SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Câu lạc bộ dự kiến chính thức ra mắt cuối tháng 10 năm nay với sự tham gia của các doanh nghiệp KH&CN, Sở KH&CN TP.HCM, các chuyên gia, nhà khoa học cùng các đơn vị truyền thông.

 

Sáng 28.9, Sở KH&CN TP.HCM và đại diện các doanh nghiệp KH&CN của thành phố đã có buổi gặp mặt và thảo luận chuẩn bị cho việc thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp KH&CN TP.HCM.

Ông Chu Bá Long, Phó trưởng phòng Quản lý công nghệ và Thị trường Công nghệ - Sở KH&CN TP.HCM, cho biết: “Câu lạc bộ dự kiến chính thức ra mắt cuối tháng 10 năm nay. Ngoài các doanh nghiệp KH&CN của thành phố, Câu lạc bộ có sự tham gia của Sở KH&CN TP.HCM, các chuyên gia, nhà khoa học cùng các đơn vị truyền thông.”

TP.HCM sắp có Câu lạc bộ doanh nghiệp KH&CN - 1

Ông Chu Bá Long trình bày với các doanh nghiệp về mục đích, kế hoạch dự thảo thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp KH&CN TP.HCM

Trong thời gian qua, số lượng doanh nghiệp KH&CN tại TP.HCM đã có sự phát triển vượt bậc từ 35 doanh nghiệp cuối năm 2017 lên tới 64 doanh nghiệp. TP.HCM cũng vượt qua Hà Nội để trở thành địa phương có nhiều doanh nghiệp KH&CN nhất cả nước.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp dù đã được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Chia sẻ về điều này, ông Đỗ Hoàng Trung, Chủ tịch HĐQT IDEA Group, nói: “Không chỉ cạnh tranh trên thị trường, sự cạnh tranh trong lĩnh vực nhân sự cũng hết sức khốc liệt. Chỉ trong thời gian ngắn, công ty bị mất hàng chục nhân sự có kinh nghiệm trên 3 năm. Chi phí đầu tư công nghệ mới cũng rất lớn nhưng phải bắt buộc phải có để cạnh tranh được trên thị trường.”

Cùng với đó, hàng loạt khó khăn khác như đăng ký sở hữu trí tuệ, tìm kiếm và phát triển công nghệ, đăng ký cho sản phẩm mới… cũng được các doanh nghiệp nêu ra.

Trong tình hình đó, Câu lạc bộ Doanh nghiệp KH&CN TP.HCM ra đời sẽ giúp các doanh nghiệp KH&CN, Sở KH&CN TP.HCM và các đơn vị tăng cường hợp tác, cùng tháo gỡ khó khăn để phát triển.

Ngoài ra, việc ứng dụng phát triển KH&CN đang được các doanh nghiệp xem là nền tảng, cơ sở quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp trên thị trường. Câu lạc bộ sẽ vừa là sân chơi chung, vừa là nơi các doanh nghiệp có điều kiện giao lưu học hỏi, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc điều hành công ty VietFuji, nhận xét: “Thị trường Việt Nam rộng lớn nhưng các công ty nước ngoài chiếm lĩnh thị phần rất lớn. Doanh nghiệp Việt muốn tồn tại và phát triển không thể thiếu sự hợp tác, kết nối với nhau.”

TP.HCM sắp có Câu lạc bộ doanh nghiệp KH&CN - 2

Bên lề buổi gặp mặt, đại diện các doanh nghiệp đã tiếp xúc, trao đổi về khả năng hợp tác

Bên cạnh đó, thông qua hoạt động của Câu lạc bộ, các doanh nghiệp cùng Sở KH&CN TP.HCM và các đơn vị liên quan sẽ trao đổi chia sẻ về quản lý, chính sách phát triển KH&CN trên địa bàn thành phố. Câu lạc bộ cũng đóng vai trò đầu mối kết nối doanh nghiệp với các trường viện nhằm hỗ trợ nghiên cứu phát triển và ứng dụng KH&CN, góp phần nâng cao chất lượng, phát triển doanh nghiệp KH&CN tại TP.HCM.

Kỳ vọng về sự ra đời của Câu lạc bộ, ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Kỹ thuật công ty Ewater, cho biết: “Các quy định về doanh nghiệp KH&CN còn mới. Các doanh nghiệp có kinh nghiệm có thể chia sẻ, hướng dẫn cho doanh nghiệp mới. Câu lạc bộ cũng tạo thị trường kết nối giữa các doanh nghiệp KH&CN và là nơi chia sẻ giữa doanh nghiệp với nhà nước để điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Chúng tôi cũng mong muốn được hỗ trợ, đào tạo về sở hữu trí tuệ, hoạt động tài chính thông qua câu lạc bộ này.”

