SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Với đội ngũ 2000 kỹ sư tại Việt Nam, Bosch Việt Nam đặt mục tiêu hỗ trợ các startup làm chủ công nghệ phục vụ cho thị trường trong nước, sau đó vươn ra toàn cầu.

 
 
Ông Vijay Ratnaparkhe, Giám đốc bộ phận truyền động ô tô, Tập đoàn công nghệ Bosch đã chia sẻ như vậy tại buổi lễ tổng kết cuộc thi AIoT Smart Cities và tổng kết hoạt động kết nối doanh nghiệp và sinh viên, do Hội tin học TP.HCM (HCA) tổ chức sáng 16/10. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (WHISE) năm 2019.
iot

Ông Vijay Ratnaparkhe, đại diện Tập đoàn Bosch (phải) và ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký HCA (trái) trao giải thưởng cho các dự án đoạt giải tại cuộc thi AIoT Smart Cities. Ảnh: Hà Thế An.

Ông Vijay Ratnaparkhe cho biết, với kinh nghiệm và thế mạnh trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia chương trình tăng tốc khởi nghiệp, huấn luyện kỹ năng, công ty sẽ tạo điều kiện tối đa cho các startup Việt Nam thương mại hóa sản phẩm.

“Chúng tôi với đội ngũ 2000 kỹ sư tại Việt Nam, Bosch đặt mục tiêu hỗ trợ các startup làm chủ công nghệ phục vụ cho thị trường trong nước, sau đó vươn ra toàn cầu. Người Việt sẽ cần có nhiều hơn những sản phẩm của chính các bạn làm ra và chúng tôi sẽ giúp các bạn làm điều đó”- ông Vijay Ratnaparkhe khẳng định.

Tại cuộc thi AIoT Smart Cities, công ty Bosch Việt Nam sẽ tài trợ cho 5 dự án nhằm hoàn thiện công nghệ, phát triển thị trường, đào tạo đội ngũ… Cụ thể, 5 dự án được tài trợ là: Phần mềm giải pháp truy xuất nguồn gốc trên nền tảng Blockchain; FRUDS box (máy sấy trái cây sử dụng công nghệ IoT); IoT Socket (thiết bị chuyển đổi giúp các thiết bị điện kết nối với internet); Thiết bị châm cứu thông minh chăm sóc sức khỏe từ xa ứng dụng IoT; Thiết bị đun nóng Farafin sử dụng trong vật lý trị liệu và phục hồi chức năng.

Chị Lê Thị Thanh Tâm, đại diện dự án Thiết bị châm cứu thông minh chăm sóc sức khỏe từ xa ứng dụng IoT, chia sẻ đây là cơ hội quý để các sản phẩm khởi nghiệp đến với thị trường.

“Hiện tôi đang làm việc tại ĐH Y dược TP.HCM. Trong môi trường ĐH, nhiều giảng viên và sinh viên có ý tưởng, công nghệ tốt. Tuy nhiên họ chưa có hiểu biết về thị trường, cũng như thương mại hóa sản phẩm. Vì thế, sự tham gia của doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quyết định đến tính thương mại sản phẩm sau này”- chị Tâm chia sẻ.

Không chỉ mang lại cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp cho startup, hơn 10 năm qua, HCA đã tổ chức chương trình kết nối sinh viên với doanh nghiệp tại hơn 100 trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận với sự tham gia của 5.500 sinh viên.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký HCA, hoạt động này giúp các bạn sinh viên trong trường ĐH có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực. Doanh nghiệp cũng có cơ hội để chia sẻ về các vấn đề thị trường, kỹ năng làm việc, xu hướng công nghệ để sinh viên có thể cập nhật thông tin mang tính kịp thời hơn.

“Hoạt động này cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thể tuyển dụng, tiếp nhận thực tập, huấn luyện kỹ năng… cho sinh viên. Hoạt động này với mục tiêu kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thị trường lao động”- ông Tuấn nói.

Qua 3 năm tổ chức, Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM đã trở thành sự kiện được chờ đợi nhất trong năm của cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo TP.HCM.

 

Nâng 'chất' cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo

Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM (WHISE) năm 2019 diễn ra từ ngày 15-19/10. Đây là sự kiện thường niên do UBND TP.HCM phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam chủ trì, bắt đầu từ năm 2017.

Qua 3 năm tổ chức, WHISE đã trở thành sự kiện được chờ đợi nhất trong năm của cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo TP.HCM. Sự kiện này còn thể hiện rõ cam kết của chính quyền TP trong việc kiến tạo và hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng khởi nghiệp, sớm đưa TP.HCM trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong cả nước và khu vực.

w1

Chương trình “Gọi vốn đầu tư CiC 2019” dành cho sinh viên tại TP.HCM nằm trong chuỗi các sự kiện của “Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2019” (WHISE 2019), được thực hiện bởi Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Thành đoàn TP.HCM.

Với chủ đề “Hợp tác phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, WHISE 2019 có sự tham dự của 120 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế đến từ Hàn Quốc, Ireland, Thụy Điển, Thái Lan, Singapore... với các sản phẩm thuộc lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ cao, công nghệ in 3D, công nghệ sinh học…

Đây cũng là nơi diễn ra hàng loạt sự kiện về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM, cũng như những vấn đề mới nhất liên quan đến vai trò của ứng dụng KH-CN trong xây dựng và phát triển thành phố đổi mới sáng tạo và đô thị thông minh.

Trong khuôn khổ WHISE 2019, triển lãm sản phẩm và công nghệ của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế dự kiến thu hút 150 gian hàng của các startup cùng nhiều chuyên gia, nhà đầu tư của Việt Nam và quốc tế.

Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, Tuần lễ WHISE 2019 là cơ hội để các nhà quản lý và cộng đồng khởi nghiệp TP.HCM cùng đánh giá lại kết quả của hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong năm 2019. Từ đó có cơ sở để tiếp tục tham mưu cho Thành phố những chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM hoạt động có hiệu quả và chất lượng hơn.

"Thức tỉnh" văn hóa đổi mới sáng tạo trong cộng đồng

Sự kiện được mong chờ nhiều nhất tại WHISE 2019 là lễ trao giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM I-Star 2019. Đây là năm thứ hai giải thưởng I-Star được tổ chức nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của TP.HCM.

