SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Hàng loạt các nhóm giải pháp phục vụ lợi ích của người dân đã được đưa ra trong Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

 

Người dân là trung tâm của đô thị

 

Chiều 26.11, TP.HCM đã chính thức công bố Đề án "Xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến đến năm 2025". Tầm nhìn, nội dung xuyên suốt được nêu ra trong đề án là “TP.HCM sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị.”

 

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, Phó trưởng ban điều hành đề án Thành phố thông minh, nhận định: “Đối với người dân, đô thị thông minh giúp cung cấp các tiện ích hỗ trợ người dân ra quyết định một cách tối ưu hơn, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân để người dân tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng thành phố.”

 

Về giao thông, dữ liệu mở và thông tin dự báo giao thông giúp người dân tìm được lộ trình phù hợp cũng như cho phép người dân tham gia giám sát các hoạt động liên quan.

 

Việc tìm chỗ gửi xe tại các khu vực trung tâm cũng sẽ không còn là nỗi lo thường trực của nhiều người nhờ những giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh. Hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông cũng là một nội dung được nhiều người dân trông đợi ở đề án.

 

 

Với các giải pháp được nêu trong đề án, những hình ảnh này sẽ không còn là nỗi ám ảnh với người dân TP.HCM

 

Đối với phần lớn người dân TP.HCM, chống ngập lụt là vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất. Bởi vậy, trong đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020 có riêng một nhóm giải pháp dành cho vấn đề này gồm: xây dựng hệ thống dự báo thời tiết tiểu vùng thời gian thực, xây dựng hệ thống cảm biến giám sát ngập, xây dựng hệ thống dự báo lũ, tích hợp viễn thám và GIS phục vụ nhiệm vụ thoát nước, chống ngập của TP.HCM…

 

Ngoài giao thông, lĩnh vực y tế cũng nhận được quan tâm đặc biệt. Bệnh án điện tử, các thiết bị đeo thông minh với chức năng giám sát sức khỏe từ xa kết hợp với những hệ thống phân tích dự báo, hội chẩn từ xa… là những ứng dụng hứa hẹn đem lại những lợi ích to lớn trong lĩnh vực y tế.

 

 

 

Nếu các ứng dụng trên được triển khai hiệu quả, người bệnh hoàn toàn có thể được bác sĩ khám chữa bệnh và tư vấn từ xa. Khi đó, hình ảnh những khuôn mặt mệt mỏi vì chờ đợi hay các phòng bệnh chật kín bệnh nhân sẽ không còn là nỗi ám ảnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế.

 

Bên cạnh đó, các vấn đề an toàn thực phẩm, môi trường, phát triển nguồn nhân lực, an ninh trật tự, chính quyền điện tử, chỉnh trang và phát triển đô thị cũng là những nội dung quan trọng trong đề án nhằm đem lại chất lượng sống tốt hơn cho người dân.

 

Những dấu hiệu tích cực

 

Thực tế, nhiều chương trình, dự án đã được các sở, ban, ngành thực hiện thí điểm và đang đem lại những kết quả hết sức tích cực.

 

Hệ thống quản lý, tiếp nhận thông tin phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị 1022 do Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM thực hiện tiếp nhận phản ánh của người dân qua các kênh phổ biến như điện thoại, tin nhắn SMS, email, website và ứng dụng di động. Hệ thống hiện đang nhận được sự phản hồi tích cực của người dùng.

 

Theo ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, hệ thống có sự tham gia của 85 đơn vị trên địa bàn thành phố. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, hệ thống sẽ thông báo đến cơ quan hữu trách để có biện pháp xử lý. Đồng thời, quá trình xử lý cũng sẽ được công khai để người dân có thể giám sát và kiểm tra.

 

 

An toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra

 

3517 trang trại, 63 cơ sở giết mổ đăng ký tham gia đề án, 100% sản phẩm được truy xuất tại 2 chợ đầu mối… là những kết quả của đề án Quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt heo do Sở Công Thương TP.HCM thực hiện.

 

Ngoài ra, các chương trình như Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông tập trung, thí điểm Giải pháp quản lý an ninh trật tự hay cung cấp thông tin quy hoạch qua Internet và smart phone... cũng đang tạo ra những nét mới tích cực trong đời sống của cư dân thành phố.

 

 

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại buổi công bố đề án

 

Với vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo đề án, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhấn mạnh: “Đô thị thông minh phải giúp mỗi người dân, mỗi một cơ quan tổ chức là một chủ thể sáng tạo, góp ý được cho thành phố và cho chính họ”.

 

Theo người đứng đầu Thành uỷ, mục tiêu quan trọng nhất của Đề án là phát triển kinh tế bền vững, trong đó phải dự báo, thấy trước khó khăn, giải pháp phòng ngừa và liên kết tốt; phải làm sao kết hợp các nguồn lực để đạt hiệu quả cao hơn trong khi từng nguồn lực không thay đổi; cùng với đó tạo môi trường sống của người dân phải tốt trong các vấn đề như hạ tầng, chất lượng không khí, thúc đẩy dịch vụ y tế…

 

“Bản chất làm đô thị thông minh là bớt giật mình, vì mọi thứ dự báo được. Nếu có đủ số liệu ngập nước, triều cường, thời tiết trong 1 năm, thì có thể dự báo được tình hình thời tiết, ngập nước trong đô thị. Dự báo không tính bằng tay được, phải dùng máy tính, phần mềm”, ông Nhân bày tỏ.

Theo GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TPHCM, để nâng cao hoạt động sản xuất, không còn cách nào khác là ứng dụng công nghệ.

