá trà xanh ứng dụng trong việc bảo quản nông sản” của sinh viên Bùi Thị Khánh Linh (Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM). Sản phẩm của đề tài này là màng sinh học chitosan (có nguồn gốc từ vỏ tôm cua) được biến tính với dịch chiết polyphenols từ lá trà xanh, nâng cao khả năng kháng oxy hóa và kháng khuẩn, giúp cho việc bảo quản nông sản dễ dàng hơn, giảm chi phí bảo quản. Sản phẩm hướng đến nguồn nguyên liệu từ tự nhiên để bảo quản nông sản, ngăn chặn nấm mốc, đốm thâm, giữ được độ xanh tươi của nông sản, có khả năng phân hủy sinh học, thân thiện môi trường.

Sản phẩm cao dán và bình xịt giảm đau từ tinh dầu (gừng tươi). Ảnh: LV.

Cuộc thi “Công nghệ chế biến sau thu hoạch” năm 2019 do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM tổ chức, với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Cuộc thi nhằm tạo môi trường giao lưu, chia sẻ, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm thiết kế mang tính sáng tạo, đột phát trong bảo quản, đóng gói bao bì sản phẩm và chế biến sau thu hoạch nông sản; là cơ hội để các bạn trẻ thể hiện khả năng thiết kế, sáng tạo ở lĩnh vực bao bì, đóng gói sản phẩm nông nghiệp và những ý tưởng sáng tạo mang tính ứng dụng cao trong lĩnh vực công nghệ chế biến sau thu hoạch. Với đối tượng tham gia là sinh viên, học viên, giảng viên các trường đại học, cao đẳng, học viện, các nhà thiết kế trẻ làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp thiết kế trên địa bàn TP.HCM, cuộc thi đã nhận được 64 đề tài của 16 đơn vị tham gia.

Lam Vân - Cesti.gov.vn

Vietnam Startup Wheel 2019 không chỉ dành cho các startup Việt Nam mà sẽ chính thức chào đón tất cả các startup quốc tế quan tâm đến thị trường Việt Nam và khu vực.

 

Vietnam Startup Wheel 2019 là lần thứ 7 cuộc thi được Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp TP.HCM (BSSC) và Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM tổ chức với sự bảo trợ của Bộ KH&CN, Hội LHTN Việt Nam TP.HCM, Hội Sinh viên Việt Nam tại TP.HCM và Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

Qua 6 mùa giải trước, Vietnam Startup Wheel đã thu hút 3.979 doanh nghiệp, mô hình khởi nghiệp, công ty khởi nghiệp công nghệ tham gia với gần 90.000 lượt truy cập; thu hút sự chú ý của khoảng 80 phương tiện truyền thông địa phương…

Từ những thành công đó, Vietnam Startup Wheel sẽ mở rộng về quy mô, không chỉ dừng lại trong khuôn khổ Việt Nam mà cuộc thi sẽ chào đón nhiều startup từ các quốc gia có phong trào khởi nghiệp mạnh khác.

Vietnam Startup Wheel 2019 'lôi kéo' các nhà khởi nghiệp công nghệ quốc tế - 1

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tới thăm khu vực trưng bày của các startup tại Startup Wheel 2018 

Theo đại diện ban tổ chức, cuộc thi được phát động tại Thái Lan và truyền thông mạnh mẽ ở một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản... Ban tổ chức sẽ tuyển chọn hơn 50 dự án khởi nghiệp quốc tế tham gia cuộc thi, qua đó, tạo điều kiện cho các startup Việt Nam có thêm cơ hội giao lưu và học hỏi từ bạn bè quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Phó Giám đốc BSSC, cho biết Vietnam Startup Wheel 2019 đã tổ chức hai cuộc họp báo quan trọng tại Thái Lan và Hàn Quốc. Đồng thời thông qua mạng lưới đối tác các tổ chức tăng tốc, vườn ươm, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp địa phương (các nước Mỹ, Nhật, Singapore, Hongkong, Malaysia, Úc,…) để mở rộng nhóm đối tượng dự thi (là các startup công nghệ trên toàn thế giới, quan tâm đến thị trường Việt Nam và Đông Nam Á).

"Cuộc thi không còn là dành riêng cho các startup Việt Nam mà dành cho mọi đối tượng khởi nghiệp ở mọi giai đoạn phát triển. Cuộc thi năm nay đánh dấu bước đi chiến lược và đột phá khi hiện diện tại Thái Lan, Hàn Quốc là 2 thị trường lớn với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh và có nhiều nét tương đồng với Việt Nam", bà Hằng cho biết thêm.

Vietnam Startup Wheel 2019 'lôi kéo' các nhà khởi nghiệp công nghệ quốc tế - 2

Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng giới thiệu về Vietnam Startup Wheel 2019  

Cùng sự mở rộng quy mô, năm nay cuộc thi sẽ chia thành 2 bảng dự thi quốc gia và quốc tế. Ở bảng quốc gia, tất cả các startup đều có thể trên lãnh thổ Việt Nam đều có thể đăng ký, không giới hạn độ tuổi. Ban tổ chức dự kiến sẽ có khoảng 1.000 dự án tham gia bảng quốc gia và sẽ chọn 100 dự án vào vòng bán kết.

Các dự án lọt vào bán kết sẽ có mặt tại Sàn giao dịch và đầu tư khởi nghiệp trong khuôn khổ sự kiện Startup Day diễn ra vào tháng 8/2019. Tại đây, các startup được trưng bày, giới thiệu với ban giám khảo và các nhà đầu tư, giao lưu kết nối với cộng đồng khởi nghiệp. 10 dự án xuất sắc nhất sẽ được chọn vào chung kết.

