SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ngày 23/11/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội trao đổi kinh nghiệm xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hai bên đã trao đổi, chia sẻ một số kinh nghiệm nghiên cứu chính sách sandbox để hỗ trợ cho việc thử nghiệm sản phẩm đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là vấn đề khá phức tạp vì là mô hình mới, chưa có nhiều thông tin tham khảo. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng không thể tham vấn cụ thể. Về chính sách, việc triển khai sandbox cho một số sản phẩm nhỏ lẻ rất phức tạp, cần xin ý kiến của các Bộ, ngành.

tphcmhn.jpg

Hai bên cũng trao đổi về hướng ứng dụng trong thực tiễn của kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Theo đó, để đánh giá được tính ứng dụng thực tế kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ thì cần dựa vào thị trường, cụ thể là phải xem có doanh nghiệp nào đồng ý bỏ vốn đối ứng cùng tham gia sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm hay không. Tuy không thực sự chính xác 100% nhưng sự “cân đo đong đếm” của thị trường là thước đo hiệu quả nhất.

Ngoài ra, hai bên còn chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong trường Đại học. Hai bên xác định rõ trường – Viện là nơi cung cấp kết quả nghiên cứu và nguồn nhân lực, còn việc hoàn thiện sản phẩm và kinh doanh thì cần phải kết nối với doanh nghiệp.

Hoàng Kim (CESTI)

Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 (TECHFEST-WHISE 2023) là sự kiện lớn nhất trong năm về lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và khởi nghiệp của Thành phố, bao gồm chuỗi +40 sự kiện xuyên suốt trong tháng 10 và 11.2023. Trong đó, “Triển lãm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp” với Chủ đề “Phát huy tài nguyên đất nước – Nâng tầm Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hội nhập quốc tế” diễn ra ngày 23 - 25.11.2023 là điểm nhấn khi đồng thời bùng nổ hàng loạt sự kiện nổi bật của hệ sinh thái khởi nghiệp TP. HCM.

Hoạt động nổi bật "Triển lãm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp"

3.png

Hội thảo/Toạ đàm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”

1.png

Triển lãm Đổi mới sáng tạo & Chuyển đổi số

2.png

Tổng kết, vinh danh các cá nhân/ tổ chức/hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp xuất sắc trong năm 2023

 

Một số cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng khoa học tính toán, hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giảm phát thải và trung hòa cacbon,… được thảo luận tại buổi làm việc giữa Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM với các nhóm nghiên cứu, chuyên gia đến từ Đức và Hàn Quốc.

Sáng 21/11, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) đã tiếp và làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về dự án Xây dựng trung tâm phát triển thành phố thông minh hướng đến phát thải ròng bằng 0 tại Thành phố Hồ Chí Minh (dự án Meta Labs); tiếp và làm việc với GS. Dieter Kranzlmueller (Giám đốc Trung tâm Siêu máy tính Leibniz - Đức) về lĩnh vực tính toán hiệu năng cao.

Tại buổi làm việc với đoàn Hàn Quốc, hai bên đã thảo luận về các tiềm năng trong việc tích hợp các dự án đang được triển khai tại TP.HCM vào dự án Meta Labs, đồng thời đề xuất một số cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đoàn nghiên cứu Meta Labs gồm các nhà nghiên cứu và chuyên gia đến từ KOICA, Công ty Gyeonggi Housing & Urban Development (Hàn Quốc) và Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) đã trao đổi và tìm hiểu một số thông tin liên quan đến tiến độ của đề án thành phố thông minh tại TP.HCM; tình hình triển khai và thông tin về việc giám sát phát thải cacbon, về dữ liệu chất lượng không khí cấp Thành phố; tình hình triển khai và cung cấp các thông tin giao thông công cộng, thông tin liên quan đến thảm họa, thiên tai; các nhu cầu quan trọng để thích ứng với biến đổi khí hậu hoặc trung hòa cacbon tại TP.HCM; kế hoạch, giải pháp khoa học và chính sách của Thành phố để thực hiện phát thải ròng bằng 0; khả năng mở rộng các dịch vụ, phát triển các đề tài nghiên cứu, chương trình đào tạo, mô hình phòng thí nghiệm sống... được thực hiện thông qua dự án Meta Labs.

Trao đổi với đoàn Meta Labs, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, về mặt chủ trương, Việt Nam rất quan tâm khuyến khích các dự án liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa cacbon,… Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết lộ trình trung hòa cacbon (net zero) vào năm 2050. Là địa phương đi đầu trong xu hướng này, TP.HCM quan tâm, khuyến khích, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ các chương trình, dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ, giải pháp giúp cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy chuyển đổi sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, phát triển năng lượng sạch… Sở KH&CN luôn ủng hộ các dự án nghiên cứu phù hợp với định hướng của TP.HCM, khuyến khích hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu KH&CN, đổi mới sáng tạo, các mô hình, giải pháp xanh hướng đến giảm phát thải và trung hòa cacbon. Sở đã và đang triển khai nhiều hoạt động, chương trình kết nối, hỗ trợ các dự án nghiên cứu, khởi nghiệp sáng tạo xanh, từ đó lan tỏa, hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xanh của Thành phố. Một trong những hoạt động hỗ trợ cụ thể đó là chương trình tài trợ kinh phí (30% kinh phí không hoàn lại) cho các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển KH&CN, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên dịa bàn TP.HCM. Mức tài trợ có thể lên đến 15.000 USD/dự án nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển các sản phẩm, mô hình, giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực môi trường, giảm phát thải, trung hòa cacbon,…

01HDKHLVtiepdoanKOICAHanQuoch6.jpg

Buổi làm việc với đoàn dự án Meta Labs (Hàn Quốc) tại Sở KH&CN TP.HCM 

Trên tinh thần ủng hộ dự án Meta Labs và thống nhất với các thông tin chia sẻ từ phía Hàn Quốc, Sở KH&CN TP.HCM cũng đề xuất một số nội dung hợp tác với Hàn Quốc trong quá trình triển khai nhiệm vụ như hiện đại hóa hệ thống dữ liệu mạng lưới cấp và thoát nước của Thành phố thông qua công cụ GIS; các chương trình ươm tạo, tăng tốc, hỗ trợ, tập huấn, thử nghiệm sản phẩm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo xanh; hợp tác chia sẻ dữ liệu công nghệ, kết nối cung cầu công nghệ, dữ liệu chuyên gia công nghệ, hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ và thương mại hoá kết quả nghiên cứu của Viện Thông tin Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KISTI), Trung tâm Chuyển giao công nghệ Hàn Quốc (KTTC). Bên cạnh đó, đề xuất hợp tác chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc về Việt Nam, các công nghệ như xử lý bùn thải Mishimax vào xử lý bùn siphon, ao nuôi tôm; công nghệ in mô hình tim 3D; công nghệ nuôi vi khuẩn quang hợp Purple Non Sulphur Bacteria trong nuôi tôm; lò đốt bằng dầu nhớt thải; công nghệ trí tuệ nhân tạo hiện đại cùng giải thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP);…

01HDKHLVtiepdoanKOICAHanQuoch7.jpg

Nhóm nghiên cứu Meta Labs (Hàn Quốc) trao đổi với Sở KH&CN TP.HCM tại buổi làm việc

Được biết, dự án Meta Labs nhằm thúc đẩy và thực hiện việc chuyển đổi xanh, phát triển bền vững tại TP.HCM, đóng góp vào mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 của Việt Nam. Trong dự án này, UEH cùng các đơn vị đối tác do phía Hàn Quốc chỉ định sẽ phát triển một trung tâm nghiên cứu và học thuật trong khuôn viên của UEH với tên gọi là Meta Labs. KOICA sẽ hỗ trợ thực hiện dự án thông qua việc cung cấp một khoản viện trợ không hoàn lại. Tại đây, một mô hình đo lường việc phát thải của Thành phố trên cơ sở dữ liệu thời gian thực sẽ được nghiên cứu và xây dựng nhằm giúp đánh giá và dự đoán việc phát thải tại khu vực TP.HCM, đánh giá về hiệu quả trong việc quy hoạch Thành phố hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Dự án cũng tập trung phát triển các chương trình đào tạo sau đại học về thiết kế, quy hoạch tích hợp ứng dụng công nghệ trong việc kiểm soát phát thải và bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy và nâng cao năng lực của các cá nhân, tổ chức. Các chương trình giáo dục này sẽ đóng góp vào mục tiêu bổ sung nguồn lực chất lượng cao cho đất nước, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý năng lượng, xả thải, môi trường, giúp đưa ra các đề xuất và giải pháp hiệu quả cho việc quy hoạch tương lai của Thành phố.

01HDKHLVtiepdoanKOICAHanQuoch5.jpg

Hình ảnh tại buổi làm việc với GS. Dieter Kranzlmueller (Đức)

Tại buổi làm việc với GS. Dieter Kranzlmueller, hai bên đã thảo luận về các cơ hội hợp tác, đồng hành trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng khoa học tính toán để giải quyết các vấn đề của TP.HCM như bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, giao thông, ngập lụt, ô nhiễm không khí, an toàn thông tin,… Thời gian qua, phía chuyên gia Đức đã có mối quan hệ hợp tác và hỗ trợ Đại học Bách Khoa TP.HCM trong đào tạo nguồn nhân lực ngành khoa học tính toán. Hai bên cũng đang đặt vấn đề hợp tác triển khai một số chương trình nghiên cứu trong lĩnh vực tính toán hiệu năng cao để phát triển các mô hình ứng dụng tính toán trong tương lai.

"Sở KH&CN sẵn sàng đồng hành, thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng các chương trình nghiên cứu lâu dài trong mảng khoa học tính toán, qua đó hỗ trợ giải quyết các vấn đề trong tương lai cũng như giải quyết các bài toán ứng dụng cụ thể của TP.HCM", ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.

