SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Các sản phẩm hướng tới đích là các tế bào bệnh, làm tăng hiệu lực thuốc, giảm liều sử dụng và giảm tác dụng phụ của thuốc. Nhờ đó, việc điều trị ung thư sẽ hiệu quả hơn, người bệnh ít chịu tác dụng phụ hơn và đặc biệt sẽ giảm được đáng kể chi phí điều trị.

Trong điều trị ung thư hiện đại, các nhà khoa học đang chuyển hướng nghiên cứu khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư bằng những hoạt chất có nguồn gốc thiên nhiên như như shogaol (gừng), curcumin (nghệ), fucoidan (rong nâu), apigenin (cần tây), vinblastin (dừa cạn)... Ưu điểm của các hoạt chất này là ít có tác dụng phụ hơn các hợp chất hóa học, giá thành lại thấp. Tuy nhiên, nhược điểm là tính tan kém, cấu trúc cồng kềnh nên khả năng thấm qua màng tế bào thấp, không đủ hoạt lực để sử dụng làm thuốc do nồng độ hoạt chất trong máu rất nhỏ.

Để tăng hiệu quả sử dụng hoạt chất, các nhà khoa học dần ứng dụng liệu pháp hướng đích, sử dụng các hạt nano làm “vật tải” trong việc tải thuốc và nhả thuốc đúng địa chỉ. Khi đó, việc sử dụng công nghệ nano có thể tạo ra các hệ chất mang thuốc có kích thước cực nhỏ (20-200 nm) với một phần lipid trên bề mặt nên vừa có tính tan, vừa có tính thấm tốt qua màng tế bào để vào mạch máu. Do đó, hàm lượng hoạt chất trong máu sẽ được tăng lên gấp nhiều lần, đủ hoạt lực để được sử dụng làm thuốc. Các hệ nano thuốc này không những làm giảm tác dụng phụ của thuốc mà còn kéo dài thời gian hoạt động của thuốc bên trong cơ thể, từ đó tăng sinh khả dụng của thuốc. Với việc gắn thêm tác nhân hướng đích trên bề mặt hệ mang thuốc đưa tới tới tế bào ung thư một cách chủ định làm tăng hiệu lực của thuốc lên nhiều lần, giảm liều sử dụng và giảm tác dụng phụ.

Nhóm các nhà khoa học ở Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng đã thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu công nghệ chế tạo các hệ nano chứa cao dược chất ứng dụng làm thuốc chống ung thư hướng đích” với mục tiêu chính là tổng hợp thành công một số sản phẩm nano liposome gắn tác nhân hướng đích có chứa cao dược liệu trong hỗ trợ điều trị các căn bệnh ung thư. Kết quả, nhóm thực hiện đã sản xuất thử nghiệm thành công 3 loại viên nang cứng, gồm: viên nang cứng chứa nano liposome-FA hướng đích mang cao gừng (Shogaol), viên nang cứng chứa nano liposome-FA hướng đích mang cao rong nâu (Fucoidan), viên nang cứng chứa nano liposome-FA hướng đích mang cao cần tây (Apigenin). 

lyposome1

Sản phẩm viên nang cứng chứa nano liposome-FA hướng đích mang cao gừng

Các sản phẩm này là thế hệ thuốc mới, mang tính chất “thông minh” hướng tới đích là các tế bào bệnh, làm tăng hiệu lực thuốc, giảm liều sử dụng và giảm tác dụng phụ của thuốc. Nhờ đó, việc điều trị ung thư sẽ hiệu quả hơn, người bệnh ít chịu tác dụng phụ hơn và đặc biệt sẽ giảm được đáng kể chi phí điều trị.

Nhóm thực hiện cũng đã xây dựng các quy trình công nghệ ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất thuốc nano hướng đích ứng dụng trong điều trị ung thư, làm cơ sở khoa học cho những nghiên cứu tiếp theo trong lĩnh vực sản xuất thuốc chống ung thư thế hệ sử dụng các hoạt chất có nguồn gốc thiên nhiên từ Việt Nam. 

lyposome2

Vận hành quy trình bào chế quy mô pilot

GS.TS. Nguyễn Cửu Khoa (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết, các loại viên nang cứng được nhóm thực hiện bào chế theo quy trình tổng hợp các hệ nano từ các cao dược liệu và chế tạo hệ nano liposome hướng đích với tác nhân là acid folic (FA). Sở dĩ chọn FA làm tác nhân hướng đích bởi FA dễ kiếm, đồng thời ứng dụng được cho nhiều loại tế bào ung thư. FA cần thiết cho sự tổng hợp và sao chép DNA, phân chia, phát triển của tế bào, đặc biệt là trong các tế bào phân chia nhanh chóng hoặc tế bào ung thư. Sử dụng FA làm mục tiêu tế bào ung thư của vật liệu nano thuốc hóa trị liệu cũng đã được chứng minh trong những nghiên cứu khác nhau để cải thiện hiệu quả và hồ sơ an toàn của thuốc. Do đó, việc kết hợp FA với phân tử nano giúp tăng cường việc nhắm mục tiêu qua trung gian folate receptor của các tác nhân trị liệu.

Trong khi đó, liposome là những hạt lipid có cấu trúc vi thể, nhỏ hơn các tế bào máu hàng nghìn lần. Liposome thuộc hệ mang thuốc hướng đích (targetherd drug delivery system) có cấu trúc hình cầu đơn hay đa lớp kép gồm một nhân nước ở giữa được bao bọc bởi một vỏ phospholipid một hay nhiều lớp, có kích thước thay đổi từ hàng chục đến hàng nghìn nm. Thành phần chính của liposome là phospholipid và cholesterol. Đây là những chất tương hợp sinh học, có thể phân giải được trong cơ thể nên ưu việt trong ứng dụng làm chất mang thuốc. Khi sử dụng liposome làm chất mang thuốc, dược chất có thể phân bố trong khoang nước của liposome, phân bố giữa lớp phospholipid kép, tương tác và gắn với đầu không phân cực của phân tử phospholipid hoặc hấp phụ trên bề mặt của lớp phospholidpid kép tùy thuộc vào đặc tính thân dầu - nước của dược chất và tương tác hóa lý giữa dược chất với lớp phospholipid kép. Liposome có thể bao gói bên trong lớp lipid kép môi trường tối ưu cho sự ổn định của dược chất nhưng lại được phân tán trong môi trường có điều kiện tương tự điều kiện sinh lý của cơ thể. Do đó liposome được xem là một trong những hệ mang thuốc lý tưởng.

Khảo sát độc tính trên tế bào ung thư in vitro của các hệ liposome-FA hướng đích chứa cao dược liệu, nhóm thực hiện nhận thấy: mẫu nano shogaol-FA biểu hiện hoạt tính đối với dòng tế bào ung thư gan (HepG2) với giá trị IC50 là 30,92 µg/ml, mẫu nano fucoidan-FA biểu hiện hoạt tính đối với dòng tế bào ung thư phổi (A549) với giá trị IC50 là 58,29 µg/ml, mẫu nano apigenin-FA biểu hiện hoạt tính đối với dòng tế bào ung thư vú (MCF-7) với giá trị IC50 là 31,54 µg/ml. 

