SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Tiêu chuẩn TCVN 13274:2020 hướng dẫn định dạng các mã dùng cho truy vết và TCVN 13275:2020 hướng dẫn định dạng vật mang dữ liệu, ứng dụng trong truy xuất nguốn gốc (TXNG) sản phẩm, hàng hóa.

Trong hai ngày 27&28/7/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức lớp tập huấn, phổ biến, hướng dẫn về các quy định, tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến TXNG sản phẩm, hàng hóa.

Theo bà Võ Đình Liên Ngọc (Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Sở KH&CN TP.HCM), lớp tập huấn này nằm trong kế hoạch năm 2023 của Sở KH&CN nhằm thực hiện theo Quyết định số 1659/QĐ-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2023 của Ủy ban Nhân dân TP.HCM về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn TP.HCM năm 2023. Trong khuôn khổ lớp tập huấn, các báo cáo viên của Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia sẽ giới thiệu, phổ biến các tiêu chuẩn quốc gia về định dạng các mã dùng cho truy vết (TCVN 13274:2020) và tiêu chuẩn quốc gia về định dạng vật mang dữ liệu (TCVN 13275:2020). Đây là 2 nội dung quan trọng giúp các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nắm bắt các thông tin, quy định liên quan để có định hướng phù hợp và triển khai áp dụng hệ thống TXNG được tốt hơn.

05HDKHLVchicuctaphuanTXNGh2.jpg

Bà Võ Đình Liên Ngọc (Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Sở KH&CN TP.HCM) phát biểu khai mạc lớp tập huấn

Bà Ngọc cho biết, thực hiện Quyết định 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triến khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030 tại Quyết định số 1039/QĐ-UBND. Thành phố giao Sở KH&CN là cơ quan thường trực chủ trì phối hợp với các sở ban ngành triển khai thực hiện kế hoạch. UBND Thành phố cũng đã ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai TXNG trên địa bàn TP.HCM theo Quyết định 1383/QĐ-UBND. Thực hiện quyết định này, TP.HCM đã và đang triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia về TXNG đối với 3 nhóm sản phẩm thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm. Trong năm 2022, Sở KH&CN TP.HCM cũng đã tổ chức các lớp tập huấn phổ biến, hướng dẫn cụ thể về các tiêu chuẩn TCVN 12850:2019 (yêu cầu chung đối với hệ thống TXNG), TCVN 12827:2019 (yêu cầu đối với chuỗi cung ứng rau quả tươi), TCVN 13166-1:2020 (yêu cầu đối với chuỗi cung ứng thịt gia súc và gia cầm),... Thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng ra các nhóm sản phẩm khác như rau củ quả tươi (bao gồm sản phẩm xoài cát), động vật giáp xác, tôm, thủy sản, tổ yến,...

Tại lớp tập huấn, các báo cáo viên của Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia đã trình bày các nội dung tổng quan TXNG ứng dụng mô hình TXNG theo tiêu chuẩn TCVN; tổng quan về tiêu chuẩn quốc gia TCVN mã số mã vạch và TXNG; giới thiệu cổng thông tin TXNG sản phẩm hàng hóa quốc gia; giới thiệu và hướng dẫn áp dụng TCVN 13274:2020, TCVN 13275:2020.

05HDKHLVchicuctaphuanTXNGh3.jpg

Ông Hoàng Quốc Việt (Báo cáo viên của Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia) trình bày tại lớp tập huấn

Theo đó, TCVN 13274 hướng dẫn định dạng các mã dùng trong truy vết hệ thống TXNG và TCVN 13275 định dạng vật mang dữ liệu để mã hóa các mã truy vết do Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/GS1 Mà số mã vạch và TXNG biên soạn. Tiêu chuẩn TCVN 13274 đưa ra các yêu cầu đối với mã truy vết vật phẩm (dãy số hoặc số và chữ được dùng để định danh vật phẩm ở các công đoạn sản xuất, kinh doanh trong quá trình TXNG); mã truy vết vận chuyển (dãy số hoặc số và chữ được dùng để định danh các đơn vị logistic ở các công đoạn sản xuất, kinh doanh trong quá trình TXNG); mã truy vết địa điểm (dùng để định danh địa điểm diễn ra sự kiện ở các công đoạn sản xuất, kinh doanh trong quá trình TXNG); mã truy vết tài sản (dùng để định danh tài sản ở các công đoạn sản xuất, kinh doanh trong quá trình TXNG).