Lam Vân (CESTI)

Tổng quan Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ và các Nghị định quy định chi tiết; Những điểm mới của pháp luật sở hữu trí tuệ về bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; Những điểm mới của pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; Những điểm mới về các vấn đề chung liên quan đến sở hữu công nghiệp; Những điểm mới của pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đây là 5 nội dung của phiên đầu tiên Hội thảo “Phổ biến các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ mới ban hành”, diễn ra vào sáng ngày 15/11/2023, do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

17112023ht5.jpg

Hội thảo đã thu hút được gần 300 đại biểu tham dự

Tham dự Hội thảo về phía Cục Sở hữu trí tuệ có ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng và các đại diện thuộc Phòng Pháp chế và Chính sách; về phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có bà Nguyễn Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Sở và các đại diện thuộc Phòng Quản lý Sở hữu Trí tuệ, Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ Cơ sở cùng với gần 300 đại biểu là đại diện các Sở Khoa học và Công nghệ khu vực phía Nam, Văn phòng Cục Bản quyền tác giả tại TP.HCM; Tòa án nhân dân Thành phố, Tòa án nhân dân quận, huyện, TP Thủ Đức; các cơ quan thực thi quyền Sở hữu trí tuệ như Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, Thanh tra chuyên ngành và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan; các công ty luật, đại diện sở hữu công nghiệp; các doanh nghiệp, hiệp hội; các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu…

17112023ht.jpg

Ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc Hội thảo 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, năm 2022 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước cũng như khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành và bất cập nảy sinh giữa các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành. Đồng thời, nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Sau khi Luật được ban hành, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan phổ biến các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi. Đồng thời, tiến hành tổ chức thực hiện soạn thảo và trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cũng như trình Bộ Khoa học và Công nghệ để ban hành Thông tư hướng dẫn. Ngoài mạch của Bộ Khoa học và Công nghệ là các Nghị định, Thông tư liên quan đến sở hữu công nghiệp thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đồng thời trình các dự thảo Nghị định để hướng dẫn thi hành và quy định chi tiết trong lĩnh vực Quyền tác giả, Quyền liên quan và Quyền đối với giống cây trồng. Với kỳ vọng của Ban tổ chức, tôi hy vọng rằng Hội thảo này sẽ diễn ra thành công tốt đẹp, các thông tin chia sẻ từ phía đại diện Cục Sở hữu trí tuệ sẽ được quý đại biểu tiếp thu cùng với thực tế làm việc mà thẳng thắn trao đổi, thảo luận để Luật này đi vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất”, ông Nguyễn Văn Bảy chia sẻ.

Tại Hội thảo, ông Hoàng Anh - Phó trưởng phòng Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ đã trình bày 2 chuyên đề: (1) Tổng quan Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ và các Nghị định quy định chi tiết; (2) Những điểm mới của pháp luật sở hữu trí tuệ về bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

Cụ thể, ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 07/2022/QH15). Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Bố cục của Luật gồm 04 Điều: Điều 1: Sửa đổi, bổ sung 102 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung 88 điều hiện hành, bổ sung 14 điều mới) và bãi bỏ 02 điều; Điều 2: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật khác có liên quan như Luật Hải quan (tên Mục 8 Chương III, khoản 2 Điều 73); Luật Khoa học và Công nghệ (Điều 41, Điều 43); Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (khoản 4 Điều 105); Luật Giá (Điều 19, Điều 22). Điều 3: Hiệu lực thi hành; Điều 4: Quy định chuyển tiếp.

Nội dung cơ bản của Luật gồm 7 chính sách, bao gồm: Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu Quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu Quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao Quyền tác giả, Quyền liên quan; Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký Quyền tác giả, Quyền liên quan, thủ tục xác lập Quyền sở hữu công nghiệp; Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ; Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ; Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.

17112023ht1.jpg

Ông Hoàng Anh - Phó trưởng phòng Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ trình bày các chuyên đề tại Hội thảo

Bên cạnh đó, còn có các Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật như Nghị định 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ Quyền sở hữu công nghiệp, Quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Hiệu lực thi hành từ ngày 23/8/2023. Thay thế một phần/toàn bộ các Nghị định: Nghị định 103/2006/NĐ-CP; Nghị định 105/2006/NĐ-CP (các quy định về bảo vệ quyền trong lĩnh vực Quyền sở hữu công nghiệp, Quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ); Nghị định 119/2010/NĐ-CP; Nghị định 122/2010/NĐ- CP; Nghị định 154/2018/NĐ-CP (Điều 1). Cũng như, Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về Quyền tác giả, Quyền liên quan. Hiệu lực thi hành từ ngày 26/4/2023. Thay thế một phần/toàn bộ các Nghị định: Nghị định 22/2018/NĐ-CP; Nghị định 105/2006/NĐ-CP (quy định về bảo vệ Quyền trong lĩnh vực Quyền tác giả, Quyền liên quan); Nghị định 119/2010/NĐ-CP.

“Những điểm mới của pháp luật sở hữu trí tuệ về bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì có các điểm như: tính mới của sáng chế, Quyền đăng ký sáng chế, yêu cầu chung đối với đơn sáng chế, kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài, thẩm định đơn, sáng chế mật, từ chối cấp văn bằng bảo hộ, sửa đổi văn bằng bảo hộ, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm, căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế, điều kiện hạn chế quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quy định bắt buộc. Hoặc yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, công bố đơn, hiệu lực của văn bằng bảo hộ, xử lý Đơn La Hay có nguồn gốc Việt Nam, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp. Hay những điểm mới của pháp luật sở hữu trí tuệ về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước gồm Quyền đăng ký, Quyền của nhà nước, nghĩa vụ của tổ chức chủ trì, các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng Quyền sở hữu công nghiệp… Trong đó, về Quyền đăng ký thì phần Quyền đăng ký tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, nếu thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia thì Quyền đăng ký thuộc về nhà nước hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết.”, ông Hoàng Anh thông tin.

17112023ht2.jpg

Ông Nguyễn Quốc Việt Đức - đại diện Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ trình bày nội dung tại Hội thảo

Trình bày 2 chuyên đề: (1) Những điểm mới của pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; (2) Những điểm mới về các vấn đề chung liên quan đến sở hữu công nghiệp, ông Nguyễn Quốc Việt Đức - đại diện Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, một số dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu như dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế. Hay dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài và dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế cũng như dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ…

“Nhãn hiệu sẽ được bảo hộ nếu đáp ứng được các điều kiện như có dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp của các yếu tố nêu trên, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa. Đồng thời, cũng phải có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác. Hay chỉ dẫn địa lý được cấp bảo hộ nếu là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể và nếu là chỉ dẫn địa lý đồng âm thì các chỉ dẫn địa lý phải có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau được sử dụng trên thực tế theo cách thức không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó. Về lĩnh vực sở hữu công nghiệp các cá nhân, tổ chức nếu có nhu cầu cũng có thể tra cứu thông tin, đăng ký đơn trực tuyến trên cổng thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ ở địa chỉ https://www.ipvietnam.gov.vn”, ông Nguyễn Quốc Việt Đức chia sẻ.

17112023ht6.jpg

Các đại biểu thẳng thắn trao đổi, đặt câu hỏi với các chuyên gia

Có phần trình bày về những điểm mới của pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bà Nguyễn Thanh Hằng - đại diện Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, Khoản 1a: Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều 198 để bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ của mình. Hoặc Điểm b, Khoản 1: Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm Quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.

“Nếu cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm Quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 212. Giám định về sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 201.1. sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Việc giám định tư pháp về sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp. Hiện nay các văn bản Luật đều được công khai trên các cổng thông tin của Chính phủ và Bộ ngành, với Cục Sở hữu trí tuệ thì ở trang web ipvietnam.gov.vn, quý đại biểu quan tâm cũng có thể tìm hiểu thêm”, bà Nguyễn Thanh Hằng thông tin.

17112023ht3.jpg

 Bà Nguyễn Thanh Hằng - đại diện Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ chia sẻ nội dung chuyên đề 5 tại Hội thảo

Nhật Linh (CESTI)

Nhóm các nhà khoa học công tác tại Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau thu hoạch (thuộc Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau thu hoạch , Bộ NN&PT-NT) vừa hoàn thiện quy trình kéo dài thời gian bảo quản chanh dây và các giải pháp thiết bị liên quan, qua đó trực tiếp giúp nâng cao chất lượng thành phẩm sau thu hoạch, phục vụ nhu cầu xuất khẩu nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Thực tế cho thấy, Việt Nam với lợi thế về điều kiện tự nhiên thuận lợi đã nổi lên như là quốcgia sản xuất và xuất khẩu quả chanh dây hàng đầu khu vực và thế giới, đặc biệt là chanh dây tím. Toàn quốc có hơn 46 tỉnh, thành phố trồng chanh dây với diện tích hơn 6.000 ha, sản lượng đạt hơn 111.000 tấn, năng suất bình quân đạt 22,67 tấn/ha. Dự báo giai đoạn 2025-2030, diện tích trồng chanh dây tại Việt Nam có thể tăng đến 15.000 ha với sản lượng ước đạt 300.000-400.000 tấn.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu quả chanh dây trồng tại Việt Nam sang thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang gặp khó khăn do chất lượng quả chưa ổn định, và đặc biệt là thời gian bảo quản ngắn.

Được biết, chu kỳ bảo quản và vận chuyển chanh dây tối thiểu 28-30 ngày bằng tàu biển, nếu tính thêm thời gian lưu thông phân phối thì cần bảo quản ít nhất ở mốc 40 ngày, trong khi đó hiện chưa có công nghệ bảo quản chanh dây nào đáp ứng yêu cầu thời gian như trên. Vài công ty trong nước cũng đã thí điểm xuất khẩu chanh dây bằng đường hàng không, nhưng chi phí vận chuyển quá cao (chiếm đến 50% giá bán), do vậy nếu có được công nghệ bảo quản chanh dây đáp ứng các tiêu chí về thời gian và thuận tiện cho việc xuất khẩu bằng đường tàu biển thì chắc chắn sẽ mở ra hướng phát triển mạnh mẽ, tạo ra tính cạnh tranh cao hơn nữa cho sản phẩm quả chanh dây Việt Nam.

Th.S Trần Thị Kim Oanh, chủ nhiệm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Nghiên cứu quy trình kéo dài thời gian bảo quản chanh dây" cho biết: chanh dây (Passiflora incarnata) là loại cây dây leo mảnh, quả có mùi vị thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng, cung cấp nhiều loại vitamin, hợp chất hữu cơ và giàu dưỡng chất chống oxy hóa, rất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, sản xuất chanh dây còn gặp nhiều rủi ro do phụ thuộc thời tiết, quả chanh dây tươi khó bảo quản, dễ hư hỏng do nấm mốc, vi sinh vật gây hại, đặc biệt hiện tượng nhăn vỏ quả và khi chín màu tím vỏ quả không đồng đều làm giảm giá trị thương phẩm trong quá trình lưu thông phân phối.

H-1.jpg Hệ thống ủ màu chanh dây

"Cho đến nay, Việt Nam chưa có công nghệ phù hợp ứng dụng để sơ chế, bảo quản quả chanh dây đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu", Th.S Trần Thị Kim Oanh nhận định, "Chanh dây là loại quả rất dễ bị nhăn vỏ và dễ bị nhiễm nấm bệnh trong thời gian ngắn, đặc biệt tỷ lệ ủ màu của quả rất thấp, chỉ đạt khoảng 20-30%, do vậy nhu cầu về công nghệ xử lý ủ màu và bảo quản chanh dây là rất cấp thiết".