Kết quả thử nghiệm độc tính cấp trên chuột nhắt trong 14 ngày: liều cao nhất có thể cho chuột uống là 1.200 mg nano Shogaol/kg chuột, 1.200 mg nano Shogaol-FA/kg chuột, 1.200 mg nano Apigenin/kg chuột, 1.200 mg nano Apigenin-FA/kg chuột, 8.000 mg nano Fucoidan/kg chuột, 8.000 mg nano Fucoidan-FA/kg chuột. Không có chuột nào tử vong trong 14 ngày theo dõi.

lyposome3

Kết quả thử nghiệm độc tính cấp trên chuột nhắt trong 14 ngày

Về kết quả đánh giá tính hướng đích đến tế bào ung thư của liposome gắn FA: lượng liposome được biến tính với FA xâm nhập vào tế bào MCF-7 tốt hơn so với liposome không biến tính. Khi có FA, hàm lượng thuốc nhuộm DilC18 xâm nhập vào MCF-7 nhiều hơn, chứng tỏ liposome-FA có tính hướng đích cao hơn so với liposome thông thường.

lyposome4

Thời gian bảo quản các sản phẩm

Theo GS.TS. Nguyễn Cửu Khoa, các kết quả cho thấy quy trình tổng hợp hệ nano liposome chứa tác nhân hướng đích FA mang các cao dược liệu bước đầu có tính ổn định cao và có thể ứng dụng được ở quy mô công nghiệp. Độc tính cấp và bán cấp của các sản phẩm đều nằm trong ngưỡng an toàn. Các sản phẩm đều có tác dụng in vitroin vivo trên các mô hình nghiên cứu. Bên cạnh đó, các sản phẩm cũng đạt yêu cầu về thời gian bảo quản theo phương pháp lão hóa cấp tốc. Tuy nhiên, để đánh giá đầy đủ hiệu quả nhằm ứng dụng điều trị trên lâm sàng, nhóm thực hiện đề xuất Sở KH&CN TPHCM tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ xin phép thử nghiệm lâm sàng.

Thông tin liên hệ:
Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng
Địa chỉ: 01B đường TL29, phường Thạnh Lộc, quận 5, TPHCM
Điện thoại: (028) 38243507

Website: http://www.iams.ac.vn 

Email: vanthu@iams.vast.vn 

Giống khổ qua F1 NLU 0122 với năng suất cao, trọng lượng quả trung bình, dạng quả đẹp, vỏ  xanh vừa và bóng, được xác định là phù hợp thói quen của người tiêu dùng tại khu vực Đông Nam bộ. Giống lai là kết quả của việc lai tạo, cải tiến sử dụng quỹ gene của cây khổ qua bản địa và hoang dã có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh hại.

Thực tế cho thấy, đối với cây khổ qua - là một trong số các cây rau ăn quả chính yếu thuộc họ bầu bí - thì việc nhập giống khổ qua từ các nước trên thế giới vào Việt Nam là công việc hằng niên và tiêu tốn khoản đầu tư tương đối lớn. Tuy các giống nhập nội cho năng suất cao, quả đẹp, nhưng việc nhập khẩu hạt giống khổ qua từ nước ngoài không những gây thất thoát kinh phí, mà còn tạo ra sự lệ thuộc vào nguồn giống nước ngoài.

"Thực trạng này đòi hỏi cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu, lai tạo tạo ra nhiều giống khổ qua mới nhằm chủ động được nguồn giống, sử dụng quỹ gene bản địa sẵn có mang tính thích nghi cao với điều kiện canh tác ở Việt Nam, lai tạo thành công giống năng suất cao, chất lượng phù hợp thị trường và chống chịu tốt, tạo ra những giống năng suất cao, thích nghi tốt và chất lượng phù hợp thị trường", TS. Phan Đặng Thái Phương, chủ nhiệm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Chọn lọc, khảo nghiệm và trình diễn một số dòng khổ qua lai F1 phù hợp với điều kiện vùng Đông Nam bộ" nhận định.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của ngành công nghệ sinh học, kỹ thuật chỉ thị phân tử đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong hỗ trợ chọn giống cây trồng. Với các ưu điểm như đánh giá, chọn lọc các dòng dựa vào kiểu gene, do đó không bị tác động bởi các yếu tố môi trường và đồng thời giúp chọn chính xác những cá thể mang gene mong muốn. Ngoài ra, sử dụng nguồn vật liệu lai tạo từ một số giống bản địa là một chiến thuật lai tạo giống cây trồng mới đã và đang tiến hành ở Việt Nam và trên thế giới. Các giống bản địa có một số tính trạng thích nghi với điều kiện canh tác tại địa phương là nguồn vật liệu di truyền ưu tú triển vọng trong quá trình lai tạo giống mới. 

Hướng đến việc cung cấp giống rau ăn quả mới cho các hộ gia đình, hợp tác xã cũng như công ty, đơn vị sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, trong đó chú trọng đến việc sử dụng nguồn cây - con - giống chất lượng cao, tại khu vực TP.HCM nói riêng và Đông Nam bộ nói chung, TS. Phan Đặng Thái Phương và các cộng sự tại Viện nghiên cứu Công nghệ Sinh học và môi trường (Trường Đại học Nông Lâm TPHCM) đã kế thừa một số dòng khổ qua thuần triển vọng từ kết quả của đề tài “Nghiên cứu lai tạo giống khổ qua F1 năng suất phục vụ cho vùng Đông Nam bộ”,  từ đó xây dựng bộ tổ hợp lai có chất lượng cao để tiến hành lai tạo, khảo nghiệm và trình diễn một số dòng/giống khổ qua lai F1 phục vụ cho vùng Đông Nam bộ. 

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, giống khổ qua lai tạo mới sẽ được sử dụng là giống khổ qua thương mại nhằm phục vụ cho nhu cầu giống khổ qua ở vùng Đông Nam bộ, và riêng khu vực TP.HCM được xác định là thị trường đầy tiềm năng trong tương lai.

Cụ thể công việc thu thập các dòng khổ qua triển vọng đã được thu thập ở vùng Đông Nam bộ từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2017. Tiếp đến, công việc đánh giá di truyền về độ thuần bằng công cụ chỉ thị phân tử và đánh giá kiểu hình trên đồng ruộng đã được tiến hành. Tiếp đến, 4 dòng  khổ qua có độ thuần và khả năng lai tạo triển vọng đã được chọn lọc. Từ quá trình đánh giá và chọn lọc tổ hợp lai, nhóm nghiên cứu đã lai tạo thành công giống khổ qua lai F1 NLU 0122 mang ưu thế lai mong đợi.

kqua1

Dạng quả của một số dòng khổ qua triển vọng sử dụng làm vật liệu trong quá trình lai tạo

Tại Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức trong năm 2022, TS. Phan Đặng Thái Phương, chủ nhiệm triển khai nhiệm vụ đã có phần báo cáo kết quả và ghi nhận về giống khổ qua F1 NLU 0122 như sau: giống khổ qua F1 NLU 0122 thể hiện là giống sinh trưởng và phát triển tốt ở vụ Đông Xuân 2022 khi tiến hành trồng thử nghiệm tại 3 vùng chuyên canh cây rau màu (huyện Củ Chi, TP.HCM; huyện Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Giống khổ qua F1 NLU 0122 cho năng suất/cây cao hơn 20-30% so với giống đối chứng, khả năng phân nhánh mạnh, sinh trưởng rất khỏe, khả năng chống chịu bệnh phấn trắng, bệnh sương mai ở mức trung bình.

Kết quả đánh giá tổ hợp lai cũng đã khẳng định rằng 3 tổ hợp lai (THL1, THL2, THL3) thuộc giống NLU 0122 đều triển vọng phục vụ cho sản xuất hạt giống thương mại. Cụ thể, giống THL1 (F1-1-2020) cho dạng trái khổ qua thương mại có kích thước trung bình chiều dài quả từ 7-10cm, đường kính quả 3-5cm, trọng lượng quả từ 70-80gam, có gai đều, bóng phù hợp với thị hiếu thị trường ở khu vực TP.HCM.