Trong năm đầu tiên tổ chức, giải thưởng đã chọn ra 11 gương mặt xuất sắc, góp phần tạo nên làn sóng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sôi nổi của thành phố trong nhiều năm qua. Những doanh nghiệp khởi nghiệp và những giải pháp sáng tạo đoạt giải năm 2018 đến nay vẫn hoạt động, phát triển tốt, tạo ra nhiều giá trị cho doanh nghiệp lẫn cộng đồng

Ông Nguyễn Thuần Phác, Giám đốc EKID Studio - 1 trong 3 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu của I-Star 2018, cho rằng giải thưởng là nguồn động viên, giúp EKID Studio thuận lợi hơn trong việc marketing. Khi đến với khách hàng, sản phẩm đã được giải thưởng sẽ tạo ra niềm tin cho khách hàng, giúp khách hàng tin tưởng hơn về chất lượng sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, sau năm đầu tiên tổ chức giải thưởng, tinh thần đổi mới sáng tạo đã lan rộng hơn trong cộng đồng, xã hội. Giải thưởng cũng là cơ hội để giúp các startup, những người hoạt động trong cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giới thiệu những sản phẩm, kết quả của mình đến với cộng đồng.

w2

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, I-star là cơ hội để giúp các startup, những người hoạt động trong cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giới thiệu những sản phẩm, kết quả của mình đến với cộng đồng. 

Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, giải thưởng I-Star có nhiều điểm đặc biệt mang "hơi hướng 4.0". Một trong số đó là 20% điểm đánh giá xuất phát từ bình chọn của cộng đồng. "Điều này nhằm thức tỉnh văn hóa về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng lớn chứ không riêng gì một cộng đồng nhỏ", ông Dũng nhấn mạnh.

Sau hơn 5 tháng phát động, từ 280 hồ sơ ứng cử và đề cử tham dự giải thưởng, Ban tổ chức đã lựa chọn được 38 ứng viên xuất sắc vào vòng chung khảo cho 4 nhóm đối tượng, gồm: Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Giải pháp đổi mới sáng tạo; Tác phẩm truyền thông; Tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Danh sách bài thi được đăng tải công khai trên website chính thức của Giải thưởng: www.doimoisangtao.vn/giaithuong2019.

w3

Giải pháp công nghệ Blockchain “Agridential” của Công ty Cổ phần Vietnam Blockchain (Vietnam Blockchain Corporation - VBC) là 1 trong những startup lọt 10 Giải thưởng I-Star 2019, ở hạng mục Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo nhận xét của Ban tổ chức, số lượng và chất lượng của các bài thi năm nay đều rất cao, trải rộng trên hầu hết lĩnh vực. Đó là những startup trong lĩnh vực công nghệ, y tế, giáo dục, giao thông, thương mại điện tử v.v.; là những giải pháp đổi mới sáng của các cơ quan quản lý các trường học, bệnh viện, đoàn thanh niên, các cộng đồng dân cư; là các tác giả bài báo, các chương trình phát thanh - truyền hình; là các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước và quốc tế.

12 ứng viên xuất sắc nhất của 4 nhóm đối tượng lọt vào vòng chung khảo sẽ được vinh danh và trao thưởng tại lễ công bố kết quả và trao giải thưởng được tổ chức vào ngày 19/10/2019 tại Riverside Palace (quận 4, TPHCM). Tạp chí Khám phá sẽ tường thuật trực tiếp lễ trao giải thưởng này. 

 

Mối liên kết giữa Nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp chính là nền tảng quan trọng nhất để tạo ra nhiều sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường ĐH.

 

PGS.TS Thoại Nam, Giám đốc Trung tâm điện toán, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM đã chia sẻ như vậy về mô hình phát triển liên kết “ba nhà” tại Hội nghị khoa học và công nghệ lần 16 do trường này tổ chức ngày 15/10.

Sự kiện này nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (WHISE) năm 2019.

PGS Nam cho biết, mối liên kết “ba nhà” thể hiện rõ vai trò và lợi thế mỗi bên. Với Nhà nước, họ có các chương trình đầu tư về R&D (nghiên cứu và triển khai), đầu tư hạ tầng, phòng lab và quan trọng nhất là xây dựng chính sách khoa học công nghệ. Còn với nhà doanh nghiệp, họ có nguồn lực về tài chính, am hiểu thị trường, đầu tư mạo hiểm. Với trường ĐH, họ có nguồn lực con người, các chương trình đào tạo tiên tiến,…

“Mỗi bên đều có thế mạnh riêng và cần có mô hình hợp tác, liên kết để tạo ra các sản phẩm thương mại hóa có giá trị cao. Điều này các quốc gia ở nước ngoài làm rất tốt”- PGS Nam cho biết.

bk1

Các sản phẩm khoa học công nghệ trong trường ĐH muốn phát triển thành các sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo cần có liên kết "ba nhà". Ảnh: Hà Thế An.

Nhằm tạo ra liên kết “ba nhà” ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM đã thành lập Viện khoa học và công nghệ tiên tiến liên ngành. Viện nghiên cứu này với mục tiêu tập trung nguồn lực trong trường ĐH giải quyết các bài toán lớn của cuộc sống như: ứng dụng cho thành phố thông minh, công nghệ trong cách mạng 4.0,…

Theo PGS Nam, Viện chuyên nghiên cứu và phát triển các công nghệ mang tính liên ngành, công nghệ mới (cloud, AI, sensor, big data,…) liên kết mật thiết với doanh nghiệp. Mới đây, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM đã bắt tay thực hiện các dự án về cảnh báo ngập sử dụng công nghệ mới, hay hợp tác với UBND tỉnh Đồng Tháp xây dựng mô hình nông thôn thông minh nhằm phát triển mô hình “hội quán nông dân” hướng tới phát triển các sản phẩm xanh, sạch.

“Mối liên kết giữa Nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp chính là nền tảng quan trọng nhất để tạo ra nhiều sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường ĐH. Nhà nước có thể đầu tư tiền để nhà khoa học tìm ra tri thức (hướng nghiên cứu). Còn hiện nay, nhà khoa học cần phải biến tri thức thành tiền (hướng sáng tạo) để có thể tạo dựng được những giá trị thiết thực hơn trong môi trường ĐH”- PGS Nam chia sẻ.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, vấn đề lớn nhất để có được những sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường ĐH cần phải làm rõ là các giảng viên, thầy cô được lợi gì khi có những doanh nghiệp trong nhà trường. Môi trường ĐH khởi nghiệp sẽ có những lợi thế gì so với khởi nghiệp bên ngoài.

Trong khi đó,  GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho rằng, thành phố hiện nay đang thúc đẩy đề án thành phố thông minh, và ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM là một đơn vị hỗ trợ tư vấn không thể thiếu.

“Với vai trò của mình, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho nhà trường thực hiện các chương trình kết nối với doanh nghiệp để phát triển các sản phẩm công nghệ phục vụ cho nhu cầu của thành phố, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa”- GS Phùng nói.

bk2

Gian hàng trưng bày sản phẩm chiếu sáng thông minh của công ty Điện Quang tại khu vực triển lãm bên lề Hội nghị khoa học và công nghệ ĐH Bách khoa TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.

Trước đó, vào tháng 09 năm 2018, trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM và công ty bóng đèn Điện Quang đã ký kết hợp tác triển khai dự án “Phát triển công nghệ chế tạo hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng đèn led”. Đây là dự án đầu tiên tại TP.HCM triển khai theo mô hình mới, với sự liên kết của 3 nhà: nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp. Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đứng ở vai trò nhà nước.