05HDKHLVchicuctaphuanTXNGh4.jpg

Lớp tập huấn dành cho đối tượng học viên đến từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, sở, ban, ngành, UBND quận/huyện trên đia bàn TP.HCM

Tiêu chuẩn TCVN 13275 quy định về định dạng vật mang dữ liệu để mã hóa các mã truy vết được sử dụng trên các dạng bao gói và hộp/vật đựng đặc thù của sản phẩm, hàng hóa trong chuỗi TXNG. Tiêu chuẩn này đưa ra định nghĩa “định dạng” là cách thức bố trí, kiểu dáng của các thành phần; “vật mang dữ liệu” là thiết bị hoặc phương tiện được dùng để lưu trữ dữ liệu theo dạng cơ chế chuyển tiếp trong hệ thống AIDC (kỹ thuật thu thập và định danh tự động). Đồng thời đưa ra các yêu cầu chung về mã vạch một chiều (mã vạch EAN/UPC, mã vạch ITF, mã vạch GS1 128/Code 128,…) và mã vạch hai chiều (mã QR Code, mã Datamatrix).

Hiện nay Bộ KH&CN đã công bố 23 tiêu chuẩn quốc gia về TXNG, trong năm 2023 sẽ công bố thêm 10 tiêu chuẩn, nâng tổng số lên 33 tiêu chuẩn quốc gia về TXNG. Đồng thời, Bộ cũng đang vận hành thử nghiệm cổng thông tin TXNG sản phẩm hàng hóa quốc gia, dự kiến cuối năm 2023 sẽ đưa vào vận hành chính thức. Đây là những điều kiện thuận lợi, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp triển khai hệ thống TXNG áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia để đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin TXNG của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường; đảm bảo chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa, tăng cường tính giám sát, góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Lam Vân (CESTI)

Ngày 20/7, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 06 tháng đầu năm 2023 và giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ lần thứ XIII nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Báo cáo tại Hội nghị, bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở đã hỗ trợ cho 1.069 doanh nghiệp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo (đạt 118,78% chỉ tiêu kế hoạch năm, lũy kế đạt 204% chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025), 82 dự án ươm tạo - phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (đạt 27,33% chỉ tiêu kế hoạch năm, lũy kế đạt 77,5% chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025); 35 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm (đạt 116,67% chỉ tiêu kế hoạch năm, lũy kế đạt 271% chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025).

Thực hiện 6 Chương trình phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức đánh giá kết quả cho 3 nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó có 2 nhiệm vụ được đánh giá đạt; tổ chức triển khai 33 nhiệm vụ mới với tổng kinh phí thực hiện là 74,9 tỷ đồng (trong đó kinh phí từ ngân sách là 62,6 tỷ đồng, nguồn khác là 12,3 tỷ đồng); tổ chức giám định 22 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, các nhiệm vụ đều được đánh giá đạt và tiếp tục thực hiện giai đoạn 2; tổ chức nghiệm thu 26 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, 100% nhiệm vụ có kết quả được ứng dụng.

Về hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo tại khu vực công, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM thực hiện chuyển giao bộ công cụ quản lý chợ nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước với UBND Quận 3, Quận 4, Quận 7, Quận 10, Nhà Bè, thành phố Thủ Đức. Một số kết quả ứng dụng khoa học công nghệ nổi bật trong 6 tháng đầu năm gồm: UBND Quận 6 ra mắt “Ứng dụng kết nối giao thương trực tuyến 4.0” tại địa chỉ kinhtequan6.com, UBND Quận 1 ra mắt giải pháp “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (WEBGIS) quản lý hộ kinh doanh theo thời gian thực” và giải pháp “Cấp giấy phép điện tử đối với thủ tục cấp giấy phép sử dụng tạm vỉa hè và cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trên địa bàn Quận 1”, UBND Quận 12 tổ chức Lễ Công bố phần mềm ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám trong công tác quản lý lĩnh vực tài nguyên - môi trường và đô thị. Các quận huyện, thành phố Thủ Đức cũng đã chủ động tổ chức các hoạt động nhằm tạo sân chơi khoa học công nghệ cho sinh viên, học sinh, thanh thiếu nhi nhân dịp chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.

