SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) là “trái tim kinh tế”, nơi ảnh hưởng rất lớn đến “tình trạng sức khỏe” của cả nước. Tuy nhiên, TP. HCM đang phải đối mặt với “nguy cơ dương tính” rất cao do ảnh hưởng nghiêm trọng từ tâm dịch COVID-19. Cuộc tìm kiếm “quỹ vaccine” khẩn cấp bắt đầu! Tin vào tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, chính phủ kêu gọi thành công “Quỹ vaccine phòng chống COVID-19” nơi tập trung nguồn lực vật chất toàn dân đồng lòng cùng chính phủ chống dịch.

Tiếp tục với niềm tin toàn dân cùng với chính quyền Thành phố chung tay góp sức, ủng  hộ cả vật chất và tinh thần cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, Thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc này đang ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, việc hỗ trợ doanh nghiệp để có sự thích ứng và có chiến lược phát triển phù hợp với từng diễn biến khác nhau của dịch bệnh là hết sức cần thiết. Với ý nghĩa như vậy, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chương trình “Tìm kiếm và kết nối các giải pháp đổi mới sáng tạo ứng phó dịch COVID-19 tại TP. HCM năm 2021” (HCMC Innovative Solution - COVID 2021, sau đây chương trình được gọi tắt là HIS – COVID 2021). HIS-COVID 2021 được xem như “Quỹ vaccine về giải pháp đổi mới sáng tạo” giúp Thành phố nâng cao “kháng thể” đối phó COVID-19.

HIS-COVID 2021 - “Quỹ vaccine về giải pháp đổi mới sáng tạo” chào đón sự đóng góp và đăng ký tham gia của các cá nhân, nhóm, tổ chức, doanh nghiệp có các giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số,… trong nhiều lĩnh vực của đời sống và đã có sản phẩm hoàn thiện, có khả năng hỗ trợ TP. HCM ứng phó đại dịch COVID-19. Sở KH&CN sẽ hỗ trợ truyền thông và giới thiệu các giải pháp đổi mới sáng tạo đã có sản phẩm hoàn thiện và sẵn sàng chuyển giao cho Chính quyền TP. HCM, Sở ban ngành và các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

Một trong những giá trị lớn nhất của chương trình HIS-COVID 2021 là TP. HCM sẽ là địa phương tập hợp, triển khai thí điểm các giải pháp đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ từ sự tham gia và đóng góp của cộng đồng, từ đó đánh giá hiệu quả, tác động triển khai, rút kinh nghiệm, đóng gói và chuyển giao sáng kiến không chỉ cho cộng đồng tại TP. HCM và còn cho các tỉnh thành khác trên cả nước. Cả nước đoàn kết đồng lòng kết nối nguồn lực tạo nên “chiến dịch tiêm vaccine toàn dân” với mục tiêu tạo ra “miễn dịch cộng đồng” chống lại sức tàn phá của COVID-19 đang đánh trực diện vào đời sống xã hội và nền kinh tế Việt Nam. Sở KH&CN TP. HCM khuyến khích những sáng tạo dù rất nhỏ nhưng có thể ứng dụng được trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, kiểm soát, truy vết, điều tiết nguồn lực xã hội, tạo ra giá trị cho cộng đồng hay cung cấp các giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp để duy trì và phát triển trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp,…tất cả đều có thể tham gia, hiến kế và đóng góp. Bên cạnh đó, với tầm nhìn dài hạn hơn, Sở KH&CN TP. HCM sẽ tiếp tục thu thập, tổng hợp tất cả các giải pháp trên như một nguồn dữ liệu công nghệ và giải pháp đổi mới sáng tạo quý giá từ tâm huyết của cộng đồng để chung tay cùng TP. HCM ứng phó với dịch bệnh và truyền thông đến cộng đồng xã hội.

Đăng ký tham gia HIS-COVID 2021 nếu cá nhân, nhóm, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố có:

- Giải pháp có tính sáng tạo;

- Công nghệ, giải pháp, sản phẩm đã sẵn sàng áp dụng, có tính khả thi nhằm ứng phó tình hình dịch COVID-19;

- Dự án mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội giúp ứng phó với diễn biến phức tạp dịch bệnh.

Sở KH&CN TP. HCM sẽ chọn ra 20 giải pháp, công nghệ tốt nhất được tham gia huấn luyện và tư vấn hoàn thiện kỹ năng trình bày trước hội đồng tuyển chọn. Sau đó, sẽ chọn ra 10 giài pháp xuất sắc được vinh danh trong Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 - WHISE 2021 và có cơ hội nhận được các ưu tiên sau:

+ Các giải pháp đổi mới sáng tạo xuất sắc, phù hợp sẽ được Sở KH&CN TP. HCM giới thiệu cho Ủy ban nhân dân Thành phố, các Sở ban ngành, Quận – Huyện và Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố triển khai đến các đối tác có nhu cầu.

+ Doanh nghiệp có giải pháp đổi mới sáng tạo xuất sắc sẽ được ưu tiên xem xét để được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ để được nhận nhiều chính sách ưu đãi từ TP. HCM.

+ Các giải pháp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoặc đang trong giai đoạn dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có nhu cầu được hỗ trợ tiếp sẽ được tạo điều kiện đăng ký tham Chương trình Speedup của Sở KH&CN TP. HCM và được kết nối để có cơ hội nhận được các gói đầu tư cho giai đoạn tiếp theo.