Ban tổ chức sẽ trao 1 giải nhất trị giá 200 triệu đồng dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp, 1 giải nhất 150 triệu đồng dành cho cá nhân/nhóm khởi nghiệp cùng nhiều giải thưởng khác.

Với bảng quốc tế, các dự án sau khi nộp hồ sơ trực tuyến sẽ được phỏng vấn sơ tuyển để chọn 50 dự án nổi bật tham dự Startup Day 2019. 5 dự án xuất sắc nhất sẽ được chọn vào vòng chung kết để tìm ra đội thắng cuộc với giải nhất trị giá 2.000 USD cùng cơ hội học tập và đào tạo về khởi nghiệp, hỗ trợ về văn phòng, truyền thông doanh nghiệp, tư vấn sản phẩm…

Đại diện ban tổ chức nhấn mạnh giá trị cuộc thi mang đến không chỉ là giải thưởng mà quan trọng hơn là sự trưởng thành của các startup tạo ra những sản phẩm tốt, đem lại giá trị cho cộng đồng. Ngoài ra, việc mở rộng quy mô lên tầm quốc tế sẽ tạo nền tảng tốt cho các startup Việt hội nhập và tìm kiếm nguồn lực phù hợp cũng như nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.

Phạm Sơn - khampha.vn

Bên cạnh những kỳ vọng vào quy định mới cho doanh nghiệp KH&CN, không ít doanh nghiệp vẫn lo lắng về thiếu hướng dẫn cụ thể, cách hiểu thống nhất về ưu đãi thuế, tài chính quy định trong Nghị định 13/2019/NĐ-CP

 

Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp KH&CN

Cuối tháng 3 vừa qua, Nghị định 13/2019/NĐ-CP của Chính Phủ về doanh nghiệp KH&CN đã chính thức có hiệu lực. Nghị định 13 có nhiều ưu đãi doanh nghiệp KH&CN như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi tín dụng...

Cụ thể, doanh nghiệp KH&CN thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Doanh nghiệp KH&CN cũng được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Ngoài ra, doanh nghiệp KH&CN thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, ứng dụng kết quả KH&CN, sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh để vay vốn.

Kỳ vọng gì với các quy định mới cho doanh nghiệp KH&CN? - 1

Đối với doanh nghiệp KH&CN có tài sản dùng để thế chấp theo quy định của pháp luật được cho vay với lãi suất ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi suất vay tối đa 50% lãi suất vay vốn tại ngân hàng thương mại thực hiện cho vay.

Về những quy định mới kể trên, nhiều doanh nghiệp KH&CN tin tưởng điều này sẽ tạo ra động lực, cơ chế mới giúp doanh nghiệp phát triển.

Là doanh nghiệp mới với sản phẩm dịch vụ hỗ trợ, cấp cứu máy tính từ xa với những công nghệ mới, vượt trội, ELINKGATE được công nhận là doanh nghiệp KH&CN. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc ELINKGATE nhận định: “Quy định này rất hữu ích với doanh nghiệp thực sự tạo ra sản phẩm mới và kinh doanh trên sản phẩm đó. Các vấn đề như hỗ trợ về nguồn vốn và ưu đãi thì đã được thể hiên trong nghị định là khá tốt nếu được thực thi một cách đúng đắn.”

Kỳ vọng gì với các quy định mới cho doanh nghiệp KH&CN? - 2

Tháng 7.2018, ELINKGATE đã ra mắt thiết bị hỗ trợ điều khiển, cứu hộ máy tính từ xa được phát triển từ công nghệ mới đã đăng ký bản quyền tại Mỹ, Việt Nam

Ngoài ra, Nghị định 13 cũng quy định nhiều ưu đãi khác như không thu phí dịch vụ với doanh nghiệp KH&CN khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ... để thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ưu tiên tham gia các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ của Nhà nước.

Cần có cách hiểu thống nhất

Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng vào tác động tích cực của các quy định mới, không ít doanh nghiệp còn lo lắng vào hiệu quả thực tế khi triển khai những quy định này. Trong đó, cách triển khai, thực hiện của cơ quan thuế, cơ quan tài chính là vấn đề nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty Ewater, một doanh nghiệp KH&CN tại TP.HCM cho biết: “Quy định đã có nhưng lý giải của mỗi cơ quan thuế từng quận huyện mà doanh nghiệp đăng ký lại có sự khác nhau nên các cơ quan chủ quản như Sở KH&CN, cơ quan thuế nên phối hợp để có cách hiểu giống nhau, có văn bản thống nhất. Các doanh nghiệp mới bắt đầu sản phẩm dựa trên nghiên cứu KH&CN còn gặp khó khăn”

Kỳ vọng gì với các quy định mới cho doanh nghiệp KH&CN? - 3

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết hướng dẫn cụ thể về ưu đãi thuế, tài chính cũng là điều mà ông đang quan tâm bởi đây là trở ngại đặc biệt khi làm việc với các cơ quan thuế. Ngoài ra, ưu đãi thuế và tài chính không phải là những điều duy nhất mà các doanh nghiệp như ELINKGATE cần.