Theo đó, nhóm nghiên cứu Điện Quang và ĐH Bách Khoa đã thành công trong việc làm chủ công nghệ thiết kế chế tạo hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng led chủ động trong việc cải tiến, nâng cấp hệ thống chiếu sáng TP.HCM, qua đó sửa chữa lắp đặt, không phải phụ thuộc vào thiết bị nhập giúp giảm giá thành để triển khai rộng sản phẩm cho thị trường.

Hội nghị khoa học và công nghệ, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM là hoạt động định kỳ tổ chức 2 năm một lần. Hội nghị lần thứ 16 năm 2019 có 700 nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước và quốc tế gửi về, trong đó có 689 bài báo cáo được in trong kỷ yếu. Hội nghị được tổ chức có 73 phân ban, trong đó có 52 phân ban quốc tế. Chủ đề của hội nghị năm nay là "Xã hội xanh và thông minh".

Hà Thế An - khampha.vn

Dự án Acoustic - Ứng dụng trải nghiệm nhạc cụ tại các quán cà phê tiếp tục được nhà đầu tư thiên thần đồng ý rót vốn lên tới 200 triệu đồng. 

 
“Chương trình “Gọi vốn đầu tư CiC 2019” dành cho sinh viên tại TP.HCM nằm trong chuỗi các sự kiện của “Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2019” (WHISE 2019), được thực hiện bởi Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Thành đoàn TP.HCM.
 
Sáng nay (15/10), Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP.HCM (IEC) đã tổ chức chương trình “Gọi vốn đầu tư CiC 2019” dành cho sinh viên tại TPHCM.

Tại chương trình này, dự án Acoustic - Ứng dụng trải nghiệm nhạc cụ tại các quán cà phê dành giải 1 cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp CiC 2019 được quỹ đầu tư VinaCapital cam kết đầu tư 1 tỉ đồng cũng tham gia chương trình gọi vốn từ các nhà đầu tư thiên thần lần này.

Cũng tại chương trình, nhà đầu tư Phạm Nam Phong - CEO công ty Điện mặt trời Vũ Phong  cũng đã quyết định đầu tư 140 -200 triệu đồng cho dự án Acoustic với điều kiện là sử dụng nguồn tiền trong việc triển khai lớp học nhạc cụ tại các quán cafe. Ngoài ra, ông Nguyễn Hà Mạnh - Chủ tịch công ty đầu tư Nguyễn Hà cũng cam kết hỗ trợ miễn phí hạ tầng, các quán cafe cũng như nhạc cụ để dự án này có thể triển khai trong thực tế.

cic

 Các dự án tham gia chương trình gọi vốn.

Cùng tham gia gọi vốn, dự án "BLAKE - Thương mại hóa và chuyển giao các sản phẩm Khoa học công nghệ" được đánh giá cao về ý tưởng cũng như mục đích phát triển. BLAKE đưa các sản phẩm từ những đề tài nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH ra thương mại hóa. Những sản phẩm này sẽ được đăng ký cơ sở sản xuất, đăng ký kiểm định an toàn sức khỏe, mở rộng quy mô sản xuất và phát triển thương hiệu. Hiện tại BLAKE đã đưa ra sản phẩm ứng dụng công nghệ nano bạc như nước giặt, nước rửa chén... Nhà đầu tư Phạm Nam Phong cũng quyết định đầu tư 100 triệu với 10% cổ phần. Số tiền đầu tư có điều kiện là tập trung vào mảng maketing cho dự án nano bạc mà BLAKE đang triển khai.

Trong sự kiện này, các nhóm sinh viên khởi nghiệp bước ra từ cuộc thi CiC 2019 đã có cơ hội giới thiệu các dự án nhằm tìm được nhà đầu tư thiên thần hỗ trợ ươm mầm cho nhóm; giúp đẩy nhanh quá trình đưa sản phẩm/dịch vụ ra thị trường cùng với đó là phát triển các kết nối với đối tác, nhà cố vấn, khách hàng…

cic2

Ông Nguyễn Anh Thi - Giám đốc Khu Công nghệ Phần Mềm - ĐHQG HCM (ITP).

Được biết, các dự án đến tham gia chương trình gọi vốn lần này được chọn ra từ hơn 200 dự án đến từ 84 trường đại học tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2019 do ĐH Quốc Gia TP.HCM tổ chức.

Theo ông Nguyễn Anh Thi - Giám đốc Khu Công nghệ Phần Mềm - ĐHQG HCM (ITP), vòng gọi vốn lần này được hướng đến cho các nhà đầu tư thiên thần với mục đích tìm kiếm những người đồng hành cho các bạn khởi nghiệp ở giai đoạn ý tưởng.

Trải qua hơn 6 tháng tham gia cuộc thi, những dự án này đang dần được hình thành và “những bạn sinh viên với những nỗ lực không ngừng nghỉ mới là yếu tố quyết định để các nhà đầu tư, các chương trình hỗ trợ lựa chọn”, ông Thi cho hay.

cic3

Các nhóm trình bày ý tưởng khởi nghiệp trước nhà đầu tư thiên thần.

Trước đó, Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp CiC 2019 đã vinh danh các dự án gồm:

Giải Nhất: Dự án Acoustic - Ứng dụng trải nghiệm nhạc cụ tại các quán cà phê: Nhóm đã nhận giải thưởng trị giá 50 triệu đồng tiền mặt, VinaCapital cam kết đầu tư 1 tỉ đồng, 1 Gói ươm tạo 1 năm tại ITP trị giá 100 triệu đồng, 1 chuyến tham quan và học tập ngắn hạn tại Singapore trị giá 100 triệu đồng, 1 gói hỗ trợ khởi nghiệp từ Amazon trị giá 2.000 USD,…

Giải Nhì: Dự án "Áo thun phao LIVING" - sản phẩm mới góp phần giải quyết vấn nạn đuối nước đáng lo ngại tại Việt Nam. Dự án này nhận giải thưởng trị giá 30 triệu đồng tiền mặt, 1 gói ươm tạo 1 năm tại ITP trị giá 100 triệu đồng, 1 gói hỗ trợ khởi nghiệp từ Amazon trị giá 2.000 USD.