 
Phạm Sơn - khampha.vn

Ba trong số năm dự án của Việt Nam được cộng đồng quan tâm nhiều nhất thông qua hệ thống bình chọn trực tuyến tại Chợ phiên khởi nghiệp thuộc về các startup nông nghiệp.

 

Startup Việt được nhiều người "nhòm ngó" tại Chợ phiên khởi nghiệp - 1

Kết quả khảo sát trực tuyến tại Chợ phiên khởi nghiệp cho thấy, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam dành được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Ảnh: Hà Thế An.

Trong khuôn khổ Chợ phiên khởi nghiệp lần 1 do Saigon Innovation Hub (SIHUB) tổ chức vừa qua, hoạt động bình chọn sản phẩm, công nghệ thông qua Phiên Đấu Xảo đã diễn ra vô cùng sôi nổi.

Trong top 15 sản phẩm, công nghệ được quan tâm nhiều nhất thông qua hệ thống bình chọn trực tuyến, có 5 doanh nghiệp của Việt Nam và có đến 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cụ thể, 3 doanh nghiệp nông nghiệp được quan tâm nhiều nhất là: Thiết bị sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời của công ty Setech, thực phẩm ứng dụng công nghệ của Nông Lâm Food và đậu đen xanh lòng giúp giải nhiệt của Mộc Thanh Trà.

Theo nhận xét của hội đồng đánh giá, các dự án của Việt Nam tham gia chương trình bình chọn chưa thật sự nổi bật, đặc biệt kỹ năng chuẩn bị nội dung cũng như thuyết trình chưa đủ ấn tượng. Đây là yếu điểm mà startup cũng như doanh nghiệp Việt cần cải thiện nếu muốn tìm kiếm đối tác, đầu tư và đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài. 

Trong khi đó, các công nghệ Hàn Quốc đã gây ấn tượng mạnh bởi 10 trong số 15 doanh nghiệp được bình chọn và quan tâm nhiều nhất là những dự án khởi nghiệp của đất nước này.

Đặc biệt, các dự án được bình chọn đa số là những sản phẩm công nghệ phục vụ trong lĩnh vực y tế. Một số sản phẩm nổi bật của Hàn Quốc đứng đầu bảng xếp hạng như: Thiết bị chẩn đoán bệnh sốt rét nhanh và chính xác, thiết bị siêu âm di động, thiết bị xét nghiệm HIV cầm tay, thùng thuốc tự động nhắc nhở thời gian uống thuốc, thiết bị kiểm tra sức khoẻ của mắt cầm tay…

Ông Huỳnh Kim Tước, CEO Saigon Innovation Hub chia sẻ, chương trình bình chọn sản phẩm, công nghệ này được tổ chức hướng đến việc giúp cho doanh nghiệp Việt có cơ hội giới thiệu sản phẩm đến nhà đầu tư đồng thời kết nối những công nghệ, sản phẩm sáng tạo của nước ngoài với thị trường Việt Nam.

“Chúng tôi cũng mong muốn Chương trình sẽ tạo ra cơ hội học hỏi, giao lưu để các bạn trẻ không ngừng nâng cao kỹ năng, kiến thức, thấy thế giới họ sáng tạo ra sao để nhìn lại mình và phấn đấu hơn nữa”- ông Tước nói.

Dự kiến, Chợ phiên khởi nghiệp sẽ tổ chức định kỳ 3 tháng một lần tại SIHUB, số 273 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM.

 
Hà Thế An - khampha.vn

20 lãnh đạo chủ chốt của hệ sinh thái khởi nghiệp TP.HCM sẽ được tham gia lớp tập huấn về những chương trình và phương pháp đổi mới sáng tạo mới nhất trên thế giới.

 

Sáng 26/9, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, có buổi tiếp và làm việc với bà Karlene Davis, Tổng lãnh sự New Zealand tại TP.HCM về việc phối hợp tổ chức khóa tập huấn và thực hành thiết kế hệ sinh thái cho các nhà lãnh đạo hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại TP.HCM.

New Zealand hỗ trợ TP.HCM trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo - 1

Đây là kết quả triển khai từ nội dung buổi gặp trước đó giữa ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Brett Holland từ Creative HQ, New Zealand.

Theo đề xuất của Creative HQ, khóa tập huấn được thiết kế cho khoảng 20 lãnh đạo chủ chốt của hệ sinh thái khởi nghiệp TP.HCM gồm những lãnh đạo chịu trách nhiệm đánh giá và ra quyết định liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố, những người triển khai chương trình Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp, các chuyên gia học thuật, nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Qua khóa tập huấn, người học sẽ được tìm hiểu về những chương trình và phương pháp đổi mới sáng tạo mới nhất trên thế giới. Creative HQ cũng sẽ cùng với người học xác định những lĩnh vực trọng tâm, các vấn đề ưu tiên cần giải quyết nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP.HCM và xây dựng các kế hoạch, giải pháp. Sau khi kết thúc khóa học, học viên sẽ được nhận chứng chỉ về Thiết kế chương trình Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công của Creative HQ.