“Hiện tại công ty đang thiếu chuyên gia tư vấn các vấn đề pháp lý và kỹ thuật để bán sản phẩm vào thị trường Mỹ, EU nên công ty tự tìm hiểu và học hỏi dần. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thiếu cơ hội kết nối tham gia các hội chợ quốc tế. Tại các nước khác như Singapore, các doanh nghiệp startup được hỗ trợ kinh phí để tham dự CES, CEBIT…”, ông Hoàng nói thêm, “Bởi vậy, những doanh nghiệp KH&CN, nhất là các startup như ELINKGATE rất cần hỗ trợ về việc kết nối thị trường và các chuyên gia tư vấn các vấn đề về pháp lý và kỹ  thuật khi xuất khẩu.” 

Phạm Sơn - khampha.vn

Triển lãm quy tụ những công nghệ, thiết bị hiện đại trong công nghệ thí nghiệm, phân tích, chẩn đoán và công nghệ sinh học như máy sắc ký lỏng ghép khối phổ tứ cực – thời gian bay, Thiết bị quang phổ huỳnh quang tia X tán xạ năng lượng....

 

Sáng 3.4, Triển lãm quốc tế lần thứ 6 về công nghệ thí nghiệm, phân tích, chẩn đoán và công nghệ sinh học (Analytica Vietnam) 2019 do Cục Thông tin KH&CN quốc gia (NASATI) thuộc Bộ KH&CN phối hợp với Tổ chức Dịch vụ Hội chợ triển lãm Quốc tế IMAG, Tập đoàn Messe Munchen (Đức) tổ chức đã chính thức khai mạc.

Triển lãm là hoạt động xúc tiến phát triển thị trường KH&CN trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ thí nghiệm, phân tích, chẩn đoán, công nghệ sinh học được tổ chức 2 năm/lần.

Analytica VietNam 2019: Cơ hội cập nhật những công nghệ thí nghiệm tiên tiến nhất - 1

Lễ cắt băng khai mạc Analytica 2019

Phát biểu lễ khai mạc Analytica 2019, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định Việt Nam đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ chế, chính sách và hướng trọng tâm đầu tư của Nhà nước về KH&CN cho khu vực doanh nghiệp, để giúp nâng cao năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Bộ KH&CN cũng đã có nhiều giải pháp cụ thể để hỗ trợ các nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, làm chủ các công nghệ mới, hiện đại trên thế giới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa dịch vụ trên thị trường.

“Tuy nhiên, do đòi hòi ngày càng cao và gia tăng chất lượng cuộc sống, các hoạt động nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thực phẩm và môi trường sống cũng phải ngày càng tăng cao. Điều này đòi hỏi phải có những công nghệ, thiết bị phục vụ phân tích, chẩn đoán hiện đại, có độ chính xác, tin cậy cao, cùng với đội ngũ nhân lực được đào tạo đầy đủ về chuyên môn, nghiệp vụ. trên thế giới, những công nghệ và thiết bị thí nghiệm phục vụ phân tích, chẩn đoán, nghiên cứu công nghệ sinh học ở trình độ cao đã được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các doanh nghiệp nắm bắt những công nghệ, thiết bị này còn hạn chế.”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

Bởi vậy, theo Thứ trưởng, việc tổ chức Analytica Vietnam 2019 là hoạt động có ý nghĩa và cần thiểt, giúp các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp, bệnh viện, cơ sở dịch vụ phân tích, kiểm định, chẩn đoán của Việt Nam có điều kiện tiếp cận với những công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại của thế giới và tìm kiếm đối tác nước ngoài để hợp tác, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.

Analytica VietNam 2019: Cơ hội cập nhật những công nghệ thí nghiệm tiên tiến nhất - 2

Từ giờ đầu khai mac, triễn lãm đã thu hút lượng lớn khách tham quan

Đại diện ban tổ chức, ông Martin Lehner, Giám đốc điều hành bộ phận kinh doanh công nghệ mới của tập đoàn triển lãm Quốc tế Munich, cho biết tổng cộng có 143 công ty, đơn đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ như Đức, Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc... đơn vị tham dự Analytica 2019, tăng 33% về không gian, tăng 18% về số lượng đơn vị tham dự.

Tại triển lãm, các đơn vị đã giới thiệu những công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại nhất hiện nay trong công nghệ thí nghiệm, phân tích, chẩn đoán và công nghệ sinh học như máy sắc ký lỏng ghép khối phổ tứ cực – thời gian bay, Thiết bị quang phổ huỳnh quang tia X tán xạ năng lượng, Máy quang phổ hồng ngoại FTIR Alpha II, Thiết bị chuẩn độ điện thế tự động, Hệ thống phân tích phân bón (NPK) tự động (SAN++), OMNIS – Phương pháp tích hợp mới giúp tăng năng suất và hiệu quả trong phòng thí nghiệm hiện đại,...

Analytica VietNam 2019: Cơ hội cập nhật những công nghệ thí nghiệm tiên tiến nhất - 3

Các thiết bị đo cầm tay có độ chính xác cao của công ty TNHH Thương mại Rồng Tiến

Đến thăm quan triển lãm lần này, anh Trần Ngọc Tạo quan tâm tìm kiến những công nghệ mới trong mảng công nghệ vi sinh. Sau khi tham khảo một số gian trưng bày, anh Tạo cho hay: “Các sản phẩm, thiết bị tại triển lãm năm nay rất đa dạng. Với doanh nghiệp của tôi thì giá của các sản phẩm vẫn hơi cao nhưng khả năng ứng dụng tốt và đa dạng.”

Ngoài các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, Analytica Vietnam 2019 còn có các hội nghị, hội thảo khoa học như với sự tham gia của các nhà khoa học uy tín tại Việt Nam và quốc tế với các nội dung: Nguyên tắc của đảm bảo chất lượng trong phòng thí nghiệm, phân tích; Những vấn đề cơ bản trong khoa học phân tích/sắc ký và phối phổ; Kiểm tra và chứng nhận sản phẩm theo tiêu chí quốc tế; Phân tích và kiểm soát ô nhiễm môi trường...

