Kết quả nhiệm vụ khoa học - công nghệ do nhóm chuyên gia, nhà khoa học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) thực hiện giúp các đơn vị nuôi dạy học sinh khiếm thị thuận tiện hơn trong việc chế bản sách giáo khoa dạng chữ nổi.
Thực tế cho thấy, từ đầu năm học 2020-2021, các cơ sở giáo dục, trung tâm và mái ấm nuôi dạy trẻ em khiếm thị tại TP.HCM đã và đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc thực hiện các bộ sách giáo khoa hình và chữ nổi trên nền tảng các bộ sách biên soạn theo chương trình mới, đặc biệt đối với các môn học như Toán, Tự nhiên và Xã hội (TNXH), Khoa học và Tự nhiên (KHTN).
Các bộ sách giáo khoa mới được đầu tư biên soạn rất công phu, tích hợp đa dạng các nội dung với nhiều hình ảnh sinh động mô tả đặc điểm, tính chất và chuyển động của vật thể. Điều này hỗ trợ tốt cho việc dạy và học theo định hướng giáo dục mới đối với học sinh bình thường, nhưng dẫn đến yêu cầu cao về việc nghiên cứu, thay đổi hình ảnh cho phù hợp mà không làm ảnh hưởng đến nội dung các môn học cần chế bản để in sách cho học sinh khiếm thị. Đây là thử thách lớn cho đội ngũ chuyển đổi sách giáo khoa ở các trường chuyên biệt nói chung.
Đại diện hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ trực tiếp xem một mẫu chế bản hoàn thiện
Trên tinh thần đó, nhằm kịp hỗ trợ cho giáo viên và học sinh khiếm thị có sách giáo khoa để dạy và học trong các năm học tiếp theo, trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM đã tiến hành làm sách giáo khoa lớp 1 theo bộ sách Chân trời sáng tạo. Tuy nhiên, vẫn như mọi lần, đội ngũ giáo viên của nhà trường lại gặp khó khăn trong việc thực hiện sách giáo khoa hình và chữ nổi cho các môn Toán, TNXH và KHTN. Dự đoán được những khó khăn này sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai, đại diện nhà trường đã đặt hàng các nhà khoa học trên địa bàn TP.HCM về việc xây dựng hệ thống chế bản hình và chữ nổi Braille để in sách giáo khoa Toán, TNXH và KHTN theo bộ sách Chân trời sáng tạo nhằm phục vụ việc giảng dạy cho học sinh khiếm thị.
Hiện tại, trường phổ thông đặc biệt chỉ có thể chọn một số hình ảnh đơn giản để làm bởi vì trường không có chuyên viên hỗ trợ thiết kế đồ họa, hạn chế về nguyên vật liệu, dụng cụ và trang thiết bị máy móc để chuyển hình. Mọi thao tác vẽ, cắt, tỉa, dán… đều được làm bằng tay. Vì thế, quá trình thực hiện chế bản của đơn vị này vẫn tập trung chủ yếu vào việc chuyển ngữ, dẫn đến việc tiếp nhận thông tin hình ảnh thông qua kênh xúc giác của học sinh khiếm thị còn nhiều hạn chế. Trong thời gian vừa qua, nhà trường đã tiến hành chuyển đổi sách Tiếng Việt lớp 1 và 2 bộ sách Chân trời sáng tạo sang chữ nổi Braille để phục vụ công tác dạy và học của học sinh khiếm thị tại trường, đồng thời hỗ trợ các đơn vị cần sách Tiếng Việt trên toàn quốc. Đội ngũ làm sách của trường Nguyễn Đình Chiểu với khoảng 20 giáo viên và nhân viên phải dành 30 ngày mỗi tháng, làm việc xuyên suốt từ tháng 3-5/2020 để thực hiện công tác chuyển đổi hai cuốn sách giáo khoa môn Tiếng Việt nói trên. Bên cạnh đó, hiện có một số đơn vị nuôi dạy học sinh khiếm thị có thói quen làm hình ảnh bằng máy in chấm nổi gây nhiều khó khăn cho học sinh trong lúc nhận diện hình (sờ các đường viền chấm nổi để hình dung những dáng người, hình dạng các loài động, thực vật, vi sinh vật, nhà cửa, trường học,…), thì đa số các đơn vị làm sách đều cắt hình và kết nối với chữ để tạo thành chế bản rồi dùng máy in chữ nổi kết hợp với máy in nhiệt để in sách. Tuy nhiên, do nguồn nhân lực, trang thiết bị và năng lực thiết kế đồ họa hạn chế nên đội ngũ làm sách chủ yếu làm hình một cách thủ công (dùng dao và kéo để tạo hình). Điều này dẫn đến việc chỉ có một số hình đơn giản trong sách giáo khoa được chuyển đổi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp cận kiến thức cũng như phát triển năng lực tri giác xúc giác. |
Từ "đặt hàng" này cùng sự hỗ trợ kinh phí từ Sở KHCN TP.HCM, nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Xây dựng quy trình thực hiện và hệ thống chế bản in sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille cho học sinh khiếm thị" đã được triển khai thực hiện.
Đơn vị chủ trì nhiệm vụ là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) và thạc sỹ Phan Nguyễn Ái Nhi là chủ nhiệm nhiệm vụ.
Nhu cầu cấp thiết
Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ, thạc sỹ Phan Nguyễn Ái Nhi cho biết, hai lý do chính dẫn đến tình trạng khan hiếm sách chữ nổi là do thiếu nguồn nhân lực có kỹ thuật tốt và chi phí nguyên vật liệu, trang thiết bị máy móc chuyên dụng quá cao (5.500-7.500 đồng/tờ giấy ép nhiệt và khoảng 700 triệu đồng cho máy ép nhiệt và máy in chữ Braille).
"Hiện tại cả nước chỉ có trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM, trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu TP.Hà Nội và và Mái ấm Nhật Hồng (TP.HCM) là có đủ máy móc, trang thiết bị để in sách giáo khoa cho học sinh khiếm thị của đơn vị mình và hỗ trợ vài nơi trong khả năng có thể", đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ phân tích, "Tuy nhiên, hệ thống sách giáo khoa được sản xuất vẫn tập trung chủ yếu vào sự mô tả bằng ngôn ngữ hơn là minh họa hình nổi. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tri thức của học sinh khiếm thị, đặc biệt là ở các môn Toán, TNXH, KHTN vốn dĩ luôn đòi hỏi phải có hình ảnh minh họa cho khái niệm, tính chất, nguyên lý và các bài tập ứng dụng".
Thạc sỹ Phan Nguyễn Ái Nhi trình bày kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ
Cũng theo lời thạc sỹ Phan Nguyễn Ái Nhi, nhiệm vụ bắt đầu được triển khai bằng việc tổng quan tài liệu để xác định các phần mềm và trang thiết bị máy móc cần thiết hỗ trợ in sách giáo khoa cho học sinh khiếm thị. Cơ sở lý thuyết về quy trình thực hiện chế bản ở một số quốc gia trên thế giới, quy trình làm sách hình và chữ nổi chung ở Việt Nam sẽ được nghiên cứu nhằm đánh giá tình hình và các quy trình làm sách hiện có, làm cơ sở để xây dựng quy trình thực hiện hệ thống chế bản cho đề tài.
Việc khảo sát đánh giá nhu cầu, trang thiết bị hiện có của các đơn vị nuôi dạy học sinh khiếm thị cũng được triển khai. Song song đó là quá trình học hỏi, đúc kết kinh nghiệm từ các đơn vị đã thực hiện chuyển đổi sách giáo khoa cho học sinh khiếm thị ở Việt Nam. Từ đây, một quy trình chuẩn phù hợp với điều kiện của Việt Nam sẽ được xây dựng, làm cơ sở để thiết kế, xây dựng, thử nghiệm, và hiệu chỉnh hệ thống chế bản theo đúng quy trình chuẩn đã đề xuất. Cuối cùng, nguyên lý gia nhiệt điều khiển hệ thống ép nhiệt tờ rời sẽ được nghiên cứu để in sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille cho học sinh khiếm thị.
Sau thời gian nghiêm túc nghiên cứu và triển khai, nhiệm vụ đã hoàn thành các nội dung chính yếu, đó là:
1) Điều tra, khảo sát và đánh giá thực trạng cũng như nhu cầu sử dụng sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille tại các trường, trung tâm, mái ấm… đang nuôi dạy học sinh khiến thị;
2) Thiết kế hệ thống chế bản in sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille Toán 1, TNXH 1; Toán 2, TNXH 2; Toán 6, KHTN 6 theo bộ sách giáo khoa Chân trời Sáng tạo;
3) Xây dựng hệ thống chế bản in sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille Toán 1, TNXH 1; Toán 2, TNXH 2; Toán 6, KHTN 6 theo quy trình và thiết kế;
4) Thực hiện in sách giáo khoa theo nguyên lý gia nhiệt điều khiển hệ thống ép nhiệt tờ rời sách giáo khoa hình và chữ nổ Braille Toán 1, TNXH 1; Toán 2, TNXH 2; Toán 6, KHTN 6;
5) Biên soạn tài liệu và tổ chức tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên về quy trình, cách làm hệ thống chế bản và điều khiển hệ thống ép nhiệt tờ rời sách giáo khoa.
Là một phần của nhiệm vụ, nhóm triển khai cũng đã thực hiện video hướng dẫn quy trình, cách làm hệ thống chế bản và điều khiển ép nhiệt tờ rời sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille. Video được đăng tải công khai cho mọi người có thể thuận tiện tham khảo tại địa chỉ www.youtube.com/watch?v=7QmXizTxHkQ.
Quy trình đề xuất
Công phu
Theo quy trình được đề xuất, hoạt động nghiên cứu sách giáo khoa và sách giáo viên sẽ giúp đội ngũ chuyển đổi sách hiểu rõ nội dung, tư duy của các tác giả cũng như việc định hướng giảng dạy cho giáo viên theo sách giáo khoa đã được biên soạn. Bên cạnh đó, việc xác định tư duy, trải nghiệm xúc giác của học sinh khiếm thị nói chung và đặc biệt là năng lực tri giác xúc giác đối với sách giáo khoa ở cấp lớp mà các em chuẩn bị được tiếp cận là rất quan trọng. Từ đây, những người tham gia công tác chuyển đổi sẽ phải xác định những nội dung chữ và hình ảnh nào cần được thực hiện. Việc xác định nguồn lực rất quan trọng trong hoạt động cần sự đầu tư rất lớn về cả nhân lực, vật lực và thời gian. Vì vậy, đội ngũ làm sách cần xác định số lượng và phân chia nhân sự phù hợp với kinh nghiệm và năng lực vốn có (chuyển ngữ, thiết kế, kỹ thuật, công nghệ…), trang thiết bị và máy móc bổ trợ cho quá trình làm sách, các nguồn nguyên vật liệu dễ tìm, giá thành thấp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra…
Trước khi bắt tay vào thực hiện chế bản, đội ngũ làm sách sẽ lựa chọn một số hình ảnh từ đơn giản đến phức tạp trong sách giáo khoa để thiết kế và xây dựng mẫu thử. Nếu thực hiện theo quy trình chuyển đổi sách của Mái ấm Nhật Hồng, ở bước này chỉ cần chọn hình, scan hình và dùng phần mềm PictureBraille để chuyển đổi hình ảnh thành những chấm nổi hỗ trợ nhận diện hình và dùng máy in chữ nổi để đồng thời tập tin chữ và hình ảnh. Theo cách thông thường của trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM, trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu TP.Hà Nội và nhiều đơn vị làm sách trên thế giới, đội ngũ chuyển đổi sẽ chọn hình và thiết kế thử nghiệm bằng phần mềm CorelDRAW 12 (hoặc một số phần mềm chuyên dụng có cùng chức năng), sau đó cài đặt phần mềm CorelLASER 2013.02 kết nối với máy CNC để cắt và tạo hình trên các nguyên vật liệu khác nhau theo những mẫu thiết kế. Dán các hình vừa được cắt lên những tờ giấy in liên tục (giấy dùng để dập chữ Braille) tạo thành các tờ chế bản mẫu và sử dụng máy Thermoform cùng giấy in nhiệt Braillon để in thành các bảng mẫu.