Năng suất trồng thử nghiệm giống NLU 0122 ở vụ Đông Xuân 2022 trên vùng đất chuyên canh trồng cây rau màu được xác định ở mức 26-27 tấn/hecta. Khả năng chống chọi với sâu bệnh hại của giống THL1 (F1-1-2020) ở mốc 60 ngày sau trồng tại vụ Hè Thu năm 2021 đã cho thấy, giống có khả năng kháng trung bình đối với bệnh phấn trắng và bệnh sương mai (ghi nhận cấp 3 trong thang đánh giá dựa theo chỉ số bệnh); cũng như khả năng kháng trung bình đối với rầy xanh và ruồi đục quả (ghi nhận cấp 2 - Trung bình: 11-20 % quả bị hại trong bảng phân cấp cây bị hại).

Về một số đặc tính liên quan đến phẩm chất quả thương mại, giống THL1 (F1-1-2020) được đánh giá ở mức dạng vỏ quả xanh vừa, bóng và có vị đắng vừa (theo thang đánh giá của khảo nghiệm DUS trên cây mướp đắng).

Là một phần của nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ kết hợp trồng trình diễn tại huyện Củ Chi - TP.HCM, huyện Trảng Bom - tỉnh Đồng Nai, và thị xã Phú Mỹ - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ đó ghi nhận những nhận xét, đánh giá tích cực từ bà con nông dân. Theo đó, giống khổ qua mới NLU 0122 được đánh giá là giống khổ qua triển vọng với khả năng sinh trưởng khỏe, phân cành nhánh mạnh, năng suất, kích thước quả vừa, màu sắc vỏ quả xanh vừa, bóng.

kqua2

TS Phan Đặng Thái Phương trao đổi với hội khuyến nông và bà con nông dân tại một hội thảo đầu bờ nhằm giới thiệu giống khổ qua lai F1 NLU 1022

Đánh giá về tác động kinh tế - xã hội, TS. Phan Đặng Thái Phương khẳng định, nhiệm vụ khoa học - công nghệ đã góp phần làm sáng tỏ vai trò của ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực khoa học cây trồng, cụ thể là ứng dụng chỉ thị phân tử trong công tác đánh giá độ thuần của dòng bố mẹ. Ngoài ra, đề tài còn mở ra một hướng nghiên cứu ứng dụng cải tiến giống mới từ nguồn vật liệu bản địa sẵn có. Nghiên cứu ứng dụng quỹ gene có nguồn gốc bản địa và hoang dại trong cải tiến giống cây trồng năng suất, tính chống chịu và chất lượng là chiến thuật đã và đang cần thực hiện ở Việt Nam và trên thế giới. Ngoài ra, mục tiêu hướng đến của đề tài nghiên cứu còn là sử dụng nguồn vậ liệu dòng/giống khổ qua bản địa đã phù hợp với điều kiện canh tác ở vùng Đông Nam bộ lai tạo giống khổ qua F1. 

Nhằm hướng đến phục vụ sản xuất hạt giống khổ qua trong tương lai, rất cần thiết hoàn thiện về hiệu quả kinh tế của các công việc thực hiện trong quy trình sản xuất hạt giống với tiêu chí: “Giá bán hạt giống khổ qua F1 tự lai tạo không qua nhập nội sẽ rẻ hơn, ngoài ra việc sản xuất hạt giống khổ qua lai F1 còn được tự chủ động lai tạo, không phụ thuộc vào việc nhập khẩu giống", đại diện nhóm nghiên cứu triển khai nhiệm vụ khẳng định "chiến thuật tự lai tạo hạt giống khổ qua lai F1 là công việc cần thiết nhằm góp phần phục vụ nhu cầu trồng khổ qua của người nông dân mang lại hiệu quả kinh tế và hướng đến phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp an toàn trên cây rau màu". 

Thông tin liên hệ

Viện nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM)

Địa chỉ: Khu phố 6, Phường Linh Trung, TP. Thủ Đức, TP.HCM

Email: thaiphuong@hcmuaf.edu.vn

Số điện thoại: 0792187879

Sáng 14-10, Sở KH-CN THCM tổ chức lễ tổng kết và trao giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM năm 2022 (I-Star 2022). Đây là giải thưởng thường niên nhằm lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp góp phần tạo ra những đột phá mới cho sự phát triển của thành phố.

Năm nay, cuộc thi nhận được 370 hồ sơ đăng ký của các cá nhân, tổ chức, trong đó nhóm giải pháp ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục chiếm 29%, nhóm giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục, du lịch, y tế, tài chính, nông nghiệp… chiếm 16% và số còn lại là các giải pháp về công nghệ AI, VR, IoT… Những giải pháp này đều được hội đồng giám khảo đánh giá cao, có thể ứng dụng ngay vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trao giải thưởng cuộc thi Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM năm 2022 ảnh 1
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM cho biết, năm nay cuộc thi nhận được nhiều giải pháp, ý tưởng rất sáng tạo

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, cuộc thi năm nay đã thu hút nhiều giải pháp, ý tưởng sáng tạo ở nhiều lĩnh vực để tiếp tục gửi đến cộng đồng. Những giải pháp đậm chất đổi mới sáng tạo này đều sẵn sàng chuyển giao để các cơ quan, doanh nghiệp ứng dụng vào hoạt động quản lý, sản xuất – kinh doanh, mang đến hiệu quả, hiệu ứng tích cực cho cộng đồng và xã hội. Giải thưởng I-Star năm 2022, ban tổ chức vinh danh và trao giải cho 4 nhóm đối tượng, có mức độ đóng góp khác nhau cho cộng đồng xã hội. Mức tiền thưởng cho các hạng mục là 50 triệu đồng cho một giải thưởng, trong đó, hơn 60% từ ngân sách thành phố và phần còn lại từ sự đóng góp của nhà tài trợ.

Trao giải thưởng cuộc thi Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM năm 2022 ảnh 2
Ban tổ chức trao giải thưởng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu năm 2022

Nhóm 1, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu năm 2022, thuộc về Công ty Cổ phần Vietnam Blockchain - Doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực Blockchain; giải pháp Kiến trúc học tập tổng thể trong chuyển đổi số giáo dục của Công ty Cổ phần Cohota; Voiz FM - Ứng dụng sách nói chất lượng cao của Công ty TNHH Công nghệ Wewe. 

Trao giải thưởng cuộc thi Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM năm 2022 ảnh 3
Nhóm học sinh Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám được vinh danh với mô hình đẩy mạnh giáo dục STEM vào tiết học và câu lạc bộ 

Nhóm 2, là những giải pháp đổi mới sáng tạo giải quyết những vấn đề của cộng đồng và mang lại hiệu quả thiết thực cho thành phố, thuộc về nhóm học sinh Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám với mô hình đẩy mạnh giáo dục STEM vào tiết học và câu lạc bộ nhằm nâng cao sự sáng tạo - năng động.

Nhóm 3, là các tác phẩm truyền thông có tác động tích cực đến cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bao gồm: chuỗi tác phẩm thuộc chương trình “Đô thị số” của Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố (VOH). Chuỗi bài "Để khởi nghiệp đi vào chiều sâu" của báo Người Lao động và chương trình "Trò chuyện cùng Thành phố thông minh" của Đài tiếng nói Nhân dân thành phố (VOH). 

Trao giải thưởng cuộc thi Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM năm 2022 ảnh 4
Ban tổ chức trao giải thưởng cho các tổ chức, cá nhân có đống góp tích cực cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Nhóm 4, vinh danh các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bao gồm: Hành trình ươm mầm khởi nghiệp cho sinh viên và giảng viên của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Đại học Quốc gia TPHCM (IEC), đây được xem là nơi ươm mầm các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ trường đại học trong bối cảnh chuyển đổi số. Tổ chức Quỹ đầu tư mạo hiểm Expara Vietnam - Leading Venture Creation.