Ông cũng nhấn mạnh, trong lĩnh vực nông nghiệp, IoT ngày càng được ứng dụng nhiều hơn, nông dân ngày càng quan tâm đến công nghệ. Điều này sẽ giúp nông nghiệp phát triển với nhiều sản phẩm có giá trị hơn, đạt được các tiêu chuẩn kỹ thuật trong tương lai. 

 

Hệ thống theo dõi sự phát triển của vườn rau, ứng dụng IoT vào nông nghiệp theo công nghệ của Đài Loan 

 

Không thể đứng bên rìa

Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), hầu như các lĩnh vực đều phải tự thay đổi, nâng cấp để không bị bỏ lại phía sau, cũng như đạt hiệu quả tốt hơn. Do đó, “Nông nghiệp thông minh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” là đề tài mà nhiều nhà khoa học, quản lý và các hãng công nghệ không thể bỏ qua. 

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TPHCM (HCA), được xem như là siêu đô thị nhưng TPHCM có diện tích đất nông nghiệp còn lớn. Đây là một yếu tố thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. “Việc ứng dụng IoT (Internet kết nối vạn vật) vào nông nghiệp hiện nay không còn quá phức tạp. Chỉ cần lắp thêm các hệ thống cảm biến, xây dựng một hệ thống quản lý dữ liệu trên máy tính và thiết bị di động là có thể sử dụng ngay. Giá thành của các thiết bị IoT hiện nay không còn đắt đỏ và ngày càng nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong nước, cung cấp các thiết bị này”, ông Vũ Anh Tuấn khẳng định. 

Thực tế hiện nay, cuộc CMCN 4.0 diễn ra mang theo làn sóng công nghệ bùng nổ trong các lĩnh vực như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và nổi bật là IoT, nên chọn lựa công nghệ phù hợp là điều hết sức cần thiết. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia có lợi thế về nông nghiệp, nhưng tầm nhìn và thực trạng ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp còn tương đối hạn chế. Vì thế, việc hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp thông minh là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Hiện, điều mà người dân cần nhất khi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chính là sản phẩm sạch. Việc phát triển nông nghiệp theo hướng canh tác tự động thông qua ứng dụng IoT và thực hiện truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản là rất cần thiết để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Riêng với TPHCM, hoạt động sản xuất nông nghiệp thông minh còn góp phần thực hiện đề án đô thị thông minh đang được triển khai.  

 

Cốt lõi vẫn là con người

Ông Trần Viết Huân, Tư vấn trưởng về chuyển đổi số - Công ty Microsoft Việt Nam, phân tích: Với nền tảng và sự phổ thông của Internet hiện nay, người dùng không phải mua máy chủ, phần mềm quản lý nhờ có điện toán đám mây. Từ hệ thống dữ liệu, người dùng sẽ chủ động điều khiển, thậm chí có thể điều khiển bằng điện thoại “cục gạch”, và chỉ cần ứng dụng IoT đơn giản như vậy là có thể nâng cao năng suất, chất lượng của trang trại. 

Theo bà Lê Thị Quý Niên, đại diện IBM Việt Nam, IBM là hãng công nghệ tiên phong tham gia vào thế giới IoT và trong nông nghiệp. Hiện hãng cung cấp nhiều nền tảng trong việc phát triển IoT trong nông nghiệp, như hệ thống tưới tiêu chính xác, điều tiết lượng nước trong trồng trọt, điều tiết lượng phân bón…

Hãng này có khung giải pháp cho quá trình sản xuất nông nghiệp bằng cách phân tích dữ liệu đầu vào. Đây là khung giải pháp tăng cường nhận thức, hỗ trợ người nông dân ra quyết định sản xuất và quản lý hiệu quả hơn thông qua việc kết nối IoT nhiều thiết bị quan sát (kể cả drone và người máy), hệ thống cảm biến, dự báo thời tiết, định vị toàn cầu... 

Giải pháp của IBM tạo dựng hệ thống thông tin quản lý, đáp ứng nhu cầu thu thập, xử lý và lưu giữ, cung cấp dữ liệu cần thiết để thực hiện những chức năng của nông trại bằng cách phân tích dữ liệu đầu vào từ nhiều nguồn khác nhau, như lịch tưới tiêu, bón phân chính xác theo chu kỳ tăng trưởng, dự báo thời tiết, tình hình phun thuốc trừ sâu... Thông qua các hệ thống dự báo tích hợp, người nông dân có thể quản lý độ biến động theo không gian và thời gian (thời tiết, chu kỳ sinh trưởng của cây trồng, dịch bệnh...) để cải thiện hiệu quả kinh tế đầu tư và giảm thiểu tác hại do môi trường gây ra.

Theo GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, hiện nay giải pháp công nghệ IoT cho nông nghiệp không hề thiếu, vấn đề quan trọng là nông dân chọn được giải pháp phù hợp, hiệu quả

 

Nói về nền tảng trí tuệ nhân tạo cho nông nghiệp thông minh (Enabling Intelligent Farming), ông Trần Viết Huân cho biết thêm: Khi đưa IoT vào nông nghiệp, người nông dân thay đổi được phương thức sản xuất từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ; người tiêu dùng thì có được thông tin của sản phẩm mình mua. Hiện nay, việc ứng dụng IoT vào các mô hình sản xuất nông nghiệp khá đơn giản. Chỉ cần đầu tư một hệ thống cảm biến đo chỉ số, tiếp đến là phát triển một môi trường điện toán đám mây để lưu trữ dữ liệu.

Ở Pháp, một công trình nghiên cứu khoa học phải có thời gian ít nhất 7 năm với rất nhiều vòng gọi vốn mới có sản phẩm hoàn chỉnh để vào thị trường.

 

TS Charles Guilbert chia sẻ các kinh nghiệm hỗ trợ nhà khoa học thành lập doanh nghiệp tại Pháp. Ảnh: Hà Thế An.