Chế bản được hoàn thiện
Tất cả hình ảnh cùng tập tin dàn trang hoàn thiện sẽ được cắt và in bằng máy cắt CNC và máy in chuyên dụng. Các hình ảnh sẽ được dán lên tập tin dàn trang (ở chỗ những khung hình đang để trống) để tạo thành chế bản mẫu. Sau đó, in và thử nghiệm bản mẫu tại cộng đồng và hiệu chỉnh theo yêu cầu.
Cuối cùng, theo thiết kế đã được thống nhất từ đơn vị đặt hàng, đội ngũ thực hiện đề tài dưới sự hỗ trợ của phần mềm CorelLASER 2013.02 sẽ dùng máy CNC để cắt và sau đó dán hình vào từng trang chữ Braille đã được in ra và duyệt trước đó để tạo thành chế bản. Hệ thống chế bản được xây dựng gồm 42 quyển (Toán 1: 6 quyển, TNXH 1: 6 quyển, Toán 2: 8 quyển, TNXH 2: 6 quyển, Toán 6: 9 quyển, KHTN 6: 7 quyển).
Toàn bộ chế bản đã được quay video giới thiệu và nộp đính kèm cho Sở KHCN TP.HCM tại hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ.
Chế bản và bản ép nhiệt tờ rời SGK Toán 1 – hình 2 lớp mật độ vừa
Chế bản và bản ép nhiệt tờ rời SGK TNXH 1 – hình 4 lớp mật độ nhiều
Chế bản và bản ép nhiệt tờ rời SGK KHTN 6 – hình 2 lớp mật độ nhiều
Thiết thực
Từ những kết quả đạt được, đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ khẳng định, việc ứng dụng mô hình dạy học tích hợp STEM thông qua dự án làm sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille vào môi trường đại học là cần thiết. Bởi lẽ, nếu như giáo viên tại các đơn vị nuôi dạy học sinh khiếm thị vừa dạy, vừa chuyển đổi sách giáo khoa sẽ tốn nhiều thời gian lẫn công sức, nhưng rốt cuộc chỉ có thể tập trung hỗ trợ cho học sinh tại đơn vị mình.
"Vì thế, khi các môi trường giáo dục khác nhau đều triển khai những dự án STEM phục vụ cộng đồng, như sản xuất sách chữ nổi, thì việc tạo ra một nguồn nhân lực khổng lồ với tri thức cao, có thể giúp giải quyết rất nhiều vấn đề cấp thiết trong cuộc sống, cho những cộng đồng cần đến", thạc sỹ Phan Nguyễn Ái Nhi chia sẻ thêm.
Nhận định về hiệu quả về khoa học - công nghệ của nhiệm vụ vừa được Sở KHCN TP.HCM nghiệm thu, thạc sỹ Phan Nguyễn Ái Nhi khẳng định giáo dục STEM đang phát triển khắp thế giới và được Bộ GDĐT định hướng triển khai tại các trường phổ thông trên toàn quốc. Bên cạnh đó, các hoạt động giáo dục gắn kết cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho việc ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn cuộc sống, kích thích tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề và đặc biệt phát triển ý thức phục vụ cộng đồng của người học luôn được Việt Nam và thế giới quan tâm trong nhiều thập kỷ.
"Nhiệm vụ khoa học - công nghệ nói trên là một trong những ứng dụng của quá trình nghiên cứu và thử nghiệm mô hình giáo dục STEM kết nối cộng đồng. Từ đây, định hướng sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh dấn thân vào nghiên cứu những vấn đề liên quan đến giáo dục khuyết tật, làm sách giáo khoa và giáo cụ học tập cho học sinh khiếm thị, phương pháp học tập phục vụ cộng đồng…; thúc đẩy các kỹ sư, nhà giáo dục, nhà khoa học nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm hỗ trợ cho quá trình sống và học tập của người khuyết tật nói chung và khiếm thị nói riêng. Đồng thời, giúp đội ngũ giáo viên cũng như các nhà giáo dục trong và ngoài nước quan tâm hơn đến các định hướng giáo dục mới không tách rời khỏi nhu cầu cộng đồng và thực tế cuộc sống.
Nhận định về hiệu quả xã hội, theo lời đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ, trong bối cảnh Bộ GDĐT thúc đẩy triển khai giáo dục hòa nhập, thì việc có sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille kịp thời sẽ giúp quá trình học tập của học sinh khiếm thị tham gia hòa nhập trở nên thuận lợi hơn. Từ đây, thúc đẩy các học sinh khuyết tật nói chung và học sinh khiếm thị nói riêng tiếp tục vươn lên ở những bậc học cao hơn, tích cực khám phá năng lực của bản thân trong trong học tập, công việc và cuộc sống ổn định sau này. Điều này góp phần xóa bỏ áp lực xã hội đối với nhóm đối tượng chuyên biệt đôi khi vẫn bị xem là “gánh nặng”, đồng thời đảm bảo sự công bằng trong giáo dục đến với mọi đối tượng học sinh tại Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.
Về cơ bản, có thể hiểu chế bản in sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille cho học sinh khiếm thị là hệ thống các phôi, khuôn hay mẫu in gồm nhiều hình ảnh và chữ nổi được chuyển đổi trực tiếp từ sách giáo khoa, làm cơ sở tạo thành những cuốn sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille hỗ trợ việc học cho học sinh khiếm thị qua các quá trình đúc, thổi, in, ép… bằng nhiều kỹ thuật khác nhau. Trong khuôn khổ của nội dung nhiệm vụ khoa học - công nghệ vừa được nghiệm thu, những cuốn sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille này sẽ được tạo thành theo công năng của máy ép nhiệt Thermoform (loại máy đặc thù được dùng để sản xuất sách cho học sinh khiếm thị với loại giấy Brailon chuyên dụng) bằng kỹ thuật tạo hình chân không. Do đó, các nguyên vật liệu được dùng để làm chế bản chủ yếu là giấy carton, bìa cứng và một số loại nguyên vật liệu không nóng chảy khác để đảm bảo độ bền và độ phân lớp rõ nét của hình ảnh trên chế bản. |
Thông tin liên hệ: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) Địa chỉ: 227 Nguyễn Văn Cừ, Phường 4, Quận 5, TP.HCM Điện thoại: (028) 38350098 Email: pnainhi@hcmus.edu.vn Website: www.hcmus.edu.vn |
Hệ thống thông tin kiểm soát bệnh lây truyền trực tiếp đáp ứng tốt các yêu cầu chuyên môn của dịch tễ học, dự báo tình hình dịch bệnh, đồng thời đáp ứng yêu cầu theo dõi tiến độ của việc xử lý dịch, có thể áp dụng ngay vào công tác phòng chống dịch tay chân miệng trên địa bàn TP.HCM.
Là vùng trọng điểm kinh tế thu hút đông đảo nguồn nhân lực từ nhiều tỉnh thành trên cả nước, cũng như có sự giao thương quốc tế mạnh mẽ, TP.HCM rất dễ bùng phát các bệnh lây truyền trực tiếp (như cúm, sởi, tay chân miệng,…).
Mỗi năm, TP.HCM ghi nhận hàng chục ngàn trường hợp bệnh tay chân miệng, và cao điểm của bệnh thường xuất hiện vào tháng 9 với nhiều ổ dịch trong các trường học, từ đó tiếp tục lây lan sang các cụm dân cư khác. Trong khi đó, bệnh sởi dù đã có vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nhưng vẫn xảy ra dịch với tuần suất sau mỗi 3-4 năm.
"Hằng năm, các bệnh lây truyền trực tiếp khác như thủy đậu, quai bị, rubella,… vẫn gây ra những ổ dịch, từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Những bài học lịch sử và thực tiễn đòi hỏi ngành y tế TP.HCM phải chủ động xây dựng một hệ thống kiểm soát bệnh truyền nhiễm hiện đại, được vận hành và quản lý chặt chẽ thông tin để kịp thời đáp ứng với từng dịch bệnh", đại diện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết.
Trong kiểm soát bệnh lây truyền trực tiếp, nguyên tắc chung là phát hiện ca bệnh sớm, áp dụng kỹ thuật điều tra “theo vết” (tracking) để tìm kiếm và theo dõi các ca tiếp xúc, qua đó xác định được chuỗi ca bệnh lây truyền nhau để có biện pháp xử lý đúng, hiệu quả, ngăn chặn được sự lây truyền của bệnh. Do đó, từ tháng 4/2017, TP.HCM đã triển khai hoạt động giám sát bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 28/12/2015 về hướng dẫn chế độ thông tin, báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm đến tất cả các trạm y tế phường xã, Trung tâm Y tế quận/huyện và 68 bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thành phố. Theo đó, cơ sở y tế phải thực hiện báo cáo thông tin từng ca bệnh của 35 bệnh truyền nhiễm vào phần mềm trực tuyến được gọi là Hệ thống quản lý, giám sát bệnh truyền nhiễm (HTQLGSBTN). Nhờ vậy mà trong nhiều năm qua, hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TP.HCM đã đạt được những thành quả nhất định.
Tuy nhiên, các quy trình kiểm soát bệnh lây truyền trực tiếp vẫn còn được vận hành theo cách thủ công. Hoạt động điều tra, xử lý ca bệnh, giám sát người tiếp xúc, xử lý ổ dịch được theo dõi, lưu vết qua hồ sơ giấy; việc thu thập, chuyển gửi, trao đổi thông tin giữa các tuyến chủ yếu qua email có thể dẫn đến thất lạc hồ sơ lưu, chia sẻ thông tin chậm trễ ảnh hưởng lớn đến việc kiểm soát dịch, không đánh giá được diễn tiến thực của dịch.
Thực tế cho thấy, một ca bệnh được báo cáo lên HTQLGSBTN được xem là "ca chỉ điểm" để khởi động các hoạt động điều tra nguồn lây, lập danh sách người tiếp xúc với bệnh nhân trong thời gian lây nhiễm, từ đó theo dõi và tổ chức các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó, việc điều tra, lập danh sách nguồn lây, lập danh sách người tiếp xúc và và theo dõi họ chủ yếu được trạm y tế nơi có ca bệnh chỉ điểm thực hiện. Phiếu điều tra và các danh sách được lập trên giấy và chuyển bản scan về Trung tâm Y tế quận/huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) bằng email, chủ yếu để báo cáo.
Việc theo dõi người tiếp xúc và điều tra nguồn lây hầu như chỉ được thực hiện khi những đối tượng này ở cùng phường xã với ca chỉ điểm (nếu ca bệnh bị lây nhiễm ở phường xã hoặc quận huyện khác thì việc theo dõi xác định chuỗi lây truyền thường rất trễ, hết thời gian can thiệp tốt nhất). Vì thế mà các tính năng của HTQLGSBTN chỉ đáp ứng được việc thông tin ca bệnh một chiều từ bệnh viện đến Trung tâm Y tế quận/huyện, không đáp ứng được việc trao đổi thông tin trong quá trình điều tra, xử lý và đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn theo không gian, thời gian.
Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao năng lực và hiệu quả Hệ thống kiểm soát các bệnh lây truyền trực tiếp tại Thành phố Hồ Chí Minh” nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả của HTQLGSBTN. Mục tiêu của nhiệm vụ là xây dựng bộ quy trình kiểm soát bệnh lây truyền trực tiếp có ứng dụng công nghệ thông tin, kịp thời phân tích và đánh giá tình hình dịch bệnh, theo dõi được diễn tiến thực của dịch. Qua đó, ngành y tế TP.HCM có thể dễ dàng theo dõi sự hình thành và phát triển của chuỗi lây truyền ca bệnh từ một ca chỉ điểm, theo dõi sự hình thành và phát triển của chuỗi lây truyền ca bệnh từ một ca chỉ điểm, triển khai nhanh các hoạt động kiểm soát dịch bệnh.
