SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Tin Khoa học và công nghệ

TP.HCM tổ chức Hội thảo triển khai Chương trình đảm bảo đo lường trong hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường

Lượt xem: 4
Lượt thích: 0

Với mục đích tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật, chủ trương chính sách của nhà nước về hoạt động đo lường đến các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, là cầu nối để các bên cùng nhau trao đổi, thảo luận các vấn đề còn vướng mắc trong việc thực hiện đảm bảo đo lường tại chính đơn vị mình. Đồng thời là dịp để các đơn vị đề xuất các giải pháp xây dựng, phát triển hoạt động đo lường nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế cho các đơn vị trên địa bàn TP.HCM.

Ngày 24/8/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội thảo "Triển khai Chương trình đảm bảo đo lường trong hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường", Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (SMQ, trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) là đơn vị triển khai thực hiện. Tham dự Hội thảo về phía SMQ có bà Võ Đình Liên Ngọc - Phó Chi cục trưởng. Về phía các báo cáo viên có ông Phan Minh Hải - đại diện Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bô Khoa học và Công nghệ; ông Mai Phước Vinh - Trưởng phòng Phòng Quản lý Đo lường SMQ; ông Trương Trung Tín - Trưởng phòng Phòng Đo lường - Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM (SMEQ, trực thuộc SMQ) cùng gần 100 đại biểu đến từ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trên địa bàn Thành phố.

2472023ht.jpg

Hội thảo đã thu hút được gần 100 đại biểu đến từ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trên địa bàn Thành phố cùng tham dự

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Võ Đình Liên Ngọc - Phó Chi cục trưởng SMQ cho biết, hoạt động đo lường có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, hoạt động sản xuất, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. Đo lường thống nhất và chính xác góp phần đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và là công cụ đắc lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Cụ thể, ngày 10/8/2018, Thủ tưởng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án 996). Đề án 996 tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên triển khai áp dụng hiệu quả Chương trình đảm bảo đo lường để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá.

Để triển khai Đề án 996 tại TP.HCM, năm 2022 Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 520/QĐ-UBND về Kế hoạch “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

2482023ht1.jpg

Bà Võ Đình Liên Ngọc - Phó Chi cục trưởng SMQ phát biểu khai mạc Hội thảo

Cũng theo bà Võ Đình Liên Ngọc hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 109 tổ chức tham gia hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. Trong đó, có 53 tổ chức được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. 

Chương trình đảm bảo đo lường trong hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường là các nhiệm vụ, giải pháp và nguồn lực để thực hiện tăng cường, đổi mới kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường.

“Việc xây dựng, triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm sẽ mang lại hiệu quả như: Giảm tổn thất kinh tế do loại trừ, khắc phục các lỗi trong kiểm định, hiệu chuẩn, sử dụng chuẩn đo lường, phương tiện, thiết bị đo, thử nghiệm và việc thực hiện các phương pháp đo, thử nghiệm; giảm chi phí nghiên cứu, vận hành do đổi mới, áp dụng phương pháp đo mới, sử dụng chuẩn đo lường, phương tiện, thiết bị đo, thử nghiệm mới có chất lượng và công nghệ cao hơn; nâng cao hiệu quả kiểm soát chất lượng cung cấp dịch vụ; tăng cường kiểm soát môi trường; bảo đảm an toàn, sức khỏe. Với ý nghĩa như trên, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức “Hội thảo triển khai Chương trình đảm bảo đo lường trong hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường” để tạo diễn đàn cho cơ quan quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm góp phần xây dựng, triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường”, bà Võ Đình Liên Ngọc chia sẻ.

2482023ht2.jpg

Ông Mai Phước Vinh - Trưởng phòng Phòng Quản lý Đo lường SMQ chia sẻ báo cáo tham luận của mình tại Hội thảo

Tại Hội thảo ông Mai Phước Vinh - Trưởng phòng Phòng Quản lý Đo lường SMQ đã phổ biến Quyết định số 520/QĐ-UBND ngày 21/6/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch "Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và Kế hoạch số 852/KH-SKHCN ngày 16/3/2023 của Sở Khoa học và Công nghệ về “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế năm 2023".

“Hiện nay, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính gồm: phát triển hạ tầng đo lường của Thành phố; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường; hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa; truyền thông về hoạt động đo lường. Trong đó có, các nội dung tổ chức bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho cán bộ tham gia hoạt động đo lường và doanh nghiệp; huấn luyện và tư vấn doanh nghiệp triển khai áp dụng chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ; truyền thông về vai trò của đo lường trong đời sống xã hội và trong công nghiệp cũng như nội dung chương trình đảm bảo đo lường; tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo, diễn đàn về đo lường và vai trò của đo lường trong doanh nghiệp… tính đến nay, các hoạt động này cũng đã góp phần thực hiện mục tiêu của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đề ra trong năm 2023 là đẩy mạnh công tác truyền thông về vai trò của đo lường trong đời sống xã hội và nhu cầu đổi mới hoạt động đo lường tại doanh nghiệp; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho 440 doanh nghiệp; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho trên 320 lượt cán bộ tham gia hoạt động đo lường; xây dựng 5 video phổ biến kiến thức về đo lường và 1 video hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký Chương trình đảm bảo đo lường”, ông Mai Phước Vinh chia sẻ.

24820232ht4.jpg

Ông Phan Minh Hải - đại diện Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bô Khoa học và Công nghệ chia sẻ báo cáo tham luận của mình tại Hội thảo

 Cũng tại Hội thảo ông Phan Minh Hải - đại diện Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bô Khoa học và Công nghệ đã trình bày báo cáo tham luận với nội dung "Phổ biến triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp theo Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ".

Cụ thể, về các vấn đề quyết định đến hiệu quả hoạt động; Các yếu tố chính đảm bảo cho hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; Vấn đề cần xem xét, hoàn thiện, đổi mới như mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ, phương pháp, thiết bị, nhân sự; Các nội dung chính của việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đảm bảo đo lường; Các chính sách và chương trình hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp xây dựng và triển khai thực hiện đảm bảo đo lường…

“Để đảm bảo đo lường tại tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đạt hiệu quả. Về phía doanh nghiệp phải đảm bảo sự đa dạng của sản phẩm, chất lượng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, giảm giá thành thông qua giảm thiểu chi phí, tổn thất, lãng phí và chi phí xử lý sản phẩm không phù hợp. Về phía tổ chức cung cấp dịch vụ đo lường, thử nghiệp phải đáp ứng phạm vi cung cấp dịch vụ, lĩnh vực, đối tượng và phạm vi đối tượng; kết quả cung cấp chính xác, tin cậy, kịp thời, giảm chi phí đầu vào của dịch vụ thông qua giảm thiểu chi phí phát sinh do phải xử lý kết quả không phù hợp”, Ông Phan Minh Hải chia sẻ.

2482023ht5.jpg

Ông Trương Trung Tín - Trưởng phòng Phòng Đo lường SMEQ chia sẻ báo cáo tham luận của mình tại Hội thảo

Trình bày báo cáo tham luận với nội dung “Đảm bảo đo lường tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM”. Ông Trương Trung Tín - Trưởng phòng Phòng Đo lường SMEQ chia sẻ, hoạt động đo lường có vai trò quan trọng và không thể thiếu đối với đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. SMEQ cung cấp các dịch vụ kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, SMEQ cũng tham gia các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ, hoạt động sự nghiệp khác phục vụ công tác quản lý nhà nước.

“Đối với công tác đảm bảo đo lường, SMEQ luôn được liên kết chuẩn từ các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn có chuẩn cấp chính xác cao hơn như: Viện Đo lường Việt Nam (VMI), Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest 3)… Bên cạnh đó, hàng năm, SMEQ dành nhiều kinh phí cho việc đào tạo, nâng cao năng lực nhân sự kiểm định, hiệu chuẩn. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống tài liệu về phương pháp hiệu chuẩn để phù hợp với độ chính xác của các chuẩn đáp ứng yêu cầu truyền chuẩn của hầu hết các đơn vị trên địa bàn Thành phố”, ông Trương Trung Tín chia sẻ.

2482023ht6.jpg

Đại biểu đặt câu hỏi cho các báo cáo viên tại Hội thảo

Trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu đến từ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trên địa bàn Thành phố đã cùng chia sẻ những khó khăn, đặt câu hỏi trao đổi với các báo cáo viên về việc triển khai Chương trình đảm bảo đo lường trong hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường thực tế tại đơn vị của mình.

 Nhật Linh (CESTI)

 

 

Với kết quả nghiên cứu chuẩn xác và mang lại nhiều giá trị khoa học thực tiễn cho các nghiên cứu tiếp theo, nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Đánh giá đáp ứng sâu về sinh học phân tử trên bệnh nhân bạch cầu mạn dòng tủy điều trị thuốc ức chế tyrosine kinase" do Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM triển khai vừa được Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ do Sở KHCN TP.HCM tổ chức đánh giá thông qua và đạt xếp loại xuất sắc.

Thực tế cho thấy, bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (BCMDT) là bệnh tăng sinh tủy xuất phát từ sự tăng sinh không kiểm soát các tế bào tạo máu có mang tổ hợp gen sinh ung BCR/ABL, mã hóa protein tyrosine kinase hoạt hóa BCR/ABL. Tổ hợp gen này là kết quả của sự chuyển vị tương hỗ giữa nhánh dài nhiễm sắc thể 9 và 22, gọi là nhiễm sắc thể Philadelphia (Ph), có thể xác định được bằng kỹ thuật di truyền tế bào. Tyrosine kinase BCR/ABL khởi động nhiều con đường dẫn truyền tín hiệu cần thiết cho quá trình sinh ung thư.

Theo thống kê của Hội ung thư Hoa Kỳ, bệnh BCMDT chiếm từ 15 đến 20% trong nhóm bệnh bạch cầu nói chung. Tỷ lệ mới mắc của bệnh khoảng 1-2 trường hợp trong 100.000 dân, chủ yếu xuất hiện ở nam nhiều hơn nữ và ở tuổi trên 50. Nguyên nhân gây bệnh hiện vẫn chưa rõ ràng. Tại Việt Nam, bệnh nhân mắc BCMDT cũng khá phổ biến.

