SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Chợ quà tặng nông sản tập trung vào đối tượng có thu nhập và trình độ cao nhằm quảng bá các sản phẩm nông sản sạch được tốt hơn. 

Phiên chợ quà tặng nông sản dành cho những “tín đồ” thực phẩm sạch - 1

Đối tượng mà phiên chợ hướng tới là những người có thu nhập và dân trí cao. Ảnh: Hà Thế An.

Phiên chợ quà tặng nông sản tháng 6 do Saigon Innovation Hub phối hợp với Hiệp hội thực phẩm minh bạch Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 22/06 sắp tới tại Nhà văn hóa phụ nữ cơ sở 2, số 02 Nguyễn Đổng Chi, phường Tân Phú, Quận 7, TP.HCM. Đây được xem là nơi tập trung cư dân trung lưu, có thu nhập khá, dân trí tốt và có nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ không sử dụng hóa chất.

Sự kiện là cơ hội tốt để các nhà sản xuất nông sản quảng bá các sản phẩm mà mình đặt nhiều tâm huyết bằng việc trực tiếp giới thiệu với cộng đồng dân cư Quận 7 để mở rộng thị trường làm nền tảng cho sự phát triển của mình.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Ban tổ chức sẽ tổ chức đào tạo cách thức bảo quản thực phẩm sau thu hoạch với sự hướng dẫn của TS Trần Thị Ngọc Diệp, Trưởng trung tâm đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM.

Lý do tổ chức buổi đào tạo, theo thống kê của VCCI tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch nông sản của Việt Nam từ 40- 45%. Ông Julien Brun, Tổng giám đốc Công ty CEL Consulting, đã đi khảo sát nông dân ở các vùng địa lý khác nhau cho biết, tỉ lệ thất thoát này chủ yếu xảy ra ở khâu sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Thất thoát sau thu hoạch khiến một lượng thực phẩm lớn, ước tính gần 50% không bao giờ đến được người tiêu dùng, và lượng này lại gây ra sự ô nhiễm.

Buổi đào tạo được tổ chức với mong muốn mang đến cho cơ sở dịch vụ logistisc, các nhà sản xuất, cơ sở bán lẻ thực phẩm tươi sống những kiến thức và kinh nghiệm nhằm cải tiến kỹ thuật bảo quản và chế biến nông sản, giúp các nhà sản xuất, dịch vụ giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch. 

Tất cả người dân quan tâm đến thực phẩm sạch có thể đăng ký tham dự tại đây, tham dự buổi đào tạo tại đây.

 
Hà Thế An - khampha.vn

Thách thức cho các công ty thực phẩm và nhà sản xuất bao bì không chỉ là thích nghi với các xu hướng đã và đang hình thành, mà còn phải dự báo và tạo cảm hứng sáng tạo xu hướng mới.

 

Chiều ngày 14/6/2019, Sở KH&CN TP.HCM phối hợp cùng Quỹ phát triển KH&CN TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học "Kết nối hình thành các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển ngành nhựa/màng bao bì thực phẩm của Thành phố tầm nhìn đến 2025".

Hội thảo nhằm kết nối các nhà khoa học và doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và giải quyết các vấn đề cấp bách của ngành nhựa/bao bì cũng như tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi ni lông trên địa bàn TP.

TP.HCM đặt mục tiêu sản xuất nhựa, bao bì 'xanh' và thông minh - 1

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Khắc Thanh -  Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho biết từ năm 2014, Sở KH&CN đã được UBND TP.HCM giao trách nhiệm nghiên cứu phát triển các loại túi ni lông thân thiện với môi trường đồng thời đề xuất tiêu chí đánh giá các loại túi ni lông cũng như chuyển giao công nghệ tái chế.

Sau gần 5 năm, mặc dù đạt được nhiều thành quả nhưng trước xu hướng phát triển của công nghệ đòi hỏi ngành nhựa/màng bao bì thực phẩm phải có những thay đổi mang tính cấp thiết hơn. Thông qua buổi Hội thảo, Sở KH&CN mong muốn doanh nghiệp, trường, viện cùng chia sẻ công việc cũng như phương hướng phát triển để tạo ra mối liên kết, giải quyết những vướng mắc của ngành. 

TP.HCM đặt mục tiêu sản xuất nhựa, bao bì 'xanh' và thông minh - 2

TS. Hoàng Xuân Tùng - Trường ĐH Công Nghệ TP.HCM

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra những xu hướng phát triển của ngành nhựa/bao bì. Theo TS Hoàng Xuân Tùng, trường Đại học Công Nghệ TP.HCM, một trong những xu hướng phát triển trong tương lai là bao bì thông minh giúp theo dõi chất lượng thực phẩm trong quá trình vận chuyển và lưu kho.

Bao bì thông minh có thể tự điều chỉnh để kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm cũng như đổi màu để biểu hiện mức độ tươi mới của thực phẩm. Điều này góp phần hạn chế thực phẩm lãng phí cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tránh trường hợp nhiễm bệnh do ăn, uống thực phẩm bị hỏng. Cùng với đó là xu hướng sản xuất bao bì thân thiện với môi trường. Loại bao bì này không chỉ có khả năng phân hủy tự nhiên mà quá trình sản xuất cũng không gây ảnh hưởng gián tiếp đến môi trường.

TS Hoàng Xuân Tùng cũng cho hay, thách thức cho các công ty thực phẩm và nhà sản xuất bao bì không chỉ là thích nghi với các xu hướng đã và đang hình thành, mà còn phải dự báo và tạo cảm hứng sáng tạo xu hướng mới.

TP.HCM đặt mục tiêu sản xuất nhựa, bao bì 'xanh' và thông minh - 3

Ông Lê Xuân Dục - Phó tổng giám đốc công ty Liksin

Đồng quan điểm, ông Lê Đức Dục - Phó tổng giám đốc công ty Liksin, cho biết doanh nghiệp của ông hiện đang phát triển sản phẩm theo xu hướng bền vững với 3 yếu tố: Tối giản hóa, Tái sử dụng và Tái chế. Trong đó, tối giản hóa sẽ giúp làm giảm lượng nhựa sử dụng, giảm độ dày hay kích thước của bao bì nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng. Tái chế bằng cách sử dụng vật liệu thân thiện như giấy, vật liệu phân hủy sinh học. Tái sử dụng đơn giản là tái chế lại những sản phẩm qua sử dụng.