Giải Ba: Dự án “Thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn”; Và dự án CINONE – “Khách hàng là số một” (ứng dụng kết nối khách hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa đông lạnh sẽ tìm kiếm những tài xế xe tải đông lạnh một cách nhanh chóng và tiện lợi). Mỗi giải ba nhận phần thưởng trị giá 10 triệu đồng tiền mặt, 1 gói ươm tạo 1 năm tại ITP trị giá 100 triệu đồng, 1 gói hỗ trợ khởi nghiệp từ Amazon trị giá 2.000 USD,…

Giải Khuyến khích: Dự án “PATHFINDER” - nền tảng công nghệ được game hóa nhằm hỗ trợ sinh viên công nghệ thông tin phát triển và xác thực các kỹ năng chuyên ngành, giúp họ kết nối với cộng đồng CNTT và tiếp cận các cơ hội (thực tập, nghề nghiệp) từ nhà tuyển dụng, đồng thời, các nhà tuyển dụng sử dụng nền tảng để đăng tuyển dụng; Dự án “Nền tảng cho thuê Aimuon.vn” - nền tảng website tích hợp trí tuệ nhân tạo với mục tiêu kết nối người cho thuê và người thuê đồ với nhiều mặt hàng khác nhau, qua đó tăng sự trải nghiệm cho người dùng, và tối ưu giá trị cho người cho thuê.); Dự án “SClass” - ứng dụng tạo bài tập từ file phi cấu trúc dưới mọi định dạng. Mỗi giải khuyến khích nhận giải thưởng trị giá 5 triệu đồng tiền mặt, 1 gói ươm tạo 1 năm tại ITP trị giá 100 triệu đồng và 1 gói hỗ trợ khởi nghiệp từ Amazon trị giá 2.000 USD.

 

Không chỉ là ý tưởng, nhiều học sinh, sinh viên đã tạo ra các sản phẩm như túi vải chống thấm thay túi ni lông, dùng cỏ hút chất thải, nuôi ruồi lính đen xử lý thức ăn thừa,…với dự án Upshift. 

Chiều 13/10, tại Saigon Innovation Hub, 12 ý tưởng sáng tạo của bạn trẻ đã tham gia chương trình Upshift mùa thứ 5 năm 2019 với chủ đề “Hành động vì khí hậu”. Đây là chương trình trang bị kỹ năng của thế kỷ 21 cho thanh thiếu niên như đổi mới sáng tạo, tinh thần doanh nhân để giải quyết các vấn đề của cộng đồng do Qũy Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại TP.HCM tổ chức.

Tại chương trình, nhiều ý tưởng sáng tạo của bạn trẻ được giới thiệu, có ý tưởng đã xây dựng được mô hình sản phẩm, thử nghiệm để kiểm chứng tính khả thi.

Thiên Ngân, sinh viên ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM, trưởng nhóm “Thách thức và động lực” muốn sử dụng cỏ vetiver để làm sạch kênh Ba Bò nằm ở khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và TP.HCM nổi tiếng ô nhiễm nhiều năm qua.

Ngân chia sẻ, đặc tính sinh học của cỏ vetiver là có bộ rễ rất phát triển và hình dạng hướng thẳng xuống đất. Vì thế loại cỏ này có thể hút một số chất kim loại có trong nước thải và lưu giữ chất thải này vào rễ, thân, lá cỏ. Nhóm đang nghiên cứu sử dụng các loại xơ dừa, phân bón để tạo môi trường dinh dưỡng cho cỏ phát triển.

hih3

Nhóm bạn trẻ đang cầm mô hình nuôi cỏ vetiver bằng hệ thống bè nổi trên mặt nước nhằm xử lý chất thải. Ảnh: Hà Thế An.

“Nhóm phát triển mô hình trồng cỏ bằng hệ thống bè nổi trên mặt nước, cung cấp dinh dưỡng thường xuyên cho cỏ để giúp cỏ vừa sinh trưởng, vừa làm nhiệm vụ hút chất thải có trong nước, làm sạch môi trường”- Ngân chia sẻ.

Cũng với ý tưởng bảo vệ môi trường, nhóm bạn trẻ đến từ nhóm Upriver (cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn) đã tạo ra một sản phẩm túi từ vải tái chế có khả năng chống thấm nước. Việc làm này nhằm hướng đến giảm việc sử dụng túi ni lông hiện nay.

Trần Thu Trang, trưởng nhóm chia sẻ, nhóm đã khảo sát nhiều học sinh tại một số trường THCS, THPT tại TP.HCM. Kết quả cho thấy, mỗi học sinh thường sử dụng 2 đến 3 túi ni lông hằng ngày. Vì thế, nhóm đề xuất sử dụng túi vải để thay thế túi ni lông hiện nay. Điểm đặc biệt của túi vải là được làm từ vải tái chế (vải thừa bỏ đi), sau đó các thành viên bắt đầu cắt vải, tự may túi và trang trí những họa tiết bắt mắt nhằm tăng thêm tính thẩm mỹ, tạo sự tự tin cho người dùng khi sử dụng.

hinh2

 Nhóm bạn trẻ thử nghiệm khả năng chống thấm của túi vải. Ảnh: Hà Thế An.

Ngoài ra, các thành viên nhóm đã nghiên cứu để áp dụng khả năng chống thấm nước cho túi. Đó là sử dụng vật liệu silicon pha chế với cồn khoáng. Hai chất này được pha trộn và quét lên bề mặt túi, sau đó phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

“Kết quả thử nghiệm cho thấy, chất phủ này hoàn toàn có thể giúp túi đựng các vật có nước. Mỗi túi sẽ có thời gian sử dụng 6 tháng. Khi nhóm thương mại hóa sản phẩm này, sẽ có mức giá hợp lý mà ai cũng có thể mua được”- Trang chia sẻ.

Một nhóm bạn trẻ khác đến từ ĐH Kinh tế TP.HCM lại có ý tưởng sử dụng ruồi lính đen để xử lý các loại thức ăn thừa của con người, giúp bảo vệ môi trường. Ý tưởng này đưa ra mô hình chuồng nuôi ruồi lính đen với 3 ngăn, có thể xử lý một lượng thức ăn thừa do con người thải ra. Ấu trùng và xác ruồi lính đen có thể được sử dụng làm các nguồn thức ăn khác, làm phân bón.

upshift3

Nhóm bạn trẻ cầm trên tay mô hình nuôi ruồi lính đen trong 3 ngăn chứa. Ảnh: Hà Thế An.

“Vòng đời của ruồi lính đen thường chỉ 4 đến 5 ngày. Sau khi ruồi đẻ trứng ruồi sẽ chết đi. Đặc tính của ruồi lính đen là có thể ăn thức ăn thừa và đây là phương pháp xử lý cực kỳ hiệu quả, giảm ô nhiễm môi trường từ thực phẩm. Nhóm tin tưởng dự án này nếu được hỗ trợ sẽ nhận được sự ủng hộ và sẽ tiếp tục phát triển về đầu ra cho các sản phẩm của ruồi lính đen”- Trang, thành viên nhóm cho biết.

Kết thúc chương trình, đại diện của UNCEF đã trao giải thưởng cho 6 ý tưởng xuất sắc trị giá 1.000 USD/dự án để tiếp tục thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm trong 3 tháng. Sáu dự án được hỗ trợ là: Fridge (ruồi lính đen xử lý thức ăn thừa), Bitbo (màng lọc khói cho xe), TTA_01 (cải thiện sức khỏe cho công nhân vét cống rãnh), Tofu Tree (tuyền truyền giảm ăn thịt), Voice4Green (xử lý rác thải từ pin làm máy trợ thính), Upriver Team (giảm rác thải nhựa).