Triển lãm sẽ tiếp tục diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn SECC, 779 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, TP.HCM đến hết ngày 5.4.2019.

Analytica VietNam 2019: Cơ hội cập nhật những công nghệ thí nghiệm tiên tiến nhất - 4

Sản phẩm tủ vi khí hậu thử nghiệm độ bền quang của các sản phẩm dược phẩm của Công ty TNHH Hóa Việt. Sản phẩm sử dụng công nghệ kiểm soát ánh sáng lượng tử giúp nguồn sáng tự động tắt đạt ngưỡng sáng phù hợp

Analytica VietNam 2019: Cơ hội cập nhật những công nghệ thí nghiệm tiên tiến nhất - 5

Công ty Dương Hà Retek giới thiệu các sản phẩm làm đẹp nguồn gốc tự nhiên và công nghệ làm sạch nước tiên tiến áp dụng cho rửa thực phẩm, nông nghiệp, làm sạch nước hồ bơi...

 
Phạm Sơn - khampha.vn

Ung thư miễn dịch – lĩnh vực đạt giải Nobel y học năm 2018 đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị khoa học trường ĐH Y dược TP.HCM.

ĐH Y dược TP.HCM từng bước tiệm cận với các chuẩn mực khoa học quốc tế - 1

Các đại biểu tham quan các gian hàng bên ngoài hành lang hội nghị khoa học ĐH Y dược TP.HCM lần thứ 36. Ảnh: T.Vượng.

Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 36 của Trường ĐH Y dược TP.HCM đã diễn ra vào cuối tuần qua, với 183 bài báo khoa học, 20 bài báo cáo poster của các báo cáo viên là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe.

Chủ đề của hội nghị năm nay là “Y học toàn diện: từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng lâm sàng”. Hội nghị nhấn mạnh đến sự kết hợp giữa các nghiên cứu sinh học phân tử, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cận lâm sàng và lâm sàng với nhau để có thể tạo ra những kết quả mà có thể ứng dụng vào thực tế chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện và liên tục cho bệnh nhân.

Hội nghị đón tiếp hai chuyên gia nước ngoài trình bày trong phiên toàn thể. GS. Ben W Mol, đến từ ĐH Monash (Úc) trình bày báo cáo “Làm thế nào để liên kết công việc lâm sàng và nghiên cứu với nhau đối với một nhân viên y tế”.

Người thứ hai là TS. Yen Ling Chiu đến từ Viện Y Khoa Lâm Sàng, ĐH Quốc gia Đài Loan trình bày lĩnh vực ung thư miễn dịch. Đây là là lĩnh vực đã đạt được giải Nobel Y học 2018.

Phát biểu chào mừng hội nghị, PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết, đây là năm đầu tiên hội nghị tổ chức phiên báo cáo tiếng Anh cho các nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi, và phiên báo cáo  bằng poster (áp phích).

“Phiên tiếng Anh và poster đều sẽ có chấm điểm và trao thưởng, đồng thời chúng tôi cũng sẽ công bố trong phiên bế mạc giải thưởng Tài năng trẻ ĐH Y dược TP.HCM và giải thưởng cho các nhà khoa học đã có công bố quốc tế xuất sắc năm.

“Tất cả hoạt động trên nhằm khuyến khích hơn nữa sự tham gia của các nhà khoa học trẻ và nâng cao năng lực nghiên cứu của ĐH Y dược TP.HCM từng bước tiệm cận với các chuẩn mực khoa học quốc tế”- PGS.TS Trần Diệp Tuấn cho biết.

Hội nghị khoa học ĐH Y dược TP.HCM năm 2020 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 14/03 năm 2020 với chủ đề “Y học cá thể, những cơ hội và thách thức”.

 
Hà Thế An - khampha.vn

Thành phố Hồ Chí Minh cần tiên phong trong đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; coi đây chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. 

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thông báo nêu rõ, tiềm năng, tiềm lực của Thành phố còn rất lớn, nhất là con người có truyền thống yêu nước, cách mạng và tinh thần luôn luôn đổi mới sáng tạo. Chính vì vậy, Thành phố phải xác định trên tinh thần “Thành phố vì cả nước, cả nước vì Thành phố”. 

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phải là động lực phát triển của TP.HCM - 1

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh 

Thủ tướng yêu cầu thành phố tập trung thực hiện kế hoạch hành động với các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, hiệu quả cụ thể, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo.

Thủ tướng mong muốn thành phố cần đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt cần tiếp tục “coi phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là lối ra”. Để đạt được các mục tiêu này, Thủ tướng gợi ý thành phố cần làm tốt quy hoạch vùng và trình độ thực thi; đồng thời đề nghị các ban, ngành Trung ương tiếp tục phân cấp, giao quyền để thành phố chủ động thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội theo hướng “quyết liệt hơn nữa, đồng bộ hơn nữa, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc cần làm tốt các khâu như: Quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng giao thông; tiếp tục có những sáng kiến thực thi thể chế liên kết vùng hiệu quả hơn. Song song với đó là giải quyết những vấn đề về giao thông, phòng chống tội phạm và phân bổ nguồn nhân lực hợp lý tạo điều kiện vươn lên mạnh mẽ, khắc phục những hạn chế trong thời điểm khó khăn hiện nay. 

