SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ngày 19 tháng 4 năm 2022, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 1169/KH-UBND về tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2022” nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh nhật Bác.

Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm góp phần triển khai phát động bình quân mỗi người dân Thành phố trồng 01 cây xanh chung sức “Vì một Việt Nam xanh” hưởng ứng “Đề án 1 tỷ cây của Thủ tướng Chính phủ” và thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”nhằm góp phần thiết thực triển khai phát động bình quân mỗi người dân Thành phố trồng 01 cây xanh chung sức “Vì một Việt Nam xanh” hưởng ứng “Đề án 1 tỷ cây của Thủ tướng Chính phủ” và thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Thiết lập mối liên kết chặt chẽ cùng Viện – trường là một trong những hướng đi để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở TP.HCM.

Ngày 5/4/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã có buổi làm việc cùng Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Hai bên cùng chia sẻ kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phương thức đánh giá trình độ công nghệ của doanh nghiệp, các giải pháp hỗ trợ và đào tạo về ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp, giải pháp hỗ trợ chuyển giao công nghệ và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

220406hk1.jpg

Trao đổi với phía Sở Khoa học và Công nghệ HN, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã xây dựng mối quan hệ gắn kết với Viện – trường và các tổ chức – đơn vị có hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, qua đó thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, cũng như phối hợp tổ chức các kỳ hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Những cuộc thi, chương trình hỗ trợ và giải thưởng về đổi mới sáng tạo đều được kết nối, vận động doanh nghiệp – startup tham gia, thông qua hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo và các cơ sở ươm tạo trên địa bàn Thành phố và các tỉnh thành lân cận.

220406hk3.jpg

Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đang phối hợp cùng Viện – trường hình thành các trung tâm chuyển giao công nghệ trong Viện - trường, đồng thời Sở cũng đang xây dựng liên minh các vườn ươm doanh nghiệp – khởi nghiệp. Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ hỗ trợ các cơ sở ươm tạo đưa vào vận dụng Bộ tiêu chuẩn các chỉ số đánh giá vườn ươm theo mô hình vườn ươm quốc tế (gồm 26 tiêu chí đánh giá về hạ tầng cơ sở, hoạt động và dịch vụ, quản lý vận hành, hiệu quả đầu ra), tăng hiệu quả hoạt động hỗ trợ startup. Bên cạnh đó, Sở cũng đang xây dựng nền tảng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo H-OIP.

Hai bên cũng trao đổi một số vấn đề giao quyền và tài sản hình thành từ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, kinh nghiệm triển khai Sàn giao dịch công nghệ, những thủ tục và cách thức triển khai hoạt động, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, làm tiền đề để xúc tiến hợp tác giữa HN và TP.HCM.

Hoàng Kim (CESTI)

H-OIP được định hướng làm nền tảng để các tổ chức ươm tạo, vườn ươm tạo dựng hình ảnh, phát huy thế mạnh và tăng cường sự hợp tác với nhau trong hoạt động ươm tạo, hỗ trợ cho startup

H-OIP (Ho Chi Minh Open Innovation Platform) được ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) công bố tại “Hội nghị Các cơ sở ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2022” (diễn ra vào ngày 24/3/2022).

Thực tế cho thấy, các mô hình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công đều dựa trên sự hợp tác và chia sẻ. Do đó, Sở đã triển khai ý tưởng xây dựng nền tảng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo H-OIP.

220325hk1.jpg

Theo đó, với phương châm “mỗi cơ sở ươm tạo là 1 khách hàng của H-OIP”, các cơ sở ươm tạo có thể liên hệ với nhóm thực hiện H-OIP hoặc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM để gửi các yêu cầu hoặc ý kiến đóng góp, phát triển.

Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều startup phải tạm dừng hoạt động trong năm 2021, thu hẹp quy mô, cắt bớt nhân sự và tối ưu hóa các chi phí. Các hoạt động ươm tạo và tăng tốc bị gián đoạn, các cơ sở ươm tạo phải thay đổi cách thức hoạt động và kế hoạch hỗ trợ ươm tạo hầu hết đều phải chuyển sang hình thức online. Trong thời điểm dịch bệnh gần như toàn bộ các hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TPHCM đều được thực hiện trên các nền tảng online. Có thể thấy rằng, Covid-19 là một bộ lọc hoàn hảo và là bệ phóng cho các startup có khả năng ứng dụng công nghệ trong hoạt động.

Nhưng không vì dịch bệnh mà hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở TP.HCM lùi bước. Năm 2021 vẫn được đánh giá là một năm hoạt động tích cực của cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố. TP.HCM xếp thứ 179 trong Top 200 Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp KH&CN đứng đầu cả nước với 108 doanh nghiệp. Đặc biệt, TP.HCM có 39/63 thương vụ startup với số vốn gọi được là hơn 837 triệu USD (chiếm 50% số vốn ở cả nước). Một số tập đoàn truyền thống về dệt may, da giày, bất động sản, đồ dùng học tập cũng bắt đầu quan tâm đến startup…

Trong năm, Sở đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị thực hiện 09 khóa huấn luyện kiến thức kỹ năng về ĐMST, khởi nghiệp cho hơn 200 doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, nâng cao năng lực, hỗ trợ ươm tạo và kết nối mạng lưới khởi nghiệp. Về chương trình Speedup, có 2 dự án được nhà đầu tư mua lại định giá tăng 1,1-1,5 lần và đã trả lại kinh phí hỗ trợ của nhà nước. Có 3 dự án đã có lợi nhuận và nộp một phần lợi nhuận của dự án cho nhà nước. Đồng thời, có 6 dự án huy động được từ các Quỹ đầu tư gấp 7,5 lần so với phần kinh phí hỗ trợ trước đó của Chương trình. Hiện nay, Chương trình Speedup đang hỗ trợ cho 61 dự án, Tổng giá trị định giá của 61 dự án khoảng 29,9 triệu USD, phần kinh phí nhà nước hỗ trợ vào khoảng 1,84 triệu USD (6,1%).