 

Đây là chia sẻ của TS Jean-Charles Guilbert, Cố vấn công nghệ cho Tổng giám đốc Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử Pháp (CEA) tại hội thảo “Thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ từ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm từ Pháp”. Hội thảo được tổ chức tại Saigon Innovation Hub sáng 14/11.

 

TS Charles Guilbert nhìn nhận, hoạt động nghiên cứu tạo ra sản phẩm từ phòng thí nghiệm chưa phải là sản phẩm cuối cùng. Đó là một quá trình kéo dài nhiều năm với nhiều vòng gọi vốn mới có thể hoàn thiện để đưa sản phẩm ra thị trường.

 

Vì lẽ đó tại Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử Pháp, các công trình nghiên cứu sẽ được chia thành 2 giai đoạn chính: ươm mầm và tăng trưởng.

 

Giai đoạn ươm mầm chỉ ở dạng ý tưởng hoặc sản phẩm ở giai đoạn sơ khai. Vốn đầu tư chỉ vào khoảng vài trăm ngàn đô la. Đây là giai đoạn mà Nhà nước nên đầu tư 100% để phát triển các dự án ở dạng ươm mầm.

 

“Giai đoạn này, các công trình nghiên cứu rất khó tiếp cận với các quỹ đầu tư tư nhân. Vì thế Nhà nước nên là người kích hoạt đầu tư đầu tiên cho các dự án” - ông Charles Guilbert nói.

 

Hiện tại, ở CEA luôn có một quỹ đầu tư vào khoảng 27 triệu USD để đầu tư cho các dự án ở giai đoạn ươm mầm. Khi doanh nghiệp đã có những thành tựu về mặt sản phẩm thì các quỹ tư nhân sẽ tham gia đầu tư với mức độ lớn hơn, có thể lên đến hàng triệu, hàng chục triệu USD cho một dự án.

 

Tỉ lệ đầu tư thất bại tại CEA là khoảng 29%, số doanh nghiệp còn tồn tại sẽ được mua lại hoặc phát triển độc lập.

 

 

TS Charles Guilbert trao đổi với các khách mời tại hội thảo. Ảnh: Hà Thế An.

 

Mặt khác ở CEA luôn có một đội ngũ chuyên gia chuyên làm công việc phân tích, đánh giá thị trường cho mỗi một sản phẩm nghiên cứu khoa học. Quá trình này được thực hiện để tiếp cận với nhu cầu thị trường và sự phù hợp của công nghệ đó với nhu cầu khách hàng.

 

TS Charles Guilbert cho hay, nhóm chuyên gia này sẽ đánh giá tất cả những yếu tố tác động đến khách hàng khi sản phẩm này ra mắt, cũng như những rào cản có thể gặp phải khi sản phẩm vào thị trường. Từ các hoạt động nghiên cứu đó, chuyên gia sẽ dự báo được doanh thu của doanh nghiệp và đưa ra những tư vấn phù hợp.

 

“Đây là đánh giá mang tính thị trường toàn cầu chứ không phải ở riêng một quốc gia nào. Từ đó, chúng ta mới có thể nhìn nhận về nhu cầu thị trường một cách toàn diện hơn. Vì thế, để đưa sản phẩm từ phòng thí nghiệm lên kệ hàng của siêu thị phải mất khoảng thời gian dài. Chúng ta không thể nào “một bước lên trời” được” - TS Charles Guilbert nói.

 

TS Charles Guilbert nói thêm, khó khăn về vốn là vấn đề mà hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp đều gặp phải. Nhiều doanh nghiệp chỉ nghĩ đến việc duy trì hoạt động qua ngày mà thiếu tầm nhìn và kế hoạch phát triển lâu dài. Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của nhiều doanh nghiệp startup.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH-CN), cũng như nghiên cứu đổi mới sáng tạo ở cơ sở trên địa bàn TPHCM… là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành KH-CN TPHCM trong năm nay.

 

 

Doanh nghiệp luôn cần thiết bị, công nghệ mới để tăng năng suất hàng hóa. Ảnh: Nguyễn Hân

 

Hỗ trợ 666 dự án khởi nghiệp

Theo Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng, trong năm 2017, sở đã triển khai xây dựng chương trình nghiên cứu KH-CN trọng điểm và các định hướng nghiên cứu giai đoạn 2016 - 2020; tham mưu UBND TPHCM phê duyệt 3 danh mục nhiệm vụ KH-CN năm 2017 của các chương trình trọng điểm; triển khai 367 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, nghiệm thu 94/125 đề tài, đạt tỷ lệ 75,2% so với kế hoạch.

Trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo, sở đã thúc đẩy hình thành cơ bản hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với đầy đủ các thành tố liên quan. Ngoài ra, thực hiện nhiều hoạt động nhằm kết nối 24 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Kết quả, trong năm 2017 đã hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho 666 dự án khởi nghiệp (đạt tỷ lệ 133,2% so với chỉ tiêu năm 2017). Chương trình SpeedUp 2017 do sở chủ trì đã hỗ trợ 30 dự án với tổng kinh phí gần 22,6 tỷ đồng. Xây dựng Quy chế phối hợp hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; xây dựng đề án Phát triển hạ tầng cơ sở vật chất hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên nền tảng không gian thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (Saigon Innovation Hub - SIHUB)… cũng là những kết quả quan trọng.

