Được phát động từ tháng 10.2018, cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp -sản phẩm GIS TTP.HCM năm 2018" đã thu hút được 72 sản phẩm dự thi trong nhiều lĩnh vực từ hỗ trợ quản lý hành chính công cho tới hỗ trợ quy hoạch và các ứng dụng thực tế phục vụ dân sinh.
Con số ấn tượng này cho thấy tính hấp dẫn của cuộc thi do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức cũng như khả năng ứng dụng đa dạng của hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong xây dựng các ứng dụng thông minh phục vụ cuộc sống.
Chia sẻ về mục đích của cuộc thi, ông Phạm Quốc Phương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin Địa lý TP.HCM thuộc Sở KH&CN TP.HCM cho biết: “Cuộc thi được tổ chức nhằm tìm kiếm các giải pháp, sản phẩm GIS và các công nghệ liên quan để giải quyết các vấn đề thực tiễn của TP.HCM; xây dựng Thành phố thành đô thị thông minh, sáng tạo; giải quyết các bài toán trong các chương trình đột phá của Thành phố.”
Theo đó, các tác phẩm dự thi gồm những sản phẩm ứng dụng các nền tảng HCMGIS để giải quyết các bài toán thực tiễn trong các lĩnh vực hạ tầng đô thị, kinh tế - văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, du lịch, an ninh quốc phòng...
Sơ đồ các thành phần trong nền tảng chia sẻ dữ liệu HCMGIS
Ban tổ chức cũng dành một nhóm giải thưởng cho các Giải pháp - Sản phẩm GIS sáng tạo để giải quyết các vấn đề thực tiễn của Thành phố, xây dựng Thành phố thành đô thị thông minh; giải quyết các bài toán trong các chương trình đột phá của Thành phố. Các sản phẩm, giải pháp tham dự cuộc thi sẽ được đánh giá dựa trên các yếu tố Tính mới, tính sáng tạo, Tính khả thi ,Tính hiệu quả , Tác động xã hội.
Ngoài các phần thưởng từ Ban tổ chức, các sản phẩm, giải pháp đạt giải sẽ được Sở KH&CN TP.HCM xét chọn đầu tư hoàn thiện với mức đầu tư lên đến tối đa 2 tỷ đồng cho mỗi giải pháp, sản phẩm.
Thực tế trong thời gian qua cho thấy, GIS đang được ứng dụng ngày càng nhiều và hiệu quả trong các ứng dụng hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Trong đó, có thể kể tới bộ nền tảng thông tin địa lý với hơn 60 lớp dữ liệu HCMGIS, các ứng dụng bản đồ du lịch tại các quận huyện...
Tại Giải thưởng Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM 2018 (I-Star 2018), hệ thống quản lý thông tin hiệu quả bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TP.HCM WEBGIS giành được giải thưởng cho giải pháp đổi mới sáng tạo, giải quyết những vấn đề của cộng đồng và mang lại hiệu quả thiết thực cho Thành phố.
Ứng dụng GIS giúp Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM chủ động theo dõi, khoanh vùng ổ dịch nhanh chóng và dễ dàng
Ông Phạm Quốc Phương nói: “Chúng tôi rất vui vì ngay trong lần đầu tổ chức, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Không chỉ số lượng bài dự thi lớn mà chất lượng các sản phẩm cũng khá cao, hướng tới những vấn đề thực tế của thành phố. Chúng tôi hy vọng những giải pháp, sản phẩm từ cuộc thi nay sẽ là đóng góp cho việc xây dựng TP.HCM thành thành phố thông minh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.”
Các nhóm dự thi sẽ trải qua vòng sơ tuyển và huấn luyện trước khi tham gia vòng chung kết dự kiến tổ chức vào tháng 5.2019. Ngay sau vòng chung kết, những sản phẩm, giải pháp ấn tượng sẽ được xem xét cấp vốn để phát triển trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2019.
Sáng 28.1, đoàn đại biểu thành phố (đoàn số 27) do Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng làm trưởng đoàn đã đến thăm và tặng quà Tết Kỷ Hợi cho các cá nhân, đơn vị trên địa bàn thành phố.
Một trong những địa điểm đầu tiên đoàn đến thăm là Trung tâm Giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố. Trung tâm hiện tại đào tạo, dạy nghề và văn hóa cho 85 em.
Trao đổi với ban lãnh đạo Trung tâm, ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ về xu thế giáo dục STEM hiện nay. Trong thời gian qua, Sở KH&CN TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động phát triển giáo dục STEM giúp các em học sinh phát triển tư duy sáng tạo, học được những kỹ năng cần thiết trong thời đại mới.
Ông Nguyễn Việt Dũng đại diện đoàn trao quà Tết cho Trung tâm Giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố
“Sở KH&CN sẵn sàng hỗ trợ Trung tâm để đưa phương pháp giáo dục STEM vào đào tạo cho các em, giúp các em hứng thú học tập hơn và đáp ứng được những yêu cầu thực tế của cuộc sống và công việc trong tương lai”, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết.
Sau Trung tâm Giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố, đoàn đã đến thăm và tặng quà cho công nhân viên, người lao động và các em có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp. Đây là ngôi nhà chung của 230 em nhỏ, trong đó có 80% là trẻ khuyết tật với các dạng khuyết tật khác nhau luôn cần được chăm sóc, theo dõi.