Điều trị nhắm trúng đích vào cơ chế phân tử của sự tăng sinh và tiến triển của BCMDT, hay nói cách khác là ức chế hoạt tính BCR/ABL và làm giảm số lượng tế bào mang nhiễm sắc thể Ph là điều trị nền tảng của bệnh BCMDT.

Các thuốc ức chế tyrosine kinase BCR/ABL (TKI: tyrosine kinase inhibitor), giúp cải thiện dự hậu ngoạn mục trên người bệnh BCMDT, đưa người bệnh đạt các mức đáp ứng ngày càng sâu hơn. Tuy nhiên, việc duy trì điều trị TKI có thể đem đến một gánh nặng kinh tế cho người bệnh và xã hội. Ngoài ra, nguy cơ kháng thuốc và các tác dụng phụ liên quan điều trị TKI là một yếu tố bất lợi khi dùng thuốc trong thời gian dài. Điều này cho thấy việc quyết định ngưng thuốc TKI tại thời điểm thích hợp là thật sự cần thiết.

Kỹ thuật sinh học phân tử (SHPT) hiện là kỹ thuật nhạy trong theo dõi đáp ứng điều trị BCMDT. Kỹ thuật Realtime Quantitative polymerase chain reaction (RQ PCR) trước đây cho phép đánh giá đến mức đáp ứng SHPT giảm 4 log10 (MR4,0) so với lúc chẩn đoán. Hiện tại, có nhiều khuyến cáo đưa ra các tiêu chuẩn quyết định ngưng thuốc, hầu hết người bệnh cần duy trì mức đáp ứng MR4,0 đến MR4,5 khi điều trị với TKI trong thời gian tối thiểu 2 năm. Sau đó, cần bảo đảm rằng người bệnh được theo dõi sát bằng kỹ thuật PCR định lượng đạt độ nhạy từ MR4,5 trở lên để phát hiện sớm các trường hợp tái phát về SHPT nhằm tái điều trị kịp thời.

Trong tình hình hiện nay, những kỹ thuật cho phép xác định MR4,5 - MR5,0 có thể kể đến là RQ PCR hệ thống kín và PCR kỹ thuật số (dPCR: digital polymerase chain reaction). Tuy nhiên, RQ PCR hệ thống kín chưa thực hiện được vì kít của hệ thống này chưa được nhập về Việt Nam.

Đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Đánh giá đáp ứng sâu về sinh học phân tử trên bệnh nhân bạch cầu mạn dòng tủy điều trị thuốc ức chế tyrosine kinase" cho biết kỹ thuật dPCR được triển khai tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học (TP.HCM) từ năm 2019, với đặc điểm chia nhỏ dung dịch phản ứng thành khoảng 20.000 giọt kích thước siêu nhỏ vài nanolit, sau đó khuếch đại và định lượng số bản sao gen đích trong từng giọt nên cho kết quả nhạy hơn.

H-1.jpg

BSCKII. Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học trao đổi một số kết quả của công trình nghiên cứu với Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ

"Tại Việt Nam, đến hiện tại, các hệ thống RQ PCR có thể đánh giá đáp ứng ở mức MR4,0 để quyết định ngưng thuốc cho người bệnh nhưng theo dõi sau ngưng thuốc thì chưa thực hiện được", TS. BSCKII. Phù Chí Dũng, chủ nhiệm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ cho biết, "do đó, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá khả năng theo dõi tồn lưu tế bào ác tính trong bệnh BCMDT bằng kỹ thuật dPCR",

Cũng theo lời TS. BSCKII. BS Phù Chí Dũng, mục tiêu cụ thể của nhiệm vụ được các nhà khoa học tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học triển khai, đó là: (1) Chuẩn hóa quy trình kỹ thuật Digital PCR; (2) Xác định tỷ lệ đáp ứng sâu về sinh học phân tử trên người bệnh BCMDT điều trị thuốc imatinib hoặc nilotinib bằng kỹ thuật dPCR và RQ PCR; và (3) Xác định tỷ lệ người bệnh thỏa tiêu chuẩn ngưng thuốc ức chế tyrosine kinase.

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát trên 105 người bệnh BCMDT đang điều trị TKI tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học (TP.HCM) trong thời gian từ tháng 2/2020 đến tháng 6/2022 đã đạt MR3,0 sau điều trị từ 6 đến 18 tháng.

Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ vừa được Sở KHCN TP.HCM tổ chức, TS. Châu Thuý Hà là thành viên nhóm triển khai nhiệm vụ cho biết: ở thời điểm hiện tại, kỹ thuật dPCR là một kỹ thuật mới, ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào khảo sát việc đánh giá đáp ứng điều trị ở người bệnh BCMDT bằng kỹ thuật dPCR. Trong khi đó, trên thế giới, kỹ thuật dPCR đã được ứng dụng trong thời gian gần đây, cho thấy có thể thay thế RQ PCR trong theo dõi người bệnh BCMDT. Các nghiên cứu khảo sát bước đầu cho thấy dPCR là một kỹ thuật có độ chính xác và độ tin cậy cao, chính xác hơn RQ PCR, đặc biệt là ở mức MR4,0 và MR4,5.

Sau thời gian nghiêm túc triển khai, nhóm các nhà khoa học tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học (TP.HCM) đã chuẩn hóa quy trình kỹ thuật dPCR, với độ chính xác cao, các kết quả đạt độ lặp lại qua các lần thực hiện với độ biến thiên nhỏ hơn hoặc bằng 25%. Kỹ thuật này cho phép phát hiện các mẫu còn tồn lưu thấp, giới hạn phát hiện có thể đạt đến MR4,7.

 

H-2.jpg

Quy trình thực hiện kỹ thuật dPCR được nhóm nghiên cứu đề xuất và áp dụng tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học (TP.HCM)

Ngoài ra, kết quả của nhiệm vụ cũng đã xác định tỷ lệ đáp ứng sâu về sinh học phân tử trên người bệnh BCMDT điều trị thuốc imatinib hoặc nilotinib bằng kỹ thuật dPCR và RQ PCR. Theo đó, khảo sát 105 người bệnh BCMDT điều trị TKI trung vị 47 tháng, đã đạt MR3,0 từ 6 đến 18 tháng sau điều trị, có 43,8% người bệnh đạt MR4,0 trở lên khi khảo sát bằng RQ PCR. Trong khi đó, tỷ lệ người bệnh đạt MR4,0 trở lên khi khảo sát bằng dPCR là 67,6%. Điều này cho thấy dPCR ưu thế hơn RQ PCR khi khảo sát các mẫu còn tồn lưu thấp.

Đặc biệt, nhóm đã xác định tỷ lệ người bệnh thỏa tiêu chuẩn ngưng thuốc ức chế tyrosine kinase. Kết quả cho thấy, 105 người bệnh trong nghiên cứu điều trị TKI trung vị 47 tháng, có 61 người bệnh (58,1%) duy trì MR4,0 trở lên sau thời gian 24 tháng. Đây là những người bệnh thỏa tiêu chuẩn ngưng thuốc theo Mạng lưới ung thư toàn diện quốc gia Hoa Kỳ (NCCN) 2019.

Cũng theo đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ, tại Việt Nam, theo hướng dẫn điều trị bệnh BCMDT của Bộ Y tế, thuốc lựa chọn đầu tay là imatinib. Các thuốc thế hệ 2 chỉ sử dụng khi người bệnh có dấu hiệu kháng hay bất dung nạp imatinib. Trước đây, người bệnh được hoàn toàn miễn phí sử dụng imatinib vì có chương trình tài trợ phối hợp với bảo hiểm y tế. Từ năm 2020, sau khi chương trình tài trợ kết thúc, người bệnh đồng chi trả với bảo hiểm y tế, do đó nhiều người bệnh không có điều kiện sử dụng thuốc kéo dài.

"Do đó, chúng tôi chọn áp dụng tiêu chuẩn ngưng thuốc của NCCN để áp dụng tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học (TP.HCM), với yêu cầu thời gian sử dụng thuốc tương đối phù hợp với tình hình điều trị bệnh tại Việt Nam, tối thiểu 3 năm", đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ chia sẻ.

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra kiến nghị rằng kỹ thuật dPCR thực sự là một kỹ thuật có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, có khả năng phát hiện đến MR4,7. Do đó, để đánh giá đáp ứng sâu về SHPT thì triển khai xét nghiệm dPCR thường quy. Đồng thời, trên người bệnh BCMDT điều trị TKI, nên định lượng BCR/ABL mỗi 3 đến 6 tháng sau điều trị nhằm tiên lượng nguy cơ tái phát, khả năng ngưng thuốc TKI và duy trì lui bệnh sau ngưng thuốc.

Nhận định về hiệu quả về khoa học - công nghệ của nhiệm vụ, TS. BSCKII.  Phù Chí Dũng khẳng định bệnh BCMDT là một bệnh ung thư máu có đáp ứng rất khả quan với điều trị TKI. PCR định lượng là kỹ thuật nhạy trong đánh giá đáp ứng về SHPT và là yếu tố giúp các bác sỹ lâm sàng quyết định ngưng thuốc. Kỹ thuật dPCR là kỹ thuật mới, có khả năng đánh giá đáp ứng SHPT ở mức sâu.

Về hiệu quả về kinh tế xã hội, nghiên cứu này xây dựng và chuẩn hóa kỹ thuật dPCR đã giúp hoàn thiện được quy trình khảo sát đáp ứng về SHPT ở người bệnh BCMDT, giúp phát hiện được bệnh tồn lưu tối thiểu (BTLTT) chính xác, định hướng cho điều trị. Nhu cầu khảo sát đáp ứng về SHPT rất cấp thiết để quyết định ngưng thuốc nên sản phẩm của đề tài này sẽ có ứng dụng rộng rãi cho các bệnh viện điều trị bệnh BCMDT trên cả nước. Chưa dừng lại ở đó, kết quả của nhiệm vụ cũng là dữ liệu tham khảo cho các công trình nghiên cứu BTLTT trong BCMDT.