Cũng tại hội thảo, ông Phạm Văn Xu - Trưởng phòng quản lý khoa học Sở KH&CN TP.HCM, đã nêu ra một số định hướng nghiên cứu trong thời gian tới đối với ngành nhựa/bao bì thực phẩm dựa trên kết quả khảo sát 30 doanh nghiệp trong ngành.

Theo đó, ngành nhựa/bao bì thực phẩm cần tập trung vào nghiên cứu ứng dụng vật liệu sinh học trong sản xuất bao bì sinh học và thân thiện môi trường; Xây dựng các quy định, tiêu chuẩn đối với bao bì và tiến tới xuất khẩu. Đồng thời nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất bao bì thông minh cho ngành thực phẩm.

 
Thạch An - khampha.vn
Tiếp nối thành công của chương trình Runway To The World năm 2018, Saigon Innovation Hub (SIHUB) tiếp tục triển khai Runway To The World mùa 2 năm 2019, dự báo sẽ làm nóng thị trường khởi nghiệp hơn khi nhóm startup Hàn Quốc đầu tiên đến Việt Nam. Không chỉ vậy, SIHUB vẫn tiếp tục triển khai chương trình với nhiều đối tác tại Đức, Phần Lan… trong năm nay.
 

Đại diện của 5 nhóm startup đến từ Hàn Quốc tham dự Runway To The World mùa 2 năm 2019

Đại diện của 5 nhóm startup đến từ Hàn Quốc tham dự Runway To The World mùa 2 năm 2019

Liên tục trao đổi

Runway To The World  là chương trình được thiết kế, phối hợp với các đối tác tổ chức theo định hướng kết nối toàn cầu của SIHUB, nhằm tuyển chọn startup nước ngoài đến kết nối giao thương tại Việt Nam, đồng thời mang startup Việt ra thế giới. Ngay từ lúc khởi động, chương trình đã tạo được những hiệu ứng tốt với số lượng startup, các đoàn doanh nghiệp, trường học, tổ chức khởi nghiệp, các tập đoàn nước ngoài đến kết nối giao thương tại Việt Nam tăng lên rất nhanh. Đây là chương trình trao đổi startup đầu tiên tại Việt Nam.

Ngay từ khi khởi động chương trình Runway To The World mùa đầu tiên vào tháng 11-2018, đã nhanh chóng thu hút được nhiều đối tác như Shinhan Future’s Lab (Hàn Quốc) - trực thuộc Shinhan Bank; Trung tâm Phát triển khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo toàn cầu Magic (Malaysia), Công ty Đầu tư mạo hiểm Quest Ventures (Singapore)… Không chỉ vậy, hiện nay nhiều quốc gia khác cũng đề nghị hợp tác, chia sẻ, trao đổi như Thái Lan, Phần Lan, Australia, Mỹ, Thụy Sĩ.

Phía Hàn Quốc đã đưa 3 nhóm startup sang Việt Nam gặp gỡ và tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Tiếp đó, tháng 7-2018, 6 startup của Malaysia và Singapore cũng đã sang Việt Nam trong chương trình trao đổi startup. Tháng 8-2018, Việt Nam đưa 3 startup Việt sang Malaysia. Tháng 9-2018, Việt Nam đưa 3 startup sang Singapore. Tháng 12-2018, thêm 3 startup của Việt Nam sang Hàn Quốc xúc tiến thương mại. Mới nhất, vào ngày 3-6-2019 tại SIHUB, đã chào đón 5 startup Hàn Quốc đến TPHCM. Các startup này giới thiệu nhiều ứng dụng hỗ trợ kinh doanh tập trung vào thương mại điện tử nhằm dễ tiếp cận thị trường Việt Nam. 

Tất cả các startup đến với Runway To The World tại Việt Nam đều mong muốn sản phẩm của họ có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam, được đầu tư để phát triển tốt hơn, song song với việc hoàn thiện sản phẩm qua ý kiến đóng góp của các chuyên gia đầu tư. Ngược lại, thông qua chương trình, các startup Việt có cơ hội giao lưu, học hỏi với các hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển của thế giới và khu vực; từ đó từng bước khắc tên Việt Nam lên bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Giúp startup Việt Nam tự tin hơn

Các startup Hàn Quốc đến Việt Nam lần này gồm: StyleSeller - mô hình kinh doanh hợp tác, nơi người dùng sản phẩm thực tế có thể kiếm thêm thu nhập từ việc giới thiệu các thương hiệu sản phẩm tin dùng; BluePrintLab - cung cấp ứng dụng, giúp nâng cao trải nghiệm mua sắm đối với sản phẩm kính đeo mắt có yếu tố thời trang; ABC Studio - vận hành sàn thương mại trực tuyến B.Box với mục tiêu đem các mặt hàng mỹ phẩm và gia dụng sản xuất tại Hàn Quốc đến với khách hàng tại khu vực Đông Nam Á; Choose Your Model (CYM) - kết nối các nhà sản xuất/chủ cửa hàng online có nhu cầu sở hữu những bộ ảnh quảng bá sản phẩm chất lượng cao với mạng lưới nhiếp ảnh gia và người mẫu chuyên nghiệp nổi tiếng trên thế giới và Yolo - hướng tới việc tư vấn cho người bán trên toàn cầu về những mặt hàng đang thịnh hành đối với từng thị trường cụ thể. Đây là những startup đầy tiềm năng của Hàn Quốc…

Sự có mặt của những startup nhiều kinh nghiệm từ Hàn Quốc có thể xem là cơ hội tốt để các startup Việt đang chuẩn bị khởi nghiệp hiểu rõ hơn ý tưởng của mình. Không chỉ vậy, startup Việt đang hoạt động cũng có được cái nhìn rõ hơn về thị trường ngoài nước nhằm điều chỉnh theo định hướng thị trường một cách đúng đắn hơn. 