Bà Karlene Davis cho biết: “Mục tiêu của chương trình nhằm chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về xây dựng hệ thống tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp của New Zealand với TP.HCM. Chương trình được thiết kế riêng để phù hợp với đặc điểm của TP.HCM.”

New Zealand hỗ trợ TP.HCM trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo - 2

Theo bà Karlene Davis, nội dung khóa tập huấn sẽ được thiết kế phù hợp với đặc điểm, định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của TP.HCM

Về phần mình, ông Nguyễn Việt Dũng khẳng định Sở KH&CN TP.HCM sẽ tiếp tục trao đổi thống nhất danh sách học viên cũng như kế hoạch triển khai để chương trình có thể thực hiện sớm nhất trong khả năng, dự kiến vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.

Ngoài ra, ông Nguyễn Việt Dũng cũng mong muốn các doanh nghiệp, đơn vị của New Zealand sẽ tham gia vào các hoạt động tại Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM (WHISE) trong những năm tới. Đáp lại, Bà Karlene Davis cho biết, Tổng lãnh sự New Zealand tại TP.HCM rất hân hạnh được hỗ trợ, làm cầu nối giữa các bên.

 

 
Phạm Sơn - khampha.vn

Những gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp “đắt hàng” tại Chợ phiên khởi nghiệp lần 1.

 

Những sản phẩm 'độc, lạ' bán chạy tại Chợ phiên khởi nghiệp - 1

Các gian hàng tại Chợ phiên khởi nghiệp đều chật cứng khách tham quan. Ảnh: Hà Thế An.

Hoạt động này do Saigon Innovation Hub cùng nhiều đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp TP.HCM tổ chức vào ngày 22/09 vừa qua.

Chợ phiên khởi nghiệp mô phỏng hoạt động mua bán tại của các phiên chợ vùng cao. Tại chợ phiên đã phân ra nhiều làng - là mỗi khu vực bán hàng chuyên biệt gồm: Làng công nghệ Hàn Quốc (trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp Hàn Quốc), làng giáo dục sáng tạo (trưng bày các sản phẩm giáo dục STEM), làng sản phẩm khởi nghiệp vùng Mêkông (sản vật đồng bằng sông Cửu Long), làng ĐH (trưng bày sản phẩm từ trường ĐH).

Trong đó các sản phẩm thực phẩm, sản vật nông nghiệp được cộng đồng quan tâm và sử dụng nhiều nhất tại phiên chợ.

Bạn Nguyễn Minh Hiếu, 22 tuổi, khách tham quan tại Chợ phiên đã kịp mua đầy một giỏ gồm trà chùm ngây, cam sạch, và nước nhân sâm. Hiếu chia sẻ, nhiều sản phẩm tại chợ phiên rất độc đáo mà những hội chợ bình thường không có được.

“Mình bị đau dạ dày nên phải hạn chế uống trà. Tuy nhiên, tại một gian hàng lại trưng bày loại trà được làm từ chùm ngây. Đây là loại thảo dược rất tốt cho sức khỏe. Vậy là mình quyết định mua một hộp trà loại này. Sở thích uống trà của mình lại được tiếp tục”- Hiếu kể.

Chợ phiên khởi nghiệp có hơn 100 gian hàng của các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ khắp đất nước. Dự kiến, chợ phiên khởi nghiệp sẽ được tổ chức định kỳ 3 tháng một lần tại Saigon Innovation Hub (số 273 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM).

Những sản phẩm 'độc, lạ' bán chạy tại Chợ phiên khởi nghiệp - 2

Công nghệ trồng rau khí canh trên ống nhựa PVC của một doanh nghiệp tại Quận 8, TP.HCM. Điều độc đáo này là những ống nhựa PVC này có khả năng di động nhằm hấp thu ánh sáng mặt trời tốt hơn vào tất cả các thời điểm trong ngày, giúp các loại rau trồng trên giá thể phát triển tốt hơn.

Những sản phẩm 'độc, lạ' bán chạy tại Chợ phiên khởi nghiệp - 3

Sản phẩm nho khô đỏ của anh Đào Duy Nguyên, sống tại Ninh Thuận. Anh Nguyên sử dụng công nghệ sấy nhiệt nóng để giữ gần như toàn bộ chất dinh dưỡng và vị ngọt của nho. Anh cũng cho biết là đã tự mình sáng chế ra chiếc máy sấy bằng công nghệ này nhờ vốn kiến thức khi còn là sinh viên khoa cơ khí, ĐH Công nghiệp TP.HCM.