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chủ trương xã hội hóa đầu tư vào các dịch vụ công. Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; thực hiện tốt Chương trình cải cách hành chính của Thành phố giai đoạn 2018-2020. Phấn đấu tỷ lệ giải quyết đúng hạn trên Cổng thông tin một cửa điện tử của Thành phố đạt trên 90%.

Tiếp tục thu hút mạnh các dự án FDI công nghệ cao; đồng thời tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 400 nghìn doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Thành phố.

Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao và thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ. Thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và vận dụng thành quả của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế.

Chuyển đổi hoạt động của doanh nghiệp theo hướng ưu tiên thu hút các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất; hạn chế phát triển các dự án sử dụng nhiều lao động giản đơn.

Giải quyết căn bản những dự án lớn

Kết luận cũng nêu rõ, Thành phố cần xây dựng các chương trình hành động để giải quyết căn bản những dự án lớn hiện nay như giao thông, nhà ở xã hội, tái định cư. Chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ dự án để đưa vào sử dụng (sân bay Tân Sơn Nhất, Dự án metro tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Dự án chống ngập úng, Dự án bến xe Miền Đông,...). 

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phải là động lực phát triển của TP.HCM - 2

Đồng thời, triển khai quyết liệt tổng thể nhiều giải pháp để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, úng ngập nước, ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Các khu đô thị mơi cần chú trọng quy hoạch giao thông hạ tầng, môi trường sinh thái góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Bên cạnh đó, quan tâm về các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động; bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế, giáo dục. Thu hút và tạo điều kiện thuận lợi phát triển nhà ở cho công nhân và thiết chế văn hóa tại khu công nghiệp, khu chế xuất.  

Thủ tướng lưu ý thành phố cần tập trung xử lý các vấn đề bức xúc của người dân, nhất là câu chuyện Thủ Thiêm, tạo sự đồng thuận cao hơn trong nhân dân. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng động viên, cổ vũ thành phố trong việc giải quyết những tồn tại vừa qua; qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân để tập trung phát triển kinh tế xã hội thành phố. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị thành phố làm tốt việc giải quyết các bức xúc giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền trên tinh thần đối thoại công khai để tìm ra “lối đi”, đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. 

 
N.H - khampha.vn

Đây được xem là những tín hiệu tích cực đầu tiên trong năm 2019 của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐH tại TP.HCM.

Tập đoàn VinaCapital và Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) của doanh nhân  Phạm Phú Ngọc Trai đã có những cuộc tiếp xúc và kết nối vào hệ sinh thái khởi nghiệp của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ sự kiện gặp mặt đầu năm của cộng đồng khởi nghiệp do Khu công nghệ phần mềm (ITP) thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức vào tối 21/02.

Hai doanh nghiệp lớn kết nối vào hệ sinh thái khởi nghiệp ĐH Quốc gia TP.HCM - 1

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, sáng lập GIBC chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.

Tại buổi gặp mặt, ông Phạm Phú Ngọc Trai, sáng lập GIBC cho biết, bản thân ông từng là sinh viên của ĐH Quốc gia TP.HCM. Sau nhiều năm, ông quay trở lại nơi này và chứng kiến bao sự đổi thay.

Ông chia sẻ, gặp 4 doanh nghiệp khởi nghiệp tại Khu công nghệ phần mềm, ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong mắt của họ luôn ẩn chứa khát vọng của những người khởi nghiệp, họ hào hứng chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp, về chiến lược của sản phẩm mình. Đó là điều ông cảm nhận đầu tiên khi gặp những con người trẻ hôm nay.

“Khát vọng là điều tôi không chỉ nhìn thấy ở các bạn trẻ khởi nghiệp, mà trong toàn bộ cộng đồng những con người tại đây. Chính vì lẽ đó, con người chính là nguồn lực lớn nhất của hệ sinh thái khởi nghiệp nằm trong lòng trường ĐH”- ông Phạm Phú Ngọc Trai trải lòng.

Ông mong muốn các startup hãy định vị giá trị cốt lõi của bản thân, mô hình kinh doanh của mình và luôn có tầm nhìn hội nhập quốc tế.

“Tôi nghĩ để làm được những điều này nếu hệ sinh thái ĐH Quốc gia TP.HCM không làm được chắc có lẽ không nơi nào làm được”- ông Thẳng thắn.

Người sáng lập GIBC cũng chia sẻ rằng, trong năm 2019 sẽ phát triển một quỹ đầu tư, tích cực thực hiện các hoạt động đào tạo về quản trị,…cho các startup của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Tại buổi gặp gỡ, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho hay, Khu công nghệ phần mềm (ITP) chính là đơn vị thực hiện tạo lập và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong lòng ĐH. Từ năm 2014, khi hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo chưa được nói tới nhiều, ĐH Quốc gia TP.HCM chính là đơn vị đã có những hoạt động đầu tiên.

Đến nay hệ sinh thái khởi nghiệp của ĐH Quốc gia TP.HCM đã và đang trực tiếp hỗ trợ 40 dự án khởi nghiệp, 1/3 trong số này đã gọi được vốn đầu tư ươm mầm. Các dự án đã trực tiếp tạo ra 300 việc làm và môi trường thực tập và trải nghiệm của hàng trăm sinh viên mỗi năm.

“Sự xuất hiện và cam kết đồng hành của các doanh nghiệp lớn sẽ giúp chúng tôi hoàn thiện hệ sinh thái và có thêm những nhân tố quan trọng, góp phần thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong lòng trường ĐH có những bước đi dài trong thời gian tới”- PGS. TS Huỳnh Thành Đạt chia sẻ.