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Việt Dũng cũng công bố Bộ tiêu chuẩn các chỉ số đánh giá vườn ươm theo mô hình vườn ươm quốc tế, gồm 26 tiêu chí đánh giá về hạ tầng cơ sở, hoạt động và dịch vụ, quản lý vận hành, hiệu quả đầu ra. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ hỗ trợ các cơ sở ươm tạo đưa vào vận dụng, tăng hiệu quả hoạt động hỗ trợ startup.

Ông Nguyễn Việt Dũng còn cho biết thêm, ngoài hỗ trợ các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vẫn thực hiện hỗ trợ cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ giúp giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội như quản trị khu vực công, giáo dục và y tế.

Hoàng Kim (CESTI)

Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 (I-Star 2022) chính thức được phát động từ ngày 16/03/2022.

I-Star là giải thưởng về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thường niên do UBND Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì. Đây là hoạt động góp phần tích cực làm nên một hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo bền vững, mang lại hiệu quả thiết thực, xây dựng và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tạo ra những đột phá mới cho sự phát triển của Thành phố. Giải thưởng được tổ chức bởi sự phối hợp của các Sở, ngành.

istar2022

Năm 2022 là năm thứ năm Giải thưởng I-Star được tổ chức nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng I-Star 2022) cho biết: “Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vẫn phát triển mạnh mẽ, trở thành cái nôi của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước. Cùng với sự sôi nổi và lan tỏa của Giải thưởng I-Star, năm vừa qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động rất  tích cực, hiệu quả khi lượng vốn đầu tư mạo hiểm thu hút được của các startup là hơn 1,1 tỷ USD (chiếm 60% lượng vốn và 70% số thương vụ của cả nước). TPHCM cũng là địa phương thuộc nhóm 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu năm 2021 (tăng 46 bậc, chiếm vị trí thứ 179). Năm 2022, Ban Tổ chức kỳ vọng sẽ nhận được nhiều bài dự thi giúp giải quyết các vấn đề mà TP.HCM đang rất quan tâm như xây dựng hạ tầng số để thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, cải cách hành chính và quản trị đô thị hiện đại, y tế và giáo dục thông minh, cũng như một số mục tiêu khác mà Thành phố đang hướng đến trong bối cảnh đang cùng cả nước từng bước khắc phục, đẩy mạnh phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 với tinh thần linh hoạt và thích ứng”.

TraogiaiIStar202101.jpg

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KHCN TP.HCM) và bà Ngô Thị Hoàng Các (Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, Trưởng ban thi đua khen thưởng) trao Giải thưởng I-Star 2021 tôn vinh các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có đóng góp tích cực cho cộng đồng

Sau 4 mùa giải, Giải thưởng I-Star đã nhận trên 1.000 bài dự thi ở 4 nhóm đối tượng, đặc biệt là liên tục nhận được sự quan tâm đánh giá, bình chọn chất lượng về hiệu quả ứng dụng các dự án từ cộng đồng để từng bước thật sự trở thành “Giải thưởng của cộng đồng”. Điều này cho thấy, các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang ngày càng đi vào cuộc sống hơn và “thương hiệu” I-Star đã dần khẳng định được uy tín của mình ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, không chỉ bởi quy mô, ý nghĩa của Giải thưởng mà quan trọng hơn hết là thành công mà các tổ chức, cá nhân đã gặt hái được kể từ khi được cộng đồng công nhận, vinh danh.

TraogiaiIStar202102.jpg

Ông Nguyễn Văn Khanh (Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM) và ông Nguyễn Việt Đức (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý Đầu tư Khởi nghiệp) trao Giải thưởng I-Star 2021 tôn vinh doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Toàn bộ bài dự thi Giải thưởng I-Star 2022 sẽ được Ban Tổ chức đăng tải công khai và cập nhật liên tục trên website chính thức của Giải thưởng, giúp cho việc lan toả và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội thuận tiện hơn, tạo thêm sức hấp dẫn và không khí vận động ủng hộ cho các bài tham dự lọt vào vòng chung khảo. Các bài dự thi sẽ được đánh giá dựa trên sự bình chọn của cộng đồng tại vòng sơ khảo, sau đó bằng kết quả chấm giải của đội ngũ giám khảo có uy tín cao và việc bình chọn tiếp tục của cộng đồng tại vòng chung kết.

TraogiaiIStar202103.jpg

Bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM) và PGS.TS. Phan Thị Bích Nguyệt (Chủ tịch Hội đồng tư vấn UEH, Đại học Kinh tế TP.HCM) trao Giải thưởng I-Star 2021 tôn vinh các giải pháp đổi mới sáng tạo

TraogiaiIStar202104.jpg

Ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) và bà Cao Thị Thoa (Phó Giám đốc Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP.HCM) trao Giải thưởng I-Star 2021 tôn vinh
các tác phẩm báo chí truyền thông về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

Với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Tập đoàn Green+ và sự bảo trợ của Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh, Giải thưởng I-Star 2022 hứa hẹn sẽ thu hút và chứng kiến sự bùng nổ của nhiều dự án độc đáo, có tiềm năng phát triển và có sức ảnh hưởng hữu ích cho cộng đồng, hướng đến việc xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, hiện đại.

