SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Dựa trên 2 đặc điểm chính gồm màu sắc và kích thước, máy hỗ trợ phân loại nhanh nông sản ở mức công suất hàng tấn mỗi giờ trở lên.

Ngày 12/11/2021, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ Tầm nhìn HHC tổ chức hội thảo giới thiệu: “Máy phân loại màu giúp tối ưu chất lượng nông sản, thực phẩm”. Hội thảo là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện triển khai Tháng cao điểm thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

Báo cáo tại buổi hội thảo, ông Trần An (Giám đốc Công ty HHC) cho biết máy phân loại màu bằng quang điện tử được trang bị hệ thống cảm biến màu sắc, có khả năng tính toán và phân tích bằng phần mềm chuyên biệt của máy tính điện tử nên phát hiện được những đặc điểm sai biệt về màu sắc của nông sản (đặc biệt là các loại hạt như thóc, cà phê, điều…), đồng thời dựa vào đặc điểm khác biệt về kích thước của các loại hạt để phân loại nông sản thành những nhóm đồng nhất về màu sắc và kích thước, đáp ứng các tiêu chuẩn phân loại cho nông sản xuất khẩu hoặc đáp ứng yêu cầu về sự đồng nhất nguyên liệu đầu vào cho sản xuất - chế biến thực phẩm.

Máy phân loại màu bằng quang điện tử có nhiều ưu điểm như: phân loại màu sắc với tỷ lệ chính xác cao và, dễ dàng xử lý phân loại lượng lớn hàng hóa trong thời gian ngắn mà không phụ thuộc nhân công, có thể phân loại hàng hóa theo hình dạng hoặc kích thước, dễ kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm ở khâu phân loại. Do vậy, máy thường được sử dụng để lựa chọn những nông sản đạt chất lượng tốt nhất. Sau đó, những loại máy phân loại khác như cơ – điện sẽ phân loại các sản phẩm có chất lượng thấp hơn. Đó cũng là giải pháp phân loại kết hợp để giải quyết bài toán phân loại triệt để các mặt hàng nông sản mà các nhà máy, cơ sở sản xuất nông nghiệp đang lựa chọn (để tối ưu quy trình và thời gian sản xuất, phân loại được mọi loại hàng với nhiều đặc điểm khác nhau).

211113hk1.jpg

Đặc trưng của máy là hao mòn về cơ khí thấp, ít lỗi vặt, sử dụng linh kiện có độ bền cao nên rất bền bỉ, độ tin cậy tốt trong thời gian dài (trên 5 năm). Phần mềm điều khiển máy có giao diện tiếng Việt, dễ thao tác và sử dụng trên màn hình cảm ứng, dễ thiết lập các tham số điều khiển (độ nhạy, kích thước, chấm kim… tùy theo loại hạt) cũng như thời gian lau kính (vệ sinh bụi bám), mở van khí nén… Máy vận hành hoàn toàn tự động, hỗ trợ cài đặt thông minh và có thể điều khiển từ xa, nên là giải pháp phù hợp để góp phần kiểm soát và nâng cao chất lượng cho nông sản, thực phẩm.

Máy đã được ứng dụng nhiều để phân loại tự động nhiều loại hạt như lúa, gạo, cà phê, điều… ở đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước. Máy giúp giảm thời gian phân loại do có thể đạt công suất ở mức hàng tấn mỗi giờ trở lên, giảm lượng nhân công phân loại thủ công, phù hợp với quy mô sản xuất hộ gia đình, hợp tác xã và sản xuất công nghiệp.

Tùy theo nhu cầu của khách hàng, nhà cung ứng sẽ tư vấn các loại máy có công suất và kích thước khác nhau. Sản phẩm được bảo hành 1 năm, bảo trì nhanh trong vòng 3-6 giờ tùy theo vị trí địa lý. Khách hàng có thể mua dịch vụ bảo trì theo năm với chi phí khá rẻ, chỉ khoảng 1 triệu đồng/năm.

Hoàng Kim (CESTI)

Ngày 11/11/2021, Hội Tin học TP.HCM (HCA) phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, các đơn vị đối tác, hiệp hội, doanh nghiệp công nghệ thông tin tổ chức hội thảo trực tuyến: Giải pháp nào để doanh nghiệp kinh doanh không gián đoạn?

Đây là nội dung chuyên đề thứ 2 của chuỗi hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi để thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19”, cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện triển khai Tháng cao điểm thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn (Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Chính phủ đang quan tâm tập trung vào chương trình phục hồi kinh tế với 4 mảng chính là công tác phòng chống đảm bảo sống chung với dịch an toàn, linh hoạt; vấn đề an sinh; phục hồi sản xuất cho các doanh nghiệp; đầu tư công. Các doanh nghiệp trong giai đoạn này sẽ rất quan tâm đến các vấn đề tác động của đại dịch, giải pháp phục hồi sản xuất, cần thay đổi và chuyển đổi số. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề cần có nền tảng công nghệ (dùng chung) phục vụ cho quá trình chuyển đổi không chỉ sản xuất mà còn quản trị, quản lý. Đại dịch tuy ảnh hưởng lớn nhưng cũng là cơ hội cho ngành ICT. Vì vậy hội thảo này cần tập trung đánh giá tác động của đại dịch và cơ hội cho doanh nghiệp ICT, từ đó đưa ra các sáng kiến, đóng góp cách làm hay và sự vào cuộc nhanh của các doanh nghiệp ICT. Đồng thời đề xuất các giải pháp xây dựng các ứng dụng/nền tảng dùng chung và kết nối để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, vừa ứng phó với đại dịch Covid cũng là xu thế phát triển trong tương lai.

Đánh giá hiện trạng và xu hướng ứng dụng sản phẩm công nghệ số trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, bà Lê Thị Thu Thủy (Phó Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) cho rằng, đại dịch Covid đã tác động rất nhiều đến doanh nghiệp, tuy nhiên nó cũng giúp thay đổi hành vi, tạo ra những cơ hội biến nguy thành cơ. Do đó, có thể nhìn nhận và tận dụng cơ hội thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn; tiết giảm chi phí; tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn; phát triển cả trong thời đại dịch Covid 19 và sau đại dịch.

08HDKHLVhtHCAchuyende2h2.jpg

Bà Lê Thị Thu Thủy trình bày báo cáo "Đánh giá hiện trạng và xu hướng ứng dụng sản phẩm công nghệ số trong hoạt động sản xuất - kinh doanh".