Giai đoạn 2021- 2023, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã tham mưu UBND Thành phố ban hành nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, góp phần thúc đẩy đầu tư của xã hội cho hoạt động khoa học và công nghệ. Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TPHCM ngày càng lớn mạnh và đang tiến gần đến Top 100 Thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi ghi nhận những kết quả Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã đạt được thời gian qua. Ông Phan Văn Mãi lưu ý, TPHCM là trung tâm, nơi hội tụ các nguồn lực, vì vậy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo phải phát triển cao hơn. Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cần phát huy các cơ chế từ Nghị quyết 98 của Quốc hội, kết nối hợp tác quốc tế, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất về cơ chế, chính sách, đầu tư phát triển hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực về khoa học công nghệ, đồng thời mở rộng việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo khu vực công, đề ra các giải pháp thực hiện để mang lại hiệu quả cao nhất, từ đó phát huy đúng vị trí, vai trò của ngành khoa học công nghệ.

soket6thang1.jpg

Trong thời gian 6 tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đặt mục tiêu phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố đề ra là đầu tư của xã hội cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt 1% GRDP, nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt trên 45%. Cùng với đó là tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch Thúc đẩy đổi mới sáng tạo khu vực công của Thành phố, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, quận  huyện và thành phố Thủ Đức xây dựng các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm hỗ trợ các đơn vị thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động và chất lượng phục vụ. Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động Sàn giao dịch công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thành phố, tăng cường kết nối vùng, đồng thời sớm tham mưu trình Chính phủ Đề án kết nối sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại TPHCM.

 

Hoàng Kim (CESTI)

 

Việc bổ sung chế phẩm synbiotic giúp tỷ lệ sống của tôm đạt trên 85%, sản lượng tôm thu hoạch tăng khoảng 1,34-1,37 lần. Chế phẩm cũng có khả năng kháng vi khuẩn gây bệnh nên giúp giảm việc sử dụng kháng sinh tổng hợp, qua đó giảm được ô nhiễm môi trường.

Để phát triển nuôi thủy sản bền vững, có nhiều giải pháp sử dụng chế phẩm bổ sung probiotic (men vi sinh), prebiotic (chất xơ), hoặc synbiotic (dạng kết hợp của probiotic và prebiotic). Trong đó, Sự kết hợp của probiotic và prebiotic làm tăng khả năng sống sót của các vi khuẩn probiotic trong hệ tiêu hóa do các vi sinh vật này sử dụng prebiotic như một cơ chất để chúng lên men và phát triển. Hơn nữa, prebiotic cho phép gắn kết vi khuẩn vào thành ruột tốt hơn và tốc độ phát triển của các vi khuẩn khỏe mạnh tăng lên sẽ làm giảm số lượng quần thể vi khuẩn có hại. Ngoài ra, vi khuẩn trong đường ruột nhờ prebiotic mà có thể chịu đựng tốt điều kiện oxy, pH thấp, nhiệt độ trong hệ tiêu hóa. Do vậy, sản phẩm synbiotic là thực phẩm bổ sung lý tưởng cho động vật thủy sản. Tuy nhiên, việc sử dụng các chế phẩm synbiotic nhập ngoại tuy bước đầu có những hiệu quả tốt nhưng giá thành rất cao. Mặt khác, một số sản phẩm ngoại nhập không thích hợp với điều kiện thủy sinh, thổ nhưỡng cũng như giống vật nuôi trong nước ta nên hoạt tính không ổn định.

Xuất phát từ nhu cầu sử dụng chế phẩm synbiotic để nuôi tôm tại Việt Nam, nhóm nhà khoa học ở Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Hoàn thiện chế phẩm sinh học dưới dạng synbiotic bổ sung vào thức ăn nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) công nghiệp” với mục tiêu hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm sinh học dưới dạng synbiotic bổ sung vào thức ăn nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp, giúp nâng cao tăng trưởng và tăng cường miễn dịch cho tôm.