BSCKII. Nguyễn Trí Dũng trình diễn thao tác vận hành trên HTTT KSBLTTT
BSCKII. Nguyễn Trí Dũng (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết, nhóm thực hiện đã đánh giá toàn bộ HTQLGSBTN hiện hành, từ đó triển khai thiết kế, xây dựng quy trình tổ chức vận hành hoạt động của Hệ thống thông tin kiểm soát bệnh lây truyền trực tiếp (HTTT KSBLTTT) trên cơ sở kết hợp giữa cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa lý GIS và công nghệ Blockchain để đánh giá diễn biến dịch theo không gian, thời gian và ứng dụng Blockchain để đảm bảo tính bảo mật, an toàn của cả hệ thống. Cụ thể, HTTT KSBLTTT có phần nền tảng quản lý và kiểm soát dịch bệnh được phát triển theo kiến trúc Microservices để phù hợp và hữu ích cho hoạt động kiểm soát bệnh lây truyền trực tiếp - vốn có rất nhiều chức năng riêng biệt, nhiều đối tượng người dùng và nhiều loại dịch bệnh khác nhau.
Quy trình HTTT KSBLTTT được xây dựng trên nền tảng BPM (Business Process Management) nhằm cho phép tùy chỉnh, tự động hóa và tối ưu hóa các quy trình, linh hoạt nhập liệu bằng biểu mẫu (không cần sử dụng biểu mẫu giấy), xâu chuỗi đối tượng, trích xuất dữ liệu phục vụ thống kê - báo cáo, phù hợp với hệ thống kiểm soát bệnh lây truyền trực tiếp vốn có rất nhiều quy trình được thiết lập và những quy trình này cũng thay đổi liên tục để phù hợp với tình hình ứng phó dịch bệnh.
Kiến trúc tổng quan hệ thống
Điểm quan trọng ở HTTT KSBLTTT là nhóm thực hiện đã triển khai ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS tích hợp với phần mềm quản lý và kiểm soát bệnh để nhận thông tin, dữ liệu đầu vào. Sau đó, thể hiện dữ liệu không gian địa lý trên các lớp và mô hình thực tế để giúp người dùng nhìn rõ số liệu về dịch bệnh trên bản đồ số, tạo nhiều thuận lợi trong công tác điều tra, truy vết, hình thành góc nhìn toàn cảnh về diễn biến dịch bệnh. Bên cạnh chức năng thể hiện bản đồ chuyên đề ca bệnh, ứng dụng GIS còn đóng vai trò làm công cụ thực hiện cập nhật không gian về tiêm chủng tại mỗi hộ dân, công cụ thực hiện cập nhật không gian về ổ dịch, tìm kiếm và mô tả ca bệnh theo các tiêu chí không gian, thống kê và phân tích số liệu về ổ dịch theo vùng không gian được chọn. Cùng với đó, nhóm thực hiện cũng ứng dụng công nghệ Blockchain để quản lý các vùng dữ liệu được tạo dựng, đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu, đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục (24/7), lưu vết tác vụ của người dùng, đảm bảo tính trách nhiệm và pháp lý. Thông tin (ca bệnh, địa điểm, mốc dịch tễ, ca tiếp xúc, ổ dịch…) còn được xâu chuỗi thành những mối liên kết, mối quan hệ giữa các đối tượng.
Nhờ đó, vai trò quan trọng của nguồn dữ liệu, thông tin được thể hiện rõ nét trong suốt quá trình phát hiện, thông báo, điều tra truy vết, can thiệp, xử lý ca bệnh, ca tiếp xúc, ổ dịch của toàn mạng lưới y tế cơ sở, đồng thời hỗ trợ tính thời sự của việc giám sát dịch bệnh trong thời gian thực. Phương thức quản lý các bệnh lây truyền trực tiếp chuyển từ cách quản lý dựa vào số ca bệnh trong từng phạm vi hành chính sang quản lý theo chuỗi lây nhiễm, nên phù hợp hơn với phương thức lây truyền bệnh và đặc trưng giao lưu, di chuyển mạnh của người dân đô thị. Phương thức quản lý theo chuỗi lây nhiễm cũng hỗ trợ theo dõi ca bệnh chính xác hơn, đánh giá đúng diễn tiến của bệnh và từ đó có biện pháp can thiệp phù hợp.
Truy vấn, tìm kiếm ca bệnh trên bản đồ và dạng bảng
Cũng theo lời bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, nhóm thực hiện đã xây dựng bộ quy trình kiểm soát bệnh lây truyền trực tiếp, dự kiến áp dụng cho 28 bệnh, có những hoạt động can thiệp khác nhau đối với ca bệnh, ổ dịch và người tiếp xúc ở từng loại bệnh. Bên cạnh đó, nhóm cũng thử nghiệm mô hình bảo đảm sự liên thông, kết nối, chia sẻ và tích hợp dữ liệu không gian bằng cách tiến hành điều tra và nhập liệu 61 trường hợp bệnh tay chân miệng (được chọn làm đại diện cho bệnh lây truyền trực tiếp ở TP.HCM) và 30 trường hợp ca tiếp xúc, qua đó mô tả tổng quan hệ thống giám sát; mô tả thực trạng nhân lực y tế tham gia vào hệ thống và đánh giá chất lượng dữ liệu, tính kịp thời của HTTT KSBLTTT. Cùng với đó, nhóm thực hiện còn triển khai tập huấn vận hành thực nghiệm HTTT KSBLTTT trong công tác phòng chống dịch tay chân miệng cho ba Trung tâm Y tế (cụ thể là Trung tâm Y tế quận 3, Trung tâm Y tế quận Tân Bình, Trung tâm Y tế quận Tân Phú), thực hiện điều tra và nhập dữ liệu 202 ca bệnh và 1.058 ca tiếp xúc, diễn tập 3 kịch bản thường xảy ra trong thực tiễn.
Theo dõi ổ dịch tay chân miệng, mô tả mối liên hệ theo không gian và thời gian giữa các ca bệnh
Kết quả cho thấy, nhờ sự trao đổi thông tin nhanh chóng và đến đúng nơi cần đến, HTTT KSBLTTT giúp giảm thiểu thời gian thao tác cho từng vị trí vì các thông tin về ca bệnh/ổ dịch cần theo dõi luôn được chia sẻ đến những cá nhân cần sử dụng và được phân quyền, có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ theo thời gian và không gian, thông tin điều tra – xử lý được lưu trữ đầy đủ và trình bày trực quan giúp việc ra quyết định được thuận lợi. Hệ thống đáp ứng tốt các yêu cầu chuyên môn của dịch tễ học như thể hiện trực quan sự hình thành chuỗi lây nhiễm, khả năng lây lan bệnh theo từng đặc điểm địa lý - kinh tế - xã hội, phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh đồng thời đáp ứng được yêu cầu của cơ quan quản lý trong theo dõi tiến độ của việc xử lý dịch tại 1 địa điểm bất kỳ trên toàn Thành phố. Đồng thời, hệ thống cũng hỗ trợ đánh giá việc tuân thủ quy trình trong điều tra, xử lý ca bệnh/ổ dịch bệnh của tất cả thành viên, đảm bảo thông tin được chia sẻ ngay lập tức đến các bộ phận liên quan liên quan trong điều kiện đảm bảo tính bảo mật.
Báo cáo trước Hội đồng tư vấn nghiệm thu vừa được Sở KH&CN TP.HCM tổ chức, nhóm thực hiện kiến nghị Sở KHCN cùng Sở Y tế TP.HCM tiếp tục hỗ trợ kết nối, đào tạo chuyển giao để sớm đưa Hệ thống thông tin kiểm soát bệnh lây truyền trực tiếp vào hoạt động, khẩn trương phục vụ công tác phòng chống dịch tay chân miệng trên địa bàn Thành phố. Việc sớm triển khai cũng sẽ góp phần thu thập thêm thông tin phản hồi, góp ý để hoàn thiện quy trình, nguồn nhân lực và trang thiết bị phòng chống các bệnh lây truyền trực tiếp khác, tham mưu Sở Y tế TP.HCM triển khai các kế hoạch nâng cao năng lực kiểm soát bệnh lây truyền trực tiếp ở các cơ sở y tế. Hơn thế, Hệ thống thông tin kiểm soát bệnh lây truyền trực tiếp cũng có thể được chia sẻ cho các tỉnh thành khác có nhu cầu nhằm phối hợp tăng cường chất lượng công tác phòng chống dịch bệnh.
Thông tin liên hệ: Điện thoại: (028) 39234629 E-mail: ttksbttp.syt@tphcm.gov.vn Website: https://hcdc.vn/ |
Gà Hắc Phong có năng suất cũng như chất lượng thịt và trứng cao, đáp ứng tốt nhu cầu chăn nuôi quy mô công nghiệp trong bối cảnh nhiều địa phương chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị, giúp các hộ gia đình nâng cao thu nhập.
Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi nói chung hay chăn nuôi gia cầm nói riêng vẫn là nguồn sinh kế quan trọng của người nông dân. Bên cạnh sự phát triển của các giống gà công nghiệp, Việt Nam chú trọng phát triển đàn gà lông màu thả vườn, kể cả giống gà bản địa hay nhập nội.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thủy cầm lớn thứ hai thế giới. Giai đoạn từ năm 2018-2022, đàn gia cầm tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm. Trong quý 1 năm 2023, chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563.200 tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhiều giải pháp đã được triển khai, trong đó việc chọn lọc để cải tiến các giống vật nuôi hiện hữu và chọn tạo các dòng/giống mới có năng suất cao hơn là giải pháp được ưu tiên và mang lại nhiều thành công.
Bên cạnh giống gà Ác khu vực Nam Bộ hay gà H’Mông khu vực Tây Bắc thì gà Hắc Phong được các nhà khoa học của Viện Chăn nuôi (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa về nuôi bảo tồn và phát triển nguồn genne không những là nhóm gà có thịt thơm ngon, da giòn, tỷ lệ lòng đỏ cao mà còn được xem như là vị thuốc để bồi bổ sức khỏe cho con người.
Gà Hắc Phong là nhóm gà có thịt và xương đen như gà Ác và H’Mông của Việt Nam, đặc điểm ngoại hình, khả năng sinh trưởng của gà Hắc Phong bước đầu đã được nghiên cứu và báo cáo, tuy nhiên các nghiên cứu liên quan đến di truyền phân tử ở nhóm gà này hầu như chưa được thực hiện.
Đa phần các nghiên cứu chọn tạo chủ yếu dựa vào các tính trạng số lượng thông qua sử dụng các mô hình toán (REML, BLUP) để đánh giá. Những năm gần đây đã bắt đầu có một số nghiên cứu ứng dụng kết hợp di truyền phân tử với di truyền số lượng nhằm giúp hỗ trợ chọn lọc đã được thực hiện trên thế giới.
Từ những thành tựu nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy đã có nhiều genne được tìm hiểu và một số genne ứng cử có liên kết chặt chẽ với các tính trạng sinh trưởng hay sinh sản đã được khám phá. Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước cũng đã chứng minh có thể cải thiện nhanh một số tính trạng sinh trưởng và sinh sản dựa trên các genne GH, IGF-I, PIT1 và PRL, NPY. Tuy nhiên, đặc điểm di truyền của các tính trạng năng suất tuân theo quy luật di truyền đa genne (một tính trạng do nhiều genne tác động) và tính đa hiệu của genne (một genne có thể ảnh hưởng cùng lúc lên nhiều tính trạng). Vì vậy, kết quả chọn lọc có thể có các ảnh hưởng không mong muốn đến các tính trạng khác hoặc đến mục tiêu chung của chương trình giống nếu chỉ sử dụng phương pháp chọn lọc dựa vào một vài genne chính (genne ứng viên).
Đại diện Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ giới thiệu giống gà Hắc Phong
Nhằm giải quyết mục tiêu "tạo ra 2 dòng gà Hắc Phong có khối lượng cơ thể và năng suất trứng cao để cung cấp gà bố mẹ và thương phẩm cho TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ", nhóm các nhà khoa học công tác tại Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ đã triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Kết hợp phương pháp BLUP với một số kiểu gene có lợi để chọn tạo hai dòng gà Hắc Phong".