Theo bà Thủy, đa phần doanh nghiệp bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, chủ yếu là khó khăn trong duy trì việc làm cho người lao động; năng lực sản xuất của doanh nghiệp bị suy giảm; thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu và khó khăn trong dự đoán dự trữ hàng hóa; thu hẹp thị trường hiện tại và khó khăn trong tìm kiếm thị trường mới; giảm doanh thu;… Kết quả nghiên cứu của VCCI về tình hình chuyển đổi số của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được về chuyển đổi số nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Về nhận thức vai trò của ứng dụng công nghệ số, trong khoảng 10 năm trước khi có Covid-19, có 50% doanh nghiệp đã ứng dụng các công nghệ số, nhưng chỉ riêng năm 2020, gần 26% doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng các công nghệ số và có ý định tiếp tục sử dụng các công nghệ này. Điều này cho thấy doanh nghiệp đã nhận thức cần chuyển đổi để thích nghi với tình hình mới. Các lĩnh vực doanh nghiệp quan tâm và có nhu cầu ứng dụng các sản phẩm, công nghệ kỹ thuật số là quản trị nội bộ, bán hàng, tối ưu hóa quy trình sản xuất, mua hàng, logistic,… So với giai đoạn trước khi có Covid-19, tỷ lệ ứng dụng các công cụ kỹ thuật số của doanh nghiệp trong quản trị nội bộ, hoạt động logistic, sản xuất, marketing,… ở giai đoạn có Covid-19, tăng đáng kể. Các ứng dụng này chủ yếu về dịch vụ điện toán đám mây, hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý công việc và quy trình, hệ thống quản lý nhân sự từ xa, phần mềm quản lý kho hàng, hệ thống hoạch định nguồn nhân lực doanh nghiệp - ERP, hệ thống điều hành sản xuất nhà máy, thương mại điện tử, mạng xã hội,…

Các nội dung ưu tiên của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay là cải tiến chất lượng sản phẩm/dịch vụ; giảm giá thành sản phẩm/dịch vụ; giảm chi phí quản lý; chăm sóc khách hàng mới; phát triển kênh bán hàng mới;... Đề xuất của doanh nghiệp để tạo điều kiện cho việc sử dụng công nghệ số tập trung vào việc xây dựng các quy tắc, quy định; hỗ trợ tài chính trong việc ứng dụng công nghệ số; minh bạch hóa các quy tắc và quy định; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nội bộ; hỗ trợ phát triển kết nối với các doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng linh hoạt; hài hòa các quy định tắc và quy định về công nghệ;...

Như vậy, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần chủ động và nỗ lực, bên cạnh đó cần có môi trường, thể chế và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia và doanh nghiệp cũng trình bày các nội dung như: kinh nghiệm nâng cao hiệu quả bán hàng đa kênh với hệ thống Omni Channel CRM; nâng cao hoạt động quản lý của doanh nghiệp để thích ứng an toàn: trải nghiệm khách hàng với Zoho Plus; chuyển đổi số hoạt động sản xuất - kinh doanh bằng giải pháp AMIS CRM;… Đồng thời, thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc, sáng kiến, giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt. Chuỗi hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi để thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19” nhằm tư vấn, giới thiệu các giải pháp, ứng dụng, mô hình công nghệ, đồng thời phân tích, chia sẻ kinh nghiệm triển khai từ các chuyên gia, doanh nghiệp. Hội thảo chuyên đề 3 sẽ được tổ chức trong thời gian tới với chủ đề: Hướng đi nào để doanh nghiệp phục hồi hiệu quả tình hình sản xuất, kinh doanh?.

Lam Vân (CESTI)

Đến nay, TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách, từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), trở thành cái nôi của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước. Các hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ngày càng sôi động, qua đó đã giúp các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST nói chung và doanh nghiệp nói riêng có những chuyển biến rõ rệt.

Việc hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST cũng là một trong những nội dung được quan tâm trong Tháng cao điểm thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư". 

TP.HCM đã ban hành đề án “Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025”. Đề án đề ra mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Thành phố phát triển ngang tầm khu vực, từng bước trở thành nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động ĐMST, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực của Thành phố, góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45 - 50%.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, đồng thời là địa phương sớm ban hành nhiều chính sách cho khởi nghiệp ĐMST, thúc đẩy hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ và đang trở thành cái nôi của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước. Qua đó, Thành phố đã hình thành mô hình không gian hỗ trợ hoạt động ĐMST và khởi nghiệp (SIHUB); đã kết nối trên 40 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (cơ sở ươm tạo, tăng tốc, không gian làm việc chung, Quỹ đầu tư); thiết lập nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu 134 phòng thí nghiệm, 626 chuyên gia, 275 tổ chức KH&CN,... (số liệu thống kê tính đến hết năm 2020).

Hiện Thành phố có trên 3000 cá nhân, nhóm khởi nghiệp được huấn luyện kiến thức kinh nghiệm thực tiễn về phát triển ý tưởng và đánh giá sản phẩmkhởi nghiệp; hơn 280 giảng viên, cán bộ các trường đại học, đơn vị được trang bị kiến thức về khởi nghiệp ĐMST; 160 cố vấn khởi nghiệp được đào tạo và nâng cao năng lực, hơn 200 mentor được kết nối từ các mạng lưới quốc tế.

Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng các đơn vị đã tổ chức trên 60 cuộc thi với hơn 3000 dự án và ý tưởng tham gia (trung bình mỗi năm có khoảng 200 dự án được chọn để tiếp tục ươm tạo hoặc tham gia các chương trình hỗ trợ về khởi nghiệp sáng tạo); tổ chức trên 1.000 sự kiện kết nối các cá nhân, tố chức, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST với các chuyên gia, cố vấn, quỹ đầu tư, thị trường thông qua các diễn đàn, hội nghị/hội thảo, các buổi tư vấn, các hội chợ, chợ phiên khởi nghiệp,… Trong giai đoạn 2016 – 2020, Thành phố đã thực hiện ươm tạo và phát triển sản phẩm, công nghệ cho hơn 950 dự án khởi nghiệp ĐMST được chọn từ các cuộc thi. Nhiều dự án khởi nghiệp được hỗ trợ thông qua các chương trình đã gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư hoặc nhà đầu tư thiên thần (như dự án Teamup, dự án SchoolBus, 689Cloud,…) với định giá tăng từ 1,5 đến 1,8 lần so với định giá trước khi nhận được hỗ trợ.