Với sự liên kết phát triển KH-CN, Sở KH-CN TPHCM đã ký kết hợp tác với Sở KH-CN Bình Định, Sở KH-CN Gia Lai, Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ; đẩy mạnh quan hệ với Phần Lan phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác với Học viện Bách khoa quốc gia Toulouse (Pháp) trong lĩnh vực phân tích thí nghiệm; Tập đoàn Mitshubishi, Công ty Hibiya (Nhật Bản), Ngân hàng Thế giới (WB) về hệ thống quản lý năng lượng; Trường Đại học Deagu (Hàn Quốc), Đại học Gyeoungbuk Technopark (Hàn Quốc) về hoạt động khởi nghiệp…

Lãnh đạo Sở KH-CN TPHCM đánh giá, các chương trình, kế hoạch hoạt động KH-CN đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước thúc đẩy gắn hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) với hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; hỗ trợ tích cực các hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo của khu vực trường đại học và khu vực tư nhân, thúc đẩy cộng đồng các tổ chức KH-CN tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH-CN của thành phố… Đây cũng chính là những hoạt động tạo sôi động cho ngành KH-CN TPHCM trong năm qua.  

 

Chú trọng thị trường công nghệ

Nhìn lại hoạt động KH-CN trong năm qua, lãnh đạo Sở KH-CN TPHCM cho rằng, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như hoạt động chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, còn ở quy mô nhỏ, giá trị và lượng hàng hóa giao dịch chưa nhiều…

Theo Trung tâm Thông tin và thống kê KH-CN TPHCM, thị trường công nghệ ở TPHCM được đánh giá có quy mô lớn, nhưng giao dịch công nghệ cần rất nhiều yếu tố đồng bộ như định giá, đánh giá công nghệ, vấn đề sở hữu trí tuệ… Tuy nhiên, trên thực tế các hoạt động này vẫn còn hạn chế, chưa hỗ trợ nhiều cho chuyển giao công nghệ nên cần tìm phương thức phát triển thị trường KH-CN có tính hệ thống và hiệu quả hơn.

Hiện nay, đóng góp của thị trường KH-CN thành phố được xếp thứ 2 trong nhóm 9 ngành dịch vụ trọng điểm, với tốc độ tăng trưởng trung bình 17%/năm. Tuy nhiên, ngành KH-CN thành phố nhận thấy rõ nhiều vướng mắc gặp phải; trong đó có những điểm nghẽn do cơ chế, chính sách chưa theo tư duy cơ chế thị trường.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, mối liên kết giữa hoạt động nghiên cứu, nhà khoa học với thị trường và doanh nghiệp còn yếu. Vai trò của các tổ chức trung gian, nơi kết nối cung cầu, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt. Nguồn nhân lực và thực hiện quản lý nhà nước như các quản trị viên, thẩm định viên về định giá và phát triển thị trường KH-CN còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Thị trường KH-CN chủ yếu vẫn là mua bán máy móc, thiết bị, chưa có nhiều giao dịch có hàm lượng công nghệ cao như mua bán công nghệ, bản quyền công nghệ.

Trong năm 2018, Sở KH-CN TPHCM xác định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH-CN. Cụ thể, sẽ đưa Quỹ Phát triển KH-CN thành phố đi vào hoạt động; hoàn thành việc chuyển đổi 100% tổ chức KH-CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thực hiện nghiêm túc cơ chế đặt hàng, quy trình tư vấn xác định nhiệm vụ KH-CN…

Đồng thời, tập trung các nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển KH-CN chủ yếu và nâng cao tiềm lực KH-CN thành phố; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng KH-CN cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... Trong đó, triển khai có hiệu quả chương trình thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN thành phố là những nhiệm vụ trọng tâm.

Đề án phát triển hạ tầng cơ sở vật chất cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với sự ra đời của không gian thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM (Saigon Innovation Hub - SIHUB). 

 

 

Ảnh: SIHUB

Ảnh: SIHUB

 

 

“Trong năm 2018, mục tiêu đặt ra là phải phát triển hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo (ĐMST) đúng nghĩa, phải có kế hoạch cụ thể, chọn một số điểm sáng để thúc đẩy những mô hình, sản phẩm điển hình. Đó sẽ là điểm nhấn, niềm tin cho các nhà khởi nghiệp nhìn vào, tránh theo phong trào”. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TPHCM Nguyễn Việt Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của sở này diễn ra vào cuối tuần qua.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, nét son hoạt động trong năm 2017 của Sở KH-CN TPHCM là các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH-CN, thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp.

Đáng chú ý là chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ ĐMST và khởi nghiệp - WHISE 2017. Cũng trong năm qua, sở đã thực hiện các hoạt động kết nối 24 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp trên địa bàn TP; xây dựng Quy chế phối hợp hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

Đặc biệt xây dựng Đề án phát triển hạ tầng cơ sở vật chất cho hệ sinh thái ĐMST với sự ra đời của không gian thúc đẩy hoạt động ĐMST và khởi nghiệp TPHCM (Saigon Innovation Hub - SIHUB). 

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB, cho biết: “SIHUB là đầu mối tiếp nhận các nguồn lực từ chương trình hỗ trợ ĐMST và khởi nghiệp của Nhà nước, các tổ chức tài chính quốc tế, chương trình hợp tác trong và ngoài nước. Sau đó giới thiệu, điều phối các nguồn lực để cộng đồng khởi nghiệp tiếp cận và triển khai, trên cơ sở lựa chọn những đơn vị chuyên nghiệp nhất, làm tốt nhất, đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn lực”. Có lẽ nhờ vậy mà từ khi ra đời SIHUB đã nhanh chóng trở thành “đại bản doanh” của cộng đồng khởi nghiệp.

Nhiều nhà khởi nghiệp trở thành “khách quen” và tìm được hàng trăm khách hàng cho dự án của mình. SIHUB cùng các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp TPHCM đã hỗ trợ đắc lực cho các nhà khởi nghiệp trên phạm vi cả nước, với hơn 600 dự án khởi nghiệp đã nhận các hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp. Cùng với đó, 30 dự án được cấp kinh phí đầu tư gần 22,6 tỷ đồng thông qua Chương trình SpeedUp 2017. 