Các giải pháp đổi mới sáng tạo đăng ký tham gia hoặc đóng góp cho Chương trình đã được thẩm định bởi hội đồng chuyên gia sẽ được truyền thông trên website và fanpage Chương trình HIS-COVID 2021 và trên website Techport.vn của Sở KH&CN. Đồng thời, các giải pháp sẽ được chia sẻ trên Nền tảng chia sẻ các giải pháp sáng tạo để tìm kiếm đối tác và khách hàng có nhu cầu trong việc ứng phó tình hình COVID-19

Đăng ký tham gia Chương trình HIS-COVID 2021 tại: https://his-covid.doimoisangtao.vn

Thể lệ Chương trình

Thời hạn nộp hồ sơ: từ 26/7/2021 đến hết ngày 15/8/2021.

Chương trình “Tìm kiếm và kết nối giải pháp đổi mới sáng tạo ứng phó dịch COVID-19 tại TP. HCM năm 2021 - HCMC Innovative Solution - COVID 2021 (HIS-COVID 2021) được Sở Khoa học & Công nghệ TP. HCM khởi xướng và tổ chức, triển khai thực hiện bởi Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) – là đơn vị uy tín hàng đầu trong lĩnh vực hỗ trợ khởi nghiệp trên cả nước với nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp chuyên sâu với mong muốn trở thành nơi giao thoa và chuyển giao mọi kinh nghiệm, kiến thức và nguồn lực hữu ích từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài phạm quy quốc gia để tạo nền tảng bền vững cho quá trình khởi nghiệp của Startup Việt Nam.

HIS-COVID 2021 nhận được sự phối hợp và tham gia của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh: Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ TP.HCM - Saigon Innovation Hub; Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ - Trường Đại học Bách Khoa; Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ cao; Zone Startups Vietnam; Công ty cổ phần quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (ICM); Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo Victory; Viện Đổi mới sáng tạo – Đại học Kinh tế TPHCM; Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao (AHBI); Công ty TNHH Ươm tạo doanh nghiệp Phần mềm Quang Trung.

Không chỉ tập đoàn công nghệ lớn, các cá nhân, startup công nghệ thông tin… đã tập trung đưa ra nhiều sáng kiến, sản phẩm công nghệ cụ thể và ứng dụng tức thời nhằm phục vụ người dân, chung tay góp sức phòng chống dịch Covid-19.
 
udchongcovid

Kiểm tra giấy tờ “không chạm” bằng camera tại chốt kiểm soát dịch đầu cầu Phú Long. Ảnh: Hoàng Hùng

Từ cây ATM gạo thông minh

Dịch Covid-19 bùng phát ở TPHCM, không ít người dân gặp khó khăn, nhất là những người nghèo. Cùng với các cây ATM gạo xuất hiện ở nhiều nơi, anh Lê Hải Bình, CEO một công ty công nghệ tại TPHCM cùng nhóm bạn cho ra đời cây ATM gạo thông minh có khả năng nhận diện khuôn mặt, lưu trữ thông tin đám mây, có cả hệ thống thống kê. Cây ATM gạo thông minh có thể nhận diện người nhận gạo, tránh tình trạng ùn ứ tập trung đông người hay một người nhận gạo nhiều lần… nên việc phát gạo được khoa học hơn. 

Chỉ vài ngày chuẩn bị, cây ATM gạo thông minh đặt tại 12A đường Núi Thành (phường 13, quận Tân Bình) đã đi vào hoạt động, tặng gạo cho bà con. Nhưng sau đó nhận thấy thực tế, vẫn còn nhiều người “tụ tập” để nhận gạo tại một địa điểm nên nhóm làm cây ATM gạo này ngay lập tức thiết lập tổng đài (028) 77.77.77.88. Với tổng đài này, bà con chỉ cần gọi vào số tổng đài, hệ thống sẽ tự tra cứu dữ liệu và thông báo lịch hẹn với ngày giờ, địa điểm cụ thể để bà con đến nhận gạo mang về. 
Ở góc nhìn khác, hai bạn trẻ Trần Thanh Tuấn và Nguyễn Hữu Đạt nhận thấy danh sách do TPHCM cung cấp cho người dân gồm 111 chợ, 106 siêu thị, 2.616 cửa hàng tiện lợi tại TPHCM phục vụ mua sắm nhu yếu phẩm theo Chỉ thị 16 hiển thị bằng bản thống kê Excel, bất tiện trong việc tìm kiếm địa điểm. Hai bạn đã tạo nên trang web https://diembanhangthietyeu.com để số hóa thông tin và định vị bản đồ gần 3.000 địa điểm trên. Người dân chỉ cần mở điện thoại hoặc máy tính, vào trang web trên sẽ biết ngay điểm có thể mua hàng thiết yếu ở gần nhất. Mặc dù thời điểm này việc mua hàng thiết yếu có khó khăn do nhiều nguyên nhân nhưng thực tế ứng dụng này vẫn thiết thực với nhiều người.

Trang web này còn gợi ý người dùng chia sẻ vị trí để hiển thị các cửa hàng gần nhất, tính khoảng cách để gợi ý địa điểm gần nhất, gợi ý lộ trình di chuyển và thời gian di chuyển tới địa điểm mong muốn. Anh Trần Thanh Tuấn bày tỏ: “Tôi chỉ muốn giúp người dân dễ dàng tiếp cận và tìm kiếm thông tin các địa điểm bán hàng thiết yếu trong thời gian này. Có thể sau thời gian giãn cách trang web này đã hoàn thành sứ mạng hoặc có thể chuyển đổi thành trang cập nhật thông tin các địa điểm từ thiện, cơm miễn phí, nơi trợ giúp người khó khăn…”. 