Trao giải thưởng cuộc thi Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM năm 2022 ảnh 5
Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịnh Hội đồng đánh giá hồ sơ trao phần thưởng cho Giải pháp học chữ dân tộc Thái Việt Nam

Tại buổi lễ, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịnh Hội đồng đánh giá hồ sơ cũng trao phần thưởng cá nhân trị giá 20 triệu đồng dành cho “Giải pháp học chữ dân tộc Thái Việt Nam”. Giải pháp mặc dù chưa có ứng dụng nhiều tại TPHCM nhưng giàu ý nghĩa về tính sáng tạo, tính nhân văn cũng như góp phần truyền cảm hứng sáng tạo trong giữ gìn gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái.

BÙI TUẤN - SGGP

WHISE 2022 không chỉ mang đến thông điệp về vai trò kiến tạo của nhà nước, mà còn phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò định hướng, dẫn dắt, kết nối, hợp tác và chia sẻ trong hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Ngày 13/10/2022, Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 (WHISE 2022) đã chính thức diễn ra tại White Palace Phạm Văn Đồng (108 Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức).

IMG3256.jpg

Phát biểu tại Lễ khai mạc WHISE 2022, ông Dương Anh Đức (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) cho biết, cùng với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV, hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của các nước diễn ra với tốc độ khá nhanh đã và đang thúc đẩy đổi mới mô hình sản xuất - kinh doanh, tạo ra giá trị mới, tạo tiền đề hình thành nền kinh tế số. Hiện nay, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước là những tổ chức tiên phong và xem chuyển đổi số là xu thế bắt buộc, tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, sức cạnh tranh và xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội thông minh trong thời kỳ mới. Ông Dương Anh Đức kỳ vọng WHISE 2022 không chỉ mang đến thông điệp về vai trò của nhà nước về kiến tạo, mà còn phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò định hướng, dẫn dắt, kết nối, hợp tác và chia sẻ trong hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Trong 2 ngày 13 và 14/10, WHISE 2022 có nhiều sự kiện, hoạt động quan trọng gắn liền với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cũng như vai trò của ứng dụng khoa học - công nghệ trong xây dựng và phát triển thành phố đổi mới sáng tạo và đô thị thông minh. Điển hình là: Hội thảo khoa học:“Chính sách cấp cao về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”; Tọa đàm quốc tế về Chuyển đổi số từ Phần Lan; Hội nghị Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Summit); Hội nghị “Nền tảng số trong mối quan hệ chính quyền và Doanh nghiệp – Điều kiện để kinh tế bứt phá”; Hội thảo “Blockchain trong ứng dụng số đa ngành”; Tọa đàm “Định hướng Nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo trong công cuộc xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh”.

IMG3289.jpg

Đánh giá về hoạt động chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM) khẳng định: “Các doanh nghiệp lớn cũng như doanh nghiệp xuất phát từ khoa học công nghệ đã ý thức được câu chuyện chuyển đổi số. Còn với doanh nghiệp nhỏ, do còn nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh hàng ngày, cho nên chuyển đổi số vẫn còn là chuyện xa vời. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng đã tiếp cận vấn đề chuyển đổi số, dù có thể chưa toàn diện nhưng cũng đã đi từng bước một.”.

IMG3250.jpg

Bên cạnh hoạt động triển lãm đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cùng triển lãm sản phẩm của các startup chuyển đổi số, WHISE 2022 còn có những hoạt động tổng kết các cuộc thi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong năm 2022 như: Tổng kết hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM); Cuộc thi chuyển đổi số trong giáo dục “DigiTrans Edtech 2022”, Chung kết Cuộc thi Design Thinking Camp cho Thanh niên – Sinh viên năm 2022, cùng nhiều sự kiện kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Hoàng Kim (CESTI)

Khung cố định ngoài dạng khối cặp điều trị gãy hở thân 2 xương cẳng chân được sản xuất trong nước đã góp phần mang lại hiệu quả điều trị cao hơn cho bệnh nhân với ưu điểm chất lượng tương đương và giá thành cạnh tranh so với sản phẩm nhập ngoại. 

Cố định ngoài là loại dụng cụ được sử dụng rất nhiều trong hoạt động điều trị hằng ngày của ngành chấn thương chỉnh hình. Thực tế cho thấy, trong và ngoài nước đã có rất nhiều nghiên cứu về cố định ngoài, từ kết quả điều trị đến lý thuyết về cố định ngoài. Tuy nhiên cho đến nay, các loại cố định ngoài hiện được sản xuất trong nước chỉ là loại thanh thẳng hoặc có ren, nên việc cố định khá phức tạp, kém vững chắc và không nắn chỉnh được xương nếu xương gãy còn di lệch. 

Trong khi đó, cố định ngoài dạng khối cặp được sử dụng nhiều trên thế giới vì có nhiều ưu điểm như cấu trúc dễ sử dụng. Cố định ngoài loại này gồm 2 khối cặp đinh 2 đầu, nối với thân chính ở giữa bằng 2 khớp cầu. Khối cặp đinh có bề ngang lớn nên cặp được đinh răng dễ dàng và chắc chắn. Ngoài ra, hai khớp cầu cho phép điều chỉnh gập góc linh hoạt chỉ bằng cách nới lỏng vít khóa, chỉnh góc xong khóa lại. Phần thân chính gồm 2 bộ phận lồng vào nhau, cho phép có thể kéo dài ra hoặc nén ép vào, hoặc có thể để nén ép động tự do.

Để giải quyết nhu cầu được đánh giá là rất lớn này, PGS.TS Cao Thỉ cùng cộng sự Đại học Y Dược TP.HCM đã triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Nghiên cứu sản xuất khung cố định ngoài dạng khối cặp và đánh giá kết quả ứng dụng điều trị gãy hở thân 2 xương cẳng chân".

PGS.TS Cao Thỉ cho biết, do có các đặc điểm trên nên cố định ngoài dạng khối cặp được sử dụng rất nhiều trên thế giới, dùng để cố định điều trị gãy xương hở, khớp giả, cố định sau đục xương sửa trục, cố định và kéo dài xương sau cắt bỏ bướu xương, kéo dài xương điều trị gãy xương trẻ em, kéo dài xương các biến dạng bẩm sinh, điều trị nhiễm trùng mất đoạn xương, điều trị co rút các khớp. Tuy nhiên, các loại cố định ngoài dạng khối - cặp nhập ngoại hiện giá thành rất cao, khoảng 45 triệu đồng/cái (tương đương 2.000 USD/cái).

"Vì vậy cần phải sản xuất mặt hàng này trong nước nhằm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn cho bệnh nhân, giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng nhập khẩu", PGS.TS Cao Thỉ nhấn mạnh.