Theo kế hoạch trong năm 2018, Sở KH-CN TPHCM xác định phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH-CN.

Cụ thể sẽ đưa Quỹ phát triển KH-CN TP đi vào hoạt động; hoàn thành việc chuyển đổi 100% tổ chức KH-CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thực hiện nghiêm túc cơ chế đặt hàng, quy trình tư vấn xác định nhiệm vụ KH-CN, tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH-CN... Cùng với đó đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng KH-CN cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Việt Dũng đánh giá đó là những phần việc giúp triển khai thành công các định hướng phát triển KH-CN chủ yếu và nâng cao tiềm lực KH-CN TP. Qua đó, ngành KH-CN TP có thêm điều kiện để hỗ trợ hoạt động ĐMST và khởi nghiệp hiệu quả, thiết thực hơn. 

Song để đạt được phương hướng, nhiệm vụ đã đề ra, người đứng đầu ngành KH-CN của TPHCM yêu cầu các đơn vị chức năng, trực thuộc sở khi xây dựng nhiệm vụ cần có mục tiêu rõ ràng và phương hướng thực hiện cụ thể. Các hoạt động cần tập trung vào định hướng của TPHCM như thúc đẩy các chương trình nghiên cứu khoa học, xây dựng đô thị ĐMST.

 

Theo báo cáo tổng kết của Sở KH-CN TPHCM, năm 2017, sở đã triển khai được 367 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học. Trong đó, có 94 đề tài, dự án được nghiệm thu với kết quả được ứng dụng đạt tỷ lệ 88,2%, tăng 1,13 lần so với năm 2016. 167 đề án, dự án ứng dụng KH-CN được triển khai tại các quận huyện để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của các phòng ban và đơn vị và 101 đề án, dự án ứng dụng KH-CN cho các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, tổ hợp tác… đóng trên địa bàn quận huyện. Hoạt động thương mại hóa sản phẩm KH-CN đã thực hiện thủ tục chuyển giao kết quả KH-CN đối với 6 công nghệ, thiết bị cho đơn vị chủ trì để thương mại hóa sản phẩm. Tổng trị giá thỏa thuận khoảng 3,864 tỷ đồng.

Trong 15 nội dung mà 2 bên thỏa thuận hợp tác, những nội dung về nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chiếm vị trí đặc biệt quan trọng.

 

Chiều 22.11, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM và Sở KH&CN tỉnh Gia Lai đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm phát huy lợi thế của địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong 15 nội dung mà 2 bên thỏa thuận hợp tác, những nội dung về nông nghiệp công nghệ cao đặc biệt được chú trọng.

 

 Nông nghiệp là thế mạnh đặc trưng của Gia Lai

 

Gia Lai là địa phương có nhiều lợi thế về nông nghiệp với nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt. Trong những năm qua, tỉnh Gia Lai cũng như Sở KH&CN Gia Lai đã giành sự quan tâm đặc biệt đến công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong khâu thu hoạch, chế biến một số nông sản.

 

Bởi vậy, Sở KH&CN tỉnh Gia Lai luôn quan tâm, chủ động tìm kiếm đối tác hợp tác nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để tạo các sản phẩm có sức cạnh tranh. “Sở KH&CN tỉnh Gia Lai đã làm việc và tìm hiểu cơ hội hợp tác với một số đơn vị tại TP.HCM như trường ĐH Tôn Đức Thắng, khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM…”, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Gia Lai cho biết.

 

 

Nông nghiệp công nghệ cao là ưu tiên hàng đầu trong thỏa thuận hợp tác giữa 2 Sở KH&CN

 

Trong thỏa thuận hợp tác được ký kết, bên cạnh nông nghiệp công nghệ cao thì các nội dung phát triển thị trường công nghệ, vấn đề sở hữu trí tuệ và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng là những điểm nhấn quan trọng.

 

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ trao đổi, chuyển giao những mô hình, quy trình hiệu quả và đặc biệt là các kinh nghiệm thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo.

 

Ngoài ra, ông Thanh cũng đề xuất: “Mỗi năm, chúng ta nên tập trung vào một hoặc hai nội dung nhưng phải thực sự hiệu quả. Ngoài ra, hết năm nên có sơ kết đánh giá và định hướng hoạt động cho năm sau.”

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, về mong muốn của Sở KH&CN TP.HCM khi đề ra 4 chương trình nghiên cứu KH&CN mục tiêu giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn đến năm 2025.

Tại hội thảo công bố 4 chương trình mục tiêu sáng 9.2, ông Phạm Văn Xu, Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Sở KH&CN TP.HCM, cho biết: “Mục tiêu của 4 chương trình nhằm nghiên cứu giải mã công nghệ, làm chủ công nghệ và phát triển các sản phẩm ứng dụng cụ thể phục vụ các chương trình, đề án trọng điểm của thành phố. Cùng với đó, các chương trình thúc đẩy các hoạt động kết nối, hợp tác đổi mới sáng tạo giữa các cơ quan nghiên cứu với cộng đồng đổi mới sáng tạo – khởi nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp.”

TP.HCM: Phác thảo bức tranh KH&CN tương lai với 4 chương trình mục tiêu - 1

Nghiên cứu tế bào gốc phục vụ chăm sóc sức khỏe là một trong 4 chương trình mục tiêu trong  những năm tiếp theo 

Theo các chuyên gia, hoạt động nghiên cứu phát triển vẫn còn rời rạc, hạn chế trong ứng dụng thực tế trong khi đó nhu cầu với các sản phẩm, công nghệ mới của doanh nghiệp lại đang rất lớn.