Đến camera soi chiếu, tổng đài Robot Call

Tại chốt kiểm dịch cầu Phú Long (giáp ranh giữa quận 12-TPHCM và tỉnh Bình Dương) đã xuất hiện mô hình kiểm tra giấy tờ “không chạm”, thông qua hệ thống camera. Tại đây, một khay đựng giấy tờ đặt phía trước chốt, người đi qua chốt chỉ cần bỏ giấy tờ cần kiểm tra vào khay, được hệ thống camera quét, ghi nhận… và thông báo trên hệ thống, giúp hạn chế tối đa việc tiếp xúc. Hệ thống này còn có thiết bị đo thân nhiệt tự động, phía đơn vị phát triển đang chuẩn bị thêm hạ tầng để đưa AI vào hệ thống để đếm số lượng người và phương tiện qua trạm kiểm soát nhằm thực hiện các công tác phát hiện, thống kê. 

Đây là sản phẩm thử nghiệm được phát triển từ Phòng Chiến lược và Thị trường thuộc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp, an toàn phòng dịch cũng như giảm nhân lực ở các chốt kiểm soát dịch. Nếu thí điểm hiệu quả, đơn vị phát triển sẽ xin phép ứng dụng hệ thống này ở các cửa ngõ ra vào thành phố. 

“Robot Call” phòng chống dịch Covid-19 đã được ứng dụng tại Bình Thuận, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và Nghệ An. Mỗi tỉnh thành ứng dụng có số tổng đài khác nhau như ở Bình Thuận số 0899531199, Nghệ An số 0936837115… Điểm chung của Robot Call là thực hiện các nhiệm vụ: tự động gọi điện tới người dân trong vùng dịch, vùng cách ly hoặc các đối tượng F1, F2  để khảo sát, thu thập và cập nhật nhanh chóng về tình hình sức khỏe, dấu hiệu dịch bệnh. Với những người khai báo chưa rõ ràng, Robot Call sẽ gọi lại để cập nhật thông tin, từ đó lập báo cáo danh sách đối tượng có biểu hiện để gửi cơ quan phòng chống dịch bệnh tỉnh. 

Toàn bộ quá trình được thực hiện hoàn toàn tự động, sử dụng công nghệ AI với khả năng thực hiện và xử lý hàng trăm ngàn cuộc gọi mỗi ngày. Robot Call có thể gọi điện và trò chuyện với người nghe, bằng cách ứng dụng công nghệ Text-To-Speech để chuyển văn bản thành giọng nói. 

Robot Call là sản phẩm của của startup Vbee, chuyên về AI nhận diện giọng nói. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các bạn trẻ của Vbee đã cùng nhà mạng các tỉnh thành thể hiện mong muốn được triển khai công nghệ phục vụ phòng chống dịch và nhiều tỉnh thành đã mở của đón nhận.

BÁ TÂN - SGGP

Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã nghiên cứu và phát triển sản phẩm khẩu trang từ graphene oxit và nano bạc, có tác dụng kháng khuẩn, ngăn chặn lây nhiễm virus và tái sử dụng được.

Các vật liệu trên cơ sở graphene được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như làm vật liệu kháng khuẩn, cảm biến, tấm năng lượng mặt trời,… Trong đó, vật liệu graphene oxit (GO) nếu kết hợp với các hạt nano kim loại sẽ tạo ra vật liệu nanocomposite (Ag/GO), có khả năng kháng khuẩn cao. Trong các nano kim loại, bạc có tính kháng khuẩn tốt và không gây độc cho con người ở nồng độ thấp. Vì vậy, từ năm 2019, nhóm tác giả đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu tổng hợp nanocomposite bạc tên cơ sở graphene oxit ứng dụng làm vật liệu kháng khuẩn” và được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu.
khtrangbac
Vật liệu Ag/GO được tổng hợp từ các chất khử khác nhau Ảnh: NVCC
Theo kết quả của đề tài, nhóm đã nghiên cứu và tổng hợp thành công nanocomposite bạc Ag/GO (kết hợp của nano bạc AgNPs và GO) và vải Ag/GO có khả năng diệt 99,98% các loại vi khuẩn như S.aureus, S.enterica, S.aeruginosa; đồng thời làm nhanh lành vết thương trên chuột thử nghiệm. Khi dịch bệnh Covid–19 xuất hiện ở Việt Nam, nhóm tiếp tục nghiên cứu dùng vật liệu Ag/GO để làm khẩu trang kháng khuẩn.
 
ktragbac
Khẩu trang kháng khuẩn từgraphene oxit và nano bạc Ảnh: NVCC
 Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Trưởng nhóm nghiên cứu, khẩu trang bằng vải cotton khi phủ bạc nano sẽ có tính kháng khuẩn. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, lớp nano bạc bị rửa trôi, làm giảm khả năng kháng khuẩn và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Để khắc phục hạn chế này, nhóm nghiên cứu sử dụng graphene oxit làm vật liệu giúp liên kết giữa vải cotton và nano bạc trở nên chặt chẽ hơn. Kết quả, nano bạc bám trên bề mặt vải bền hơn và graphene cũng là vật liệu giúp nano bạc phân bố đều, nhờ đó khẩu trang luôn có tính kháng khuẩn ở mức cao. Lớp vải kháng khuẩn Ag/GO được đưa vào lớp giữa của khẩu trang, có thể giặt và tái sử dụng 5 lần.
 