Ông Huỳnh Kim Tước, CEO SIHUB, nhận định các startup đến từ Hàn Quốc có tâm thế rất tự tin khi bước ra thị trường toàn cầu. Việc mang các startup từ nước ngoài đến Việt Nam sẽ tạo động lực, truyền cảm hứng cho các startup trong nước. Từ chương trình Runway To The World, các startup Việt Nam cũng thay đổi về tư tưởng khởi nghiệp, về quy mô dự án khi tiếp cận các thị trường Singapore, Hàn Quốc, Mỹ, Phần Lan…

Điểm chung của các startup “chào sân” Việt Nam lần này chính là sự ứng dụng công nghệ tiên tiến, giải pháp hiện đại, hứa hẹn mang lại những trải nghiệm thú vị cho người dùng. Đơn cử là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng công nghệ dựa trên dữ liệu lớn (Big Data), áp dụng mô hình kinh doanh kết hợp giữa thương mại điện tử và tiếp thị ảnh hưởng dựa trên nền tảng kỹ thuật số.

CHÂU TUẤN - SGGP

Hai công trình về xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và hệ thống thông tin địa lý ứng dụng trong việc quản lý dịch bệnh đã đoạt 2 giải Ba Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM.

 

Sở KH&CN TP.HCM đoạt 2 giải Ba Giải thưởng Sáng tạo - 1

Ông Chu Bá Long, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nhận giải Ba, hạng mục khởi nghiệp sáng tạo. Ảnh: Hà Thế An.

Tối 6/6 tại Nhà hát thành phố, UBND TP.HCM đã tổ chức công bố và trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần thứ nhất. 

Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có 2 giải Ba với công trình “Mô hình hỗ trợ, kết nối, thu hút nguồn lực xã hội nhằm hỗ trợ hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM” của cán bộ, nhân viên Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM ở hạng mục khởi nghiệp sáng tạo.

Công trình “WebGIS quản lý bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TP.HCM” của nhóm tác giả Trung tâm ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS), thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và nhóm tác giả của Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cũng đoạt giải Ba ở hạng mục Kinh tế - xã hội, Quốc phòng - an ninh.

Nhiều năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM với đầu mối là Saigon Innovation Hub và các đơn vị liên quan đã nỗ lực, tạo lập và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp nhằm hỗ trợ cộng đồng thúc đẩy hoạt động này không chỉ tại thành phố mà ở các địa phương lân cận.

Hàng trăm hội thảo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được tổ chức, với sự tham gia của hàng chục nghìn lượt người; Chương trình đào tạo STEM cho giáo viên, học sinh cũng được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM triển khai; Chương trình đào tạo về năng suất chất lượng cho doanh nghiệp; Hỗ trợ startup về không gian làm việc, hoàn thiện sản phẩm và mô hình kinh doanh.

Mới đây, Saigon Innovaiton Hub còn đưa ra mô hình Innvation Lab hỗ trợ cho startup ngành cơ khí và tự động hóa có cơ sở vật chất thực hiện việc thiết kế và tạo mẫu sản phẩm, hỗ trợ quảng bá sản phẩm...

Năm 2017, Phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nhệ TP.HCM đã hỗ trợ cấp kinh phí cho 14 dự án khởi nghiệp với số tiền gần 12 tỉ đồng trong chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016-2020 của thành phố.

Cũng từ năm 2017, Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (WHISE) được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng nhiều đối tác tổ chức đã trở thành một hoạt động quen thuộc, thường niên của cộng đồng khởi nghiệp với hàng chục sự kiện về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp với nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Phần Lan, Đức, Hàn Quốc, Isreal, Thái Lan, Maylaysia, Singapore, Nhật Bản, Australia) để hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của TPHCM.

Với công trình ứng dụng hê thống thông tin địa lý trong việc quản lý dịch bệnh đã được Trung tâm hệ thống thông tin địa lý (HCM-GIS) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các chuyên gia của Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM triển khai từ năm 2016.

Từ những bản đồ giấy, các quận huyện, phường xã cung cấp, nhóm chuyên viên phải vẽ, định vị lại từng tổ, khu phố, ấp trên máy tính. Sau khi các bước phức tạp này hoàn thành, thông qua thuật toán, phần mềm có thể khoanh vùng ổ dịch tại các phường xã một cách tự động và nhanh chóng, giúp cơ quan chức năng có thể phản ứng kịp thời với mọi tình hình, diễn biến mới của dịch, bệnh.

Hằng ngày, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM sẽ chuyển thông tin ca bệnh (tên, tuổi, địa chỉ, ngày phát bệnh, ngày nhập viện) về Trung tâm y tế dự phòng. Đơn vị này sẽ nhập dữ liệu và chuyển thông tin ca bệnh về các phường xã, quận huyện thông qua phần mềm GIS. Tùy vào thời gian mắc bệnh và mức độ nguy hiểm, vị trí của người mắc bệnh sẽ hiện lên những màu sắc khác nhau (màu đỏ: nguy hiểm, màu xanh: an toàn…).

Hiện hệ thống đã kết nối thông tin đến 79 bệnh viện, với hơn 350 tài khoản người dùng, lưu trữ gần 50.000 ca bệnh; triển khai cho toàn bộ 322 phường, xã và giám sát 17.394 tổ, khu phố. 

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Khám phá tại buổi lễ, ông Chu Bá Long, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, bày tỏ niềm vui và vinh dự.

"Đây là niềm vinh dự và tự hào nhưng cũng là trách nhiệm để chúng tôi luôn nỗ lực, cố gắng đạt được những kết quả tốt hơn nữa, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng mà lãnh đạo thành phố gửi gắm"- ông Long nói.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh Giải thưởng sáng tạo TP.HCM là hoạt động hết sức ý nghĩa để tiếp tục khẳng định tiềm năng sáng tạo, không ngừng đổi mới để phát triển của TP.

Nhìn lại quá trình phát triển của TP sau hơn 40 năm qua, có thể thấy TP là nơi khởi nguồn của nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo, truyền thống năng động, sáng tạo luôn là một nét đặc trưng và hiện diện trong mỗi người dân TP. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người dân TP vẫn luôn khẳng khái, khí phách, cần cù, sáng tạo đậm chất Nam Bộ. Chính đổi mới sáng tạo đã giúp TP giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế dù diện tích chỉ chiếm 0,6% cả nước nhưng đóng góp 24% GDP và 28% thu ngân sách.