Những sản phẩm 'độc, lạ' bán chạy tại Chợ phiên khởi nghiệp - 4

Sản phẩm tiêu sạch của một doanh nghiệp ở Đăk Lăk. Sản phẩm này hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu khi tiêu bị bệnh mà sử dụng các chế phẩm vi sinh. Mỗi vụ, trang trại này thu hoạch được khoảng 25 tấn tiêu trên diện dích 10 héc ta với 1.600 trụ tiêu.

Những sản phẩm 'độc, lạ' bán chạy tại Chợ phiên khởi nghiệp - 5

Sản phẩm hạt hạnh nhân ướp nhiều hương vị khác nhau như: hạnh nhân muối, hạnh nhân mật ong, hạnh nhân phô mai, hạnh nhân sữa chua... thu hút sự tò mò của khách tham quan. Ngoài ra doanh nghiệp này còn kinh doanh hạt óc chó (có tác dụng tốt cho phụ nữ mang thai). Chị Nguyễn Thanh Trà, đại diện doanh nghiệp cho biết, các loại hạt này đều nhập khẩu từ Mỹ, và hiện các loại hạt này đang bán rất chạy tại Việt Nam.

Những sản phẩm 'độc, lạ' bán chạy tại Chợ phiên khởi nghiệp - 6

Mỗi mớ rau sạch chuẩn Organic của doanh nghiệp này chỉ có giá khoảng 20.000 đồng.

Những sản phẩm 'độc, lạ' bán chạy tại Chợ phiên khởi nghiệp - 7

Chiếc thuyền bác các đặc sản tỉnh Đồng Tháp như: hạt sen, bánh hỏi, phở khô Sa Đéc, mắm...

Những sản phẩm 'độc, lạ' bán chạy tại Chợ phiên khởi nghiệp - 8

Viên nén thực phẩm chức năng từ nghệ có chưa nano curcumin của Lê Minh Tuấn, cựu sinh viên ĐH khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM. Tuấn và đồng sự đã dành thời gian 5 năm trời nghiên cứu công nghệ sản xuất viên nén này.

Những sản phẩm 'độc, lạ' bán chạy tại Chợ phiên khởi nghiệp - 9

Lê Thị Mỹ Dung đang pha trà mời khách thưởng thức sản phẩm Ngọc Trà. Dung là một trong những người tiếp nối phát triển sản phẩm Ngọc Trà của Nguyễn Thị Bích Ngọc (người sáng lập thương hiệu Ngọc Trà) sau khi cô qua đời.

Những sản phẩm 'độc, lạ' bán chạy tại Chợ phiên khởi nghiệp - 10

Ngoài ra, tại Chợ phiên khởi nghiệp còn có các gian hàng của các startup giáo dục STEM.

Những sản phẩm 'độc, lạ' bán chạy tại Chợ phiên khởi nghiệp - 11

Món kimbap của Hàn Quốc xuất hiện tại Chợ phiên khởi nghiệp.

Những sản phẩm 'độc, lạ' bán chạy tại Chợ phiên khởi nghiệp - 12

Nhiều bạn trẻ thích thú khi mua sắm tại Chợ phiên khởi nghiệp lần 1.

 
Hà Thế An - khampha.vn

Việc thành lập ICT Shinhan tại Việt Nam sẽ là tác nhân ban đầu đánh dấu cho sự hợp tác lâu dài giữa tập đoàn tài chính Shinhan - Hàn Quốc với Sở KH&CN TP.HCM.

 

Chiều 17.9, Sở KH&CN TP.HCM đã có buổi làm việc với tập đoàn tài chính Shinhan, Hàn Quốc. Shinhan là một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu Hàn Quốc gồm 14 công ty con. Vào ngày mai 18.9, Shinhan sẽ khai trương trung tâm công nghệ thông tin ICT Shinhan tại TP.HCM.

TP.HCM và tập đoàn Shinhan hợp tác lâu dài để phát triển CNTT - 1

Chiều 17.9, tập đoàn tài chính Shinhan và Sở KH&CN TP.HCM có buổi làm việc, thảo luận hợp tác tại Sở KH&CN TP.HCM

Chia sẻ về quyết định này, ông Yoo Dong Wook, Tổng giám đốc Shinhan Data System, cho biết: “Ngành Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam đang phát triển nhanh trong khi Shinhan có nhiều kinh nghiệm trong ngành này, đặc biệt là kỹ thuật số. Chúng tôi mong muốn ICT Shinhan sẽ góp phần vào sự phát triển chung của 2 bên.”