Ngoài ra, các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh các gốc graphene có thể ngăn chặn giọt lỏng phân tán có kích thước từ 2,5 - 3 micromet. Trong khi đó, virus corona phân tán từ hệ hô hấp của người bệnh trong các giọt lỏng có kích thước 5 micromet, khó có thể đi qua lớp graphene của khẩu trang.
 
Khẩu trang đã được dùng thử nghiệm cho giảng viên, nhân viên Trường Đại học Bách khoa TP HCM.
 
Hiện nhóm đang tiếp tục ứng dụng công nghệ này vào sản xuất miếng dán, nước rửa tay và đồ bảo hộ y tế nhằm hỗ trợ việc phòng ngừa dịch Covid-19.
 

Những yêu cầu về quản lý chợ truyền thống, hỗ trợ giải quyết dịch vụ công… đòi hỏi có hệ thống chatbot thông minh có khả năng tư vấn và hỗ trợ người dân.

Ngày 28/5/2021, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức trực tuyến “Hội nghị kết nối cung cầu giải pháp công nghệ phục vụ chuyển đổi số” nhằm trao đổi, thảo luận những yêu cầu về ứng dụng công nghệ phục vụ chuyển đổi số tại quận, huyện và thành phố Thủ Đức cùng các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Hội nghị thuộc chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/1963 – 18/5/2021). Hội nghị thu hút 100 người từ hơn 60 cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp tham gia trực tuyến.

chatbot

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến

Quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp tìm ra được nhu cầu đang mong muốn để thay đổi, từ đó kết nối với các chuyên gia để đưa ra các công nghệ phù hợp để hiện thực hoá nhu cầu.”, bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu khai mạc hội thảo.

Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chuyển đổi số đã lần lượt giới thiệu những giải pháp mà họ đang nắm giữ. Đó là các giải pháp về quản lý nhân sự thông qua truyền thông và phúc lợi BravoHR, giải pháp số hoá trường học bằng hệ thống TK SMART VISION (quản lý trường học, quản lý lịch giảng dạy, quản lý học trực tuyến…), hay giải pháp dùng “người ảo” (digital human, được xây dựng bằng phần mềm 3D và trí tuệ nhân tạo AI) để thay tổng đài viên tiếp cận, chăm sóc khách hàng…

“Quản lý hoạt động chợ truyền thống” là một trong những nhu cầu chuyển đổi số rất thực tế được bà Nguyễn Thị Hòa (Phó Trưởng phòng Kinh tế, UBND quận Phú Nhuận) đặt hàng tại Hội nghị. Theo bà Nguyễn Thị Hòa, giải pháp mới phải đáp ứng được yêu cầu quản lý số lượng điểm kinh doanh theo sơ đồ tại chợ (kể cả thông tin chi tiết về các khoản phí, giá thuê tại từng điểm kinh doanh,…), biết được tiểu thương hoặc loại nhóm hàng hóa đang kinh doanh tại điểm kinh doanh, sẵn sàng cung cấp và cập nhật thông tin cho người dân và khách du lịch dễ dàng tìm hiểu và liên hệ mua sắm. Giải pháp mới cũng phải tạo được sự liên kết giữa mua bán hàng hóa trên môi trường Internet và xác nhận qua điện thoại, để dễ đặt và giao hàng – nhất là trong tình hình dịch bệnh phức tạp.

chatbot1

Bà Nguyễn Thị Hòa nêu nhu cầu xây dựng ứng dụng quản lý chợ truyền thống

Một nhu cầu thực tế khác là “Chatbot - công cụ hỗ trợ hướng dẫn thủ tục cấp mới, thay đổi, chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh” cũng được đặt hàng, xuất phát từ nhu cầu hỗ trợ pháp lý của hộ kinh doanh và doanh nghiệp ngày càng tăng. Theo bà Thái Thị Mai Trân (Phó Trưởng phòng Kinh tế, UBND quận Tân Phú), việc sử dụng chatbot sẽ sẵn sàng phục vụ người dân 24/7, nhận phản hồi – hướng dẫn ngay lập tức, đồng thời có thể kết hợp lồng ghép tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý và thói quen tuân thủ pháp luật của người dân.

Mô tả chi tiết hơn về nhu cầu dùng chatbot, ông Phạm Anh Tuấn (Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Quận 1) cho biết trong quá trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến thì việc tiếp cận các thủ tục, trình tự đang có những khó khăn nhất định. Vì thế, yêu cầu đặt ra là khi người dân sử dụng chatbot, thì chatbot cần tự đưa ra gợi ý và xử lý thông tin để người dân đạt được mục đích đăng ký dịch vụ công mong muốn chỉ trong 1 lần thao tác duy nhất.

Từ những yêu cầu nêu trên, đại diện các doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị đã có những chia sẻ thú vị.