Cũng theo lời đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ do Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau thu hoạch (thuộc Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau thu hoạch , Bộ NN&PT-NT) là cơ quan chủ trì, thì yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm dịch ở các thị trường xuất khẩu đòi hỏi rất nghiêm ngặt, nên việc nghiên cứu công nghệ và thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản phù hợp đáp ứng các yêu cầu trên là thực sự cần thiết.

Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức trong năm 2023, nhóm các nhà khoa học đang công tác tại Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau thu hoạch khẳng định, nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu xây dựng quy trình công nghệ thích hợp để kéo dài thời gian bảo quản chanh dây sau thu hoạch; xây dựng mô hình pilot ứng dụng kết quả nghiên cứu sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị chanh dây.

Theo đó, nhiệm vụ khoa học - công nghệ được tiến hành với đối tượng nghiên cứu là quả chanh dây tím trồng tại Gia Lai, thu hoạch khoảng từ tháng 3-5 và tháng 8-12 dương lịch các năm 2021 và 2022; mô hình thực hiện tại Công ty TNHH XNK nông sản An Toàn (TP.HCM).

Các nội dung nghiên cứu đã được tiến hành bao gồm: khảo sát quy trình trồng, chăm sóc, xử lý cận thu hoạch chanh dây; xác định một số đặc tính sinh, hóa, lý thích hợp nhằm tối ưu hóa thời gian bảo quản chanh dây; hoàn thiện công nghệ xử lý chanh dây trước quá trình đóng gói bảo quản; nghiên cứu ứng dụng bảo quản sau thu hoạch chanh dây; biên soạn quy trình ứng dụng công nghệ xử lý sau thu hoạch cho chanh dây; nghiên cứu tính toán, thiết kế chi tiết một số thiết bị chính thuộc dây chuyền sơ chế, xử lý và bảo quản quả chanh dây; chế tạo thiết bị xử lý hóa lý cho quả chanh dây ở quy mô pilot; mô hình pilot ứng dụng kết quả nghiên cứu sau thu hoạch trên chanh dây; đánh giá hiệu quả kinh tế.

Kết quả đã khảo sát và đánh giá quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch chanh dây tại nông hộ; quy trình thu mua, phân loại và đóng gói chanh dây của thương lái; quy trình phân loại, xử lý và đóng gói chanh dây của nhà đóng gói. Đã xác định được các chỉ tiêu chất lượng cảm quan bên ngoài, sinh hóa và mức độ hư hỏng do nấm bệnh của chanh dây ở các độ chín thu hoạch khác nhau. Đồng thời xây dựng được quy trình ủ màu tối ưu cho chanh dây, với tỷ lệ ủ màu đều 80%.

Là một phần của nhiệm vụ, các nhà khoa học tại Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau thu hoạch đã xây dựng quy trình công nghệ xử lý sau thu hoạch chanh dây tím kéo dài thời gian bảo quản chanh dây được 35 ngày, tỷ lệ quả đạt chất lượng thương phẩm 80%; hoàn thiện thiết kế thiết bị chính (thiết bị xử lý hóa - lý) thuộc dây chuyền sơ chế, xử lý và bảo quản quả chanh dây; chế tạo được 1 thiết bị xử lý hóa - lý cho quả chanh dây, năng suất 40 kg/mẻ, nhiệt độ vận hành 40-60 độ C, thời gian xử lý có thể cài đặt tự động, vật liệu của điện trở là inox, công suất gia nhiệt 2,5Kw.

H-3-A.jpg

Thiết bị xử lý hóa - lý trong dây chuyền sơ chế, xử lý và bảo quản chanh dây được nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ hoàn thiện, vận hành thử  nghiệm tại công ty TNHH XNK nông sản An Toàn (TP.HCM).

Ngoài ra, Th.S Trần Thị Kim Oanh và các cộng sự đã hoàn thành vẽ sơ đồ mặt bằng nhà xưởng, nhà đóng gói và 1 bản vẽ thiết kế phòng ủ công suất tối đa 2.000 kg/mẻ. Đồng thời thực hiện được 1 mô hình xử lý chanh dây sau thu hoạch quy mô pilot (tại Công ty TNHH XNK nông sản An Toàn) và tính toán hiệu quả kinh tế cho quy mô 500 kg/mẻ.

Trong mô hình pilot xử lý chanh dây sau thu hoạch, kết quả ủ màu chanh dây cho thấy tỷ lệ quả chuyển màu vỏ tím 100% đạt 79±2%; kết quả bảo quản chanh dây cho thấy, mẫu chanh dây xử lý theo quy trình công nghệ nghiên cứu giảm đáng kể tỷ lệ quả hư hỏng do nấm bệnh (khoảng 20%), tỷ lệ quả đạt tiêu chuẩn bán hàng sau 35 ngày là 83%, cao hơn mẫu xử lý theo quy trình cũ của công ty 20%, tỷ lệ hao hụt khối lượng rất thấp (khoảng 1,2%). Về chỉ tiêu chất lượng quả sau 32 ngày bảo quản theo mô hình, hàm lượng tổng chất rắn hòa tan và axít tổng số sau 32 ngày bảo quản ở 5±1 độ C có giảm so với mẫu ban đầu nhưng không giảm đáng kể sau khi shelf-life 3 ngày ở 20 độ C. Quả sau bảo quản có vị chua nhẹ hơn so với mẫu ban đầu, vẫn giữ được màu sắc tốt, vỏ căng bóng, ít nhăn.

C.jpg
Chanh dây sau khi ủ màu được bọc màng và đóng thùng thành phẩm

Đánh giá hiệu quả kinh tế kỹ thuật của quy trình công nghệ xử lý và bảo quản chanh dây sau thu hoạch trên mô hình quy mô 500 kg/mẻ cho thấy, tổng chi phí/mẻ là 1.614.195 đồng. Chanh dây được xử lý theo quy trình công nghệ của đề tài có chi phí cộng thêm sau khi xử lý và đóng gói là 3.228 đồng/1kg.

Theo nhận định từ phía doanh nghiệp, chi phí này là chấp nhận được đối với chanh dây xuất khẩu. Chanh dây sau khi xử lý có thể kéo dài thời gian bảo quản, giúp tăng thời gian lưu chuyển quả trên thị trường, giảm tổn thất do hư hỏng quả.

Đánh giá về hiệu quả khoa học - công nghệ của nhiệm vụ, Th.S Trần Thị Kim Oanh khẳng định quy trình công nghệ xử lý sau thu hoạch chanh dây đã kéo dài thời gian bảo quản chanh dây tươi, nâng cao khả năng tồn trữ và lưu thông thị trường, tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu do kéo dài được thời gian bảo quản, hạn chế tổn thất, đảm bảo chất lượng. Công nghệ này đang là một trong những công nghệ tiên tiến trên thế giới đang có xu hướng phát triển đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cộng đồng.

 

"Thành công của nghiên cứu vừa được nghiệm thu chính là tiền đề để phối hợp, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến các doanh nghiệp sản xuất, sơ chế bảo quản và kinh doanh chanh dây, đảm bảo và nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định sản xuất", Th.S Trần Thị Kim Oanh cho biết, "Về hiệu quả về kinh tế xã hội, kết quả của nhiệm vụ đã từng bước ổn định và tiêu chuẩn hóa quy trình canh tác, bảo quản chanh dây nhằm góp phần quan trọng cho việc phát triển nhanh và bền vững ngành sản xuất chanh dây của Việt Nam, cũng như tăng sức cạnh tranh sản phẩm quả chanh dây Việt Nam, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế cho các thành phần trong chuỗi sản phẩm, góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ và ổn định khả năng cung ứng xuất nhập khẩu rau quả, mở rộng thị trường xuất khẩu".

Thông tin liên hệ:

Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau thu hoạch

Địa chỉ: 54 Trần Khánh Dư, P.Tân Định, Q.1, TP.HCM

Điện thoại: (028) 39103069 - (028) 38483947

Email: kimoanhfoodtech@gmail.com - siaep.hcm.vn@gmail.com

Website: http://www.pvcodiensauthuhoach.com

Kết quả của nhiệm vụ là nền tảng cơ bản để triển khai thêm những nghiên cứu khoa học về phục hồi và phát triển nang tóc.

Hiện tượng rụng tóc là hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện nay, tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân nhưng tác động xấu đến ngoại hình và tâm lý bệnh nhân. Mặc dù cơ chế rụng tóc vẫn chưa được phát hiện rõ ràng, nhưng hiện tượng xảy ra chung trong tất cả loại rụng tóc trên là sự teo nang tóc theo thời gian.

Trong nang tóc có chứa các loại tế bào gốc nang tóc (Hair follicle stem cell - HFSC) và tế bào nhú bì (Dermal Papilla cell - DPC). Chúng có liên quan mật thiết với nhau và kiểm soát chu kỳ tăng trưởng của tóc (hair growth cycle) và đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo nang tóc, điển hình là nếu bị tác động suy giảm số lượng lẫn chất lượng sẽ dẫn tới hiện tượng teo nang tóc và mất tóc trong nang. Tuy là nền tảng cơ bản đối với những nghiên cứu về phục hồi và phát triển nang tóc nhưng nguồn tế bào gốc nang tóc lại phụ thuộc vào nhập ngoại.

Do đó, các nhà khoa học tại Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) đã thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Xây dựng quy trình phân lập, nuôi cấy tế bào gốc nang tóc người và đánh giá khả năng tăng sinh của chúng dưới tác dụng của phycocyanin” nhằm tăng tính chủ động đáp ứng nguồn cung tế bào phục vụ nghiên cứu khoa học, đảm bảo tính liên tục của nghiên cứu trong thời gian dài.

H-1-Hoidong.jpg

Đặng Thị Tùng Loan báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ

Được biết, chu kỳ nang tóc (Hair follicle - HF) bao gồm các pha Thoái hóa (Catagen), Nghỉ ngơi (Telogen) và Tái tạo (Anagen) lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đời người trưởng thành. Chu kỳ nang tóc phụ thuộc vào hoạt động của các tế bào gốc nang tóc (Hair Follicle Stem Cell - HFSC), cư trú trong phần phình (bulge), tạm thời thoát khỏi trạng thái im lặng (quiescent) để bắt đầu giai đoạn tái tạo. Các hoạt động của HFSC được điều hòa chủ yếu bởi nhú bì (Dermal Papilla - DP) ở dưới cùng của nang. Tế bào gốc biểu mô (Epithelial Stem Cell - EpSC) còn được gọi là tế bào gốc tế bào sừng do hình thái giống tế bào sừng của chúng. EpSC là yếu tố chính trong quá trình làm mới và tái tạo nang tóc.

