Nền tảng H.OIP sẽ giúp kết nối đa phương các thành phần trong hệ sinh thái nhằm tạo ra một nền tảng hỗ trợ toàn diện nâng cao chất lượng cho các startups; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến, kết nối thương mại, thu hút vốn đầu tư cho các startups tại TP.HCM.
Chiều 24/10/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo Victory (VIC) tổ chức phiên làm việc mở chia sẻ về nền tảng H.OIP với sự tham gia của các chuyên gia đến từ các trường đại học, vườn ươm khởi nghiệp, đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP.HCM.
Theo bà Phan Thị Quý Trúc (Phó trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ, Sở KH&CN TP.HCM), H.OIP (Ho Chi Minh City Open Innovation Platform) là nền tảng trực tuyến thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo TP.HCM được Sở KH&CN chủ trương xây dựng và VIC là đơn vị triển khai nhiệm vụ, thuộc đề án "Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025". Phiên làm việc này nhằm tìm kiếm đối tác để phối hợp triển khai vận hành thử nghiệm H.OIP và thu thập các thông tin liên quan đến hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của một số đơn vị trong hệ sinh thái KNĐMST cho nền tảng H.OIP.
Bà Phan Thị Quý Trúc (Phó trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ, Sở KH&CN TP.HCM) phát biểu dẫn đề tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Minh Ngọc Hải (đại diện Ban chủ nhiệm đơn vị triển khai nhiệm vụ) cho biết, H.OIP được thực hiện theo "đặt hàng" của Sở KH&CN với sứ mệnh cốt lõi của H.OIP là tạo ra sự kết nối, chuẩn hóa và thúc đẩy. Từ đó H.OIP sẽ giúp kết nối đa phương các thành phần trong hệ sinh thái nhằm tạo ra một nền tảng hỗ trợ toàn diện nâng cao chất lượng cho các startups; chuẩn hóa nguồn lực, tạo môi trường cho các thành phần trong cộng đồng tìm kiếm đối tác, kết nối và chia sẻ các nguồn lực hiện có thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo cộng đồng; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến, kết nối thương mại, thu hút vốn đầu tư cho các startups tại TP.HCM.
Với 4 trụ cột chính mà H.OIP tập trung là cơ quan Nhà nước, cơ sở ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp (startups), nhà đầu tư, H.OIP sẽ tạo ra cơ chế kết nối các đối tượng này nhằm thu hút nguồn lực bổ sung và giảm thiểu chi phí từ các hình thức kết nối truyền thống; nâng cao hiệu quả truyền thông, nâng cao chia sẻ nguồn lực cộng đồng và lan tỏa văn hóa chia sẻ nguồn lực; tạo cơ hội mở để kết nối với các nền tảng giao dịch sở hữu trí tuệ, kết nối dữ liệu số về xác thực sở hữu trí tuệ về cấu phần hồ sơ.
Ông Hoàng Minh Ngọc Hải (đại diện Ban chủ nhiệm đơn vị triển khai nhiệm vụ) giới thiệu về nền tảng H.OIP
Hiện tại H.OIP đã mô hình hóa các tương tác, chuẩn hóa dữ liệu (data), tạo ra các công cụ kết nối, tạo ra công cụ để lấy data,… Cùng với đó, H.OIP đã có sự tham gia của hơn 19 chuyên gia, hơn 28 hạng mục chuyển giao, hơn 42 đối tác cùng nhiều cơ hội hợp tác.
Bà Phan Thị Quý Trúc cho biết thêm, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM dự kiến sẽ được ra mắt đầu năm 2024, đây là cơ hội để H.OIP tham gia kết nối và hình thành mạng lưới gắn kết các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST TP.HCM. H.OIP được kỳ vọng sẽ là cổng thông tin điện tử về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo chính thức của TP.HCM, trở thành nền tảng vững chắc hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp ĐMST, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ và ĐMST,... Hiện tại H.OIP đang trong giai đoạn triển khai vận hành thử nghiệm và tìm kiếm thêm các mô hình hợp tác. Dự kiến H.OIP sẽ được ra mắt trong khuôn khổ hoạt động của Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM (WHISE 2023) tổ chức trong tháng 11/2023.
Lam Vân (CESTI)
Thực tế cho thấy, hiện nay nhu cầu hồ thủy sinh và kinh doanh cây thủy sinh ngày càng tăng cao, đặc biệt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, hầu hết loại cây thủy sinh đều được nhập từ Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Indonesia,… với giá thành cao. Trong khi đó, TP.HCM vốn được xem là trung tâm cá cảnh lớn nhất nước, với nhiều cơ sở doanh nghiệp nuôi trồng, nghiên cứu và sản xuất - kinh doanh nhiều giống cá cảnh.
TS. Đỗ Đăng Giáp, chủ nhiệm triển khai nhiệm vụ "Xây dựng quy trình nhân giống ba loài cây thủy sinh Tiêu thảo lá nhăn (Cryptocoryne wendtii), Bucep (Bucephalandra motleyana) và Trầu bà lá nhỏ (Anubias barteri var. nana) phục vụ thị trường cá cảnh" do Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là cơ quan chủ trì, dẫn số liệu báo cáo của Chi cục Thủy sản TP.HCM cho biết: sản lượng cá cảnh sản xuất và xuất khẩu tăng đều qua các năm. Từ sự phát triển mạnh mẽ của thị trường cá cảnh cho thấy tiềm năng to lớn của ngành cây thủy sinh và các dịch vụ đi kèm khác. Do đó, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và sản xuất cây giống thủy sinh giúp cung cấp nguồn cây kiểng thủy sinh chất lượng, giá thành cạnh tranh sẽ được thị trường đón nhận mạnh mẽ.
Cũng theo lời TS. Đỗ Đăng Giáp, tại TP.HCM diện tích đất nông nghiệp đang ngày càng thu hẹp, cùng với sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vì thế nông dân thành phố đang dần chuyển hướng sang nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao chất lượng cũng như sản lượng của cây trồng.
"Do đó, việc ứng dụng ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây cảnh thủy sinh sạch bệnh, sẽ giúp sản xuất cây giống nhanh chóng, chất lượng và đặc biệt là tạo nguồn giống sạch bệnh hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tế tại TP.HCM", TS. Đỗ Đăng Giáp nhận định.
Trên tinh thần đó, sau thời gian làm việc nghiêm túc và khẩn trương, nhóm chuyên gia tại Viện Sinh học nhiệt đới đã hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, đó là nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nhân giống và sản xuất ba loài cây thủy sinh Tiêu thảo lá nhăn (Cryptocoryne wendtii), Bucep (Bucephalandra motleyana) và Trầu bà lá nhỏ (Anubias barteri var. nana) có giá trị kinh tế cao phục vụ thị trường TP.HCM và xuất khẩu.
Từ đầu vào ban đầu là 36 mẫu cây thủy sinh (12 mẫu Tiêu thảo lá nhăn, 12 mẫu Bucep và 12 mẫu Trầu bà lá nhỏ) được thu thập trực tiếp tại thị trường cây thủy sinh trên địa bàn TP.HCM, các nhà khoa học tại Viện Sinh học nhiệt đới đã chọn lọc được các cây thủy sinh tương ứng sạch virus phục vụ cho nhân giống.
Sau quá trình nghiên cứu, nhóm đã xây dựng và hoàn thiện quy trình nhân giống 3 cây thủy sinh trong điều kiện in vitro. Tiếp đó, nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng quy trình nuôi trồng cây giống thủy sinh có nguồn gốc in vitro trong vườn ươm thông qua các nội dung nghiên cứu để xác định điều kiện sống thích hợp cho từng loại cây giống thuỷ sinh in vitro như khảo sát giá thể, cường độ chiếu sáng, nhiệt độ, độ ẩm.
Ngoài ra, nhóm triển khai nhiệm vụ cũng tiến hành nội dung khảo sát sự sinh trưởng của cây giống thủy sinh có nguồn gốc từ nuôi cấy in vitro trong hồ thủy sinh. Theo đó, nhóm chú trọng nghiên cứu tác động của các yếu tố như nồng độ dinh dưỡng, điều kiện chiếu sáng, nhiệt độ và điều kiện sục khí đến sự sinh trưởng và phát triển của cây giống trong hồ thuỷ sinh.
Quy trình nhân giống đề xuất
Đến thời điểm hiện tại, TS. Đỗ Đăng Giáp và các cộng sự đã hoàn thiện nhiệm vụ với kết quả ghi nhận được là các quy trình nhân giống in vitro, quy trình thuần dưỡng với ba loài cây thuỷ sinh Tiêu thảo lá nhăn, Bucep và Trầu bà lá nhỏ. Cùng với đó, nhóm triển khai nhiệm vụ cũng đã sản xuất 1.500 cây giống thuộc ba loài cây thủy sinh trên theo quy trình nhân giống hoàn thiện. Các sản phẩm cây con khỏe mạnh, chất lượng.
Sản phẩm cây thủy sinh ở giai đoạn trồng in vitro
Có thể khẳng định rằng, kết quả của nhiệm vụ đã góp phần đưa công nghệ sinh học ứng dụng trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất các cây kiểng thủy sinh phục vụ nhu cầu thực tiễn tại TP.HCM. Đồng thời, việc nhân giống không chỉ giải quyết nhu cầu của thị trường, làm giảm áp lực với quần thể tự nhiên và cũng như tạo cơ hội phát triển cây thủy sinh thương mại.