Bà Hồ Thanh Loan, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ của trung tâm luôn nỗ lực đem lại niềm vui cho các em. Ban lãnh đạo cũng cố gắng tạo điều kiện cho 45 em đi học ở các trường bên ngoài. Trong đó, có 1 em đã giành được học bổng đi học ở Philippine, nhiều em đỗ vào các trường ĐH và tìm được việc làm.”
Đoàn giao lưu, tặng quà cho các em nhỏ và cán bộ tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp
Tại đây, ông Nguyễn Việt Dũng và các thành viên trong đoàn đã đi thăm hỏi, giao lưu với các em và chúc các cán bộ tại Trung tâm cùng các em có cái Tết vui tươi, ấm áp.
Ngoài ra, đoàn cũng đến thăm và chúc Tết gia đình các đồng chí Dao Nhiễu Linh – Nguyên thành ủy viên, Trưởng ban công tác người Hoa; đồng chí Lưu Thiên Vân – Nguyên Đảng ủy viên Hoa Vận T4, Phó Chủ nhiệm CLB truyền thống kháng chiến khối người Hoa thành phố và các gia đình người cao tuổi, hộ nghèo tại quận 10.
Ông Nguyễn Việt Dũng và các thành viên đoàn đi thăm hỏi, động viên các em có hoàn cảnh khó khăn ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp
Đoàn đến tặng quà và chúc Tết cụ bà 100 tuổi Đinh Thị Được
Ông Nguyễn Việt Dũng đến thăm và chúc tết đồng chí Lưu Thiên Vân
Đoàn đến thăm và trao quà Tết cho đồng chí Dao Nhiễu Linh
Đoàn đến thăm hỏi, động viên và trao quà Tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn
Phạm Sơn - khampha.vn
Trong năm 2018, hoạt động hỗ trợ hạ tầng, cơ sở vật chất hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tiếp tục được Sở KH&CN TP.HCM đặc biệt quan tâm. 24 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đã được kết nối vào hệ sinh thái chung hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp.
Những kết quả được công bố tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2019 của Sở KH&CN TP.HCM ngày 25.1 đã chứng minh đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động khoa học công nghệ TP.HCM trong năm vừa qua.
Trong năm 2018, Sở KH&CN TP.HCM đã tham mưu UBND Thành phố tổ chức Giải thưởng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM. Đây cũng là năm đầu tiên giải thưởng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (I-Star) được tổ chức để tôn vinh các tổ chức và cá nhân có thành tựu xuất sắc trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Sau 5 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được tổng cộng 197 bài dự thi, trong đó có 169 bài dự thi hợp lệ. Sau quá trình lựa chọn với sự tham gia của cộng đồng và đánh giá của hội đồng chuyên gia, Ban tổ chức I-Star 2018 đã trao 11 giải thưởng với tổng giá trị 550 triệu cho các cá nhân, tổ chức tiêu biểu.
11 giài thưởng I-Star trị giá 550 triệu đồng đã được trao để tôn vinh các cá nhân, tổ chức có thành tựu xuất sắc trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại TP.HCM
Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết: “Trong năm 2018, Sở đã hỗ trợ, đào tạo 3.142 doanh nghiệp về công cụ quản trị Năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo. Sở cũng tư vấn nâng cao năng suất chất lượng và quản trị tài sản trí tuệ cho 759 doanh nghiệp và hỗ trợ 81 dự án nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và sản phẩm. Đồng thời, Sở cũng phối hợp thực hiện hỗ trợ đổi mới công nghệ cho 15 dự án thông qua chương trình kích cầu.”
Trong năm 2018, Sở KH&CN cũng đã hỗ trợ 711 dự án khởi nghiệp trong năm 2018. Trong đó, Chương trình SpeedUp tiếp tục được triển khai và sơ tuyển được 20 dự án mới. Đội ngũ Mentor cũng được tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng. 95 giáo trình online và 54 video tài liệu đào tạo đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp được xây dựng làm tài liệu đào tạo, tham khảo cho cộng đồng khởi nghiệp.
Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng đánh giá năm 2018 có nhiều điểm nhấn trong hoạt động đổi mới sáng tạo
Năm 2018 cũng là năm văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng thông qua 108 sự kiện KH&CN và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2018 (WHISE 2018) đã thu hút hơn 3.500 lượt người tham dự, 125 dự án, mô hình khởi nghiệp và trở thành đại tiệc của cộng đồng khởi nghiệp TP.HCM và khu vực. Giải thưởng Sáng kiến Cộng đồng 2018 đã lan tỏa rộng rãi 44 sáng kiến độc đáo từ chính cộng đồng giải quyết những vấn đề thực tế trong đời sống.
Trong hoạt động của Sở KH&CN TP.HCM và các đơn vị trực thuộc, nhiều hoạt động, giải pháp sáng tạo đã được triển khai đem lại hiệu quả tích cực như giải pháp live stream hội thảo giới thiệu công nghệ của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN giúp các giải pháp, công nghệ mới được giới thiệu đến rộng rãi đến các cá nhân, tổ chức quan tâm.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM nhận xét: “Năm nay có nhiều điểm nhấn trong hoạt động đổi mới sáng tạo ví dụ như cách làm mới của Trung tâm Thông tin giúp các thông tin đến được với hàng ngàn người thay vì chỉ vài chục người như trước kia. Trong năm 2019, TP.HCM xác định chủ đề chính là cải cách hành chính, triển khai thủ tục hành chính công trực tuyến cấp độ 3,4. Thực tế có rất nhiều cơ hội để sáng tạo, vấn đề là chúng ta có chịu suy nghĩ, sáng tạo hay không?”