NV-41-H1.jpg

Chu kỳ nang tóc và sự di chuyển DPC đến gần vùng phình

Báo cáo tại buổi nghiệm thu nhiệm vụ vừa được Sở KH&CN TP.HCM tổ chức, TS. Đặng Thị Tùng Loan (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết, nhóm thực hiện tiến hành phân lập và nuôi cấy tế bào gốc biểu mô (HF-EpSC) và tế bào gốc trung mô nang tóc người (HF-MSC), phân lập và nuôi cấy tế bào nhú bì nang tóc người (HF-DPC), đánh giá tác động của phycocyanin lên tế bào gốc và tế bào nhú bì nang tóc người. HF-DPC là tế bào trung mô đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và tái tạo nang tóc. HF-DPC điều hoà các giai đoạn của chu kỳ nang tóc. Các tín hiệu và chất tiết từ HF-DPC chịu trách nhiệm cho nhiều sự kiện xảy ra trong chu kỳ hoạt động của nang tóc. HF-DPC khu trú ở vùng đáy nang tóc và có thể được nuôi cấy in vitro 2D và 3D. Trong nuôi cấy 2D, HF-DPC bám dính vào bề mặt plastic và có hình dạng giống nguyên bào sợi. Nhóm thực hiện đã thiết lập được điều kiện nuôi cấy 2D tế bào nhú bì từ vùng bầu nang tóc người. Tế bào nhú bì nuôi cấy có hình dạng giống nguyên bào sợi người và biểu hiện các đặc điểm đặc trưng như hoạt tính alkaline phosphatase, biểu hiện proteoglycan versican...

NV-41-H2.jpg

Vùng bầu nang tóc được phân lập

Đặng Thị Tùng Loan chia sẻ, nhóm thực hiện đã thu hoạch toàn bộ nang tóc bằng kỹ thuật tách chiết đơn vị nang (FUE). Sau khi loại bỏ phần bóng, vùng phình được thu thập và nuôi cấy. Kết quả thu được là các tế bào gốc biểu mô nang tóc người (HF-EpSC) được nuôi cấy có hình dạng giống tế bào biểu mô, đúng với mô tả hình dạng của tế bào gốc sừng (epithelial-liked-stem cell), tương đồng với các nghiên cứu đã công bố trên thế giới. Quần thể tế bào gốc phổ biến thứ hai trong HF là quần thể tế bào gốc trung mô (HF-MSC). Tế bào MSC được phân lập từ vùng phình nang tóc người, có hình thái giống nguyên bào sợi. Ở người, HF-EpSC và HF-MSC có thể là nguyên liệu được ưu tiên để tái tạo nang tóc mới. Trong khi đó, tế bào nhú bì nang tóc người (Dermal papilla cells – DPC) là những tế bào trung mô đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và tái tạo nang tóc, điều hòa các giai đoạn của chu kỳ nang tóc, khu trú ở vùng đáy nang tóc. Tế bào DPC được phân lập từ vùng bầu (bulb) của nang tóc người, có hình thái giống nguyên bào sợi.

NV-41-H3.jpg

Phân lập và nuôi cấy nhú bì nang tóc người (HF-DPC)

Trong khi đó, phycocyanin là một protein có khả năng chống oxi hóa mạnh trong tảo Spirulina, được ứng dụng chữa trị rụng tóc và kích thích tăng sinh tế bào gốc nang tóc giúp ngăn chặn hiện tượng teo nang tóc.

Việt Nam đã và đang chủ động sáng tạo nuôi trồng tảo Spirulina, chủ động tách chiết và kiểm soát chất lượng phycocyanin. Đây chính là ưu thế cực kỳ mạnh mẽ để xây dựng quy trình phân lập, nuôi cấy tế bào gốc nang tóc người và đánh giá khả năng tăng sinh của chúng dưới tác động của phycocyanin. Từ đó, phát triển các sản phẩm kích thích mọc tóc để đáp ứng nhu cầu của người dân”, TS. Đặng Thị Tùng Loan nhấn mạnh.

Cụ thể, nhóm thực hiện đã chiết xuất hoạt chất phycocyanin (có bản chất là protein nằm trong tế bào chất của tảo) từ tảo Spirulina với nồng độ 3,076 mg/ml và chỉ số tinh sạch là 2,182. Tảo Spirulina được phá màng bằng phương pháp đông lạnh/rã đông 3 chu kỳ. Sau đó phycocyanin được làm tinh bằng phương pháp tủa muối ammonium sulfate (20% và 50%), phương pháp sắc ký trao đổi ion. Sau đó, dung dịch được đông khô để thu phycocyanin dạng bột để sử dụng trong nhiệm vụ. Kết quả của nhiệm vụ chứng minh phycocyanin thu được là một chất có độc tính thấp, khi được sử dụng ở dãy nồng độ từ 0 – 200 µg/ml không ức chế sự tăng sinh tế bào. Tế bào gốc nang tóc người tăng sinh mạnh khi xử lý với nguồn phycocyanin này ở các nồng độ thử nghiệm từ 0 – 200 µg/ml. Tỷ lệ tế bào sống ở các nồng độ đều cao hơn so mới nhóm đối chứng, cao nhất là nhóm xử lý với phycocyanin nồng độ 75 µg/ml. Khi tăng nồng độ phycocyanin, tỷ lệ sống tế bào có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn cao hơn so với nhóm đối chứng.

Đánh giá tác động của phycocyanin lên tế bào gốc và tế bào nhú bì nang tóc người, nhóm thực hiện không tìm được IC50 của phycocyanin dạng bột thu được và sản phẩm phycocyanin thương mại nhập ngoại ở dãy nồng độ khảo sát 0-200 µg/ml. So sánh phycocyanin dạng bột thu được với sản phẩm phycocyanin thương mại nhập ngoại, nhóm thực hiện nhận thấy có sự khác biệt rõ rệt. Cụ thể, sản phẩm phycocyanin thương mại nhập ngoại có khả năng kích thích tế bào gốc ở nồng độ 75 µg/ml và tế bào nhú bì là 25 µg/ml, trong khi đó, phycocyanin dạng bột thu được không kích thích tế bào gốc ở dãy nồng độ khảo sát 0-200 µg/ml và có khả năng kích thích tăng sinh tế bào nhú bì ở nồng độ 100 µg/ml.

NV-41-H4.jpg

Khảo sát các nồng độ phycocyanin lên sự tăng sinh của tế bào nhú bì 

Với kết quả ghi nhận được, nhóm thực hiện nhận xét kết quả của nhiệm vụ là nền tảng cơ bản để triển khai thêm những nghiên cứu khoa học về phục hồi và phát triển nang tóc, ví dụ như cải tiến quy trình nuôi cấy tế bào gốc biểu mô và tế bào nhú bì nang tóc để duy trì lâu dài đặc điểm của chúng sau nhiều lần cấy chuyền, hoặc xây dựng thư viện tế bào nang tóc phục vụ cho các thử nghiệm in vitro. Mặt khác, cũng có thể phát triển quy trình nuôi cấy tế bào gốc trung mô quy mô lớn theo chuẩn GMP, tiến hành thử nghiệm tạo nang nhân tạo (pseudo-follicle) và cấy lên mô hình động vật, hoặc thử nghiệm chức năng của tế bào gốc trung mô nang tóc trên mô hình động vật bệnh lý. Với sự chủ động về nguồn tế bào đủ về số lượng và tốt về chất lượng, giá thành tế bào tương đối rẻ hơn so với dòng nhập ngoại, cũng như sự chủ động về nguồn cung nguyên liệu phycocyanin, các nhóm nhà khoa học trong nước sẽ có thể đảm bảo tính liên tục của các nghiên cứu trong thời gian dài, phát triển thành những sản phẩm thương mại hóa.

Thông tin liên hệ:
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM)
Địa chỉ: 227 Nguyễn  Văn Cừ, P.4, Q.5, TP.HCM
Điện thoại: (028) 62884499

E-mail: information@hcmus.edu.vn

Website: https://www.hcmus.edu.vn

Kết quả nhiệm vụ khoa học - công nghệ vừa được nhóm y bác sĩ, nhà khoa học TP.HCM hoàn thiện đã giúp có thêm một kỹ thuật y khoa tiến tiến chuyên khoa sâu phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân, mà cụ thể là nâng cao chất lượng sống của phụ nữ Việt Nam.

Có thể khẳng định rằng, sự phát triển mạnh mẽ và hiệu quả của chuyên ngành hỗ trợ sinh sản trong những thập kỷ gần đây đã góp phần to lớn mang đến những em bé khỏe mạnh cho những cặp gia đình hiếm muộn, đặc biệt là do nguyên nhân giảm dự trữ buồng trứng. Điều này đã thực hiện được ước mơ làm mẹ ở những phụ nữ mà khả năng sinh sản đã trong mức giới hạn thấp. Và không dừng lại ở mức điều trị hiếm muộn, chuyên ngành này còn có thể giúp bảo tồn chức năng sinh sản để người phụ nữ có thể thực hiện thiên chức của mình khi mà điều kiện hiện tại chưa cho phép. Ngày nay, có nhiều biện pháp bảo tồn chức năng sinh sản khác nhau tùy vào đối tượng được thực hiện (trữ trứng, trữ phôi hoặc trữ mô buồng trứng).

Trong đó, trữ mô buồng trứng là một biện pháp bảo tồn sinh sản mà bệnh nhân có thể trữ nguồn giao tử ngay ở thời điểm mong muốn, không kéo dài thời gian điều trị bệnh lý và là biện pháp duy nhất bảo tồn sinh sản cho những trường hợp trước tuổi dậy thì. Ý tưởng bảo tồn sinh sản bằng kỹ thuật trữ rã mô buồng trứng trên thế giới bắt đầu từ năm 1996, đến nay đã có nhiều bước tiến đáng kể, và hiện đã có hơn 180 em bé ra đời bằng phương pháp này.

kham-thai-3-thang-dau-1.jpg

(ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, chương trình thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) bắt đầu từ năm 1997, đến nay có đến 53 trung tâm TTTON ra đời. Về vấn đề bảo tồn sinh sản, chúng ta đã có thể thực hiện tốt trữ giao tử và phôi. Tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), thì tỷ lệ sống sau rã của phôi và giao tử đạt hơn 95%. Tuy nhiên, các phương cách này có những hạn chế không thể thay thế phương pháp bảo tồn sinh sản bằng kỹ thuật trữ - rã mô buồng trứng ở các bệnh nhân có chỉ định. Năm 2016, tại Bệnh viện Từ Dũ đã tiến hành một thực nghiệm trữ - rã mô buồng trứng người, tuy nhiên chỉ dừng ở mức xác định các nang sống chết sau rã bằng phương pháp nhuộm đơn giản không đặc hiệu, chưa có giá trị cao trong đánh giá thực sự hiệu quả chương trình hay nói một cách khác là chưa thấy được “sự sống thật sự” của mô buồng trứng người sau rã. Và cho đến nay, tại Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu xác định phương pháp trữ - rã mô buồng trứng nào hiệu quả với mục đích thiết lập quy trình chuẩn ứng dụng cho thực tế lâm sàng, mở rộng cơ hội bảo tồn sinh sản cho nhóm bệnh nhân có nhu cầu mà hiện nay khả năng sinh sản của họ hầu như bị mất đi hoàn toàn sau điều trị.