 

Các dự án này đều sử dụng công nghệ IoT và AI ứng dụng vào lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, quảng cáo và chăm sóc sức khỏe.

 

Vòng chung kết cuộc thi AIoT & Smart Cities với chủ đề “Thông minh hơn cho cuộc sống tốt hơn” vừa chính thức khép lại vào chiều tối ngày 11/10 với 3 nhóm dự án đoạt giải Nhất ở 3 bảng thi. Cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức bởi Vườn ươm doanh nghiệp phần mềm Quang Trung, dưới sự bảo trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

ckiot

Đại diện dự án Digi Ads nhận giải Nhất bảng 3 của cuộc thi. Ảnh: Hà Thế An.

Cuộc thi nhằm tìm kiếm các giải pháp công nghệ sử dụng IoT (internet of things) và AI (trí tuệ nhân tạo) nhằm giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Ba dự án ứng dụng đã xuất sắc vượt qua 8 dự án còn lại ở vòng chung kết để giành giải thưởng cao nhất cuộc thi.

Nguyễn Bách Việt, trưởng dự án Digi Ads (giải Nhất bảng 3) cho biết, sản phẩm này sử dụng AI để phân tích hành vi khách hàng trên các bảng quảng cáo công cộng. Máy tính sẽ xác định thời gian, hành vi xem quảng cáo của người dân để có thể thực hiện việc quảng cáo theo nhu cầu khách hàng. Sẽ có một thiết bị smart box nhằm kết nối nhiều màn hình quảng cáo với nhau để phát các loại quảng cáo theo sở thích và nhu cầu khách hàng.

“Khách hàng hoàn toàn có thể tương tác trực tiếp với các bảng quảng cáo bằng cách quét mã QR Code để có thể trực tiếp mua hàng nếu thấy thích sản phẩm được quảng cáo. Hoặc khách hàng có thể đặt mua bằng cách gọi Grab, GoViet để vận chuyển thông qua bảng quảng cáo. Quảng cáo bằng hình thức tương tác đã và đang trở nên phổ biến hiện nay”- Việt chia sẻ.

Dự án “Truy xuất nguồn gốc” của Nguyễn Đức Hiệp (giải Nhất bảng 2) đã sử dụng công nghệ blockchain để gia tăng giá trị của nông sản. Theo đó, mỗi loại nông sản sẽ được định danh bằng một mã QR code và khi quét vào mã này, toàn bộ thông tin về các công đoạn của quy trình sản xuất sẽ hiện ra. Các quy trình này đều phải tuân theo một tiêu chuẩn nhất định và không thể thay đổi thông tin vì sử dụng công nghệ blockchain.

“Nhóm đã hợp tác với đại lý và nông dân xuất khẩu hàng tấn xoài đi Mỹ với việc sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc theo chuẩn GS1 của nước này. Thông tin về sản phẩm đã được chứng thực và đây được coi là tương lai của ngành nông nghiệp trong việc hướng tới xuất khẩu”- Hiệp chia sẻ.

Còn sản phẩm “Thiết bị châm cứu thông minh chăm sóc sức khỏe từ xa” của nhóm giảng viên ĐH Y dược TP.HCM (giải Nhất bảng 4) hướng tới sử dụng IoT để phục vụ việc châm cứu, vật lý trị liệu cho người bệnh.

Th.s Lê Thị Thanh Tâm, thành viên nhóm dự án chia sẻ, các bệnh nhân sau khi tai nạn được điều trị ở bệnh viện đều phải trải qua quá trình tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Tuy nhiên, các bệnh viện hiện nay tại TP.HCM luôn quá tải. Trong khi đó, bệnh nhân muốn châm cứu, tập vật lý trị liệu phải di chuyển đến bệnh viện rất khó khăn.

ckiot2

Th.s Lê Thị Thanh Tâm hướng dẫn người bệnh châm cứu và trên màn hình laptop có một bác sỹ đang trực tiếp hướng dẫn bệnh nhân châm cứu. Ảnh: Hà Thế An.

Vì thế, nhóm dự án đưa ra giải pháp cho thuê thiết bị châm cứu và sử dụng công nghệ IoT kết nối bệnh nhân và bác sỹ. Như vậy, bệnh nhân chỉ cần ở nhà và kết nối với bác sỹ từ xa là có thể châm cứu tại nhà mà không cần phải tới bệnh viện.

“Từ việc phát triển dữ liệu của bệnh nhân, bác sỹ có thể phân tích và đưa ra những mô hình điều trị cho bệnh nhân tốt hơn. Hiện tại dự án của chúng tôi đã được thử nghiệm và cho kết quả tốt tại bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM. Chúng tôi cần sự hỗ trợ để phát triển công nghệ hoàn thiện hơn và nhân rộng mô hình kinh doanh”- Th.s Tâm nói.

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, đánh giá cao 11 dự án lọt vào chung kết cuộc thi và đây đều là các dự án tiềm năng. Sở Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM luôn hỗ trợ các dự án khởi nghiệp có tính ứng dụng với chương trình SpeedUp (hỗ trợ tối đa 2 tỉ đồng/dự án), và các gói thương mại hóa kết quả nghiên cứu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm, thị trường, quảng cáo, sở hữu trí tuệ…

 

Nhận được những khoản hỗ trợ hàng trăm, thậm chí hàng tỉ đồng, các startup đã tận dụng nguồn lực này để mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, phát triển công nghệ,…

 

"Bà đỡ" cho startup  

Mới đây, 689 Cloud, một “ngựa ô” của làng công nghệ Việt với các giải pháp an ninh mạng sử dụng nền tảng đám mây đã được chương trình SpeedUp của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM hỗ trợ 220 triệu đồng.

Lê Xuân Anh, đồng sáng lập 689 Cloud cho biết, đã tiếp cận với chương trình SpeedUp từ “bà mối” là chương trình VSVA – thuộc dự án Vietnam Silicon Valley, Bộ Khoa học và Công nghệ. Dự án đã được hỗ trợ cực kỳ đúng thời điểm, mở rộng và phát triển thị trường tại Singapore, phát triển phần mềm và phục vụ cho hoạt động marketing sản phẩm.

speedup1

Đỗ Xuân Anh (thứ 2, từ trái sang) và các đồng sự của dự án 689 Cloud. Ảnh: NVCC.

Xuân Anh nói, hiện tại 689 Cloud đang thử nghiệm sản phẩm tại Singarpore cho đối tác OCBC Bank và Nation Cybersecirity Lab (NCL). Dự án này cũng đã mở văn phòng tại đất nước này và được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tới thăm. Với khách hàng trong nước một số ngân hàng đã sử dụng giải pháp của 689 Cloud. Ngoài ra, dự án khởi nghiệp này còn hỗ trợ thử nghiệm miễn phí tại một số trường ĐH.