Thông tin liên hệ

Ban Tổ chức Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: 244 Điện Biên Phủ, Phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028.39320122 (ông Đào Tuấn Anh) – 0907.176.313 (bà Đặng Thị Luận)

Email: giaithuong@doimoisangtao.vn

Website: www.doimoisangtao.vn/giaithuong2022

Hoàng Kim (CESTI)

Chiều 15-3, Đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức giám sát việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn 2016-2021 tại Sở KH-CN. 

Đoàn giám sát có sự tham gia của các ĐBQH: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM. Trưởng đoàn giám sát là ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM.

Khoa học công nghệ phải được đầu tư lớn, không thể 'tay không bắt giặc' ảnh 1
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: CAO THĂNG

Tại buổi giám sát, các ĐB trong đoàn đặt nhiều câu hỏi về hiệu quả quỹ phát triển khoa học công nghệ; về ứng dụng, chuyển giao các công trình nghiên cứu khoa học thay vì “cất tủ”…

Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Việt Dũng cho biết, 2,14% GRDP TPHCM đầu tư cho khoa học công nghệ là tỷ lệ cao hơn so với mức luật quy định (2%), nhưng thực tế số kinh phí này không chỉ chi cho khoa học công nghệ mà còn nhiều đầu mối công việc khác. Mặt khác, trong cơ cấu chi cũng chỉ có khoảng 7% là chi cho nghiên cứu khoa học. Đây là tỷ lệ rất thấp so với các nước. Theo ông, khoa học công nghệ phải được đầu tư lớn, không thể “tay không bắt giặc”.

Khoa học công nghệ phải được đầu tư lớn, không thể 'tay không bắt giặc' ảnh 2
Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: CAO THĂNG

Liên quan việc chuyển giao, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc của Luật Quản lý tài sản công. Việc định giá các kết quả công trình nghiên cứu không dễ, vì nó là những tài sản vô hình.

Tại buổi giám sát, các ĐB cũng đặt vấn đề khi đi giám sát ở các đơn vị khác, đoàn nhận thấy nhiều đơn vị chưa sử dụng hiệu quả quỹ phát triển khoa học công nghệ. Theo quy định, các doanh nghiệp trích đến 10% thu nhập tính thuế để lập quỹ, nhưng lại không sử dụng được.

Về việc này, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, hiện TPHCM có 124 doanh nghiệp đã lập được quỹ, trong đó có 79 doanh nghiệp nhà nước (theo quy định là bắt buộc), với tổng số tiền là hơn 4.274 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp mới chỉ chi sử dụng hơn 1.123 tỷ đồng (26% tiền quỹ).

“Tức là không hiệu quả, trích ra để đó không biết làm gì. Sở đã kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa có thay đổi về quy định”, ông Dũng nói và cho biết việc quy định chi quỹ không khả thi, các doanh nghiệp khó thực hiện.

Kết luận, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị Sở với chức năng của mình, nỗ lực để TPHCM phát huy vốn mồi ngân sách để phát triển khoa học công nghệ.

Về những khó khăn vướng mắc từ những quy định trong lĩnh vực khoa học công nghệ, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị Sở tiếp tục đề xuất sửa đổi các chính sách chưa phù hợp.

Báo cáo tại buổi giám sát, Phó Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Thị Kim Huệ cho biết, giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách cho khoa học và công nghệ chiếm khoảng 2,14% tổng chi ngân sách TPHCM. Năm 2021 kinh phí nghiên cứu khoa học là hơn 177 tỷ đồng.

Thời gian qua, TPHCM tiếp tục đổi mới hoạt động, triển khai thực hiện sắp xếp, bố trí hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ công lập gắn với chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế tự chủ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tiếp tục đầu tư và khai thác hiệu quả các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, xây dựng và vận hành hệ thống liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ với 38 đơn vị là các trường đại học, viện nghiên cứu, thư viện tham gia. Đến nay, trên địa bàn TPHCM có trên 314 tổ chức khoa học và công nghệ, 109 trường đại học - cao đẳng, 279 phòng thí nghiệm về các lĩnh vực hóa, sinh học, xây dựng, y tế, cơ, dược, điện- điện tử; 19.947 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

MAI HOA - SGGP

“Hệ sinh thái y tế số sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan, đem lại sự thuận tiện hơn cho người dân”, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN (SIHUB) thuộc Sở KH-CN TPHCM, khẳng định như vậy tại hội thảo “Hệ sinh thái y tế số Việt Nam: Hiện trạng ứng dụng, thách thức tương lai” do SIHUB phối hợp tổ chức mới đây. 
 
hstyte

Bệnh nhân khám chữa bệnh và thanh toán đều được xử lý bằng hệ thống thẻ từ kỹ thuật số tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ứng dụng phục vụ y tế số tăng nhanh 

Từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Bộ Y tế đã xây dựng và từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách để đẩy mạnh y tế điện tử, y tế số, công bố nhiều tài liệu chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng với nhau. Bộ Y tế đã cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam kết nối liên thông đạt 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc với bảo hiểm.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thời gian gần đây, số lượng các ứng dụng (mobile app) phục vụ y tế số tăng nhanh. Trong đó bao gồm ứng dụng của các đơn vị khởi nghiệp (startup) và ứng dụng do chính các cơ sở y tế tự phát triển. Hiện, eDoctor, DoctorAnywhere, Jio Health, AI Health... là các ứng dụng đang được nhiều người sử dụng và có những phát triển mới đáng ghi nhận. Điều này cho thấy xã hội đang rất ủng hộ việc số hóa hoạt động y tế. 