TS. Hoàng Tuấn Thành, chủ nhiệm triển khai nhiệm vụ cho biết "trong nghiên cứu này, nhóm tập trung vào hướng chọn lọc tạo dòng trống có khả năng tăng khối lượng cơ thể nhanh, dòng mái có khả năng đẻ trứng cao trên cơ sở sử dụng kết hợp dữ liệu từ phương pháp đánh giá di truyền BLUP và phân tích tính đa hình kiểu genne GH, IGF-I, PIT1, PRL và NPY để hướng đến kết hợp được các ưu điểm của hai phương pháp nhằm tăng nhanh tiến bộ di truyền.
Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ, đại diện Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ khẳng định, dựa vào kết quả phân tích BLUP và đa hình genne liên quan sinh trưởng, bước đầu đã chọn tạo được dòng trống theo hướng tăng khối lượng cơ thể 8 tuần tuổi. Đàn gà có tỷ lệ nuôi sống cao, hệ số di truyền khối lượng cơ thể 8 tuần tuổi là 0,23; tiến bộ di truyền khối lượng cơ thể 8 tuần tuổi của gà trống và mái đạt 30,2 và 29,7 gam/thế hệ. Khối lượng cơ thể 8 tuần tuổi ở thế hệ 3 của gà trống và mái đạt 774,2 và 656,7 gam/con. Năng suất trứng/mái/72 tuần tuổi bình ổn qua các thế hệ đạt 144,0-147,7 quả với tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng 2,49-2,53 kg. Tỷ lệ trứng có phôi 93,6-93,7% và tỷ lệ gà nở/tổng số trứng ấp đạt 82,0-82,2%.
Trại gà giống Hắc Phong đang nuôi thực tế tại Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ
Đối với dòng mái, đã chọn tạo dược dòng mái theo hướng tăng năng suất trứng 38 tuần tuổi. Đàn gà có tỷ lệ nuôi sống cao, hệ số di truyền năng suất trứng 38 tuần tuổi 0,15; tiến bộ di truyền 1,7 quả/thế hệ. Năng suất trứng 38 tuần tuổi thế hệ 3 đạt 59,4 quả tăng 10,5 quả so với thế hệ 1. Năng suất trứng/mái/72 tuần tuổi thế hệ 3 đạt 162,4 quả với tiêu tốn thức ăn/10 trứng là 2,38kg. Tỷ lệ trứng có phôi 93,7-94,3% và tỷ lệ gà nở/tổng số trứng ấp đạt 81,3-82,8%.
Ngoài ra, kết quả khảo sát gà bố mẹ và thương phẩm từ 2 dòng gà mới chọn tạo và chất lượng trứng và thịt của dòng trống và dòng mái qua các thế hệ. Các chỉ tiêu về chất lượng trứng, thịt cùa gà Hắc Phong dòng trống và dòng mái đều đạt chất lượng tốt và trong tiêu chuẩn cho phép.
Đáng chú ý, là một phần của nhiệm vụ, nhóm đã chuyển giao gà giống xây dựng mô hình đàn gà bố mẹ và thương phẩm nuôi tại Bình Dương và Đồng Nai cho kết quả tốt và hiệu quả kinh tế cao.
Chia sẻ thêm về hiệu quả của gà Hắc Phong triển khai nuôi thử nghiệm, đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ cho biết thêm, tỷ lệ nuôi sống của gà Hắc Phong nuôi ở cả 2 hộ thực hiện mô hình đều đạt khá cao ở cả 2 giai đoạn và ở 2 thế hệ. Ở thế hệ 3, tỷ lệ nuôi sống gà nuôi của hộ 1 giai đoạn 0-8 tuần tuổi là 94,2%, giai đoạn 9-16 tuần tuổi là 97,2%. Tỷ lệ nuôi sống gà nuôi của hộ 2 giai đoạn 0-8 tuần tuổi là 94,8%, giai đoạn 9-16 tuần tuổi là 98,1%. Hộ 2 có tỷ lệ nuôi sống cao hơn hộ 1 nhưng mức chênh lệch là không lớn (P>0,05). Kết quả này tương đương so với gà thương phẩm nuôi tại trại giống Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia cầm Vigova (thuộc Phân viện Chăn nuôi Nam bộ). Tỷ lệ nuôi sống cao tại mô hình là nhờ việc chuyển giao con giống đồng bộ cùng quy trình chăn nuôi đã được hoàn thiện từ cơ sở giống là một trong những điều kiện giúp cho đàn giống phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống đạt cao. Thêm nữa là việc chọn hộ có kinh nghiệm nuôi gà, có đủ điều kiện chuồng trại và trang thiết bị cùng với sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật có trình độ từ Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ. Kết quả tỷ lệ nuôi sống gà cao từ 2 nông hộ khẳng định gà Hắc Phong từ 2 dòng gà mới chọn tạo có khả năng thích nghi cao, sức sống tốt là cơ sở thuận lợi khi chuyển giao con giống ra sản xuất đại trà.
Gà Hắc Phong dễ nuôi, chăm sóc và cho chất lượng thịt, trứng ở mức tốt
TS. Hoàng Tuấn Thành khẳng định, về hiệu quả về khoa học và công nghệ, kết quả của đề tài là cơ sở khoa học cho các nghiên cứu về chọn lọc giống dựa trên nền tảng kỹ thuật di truyền phân tử kết hợp di truyền số lượng, là dữ liệu cơ bản giúp các cơ sở chọn giống gia cầm định hướng nghiên cứu ứng dụng. Dữ liệu thu thập được của đề tài là nguồn thông tin có giá trị tin cậy cao và sử dụng như nguồn tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác giảng dạy.
Về hiệu quả về kinh tế xã hội, theo TS. Hoàng Tuấn Thành, việc chọn lọc tạo ra 2 dòng gà Hắc Phong có năng suất, chất lượng cao là sản phẩm hàng hóa mới phù hợp với chĕn nuôi tập trung và/hoặc bán chăn thả tại TP.HCM cǜng như các tỉnh Nam Bộ, góp phần quan trọng thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi sang các sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ các dòng gà được chọn tạo sẽ sản xuất được gà bố mẹ và thương phẩm có năng suất và chất lượng cao hơn, giá thành hợp lý hơn so với đàn giống cũ, tiết kiệm được chi phí. Từ đó làm tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp nông thôn, tăng sản phẩm thịt chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần giải quyết an sinh cho xã hội. Các dòng gà có năng suất cao giúp nâng cao hiệu quả cho người chăn nuôi, đồng thời cǜng gián tiếp giúp làm giảm ô nhiễm môi trường từ ngành chăn nuôi.
Phương pháp khảo sát đánh giá chất lượng thịt và trứng gà Hắc Phong Gà Hắc Phong được tiến hành mổ khảo sát để đánh giá năng suất và chất lượng thịt lúc 16 tuần tuổi ở 3 thế hệ, số lượng gà mổ khảo sát 60 con (10 con/dòng x 2 dòng x 3 thế hệ). Phương pháp mổ khảo sát, thu nhận mẫu và phương thức đánh giá dựa theo khuyến cáo của Bùi Hữu Đoàn và cộng sự (2011), một số chỉ tiêu cụ thể như sau: Một số chỉ tiêu liên quan thành phần thân thịt: - Khối lượng cơ thể, thành phần và tỷ lệ thân thịt; - Khối lượng thịt ức và tỷ lệ thịt ức; - Khối lượng thịt đùi và tỷ lệ thịt đùi; - Khối lượng mỡ nội tạng và tỷ lệ mỡ nội tạng. Một số chỉ tiêu liên quan đến thành phần hóa học thịt: - Hàm lượng vật chất khô (Dry matter - DM): được xác định theo TCVN 4326-2007 - Hàm lượng protein thô (Crude protein - CP): được phân tích bằng phương pháp Kjeldahl theo TCVN 4328-2007 - Hàm lượng khoáng tổng số (Ash): được xác định theo TCVN 4327-2007 - Hàm lượng chất béo (ether extract - EE): được xác định bằng phương pháp Soxlhet theo TCVN 4331-2007 |
Thông tin liên hệ: E-mail: iasvn@iasvn.vn - thanhvigova@yahoo.com Website: iasvn.vn |
Quỹ phát triển khoa học và công nghệ là nguồn kinh phí phù hợp để doanh nghiệp dịch vụ công ích đặt hàng, đề xuất, thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới, đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất chất lượng, tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng lực hoạt động, chất lượng dịch vụ.
Ngày 31/8/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức Hội nghị "Kết nối doanh nghiệp dịch vụ công ích với Nhà cung ứng giải pháp công nghệ - thiết bị, hướng đến sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp hiệu quả". Hội nghị nhằm hướng dẫn quy trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho nhóm đối tượng là doanh nghiệp dịch vụ công ích trên địa bàn TPHCM, hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp dịch vụ công ích trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Đồng thời, kết nối đơn vị cung cấp công nghệ - thiết bị mới, công nghệ xanh, sử dụng hiệu quả năng lượng với doanh nghiệp dịch vụ công ích.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM) bày tỏ mong muốn nội dung được chia sẻ tại Hội nghị sẽ góp phần giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp dịch vụ công ích chủ động hơn trong việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ chi đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ. Từ đó, doanh nghiệp dịch vụ công ích có điều kiện đổi mới thiết bị - giải pháp công nghệ để nâng cao năng lực hoạt động, chất lượng dịch vụ.
Bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM) phát biểu khai mạc Hội nghị
Trong khuôn khổ Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Sương (Quyền Trưởng phòng Quản lý Khoa học – Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM) đã hướng dẫn doanh nghiệp dịch vụ công ích đặt hàng, đề xuất, thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới, đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất chất lượng, tạo lợi thế cạnh tranh. Cụ thể, đó có thể là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn hoặc đề án khoa học… Các nhiệm vụ này được thực hiện trong thời gian không quá 24 tháng, trừ các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp hoặc y tế. Nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ này là từ nguồn tự có của doanh nghiệp dịch vụ công ích, từ ngân sách sự nghiệp khoa học của Thành phố hoặc từ những nguồn khác.
Bà Nguyễn Thị Thu Sương hướng dẫn quy trình, cách thức đặt hàng, đề xuất, thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Theo quy trình thực hiện, doanh nghiệp dịch vụ công ích sẽ gửi hồ sơ về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, thẩm định, xét duyệt. Doanh nghiệp dịch vụ công ích có thể được xem xét hỗ trợ 30-50% kinh phí thực hiện.
Về giao quyền kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nội dung đề nghị chuyển giao có thể là chuyển giao quyền sử dụng tại sản cho tổ chức chủ trì theo hình thức ghi tăng tài sản; chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức khác theo hình thức hoàn trả giá trị tài sản; chuyển giao quyền sở hữu không thu hồi phần kinh phí hỗ trợ cho tổ chức chủ trì (trường hợp ngân sách hỗ trợ đến 30% tổng kinh phí. Cần tham thao thêm chi tiết quy định tại Điều 22 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP. Mặt khác, ở phương án ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, doanh nghiệp có thể đề xuất phương án kết quả nghiên cứu sẽ được giao cho cơ quan đặt hàng để triển khai ứng dụng theo quy định.
Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM sẽ tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp dịch vụ công ích sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để đặt hàng, đề xuất, thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Hoàng Kim (CESTI)
Trong 2 ngày, kể từ 30 - 31/8/2023, Trung tâm Đổi mới kinh tế sáng tạo Jeonbuk (JBCCEI), Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (DOST), Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ TP.HCM - Saigon Innovation Hub (SIHUB) và Trung tâm Xúc tiến thương mại Hàn Việt KORETOVIET đã đồng tổ chức Triển lãm đa ngành cao cấp Hàn Việt MEGA US EXPO và trao giải Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp sinh viên UNIV.STAR 2023.