“Mục tiêu của chúng tôi là doanh nghiệp hàng đầu về giải pháp bảo mật nội dung số trên nền tảng Cloud tại châu Á vào năm 2025. Song song đó, dự án vẫn không ngừng phát triển các chức năng bảo mật mới và xây dụng hệ sinh thái về bảo mật, an toàn thông tin. Chương trình SpeedUp với mức hỗ trợ không quá lớn nhưng lại đúng thời điểm then chốt giúp chúng tôi có thêm nguồn lực thực hiện các mục tiêu lớn lao hơn”- Xuân Anh nói.

Hiện tại, dự án 689Cloud cũng là Startup Việt đầu tiên về bảo mật và an toàn thông tin được công nhận và là thành viên trong hệ sinh thái “Bảo Mật & An Toàn Thông Tin” của Cylon Cybersecurity và IEC71.

Không kém cạnh, Magix một dự án khác cũng từ chương trình SpeedUp hỗ trợ từ năm 2017, hiện nay đã đạt được tăng trưởng 200% năm. Tổng doanh thu ước tính trong 9 tháng năm 2019 là 10 tỉ. Dự kiến năm nay đạt doanh thu 12 tỉ. Đây là một con số không nhỏ đối với một startup non trẻ như Magix với mô hình kinh doanh phát triển giải pháp đóng gói hàng.

Đỗ Hữu Tân, CEO Magix nhớ lại, ngày đầu nhận được đồng ý nhận khoản hỗ trợ 1 tỉ đồng chương trình SpeedUp đó là thời điểm doanh nghiệp đang cần vốn đế mở rộng chi nhánh tại Hà Nội. Việc mở rộng này bao gồm chi phí mở kho và nhân viên vận hành, đăng ký sở hữu trí tuệ. Tại TP.HCM nguồn kinh phí này được doanh nghiệp sử dụng để mở rộng nhân sự, mua máy móc, thuê kho mới,…nhằm tối ưu hóa vận hành kho.

“Sau SpeedUp được giải ngân hoàn tất vào tháng 12/2018, chúng tôi đã gọi vốn thành công lần 2. Có thể nói rằng, chương trình này mang tính hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, giúp chúng tôi phát triển công nghệ và thị trường. SpeedUp cũng là chương trình giúp chúng tôi có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc gọi vốn và kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức Nhà nước, tư nhân sau này”- ông Tân chia sẻ.

Startup kỳ vọng có chính sách về đầu tư mạo hiểm 

SpeedUp giúp cho startup được tiếp cận với nguồn vốn giúp phát triển thị trường, công nghệ. Song, để chương trình thật sự có sức lan tỏa, giúp cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận với các chương trình của Nhà nước tốt hơn, các startup cũng kỳ vọng nhà nước có những thay đổi về mặt chính sách, thủ tục giúp startup dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.

Theo ông Tân, hiện tại ở Việt Nam chưa có luật đầu tư mạo hiểm. Do đó các thủ tục rót vốn hoặc thoái vốn cũng rất khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp e ngại các thủ tục và các nhà đầu tư cũng e ngại khi biết doanh nghiệp đang được cổ phần tiền của Nhà nước. Điều này cho thấy sự cần thiết cần phải có một bộ luật về đầu tư mạo hiểm trong bối cảnh hiện tại.

speedup2

Ông Đỗ Hữu Tân, CEO Magix mong muốn các điều kiện cho doanh nghiệp khi tham gia các chương trình hỗ trợ của nhà nước cần thông thoáng hơn. Ảnh: NVCC.

Các chương trình hỗ trợ của Nhà nước còn có một số điều kiện tiếp cận khá khó khăn cho doanh nghiệp. Ví dụ, một số nguồn vốn yêu cầu điều kiện chủ dự án phải có hộ khẩu KT3 ở TP.HCM. Việc vay ngân hàng thì hiện tại các chính sách ưu đãi về lãi suất cho doanh nghiệp khởi nghiệp cũng chưa có thông tư hướng dẫn. Do đó, việc vay cũng phải cần thế chấp tài sản, đa số bằng nhà đất. Điều này khó có startup nào có thể đáp ứng được để vay vốn.

Về thủ tục pháp lý, ông Xuân Anh, đến từ 689 Cloud mong muốn, có thể chuyển qua hình thức làm hồ sơ trực tuyến, như vậy sẽ tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp hơn. Qúa trình xử lý hồ sơ, duyệt, giải ngân cần làm với trình tự thời gian nhanh hơn.

SpeedUp là chương trình hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp lên tới tối đa 2 tỉ đồng do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM triển khai từ năm 2017. SpeedUp nằm trong chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM giai đoạn 2016-2020.

Tính đến tháng 6/2019, SpeedUp đã tiếp nhận và đang giải quyết hỗ trợ cho 164 dự án khởi nghiệp sáng tạo của các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, bao gồm cả tư nhân và nhà nước. Trong đó, chương trình đã thực hiện hỗ trợ cho 27 dự án với tổng kinh phí trên 23 tỉ đồng (phần ngân sách hỗ trợ khoảng 15,75 tỉ đồng và phần vốn đối ứng là 7,6 tỉ đồng). Một số dự án tiêu biểu được chương trình hỗ trợ như: Teamup, Magix, Ekid, 689Cloud, Freelancer, Schoolbus...

 

Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành y tế gia đình và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (Techmart 2019 chuyên ngành y tế) là sự kiện nằm trong Chương trình thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN TPHCM giai đoạn 2016-2020 vừa được Sở KH-CN TPHCM tổ chức. Qua đó cho thấy cơ hội chuyển giao công nghệ cũng như kỳ vọng sản phẩn công nghệ y tế sản xuất trong nước có tiềm năng rất lớn. tmyte
 Nhiều người dân đến kiểm tra sức khỏe qua các thiết bị y tế được giới thiệu tại Techmart 2019. Ảnh: T.Ba

Nhiều sản phẩm thiết thực

Tại Techmart 2019, hàng loạt sản phẩm thiết thực với cuộc sống được giới thiệu, như máy đo đường huyết Gmate Smart, sản phẩm tiện lợi cho nhu cầu kiểm tra sức khỏe dù ở bất cứ đâu, có độ chính xác và độ tin cậy cao, giúp người bệnh kiểm soát chế độ ăn tốt hơn. Hay ứng dụng di động eDoctor có mặt trên các nền tảng phổ biến như Android và iOS. Sau khi cài đặt, người dùng có thể đặt câu hỏi thắc mắc về tình trạng bệnh của bản thân hay bất kỳ ai, đồng thời tham gia vào cộng đồng, bao gồm các câu hỏi và trả lời của những người dùng khác.