Tính đến hết năm 2021, đã có 23 bệnh viện triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh thay cho in phim; 26 bệnh viện và 1 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy. 

Trên thực tế, người dân đã quen với các dịch vụ được cung cấp thông qua nhiều ứng dụng, như tham vấn bác sĩ, đặt lịch khám chữa bệnh, đặt mua vật tư, thiết bị y tế gia đình… Nhiều ứng dụng cũng đóng góp tích cực vào hoạt động chống dịch thời gian qua. Trong đó có chương trình “SpO2 tại nhà” do nhóm công tác của PGS-TS-Nhà giáo nhân dân Hồ Thanh Phong và TS-BS Đỗ Thị Tường Oanh phối hợp cùng Công ty eDoctor triển khai, giúp các địa phương kết nối được nguồn lực chuyên môn để kịp thời theo dõi, chăm sóc và điều trị tại nhà cho người dân bị mắc Covid-19. 

Huy động nguồn lực xã hội

Theo ông Huỳnh Kim Tước, với ưu thế về kết nối phân tích dữ liệu của hệ thống mạng internet và những ứng dụng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, blockchain, big data…, y tế số sẽ góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện, gia tăng tiện ích cho người dân, giúp đội ngũ y bác sĩ tiết kiệm thời gian đưa ra chẩn đoán, điều trị bệnh. Nền tảng hệ sinh thái y tế số cũng sẽ giúp giảm rủi ro lây nhiễm, giúp cho bệnh viện, tổ chức cung cấp dịch vụ y tế nâng cao hiệu quả hơn thông qua kênh đăng ký, tư vấn, đào tạo trên nền tảng trực tuyến.

Trải qua thực tế chứng minh, nhiều chuyên gia đánh giá cao và cho rằng, eDoctor là một ứng dụng điển hình trong phát triển hệ sinh thái y tế số. eDoctor đã từng hỗ trợ nhiều địa phương ở TPHCM như quận 6, 10, Bình Tân... trong quản lý, chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 vào thời gian cao điểm dịch (từ tháng 7 đến tháng 10-2021). Qua đó, bệnh nhân chỉ cần khai báo thông tin tình trạng bệnh bằng điện thoại, hệ thống tự động nhận định mức độ bệnh, gửi cho bác sĩ chuyên môn để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Trường hợp bệnh nhân trong tình trạng cấp cứu khẩn cấp, hệ thống sẽ báo động đến điện thoại để xử lý kịp thời. Trong hơn 4 tháng, hệ thống với gần 100 bác sĩ tham gia, đã chăm sóc, điều trị cho khoảng 4.000 bệnh nhân mắc Covid-19.  

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực y tế sẽ góp phần tích cực giảm tải cho ngành y tế, đồng thời chăm sóc sức khỏe của người dân tốt hơn. Để xây dựng hệ sinh thái y tế số một cách bài bản, ông Vũ Thái Hà, Giám đốc vận hành của ứng dụng chăm sóc y tế trực tuyến eDoctor, cho rằng, cần sự tham gia của cộng đồng. Trong đó, nguồn lực xã hội cần được huy động hiệu quả hơn nữa để đẩy nhanh quá trình số hóa hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân. 

“Mục tiêu ngắn hạn là cải thiện chất lượng dịch vụ y tế thông qua việc triển khai y tế từ xa và y tế tại nhà, giảm tải cho các cơ sở y tế. Mục tiêu trung hạn là giúp cho mỗi gia đình Việt Nam đều có một bác sĩ gia đình trực tuyến có thể phục vụ thường xuyên và liên tục. Mục tiêu dài hạn là quản lý sức khỏe của toàn dân một cách hiệu lực và hiệu quả nhất với khả năng quản lý và phân tích dữ liệu sức khỏe trên diện rộng của công nghệ. Tất cả cùng hướng đến mục đích phát triển một nền y tế thông minh”, ông Vũ Thái Hà kỳ vọng.

Hiện, SIHUB và eDoctor đã sáng lập Câu lạc bộ Y tế số, ra mắt Ban chấp hành lâm thời với sự tham gia của những chuyên gia nhiều năm trong ngành, trong đó PGS-TS-Nhà giáo nhân dân Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM, làm Chủ tịch câu lạc bộ. Đây là nơi tập hợp nhiều doanh nghiệp, bác sĩ, chuyên gia y tế tham gia kết nối, thảo luận về chuyên môn và các thành viên câu lạc bộ sẽ cùng các bên phát triển các dự án ứng dụng công nghệ trong hoạt động khám chữa bệnh, tạo thuận lợi cho bác sĩ, giảm áp lực cho bệnh viện và nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

 
 