Kết quả của nhiệm vụ đã tạo được 6 quy trình, trong đó có 3 quy trình nhân giống: Quy trình nhân giống và 3 quy trình thuần dưỡng đối với cây giống in vitro của 3 loài cây thuỷ sinh là Tiêu thảo lá nhăn, Trầu bà lá nhỏ và Bucep. Thành quả của nhiệm vụ cũng đã cho thấy Viện Sinh học nhiệt đới hoàn toàn đủ năng lực và kinh nghiệm để tiến hành chuyển giao công nghệ nhân giống, thuần dưỡng và ươm tạo đối với từng loại cây thủy sinh nói trên cho các hộ nuôi trồng thuỷ sinh tại TP.HCM nói riêng cũng như nhiều tỉnh, thành khác nói chung; và các cơ sở sản xuất cây thủy sinh, cơ sở kinh doanh trong tương lai có thể kết hợp với Viện Sinh học nhiệt đới để chủ động ứng dụng kết quả này, từng bước phát triển ngành nông nghiệp đô thị hiện đại. TS. Đỗ Đăng Giáp |
Cũng theo lời đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ, kết quả nói trên cũng là cơ sở để chuyển giao công nghệ, sản xuất cây giống thủy sinh cung cấp đến các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh thủy sinh tại TP.HCM, khu vực Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Cụ thể hơn, nhận định về khả năng thương mại hóa cho ba loại cây thủy sinh vừa được hoàn thiện quy trình nhân giống này, TS. Đỗ Đăng Giáp khẳng định: "từ kết quả của nhiệm vụ là những giống đẹp, lạ, có khả năng thị trường cao thì quy trình nhân giống mà chúng tôi đề xuất có thể áp dụng vào để sản xuất, đáp ứng được nhu cầu cần thiết của thị trường một cách nhanh chóng". Chưa dừng lại ở đó, kết quả của nhiệm vụ cũng đã đưa ra một quy trình nhân giống có tỷ lệ nhân giống rất cao, đáp ứng nhu cầu nhân giống cho các cơ sở kinh doanh cây thủy sinh hoặc các cơ sở trồng thủy sinh trên địa bàn TP.HCM. Đối với một quy trình như ở Phòng Công nghệ Tế bào Thực vật (Viện Sinh học nhiệt đới) thì hằng năm có thể sản xuất ra từ 100.000 đến 1 triệu cây giống, do đó nếu các cơ sở và nhà vườn cây thủy sinh có nhu cầu thì với những hợp tác trong thời gian lâu dài có thể sản xuất được hàng trăm tới hàng triệu cây giống trong một năm.
Thông tin liên hệ: Viện Sinh học Nhiệt đới Địa chỉ: 9/621 Xa lộ Hà Nội, P.Linh Trung, Thành phố Thủ Đức, TP.HCM Điện thoại: 028 38978798 - 0985 558 589 Email: dodanggiap@gmail.com Website: https://itb.ac.vn/ |
Sự chủ động trong việc chế tạo preform chai PET giúp doanh nghiệp tăng năng suất và đảm bảo nguồn phụ liệu cho toàn bộ quá trình sản xuất, hoạt động kinh doanh.
Tại Việt Nam hiện nay, một số công ty khuôn mẫu như Duy Tân, Ngọc Nghĩa, và Duy Khanh đã sản xuất được khuôn preform phôi nhựa PET với số lượng cavity (sản phẩm) trên khuôn phổ biến là 16, 24, 32, 48; nhằm cung cấp cho các nhà sản xuất chai PET với quy mô nhỏ và vừa. Với số lòng khuôn lên đến 96 cavity thì chưa có công ty Việt Nam nào nghiên cứu chế tạo để cung cấp cho các nhà sản xuất chai PET với quy mô lớn, và tất cả các khuôn 96 cavity này đều đang được nhập từ nước ngoài.
Khuôn preform 96 cavity do doanh nghiệp cơ khí trong nước sản xuất giúp các công ty sản xuất nước giải khát và thực phẩm chủ động hơn trong việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu đầu vào
Trong khi đó, các nhà sản xuất quy mô lớn (như công ty nước giải khát như Tân Hiệp Phát, Pepsi Co, Coca Cola,…) mong muốn tìm nhà cung cấp ở Việt Nam để đặt hàng khuôn 96 cavity trong nước. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có các công ty sản xuất lớn về các sản phẩm phôi preform để thổi chai nhựa PET như Ngọc Nghĩa, Bảo Vân, Nhựa Tân Tiến, Nhựa Rạng Đông,… đang chiếm lĩnh thị phần bao bì nhựa dùng trong đóng gói sản phẩm cũng có nhu cầu đặt khuôn 96 cavity để nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm. Do đó, nhu cầu sử dụng khuôn preform trên thị trường là tương đối cao, là cơ hội tiếp cận để cung cấp các khuôn preform cho các doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, các tập đoàn nước ngoài cũng đang mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm chai nhựa tại Việt Nam. Với quy mô sản xuất lớn thì việc ứng dụng khuôn preform 96 cavity là hoàn toàn khả thi.
Công ty TNHH cơ khí Duy Khanh thử khuôn preform 96 cavity tại một nhà máy sản xuất nước giải khát
Kỹ sư Đặng Khiêm Cương (công ty TNHH cơ khí Duy Khanh) cho biết, ngày nay, trên thế giới với trình độ công nghệ ngày càng phát triển, nên việc sản xuất các máy ép nhựa cỡ lớn trở nên phổ biến để sử dụng cho các khuôn preform với số lòng khuôn lớn như 96 cavity. Do nhu cầu ngày càng tăng, các nhà sản xuất chai PET dần dần đều chuyển sang đầu tư dây chuyền sản xuất cho các khuôn preform cỡ lớn ngày càng phổ biến để giảm chi phí trong sản xuất, tăng năng suất và giảm giá thành sản phẩm. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu của dây chuyền cho khuôn lớn 96 cavity cao hơn khuôn dưới 50 cavity nhưng xét về quá trình sản xuất lâu dài với quy mô sản lượng lớn thì khuôn 96 cavity cho hiệu quả kinh tế tốt hơn rất nhiều.
Nhận thấy nhu cầu là rất lớn từ các nhà máy sản xuất nước giải khát và hàng tiêu dùng nhanh trong nước, nhóm kỹ sư và chuyên gia tại công ty TNHH cơ khí Duy Khanh (quận Tân Phú, TP.HCM) đã chủ động đề xuất triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Nghiên cứu công nghệ và thiết kế, chế tạo khuôn preform phôi PET 96 cavity phục vụ cho sản xuất thổi chai nhựa PET".
Kỹ sư Đặng Khiêm Cương, thành viên triển khai nhiệm vụ cho biết, mục tiêu tổng quát được nhóm nghiên cứu đặt ra là nghiên cứu, tính toán, mô phỏng, thiết kế và chế tạo hoàn chỉnh khuôn preform phôi nhựa PET 96 cavity, phục vụ cho quá trình sản xuất chai nhựa tại các nhà máy sản xuất chai PET, các nhà máy sản xuất nước giải khát tại Việt Nam.
Trong đó, mục tiêu cụ thể được xác định là (1) Làm chủ được quá trình tính toán thiết kế và công nghệ gia công chế tạo bộ khuôn preform 96 cavity cũng như hướng đến thiết kế, chế tạo các bộ khuôn nhiều cavity hơn tại Việt Nam khi thị trường có nhu cầu; (2) Tạo ra sản phẩm khuôn 96 cavity tại Việt Nam với chất lượng tốt, giảm giá thành so với ngoại nhập, thay thế hàng nhập khẩu, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước; và (3) Nâng cao năng lực tự nghiên cứu, năng lực thiết kế, sản xuất chế tạo, lắp ráp khuôn của đội ngũ cán bộ, nhân viên công ty TNHH cơ khí Duy Khanh tham gia đề tài.
Sơ nguyên lý hoạt động tổng thể khuôn preform 96 cavity
Đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ cho biết, so với các kỹ thuật khác trên thị trường (như kỹ thuật đùn thổi), kỹ thuật ép phun nhựa PET được lựa chọn rất nhiều nhờ những lợi ích mang lại, đặc biệt với nhu cầu sản xuất chai nhựa lớn hiện nay thì việc sử dụng công nghệ ép phun nhựa PET trên khuôn preform 96 cavity lại càng mang lại lợi ích lớn.
Công nghệ ép phun nhựa PET với áp suất phun nhựa cao đảm bảo rằng vật liệu nóng chảy đạt đến mọi kẽ hở của khuôn trước khi đóng rắn, giúp tăng độ chính xác, chất lượng bề mặt và cơ tính tốt hơn.