TP.HCM và tập đoàn Shinhan hợp tác lâu dài để phát triển CNTT - 2

Đại diện tập đoàn Shinhan nhận định Công nghệ thông tin - Truyền thông là lĩnh vực 2 bên có nhiều cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm

Công nghệ thông tin - Truyền thông cũng là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm của TP.HCM. Đặc biệt, TP.HCM đang triển khai đề án xây dựng TP.HCM thành thành phố thông minh và đề án xây dựng khu đô thị đổi mới sáng tạo. Thành phố cũng rất hoan nghênh sự tham gia của các doanh nghiệp lớn như Shinhan.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho rằng: “Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu về phát triển thành phố thông minh. Hai bên có nhiều cơ hội hợp tác về xây dựng thành phố thông minh, nghiên cứu phát triển sản phẩm, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Sự thành lập ICT Shinhan tại Việt Nam sẽ là tác nhân ban đầu cho sự hợp tác lâu dài giữa 2 bên.”

Giám đốc Sở KHCN TP.HCM cũng bày tỏ hi vọng, Shinhan không chỉ tiếp tục hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, mà còn tiến hành chuyển giao công nghệ và hợp tác phát triển CNTT cùng doanh nghiệp ở thành phố. Theo ông Nguyễn Việt Dũng, thành phố có đội ngũ nhân lực và doanh nghiệp CNTT giàu năng lực và rất năng động.

Không chỉ gói gọn trong những nội dung hợp tác giữa tập đoàn tài chính Shinhan và Sở KH&CN TP.HCM mà sự kết nối này cũng mở ra thêm nhiều cơ hội giao lưu cho doanh nghiệp 2 nước.

Đại diện Shinhan cho hay nhiều doanh nghiệp, trường đại học của Hàn Quốc đang có mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp, trường viện của TP.HCM. Shinhan sẵn sàng đứng ra làm đầu mối kết nối các bên.

Về phía Sở KH&CN TP.HCM, ông Nguyễn Việt Dũng khẳng định 2 bên sẽ cùng hợp tác để kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Trước đó, vào tháng 8.2017, Saigon Innovation Hub (SIHUB) thuộc Sở KH&CN TP.HCM và Shinhan Future’s Lab thuộc tập đoàn tài chính Shinhan đã ký kết hợp tác triển khai các chương trình tăng tốc khởi nghiệp, kết nối nhà đầu tư tài chính, kết nối thị trường... để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ngành Fintech của Việt Nam.

 

 
Phạm Sơn - khampha.vn

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm, Sở KH-CN TPHCM, bà Chu Vân Hải, được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm trao quyết định bổ nhiệm cho bà Chu Vân Hải

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm trao quyết định bổ nhiệm cho bà Chu Vân Hải

Sáng 17-9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, đã trao quyết định bổ nhiệm bà Chu Vân Hải (Giám đốc Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm, Sở KH-CN TPHCM) giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, thời gian giữ chức vụ là 5 năm.

Tại buổi trao quyết định, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm mong muốn bà Chu Vân Hải nhanh chóng tiếp nhận công việc ở cương vị mới và cùng lãnh đạo, tập thể Sở KH-CN hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi bổ nhiệm, bà Chu Vân Hải cảm ơn lãnh đạo TPHCM đã tin tưởng, giao trọng trách và cam kết sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, bà Chu Vân Hải sẽ cùng lãnh đạo, tập thể Sở KH-CN tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là các chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ; chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Bà Chu Vân Hải sinh năm 1971, quê quán tỉnh Bắc Ninh, trình độ Tiến sỹ môi trường (chuyên ngành Độc tố học Môi trường), Cao cấp Lý luận Chính trị.

Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Sở KH-CN, bà Chu Vân Hải được phân công giữ chức Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TPHCM (CASE) từ năm 2010.

KIỀU PHONG - SGGP

TP sẽ luôn đồng hành, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư để xây dựng TP.HCM sớm trở thành đô thị thông minh (smart city).

 

Đó là nội dung được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nêu ra tại hội nghị mời gọi đầu tư xây dựng trung tâm điều hành smart city, Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội thuộc Đề án xây dựng TPHCM trở thành smart city do UBND TP tổ chức ngày 15/9.

Huy động nguồn lực đầu tư cho smart city

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Dương Anh Đức cho biết: Trung tâm Điều hành smart city là nơi tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu quan trọng của đô thị phục vụ điều hành quản lý tổng thể của lãnh đạo TP. Qua đó giúp giám sát, phân tích đánh giá chất lượng dịch vụ, hỗ trợ ra quyết định, xây dựng cơ chế, chính sách, định hướng phát triển TP. Đồng thời, Trung tâm Điều hành smart city tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng dễ dàng giao tiếp, phối hợp và đồng bộ các thông tin hoạt động theo thời gian thực để cung cấp bức tranh toàn cảnh về các hoạt động của TP cho lãnh đạo các cấp, giúp nâng tầm chất lượng các dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).