Đây là hai trong những hoạt động nằm trong biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xúc tiến mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Hàn - Việt giữa JBCCEI và DOST, ký ngày 05/6/2023, nhằm tăng cường hoạt động hợp tác thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hai nước và hai Thành phố ra thị trường; thúc đẩy tinh thần doanh nhân cho sinh viên Việt Nam và Hàn Quốc; tăng cường hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, tìm kiếm, ứng dụng công nghệ từ Hàn Quốc phục vụ vào việc sản xuất; hình thành chương trình hợp tác chung trong hoạt động ươm tạo dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo Ban tổ chức, MEGA US EXPO là Triển lãm đa ngành cao cấp, nơi các nhà nơi các nhà triển lãm Hàn - Việt tiếp cận khách hàng là doanh nghiệp/ nhà nhập khẩu, được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần. Đây không chỉ là sự kiện làm cầu nối cho quan hệ hợp tác kinh tế hai nước mà còn đề cao tinh thần khởi nghiệp, giới thiệu và ủng hộ các sản phẩm - giải pháp mới đến thị trường. Tiếp nối thành công từ năm 2022 với 715 lượt gặp gỡ doanh nghiệp (B2B matching) và 71 bản MOU quốc tế được ký kết. Năm 2023, MEGA US EXPO tiếp tục được tổ chức vào hai ngày 30 - 31/8 tại Trung tâm hội nghị GEM Center (TP.HCM) với sự tham gia của 130 gian hàng đến từ Hàn Quốc. Các công ty tham gia triển lãm đa dạng trong nhiều lĩnh vực từ thực phẩm, mỹ phẩm đến công nghệ, đời sống… với thông điệp “Dẫn lối hội nhập doanh nghiệp”, MEGA US EXPO 2023 sẽ là nơi các nhà triển lãm tiếp cận mạng lưới đối tác doanh nghiệp và người tiêu dùng, mở ra các cơ hội hợp tác toàn diện. Dự kiến triển lãm sẽ thu hút đến 8.000 lượt khách tham quan và tạo nên 1.000 lượt B2B matching. Về cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp sinh viên UNIV.STAR, sau thời gian dài tranh tài căng thẳng Ban tổ chức cũng đã tìm ra được những gương mặt, những dự án triển vọng để vinh danh và trao giải thưởng.
Đại diện Ban tổ chức và khách mời cùng chụp hình lưu niệm tại chương trình
Tham dự khai mạc triển lãm và trao giải cuộc thi vào ngày 30/8/2023, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có sự góp mặt của ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam. Về phía Bộ Công thương có bà Bùi Hoàng Yến - Phụ trách Cục xúc tiến thương mại tại TP.HCM. Về phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có TS. Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở; ThS. Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng quản lý công nghệ và thị trường công nghệ cũng như đại diện một số phòng ban chuyên môn, Trung tâm trực thuộc Sở như bà Đặng Thị Luận - Phó Giám đốc phụ trách SIHUB; ông Nguyễn Đức Tuấn - Quyền Giám đốc CEST và khách mời có ông Vũ Anh Tuấn - Tổng thư ký Hội tin học TP.HCM. Về phía Lãnh sự quán Hàn Quốc ở Việt Nam có ông Shim Jae Yoon - Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM. Về phía phòng Hỗ trợ Khởi nghiệp tỉnh Jeollabuk có ông Yoon Se Young - Giám đốc. Về phía Trung tâm Đổi mới kinh tế sáng tạo Jeonbuk có ông Kang Young Jae - Giám đốc Trung tâm. Về phía Đại học Quốc gia Jeonbuk có ông Kim Seongjong - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp. Về phía Trung tâm Xúc tiến thương mại Hàn Việt KORETOVIET có ông Kim Joung Tae - Giám đốc Trung tâm cùng gần 100 đại biểu là đại diện của các trường đại học, viện nghiên cứu, các trung tâm ươm tạo hơn và hơn 70 hội, hiệp hội doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của cả hai nước.
Phát biểu tại chương trình, TS. Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ, TP.HCM là đô thị đặc biệt và là đầu tàu của cả nước về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ… đồng thời, cũng là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Đối với, Hàn Quốc đây là quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam và cũng là quốc gia luôn sẵn sàng phối hợp triển khai các hoạt động hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao hiệu quả, đưa quan hệ hợp tác quốc tế cấp địa phương đi vào chiều sâu và thực chất.
“Vào ngày 05/6/2023 vừa qua, DOST và JBCCEI đã ký kết MOU, để thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa TP.HCM và tỉnh Jeonbuk nói riêng cũng như Việt Nam - Hàn Quốc nói chung. MOU này nhằm tăng cường hoạt động hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp Startup hai nước và cùng nhau phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo… trong đó, có sự kiện MEGA US EXPO 2023 và Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp sinh viên UNIV.STAR 2023. Về MEGA US EXPO, đây cũng là năm thứ 2 chúng tôi tổ chức tại TP.HCM và chúng tôi cũng nhận thấy rằng, đây là một sự kiện rất hữu ích, được tổ chức chỉnh chu, thu hút nhiều sự quan tâm, của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… góp phần hỗ trợ, tìm kiếm ứng dụng công nghệ từ nước ngoài phục vụ vào việc sản xuất, kinh doanh và đây cũng là một cơ hội cho doanh nghiệp Việt có thể tiếp thu khoa học công nghệ cũng như đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đối với, cuộc thi UNIV.STAR thì đây là năm đầu tiên được tổ chức, theo thông tin từ Ban tổ chức cuộc thi cũng đã nhận được 100 dự án, với gần 500 thí sinh từ các trường đại học và như các cuộc thi khác thì đây cũng là một sân chơi để các em sinh viên cùng tham gia va chạm, trải nghiệm, rèn dũa những kiến thức của mình trong hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tại UNIV.STAR các em còn có cơ hội cạnh tranh với các bạn sinh viên từ Hàn Quốc thông qua đó, giao lưu và học hỏi lẫn nhau, tạo tiền đề hình thành nên các nhóm khởi nghiệp sáng tạo quốc tế và đặc biệt là tìm kiếm được các tài năng từ cả Việt Nam cũng như Hàn Quốc và cũng là cơ hội thu hút các quỹ đầu tư đến với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của TP.HCM. Thay mặt, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn đến JBCCEI đã đồng hành cùng Sở để tổ chức các chương trình ý nghĩa như thế này và hy vọng với các chương trình còn lại trong bản MOU cũng sẽ được triển khai thành công tốt đẹp trong thời gian tới, góp phần vào sự phát triển của 2 quốc gia nói chung và 2 Thành phố của chúng ta nói riêng”, TS. Chu Vân Hải nói.
TS. Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu tại chương trình
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Kang Young Jae - Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Kinh tế Sáng tạo Jeonbuk cho biết, rất tự hào khi chính phủ, các cơ quan và trường đại học của cả 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc đã cùng hợp tác để tổ chức sự kiện MEGA US EXPO và UNIV.STAR.
“Trong khuôn khổ Triển lãm MEGA US EXPO lần đầu tiên được tổ chức vào năm ngoái, do ảnh hưởng của đại dịch Covid nên các Startup của Hàn Quốc chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm 2023, hơn 20 tổ chức từ Hàn Quốc và tỉnh Jeollabuk, cùng với 128 doanh nghiệp sẽ tham gia sự kiện này với mục tiêu tìm kiếm các đối tác tại Việt Nam để cùng nhau sản xuất, tiếp thị và phân phối hàng hoá tại địa phương. Hơn nữa, đối với Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp sinh viên UNIV.STAR dành cho sinh viên 2 quốc gia cũng đã được tổ chức để tìm kiếm những dự án xuất sắc, ươm mầm các doanh nhân cho tương lai. Để có được những thành công này, là nhờ vào sự chung tay của cộng đồng Startup, chúng tôi cam kết sẽ đóng góp và thúc đẩy giao lưu và hiện thực hóa các mô hình kinh doanh cho các Startup để mở ra những con đường mới cho kinh doanh và chúng tôi sẽ đi cùng họ để tìm kiếm cơ hội phát triển. Đồng thời, trong tương lai cả Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tiếp tục duy trì tinh thần đam mê, nồng nhiệt và tư duy sáng tạo để định hướng phát triển của Startup cũng như góp phần vào tăng trưởng kinh tế của cả hai quốc gia. Thay mặt cho tất cả đối tác kinh doanh của Việt Nam và Hàn Quốc tham gia, tôi tuyên bố khai mạc Triển lãm MEGA US EXPO năm 2023”, ông Kang Young Jae nói.
Ông Kang Young Jae - Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Kinh tế Sáng tạo Jeonbuk phát biểu khai mạc Triển lãm MEGA US EXPO năm 2023
Phát biểu chào mừng tại chương trình, ông Yoon Se Young - Giám đốc Phòng Hỗ trợ Khởi nghiệp tỉnh Jeollabuk cho biết, tỉnh Jeollabuk tọa lạc ở phía Nam Hàn Quốc, có 14 Thành phố và dân số khoảng 1,8 triệu người. Về phía Tây, tỉnh có những cánh đồng rộng lớn, trong khi đó phía Đông lại có những ngọn núi cao, tạo thành một hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp. Hơn nữa, SaeManGeum với diện tích tương đương ¼ TP.HCM, một địa phương được hình thành từ việc đắp biển là trung tâm của các ngành công nghiệp mới như pin, lithium-ion, năng lượng tái tạo, ngành công nghệ sinh học và nhiều ngành công nghiệp đổi mới khác.
“Tỉnh Jeollabuk lấy hoạt động khởi nghiệp là mục tiêu sống còn, từ năm 2022, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách đa dạng để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, với mục tiêu đến năm 2026 sẽ tạo ra quỹ hỗ trợ khởi nghiệp trị giá 1 tỷ won. Đồng thời, chúng tôi cũng đang xây dựng 10 công ty khởi nghiệp tiềm năng để trở thành những Pre-Unicorns và thu hút 50 doanh nghiệp khởi nghiệp quốc tế. Tất cả nhằm xây dựng tỉnh Jeollabuk thành một trung tâm phát triển khởi nghiệp độc đáo, nơi mà những ý tưởng được tạo nên. Hơn thế, với mục tiêu tới năm 2030, chúng tôi sẽ có tên trong danh sách Top 200 hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu do StartUp Genome công bố, tạo lập danh tiếng cho tỉnh Jeollabuk trong cộng đồng khởi nghiệp toàn cầu. Đối với việc hợp tác với TP.HCM sẽ làm cho tỉnh Jeollabuk trở nên độc đáo và đặc biệt hơn, đặc biệt trong thời kỳ chuyển đổi số và thách thức về biến đổi khí hậu, tôi tin tưởng rằng TP.HCM có thể nhanh chóng thể hiện sự thay đổi dựa trên tư duy độc đáo và kỹ thuật xuất sắc mà họ sở hữu. Nếu chúng tôi có thể chia sẻ nhiều chính sách và kinh nghiệm không chỉ qua MEGA US EXPO và UNIV.STAR mà còn nhiều hoạt động khác, tôi tin rằng hai Thành phố sẽ tạo ra việc làm và kích thích nền kinh tế, góp phần xây dựng một tương lai thịnh vượng qua hoạt động khởi nghiệp. Tôi mong rằng, các đại diện của 20 tổ chức và 128 doanh nghiệp của Hàn Quốc tham gia Triển lãm này sẽ để lại một câu chuyện thành công tại TP.HCM, Việt Nam”, ông Yoon Se Young nói.
Ông Yoon Se Young - Giám đốc Phòng Hỗ trợ Khởi nghiệp tỉnh Jeollabuk phát biểu chào mừng tại chương trình
Tại chương trình, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được thiết lập hơn 30 năm qua. Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu song phương đã đạt gần 87 tỷ USD và cũng tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra vào tháng 6 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho rằng, quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam là mẫu mực trên thế giới. Ông cho rằng, điều cấp bách nhất là hai nước cần nâng cao hơn nữa hoạt động giao thương, đưa kim ngạch thương mại song phương lên đến 150 tỷ USD vào năm 2030.
