SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Runway to the world là chương trình trao đổi startup giữa Việt Nam và các nước công nghệ tiên tiến như Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Á và các quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đây là chương trình do SIHUB thiết kế và triển khai theo định hướng kết nối toàn cầu SIHUB 2020, dưới sự chỉ đạo của Sở KH&CN TP.HCM.

 

Thông qua chương trình, SIHUB mong muốn tìm kiếm và tạo ra những cơ hội tốt nhất cho startup và doanh nghiệp Việt Nam để từng bước vươn ra thế giới. Từ đó, các startup Việt sẽ có cơ hội giao lưu, học hỏi với các hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển của khu vực và thế giới.

 

 

 Sau các hoạt động giới thiệu các startup quốc tế với thị trường Việt Nam, từ tháng 8.2017, chương trình sẽ đưa các các startup Việt ra khỏi biên giới. Điểm đến đầu tiên được lựa chọn là Malaysia, đất nước có nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong sự kiện lần này, SIHUB sẽ lựa chọn 3 nhóm startup xuất sắc để đến Malaysia từ ngày 13.8 đến 15.8.2018.

 

Tiêu chí được ban tổ chức đưa ra cho các startup gồm founder là người có tư duy và tầm nhìn quốc tế, có khả năng giao tiếp tiếng Anh lưu loát, chuyên nghiệp cùng với đội nhóm ổn định, tập hợp đầy đủ nhân lực với các kỹ năng và trình độ chuyên môn cần thiết. Cùng với đó sản phẩm đã được thương mại hoá, doanh thu trên thị trường Việt Nam và có tính độc đáo, có khả năng phát triển diện rộng tại thị trường hay cụm thị trường đang hướng đến.

 

SIHUB sẽ tài trợ vé máy bay khứ hồi ( 1 người/startup) và chi phí khách sạn 3 đêm cho các nhóm startup được lựa chọn tham gia. Hạn chót cho các nhóm statup đăng ký tới hết ngày 13.7.2018. Các statup có thể đăng ký tham gia chương trình tại đây.

 

Phạm Sơn – khampha.vn

Tiếp tục chương trình thăm và làm việc tại Israel, ngày 22-5, đoàn đại biểu TPHCM do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM dẫn đầu, đã có cuộc gặp ông Ron Huldai, Thị trưởng TP Tel Aviv.

 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với Thị trưởng TP Tel Aviv, ông Ron Huldai.

Tại buổi gặp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã giới thiệu sơ nét về TPHCM, về tiềm lực lao động của TP, với dân số khoảng 10 triệu người, 30% lực lượng lao động có trình độ cao đẳng, đại học và  sau đại học, chi phí lao động thấp. Đồng chí mong muốn ông Ron Huldai chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng TP thông minh cũng như trong việc tạo dựng môi trường, chính sách thu hút các tập đoàn công nghệ lớn và các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. 

Ông Huldai cho biết, Tel Aviv là một trung tâm kinh tế - văn hóa của Israel. Đặc biệt, TP có tới 70% doanh nghiệp, khách du lịch đến từ các quốc gia, nên có thể gọi Tel Aviv là một TP quốc tế. Trong chiến lược phát triển của mình, Tel Aviv luôn tìm tòi những cái ưu việt từ các TP trên thế giới để áp dụng cho mình. Trên nền tảng công nghệ, người dân, doanh nghiệp, chính quyền và các đối tượng khác cùng tham gia một mạng lưới kết nối và chia sẻ tri thức.

Dự án Thành phố thông minh của Tel Aviv là dự án mở, luôn trong giai đoạn hình thành, vận hành, biến đổi theo nhu cầu thực tế và đáp ứng sự thay đổi của xã hội, trong đó khuyến khích tối đa sự sáng tạo, sự đóng góp ý kiến của người dân. Chính quyền và người dân cùng xây dựng tập sách "Tầm nhìn TP 15 năm" và hết 15 năm lại cùng xây dựng tầm nhìn 15 năm tới.

Ông Huldai nhấn mạnh đến việc phải tạo ra không gian mở cho khởi nghiệp sáng tạo. Ở Tel Aviv có hệ thống wifi công cộng khắp mọi nơi, cùng hệ thống dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, giải trí luôn sẵn sàng phục vụ các doanh nghiệp, người dân và khách du lịch.

Cũng tại trụ sở tòa thị chính TP Tel Aviv, đoàn đã nghe các chuyên gia Israel giới thiệu về Digitel - website của TP thông minh Tel Aviv. Với dân số hơn 400.000 người, có 84 vườn ươm khởi nghiệp, mật độ doanh nghiệp khởi nghiệp là 290 người trên một doanh nghiệp, có thể nói, Tel Aviv là một trong những TP thông minh nhất toàn cầu. Tel Aviv có các hệ thống camera thông minh có thể ghi lại toàn bộ sinh hoạt ở Tel Aviv; hệ thống chiếu sáng thông minh; hệ thống đèn giao thông thông minh; hệ thống tưới tiêu thông minh; hệ thống cơ sở dữ liệu về toàn bộ người dân của TP.

 

Chuyên gia Israel giới thiệu với đoàn công tác về công nghệ và hệ thống điều hành TP thông minh Tel Aviv

Website Digitel có thể tùy biến cung cấp thông tin theo nhu cầu của cá nhân người sử dụng. Chẳng hạn như cung cấp cho cư dân về các công trường đang xây dựng gần nơi cư trú, tin nhắc đăng ký nhập học, thông tin các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch diễn ra trong TP, hay những địa điểm đỗ xe, số lượng vị trí đậu xe còn trống...