Bên cạnh những chức năng chính như hỏi - đáp miễn phí với bác sĩ mọi lúc mọi nơi hoặc đăng ký các gói chăm sóc sức khỏe, eDoctor còn hỗ trợ tra cứu thông tin về loại thuốc đang/sắp sử dụng, tìm kiếm nhà thuốc hoặc cơ sở y tế gần nhất dựa theo vị trí của người dùng (định vị smartphone)…

Không chỉ thiết bị có tính “cá nhân” mà thiết bị có tính “hệ thống” cũng không thiếu tại Techmart 2019 chuyên ngành y tế. AutoMACS Pro là hệ thống tách tế bào hoàn toàn tự động sử dụng công nghệ hạt từ MACS Microbead Technology, được sử dụng để tách tế bào máu trực tiếp từ máu tổng số hoặc từ tủy xương. Trong đó, hạt từ liên hợp với kháng thể đặc hiệu nhắm vào kháng nguyên trên bề mặt tế bào. Công nghệ này rất lý tưởng ứng dụng phân loại tế bào và dòng chảy tế bào nhỏ vì kích thước nhỏ của mỗi vi sinh vật sẽ không bảo hòa với kháng nguyên trên bề mặt tế bào. AutoMACS pro có khả năng xử lý hầu hết mọi loại tế bào bất kỳ cũng như xử lý mẫu tự động một cách linh hoạt, nhanh, nhẹ nhàng, an toàn với tốc độ lên hơn 10 triệu ô mỗi giây…

Còn hệ thống quan trắc nước thải bệnh viện SmartpH-06M với vai trò là bộ cảm biến đo đa chỉ tiêu. Đây là bộ hiển thị và điều khiển thông minh có khả năng đo mở rộng đến 8 chỉ tiêu cùng lúc, gồm COD/BOD/pH/oC/Cond./TSS/Color/Flow bằng bộ vi xử lý. SmartpH-06M sở hữu màn hình LCD cảm ứng 7 inch có thể hiển thị cùng lúc các giá trị đo, hỗ trợ cài đặt thời gian lấy mẫu, password đăng nhập, xem lịch sử giá trị đo theo từng chỉ tiêu…

Cơ hội chuyển giao cao

Techmart chuyên ngành y tế năm nay thu hút 41 đơn vị tham gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ, giới thiệu chào bán gần 100 công nghệ, thiết bị, giải pháp trong và ngoài nước, sẵn sàng cung cấp chuyển giao. Trong đó có các giải pháp hội chẩn trực tuyến; triển khai bệnh án điện tử; giải pháp quản lý tổng thể bệnh viện; ứng dụng công nghệ điều trị không xâm lấn (laser, từ trường, hồng ngoại…) và các sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe gia đình (đo nhịp tim, đường huyết, giải pháp theo dõi đánh giá tình trạng sức khỏe, hỗ trợ điều trị…). 

Để đạt kết quả tốt nhất có thể, ban tổ chức đã triển khai khảo sát nhu cầu doanh nghiệp tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, sắp xếp lịch và mời các chuyên gia nhiều kinh nghiệm tham gia công tác tư vấn, giải đáp công nghệ cho các doanh nghiệp và cá nhân khi tham dự sự kiện. Hơn nữa, đây là hoạt động thường niên do Sở KH-CN TPHCM tổ chức, Trung tâm Thông tin và thống kê khoa học và công nghệ (CESTI) phối hợp với Hội Thiết bị y tế TPHCM triển khai thực hiện, nhằm giới thiệu công nghệ Việt đến với các đơn vị y tế trong nước. 

Theo bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc CESTI, với lĩnh vực y tế, ký kết chuyển giao công nghệ đòi hỏi mất rất nhiều thời gian vì là lĩnh vực đặc thù, cần tìm hiểu kỹ, kiểm tra công nghệ và thậm chí chạy thử để thích ứng… nên chưa thể có kết quả của việc chuyển giao công nghệ ngay sau khi kết thúc Techmart 2019. Nhưng qua hoạt động của Techmart kỳ này, rất nhiều đơn vị y tế đã tìm hiểu, tham gia tư vấn các giải pháp liên quan đến hệ thống. Điều này cho thấy Techmart 2019 chuyên ngành y tế gia đình và chăm sóc sức khỏe cộng đồng nhận được sự quan tâm cũng như mong muốn ứng dụng công nghệ Việt tại các cơ sở y tế.

“Chúng tôi rất mong muốn các đơn vị y tế trong nước dùng các công nghệ của chính các viện, trường hay các doanh nghiệp Việt phát triển, CESTI sẵn sàng kết nối với các đơn vị có nhu cầu”, bà Thanh Bằng cho biết. 

Techmart 2019 được tổ chức nhằm kết nối giữa các nhà nghiên cứu ở trường đại học, viện, bệnh viện với doanh nghiệp. Đồng thời hỗ trợ đưa sản phẩm từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ ra thị trường. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có điều kiện tiếp cận những thành tựu KH-CN; qua đó thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân.

BÁ TÂN - SGGP

Các lĩnh vực được lựa chọn thu hút đầu tư tại Trung tâm phải có tiềm năng trong tương lai và gắn liền với định hướng, thế mạnh của TP.HCM. 

Sáng 11/10, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM tổ chức Hội thảo “Đề xuất tiêu chí, đối tượng và lĩnh vực tham gia tại Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố” .

Theo báo cáo của Sở KH&CN TP.HCM, hiện Thành phố có khoảng 34 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó 24 cơ sở ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp và 10 không gian làm việc chung có tổng diện tích khoảng 30 nghìn m2. Nhưng hiện các đơn vị này chưa có sự kết nối, gắn kết và còn gặp nhiều khó khăn nên việc thành lập Trung tâm khởi nghiệp của Thành phố là một nhu cầu cần thiết và cấp bách.

ttkn

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc sở KH&CN TP.HCM, phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho biết các lĩnh vực được lựa chọn thu hút đầu tư tại Trung tâm phải đáp ứng một số tiêu chí như lĩnh vực hoạt động mạnh trên địa bàn TP, có tiềm năng trong tương lai và gắn liền với định hướng, thế mạnh của TP.HCM.

Sở KH&CN đã đưa ra đề xuất lựa chọn các đối tác tham gia đầu tư tại Trung tâm thuộc các lĩnh vực như giải pháp công nghệ cho thành phố thông minh (bigdata, AI, IoT…), thương mại điện tử, tài chính công nghệ, Công nghiệp sáng tạo (điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh..), khoa học sự sống (y tế, chăm sóc sức khỏe, sinh học, môi trường…), các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh, đây là mô hình nhà nước hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đầu tiên triển khai tại TP.HCM. Trong đó, Nhà nước chịu trách nhiệm về cơ sở hạ tầng, đất đai, và khối tư nhân sẽ tham gia hoạt động ươm tạo, quỹ đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp. Vì thế tiêu chí lựa chọn sẽ tập trung vào các tổ chức hỗ trợ ươm tạo hoạt động mạnh mẽ nhất trên thị trường. Theo ông Dũng, những tổ chức hàng đầu sẽ mang đến khả năng thành công lớn hơn, tạo ra sức hút cộng đồng.

ttkn2

Đại diện Sở KHCN chia sẻ các tiêu chí tham gia Trung tâm khởi nghiệp của Thành phố.