“Tôi tin rằng, MEGA US EXPO của chúng ta ngày hôm nay, sẽ góp phần thúc đẩy giao thương, xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ… đưa mục tiêu trên sớm thành hiện thực. Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển đáng kể của cộng đồng khởi nghiệp trong những năm vừa qua, nhờ sự nỗ lực của nhiều cơ quan Chính phủ Việt Nam, của các Sở ban ngành cùng với sự năng động từ lĩnh vực tư nhân… Việt Nam được xếp thứ 54 trên bản đồ khởi nghiệp của thế giới, đứng thứ 5 khu vực Đông Nam Á và đặc biệt, TP.HCM được xếp vào Top 100 thành phố khởi nghiệp năng động trên thế giới. Tôi tin rằng, sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM nói riêng và của Việt Nam nói chung không thể thiếu sự đóng góp quan trọng của các sinh viên, những chủ nhân tương lai của đất nước. Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp sinh viên UNIV.STAR 2023 đã tạo ra một sân chơi bổ ích, năng động, tạo ra môi trường giúp sinh viên trải nghiệm và nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà đầu tư, của cộng đồng khởi nghiệp. Chương trình Triển lãm đa ngành cao cấp Hàn Việt MEGA US EXPO cùng với Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp sinh viên UNIV.STAR năm 2023 đã tạo ra một sân chơi thú vị và đầy cạnh tranh cho các sinh viên cũng như cơ hội giao thương, kết nối và chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp. Tôi xin chân thành cảm ơn, sự hỗ trợ và đóng góp của quý vị trong việc tạo ra những cơ hội và môi trường phát triển cho sinh viên cũng như doanh nghiệp của cả hai quốc gia”, ông Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại chương trình
Cũng tại chương trình này, ông Shim Jae Yoon - Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM chia sẻ, đối mặt với sự phân hóa tình hình kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế xuất sắc 8% trong năm 2022 và dự kiến đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 6% trong năm nay. Với dân số khoảng 100 triệu người và độ tuổi trung bình là 32,5 tuổi, Việt Nam có tiềm năng phát triển rất cao cả trong khía cạnh công nghiệp lẫn thị trường tiêu dùng. Đặc biết, trong cuộc khảo sát của Cục Thống kê Việt Nam năm 2022, thu nhập bình quân hàng tháng của mỗi người trên toàn quốc đạt khoảng 6,7 triệu đồng (tương đương 284 USD), tăng 16% so với năm trước đó, với tình hình kinh tế năng động như vậy, việc thúc đẩy giao lưu giữa hai quốc gia là điều tất yếu.
“Sự kiện MEGA US EXPO là một triển lãm hàng đầu để giới thiệu những sản phẩm xuất sắc từ cả Hàn Quốc và Việt Nam. Năm ngoái, hơn 100 doanh nghiệp đã tham gia, thực hiện được 715 lượt gặp gỡ doanh nghiệp và 71 bản MOU quốc tế được ký kết, mang lại hiệu quả thiết thực, dù các hoạt động giao lưu kinh tế vốn bị đình trệ một thời gian do Covid-19. Trong năm 2023, chúng tôi dự kiến có hơn 130 doanh nghiệp tham gia, nhiều hơn so với năm ngoái, để tham gia vào các hoạt động kinh doanh như giao dịch B2B và nhiều hoạt động khác. Chúng tôi hy vọng rằng, các doanh nghiệp tham gia không chỉ dừng lại ở sự kiện ngắn hạn này mà còn có thể xây dựng nền tảng cho các mối quan hệ kinh doanh dài hạn và bền vững trong tương lai. Tôi cũng được thông tin về cuộc thi UNIV.STAR và hy vọng rằng, các Startup xuất sắc tham gia trong cuộc thi này có thể trở thành tác nhân chủ động tạo ra động lực phát triển tương lai cho mối quan hệ kinh tế Hàn Quốc - Việt Nam trong lĩnh vực thông tin và truyền thông…”, ông Shim Jae Yoon nói.
Ông Shim Jae Yoon - Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM phát biểu tại chương trình
Cũng trong khuôn khổ chương trình này, để thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác quốc tế về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Saigon Innovation Hub (SIHUB) đã tiến hành ký kết biên bản hợp tác với 7 trường đại học đến từ Hàn Quốc. SIHUB là đơn vị trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có nhiệm vụ triển khai các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. SIHUB hướng đến việc định hướng, kết nối và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo TP.HCM, đổi mới hội nhập quốc tế, kết nối nguồn lực công tư và hỗ trợ cộng đồng tiếp cận nguồn lực này.
Bà Đặng Thị Luận - Phó Giám đốc Phụ trách SIHUB, đại diện đơn vị ký kết hợp tác quốc tế với đại diện 7 trường đại học đến từ Hàn Quốc
Cũng trong khuôn khổ Triển lãm đa ngành cao cấp Hàn Việt MEGA US EXPO 2023, Hội đồng giải thưởng của Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp sinh viên UNIV.STAR 2023 cũng đã tìm ra được chủ nhân của các giải thưởng và trao 10 giải, nhằm khuyến khích các dự án, hướng tới đào tạo và nuôi dưỡng các nhà khởi nghiệp và doanh nhân trẻ tương lai. Đây là cuộc thi dành cho sinh viên các trường đại học tại Việt Nam và các bạn sinh viên đến từ Đại học Quốc gia Jeonbuk, Hàn Quốc, tiêu chí dự án được trao giải dựa trên tính mới, sáng tạo và khả năng áp dụng rộng rãi.
Theo Ban tổ chức, sau hơn 2 tháng tổ chức, Cuộc thi Khởi nghiệp sinh viên UNIV.STAR 2023 đã mang đến cuộc tranh tài sôi nổi, thu hút và đầy gây cấn với sự tham gia đông đảo của các thí sinh đến từ Hàn Quốc và Việt Nam. Trải qua nhiều vòng thi với các lĩnh vực như: Giáo dục, Y tế, Môi trường, Năng lượng, Du lịch… các thí sinh không chỉ mang đến nhiều dự án tiềm năng với tinh thần hăng say khởi nghiệp mà còn thể hiện nhiệt huyết của tuổi trẻ mong muốn đóng góp vào một đất nước phát triển.
Tại cuộc thi lần này các nhóm dự án đã được hỗ trợ huấn luyện thông qua những workshop huấn luyện, những buổi tư vấn cùng các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp và kinh doanh… nhằm nâng cao năng lực khởi nghiệp thành doanh nghiệp mới trong tương lai
Có thể khẳng định UNIV.STAR 2023, là một trong những sân chơi thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân của thế hệ trẻ. Đây là một cuộc thi thể hiện sự hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc để ươm mầm thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của mỗi quốc gia.
TS. Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đại diện Ban tổ chức trao giải cho dự án đoạt giải Nhất của bảng sinh viên Hàn Quốc - với tên dự án DOPAMINE
Các dự án đạt giải sẽ được nhận hiện kim và hiệu vật theo quy chế cuộc thi, với tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng và các quyền lợi khác như được tiếp tục hỗ trợ cố vấn sau cuộc thi trong thời gian 01 tháng cũng như được hỗ trợ không gian làm việc chung trong thời gian 03 tháng tại Saigon Innovation Hub… đây là một trong những cơ hội giúp các bạn trẻ biến những ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thành hiện thực.
Ông Yoon Se Young - Giám đốc phòng Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Jeonbuk - Hàn Quốc đại diện Ban tổ chức trao giải cho dự án đoạt giải Nhất của bảng sinh viên Việt Nam - với tên dự án Máy xử lý cỏ dại thay thế hóa chất
Sau lễ khai mạc triển lãm và trao giải cuộc thi, đại diện Ban tổ chức cùng quý đại biểu khách mời cũng đã cùng nhau tham quan các gian hàng tại Triển lãm đa ngành cao cấp Hàn Việt MEGA US EXPO năm 2023.
Ông Shim Jae Yoon - Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM tham quan một gian hàng đồ thủ công mỹ nghệ tại Triển lãm MEGA US EXPO 2023
Đại diện Ban tổ chức và quý đại biểu khách mời cùng thăm quan và trò chuyện với các gian hàng tại Triển lãm MEGA US EXPO 2023
Các chương trình livestream bán hàng được đầu tư chỉnh chu, với giàn máy móc hiện đại và nhân sự hùng hậu tạo được sức hút rất lớn tại Triển lãm MEGA US EXPO 2023
Nhật Linh (CESTI)
Chiều 31/8, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức sự kiện kết nối sáng tạo với chủ đề “Các giải pháp xây dựng, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm”.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, sự kiện nằm trong chuỗi các sự kiện Inno-coffee năm 2023 (kết nối hợp tác giữa khu vực nghiên cứu và khu vực công) nhằm kết nối chia sẻ khó khăn trong khu vực công, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, startup đưa những sáng kiến giải quyết vấn đề, đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại sự iện
Theo bà Huệ, thực hiện Quyết định 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triến khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG), Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030 tại Quyết định số 1039/QĐ-UBND. Kế hoạch này đặt ra 4 nhiệm vụ lớn của TP.HCM, trong đó có nhiệm vụ xây dựng và vận hành hệ thống quản lý thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn Thành phố có khả năng kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc Quốc gia, cũng như kết nối với các hệ thống TXNG tại các doanh nghiệp (gồm doanh nghiệp cung ứng dịch vụ TXNG và doanh nghiệp đang thực hiện áp dụng TXNG).
Ngoài ra, đầu năm 2023, UBND Thành phố đã ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai TXNG trên địa bàn TP.HCM theo Quyết định 1383/QĐ-UBND. Dựa trên danh mục này, Sở KH&CN là đầu mối sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để đưa danh mục sản phẩm ưu tiên của TP.HCM vào triển khai áp dụng TXNG cũng như kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc Quốc gia.
Trước đó, TP.HCM đã thí điểm áp dụng TXNG cho một số sản phẩm như trứng gia cầm, thịt heo, thịt gia cầm. “Để tiếp tục triển khai, Sở mong muốn hệ thống TXNG sẽ phát huy những kết quả tích cực của đề án thí điểm cũng như kết nối được những cái hiện hữu của doanh nghiệp nhằm tránh lãng phí cũng như không tạo ra áp lực đối với doanh nghiệp khi thực hiện TXNG. Do vậy, với sự kiện này, Sở mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp để đưa vào vận hành hệ thống phù hợp nhất, đạt được mong muốn của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng”, bà Huệ cho biết thêm.
Tại sự kiện, bà Võ Đình Liên Ngọc (Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo Lường Chất lượng – Sở KH&CN TP.HCM) đã trình bày bài toán đặt hàng “Các giải pháp xây dựng, vận hành và phát triển hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn Thành phố” nhằm đặt hàng nghiên cứu khoa học và công nghệ, tạo cơ hội hợp tác, kết nối, lựa chọn đơn vị xây dựng và vận hành hệ thống quản lý thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn TP.HCM. Bên cạnh đó, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cũng trình bày các báo cáo tham luận như Xây dựng và vận hành bền vững hệ thống cổng thông tin TXNG sản phẩm và hàng hóa TP.HCM; Ứng dụng Blockchain trong TXNG - quản trị sản xuất theo chuỗi giá trị; Blockchain và AI sự đột phá trong công tác quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại TP.HCM.
Bà Võ Đình Liên Ngọc (Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo Lường Chất lượng) trình bày "đặt hàng" của Sở KH&CN TP.HCM về Hệ thống thống quản lý thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn Thành phố
Theo bà Võ Đình Liên Ngọc, tại TP.HCM hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã và đang sử dụng nhiều hình thức khác nhau thực hiện TXNG sản phẩm, hàng hóa như dãy mã số mã vạch, mã QR code,… với nhiều loại ứng dụng khác nhau để thực hiện nhận diện và quản lý sản phẩm, hàng hóa. Các sở, ban ngành, cơ quan quản lý Nhà nước cũng đang sử dụng nhiều cách thức TXNG khác nhau. Tuy nhiên, hoạt động TXNG chưa mang tính bài bản, chưa kết nối dữ liệu dùng chung, chưa thống nhất về cách thức quản lý, vận hành. Việc thực hiện TXNG tại các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn, còn mang tính tự phát, chưa đầy đủ, chưa tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc gia.
Do đó, TP.HCM cần xây dựng, phát triển và vận hành hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc để tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu TXNG sản phẩm, hàng hóa của Thành phố mang tính đồng bộ, công khai, minh bạch, xác thực các thông tin TXNG thông qua việc kết hợp giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin; từng bước nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm thiểu các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí quản lý; góp phần đảm bảo chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa, tăng cường tính giám sát, góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, phục vụ hội nhập quốc tế đối với các sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn TP.HCM.