Là kết quả chính của nhiệm vụ vừa được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu, nhóm các nhà khoa học, chuyên gia, đội ngũ y bác sỹ tại Đại học Y dược TP.HCM và một số đơn vị phối hợp đã sản xuất khung cố định ngoài dạng khối cặp có các thông số cơ học có thể sử dụng an toàn trên người bệnh. Cụ thể, phần sản xuất khung cố định ngoài bao gồm thiết kế sản phẩm, thiết lập quy trình gia công, quy trình sản xuất sau gia công cơ khí, từ đó sản xuất thử nghiệm 5 bộ khung cố định ngoài, tính toán mô phỏng độ bền cơ học của khung cố định ngoài trên máy tính, thực nghiệm đặc điểm lực cơ học của khung cố định ngoài thật lắp đặt trên mô hình. Từ kết quả thực nghiệm cho thấy sản phẩm đáp ứng các tiêu chí đề ra, 60 bộ khung cố định ngoài dạng khối - cặp đã tiếp tục được sản xuất, với vật thành phần chính là nhôm A6061 và các chi tiết kết nối là vật liệu Inox SUS304

Về cơ bản, khung cố định ngoài dạng khối cặp do Đại học Y dược TP.HCM nghiên cứu, thiết kế và sản xuất thành công có bề ngoài tương tự khung Orthofix, bề mặt kim loại được đánh bóng, và phần nhôm được nhuộm màu đen. Tổng kích thước chiều dài ngắn nhất là 27,5cm. Tổng kích thước chiều dài khi kéo giãn dài nhất là 32cm. Trọng lượng khung không kể dụng cụ căng giãn là 0,6kg, trọng lượng dụng cụ căng giãn là 0,1kg. 

Sau khi chế tạo, khung cố định ngoài đã được thử nghiệm về lực cơ học trên máy tính mô phỏng và trên thực nghiệm, cho thấy khung đủ vững chắc tương đương khung cố định ngoài Orthofix và khung cố định ngoài Muller hiện được sử dụng rộng rãi trong ngành chấn thương - chỉnh hình.

nepxuong1

Mô hình thử nghiệm đặc tính cơ học của khung cố định ngoài dạng khối cặp được Đại học Y dược TP.HCM sản xuất thử nghiệm (trái), khung cố định ngoài Muller (giữa), và khung cố định ngoài Orthofix (phải).

Cụ thể, đối với lực nén, khung cố định ngoài dạng khối cặp di lệch từ 1mm trở lên khi lực tác động từ 140N. Trong khi đó, khung Orthofix di lệch trên 1mm từ lực tác động 90N. Khung cố định ngoài Orthofix có khuynh hướng di lệch mức độ nhiều hơn ở các lực tác động lớn hơn. Đối với lực kéo, khung cố định ngoài dạng khối cặp di lệch từ 1mm trở lên khi lực tác động từ 130N. Trong khi đó, khung Orthofix di lệch trên 1mm từ lực tác động 40N. Khung cố định ngoài Orthofix cũng có khuynh hướng di lệch mức độ nhiều hơn ở các lực tác động lớn hơn. Đối với lực xô ngang, khung cố định ngoài Orthofix có độ di lệch lớn hơn so với khung cố định ngoài dạng khối cặp từ lực tác động 50N trở lên. Ở lực xô dọc, khung cố định ngoài dạng khối cặp di lệch từ 2,5mm trở lên khi lực tác động từ 120N. Trong khi đó, khung Orthofix di lệch trên 2,5mm từ lực tác động 90N. 

So với khung Muller lực nén ở khung cố định ngoài dạng khối cặp di lệch từ 1mm trở lên khi lực tác động từ 120N. Trong khi đó, khung Muller di lệch trên 1mm từ lực tác động 100N. Khung cố định ngoài Muller có khuynh hướng di lệch mức độ nhiều hơn so với khung cố định ngoài dạng khối cặp ở các lực tác động lớn hơn 100N. Đối với lực kéo, lực xô ngang, khung cố định ngoài dạng khối cặp có mức độ di lệch gần tương đương với khung Muller. Ở lực xô dọc, khung cố định ngoài Muller có khuynh hướng di lệch mức độ nhiều hơn so với khung cố định ngoài dạng khối cặp ở các lực tác động lớn hơn 50N.

Tích cực với kết quả thử nghiệm lâm sàng

"Sau thực nghiệm, chúng tôi nhận thấy rằng khung cố định ngoài dạng khối cặp là sản phẩm của nhiệm vụ khoa học - công nghệ có khả năng chịu lực tốt hơn so với khung cố định ngoài dạng Orthofix. Khung ít biến dạng hơn và ít di lệch hơn trong quá trình thử nghiệm các lực tác động. điều đó cho thấy độ vững chắc của khung cố định ngoài dạng khối cặp rất cao Các giá trị về độ bền và độ chịu lực đều đạt tiêu chuẩn so với khung chuẩn là khung Orthofix", đại diện Đại học Y dược khẳng định. 

Ngoài ra, trong quá trình thiết kế, nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế và điều kiện cơ sở trang thiết bị tại chỗ, nhóm đã tiến hành cải tiến một số chi tiết nhằm gia công dễ dàng hơn, giảm giá thành - chi phí và thao tác thuận tiện hơn. Cụ thể, đó là chi tiết nằm giữa kết nối 2 đầu của khung cố định ngoài dạng khối kẹp, chi tiết này có vị trí ốc trung tâm cố định nhằm điều chỉnh chiều dài của khung cố định ngoài và cho tiết cốt cam, là con ốc phần cố định 2 đầu khối kẹp với phần thân giữa. 

Để đánh giá hiệu quả của khung cố định ngoài dạng khối cặp mới sản xuất, nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ tại Đại học Y dược TP.HCM cũng đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng, có so sánh với nhóm chứng sử dụng khung cố định ngoài Muller, trên các bệnh nhân bị gãy hở mới thân 2 xương cẳng chân đến sớm trong vòng 48 giờ, tuổi từ 18 trở lên, gãy hở thân 2 xương cẳng chân từ độ I đến IIIB theo phân độ của Gustilo-Anderson.

Các bệnh nhân được lựa chọn từ Khoa Chấn thương – Chỉnh hình của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai trong thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 3/2022. 

 

Kết quả thu được cho thấy, tổn thương mức độ gãy hở của nhóm khung cố định ngoài khối cặp nặng hơn có ý nghĩa so với nhóm khung cố định ngoài Muller. Thời gian đặt khung cố định ngoài khối cặp nhanh hơn khung cố định ngoài Muller. Ngoài ra, kết quả nắn xương trên X-quang sau mổ và tỷ lệ di lệch thứ phát sau mổ của nhóm khung cố định ngoài khối cặp tốt hơn nhóm khung cố định ngoài Muller. Tỷ lệ phải tháo khung cố định ngoài khối cặp do nhiễm trùng chân đinh của khung cố định ngoài khối cặp thấp hơn so với khung cố định ngoài Muller. Không những thế, thời gian và tỷ lệ liền xương của khung cố định ngoài khối cặp đều tốt hơn so với khung cố định ngoài Muller. Đa số bệnh nhân chấp nhận khung cố định ngoài khối cặp và cho ý kiến khung cố định ngoài khối cặp đẹp như sản phẩm ngoại nhập. 

Bên cạnh đó, việc sử dụng khung cố định ngoài khối cặp còn cho tỷ lệ di lệch thứ phát thấp, có khả năng nắn chỉnh khi có di lệch. Ngoài ra, không có tai biến hay biến chứng nào liên quan đến độ bền cơ học của khung cố định ngoài khối cặp.

kepxuong2

Kết quả thử nghiệm lâm sàng trên một bệnh nhân

Đánh giá về kết quả thử nghiệm lâm sàng, PGS.TS Cao Thỉ cho biết, mặc dù điều trị cho nhóm bệnh nhân gãy hở nặng hơn, nhưng khung cố định ngoài khối cặp được sản xuất từ kết quả nghiên cứu đã cho kết quả tốt hơn nhóm cố định ngoài Muller. Khung cố định ngoài khối cặp có ưu điểm là có thể nắn chỉnh được các di lệch còn lại sau mổ, và vẻ bề ngoài đẹp, đặc biệt là cách lắp đặt dễ dàng, ít tốn thời gian. 