Đề tài được thực hiện nhằm theo dõi BTLTT của người bệnh BCMDT. Việc thực hiện đề tài này không xâm hại đến sức khỏe của người bệnh. Hơn nữa, kết quả của đề tài mang đến lợi ích, làm cơ sở giúp theo dõi lui bệnh và tái phát bệnh, từ đó đưa ra liệu pháp điều trị thích hợp cho người bệnh. Các thông tin cá nhân của người bệnh được giữ bí mật, không sử dụng vào mục đích khác ngoài đề tài này. Đề tài được thông qua hội đồng y đức của Trường Đại học Y dược TP.HCM để thực hiện

 

Về biểu hiện lâm sàng, BCMDT là một bệnh được diễn tiến qua 3 giai đoạn: mạn, tiến triển và chuyển cấp. Các triệu chứng ở giai đoạn mạn thường liên quan đến lách to chèn ép gây tức, khó chịu vùng bụng hoặc liên quan đến tình trạng tăng sinh ác tính như sốt nhẹ về chiều và sụt cân. Người bệnh người bệnh BCMDT giai đoạn mạn được chẩn đoán với bạch cầu tăng rất cao trên 50x109/L, một số trường hợp hiếm có thể gây xuất huyết võng mạc và dấu hiệu tăng độ nhớt của máu như rối loạn cương dương, tai biến mạch máu não, ù tai, lú lẫn, hôn mê. Thời gian sống của người bệnh giai đoạn mạn kéo dài trung bình khoảng 5 năm nếu không điều trị đặc hiệu. Nếu không được kiểm soát tốt, tình trạng bệnh sẽ dần chuyển sang giai đoạn tiến triển hoặc chuyển cấp trong vòng 3-5 năm.

 Ở giai đoạn tiến triển, do tình trạng tăng bạch cầu khó kiểm soát kèm giảm mức độ biệt hóa, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện rầm rộ hơn với đau xương nhiều, sốt nhẹ và sụt cân. Càng về sau, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn chuyển cấp. Đây là giai đoạn nặng nề nhất của bệnh cả về triệu chứng lẫn điều trị. Hình ảnh lâm sàng khá tương đồng với một trường hợp bạch cầu cấp với tăng tỷ lệ tế bào non trong máu ngoại vi. Một số trường hợp khởi phát chuyển cấp rất đột ngột với những triệu chứng thiếu máu, xuất huyết, nhiễm trùng. Đặc biệt hơn, người bệnh giai đoạn chuyển cấp đáp ứng rất kém với hóa trị liệu chuẩn, đây là yếu tố tiên lượng rất xấu của bệnh. Nguy cơ chuyển cấp của bệnh khoảng 3-4% mỗi năm. Nếu đã sang giai đoạn cuối của bệnh, thời gian sống chỉ kéo dài từ 3 đến 6 tháng.

 

Thông tin liên hệ:
Bệnh viện Truyền máu Huyết học
Địa chỉ: 118 Hồng Bàng, Phường 12, Quận 5, TP.HCM
Điện thoại: 0908 428 858 - 848-39571342

E-mail: hemato@vnn.vn - bv.tmhh@tphcm.gov.vn

Website: http://bthh.org.vn
Mô hình truy xuất nguồn gốc sử dụng chung hệ thống NBC Trace đã được ứng dụng, triển khai cho 81 sản phẩm OCOP ở Sơn La, Sơn Dung Trà (Thái Nguyên), Cam Xã Đoài – Cam Vinh (Nghệ An), nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang)…

Ngày 18/8/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM phối hợp với Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia tổ chức lớp tập huấn Ứng dụng mô hình truy xuất nguồn gốc theo TCVN.

Trong khuôn khổ lớp tập huấn, các học viên đã được giới thiệu và hướng dẫn về mô hình truy xuất nguồn gốc sử dụng chung hệ thống NBC Trace. Theo báo cáo viên, hệ thống NBC Trace phù hợp Tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc Quốc tế GS1 và Tiêu chuẩn, Quy chuẩn truy xuất nguồn gốc Quốc gia, phù hợp với mọi đối tượng trong chuỗi cung ứng sản phẩm – hàng hóa từ hộ kinh doanh đến doanh nghiệp. Hệ thống có khả năng tùy biến linh động, cho phép người dùng tự xây dựng quy trình riêng cho từng loại sản phẩm. Đồng thời, hệ thống cũng có khả năng tích hợp với hệ thống quản lý thông tin mã số, mã vạch sản phẩm, tham gia liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm – hàng hóa. Mặt khác, người dùng có thể chủ động quản lý, thiết kế, in, kích hoạt tem truy xuất nguồn gốc.

truyxuatnguongoc.jpg

Hiện nay, mô hình truy xuất nguồn gốc sử dụng chung hệ thống NBC Trace đã được ứng dụng, triển khai cho 81 sản phẩm OCOP ở Sơn La, Sơn Dung Trà (Thái Nguyên), Cam Xã Đoài – Cam Vinh (Nghệ An), nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang)…

Tại lớp tập huấn, các học viên còn được hướng dẫn quy trình 5 bước đăng ký để sử dụng hệ thống NBC Trace, từ đó có thêm giải pháp số hóa và minh bạch thông tin sản phẩm, khẳng định thương hiệu và xây dựng niềm tin với khách hàng.

Theo bà Võ Đình Liên Ngọc – Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lượng Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM), trong năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM có kế hoạch tổ chức 6 lớp tập huấn về truy xuất nguồn gốc, tập trung phổ biến các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm hàng hoá được ban hành theo Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn TPHCM theo Quyết định 1383/QĐ-UBND, tập trung vào các nhóm hàng hoá nông nghiệp, thực phẩm. Sau tập huấn, doanh nghiệp có thể nắm bắt những quy định về tiêu chuẩn quốc gia trong truy xuất nguồn gốc, cụ thể là 23 tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc đã được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành. Đồng thời, có thể áp dụng để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm - hàng hoá được sản xuất - kinh doanh tại từng doanh nghiệp.

Được biết, hiện Cổng Thông tin Truy xuất nguồn gốc quốc gia đang đưa vào thử nghiệm, dự kiến vận hành chính thức vào cuối năm. Việc vận hành Cổng Thông tin Truy xuất nguồn gốc quốc gia cũng sẽ góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp có định hướng trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, triển khai cách thức thực hiện. Cổng Thông tin Truy xuất nguồn gốc quốc gia còn là nơi hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể xuất khẩu sản phẩm - hàng hóa ra thị trường quốc tế.

Hoàng Kim (CESTI)

Các chế phẩm phân bón lá sinh học được điều chế từ các quy trình chiết xuất quy mô công nghiệp sử dụng enzym sinh học thân thiện với môi trường, khả năng tận thu các chất cao, qua đó còn hạn chế được nguồn phế phẩm nông nghiệp như vỏ trứng và vỏ đầu tôm xả thải ra môi trường.

Đối với ngành sản xuất sản phẩm nông nghiệp hiện nay, nguồn rác thải như vỏ trứng gia cầm (gà, vịt) và vỏ đầu tôm bị thải bỏ với số lượng rất lớn, cũng như chi phí xử lý khá tốn kém. Với thành phần chính là muối canxi, vỏ trứng là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho cây trồng, nhưng trước nay chỉ thường được sử dụng ở dạng nghiền vỏ trứng thành bột để bón cho cây trồng nên hiệu quả kinh tế sử dụng còn rất thấp. Trong khi đó, canxi (Ca) là nguyên tố dinh dưỡng thiết yếu của cây trồng, về mặt sinh lý dinh dưỡng canxi tham gia chủ yếu vào cấu tạo tế bào, làm tăng tính chịu độc nhôm, mangan và natri của cây (canxi kết tủa pectic tạo thành pectat canxi, thành phần quan trọng của vách tế bào, giữ cho thành tế bào được vững chắc). Canxi duy trì cân bằng anion-cation trong tế bào, do vậy, canxi được xem là yếu tố chống độc cho cây. Cây trồng hấp thu Ca được nhanh và hiệu quả là ở dạng ion Ca2+. Vì thế canxi chiết xuất từ vỏ trứng là rất phù hợp cho sự hấp thu của cây trồng.

Mặt khác, ở một hướng tiếp cận khác, ngành chế biến tôm (để xuất khẩu hay phục vụ các nhà hàng, quán ăn…) tạo ra một lượng lớn chất thải như vỏ đầu tôm, cũng đòi hỏi phải được xử lý tốt để tránh gây ô nhiễm môi trường. Điều quan trọng là thành phần vỏ đầu tôm chứa khoảng 25-35% protein, 30% chitin, có nhiều tiềm năng để tận thu.

Rõ ràng, vỏ trứng và vỏ đầu tôm được xem là phế phẩm nông nghiệp, nên việc tận dụng nguồn phế phẩm này không chỉ là vấn đề quan trọng trong bảo vệ môi trường, mà còn gắn chặt phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nâng cao chuỗi giá trị của sản xuất nông nghiệp. Đây là hướng đi phù hợp với định hướng phát triển rau an toàn, rau hữu cơ trong giai đoạn hiện nay, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Vì vậy, nhóm các nhà khoa học đang công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa) đã triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu quy trình chiết xuất canxi từ vỏ trứng; oligochitosan, axit amin từ vỏ đầu tôm, phối chế làm phân bón lá sinh học” nhằm tạo ra chế phẩm sinh học sử dụng trong canh tác nông nghiệp.

NV-35-H1.jpg

Các chế phẩm phân bón lá sinh học

Theo lời TS. Lâm Văn Hà (chủ nhiệm nhiệm vụ), canxi được chiết xuất từ vỏ trứng ở dạng lỏng (ion Ca) có thể dùng để phối chế với một số hợp chất sinh học khác như chitosan, axit amin để tạo ra các phức chất sinh học nhằm tăng cường vai trò của các đơn chất trong tổ hợp phức chất để ứng dụng trong canh tác nông nghiệp, đặc biệt là trong công tác phòng trừ dịch hại cũng như cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, vì nguyên tố canxi vừa là chất dinh dưỡng đồng thời vừa có chức năng làm tăng tính chống chịu của cây trồng. Nhóm thực hiện cũng ứng dụng phương pháp thuỷ phân protein và khử chitin thu hồi axit amin và chitosan từ vỏ đầu tôm để ứng dụng vào làm phân bón.