Ông Đào Hà Trung (Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM) trình bày tham luận tại sự kiện
Các ý kiến trình bày, chia sẻ tại sự kiện cũng cho rằng, vấn đề TXNG ở Việt Nam hiện nay khá thuận lợi với nhiều mô hình truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng đang vận hành thành công; các cơ sở pháp lý về quản lý TXNG chuỗi cung ứng đang dần hình thành; người mua (nhà nhập khẩu, chuỗi bán lẻ, người tiêu dùng) đã nhận thức và yêu cầu về TXNG;… Tuy nhiên, các yêu cầu TXNG chưa bắt buộc về pháp lý; yêu cầu về mô hình Cổng thông tin TXNG tỉnh/thành phố và Quốc gia chưa rõ, nhiều tiêu chuẩn chưa ban hành; việc triển khai quản lý TXNG chuỗi cung ứng cần hợp tác chặt chẽ của các sở ban ngành; vấn đề hài hòa lợi ích của quản lý nhà nước và lợi ích doanh nghiệp khi triển khai TXNG cần được quan tâm;…
Một bài toán lớn đặt ra hiện nay là TXNG không phải tạo ra mã QR xem thông tin “Nhãn hàng hóa điện tử” mà là hệ thống hỗ trợ quản lý Nhà nước và doanh nghiệp. Mục đích sử dụng hệ thống TXNG phải nhắm đến hỗ trợ quản lý Nhà nước, quản lý an toàn thực phẩm; hỗ trợ thông tin cho người dân, người tiêu dùng; hỗ trợ doanh nghiệp về marketing, minh bạch thông tin và quy trình, tăng độ tin cậy, quản lý chuỗi cung ứng, tăng khả năng kiểm soát chéo chuỗi cung ứng và kiểm soát nội bộ.
Phần trao đổi, thảo luận tại sự kiện
Vì vậy, các giải pháp xây dựng, vận hành hệ thống quản lý thông tin TXNG của TP.HCM cần tuân thủ, đáp ứng theo các tiêu chuẩn quốc gia về TXNG và các quy định pháp luật liên quan. Đồng thời, áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp xu thế trong nước và thế giới như Blockchain, Al, IoT, Big data… Thông tin khai báo theo thời gian thực, đảm bảo tính bảo mật, an toàn dữ liệu và không thay đổi được thông tin TXNG; có khả năng nâng cấp, tích hợp linh hoạt, kết nối thông tin với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp, kết nối đến Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc Quốc gia. Bên cạnh đó, giao diện thân thiện, dễ sử dụng, có thể dễ dàng thao tác và nhập dữ liệu; có chức năng cảnh báo đối với các trường hợp các sản phẩm hàng hoá không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm; dữ liệu truy xuất nguồn gốc được sở hữu, quản lý và lưu giữ tại Thành phố.
Ngoài ra, các ý kiến tại sự kiện cũng đề xuất một số tính năng của hệ thống như quản lý Nhà nước (quản lý an toàn thực phẩm, chống khủng bố thực phẩm, thu hồi sản phẩm, quản lý đàn chăn nuôi và dịch bệnh, quản lý thống kê, giảm thải CO2 trong chăn nuôi và trồng trọt, cung cấp thông tin, dự báo phục vụ các mục đích kinh tế – chính trị – xã hội cho TP.HCM,…); tính năng hỗ trợ doanh nghiệp (thực hiện nghĩa vụ truy xuất nguồn gốc, báo cáo số liệu thuận lợi nhanh chóng, kiểm tra dịch bệnh, vận chuyển, giết mổ, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, quảng bá, xây dựng thương hiệu,…); hỗ trợ người dân (tra cứu các thông tin về hàng hóa, phản ánh các hiện tượng bất thường, đóng góp ý kiến nhận xét cho chuỗi cung ứng);…
Lam Vân (CESTI)
Hội đồng giải thưởng đã lựa chọn và trao 10 giải, nhằm khuyến khích các dự án, hướng tới đào tạo và nuôi dưỡng các nhà khởi nghiệp và doanh nhân trẻ tương lai.
Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp sinh viên UNIV.STAR 2023 đã tìm ra được chủ nhân của các giải thưởng, trao giải vào chiều ngày 30/8/2023, trong khuôn khổ Triển lãm đa ngành cao cấp Hàn Việt MEGA US EXPO 2023 tại Trung tâm hội nghị Gem Center, TP.HCM. Cuộc thi dành cho sinh viên các trường đại học tại Việt Nam và các bạn sinh viên đến từ Đại học Quốc gia Jeonbuk, Hàn Quốc, tiêu chí dự án được trao giải dựa trên tính mới, sáng tạo và khả năng áp dụng rộng rãi.
Đại diện Ban tổ chức và khách mời cùng chụp hình lưu niệm với các nhóm dự án đoạt giải tại Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp sinh viên UNIV.STAR 2023
Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp sinh viên UNIV.STAR 2023 được đồng tổ chức và thực hiện bởi Trung tâm đổi mới kinh tế sáng tạo tỉnh Jeonbuk - Hàn Quốc (JBCCEI) kết hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (DOST), Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ TP.HCM - Saigon Innovation Hub (SIHUB), Trung tâm Xúc tiến Thương mại Hàn - Việt KORETOVIET cùng Nhà tài trợ giải thưởng HYOSUNG. Sự kiện này cũng nằm trong khuôn khổ hợp tác của DOST và JBCCEI trong năm 2023.
Theo Ban tổ chức, sau hơn 2 tháng tổ chức, Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp sinh viên UNIV.STAR 2023 đã mang đến nhiều cuộc tranh tài sôi nổi, thu hút và đầy gây cấn với sự tham gia đông đảo của các thí sinh đến từ Hàn Quốc và Việt Nam. Trải qua nhiều vòng thi với các lĩnh vực như: Giáo dục, Y tế, Môi trường, Năng lượng, Du lịch… các thí sinh không chỉ mang đến nhiều dự án tiềm năng với tinh thần hăng say khởi nghiệp mà còn thể hiện nhiệt huyết của tuổi trẻ mong muốn đóng góp vào một đất nước phát triển.
Cũng theo Ban tổ chức, tại cuộc thi lần này các nhóm dự án đã được hỗ trợ huấn luyện thông qua những workshop huấn luyện, những buổi tư vấn cùng các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp và kinh doanh… nhằm nâng cao năng lực khởi nghiệp, phát triển thành doanh nghiệp mới trong tương lai.
TS. Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, đại diện Ban tổ chức trao giải cho dự án đoạt giải Nhất của bảng sinh viên Hàn Quốc - với tên dự án DOPAMINE
Các dự án đạt giải sẽ được nhận hiện kim và hiệu vật theo quy chế cuộc thi, với tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng và các quyền lợi khác như được tiếp tục hỗ trợ cố vấn sau cuộc thi trong thời gian 01 tháng cũng như được hỗ trợ không gian làm việc chung trong thời gian 03 tháng tại Saigon Innovation Hub… đây là một trong những cơ hội giúp các bạn trẻ biến những ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thành hiện thực.
Ông Yoon Se Young - Giám đốc phòng Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Jeonbuk - Hàn Quốc, đại diện Ban tổ chức trao giải cho dự án đoạt giải Nhất của bảng sinh viên Việt Nam - với tên dự án Máy xử lý cỏ dại thay thế hóa chất
Được biết, Lễ trao giải Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp sinh viên UNIV.STAR 2023 cũng nhận được sự quan tâm và góp mặt của đại diện Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM; đại diện Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ; Cục xúc tiến thương mại tại TP.HCM, Bộ Công thương; đại diện Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM; Trưởng Bộ phận hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tỉnh Jeonbuk; Giám đốc Trung tâm đổi mới kinh tế sáng tạo Jeonbuk; đại diện các trường đại học Hàn Quốc; đại diện các trường đại học Việt Nam... cùng tham dự.
Đưới đây là danh sách 10 dự án được vinh danh tại Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp sinh viên UNIV.STAR 2023.
BẢNG VIỆT NAM
STT | Giải thưởng | Tên dự án | |
1 | Giải Nhất | MÁY XỬ LÝ CỎ DẠI THAY THẾ HÓA CHẤT | |
2 | Giải Nhì | SẢN PHẨM NUI GẠO MẦM CHUỐI XANH | |
3 | Giải Ba | ECO - HOSUE Giải pháp nền nông nghiệp xanh | |
4 | Bảo Ngọc - Wine Sử dụng phần vỏ trái cà phê khi chế biến để lên men rượu vang cà phê Việt Nam | ||
5 | S.T.A.R. |
BẢNG HÀN QUỐC
STT | Giải thưởng | Tên dự án | |
1 | Giải Nhất | DOPAMINE | |
2 | Giải Nhì | WAGGH | |
3 | Giải Ba | KOWA | |
4 | IN THE CUP | ||
5 | SRED |
Cũng theo thông tin từ Ban tổ chức, trong năm 2024, dự kiến Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp sinh viên UNIV.STAR sẽ được diễn ra theo hình thức tạo ra các đội thi mà thành viên ở trong đó có cả sinh viên Việt Nam và cả Hàn Quốc và thông qua sự kết hợp này sẽ tìm ra những đội thi, những dự án có tiềm năng phát triển phù hợp để ươm mầm khởi nghiệp cho các sinh viên. Đặc biệt, trong năm 2024 cũng sẽ không giới hạn thành phần tham dự chỉ là sinh viên của Đại học Quốc gia Jeonbuk mà dự kiến sẽ mở rộng cho nhiều sinh viên đến từ các trường đại học khác của Hàn Quốc... việc lấy đối tượng trọng tâm là các em sinh viên ở cả hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc sẽ hướng đến một môi trường khởi nghiệp quốc tế, hướng tới sự hỗ trợ và đầu tư của các doanh nghiệp đến từ hai quốc gia. Qua đó, sẽ tạo thêm được nhiều cơ hội hợp tác cũng như là nhiều cơ hội khởi nghiệp quốc tế nhằm tìm kiếm các tài năng trong lĩnh vực kinh doanh của hai quốc gia.
Có thể khẳng định, UNIV.STAR là một trong những sân chơi thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân của thế hệ trẻ. Đây là một cuộc thi thể hiện sự hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc để ươm mầm thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của mỗi quốc gia.
Nhật Linh (CESTI)
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về các cơ hội hợp tác giữa TP.HCM và tỉnh Jeollabuk nói riêng, giữa Việt Nam và Hàn Quốc nói chung trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kỹ thuật công nghệ, kết nối giao thương cho doanh nghiệp,…
Chiều 29/8, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) đã tiếp và làm việc với đoàn đại diện tỉnh Jeollabuk-do (Hàn Quốc) nhân dịp đoàn có chuyến công tác tại TP.HCM trong khuôn khổ sự kiện Ngày hội kết nối giao thương Hàn - Việt (MEGA US EXPO 2023).
Theo ông Yun Se-young (đại diện đoàn Jeollabuk-do), hoạt động giao thương Hàn - Việt trong những năm vừa qua có nhiều dấu ấn tốt đẹp. Từ năm 2021, UBND TP.HCM và tỉnh Jeollabuk-do đã thảo luận và có kế hoạch hợp tác giữa hai địa phương trong lĩnh vực khởi nghiệp, thúc đẩy trao đổi thương mại, gắn kết thị trường,… Một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng chính là sự kiện MEGA US EXPO 2023 và cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên Hàn - Việt (UNIV.STAR 2023) diễn ra tại TP.HCM từ ngày 30-31/8 với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.
Tỉnh Jeollabuk-do rất chú trọng tinh thần khởi nghiệp với nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thu hút và phát huy giá trị của việc khởi nghiệp. Quỹ ươm tạo khởi nghiệp tại Jeollabuk đã và đang hỗ trợ mạnh mẽ cho các công ty khởi nghiệp, dự kiến năm 2026 sẽ tạo ra 10 công ty lớn và tiếp tục thu hút 50 công ty khởi nghiệp ở nước ngoài, tạo ra nhiều chính sách, sáng kiến khác nhau nhằm thúc đẩy nuôi dưỡng khởi nghiệp.