07HDKHLVthucdayKNDMSTh1.jpg

Một trong những cuộc thi đáng chú ý là HAI 2020 (Dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo của TP.HCM năm 2020). HAI 2020 được tổ chức với mục đích tạo ra sân chơi trí tuệ nhằm kết nối, phát triển nguồn nhân lực AI (trí tuệ nhân tạo), khuyến khích phong trào nghiên cứu, ứng dụng AI tại Việt Nam. Cuộc thi đã tìm ra ba dự án xuất sắc nhất nhận được giải thưởng 100 triệu đồng mỗi giải, gồm: Tầm soát bệnh Glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo EYEDR (tác giả Phạm Thị Thủy Tiên – Bệnh viện Mắt TP.HCM); Xác định sức khỏe cây trồng bằng máy bay không người lái (Phạm Thanh Toàn – Công ty CP Công nghệ thông minh MiSmart); Music ID (Lương Công Trung Nguyên – Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM). Ba dự án này nằm trong top 20 dự án nổi bật trước đó được chọn vào vòng bán kết và tham gia ươm tạo tại các vườn ươm. Cuộc thi HAI 2020 đã nhận được 108 hồ sơ dự án đăng ký tham dự. Các dự án top 20 được chọn tham gia ươm tạo tại các vườn ươm thuộc nhiều lĩnh vực như y tế, giao thông, nông nghiệp, bán lẻ,… đều mang tính ứng dụng vào thực tiễn cao.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, hầu hết các hoạt động hỗ trợ của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST được thực hiện dưới hình thức trực tuyến nhưng vẫn gắn kết với nhu cầu thực tế của từng nhóm đối tượng. Nội dung hỗ trợ chủ yếu liên quan đến hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, tiêu biểu như: Nâng cao năng lực cho các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thông qua việc phối hợp với các tổ chức/đơn vị thực hiện 9 khóa huấn luyện kiến thức, kỹ năng về ĐMST, khởi nghiệp; Hỗ trợ kết nối mạng lưới khởi nghiệp ĐMST (tổ chức gần 180 sự kiện kết nối, giao thương, khóa luấn luyện nâng cao năng lực của cộng đồng khởi nghiệp Thành phố tại SIHUB); Hỗ trợ các cơ sở ươm tạo, trường đại học phát triển, ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp ĐMST, khởi nghiệp xã hội giải quyết các vấn đề cộng đồng (giới thiệu 2 dự án khởi nghiệp ĐMST tham gia cuộc thi Global Matching 2021 và 5 dự án khởi nghiệp ĐMST tham gia XnTree); Hỗ trợ phát triển tăng tốc các dự án khởi nghiệp ĐMST với các nhiệm vụ chủ yếu như Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST (SpeedUp), phối hợp với Quỹ đầu tư Expara xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình SIHUB-Expara mùa 3; Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về khoa học công nghệ và ĐMST;…

Lam Vân (CESTI)

Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ là điều kiện cần thiết để thực thi nhiều chính sách về đổi mới sáng tạo. "Chuẩn bị nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo từ ghế nhà trường" cũng là nội dung được quan tâm trong Tháng cao điểm thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu tăng trưởng kinh tế, gắn kết chặt chẽ hoạt động nghiên cứu khoa học làm nền tảng nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế và xây dựng thành phố thông minh - đô thị sáng tạo là những mục tiêu mà TP.HCM đang hướng đến.

Để thực hiện đổi mới sáng tạo, một trong những điều kiện cần thiết là nguồn nhân lực khoa học công nghệ. Theo các chuyên gia, cần chú trọng đào tạo nhân lực khoa học công nghệ ngay từ khi họ còn học trên ghế nhà trường, đồng thời liên kết chặt chẽ với khu vực doanh nghiệp để khi sinh viên ra trường sẽ đảm bảo được về chất lượng lao động đối với các yêu cầu công việc ở các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Từ đó, tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa ba bên để tạo ra các sản phẩm đối mới sáng tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường; cần xây dựng chính sách thu hút nhân tài khoa học công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhân tài trong nước và quốc tế. Đồng thời tạo điều kiện để những nhân tài trong các tổ chức khoa học công nghệ chịu gắn bó lâu dài trong các cơ quan này, tạo điều kiện để họ phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình.

OngNVDungWHISEDMST.jpg

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM thường xuyên tiếp nhận ý kiến của chuyên gia về đổi mới sáng tạo, mối liên kết Viện - trường và doanh nghiệp.

Hiện nay, TP.HCM có trên 3.000 cá nhân, nhóm khởi nghiệp được huấn luyện kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về phát triển ý tưởng và đánh giá sản phẩm khởi nghiệp; hơn 280 giảng viên, cán bộ các trường đại học, đơn vị được trang bị kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; trên 90.600 lượt cán bộ quản lý và gần 17.300 doanh nghiệp, 160 cố vấn khởi nghiệp được đào tạo và nâng cao năng lực và hơn 200 mentor được kết nối từ các mạng lưới quốc tế tham gia tư vấn/huấn luyện hoàn thiện mô hình kinh doanh, định hướng thị trường cho sản phẩm, cung cấp vốn đầu tư cá nhân… cho các dự án có tiềm năng.

Thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ được triển khai, TP.HCM đã gián tiếp đầu tư cho các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức… một phần cơ sở vật chất bằng việc cấp kinh phí mua thiết bị, máy móc phục vụ công tác nghiên cứu. Thành phố cũng thực hiện kết nối trên 40 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp (cơ sở ươm tạo, tăng tốc, không gian làm việc chung), đưa vào hoạt động các mô hình Innovation Lab, Openlab (hợp tác với các mô hình Openlab ở doanh nghiệp như Microsoft, Bosch), đầu tư và khai thác các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ tại các trường đại học, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung…

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đang phát triển Hệ thống liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ (STINET) gồm 39 đơn vị, chia sẻ hàng trăm nghìn tài liệu tham khảo phục vụ cho giảng viên và sinh viên ở Viện – trường. Các đơn vị thuộc Sở cũng tham gia hỗ trợ huấn luyện, tư vấn cho Viện – trường về các chính sách hỗ trợ, về chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, năng suất chất lượng… góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại hóa trong Viện – trường, đưa các sản phẩm nghiên cứu tiếp cận với thị trường. Sở cũng thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong các trường học thông qua việc tổ chức/phối hợp đào tạo STEM cho trên 14.000 giáo viên và 149.000 học sinh; hình thành gần 3.000 câu lạc bộ sáng tạo trong trường học và tổ chức 7.474 hoạt động/cuộc thi, góp phần tạo nền tảng tư duy, kỹ năng sáng tạo cho học sinh từ cấp phổ thông.

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã gắn kết các thành phần để hình thành hệ sinh thái hợp tác giữa khu vực nghiên cứu (trường đại học, viện nghiên cứu) với khu vực công nghiệp (doanh nghiệp) nhằm tạo lập môi trường thúc đẩy phát triển công nghệ, làm chủ công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm. Sở đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để tổ chức sự kiện Ngày SHTT thế giới 26/4 với chủ đề “Doanh nghiệp nhỏ và vừa với SHTT: Mang ý tưởng của bạn đến với thị trường” tại Đại học Công nghiệp TP.HCM, tiếp cận hàng nghìn lượt sinh viên, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Kim Hoàn (CESTI)

Tăng cường đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp là chìa khóa then chốt để cải thiện năng suất, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây cũng là nội dung được quan tâm trong Tháng cao điểm thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

Trong bối cảnh nền kinh tế bị dịch Covid-19 gây ảnh hưởng mạnh, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng, là “bài thuốc” hữu hiệu giúp nâng cao năng lực thích ứng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo chính là yếu tố quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp. Quan điểm tạo động lực đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển khu vực kinh tế tư nhân nhanh và bền vững, góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng đã được quán triệt trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII.