Chitosan được sử dụng như chất kích thích tăng trưởng đồng thời có tác dụng như một hoạt chất bảo vệ thực vật. Oligochitosan có thể đi qua màng tế bào và phá vỡ tế bào vi sinh vật, từ đó hạn chế ảnh hưởng của mầm bệnh cũng như giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Axit amin là thành phần cấu trúc nên tế bào, cơ thể, tham gia tạo nên kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh. Phối hợp chitosan và axit amin có thể tác động đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, tăng sức đề kháng, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đặc biệt là trên các loại rau ăn lá như rau cải ngọt, cải thìa và một số loại hoa kiểng thường dùng để chưng trong nhà như hoa lan.

NV-35-H2.jpg

Báo cáo nghiệm thu tại Sở KHCN TP.HCM

Theo đó, nhóm thực hiện đã triển khai tiến hành những nội dung như chiết xuất Ca2+ (ion Ca) từ vỏ trứng gia cầm, chiết xuất chitosan và thu hồi axit amin từ vỏ đầu tôm thông qua gia nhiệt cùng với xúc tác enzym sinh học và thực hiện điều chế Oligochitosan. Từ đó, nhóm thực hiện phối chế dịch chiết xuất canxi từ vỏ trứng gia cầm với Oligochitosan và axit amin từ vỏ đầu tôm, tạo ra được 2 chế phẩm phân bón lá sinh học có chất lượng cao chuyên dùng cho cây rau và hoa kiểng.

Cụ thể, nhóm thực hiện đã hoàn thiện quy trình chiết xuất canxi từ vỏ trứng gia cầm, từ 1kg vỏ trứng thu hồi được 2.000-3.000 ml dịch (Ca dao động từ 12-13%). Cùng với đó là quy trình chiết xuất axit amin từ vỏ đầu tôm, từ 1kg vỏ đầu tôm chiết xuất được 825,83 ml dịch với nồng độ axit amin là 8,77%. Hiệu quả thu hồi chitosan từ chitin của vỏ đầu tôm đạt 7,63% (1kg vỏ đầu tôm thu 76,3g chitosan). Nhóm cũng hoàn thiện quy trình điều chế Oligochitosan từ bột chitosan với kích thước hạt đồng nhất 20nm.

NV-35-H3.jpg

Chiết xuất canxi từ vỏ trứng gia cầm

NV-35-H4.jpg

Chiết xuất axit amin từ vỏ đầu tôm

Dựa trên đặc điểm về yếu tố giống của đa số các loại rau ăn lá là có thời gian sinh trưởng ngắn, hấp thu nhiều dinh dưỡng (đặc biệt là dinh dưỡng đạm), nhóm triển khai nhiệm vụ đã phối chế công thức phân bón lá sinh học Ca-Oligochitosan-Amin-TE chuyên dùng cho cây rau ăn lá, chứa các đa trung vi lượng ở dạng sinh học được chiết xuất từ vỏ trứng gia cầm và vỏ đầu tôm giàu axit amin, canxi và các chất vi lượng ở dạng dễ tiêu, nhằm cung cấp cân đối dinh dưỡng cho cây. Qua đó, bổ sung đạm từ nguồn sinh học giúp cây hấp thu ngay và chuyển hóa nhanh, giúp cây rau sinh trưởng khỏe mạnh, phát triển tốt, đối kháng tốt với những điều kiện bất lợi của môi trường và cho năng suất chất lượng sản phẩm tốt; đồng thời hạn chế tình trạng tồn dư Nitrat (do sử dụng đạm hóa học như NH4+ hay NO3- trong thời gian sinh trưởng ngắn) ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, đồng thời không cần sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật (vốn sẽ phải có thời gian cách ly dài - khiến rau già).

NV-35-H5.jpg

Mô hình sử dụng phân Ca-Oligochitosan-Amin-TE trên rau cải ngọt và cải thìa

Kết quả thử nghiệm phân bón lá sinh học Ca-Oligochitosan-Amin-TE chuyên dùng cho cây rau ăn lá trên cây cải ngọt và cải thìa (trồng tại huyện Củ Chi - TP.HCM và tỉnh Bình Dương): đối với cây cải ngọt liều lượng phun 2 ml/lít nước, phun 400 lít nước phân đã pha/ha, định kỳ 7 ngày phun 1 lần và phun 3 lần/vụ đã thu được năng suất cao nhất (41,8 tấn/ha) tăng 29,01% so với nghiệm thức đối chứng (32,4 tấn/ha). Đối với cây cải thìa, liều phun là 2,5 ml/lít nước đạt 44,7 tấn/ha (19,2%) so với đối chứng 38,6 tấn/ha, đồng thời thể hiện rõ giúp gia tăng chiều cao cây, số lá, tăng năng suất, giảm sự gây hại của bệnh thối nhũn, nâng cao chất lượng cảm quan cho rau cải thìa.

NV-35-H6.jpg

Chiều dài lá cải ngọt ở các nghiệm thức sử dụng phân bón lá sinh học Ca-Oligochitosan-Amin-TE chuyên dùng cho cây rau ăn lá

Dựa trên đặc điểm về yếu tố giống của đa số các loại hoa lan có thời gian sinh trưởng dài ngày nên dễ bị dịch bệnh từ các khuẩn và vi nấm tấn công, nhóm thực hiện đã điều chế phân bón lá sinh học Ca-Oligochitosan-Amin-TE để bổ sung đạm từ nguồn sinh học, tăng cường canxi và các chất đối kháng sinh học như chitosan để cây khỏe mạnh, có thể đối kháng với nấm bệnh và tăng chất lượng hoa.
Loại phân bón này đã được thử nghiệm trên cây hoa lan Dendrobium pink happy 5 tháng tuổi (trồng tại huyện Củ Chi - TP.HCM) với liều lượng phun 1/500 (1 lít phân pha cho 500 lít nước) và 1ha phun với lượng 400 lít phân đã pha, thời gian 7 ngày phun 1 lần, có tác dụng tốt đến sự phát sinh số giả hành trên chậu, số lá trên giả hành, đường kính cũng như chiều dài giả hành.
Còn trên cây hoa lan Dendrobium pink happy 10 tháng tuổi, kết quả thử nghiệm cho thấy phân bón tác dụng tốt đến sự phát sinh số giả hành trên chậu, số lá/giả hành, đường kính cũng như chiều dài giả hành, số phát hoa, chiều dài phát hoa, số hoa, đường kính hoa và độ bền của hoa. Đối với chỉ số bệnh và tỷ lệ bệnh đốm lá trên cây thì khi phun phân bón lá sinh học Ca-Oligochitosan-Amin-TE với liều lượng 1/400 (1 lít phân pha cho 400 lít nước) thì đều giảm được bệnh đốm lá trên cây hoa lan Dendrobium pink happy 5 và 10 tháng tuổi.

TS. Lâm Văn Hà cho biết thêm, quy trình chiết xuất canxi từ vỏ trứng gia cầm quy mô công nghiệp có thể thu hồi được trên 60% lượng canxi cacbonat trong vỏ trứng gia cầm. Hơn thế, quy trình chiết xuất axit amin từ vỏ đầu tôm bằng công nghệ dùng enzym sinh học từ vỏ dứa (là quy trình chiết xuất xanh sử dụng dung môi thân thiện với môi trường), thu hồi được khoảng 95% lượng protein dư thừa trong quá trình chế biến tôm. Nhờ vậy, các quy trình giúp tận thu rất nhiều vỏ trứng gia cầm và vỏ đầu tôm, qua đó hạn chế được nguồn phế phẩm nông nghiệp xả thải ra môi trường.
Từ việc tái sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp (vỏ trứng gia cầm và vỏ đầu tôm) trong chế biến thực phẩm, nhóm thực hiện đã tạo ra các sản phẩm thứ cấp là các chế phẩm phân bón lá phục vụ ngành trồng trọt, vừa giúp tăng sản lượng cây trồng vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người nông dân.
Nhóm thực hiện cũng chủ động kiến nghị Sở KH&CN TP.HCM tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu để tận dụng nguồn Ca2+ chiết xuất được trong việc sử dụng làm phân bón cho cây trồng, tiếp tục thử nghiệm phân bón lá sinh học Ca-Oligochitosan-Amin-TE trên những đối tượng cây trồng khác, đồng thời xem xét phổ biến quy trình sử dụng phân bón lá sinh học Ca-Oligochitosan-Amin-TE chuyên dùng cho cây hoa kiểng và rau ăn lá trên địa bàn TP.HCM và một số vùng, địa phương phụ cận.
Tựu trung, kết quả của nhiệm vụ khoa học - công nghệ mà TS. Lâm Văn Hà và Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa) vừa đạt được đã mở ra hướng tiếp cận mới nhiều tiềm năng để tận dụng phế phẩm sẵn có trong sản xuất nông nghiệp cũng như chế biến thủy sản, từ đó tạo ra phân bón sinh học có hiệu quả cao cho một số loại cây trồng, thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp tuần hoàn và kinh tế nông nghiệp hiện đại, gắn liền với bảo vệ môi trường và sức khỏe cho cộng đồng.

Thông tin liên hệ:
Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam
Địa chỉ: Số 12 đường Võ Văn Kiệt, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP.HCM
Điện thoại: (028) 39143675

E-mail: trungtamdatphan@gmail.com

Website: https://www.trungtamdatphan.com

 

 

 

 

Hai bên thống nhất sẽ phối hợp triển khai thực hiện một số dịch vụ đổi mới sáng tạo, phát triển thương hiệu, nâng cao năng suất chất lượng, kết nối chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp trong tỉnh và các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 22/8/2023, tại Bến Tre, đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã có buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre về việc phối hợp triển khai một số nội dung về vận hành và phát triển Không gian Thương hiệu Bến Tre, kết nối với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long để triển khai xúc tiến chuyển giao công nghệ.

bentre1.jpg

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trương Trịnh Trường Vinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre khẳng định Không gian Thương hiệu Bến Tre là một kênh chứng nhận giá trị của sản phẩm, hỗ trợ truyền thông - quảng bá, tạo niềm tin cho khách hàng trong nước và quốc tế khi tìm đến những sản phẩm ở Bến Tre. Không gian Thương hiệu Bến Tre mang sứ mệnh xây dựng và phát triển thương hiệu hỗ trợ cho các nhãn hiệu đã được chứng nhận, làm đầu mối phát triển thị trường cho các thương hiệu tham gia các chương trình - hoạt động trong và ngoài tỉnh, quảng bá hình ảnh con người - quê hương Bến Tre.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, bà Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cùng các thành viên trong đoàn công tác đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu của các sản phẩm – giải pháp, kinh nghiệm triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực môi trường, năng lượng xanh và nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, cách thức phối hợp các tổ chức – đơn vị trong phát triển thị trường công nghệ, tạo điều kiện cho sản phẩm - kết quả từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ được góp mặt trên sàn giao dịch công nghệ, kệ siêu thị… để đi vào thực tiễn phục vụ đời sống người dân.

bentre2.jpg

Hai bên thống nhất sẽ phối hợp triển khai thực hiện một số dịch vụ đổi mới sáng tạo, phát triển thương hiệu, nâng cao năng suất chất lượng cho tổ chức, cá nhân trong tỉnh, triển khai thiết lập tổ chức hội thảo trình diễn công nghệ, hội thảo kết nối chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp trong tỉnh và các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, tăng cường xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ, thiết lập sàn giao dịch công nghệ tỉnh Bến Tre, kết nối hoạt động Chợ công nghệ - thiết bị và kết nối cung cầu công nghệ giữa TPHCM và Bến Tre.