“Vì vậy khung cố định ngoài khối cặp có thể xem là lựa chọn tốt để cố định các gãy xương hở cẳng chân", TS. Cao Thỉ nhấn mạnh, "Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM sẵn sàng chuyển  giao công nghệ sản xuất khung cố định ngoài để có thể nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường nhằm giảm giá thành mua thiết bị, cũng như nâng cao hiệu quả chữa bệnh cho các bệnh nhân gãy xương”.

Tựu trung, nhóm chuyên gia tại Đại học Y dược TP.HCM đã hoàn thành việc sản xuất khung cố định ngoài dạng khối cặp đủ tiêu chuẩn sử dụng trên cơ sở lý thuyết cũng như thực tiễn; và nghiên cứu lâm sàng cũng đã cho thấy khung cố định ngoài khối cặp có hiệu quả tương đương hoặc tốt hơn so với cố định ngoài Muller, từ đó cho thấy việc sử dụng khung cố định ngoài dạng khối - cặp được sản xuất trong nước từ kết quả nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Nghiên cứu sản xuất khung cố định ngoài dạng khối cặp và đánh giá kết quả ứng dụng điều trị gãy hở thân 2 xương cẳng chân" là hoàn toàn an toàn cho bệnh nhân cần điều trị, mở ra hướng tiếp cận cho việc mở rộng sản xuất loại thiết bị này để đáp ứng nhu cầu từ xã hội.

 

Thông tin liên hệ:

Đại học Y Dược TP.HCM

Địa chỉ: 217 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP.HCM

E-mail: daihocyduoc@ump.edu.vn - caothibacsi@ump.edu.vn

Điện thoại: 0983306003 - 028.38558411

Website: https://ump.edu.vn/

Việc khuyến khích doanh nghiệp chủ động hơn trong việc sử dụng Quỹ chi đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua hoạt động chuyển đổi số sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ chi cho đầu tư khoa học và công nghệ từ nguồn xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế.

Ngày 10/10/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội thảo “Các giải pháp chuyển đổi số hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và kinh nghiệm sử dụng nguồn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp”. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 (WHISE 2022).

Phát biểu tại Hội thảo, bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, một trong những vấn đề đang được các doanh nghiệp quan tâm trong thời gian qua đối với hoạt động khoa học và công nghệ chính là việc trích và sử dụng phục vụ chuyển đổi số hiệu quả từ nguồn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo phù hợp với các quy định như tại Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính, Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN ngày 31/5/2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

221011hk1.jpg

Bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại Hội thảo

Hiện nay, 50% các khoản chi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp là chi cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin. Điều này cho thấy chủ trương chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ dễ được doanh nghiệp hưởng ứng và đồng hành cùng Thành phố vì xuất phát từ nhu cầu thực tế. Do đó, có thể khuyến khích doanh nghiệp chủ động hơn trong việc sử dụng Quỹ chi đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua hoạt động chuyển đổi số, từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ chi cho đầu tư khoa học và công nghệ từ nguồn xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế.

Dịp này, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng kết nối 2 đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số là Trung tâm hỗ trợ và tư vấn Chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) và Trung tâm Kinh doanh VNPT TP.HCM với các doanh nghiệp đã thành lập Quỹ, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có định hướng sử dụng Quỹ phục vụ chuyển đổi số. Các đơn vị đã trình bày 2 tham luận “Các giải pháp chuyển đổi số hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh” và “Khung chuyển đổi số VNPT cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Tư vấn cho các đơn vị Satra và Savipharm, ông Phí Anh Tuấn (Trung tâm hỗ trợ và tư vấn Chuyển đổi số TP.HCM) khẳng định, các doanh nghiệp lớn, đa ngành cần có hoạch định cụ thể để đi đúng hướng và tránh xảy ra những thay đổi. Trong đó, xác định đúng đơn vị tư vấn có năng lực phù hợp là điều rất quan trọng. Nếu doanh nghiệp chỉ tập trung chú trọng vào mặt công nghệ thì sẽ không đủ, mà phải bao gồm cả nghiệp vụ, dữ liệu, văn hóa tổ chức hoặc mức độ sẵn sàng để thay đổi. Lượng hóa các nhiều yếu tố thì việc hoạch định chiến lược chuyển đổi số mới có thể giúp thay đổi, cải tiến hiệu quả hoạt động.

221011hk2.jpg

Ông Phí Anh Tuấn chia sẻ định hướng chuyển đổi số cho doanh nghiệp

Mặt khác, doanh nghiệp nên đề cập đến câu chuyện chuyển đổi số vì hiệu năng và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp. Đó là những nền tảng dễ triển khai và khai thác tốt, sẵn sàng kết nối và phù hợp để người dùng trải nghiệm ở mức ngân sách hợp lý.

Theo ông Lê Chí Thanh (VNPT TP.HCM), VNPT đang đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số theo đối tượng và giai đoạn (siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn) với các mức chi phí từ 3 triệu/năm trở lên. Trong đó, VNPT cũng kết hợp hướng dẫn các nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để triển khai chuyển đổi số.

Hoàng Kim (CESTI)

Cuộc thi “Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2022” do Sở KH-CN TPHCM phối hợp với Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tổ chức vừa khép lại. Cuộc thi nhằm tìm kiếm, tuyển chọn và ươm tạo các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Cuộc thi năm nay có 10 dự án xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao lọt vào vòng chung kết

Cuộc thi năm nay có 10 dự án xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao lọt vào vòng chung kết

Sau 5 hơn tháng phát động, cuộc thi đã nhận được 80 dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Từ 25 dự án lọt vào vòng bán kết, ban giám khảo đã chọn ra 10 dự án xuất sắc nhất tham gia vòng chung kết và vinh danh trao giải vào ngày 8-10. Trong đó, dự án Bambi - Giải pháp đổi màu và bảo quản hoa công nghệ xanh cho ngành hoa tươi, đạt giải nhất.

Trao giải cuộc thi Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ảnh 1
Ban tổ chức trao giải nhất cho dự án Bambi – Giải pháp đổi màu và bảo quản hoa công nghệ xanh cho ngành hoa tươi

Dự án Ứng dụng công nghệ sấy đông khô vào chế biến các sản phẩm từ nông sản, đạt giải nhì. Đồng giải ba gồm 2 dự án: Hoàn thiện hệ cảm biến thông minh giám sát, phát hiện bất thường và cảnh báo sớm ứng dụng trong mô hình nuôi tôm ba giai đoạn dùng ao bạt nổi; dự án Mantra Kombucha - Thức uống lành cho người Việt sống xanh.

Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao thêm 6 giải khuyến khích cho các dự án nằm trong Top 10.

Trao giải cuộc thi Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ảnh 2
Dự án Ứng dụng công nghệ sấy đông khô vào chế biến các sản phẩm từ nông sản, đạt giải nhì

Các dự án đạt giải sẽ được ưu tiên xem xét, lựa chọn tham gia chương trình ươm tạo doanh nghiệp tại Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và có cơ hội tham gia chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo do Sở KH-CN TPHCM tổ chức, với số tiền hỗ trợ lên đến 2 tỷ đồng/dự án.

Cuộc thi Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2017, do Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao khởi xướng, để tìm kiếm, tuyển chọn và ươm tạo các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Năm 2022, các dự án sẽ tập trung phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong bảo quản và chế biến sau thu hoạch, chuyển đổi số trong sản xuất, hoạt động thương mại… 

Trao giải cuộc thi Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ảnh 3
Cuộc thi năm nay có 10 dự án xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao lọt vào vòng chung kết
Trải qua 5 năm, có hơn 400 dự án khởi nghiệp đăng ký tham gia, ban tổ chức đã hỗ trợ ươm tạo và thương mại sản phẩm cho hơn 30 doanh nghiệp với hơn 120 sản phẩm lưu hành trên thị trường.
Năm 2021, cuộc thi tìm ra 7 ý tưởng xuất sắc và tiến hành ươm tạo, hiện đã có 3 doanh nghiệp được thành lập với hơn 10 sản phẩm đang được thương mại trên thị trường.