Những năm qua, ở TP.HCM, nhiều chính sách hỗ trợ, truyền thông đã giúp doanh nghiệp có những chuyển biến rõ rệt về nhận thức, vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và mạnh dạn đầu tư, áp dụng các công cụ quản lý giúp tăng năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này thể hiện qua việc số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo trong giai đoạn 2016-2019 chiếm tỷ lệ 40,65%, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị chung của các doanh nghiệp năm 2018 so với năm 2016 là 34,42%, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 15,94%.

dmst tu dn

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng tiếp xúc với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Hiện nay, sự phân loại đổi mới sáng tạo liên quan đến quy trình hơn là những hình thức đổi mới sáng tạo truyền thống, do việc ứng dụng rộng rãi công nghệ số, công nghệ nền tảng, hạ tầng số đã làm thay đổi hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, rất cần có các chính sách hỗ trợ (chuyên gia, tư vấn kỹ thuật) để doanh nghiệp đổi mới sản phẩm, nhất là đối với sản phẩm mới, quy trình công nghệ mới, hoặc xây dựng các chương trình khoa học – công nghệ thành các chương trình mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Vì vậy, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã ban hành Kế hoạch thúc đẩy hình thành tổ chức hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong các trường Đại học nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các trường Đại học cho doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp chủ động tìm hiểu hoặc đề xuất nghiên cứu, phát triển công nghệ mới để ứng dụng, chuyển giao.

Để bổ sung nguồn đổi mới sáng tạo trẻ từ Viện – trường vào doanh nghiệp, Sở phối hợp cùng các đơn vị hình thành “mối quan hệ 3 nhà” (nhà quản lý – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học” nhằm tạo lập môi trường thúc đẩy phát triển công nghệ, làm chủ công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, kiến tập và đổi mới sáng tạo để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm chiến lược. Mối quan hệ 3 nhà cũng góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực là sinh viên giàu khả năng đổi mới sáng tạo, đáp ứng các yêu cầu đổi mới và ứng dụng công nghệ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, lại còn thúc đẩy hợp tác công - tư về nghiên cứu công nghệ giữa doanh nghiệp và các tổ chức khoa học - công nghệ.

Đổi mới sáng tạo những giải pháp giúp giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, môi trường và cộng đồng cũng là hướng đi đang được nhiều tập đoàn quốc tế áp dụng để tăng cường hình ảnh, thương hiệu. Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội giai đoạn 2020-2025 nhằm thúc đẩy thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội của Thành phố trên cơ sở kết nối các hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội. Đã có 2 dự án được hỗ trợ thông qua Chương trình hỗ trợ dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (SpeedUp), và một số dự án phục vụ cộng đồng, xã hội được hỗ trợ thông qua Chương trình Hult Prize.

Chính sự quan tâm và đẩy mạnh truyền thông quảng bá về hoạt động đổi mới sáng tạo đã nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo, kích thích doanh nghiệp tìm những cơ hội đổi mới sáng tạo vả chủ động liên kết với Viện – trường để biến đổi mới sáng tạo thành sức cạnh tranh cho bản thân doanh nghiệp.

Kim Hoàn (CESTI)

Kiểm nghiệm Salmonella spp. trong thực phẩm là cơ sở để triển khai những nhiệm vụ nghiên cứu mới nhằm tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM.

Vệ sinh an toàn thực phẩm hiện là lĩnh vực "nóng" của đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu nói chung và cả Việt Nam nói riêng, vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng. Trong đó, Salmonella spp. được giới khoa học nhận định một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất trên thế giới, với hàng triệu ca nhiễm hằng năm, dẫn đến hàng trăm ngàn trường hợp tử vong. Mặt khác, sự gia tăng về mức độ kháng kháng sinh của Salmonella spp. có mặt trong thực phẩm là một vấn đề quan ngại trên toàn cầu trong những thập kỷ gần đây bởi sự lạm dụng kháng sinh trong điều trị trên cơ thể người và trong ngành chăn nuôi. 

Để kiểm nghiệm một mẫu thực phẩm thế nào là an toàn thì đòi hỏi các nhà khoa học phải nghiên cứu thật kỹ quy trình xử lý mẫu sau khi thu thập, chuẩn bị mẫu thử, huyền phù ban đầu và các dung dịch pha loãng thập phân để kiểm tra vi sinh vật, phân tích định tính/định lượng các chỉ tiêu vi sinh bằng kỹ thuật nuôi cấy truyền thống kết hợp với các kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại. Đây là vấn đề chưa có nhiều thông tin tham khảo, vì thế một nhóm chuyên gia đang công tác tại Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM đã chủ động triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ “Khảo sát mức độ nhiễm vi sinh vật và đánh giá khả năng kháng kháng sinh của Salmonella spp. trong thực phẩm tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh”, hỗ trợ công tác kiểm soát, ô nhiễm thực phẩm và sử dụng kháng sinh hợp lý trong điều trị và chăn nuôi.

Theo đó, nhóm nghiên cứu do ThS. Trương Huỳnh Anh Vũ phụ trách đã tiến hành thử nghiệm khả năng nhạy với kháng sinh của 150 chủng Salmonella spp. (được phân lập từ mẫu thực phẩm) với 11 loại kháng sinh, xác định hàm lượng ức chế tối thiểu (MIC) của kháng sinh lên Salmonella spp., từ đó xác định được số lượng Salmonella spp. kháng và đa kháng kháng sinh. Tiếp đó, sau khi thu nhận và tuyển chọn các chủng c spp. có kiểu hình kháng và đa kháng, nhóm nghiên cứu đã phát hiện gene kháng khánh sinh và các integron nhóm 1, 2 và 3 đối với Salmonella spp. có kiểu hình đa kháng bằng kỹ thuật multiplex PCR.

ntnv

Các chủng Salmonella spp. phân lập được có khả năng kháng cao với TE, AMP, STR, C và SXT (34,67%-52,0%). Ngược lại, 96,0% số chủng nhạy với CAZ. Kiểu hình kháng phổ biến là AMP, C, TE, SXT chiếm 8,51%; kiểu hình phổ biến thứ hai là AMP, C, NA, GN, STR, TE, SXT chiếm 6,38% và sau cùng là kiểu hình STR, TE 5,32%. Từ 21 chủng Salmonella spp. có kiểu hình đa kháng định danh được 7 serovar, phổ biến nhất là S. Kentucky (8 chủng); S. Infantis (4 chủng); S. Agona và S. Potsdam (2 chủng); S. Saintpaul, S. Braenderup và S. Indiana (01 chủng). Khả năng kháng của Salmonella spp. chỉ với 1 loại kháng sinh là 11,33%, 3 đến 6 loại là 30,67% và 7 đến 11 loại là 14%. Tỷ lệ Salmonella spp. đa kháng là 44,67%.

Tỷ lệ phát hiện Salmonella spp. mang integron nhóm 1 và 3 là 100% (21/21); integron nhóm 2 là 52,38% (11/21); mang cùng lúc ba nhóm integron 1, 2 và 3 là 52,38% (11/21). Kết quả khảo sát vùng gene cassette dương tính với integron nhóm 1 là 85,71% với 08 kích thước khác nhau; dương tính với integron nhóm 2 là 72,73% với 5 kích thước khác nhau. 