Chính sách minh bạch về thông tin cho phép người dân TP Tel Aviv tiếp cận và cơ sở dữ liệu (không phải mật) của TP để sử dụng cho các hoạt động cộng đồng. Bên cạnh đó, hệ thống dịch vụ công trực tuyến trợ giúp người dân liên hệ, lấy thông tin và thực hiện dịch vụ. Người dân có thể xin thẻ đậu xe qua mạng và được gửi về nhà miễn phí, được kiểm tra đăng ký kinh doanh trực tuyến, kiểm tra xin giấy phép xây dựng, đăng ký trường mẫu giáo cho con. Hệ thống còn có các trung tâm ứng phó khẩn cấp ứng phó với các tình huống liên quan đến an ninh do xung đột; Trung tâm an ninh với hệ thống camera giám sát, hệ thống báo động được đặt ở các trường học, nơi công cộng...

Trưa 22-5, sau khi tham dự chiêu đãi của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Israel M. K. Ophir Akunis, đoàn đã đến tìm hiểu hoạt động tại Công ty Nông nghiệp Green 2000, có 25 năm hoạt động. Ngoài hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ, chế biến sữa, chế biến thức ăn... Công ty còn có các hoạt động cung cấp, chuyển giao các giải pháp nông nghiệp công nghệ cao.

Bí thư Thành ủy TPHCM và Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Israel M. K. Ophir Akunis

Trồng rau quả bằng công nghệ tưới nhỏ giọt tại Công ty Nông nghiệp Green 2000

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân  cùng đoàn tham quan Công ty Nông nghiệp Green 2000

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư thăm vườn cây ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tại Công ty Green 2000

Tối cùng ngày, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã cùng các giáo sư Isarel trao đổi, tìm hiểu về các chính sách khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong những lĩnh vực thế mạnh như công nghệ nano, nông nghiệp công nghệ cao của Israel.

Tel Aviv là thành phố đông dân thứ hai của Israel (sau Jerusalem), với dân số khoảng trên 400.000 người, tọa lạc bên bờ biển Địa Trung Hải, có diện tích khoảng 52km². Tel Aviv đã được Wall Street Journal xếp là thành phố khởi nghiệp lớn thứ hai thế giới, chỉ sau thung lũng Silicon (Mỹ), với số doanh nghiệp khởi nghiệp/đầu người cao nhất thế giới (67% các doanh nghiệp khởi nghiệp của Israel tập trung tại Tel Aviv).

 

KHẮC VĂN (từ TP Tel Aviv, Israel) - SGGP

 

Tiếp nối thành công của hội thảo Smart City 3600 lần I được tổ chức vào năm 2017, vào ngày 25/7/2018 tới đây tại TP.HCM, hội thảo khoa học Smart City 3600 lần thứ II năm 2018 với chủ đề “Giải pháp tương tác thời gian thực cho đô thị thông minh” do Sở KH&CN TP.HCM bảo trợ, Viện KH&CN tính toán (ICST) tổ chức sẽ diễn ra tại TP.HCM.

 

 

Nội dung chính của sự kiện này sẽ hướng đến việc giới thiệu, trao đổi các giải pháp hệ thống thông tin thông minh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tương tác thời gian thực và ứng dụng của các hệ thống này trong đô thị thông minh.

 

Hội thảo còn là dịp để giới chuyên gia, các nhà khoa học và doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT cùng nhau trao đổi, thảo luận các giải pháp kết nối, tương tác giữa máy tính - con người và ứng dụng vào các lĩnh vực cụ thể trong quản lý đô thị như giao thông, y tế, môi trường.

 

Tháng 12/2017, TP.HCM đã chính thức triển khai Đề án: "Xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến đến năm 2025". Trong đó, đề án xác định 4 trụ cột trong mô hình thành phố thông minh gồm trung tâm dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội; trung tâm điều hành đô thị thông minh và trung tâm an toàn thông tin thành phố. Trong đó, trung tâm cơ sở dữ liệu dùng chung là mấu chốt quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện các hợp phần còn lại.

 

Hội thảo khoa học Smart City 3600 lần thứ II diễn ra kết nối cùng chuỗi sự kiện Lễ trao giải Top ICT Việt Nam 2018 và Toàn cảnh công nghệ thông tin Việt Nam (VIO 2018) do Hội Tin học TP.HCM (HCA) tổ chức vào ngày 25 - 26/7/2018.

 

TS. Đoàn Xuân Huy Minh - đại diện ban tổ chức, cho biết: “Tham gia hội thảo có các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp cung cấp giải pháp trong các ngành công nghệ thông tin, viễn thông, hệ thống thông tin, an toàn thông tin, quản lý đô thị, quản lý nhà nước, giao thông, vận tải, môi trường, y tế… Đặc biệt, hội thảo nhận được sự quan tâm tham dự của lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc”.

 

Các tham luận tại Smart City 3600 sẽ hướng tới đến Chương trình nghiên cứu công nghệ thông tin phục vụ đô thị thông minh và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, căn cứ trên Kế hoạch số 93/KH-SKHCN của Sở KH&CN TP.HCM về tổ chức thực hiện 4 chương trình nghiên cứu KH&CN mục tiêu giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

 

Điểm đặc biệt của hội thảo Smart City 3600 là tính kết nối giữa nghiên cứu với thực tiễn ứng dụng tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, các tham luận, trao đổi sẽ chú trọng vào loạt chủ đề như nghiên cứu, ứng dụng hệ thống - thiết bị vạn vật kết nối (IoT), hệ thống quan trắc tự động, các hệ thống tương tác trung gian, kinh nghiệm và kết quả thử nghiệm thực tế hoặc mô phỏng hệ thống trong các lĩnh vực liên quan đến đô thị thông minh.