Tại buổi tổng kết, Sở KH&CN TP.HCM đã trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố cho 11 cá nhân thuộc Sở và nhiều danh hiệu, phần thưởng khác ghi nhận những đóng góp, thành tích của các cá nhân, đơn vị tiêu biểu của Sở KH&CN TP.HCM trong năm qua.
11 cá nhân có thành tích xuất sắc của Sở KH&CN TP.HCM đã được nhận chứng nhận Chiến sĩ thi đua cấp Thành phố 2018
Ông Nguyễn Việt Dũng trao chứng nhận cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong năm 2018
Phạm Sơn - khampha.vn
Sáng 23.1, đại diện các phòng thí nghiệm tiêu biểu tại TP.HCM và đại diện Sở KH&CN TP.HCM đã có buổi tọa đàm giao lưu, kết nối các Phòng thí nghiệm tiêu biểu với cộng đồng nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, đại diện Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 cho rằng việc kết nối các phòng thí nghiệm với cộng đồng khoa học, đổi mới sáng tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi chính các phòng thí nghiệm rất mong muốn kết nối với các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) để nâng cao chất lượng dịch vụ. Đây cũng là ý kiến chung của đại diện nhiều phòng thí nghiệm khác.
Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Chu Vân Hải cho biết theo thống kê hiện nay trên địa bàn thành phố có hơn 900 phòng thí nghiệm. Trong đó, chỉ có 165 phòng thí nghiệm được Văn phòng Công nhận Chất lượng chứng nhận, đảm bảo cung cấp dịch vụ thí nghiệm cho doanh nghiệp.
Phó Giám đốc Chu Vân Hải đại diện Sở KH&CN TP.HCM trao đổi với đại diện các phòng thí nghiệm tiêu biểu tại thành phố
Một số doanh nghiệp đã có phòng thí nghiệm riêng nhưng trong giai đoạn đầu, trang thiết bị, kỹ thuật của các phòng thí nghiệm này còn thiếu nên rất cần sự tư vấn, hỗ trợ từ các trung tâm, trường, viện. Đồng thời, sự tham gia của các trung tâm kiểm tra, các phòng thí nghiệm lớn cũng giúp các phòng thí nghiệm nhỏ đảm bảo chất lượng, độ chính xác của các phép thử.
Bên cạnh đó, những thông tin thống kê về nhu cầu, dịch vụ của doanh nghiệp, cộng đồng cũng là các thông tin rất có giá trị với các phòng thí nghiệm. Đây là cơ sở để các phòng thí nghiệm tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, xác định nhu cầu của thị trường để đầu tư các trang thiết bị, kỹ thuật mới đáp ứng yêu cầu thực tế.
Về phía Sở KH&CN TP.HCM, bà Chu Vân Hải cho biết Sở mong muốn kết nối các phòng thí nghiệm với các đơn vị chưa có R&D. Qua đó, các phòng thí nghiệm có thể đóng vai trò như bộ phận R&D cho các doanh nghiệp giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư R&D. Sở KH&CN TP.HCM cũng đã triển khai nhiều hoạt động thực tế để đẩy mạnh sự kết nối này.
Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM (CASE) thuộc Sở KH&CN TP.HCM cũng là một trong những trung tâm hàng đầu tại TP.HCM và cả nước về dịch vụ phân tích, thí nghiệm
Bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN (CESTI) thuộc Sở KH&CN TP.HCM nói: “Cổng thông tin Techport.vn của Trung tâm hiện có 3 mảng chính: kết nối về công nghệ thiết bị, kết nối về các tô chức trung gian và chuyên gia tư vấn, kết nối tìm kiếm đối tác. Mảng kết nối các tổ chức, các tổ chức thực hiện các dịch vụ KH&CN để phục vụ cho quá trình chuyển giao công nghệ bao gồm nhiều lĩnh vực trong đó có kiểm định, kiểm nghiệm, kết nối phòng thí nghiệm...”
Thông qua cổng Techport này, các doanh nghiệp tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ hoạt động của mình. Đồng thời, đây cũng là nơi để các phòng thí nghiệm giới thiệu về năng lực, các dịch vụ của mình tới với cộng đồng, doanh nghiệp
Quy trình sản xuất trùng thảo khép kín từ chọn giống, nuôi cấy trên các nguyên liệu sẵn có như gạo, mía... cho đến bảo quản, đóng gói sau thu hoạch. Tỷ lệ Cordycepin trong sản phẩm đạt mức cao.
Tuy nhiên, quá trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo đòi hỏi yêu cầu rất cao từ lựa chọn môi trường nuôi cấy, đảm bảo vệ sinh để tránh các loại nấm, mốc khác xâm nhập... Giá trị của đông trùng hạ thảo bị ảnh hưởng rất nhiều bởi quá trình nuôi cấy. Tùy theo từng điều kiện nuôi cấy khác nhau, thành phần và tỷ lệ dược chất trong đông trùng hạ thảo thay đổi, dẫn đến giá trị của sản phẩm có sự chênh lệch rất lớn.