Để sản xuất chai PET, preform phôi PET phải được sản xuất và sau đó đưa vào khuôn thổi. Cả hai quy trình có thể được thực hiện độc lập bằng cách sử dụng các máy móc khác nhau: quy trình 1 giai đoạn (còn gọi là 1,5 bước) hoặc trong quy trình 2 giai đoạn. Trong quy trình 1 giai đoạn, nhựa PET được ép tạo phôi preform và chuyển sang thổi thành chai trong một máy. Còn trong quy trình 2 giai đoạn, preform phôi PET được sản xuất trên máy ép phun. Sau đó, các phôi preform đã hoàn thành với một cổ chai hoàn chỉnh có thể được làm nóng lại để thổi thành chai trong máy thổi chai ở bước 2. Hiện nay, chai PET đa phần được chế tạo bằng phương pháp ép 2 giai đoạn độc lập do đây là phương pháp có nhiều ưu điểm vượt trội như là một loại phôi có thể sản xuất nhiều loại chai với mẫu mã khác nhau, cung cấp cho nhiều đối tác khách hàng khác nhau; năng suất cao hơn, ổn định hơn; chi phí đầu tư máy tối ưu hơn. |
Sau thời gian nghiên cứu nghiêm túc, đội ngũ kỹ sư - chuyên gia tại công ty TNHH cơ khí Duy Khanh đã thiết kế 3D hoàn thiện của 2 bộ khuôn preform 13,25g và 15,6g 96 cavity, cùng với đó là 2 bộ khuôn preform 13,25g và 15,6g 96 cavity được lắp ráp hoàn chỉnh. Ngoài ra, nhóm cũng hoàn thiện quy trình công nghệ gia công chế tạo các chi tiết quan trọng trong khuôn preform phôi nhựa PET 96 cavity.
Sản phẩm khuôn được đưa vào thử nghiệm thực tế tại một công ty nước giải khát, ghi nhận năng suất ép sản phẩm thực tế trên khuôn đạt năng suất yêu cầu đề ra ở mức 26.584 sản phẩm/giờ. Kích thước sản phẩm sau khi ép thử lần cuối đạt dung sai, cũng như yêu cầu kỹ thuật bản vẽ sản phẩm.
Đại diện lãnh đạo công ty TNHH cơ khí Duy Khanh khẳng định, hiệu quả khoa học - công nghệ của nhiệm vụ chính là đã làm chủ được quá trình tính toán thiết kế và công nghệ gia công chế tạo bộ khuôn preform 96 cavity cũng như hướng đến thiết kế, chế tạo các bộ khuôn nhiều cavity hơn tại Việt Nam khi thị trường có nhu cầu. Đồng thời, tạo được cơ sở dữ liệu, làm tài liệu tham khảo hữu ích cho các nghiên cứu cũng như cho quá trình tính toán, thiết kế và chế tạo khuôn preform 96 cavity tương tự hoặc nhiều hơn 96 cavity (144 cavity,…) tại Việt Nam trong tương lai.
Chia sẻ về hiệu quả kinh tế - xã hội, kỹ sư Đặng Khiêm Cương cho biết nhiệm vụ đã giúp tạo ra sản phẩm khuôn 96 cavity tại Việt Nam với chất lượng tốt, giảm giá thành so với ngoại nhập, thay thế hàng nhập khẩu, tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các ngành sử dụng khuôn preform.
Nhận định về kết quả của nhiệm vụ, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE) cho biết: đề tài nghiên cứu và chế tạo khuôn preform 96 cavity thực sự là một đề tài khó, vì sản phẩm rất phức tạp, rất chính xác, và đây là lần đầu tiên mà một doanh nghiệp Việt Nam dám nghiên cứu và chế tạo.
"Đề tài này đã hoàn tất hoàn hảo, ứng dụng thử nghiệm và được đánh giá cao, vì thế Công ty TNHH cơ khí Duy Khanh nhận thấy sản phẩm này hoàn toàn có thể thương mại hóa, phổ biến rộng rãi cho các khách hàng khác, bởi vì sản phẩm có chất lượng cao tương đương giải pháp ngoại nhập mà giá thành giảm đến 20-30%", ông Đỗ Phước Tống nhấn mạnh.
Cũng theo lời đại diện Hội Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE), kết quả của đề tài nghiên cứu này cũng là nội dung để đội ngũ giảng viên và sinh viên tại các trường đại học, viện nghiên cứu có thể học hỏi, và thông qua đó phát triển những nghiên cứu sâu rộng hơn trong ngành khuôn mẫu.
Thông tin liên hệ: Công ty TNHH cơ khí Duy Khanh Địa chỉ: 310A Lũy Bán Bích, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM Điện thoại: 028.38650265 Email: duykhanh@duykhanh.com - cuongdk@duykhanh.com Website: www.duykhanh.com.vn |
Tọa đàm nhằm trao đổi, thảo luận, lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp để giúp hoàn thiện lại hệ thống các tiêu chí đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, theo Quyết định số 35/2023/QĐ-UBND ngày 21/8/2023 của Ủy ban nhân dân TP.HCM về ban hành Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước TP.HCM.
Ngày 19/10/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Tọa đàm góp ý “Tiêu chí đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ”. Tham dự tọa đàm có TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM; TS. Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng dự với Lãnh đạo Sở còn có đại diện Phòng Quản lý Khoa học, Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ Cơ sở cũng như một số phòng ban chuyên môn và Trung tâm trực thuộc Sở. Tọa đàm này cũng đã thu hút được hơn 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp khoa học công nghệ, trường viện, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn TP.HCM cùng tham dự.
Hơn 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp khoa học công nghệ, trường viên, trung tâm nghiên cứu tham dự buổi tọa đàm
Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, hiện nay không riêng TP.HCM mà các tỉnh thành trên cả nước đều gặp khó khăn trong vấn đề chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Điều này cũng dẫn tới sự chậm trễ trong việc tuyển chọn hồ sơ, lựa chọn đơn vị cũng như cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ trong thời gian vừa qua.
“Ví dụ đơn cử về vấn đề hồ sơ, thật sự chúng tôi cũng muốn nhanh nhất, nhưng quý vị cũng biết, nộp bất kỳ 1 nhiệm vụ đề xuất nào vào cho tới khi ký được hợp đồng theo quy trình thì cũng đã mất 53 ngày làm việc... chúng tôi không muốn điều đó. Cho nên thông qua tọa đàm ngày hôm nay, dựa trên chủ đề là tiêu chí đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, rất mong quý thầy cô, các nhà khoa học, chuyên gia, quý doanh nghiệp cùng nhau chúng ta thẳng thắn góp ý và tiếp thu để làm sao vận dung sáng tạo nhất có thể, khắc phục những khó khăn, thay thế những hạn chế để công tác này được thực hiện một cách hiệu quả nhất, nhanh chóng nhất và tối ưu nhất. Gợi ý, thứ nhất là chúng ta rút ngắn được quá trình xét duyệt và tuyển chọn hồ sơ. Thứ hai là tiêu chí chấm điểm đề tài. Thứ ba là cách hướng dẫn thực hiện đề tài của các chủ nhiệm dành cho các cá nhân, đơn vị khi thực hiện đề tài. Thứ tư là mức chi cho nhiệm vụ khoa học công nghệ…”. TS. Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.
TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu tại tọa đàm
Cũng theo TS. Nguyễn Việt Dũng, hiện nay Sở cũng đang thực hiện các bước đề xuất và trình Hội đồng nhân dân Thành phố về việc chi ngân sách cho chủ nhiệm đề tài khi được xét duyệt. Cụ thể, mức chi có thể lên tới 60 triệu đồng, thay cho trước đây chỉ có 48 triệu đồng, khoản chi này dựa trên tinh thần của Nghị quyết 98 mà Quốc hội cho TP.HCM.
“Chúng tôi cũng có một đề xuất nữa với mức chi cao hơn, để dành cho các đơn vị muốn trở thành nghiên cứu mạnh… tất nhiên không phải đơn vị nào cũng được. Các chương trình bình thường khác thì vẫn sẽ làm đúng theo quy trình, riêng phần này là dành cho các dự án, chương trình, đề tài dài hơi có thể là 5 năm hoặc dài hơn. Và cũng chia sẻ thêm là, chi ngân sách cho nhiệm vụ khoa học công nghệ được Bộ Tài chính thiết kế trước đây theo cá nhân tôi nghĩ nó giống như việc làm thêm của các nhà khoa học, cho nên với mức thù lao như hiện tại thì khó mà nuôi được lực lương nghiên cứu viên thật sự chuyên nghiệp. Do đó, việc đề xuất chi cao hơn cho đội ngũ này sẽ đáp ứng được mức sống và khi đó chuyên gia có thể tập trung 100% vào vấn đề nghiên cứu mà không phải lo chạy ngược chạy xuôi cơm áo gạo tiền, giảng dạy…”. TS. Nguyễn Việt Dũng bộc bạch.
Cũng tại Tọa đàm bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) đã trình bày dẫn đề về tiêu chí đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước TP.HCM theo Quyết định số 35/2023/QĐ-UBND ngày 21/8/2023 của UBND Thành phố (Quy chế 35) với một số nội dung cần lưu ý như: Yêu cầu đối với việc thực hiện nhiệm vụ; Nguyên tắc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ; Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ; Giao trực tiếp đơn vị sự nghiệp công lập khoa học và công nghệ của Thành phố thực hiện nhiệm vụ.
Cụ thể, yêu cầu đối với việc thực hiện nhiệm vụ theo Quy chế 35 thì nhiệm vụ có 01 chủ nhiệm nhiệm vụ. Trong đó, điều kiện đối với tổ chức đăng ký chủ trì đã bổ sung trường hợp tổ chức không đủ điều kiện hoặc có sai phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ sẽ không được đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp trong thời gian 01 năm kể từ khi có quyết định đình chỉ của Sở Khoa học và Công nghệ hay như vi phạm các hành vi bị cấm theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ. Còn điều kiện đối với cá nhân đăng ký chủ nhiệm thì không quy định số lượng nhiệm vụ do cá nhân chủ trì và nếu cá nhân có vi phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ do mình làm chủ nhiệm trong thời gian 03 năm kể từ khi có quyết định của Sở Khoa học và Công nghệ thì không đủ điều kiện tham gia tuyển chọn.