NV-25-H1.jpg

 Chế phẩm sinh học dưới dạng synbiotic bổ sung vào thức ăn nuôi tôm thẻ chân trắng

TS. Hoàng Phương Hà (chủ nhiệm nhiệm vụ) chia sẻ, để tạo chế phẩm sinh học dưới dạng synbiotic, thành phần prebiotic - chất xơ thực phẩm được lựa chọn là khô đậu nành - một loại phụ phẩm nông nghiệp chứa nhiều dinh dưỡng sau khi sản xuất dầu. Các Oligosaccharride - thành phần có mặt trong chất xơ thực phẩm và một số chất ức chế dinh dưỡng như ức chế tripsin (trypsin inhibitor) chứa trong khô dầu đậu nành - sẽ được chuyển hóa thành các axit béo mạch ngắn và loại được chất ức chế dinh dưỡng này nhờ trong quá trình lên men bởi các chủng probiotic. Các chủng probiotic được sử dụng trong nhiệm vụ có khả năng sinh các enzym tiêu hóa như amylase, cellulase, protease… có khả năng kháng lại Vibrio parahaemolyticus và còn là những chủng tạo màng sinh học (biofilm) rất tốt, có thể tồn tại lâu dài trên thành ruột của tôm. Hơn thế, khô đậu nành còn chứa khá nhiều chất dinh dưỡng và protein (hàm lượng protein thô trong khô đậu nành chiếm tới 48%, chất béo 1-2%; chất xơ  4,5-6%) nên khi được lên men trực tiếp với nhóm vi sinh vật có lợi có thể tận dụng được toàn bộ giá trị dinh dưỡng của khô đậu nành làm nguồn thức ăn bổ dưỡng cho vật nuôi thủy sản. Một số chất ức chế dinh dưỡng như ức chế tripsin (trypsin inhibitor) chứa trong khô dầu đậu nành cũng sẽ được chuyển hóa thành các axit béo mạch ngắn nhờ trong quá trình lên men bởi các chủng vi sinh vật có lợi. Giải pháp tiến hành không cần sử dụng đến các bài toán công nghệ phức tạp, do đó chi phí đầu tư không cao và giá thành sản phẩm cũng phù hợp để mở rộng quy mô ứng dụng, đáp ứng cả yêu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.

Cụ thể, nhóm thực hiện đã xây dựng quy trình sản xuất chế phẩm dưới dạng synbiotic ở quy mô 50 kg/mẻ. Chế phẩm synbiotic sau khi tạo thành được sấy ở 40 độ C để đạt độ ẩm cuối 9 - 11%, đảm bảo mật độ tế bào của vi khuẩn probiotic 108CFU/g và duy trì hoạt tính sinh enzym tiêu hóa, kháng khuẩn sau sấy tạo chế phẩm, đảm bảo hiệu quả tăng cường miễn dịch và kích thích sinh trưởng cho tôm trong nuôi trồng thủy sản.

NV-25-H2.jpg

Sơ đồ tổng quát quá trình tạo chế phẩm symbiotic

Bên cạnh các thông số kỹ thuật về điều kiện thích hợp cho lên men bán rắn (pH, nhiệt độ, độ ẩm, hàm lượng cơ chất, độ dày cơ chất), chế phẩm synbiotic đã được đánh giá về tính an toàn, khả năng kích thích sinh trưởng và miễn dịch đối với tôm thẻ chân trắng trong mô hình in vivo 150 L. Bổ sung chế phẩm synbiotic đạt hiệu quả bảo vệ (RPS) 36,36%, tăng tỷ lệ sống của tôm khoảng 20% khi công độc với V. parahaemolyticus ở liều LD50.

NV-25-H3.jpg

Tôm thẻ chân trắng thử nghiệm sạch bệnh, không sử dụng hóa chất, kháng sinh, vi sinh trong suốt quá trình nuôi

Nhóm thực hiện đã tiến hành thử nghiệm chế phẩm synbiotic ở 2 vụ nuôi tôm thẻ chân trắng (thời gian mỗi vụ khoảng 90-100 ngày) tại Hợp tác xã Thuận Yến (huyện Cần Giờ). Diện tích ao nuôi thử nghiệm là 1.000 m2, mật độ nuôi 200 con/m2. Lượng chế phẩm synbiotic bổ sung vào ao nuôi tùy thuộc vào từng thời điểm tôm sinh trưởng, dao động từ 3-6 g/kg thức ăn. Chế phẩm được bổ sung nhiều từ khoảng ngày 40 đến cuối vụ nuôi để kích thích sinh trưởng của tôm tốt hơn. Kết quả thử nghiệm cho thấy việc bổ sung chế phẩm synbiotic giúp tỷ lệ sống của tôm đạt trên 85% (cao hơn so với ao đối chứng - đạt dưới 80%), sản lượng tôm thu hoạch tăng khoảng 1,34-1,37 lần, ước tính doanh thu tăng 8,5%. Đây là cơ sở để triển khai mở rộng thương mại hóa sản phẩm để ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ tăng cường miễn dịch và kích thích sinh trưởng cho vật nuôi.