Được biết, hiện đã có 20 doanh nghiệp kết nối vào hệ sinh thái khởi nghiệp của ĐH Quốc gia TP.HCM. 

 

Ông Phạm Phú Ngọc Trai (64 tuổi, quê Quảng Nam) là một nhà quản trị doanh nghiệp và là một trong số ít những nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi bật của Việt Nam trong suốt hai thập niên qua.

Ông từng là cán bộ Vụ Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương, Phó Giám đốc Công ty nước giải khát quận 3, Chủ tịch Công ty nước giải khát Tribeco, Công ty SPco rồi Công ty nước giải khát quốc tế IBC trước khi trở thành Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PepsiCo Đông Dương.

Khi làm việc cho Pepsi, ông đã vinh dự và xuất sắc đưa Pepsi Việt Nam 4 lần liên tiếp giành hạng nhất của giải thưởng DMK - giải thưởng cao quý nhất của Tập đoàn PepsiCo toàn cầu mang tên của Donald M.Kendall - Nguyên Chủ tịch và là người đồng sáng lập ra tập đoàn.

Đầu năm 2010, sau gần 30 năm làm việc, và 18 năm gắn bó với Pepsi, ông Trai từ chức ở Pepsi để nghỉ hưu sớm ở tuổi 55. Sau đó, ông chuyển sang công việc của một nhà tư vấn chiến lược kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam và cùng những cộng sự của mình sáng lập ra Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu, viết tắt là GIBC.

Hà Thế An - khampha.vn

TPHCM có 2 điểm sáng về sản xuất và đầu tư công nghệ là Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) và Khu Công nghệ cao (SHTP). Hơn 10 năm hình thành và phát triển, 2 khu này đã tạo ra những giá trị lớn về công nghệ, đóng góp vào sự phát triển của TPHCM.  

Mỗi giai đoạn có những nhiệm vụ khác nhau, nhưng thời nay, không chỉ là cho thuê đất với những ưu đãi để thu hút các công ty công nghệ, mà QTSC và SHTP còn trở thành nơi ra đời của những sản phẩm sáng tạo, đón đầu xu hướng công nghệ mới.

Chuyển hướng đón đầu công nghệ mới ảnh 1
Hơn 10 năm hình thành và phát triển, QTSC và SHTP đã tạo ra những giá trị lớn về công nghệ. Ảnh: T.Ba
 Giảm dần doanh nghiệp gia công

Hiện QTSC có 160 doanh nghiệp phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) và các doanh nghiệp khởi nghiệp với tổng vốn đăng ký kinh doanh trên 2.600 tỷ đồng. Tổng doanh thu năm 2018 của các doanh nghiệp CNTT hoạt động tại QTSC ước đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2014; trong đó, thị trường xuất khẩu vẫn đóng vai trò quan trọng với giá trị đạt gần 350 triệu USD, tăng 38,7% so với năm 2017.

Theo đánh giá của Vụ CNTT (Bộ TT-TT), QTSC không chỉ là khu CNTT tập trung được thành lập đầu tiên trong cả nước mà còn là khu được đánh giá hoạt động thành công nhất ở Việt Nam, đồng thời cũng được đánh giá cao trong khu vực. Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC, trong 10 năm đầu hoạt động của QTSC, doanh nghiệp nước ngoài luôn chiếm thế thượng phong, nhưng đến nay, trong tổng số 160 doanh nghiệp hoạt động tại khu, chỉ có 50 doanh nghiệp nước ngoài, còn hơn 100 đơn vị là doanh nghiệp Việt.

Sự chuyển dịch cũng diễn ra bên trong QTSC, không còn chỉ là sản xuất phần mềm mà các doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất phục vụ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau. Phần lõi vẫn là phần mềm nhưng đã gắn thêm với cơ - điện tử, truyền thông… Quan trọng hơn, không ít doanh nghiệp Việt nơi đây cũng chuyển sang đổi mới sáng tạo, tức tự làm ra những sản phẩm công nghệ, giải pháp cung cấp cho khách hàng, thị trường chứ không nhất thiết chỉ gia công, đặt hàng cho các công ty nước ngoài như trước đây.

Đồng hành cùng các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, QTSC cũng tạo ra những sản phẩm phục vụ doanh nghiệp như triển khai hệ thống đo đếm dữ liệu điện kế từ xa nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh doanh và chất lượng dịch vụ cho khách hàng; tạo ra Smart Water - giải pháp công nghệ quản lý, theo dõi chỉ số nước sử dụng của khách hàng, đọc chỉ số nước tự động hàng tháng, lưu trữ số liệu và xuất ra các thông báo cước phí cho khách hàng theo kỳ thanh toán; hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh…

Ông Lâm Nguyễn Hải Long đề nghị: “Để phù hợp với xu thế chuyển dịch sang sáng tạo, nhà nước cần tạo cơ chế, chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp hoạt động trong QTSC có thể tự do sáng tạo”.

Chú trọng doanh nghiệp R&D

Tính đến nay, SHTP đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho gần 150 dự án, trong đó có 93 dự án trong nước và 55 dự án FDI… SHTP hiện có nhà đầu tư thuộc các tập đoàn, công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới như Intel, Sanofi, Samsung, Schneider, Datalogic, Jabil… Đáng chú ý, trong năm 2018, SHTP đã tiếp xúc tại chỗ 81 nhà đầu tư bao gồm nhà đầu tư, đơn vị tư vấn đầu tư và tổ chức xúc tiến đầu tư quốc tế đến tìm hiểu thông tin, cơ hội đầu tư, hợp tác. Trong đó, nhóm ngành sản xuất công nghệ cao được quan tâm nhiều nhất chiếm 49,38%, nhóm nghiên cứu và phát triển (R&D) chiếm 25,92%, còn lại là nhóm ngành thương mại dịch vụ và phát triển hạ tầng. Theo SHTP, con số 25,92% từ nhà đầu tư có R&D là “điểm ngắm” vì đây là khởi nguồn cho đổi mới sáng tạo, một trong những mục tiêu của giai đoạn hiện nay.