Hoàng Kim (CESTI)

Chiều 16/8, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Nghị quyết "Quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP.HCM".

Theo ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), Quốc hội đã phê duyệt Nghị quyết số 98/NQ-QH15 ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Trong đó, tại điểm d, khoản 1, điều 8 của Nghị quyết này quy định "Khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố được thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo".

Căn cứ Quyết định số 2856/QĐ-UBND ngày 11/7/2023 của Ủy ban Nhân dân TP.HCM về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15, Sở KH&CN phối hợp cùng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM và Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) xây dựng dự thảo Nghị quyết "Quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP.HCM".

14HDKHLVtoadamduthaocochesandboxh9.jpg

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại buổi tọa đàm

Dự thảo quy định 2 nhóm lĩnh vực công nghệ tham gia thử nghiệm có kiểm soát. Nhóm 1 gồm ba sản phẩm/giải pháp là công nghệ không dây LoraWAN, Wifi Halow; xe điện không người lái; các giải pháp công nghệ số có sử dụng drone. Nhóm 2 có chín lĩnh vực công nghệ được đề xuất cho phép thử nghiệm gồm: trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, IoT, thực tế ảo, robot tự hành, vi mạch, in 3D, công nghệ sinh học (trừ sản phẩm thử nghiệm trên người). 

Trong khuôn khổ tọa đàm này, Sở mong muốn tham vấn ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết cho phép một số đơn vị, doanh nghiệp của Thành phố thử nghiệm một số giải pháp công nghệ theo chính sách (cơ chế sandbox). Các nội dung góp ý trao đổi tại tọa đàm tập trung vào 2 vấn đề chính là thiết kế mô hình/khung cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sao cho hiệu quả và quy định về các đơn vị/tổ chức tham gia cơ chế sandbox. Sở sẽ hoàn chỉnh lại dự thảo để trình UBND Thành phố ban hành nhằm cụ thể hóa nội dung cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới theo Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Tại buổi tọa đàm, bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng (Phó trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN TP.HCM) cho biết, về điều kiện và tiêu chí tham gia sandbox, nội dung dự thảo có nêu các giải pháp công nghệ mới là các giải pháp mà nội dung kỹ thuật và nghiệp vụ hoàn toàn chưa được quy định tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, hoặc đã được quy định nhưng có thể cắt giảm thủ tục cấp phép trong phạm vi thử nghiệm. Bên cạnh đó, giải pháp được thử nghiệm phải thiết kế, xây dựng khung quản lý rủi ro, hạn chế tác động tiêu cực cho xã hội; doanh nghiệp phải xây dựng phương án hợp lý về xử lý, khắc phục các vấn đề xảy ra trong quá trình thử nghiệm một cách phù hợp. Kế hoạch thử nghiệm công nghệ phải có tính khả thi, thông tin minh bạch, đầy đủ về giải pháp thử nghiệm, có thể cung ứng ra thị trường sau khi hoàn thành thử nghiệm. Đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho TP.HCM.

14HDKHLVtoadamduthaocochesandboxh2.jpg

Tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường, viện, sở ban ngành, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM 

Về chính sách hỗ trợ, TP.HCM sẽ hỗ trợ mặt bằng, cơ sở hạ tầng trong khu công nghệ cao, khu thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo của Thành phố có mục đích sử dụng phù hợp để phục vụ việc thử nghiệm giải pháp. Doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm được hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí từ ngân sách. Các đơn vị tham gia cũng sẽ được hỗ trợ về mặt pháp lý: miễn xin phép trong trường hợp sản phẩm thử nghiệm sử dụng các công nghệ được quy định tại Nghị quyết cần có các loại giấy phép trong thẩm quyền của UBND Thành phố. Các giấy phép ngoài thẩm quyền, Thành phố sẽ xin ý kiến các bộ ngành có liên quan để quyết định cho phép thử nghiệm.

Góp ý dự thảo, PGS.TS Võ Trí Hảo (nguyên Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, sandbox nhìn ở góc độ pháp lý khi có một mô hình công nghệ mới có thể xảy ra một số rủi ro về an ninh quốc phòng, kinh tế tài chính, quản trị quốc gia, đạo đức… Do đó, việc tạo ra sandbox cần mô tả các rủi ro và đưa ra biện pháp kiểm soát rủi ro nhằm đảm bảo khi nhà nước cho doanh nghiệp thí điểm thì các mối nguy hiểm hay rủi ro có thể được kiểm soát. Sandbox được hiểu là một chiếc "hộp" có thể khoanh vùng phạm vi ảnh hưởng, tác động của công nghệ, sản phẩm thử nghiệm chỉ diễn ra trong "hộp" đó, sau thời gian thí điểm tốt có thể điều chỉnh, mở rộng lan tỏa mô hình công nghệ mới. Với cơ chế sandbox, Thành phố nên đưa ra một khung chương trình, sau đó ủy quyền cho hội đồng khoa học (gồm các chuyên gia) đánh giá thẩm định theo từng lĩnh vực, đề án cụ thể. Doanh nghiệp tham gia cần mô tả tính hiệu quả công nghệ, kết quả đầu ra công nghệ, các rủi ro và cam kết không ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội, đồng thời xây dựng cơ chế kích hoạt để xử lý các yếu tố rủi ro này. Ngoài ra, cần mô tả rõ các hiệu ứng lan tỏa, kết quả, lợi ích xã hội nhận được từ công nghệ tham gia sandbox.

14HDKHLVtoadamduthaocochesandboxh5.jpg

Các ý kiến tại tọa đàm cũng cho rằng, nên có một khung đánh giá, thẩm định các sản phẩm, giải pháp công nghệ tham gia sandbox. Để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia sandbox, cần thiết kế thêm cơ chế mở rộng ứng dụng, kinh doanh cho các sản phẩm, giải pháp ở giai đoạn tiếp theo. Trước mắt có thể áp dụng cơ chế thử nghiệm cho 1 – 2 sản phẩm cụ thể (như máy bay không người lái) với các chương trình hỗ trợ khung pháp lý, bản quyền phần mềm, giấy phép,… để khuyến khích các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp hay startup mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển sản phẩm công nghệ.

Lam Vân (CESTI)

Nhằm tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia về nội dung chi tiết triển khai các chính sách về Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo trong Nghị quyết số 98, cụ thể đối với 02 nhóm chính sách miễn thuế và hỗ trợ kinh phí không hoàn lại. Đồng thời, lắng nghe hiến kế về phương thức tổ chức Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp năm 2023 để cải thiện trong các khâu tổ chức và phù hợp với nhu cầu của cộng đồng.

1682023TD.jpg

Tọa đàm đã thu hút được hơn 150 đại biểu là đại diện các thành phần trong Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Thành phố cùng tham dự

Chiều ngày 15/8/2023, tại Hội trường Saigon Innovation Hub (273 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM) đã diễn ra Tọa đàm "Tham vấn ý kiến cộng đồng Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo về Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM (WHISE) và các chính sách hỗ trợ Đổi mới Sáng tạo năm 2023”, chương trình do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức. Tham dự chương trình về phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở; TS. Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở cùng đại diện Lãnh đạo các phòng chuyên môn và đơn vị trực thuộc Sở. Về phía các Sở ban ngành Thành phố có ông Lê Quốc Cường - Phó Trưởng ban Ban Quản lý khu Công nghiệp cao TP.HCM; ông Trần Trúc Cương - đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM; ông Nguyễn Đức Bình - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI. Về phía các chuyên gia trong Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Thành phố có ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch Công ty Tập đoàn Green+; ông Nguyễn Việt Đức - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Khởi nghiệp Sáng tao Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Quản lý cấp cao, Phát triển Kinh doanh tại Qualcomm Việt Nam; ông Phạm Đình Anh Khôi - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ, trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM; ông Lưu Danh Anh Vũ - Giám đốc Kinh doanh và Đối tác HCL Software; bà Nguyễn Thị Diệu Hằng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp BSSC; bà Vương Thị Hồng Loan - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cùng hơn 150 đại biểu là đại diện các thành phần trong Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Thành phố gồm các Sở ban ngành, Uỷ ban nhân dân quận huyện và TP. Thủ Đức, các trường viện, các trung tâm ươm tạo, trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo, các chuyên gia, quỹ đầu tư trên địa bàn Thành phố.

1682023TD1.jpg

TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho rằng, năm 2023 là năm đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc định hướng chiến lược phát triển Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo của TP.HCM khi được Quốc Hội phê duyệt Nghị quyết số 98/NQ-QH15 ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Theo đó, tại Điều 8 của Nghị quyết này Quốc hội đã phê chuẩn hàng loạt các chính sách đặc thù trong lĩnh vực Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo, cho phép Thành phố thí điểm các chính sách ưu đãi cho các thành phần chủ chốt của Hệ sinh thái Khởi nghiệp Sáng tạo. Các chính sách này thể hiện sự quyết tâm của Quốc hội, của Lãnh đạo Thành phố nhằm tạo điều kiện tối đa cho TP.HCM phát triển hoạt động Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, nhất là khi các nội dung, ý tưởng này gần giống với các chính sách về Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo của các nước trong khu vực.