Đồng chí Phan Văn Mãi chỉ đạo, chậm nhất trong tháng 4-2022, Sở KH-CN cần báo cáo TPHCM về mô hình tổ chức hoạt động Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo TPHCM. Phải sớm đưa viện vào hoạt động, trở thành công cụ mạnh trong việc thử nghiệm cơ chế, mô hình, phát huy KH-CN, từ đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Sáng 4-3, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM đã có buổi duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chương trình công tác năm 2022 của Sở Khoa học – Công nghệ (KH-CN) TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Sớm đưa Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo TPHCM vào hoạt động ảnh 1
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: CAO THĂNG  
Ứng dụng KH-CN trên các lĩnh vực quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thống nhất với các nhóm nhiệm vụ và nội dung nhiệm vụ Sở KH-CN triển khai trong năm 2022. Đồng thời, yêu cầu Sở KH-CN tập trung triển khai kế hoạch phát triển ứng dụng KH-CN, nhất là trên lĩnh vực quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, Sở KH-CN phải chủ động huy động nhiều hơn các nguồn lực KH-CN tham gia vào các quyết định phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, cũng như phát huy các ngành, các quận, huyện trong việc phát triển ứng dụng KH-CN. Đồng chí nhấn mạnh, phải xây dựng và triển khai cơ chế phát huy các nguồn lực xã hội, các tổ chức, các chuyên gia, các cá nhân có điều kiện tham gia nghiên cứu, phát triển KH-CN, đưa KH-CN vào phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng lưu ý Sở KH-CN phải triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực và hiệu quả cạnh tranh; cần tập trung cho kế hoạch nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kể cả việc khởi nghiệp lại.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Sớm đưa Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo TPHCM vào hoạt động ảnh 2
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: CAO THĂNG  
Cùng với đó, Sở KH-CN cần tập trung hoàn thiện, báo cáo Thường trực UBND TPHCM cho ý kiến về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chậm nhất trong tháng 4-2022, Sở KH-CN cần báo cáo TPHCM về mô hình tổ chức hoạt động Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo TPHCM. Đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, phải sớm đưa viện vào hoạt động, trở thành công cụ mạnh trong việc thử nghiệm cơ chế, mô hình, phát huy KH-CN, từ đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Liên quan đến sử dụng vốn ngân sách cho nghiên cứu KH-CN, đồng chí Phan Văn Mãi lưu ý Sở KH-CN phối hợp với Sở Tài chính phải chọn các nhiệm vụ gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, từ đó kêu gọi tổ chức, cá nhân đủ năng lực tham gia triển khai, nghiên cứu thực hiện. 

Thu hút hơn 1,1 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm 

Trước đó, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng cho biết, trong năm 2021, tổng chi tiêu xã hội cho KH-CN ước đạt 16.150 tỷ đồng (xấp xỉ 1,18% GRDP của TPHCM). Trong đó, khu vực doanh nghiệp chiếm tỷ lệ gần 80%. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị chung của các doanh nghiệp đạt 8,1%. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo trong năm là 33,6%.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Sớm đưa Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo TPHCM vào hoạt động ảnh 3
Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: CAO THĂNG  
Về hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, trong năm tuy có ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ, trở thành cái nôi của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước. Trong năm, có khoảng 2.000 startups và là năm hoạt động tích cực của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khi lượng vốn đầu tư mạo hiểm thu hút được của các startup là hơn 1,1 tỷ USD (chiếm 60% lượng vốn và 70% số thương vụ của cả nước). TPHCM cũng là địa phương thuộc Tốp 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu năm 2021 (tăng 46 bậc, chiếm vị trí thứ 179).
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Sớm đưa Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo TPHCM vào hoạt động ảnh 4
Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: CAO THĂNG  
Năm 2022, Sở KH-CN tiếp tục tham mưu thành lập và đưa Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo TPHCM đi vào hoạt động, làm hạt nhân kết nối các trung tâm nghiên cứu phát triển mạnh; hỗ trợ hoạt động thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy ứng dụng KH-CN vào cuộc sống.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Sớm đưa Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo TPHCM vào hoạt động ảnh 5
Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: CAO THĂNG  
Sở KH-CN dự kiến hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho hơn 600 doanh nghiệp; hỗ trợ ươm tạo, phát triển 200 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có 20 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. 

MẠNH HÒA - SGGP.ORG.VN

Năm 2021, 1/3 số doanh nghiệp ở TP.HCM có hoạt động đổi mới sáng tạo. Chiếm tỷ lệ cao nhất là đổi mới về phương pháp quản lý, tổ chức (19,2%) và đổi mới về quy trình sản xuất, cung ứng dịch vụ (19,3%).

Tại Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022”, bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết Sở đã triển khai thực hiện tái cấu trúc các chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phát triển, giải mã, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phục vụ trực tiếp cho các ngành công nghiệp, dịch vụ và các đề án đô thị thông minh/đô thị sáng tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

TONG KET 2021

Bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) báo cáo kết quả công tác năm 2021

Các kết quả nghiệm thu sản phẩm nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) không chỉ đóng góp tích cực cho các hoạt động trọng điểm của Thành phố, mà ngày càng giàu tính hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế số. Điển hình là nhiệm vụ “Vật liệu nanocomposite trên cơ sở graphene” đã giúp chủ động trong việc nghiên cứu chế tạo và chuyển giao ứng dụng công nghệ chế tạo pin mặt trời, không phải phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài, định hướng ứng dụng trong chế tạo pin đơn, từ đó lắp ráp tạo các tấm pin mặt trời có khả năng sản xuất điện ứng dụng tích hợp trong các thiết bị di động, thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, đồng hồ, sạc dự phòng,… Hay sản phẩm “IoT DataLogger cho hệ thống đèn giao thông thông minh” có thể tùy chỉnh để tạo ra các sản phẩm IoT trong lĩnh vực giao thông, tích hợp vào hệ thống đô thị thông minh của Thành phố.