Một phương pháp mà nhiều đơn vị sản xuất vẫn thường lựa chọn là sử dụng các hóa chất tổng hợp làm môi trường nuôi cấy. Nhưng theo ThS Nguyễn Thị Ngọc Nhi, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật của công ty SAHA, cho biết theo cách làm này nếu hóa chất sử dụng không đảm bảo sẽ không cho sản phẩm chất lượng, tồn dư hóa chất trong sản phẩm khiến cho giá trị dinh dưỡng của đông trùng hạ thảo bị giảm, thậm chí nguy hiểm cho người dùng. Trong khi đó, những nguyên liệu sẵn có tại Việt Nam như gạo, mía, khoai lang, nhộng tằm hoàn toàn có thể sử dụng làm môi trường cho trùng thảo phát triển.
ThS Nguyễn Thị Ngọc Nhi đại diện công ty SAHA trình bày tại hội thảo
Nhóm nghiên cứu của công ty đã nghiên cứu, phát triển quy trình công nghệ sản xuất trùng thảo theo hướng hữu cơ. Sau 3 năm nghiên cứu, thử nghiệm, công ty SAHA đã hoàn thiện quy trình nuôi cấy, sản xuất trùng thảo khép kín bằng các nguyên liệu sẵn có như gạo, mía... cho đến bảo quản, đóng gói sau thu hoạch. Tỷ lệ Cordycepin (hoạt chất quan trọng trong đông trùng hạ thảo) đạt 8,69 mg trên 100g sản phẩm.
Những nguyên liệu này được xử lý thủy phân và phối trộn với các dưỡng chất để làm môi trường nuôi cấy giống nấm. Sau đó, nấm được nuôi ở nhiệt độ thích hợp và qua các quá trình cấy, ủ tối cho tới hình thành quả thể nấm theo quy trình chặt chẽ.
Toàn bộ quá trình kéo dài trong khoảng 70 ngày, cho sản phẩm có chất lượng cao với giá thành cạnh tranh. Quy trình nuôi cấy này có thể áp dụng được với sản xuất quy mô nhỏ. Sản phẩm sau thu hoạch được sấy khô bằng phương pháp sấy thăng hoa, đảm bảo nguyên trạng được hình thái, màu sắc, mùi vị và dưỡng chất. Sản phẩm được Bộ Y tế chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, công ty đã nghiên cứu và nuôi cấy thành công trùng thảo trên nhộng tằm gần với cách đông trùng hạ thảo sinh trưởng trong tự nhiên cho chất lượng sản phẩm cao. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng tự chế tạo các thiết bị phục vụ nuôi cấy như nồi hấp, máy lắc, tủ cấy, hệ thống nuôi sinh khối... và hoàn thiện quy trình nuôi có thể chuyển giao cho nhiều quy mô sản xuất khác nhau.
Trùng thảo được nuôi cấy trên nhộng tằm
“Giá thành sản xuất hiện nay không chênh lệch nhiều so với phương pháp sử dụng hóa chất vì nguồn nguyên liệu hữu cơ rất sẵn có, giá thấp. Sản phẩm theo hướng hữu cơ thông thường có giá cao nhưng với phương pháp này chúng tôi hy vọng đem lại sản phẩm vừa tốt cho sức khỏe người dùng vừa có giá cả cạnh tranh được”, bà Nhi cho biết.
Công nghệ sản xuất Trùng thảo theo hướng hữu cơ đã được Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Công ty TNHH TM - SX SAHA giới thiệu tại Hội thảo tổ chức ngày 11.1 mới đây.
Đông trùng hạ thảo là một loại đông dược quý có bản chất là dạng ký sinh của loài nấm Cordyceps sinensic trên cơ thể sâu Hepialus fabricius. Tên gọi "đông trùng hạ thảo" xuất phát từ quan sát thực tế khi thấy vào mùa hè nấm Cordyceps sinensic mọc chồi từ đầu con sâu nhô lên khỏi mặt đất. Vào mùa đông thì nhìn cặp cá thể này giống con sâu (côn trùng), còn đến mùa hè thì chúng trông giống một loài thực vật (thảo mộc) hơn. Các phân tích hoá học cho thấy trong sinh khối của đông trùng hạ thảo có 17 đến 19 loại acid amin khác nhau cùng với D-mannitol, lipid và nhiều nguyên tố vi lượng. Đông trùng hạ thảo cũng được chứng minh có tác dụng trong điều trị các bệnh về tim mạch, hô hấp, gan, thận, ức chế sự hình thành khối u. |
Phạm Sơn - khampha.vn
Với 50kg rác thải hữu cơ tại chợ nông sản TP.HCM, hệ thống sẽ xử lý tạo thành 3kWH điện năng và khoảng 3,1kg phân hữu cơ, theo một quy trình khép kín, không thải ra môi trường bất cứ chất thải nào.
Xe trung chuyển rác được chạy bằng điện năng từ việc xử lý rác thải. Ảnh: Hà Thế An.