“Chỉ có sáng tạo, chúng ta mới không bị tụt hậu. Chỉ có đổi mới, chúng ta mới có thể bắt kịp dòng chảy của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, TP sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa để đổi mới sáng tạo trở thành một xu hướng tất yếu của xã hội” - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Cũng tại lễ trao giải, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng sáng tạo là quá trình đem đến tri thức mới, ứng dụng trí thức mới, có phương pháp mới tạo ra cuộc sống mới. Tuy nhiên, để có thể sáng tạo, trước hết phải có những người có mong muốn, có khát vọng sáng tạo; được đài tạo cơ bản, được bồi dưỡng về phương sáng tạo.

Cùng với đó là sự hỗ trợ, cổ vũ cho sáng tạo cũng như các chính sách thúc đẩy sáng tạo, đảm bảo lợi ích cho người sáng tạo, cho đơn vị của người sáng tạo và cho cộng đồng, cho đất nước.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng nhấn mạnh, 44 công trình sáng tạo đạt giải thưởng góp phần phục vụ cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thúc đẩy thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn.

“Thông qua giải thưởng để tạo sự lan tỏa, khuyến khích và động viên tinh thần, sự lao động nghiêm túc của các tập thể, cá nhân, khẳng định năng lực sáng tạo, tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống sáng tạo của thành phố. Các công trình đạt giải hôm nay sẽ thúc đẩy phong trào sáng tạo lan tỏa và phát triển trong các tổ chức, đơn vị, trong từng người dân và trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của thành phố’- Bí thư Nhân nói.    

7 lĩnh vực được trao giải

Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có công trình sáng tạo theo 7 nhóm lĩnh vực, gồm: Kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh (lĩnh vực 1); văn hóa - nghệ thuật (lĩnh vực 2); cải cách hành chính (lĩnh vực 3); truyền thông (lĩnh vực 4); xã hội (lĩnh vực 5); khởi nghiệp sáng tạo (lĩnh vực 6) và khoa học cơ bản (lĩnh vực 7). Từ 111 hồ sơ tham gia, Hội đồng tuyển chọn 44 công trình, trong đó có 4 giải Nhất, 15 giải Nhì và 25 giải Ba.

1. Lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh: Giải Nhất thuộc về Quy trình báo động đỏ cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch. Tác giả ThS.BS Đào Trung Hiếu, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng; TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, ThS.BS Đỗ Văn Niệm thuộc Bệnh viện Nhi Đồng 1.

2. Lĩnh vực văn hóa - văn nghệ: Vở diễn Dấu xưa. Tác giả Nguyễn Thanh Bình, Đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc thuộc Nhà hát kịch Sân Khấu Nhỏ dàn dựng.

3. Lĩnh vực cải cách hành chính: Không có giải nhất. Giải nhì được trao cho công trình Hệ thống quản lý công tác cải cách hành chính TP.HCM của Sở Nội vụ.

4. Lĩnh vực truyền thông: Không có giải nhất. Giải Nhì thuộc về nhóm tác giả Lê Quốc Cường, Lê Minh Dũng, Lý Minh Tuân, Đoàn Ái Nghiệp, Lê Phương, Huỳnh Đăng Thanh, Hồ Thế Khương thuộc Sở Thông tin và truyền thông, với Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức.

5. Lĩnh vực xã hội: Không có giải nhất và giải Nhì. 2 giải ba được trao cho 2 công trình: "Tổ chức hội thi quay video clip giới thiệu “Gương sáng quanh tôi” và "Liên hoan tiếng hát ba thế hệ”.

6. Lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo: Có hai giải Nhì: Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất khuôn mẫu kỹ thuật cao và hệ thống sản xuất tự động của Công ty TNHH Lập Phúc và Vexere - Giải pháp mua vé xe khách trực tuyến của Công ty cổ phần Vexere.

7. Lĩnh vực khoa học cơ bản: Có hai giải Nhất: Keo thông minh trong điều trị lành thương của TS. Nguyễn Thị Hiệp, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM và Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất các loại tinh bột kháng tiêu hóa cao và các sản phẩm thực phẩm sinh đường thấp dùng cho các bệnh nhân béo phì và tiểu đường từ các loại lương thực của Việt Nam của PGS.TS. Phạm Văn Hùng, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM.

Hà Thế An - khampha.vn

Với tư cách là cầu nối giữa doanh nghiệp và trường viện, nhà nghiên cứu, Sở KH&CN hi vọng, hội thảo sẽ là cơ hội để các bên biết mình đang có gì, đang làm gì, cần gì và đang vướng mắc những khó khăn nào.

 

Sáng nay (6/6), Sở KH&CN TP.HCM phối hợp cùng Quỹ phát triển KH&CN TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học "Kết nối hình thành các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển ngành cơ khí khuôn mẫu TP.HCM tầm nhìn đến 2025".

Hội thảo nhằm kết nối các nhà khoa học và doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu có triển vọng thành sản phẩm thương mại và giải quyết các vấn đề cấp bách của doanh nghiệp trong ngành cơ khí khuôn mẫu.

Sở KH&CN TP.HCM làm cầu nối giải quyết vướng mắc cho ngành cơ khí khuôn mẫu - 1

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho biết Sở KH&CN đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ nghiên cứu chế tạo khuôn mẫu trong nhiều năm qua và đạt được nhiều kết quả. Với tư cách là cầu nối giữa các doanh nghiệp và trường viện, nhà nghiên cứu, Sở KH&CN hi vọng, hội thảo sẽ là cơ hội để các bên biết mình đang có gì, đang làm gì, cần gì và đang vướng mắc những khó khăn nào.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ một số vấn đề kĩ thuật mà ngành thiết kế, chế tạo khuôn mẫu đang gặp phải cũng như những công nghệ mới có khả năng ứng dụng cho ngành khuôn mẫu tại TP.HCM. 

Sản phẩm khuôn mẫu chính xác cao là một trong những nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP. Đặc thù của khuôn mẫu là phục vụ cho sản xuất sản phẩm cụ thể, thiết kế, chế tạo theo yêu cầu của khách hàng. Nhu cầu làm khuôn mẫu xuất hiện khi sản xuất mẫu sản phẩm mới, thay khuôn cũ bị hỏng, thay chủng loại để đạt năng suất và chất lượng cao hơn.