Nhóm nghiên cứu đã xác định các đặc điểm phân tử liên quan đến cơ chế đa kháng kháng sinh của các serovar Salmonella phân lập từ thực phẩm như sự hiện diện của các nhóm integron, các gen kháng kháng sinh, hệ thống các kênh bơm ngược thải kháng sinh, đồng thời xác định được cấu trúc của integron nhóm 1 cùng với các vùng gene cassette mã hóa cho các enzyme và nhiều hệ thống kênh bơm ngược thải kháng sinh tham gia vào cơ chế đa kháng.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu ghi nhận tính đa kháng của các serovar có liên quan đến yếu tố di truyền chuyển vị là Tn21 mã hóa Urf2 mà hiện nay chưa có công trình nghiên cứu nào thông tin hay mô tả chi tiết chức năng hoạt động của chúng. Bên cạnh đó, nhóm còn xây dựng hoàn thiện quy trình phát hiện một số gene kháng kháng sinh nhóm beta-lactam phổ rộng (blaTEM, blaSHV, blaCTX) của Salmonella spp. với nhiệt độ gắn mồi là 54oC; bắt cặp đặc hiệu với DNA các chủng đích; độ nhạy phát hiện ở nồng độ DNA 0,2-0,4 µg/ml.

TS. Nguyễn Đỗ Phúc, thành viên Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ nói trên vừa được Sở KH&CN TP.HCM tổ chức hồi cuối tháng 9/2021, cho rằng Salmonella spp. là vi khuẩn không được phép có mặt trong thực phẩm, do đó cần tiếp tục làm rõ Salmonella spp. trong loại mẫu thịt nào là phổ biến, đặc biệt là những mẫu đã chế biến có thể sử dụng ngay bởi vì đây là những mối nguy hiểm cực lớn cho người dân.

"Số liệu báo cáo của nhiệm vụ là rất hữu ích, giúp cơ quan quản lý Nhà nước nhìn nhận lại các khâu trong sản xuất, lưu thông và thương mại trên thị trường để có biện pháp giám sát đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm", TS. Phúc nhận xét.

“Báo động đỏ” mức độ nhiễm Salmonella spp. trong thực phẩm

Từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2020, nhóm nghiên thu thập ngẫu nhiên 2.940 mẫu thực phẩm (cả thực phẩm tươi sống và sản phẩm đã qua chế biến) ở 48 chợ truyền thống (2.680 mẫu) và 5 siêu thị (260 mẫu) trên địa bàn TP.HCM. 

Thực hiện quy trình phân tích định tính các chỉ tiêu vi sinh bằng kỹ thuật PCR, nhóm nghiên cứu phát hiện có đến 356/2.680 mẫu nhiễm Salmonella spp. tại chợ truyền thống (tỷ lệ 13,28%); 14/260 mẫu tại siêu thị có nhiễm Salmonella spp. (tỷ lệ 5,38%). Trong số này, nhóm mẫu thịt và sản phẩm từ thịt chiếm tỷ lệ nhiễm cao nhất, đến 34,93% (234/670) tại chợ và 15,38% (10/65) tại siêu thị. Tiếp theo là nhóm mẫu thủy hải sản và sản phẩm từ thủy hải sản, tỷ lệ là 18,06% (121/670) tại chợ và 6,15% (4/65) tại siêu thị. Nhóm mẫu rau củ quả chiếm tỷ lệ thấp nhất với 0,15% (1/670) nhưng chỉ phát hiện ở mẫu lấy tại chợ. Chưa ghi nhận trường hợp nào có nhiễm Salmonella spp. đối với nhóm trứng và sản phẩm từ trứng.

ntnv1

Nhận định về khả năng phát triển "kết quả" của đề tài, ThS. Trương Huỳnh Anh Vũ kiến nghị được hỗ trợ về cơ chế lẫn kinh phí để nhóm có thể tiếp tục nghiên cứu cấu trúc và cơ chế hoạt động của các bơm ngược thải kháng sinh của Salmonella, từ đó phát triển các chất ức chế bơm ngược thải kháng sinh, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn và kiểm soát tình hình đa kháng kháng sinh của Salmonella trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, có thể thực hiện thêm một số nghiên cứu nhằm làm rõ vai trò của các gene độc lực có ảnh hưởng, tác động đến chức năng thu nhận gene kháng kháng sinh và điều hoạt hoạt động vùng gene cassette của các nhóm integron trong các chủng Salmonella được phân lập từ thực phẩm.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện nhiệm vụ rất tâm huyết, khảo sát được hiện trạng vô cùng nóng của vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là nghiên cứu cơ bản hết sức quan trọng. Sở KH&CN TP.HCM tiếp tục đặt hàng nhóm thực hiện những nhiệm vụ mới có liên quan đến kết quả này nhằm mở rộng hướng nghiên cứu, đề xuất những tiêu chuẩn hoặc giải pháp bảo quản để hỗ trợ cho cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe của người dân.”, bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM nhận xét về kết quả của nhiệm vụ. 

Theo đó, Sở KH&CN TPHCM sẽ đẩy mạnh hỗ trợ nghiên cứu triển khai các phương pháp phân tích nhanh tại chỗ có độ nhạy, chính xác cao để phát hiện kịp thời các chất cấm, độc tố, tồn dư kháng sinh và vi sinh vật chỉ thị nhằm rút ngắn thời gian cho kết quả kiểm nghiệm, làm cơ sở cho cơ quan chức năng quyết định xử lý kịp thời, hạn chế nguy cơ thực phẩm bẩn vẫn tiếp tục lưu thông hoặc bị phân phối đến người tiêu dùng trong thời gian chờ kết quả kiểm nghiệm.

Một tổ chức khoa học công nghệ tại TP.HCM vừa nghiên cứu, chế tạo thành công hệ thống máy in 3D khổ lớn tích hợp máy quét (scanner) vật thể gốc 

Thực tế cho thấy, công nghệ in 3D là một thành tựu quan trọng của ngành in ấn và cơ khí chính xác trong bối cảnh hàng loạt tiến bộ khoa học công nghệ đã và đang được ứng dụng trực tiếp vào mọi mặt của đời sống, qua đó cho phép người dùng cho dù ở quy mô gia đình hay tổ chức, doanh nghiệp vẫn có thể nhanh chóng, dễ dàng tạo ra các sản phẩm theo nguyên lý bồi đắp lớp vật liệu thay vì phải cắt gọt phôi trong quy trình tạo sản phẩm truyền thống. Hay nói cách khác, công nghệ in 3D giúp cải tiến kỹ thuật, rút ngắn thời gian tạo mẫu và quy trình sản xuất, từ đó kéo giảm giá thành và tăng tối đa lợi ích cho doanh nghiệp.

Thị trường máy in 3D hiện nay ghi nhận sự đa dạng về chủng loại thiết bị. Cùng với đó, một số dòng máy in 3D chế tạo và sản xuất trong nước đã được tích hợp khả năng phối màu, in sản phẩm với độ chính xác cao, thậm chí tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế.

MH3D

Sản phẩm hoàn thiện máy in 3D hỗ trợ gia công sản phẩm có kích thước tối đa 1.200x600x1.200mm

Đáng chú ý, thời gian gần đây, một số mẫu máy in 3D khổ lớn cũng đang được nhiều doanh nghiệp sản xuất quan tâm, bởi khả năng hỗ trợ đắc lực cho thiết kế kiến trúc, xây dựng mẫu, ứng dụng cơ khí… giúp doanh nghiệp kiểm tra, thử nghiệm và điều chỉnh thực tế trước khi tiến hành sản xuất hàng loạt.