TP.HCM: Vận động người dân chung tay xây dựng thành phố thông minh - 1

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến tham quan các sản phẩm, công nghệ và giải pháp trong việc xây dựng đô thị thông minh trưng bày tại hội nghị.

Đối với trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TPHCM, trong giai đoạn 2018 - 2020, có mục tiêu mô phỏng xu hướng phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đối với các lĩnh vực có liên quan đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu thuộc giai đoạn 2015 - 2020 của TP phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, UBND TP và các cơ quan có liên quan; đáp ứng yêu cầu thông tin cần thiết phục vụ công tác ra quyết định của lãnh đạo TP.

Còn trong giai đoạn 2021 trở đi, mở rộng phạm vi mô phỏng xu hướng phát triển đối với tất cả lĩnh vực thuộc Đề án smart city phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, UBND TP và các cơ quan có liên quan. Nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu thông tin cần thiết phục vụ công tác ra quyết định của lãnh đạo TP.

 

Cũng tại hội nghị, trả lời câu hỏi của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đặt ra về mô hình đầu tư hợp lý smart city của TP, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn khẳng định, không thể có một mô hình nào để một DN, tổ chức làm toàn bộ cho TP mà cần có sự huy động lực lượng khác nhau và cùng phối hợp đầu tư cho TP trong tương lai.

Về tiêu chí để lựa chọn DN đầu tư vào TP, theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, TP cần chọn những DN có sự mạnh dạn trong việc đầu tư những mô hình giúp TP trải nghiệm trước, nhìn thấy thực tiễn. Về đầu ra của các trung tâm trong smart city là tạo tiện ích cho tất cả các đối tượng như người dân, học sinh - sinh viên, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các cơ quan chuyên môn….

Trong khi đó, ông Lê Dương Lâm, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Crowbiz (Mỹ) cho rằng: Xây dựng thành phố thông minh phải có giao thông thông minh và đều phải sử dụng khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Trong đó, có thể ứng dụng nền tảng đám mây Google (GCP), bigdata, tiền xử lý, phân tích dữ liệu thời gian thực hoặc dùng apps, sms.

Chung tay xây dựng thành phố thông minh

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Phát triển smart city ở Việt Nam nói chung và tại TPHCM nói riêng nhằm hướng tới mục tiêu là tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; phát huy các tiềm năng, lợi thế; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối đa hiệu quả tài nguyên con người; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; tăng cường sự tham gia giám sát của người dân; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế, hội nhập quốc tế…

Vì vậy, chính quyền TP sẽ triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, các điều kiện cần và đủ để tập trung thực hiện sớm đạt kết quả mà Đảng bộ và Nhân dân TP giao. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị các ngành, đặc biệt là Sở Thông tin và Truyền thông TP, với tư cách là cơ quan thường trực của đề án nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch của Đề án smart city. Đồng thời, xác định các lĩnh vực cụ thể để triển khai thực hiện ngay trong năm 2018. Các sở, ngành, quận, huyện tập trung công tác tuyên truyền để vận động người dân TP chung tay xây dựng thành phố thông minh.

TP.HCM: Vận động người dân chung tay xây dựng thành phố thông minh - 2

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu kết luận hội nghị.

Mặt khác, tiếp tục khuyến khích mời gọi các DN, thành phần kinh tế tham gia xây dựng smart city. Sở Thông tin và Truyền thông TP phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện để bổ sung, hoàn chỉnh các dữ liệu thích ứng với công nghệ; từ đó tham mưu cho Ban Điều hành Đề án smart city để đưa vào ứng dụng giúp các tổ chức, DN luôn thích ứng với các xu thế, nâng cao cải tiến công nghệ.

“Xây dựng đô thị thông minh là một quá trình liên tục và mang tính chất mở, cần phải thường xuyên cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh. Do đó, Ban Điều hành Đề án đô thị thông minh sẽ tiếp tục tiếp nhận các ý kiến của người dân, DN, tổ chức, các nhà khoa học trong quá trình tổ chức thực hiện đảm bảo việc triển khai được hiệu quả. TP sẽ luôn đồng hành, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư để xây dựng TPHCM sớm trở thành đô thị thông minh như mục tiêu mà đề án đã xác định” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Tại hội nghị, TPHCM kêu gọi đầu tư vào một số dự án thực hiện xây dựng Đề án smart city gồm: Xây dựng mô hình, kiến trúc tổng thể của Trung tâm điều hành smart city. Nâng cấp hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113 - 114 - 115 tích hợp, xây dựng Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp, cứu nạn cứu hộ của TPHCM thông qua đầu số viễn thông duy nhất.

Mở rộng cổng thông tin 1022 thành cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin của người dân, DN và tổ chức.

Tích hợp hệ thống các trạm quan trắc môi trường. Xây dựng và tích hợp Trung tâm quản lý chuyên ngành giáo dục. Xây dựng và tích hợp Trung tâm quản lý chuyên ngành y tế.

Xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh TP. Triển khai nền tảng tích hợp công nghệ cho Trung tâm điều hành. Xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng cần thiết cho trung tâm điều hành smart city.

 

Nguyễn Lý - khampha.vn

Sau hơn 4 tháng, ban tổ chức đã chọn ra các dự án xuất sắc tham gia vòng chung kết cuộc thi. Hãy cùng Tạp chí Khám Phá điểm qua một số dự án đang nhận được sự đánh giá cao tại cuộc thi này.

 

IoT Startup 2018 là cuộc thi do Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC) phối hợp cùng Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam SVF tổ chức với sự chỉ đạo của Khu Công nghệ cao TP.HCM và Sở KH&CN TP.HCM.

 

Thông qua cuộc thi, ban tổ chức mong muốn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đam mê sáng tạo trong lĩnh vực IoT (Internet-of-Things) của giới trẻ và cộng đồng khởi nghiệp; đồng thời hỗ trợ phát triển, ươm tạo và hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT, xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp IoT bền vững.

 

Vòng chung kết cuộc thi cũng là sự kiện nhằm kỷ niệm 16 năm thành lập Khu Công nghệ cao TP.HCM, dự kiến tổ chức trong khuôn khổ tuần lễ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 10.2018.

 

Dưới đây là một số dự án đang nhận được sự đánh giá cao tại cuộc thi này:

 

Camera 360 cho xe ô tô

 

Không chỉ gây khó khăn cho các tài xế, những “điểm mù” khi lái xe còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều tai nạn thương tâm không đáng có.

 

Để giải quyết vấn đề này, nhóm Oristech đã phát triển hệ thống “Camera 360 cho xe ô tô” như giải pháp toàn diện cho người dùng. Với các camera được gắn ở cả 4 phía của xe, hệ thống camera triệu tiêu hoàn toàn các điểm mù, giúp tài xế có thể dễ dàng quan sát toàn bộ không gian xung quanh xe. Đồng thời, hệ thống còn hiển thị vạch đánh lái giúp cho tài xế dễ dàng điều khiển xe tại những địa hình chật hẹp.

 

camera360

 

 

Ngoài ra, hệ thống tích hợp tính năng camera hành trình và định vị, giám sát xe qua GPS. Những hình ảnh camera thu lại cũng sẽ được hệ thống Trí tuệ nhân tạo phân tích và đưa ra cảnh báo sớm về tình trạng xe hay dự báo hành trình.

 

Nhờ ưu điểm là giải pháp được phát triển trong nước, hệ thống Camera 360 cho xe ô tô của Oristech giảm đáng kể chi phí tích hợp và vận hành so với giải pháp nước ngoài mà vẫn dễ dàng tích hợp vào các loại xe ô tô tại Việt Nam. Sản phẩm đáp ứng theo quy chuẩn công nghiệp ô tô và có thể tùy chỉnh theo yêu cầu đa dạng của người dùng.

 

Trong tương lai, Oristech sẽ nâng số lượng camera lên 8 chiếc và tích hợp thêm hệ thống radar cùng hệ thống hỗ trợ lái xe giúp tự động đỗ xe, quản lý xe, cảnh báo người lái.

 

NBOT & NBlock

 

Giáo dục STEM cho trẻ trở thành xu hướng của thế giới. Tại Việt Nam, giáo dục STEM tuy còn khá mới lạ nhưng đang được bộ GD-ĐT khuyến khích, bắt đầu thí điểm trong chương trình giáo dục phổ thông.

 

Do đó, nhu cầu về công cụ học về STEM nói chung hay về robot-lập trình nói riêng với nhiều tính năng đa dạng, vừa chơi vui-vừa học tốt, bên cạnh đó giá cả phải phù hợp đang tăng mạnh.

 

NBlock là ngôn ngữ lập trình bằng đồ họa được phát triển trên Scratch 2.0. giúp trẻ có thể dễ dàng nắm bắt và tự lập trình theo ý muốn. NBlock hiện đang có gần 100 khối lệnh cho người dùng lựa chọn.

 

nbot

 

 

NBlock cung cấp khả năng điều khiển thế giới vật lí mà không cần dây điện. Đặc biệt người dùng có thể chỉnh sửa các đoạn code và chạy thử ngay khi chương trình đang hoạt động.

 

NBot là một bộ robot giáo dục sử dụng NBlock có giá cả phải chăng để học lập trình, điện tử và robot cho tất cả những kỹ sư tương lai. Robot có thể được lập trình với cả Arduino và Scratch.

 

Nhóm phát triển NRobot hy vọng đây sẽ là "chìa khóa của một thế giới tuyệt vời" trong "bàn tay nhỏ bé của trẻ nhỏ".