“So với Quy chế 35, Quy chế 48 theo yêu cầu đối với việc thực hiện nhiệm vụ thì chỉ có 01 chủ nhiệm nhiệm vụ, ngoại trừ những nhiệm vụ có tính chất liên ngành và do thủ trưởng cơ quan quản lý quyết định. Đối với tổ chức thì các trường hợp này chưa được quy định. Còn đối với cá nhân thì nếu đang làm chủ nhiệm từ 01 nhiệm vụ trở lên bằng nguồn kinh phí tài trợ của thành phố hay có sai phạm dẫn đến bị đình chỉ sẽ không được đăng ký thực hiện nhiệm vụ trong thời hạn hai năm kể từ ngày có quyết định của cơ quan có thẩm quyền sẽ không được tham gia tuyển chọn”. bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng chia sẻ.
Bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng chia sẻ tại tọa đàm
Đối với Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ thì Quy chế 35 nêu rõ Hội đồng gồm có 01 Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch (nếu cần), 02 thành viên là ủy viên phản biện, 01 ủy viên thư ký khoa học và các thành viên khác. Số lượng các thành viên trong Hội đồng từ 05 đến 09 thành viên. Các ủy viên phản biện của Hội đồng công tác tại các tổ chức khác nhau. Giao trực tiếp đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố thành lập thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ thực hiện nhiệm vụ cụ thể gồm: Đơn vị xây dựng chương trình khoa học và công nghệ/ dự án khoa học và công nghệ; các nhiệm vụ phát sinh hàng năm phù hợp với chức năng nhiệm vụ của đơn vị. Đơn vị gửi Chương trình/dự án khoa học và công nghệ, nhiệm vụ phát sinh về Sở Khoa học và Công nghệ để tổ chức thẩm định, phê duyệt, ký hợp đồng thực hiện. Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức quản lý nhiệm vụ theo quy định tại Quy chế.
“Hội đồng tư vấn gồm có 01 Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch, 02 thành viên là ủy viên phản biện, 01 ủy viên thư ký khoa học và các thành viên khác. Số lượng các thành viên trong Hội đồng tư vấn từ 05 đến 09 thành viên. Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách sự nghiệp khoa học của Thành phố có thể áp dụng quy định tại Chương V của Quy chế này hoặc ban hành quy định riêng phù hợp với điều kiện, đặc thù của cơ quan, đơn vị đê thực hiện việc quản lý các nhiệm vụ có sử dụng ngân sách thành phố thuộc phạm vi quản lý của mình. Cơ quan quản lý tự thực hiện”, bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng chia sẻ.
Nguyên tắc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ với trường hợp cấp tối đa đến 100% tổng kinh phí bao gồm: Nhiệm vụ thuộc danh mục nhiệm vụ theo thông báo của Sở Khoa học và Công nghệ; Nhiệm vụ được xét giao trực tiếp theo quy định; Nhiệm vụ khác được Hội đồng đánh giá đạt từ 80/100 điểm trở lên và có sản phẩm đáp ứng một trong các tiêu chí cụ thể như: phục vụ cho khu vực công của Thành phố; phục vụ cho cộng đồng người dân Thành phố; phục vụ nhóm doanh nghiệp của Thành phố; sản phẩm mang tính đột phá so với sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường hoặc sản phẩm có tiềm năng phát triển trong tương lai. Ngoài ra, sẽ xem xét hỗ trợ một phần kinh phí ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ không thỏa tiêu chí nêu trên.
"Riêng Quy chế 48 ở Điều 24. Nguyên tắc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ bao gồm: Nhiệm vụ do Thành phố đặt hàng theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Quy chế này được cấp toàn bộ kinh phí thực hiện; Dự án sản xuất thử nghiệm được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 22/2011/TTLT-BTC-BKHCN ngày 21 tháng 02 năm 2011 về hướng dẫn quản lý tài chính đối với các dự án sản xuất thử nghiệm được ngân sách nhà nước hỗ trợ; Nhiệm vụ không thuộc quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này được xem xét cấp một phần kinh phí thực hiện nhưng không quá 1 tỷ đồng đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ, không quá 500 triệu đồng đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Trường hợp đặc biệt do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định", bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng nói.
Đối với tiêu chí đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ; khoa học xã hội và nhân văn; đề án khoa học hay tiêu chí đánh giá nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản phẩm (dự án sản xuất và thử nghiệm) thì TP.HCM cũng có trọng số bám khá sát với Bộ Khoa học và Công nghệ theo các bộ tiêu chí đánh giá nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia do hiện nay không có tiêu chí đánh giá nhiệm vụ khoa học công nghệ cụ thể cho cấp tỉnh.
"Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố trên cơ sở tham khảo Bộ Khoa học và Công nghệ về tiêu chí đánh giá thuyết minh nhiệm vụ cũng gặp phải những khó khăn và vấn đề phát sinh. Thứ nhất là khi mình đành giá thì yêu cầu đánh giá hiện tại của mình chỉ đánh giá đúng định hướng, đúng mục tiêu đặt hàng, nhiệm vụ có tính mới về khoa học và công nghệ, nội dung và phương pháp và sản phẩm phù hợp với mục tiêu đề ra. Cũng như kết quả tư vấn của Hội đồng cho Sở Khoa học và Công nghệ khi không thực hiện nhiệm vụ thì đề nghị thực hiện nhiệm vụ hay đề nghị thực hiện nhiệm vụ đó với một số điều chỉnh. Tuy nhiên, đối với điều kiện thực tế của TP.HCM thì phát sinh 1 số yêu cầu sau khi quy chế mới ban hành thì ngoài yêu cầu đánh giá theo hiện tại thì có thêm các yêu cầu như: sản phẩm phải có tính đột phá, tính ưu tiên, nhiệm vụ có cần thiết hay không, phương pháp thực hiện có khả thi không, kinh phí thực hiện có phù hợp không...", bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng chia sẻ thêm.
Đại diện doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi với tinh thần cởi mở, tích cực tại tọa đàm
Được biết, tại toạ đàm đã có trên 15 phát biểu đóng góp ý kiến tới từ các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp khoa học công nghệ, trường viện, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn TP.HCM xoay quanh các vấn đề mà Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã gợi ý trước đó. Theo Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ chia sẻ thêm, trong thời gian sắp tới đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức thêm các buổi tọa đàm, hội thảo với nhiều nội dung khác để đưa Nghị quyết 98 của Quốc hội cho Thành phố thực sự đi vào cuộc sống.
Nhật Linh (CESTI)
Ngày 13/10/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM về báo cáo nội dung dự thảo “Đề án xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế”.
Mục tiêu buổi làm việc nhằm hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thiện nội dung Đề án theo Công văn số 3889/SKHCN-QLKH ngày 06 tháng 10 năm 2023.
Tham dự buổi làm việc về phía Bộ KH&CN có ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Nguyễn Tiến Trung - Phó Vụ trưởng, Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương và bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng, Vụ Kế hoạch - Tài chính.
Về phía Sở KH&CN có ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, ông Trần Hữu Chương - Phó Trưởng phòng, Phòng Kế hoạch Tài chính, bà Nguyễn Thị Thu Sương - Quyền Trưởng phòng, Phòng Quản lý Khoa học, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - Kế toán trưởng, Phòng Kế hoạch Tài chính, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chuyên viên, Văn phòng Sở, ông Lê Thanh Trang - Chuyên viên, Phòng Quản lý khoa học.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Dũng đã trình bày các nội dung cơ bản của Đề án, cụ thể như:
- Mục tiêu của Đề án nhằm hỗ trợ một số tổ chức KH&CNcông lập có tiềm lực trên địa bàn Thành phố phát triển trở thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 2 đơn vị tiệm cận trình độ quốc tế; đến năm 2030 có ít nhất 5 đơn vị tiệm cận, đạt chuẩn quốc tế; đến 2045 có ít nhất 5 đơn vị đạt chuẩn quốc tế.
- Đề án tập trung vào 3 (ba) nội dung chính:
(i) Áp dụng chính sách thu hút, giữ chân người tài thông qua ưu đãi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong các tổ chức KH&CN công lập; ưu đãi về thù lao thực hiện nhiệm vụ KH&CN; hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động KH&CN.
(ii) Phát triển nguồn lực lâu dài thông qua việc giao thực hiện những chương trình, dự án KH&CN trung hạn, dài hạn.
(iii) Tháo gỡ những rào cản liên quan thông qua có những cơ chế tuyển chọn chương trình, dự án KH&CN, cơ chế tài chính liên quan thông thoáng hơn. Đề án sẽ đóng góp quan trọng vào việc nâng cao vị thế của Thành phố trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời tạo ra những đột phá trong phát triển và ứng dụng mạnh mẽ KH&CN đối với sự phát triển bền vững của Thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW là thật sự cần thiết và phù hợp với thực tiễn.
Ông Lê Xuân Định cho rằng đây là một vấn đề cấp thiết và Thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh dạn đi đầu, được coi là một “sandbox” chính sách, Bộ KH&CN thống nhất chủ trương xây dựng Đề án này. Ngoài ra, đây cũng là nội dung mà Bộ KH&CN, Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết Chương trình phối hợp số 2029/CTPH-BKHCN-UBNDTPHCM-ĐHQGTPHCM ngày 13 tháng 10 năm 2022. Tuy nhiên, để Đề án thực hiện được thông suốt và chặt chẽ, cần bổ sung và làm rõ thêm quy trình, trình tự thực hiện, cơ chế kiểm soát.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền và ông Nguyễn Tiến Trung thống nhất cho rằng Đề án cần sớm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, cần xây dựng, hoàn thiện Đề án và làm rõ quy trình thực hiện Đề án.