Từ đó, TS.BS. Lê Thị Minh Châu và các cộng sự y bác sỹ, nhà khoa học tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) đã triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Nghiên cứu bảo quản mô buồng trứng người Việt Nam bằng phương pháp đông lạnh".

TS.BS. Lê Thị Minh Châu - Trưởng Khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ cho biết: với mong muốn tạo ra thêm cơ hội cũng như chọn lựa điều trị có giá trị cho bệnh nhân, nhóm nghiên cứu tiến hành thực nghiệm trữ  lạnh - rã đông mô buồng trứng người bằng các phương pháp đông lạnh, sau đó cấy ghép mô buồng trứng này lên chuột để khảo sát hiệu quả  của các phương pháp này thông qua đánh giá tỷ lệ nang phát triển, hoạt động sống và chức năng của mô trữ sau ghép.

"Đây là một giai đoạn bắt buộc trước khi tiến hành cấy ghép trên người, thực hiện chương trình bảo tồn sinh sản bằng phương thức trữ mô buồng trứng", nhóm triển khai nhiệm vụ thông tin.

H-2.jpg

TS.BS. Lê Thị Minh Châu - Trưởng Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ

Theo lời TS.BS. Lê Thị Minh Châu, trữ mô buồng trứng là một trong những giải pháp cần thiết để bảo tồn chức năng sinh sản cũng như nội tiết của phụ nữ, mà đôi khi giải pháp này là duy nhất trong một số trường hợp cụ thể như là đối với trẻ em gái bị ung thư, hoặc những bệnh nhân không đủ thời gian, không phù hợp trải qua quá trình thụ tinh ống nghiệm, trữ trứng hay trữ phôi.

Đông lạnh mô buồng trứng là phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản được chỉ định đối với phụ nữ không thể kích thích buồng trứng, trữ phôi. Trữ mô buồng trứng còn thực hiện được trên thiếu niên và bé gái chưa dậy thì. Ưu điểm đặc biệt của trữ mô buồng trứng là không cần kích thích buồng trứng, không kéo dài thời gian điều trị bệnh lý.

Nhóm triển khai nhiệm vụ đã tiến hành thu nhận mô buồng trứng, xử lý mẫu mô tươi, trữ lạnh mô buồng trứng theo quy trình công nghệ đông lạnh chậm và quy trình công nghệ thủy tinh hóa. Sau đó, rã đông các mẫu mô đã đông lạnh, ghép các mảnh mô lên chuột, thu nhận các mảnh mô sau ghép để đánh giá.

Báo cáo kết quả trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức, TS.BS. Lê Thị Minh Châu cho biết, dù cho trữ lạnh mô buồng trứng với kỹ thuật nào thì số lượng nang noãn, sự sống và chức năng tế bào đều giảm so với mô tươi và đặc biệt giảm ở mô có ghép nhiều hơn mô chỉ thực hiện trữ - rã mà không ghép.

kham-thai-dinh-ky-Doppler-768x431.jpg

(Ảnh minh họa)

Về mặt mô học, các nang noãn còn lại sau cấy ghép chủ yếu là nhóm nang nguyên thủy, đa số đều toàn vẹn, loại nang bị ảnh hưởng nhất là nang sơ cấp. Nguồn nang noãn nguyên thủy chính là nguồn dự trữ buồng trứng của bệnh nhân. Như vậy, sau trữ - rã - ghép, dự trữ buồng trứng bệnh nhân có giảm nhưng vẫn còn để có thể duy trì hoạt động nội tiết và sinh sản. Cả hai kỹ thuật đông lạnh chậm và thủy tinh hóa đều cho kết quả khả quan sau trữ - rã - ghép. Tuy nhiên, kỹ thuật đông lạnh chậm có một số kết quả tốt hơn kỹ thuật thủy tinh hóa.

Từ thành công của nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học tại Bệnh viện Từ Dũ kiến nghị ứng dụng kỹ thuật trữ mô đông lạnh chậm vào thực hành lâm sàng, đồng thời đề xuất nhà nước và các cơ quan hữu quan tiếp tục hỗ trợ nhóm thực hiện nghiên cứu tìm tòi, phát triển tiếp kỹ thuật trữ mô đông lạnh nhanh do một số tính ưu việt của kỹ thuật này, xem khả năng thay thế kỹ thuật trữ mô đông lạnh chậm trong tương lai. Ngoài ra, cũng có thể thực hiện nghiên cứu ghép mô buồng trứng trên người để xác định hiệu quả kỹ thuật.

Nhiệm vụ khoa học - công nghệ “Nghiên cứu bảo quản mô buồng trứng người Việt Nam bằng phương pháp đông lạnh” có sự phối hợp của các đơn vị đầu ngành bao gồm Bệnh viện Từ Dũ, Viện Tế bào gốc (Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM) và Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, bắt kịp xu hướng phát triển sức khỏe sinh sản của y học thế giới.

Tính ứng dụng thực tế của kết quả nhiệm vụ rất cao vì xuất phát từ nhu cầu thực tế là mong muốn bảo tồn sinh sản trước các biến cố trong cuộc sống hoặc do bẩm sinh, đồng thời là cơ sở để tiến hành ghép mô buồng trứng cho bước tiếp theo phục hồi sức khỏe nội tiết và có thể là khả năng sinh sản, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sống của phụ nữ Việt Nam.

 

Là một phần của nhiệm vụ khoa học - công nghệ vừa được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu và thông qua trong quý III/2023, TS.BS. Lê Thị Minh Châu và các cộng sự đã thiết lập một quy trình trữ -  rã mô buồng trứng có hiệu quả đã được kiểm tra bằng nghiên cứu của đề tài; và quy trình này cũng đã được thông qua bởi hội đồng khoa học Bệnh viện Từ Dũ.

H-4.jpg

Kết quả nhiệm vụ mở ra hướng tiếp cận mới cho chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung

Nhận định về hiệu quả khoa học - công nghệ của nghiên cứu này, đại diện Bệnh viện Từ Dũ cho biết, kết quả của nhiệm vụ về cơ bản đã thiết lập quy trình trữ - rã mô buồng trứng để có thể ứng dụng thực tế trên lâm sàng. Xác định được phương thức và phác đồ trữ - rã hiệu quả trong điều kiện kỹ thuật, con người, cơ sở vật chất tại Việt Nam.

"Đây là bước bắt buộc thực hiện trước khi triển khai chương trình bảo tồn sinh sản thực sự với mô buồng trứng người. Là cơ sở tiến hành ghép mô buồng trứng cho bước tiếp theo phục hồi sức khỏe nội tiết và có thể là khả năng sinh sản, niềm hạnh phúc thiêng liêng của người phụ nữ", TS.BS. Lê Thị Minh Châu nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng theo lời đại diện nhóm nghiên cứu, kết quả của nhiệm vụ là bước quan trọng, thiết yếu phát triển hơn nữa chương trình bảo tồn sinh sản, mở rộng cơ hội và sự chọn lựa cho bệnh nhân, đặc biệt cho những tình huống đây là giải pháp duy nhất cho việc bảo tồn khả năng sinh sản; đồng thời phát triển chương trình bảo tồn sinh sản với trữ - rã mô buồng trứng chưa có  tại Việt Nam, qua đó giúp ngành y nói chung và ngành sản khoa trong nước bắt kịp xu hướng thế giới trong chủ đề sức khỏe sinh sản.

Về hiệu quả kinh tế - xã hội, TS.BS. Lê Thị Minh Châu khẳng định, nhiệm vụ hoàn thiện giúp có thêm một kỹ thuật y khoa tiến tiến chuyên khoa sâu phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân.

Living Lab Trường Thọ sẽ hỗ trợ ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của khu đô thị, hỗ trợ định hướng chiến lược nghiên cứu và phát triển các dự án giải quyết vấn đề của đô thị thông minh, kêu gọi sự hợp tác nghiên cứu (kết hợp 4P), gắn liền với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở tại TP.HCM nói chung và thành phố Thủ Đức nói riêng.

Là địa phương năng động, có tốc độ đô thị hóa cao nên TP.HCM đồng thời phát sinh nhiều vấn đề, thách thức như ô nhiễm môi trường, ngập nước, ùn tắc giao thông và nhu cầu an sinh xã hội lớn… Để giải quyết những vấn đề mang tính thách thức này, thực tế đòi hỏi sự tồn tại của một môi trường mà tại đó người dân, chính quyền và các bên liên quan có thể trực tiếp đưa ra các ý tưởng sáng tạo, và sau đó thử nghiệm, đánh giá ý tưởng đó bởi chính họ. Hay nói cụ thể hơn, chính quyền và người dân sẽ cùng tương tác, điều chỉnh hành vi để cùng hướng đến một mục tiêu phát triển khu vực có môi trường sống tốt, mức độ an sinh xã hội cao.

Được biết, nhiều thành phố trên thế giới đã xây dựng và phát triển các Living Lab nhằm thực thi các ý tưởng giải quyết vấn đề của đô thị. Không gian Living Lab mang đến cơ hội cho chính quyền, doanh nghiệp, và người dân có cơ hội tham gia thử nghiệm và triển khai các ý tưởng mang lại cuộc sống chất lượng hơn cho chính cư dân đô thị.

Đối với khu đô thị Trường Thọ (thành phố Thủ Đức, TP.HCM), mục tiêu phát triển Living Lab tại Trường Thọ không chỉ để thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ, tạo kết nối liên ngành 4P (Public - Khu vực công, Institute Partner - Khối các tổ chức nghiên cứu, đại học, Private - Khối tư nhân, People - Cộng đồng dân cư), mà còn hướng đến tạo điều kiện cho việc đồng sáng tạo và thương mại hóa các ý tưởng mới nhằm giải quyết các vấn đề sẵn có của quá trình đô thị hóa (đưa ra được ý kiến thống nhất để tích hợp vào các giải pháp, các sản phẩm, dịch vụ trong môi trường thực tế), hướng tới chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững. Ngoài ra, việc hình thành Living Lab tại Trường Thọ cũng phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố Thủ Đức vì gắn liền với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, góp phần thúc đẩy thành phố Thủ Đức trở thành trung tâm kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, tài chính quan trọng của TP.HCM và cả nước.