Một ví dụ là hiện nay các bưu điện đang rất thiếu hệ thống phân loại hay tự tính kích thước bưu phẩm. Nếu mua các hệ thống này từ nước ngoài thì giá rất đắt. Trong khi đó, các đơn vị, doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể nghiên cứu, sản xuất được nhưng lại chưa có ai làm.

Ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng, điều này là do thiếu sự hợp tác giữa các bên và việc công bố các chương trình mục tiêu sẽ góp phẩn giải quyết được vấn đề đó.

4 chương trình mục tiêu được Sở KH&CN TP.HCM xác định gồm có: Nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất tế bào gốc trung mô phục vụ chăm sóc sức khỏe; nghiên cứu công nghệ thông tin phục vụ đô thị thông minh và cách mạng công nghiệp 4.0; nghiên cứu thiết kế, sản xuất thử nghiệm vi mạch và sản xuất sản phẩm điện tử đầu cuối ứng dụng chip Việt và nghiên cứu chế tạo máy CNC và công nghệ 3D.

Mỗi chương trình có ban điều hành gồm các chuyên gia hàng đầu trong từng lĩnh vực tư vấn, xét duyệt các đề tài phù hợp với nội dung chương trình. Các cá nhân, đơn vị có đề tài đều có thể đăng ký tham gia. Nếu đề tài được hội đồng đánh giá là khả thi và phù hợp với nội dung các chương trình mục tiêu, sẽ được ưu tiên thực hiện.

Đánh giá về cách làm này, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM, cho rằng: “Đây là một hướng tốt, Sở không có đủ nhân lực ở hết các chuyên môn. Ban chủ nhiệm 4 chương trình này gồm các chuyên gia trong từng lĩnh vực sẽ giúp định hướng, thẩm định được các đề tài. Ngoài ra, rất cần sự chủ động từ phía các trường, viện, các nhóm nghiên cứu.”

Góp ý cho kế hoạch thực hiện 4 chương trình mục tiêu, các chuyên gia nhấn mạnh việc nghiên cứu để cho ra các sản phẩm mục tiêu không giống như nghiên cứu để có bài báo công bố quốc tế. Nhất là vấn đề khả năng của doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu là yếu tố cần đặc biệt quan tâm.

Đã có kinh nghiệm từ chương trình tế bào gốc Việt Nam, PGS. TS. Phạm Văn Phúc, Trưởng phòng PTN Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc – ĐH Khoa học tự nhiên, đề xuất cần có lộ trình công nghệ cụ thể và từ đó xác định các đề tài cần nghiên cứu.

“Một điều rất quan trọng là chúng ta cần phải tìm hiểu được hiện trạng của các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp nhận được công nghệ và các đơn vị nghiên cứu của Việt Nam có thể làm được công nghệ ở mức nào”, TS Phúc đề xuất.

TP.HCM: Phác thảo bức tranh KH&CN tương lai với 4 chương trình mục tiêu - 2

Ông Nguyễn Việt Dũng trao quyết định cho thành viên Ban Chủ nhiệm các chương trình

Bên cạnh các yếu tố trên, sự hợp tác vẫn là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo hiệu quả của hoạt động nghiên cứu KH&CN và phát triển sản phẩm. Theo ông Nguyễn Việt Dũng, các nhóm nghiên cứu cần phải thỏa thuận, phối hợp để các đề tài thành phần trong từng chương trình mục tiêu ăn khớp với nhau, tạo nên kết quả chung.

Sự hợp tác không chỉ dừng ở phối hợp giữa các nhóm nghiên cứu mà rộng hơn là sự phối hợp giữa khối nghiên cứu với khối doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp. Bởi vậy, ông Dũng đề nghị: “Nhà khoa học phải lắng nghe các doanh nghiệp hiện hữu, doanh nghiệp khởi nghiệp đang vướng mắc những chuyện gì để 2 bên có thể ngồi với nhau cùng giải quyết vấn đề”.

165 đề án, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ công tác quản lý, 102 dự án ứng dụng KH&CN cho các cơ sở doanh nghiệp trên địa bàn quận huyện được Sở KH&CN TPHCM triển khai trong năm 2017.

 

Đây là thông tin được ông Nguyễn Đức Tuấn – Trưởng phòng Quản lý KH&CN Cơ sở, Sở KH&CN TPHCM đưa ra tại Hội nghị giao ban công tác KH&CN cấp quận huyện năm 2017 và triển khai công tác năm 2018, được tổ chức ngày 2/2, tại TPHCM.

Năm qua, nhiều quận huyện đã chủ động đề xuất và triển khai nhiều mô hình ứng dụng KH&CN trong công tác quản lý tại các cơ quan, đơn vị, kể cả những ứng dụng cho các phòng ban, phường xã.

Những mô hình này đã góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính tại địa bàn. Một số mô hình ứng dụng tiêu biểu có thể được kể đến như: Quản lý cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề liên quan (Quận 1); Triển khai thí điểm lắp đặt hệ thống đo đếm điện từ xa cho 99 hộ dân (Quận 1); Phần mềm xử phạt hành chính tại UBND phường, quận (Quận 2); Ứng dụng mô hình GPS trong việc quản lý vận tải hành khách (quận 5); mô hình Bình Thạnh trực tuyến - Ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, xử lý trật tự lòng lề đường…

TPHCM: Triển khai nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ tại cơ sở - Ảnh 1

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TPHCM

Trong chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông nghiệp, nông thôn đã xây dựng, hoàn chỉnh tài liệu kỹ thuật 30 mô hình, đề tài, dự án, ứng dụng KH&CN và chuyển giao 46 lượt công nghệ mới, tiên tiến. Điển hình như Hệ thống rửa củ nghệ hỗ trợ nông dân Củ Chi; Thiết kế và chế tạo hệ thống sấy nấm ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời; Công nghệ nuôi thương phẩm tôm càng xanh đực theo hướng VietGap; Mô hình trồng rau ăn lá thủy canh hoàn lưu trong nhà màng;...