Ông Lê Xuân Định cho biết, Bộ KH&CN sẽ giao Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương làm đầu mối tổng hợp hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Đề án này.
Ông Nguyễn Việt Dũng cám ơn sự ủng hộ của Bộ KH&CN đối với đề án, trong quá trình thực hiện, Thành phố sẽ tổ chức, đánh giá định kỳ và có thông tin, báo cáo kết quả thực hiện đến Bộ KH&CN.
Thanh Trang – Lam Vân
Truy xuất nguồn gốc (TXNG) là hoạt động giám sát, xác định được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh. Hệ thống TXNG là hệ thống bao gồm hoạt động định danh sản phẩm, thu thập và lưu trữ thông tin về trạng thái của sản phẩm theo thời gian, địa điểm nhằm quản lý thông tin về chất lượng và an toàn của sản phẩm.
Ngày 06/10/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (GS1 VietNam, trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức lớp tập huấn, phổ biến, hướng dẫn áp dụng theo tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản sơ chế có bao gói cá rô, cá lóc, cá sặc, khô cá dứa… (Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9988:2013 và TCVN 9988:2013 Xác định nguồn gốc sản phẩm cá có vây).
Lớp tập huấn đã thu hút được gần 50 học viên tới từ các doanh nghiệp, Sở ban ngành, quận huyện và TP. Thủ Đức cùng tham dự
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, bà Võ Đình Liên Ngọc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), trong năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM triển khai kế hoạch tổ chức 6 lớp tập huấn về truy xuất nguồn gốc, tập trung phổ biến các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm hàng hoá được ban hành theo Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn TP.HCM theo Quyết định 1383/QĐ-UBND, tập trung vào các nhóm hàng hoá nông nghiệp, thực phẩm. Sau tập huấn, doanh nghiệp có thể nắm bắt được những quy định về tiêu chuẩn quốc gia trong truy xuất nguồn gốc, cụ thể là 23 tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc của Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành. Đồng thời, có thể áp dụng để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm - hàng hóa được sản xuất - kinh doanh tại từng doanh nghiệp.
"Đây là lớp tập huấn tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc cuối cùng trong năm 2023, trước đó Sở cũng đã tổ chức các lớp tập huấn về truy xuất nguồn gốc cho rau quả tươi, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm... hay việc ứng dụng mô hình truy xuất nguồn gốc sử dụng hệ thống NBC Trace. Trong năm 2024 tới đây, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tổ chức nhiều lớp tập huấn hơn nữa ở khắp các lĩnh vực khác nhau, rất mong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; Sở ban ngành, Ủy ban nhân dân các quận huyện và TP. Thủ Đức sẽ cử đại diện để cùng tham gia. Riêng trong lớp tập huấn ngày hôm này, các chuyên gia đến từ Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia sẽ giới thiệu, hướng dẫn, phổ biến tới anh chị và các bạn học viên tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản sơ chế có bao gói như cá rô, cá lóc, cá sặc, khô cá dứa theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9988:2013 và TCVN 9988:2013 Xác định nguồn gốc cá có vây. Hy vọng những nội dung này, có thể một phần nào đó góp sức cùng các đơn vị khắc phục thẻ vàng cảnh cáo thuỷ sản của Công đồng Châu Âu đang áp lên nước ta, chúng tôi cũng mong rằng trong thời gian tới, sau khi các đơn vị của Cộng đồng Châu Âu sang giám sát ở nước ta vào tháng 10 thì thuỷ sản của ta sẽ được gỡ thẻ vàng và qua đó thúc đẩy phát triển mạnh trở lại việc xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Châu Âu", bà Võ Đình Liên Ngọc chia sẻ.
Bà Võ Đình Liên Ngọc phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Tại lớp tập huấn, báo cáo viên của Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia đã phổ biến, hướng dẫn cụ thể việc áp dụng theo tiêu chuẩn quốc gia về truy suất nguồn gốc sản phẩm thủy sản sơ chế có bao gói cá rô, cá lóc, cá sặc, khô cá dứa… (Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9988:2013 và TCVN 9988:2013 Xác định nguồn gốc sản phẩm cá có vây). Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuỷ sản sơ chế có bao gói áp dụng theo các tiêu chuẩn này.
Cụ thể, TCNV 9989:2013 (tương đương với ISO 12877:2011) do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/JTC1/SC31 thu thập dữ liệu tự động biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Nội dung, gồm 6 điều chung và quy định thông tin cần được ghi lại trong các chuỗi phân phối cá nuôi. Tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu đối với chuỗi cung ứng cá nói chung, bao gồm cả nuôi trồng và đánh bắt để đảm bảo khả năng TXNG. Các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh được xác định trong tiêu chuẩn này bao gồm nhà sản xuất giống; nhà cung cấp cá bột; nhà cung cấp cá thương phẩm; nhà chế biến; nhà vận chuyển và nhà lưu kho nhà mua bán sỉ; nhà bán lẻ và bếp ăn lớn.
Báo cáo viên Nguyễn Văn Công - Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia trình bày tại lớp tập huấn
Cũng trong khuôn khổ lớp tập huấn, các học viên còn được giới thiệu và hướng dẫn về mô hình truy xuất nguồn gốc sử dụng chung hệ thống NBC Trace cũng như quy trình 5 bước đăng ký để sử dụng hệ thống này, từ đó có thêm giải pháp số hóa và minh bạch thông tin sản phẩm, khẳng định thương hiệu và xây dựng niềm tin với khách hàng. Theo báo cáo viên, hệ thống NBC Trace phù hợp Tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc Quốc tế GS1 và Tiêu chuẩn, Quy chuẩn truy xuất nguồn gốc Quốc gia, phù hợp với mọi đối tượng trong chuỗi cung ứng sản phẩm - hàng hóa từ hộ kinh doanh đến doanh nghiệp. Hệ thống có khả năng tùy biến linh động, cho phép người dùng tự xây dựng quy trình riêng cho từng loại sản phẩm. Đồng thời, hệ thống cũng có khả năng tích hợp với hệ thống quản lý thông tin mã số, mã vạch sản phẩm, tham gia liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm - hàng hóa. Mặt khác, người dùng có thể chủ động quản lý, thiết kế, in, kích hoạt tem truy xuất nguồn gốc.
Hiện nay, mô hình truy xuất nguồn gốc sử dụng chung hệ thống NBC Trace đã được ứng dụng, triển khai cho 15 sản phẩm OCOP ở Sơn La, Sơn Dung Trà (Thái Nguyên), Cam Xã Đoài - Cam Vinh (Nghệ An), nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang)…
Ngoài ra, các báo cáo viên còn thông tin về Cổng Thông tin Truy xuất nguồn gốc quốc gia, hiện đang đưa vào thử nghiệm, dự kiến vận hành chính thức vào cuối năm. Việc vận hành Cổng Thông tin Truy xuất nguồn gốc quốc gia cũng sẽ góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp có định hướng trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, triển khai cách thức thực hiện. Cổng Thông tin Truy xuất nguồn gốc quốc gia còn là nơi hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể xuất khẩu sản phẩm - hàng hóa ra thị trường quốc tế.
Nhật Linh (CESTI)
Chiều ngày 27/9/2023 tại Saigon Innovation Hub (Sihub) đã diễn ra sự kiện kết nối sáng tạo tháng 9 với chủ đề “Các giải pháp ứng dụng GIS trong quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng” thuộc chuỗi các sự kiện kết nối hợp tác giữa khu vực nghiên cứu với khu vực công (Inno-Coffee) nhằm kết nối chia sẻ khó khăn trong khu vực công và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, startup đưa ra những sáng kiến giải quyết vấn đề đóng góp cho sự phát triển của Thành phố.
Sự kiện đã thu hút được hơn 50 đại biểu là đại diện các Trường, tổ chức Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học, Lãnh đạo các phòng chức năng, đơn vị của Sở cùng đại diện các doanh nghiệp, Startup... tham dự
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sương - Quyền Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ, TP.HCM là đô thị lớn của cả nước, có diện tích tự nhiên là 2.095 km2, dân số khoảng 10 triệu người, được chia thành 22 quận huyện và TP Thủ Đức. Với vai trò đầu tàu trong đa giác chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và là Thành phố đông dân nhất cả nước (chiếm tỷ lệ 9,35%), Thành phố có tốc độ đô thị hoá nhanh, đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bấp cập trong quản lý cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng.
"Do đó, hệ thống thông tin địa lý (GIS), viễn thám ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạch định các chính sách, chiến lược của một vùng lãnh thổ, hỗ trợ quản lý nhà nước trong rất nhiều lĩnh vực. Có thể nói đó là những công cụ không thể thiếu đối với một đô thị thông minh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát sự phát triển đô thị, kinh tế, xã hội", bà Nguyễn Thị Thu Sương nhận định.