 

Ngoài ra, các chuyên gia cũng thảo luận về các nghiên cứu, ứng dụng về mô hình, ứng dụng kỹ thuật phân tích đáp ứng đồng bộ, tối ưu hóa tương tác thời gian thực để giải quyết các vấn đề cụ thể của giao thông, y tế, môi trường. Bên cạnh đó là các vấn đề về kiến trúc phần cứng và phần mềm có liên quan đến tương tác thời gian thực như hạ tầng truyền thông, cấu trúc bộ nhớ chuyên dụng, thiết kế vi mạch tích hợp cho ứng dụng thời gian thực, phần mềm mô phỏng cho các kiến trúc và ứng dụng mới…

 

Hội thảo lần này sẽ là cơ hội kết nối các nhà nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước, các chuyên gia công nghệ và các nhà quản lý. Hội thảo cũng hướng đến giới thiệu các giải pháp, ứng dụng, hệ thống thông tin thời gian thực cho các cơ quan quản lý của TP.HCM cũng như các tỉnh, thành đang xây dựng và triển khai thành phố thông minh – đô thị thông minh.

 

Mai Thy – khoahocphothong.com.vn

Các đề tài, giải pháp đạt từ giải Ba trở lên sẽ được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu thử nghiệm, chuyển giao công nghệ ứng dụng vào thực tế.

 

Những giải pháp kỹ thuật đạt giải cao sẽ được hỗ trợ nhiều nguồn lực để ứng dụng vào thực tế. Ảnh: Hà Thế An.

 

Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TP.HCM do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Liên đoàn Lao động, Thành Đoàn TP.HCM và các Sở - Ban ngành tổ chức định kỳ 2 năm một lần.

 

Hội thi nhằm khơi dậy phong trào thi đua lao động sáng tạo thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho TP.HCM.

 

Đối tượng tham gia dự thi là có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Cá nhân là người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, cá nhân người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam, không phân biệt lứa tuổi, dân tộc, nghề nghiệp.

 

Người tham gia dự thi phải có đề tài nghiên cứu hoặc giải pháp công nghệ được tạo ra và áp dụng từ những năm gần đây đều có thể tham dự hội thi với tư cách cá nhân hoặc tập thể hoặc đơn vị, tổ chức của Việt Nam đã đầu tư nghiên cứu để tạo ra giải pháp kỹ thuật.

 

Ban tổ chức Hội thi sẽ tiếp nhận đề tài/giải pháp dự thi thuộc 07 lĩnh vực: Giải pháp/công nghệ xây dựng Thành phố thông minh; Điện, điện tử, Công nghệ thông tin, viễn thông; Cơ khí và tự động hóa, giao thông; Công nghệ sinh học, nông nghiệp, Công nghệ thực phẩm; Công nghệ vật liệu, xây dựng, thủy lợi, phòng chống ngập lụt đô thị; Công nghệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới; Y tế, giáo dục chuyên nghiệp và Đại học.

 

Ban tổ chức thành lập Hội đồng khoa học theo chuyên ngành để đánh giá các đề tài khoa học tham gia Hội thi. Tiêu chí đánh giá của Hội đồng khoa học là: Tính mới và sáng tạo, khả năng ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả kinh tế - xã hội cụ thể.

 

Các giải pháp phát triển công nghệ dưới dạng cơ cấu, sản phẩm, thiết bị, chất liệu, quy trình, vật liệu vi sinh… sẽ được chấm theo thang điểm sáng tạo kỹ thuật của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Thành phố, và sẽ được sơ tuyển để tham dự Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Toàn quốc.

 

Trong trường hợp kết quả đề tài nghiên cứu khoa học hàm chứa nhiều nội dung về phát triển công nghệ được dự thi và Hội đồng Giám khảo sẽ đánh giá đề tài theo thang điểm sáng tạo kỹ thuật.

 

Các đề tài nghiên cứu khoa học cấp sở, ngành, quận trở lên, đã được nghiệm thu đạt từ lọai Khá trở lên, đáp ứng các điều kiện tham dự Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam VIFOTEC, sẽ được Ban Tổ chức Hội thi Thành phố chuyển tiếp tham dự Giải thưởng VIFOTEC.

 

Ban tổ chức bắt đầu nhận đăng ký từ nay đến trước ngày 31/12/2018

 

Hà Thế An – khampha.vn

Với vai trò quản lý nhà nước về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trên địa bàn Thành phố, Sở KH&CN TP.HCM đã tham gia và đóng góp tích cực trong việc hình thành và phát triển nhiều mô hình nghiên cứu - công nghệ điển hình.

 

Những mô hình này đã lan tỏa và trở thành mô hình kiểu mẫu để các tỉnh, thành trong cả nước nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm.