Trịnh Tú Anh - chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học - công nghệ “Nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình Living Lab cho Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố” cho biết, Living Lab Trường Thọ là mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển khu đô thị tương tác cao phía Đông của TP.HCM và cả thành phố Thủ Đức, có thể kêu gọi sự hợp tác nghiên cứu và thu hút khu vực công, các công ty/tập đoàn tư nhân và viện/trường nghiên cứu tại khu đô thị tương tác cao khu vực phía Đông cùng tham gia xây dựng, triển khai và duy trì hoạt động. Người dân sinh sống tại khu đô thị Trường Thọ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ các giải pháp mới được thử nghiệm và triển khai thông qua hoạt động của các Living Lab.

NV-45-H2.png

Quy trình xây dựng Living Lab được đề xuất cho khu đô thị sáng tạo Trường Thọ

Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức hồi quý 3/2023 vừa qua, TS. Trịnh Tú Anh khẳng định rằng: Living Lab nên được xem là nền tảng nghiên cứu tích hợp để cùng nhau nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển, tạo ra các sản phẩm/dịch vụ/hệ thống thực để giải quyết triệt để từng vấn đề của quá trình đô thị hóa bằng ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo tại từng địa phương/khu vực cụ thể. Nền tảng tích hợp này phải được hiểu là một khu vực vật lý cụ thể hoặc thực tế ảo, hoặc không gian tương tác, trong đó các bên liên quan hình thành mối quan hệ đối tác ba bên giữa khu vực công - khu vực tư nhân - các đối tác khác, chính là đại diện của các cơ quan nhà nước, trường đại học/viện nghiên cứu, doanh nghiệp, người sử dụng và các đối tác liên quan khác. Dù các bước xây dựng Living Lab có thể được cập nhật thay đổi, nhưng việc dựa trên hợp tác 4P (Public - Private - People - Partnership) là không đổi.

"Điều tiên quyết để các Living Lab trên thế giới hoạt động thành công chính là sự hợp tác hiệu quả của 4P, không chỉ vậy, những đối tác tham gia quá trình phát triển Living Lab cũng có những lợi ích nhất định", TS. Trịnh Tú Anh nhấn mạnh.

Nhằm góp phần giải quyết các vấn đề như kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quản lý đô thị, quy hoạch và sử dụng đất, vấn đề nhà ở và ô nhiễm môi trường, thì một trong những mục tiêu và tầm nhìn đề ra cho TP.HCM phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là (1) tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng; (2) nâng cao chất lượng quy hoạch, phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Để thực hiện mục tiêu này, Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 9/12/2020 chính thức thông qua Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 thành lập thành phố Thủ Đức trực thuộc TP.HCM để hình thành vùng động lực tăng trưởng, trung tâm kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, tài chính quan trọng của TP.HCM và quốc gia, định hướng phát triển là đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông với kỳ vọng tạo ra một "cực tăng trưởng mới" trực tiếp thúc đẩy kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo đó, phường Trường Thọ được lựa chọn là khu trung tâm hành chính, tài chính - thương mại của thành phố mới Thủ Đức. Bên cạnh những lợi thế, thì Trường Thọ hiện cũng phải đối mặt với 5 hệ quả nghiêm trọng của đô thị hóa như các đô thị khác trên thế giới, đó là Suy thoái tài nguyên đất; Áp lực “dấu chân con người” (Human Footprint); Ô nhiễm môi trường; Sự nóng lên toàn cầu; và Sự bành trướng đô thị.

Như vậy để đạt được những kỳ vọng của chính quyền thì xây dựng và phát triển Trường Thọ trở thành thành phố thông minh hướng đến chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững là nhiệm cụ cấp bách.

Để thực hiện được kỳ vọng này, thì việc lựa chọn xây dựng và phát triển hệ thống Living Lab được xem là công cụ hiệu quả bởi vì mô hình được biết đến như một cách để quản lý các quá trình đổi mới theo cách tiếp cận mở, bao trùm, cách tiếp cận có sự tham gia và hợp tác, trong đó các đổi mới được phát triển bằng cách thu hút các bên liên quan khác nhau, bao gồm cả cộng đồng.

Trịnh Tú Anh

Là một mô hình mới có nhiều ưu việt so với các mô hình quản trị dự án truyền thống, mô hình Living Lab giải quyết các vấn đề phức tạp mà hiện tại chưa có thể khắc phục như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó, mô hình Living Lab thu hút nhà nghiên cứu, chuyên gia, trường/viện, tập đoàn, công nghệ cùng tham gia trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở. kết quả nghiên của đề tài giúp hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và cơ sở vật chất cho chiến lược chuyển đổi số và đô thị thông minh; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các nghiên cứu khoa học và công nghệ, các giải pháp công nghệ mới được thử nghiệm trong môi trường thực tế. Điều này giúp cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, công ty công nghệ có động lực phát triển, rút ngắn thời gian và chi phí nghiên cứu, tăng tính ứng dụng và khả thi của kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ để giải quyết những vấn đề thực; giúp mở rộng gắn kết liên ngành, tạo điều kiện cho việc đồng sáng tạo và thương mại hóa các ý tưởng mới. Phát triển mạng lưới giao thông kết nối đô thị, liên khu vực, liên vùng, tiếp cận dịch vụ và hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng theo hướng hòa nhập, đảm bảo phân phối tốt hơn các lợi ích của tăng trưởng kinh tế.

Thông qua quá trình so sánh khả giải quyết vấn đề theo phạm vi sâu và rộng của các mô hình Living Lab, nhóm chuyên gia tại Viện Đổi mới sáng tạo (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM - UEH) đề xuất mô hình Hồi sinh đô thị (OUR living lab_Urban on revitalization) với các hợp phần dự án thử nghiệm là Đo lường cảm xúc của người dân trước các thiết kế đô thị, và Quản lý giao thông thông minh là lựa chọn phù hợp cho Living Lab Trường Thọ.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, mô hình Hồi sinh đô thị không chỉ cung cấp được nhiều giải pháp cho các vấn đề thực tại ở khu đô thị Trường Thọ, mà còn đáp ứng được các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang hướng tới. Bên cạnh đó, cách tiếp cận của mô hình là Enabler-driven cũng phù hợp bối cảnh phát triển dự án, khi mà cơ quan chính quyền là thành phần dẫn dắt các thay đổi và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

H-5C.jpg

Cơ cấu tổ chức của Living Lab Trường Thọ được đề xuất, trong đó Living Lab là đơn vị thuộc sự quản lý của UBND thành phố Thủ Đức

Các chuyên gia tại Viện Đổi mới sáng tạo (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM - UEH) đồng thời kiến nghị những chiến lược, chiến dịch, kịch bản ngắn hạn hoặc dài hạn áp dụng ở Living Lab Trường Thọ cần tuân theo các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và phương pháp “Chiến lược phát triển thành phố” (CDS). Ngoài ra, để đảm gia tăng khả năng thành công của dự án, nhóm thực hiện nhiệm vụ cũng kiến nghị chính quyền khu đô thị Trường Thọ cần phát huy vai trò dẫn dắt của mình, dưới sự hỗ trợ của chính quyền thành phố Thủ Đức và chính quyền TP.HCM. Trong đó, Ban quản lý dự án Living Lab Trường Thọ sẽ cùng các bên liên quan đánh giá tình trạng của dự án, rà soát các vấn đề tồn đọng và nguyên nhân, để kịp thời gỡ rối những cơ chế chính sách, gia tăng niềm tin cho các đối tác, đặc biệt là người dân.

Về mặt kết nối và phát triển các Living Lab và các trung tâm đổi mới sáng tạo theo chiến lược phát triển khu đô thị tương tác cao phía Đông, Living Lab Trường Thọ sẽ hỗ trợ các nghiên cứu, dự án, sản phẩm ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của khu đô thị như: suy thoái tài nguyên đất do quá trình công nghiệp hóa, ô nhiễm môi trường, triều cường và ngập lụt, chất lượng sống của cư dân đô thị. Ngoài ra, Living Lab Trường Thọ còn hỗ trợ định hướng chiến lược để Trung tâm công nghệ cao có thể nghiên cứu và phát triển các dự án, sản phẩm, dịch vụ giải quyết các vấn đề của đô thị thông minh được thử nghiệm và ứng dụng tại đây như công nghệ thực tế ảo, công nghệ GIS… Đồng thời, Living Lab Trường Thọ có thể kêu gọi sự hợp tác nghiên cứu và thu hút khu vực công, các công ty/tập đoàn tư nhân và viện/trường nghiên cứu (sự kết hợp 4P) dựa trên mô hình cơ cấu tổ chức đã đề xuất tại khu đô thị tương tác cao khu vực phía Đông để cùng tham gia xây dựng, triển khai và duy trì hoạt động.

Dựa theo các bước trong quy trình mà nhóm nghiên cứu đã đề xuất cho việc xây dựng Living Lab Trường Thọ, quy trình Living Lab cần ứng dụng các công nghệ để thử nghiệm các kịch bản phương án khác nhau trong Living Lab. Đồng thời cụ thể hóa quy trình xây dựng tổ chức thực hiện Living Lab thành hướng dẫn cụ thể (guideline). Kế hoạch xây dựng nền tảng kết nối các đối tác trong mạng lưới living lab, kế hoạch phân bổ nguồn lực, mô hình tài chính đều là các bước quan trọng cần được chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của dự án. Bên cạnh đó, quá trình tổ chức dự án sẽ rất cần sức mạnh của sự cam kết, cụ thể là cam kết từ các nhà tài trợ. Sự cam kết lỏng lẻo hoặc bất nhất từ một trong các nhà tài trợ cũng sẽ làm chậm tiến độ dự án hoặc khiến dự án không hiệu quả. Vì vậy, hoạt động giám sát dự án và minh bạch tài chính, nhóm nghiên cứu kiến nghị nên được giao cho đại diện các nhà tài trợ. Quá trình triển khai dự án chắc chắn sẽ có sự phụ thuộc hoặc tương tác với các dự án khác, đôi khi là dự án cạnh tranh sự phân bổ nguồn lực công, đôi khi là dự án hỗ trợ cùng đạt mục tiêu phát triển. Vì vậy, các bên liên quan và đơn vị quản lý vận hành dự án phải theo sát các cơ chế chính sách và tiến độ các dự án đang được triển khai trên địa bàn. Từ đó, dự án sẽ có hướng giải quyết kịp thời và phù hợp nhất.