Trong khi đó chỉ có số ít doanh nghiệp Việt Nam có khả năng thiết kế, chế tạo khuôn chính xác cao. Các doanh nghiệp sản xuất khuôn mẫu chưa có sự chuyên môn hóa cao, công nghệ, máy móc, nhân lực còn mang tính đơn lẻ, chưa thể xây dựng thị trường cung cấp bền vững.

Sở KH&CN TP.HCM làm cầu nối giải quyết vướng mắc cho ngành cơ khí khuôn mẫu - 2

Toàn cảnh Hội thảo.

Chính vì thế, để đẩy mạnh sản xuất ngành khuôn mẫu TP.HCM về cơ bản vẫn phải thực hiện theo logic của sự phát triển, nghĩa là đầu tư tăng cường trang thiết bị hiện đại, tự động hóa chính xác cao, phát triển gắn với đầu tư. 

Qua kết quả khảo sát nhu cầu thực tế trên 30 doanh nghiệp trong ngành khuôn mẫu hàng đầu của TP, hội thảo đã đưa ra một số định hướng nghiên cứu có tính đột phá đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Trong đó có phát triển khuôn mẫu cho các sản phẩm nhựa kĩ thuật cao, đặc biệt là sản phẩm nhựa micro, phát triển kĩ thuật kênh dẫn nhựa nóng. Các sản phẩm này hiện chưa phát triển mạnh tại TP.HCM trong khi nhu cầu thực tế trong lĩnh vực y tế, sinh học, công nghiệp là rất lớn. 

Ngoài ra, ngành khuôn mẫu của TP cũng cần đẩy mạnh phát triển công nghệ và thiết bị nhằm nâng cao chất lượng gia công khuôn mẫu trên cơ sở thiết bị hiện có cũng như phát triển khuôn ép nhựa lớn cho sản xuất nông nghiệp, sản phẩm ép bột kim loại và thiêu kết để tạo ra sản phẩm.

 
Thạch An - khampha.vn

Sáng ngày 1/6, Sở KH&CN TP.HCM đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với Câu lạc bộ Doanh nghiệp KH&CN ghi nhận ý kiến đóng góp nhằm phát triển cộng đồng khối doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn thành phố.

 

Câu lạc bộ (CLB) Doanh nghiệp KH&CN TP.HCM vừa ra mắt trong tháng 5/2019. CLB được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường hợp tác giữa các thành viên, cùng tháo gỡ khó khăn để phát triển; đóng vai trò đầu mối kết nối doanh nghiệp với các trường - viện nhằm hỗ trợ nghiên cứu phát triển và ứng dụng KH&CN, góp phần nâng cao chất lượng, phát triển doanh nghiệp KH&CN tại TP.HCM.

Từng bước kết nối với doanh nghiệp khoa học công nghệ - 1

Ông Nguyễn Khắc Thanh - Phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM

Tại buổi gặp gỡ ban điều hành CLB Doanh nghiệp KH&CN, ông Nguyễn Khắc Thanh – Phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết, hiện nay Doanh nghiệp KH&CN của Thành phố đứng đầu cả nước với 74 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp KH&CN tuy không nhiều so với tổng số doanh nghiệp nói chung, nhưng cũng là kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Hiện nay, các doanh nghiệp khoa học công nghệ được nhận nhiều hỗ trợ về chính sách như ưu đãi về thuế, tín dụng, hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ.

Đặc biệt, khi Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN được ban hành. Những nỗ lực của chính phủ cũng như của TP.HCM đã giúp hỗ trợ giải quyết một trong những khó khăn lâu nay của các doanh nghiệp KH&CN, đó là nghiên cứu và thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ.

Doanh nghiệp KH&CN được sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác để thương mại hóa kết quả KH&CN. Cùng đó, doanh nghiệp KHCN được ưu tiên tham gia các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ của Nhà nước. 

Từng bước kết nối với doanh nghiệp khoa học công nghệ - 2

Ông Trần Tựu - Chủ tịch CLB Doanh nghiệp KH&CN chia sẻ về các hoạt động 7 tháng cuối năm.

Cũng trong buổi gặp mặt với Câu lạc bộ Doanh nghiệp KH&CN, ông Thanh hi vọng việc phối hợp của CLB với Sở KH&CN sẽ là tiền đề góp phần phát triển cộng đồng khối doanh nghiệp này và thu hút thêm các doanh nghiệp tiềm năng.

Ông Thanh cũng khẳng định với các thành viên điều hành CLB Doanh nghiệp KH&CN rằng, Thành phố cam kết hỗ trợ, đầu tư vào các chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp với tỉ lệ 1-1. Kinh phí hỗ trợ tối đa là 1 tỷ đồng đối với nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Ông Thanh cũng kỳ vọng CLB là mối liên kết giữa doanh nghiệp KH&CN với các ngành nghề khác nhằm tạo ra một hệ sinh thái bền vững. 

"Với sức mạnh của KH&CN, CLB sẽ là nơi tiếp cận nguồn thông tin, phát triển các tiêu chuẩn, tìm kiếm các đối tác trong ngành công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, CLB cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông về các doanh nghiệp thành viên, các sản phẩm KH&CN đang có để tiếp cận trị trường, xã hội", ông Thanh kỳ vọng.

 
Minh Cao - khampha.vn

Với sự trợ giúp của hàng loạt công nghệ mới "người nông dân" có thể giám sát và lên lịch vận hành việc "nuôi", "trồng"... dù ở bất kỳ đâu. 

Thay đổi tập quán canh tác nâng hiệu quả kinh tế

“Với sự trợ giúp của hàng loạt công nghệ mới như IoT, điều khiển tự động và năng lượng mặt trời, các giải pháp, kỹ thuật và quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm được giới thiệu tại kỳ Techmart 2019 do Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) thuộc Sở KH&CN TP.HCM tổ chức đã thổi một luồng động lực mới cho ngành nông nghiệp TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Theo GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng – Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, giá trị nông sản Việt Nam thường thua kém các nước khác từ 15-50% do những chênh lệnh về chất lượng, bên cạnh đó thì sản lượng cũng thất thoát từ 9-17%, thậm chí lên đến 20-30% ở một số nơi.