Theo tài liệu “Thực trạng và tiềm năng phát triển kinh tế số ở Việt Nam” (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, công nghệ số, dữ liệu số… để tăng năng suất lao động. Nền kinh tế số Việt Nam mặc dù chỉ mới phát triển trong một vài thập kỷ gần đây nhưng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, ở một số lĩnh vực có sự phát triển mang tính đột phá, đồng thời tạo ra nền tảng làm thay đổi phương thức quản lý, phương thức hoạt động, làm xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới ở nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế. Một trong những giải pháp để phát triển kinh tế số ở Việt Nam là cần phát triển và nâng cao tiềm lực KHCN và năng lực đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, hoạt động nâng cao tiềm lực KHCN, năng lực ĐMST phát triển kinh tế số cũng cần tăng cường đầu tư từ nhiều nguồn cho KHCN, đi đôi với đẩy mạnh đổi mới cơ chế, chính sách, phương thức quản lý hoạt động KHCN. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM mong muốn xây dựng Chương trình khoa học và công nghệ theo hướng tạo được sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trọng điểm của Thành phố, tăng cường sự gắn kết và hợp tác giữa các tổ chức và doanh nghiệp KHCN để lựa chọn “nhạc trưởng” thực hiện Chương trình. Các mục tiêu đặt ra là: (1) sản phẩm phải thật sự rõ ràng và phục vụ trực tiếp cho Thành phố, kinh phí dự toán được xây dựng theo cơ chế mở; (2) linh hoạt và đơn giản hóa thủ tục tuyển chọn nhiệm vụ KHCN, thanh quyết toán tài chính theo thông lệ quốc tế, giảm tối đa các gánh nặng hành chính cho các nhà khoa học.

Nâng cao chất lượng hoạt động KHCN, ĐMST theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường viện là chủ thể nghiên cứu là nét mới trong hoạt động đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ. Từ đó, có thể mở ra nhiều cơ hội để tranh thủ nguồn lực xã hội trong hoạt động KHCN, ĐMST bằng nhiều hình thức như: tạo lập môi trường thử nghiệm (sandbox) có sự tham gia giữa nhà nước và khu vực tư nhân theo hướng hợp tác win - win; tổ chức nhiều sự kiện kết nối giữa các trường, viện, doanh nghiệp tham gia cùng giải quyết những vấn đề thực hiện xã hội; tham khảo ý kiến chuyên gia trong việc xây dựng các chính sách, chương trình phát triển KHCN, ĐMST.

Trong năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ tập trung tái cấu trúc các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho các chương trình trọng tâm phát triển kinh tế xã hội của Thành phố, giải quyết các vấn đề cấp thiết của ngành y tế, giáo dục và quản trị trong khu vực công của Thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. HCM  giai đoạn 2021-2025”, trọng tâm là đưa vào vận hành Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố, hình thành mạng lưới các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp của Thành phố làm nền tảng kết nối, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở các lĩnh vực trọng tâm là chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; công nghệ tài chính; công nghệ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.”, bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết.

Hoàng Kim (CESTI)

Chiều 6/1, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã trao quyết định của UBND TP cho đồng chí Lê Thanh Minh, Giám đốc Quỹ phát triển khoa học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM; thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.
lmtpgd
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức trao quyết định cho đồng chí Lê Thanh Minh

Đồng chí Lê Thanh Minh sinh năm 1971, quê quán huyện Củ Chi, TPHCM. Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Hóa, Cử nhân Quản lý công nghiệp; Cao cấp lý luận chính trị.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, đồng chí Lê Thanh Minh bày tỏ niềm vinh dự khi nhận nhiệm vụ mới và hứa sẽ cùng tập thể Sở Khoa học và Công nghệ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, sẽ cùng lãnh đạo Sở tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trong việc chuyển giao khoa học công nghệ, đưa ứng dụng vào thực tiễn, sớm đưa Viện Khoa học công nghệ đi vào hoạt động.

ltmpgd2Lãnh đạo TPHCM và Sở Khoa học và Công nghệ TP tặng hoa chúc mừng đồng chí Lê Thanh Minh

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức gởi lời chúc mừng đến đồng chí Lê Thanh Minh và tập thể lãnh đạo Sở Khoa học và công nghệ TPHCM; đồng thời mong muốn đồng chí Lê Thanh Minh phát huy tốt vai trò, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; trong đó thực hiện tốt vai trò kết nối phát triển khoa học công nghệ, xây dựng nền tảng phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ của TP trong thời gian tới. Đồng chí Dương Anh Đức cũng mong lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP tạo điều kiện để đồng chí Lê Thanh Minh hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Dịch vụ xe công nghệ tại TP.HCM ngày càng phát triển và thu hút nhiều lao động tham gia. Tuy nhiên, loại hình dịch vụ trên nền tảng số này về cơ bản vẫn tồn tại một số bất cập trong quản lý, và người lao động còn phải chịu nhiều rủi ro, vì thế cần có những giải pháp cấp thiết, đồng bộ để quản lý, điều hành. 