Đối với nhu cầu xây dựng ứng dụng quản lý chợ truyền thống, có thể hỗ trợ cho bà con tiểu thương hiểu và tương tác dễ dàng bằng giọng nói, mà không phải nhấn hay gõ câu trả lời. Ngay cả những thông báo mới nhất, những cảnh báo về hoạt động… của Ban quản lý chợ đều có thể thực hiện thông qua giọng nói, giúp tiểu thương dễ tiếp cận và đón nhận.”, đại diện Công ty TNHH Educommerce đề xuất sử dụng giải pháp chatbot bằng “người ảo”.

Gợi ý về thành phần ứng dụng quản lý chợ, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Titkul) cho biết Titkul đã xây dựng nền tảng cơ bản hỗ trợ thẩm định nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng, sản phẩm, báo cáo thống kê cho cơ quan quản lý, đồng thời hỗ trợ đặt hàng trực tiếp để giảm bớt lượng người đi chợ (trong bối cảnh dịch bệnh). Nền tảng này có khả năng quản lý được bộ data (dữ liệu) từ người cung ứng đến người bán ra sản phẩm.

Từ yêu cầu đặt hàng của các quận nêu trên, rõ ràng việc xây dựng và ứng dụng một hệ thống chatbot thông minh có khả năng tư vấn và hỗ trợ người dân trong giao tiếp, giải quyết các thủ tục hành chính đang rất cần thiết. Ngay cả trong ứng dụng quản lý chợ, đơn vị quản lý hoặc tiểu thương cũng có thể sử dụng chatbot để giải quyết nhanh công việc hoặc tìm kiếm thông tin hữu ích một cách nhanh chóng. 

chatbot2

Bà Chu Vân Hải (phải) trao đổi cùng doanh nghiệp cung ứng công nghệ

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM mong muốn sẽ là cầu nối giữa các quận, huyện cũng như các sở, ngành trong chương trình đổi mới sáng tạo khu vực công, chuyển đổi số trong khu vực công. Chúng tôi sẽ kết nối với các đơn vị công nghệ để tạo kết nối cung – cầu, để các bên ngồi lại với nhau để cùng tạo ra một mô hình chuẩn, có thể triển khai được cho các quận, huyện,”, bà Chu Vân Hải cho biết.

Hoàng Kim - Cesti.gov.vn

Các mô hình phù hợp với định hướng phát triển cá cảnh của TP.HCM, có tiềm năng nhân rộng để người dân tiếp cận với công nghệ nuôi và sản xuất cá cảnh chất lượng cao cho thị trường.
Ngày 14/5/2021, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã có buổi làm việc tại 2 địa điểm đang ứng dụng thực tế các mô hình sản xuất cá cảnh trên địa bàn Thành phố, là cơ sở sản xuất cá cảnh của ông Nguyễn Văn Phương (Củ Chi) và Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu Cơ Công nghệ cao Phước Hạnh.
Các mô hình nằm trong Chương trình “Hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM triển khai, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ (Ban Quản lý Nông nghiệp Công nghệ cao cao TP.HCM) chủ trì thực hiện.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Phương đã nhận chuyển giao và triển khai mô hình sản xuất giống cá dĩa đỏ (Symphysodon sp.). Trong đó, cơ sở sản xuất sử dụng quy trình sản xuất giống cá dĩa đỏ bằng phương pháp ấp trứng nhân tạo (can thiệp sớm) để khắc phục được một số khó khăn trong sản xuất giống, như cá dĩa bố mẹ không nuôi con, cá dĩa bố mẹ ăn trứng… Bên cạnh đó, cơ sở cũng sử dụng quy trình nuôi sinh khối Artemia làm thức ăn cho cá dĩa đỏ để chủ động được nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, nhằm khắc phục được việc khan hiếm trong sử dụng trùn chỉ làm thức ăn cho cá. Ngoài ra, với thức ăn sinh khối Artemia không mang mầm bệnh nên sẽ tăng tỷ lệ sống của cá trong quá trình nuôi.

mhinh

Mô hình sản xuất cá dĩa đỏ được ứng dụng thành công tại cơ sở sản xuất cá cảnh của ông Nguyễn Văn Phương

Kết quả của đợt thu hoạch ghi nhận tổng số cá dĩa sản xuất trong năm là 11.161 con, cá dĩa đạt kích thước từ 5 - 8cm, cá đẹp, màu sắc sặc sỡ đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu cá dĩa ra thị trường cá cảnh. Từ kết quả này, có thể khẳng định rằng mô hình sản xuất giống cá dĩa đó mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất cao, có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển tại TP.HCM.
Hiện nay, ở một số cơ sở nuôi và kinh doanh cá cảnh, nguồn thức ăn thường không cố định và “rẻ” hơn do đánh bắt, vớt từ tự nhiên, nên không thể đảm bảo ổn định chất lượng cá. Do đó, việc nuôi cá để xuất khẩu phải được định hướng ngay từ đầu, từ đó xây dựng các tiêu chí phù hợp, chẳng hạn như xác định nguồn thức ăn cho cá để cá có đủ dinh dưỡng, phát triển đồng đều, đạt đủ và ổn định các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo ông Lê Hữu Anh (phụ trách kỹ thuật của cơ sở), với mô hình sản xuất giống cá dĩa đỏ đã sản xuất thành công cả về cách nuôi lẫn nguồn cung thức ăn như trên, cơ sở chỉ cần nghiên cứu thêm về kỹ thuật đóng kiện hàng xuất khẩu để đảm bảo tỷ lệ cá sống đạt 100%. Đạt được điều đó sẽ giảm thiểu rủi ro do cá chết, đồng thời giúp bên mua giảm chi phí vận chuyển hao phí do cá chết.
Vì chi phí vận chuyển cao hơn gấp nhiều lần chi phí mua cá, nên nếu cá chết thì sẽ là thiệt thòi rất lớn cho bên mua, và ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị cung cấp cá.”, ông Lê Hữu Anh cho biết.