Nhận thấy tiềm năng trên, ThS. Phạm Quốc Phương và nhóm cộng sự công tác tại Viện Nghiên cứu Điện tử - Tin học - Tự động hóa (Phân viện TP.HCM) đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy in 3D khổ lớn tích hợp bộ máy quét (scanner) 3D. Cụ thể, đó là máy in 3D có khả năng gia công sản phẩm với quy cách kích thước lên đến 1.200x610x1.200mm, kết hợp với máy quét 3D có khả năng quét vật thể gốc ở mức kích thước tối đa 600x600x600mm.

ThS. Phạm Quốc Phương, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, đa số máy in 3D nội địa hiện nay chỉ phù hợp cho nhu cầu tạo ra các sản phẩm kích thước nhỏ (quy cách tối đa 500x500mm hay 600x600mm) như đồ chơi, đồ dùng văn phòng, học tập, trang trí; trong khi đó, để phục vụ sản xuất công nghiệp, thực tế đòi hỏi các thiết bị in 3D phải tạo ra sản phẩm kích thước lớn (lên đến 1.000x1.000mm hoặc lớn hơn). Hơn nữa, việc thiết kế máy tạo sản phẩm kích thước lớn gặp khó khăn về sự đồng đều sản phẩm, mức chính xác cao có một thể tích lớn, và cả khâu cấp nguyên liệu (in) liên tục.

MH3D1

Một sản phẩm 3D được gia công in 3D từ nguyên mẫu làm bằng gỗ.

Chính vì thế, nhóm nghiên cứu đã tạo ra máy in 3D khổ lớn theo công nghệ FDM. Bên cạnh các giải thuật được lập trình cho bộ điều khiển máy in và máy quét, cũng như phần mềm quản lý quét vật thể/ảnh đa diện và vận hành máy in 3D, thì nhóm nghiên cứu cũng đã chủ động phát triển hàng loạt cải tiến mới để tạo ra giải pháp ổn định hơn so với các giải pháp máy in hiện có trên thị trường. Cụ thể, hệ thống khung sườn của máy có mức nội địa hóa cao, đảm bảo độ cứng tốt, vững chắc, hạn chế tối đa rung lắc khi vận hành quá trình in vật liệu.

Đối với hệ thống điều khiển, nhóm nghiên cứu sử dụng động cơ dạng hybrid (tức động cơ lai giữa động cơ bước và động cơ servo), cung cấp độ chính xác cao và có độ sai số thấp hơn. Phần đầu đùn vật liệu được gia nhiệt bằng nhiệt trở, có gắn cảm biến đo nhiệt độ và đưa về bộ điều khiển để so sánh với giá trị đặt, cho phép điều khiển dòng đốt ổn định. Tùy thuộc sợi nhựa sử dụng, người điều khiển có thể lựa chọn nhiệt độ cho đầu đùn thích hợp.

MH3D2

Cấu hình máy in 3D khổ lớn 3 trục tịnh tiến.

Theo ThS. Phương, quá trình thiết kế sản phẩm truyền thống thường dựa theo mẫu có sẵn, sau đó vẽ vật thể bằng cách đo đạc và dựng hình rất tỉ mỉ, tốn nhiều thời gian, công sức. Trong khi đó, "phương pháp thiết kế ngược" để tạo hình sản phẩm bằng cách dùng máy quét 3D quét toàn bộ sản phẩm để lấy các dữ liệu không gian ba chiều, sau đó sử dụng máy tính để dựng hình sản phẩm.

"Việc tạo hình sản phẩm bằng máy quét 3D kết nối trực tiếp với máy in 3D sẽ nâng cao mức tự động hóa chế tạo sản phẩm", ThS. Phạm Quốc Phương nhận định.

Máy quét 3D tích hợp trong giải pháp được nhóm nghiên cứu thiết kế dựa trên công nghệ laser tam giác lượng và công nghệ ánh sáng có cấu trúc, chiếu lên vật thể và thu ảnh bằng camera kép, giúp tăng độ chính xác, tăng kích thước vùng quét để thu thập dữ liệu không gian ba chiều của những vật mẫu kích thước lớn, nhằm cung cấp dữ liệu đầy đủ cho hệ thống in 3D.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của máy quét 3D laser tam giác lượng chính là thuộc tính của bề mặt cần quét ảnh hưởng đến quá trình quét, ví dụ như các bề mặt rất sáng bóng, trong suốt vì thế có thể khiến việc quét gặp khó khăn hoặc không thể thực hiện được.

MH3D3

 Nguyên mẫu máy quét 3D được chế tạo.

Chính vì thế, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu và khắc phục các vấn đề này, đồng thời ứng dụng thêm các giải pháp phần mềm làm mịn bề mặt sản phẩm quét 3D, cho phép có thể sử dụng ngay các tập tin quét cho máy in 3D mà không cần điều chỉnh hay áp dụng các phương pháp chuyển đổi tập tin quét sang định dạng in 3D. Việc tạo sản phẩm máy quét 3D kết nối trực tiếp với máy in 3D khổ lớn tạo ra một hệ thống liên tục từ quét ảnh, xử lý tập tin dữ liệu ảnh cho máy in 3D, cho đến quá trình in ấn ra sản phẩm một cách tự động.

Đáng chú ý, thông qua ứng dụng quét ảnh và các thuật toán nội suy đi kèm với giải pháp được hoàn thiện, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết dù kích thước vật thể gốc ở mức 600x600mm thì vẫn có thể được phóng to lên theo tỷ lệ tương ứng để sau đó gia công in ở các mức kích thước lớn hơn.

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, hệ thống máy in 3D khổ lớn tích hợp scanner 3D có thể chuyển giao và khai thác thực tế, qua đó đem lại hiệu quả kinh tế trên cơ sở thiết bị có mức nội địa hóa cao, góp phần tự động hóa sản xuất tại các doanh nghiệp sản xuất, nâng cao năng suất lao động, độ đồng nhất của sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.

Nhận định về hiệu quả kinh tế, ThS. Phạm Quốc Phương cho biết, nếu đưa vào sản xuất hàng loạt thì giá thành (sản xuất) của giải pháp máy in 3D cũng như máy quét 3D vốn là sản phẩm của đề tài nghiên cứu vừa được Sở KH&CN TPHCM nghiêm thu sẽ vào khoảng 300 triệu đồng/máy, và con số này hoàn toàn thấp hơn nhiều so với sản phẩm nhập ngoại với tính năng và tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương. Đặc biệt, với giải pháp máy quét 3D với độ phân giải và độ chính xác cao, hiện tại Việt Nam có rất ít đơn vị nhập về sản phẩm có tính năng tương tự vì giá thành có thể lên đến hàng tỷ đồng, chủ yếu chỉ vài tập đoàn công nghệ và công nghiệp lớn chủ động nhập về để phục vụ khâu thiết kế mẫu sản phẩm.