Kết quả này được thí điểm tại 2 chợ đầu mối nông sản lớn nhất TP.HCM là chợ Bình Điền (Q.8) và chợ Thủ Đức (Q. Thủ Đức) được Saigon Innovation Hub (SIHUB) công bố vào chiều 07/01.
Đơn vị chuyển giao công nghệ này cho SIHUB là công ty Milai (Nhật Bản) với sự bảo trợ của Chính phủ nước này. Được biết, SIHUB và Milai đã có khoảng thời gian 3 năm cùng thực hiện các hoạt động hợp tác, trao đổi để chuyển giao công nghệ tiên tiến này về Việt Nam.
Theo ông Huỳnh Kim Tước, CEO SIHUB công nghệ này đã thực hiện thí điểm và cho nhiều kết quả tích cực. SIHUB mong muốn nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, đơn vị nhà nước để chuyển giao, nội địa hóa công nghệ này sử dụng rộng rãi trong việc xử lý rác thải tại TP.HCM.
“TP.HCM hiện nay đi theo hướng xử lý rác thải theo hướng tập trung với 2 bãi rác lớn nhất thành phố. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn đến công nghệ xử lý rác theo kiểu phân tán tại nguồn, giảm thiểu chi phí vận chuyển, đảm bảo các vấn đề về môi trường. Giải pháp này cũng sẽ mở ra hướng đi mới trong việc quy hoạch xử lý rác thải thành phố”- ông Tước cho biết.
Theo đó, quy trình công nghệ mà phía đối tác Nhật Bản chuyển giao cho SIHUB có tên gọi “6R-MOT”. Rác hữu cơ tại nguồn sẽ được thu gom và trải qua quy trình sấy khô nhằm giảm bớt lượng nước có trong rác (từ 63% xuống 20%). Rác sau khi sấy khô sẽ trải qua quy trình cacbon hóa (đốt). Rác sau khi đốt sẽ tạo thành một loại than củi. Than này sau chu trình xử lý sẽ được viên nhỏ để tiếp tục sử dụng trong quy trình khí hóa.
Than viên nhỏ sẽ được sử dụng tại buồng đốt của quá trình khí hóa để tạo thành khí gas. Loại khí gas này sẽ làm nguồn nhiên liệu để chạy máy phát điện tạo ra năng lượng điện. Một phần than củi sau quá trình đốt ở quy trình trên sẽ được sử dụng làm phân bón hữu cơ.
Các chuyên gia trao đổi về mô hình 6R-MOT tại SIHUB. Ảnh: Hà Thế An.
Ông Nguyễn Văn Phú, Quản lý dự án 6R-MOT cho biết, với 50kg rác thải hữu cơ từ các chợ nông sản TP.HCM, hệ thống có thể xử lý tạo thành 3kWH điện năng và khoảng 3,1kg phân hữu cơ, theo một quy trình khép kín, không thải ra môi trường bất cứ chất thải nào. Toàn bộ quy trình thí điểm này được thực hiện trong vòng 6 giờ.
“Theo tính toán với quy mô thử nghiệm mà đơn vị đã thực hiện tại 2 chợ trong thời gian 5 tháng qua, nhà đầu tư của hệ thống 6R-MOT sẽ mất khoảng 6 đến 7 năm để có thể hoàn vốn đầu tư ban đầu. Sau thời gian này hệ thống sẽ sinh lời từ nguồn điện và phân hữu cơ bán được”- ông Phú cho hay.
Ông Ichiro Hatayama, Chủ tịch công ty Milai, mong muốn cùng với các chuyên gia của SIHUB chuyển giao công nghệ này về TP.HCM và các tỉnh thành tại Việt Nam. Vì đây là công nghệ phù hợp với tính chất và thành phần rác thải tại nước ta.
“Chúng tôi và SIHUB đang hợp tác với ĐH Đà Nẵng và một doanh nghiệp cơ khí tại TP.HCM thực hiện sản phẩm thương mại hóa của mô hình này”- ông Ichir Hatayma nói.
Hà Thế An - khampha.vn
Giải nhất của cuộc thi năm nay được trao cho thầy giáo Lê Thiên Phúc, trường THPT Phú Nhuận, vì đã có những phương pháp dạy học sáng tạo, biến những giờ học khô khan trở nên thú vị hơn.
Sáng 26/12/2018, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi Sáng kiến cộng đồng năm 2018, nhằm tôn vinh tác giả của những sản phẩm, mô hình, giải pháp, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo tại cộng đồng.
Cuộc thi được Sở KH&CN TP.HCM khởi xướng từ năm 2016 và giao Tạp chí Khám Phá phối hợp với Phòng Quản lý Khoa học Cơ sở (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức thường niên.
Năm nay, Ban tổ chức trao 14 giải thưởng, gồm 1 giải nhất (trị giá 5 triệu đồng), 3 giải nhì (mỗi giải trị giá 3 triệu đồng), 3 giải ba (mỗi giải trị giá 2 triệu đồng) và 7 giải khuyến khích (mỗi giải trị giá 1 triệu đồng).
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, trao giải Nhất cho thầy giáo Lê Thiên Phúc, trường THPT Phú Nhuận
Giải nhất được trao cho thầy giáo Lê Thiên Phúc, giáo viên Sinh học và Công nghệ, trường THPT Phú Nhuận, với những phương pháp đổi mới sáng tạo giúp những giờ học trở nên hấp dẫn.