Hiện nay, TPHCM có khoảng 200.000 người lao động tham gia thị trường xe công nghệ. Tuy nhiên, loại hình dịch vụ sử dụng nền tảng công nghệ này về cơ bản cũng đã làm nảy sinh khá nhiều vấn đề phức tạp trong công tác quản lý liên quan đến vấn đề tranh chấp trong kinh doanh, giữa mô hình kinh tế truyền thống và mô hình kinh tế chia sẻ. Cụ thể, một số cuộc tụ tập đông người nhằm phản đối cách tính thuế giá trị gia tăng (theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ 05/12/2020) cũng như và tỷ lệ chiết khấu doanh thu tại văn phòng công ty sở hữu phần mềm nền tảng ứng dụng gọi xe từng xảy ra trong giai đoạn 2018-2020 đã "đánh dấu" những cảnh báo đáng quan tâm về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP.HCM. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị xã hội dành cho người lao động hay thanh niên hiện nay cũng đang khá lúng túng trong việc tập hợp, liên kết người lao động vào mô hình tổ chức của mình nhằm chăm lo, hỗ trợ đời sống, góp phần đảm bảo ninh trật tự trên địa bàn.

xcn

Vấn đề này đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan quản lý xã hội, đồng thời cũng là khoảng trống trong các nghiên cứu về kinh tế - xã hội. Trước thực tế đó, Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM đã chủ trì triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ “Đánh giá thực trạng công tác quản lý và các phương thức tập hợp người lao động tham gia cung ứng dịch vụ xe sử dụng nền tảng ứng dụng công nghệ trên địa bàn TP.HCM”, và được hội đồng tư vấn nghiệm thu Sở KH&CN TP.HCM tổ chức hồi tháng 12/2021 đánh giá là đã cung cấp những số liệu, nhận định và đề xuất hết sức khách quan, sát với thực tiễn của loại hình dịch vụ này.

Có thể khẳng định rằng, đề tài đã được nghiêm túc thực hiện nhằm tìm ra các giải pháp hữu hiệu trong việc quản lý hoạt động dịch vụ xe công nghệ và các phương thức tập hợp người lao động vào các tổ chức xã hội, để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn TP. HCM.

 Xe công nghệ: Thách thức cho nhà quản lý

Có thể khẳng định rằng, dịch vụ xe công nghệ tại TP.HCM được xem là lĩnh vực hấp dẫn với sự ra mắt của hàng loạt các doanh nghiệp trong khoảng hơn 5 năm trở lại đây, đặc biệt sau khi Uber bán lại cổ phần cho Grab và rút khỏi Việt Nam vào năm 2018. Tính đến nay đã có hơn 10 doanh nghiệp đang vận hành mô hình kinh doanh xe công nghệ. Thị trường xe công nghệ đang diễn ra sôi nổi với sự tham gia của đa dạng loại hình doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (Grab, Gojek,…) cho đến các doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước (Be, Vato,...). Sự hiện diện của nhiều dịch vụ vận chuyển dựa trên nền tảng công nghệ từ năm 2014 đến nay tạo nên một bức tranh kinh tế chia sẻ nhiều màu sắc ở TP.HCM. Dịch vụ này đã mang đến cho khách hàng thêm nhiều sự lựa chọn trong di chuyển. Mặt khác, cũng gia tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển trên nền tảng công nghệ, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh với mô hình kinh doanh vận tải truyền thống.

xcn1

Nhận định những nguy cơ của hoạt động xe công nghệ

Theo nhận định của Sở Tư Pháp TP.HCM, một thách thức mà các cơ quan Nhà nước đang phải đối mặt là việc không giới hạn số lượng tài xế tham gia vào sử dụng ứng dụng công nghệ cung cấp dịch vụ vận tải như hiện nay dẫn đến tình trạng gia tăng sử dụng phương tiện cá nhân, gây nên sự mất cân bằng quy luật cung cầu, gián tiếp cạnh tranh với phương tiện vận tải công cộng như xe buýt vì tính tiện lợi, nhanh chóng vốn có của nó, song song đó tạo ra sự bất bình đẳng trong giao kết giữa chủ sở hữu nền tảng ứng dụng và các tài xế tham gia chạy dịch vụ với tư cách là đối tác như các hợp đồng giao kết hiện hành. 

Ngoài ra, các vấn đề an ninh xã hội nảy sinh từ khi các mô hình hoạt động dịch vụ xe công nghệ xuất hiện tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Loại hình lao động này gây sức ép lên hệ thống pháp luật nước ta bởi vì các khuôn khổ pháp lý hiện nay dường như không có thay đổi linh hoạt để quản lý những thách thức nảy sinh từ các mô hình hoạt động xe công nghệ.

Lao động yếu thế và nhiều rủi ro

ThS. Trương Quốc Lâm, chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học công nghệ, cho biết: sau khi khảo sát nhóm người lao động (tham gia dịch vụ xe công nghệ phân theo hai loại phương tiện tham gia chính gồm xe bốn bánh và xe hai bánh) cho thấy, thành phần tham gia vào hoạt động dịch vụ chạy xe công nghệ khá đa dạng và đang có chiều hướng biến thành một nghề chính thức với mong muốn gắn bó lâu dài với công việc này. Người lao động có thể tự do lựa chọn thời gian làm việc mà không chịu sự quản lý hoặc kiểm soát của doanh nghiệp. 

Đa số tài xế cho rằng công việc lái xe công nghệ của họ là “nghề nghiệp chính thức, ổn định” hoặc “công việc làm thêm để có thu nhập” (90%), chỉ có một số ít tài xế chưa có việc làm mới xem đây là một “công việc tạm thời trước khi tìm việc mới” (10%).

xcn2

Khó khăn của tài xế khi tham gia xe công nghệ

Tuy nhiên, việc định danh mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp chưa rõ ràng, việc gọi tên mối quan hệ “đối tác” nhưng quyền lợi và trách nhiệm không cân bằng, dẫn đến nhiều thiệt thòi cho người lao động. Người lao động là tài xế luôn ở thế yếu, phải chịu sự quản lý một chiều từ phía đơn vị vận hành ứng dụng công nghệ (app) như những người lệ thuộc. Bên cạnh đó, tình trạng, mức sống lực lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực chạy xe công nghệ khá bấp bênh. Công việc mưu sinh của họ nảy sinh các hệ luỵ khác đối với người lao động như thời gian làm việc quá mức, không có chế độ an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, …) và tình trạng nợ tài chính cá nhân tăng cao.