 

NextFarm

 

Với giải pháp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, NextFarm mong muốn nâng cao sản lượng và giá trị nông sản Việt. Đồng thời, hệ thống cũng giúp người nông dân giảm được các tác động của các yếu tố bên ngoài để mỗi vụ mùa không còn là một “canh bạc”.

 

next farm

 

 

Với Next Farm, người nông dân có thể quản lý gần như toàn bộ quá trình sản xuất qua smart phone. Hệ thống sử dụng các thiết bị IoT theo dõi thông số về đất, nhiệt độ và cung cấp tính năng tưới tự động, điều khiển nhiệt độ theo thiết lập của người dùng và theo thông số ghi nhận được.

 

Nhờ đó, người nông dân có thể chủ động canh tác từ xa cho đồng ruộng của mình ngay cả trong những dịp lễ tết hay khi có việc ở xa. Hệ thống sử dụng pin mặt trời để cung cấp năng lượng cho hoạt động giúp tiết kiệm chi phí vận hành và linh hoạt trong lựa chọn vị trí lắp đặt.

 

Trong quý II năm 2018, doanh thu của NextFarm đạt gần 12.000 USD.

 

Phạm Sơn- khampha.vn

Sáng 14-9, tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã diễn ra lễ ký kết thực hiện Dự án phát triển Công nghệ chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng đèn LED.

 

DQ

 Lễ ký kết thực hiện dự án

 

Đây là dự án được trung tâm phát triển Công nghệ cao (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam), Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) và Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang hợp tác thực hiện.

 

Cụ thể dự án chiếu sáng LED do UNDP và Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước. Qua đó Sở KH-CN TPHCM đã ký hợp đồng giao cho trường Đại học Bách Khoa phối hợp với Công ty Điện Quang thực hiện trước đây.

 

Từ đây, dự án trình diễn sẽ bao gồm 1 trung tâm xử lý dữ liệu, 2 tủ điều khiển và 50-70 đèn LED công cộng công suất 100W-200W tích hợp driver thông minh và hệ thống truyền dữ liệu không dây tại khuôn viên Đại học Quốc gia TPHCM.

 

Ông Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa chia sẻ: “Với mô hình kết nối giữa nhà nghiên cứu với doanh nghiệp này của Sở sẽ có thể giải quyết được vấn đề ở phía những doanh nghiệp chưa ưu tiên cho việc ứng dụng khoa học công nghệ hay đầu tư nghiên cứu”.

 

LÊ DUY - SGGP

Chuyên gia sẽ chia sẻ về những bước chuẩn bị, lập kế hoạch, kỹ năng thuyết trình trước nhà đầu tư để tăng tỉ lệ gọi vốn thành công.

 

sihub

 Các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch giới thiệu các sản phẩm tại một sự kiện về khởi nghiệp du lịch do SIHUB tổ chức vừa qua. Ảnh: Hà Thế An.

 

Saigon Innovation Hub (SIHUB) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tiếp tục các chương trình đào tạo hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp. Theo đó, trong thời gian tới, SIHUB sẽ tổ chức khóa đào tạo về gọi vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

 

Các chuyên gia sẽ chia sẻ về cách xây dựng một kế hoạch gọi vốn cẩn thận và chi tiết, để xác định đúng “khách hàng” (nhà đầu tư) của startup.

 

Các thông tin quan trọng sẽ được chia sẻ là những đối tượng nhà đầu tư có khả năng đầu tư vào dự án khởi nghiệp. Những quỹ đầu tư mà startup có thể tiếp cận. Họ thường đầu tư vào ngành nào? Họ thường đầu tư ở mức nào? Làm sao để tiếp cận họ?

 

Chuyên gia cũng sẽ chia sẻ về các kỹ năng thuyết trình để dự án khởi nghiệp được nhà đầu tư quan tâm, dự báo được những điều mà nhà đầu tư trông đợi khi startup giới thiệu. Việc chuẩn bị bài thuyết trình và chuẩn bị thuyết trình sẽ là việc quan trọng bạn cần phải làm, giống như chuẩn bị kỹ càng trước khi giới thiệu sản phẩm đến khách hàng.

 

Chuyên gia của SIHUB sẽ chia sẻ với các bạn sáng lập startup những hướng dẫn căn bản để startup có thể chuẩn bị kế hoạch gọi vốn cho mình một cách suôn sẻ hơn.

 

Người chia sẻ trong suốt khóa học là chị Nguyễn Thị Mai Hương, CEO & Founder của Color Pencils (startup về giáo dục ứng dụng công nghệ) và phụ trách quan hệ công chúng của SIHUB.

 

Cộng đồng khởi nghiệp quan tâm có thể đăng ký tham gia khóa học tại đây.

 

Hà Thế An – kha,pha.vn


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353