 

Công viên Phần mềm Quang trung (QTSC)

 

 

Sau 17 năm hoạt động và phát triển, QTSC đã thu hút 33 nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT). Với nền tảng đó, hiện đã có 150 doanh nghiệp CNTT được cấp phép hoạt động sản xuất phần mềm, dịch vụ CNTT, với hơn 250 sản phẩm, dịch vụ và giải pháp. Các sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang 20 quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều nước EU… Đáng chú ý, tại QTSC đã tạo được môi trường cho khoảng 20.500 người tham gia học tập và làm việc thường xuyên, trong đó có hơn 10.000 kỹ sư và chuyên viên tại chỗ. Ước tính, tổng doanh thu của các doanh nghiệp CNTT đang hoạt động tại QTSC năm 2017 đạt hơn 8.000 tỷ đồng (tăng 25,1% so với cùng kỳ), giá trị xuất khẩu đạt hơn 249 triệu USD (tăng 34,8% so với cùng kỳ).

 

Khu Công nghệ cao (SHTP):

 

 

Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) được thành lập ngày 24/10/2002, và là một trong ba Khu Công nghệ cao quốc gia do Chính phủ thành lập. Sau gần 15 năm thành lập và phát triển, SHTP đã trở thành một trong những điểm đến lý tưởng nhất Việt Nam cho nhà đầu tư công nghệ cao. Hiện có 134 nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư đạt hơn 7 tỷ USD, trong đó có các tập đoàn công nghệ đa quốc gia hàng đầu thế giới như Intel (Hoa Kỳ), Nidec (Nhật Bản), Sanofi (Pháp), Datalogic (Ý), Rockwell Automation (Mỹ), cũng như các viện nghiên cứu, tập đoàn công nghệ lớn trong nước (FPT, Hutech, Nanogen…). SHTP tập trung vào 04 lĩnh vực: Vi điện tử - Công nghệ thông tin - Viễn thông; Cơ khí chính xác - Tự động hóa; Công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; Năng lượng mới - Vật liệu mới - Công nghệ Nano. Trưởng ban Ban quản lý Khu Công nghệ cao hiện là Ông Lê Hoài Quốc - Nguyên Phó Giám đốc Sở KH&CN.

 

Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM (Khu NNCNC)

 

 

Thành lập năm 2004, chính thức hoạt động từ năm 2010, đây là khu NNCNC đầu tiên của cả nước. Với vai trò là hạt nhân, khu NNCNC đã và đang góp phần hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như vùng sản xuất rau an toàn tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn... với gần 330 mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, tổng diện tích canh tác hơn 145 ha. Ngoài ra,  khu NNCNC TP.HCM còn xây dựng nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học, nông nghiệp cao như mô hình trồng hoa lan, dưa lưới, cà chua bi; mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu... Nhiều mô hình cho năng suất đạt cao hơn từ 15% - 30% so với cách thức canh tác trước đây. Trưởng ban Ban Quản lý Khu NNCNC là Ông Đinh Minh Hiệp - Nguyên Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM.

 

Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán (ICST)

 

 

Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán đi vào hoạt động với sự tham gia của các nhà khoa học Việt kiều uy tín là lãnh đạo khoa học chủ chốt của Viện. Trong năm 2017, Viện đã đăng ký và triển khai 45 nhiệm vụ KH&CN và giải ngân 8,2 tỉ đồng cho các đề tài, dự án. Riêng trong đợt 1 năm 2018, viện đã có 17 đề tài đăng ký mới. Trong đó, Viện đã nghiệm thu 2 đề tài “Xây dựng hệ thống dự báo chất lượng không khí vùng TP.HCM” và “Phát triển phầm mềm dự báo chất lượng không khí và bản tin dự báo chất lượng không khí vùng TP.HCM”. Dự kiến năm 2018, 2 dự án trên sẽ được đưa vào triển khai ứng dụng tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2017 cũng là năm bội thu các bài báo quốc tế của Viện. Số lượng bài báo trên các tạp chí uy tín quốc tế do các nhóm nghiên cứu của Viện công bố đạt 30 bài, gấp 2 lần so với năm 2016. Hiện Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán vẫn là đơn vị trực thuộc Sở do Phó giám đốc Nguyễn Kỳ Phùng trực tiếp phụ trách điều hành với vai trò Viện trưởng.

 

H.Anh – khampha.vn

Dịp này Sở KH&CN TP.HCM đã trao tặng cho Sở KH&CN tỉnh Lào Cai 2 cuốn cẩm nang về những hoạt động, kinh nghiệm và kết quả từ quá trình tiên phong, đột phá của TP.HCM trong thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp.

 

Đó là món quà mà Sở KH&CN TP.HCM trao tặng cho Sở KH&CN tỉnh Lào Cai trong buổi làm việc giữa 2 bên tại TP.HCM vào chiều ngày 4.6.

 

“Các chính sách hỗ trợ hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo” và “Cộng đồng khởi nghiệp TP.HCM - Một năm nhìn lại” tập hợp toàn bộ các chính sách, hoạt động hỗ trợ phát triển KH&CN đang được TP.HCM thực hiện để nâng cao trình độ KH&CN cũng như thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tại thành phố. Những nội dung trong hai cuốn sách này thể hiện sự tiên phong, năng động của Sở KH&CN TP.HCM và cũng là những gợi ý cho hoạt động này tại các địa phương khác.

 

Là một địa phương còn nhiều hạn chế về nguồn lực nên việc phát triển KH&CN, ĐMST và khởi nghiệp tại Lào Cai gặp không ít khó khăn. Bởi vậy, những nội dung trong hai cuốn sách trên được đại diện Sở KH&CN tỉnh Lào Cai đánh giá cao.