Ngoài ra, tầm quan trọng của việc kết nối các bên liên quan đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Living Lab. Do đó, nhóm nghiên cứu chủ động đề xuất Living Lab muốn kết nối thành công cần dựa trên nền tảng các đơn vị cùng trao đổi, thảo luận mở, xác định tầm nhìn, các bên đều cùng được hưởng lợi dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation). Đơn vị tổ chức phải xây dựng nền tảng kết nối giữa người dân, đơn vị nghiên cứu, khu vực công, khu vực tư nhân. Đơn vị tổ chức phải tìm các đối tượng phù hợp để cùng tham gia dự án. Đơn vị tổ chức có trách nhiệm tổ chức các sự kiện để thúc đẩy sự giao tiếp giữa các bên liên quan xoay quanh vấn đề - ý tưởng, xác định một địa điểm cố định để các đối tác gặp gỡ, tổ chức sự kiện cho dự án. Thêm vào đó, hoạt động truyền thông cần được triển khai cùng đồng hành và xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Living Lab để nâng cao nhận thức cho các bên liên quan.

Là một phần của nhiệm vụ khoa học - công nghệ, TS. Trịnh Tú Anh và các cộng sự đã xây dựng tầm nhìn và mục tiêu thực hiện Living Lab khu đô thị Trường Thọ. Theo đó, dự án Living Lab là một nền tảng nghiên cứu tích hợp để cùng nhau nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển, tạo ra các sản phẩm/dịch vụ/hệ thống thực để giải quyết triệt để từng vấn đề của quá trình đô thị hóa bằng ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Kết nối và phát triển Living Lab và trung tâm đổi mới sáng tạo theo chiến lược phát triển khu đô thị tương tác cao phía Đông của TP.HCM nhằm hỗ trợ thực thi các giải pháp tái cấu trúc khu đô thị cảng Trường Thọ; thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; và tạo ra tác động thúc đẩy tích cực phát triển kinh tế - xã hội.

Về nguồn tài chính cho việc xây dựng và vận hành Living Lab, trong giai đoạn mới đi vào thử nghiệm và vận hành, Living Lab Trường Thọ có thể xem xét đến mô hình tài chính nhận hỗ trợ phần lớn từ tài trợ từ tổ chức chính phủ và nhà nước như: nguồn vốn đẩu tư công theo Luật đầu tư công cho các dự án nhóm C với mức vốn hỗ trợ 40 tỷ đồng; tìm kiếm, kết nối và đề xuất đề án hỗ trợ từ nguồn kinh phí của thành phố liên quan đến các dự án thử nghiệm triển khai như giải quyết các vấn đề về tài nguyên môi trường và quản lý đô thị.

Dựa trên tham khảo từ các dự án công tư thực tế tại Việt Nam gần đây, tỷ lệ góp vốn của Living Lab đề xuất là khoảng 55% vốn từ ngân sách nhà nước và thành phố; 45% là từ huy động tài trợ khu vực tư (15%), doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận (15%), người dân (15%). Tuy nhiên, tùy từng dự án mà tỷ lệ phân bố này có sự điều chỉnh, thay đổi về mức phân bổ cho phù hợp.

NV-45-H4.png

Đề xuất tỷ lệ góp vốn dự kiến giữa các bên trong dự án Living Lab

Giống mạng lưới Living Lab tại châu Âu thường xuyên thực hiện tổng kết kinh nghiệm, thì Living Lab Trường Thọ về cơ bản đóng vai trò là một trong những dự án tiên phong về Living Lab tại Việt Nam cũng cần phải có các bước nghiên cứu để đúc kết kinh nghiệm, đóng góp kiến thức cho các dự án Living Lab sau này dù cùng hay khác lĩnh vực. Từ những kinh nghiệm đã học được từ giai đoạn đầu, các Living Lab sẽ liên tục cập nhật và chỉnh sửa lại những bước phía trước để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của dự án. Ngoài ra hoạt động này cũng sẽ khiến cho khả năng thành công của các Living Lab sau này càng ngày càng tăng khi học hỏi được rất nhiều, từ thành công lẫn thất bại của các dự án trước đó. Những kinh nghiệm này cũng sẽ được lập thành những báo cáo, hướng dẫn chi tiết rõ ràng bởi các trường Đại học và Viện nghiên cứu.

Nhận định về hiệu quả kinh tế - xã hội của nhiệm vụ, TS. Trịnh Tú Anh khẳng định, mô hình Living Lab tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các nghiên cứu khoa học và công  nghệ, các giải pháp công nghệ mới được thử nghiệm trong môi trường thực tế. Điều này giúp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, công ty công nghệ có động lực phát triển, rút ngắn thời gian và chi phí nghiên cứu, tăng tính ứng dụng và khả thi của kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ để giải quyết những vấn đề thực; đồng thời mô hình Living Lab giúp mở rộng gắn kết liên ngành, tạo điều kiện cho việc đồng sáng tạo và thương mại hóa các ý tưởng mới, cũng như phát triển mạng lưới giao thông kết nối đô thị, liên khu vực, liên vùng, tiếp cận dịch vụ và hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng theo hướng hòa nhập, đảm bảo phân phối tốt hơn các lợi ích của tăng trưởng kinh tế. Ngoài việc, Living Lab cũng thu hút doanh nghiệp công nghệ, tập đoàn, đội ngũ các nhà nghiên cứu đến làm việc, sinh sống tại khu đô thị Trường Thọ và thành phố Thủ Đức trong tương lai.

Tựu trung, Living Lab Trường Thọ là một nền tảng nghiên cứu tích hợp để cùng nhau nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển, tạo ra các sản phẩm/dịch vụ/hệ thống thực để giải quyết triệt để từng vấn đề của quá trình đô thị hóa bằng ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hay nói cách khác, nếu được triển khai trong thời gian tới thì chắc chắn rằng Living Lab Trường Thọ sẽ trở thành hình mẫu, qua đó dẫn dắt các Living Lab khác và trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Thông tin liên hệ:
Viện Đổi mới sáng tạo (UEH)
Địa chỉ: 232/6 Võ Thị Sáu, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: (028) 363698008

E-mail: uii@ueh.edu.vn - trinhtuanh@ueh.edu.vn

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu đo áp lực hậu môn trực tràng độ phân giải cao trong chẩn đoán rối loạn đại tiện ở trẻ em sau phẫu thuật bệnh Hirschsprung và dị dạng hậu môn trực tràng”. Đây là nhiệm vụ do Bệnh viện Nhi Đồng 2 chủ trì thực hiện.

TS.BS. Trần Quốc Việt (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết nhóm thực hiện đã sàng lọc và thu nhận 190 trường hợp bệnh nhi sau phẫu thuật bệnh vô hạch đại tràng bẩm sinh (Hirschsprung), 100 trường hợp bệnh nhi dị dạng hậu môn trực tràng và 290 trường hợp tham chiếu.

H-1.jpg

TS.BS. Trần Quốc Việt (Bệnh viện Nhi đồng 2) báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ

Sau đó, tiến hành xét nghiệm thăm dò chức năng hậu môn trực tràng (đo áp lực hậu môn trực tràng độ phân giải cao) cho 95 trường hợp bệnh nhi sau phẫu thuật bệnh Hirschsprung, 50 trường hợp bệnh nhi dị dạng hậu môn trực tràng và 145 trường hợp tham chiếu.

Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu, đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ cho biết: việc ứng dụng kỹ thuật đo áp lực hậu môn trực tràng độ phân giải cao có thể giúp các nhà lâm sàng có phương tiện khách quan hơn để đánh giá chức năng hậu môn trực tràng và “cá thể hóa các thương tổn” cho từng bệnh nhân nhằm lý giải rõ hơn nguyên nhân các triệu chứng lâm sàng, hướng dẫn phương pháp điều trị thích hợp, hướng dẫn phương pháp xử trí thích hợp hơn ở những bệnh nhi rối loạn đại tiện nặng sau phẫu thuật hoặc dị dạng hậu môn trực tràng, ứng dụng để xử trí và theo dõi điều trị các bệnh nhi bị rối loạn đại tiện nặng và kéo dài. Điển hình là đưa ra phương pháp điều trị quản lý ruột thích hợp về mặt chức năng nhằm giúp bệnh nhi cải thiện triệu chứng.

Cũng theo lời đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ, đo áp lực hậu môn trực tràng độ phân giải cao là kỹ thuật mới lần đầu tiên ứng dụng trong nhi khoa tại TP.HCM, giúp thu thập dữ liệu khách quan về áp lực cơ vòng hậu môn (giảm hoặc tăng), khả năng chứa đựng và cảm giác của trực tràng (tăng hoặc giảm sức đàn), và các vấn đề chức năng liên quan của đại tiện (loạn hiệp đồng) ở những bệnh nhân rối loạn đại tiện, đặc biệt sau phẫu thuật Hirschsprung. Các tín hiệu kháng lực của cơ thắt hậu môn theo nhiều chiều hình học khác nhau ở bệnh nhi được thu nhận và thể hiện rõ nét bằng hình ảnh đồ họa trên máy tính.

H-2.jpg
Đo áp lực hậu môn trực tràng độ phân giải cao là kỹ thuật mới và được các y bác sỹ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) chủ động ứng dụng vào thăm khám, chẩn đoán cho bệnh nhi

Được biết, tỷ lệ trẻ rối loạn đại tiện sau phẫu thuật vùng hậu môn trực tràng, chẳng hạn như sau phẫu thuật bệnh Hirschsprung hoặc dị dạng hậu môn trực tràng, có thể từ 10 hoặc thậm chí lên đến 90% tùy theo báo cáo trong y văn.

Rối loại đại tiện gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của trẻ và cả gia đình. Do đó, việc ứng dụng phương pháp đo áp lực hậu môn trực tràng độ phân giải cao, là giải pháp hỗ trợ chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị hợp lý cho các trường hợp rối loạn đại tiện nặng, góp phần tăng cường chăm sóc bệnh nhi tốt hơn.