Thay vì ngồi học bài với lý thuyết khô khan, kiểm tra, thi xong rồi quên, thầy Phúc đã đưa phương pháp STEM vào giờ học, giúp học sinh tìm hiểu cách phân biệt thực phẩm sạch. Chính các em cũng sẽ trực tiếp chế biến, trình bày những món ăn đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng.
Nhiều năm qua, Sở KH&CN TP.HCM luôn kiên trì, khuyến khích và muốn tôn vinh những cá nhân, tổ chức có sáng kiến đổi mới sáng tạo ngay trong các công việc, hoạt động hàng ngày. Vì thế, tôn chỉ của cuộc thi là tìm kiếm và tôn vinh những sáng kiến đến từ cộng đồng, hướng tới cộng đồng và phục vụ cộng đồng. Bà Lương Thị Bích Ngọc, Tổng biên tập Tạp chí Khám Phá, Trưởng Ban Tổ chức |
Toàn bộ quá trình này sẽ được các em ghi lại và dựng thành các clip, đồng thời, các em đóng vai trò là diễn giả, giới thiệu về sản phẩm hoàn chỉnh của mình.
Nhờ đó, ngoài các kiến thức từ bài học, các em còn học được những kỹ năng khác như làm việc nhóm, tìm kiến thông tin và kỹ năng thuyết trình. Mỗi em cũng phát huy được năng lực bản thân cũng như biết được ưu khuyết điểm bạn bè trong lớp để phối hợp tốt hơn.
3 giải nhì của cuộc thi được Ban tổ chức trao cho các sáng kiến: Biến những số liệu khô khan trong sách giáo khoa Lịch sử thành những hình ảnh trực quan, dễ nhớ của Đoàn Nguyễn Phương Danh, học sinh chuyên Anh trường THPT Nguyễn Thượng Hiền; Máy bóc vỏ trứng tự động, có công suất 3.000 vỏ trứng mỗi giờ của Trương Công Hoàng, sinh viên trường Đại học Công nghiệp 4 - TP.HCM; Áo chống nắng biến hình của nhóm sinh viên chuyên ngành dệt may TP.HCM.
Ông Bùi Văn Quyền, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư kí Hội Sáng chế Việt Nam, trao giải nhì cho các tác giả
Các sáng kiến máy cho tôm ăn được cài sẵn chế độ qua smartphone của nhóm sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM; Xe chữa cháy mini cứu hỏa trong hẻm nhỏ của ông Lý Nhơn Thành; Robot cắt tỉa cây tự động của nhóm sinh viên ĐH Nông Lâm TP.HCM được trao giải ba.
Chia sẻ niềm vui sau khi nhận giải, ông Lý Nhơn Thành, tác giả của sáng kiến xe chữa cháy mini cứu hỏa trong hẻm nhỏ, cho biết: “Bản thân tôi sáng chế không phải vì mong chờ giải thưởng nhưng sự ghi nhận từ cuộc thi sẽ là sự thúc đẩy, phát huy tiềm lực, tiềm năng sáng tạo trong cộng đồng.”
Bà Lương Thị Bích Ngọc, Tổng biên tập Tạp chí Khám Phá, Trưởng Ban Tổ chức, trao giải ba cho các tác giả
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, từ nhiều năm nay, TP.HCM đã có nhiều giải thưởng về KH&CN, đổi mới sáng tạo. Điều này thể hiện sự quan tâm của thành phố với hoạt động đổi mới sáng tạo, coi đó là động lực phát triển. Tuy nhiên, những giải thưởng này hầu hết dành cho những đối tượng đặc thù như các nhà khoa học, doanh nghiệp khởi nghiệp...
"Giải thưởng Sáng kiến Cộng đồng hướng tới những sáng kiến của cộng đồng để giải quyết chính những vấn đề cho cộng đồng, thúc đẩy phong trào sáng chế trong cộng đồng. Quan trọng là những sáng kiến đó không dừng ở mức sáng kiến mà sẽ được lan tỏa rộng rãi để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống", ông Dũng nhấn mạnh.
Trong giờ Sinh học và Công nghệ của thầy Phúc, học sinh sẽ tự tay lựa chọn thực phẩm an toàn, thỏa sức nấu nướng chế biến và còn quay phim, dựng clip để giới thiệu về sản phẩm của mình.
Hãy để học sinh tự thể hiện
Tốt nghiệp ngành Sư phạm Sinh, thầy giáo Lê Thiên Phúc, sinh năm 1988, về giảng dạy tại trường THPT Phú Nhuận. Tại đây, thầy Phúc đã gây ấn tượng với mọi người bằng tinh thần đổi mới sáng tạo để đem những điều tốt nhất đến cho học sinh.
“Học sinh ngày nay ngày càng thông minh, cá tính và tự chủ hơn. Kiến thức về công nghệ thông tin và việc tiếp cận các nguồn thông tin của các em cũng tốt hơn rất nhiều so với thế hệ trước. Vậy tại sao không để các em chủ động nêu lên quan điểm, ý kiến của mình và tự trình bày theo cách riêng?”, thầy Phúc chia sẻ.
Thầy Lê Thiên Phúc và những sản phẩm của dự án “Phòng chống muỗi học đường”.