 

 

Các thành viên trong đoàn làm việc của Sở KH&CN tỉnh Lào Cai ấn tượng với 2 cuốn cẩm nang phát triển KH&CN, ĐMST và khởi nghiệp

 

Nhận xét về những kinh nghiệm mà Sở KH&CN TP.HCM chia sẻ, bà Phạm Thị Hồng Loan, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lào Cai nói: “Những cách làm mà Sở KH&CN TP.HCM thực hiện rất bài bản, đạt hiệu quả rất tốt. Đồng thời nguồn lực chuyên gia, cơ chế giữa thành phố và Sở cũng tạo ra những điều kiện hết sức thuận lợi.”

 

Cũng tại buổi làm việc, Sở KH&CN TP.HCM chia sẻ các giải pháp giúp sở bạn giải quyết những vấn đề mà Sở KH&CN tỉnh Lào Cai đang gặp khó khăn là đánh giá trình độ KH&CN của tổ chức, doanh nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp.

 

Ông Đỗ Nam Trung, trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ, cho biết: “Sở KH&CN TP.HCM đã xây dựng phần mềm trực tuyến để phục vụ cho đánh giá trình độ KH&CN của các doanh nghiệp. Phần mềm này đã được triển khai có hiệu quả và đã được đóng gói hoàn thiện, sẵn sàng để chuyển giao cho các địa phương khác.”

 

Bên cạnh đó, chương trình SpeedUp do Sở KH&CN TP.HCM phối hợp với các đơn vị ươm tạo để hỗ trợ cho các startup là cách làm tiên phong, được phản hồi tích cực từ cộng đồng khởi nghiệp. Chỉ riêng năm 2017, chương trình đã hỗ trợ cho 13 dự án khởi nghiệp với số tiền hơn 10 tỷ đồng.

 

Phạm Sơn – khampha.vn

"Chúng tôi muốn sử dụng quỹ để đổi mới công nghệ, mua máy móc hiện đại hơn nhưng lại băn khoăn không biết cơ quan thuế có đồng ý không. Trường hợp sử dụng quỹ sai mục đích, doanh nghiệp sẽ bị phạt."

Đó là một trong những khó khăn mà chị Trần Thị Phương Trang, đại diện Tổng công ty du lịch Sài Gòn- TNHH Một thành viên (Saigon Tourist) chia sẻ khi sử dụng Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ cho doanh nghiệp (gọi tắt là quỹ).

Vì sao doanh nghiệp "ngại" sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN? - 1

Doanh nghiệp muốn đầu tư vào khoa học và công nghệ nhưng lại vướng các vấn đề về thủ tục hành chính trong việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Trong ảnh: Một doanh nghiệp cơ khí chính xác tại Đồng Nai. Ảnh: Hà Thế An.

Doanh nghiệp đã có quỹ nhưng chưa sử dụng hoặc sử dụng… cầm chừng

Chị Trang cho biết, SaigonTourist đã thành lập quỹ từ năm 2014. Tuy nhiên, theo chị Trang đến nay công ty này vẫn chưa sử dụng nguồn quỹ này.

“Theo quy định sau 5 năm không sử dụng quỹ, cơ quan thuế sẽ tiến hành truy thu thuế từ nguồn quỹ này. Chúng tôi đang rất bế tắc về thủ tục pháp lý để có thể vận hành và giải ngân quỹ”- chị Trang chia sẻ.

Theo chị Trang, hiện nay công ty đang có nhu cầu sử dụng quỹ để đầu tư thêm máy móc hiện đại hơn, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu suất của hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, các vấn đề về pháp lý về quy định các phần việc sử dụng quỹ đang chưa rõ ràng, doanh nghiệp gặp khó khăn.

“Chúng tôi không biết khi đầu tư máy móc vào hoạt động sản xuất có được tính vào hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp không. Trường hợp ngành thuế cho rằng hoạt động này không nằm trong các danh mục hạch toán vào quỹ thì doanh nghiệp sẽ bị phạt vì sử dụng quỹ không đúng mục đích.

Điều này rất phức tạp cho doanh nghiệp vì đối với loại hình doanh nghiệp Nhà nước sẽ có xếp hạng hằng năm. Việc bị phạt sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng doanh nghiệp. Do đó chúng tôi rất thận trọng khi sử dụng quỹ” - chị Trang cho biết.

Tương tự, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và đầu tư Chợ Lớn (CHOLIMEX) đã thành lập quỹ từ năm 2013. Tuy nhiên, theo ông Trương Minh Thông, đại diện CHOLIMEX, đơn vị này đang sử dụng quỹ một cách… cầm chừng vì vướng các thủ tục hành chính.

Chúng tôi mới chỉ sử dụng nguồn tài chính từ quỹ để thay thế máy vi tính có chất lượng tốt hơn, đầu tư mua các phần mềm hiện đại để phục vụ cho các công việc hành chính và thuê các đơn vị tư vấn để nâng cao hiệu suất công việc. Tuy nhiên, khi sử nguồn quỹ để làm công việc này, chúng tôi vẫn đắn đo không biết mình sử dụng đúng không, sau này có bị phạt vì sử dụng quỹ sai mục đích không” - ông Thông băn khoăn.

Sẽ có công văn gửi tới ngành thuế

Trước những khó khăn đó, các đại diện doanh nghiệp đều có cùng đề xuất là Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Cục Thuế TP.HCM cần có một văn bản quy chế phối hợp hoạt động thật sự rõ ràng, cụ thể về việc quản lý, sử dụng Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ cho doanh nghiệp. Điều này sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho doanh nghiệp khi vận hành và giải ngân quỹ.