Theo đó, nhóm thực hiện đã hoàn thiện chế phẩm sinh học dưới dạng synbiotic bổ sung vào thức ăn nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Chế phẩm tạo thành sử dụng các chủng vi sinh vật bản địa nên dễ thích ứng với điều kiện ngoại cảnh của khí hậu và môi trường nuôi tôm tại Việt Nam. Chế phẩm cũng có khả năng kháng vi khuẩn gây bệnh nên giúp giảm việc sử dụng kháng sinh tổng hợp, qua đó giảm được ô nhiễm môi trường. Nguyên liệu đầu vào cho quy trình sản xuất chế phẩm sinh học dưới dạng synbiotic là khô đậu nành - rất phổ biến và có rất nhiều ở trong nước, dễ dàng tận dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp làm tăng vai trò của lợi khuẩn cũng như tăng vai trò của chế phẩm, đồng thời giải quyết ngay nguồn phụ phẩm nông nghiệp có giá trị tránh gây ô nhiễm thứ cấp khi nguồn nguyên liệu này thải ra môi trường bên ngoài.

Hơn thế. quy trình sản xuất chế phẩm không cần phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp nên tiết kiệm được nhiều chi phí. Dựa trên quá trình lên men bán rắn với các chủng vi khuẩn có lợi probiotic, có thể giảm hàm lượng chất ức chế dinh dưỡng đồng thời tăng hàm lượng protein trong khô đậu nành, tăng khả năng chuyển hóa thức ăn trong đường ruột của tôm. Nhờ đó, làm tăng hiệu suất thu hoạch tôm mà không cần sử dụng đến kích thích tố, kháng sinh, hóa chất độc hại, đảm bảo sản phẩm tôm sạch trở thành nguồn cung cấp protein hữu cơ (organic) trong nước và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nhóm thực hiện kiến nghị Sở KH&CN TPHCM tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu mở rộng quy mô ứng dụng cho các đối tượng thủy sản khác như cá, động vật 2 mảnh vỏ… để tăng hiệu quả nuôi trồng thủy sản.

Thông tin liên hệ:
Viện Công nghệ sinh học
Địa chỉ: 18 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: (024) 38362599

E-mail: admin@ibt.ac.vn

Website: http://www.ibt.ac.vn

Từ nguồn nguyên liệu là quả dứa dại Bắc bộ sẵn có và dễ canh tác, các nhà khoa học đã nghiên cứu và hoàn thiện quy trình chiết xuất cao toàn phần có tác dụng kháng viêm và bảo vệ gan hiệu quả.

Thực tế cho thấy, trái dứa dại tại Việt Nam có nhiều loài khác nhau như Pandanus tectorius, Pandanus odoratissimus, Pandanus kaida Kurz, Pandanus tonkinensis (Mart. ex B. Stone)...; và Pandanus tectorius, Pandanus odoratissimus, Pandanus kaida Kurz đã được nghiên cứu về thành phần hóa học và tác dụng dược lý.

H-2DuaDai-minh hoa.jpg

Một số dòng dứa dại thông dụng tại Việt Nam

Trong khi đó, Pandanus tonkinensis (Mart. ex B. Stone) là loài đặc hữu Việt Nam, thường được gọi dứa dại Bắc bộ, mọc tự nhiên ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, cũng như mọc rải rác tới tỉnh Khánh Hòa. Quả, lá, đọt non và rễ được dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa viêm đường tiết niệu, viêm gan,...

Tuy nhiên, đến nay chưa có công trình khoa học nào tại Việt Nam hay trên thế giới công bố về thành phần hóa học cũng như các tác dụng dược lý của loại quả dứa dại bắc bộ.