Theo đại diện ban tổ chức, cuộc thi còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng TPHCM - thành phố khởi nghiệp cho giới trẻ; khuyến khích và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong cộng đồng trí thức trẻ; hỗ trợ phát triển ý tưởng thành sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa; hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường kết nối các nguồn lực, hỗ trợ khởi nghiệp.

BÙI TUẤN - SGGP

Nhóm chuyên gia tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chế tạo thành công cảm biến điện hóa và hệ thiết bị phân tích nhanh, chính xác methanol trong đồ uống có cồn và nhiên liệu xăng. Giải pháp mở ra hướng mới trong việc phân tích hàm lượng methanol đơn giản, với giá thành hợp lý.  
Methanol hay còn gọi là alcol metylic, alcohol gỗ, naphtha gỗ. Đây là loại rượu đơn giản nhất, nhẹ, không màu, dễ bay hơi, dễ cháy, có mùi đặc trưng giống rượu trắng ethanol. Khác với ethanol, methanol có vị ngọt hơn và thơm hơn, gây độc mạnh. Trong các ngành công nghiệp, methanol là chất chống đông, dung môi hòa tan các nguyên liệu sản xuất, dung môi hữu cơ cho sơn, véc-ni, làm nguyên liệu để sản xuất chất dẻo và tổng hợp các chất hữu cơ, được sử dụng để sản xuất nhiên liệu như khí đốt và dầu diesel sinh học.

Methanol là chất độc, khi tiếp xúc trực tiếp có thể gây viêm da, phát ban, vảy nến, gây mờ và mù mắt, nghiêm trọng hơn gây rối loạn cục bộ, kích ứng niêm mạc đường hô hấp, tổn thương nội tạng, rối loạn thần kinh, gây tổn thương dây thần kinh não,… và có thể dẫn đến tử vong khi dùng một lượng lớn. Trong cơ thể người, một lượng nhỏ methanol được đào thải qua hệ bài tiết và hơi thở, phần lớn methanol bị oxi hóa  thành formaldehyde (độc gấp 33 lần methanol) và  sau đó fomanldehyde chuyển hóa thành acid formic (độc gấp 6 lần methanol)  ở gan. Tuy nhiên, trong thực tế, không thể loại bỏ hoàn toàn methanol trong đồ uống có cồn đặc biệt là rượu, bia. Trong bia, lượng methanol có khoảng 6-27 mg/l, trong rượu (mạnh) là 10-220 mg/l. Rượu pha chế có hàm lượng methanol rất cao, dễ gây ngộ độc và gây chết người. Hàm lượng methanol có trong rượu ethylic (rượu uống) phải thấp dưới mức 0,1%.

Ngoài việc pha methanol vào đồ uống có cồn để tăng mùi vị, nhằm mục đích trục lợi cá nhân thì việc pha methanol vào nhiên liệu xăng là vấn đề đáng quan tâm hiện nay  trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Với tỷ lệ 1-2% thì methanol không làm biến chất xăng dầu, không làm ảnh hưởng tới các động cơ và chi tiết máy. Tuy nhiên, với tỷ lệ 10-15% hàm lượng methanol pha vào xăng sẽ gây tác hại rất lớn. Trong khi đó, tại Việt Nam, chưa có quy định về hàm lượng tối đa methanol trong xăng, việc kiểm soát pha chế xăng ở các khâu trung gian còn lỏng lẻo.

Phát hiện nhanh methanol tại hiện trường

Nhằm phân tích nhanh, chính xác và kịp thời hàm lượng methanol trong đồ uống có cồn, xăng nhiên liệu, nhóm chuyên gia, nhà khoa học tại Viện Kỹ thuật nhiệt đới (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ “Chế tạo cảm biến điện hóa và hệ thiết bị phân tích methanol trong đồ uống có cồn và nhiên liệu xăng”. 

cb con1

Sản phẩm cảm biến methanol hoạt động độc lập không cần nguồn điện ngoài và máy tính

Đại diện nhóm thực hiện, GS.TS Trần Đại Lâm cho biết, mục tiêu của nhiệm vụ là chế tạo được cảm biến điện hóa phân tích trực tiếp methanol trong bia rượu và nhiên liệu xăng có kích thước và độ nhạy cao phù hợp cho các phép đo đạc tại hiện trường. Đồng thời, làm chủ công nghệ chế tạo cảm biến tích hợp máy đo điện hóa phân tích trực tiếp methanol trong môi trường lỏng. 

cb con2

Sản phẩm điện cực cảm biến SPE

Theo đó, GS. TS Trần Đại Lâm và các cộng sự đã thiết kế, chế tạo điện cực in (SPE) ứng dụng làm cảm biến phân tích MeOH. Đồng thời, thiết lập, tối ưu điều kiện tổng hợp màng PANI và composit (PANI-Graphen, PANI-CNTs) cho điện cực SPE biến tính.

Điện cực in SPE được chế tạo từ các nguyên liệu (đế bản mạch in, mực in) đã được thương mại hóa và có giá thành hợp lý. Với công nghệ chế tạo đơn giản bằng phương pháp in lụa, sản phẩm điện cực in do nhóm nghiên cứu chế tạo có chất lượng tương đương nhưng giá thành rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm thương mại. Ngoài ra, việc lựa chọn và xây dựng quy trình biến tính điện cực với polymer dẫn điện polyaniline và các xúc tác oxit kim loại chuyển tiếp (CuO, NiO) giúp nâng cao độ nhạy, độ chọn lọc của cảm biến so với việc sử dụng xúc tác là các kim loại quý như Au, Pt, từ đó giúp giảm giá thành của sản phẩm điện cực. 

Qua đó, nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ tại Viện Kỹ thuật Nhiệt đới đã chế tạo thành công thiết bị điện hóa xách tay với 2 phiên bản, đó là: (1) Thiết bị điện hóa xách tay tích hợp màn hình hiển thị PLC, ắc quy cho phép thực hiện các phép đo hiện trường không cần kết nối máy tính và nguồn điện ngoài; (2) Thiết bị hóa xách tay kết nối máy tính, nguồn điện ngoài có thể ứng dụng lắp đặt tại các trạm phân tích với đầy đủ các chức năng đo và phân tích điện hóa. Đồng thời, kết nối thành công hai hệ điện hóa trên với điện cực SPE, tạo hệ cảm biến methanol, cho phép phân tích hiện trường hoặc trong phòng thí nghiệm.

Sử dụng các thiết bị điện hóa xách tay và điện cực cảm biến đã chế tạo, nhóm cũng đã kết nối thành công điện cực và thiết bị tạo cảm biến điện hóa methanol có độ chọn lọc cao với methanol; giới hạn phát hiện thấp (1 mg/l); vùng tuyến tính rộng (1 mg/l đến 10.000 mg/l); thời gian đáp ứng dưới 3 giây, và độ lặp lại tốt. Các thiết bị này có độ bền tối thiểu 5 năm. 