mhinh1

Kiểm tra quy trình nuôi sinh khối Artemia làm thức ăn cho cá dĩa đỏ

Trong khi đó, mô hình sản xuất cá chép Koi kiểu hình Taisho Sanshoku được chuyển giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu Cơ Công nghệ cao Phước Hạnh. Hợp tác xã có diện tích lớn và phù hợp cho sản xuất giống cá cảnh nên thuận lợi trong việc triển khai mô hình, đặc biệt, có sử dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn nên chi phí xử lý nước nuôi thấp. Hợp tác xã cũng có mối liên kết chặt chẽ với các cửa hàng và đơn vị tiêu thụ cá chép Koi, được nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Tại buổi làm việc, đại diện Hợp tác xã cho biết cá chép Koi kiểu hình Taisho Sanshoku sau thu hoạch có độ đồng đều cao, cá khỏe mạnh, màu sắc đẹp, cơ thể cân đối, hoa văn rõ nét đáp ứng được tiêu chuẩn cá chép Koi trên thị trường hiện nay, đáp ứng được nhu cầu về nguồn cá chép Koi thương phẩm cho các công ty xuất khẩu và cửa hàng cá cảnh tại TP.HCM. Lợi nhuận ước tính của việc ứng dụng mô hình đạt trên 800 triệu đồng/năm, đồng thời còn tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người lao động địa phương.

mhinh2

Kiểm tra chất lượng cá chép Koi nuôi trong ao

Thực tế, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giống cá chép Koi có nhiều ưu điểm như: chủ động điều khiển kiểu hình con giống được sản xuất ra, tăng tỷ lệ kiểu hình cá con đẹp - đạt tiêu chuẩn, nâng cao khả năng kháng bệnh của cá và giúp cá tiêu hóa thức ăn tốt hơn, kiểm soát môi trường nuôi luôn trong sạch để cá sinh trưởng và phát triển tốt. Vì vậy, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giống cá chép Koi sẽ thúc đẩy mở rộng sản xuất cá chép Koi trên địa bàn thành phố, góp phần việc định hướng sản xuất cá cảnh trong tương lai và đẩy mạnh ngành cá cảnh của thành phố ngày càng phát triển.

mhinh3

Cá con nuôi trong bể có sức sống khỏe, màu sắc bắt mắt

Các mô hình nói trên đáp ứng “Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2020-2030” nhằm thúc đẩy lĩnh vực sản xuất cây con giống của TP.HCM, vừa phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ trong nước, nắm vững và làm chủ quy trình kỹ thuật công nghệ cao đưa vào ứng dụng triển khai, vừa làm thay đổi tư duy nhận thức của người dân về tiếp thu ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập và ổn định đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ (2020 - 2025) với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp thành phố là nền nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn của khu vực, xây dựng các chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng trong nông nghiệp.


Hoàng Kim - cesti.gov.vn

Dự án "Chuyến xe công nghệ" do Thành đoàn TPHCM thực hiện, sẽ phục vụ học sinh từ tiểu học đến THPT và người dân ở những vùng xe đi qua trong dịp hè.

Bà Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành đoàn TPHCM, cho biết, dự án này được ấp ủ trong suốt 10 năm qua, với mong muốn mang tri thức KH&CN đến với học sinh và người dân các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa của thành phố. Ngày 15/5, "Chuyến xe công nghệ" đã chính thức có buổi ra mắt tại Nhà Thiếu nhi TPHCM ở quận 3, tuy nhiên sẽ linh hoạt lịch hoạt động tùy theo tình hình dịch bệnh Covid-19.
 
cxcn1
"Chuyến xe công nghệ" chính thức ra mắt ngày 15/5 tại TPHCM. Ảnh: HA
 
Xe với khoang rộng 30m² như một phòng học di động, được trang bị hệ thống máy tính kết nối internet; kính VR (thực tế ảo) kèm các bài giảng kiến thức về khoa học; thư viện sách nhiều lĩnh vực; hệ thống bài giảng, kiến thức về các lĩnh vực dành cho học sinh, thanh niên và người dân tại địa phương.
 
Hơn 10 nhà khoa học, trí thức trẻ TPHCM sẽ tổ chức các chương trình giáo dục STEM, sân chơi khoa học vui dành cho học sinh; hướng dẫn thực hiện các mô hình, sản phẩm giáo dục STEM; sân chơi trải nghiệm dành cho trẻ em tự kỷ.
 
cxcn2
Học sinh được trải nghiệm nhiều kiến thức tại "chuyến xe công nghệ". Ảnh: HA
 
Đồng thời, tổ chức các lớp hướng dẫn tin học dành cho người dân như sử dụng Internet, smartphone, hệ thống dạy học, hội nghị trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến,… Ngoài ra, còn có các buổi hướng dẫn, chuyển giao công nghệ cho thanh niên nông thôn lập nghiệp với các kỹ thuật trồng nấm bào ngư, hoa lan, xử lý rác hữu cơ thành phân bón, bảo quản nông sản....
 