Hiện nay, các đơn vị quản lý nhà nước trên địa bàn TP.HCM đã từng bước ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong các lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng, cụ thể:
Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai: “Chương trình xây dựng Hệ thống thông tin quản lý ngành tài nguyên và môi trường TP.HCM giai đoạn 2014-2020” theo quyết định số 1869/QĐ-UBND ngày 17/4/2014 của UBND Thành phố. Cũng như, triển khai các dự án thành phần chuyên ngành thuộc Đề án đô thị thông minh. Đồng thời, xây dựng nền tảng dữ liệu đất đai trực tuyến gồm Cổng thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường TP.HCM https://geodata-stnmt.tphcm.gov.vn/và Hệ thống trục tích hợp các dịch vụ web ngành tài nguyên môi trường https://esb-stnmt.tphcm.gov.vn/, các nền tảng này hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có thể xem dữ liệu phân khu, diện tích, quy hoạch, kế hoạch, mục đích sử dụng đất... toàn Thành phố trực tuyến.
Sở Xây dựng triển khai: “Chương trình xây dựng Hệ thống thông tin Quản lý xây dựng TP.HCM giai đoạn 2014-2020” theo quyết định số 3845/QĐ-UBND ngày 08/8/2014 của UBND Thành phố. Cũng như, triển khai các dự án thành phần chuyên ngành thuộc Đề án đô thị thông minh.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc triển khai: Dự án “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công tác công bố, công khai thông tin quy hoạch” https://thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn/, nhằm hỗ trợ người dân, tổ chức tra cứu thông tin quy hoạch trực tuyến. Cũng như, triển khai các dự án thành phần chuyên ngành thuộc Đề án đô thị thông minh.
Uỷ ban nhân dân các quận huyện và TP Thủ Đức ứng dụng GIS trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường, xây dựng, cung cấp thông tin quy hoạch.
Các hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng đã mang lại hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước của các Sở ban ngành, quận huyện và TP Thủ Đức. Từ thực tiễn cho thấy 3 lĩnh vực quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng có sự quan hệ mật thiết với nhau, đòi hỏi sự kết nối và chia sẻ thông tin liên tục giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân 22 quận huyện và TP Thủ Đức.
Bà Nguyễn Thị Thu Sương - Quyền Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM trình bày bài toán “đặt hàng”
Tuy nhiên, cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Sương, hiện nay các cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý chuyên ngành về quản lý đất đai ở Sở Tài nguyên và Môi trường), quy hoạch ở Sở Quy hoạch - Kiến trúc và xây dựng ở Sở Xây dựng chưa có sự liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu một cách đồng bộ, thống nhất; chưa có các công cụ trực quan hóa, thống kê số liệu, tạo các báo cao nhanh phục vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng. Việc này gây không ít khó khăn cho công tác quản lý nhà nước của các Sở ban ngành, quận huyện.
Do đó, căn cứ Kế hoạch số 752/KH-SKHCN của Sở Khoa học và Công nghệ ngày 24/3/2022 về Công tác quản lý nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ năm 2022. Cũng như, căn cứ Quyết định số 3030/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/8/ 2020 về “Phê duyệt Đề án Ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn Thành phố”, nhằm: Liên thông, đồng bộ, thống nhất các dữ liệu, ứng dụng quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng, tạo thuận lợi cho công tác quản lý đô thị của các sở ngành, quận huyện; Cung cấp thông tin trực quan, kịp thời cho lãnh đạo Thành phố, các Sở ban ngành, quận huyện về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, điều hành, ra quyết định; Công khai thông tin về đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn Thành phố cho người dân, doanh nghiệp theo quy định.
Xuất phát từ thực tế nói trên trong công tác quản lý đô thị của Thành phố, đặc biệt là các lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng. Đồng thời, thực hiện mục tiêu xây dựng Thành phố thành đô thị thông minh, đổi mới sáng tạo, Ủy ban nhân dân Thành phố đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các quận huyện nghiên cứu “Xây dựng các công cụ trực quan hoá, phân tích, thống kê, công khai dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng”.
Mục tiêu tổng quát là nghiên cứu, xây dựng nền tảng trực quan hoá, phân tích, thống kê, công khai dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn TP.HCM. Cũng như, cung cấp các công cụ phân tích, thống kê và tra cứu các số liệu báo cáo nhanh về các lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng, hỗ trợ các cấp lãnh đạo đưa ra các hoạch định chính xác, hợp lý hỗ trợ tốt hơn cho công tác quản lý, quy hoạch, kịp thời phát hiện các sai phạm đối với các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, xây dựng. Đồng thời, chia sẻ các thông tin về dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng cho người dân và các tổ chức cần tra cứu góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn Thành phố.
Mục tiêu cụ thể là nghiên cứu, xây dựng nền tảng trực quan hoá, phân tích, thống kê, công khai dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng nhằm hỗ trợ việc phân tích, thống kê, trình diễn dữ liệu (không gian và thuộc tính). Cũng như, chia sẻ thông tin phục vụ lãnh đạo Thành phố, các Sở ban ngành, quận huyện và người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, triển khai vận hành thí điểm nền tảng trực quan hóa, phân tích, thống kê, công khai dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng.
Nội dung chủ yếu là đề án Ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn Thành phố gồm 06 nội dung như sau: (1) Xây dựng kiến trúc tổng thể, chi tiết hệ thống GIS, viễn thám về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng; (2) Rà soát, bổ sung, cập nhật cơ sở dữ liệu, xây dựng ứng dụng quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng; (3) Tích hợp, liên thông cơ sở dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng; (4) Xây dựng các công cụ trực quan hoá, phân tích, thống kê, công khai dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng; (5) Xây dựng quy chế vận hành, liên thông dữ liệu, cập nhật; (6) Khai thác dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng.
Sản phẩm cần đạt là nền tảng trực quan hóa, phân tích, thống kê, công khai dữ liệu. Cộng với đó là, kết quả vận hành thí điểm nền tảng trực quan hóa, phân tích, thống kê, công khai dữ liệu cũng như liên thông, tích hợp dữ liệu từ nền tảng tích hợp dữ liệu trong lĩnh vực quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng.
Dự kiến kết quả đạt được, đối với lĩnh vực Khoa học và Công nghệ có liên quan là nền tảng trực quan hoá, phân tích, thống kê, công khai dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng, đóng góp vào sự phát triển của việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng, phục vụ công tác hỗ trợ chuyển đổi số của Thành phố. Đối với kinh tế - xã hội và môi trường là hệ thống cũng cho phép chia sẻ dữ liệu, thông tin tới cộng đồng, người dân, tổ chức những thông tin về dữ liệu đất đai, quy hoạch, xây dựng trên địa bàn TP.HCM.
Được biết, sự kiện kết nối sáng tạo tháng 9 với chủ đề “Các giải pháp ứng dụng GIS trong quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng” là một sự kiện thuộc chuỗi các sự kiện kết nối hợp tác giữa khu vực nghiên cứu với khu vực công (Inno-Coffee) nhằm kết nối chia sẻ khó khăn trong khu vực công và tạo điều kiện các doanh nghiệp, startup đưa ra những sáng kiến giải quyết vấn đề đóng góp cho sự phát triển của Thành phố, do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chủ trì tổ chức.
Nhật Linh (CESTI)
Khóa tập huấn được thực hiện trong khuôn khổ nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng mô hình điểm về đảm bảo đo lường nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương".
Trong hai ngày 26&27/9/2023, Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức khóa tập huấn "Xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp".
Theo bà Võ Đình Liên Ngọc (Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo Lường Chất lượng TP.HCM), nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng mô hình điểm về đảm bảo đo lường nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" được triển khai thực hiện theo đề án 996 của Chính phủ. Trong nhiệm vụ này, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chọn 5 địa phương (Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, TP.HCM) tham gia chương trình thí điểm. Mỗi địa phương sẽ chọn 3 doanh nghiệp tham gia thí điểm chương trình để từ đó nhân rộng mô hình.
Bà Võ Đình Liên Ngọc (Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo Lường Chất lượng TP.HCM) phát biểu khai mạc khóa tập huấn
Theo đó, TP.HCM đã và đang tiến hành các hoạt động khảo sát tìm kiếm doanh nghiệp phù hợp tham gia thí điểm chương trình để được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hỗ trợ. Khóa tập huấn này nhằm giúp các đơn vị, doanh nghiệp tại TP.HCM nắm được các chương hỗ trợ xây dựng và triển khai đảm bảo đo lường (ĐBĐL) tại doanh nghiệp (theo Quyết định số 996/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); hướng dẫn cách thức, phương pháp đánh giá thực trạng ĐBĐL, từ đó biết cách xây dựng mục tiêu và thực hiện chương trình ĐBĐL tại doanh nghiệp.
Tại lớp tập huấn, ông Phan Minh Hải (nguyên Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) đã trình bày, giới thiệu các nội dung chính về vai trò của hoạt động đo lường và hiện trạng hoạt động đo lường tại các doanh nghiệp; yêu cầu đổi mới hoạt động đo lường để nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; đề án 996 về tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến 2025, định hướng đến năm 2030; hướng dẫn các bước chuẩn bị, phân tích và đánh giá thực trạng ĐBĐL, phương pháp xây dựng các mục tiêu của chương trình ĐBĐL, dự kiến hiệu quả xây dựng và áp dụng chương trình ĐBĐL; phương thức đăng ký tham gia thí điểm xây dựng và triển khai chương trình ĐBĐL cho từng địa phương.