Đại diện đoàn Jeollabuk-do cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với TP.HCM nhiều hơn nữa trong việc hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp, đặc biệt trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, TP.HCM có thể nhanh chóng nắm bắt và đưa ra các ý tưởng khởi nghiệp độc đáo về công nghệ. Đây cũng là lý do để phía Hàn Quốc đưa ra nhiều ý tưởng khởi nghiệp về công nghệ, nỗ lực cùng TP.HCM tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến khủng hoảng khí hậu, qua đó tạo cơ hội thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trao đổi với đoàn Jeollabuk-do, ông Nguyễn Việt Dũng nhận định, mối quan hệ giữa Việt Nam với Hàn Quốc, đặc biệt giữa TP.HCM và các thành phố của Hàn Quốc những năm gần đây tiến triển rất tốt đẹp. Làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp lớn Hàn Quốc tại TP.HCM và Việt Nam diễn ra mạnh mẽ. Trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, TP.HCM và các thành phố của Hàn Quốc đã triển khai nhiều hoạt động trao đổi, hợp tác nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển lĩnh vực này.
Cụ thể như SIHUB (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) và Trung tâm Đổi mới Kinh tế Sáng tạo Jeonbuk (JBCCEI) đã phối hợp triển khai các chương trình huấn luyện cho các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - Hàn Quốc; tổ chức sự kiện kết nối, cuộc thi và hoạt động truyền thông về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ startup và doanh nghiệp SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa) Việt Nam, Hàn Quốc kết nối cung cầu, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường; hỗ trợ tăng tốc cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;…
Đặc biệt, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Trung tâm Đổi mới Kinh tế Sáng tạo Jeonbuk đã ký thỏa thuận hợp tác năm 2023 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa TP.HCM và tỉnh Jeollabuk-do trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác trong việc hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp của hai nước ra thị trường; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân cho sinh viên Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM và Việt Nam tìm kiếm, ứng dụng công nghệ từ Hàn Quốc phục vụ sản xuất kinh doanh; hình thành các chương trình hợp tác trong hoạt động hỗ trợ ươm tạo dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp giữa hai bên;… Một trong những hoạt động nổi bật đang được triển khai trong khuôn khổ hợp tác này là sự kiện kết nối giao thương Hàn - Việt (MEGA US EXPO 2023) và cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên Hàn - Việt (UNIV.STAR 2023).
Thời gian tới, Sở mong muốn tiếp tục kết nối, tăng cường hợp tác giữa hai bên trong việc hỗ trợ các dự án, chương trình nghiên cứu phát triển, tài trợ cho các dự án, ý tưởng nghiên cứu đổi mới sáng tạo, tìm kiếm thị trường cho các startup, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ,… Ngoài ra, Sở cũng thống nhất với phía Jeollabuk-do về ý tưởng triển khai các kế hoạch hợp tác sắp tới trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, các chính sách hỗ trợ nghiên cứu công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ vật liệu mới, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, logistics, công nghệ sinh học, hoặc các dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực đang được Chính phủ quan tâm.
Lam Vân (CESTI)
Sau thành công ký kết biên bản hợp tác giữa Trung tâm đổi mới kinh tế sáng tạo Jeonbuk- JBCCEI- và Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM vào ngày 05/06/2023, nhằm tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp & đổi mới sáng tạo và xúc tiến mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Hàn-Việt. Ngày 21/07/2023 vừa qua, Trung tâm đổi mới kinh tế sáng tạo Jeonbuk-JBCCEI và Saigon Innovation HUB đồng tổ chức lễ công bố cuộc thi “Ý tưởng Khởi nghiệp Sinh viên UNIV.STAR” nằm trong khuôn khổ bản MOU trước đó.
Univ.star là cuộc thi hoàn toàn mới, nơi để các bạn trẻ dám nghĩ về những ý tưởng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo và cơ cơ hội để thực hiện hóa những điều lớn lao đó. Là cơ hội được gặp gỡ giao lưu với các quỹ đầu tư và chuyên gia tư vấn, cũng như giải thưởng hấp dẫn với tổng giá trị lên đến 200 triệu đồng, cuộc thi đã thu hút được hơn 100 đề tài đăng ký từ các nhóm dự án sinh viên từ các trường đại học. Hơn hết, các sinh viên tài năng sẽ được huấn luyện, hướng dẫn bởi chuyên gia Hàn-Việt hàng đầu trong đa lĩnh vực. Với chủ đề "Ứng dụng khoa học và công nghệ vào kinh doanh thời đại số", cuộc thi thu hút nhiều bài dự thi độc đáo sáng tạo ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, năng lượng và du lịch.
Ảnh 1: Cuộc thi Ý Tưởng Sinh viên – Univ.Star lần đầu tiên được tổ chức
Một điều đặc biệt, cuộc thi còn là sân chơi có sự góp mặt tranh tài đến từ sinh viên Đại học Quốc gia Jeonbuk. Do đó, Univ.star là cuộc thi chung của các bạn trẻ hai nước cùng tranh tài và tìm ra những giải pháp ĐMST cho tương lai, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân cho sinh viên; tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp độc đáo, sáng tạo để ươm mầm phát triển.. Đối tượng tham dự cũng được mở rộng nhằm tạo điều kiện tối đa cho các thí sinh dự thi. Cơ cấu đội thi tối đa 07 thành viên bao gồm trưởng nhóm, trong đó mỗi nhóm tối thiểu 50% thành viên là sinh viên. Và cũng rất vui mừng thông báo, thông qua chia sẻ của Saigon Innovation Hub - đơn vị chủ trì cuộc thi, vòng sơ khảo đã nhận được hơn 100 hồ sơ đến từ rất nhiều các trường đại học toàn thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh 2: Ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ về cuộc thi Ý tưởng Khởi Nghiệp Sinh viên Univ.star 2023
Sau ngày khởi động đến nay, Chương trình Univ.Star đã nhận 107 hồ sơ đăng ký tham dự. Chương trình cũng đã lựa chọn được Top 20 đội xuất sắc từ vòng Sơ tuyển để bước vào vòng Bán Kết 1 hôm 11/8/2023. Sau đó, Top 20 dự án này được tham gia huấn luyện và thuyết trình để chọn ra Top 10 nổi bật tiến vào Bán Kết 2 đã diễn ra vào ngày 24/8/2023. Để chọn ra top 20 và Top 10 đó, hơn 50 giờ làm việc chuyên tâm và công bằng của Đội ngũ Ban giám khảo đến từ các Quỹ như Zone Startups Vietnam, Angles 4 us, Quỹ Blockbase đã được sử dụng hiệu quả. Ngoài ra, còn có các chuyên gia đến từ Swiss EP, Monkey in Black, Sandbox Start-up, MTCC, Keyskills Education và GIS, với 20 giờ làm việc đã giúp các dự án hoàn thiện mô hình kinh doanh của mình. Từ đó có thể thấy Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp sinh viên Univ.Star không chỉ tạo ra sân chơi lành mạnh mà còn là cơ hội giúp các dự án hoàn thiện toàn diện trên con đường hiện thực hóa ý tưởng của mình.
Vòng chung kết cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp Univ.star 2023 sẽ được diễn ra trong khuôn khổ triển lãm đa ngành cao cấp Hàn Việt Mega Us Expo tại Trung tâm hội nghị Gem Center vào ngày 30/8/2023.
Ngày 25/8, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức lớp tập huấn, phổ biến, hướng dẫn áp dụng theo tiêu chuẩn quốc gia về xác định nguồn gốc sản phẩm rau quả tươi (tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12827:2019 về truy xuất nguồn gốc - yêu cầu đối với chuỗi cung ứng rau quả tươi).
Theo bà Võ Đình Liên Ngọc (Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo Lường Chất lượng – Sở KH&CN TP.HCM), đây là lớp tập huấn thứ 4 trong kế hoạch năm 2023 của Sở KH&CN nhằm thực hiện theo Quyết định số 1659/QĐ-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2023 của Ủy ban Nhân dân TP.HCM về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn TP.HCM năm 2023. Sản phẩm rau quả tươi (bao gồm sản phẩm xoài cát) thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn TP.HCM theo Quyết định 1383/QĐ-UBND của UBND Thành phố cùng với một số sản phẩm đã và đang được triển khai thời gian qua như thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm. Thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai cho các nhóm sản phẩm khác trong danh mục như tôm, thủy sản sơ chế có bao gói, tổ yến.
Báo cáo viên của Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia trình bày tại lớp tập huấn
Tại lớp tập huấn, báo cáo viên của Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia cho biết, xu hướng thị trường hiện nay rất quan tâm rau sạch, rau an toàn, nhưng hiện trạng vẫn còn là vấn đề nan giải. Thành công của một số chuỗi cửa hàng kinh doanh trong lĩnh vực này cho thấy, yếu tố chủ yếu giúp mang lại hiệu quả là nhờ đảm bảo được chất lượng sản phẩm hàng hóa gắn liền với minh bạch nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm (truy xuất nguồn gốc), và uy tín thương hiệu. Nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích của truy xuất nguồn gốc (TXNG), các cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành, triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức triển khai áp dụng hệ thống TXNG, định hướng ứng dụng công nghệ để minh bạch nguồn gốc nông sản, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa,… Liên quan đến những quy định về tiêu chuẩn quốc gia trong TXNG, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 23 tiêu chuẩn quốc gia về TXNG.
Trong đó, TCVN 12850:2019 đưa ra các yêu cầu chung đối với hệ thống TXNG. Theo tiêu chuẩn này, TXNG là hoạt động giám sát, xác định được một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh. Hệ thống TXNG là một hệ thống bao gồm hoạt động định danh sản phẩm, thu thập và lưu trữ thông tin về trạng thái của sản phẩm theo thời gian, địa điểm nhằm quản lý thông tin về chất lượng và an toàn của sản phẩm. Các nguyên tắc cơ bản của hoạt động TXNG theo TCVN 12850:2019 phải có sự tham gia đầy đủ các bên TXNG, nguyên tắc một bước trước một bước sau, minh bạch và sẵn có phần tử dữ liệu chính. Yêu cầu về hệ thống và quản lý dữ liệu phải có khả năng tương tác, tính đa dạng, định danh, có nguồn dữ liệu, trao đổi dữ liệu, đảm bảo tính chính xác, chất lượng của dữ liệu,…
Theo báo cáo viên Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia, đối với sản phẩm rau quả, hiện nay có tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12827:2019 về TXNG - yêu cầu đối với chuỗi cung ứng rau quả tươi. TCVN 12827:2019 xác định đối tượng áp dụng là các cơ sở trồng trọt (trồng, thu hoạch, lưu kho, bán, vận chuyển); cơ sở đóng gói, cơ sở đóng gói lại (thu thập, đóng gói, bán, vận chuyển); nhà phân phối và nhà bán buôn (lưu kho, bán, vận chuyển); cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và cơ sở bán lẻ (lưu kho, sơ chế, chế biến, bán cho người tiêu dùng). Doanh nghiệp cần đáp ứng các nguyên tắc chung trong TCVN 12827:2019 gồm xác định đối tượng cần TXNG, thống nhất giữa các bên tham gia, định danh đơn nhất vật phẩm, sản phẩm được đóng gói lại, nhãn mác trên vật phẩm. Tiêu chuẩn này cũng đưa ra các yêu cầu cụ thể và yêu cầu về dữ liệu đối với cơ sở trồng trọt, yêu cầu đối với cơ sở đóng gói/đóng gói lại, nhà phân phối/bán buôn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bán lẻ,…
Tại lớp tập huấn, các báo cáo viên cũng giới thiệu một số mô hình TXNG thiết kế theo đặc thù riêng của địa phương, mô hình TXNG rau quả áp dụng TCVN 12827:2019. Hiện nay, để đưa một sản phẩm từ vùng trồng đến tay người tiêu dùng phải trải qua nhiều công đoạn với sự tham gia của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, thương hiệu, nhà cung ứng khác nhau,… Tuy nhiên, các giải pháp TXNG được cung cấp trên thị trường còn tồn tại một số hạn chế như cơ sở dữ liệu phân tán, gây nhiễu thông tin cho người tiêu dùng, chưa tuân thủ các tiêu chuẩn TCVN về TXNG, thông tin TXNG chưa đảm bảo minh bạch,… Vì vậy, việc triển khai TXNG cần có giải pháp kết nối tổng thể, tích cực truyền thông, hướng dẫn, phổ biến giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin chi tiết, minh bạch về hệ thống TXNG cũng như những quy định về tiêu chuẩn quốc gia trong TXNG.
Lam Vân (CESTI)