Ông Dương Thế Vũ, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM, cho biết việc phối hợp tham gia của các cơ quan nhà nước là cần thiết để hướng dẫn cho doanh nghiệp sử dụng quỹ đúng, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội.

“Các thủ tục, quy trình, biểu mẫu trong các khâu của việc vận hành quỹ nên có tính thống nhất, tạo thành một “sườn chung” để doanh nghiệp có thể dễ dàng thực hiện” - ông Vũ cho hay.

Vì sao doanh nghiệp "ngại" sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN? - 2

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM thường xuyên tổ chức các hội thảo lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn của họ trong việc sử dụng quỹ. Ảnh: Hà Thế An.

Ông Nguyễn Văn Minh, đại diện Trung tâm thiết kế, chế tạo thiết bị mới (NEPTECH) trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, đã chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp khi sử dụng quỹ.

“Đó là những câu chuyện thực tế mà chúng tôi tìm hiểu được thông qua các chương trình tư vấn cho doanh nghiệp. Sắp tới chúng tôi sẽ ra mắt một cuốn Cẩm nang hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho doanh nghiệp có thể vận hành quỹ này đúng theo quy định của Nhà nước” - ông Minh nói.

Ông Minh cho biết thêm, trước những đề xuất của doanh nghiệp, trong thời gian tới, NEPTECH sẽ có công văn gửi tới Cục thuế TP.HCM để có những phối hợp hoạt động trong việc đưa ra những quy định, cụ thể, rõ ràng hơn cho doanh nghiệp trong việc sử dụng quỹ.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, thừa nhận thủ tục hành chính là “điểm nghẽn" trong việc sử dụng nguồn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

“Quy trình áp dụng quản lý và sử dụng quỹ hiện nay như quy trình quản lý nhà nước nên rất phức tạp. Điều này gây khó cho doanh nghiệp vì họ phải tập trung vào việc nghiên cứu thực tiễn chứ không có nhân lực để làm các thủ tục hành chính” - ông Dũng nói.

Những tình cảm từ Sở KH&CN TP.HCM không chỉ đem lại nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt mà phần nào giúp những người lính vơi bớt nỗi nhớ nhà dịp tết đến xuân về.

Trong khi chúng ta đang chuẩn bị đón Tết bên gia đình và người thân thì đâu đó trên đất nước này, vẫn có những người lính vì nhiệm vụ chung mà vắng bóng bên mâm cơm tất niên. Bởi vậy, nhiều năm qua, Công đoàn Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM vẫn luôn chủ động tổ chức các chuyến thăm và chuyển tới các anh em chiến sĩ những món quà ý nghĩa, đặc biệt là trong những dịp Tết đến, xuân về.

Năm nay, Công đoàn Sở KH&CN TP.HCM cùng đại diện Công đoàn viên chức TP.HCM và công ty TNHH Việt Thái Sinh đến thăm và chuyển tới những người lính đại đội bộ binh 568 (C568) tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước hệ thống xử lý nước sinh hoạt. Món quà tuy không lớn nhưng mang nhiều ý nghĩa với mong muốn đem lại nguồn nước chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho anh em chiến sĩ.

Là một trong 4 đơn vị có quân thuộc bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước, C568 có nhiệm vụ hết sức nặng nề, vừa thực hiện huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu vừa phối hợp đảm bảo an toàn tuyến biên giới với nước bạn Campuchia. Điều đó cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết càng khiến cho nhiệm vụ của những người lính ở đây thêm nặng nề.

Sở KH&CN TP.HCM đem nước sạch đến chúc tết những người lính xa nhà - 1

Với nhiều chiến sĩ trẻ, năm nay sẽ là cái tết xa nhà đầu tiên

Vẫn biết đời lính nhiều gian khổ nhưng đến đây, chúng tôi mới thấy mình vẫn chưa hiểu hết nỗi vất vả của người lính nơi này. Mới nếm trải cái nắng Bình Phước vài giờ ngắn ngủi mà lượng nước chúng tôi mang theo đã hết quá nửa còn với các anh em chiến sĩ, đây là nỗi lo hàng ngày.

Thượng úy Nguyễn Trung Hiếu, Chính trị viên đại đội C568, chia sẻ: “Tính cả cán bộ, chiến sĩ, quân số đơn vị là hơn 100 người. Toàn bộ nguồn nước của đơn vị chỉ trông chờ vào 2 giếng bơm. Không chỉ sinh hoạt của bộ đội, nước cho vườn tăng gia, cây cối tại đơn vị cũng lấy từ đó. Nhất là vào những ngày trời nóng, anh em chiến sĩ rất thiếu nước sinh hoạt.”

Đã từng nhiều năm phục vụ trong quân đội, hơn ai hết ông Lê Văn Quang, Giám đốc công ty TNHH Việt Thái Sinh hiểu rõ nỗi khổ của người lính. Đặc biệt, vấn đề chất lượng nước sinh hoạt của bộ đội là điều khiến ông trăn trở.

“Nguồn nước ở đây bị vôi, cứng nhiều, nếu không được xử lý tốt sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của anh em. Hệ thống xử lý nước sẽ là món quà thiết thực, đem lại nguồn nước sạch, có giá trị lâu dài cho đơn vị”, ông Quang cho biết.

Bởi vậy, khi biết chương trình của Công đoàn Sở KH&CN TP.HCM, ông Quang đã cùng đồng hành trao tặng cho C568 hệ thống xử lý nước sinh hoạt với công suất 2 mét khối/giờ.