Với quan điểm đó, thầy Phúc đã biến những giờ dạy Sinh học và Công nghệ của mình trở thành những buổi thực hành hấp dẫn. Thay vì tiếp nhận kiến thức một cách một chiều, các em học sinh làm việc theo nhóm để chủ động tìm hiểu kiến thức liên quan tới bài học.
Theo đó, học sinh được trải nghiệm thực tế từ việc nhận diện rau nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu và cách trồng rau sạch để ăn. Các em cũng được tìm hiểu và nắm được thông tin chất dinh dưỡng (protein, lipit, cacbonhidrat, chất xơ, vitamin và khoáng chất..) có trong các loại rau củ quả... để từ đó chế biến thành những món ăn ngon.
Toàn bộ quá trình này sẽ được các em ghi lại và dựng thành các clip, đồng thời, các em đóng vai trò là diễn giả, giới thiệu về sản phẩm hoàn chỉnh của mình.
Nhờ đó, ngoài các kiến thức từ bài học, các em còn học được những kỹ năng khác như làm việc nhóm, tìm kiến thông tin và kỹ năng thuyết trình. Mỗi em cũng phát huy được năng lực bản thân cũng như biết được ưu khuyết điểm bạn bè trong lớp để phối hợp tốt hơn.
Ngoài ra, các em được thực hành trên mẫu vật thật và tự làm ra các mô hình, sản phẩm có thể dùng trong cuộc sống. Nhiều sản phẩm độc đáo đã ra đời từ sự sáng tạo của chính các em.
Thầy Phúc cũng đã áp dụng việc dạy học chuyên đề cho các em học sinh vào chương trình sinh học 11. Nhiều chuyên đề thú vị như quan hệ tình dục tuổi vị thành niên, sống thử, cách sử dụng bao cao su, tình yêu tuổi học đường... đã giúp học sinh có định hướng về các vấn đề giáo dục giới tính, các vấn đề cảm trong cuộc sống.
Thầy Phúc cho hay: “Ai cũng muốn được thể hiện mình và được ghi nhận. Do đó, khi các em được tự chủ động tìm hiểu thông tin, tự làm slide Power Point và tự thuyết trình, chia sẻ về những kiến thức mình tìm hiểu được thì các em rất hào hứng và tìm hiểu rất sâu về nội dung đó. Giáo viên chỉ là người định hướng, điều khiển các hoạt động trong tiết học”.
Học là phải ứng dụng và xài được
Thầy Phúc cũng cho biết không chỉ học sinh mà cả giáo viên cũng học hỏi được nhiều từ những giờ học sáng tạo đó. Bản thân thầy Phúc học hỏi được từ chính các học sinh của mình những kiến thức công nghệ mới, những góc nhìn, quan điểm khác nhau về những nội dung được thảo luận.
Những phương pháp sáng tạo của thầy Phúc đã tạo ra sự hứng thú cho các em học sinh và nhận được sự đánh giá cao từ ban giám hiệu nhà trường. Sau 2 lớp Công nghệ theo phương pháp STEM trong năm học 2017 - 2018, phương pháp này được mở rộng lên thành 10 lớp (6 lớp môn Sinh và 4 lớp môn Công nghệ) trong năm học 2018 – 2019.
Các học sinh của thầy Lê Thiên Phúc bên những sản phẩm của các em trong tiết học STEM
Thầy Trần Công Tuấn, phó hiệu trưởng trường THPT Phú Nhuận, nhận xét: “Thầy Phúc là giáo viên trẻ có năng lực chuyên môn rất tốt và được học sinh yêu quý. Thầy cũng luôn chịu khó tìm tòi đổi mới. Có những giờ ra chơi, thầy Phúc vẫn ở lại lớp để trao đổi với các em học sinh.”
Phương pháp dạy học sáng tạo của thầy Lê Thiên Phúc đã giành được giải nhất của cuộc thi Sáng kiến Cộng đồng 2018. Cuộc thi do Sở KH&CN TP.HCM khởi xướng từ năm 2016 và giao Tạp chí Khám Phá phối hợp với Phòng Quản lý Khoa học Cơ sở (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức thường niên.
Chia sẻ sau khi nhận được giải thưởng, thầy Phúc nói: "Tôi rất tự hào khi được nhận giải thưởng cao quý này. Tôi thấy sự nỗ lực của bản thân mình và sự cố gắng của các em học sinh đã được ghi nhận. Điều đó tạo niềm tin, động lực để tôi có thể sáng tạo, đổi mới hơn nữa trong công tác giảng dạy cũng như đem lại những sự tốt đẹp, hạnh phúc cho cộng đồng”.
Thầy Lê Thiên Phúc đã được trao giải nhất cuộc thi Sáng kiến Cộng đồng 2018
Với quan niệm hãy cho đi khi còn có thể, thầy giáo trẻ này cũng mong muốn có thể cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục, "giúp các em học sinh đam mê, hứng thú hơn với môn học và được trải nghiệm, sáng tạo nhiều hơn bởi học là phải ứng dụng và xài được”.
Xe chữa cháy mini, áo khoác từ xơ dừa hay thiết kế lại sách lịch sử là những sáng kiến độc đáo đem lại những hiệu quả thiết thực và thể hiện cho tinh thần đổi mới sáng tạo của người dân TP.HCM.