“Các cơ chế, chính sách đặc thù về Đổi mới Sáng tạo này chỉ có thời hạn trong 5 năm, nên chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện để mang lại hiệu quả cao nhất cho các doanh nghiệp, vườn ươm, cho hoạt động Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo của Thành phố. Trong đó, cần lưu ý 2 nhóm chính sách về miễn thuế và hỗ trợ kinh phí không hoàn lại trong Nghị quyết số 98 về chính sách đặc thù của TP.HCM về Đổi mới Sáng tạo. Chúng tôi vẫn quan niệm, chính sách của nhà nước là để kiến tạo, là cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ sao cho tốt, để cộng đồng có thể thụ hưởng được. Còn chính sách về tài chính hỗ trợ của nhà nước thường là để khích lệ tinh thần là chính… Tuy nhiên, thông qua các chính sách hỗ trợ này, đối với các dự án tiềm năng, tôi tin chắc rằng sẽ có sự tham gia đầu tư vào của khu vực tư nhân”, TS. Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.

1682023TD2.jpg

ThS. Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM thông tin về các chính sách về Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo trong Nghị quyết số 98, cụ thể đối với 02 nhóm chính sách miễn thuế và hỗ trợ kinh phí không hoàn lại

Tại Tọa đàm, ThS. Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng đã có phần trình bày khái quát về Điều 8 của Nghị quyết 98, nhất là Khoản 1 quy định việc hỗ trợ hoạt động Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố.

Cụ thể, đối với nhóm chính sách miễn thuế được quy định tại Điểm a, b Khoản 1, Điều 8 sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bàn Thành phố. Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp của các cá nhân, tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố.

Đối với nhóm chính sách hỗ trợ kinh phí không hoàn lại (quy định tại Điểm đ, khoản 1, Điều 8) sẽ được hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo bao gồm: chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án; chi phí thuê chuyên gia; tiền công lao động trực tiếp; dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung.

“Chúng tôi muốn nhận được góp ý của các chuyên gia, của cộng đồng về các lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo bao gồm: Lĩnh vực Thương mại điện tử; Công nghệ tài chính; Logistic; Công nghệ giáo dục; Y tế và chăm sóc sức khỏe; Nông nghiệp công nghệ cao; Phát triển bền vững; Chuyển đổi số; lĩnh vực An ninh mạng. Đối với nhóm chính sách miễn thuế gồm: Doanh nghiệp Khởi nghiệp sáng tạo; Tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể, trong việc Cấp Giấy chứng nhận; Điều kiện Cấp Giấy chứng nhận; Điều kiện Cấp thay đổi nội dung, cấp lại Giấy chứng nhận; Điều kiện Thu hồi Giấy chứng nhận; Điều kiện hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận; Điều kiện được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; Điều kiện được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố. Đối với nhóm Chính sách hỗ trợ không hoàn lại gồm: Cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo thuộc các lĩnh vực ưu tiên của TP.HCM; Tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trường Đại học, Viện nghiên cứu có hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và các tổ chức khác có liên quan trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể, với 3 giai đoạn tiền ươm tạo hỗ trợ khoảng 40 triệu đồng/dự án, ươm tạo khoảng 80 triệu đồng/dự án, tăng tốc khoảng 400 triệu đồng/ dự án”, ThS. Phan Thị Quý Trúc thông tin.

1682023TD3.jpg

TS. Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM thông tin về dự thảo Kế hoạch Tổ chức Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM năm 2023 - WHISE 2023

Cũng tại Tọa đàm, TS. Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã thông tin về dự thảo Kế hoạch Tổ chức Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM năm 2023 - WHISE 2023.

Cụ thể, WHISE 2023 với chủ đề “Chuyển đổi số - động lực mới cho sự phát triển của Thành phố”, hiện đã có 19 sự kiện trong các lĩnh vực Khởi nghiệp, Đổi mới Sáng tạo dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 09/10 - 14/10/2023. Trong đó, 2 ngày từ ngày 13 - 14/10 sẽ diễn ra các sự kiện trọng tâm và Triễn lãm tập trung tại Trung tâm Sự kiện và Triển lãm White Palace Phạm Văn Đồng như Ra mắt nền tảng trực tuyến thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo tại TP.HCM H.OIP; Tổng kết Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp - WHISE và Trao Giải thưởng Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp - I-Star 2023…

“WHISE là một trong những sự kiện thường niên về Khoa học Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo của cộng đồng Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Thành phố, được khởi động từ năm 2017 đến nay WHISE đã trải qua 6 mùa tổ chức liên tiếp với nhiều dấu ấn được cộng đồng ghi nhận. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận lại một số hạn chế và kỳ vọng của WHISE trong thời gian qua để đổi mới hơn trong cách thức tổ chức và hiệu quả mang lại”, TS. Chu Vân Hải chia sẻ.

1682023td5.jpg

Đại biểu đặt câu hỏi và đóng góp ý kiến cho Tọa đàm

Trong khuôn khổ của Tọa đàm, các đại biểu là đại diện các thành phần trong Hệ sinh thái, các chuyên gia đã đánh giá rất cao về các chính sách đặc thù của TP.HCM về Đổi mới Sáng tạo được Quốc hội phê duyệt trên cơ sở Nghị quyết số 98/NQ-QH15 cho đây là động lực lớn để các tổ chức, cá nhân, các đơn vị, doanh nghiệp đã và đang hoạt động khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo trên địa bàn Thành phố phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn. Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, về phương án tổ chức Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp năm 2023 cần được thông qua sớm, để có sự hỗ trợ truyền thông tốt hơn. Đồng thời, Ban tổ chức của các sự kiện cũng nên có sự kết nối với nhau nhiều hơn để thu hút được sự tham dự của nhiều nhóm thành phần trong hệ sinh thái.

Nhật Linh (CESTI)

Đây là những nội dung chính, quan trọng của lớp tập huấn cho các cán bộ, công chức thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn Thành phố vừa được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức.

1082023kh.jpg

Lớp tập huấn đã thu hút được hơn 60 học viên tới từ các đơn vị trực thuộc Công an TP.HCM, Cục Quản lý thị trường TP.HCM và Cục Hải quan TP.HCM cùng tham dự

Ngày 10/8/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức lớp tập huấn "Khai thác thông tin sở hữu công nghiệp trong đánh giá xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và những vấn đề thực tiễn cần lưu ý trong giám định, xử lý tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp" cho đối tượng là các cán bộ, công chức thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn TP.HCM. Lớp tập huấn đã thu hút được hơn 60 học viên tới từ các đơn vị trực thuộc Công an Thành phố, Cục Quản lý thị trường Thành phố và Cục Hải quan Thành phố.

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Nhung - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ, trong thời gian vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã nhận được rất nhiều đề nghị cung cấp thông tin, góp ý kiến chuyên môn về sở hữu trí tuệ và hướng dẫn thủ tục giám định sở hữu công nghiệp của các cơ quan thực thi bảo vệ quyền như Công an, Hải quan, Quản lý thị trường... để phục vụ công tác ngành.

"Về phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, sau khi nhận được đề nghị, chúng tôi cũng đã rất tích cực phối hợp, trao đổi thông tin và hỗ trợ các đơn vị. Tuy nhiên, để hoạt động thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn Thành phố được tốt hơn thì ngày hôm nay chúng tôi cũng đã mời về đây các chuyên gia đến từ Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ để thông tin, hướng dẫn cũng như chia sẻ những kinh nghiệm... qua đó, chúng ta sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn, có thể nắm bắt được các cách thức, phương pháp và áp dụng được kiến thức của lớp học này vào hoạt động công vụ. Chúng tôi cũng mong muốn rằng, thông qua lớp học này, các đồng chí sẽ thẳng thắn trao đổi những khó khăn, vướng mắc của mình và đơn vị của mình có thể đang gặp phải trong quá trình thực thi nhiệm vụ để cùng góp ý tháo gỡ...", ThS. Nguyễn Thị Ngọc Nhung nói.

1082023kh1.jpg

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Nhung - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu khai mạc lớp tập huấn

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Nhung, cho biết thêm, lớp tập huấn được tổ chức cũng nhằm triển khai Kế hoạch Chiến lược sở hữu trí tuệ và Phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030 theo Quyết định số 266/QĐ-UBND ngày 19/01/2023 của Uỷ ban nhân dân Thành phố. Cũng như, tranh bị kiến thức, kỹ năng tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp cho các cán bộ thực thi bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp phục vụ công tác phân tích, đánh giá hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn về sử dụng dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp để xử lý tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

"Trong Quyết định số 266, Sở Khoa học và Công nghệ có 2 nhiệm vụ rất là quan trọng đó là huấn luyện để nâng cao năng lực thực thi cho cán bộ, công chức, các cơ quan thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Cũng như, tìm kiếm, cung cấp các giải pháp và công nghệ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm quyền... do đó, nếu trong quá trình thực thi nhiệm vụ các đơn vị gặp khó khăn hay cần các công cụ, giải pháp thì liên hệ Sở hoặc đặt hàng cho Sở để đi tìm kiếm, nghiên cứu và chuyển giao để mình ứng dụng vào công việc tốt hơn", ThS. Nguyễn Thị Ngọc Nhung chia sẻ.

Tại lớp tập huấn, ThS. Bùi Tiến Quyết - Trưởng phòng Phòng Đào tạo thông tin, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giới thiệu cho các học viên những nội dung quan trọng về thông tin sở hữu công nghiệp và các công cụ khai thác thông tin sở hữu công nghiệp. Cũng như, hướng dẫn tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp nhằm đánh giá tình trạng bảo hộ, mức độ tương tự hoặc khả năng xung đột quyền đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hỗ trợ phục vụ công tác phân tích, đánh giá hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cho các cơ quan thực thi công vụ. 