Các doanh nghiệp Việt trong SHTP cũng đã tạo ra những sản phẩm mang tính thương mại hóa cao như: thiết bị WMC-01, Reader WMC-01, quy trình sản xuất methanol từ hỗn hợp hydro/cacbonic bằng lò phản ứng dạng màng, sản phẩm băng vết thương dạng gel, chế phẩm chống nắng dùng qua đường uống (Biosuncare), thiết bị giám sát chất lượng nước online TCCheck TC-918, sản phẩm thủy tinh thể nhân tạo, sản phẩm Server xác thực người dùng trên môi trường web và mobile theo tiêu chuẩn FIDO của UAF… Đây là những sản phẩm xuất phát từ quá trình đổi mới sáng tạo.

Hiện SHTP có những công nghệ đang có tác động lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, robot… Cùng với định hướng phát triển của TPHCM xây dựng Khu đô thị sáng tạo tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, SHTP sẽ xây dựng, hoàn thiện một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, để cùng với Đại học Quốc gia TPHCM trở thành “hạt nhân” trong Khu đô thị sáng tạo của thành phố. Song song đó, SHTP cũng đã thành lập 5 phòng thí nghiệm, thu hút 16 tiến sĩ và thạc sĩ đến làm việc. Vườn ươm doanh nghiệp SHTP đã hỗ trợ 25 dự án thương mại hóa sản phẩm thành công, 100% dự án ươm tạo có công nghệ do chính người Việt Nam sở hữu và phát triển. Đây là những tiền đề lớn trong việc đổi mới sáng tạo ở SHTP.

Theo Ban quản lý SHTP, khu vẫn tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng đối với các dự án về khoa học và công nghệ để đáp ứng với tốc độ phát triển hiện hữu như triển khai thi công dự án nâng cấp Phòng thí nghiệm công nghệ bán dẫn và dự án Đầu tư trang thiết bị MEMS, khởi công xây dựng dự án Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao... Đây là hướng để tiếp cận và đón đầu sự phát triển của công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất… 

BÁ TÂN - SGGP

Thực hiện tiêu chuẩn chất lượng dù cực nhưng lại giúp doanh nghiệp thấy vui hơn vì môi trường đảm bảo, sản phẩm của mình xuất sang được nhiều quốc gia khó tính. 

Những điều này được các đại diện doanh nghiệp, chuyên gia chia sẻ tại buổi tọa đàm “Đôi cánh nào để hàng Việt bay ra thị trường thế giới” do Hội doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao tổ chức chiều 20/02. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình tôn vinh 542 doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao năm 2019.

Làm tiêu chuẩn chất lượng, cực thì cực nhưng qua rồi thì… sướng - 1

Một gian hàng đạt tiêu chuẩn Global Gap bên ngoài hội thảo được nhiều người quan tâm. Ảnh: Hà Thế An.

Cực mà vui

Ông Hải Vũ hiện đang kinh doanh làm sản phẩm nhựa mang thương hiệu Rạng Đông nhưng mấy năm gần đây có làm thêm mảng nông nghiệp. Có một lần, đối tác đến từ Úc yêu cầu ông tìm nguồn trái cây sạch để mua.

Ông tìm về quê hương mình ở Tiền Giang gặp đại diện xã và Hội nông dân xã đặt vấn đề bán quả mãng cầu gai xuất khẩu. Nhưng khi hỏi về việc thực hiện tiêu chuẩn của nông dân, ông mới biết rằng, nông dân chỉ làm đạt 10% tiêu chuẩn. Nhiều người than rất khó làm và khi lấy tiêu chuẩn xong rồi thì họ lại làm theo tập quán.

“Tôi mất mối kết nối để xuất mãng cầu gai sang Úc và thật sự tiếc cho nông dân. Làm tiêu chuẩn sao khó đến thế”- ông Hải Vũ trải lòng.

Đồng cảm với câu chuyện làm tiêu chuẩn, ông Nguyễn Công Luận, Phó tổng giám đốc công ty rau quả thực phẩm Antesco, cho biết cách đây mấy năm ông thực hiện tiêu chuẩn Global Gap cho trang trại rau quả với quy mô nhỏ để thí điểm. Khi chọn xong phần đất đạt tiêu chuẩn, ông tiến hành thực hiện các quy trình theo chuẩn để trồng rau.

Sắp đến ngày đoàn kiểm tra tiêu chuẩn đến kiểm tra để chứng nhận, bỗng dưng có một hộ gia đình mở trang trại chăn nuôi bò ngay khu vực gần nguồn nước nơi ông trồng rau. Điều này đe dọa đến nguồn nước trồng rau của trang trại ông Luận.

Trong đêm ông phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp yêu cầu gia đình nuôi bò tháo dỡ và dời địa điểm chăn nuôi.

“Nếu không có chính quyền, chắc chúng tôi sẽ thất bại trong hành trình làm tiêu chuẩn cho trang trại rau. Biết là làm tiêu chuẩn cực lắm, nhưng khi xuất được sang thị trường nước ngoài cảm giác vui sướng vô cùng”- ông Luận nói.