Báo cáo tại hội thảo, bà Phan Quý Trúc - đại diện Sở KH&CN cho biết, việc đề xuất các đơn vị tham gia Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố dựa trên 3 tiêu chí.

Trong đó, tiêu chí đầu tiên tập trung vào kinh nghiệm và kết quả hoạt động. Người đứng đầu phải có ít nhất 1 năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn đầu tư, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Các tổ chức có ít nhất 1 năm hoạt động và cung cấp dịch vụ cho ít nhất 10 nhóm khởi nghiệp và đã đầu tư hoặc gọi vốn đầu tư ít nhất 1 tỷ đồng cho các nhóm khởi nghiệp. Tiêu chí này còn tập trung vào số lượng các startup được đào tạo, kết nối, tiếp cận chuyên gia…

Tiêu chí thứ 2 được đề cập đến là năng lực của doanh nghiệp, tổ chức, cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn năng lực quản trị, năng lực đội ngũ, khả năng chuyên môn và hợp tác cũng như năng lực tài chính.

Tiêu chí cuối cùng được đề cập đến là định hướng của tổ chức, mục tiêu và giải pháp trong 5 năm tới khi tham gia đầu tư tại Trung tâm. Trong đó tập trung vào các mục tiêu cụ thể như số lượng startup được đào tạo và hỗ trợ, số vốn đầu tư mạo hiểm huy động được...

Dự kiến, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo thành phố sẽ được xây dựng tại khu đất số 123 Trương Định, quận 3 với diện tích sử dụng khoảng 18 nghìn m2 gồm 3 tầng hầm, 8 tầng trên và 1 tầng trên cùng dành cho hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, tầng 1 đến tầng 3 là Không gian hỗ trợ chung do nhà nước phụ trách, tầng 4 đến tầng 8 là khu vực thu hút tư nhân đầu tư tại trung tâm. Tổng chi phí xây dựng cho trung tâm này vào khoảng 323 tỉ đồng. 

 
Hoàng Anh - khampha.vn

Sở KH&CN TP.HCM luôn có các gói hỗ trợ về vốn, đào tạo... nhằm mục tiêu phát triển nhiều hơn các doanh nghiệp khởi nghiệp từ ý tưởng sáng tạo. 

Thông tin này được ông Đỗ Nam Trung, Trưởng phòng quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, chia sẻ tại lễ tổng kết cuộc thi NTT Startup Open Day tổ chức chiều 10/10. Lễ tổng kết do trường ĐH Nguyễn Tất Thành phối hợp với nhiều doanh nghiệp tổ chức.

Đây cũng là một trong những hoạt động đầu tiên của Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (WHISE) năm 2019.

ntthanh

Ban giám hiệu ĐH Nguyễn Tất Thành tặng quà vinh danh các dự án khởi nghiệp của sinh viên. Ảnh: Hà Thế An.

Tại lễ tổng kết, TS Trần Ái Cầm, Phó hiệu trưởng ĐH Nguyễn Tất Thành, cho hay mục tiêu và sứ mệnh của nhà trường đến năm 2025 trở thành cơ sở giáo dục theo định hướng ứng dụng, thực hành đa ngành nghề của khu vực và quốc tế. Vì thế, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo luôn được nhà trường quan tâm và tạo điều kiện cho sinh viên bằng việc thành lập trung tâm ươm tạo, đầu tư nhiều nguồn lực cho sinh viên khởi nghiệp.

“Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được coi là một trong sáu đặc trưng của sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành. Sinh viên hãy mạnh dạn khởi nghiệp, đương đầu với thách thức để rèn giũa bản thân trở thành những doanh nhân trong tương lai”- TS Cầm nhắn nhủ.

Theo đó sau 3 tháng phát động, cuộc thi NTTU Startup Open Day có 45 đội thi đến từ 10 trường ĐH, CĐ phía Nam. 300 sinh viên từ các đội đã tranh tài và chọn ra 11 dự án vào vòng chung kết. Nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên đã được doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ ươm tạo.

“Cuộc thi đã nhận được số tiền là 100 nghìn USD hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp để giúp các dự án khởi nghiệp sinh viên trở thành doanh nghiệp khởi nghiệp”, TS Cầm cho biết.

Cuộc thi NTTU Startup Day có sự tham gia hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM với vai trò là nhà tài trợ.

Phát biểu tại buổi tổng kết, ông Đỗ Nam Trung, Trưởng phòng quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM mong muốn, ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ tiếp tục tham gia nhiều hoạt động hơn nữa, gắn kết vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố.

Bởi theo ông Trung, các chỉ số về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong năm 2018 là hết sức ấn tượng. Cụ thể, năm 2018 đã có tới 900 triệu USD số tiền đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào startup Việt Nam, nước ta cũng đã vươn mình đứng thứ 3 tại Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Chúng tôi luôn có các gói hỗ trợ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên địa bàn thành phố như hỗ trợ vốn, đào tạo, cuộc thi, hội thảo… Sự hỗ trợ này nhằm mục tiêu phát triển nhiều hơn các doanh nghiệp khởi nghiệp từ ý tưởng sáng tạo”- ông Trung chia sẻ.

ntthanh2

Ông Đỗ Nam Trung, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Hà Thế An.

Là thành viên của dự án “Bột tảo nguyên liệu” đoạt giải quán quân NTTU Startup Open Day, Lê Thị Ngọc Châu, sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành, nhắn nhủ các bạn sinh viên hãy khởi nghiệp ngay đi. Vì hiện tại sinh viên có nhiều điều kiện thuận lợi để khởi nghiệp, đặc biệt là sự hỗ trợ rất lớn từ phía nhà trường.

Nhóm của Ngân phát hiện ra loài tảo Chlorella tồn tại ở dạng vật chất nhỏ trong môi trường nước có hàm lượng protein cao. Chính vì thế, nhóm đã xây dựng một quy trình tổng hợp tảo thành dạng bột để làm thức ăn cho tôm.

Hàm lượng protein trong tảo có thể lên tới 60% đến 90%. Ngoài ra, tảo còn có các chất làm tăng sức đề kháng, phòng dịch bệnh cho tôm. Từ lý do đó, nhóm tiến hành nuôi cấy, tăng sinh tảo trong phòng thí nghiệm, sau đó sấy và thu hồi sinh khối tảo này dưới dạng bột. Hiện tại nhóm đã có thành phẩm và tiến hành thực nghiệm tại các ao tôm với kết quả tốt. Hiện tại, nhóm muốn phát triển thành doanh nghiệp khởi nghiệp để xây dựng quy trình sản xuất bột tảo ở quy mô công nghiệp.

 
Hà Thế An - khampha.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378