Cụ thể, đối với thông tin sở hữu công nghiệp là thông tin về các đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý... chúng bao gồm, thông tin về đơn đăng ký của các đối tượng sở hữu công nghiệp là người nộp đơn, tác giả, số đơn và ngày nộp đơn, đối tượng sở hữu công nghiệp xin đăng ký bảo hộ quyền ưu tiên...; thông tin về xử lý đơn đăng ký là các thông báo, quyết định về thẩm định, công bố đơn, cấp, từ chối cấp văn bằng bảo hộ; thông tin về văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp là chủ văn bằng, số văn bằng, ngày cấp, đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ, yêu cầu hoặc phạm vi bảo hộ chử đối tượng sở hữu công nghiệp, thông tin về việc chuyển nhượng, li xăng quyền sở hữu công nghiệp... Đặc điểm của thông tin sở hữu công nghiệp là công cụ giúp vận hành toàn bộ hệ thống bảo hộ sở hữu công nghiệp đạt mục tiêu của hệ thống này và là nguồn lực của chu trình sở hữu trí tuệ, từ khi tạo dựng, phát triển tài sản trí tuệ đến khi xác lập quyền, bảo vệ quyển và thương mại hóa tài sản trí tuệ. Đặc biệt là một trong ba trụ cột của khởi nghiệp sáng tạo cũng như là kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Còn đối với các chủ thể khai thác thông tin sở hữu công nghiệp là các cơ quan quản lý nhà nước; cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp; doanh nghiệp bao gồm các viện nghiên cứu, trường đại học; các tổ chức trung gian như đại diện sở hữu công nghiệp, tư vấn, giám định, định giá...; các hiệp hội, hội nghề nghiệp; các tổ chức, cá nhân khác. 

1082023kh2.jpg

ThS. Bùi Tiến Quyết - Trưởng phòng Phòng Đào tạo thông tin, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ các nội dung về thông tin sở hữu công nghiệp, các công cụ khai thác thông tin và hướng dẫn cách tra cứu thông tin 

Dựa trên đó, sẽ có các công cụ khai thác thông tin sở hữu công nghiệp như các cơ sở dữ liệu thông tin; các bảng phân loại quốc tế về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu; các đĩa quang; công báo sở hữu công nghiệp; sổ đăng bạ quốc gia; cơ sở dữ liệu thông tin về sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ như IPLib, DigiPat, WIPO PUBLISH; nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ như IP PLATFORM; cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO như PatentScope, Global Design Database, Global Brand Database; cơ sở dữ liệu của quốc gia, khu vực trên thế giới như cơ quan Sở hữu trí tuệ Châu Ân EUIPO, Đông Nam Á Asean, Nhật Bản JPO, Hàn Quốc, Hoa Kỳ USPTO, Trung Quốc...

1082023kh3.jpg

Các học viên chia sẻ những khó khăn, những vấn đề gặp phải trong quá trình thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với các chuyên gia đến từ Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ

Cũng tại lớp tập huấn, TS. Nguyễn Hữu Cẩn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giới thiệu các điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi liên quan đến thực thi quyền sở hữu công nghiệp như: Quyền tự bảo vệ (Điều 198); Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự (Điều 212); Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ (Điều 213); Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 214)... Đồng thời, chia sẻ, hướng dẫn về cách đánh giá yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cũng như cách thức thực hiện yêu cầu giám định sở hữu công nghiệp và sử dụng kết luận giám định nhằm giúp các cơ quan thực thi có thêm những kiến thức, kỹ năng giải quyết những khó khăn trong quá trình thực thi và những vấn đề thực tiễn cần lưu ý trong giám định, xử lý tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp.

Cụ thể, với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự theo Điều 212, cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hay ở Điều 213 về hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ có nêu, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu; hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó và việc gắn dấu hiệu này được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân không có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Riêng, việc đánh giá yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hay cách thức thực hiện yêu cầu giám định sở hữu công nghiệp và sử dụng kết luận giám định. TS. Nguyễn Hữu Cẩn cũng lưu ý.

"Kết quả giám định sở hữu trí tuệ là một trong các nguồn chứng cứ để các cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết vụ việc tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Việc giám định liên quan đến sở hữu trí tuệ không phải chỉ có giám định sở hữu trí tuệ theo Luật Sở hữu trí tuệ mà còn có hình thức giám định tư pháp", TS. Nguyễn Hữu Cẩn chia sẻ.

1082023kh4.jpg

TS. Nguyễn Hữu Cẩn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày về Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi cũng như chia sẻ, hướng dẫn cách đánh giá yếu tố xâm phạm quyền, yêu cầu giám định và sử dụng kết luận giám định

Được biết, ngoài lớp tập huấn nêu trên, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng sẽ tiếp tục tổ chức lớp tập huấn với chủ đề "Tên thương mại, nhãn hiệu và những vấn đề thực tiễn cần lưu ý trong đăng ký kinh doanh" cho Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như các đối tượng là cán bộ, công chức phụ trách cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và giải quyết tranh chấp tên thương mại của quận huyện và TP. Thủ Đức, diễn ra vào ngày 11/8/2023.

Nhật Linh (CESTI)
Trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế sẽ được áp dụng chính sách đặc thù của TP.HCM về tiền lương, thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho các đối tượng thực hiện hoạt động nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên.

Ngày 11/8/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Tọa đàm góp ý Đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế”.

So3.jpg

Mục tiêu của Đề án nhằm hỗ trợ một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập có tiềm lực trên địa bàn Thành phố phát triển trở thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế, đống góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Cụ thể, phấn đấu đến cuối năm 2025 có 2 đơn vị tiệm cận trình độ quốc tế, đến năm 2030 có 5 đơn vị tiệm cận, đạt chuẩn quốc tế. Trong đó, việc hình thành và phát triển được các nhóm nghiên cứu mạnh và Trung tâm nghiên cứu đạt trình độ quốc tế đóng vai trò then chốt trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, khẳng định vị thế về khoa học và công nghệ của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế là một trong những "đặt hàng" của Bộ Chính trị và Chính phủ cho TP.HCM. Đồng thời, việc thành lập trung tâm cũng gắn với nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển ở TP.HCM. Một số ngành trọng điểm được TP.HCM nhắm đến bao gồm công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ dữ liệu lớn, robotics, công nghệ tự động hóa, công nghệ in 3D tiên tiến, công nghệ sinh học, công nghệ tế bào gốc, công nghệ chế tạo vật liệu nano, vật liệu cho chế tạo linh kiện vi cơ điện tử và cảm biến thông minh, vật liệu bán dẫn…

Dự thảo Đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế” tập trung vào ba nội dung chính. Thứ nhất, có chính sách thu hút, giữ chân người tài thông qua ưu đãi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong các tổ chức khoa học và công nghệ công lập; ưu đãi về thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ; hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động khoa học và công nghệ. Thứ hai, phát triển nguồn lực lâu dài thông qua việc giao thực hiện những Chương trình, dự án khoa học công nghệ trung hạn dài hạn. Thứ ba, Đề án nhằm tháo gỡ những rào cản liên quan thông qua có những cơ chế tuyển sinh Chương trình, dự án khoa học và công nghệ, cơ chế tài chính liên quan thông thoáng hơn. Đề án sẽ đóng góp quan trọng vào việc nâng cao vị thế của Thành phố trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời tạo ra những đột phá trong phát triển và ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ đối với sự phát triển bền vững của Thành phố.

Tại Toạ đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã có những góp ý cụ thể xung quanh các tiêu chí phấn đấu trong quá trình xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh lên thành trung tâm xuất sắc, tiêu chí để xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh là phải phát triển được các nhóm nghiên cứu tiềm năng, các nhóm nghiên cứu này phải liên ngành và có sự giao thoa với nhau. Một vấn đề khoa học lớn cần phải liên ngành, quy tụ các nhà khoa học liên ngành, bên cạnh đó nhất là cơ chế dành cho các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài.

So2.jpg

Theo Dự thảo Đề án, trong giai đoạn 5 năm, tổ chức khoa học và công nghệ công lập phấn đấu công bố trung bình mỗi năm ít nhất 10 bài báo trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu Web of Science (Wos), Scopus, ISI; đăng ký hoặc được cấp ít nhất 5 bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, hoặc 10 bằng bảo hộ giống cây trồng; hoặc 5 bằng độc quyền đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn… Tuy nhiên, theo GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai (Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM), trong tiêu chí phấn đấu trong quá trình xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế, ở tiêu chí công bố quốc tế 10 bài báo/năm là hơi nhiều – dù các nhóm nghiên cứu ở trường đại học có thể đạt được tiêu chí này, còn còn tiêu chí 5 bằng độc quyền sáng chế thì lại là câu chuyện rất khó. Còn theo chia sẻ của GS.TS. Nguyễn Kim Lợi (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Đại học Nông Lâm TP.HCM), trong vấn đề nguồn nhân lực, hầu hết các trung tâm nghiên cứu ở các trường đại học làm nhiệm vụ đơn ngành là chính, khó có tính liên ngành. Bên cạnh đó, Trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế cũng nên dành ưu tiên cho những nhiệm vụ khoa học công nghệ có kết nối với chuyên gia nước ngoài và có sự gắn kết với doanh nghiệp để tăng được khả năng thương mại hóa.

So1.jpg

Ngoài các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đề xuất Trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế sẽ được áp dụng chính sách đặc thù của TP.HCM về tiền lương, thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cho các đối tượng thực hiện hoạt động nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên. Thành phố cũng sẽ ưu tiên đầu tư công về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo cho các tổ chức khoa học công nghệ công lập do Thành phố thành lập tham gia đề án.

Phát biểu tổng kết Tọa đàm, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết Sở sẽ tiếp tục tiếp nhận góp ý của các chuyên gia, tổ chức về Dự thảo Đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế”.

Hoàng Kim (CESTI)

Viên nang giàu flavonoid từ bưởi non vừa giải quyết bài toán phế phẩm bưởi non để tăng thu nhập về kinh tế cho nhà vườn, vừa tạo ra một sản phẩm thực sự có giá trị, hỗ trợ giải quyết một số vấn đề sức khỏe mà xã hội đang quan tâm như thừa cân, béo phì, béo bụng và cả rối loạn mỡ máu, mỡ gan.

Thực tế cho thấy, bưởi là loại cây ăn quả được trồng phổ biến ở nhiều địa phương của nước ta. Để vườn bưởi đạt hiệu quả cao, trong quá trình chăm sóc, nhà vườn thường phải loại bỏ bớt khoảng 1/3 số trái bưởi non. Bưởi non bị thải loại thường bị vứt bỏ ngay trong vườn hoặc ném dưới kênh rạch, có thể khiến đất bị chua, và ngoài ra thì bưởi non khi bị phân hủy lại tăng mầm bệnh hại cây và gây ô nhiễm trực tiếp lên môi trường sống xung quanh khu vực trồng trọt, canh tác.