Theo bà Phương, mỗi chuyến xe công nghệ có thể phục vụ tối đa 200 – 300 người khi dừng lại ở mỗi địa phương; qua đó, giúp các em nhỏ tiếp cận những kiến thức mới và khơi dậy niềm đam mê khoa học của các em.
 
 

Ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp mặt giới trí thức, đến năm 2013 Việt Nam đã chọn ngày này để kỷ niệm, tôn vinh những người làm khoa học.

Cách đây 58 năm, tại Đại hội Đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất (tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến dự và chúc mừng.

Bac Ho 185

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Tại sự kiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu, tổng kết những luận điểm quan trọng nhất về phát triển khoa học công nghệ.

Người khẳng định: "Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học và công nghệ của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp... Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó... Khoa học phải tự sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi... Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học và kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ...".

Đến ngày 18/6/2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật Khoa học và Công nghệ được thông qua, thống nhất chọn ngày 18 tháng 5 hàng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Đây là ngày hội để tôn vinh những người làm khoa học, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Trong những ngày này nhiều hoạt động được Ngành Khoa học tổ chức, là dịp để nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước.

vnexpress.net

Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) TPHCM giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu nâng cao năng lực ĐMST cho 3.000 doanh nghiệp và phát triển 1.000 dự án khởi nghiệp đến năm 2025, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của khởi nghiệp ĐMST và thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển tốt hơn. 
htdmst

Các hoạt động triển lãm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được TPHCM tổ chức thường xuyên

TPHCM đã sớm ban hành nhiều chính sách đột phá nhằm hình thành hệ sinh thái ĐMST và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Giai đoạn 2016-2020, thành phố đã tạo ra 34 cơ sở ươm tạo, 10 không gian làm việc (khoảng 33.000m2) và các không gian ĐMST. TPHCM đã kết nối với 160 cố vấn khởi nghiệp, hơn 200 chuyên gia hướng dẫn, từ đó nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho hơn 3.000 cá nhân, nhóm khởi nghiệp ĐMST… 

Để tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp, UBND TPHCM đã ký phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TPHCM giai đoạn 2021-2025. Đề án đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45%-50%; đồng thời, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Đề án tập trung vào 2 nhóm đối tượng: Doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup). Sở KH-CN TPHCM sẽ tái cấu trúc các chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đẩy mạnh hoạt động sàn giao dịch công nghệ hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ĐMST, đồng thời phát triển hệ thống thu thập và cung cấp thông tin khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu phát triển và ĐMST. 

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, ở giai đoạn đầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (phát triển ý tưởng thành sản phẩm, hoàn thiện sản phẩm, ươm tạo, thử nghiệm sản phẩm với thị trường…) gần như không có nguồn lực tư nhân nào tham gia, đây cũng là giai đoạn thất bại nhiều nhất của các doanh nghiệp này, do đó Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ chính thông qua các tổ chức hỗ trợ và ươm tạo. Đề án được triển khai nhằm xây dựng nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động ĐMST, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố.

Hiện Sở KH-CN đang chủ trì thực hiện một số dự án như: Hình thành mạng lưới trung tâm khởi nghiệp ĐMST; Xây dựng các mô hình tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST theo tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh hoạt động sàn giao dịch công nghệ hỗ trợ chuyên giao công nghệ và ĐMST; tái cấu trúc các chương trình nghiên cứu KH-CN.

Song song đó, TPHCM cũng tăng cường hợp tác quốc tế thông qua mô hình hợp tác với Israel, giúp cải tiến công nghệ, phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực doanh nghiệp. Công viên phần mềm Quang Trung phối hợp với các đối tác hỗ trợ các startup Việt tăng tốc khởi nghiệp tại Hoa Kỳ và nhiều chương trình khác… nhằm tạo nguồn lực mới, kết nối với cộng đồng thúc đẩy ĐMST ở TPHCM phát triển.

Các hoạt động hỗ trợ của TPHCM nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thời gian qua đã tạo được niềm tin, thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng khởi nghiệp ĐMST, từ đó đã có những đóng góp quan trọng cho hoạt động ĐMST của quốc gia, góp phần cải thiện chỉ số ĐMST toàn cầu của Việt Nam tăng 17 bậc so với năm 2016. 
Báo cáo xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2020 của StartupBlink cho thấy ở khu vực Đông Nam Á, cả Indonesia và Thái Lan giảm lần lượt 13 và 17 hạng, xuống vị trí thứ 54 và 50. Trong khi đó, Việt Nam tăng 13 bậc lên vị trí thứ 59. Nếu tính theo từng thành phố, thủ đô Hà Nội vào tốp 200 trung tâm khởi nghiệp trên toàn cầu sau khi nhảy 33 bậc, lên hạng 196 (tổng 1,261 điểm), TPHCM đứng thứ 225 (tổng 0,995 điểm). 

BÁ TÂN - SGGP

Đây là chương trình hỗ trợ hướng đến thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp và khu vực công nhằm nâng cao năng suất – chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa có thông báo về việc mời đăng ký các dự án hỗ trợ hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại TP.HCM năm 2021. Chương trình cũng tìm kiếm những dự án có giải pháp sáng tạo khả thi để đưa vào ứng dụng trong thực tế, kết nối hoạt động đổi mới sáng tạo ở Thành phố Thủ Đức và các quận huyện, tăng cường hoạt động chuyển đổi số và hình thành đô thị sáng tạo.