Theo đó, đo lường trong doanh nghiệp gồm đo lường trong sản xuất và đo lường trong kinh doanh, với các hoạt động đo, thử nghiệm và kiểm tra. Đối với sản xuất, có 3 giai đoạn gồm chuẩn bị sản xuất, giai đoạn sản xuất, giai đoạn nghiệm thu và phân phối sản phẩm. Đối với kinh doanh gồm các giai đoạn nhập hàng hóa đầu vào, giai đoạn tồn trữ, vận chuyển, giai đoạn giao hàng, xuất bản. Ở giai đoạn chuẩn bị sản xuất, phép đo nhằm xác định khối lượng, thể tích nguyên vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, số lượng, bộ phận chi tiết… để phục vụ cho giai đoạn sản xuất. Phép thử nghiệm nhằm xác định thành phần, đặc tính nguyên vật liệu, chất liệu, bộ phận chi tiết, bán thành phẩm… để xác định sự phù hợp về chất lượng theo yêu cầu sản xuất. Hoạt động kiểm tra nhằm xác định sự phù hợp của quy cách, kích thước các chi tiết, bộ phận lắp ráp, bán thành phẩm,…
Liên quan đến đo lường trong sản xuất, hiện nay, doanh nghiệp cần quan tâm lưu ý xác định rõ cần đo ở đâu, đo cái gì (vị trí đo, đại lượng đo); độ chính xác và định mức kinh tế - kỹ thuật (phương tiện đo, điều kiện đo, thủ tục đo); duy trì độ chính xác và tin cậy của kết quả.
Ông Phan Minh Hải (nguyên Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) trình bày các nội dung của khóa tập huấn
Về đề án 996, theo ông Hải, phần lớn doanh nghiệp chưa nhận thức đúng và đầy đủ vai trò của đo lường, nên hoạt động đo lường chỉ đáp ứng yêu cầu bắt buộc của quản lý Nhà nước, không được đầu tư tăng cường để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và hiệu quả sản xuất kinh doanh,... Vì vậy, mục tiêu chung của đề án 996 là phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình ĐBĐL tại doanh nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội để đóng góp phát triển hoạt động đo lường. Để thực hiện, đề án đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ - giải pháp gồm đổi mới, sửa đổi chính sách; phát triển hạ tầng đo lường quốc gia; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đo lường; hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa; tăng cường hợp tác quốc tế; đẩy mạnh truyền thông về hoạt động đo lường. Trong đó, xuất phát từ nhu cầu thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, chương trình hỗ trợ xây dựng và triển khai ĐBĐL tại doanh nghiệp được thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua việc tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường tại doanh nghiệp.
Đảm bảo đo lường là việc tập hợp các nhiệm vụ, giải pháp và nguồn lực thực hiện; tăng cường, đổi mới kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường, thiết bị thử nghiệm, kiểm tra, phương pháp đo, thử nghiệm, kiểm tra lượng của hàng đóng gói sẵn, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp. Việc xây dựng và triển khai chương trình ĐBĐL tại doanh nghiệp gồm các bước phân tích thực trạng; xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; tổ chức triển khai thực hiện; đánh giá hiệu quả.
Trong đó, phân tích thực trạng nhằm mục đích đánh giá khách quan về trình độ ĐBĐL tại doanh nghiệp, xác định những sự không phù hợp hoặc nhu cầu đổi mới; xác định khả năng và phương án đổi mới tình trạng ĐBĐL để giải quyết các vấn đề quản lý tại doanh nghiệp; đánh giá sự cần thiết và chuẩn bị đề xuất các biện pháp khắc phục, phòng ngừa, cải tiến và đổi mới để ĐBĐL tại doanh nghiệp đạt được tình trạng tối ưu. Từ kết quả phân tích thực trạng hoạt động đo lường sẽ dẫn đến các nội dung thuyết minh chương trình như đề xuất các biện pháp ĐBĐL (những vấn đề/công việc cần được tăng cường, đổi mới) và dự kiến hiệu quả của các biện pháp ĐBĐL (giảm tổn thất kinh tế, giảm chi phí nghiên cứu vận hành nhờ đổi mới, áp dụng phương pháp đo mới,…).
Dự thảo chương trình ĐBĐL tại doanh nghiệp gồm các nội dung về mục tiêu chung; mục tiêu cụ thể; nhiệm vụ 1 (rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản triển khai thực hiện ĐBĐL đang áp dụng); nhiệm vụ 2 (rà soát, tăng cường thực hiện ĐBĐL); nhiệm vụ 3 (ứng dụng công nghệ đo lường tiên tiến, đổi mới tăng cường ĐBĐL theo định hướng phát triển của sản xuất, kinh doanh; nhiệm vụ 4 (đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật và quản lý về đo lường); nhiệm vụ 5 (xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng của các đơn vị, bộ phận sản xuất, chế tạo, thử nghiệm, kiểm định,…).
Các học viên tại lớp tập huấn
Tại lớp tập huấn, ông Hải cũng thông tin thêm về một số nhiệm vụ khác đã và đang được thực hiện nhằm hỗ trợ xây dựng và triển khai ĐBĐL tại doanh nghiệp như: Xây dựng chương trình, tài liệu, đào tạo, khảo sát và triển khai thí điểm chương trình ĐBĐL; Xây dựng các bộ tài liệu về kỹ thuật đo cho các lĩnh vực đo lường giai đoạn 2021 – 2023; Xây dựng mô hình điểm về ĐBĐL nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế và các Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh 2023 – 2024;…
Bà Võ Đình Liên Ngọc cho biết thêm, bên cạnh các chương trình hỗ trợ của Trung ương, Bộ KH&CN, tại TP.HCM cũng đang có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp về ĐBĐL, đảm bảo chất lượng hàng hóa, công bố đấu định lượng, kiểm định hiệu chuẩn phương tiện đo,… Khi tham gia các chương trình hỗ trợ này, doanh nghiệp có thể nhận biết, nắm rõ hơn về hiệu chuẩn phương tiện đo, kiểm định, kiểm soát đo lường, phương tiện đo phù hợp giúp tránh được thất thoát lãng phí, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng uy tín nhãn hiệu sản phẩm của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có nhu cầu được hỗ trợ, tư vấn hoặc tham gia chương trình ĐBĐL có thể liên hệ với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM để được hướng dẫn.
Lam Vân (CESTI)
Cổng quản lý nhiệm vụ hợp tác giữa TP.HCM và ĐHQG TP.HCM có chức năng hỗ trợ theo dõi tiến độ triển khai các nhóm nhiệm vụ và số lượng nhiệm vụ thuộc Chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2025.
Ngày 19/9/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Dữ liệu ĐHQG TP.HCM tổ chức Hội nghị phổ biến, hướng dẫn sử dụng Cổng quản lý nhiệm vụ hợp tác giữa TP.HCM và ĐHQG TP.HCM.
Đại biểu tham dự Hội nghị là đại diện các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình hợp tác giữa UBND TP.HCM với ĐHQG TP.HCM giai đoạn 2022 – 2025, cùng thành viên Tổ công tác liên ngành triển khai thực hiện Chương trình hợp tác giữa UBND TP.HCM với ĐHQG TP.HCM giai đoạn 2022 – 2025.
Tại Hội nghị, ông Bùi Quốc Anh (Giám đốc Trung tâm Dữ liệu ĐHQG TP.HCM) đã giới thiệu về Cổng quản lý nhiệm vụ hợp tác giữa TP.HCM và ĐHQG TP.HCM cùng các bước thao tác, thực hiện trên Cổng.
Theo đó, Cổng quản lý nhiệm vụ hợp tác giữa TP.HCM và ĐHQG TP.HCM có chức năng hỗ trợ theo dõi tiến độ triển khai các nhóm nhiệm vụ và số lượng nhiệm vụ thuộc Chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2025. Cổng có biểu đồ phân bố nhiệm vụ của đơn vị phía UBND TP.HCM và biểu đồ phân bố nhiệm vụ của đơn vị phía ĐHQG TP.HCM. Các nhiệm vụ được chia thành từng nhóm nhiệm vụ cụ thể, ví dụ như: Nhóm #1 – Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022; Nhóm #1 – Các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023… Từng nhiệm vụ được cập nhật, bổ sung thông tin chi tiết như đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, thành viên, tiến độ, lộ trình…
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi, đóng góp ý kiến để hoàn thiện Cổng quản lý nhiệm vụ hợp tác giữa TP.HCM và ĐHQG TP.HCM. Dự kiến Cổng sẽ chính thức ra mắt trong tháng 11/2023.
Trước đó, ngày 2/7/2023, UBND TP.HCM và ĐHQG TP.HCM đã ký kết Chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2025. Nội dung ký kết hợp tác giữa hai đơn vị gồm 4 lĩnh vực chính: Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; Nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM; Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; và Phát triển hạ tầng Khu Đô thị ĐHQG TP.HCM. Chương trình hợp tác nhằm phục vụ mục tiêu phát triển và hội nhập kinh tế - xã hội của TPHCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong giai đoạn 2022-2025; thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ĐHQG TPHCM trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Hoàng Kim (CESTI)
Các nhà khoa học TP.HCM vừa hoàn thiện quy trình tổng hợp và chế tạo một loại vật liệu có khả năng hấp thụ đáng kể không khí chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và vi sinh, phù hợp để ứng dụng nhanh trong ngành y tế và một số lĩnh vực cần tức thời lọc không khí và kháng khuẩn trong môi trường.
Phòng khám nha khoa là những khu vực tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao do sự hiện diện của một lượng lớn các sol khí (aerosol) chứa các vi sinh vật sống (còn được gọi là sol khí sinh học bioaerosol) được phát tán từ các khoang miệng của bệnh nhân đang được điều trị nha khoa.