Ông Nguyễn Đức Tuấn cho biết, năm 2017, các quận huyện đã chủ động hơn trong việc đẩy mạnh triển khai các hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo trên địa bàn. Trong công tác thanh tra, kiểm tra, phòng kinh tế các quận huyện đã phối hợp với thanh tra Sở KH&CN, Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng kiểm tra 2.424 doanh nghiệp về mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, cột đo xăng dầu, cân kỹ thuật,… Tuy nhiên, hoạt động này chủ yếu chỉ dừng lại ở mức kiển tra tính pháp lý. Các quận huyện vẫn chưa mạnh dạn triển khai nhiều đợt kiểm tra về chất lượng.

TPHCM: Triển khai nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ tại cơ sở - Ảnh 2

Đại diện các quận, huyện đóng góp ý kiến tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện một số quận huyện cho rằng, Sở KH&CN TPHCM cần ban hành kế hoạch hoạt động trong năm sớm hơn để quận huyện lấy đó làm cơ sở xây dựng kế hoạch hoạt động KH&CN cho địa bàn; tăng cường công tác thanh kiểm tra về chất lượng hàng hóa; Tìm hiểu, khảo sát yêu cầu đổi mới thiết bị và công nghệ của doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ; Tăng cường đào tạo, đi tham quan các mô hình thực tế cho cán bộ phụ trách về hoạt động KH&CN cấp quận huyện…

Ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở KH&CN TPHCM mong muốn, các quận huyện bám sát vào Quyết định 4937/QĐ-UBND của UBND TPHCM về ban hành kế hoạch hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo ở cơ sở giai đoạn 2016 – 2020, để xây dựng nội dung kế hoạch hoạt động KH&CN tại địa bàn.

Trong quá trình triển khai, theo ông Dũng, nếu gặp những khó khăn, các quận huyện có thể phối hợp với Sở KH&CN để tháo gỡ và thực hiện. Các quận huyện cần chủ động đề xuất, đặt hàng có nhiệm vụ KH&CN, bám sát các chính sách, chương trình về KH&CN, đổi mới sáng tạo mà Sở KH&CN đang thực hiện để triển khai các hoạt động KH&CN trong thời gian tới.

 

UBND TP đã yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian tới tập trung công tác giáo dục nghề nghiệp, trong đó kết hợp với thực hiện Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh như: xây dựng giáo án điện tử, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy, quản lý quá trình học tập của học viên…; đẩy mạnh thực hiện mô hình đào tạo kép - nhà trường và doanh nghiệp nhằm đưa các thành tựu khoa học kỹ thuật trong sản xuất vào nhà trường, rút ngắn thời gian hoặc loại bỏ việc doanh nghiệp phải đào tạo lại lao động sau đào tạo; xây dựng kế hoạch “Điều tra khảo sát yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và nhu cầu học nghề giai đoạn 2016 - 2020”; tăng cường công tác thông tin truyền thông, dự báo nhu cầu năng lực với nhiều hình thức đa dạng, thu hút.

 

Về công tác giải quyết việc làm, Sở cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường lao động, nắm chắc tình trạng việc làm của người lao động để đề ra các giải pháp hỗ trợ về việc làm phù hợp với tình hình thực tế; đặc biệt quan tâm giới thiệu và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài hết thời hạn quay về nước, có trình độ tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp trọng yếu, những ngành và lĩnh vực đòi hỏi hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao...

 

Về công tác giảm nghèo bền vững, Sở cần xây dựng lực lượng nòng cốt tại cơ sở, kiện toàn tổ tự quản giảm nghèo tại các tổ dân phố, tổ nhân dân; đẩy mạnh các chương trình cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn trên cơ sở cân đối sử dụng hợp lý các nguồn vốn cho vay ưu đãi của quỹ giảm nghèo, quỹ quốc gia về việc làm, ngân hàng chính sách xã hội và nguồn vốn tín dụng nhỏ của các đoàn thể; gắn cho vay vốn với tư vấn hướng dẫn hộ nghèo cách sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và theo khả năng của từng hộ; gắn kết với doanh nghiệp để giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm của người nghèo, hộ nghèo...

 

Ngoài ra, Sở cần tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em; đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án “Thành phố thân thiện với trẻ em trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2017 - 2021” năm 2018.

 

UBND TP sẽ trình HĐND TP xem xét, thông qua việc điều chỉnh bổ sung một số chế độ trợ cấp đối với công chức, viên chức, người lao động tại các cơ sở bảo trợ xã hội do Sở quản lý và việc đầu tư công trung hạn cho các trường được chọn xây dựng trường chất lượng cao và trường có nghề trọng điểm. 

 

Thay vì chỉ học thuyết đàn hồi, động lực học, quang học, momen lực… trên lý thuyết thì thông qua việc tự trải nghiệm bằng cách làm những sản phẩm và chơi các trò chơi sáng tạo, học sinh (HS) được một lần nữa vận dụng những kiến thức trên vào thực tế. Từ đó vừa giúp các em bồi bổ kiến thức đã được học, vừa nuôi dưỡng niềm đam mê tìm tòi, sáng tạo những cái mới.

tnst1

HS tham gia trải nghiệm trò chơi đua xe từ vật liệu tái chế và dây thun. Ảnh: T.Thương

Thực tế hóa những bài học vật lý

Vừa qua, hơn 2.500 HS Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) đã tham gia ngày hội STEM “Sáng tạo và khám phá” do Câu lạc bộ (CLB) Sáng tạo trẻ của trường tổ chức. Tại đây, nhiều gian hàng và trò chơi vui nhộn được HS của các lớp tự lên kế hoạch thiết kế và sắp xếp. Cô Hoàng Thị Minh Nghi (Trưởng bộ môn vật lý của trường) cho biết những trò chơi tại ngày hội lần này hầu hết nghiêng về kiến thức môn vật lý; được sắp xếp, tổ chức theo từng chủ đề phù hợp với lứa tuổi và kiến thức trong chương trình các em đã được học.