Sau phẫu thuật vùng hậu môn trực tràng, bệnh nhân có thể bị thay đổi các giải phẫu quan trọng của trực tràng và hậu môn. Đặc biệt, cơ thắt hậu môn trong và ngoài có thể bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật. Mặt khác, chức năng chứa phân và các hoạt động thụ cảm áp lực (baroreceptor) của bóng trực tràng, sự phối hợp đồng vận của các thành phần cơ sàn chậu: cơ mu trực tràng (puborectalis muscles), các cơ thắt hậu môn bị ảnh hưởng do tổn thương trong phẫu thuật hoặc do thiếu vắng bẩm sinh hệ thần kinh chi phối. Bên cạnh đó, những bệnh nhân này đã dễ bị rối loạn đại tiện chức năng kèm theo làm nặng thêm tình trạng bệnh do các thương tổn thực thể: viêm nhiễm, đau vết thương, sẹo hẹp... sau phẫu thuật. Mặc dù những thay đổi về mặt giải phẫu do phẫu thuật là nguyên nhân ảnh hưởng chủ yếu lên kết quả sau phẫu thuật vùng hậu môn trực tràng của bệnh nhân, nhưng rối loạn chức năng kèm theo cũng có thể đóng góp một phần không nhỏ cho những vấn đề rối loạn đại tiện này.

 

TS.BS. Trần Quốc Việt cho biết thêm rằng, sự đại tiện (defecation) là quá trình sinh lý phức tạp; bao gồm việc tạo ra đủ lực đẩy trong khoang bụng và lòng trực tràng, cùng với sự giảm trương lực của cơ mu trực tràng (puborectalis), cơ thắt hậu môn trong, cơ thắt hậu môn ngoài (internal and external sphincters). Mục đích nhằm tống phân từ bóng trực tràng qua ống hậu môn và thải ra ngoài. Bình thường ở trẻ lớn và người lớn, quá trình này có sự tham gia của ý thức, giúp tự chủ ngăn cản sự đại tiện cho đến lúc thích hợp. Khi xảy ra các bất thường của quá trình này gây ra sự mất kiểm soát đại tiện, gọi là rối loạn đại tiện “defecation disorders”. Thường gặp nhất là hai triệu chứng tiêu bón (constipation) và són phân (fecal soiling/ incontinence). Ở trẻ em, tiêu bón và són phân là hai triệu chứng rối loạn đại tiện thường gặp nhất. Các triệu chứng này có tác động nhiều lên bệnh nhi (có thể dẫn đến đau bụng mạn tính, viêm ruột tái diễn, hoặc són phân kéo dài khiến trẻ phải mang tã liên tục). Một số trường hợp nặng, không những gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của trẻ và cả gia đình, mà còn là gánh nặng trên hệ thống chăm sóc sức khỏe y tế. Tỷ lệ lưu hành của các tình trạng rối loạn đại tiện này rất khác nhau giữa các dân số nghiên cứu được báo cáo. Những khác biệt lớn về tỷ lệ lưu hành này có thể được giải thích một phần bởi sự khác biệt về đặc điểm  chủng tộc, chế độ ăn uống, đặc điểm của người trả lời như tuổi, giới tính và chỉ số khối cơ thể của các dân số được nghiên cứu. Đặc biệt, phương pháp và tiêu chuẩn chẩn đoán cũng có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ lưu hành. Hơn nữa, mức độ mà trẻ em hoặc cha mẹ của chúng nhận ra sự tồn tại của vấn đề rối loạn đại tiện có thể ảnh hưởng đến hành vi tìm kiếm trợ giúp sự thăm khám của bác sĩ. Và do đó, có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ có triệu chứng rối loạn đại tiện được báo cáo trong y văn.

"Do đó, nghiên cứu được Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện là hoàn toàn phù hợp, mang tính thực tiễn cao", TS.BS. Trần Quốc Việt nhấn mạnh.

Cũng theo lời TS.BS. Trần Quốc Việt, thì rối loạn đại tiện đặc biệt là hai triệu chứng tiêu bón và són phân khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là nhóm bệnh nhân sau phẫu thuật vùng hậu môn trực tràng thì tỷ lệ này khá cao - dao động từ 20% cho tới thậm chí là 70% đến 80% trẻ.

"Quan trọng nhất, tuy không ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhân nhưng mà sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Những bệnh nhân mà bị vấn đề này thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới việc học hành, mối quan hệ xã hội và gia đình phải tốn rất là nhiều thời gian, kinh tế để chăm sóc cho bệnh nhân", TS.BS. Trần Quốc Việt chia sẻ, "Hiện tại ở Việt Nam, theo chúng tôi được biết thì chưa có cái đơn vị hoặc trung tâm nào chuyên về kỹ thuật này để cho trẻ em - nói thật ra là nhóm bệnh nhân này tương đối bơ vơ và không có nơi nào để theo cũng như là hướng dẫn điều trị như thế nào để cải thiện cải chất lượng cuộc sống của bệnh nhân".

H-4.jpg

Bệnh viện Nhi đồng 2 hoàn thiện một số tài liệu tuyên truyền và tập huấn liên quan đến chẩn đoán, thăm khám chứng rối loạn đại tiện ở trẻ em

Trên thực tế, sau khi đề tài này được nghiệm thu thì chúng ta sẽ thấy một hướng đi mới tại Việt Nam, qua đó giúp một số lượng lớn bệnh nhân được chẩn đoán và thăm khám có hiệu quả, đơn cử như tại Bệnh viện Nhi đồng 2 ghi nhận hằng năm mổ phải vài trăm ca bệnh về hậu môn trực tràng, số lượng bệnh tại phòng khám vài ngàn ca mỗi ngày.

"Khi ứng dụng triển khai kỹ thuật này là một bước đệm để chúng ta mở rộng và triển khai cho các đơn vị bạn, các tuyến trước", đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 khẳng định, "Kỹ thuật này không khó và chúng ta cũng dễ dàng để huấn luyện cũng như chuyển giao từng bước một. Khi chuyển giao như vậy, vô hình chung sẽ làm tăng chất lượng chẩn đoán và điều trị của ngành y tế nói chung và của chuyên ngành y khoa nói riêng".

Đo áp lực hậu môn trực tràng là một kỹ thuật được dùng để đo và đánh giá trương lực nhóm cơ thắt vùng hậu môn trực tràng (cơ thắt trong và cơ thắt ngoài) trong quá trình giữ phân và tống thoát phân bên trong lòng trực tràng ra ngoài qua ống hậu môn. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách đặt một ống thông có thiết kế đặc biệt đưa vào lòng trực tràng và hậu môn. Ống thông này gồm 2 phần chính: các cảm biến áp suất thông qua các kênh rất nhỏ bơm truyền áp lực nước (water perfused) hoặc ít thường dùng hơn là cảm biến đặc biệt thể rắn (solide sate) và phần đầu gắn bóng cao su để giả lập khối phân đặt trong lòng trực tràng. Thiết bị nhạy cảm với áp suất này được kết nối với đầu dò, giúp chuyển đổi tín hiệu cơ học thành tín hiệu điện tử, sau đó được ghi lại và hiển thị trên màn hình máy tính. Mục đích là để ghi lại các kết quả đo có khả năng tái lập và đánh giá một cách định lượng hoạt động của phức hợp cơ thắt hậu môn và trực tràng.

Đại diện cơ quan chủ trì triển khai nhiệm vụ, BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 khẳng định: kết quả của nhiệm vụ giúp đưa ra phương pháp chẩn đoán mới cho tình trạng rối loạn đại tiện, són phân và táo bón ở trẻ em; và kết quả nghiên cứu hoàn toàn có thể triển khai tại các bệnh viện nhi, không chỉ trên địa bàn TP.HCM mà còn ở các tỉnh thành trong khu vực.

H-5.jpg

BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM khẳng định kết quả của nhiệm vụ khoa học - công nghệ vừa được nghiệm thu sẽ được ứng dụng rộng rãi không chỉ tại TP.HCM mà còn tại các địa phương khác trong khu vực theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế

"Với những nguồn lực cũng như là phân công của Bộ Y tế, thì Bệnh viện Nhi Đồng 2 được giao chỉ đạo tuyến cho các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên. Đây là một phương pháp mới có thể áp dụng cho tất cả các bệnh nhân Rối loạn đại tiện sau khi mổ Hirschsprung hoặc dị dạng hậu môn trực tràng", Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 Trịnh Hữu Tùng thông tin thêm.

Có thể khẳng định rằng, kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ do nhóm các nhà khoa học, bác sỹ đang công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) thực hiện đã mở ra hướng tiếp cận mới, khoa học và thực tiễn, cho việc chẩn đoán, chữa trị và chăm sóc nhóm bệnh nhân mắc chứng rối loạn đại tiện sau phẫu thuật bệnh Hirschsprung và dị dạng hậu môn trực tràng, và đặc biệt các rối loạn chức này cũng rất thường gặp ở trẻ em.

Thông tin liên hệ:

Bệnh viện Nhi đồng 2

Địa chỉ: 14 Lý Tự Trọng, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM

Điện thoại: 028.3829.5723 - 0909.490.527

Email: dr.tranquocviet@gmail.com

Website: benhviennhi.org.vn

Ngày 9/11/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An ký Bản ghi nhớ hợp tác nhằm đẩy mạnh hoạt động liên kết, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ, thúc đẩy kết nối cung cầu công nghệ, hỗ trợ hình thành mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Phát biểu tại buổi ký kết, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, đề xuất hai bên cần chú trọng xây dựng những nội dung hợp tác cụ thể, tiến hành thường xuyên. Điển hình như tăng cường hoạt động hỗ trợ chuyển giao đổi mới công nghệ, kết nối vào Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM nhằm mục đích kết nối nhu cầu công nghệ từ doanh nghiệp, hợp tác xã… ở Nghệ An đến các trường viện, doanh nghiệp khởi nghiệp ở TP.HCM để giải quyết bài toán công nghệ. Bên cạnh đó, hai bên cũng có thể tiến đến thành lập bộ phận tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới – như các mô hình đổi mới sáng tạo từ các công ty khởi nghiệp hoặc kết quả nghiên cứu từ trường viện, sẵn sàng triển khai cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu phù hợp.

ghinhohoptac1.jpg

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An ký Bản ghi nhớ hợp tác

Định kỳ hằng năm, hai bên sẽ luân phiên tổ chức sơ kết, đánh giá việc triển khai thực hiện các nội dung hợp tác.

Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An thống nhất phối hợp thực hiện một số nội dung như:

+ Chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, triển khai các hoạt động kết nối, huấn luyện cho cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

+ Phối hợp triển khai dịch vụ Sàn Giao dịch công nghệ, liên kết dữ liệu của Sàn giao dịch công nghệ giữa TP.HCM với tỉnh Nghệ An; phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến chuyển giao công nghệ theo các hình thức trực tiếp và trực tuyến; phối hợp tổ chức các sự kiện kết nối cung cầu công nghệ góp phần phát triển thị trường khoa học và công nghệ của 2 địa phương.

+ Thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ.

Hoàng Kim (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378