"Một trong những nguyên nhân của những bất lợi này là do hạn chế về ứng dụng công nghệ trong các khâu trồng trọt, vận chuyển, bảo quản và chế biến sau thu hoạch", GS Nguyễn Kỳ Phùng đặt vấn đề, "do đó, thực tế cũng cho thấy sự cần thiết phải ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao để thay đổi tập quán canh tác; xây dựng nền nông nghiệp thông minh; tạo đột phá về năng suất, chất lượng; tăng hiệu quả lao động, hiệu quả kinh tế; linh hoạt thích ứng trước diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu".

Tán đồng quan điểm này, TS Phạm Hữu Nhượng - Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Nông sinh Khang Nguyên, ở thời điểm hiện tại, bên cạnh việc kiểm soát chặt chất lượng hạt giống đầu vào thì kỹ thuật nuôi trồng cũng cần được đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, thì "người nông dân" đang được hậu thuẫn rất tốt, thậm chí đang ngay khi đang đi du lịch, thì chúng ta vẫn có thể giám sát và lên lịch vận hành cho một hệ thống tưới nhỏ giọt cũng như trộn, bơm chất dinh dưỡng cho một trang trại cây bất kỳ, chẳng hạn như cây dưa lưới.

Nông nghiệp thông minh giúp tăng năng suất, chất lượng - 1
Nhật ký bơm phân vi sinh được hệ thống IoT phản hồi qua smartphone

Công nghệ mang tới làn gió mới cho nông nghiệp

Ông Nguyễn Hữu Nhượng cho biết, đơn vị đã có dịp tiếp xúc với nhiều khách hàng, đối tác trong lĩnh vực trồng, và kinh doanh dưa lưới thành phẩm mà vốn dĩ là thế mạnh của Khang Nguyên. Cụ thể, ngay trong ngày đầu khai mạc, Khang Nguyên đã ký biên bản ghi nhớ về tư vấn và chuyển giao hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng cho công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Mi Na.

Nông nghiệp thông minh giúp tăng năng suất, chất lượng - 2
Cận cảnh hệ thống kết nối 3G/4G của hệ thống điều khiển hệ thống bơm dung dịch phân bón, chất dinh dưỡng tại nhà màng trồng dưa lưới do công ty Khang Nguyên triển khai tại huyện Củ Chi - TP.HCM.

Vẫn theo lời ông Nhượng, hệ thống tự động pha phân vi sinh theo công thức định sẵn giúp cây trồng nhận đủ lượng di dưỡng cần thiết để phát triển, trong khi đó mô hình tưới nhỏ giọt và hẹn giờ giúp cây không bị hụt nước, qua đó giúp ổn định chất lượng lẫn năng suất. 

 

Nông nghiệp thông minh giúp tăng năng suất, chất lượng - 3

Giới thiệu về máy sấy trái cây, nông sản ứng dụng năng lượng mặt trời với giàn sấy động trục đứng, ThS. Phan Văn Hiệp (Khoa Kỹ thuật – Công nghệ, ĐH Văn Hiến) hồ hởi cho biết nhiều cơ sở đã đến xem trực tiếp thiết bị và tìm hiểu khả năng áp dụng cho mặt hàng nông sản mà họ chế biến. Bởi đây là thiết bị tận dụng hiệu ứng nhà kính, kết hợp sử dụng nhiều loại cảm biến để theo dõi và điều chỉnh thông số phơi sấy, nên chi phí vận hành rất thấp, rút ngắn thời gian phơi sấy (lên đến 30% so với phơi nắng truyền thống) và có thể sấy nhiều mẻ liên tục. Bên cạnh đó, thiết bị còn chống nhiễm bụi, trứng ruồi, khử vi sinh ngay trong quá trình phơi sấy bằng đèn chiếu tia cực tím, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm công lao động trực tiếp.

Trong thời gian tới, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ tư vấn, kết nối sau Techmart để doanh nghiệp có nhu cầu đi đến ký kết thành công các hợp đồng mua bán thiết bị, chuyển giao công nghệ. 

 
Hoàng Khoa - khampha.vn

Sau vòng huấn luyện, các sản phẩm đã có những cải tiến đáng kể. Một số sản phẩm đã ứng dụng hiệu quả trong thực tế, mang lại lợi ích lớn cho các đơn vị.

 

Ngày 31/5, vòng chung kết cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS TP.HCM năm 2018” đã diễn ra tại hội trường Sở KH&CN TP.HCM, với sự tham gia của 8 sản phẩm xuất sắc nhất.

Được phát động từ tháng 10.2018, cuộc thi nhằm tìm kiếm các giải pháp, sản phẩm ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các công nghệ liên quan để giải quyết các vấn đề thực tiễn của TP.HCM; xây dựng Thành phố thành đô thị thông minh, sáng tạo; giải quyết các bài toán trong các chương trình đột phá của Thành phố.

Sau thời gian phát động, Ban tổ chức đã nhận được 72 sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực từ hỗ trợ quản lý hành chính công cho tới hỗ trợ quy hoạch và các ứng dụng thực tế phục vụ dân sinh. Không chỉ các nhà khoa học mà không ít các bạn trẻ, học sinh - sinh viên cũng hào hứng tham gia.

8 sản phẩm ấn tượng nhất tại cuộc thi GIS TP.HCM 2018 - 1

Danh sách các sản phẩm tại vòng chung kết cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS TP.HCM năm 2018”

Các sản phẩm xuất sắc nhất đã được lựa chọn vào vòng huấn luyện trước khi được trình bày tại vòng chung kết của cuộc thi. Theo đánh giá của ban giám khảo, các sản phẩm đã thể hiện được tính sáng tạo và khả năng ứng dụng thực tế.

Ông Phạm Quốc Phương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin Địa lý TP.HCM thuộc Sở KH&CN TP.HCM, nhận xét: ”Sau vòng huấn luyện, các sản phẩm đã có những cải tiến đáng kể. Một số sản phẩm đã ứng dụng hiệu quả trong thực tế, mang lại lợi ích lớn cho các đơn vị. Có những sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo với khả năng ứng dụng trong tương lai gần.”