Cụ thể, đối với khối 6, chủ đề xoay quanh là “Lực” với các trò chơi như: Tự thiết kế máy bắn kẹo lực đàn hồi, đua xe đồ chơi bằng dây thun. Ở khối 7, chủ đề là “Quang” và “Âm”, HS được học cách sáng chế những chiếc đàn từ các vật liệu tái chế (bìa cát tông) và dây thun, chơi những trò chơi về nhiễm điện khi tạo ma sát… Trong khi đó, HS khối 8 được ôn lại kiến thức về sự nổi với trò chơi tạo những chú thợ lặn tí hon, đây là trò chơi vừa yêu cầu sự tỉ mỉ, khéo tay và vận dụng nhiều kỹ năng kiến thức về vật lý. Với trò chơi có tên gọi “cùng nhào lộn”, HS khối 9 và 10 vừa chơi vừa học kiến thức liên quan đến momen lực. Ở kiến thức cao hơn, HS khối 11 được tham gia trò chơi ở gian hàng cô Tấm “lựa đậu thời @”, kiến thức về nhiễm điện.

tnst2

 Trò chơi cùng nhào lộn được nhiều HS háo hức tham gia. Ảnh: T.Thương

“Bình thường ở trên lớp, các em được học kiến thức lý thuyết là chủ yếu, ít khi được trải nghiệm thực tế. Do đó khi CLB Sáng tạo trẻ đề xuất thực hiện ngày hội, các em đều hào hứng tham gia. Mỗi một trò chơi, các em đều tự thực hiện sản phẩm theo nguyên lý cơ bản nhưng dựa trên khả năng sáng tạo riêng, sau đó dùng sản phẩm đó để thi đấu với các bạn khác. Quá trình đó dù có nhiều em làm sản phẩm còn chưa đúng nhưng Ban tổ chức không can thiệp mà để HS tự thất bại, sau đó các em sẽ rút ra được những bài học khi xử lý vấn đề cho riêng mình. Ngày hội, ngoài việc giúp các em nhớ lại và nắm chắc kiến thức thì còn được bồi bổ thêm những kỹ năng như hợp tác làm việc nhóm, quan sát, sáng tạo, giúp hình thành đam mê với khoa học kỹ thuật. Ngoài ra nguyên liệu để các em tự làm những sản phẩm đều là nguyên liệu tái chế, bồi dưỡng cho các em tình yêu và biết bảo vệ môi trường”, cô Nghi chia sẻ.

Bổ ích và thiết thực

Sau khi cùng các bạn tham gia hai trò chơi là: Cùng nhào lộn và cao thủ thiện xạ, Minh Khoa (lớp 10A6) hào hứng nói: “Em được cùng các bạn làm những con lật đật (sản phẩm trong trò chơi cùng nhào lộn), tuy đôi lúc có bất đồng quan điểm nhưng rất vui vì cuối cùng ai cũng được sáng tạo theo ý mình. Sau khi làm xong, sản phẩm của em dù chưa được đẹp và thẩm mỹ nhưng lại hoạt động rất tốt. Ở trò chơi cao thủ thiện xạ nhiều bạn chiến thắng, còn em thì chỉ vượt qua vòng vì không bắn được viên bi ve vào lỗ, ở ngày hội lần sau em sẽ cố gắng để vượt qua trò chơi”. Minh Khoa nói thêm: “Qua trò chơi em học thêm được nhiều điều, được vận dụng những bài học vật lý vào thực tiễn. Em nghĩ sau này mình có thể vận dụng được nhiều hơn vào cuộc sống thật chứ không chỉ là trò chơi…”.

tnst3

 HS làm đàn từ vật liệu tái chế là bìa cát tông và dây thun. Ảnh: T.Thương

Chen chúc giữa hàng trăm HS, Khánh Linh (lớp 6A6) cho biết, vì có quá đông các bạn xếp hàng để được trải nghiệm những trò chơi nên em chỉ mới tham gia được 2 trò là máy bắn kẹo và đua xe. “Em thấy trò chơi nào cũng vui nhộn, thu hút rất nhiều bạn tham gia, muốn tham gia trò nào cũng phải xếp hàng dài để chờ đến lượt”, Khánh Linh nói.

Chia sẻ về sự thành công của ngày hội, cô Hoàng Thị Minh Nghi cho hay, CLB Sáng tạo trẻ được thành lập từ năm học 2016-2017, trước đó chỉ là những CLB hoạt động nhỏ lẻ. Ngay trong năm đầu thành lập, CLB đã phối hợp tổ chức Ngày hội khoa học kỹ thuật với chủ đề “Phép thuật” và đã có những thành công nhất định. Trong suốt học kỳ I vừa qua, Tổ vật lý của trường cũng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức nhiều sân chơi cho các em như: Cuộc thi Em vui sáng tạo, Bắn tên lửa nước cấp TP. Nhiều HS đã đoạt những giải thưởng cao như: Nguyễn Thành Đồng và Nguyễn Thành Vinh (lớp 10A1) đoạt giải khuyến khích cuộc thi “Bắn tên lửa nước cấp TP” lần thứ 7; Nguyễn Đông Triều (lớp 11A1) và La Gia Bảo (lớp 11A8) đoạt giải nhất cuộc thi “Em vui sáng tạo” ở nội dung STEM ROBOT

Thương Thương - giaoduc.edu.vn


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378