So sánh hoạt động của cảm biến so với phương pháp GC/MS (Sắc ký khí ghép đầu dò khối phổ) cho thấy, kết quả phân tích đối chứng mẫu rượu chưng cất (rượu trắng) được thêm chuẩn 2.000 ppm methanol và mẫu xăng A95 thêm chuẩn 10.000 ppm methanol cho kết quả khá tương đồng. Nhóm tác giả khẳng định, ưu điểm của phương pháp cảm biến là phân tích trực tiếp, trả kết quả nhanh trong khi phương pháp GC/MS đòi hỏi pha loãng mẫu và thời gian phân tích khá lâu. Ngoài ra, sử dụng cảm biến phân tích hàm lượng methanol trong một số mẫu đồ uống có cồn và nhiên liệu xăng, cho thấy hàm lượng methanol nằm trong ngưỡng cho phép theo TCVN và nằm dưới ngưỡng phát hiện của cảm biến.   

cb con3

Phân tích methanol trong các mẫu bia rượu bằng cảm biến điện hóa

Thay thế phương pháp truyền thống

Theo lời GS.TS Trần Đại Lâm, để định lượng methanol trong đồ uống có cồn có thể sử dụng các thiết bị phân tích hóa lý trong phòng thí nghiệm như phương pháp sắc ký sử dụng chuẩn nội n-butanol, bột kít để phân tích định tính methanol, dùng cảm biến sinh học,... 

"Tuy nhiên, để phân tích định lượng methanol cần thực hiện bằng các phân tích chuyên sâu, tốn nhiều thời gian từ khi lấy mẫu đến khi có kết quả. Ngoài ra, các phương pháp trên tuy chính xác nhưng phức tạp, chi phí cao", GS.TS Trần Đại Lâm đánh giá.

Do đó, sử dụng các bộ kit tuy đơn giản, giá thành thấp nhưng chỉ định tính khi có mặt methanol trong rượu với giới hạn phát hiện đòi hỏi nồng độ methanol cao và không phát hiện được khi trong mẫu có lẫn các chất khác vốn có trong đồ uống có cồn (rượu giả, rượu kém chất lượng,….). Vì vậy, để định tính, định lượng methanol một các nhanh chóng hiệu quả, việc sử dụng các cảm biến điện hóa trong lĩnh vực này đã có những bước tiến quan trọng. 

Vì thế, có thể khẳng định rằng, với việc chế tạo thành công cảm biến điện hóa và hệ thiết bị phân tích methanol trong đồ uống có cồn và nhiên liệu xăng của nhóm tác giả, đã có thể khắc phục các hạn chế và thay thế các phương pháp nói trên. 

 

Thông tin liên hệ:

Viện Kỹ thuật Nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

Địa chỉ: 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội 

Điện thoại: 0835559888

Email: tdlam@itt.vast.vn 

Ngày 5/10/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã phối hợp cùng Phòng Kinh tế quận 11 tổ chức Hội nghị gặp gỡ, tọa đàm, đồng hành cùng doanh nghiệp với chủ đề “Ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển sản xuất kinh doanh”. Hơn 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa ở quận 11 đã tham dự Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, sau dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp ở trên địa bàn TP.HCM đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất - kinh doanh nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn và giảm thiểu chi phí. Chính doanh nghiệp đã nhận thức được vai trò và ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng, mở ra cơ hội để doanh nghiệp hướng tới thành công.

221008nl1.jpg

Ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại Hội nghị

Theo bà Trần Thị Bích Trâm (Phó Chủ tịch UBND quận 11), nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Quận mong muốn được kết nối nguồn hỗ trợ ứng dụng chuyển đổi số và chuyển giao công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh theo xu hướng phát triển kinh tế số. Tại Hội nghị, có doanh nghiệp sản xuất răng giả phục vụ nha khoa muốn ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường đào tạo nhân lực và đổi mới quy trình sản xuất (đang sản xuất thủ công). Ngoài ra còn có những doanh nghiệp nhỏ đang loay hoay trong vấn đề đăng ký thương hiệu, kiểm định chất lượng sản phẩm, tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu hoặc các đối tác hợp tác kinh doanh…

Trong khuôn khổ Hội nghị, ông Võ Hưng Sơn (Trưởng phòng Quản lý khoa học và công nghệ cơ sở) đã giới thiệu các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học và công nghệ mà Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đang triển khai (xem chi tiết tại đây). Theo đó, doanh nghiệp có thể đăng ký với Phòng Kinh tế quận 11 để đặt hàng Sở tháo gỡ các vướng mắc thường gặp như thủ tục đăng ký thương hiệu, thực hiện các quy định về kiểm tra, kiểm định tiêu chuẩn kỹ thuật…

221008nl2.jpg

Ông Võ Hưng Sơn (Trưởng phòng Quản lý khoa học và công nghệ cơ sở) thông tin tới các doanh nghiệp trong hội nghị

Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa đủ nguồn lực hoặc chưa sẵn sàng để ứng dụng chuyển đổi số toàn diện. Do vậy, doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu chuyển đổi số để tìm kiếm các giải pháp linh hoạt, thích ứng với hoạt động sản xuất - kinh doanh. Chủ doanh nghiệp có thể tham khảo một số kiến thức cơ bản đang được Sở cung cấp miễn phí tại https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn. Qua đó, doanh nghiệp sẽ có thêm những góc nhìn về tư duy sáng tạo trong kinh doanh, đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, quản trị tài sản trí tuệ cũng như hoạt động năng suất chất lượng, truyền thông…

Về hoạt động kết nối doanh nghiệp tìm hiểu ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Đức Tuấn (Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - CESTI) nhấn mạnh: “CESTI liên tục tổ chức nhiều sự kiện kết nối, chuyển giao công nghệ nhằm tạo điều kiện cho các nhà cung ứng, nhà khoa học giới thiệu các công nghệ, thiết bị, sản phẩm mới đến cộng đồng. Bên cạnh đó, CESTI cũng tổ chức các chuyên đề Kết nối ý tưởng và Hợp tác công nghệ nhằm giải quyết nhu cầu công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp sản xuất. Qua đó, thúc đẩy, tạo lập các quan hệ hợp tác đầu tư, phát triển và chuyển giao công nghệ.”.

221008nl3.jpg

Ông Nguyễn Đức Tuấn (Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - CESTI) trao đổi thông tin với doanh nghiệp

Trong thời gian sắp tới, CESTI sẽ phối hợp cùng Phòng Kinh tế quận 11 đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như tham dự trình diễn công nghệ, tư vấn công nghệ - thiết bị, hỗ trợ kết nối chuyển giao công nghệ, tư vấn đăng ký sở hữu trí tuệ… Từ đó, doanh nghiệp ở quận 11 sẽ chủ động hơn trong việc tiếp cận và đưa công nghệ vào nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh.

Cesti.gov.vn

Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST VIETNAM 2022, Hội Sáng chế Việt Nam, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ phối hợp với Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo tổ chức Chương trình vinh danh “Ngôi sao sáng chế IPSTAR 2022”.

Chương trình vinh danh hướng tới các nội dung chính như: Nhằm tôn vinh các cá nhân đã có nhiều đổi mới sáng tạo, đóng góp cho hoạt động sáng chế trong thời gian gần đây, đồng thời khuyến khích gia tăng số lượng đơn đăng ký sáng chế của cá nhân, tổ chức Việt Nam và từng bước xây dựng nền tảng sáng chế phát triển bền vững và nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng phát triển, thương mại hóa sản phẩm từ sáng chế và góp phần phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

Kính mời các cá nhân, cơ quan/ đơn vị quan tâm tham dự vui lòng tham khảo Quy chế Vinh danh “Ngôi sao sáng chế IPSTAR 2022” (tài liệu đính kèm)

Để có thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ trực tiếp với Ban Thư ký Chương trình: Chị Hà Diệu Linh; điện thoại: 0917726569, Email: ngoisaosangcheipstar@gmail.com.


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378