Nhờ ứng dụng nền tảng GIS vào hệ thống quản lý sự cố mạng lưới cấp nước, chỉ từ đầu năm 2019, Công ty Cổ phần Cấp nước Bến Thành đã hạn chế được gần 7000m3 thất thoát.

Đại diện công ty cho biết: "Nhờ ứng dụng này, người quản lý theo dõi được vị trí xảy ra sự cố, giúp xử lý nhanh chóng, đơn giản. Ngoài ra, hệ thống còn giúp theo dõi kết quả công việc của người lao động chính xác, thúc đẩy được ý thức trách nhiệm của họ. Các thiết bị, tài sản của hệ thống cấp nước cũng đã được số hóa, quản lý trên nền tảng GIS.”

Một trong những vấn đề nhức nhối của TP.HCM cũng như nhiều thành phố khác là tình trạng ngập nước khi triều cường, mưa lớn. Bởi vậy, tác giả Bùi Hữu Phú đã thiết kế và xây dựng hệ thống đo, giám sát, mô phỏng cảnh báo và phòng chống ngập cho TP.HCM sử dụng thiết bị IoT kết hợp nền tảng GIS.

8 sản phẩm ấn tượng nhất tại cuộc thi GIS TP.HCM 2018 - 2

Tác giả Bùi Hữu Phú trình bày sản phẩm tại vòng chung kết cuộc thi

Hệ thống cho phép nhanh chóng xác định các điểm ngập nước và tình trạng ngập giúp người dân chủ động lựa chọn lộ trình phù hợp. Tác giả Bùi Hữu Phú chia sẻ: “Hệ thống cho kết quả chính xác đến 0,5 cm. Nhờ đó, người dân có thể xác định đi được qua điểm ngập nước hay không. Hệ thống cũng cung cấp hình ảnh chụp các điểm ngập qua camera.”

Những dữ liệu về các điểm ngập cũng sẽ được hệ thống lưu trữ tại trung tâm xử lý và phân tích để phục vụ công tác quản lý. Ngoài ra, khi phát hiện mức nước vượt quá mức quy định, hệ thống sẽ tự kích hoạt bơm xử lý ngập.

Đại diện Ban tổ chức cho biết kết quả sẽ được công bố tại lễ trao giải cuộc thi dự kiến tổ chức trong tháng 6/2019.

 
Phạm Sơn - khampha.vn

Đây là những công trình sáng tạo tiêu biểu đã chứng minh được tính thực tiễn khi được ứng dụng trong vào cuộc sống.

Sở Khoa học và Công nghệ có 2 công trình đoạt giải thưởng sáng tạo TP.HCM - 1

Một hội thảo về khởi nghiệp công nghệ tổ chức tại Saigon Innovation Hub, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vợi sự tham gia của chuyên gia trong và ngoài nước. Ảnh: Hà Thế An.

Sáng 31/05, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã công bố thông tin về Giải thưởng Sáng tạo thành phố tổ chức lần đầu tiên năm 2019. Đây là giải thưởng trao cho các cá nhân, tổ chức người Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài có các công trình nghiên cứu, giải pháp, sản phẩm dịch vụ sáng tạo góp phần cho sự phát triển của TP.HCM.

Trong 44 công trình của 7 hạng mục vào chung khảo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có 2 công trình.

Cụ thể, công trình “Mô hình hỗ trợ, kết nối, thu hút nguồn lực xã hội nhằm hỗ trợ hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM” của cán bộ, nhân viên Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM ở hạng mục khởi nghiệp sáng tạo. Công trình “WebGIS quản lý bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TP.HCM” của nhóm tác giả Khưu Minh Cảnh, Trương Thanh Tùng, Lâm Quang Hà, thuộc Trung tâm ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) ở hạng mục Kinh tế - xã hội, Quốc phòng - an ninh.

Ngoài ra, ở hạng mục Khoa học cơ bản, ĐH Quốc gia TP.HCM có 9/16 công trình lọt vào vòng chung khảo.

Thứ hạng cụ thể của các công trình, giải pháp sẽ chính thức được công bố vào ngày trao giải.

Ông Huỳnh Công Hùng, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, Phó trưởng ban tổ chức giải thưởng, chia sẻ các công trình được tuyển chọn từ 111 hồ sơ đăng ký tham dự của các tổ chức, cá nhân, đơn vị trên địa bàn thành phố. Tất cả các công trình tham gia giải thưởng đều đã chứng minh tính thực tiễn khi đã được ứng dụng trong công việc, cuộc sống tại các cơ quan, đơn vị.

“Đây là giải thưởng với quy mô cấp thành phố trong nhiều lĩnh vực cuộc sống nhằm tôn vinh những nhà khoa học, cá nhân, tập thể đã có những sáng kiến đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ của TP.HCM. Chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo để các cá nhân, tập thể đạt giải có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ ý tưởng nhằm tạo ra tác động tích cực, và sự ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng”- ông Hùng nói.

Sở Khoa học và Công nghệ có 2 công trình đoạt giải thưởng sáng tạo TP.HCM - 2

Ông Huỳnh Công Hùng, Phó trưởng ban tổ chức giải thưởng Sáng tạo TP.HCM (đứng) công bố một số thông tin về kết quả giải thưởng với đại diện các cơ quan truyền thông. Ảnh: Hà Thế An.

Ông Hùng cũng nói thêm, vì là lần đầu tiên tổ chức giải thưởng nên số lượng hồ sơ đăng ký tham gia còn hạn chế, công tác tổ chức và truyền thông giải thưởng đến cộng đồng còn chưa mạnh mẽ.

Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, bày tỏ mong muốn, những công trình hay, câu chuyện đẹp của những người đạt giải thưởng sẽ được báo chí quan tâm và giới thiệu đến cộng đồng bằng những tác phẩm báo chí hay.

“Họ là những người đã và đang thầm lặng đóng góp thiết thực cho cộng đồng bằng những mô hình, giải pháp sáng tạo. Vì thế những tấm gương như thế này cần được lan tỏa đến xã hội, để cộng đồng hiểu hơn về cuộc sống của họ”- ông Lương nói.