Hiện nay các sản phẩm rau, củ của Antesco xuất hiện ở 90% cửa hàng ăn uống (sử dụng làm món tráng miệng) tại Nhật Bản.

Ông Luận cho biết thêm, chỉ có làm những điều thực tế, thực hiện thí điểm những khu vực trồng rau theo tiêu chuẩn, chất lượng thì nông dân họ mới tin và làm theo. “Thực hiện theo tiêu chuẩn trước hết là mang lại lợi ích cho chính mình với không gian xanh, môi trường sạch rồi sau này là giá trị gia tăng của sản phẩm và lợi nhuận”- ông Đúc kết.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch Việt Nam, để nhiều người dân hơn thực hiện các tiêu chuẩn, chất lượng không chỉ đến từ giải pháp kỹ thuật mà còn liên quan đến vấn đề thị trường, marketing và cả một hệ sinh thái trong lĩnh vực này.

“Thuyết phục người dân làm theo tiêu chuẩn là phải cùng nhau xây dựng được giá trị chung, tìm đầu ra cho những sản phẩm của họ thì khi đó mới có nhiều người hơn làm thực phẩm tiêu chuẩn chất lượng”- bà Minh nói.

Theo Th.s Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia chuỗi an toàn thực phẩm, nông dân Việt Nam chưa quen với xây dựng tiêu chuẩn và có trách nhiệm với môi trường. Một vấn đề khác đến từ câu chuyện chi phí khi áp dụng tiêu chuẩn. Vì thế, hiện nay Hội doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao đã xây dựng tiêu chuẩn trung gian là “Local Gap” đạt được khoảng 30% các tiêu chí của GlobalGap để giúp nông dân làm tiêu chuẩn với chi phí thấp hơn nhiều.

“Nông dân chỉ mất tối đa 3 năm để từ Local Gap lên Global Gap. Chúng tôi sẽ kết hợp với đơn vị khuyến nông từng địa phương cùng thay đổi hành vi sản xuất của nông dân. Tất cả sẽ cùng chung tay để tiêu chuẩn xuất hiện ở nhiều nơi trên đất nước chúng ta”- Th.s Thanh nói.

Người tiêu dùng sẽ “soi” tiêu chuẩn chất lượng nhiều hơn

Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền thương hiệu, dẫn chứng một trong những xu hướng hiện tại và tương lai của người tiêu dùng là trải nghiệm sản phẩm (theo Global Consumer Trends Survey năm 2017).

Cụ thể, người tiêu dùng sẽ lựa chọn sản phẩm bằng trải nghiệm 5 đến 6 điểm chạm. Các điểm chạm này theo cách thức tiếp thị của doanh nghiệp. Có đến 4 điểm chạm theo trải nghiệm sản phẩm trên mạng internet và 2 điểm chạm trực tiếp tại các cửa hàng bán sản phẩm.

Điều đó theo bà Vân, hoạt động trải nghiệm sản phẩm trực tuyến là một xu hướng hiện nay mà người tiêu dùng đang thực hiện. Tuy nhiên, xu hướng trải nghiệm sản phẩm trực tiếp cũng chiếm vị trí quan trọng. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các Experience Center (trung tâm trải nghiệm) để phục vụ khác hàng.

“Dù là phương pháp kinh doanh trực tiếp hay trực tuyến thì mục tiêu quan trọng nhất là doanh nghiệp phải tạo ra những cơ hội trải nghiệm cho khách hàng bằng các phương pháp khác nhau. Người tiêu dùng đang có xu hướng mua trải nghiệm nhiều hơn là mua sản phẩm”- bà Vân nhấn mạnh.

Làm tiêu chuẩn chất lượng, cực thì cực nhưng qua rồi thì… sướng - 2

Các doanh nghiệp, chuyên gia chia sẻ câu chuyện làm tiêu chuẩn chất lượng của mình tại hội thảo. Ảnh: Hà Thế An.

Cũng theo bà Vân, tiêu chuẩn, chất lượng gắn với hành vi mua sắm người dân. Họ đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm, sự thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe của mình.

Sản phẩm thân thiện môi trường, an toàn cho sức khỏe sẽ là chìa khóa mua được lòng trung thành của người tiêu dùng với sản phẩm của một doanh nghiệp. Tăng sức khỏe, tăng xanh, cuộc sống xanh là xu hướng tiêu dùng trong tương lai mà bất cứ doanh nghiệp nào muốn hội nhập đều phải đáp ứng.

“Chúng ta phải chuyển động với xu thế của thế giới. Tiêu chuẩn chất lượng mở ra cuộc chơi công bằng, mở ra cho mọi người, và không có bảo hộ nào. Vì thế doanh nghiệp đi theo tiêu chuẩn không thể đi một mình mà cần cộng tác với các đối tác để cùng nhau xây dựng”- bà Vân nói.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Cục phó, Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến hết năm 2018 Việt Nam có khoảng 11.500 tiêu chuẩn trên tất cả lĩnh vực. Đến năm 2020 có hoảng 12.000 tiêu chuẩn với độ hài hòa khoảng 60% so với tiêu chuẩn quốc tế.

"Để doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng nhiều hơn, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, chúng tôi sẽ đồng hành với Hội doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao hỗ trợ đắc lực cho hoạt động này. Chúng tôi sẽ tổ chức các chương trình tư vấn và hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước để doanh nghiệp làm tiêu chuẩn chất lượng", ông Linh cho biết thêm.

 

Hà Thế An - khampha.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378