Các dự án được chia thành 4 nhóm gồm: (1) Tổ chức các sự kiện thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo; (2) Hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp; (3) Xây dựng tài liệu mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp; (4) Hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực công.

Theo thông báo, hồ sơ dự án được tiếp nhận liên tục trong năm 2021. Hồ sơ đăng ký thực hiện gửi qua email: qlcoso.skhcn@tphcm.gov.vn (Các tài liệu gửi phải được ký tên và đóng dấu xác nhận của đơn vị đăng ký thực hiện hoặc cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tiếp nhận).

Ở nội dung thứ nhất “Tổ chức các sự kiện thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo”, chương trình hướng đến việc tổ chức các sự kiện thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong giáo dục, cộng đồng thông qua các cuộc thi - hội thảo - chương trình tập huấn (về STEM, STEAM, phát triển tư duy, kỹ năng sáng tạo…), ngày hội khởi nghiệp sáng tạo, Ngày hội Khoa học và Công nghệ. Cơ quan, đơn vị, tổ chức đăng ký thực hiện sẽ nhận được phần kinh phí phối hợp từ nguồn ngân sách Thành phố tối đa đến 30% tổng kinh phí thực hiện (nhưng không vượt quá 80 triệu đồng).

dmstcoso1Học sinh Tân Phú trải nghiệm sáng tạo với cuộc thi lắp ghép robot
Ở nội dung thứ 2 “Hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp”, chương trình hướng đến việc hỗ trợ cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Thành phố được chuyển giao các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Đơn vị đăng ký thực hiện hoặc tổ chức, cá nhân tiếp nhận hỗ trợ chuyển giao sẽ nhận được phần kinh phí phối hợp từ nguồn ngân sách Thành phố tối đa đến 30% tổng kinh phí thực hiện dự án (nhưng không vượt quá 300 triệu đồng).

Ở nội dung thứ 3 “Xây dựng tài liệu mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp”, chương trình hướng đến việc tạo lập cơ sở dữ liệu về các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp nhằm phổ biến cho cộng đồng, thúc đẩy triển khai ứng dụng vào hoạt động sản xuất - kinh doanh góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đơn vị đăng ký thực hiện sẽ nhận được phần kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Thành phố tối đa không quá 30 triệu đồng/tài liệu.

Ở nội dung thứ 4 “Hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực công”, chương trình hướng đến việc hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp công lập (cơ quan, đơn vị) ứng dụng các mô hình, giải pháp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và năng lực, hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Đơn vị đăng ký thực hiện hoặc cơ quan, đơn vị tiếp nhận ứng dụng sẽ nhận được phần kinh phí phối hợp từ nguồn ngân sách Thành phố tối đa đến 30% tổng kinh phí thực hiện dự án (nhưng không vượt quá 300 triệu đồng).

Các đơn vị, tổ chức, cá nhân cần thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ: Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ Cơ sở (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM).

Địa chỉ: 244 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3.
Website: https://dost.hochiminhcity.gov.vn/thong-bao/moi-dang-ky-cac-du-an-ho-tro-hoat-dong-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-nam-2021
Email: qlcoso.skhcn@tphcm.gov.vn.
Điện thoại: (028) 39307463.

Kim Hoan - Cesti

 

Căn cứ Hướng dẫn số 10662/HD-SLĐTBXH ngày 07 tháng 4 năm 2021 của của Sở Lao động Thương binh và Xã hội về Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn TP.HCM năm 2021 (sau đây gọi tắt là Tháng hành động).
Sở Khoa học và Công nghệ (Sở) triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH – YÊU CẦU
1. Mục đích
Tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức, thúc đẩy các hoạt động cụ thể để cải thiện điều kiện lao động đến công chức, viên chức, người lao động Sở về thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; đồng thời đẩy mạnh các chương trình phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Sở.
2. Yêu cầu
Tổ chức các hoạt động có hiệu quả, thiết thực, phù hợp với điều kiện lao động của Sở; đảm bảo tuyên truyền, vận động thực hiện phòng, chống dịch Covid – 19 theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND Thành phố và an toàn sức khỏe cho người lao động và cộng đồng.
II. NỘI DUNG - GIẢI PHÁP
1. Chủ đề của Tháng hành động: “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên”.
2. Thời gian: Từ ngày 01 tháng 5 đến ngày 31 tháng 5 năm 2021.
3. Các hoạt động chính của Sở để hưởng ứng Tháng hành động:
- Xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động trong Tháng hành động năm 2021 và phổ biến đến các phòng chức năng và các đơn vị trực thuộc Sở.
- Treo băng rôn tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động trước cổng Sở.
- Tổ chức tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và hoạt động hưởng ứng Tháng hành động trên website Sở.
III. CÁC VĂN BẢN LIÊN QUAN
- Kế hoạch số 45/KH-BCĐTƯ ngày 07/01/2021 do Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương ban hành về Kế hoạch triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021;
- Kế hoạch số 814/KH-UBND ngày 22 tháng 3 năm 2021 của UBND Thành phố về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn Thành phố năm 2021;
- Hướng dẫn số 10662/HD-SLĐTBXH ngày 07 tháng 4 năm 2021 của của Sở Lao động Thương binh và Xã hội về Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn TP.HCM năm 202


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378