Với những giá trị phân tích kể trên đã cho thấy loài Pandanus tonkinensis (Mart. ex B. Stone) có tiềm năng rất lớn trong khoa học y dược. Do đó, việc đi sâu nghiên cứu thành phần hóa học của loài dứa dại bắc bộ một cách đầy đủ, bài bản có hệ thống, cũng như việc nghiên cứu tiềm năng sinh học, đặc biệt là tác dụng kháng viêm, bảo vệ gan của loại quả này là rất cần thiết, đáng được quan tâm thực hiện ngay trong giai đoạn hiện nay.

Trên tinh thần đó, nhóm các nhà khoa học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) từ sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Nghiên cứu quy trình chiết xuất cao toàn phần có tác dụng kháng viêm, bảo vệ gan từ quả dứa dại (Pandanus tonkinensis)".

Chủ nhiệm nhiệm vụ là GS. TS Phạm Hùng Việt cho biết, mục tiêu tổng quát của nhiệm vụ là: Xây dựng được cơ sở khoa học (gồm: thông tin về thành phần hóa học, chất đối chiếu cho dược liệu, quy trình chiết xuất cao toàn phần, tiêu chuẩn cơ sở cho cao, hoạt tính kháng viêm, bảo vệ gan của cao toàn phần) để sử dụng dược liệu - quả dứa dại làm nguyên liệu bào chế thực phẩm chức năng bảo vệ gan.

Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ vừa được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hồi trung tuần tháng 6/2023, GS.TS Phạm Hùng Việt khẳng định, những mục tiêu cụ thể của nhiệm vụ đã đạt được là:

- Xác định được thành phần hóa học của quả dứa dại Pandanus tonkinensis (Mart. ex B. Stone) bằng các phương pháp phân tích hiện đại.

- Xây dựng được quy trình chiết xuất, tinh chế một số hợp chất chính làm chất đối chiếu cho kiểm nghiệm dược liệu và chế phẩm. Xây dựng được bộ dữ liệu nhận biết chất đối chiếu. Độ tinh khiết của chất đối chiếu đã chiết xuất, tinh chế được xác nhận.

- Xây dựng được quy trình chiết xuất cao toàn phần từ quả Pandanus tonkinensis Mart. ex B. Stone theo định hướng hiệu suất chiết và thành phần chất đối chiếu.

- Xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở cho cao toàn phần và kiểm nghiệm các lô cao đã sản xuất.

- Đánh giá được tác dụng kháng viêm, bảo vệ gan, độc tính cấp, độc tính bán trường diễn, độ ổn định của cao toàn phần đã sản xuất.

H-1 (chon dai dien Web).jpg

Cao chiết là sản phẩm của nhiệm vụ khoa học - công nghệ

Nhiệm vụ đã thành công trong việc chiết xuất và tinh chế 2 chất đối chiếu cho dược liệu với độ tinh khiết 98%, cung cấp bộ dữ liệu phổ cho chất đối chiếu, và đây là cơ sở quan trọng cho việc kiểm nghiệm chất lượng dược liệu, chế phẩm và nghiên cứu tiếp theo về hóa dược.

Sau đó nhiệm vụ đã xây dựng quy trình và bào chế được chế phẩm cao toàn phần ở quy mô phòng thí nghiệm. Cao toàn phần có phạm vi an toàn khá rộng, không thể hiện độc tính cấp và độc tính bán trường diễn, thể hiện hoạt tính kháng viêm trên mô hình in vitro, có thấy hoạt tính bảo vệ gan trên mô hình gây độc gan cấp tính ở mức nồng độ nghiên cứu, thể hiện tác dụng bảo vệ sự sống và cải thiện chức năng gan trên mô hình chuột bị gây xơ gan bằng CCl4.

H-3.jpg

Đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ báo cáo kết quả thực hiện nghiên cứu

"Cao toàn phần đã được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn cơ sở, và tiêu chuẩn cơ sở này cũng đã được được đánh giá bởi Viện kiểm nghiệm thuốc TP.HCM", GS. TS Phạm Hùng Việt nhấn mạnh.

Ngoài ra, mẫu cao sản xuất có tính ổn định, đạt tiêu chuẩn cơ sở sau 6 tháng bảo quản trong cả hai điều kiện lão hóa cấp tốc và dài hạn.

GS.TS Phạm Hùng Việt khẳng định, kết quả của nhiệm vụ là tiền đề để có thể định hướng sản phẩm mới có nguồn gốc là dược liệu dứa dại phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân; góp phần khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giúp phát triển sinh kế cho người dân tại những vùng nguyên liệu trong tương lai.