XCN3

Đánh giá mức thu nhập của tài xế so với công việc trước đây theo từng nhóm nghề

"Khó khăn lớn nhất của họ là không có phúc lợi xã hội và các chế độ đãi ngộ như những người lao động làm công hưởng lương. Các chế độ an sinh xã hội căn bản thực sự rất cần thiết đối với bất kể một ngành nghề nào, đặc biệt là đối với nhóm người lao động chạy xe công nghệ chuyên nghiệp", báo cáo của Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM nêu rõ, "Để tham gia vào công việc chạy xe công nghệ, người lao động đã phải sử dụng các nguồn vốn kinh tế để đầu tư trang bị phương tiện và phần lớn thời gian để chạy xe kiếm tiền". 

Ngoài ra, khi chạy xe công nghệ, người tài xế gặp 5 vấn đề rủi ro chính. Rủi ro lớn nhất là họ luôn phải đối mặt thường ngày là rủi ro về sức khỏe, thân thể và tính mạng. Ngoài ra, họ còn bị mức chiết khấu quá cao so với sức lao động của họ và họ không có các khoản trợ cấp, phụ cấp cần thiết ; tài xế không được đàm phán về các điều khoản trong hợp đồng hay không được bảo vệ quyền lợi trước khách hàng . 

xcn4

Các loại bảo hiểm của người lao động trong lĩnh vực xe công nghệ

Giải pháp ứng dụng thực tiễn mang tính chất cấp thiết

Qua khảo sát, nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất, kiến nghị Chính phủ cần sớm đưa ra các nhiệm vụ hoạch định chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động tự do. Trong đó, các chính sách ban hành thời gian tới cần tính toán các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo mức sống của người lao động luôn ở ngưỡng đảm bảo sinh tồn với 3 chỉ báo quan trọng. Đó là, (1) Đảm bảo sự bình ổn mức thu nhập trong ngưỡng sinh tồn; (2) Trong lĩnh vực xe công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước phải giám sát việc các doanh nghiệp thu phí, cước phải dựa vào mức sống cơ bản của người lao động. Tránh để tình trạng để doanh nghiệp độc quyền ban hành giá cước có lợi cho doanh nghiệp; (3) Quản lý, giám sát việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động.

xcn5

Mức độ gắn bó với công việc chạy xe công nghệ theo trình độ

Từ kết quả nghiên cứu nói trên, đại diện Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM cũng đã có báo cáo tham vấn chính sách gửi lãnh đạo Thành ủy TP.HCM. Theo đó, đối với giải pháp trước mắt, nhóm tác giả đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND TP.HCM chỉ đạo UBND Thành phố giao  Sở LĐ-TB&XH sớm xây dựng Bộ tiêu chuẩn đánh giá trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và công bố thường niên. Sở GT-VT nghiên cứu, tham mưu giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động dịch vụ vận tải hành khách ở đô thị. Sở TT&TT nghiên cứu căn cứ pháp lý để quản lý và phương thức chế tài các ứng dụng trong trường hợp vi phạm pháp luật trên địa bàn TP.HCM, nhất là các trường hợp tác động hay đe dọa tác động đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. 

Ngoài ra, LĐLĐ TP.HCM cần tăng cường chỉ đạo thành lập các nghiệp đoàn xe công nghệ và đánh giá hiệu quả nghiệp đoàn của người lao động trên địa bàn TP.HCM; khuyến kích thành lập các tổ chức phi lợi nhuận (NPOs) theo các dạng thức Doanh nghiệp xã hội hay Quỹ phúc lợi xã hội tập hợp người lao động tự do; hay hành lập Trung tâm Thông tin và hỗ trợ người lao động tự do;… 

Bên cạnh đó, theo đề xuất của nhóm nghiên cứu, các tổ chức chính trị - xã hội của TP.HCM cũng có thể tham gia hình thành Mạng lưới các tổ chức hỗ trợ phúc lợi cho người lao động  (có thể tích hợp với  ứng dụng hỗ trợ người lao động (app)  thông của  Trung tâm thông tin và hỗ trợ người lao động). Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng cần chủ động tăng cường phát huy các mô hình đội nhóm tự lập, tự quản trong lực lượng lao động khá phong phú; song song đó cần sớm có chiến lược tập các nhóm xã hội này theo quan điểm hiệp lực thay vì tiếp cận theo hướng cạnh tranh tập hợp từng cá nhân đơn lẻ như hiện nay.  

Còn một tỷ lệ khá lớn người lao động trong lĩnh vực xe công nghệ chưa tham gia vào các nghiệp đoàn. Các nghiệp đoàn nên có chính sách thu hút và tăng cường công tác vận động những đối tượng này tham gia vào nghiệp đoàn. Phương thức tập hợp người lao động vào nghiệp đoàn là một cách thức mà các nhà quản lý có thể cân nhắc để tập hợp người lao động trong lĩnh vực xe công nghệ ở TP.HCM trong thời gian sắp tới nhằm thuận lợi cho công tác quản lý và đảm bảo quyền lợi cho tài xế xe công nghệ.

(*): số liệu được khảo sát trong năm 2020.


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353