Sở KH&CN TP.HCM đem nước sạch đến chúc tết những người lính xa nhà - 2

Sở KH&CN TP.HCM đem nước sạch đến chúc tết những người lính xa nhà - 3

Hệ thống xử lý nước sinh hoạt với công suất 2 mét khối/giờ sẽ đem lại nguồn nước đảm bảo chất lượng cho cán bộ chiến sĩ C568

Hệ thống gồm một cột lọc nhựa trao đổi ion resin xử lý nước cứng, giúp nước không bị đóng cặn và 2 cột lọc than hoạt tính xử lý chất độc, chất bẩn và mùi. Ngoài ra, hệ thống còn có bộ phận súc rửa hạt nhựa trao đổi ion resin tự động để tái sinh ion khi đã bão hòa. Toàn bộ hệ thống có giá trị 50 triệu đồng.

Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM (CASE) thuộc Sở KH&CN TP.HCM hỗ trợ 15 triệu đồng chi phí khảo sát, lấy mẫu và phân tích chất lượng nước trước và sau khi lắp đặt hệ thống.

Về vấn đề bảo dưỡng hệ thống, ông Quang cho biết: “Bộ lọc than hoạt tính có tuổi thọ 2 năm. Khi cần thay, công ty sẽ hỗ trợ miễn phí cho đơn vị. Ngoài ra, công ty hướng dẫn, hỗ trợ anh em chiến sĩ bảo dưỡng hệ thống trong quá trình sử dụng.”

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đàm Văn Thành, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự huyện Bù Gia Mập, cho biết: “Vì nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu nên Tết Mậu Tuất năm nay đơn vị C568 sẽ trực tết với 100% quân số. Sự quan tâm của đoàn có ý nghĩa quan trọng, là sự động viên kịp thời với cán bộ, chiến sĩ của đơn vị.”

Sở KH&CN TP.HCM đem nước sạch đến chúc tết những người lính xa nhà - 4

Anh Trần Hữu Chương, Phó Chủ tịch Công đoàn Sở KH&CN TP.HCM đại diện đoàn trao quà cho đơn vị C568

Sở KH&CN TP.HCM đem nước sạch đến chúc tết những người lính xa nhà - 5

Tình cảm của đoàn đem lại niềm vui, nguồn động viên tới cán bộ, chiến sĩ C568

Với những người lính trẻ đang thực hiện nghĩa vụ quân sự thì đây là cái tết xa nhà đầu tiên của họ. Mong sao những tình cảm từ Sở KH&CN TP.HCM sẽ không chỉ đem lại nguồn nước sạch mà phần nào giúp những người lính vơi bớt nỗi nhớ nhà dịp tết đến xuân về.

Những nội dung về khoa học công nghệ vốn bị coi là khô khan, khó đọc nhưng các phóng viên khoa học công nghệ tại thành phố đang nỗ lực hàng ngày truyền tải những nội dung đó đến người đọc một cách chính xác, dễ hiểu và gắn sát với đời sống nhất.

Trong thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tại TP.HCM đã diễn ra hết sức sôi động. Những hoạt động đó nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía doanh nghiệp, vườn ươm, người dân và được đánh giá là một trong mười sự kiện nổi bật của thành phố năm 2017.

 

Ngoài sự đổi mới trong tầm nhìn và cách làm của các cơ quan, đơn vị như Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, kết quả trên còn có dấu ấn không nhỏ từ sự đồng hành của các đơn vị truyền thông, báo chí.

 

Những nội dung về khoa học công nghệ vốn bị coi là khô khan, khó đọc nhưng các phóng viên khoa học công nghệ tại thành phố đang nỗ lực hàng ngày truyền tải những nội dung đó đến người đọc một cách chính xác, dễ hiểu và gắn sát với đời sống nhất.

 

Hàng ngàn bài viết được đã đem lại cho độc giả cái nhìn toàn diện và đầy đủ nhất về đời sống khoa học công nghệ tại thành phố cũng như thế giới. Từ các kết quả nghiên cứu nổi bật, những công nghệ ứng dụng mới cho đến các chính sách, quy định và những hoạt động hỗ trợ từ cơ quan nhà nước… đều được truyền tải nhanh chóng đến người đọc.

 

Cùng với đó, phong trào khởi nghiệp đang diễn ra sôi động cũng được phản ánh chân thực và sống động trên các mặt báo. Nhờ những bài viết đó mà các gương mặt khởi nghiệp, các mô hình, sáng kiến mới được lan tỏa rộng rãi, đem lại lợi ích chung cho cộng đồng.

 

 

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, trao đổi với các nhà báo KH&CN trên địa bàn TP.

 

Tại buổi gặp gỡ báo chí 2018 diễn ra sáng nay, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, nhận định: “Các lãnh đạo hiện nay cũng đang nói về đổi mới sáng tạo. Mọi người trong cộng đồng cũng hiểu rõ hơn về đổi mới sáng tạo. Từ nhà trường đến doanh nghiệp và cộng động cũng đã có thay đổi trong hành động. Đó là nhờ tác động của truyền thông báo chí”. Ngoài ra, ông Dũng cũng cho biết năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ có giải thưởng dành riêng cho các bài viết về đổi mới sáng tạo

 

Năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đặt 5 mục tiêu gồm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ và hiệu quả công tác điều hành quản lý; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có trọng tâm và gắn kết thực tiễn; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại cơ sở và toàn xã hội; xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, phát triển thị trường khoa học công nghệ tiến tới nền kinh tế sáng tạo.