Trong khi đó, theo Đông y và các bài thuốc dân gian, vỏ bưởi cũng như cùi bưởi chứa rất nhiều thành phần như flavonoid, tinh dầu và pectin có lợi cho sức khỏe, hỗ trợ điều trị thừa cân béo phì, gan nhiễm mỡ, chống oxy hóa. Bưởi non lại có tỷ lệ cùi bưởi lớn nên hàm lượng hoạt chất cao, cần được tận dụng.

Trên tinh thần đó, nhóm nhà khoa học công tác Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn (SAPHARCEN) đã triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu sản xuất viên nang giàu flavonoid hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu và giảm béo phì từ nguồn bưởi non dư phẩm” nhằm góp phần tận dụng nguồn nguyên liệu bưởi non phế phẩm, mang lại lợi ích kinh tế cho nhà nông, góp phần phát triển một sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho người dân.

NV-30-H1-final.jpg

Viên nang Pompose giàu flavonoid từ bưởi non

Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ vừa được Sở KHCN TP.HCM tổ chức, GS.TS Lê Minh Trí là chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết: các nhà khoa học SAPHARCEN thực hiện đã tiến hành phân lập và tinh chế naringin (là một flavonoid tan tốt trong nước nóng nhưng hầu như không tan trong nước lạnh, làm cho nước bưởi có vị đắng) từ bột bưởi non dựa trên độ tan, bằng cách hòa tan naringin thô trong nước nóng và kết tinh lại ở nhiệt độ lạnh, tạo thành cao bưởi non giàu flavonoid. Cao có thể chất lỏng sánh, màu nâu đồng nhất, có vị đắng và có mùi đặc trưng, không phát hiện kim loại nặng (Pb, Cd, Hg), không phát hiện dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật. Cao bưởi non giàu flavonoid sau đó được chia theo từng lọ với khối lượng 1,2 g/lọ, tương đương với 50mg naringin. Trong đó, 1mg cao bưởi non chứa 0,19mg naringin.

NV-30-H2.jpg

Cao bưởi non giàu flavonoid thành hình sau khi phân lập và tinh chế naringin

Trong quá trình tinh chế, nhóm thực hiện sử dụng thêm một ít cồn trước khi kết tinh nhằm thúc đẩy sự hình thành mạng lưới tinh thể. Ngoài ra, việc rửa với cồn lạnh sau khi lọc tủa kết tinh sẽ tránh thất thoát một lượng naringin đáng kể, đồng thời loại đi những tạp chất bám trên bề mặt tinh thể naringin. Lặp lại giai đoạn tinh chế càng nhiều lần, naringin thu được càng có độ tinh sạch cao, nhưng lượng naringin mất đi cũng càng nhiều, sẽ dẫn đến hiệu suất giảm tương ứng.

Còn trong quy trình chiết xuất flavonoid ở quy mô pilot (20 kg/lô) và quy mô công nghiệp (100 kg/lô), dung môi chiết xuất ethanol được lựa chọn để hòa tan naringin, đồng thời hạn chế bớt sự hòa tan của pectin và tạp màu nên thu được sản phẩm đồng nhất, có hiệu suất và hàm lượng naringin cao (hiệu suất phân lập naringin đạt 4,3% và độ tinh khiết đạt đến 99,6%).

NV-30-H3.jpg

Quy trình chiết xuất cao bưởi non giàu flavonoid

Nhóm thực hiện tiến hành thử nghiệm tác dụng bảo vệ gan của cao bưởi non được tiến hành trên mô hình gây tổn thương gan chuột bằng CCl4. Sau khi tiêm CCl4 liều 1 ml/kg, nồng độ ALT, AST tăng cao ở thời điểm sớm nhưng giảm dần trở về mức bình thường, điều này phù hợp do ALT, AST được dùng để đánh giá viêm gan ở giai đoạn sớm. Cao bưởi non bắt đầu thể hiện hoạt tính giảm hoại tử gan ở thời điểm 14 ngày, nên có thể kết luận cao bưởi non hỗ trợ quá trình phục hồi gan, giúp giảm tỷ lệ hoại tử của gan.

Trong thử nghiệm tác dụng chống rối loạn lipid máu được tiến hành trên mô hình gây rối loạn lipid bằng tyloxapol, ở liều 1,3 g/kg và 5,2 g/kg, cao bưởi non có tác dụng làm giảm cholesterol toàn phần và triglycerid. Cao bưởi non ở liều 5,2 g/kg có tác dụng làm tăng HDL-C so với nhóm bệnh. Ở liều thấp hơn 1,3 g/kg, cao bưởi non không thể hiện tác dụng cải thiện HDL-C so với nhóm bệnh. Chỉ số LDL-C ở nhóm tiêm tyloxapol có điều trị với cao bưởi non và viên nang bưởi non liều 5,2 g/kg giảm so với nhóm chứng bệnh có ý nghĩa thống kê, chứng tỏ cao bưởi non liều 5,2 g/kg có khả năng làm giảm LDL-C trong mô hình tiêm tyloxapol.

Mặt khác, tác dụng chống béo phì được thử nghiệm trên mô hình gây béo phì cho chuột bằng chế độ ăn giàu chất béo. Cao bưởi non giúp làm giảm trọng lượng của chuột hiệu quả sau gần 30 ngày điều trị. Cao bưởi non làm giảm cholesterol toàn phần và triglycerid. Tuy nhiên ở LDL-C, chỉ nhóm điều trị với cao bưởi non liều 5,2 g/kg khác biệt có ý nghĩa so với nhóm bệnh.

Để thuận tiện cho người sử dụng, nhóm thực hiện đã triển khai sản xuất viên nang bưởi non (được đặt tên là viên nang Pompose) từ cao chiết bưởi non (phối hợp cùng một số tá dược) trên dây chuyền công nghệ của Công ty Dược phẩm Boston với thiết kế nhà xưởng đạt yêu cầu theo GMP.

Quy trình chiết cao bưởi non làm nguyên liệu sản xuất viên nang Pompose đạt hiệu suất 35%, cao chiết giàu flavonoid với hàm lượng naringin 20% và flavonoid toàn phần 30%. Nhóm thực hiện cũng đã xây dựng quy trình bào chế viên nang bưởi non 250mg quy mô công nghiệp 100.000 viên/mẻ.

NV-30-H5.jpg

Lưu đồ sản xuất viên nang bưởi non quy mô 100.000 viên/l

Tính chất của viên nang Pompose không bị biến đổi sau 12 tháng ở điều kiệu bảo quản dài hạn (nhiệt độ 30 ± 2 độ C, độ ẩm tương đối 75 ± 5%) và sau 6 tháng ở điều kiện cấp tốc (nhiệt độ 40 ± 2 độ C, độ ẩm tương đối 75 ± 5%). Hàm lượng naringin không thay đổi đáng kể so với hàm lượng ban đầu của các lô. Đề nghị hạn dùng là 2 năm kể từ ngày sản xuất. Điều kiện bảo quản được xác định là nơi khô, tránh ánh sáng, nhiệt độ dưới 30 độ C.

NV-30-H4.jpg

Phối trộn tá dược, sản xuất viên nang bưởi non

TS.DS. Nguyễn Hữu Lạc Thủy (thành viên nhóm triển khai nhiệm vụ) cho biết trên thị trường hiện nay, các sản phẩm giảm cân từ bưởi nói chung chỉ tập trung khai thác dịch ép bưởi, vỏ bưởi sấy. Vì thế, sản phẩm viên nang Pompose giàu flavonoid từ bưởi non (hàm lượng flavonoid ở giai đoạn bưởi non đã được chứng minh dồi dào hơn so với bưởi chín) là một hướng đi rất khác so với số đông, vừa giải quyết bài toán phế phẩm bưởi non để tăng thu nhập về kinh tế cho nhà vườn, vừa tạo ra được một sản phẩm thực sự có giá trị, hỗ trợ giải quyết vấn đề nhức nhối hiện nay của xã hội là thực trạng thừa cân, béo phì, béo bụng và cả rối loạn mỡ máu, mỡ gan. Mặt khác, sản phẩm của nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu sản xuất viên nang giàu flavonoid hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu và giảm béo phì từ nguồn bưởi non dư phẩm” có nguồn gốc 100 % từ thiên nhiên, sử dụng công nghệ chiết xuất chọn lọc giúp tinh chất được các nhóm hoạt chất chính có tác dụng, loại bỏ các tạp chất có hại cho sức khỏe, sau đó phối hợp các thành phần lại với nhau ở tỷ lệ thích hợp, giúp nâng cao hiệu quả giảm cân, hạ lipid và cải thiện thời gian sử dụng.

Có thể khẳng định, kết quả của nhiệm vụ khoa học - công nghệ vừa được các nhà khoa học tại SAPHARCEN đã mở ra hướng tiếp cận mới cho việc tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại nhiều địa phương, trực tiếp thúc đẩy nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, đồng thời gián tiếp tạo ra nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định cho quy trình một loại thực phẩm chức năng hữu dụng, giúp hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ, hạ mỡ máu cũng như thúc đẩy giảm cân.

Chia sẻ thêm về kế hoạch tiếp theo để đưa kết quả nhiệm vụ khoa học - công nghệ phục vụ trực tiếp cho người dân và xã hội, TS.DS. Nguyễn Hữu Lạc Thủy cho biết hiện nay sản phẩm Pomsome đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp giấy tiếp nhận công bố đăng ký sản phẩm số 4859/2023/ĐKSP.

"Hiện nhóm nghiên cứu cũng đang tích cực phối hợp với đơn vị sản xuất là Công ty Dược phẩm Boston để hoàn thiện tính toán giá thành sản phẩm, chiến lược marketing để sớm đưa sản phẩm ra thị trường", đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ thông tin.

 

 

Thông tin liên hệ:
Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn (SAPHARCEN)
Địa chỉ: 41 Đinh Tiên Hoàng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM
Điện thoại: (028) 38295696

E-mail: sapharcen@yahoo.com

Website: http://www.uphcm.edu.vn


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378