Cuộc thi Sáng kiến Cộng đồng năm nay nhận được 44 bài dự thi hợp lệ là những sáng kiến nổi bật về tính mới, tính mới; tính sáng tạo; quy mô áp dụng rộng rãi và hiệu quả kinh tế - xã hội. Trong số đó có thể kể đến sáng kiến chế tạo xe chữa cháy mini chống giặc lửa trong những con hẻm nhỏ.
TP.HCM hiện có hàng ngàn các con hẻm nhỏ. Nếu xảy ra hỏa hoạn, các phương tiện cứu hỏa hiện nay rất khó khăn để có thể tiếp cận địa điểm xảy ra cháy trong những con hẻm này.
Nhận thấy điều này, anh Lý Nhơn Thành tại Quận 1, TP.HCM đã quyết định vay tiền ngân hàng, tự chế xe chữa cháy mini để có thể hỗ trợ bà con trong hẻm dập lửa nhanh chóng khi xe cứu hoả chuyên dụng gặp khó khăn.
Anh Lý Nhơn Thành và chiếc xe cứu hỏa đặc biệt của mình
Chứa đựng đầy sự thú vị nhưng Lịch sử cũng là môn học nhàm chán với nhiều học sinh vì SGK toàn những con số khô khan. Tự nhận “thích Sử nhưng ngán học Sử” và có sẵn máu thiết kế, Đoàn Nguyễn Phương Danh, học sinh lớp 12 chuyên Anh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM đã nghĩ đến việc việc thiết kế lại những cuốn sách giáo khoa Lịch sử để chúng bắt mắt, thân thiện hơn.
Những số liệu khô khan, khó nhớ đã được Phương Danh “hô biến” thành hình ảnh sinh động, rõ ràng mà chỉ cần nhìn vào các bạn học sinh sẽ tái hiện được ngay các sự kiện lịch sử.
Áo chống nắng từ xơ tre có thể 'biến hình' khi vào chỗ mát của các bạn sinh viên cũng là một sáng kiến 'độc, lạ'.
Thay vì phải mặc hai lớp áo che nắng, chị em chỉ cần mặc chiếc áo khoác trùm đầu này. Đến chỗ râm, chỉ mất vài thao tác, chiếc áo "biến" thành áo thun cổ tròn, phần tay áo được tháo ra "biến hóa" thành giỏ xách...
Áo có hai lớp: lớp vải từ xơ tre có tác dụng chống tia UV tự nhiên (chất liệu chính) và lớp vải hiệu năng cao (dùng trong trang phục thể thao).
Hai mẫu áo chống nắng đa năng làm từ xơ tre kháng UV tự nhiên.
"Xơ tre là vật liệu kháng UV tự nhiên, càng giặt các sợi vải càng chống nắng tốt hơn, tính chất không giảm theo thời gian", Phan Ngọc Hưng, sinh viên khoa Cơ khí, ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết.
Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều những sáng kiến ấn tượng mà Ban tổ chức cuộc thi nhận được. Tại lễ trao giải, 14 giải thưởng sẽ được trao cho các sáng kiến gồm có 1 Giải nhất (trị giá 5 triệu đồng), 3 Giải nhì (mỗi giải trị giá 3 triệu đồng), 3 Giải Ba (mỗi giải trị giá 2 triệu đồng) và 7 Giải khuyến khích (mỗi giải trị giá 1 triệu đồng).
Công nghệ này sẽ được giới thiệu đến cộng đồng vào ngày 7/01/2019 tới tại Saigon Innovation Hub (SIHUB).
Với các công nghệ hiện tại, rác hữu cơ thường được xử lý để tạo ra phân composit hoặc xử lý theo hướng biogas mất nhiều thời gian, chiếm không gian và gây ô nhiễm. Song, công nghệ mới của Nhật Bản cho phép giải quyết được bài toán xử lý rác hữu cơ để chuyển hoá thành điện năng hoặc nhiệt năng với hiệu suất cao.
Các công nghệ mới này đã được đối tác Nhật chuyển giao cho SIHUB và đã được nội địa hóa. Hội thảo là dịp để các chuyên gia Nhật Bản của Milai có dịp giới thiệu công nghệ xử lý rác hiện đại đến chính quyền các cấp tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam, các chuyên gia và doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, hội thảo cũng mang lại nhiều gợi ý mới cho cộng đồng sáng tạo khởi nghiệp về các giải pháp xử lý rác thải cho đô thị.
Rác thải hữu cơ đang là vấn đề phức tạp của các đô thị lớn tại Việt Nam và trên thế giới. Riêng tại TP.HCM, đã có hơn 8.000 tấn rác thải hữu cơ được xử lý mỗi ngày, trong đó phần lớn vẫn bằng công nghệ chôn lấp. Điều này tạo ra nhiều hệ lụy lâu dài về môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân.
Hội thảo ra mắt “Công nghệ xử lý rác thải hữu cơ tái tạo năng lượng 6R của Nhật Bản”, nhằm hướng đến những giải pháp xử lý rác thải hữu cơ mới, hiệu quả cao. Công nghệ này đã được kiểm chứng qua dự án xử lý rác tại chợ đầu mối Thủ Đức - TP.HCM trong giai đoạn 2017 – 2018.
Cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực xử lý rác thải có thể đăng ký tham gia hội thảo tại đây.