 

Để đạt được những mục tiêu đó, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ rất cần sự đồng hành hiệu quả của các đơn vị truyền thông.

 

Góp ý để nâng cao hiệu quả kết nối, truyền thông của báo chí, chị Kim Anh, phóng viên, cho biết: “Các sự kiện liên quan khoa học công nghệ chưa được thông báo đến các cơ quan truyền thông một cách thường xuyên liên tục. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng nên tổ chức thường xuyên hơn các chuyến đi thực tế cho phóng viên, đặc biệt là đến các mô hình có ứng dụng khoa hoc công nghệ vào thực tiễn có hiệu quả.”

 

 

Ngoài ra, chị cũng đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nên chủ động hỗ trợ kết nối phóng viên với các nhà khoa học, nhà chuyên môn đề có được những thông tin cụ thể, chính xác và nhanh chóng nhất.

Chỉ tính riêng hiệu quả của việc chuyển sang sử dụng đèn LED, mỗi năm khách sạn InterContinental Saigon đã tiết kiệm được trên 2.5 tỷ đồng.

 

Thông tin trên được ông Phạm Tùng Thư, Giám đốc Kỹ thuật của khách sạn Intercontinental Saigon nêu ra tại hội thảo “Quản lý, vận hành và ứng dụng thiết bị công nghệ trong công trình xây dựng” tổ chức ngày 15.12. Hội thảo do Vụ Khoa học công nghệ (KH&CN) và Môi trường - Bộ Xây dựng và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN - Sở KH&CN TP.HCM phối hợp tổ chức.

 

Theo ông Đỗ Nam Trung, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ - Sở KH&CN TP.HCM, quản lý, vận hành và ứng dụng hiệu quả các thiết bị công nghệ trong các công trình xây dựng có ý nghĩa hết sức quan trọng.

 

“Các công trình, tòa nhà là đối tượng tiêu thụ năng lượng lớn nhất trong cơ cấu sử dụng năng lượng của các ngành, chiếm đến 1/3 năng lượng toàn cầu, sau đó mới đến công nghiệp và giao thông vận tải. Theo đó, nếu các công trình, tòa nhà thực hiện tốt các giải pháp hiệu quả năng lượng thì giá trị mang lại sẽ rất lớn, không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả hiệu quả xã hội”, ông Trung khẳng định.

 

Theo ông Phạm Hoàng Hải Quân, chuyên gia tư vấn kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, ứng dụng công nghệ hiệu quả năng lượng vào các công trình có thể đem lại những kết quả không ngờ.

 

 

Ứng dụng công nghệ hiệu quả năng lượng vào các công trình có thể đem lại những kết quả không ngờ về kinh tế

 

Nếu áp dụng những công nghệ tốt nhất sẵn có, các công trình có thể tiết kiệm đến hơn 60% năng lượng tiêu thụ. Với sự tiến bộ của KH&CN hiện nay, con số trên chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó.

 

Chỉ tính riêng vỏ bọc công trình, hiện nay đã có rất nhiều công nghệ đang được sử dụng hiệu quả như vật liệu cách nhiệt gồm bông khoáng, tấm 3D, gạch bê tông nhẹ, kính 2 lớp…; vỏ bọc công trình bằng sơn cách nhiệt, thảm cây xanh trên mái…

 

Những loại kính 2 lớp hiện nay có thể ngăn được đến gần 80% lượng nhiệt bên ngoài xâm nhập và do đó, giảm đáng kể lượng điện sử dụng để làm mát. Ngoài ra, kính tích hợp công nghệ BIPV để sản xuất điện mặt trời cũng đang dần được sử dụng rộng rãi.

 

Đặc biệt trong thời gian gần đây, nhà nước đang dành những ưu đãi hết sức hấp dẫn nhằm thúc đẩy phát triển điện mặt trời. Điện mặt trời nối lưới theo cơ chế bù trừ điện năng, ưu tiên sử dụng điện mặt trời. Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN sẽ trả cho điện mặt trời dư theo giá 9.35 cents/kwh.

 

 

Điện mặt trời quy mô hộ gia đình đang rất có tiềm năng phát triển

 

“Với quy chế như vậy, hộ gia đình sử dụng trên 800 KWh điện mỗi tháng sẽ tiết kiệm được gần 1.2 triệu, tức là chỉ cần cần 5 năm thu hồi vốn lắp đặt điện mặt trời. Trong khi đó, tuổi thọ tấm panel điện mặt trời là 25 năm”, ông Diệp Bảo Cánh, Giám đốc công ty Cổ phần năng lượng Mặt trời đỏ cho hay.

 

Là một khách sạn hàng đầu tại TP.HCM, khách sạn InterContinental Saigon là một điển hình cho quản lý, vận hành và ứng dụng thiết bị công nghệ để tiết kiệm năng lượng.

 

Khách sạn đã tích cực áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng như lắp đặt hệ thống biến tần phục vụ điều hòa không khí trung tâm, tối ưu hệ thống chiếu sáng, thông gió, sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời…

 

“Trong 5 năm ứng dụng các giải pháp quản lý tiết kiệm năng lượng, lượng tiêu thụ năng lượng của khách sạn giảm trung bình 6,62%/năm”, ông Phạm Tùng Thư, Giám đốc Kỹ thuật của khách sạn InterContinental Saigon, cho biết, “Chỉ tính riêng hiệu quả của việc chuyển sang sử dụng đèn LED, mỗi năm khách sạn InterContinental Saigon tiết kiệm được trên 2.5 tỷ đồng.”


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353