ThS. Phạm Quốc Phương khẳng định, trình độ của kỹ sư Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể phát triển các giải pháp máy in và máy quét 3D khổ lớn, và toàn bộ tài liệu kỹ thuật, quy trình chế tạo, sản xuất hai giải pháp mà Viện Nghiên cứu Điện tử - Tin học - Tự động hóa (Phân viện TP.HCM) vừa hoàn thành được chuẩn hóa, tổng hợp một cách khoa học để sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu, cũng như mở rộng hợp tác để thương mại hóa hai sáng chế khoa học bằng cách đưa vào sản xuất hàng loạt.

TP.HCM đóng vai trò là cái nôi của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước. Các hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng sôi động.

Hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang từng bước trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức; tập trung nghiên cứu gắn kết với thực tiễn phục vụ phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc, và Việt Nam nằm trong nhóm 3 Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất ASEAN. Việt Nam cũng đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc thực hiện ĐMST quốc gia.

Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) của Việt Nam tăng từ 400 vào năm 2012 lên gần 1.800 vào năm 2015, 3.000 trong năm 2017, và năm 2019 ước đạt 3.800, trong đó, có gần 50% là số lượng startup tại TP.HCM. Vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các startup Việt đã tăng 6 lần trong giai đoạn 2015-2018, từ 140 triệu USD lên gần 900 triệu USD. Nhờ đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng hàng đầu, còn về quy mô hiện đã vươn lên vị trí thứ 3 (2020) từ vị trí thứ 6 (2015) trong khu vực. Trong kết quả này có phần đóng góp tích cực của TP.HCM với quy mô về nguồn lực, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp và thu hút vốn đầu tư mạo hiểm.

Rõ ràng, đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng trong việc tạo ra những ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật công nghệ, quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

Đến nay, TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách, từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trở thành cái nôi của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước. Các hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng sôi động, quy mô của các thành phần được mở rộng, đã kết nối trên 40 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (cơ sở ươm tạo, tăng tốc, không gian làm việc chung, Quỹ đầu tư); thiết lập nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu 134 phòng thí nghiệm, 626 chuyên gia, 275 tổ chức KH&CN,... (số liệu thống kê tính đến hết năm 2020).

Những chính sách của Thành phố đã giúp các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung và doanh nghiệp nói riêng có những chuyển biến rõ rệt về nhận thức, vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Thành phố cũng thiết lập được mối quan hệ hợp tác với các tổ chức có uy tín trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động kết nối, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ cho hoạt động hỗ trợ ươm tạo và đổi mới sáng tạo, góp phần trong việc phát triển bền vững hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố.

istar20212

Không chỉ thế, TP.HCM còn đã quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu cải tiến công nghệ, hiện đại hóa thiết bị sản xuất, hỗ trợ đào tạo, tư vấn nâng cao năng suất, chất lượng và quản trị tài sản trí tuệ, tiếp cận nguồn vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khẳng định giá trị thương hiệu và phát triển bền vững. Điều này thể hiện qua việc số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm tỷ lệ 36,4%.

Theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 (GII 2020) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, năm 2020, Việt Nam duy trì được thứ hạng cao, ghi nhận năm thứ hai liên tiếp xếp thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế trong bảng xếp hạng về chỉ số ĐMST toàn cầu, tăng 17 bậc so năm 2016 (vị trí thứ 59). Với thứ hạng này, Việt Nam giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Tính chung trong các năm qua, Việt Nam nằm trong Top 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian, trong đó có sự đóng góp rất lớn từ những nỗ lực của TP.HCM. Sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố đã tạo được sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp đến xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Hoàng Kim (CESTI)

Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là con đường hiệu quả nhất có thể mang đến thành công, ổn định cuộc sống và nâng cao hiệu quả.

Dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi phương thức hoạt động của nhiều doanh nghiệp, tổ chức từ làm việc trực tiếp sang trực tuyến, từ xa. Rõ ràng, đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một xu hướng tất yếu, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Đặc biệt, việc phát huy các thành tựu của khoa học công nghệ cùng với việc phối hợp hiệu quả giữa cơ quan quản lý Nhà nước, Trường - Viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã tạo ra các sản phẩm, giải pháp có chất lượng trong kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Điển hình là Chương trình “Tìm kiếm và kết nối giải pháp đổi mới sáng tạo ứng phó dịch COVID-19 tại TP.HCM năm 2021 - HCMC Innovative Solution - COVID 2021 (HIS-COVID 2021) do Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM khởi xướng và tổ chức đã tiếp nhận được 99 giải pháp công nghệ đăng ký tham gia, từ đó lựa chọn Top 20 giải pháp khả thi để giới thiệu, chuyển giao cho Chính quyền Thành phố, Sở ban ngành và các hiệp hội doanh nghiệp của TP.HCM, góp phần giúp thành phố ứng phó với dịch Covid-19. Đồng thời, hỗ trợ hình thành và phát triển nền tảng dữ liệu về các công nghệ và giải pháp đổi mới sáng tạo hỗ trợ ứng phó đại dịch Covid-19 của cộng đồng doanh nghiệp đóng góp cho TP.HCM.

HISCOVID.jpg

Áp lực từ dịch bệnh đã buộc doanh nghiệp đã và đang tìm kiếm công nghệ tự động hóa dây chuyền sản xuất, tinh gọn bộ máy, giảm chi phí, cơ cấu và thiết lập lại hệ thống quản trị doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh mới, chuyển kênh bán hàng truyền thống sang bán hàng trên mạng Internet… nhằm cắt giảm chi phí. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, các đơn vị thuộc Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM cũng đã tăng cường hoạt động tư vấn về công cụ quản trị năng suất, chất lượng và đổi mới sáng cho trên 60 doanh nghiệp. Ngoài ra, các chương trình đào tạo, các khóa học qua mạng nhằm phổ biến kiến thức cơ bản về năng suất chất lượng, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đến cộng đồng, cụ thể là hệ thống  https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn tiếp tục duy trì 19 khoá học với 05 chủ đề, tất cả đều nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp sớm làm quen và thích ứng nhanh với điều kiện mới.

Mới đây nhất, Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM vừa nghiệm thu hoạt động “Vật liệu nanocomposite trên cơ sở graphene”. Kết quả của nhiệm vụ này là làm chủ quy trình công nghệ, thông số nguồn, chủ động trong việc nghiên cứu chế tạo và chuyển giao ứng dụng công nghệ chế tạo pin mặt trời, không phải phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài, định hướng ứng dụng trong chế tạo pin đơn, từ đó lắp ráp tạo các tấm pin mặt trời có khả năng sản xuất điện ứng dụng tích hợp trong các thiết bị di động, thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, đồng hồ, sạc dự phòng… Nhờ đó, doanh nghiệp tiếp nhận sẽ giảm đáng kể chi phí đầu tư vào công nghệ, hoặc có điều kiện tận dụng kết quả nghiên cứu để tiến hành đổi mới công nghệ, xây dựng chiến lược phát triển bền vững bằng nguồn tri thức trong nước.

Bà Phan Thị Quý Trúc (Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, doanh nghiệp có thể sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để mua bán, nhận chuyển giao các giải pháp công nghệ mới. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng đang có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Các thông tin chi tiết về các chương trình đều được Sở giới thiệu tại website Sở.

Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM còn đặt hàng Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu, đánh giá và khuyến nghị các tiêu chí về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với việc thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Nhiệm vụ hướng đến một số mục tiêu chính như: đánh giá hiện trạng các chỉ tiêu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và các chỉ tiêu khác trong đầu tư của các doanh nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, xây dựng các chỉ tiêu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và kiến nghị các cơ chế chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao ở Thành phố trong giai đoạn mới và cho các doanh nghiệp hiện hữu.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tiếp tục hỗ trợ triển khai 5 dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, bao gồm: (1) Mô hình nhân giống một số loài lan rừng Giả hạc bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật (Vườn Lan Hạnh Phúc, huyện Củ Chi); (2) Xây dựng mô hình sản xuất và sơ chế bảo quản ớt cay theo tiêu chuẩn VietGAP (Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ – Dịch vụ - Thương mại Trường Thịnh, quận Bình Tân); (3) Ứng dụng quy trình cải tiến nuôi sinh khối Artemia trong bể xi măng lót bạt làm thức ăn cho cá cảnh tại Thành phố (Hộ nông dân Lê Như Phú, quận 12); (4) Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thâm canh hai giai đoạn ứng dụng hệ thống giám sát môi trường (IoT) tại huyện Cần Giờ (Hộ nông dân Đinh Quang Soạn, ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ); (5) Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm lươn đồng (Monopterus albus) theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Củ Chi (Liên hiệp HTX Công nghệ cao NPT, huyện Củ Chi).

Từ nay đến cuối năm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng các tổ chức, đơn vị triển khai các hoạt động thuộc Chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST VIỆT NAM 2021 kết hợp cùng Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM (WHISE 2021). TECHFEST – WHISE 2021 hướng tới thúc đẩy giải pháp công nghệ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nền tảng đổi mới sáng tạo “mở” trong giải quyết vấn đề của xã hội trong bối cảnh Covid-19 và phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.

Hoàng Kim (CESTI)

Đây là kiến nghị nhằm tăng tính mới, hiệu quả đổi mới sáng tạo cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chính sách, phát huy trí tuệ của cộng đồng để phục vụ cộng đồng.

Ngày 2/11/2021, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội thảo “Cơ chế huy động chuyên gia, nhà khoa học trong tư vấn xây dựng và phản biện chính sách, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng của Thành phố”. Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chủ trì hội thảo.

211102hk11.jpg

Trong những năm qua, TP.HCM đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút chuyên gia, nhà khoa học tham gia xây dựng và phản biện chính sách. Do đó, hình thức huy động chuyên gia, nhà khoa học trong hoạt động tham vấn – phản biện hiện nay tương đối đa dạng với nhiều cấp độ tư vấn, đã dần thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia trong và ngoài nước đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế cần có giải pháp khắc phục để hoạt động tham vấn – phản biện thêm hiệu quả, ví dụ như cách tổ chức thực hiện tham vấn, việc cung cấp thông tin cho hoạt động tham vấn, thời gian đảm bảo cho hoạt động tham vấn, hình thức phản biện – tranh luận để đi đến kết luận giải quyết vấn đề…

Làm thế nào để đổi mới cách thực hiện nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động tham vấn – phản biện? Giải pháp nào có thể khuyến khích cộng đồng cùng tham gia hoạt động tham vấn – phản biện, từ đó phát huy trí tuệ của cộng đồng?”, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng đặt vấn đề với các đại biểu tham dự hội thảo.

TS Trần Du Lịch đề nghị, để các chuyên gia, nhà khoa học tận tâm “hiến kế” giải pháp thì Thành phố cần xem việc nghe chuyên gia phản biện là công việc tất yếu, dành thời gian và thể hiện tính cầu thị, mong muốn tìm giải pháp. Để hoạt động tham vấn – phản biện không đi theo tính hình thức, Thành phố nên tin và giao việc cho chuyên gia, nhà khoa học ngay từ giai đoạn khởi thảo ý tưởng. Cùng với đó, Thành phố cần có chế độ cung cấp thông tin cho chuyên gia, nhà khoa học vì việc phân tích, xử lý thông tin không thể dựa vào những nguồn tin phi chính thống hoặc chưa xác thực.

211102hk2.jpg

Với số lượng tổ chức, hội đồng khoa học và công nghệ đông đảo, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng TP.HCM không cần lập thêm tổ chức mới, mà chỉ cần củng cố các tổ chức, hội đồng đang hoạt động. Thành phố có thể tạo dựng 2 “phòng tuyến” cho hoạt động tham vấn – phản biện: một là các chuyên gia nòng cốt và tham gia thường xuyên, hai là các chuyên gia cộng tác (theo từng ngành, lĩnh vực) ở Viện – trường.

Về vấn đề tuyển chọn nhân sự cho Hội đồng phản biện khoa học, để tăng tính minh bạch, sức trẻ và hiệu quả đổi mới sáng tạo, các đại biểu đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cân nhắc hình thức “chuyên gia giới thiệu chuyên gia”. Trong đó, các chuyên gia đầu ngành giàu kinh nghiệm sẽ đề xuất các chuyên gia trẻ có năng lực chuyên môn tốt tham gia vào Hội đồng. Một hình thức khác, là chọn chuyên gia trẻ theo dữ liệu (được thống kê và cập nhật thường xuyên, là từ kết quả nghiên cứu, các bài báo khoa học đã công bố, các dự án đã thực hiện…) phù hợp với chủ đề, đề tài nghiên cứu khoa học, chính sách.

Các đại biểu cũng kiến nghị, Hội đồng phản biện khoa học có thể tổ chức theo hình thức tập trung vào Chủ tịch hội đồng. Theo đó, Chủ tịch hội đồng sẽ chịu trách nhiệm điều hành hội đồng theo quy định, đồng thời tự điều phối đội ngũ chuyên gia hoặc kêu gọi chuyên gia từ doanh nghiệp tham gia. Điều này đòi hỏi Chủ tịch hội đồng phải có uy tín với cộng đồng, mới có thể kêu gọi, tập trung nhân lực tham gia Hội đồng.

Theo hướng triển khai này, ngoài phần ngân sách hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học, Chủ tịch hội đồng hoàn toàn có thể kêu gọi được tài trợ kinh phí từ doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chính sách. Việc kết hợp ngân sách và tài trợ sẽ tạo nguồn kinh phí đủ lớn để các chuyên gia, nhà khoa học tăng cường điều kiện nghiên cứu, mở rộng triển khai hoặc đề xuất các giải pháp, tiến hành các dự án nghiên cứu quy mô lớn, hoặc tiến hành nghiên cứu cùng một vấn đề theo nhiều hướng tiếp cận khác nhau để tìm giải pháp tối ưu.

Một ý kiến khác mà các đại biểu gợi ý là Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nên phát triển nền tảng công nghệ kết nối mạng lưới chuyên gia trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố. Bằng nền tảng này, Thành phố có thể kêu gọi các thành phần tri thức trong cộng đồng cùng tham gia, đóng góp ý kiến cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chính sách của Thành phố, từ đó phát huy trí tuệ của cộng đồng để phục vụ cộng đồng.

Hoàng Kim (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378