44 công trình vào chung khảo giải thưởng sáng tạo TP.HCM năm 2019:

Hạng mục Kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh: có 9 công trình.

Hạng mục Văn hóa – nghệ thuật: có 3 công trình.

Hạng mục Cải cách hành chính: có 5 công trình.

Hạng mục Truyền thông: có 4 công trình.

Hạng mục Xã hội: có 2 công trình.

Hạng mục Khởi nghiệp sáng tạo: có 5 công trình.

Hạng mục Khoa học cơ bản: có 16 công trình.

Thứ hạng cụ thể của các công trình, giải pháp sẽ chính thức được công bố vào ngày trao giải, dự kiến diễn ra tối ngày 06/06 tới tại Nhà hát TP.HCM. Tổng giá trị tiền thưởng vào khoảng 3 tỉ đồng, với giải Nhất ở mỗi hạng mục là 100 triệu đồng.

 
Hà Thế An - khampha.vn

Nhờ sự hỗ trợ tích cực của Sở KH&CN TP.HCM, số lượng doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN tại TP.HCM đã tăng hơn gấp đôi so với cuối năm 2017, đạt 74 doanh nghiệp.

 

Chiều 17/5, Sở KH&CN TP.HCM tổ chức hội nghị “Phát triển doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn thành phố” với sự tham dự của đại diện nhiều doanh nghiệp KH&CN và các đơn vị liên quan để ghi nhận ý kiến đóng góp để các chính sách

TP.HCM: Số lượng doanh nghiệp KH&CN tăng nhanh - 1

Ông Nguyễn Khắc Thanh - Phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM biểu tại hội nghị “Phát triển doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn thành phố”. 

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp 

Trong thời gian qua, việc phát triển doanh nghiệp KH&CN là nội dung được thành phố quan tâm. Sở KH&CN TP.HCM cũng đã có nhiều chính sách, hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp đủ điều kiện đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp KH&CN của TP.HCM đã tăng hơn gấp đôi so với cuối năm 2017, đạt 74 doanh nghiệp.

Đại diện công ty Ewater ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty Ewater cho biết: “Trong những năm qua, công ty cũng được sự hỗ trợ rất nhiều từ Sàn giao dịch thương mại và Sở KH&CN TP.HCM. Từ những cuộc giao lưu, hội thảo, các kênh phân phối của mình ngày càng mở rộng”. 

Ewater cũng là doanh nghiệp mới được cấp giấy chứng nhận DN KH&CN trong thời gian gần đây. 

Ông Chu Bá Long, Phó trưởng Phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ Sở KH&CN TP.HCM cho biết, Công ty Ewater chỉ mất 45 ngày để được chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

 

Hiện Sở KH&CN đang tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực dành cho doanh nghiệp như hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu; khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN; phát triển thị trường KH&CN.

 

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết: “Chúng tôi hy vọng phát triển các doanh nghiệp KH&CN không chỉ về số lượng mà phải về cả chất lượng. Bản thân tôi thấy sản phẩm của các doanh nghiệp khoa học công nghệ hiện nay cũng rất sáng tạo. Sở KH&CN cũng rất sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký, phát triển các sản phẩm nhưng các doanh nghiệp cũng rất cần phải phát triển, sáng tạo những sản phẩm mới, phục vụ nhu cầu thị trường.” 

Doanh nghiệp mong muốn tiếp cận chính sách dễ dàng hơn 

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp KH&CN tại hội nghị, những chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp mặc dù nhiều nhưng vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả.

TP.HCM: Số lượng doanh nghiệp KH&CN tăng nhanh - 2

Doanh nghiệp góp ý về chính sách tại hội nghị 

Ông Đỗ Hoàng Trung, CEO công ty CP Kỹ thuật Ý tưởng cho biết, các chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp KHCN đã có nhiều, và doanh nghiệp cũng đánh giá cao những chính sách đó. Tuy nhiên, trong thực tế, gần như doanh nghiệp vẫn chưa thế tiếp cận được những ưu đãi đó, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính. 

“Bởi vậy, tôi mong Sở KH&CN có thể tham mưu với thành phố và có những quy định, hướng dẫn cụ thể để các Sở ban ngành, các đơn vị cùng phối hợp và có cách làm thống nhất giúp doanh nghiệp thực sự được hưởng những chính sách theo quy định. Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong có những hỗ trợ để các sản phẩm khoa học công nghệ có thể tham gia sâu rộng hơn vào thị trường cũng như các dự án đầu tư công”, ông Trung cho biết. 

Trước thực tế đó, đầu năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN. Nghị định được kỳ vọng tạo điều kiện giải quyết tốt hơn việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp KH&CN cũng như quy định các chính sách ưu đãi mạch lạc, rõ ràng và dễ đáp ứng hơn cho doanh nghiệp. 

Theo ông Võ Tiến Dũng, Phó trưởng Phòng tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế – Cục Thuế TP.HCM, một trong các nội dung đáng chú ý là doanh nghiệp KH&CN được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo từ năm đầu tiên doanh nghiệp KH&CN có thu nhập chịu thuế. 

Ngoài ra, theo quy định mới, doanh nghiệp KH&CN không được ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với năm tài chính không đáp ứng được điều kiện về doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. Các điều kiện, thủ tục ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng được quy định rõ ràng, cụ thể hơn. 

Nhận xét về những quy định mới này, ông Nguyễn Chí Sỹ, Giám đốc công ty TNHH Kỹ thuật điện Sản xuất và Thương mại Tân Đức Hàn cho rằng, mặc dù đã có những nét mới nhưng quy định này vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. 

Ông Sỹ chia sẻ: “Yêu cầu tối thiểu 30% tổng doanh thu từ sản phẩm khoa học công nghệ vẫn không khả thi đối với các doanh nghiệp có doanh thu lớn do đó sẽ không tạo được động lực đầu tư cho khoa học công nghệ cho doanh nghiệp. Thay vào đó, nhà nước có thể thực hiện những hỗ trợ khác thiết thực hơn ví dụ như hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký chứng nhận ISO”. 

 
Phạm Sơn - khampha.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378