Các báo cáo cho thấy mật độ của các hạt sol khí và giọt chất lỏng (giọt nước lỏng) bắn tung tóe là cao nhất trong một số công đoạn điều trị nha khoa như công đoạn cạo vôi răng hoặc công đoạn khoan trám răng. Những vi sinh vật sống được tìm thấy rất phổ biến trong phòng khám nha khoa là trực khuẩn mủ xanh, khuẩn tụ cầu vàng; và chúng là thủ phạm gây nhiễm khuẩn các cơ sở y tế và có khả năng gây tử vong cao.
Bên cạnh đó các vật tư tiêu hao, vật tư sát khuẩn nhanh thường phát thải một lượng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) nhất định như ethanol, formaldehyde. Tuy nhiên, việc làm sạch không khí trong phòng khám và điều trị nha khoa ở TP.HCM chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các sol khí và VOCs phát tán ra môi trường ngoài phòng khám thông qua hệ thống thông gió. Việc xử lý tại chỗ các nguồn ô nhiễm này cần được quan tâm đúng mức khi mật đô dân cư thành phố cùng với vấn đề ô nhiễm không khí đang ở mức báo động.
Từ thực tế này, các nhà khoa học tại Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) đã triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Chế tạo màng lọc đa chức năng ứng dụng làm sạch không khí chứa VOCs và vi sinh".
GS.TSKH. Lưu Cẩm Lộc - Chủ tịch Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ thị phạm sản phẩm của nghiên cứu
TS. Trần Thụy Tuyết Mai - chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, nhóm đã thiết kết vật liệu co-doping Ag và Ni trên nền cryptomelane có khả năng oxy hóa hoàn toàn formaldehyde (~57% HCHO đã được xử lý) ở nhiệt độ phòng 30 độ C, độ ẩm 62 %. Hơn nữa vật liệu Ag/Ni-OMS-2 còn có khả năng kháng trực khuẩn mủ xanh và khuẩn tụ cầu vàng với đường kính vòng ức chế sự phát triển của vi khuẩn đạt 13 mm khi nồng độ Ag/Ni-OMS-2 phân tán 2g/L.
TS. Trần Thụy Tuyết Mai tại buổi báo cáo nghiệm thu nhiệm vụ
Những kết quả đạt được cho thấy Ag/Ni-OMS-2 là vật liệu tiềm năng cho màng lọc đa chức năng ứng dụng làm sạch không khí chứa VOCs và vi sinh. Trên cơ sở vật liệu Ag/Ni-OMS-2, TS. Trần Thụy Tuyết Mai và cộng sự đã biến tính vật liệu cryptomelane với graphite bằng phương pháp đồng kết tủa. Kết quả vật liệu sau biến tính (Ng4) chứa 44,44% Mn; 1,62% K; 6,55% Ag; 0,05% Ni (% khối lượng, theo phân tích ICP-MS). Màng chế tạo từ vật liệu Ng4 có ứng suất Young 298 N/mm2.
Kết quả đánh giá hoạt tính xử lý hơi ethanol và hơi formaldehyde ở vùng nhiệt độ thấp (< 100 độ C) cho thấy ở nhiệt độ phản ứng 50 độ C, độ ẩm 65%, độ chuyển hóa tổng cộng formaldehyde tương ứng là 70 %. Ở nhiệt độ 50 độ C, màng chế tạo có khả năng xử lý ~25% ethanol trong suốt 56 giờ thử nghiệm. Màng Ng4 cũng có khả năng xử lý ~80% formaldehyde ở nhiệt độ phản ứng là 60 độ C.
Đáng chú ý, màng cryptomelane có khả năng kháng khuẩn tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh với đường kính vòng kháng khuẩn tương ứng là 11,2 ± 2,0 mm và 8,3 ± 0,2 mm. Ngoài ra màng chế tạo còn có khả năng kháng khuẩn Streptococci mutans với đường kính vòng kháng khuẩn là 8,1 ± 0,3 mm.
Kết quả thử nghiệm tại Viện vệ sinh y tế công cộng ghi nhận màng chế tạo có khả năng khuẩn Shigella sonnei với độ rộng vùng ức chế là 2,2 mm và khả năng kháng Staphyl (tụ cầu vàng) với độ rộng vùng ức chế là 2,6 mm (theo phương pháp AATCC TM147-2011 (2016e)).
Kết quả đánh giá khả năng diệt khuẩn trên màng cryptomelane biến tính ghi nhận tỷ lệ suy giảm khuẩn sau 24 giờ là 100% (theo phương pháp AATCC TM100-2019).
Sản phẩm màng/tấm lọc Mdoped cryptomelane kích thước 25x25 cm
Những kết quả bên trên cho thấy màng cryptomelane là màng đa chức năng có khả năng xử lý các hợp chất hữu cơ (ethanol và formaldehyde) ở nhiệt độ thấp (<100 độ C) và có khả năng kháng chủng loại vi sinh gram âm, gram dương điển hình như khuẩn tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh. Hơn nữa màng chế tạo còn có khả năng kháng khuẩn lỵ Shigella sonnei và khuẩn gây bệnh sâu răng Streptococci mutans. Có thể nói, màng cryptomelane chế tạo có nhiều tiềm năng ứng dụng trong xử lý không khí cơ sở y tế, đồng thời bột cryptomelane chế tạo có thể ứng dụng làm vật liệu sơn phủ chứa lớp kháng khuẩn và xử lý không khí ô nhiễm trong môi trường y tế.
Báo cáo trước Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ vừa được tổ chức, TS. Trần Thụy Tuyết Mai cho biết: các báo cáo liên quan cho thấy nhiễm khuẩn bệnh viện đang là một trong những vấn đề nghiệm trong khi tỷ lệ bệnh nhân nhiễm khuẩn bệnh viện và tử vong ngày càng tăng cao. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do các loại vi khuẩn, chẳng hạn như Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh), Escherichia coli, Staphylococcus aureus (khuẩn tụ cầu vàng), Trong môi trường bệnh viện, trực khuẩn mủ xanh thường tìm thấy ở đầu các ống thông, máy khí dung, máy hô hấp nhân tạo, máy hút ẩm, bình chứa nước, thậm chí ở trong cả một số dung dịch sát khuẩn dùng để rửa vết thương. Trong khi đó, tụ cầu vàng được tìm thấy nhiều nhất ở các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở nha khoa. Tụ cầu vàng tồn tại trong cơ thể người và có nhiều trong dịch nhầy. Tại các cơ sở nha khoa, một số quy trình như cạo vôi răng có sử dụng siêu âm hoặc khoan tốc độ cao tạo điều kiện cho vi khuẩn này phát tán vào không khí và môi trường. Từ đó, nguy cơ nhiễm khuẩn của nhân viên y tế và bệnh nhân là rất cao. Hệ thống lọc không khí ứng dụng bộ lọc hiệu suất cao (High Efficiency Particulate Air filter – HEPA) được sử dụng nhiều trong các cơ sở nha khoa, y tế, phòng sạch. Các nghiên cứu trước đây trên thế giới đã chỉ ra rằng thiết bị lọc không khí IQAir Cleanroom H13 với trang bị HEPA có thể làm giảm từ 75-93% lượng S.aureus kháng methicillin (MRSA) có trong môi trường không khí đối với phòng dành cho bệnh nhân dương tính với MRSA. Các bộ lọc HEPA hoạt động dựa trên nguyên tắc rây, tức các sợi vật liệu của HEPA sẽ tạo thành rây có kích thước đủ nhỏ, phối hợp với sự lưu chuyển của dòng không khí để lưu giữ bụi mịn, vi sinh vật hay thậm chí VOCs trên màng lọc. Tuy nhiên, HEPA chỉ thể hiện tác dụng “bắt giữ” các vi sinh vật nhưng chưa có tác dụng tiêu diệt hoàn toàn chúng. Cụ thể, chủng khuẩn cùng giống với tụ cầu vàng là tụ cầu da (Staphylococcus epidermidis) có thể tồn tại 5 ngày sau khi bị “bắt giữ” bằng màng lọc HEPA. Ngoài ra, khuẩn MS-2 coliphage và Aspergillus brasiliensis có thể sống đến ngày thứ sáu, thậm chí trường hợp của khuẩn Bacillus atrophaeus là hơn 210 ngày trên màng lọc HEPA. "Vì vậy việc nghiên cứu ứng vật liệu có khả năng kháng S.aureus, kháng trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa nhằm áp dụng trong màng lọc làm sạch không khí hoặc làm phụ gia cho các vật liệu tiêu hao dùng trong các phòng khám y tế, nha khoa rất đáng được quan tâm", TS. Trần Thụy Tuyết Mai thông tin. |
Các thành viên hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ trao đổi với đại diện nhóm nghiên cứu về kết quả của sản phẩm
Là một phần của nhiệm vụ, nhóm các nhà khoa học tại Trường Đại học Bách Khoa (TP.HCM) cũng đã hoàn thiện Quy trình tổng hợp vật liệu đa chức năng với các minh chứng về định danh vật liệu và khả năng oxy hóa hoàn toàn VOCs ở nhiệt độ thấp, cũng như khả năng kháng khuẩn tốt; và Quy trình chế tạo màng lọc không khí đa chức năng Mdoped cryptomelane.
Thông tin liên hệ: E-mail: tuyetmai@hcmut.edu.vn - khcn@hcmut.edu.vn Website: www.hcmut.edu.vn |