Đánh giá về hiệu quả khoa học - công nghệ của công trình nghiên cứu nói trên, GS.TS Phạm Hùng Việt khẳng định, nhiệm vụ đã xác định được thành phần hóa học của loài dứa dại Pandanus tonkinensis - một loài đặc hữu tại Việt Nam. Ngoài ra, kết quả sàng lọc hoạt tính sinh học của các thành phần này cho thấy khả năng chống ôxy hóa và khả năng kháng viêm, có thể đóng góp vào tác dụng của dược liệu. Đây chính là những cơ sở khoa học làm sáng tỏ kho tri thức bản địa về dược liệu dứa dại của Việt Nam.

Nhận định về nguồn nguyên liệu đầu vào cho quá trình chiết xuất cao, PGS. TS Nguyễn Việt Hùng cho biết, qua thu thập thông tin trực tiếp từ các vùng phân bố tự nhiên và quá trình phỏng vấn những một số người chuyên kinh doanh quả dứa dại Pandanus tonkinensis ở các tỉnh miền núi phía Bắc cho thấy loài này được khai thác thường xuyên ở các vùng rừng núi từ khoảng cuối mùa hè đến mùa đông, khi quả đã già.

H-4.jpg

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng phát biểu tiếp thu các ý kiến, đóng góp từ các thành viên hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ

Từ các thông tin thu thập được của những người khai thác và kinh doanh dược liệu, có thể ước tính được số lượng quả Pandanus tonkinensis được khai thác hằng năm vào khoảng 50 - 100 tấn quả tươi, tương đương 20 - 50 tấn dược liệu quả khô. Ngoài ra, lá và rễ cũng được sử dụng làm thuốc nhưng với số lượng ít hơn, do thường lấy quả để dễ bảo quản, bán cho khách du lịch và nếu lấy rễ thì cây sẽ không ra quả. Tuy nhiên, nếu có nhu cầu lấy nguyên liệu từ rễ và lá, hằng năm các hộ khai thác vẫn có thể cung cấp hàng trăm tấn dược liệu này cho sản xuất hoặc cho các cơ sở thuốc y học cổ truyền.

Cũng theo lời đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ, để tiến tới sản phẩm thương mại hóa, cần tiếp tục thực hiện nghiên cứu bào chế các chế phẩm thích hợp cho việc sử dụng trên cơ sở nguyên liệu cao hoặc dược liệu đã được tiêu chuẩn hóa, định hướng cho việc phát triển vùng nguyên liệu, từ đó góp phần nâng cao sinh kế của người dân và chuyển giao quy trình cho đơn vị sản xuất có nhu cầu.

Với vùng phân bố tự nhiên tương đối rộng, có ở vùng núi ở hầu hết các tỉnh phía Bắc đến Khánh Hòa, nguồn dược liệu dứa dại Pandanus tonkinensis hiện tại chủ yếu được khai thác từ nguồn tự nhiên. Tuy nhiên, loài này cũng như một số loại dứa dại khác thi thoảng vẫn được trồng ở một số địa phương một cách dễ dàng. Việc trồng cây dứa dại (Pandanus) có nhiều mục đích sử dụng khác nhau, điều này phụ thuộc một phần vào từng loài và địa phương. Một số loài Pandanus được trồng để là nguồn thực phẩm, trong khi những loài khác được trồng để lấy nguyên liệu thô cho quần áo, đan giỏ và làm nơi trú ẩn.

 

Thông tin liên hệ:
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội)
Địa chỉ: 334 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 0913 572 589 - 0243 8587964

E-mail: vietph@vnu.edu.vn

Website: hus.vnu.edu.vn

Các hoạt động “cốt lõi” này được các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá là nhiệm vụ quan trọng của trường đại học đi theo định hướng đại học khởi nghiệp. Do đó, để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần phát huy vai trò của trường đại học và các trường đại học cũng cần nhận được sự quan tâm đúng đắn để phát huy vai trò của mình.

Sáng 14/7/2023, tại trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã diễn ra Hội thảo "Đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo trong trường đại học khởi nghiệp". Chương trình do Sở khoa học và Công nghệ TP.HCM, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), Công ty Cổ phần Tập đoàn Green+ phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam và Swiss EP cùng tổ chức với hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự Hội thảo về phía Ban tổ chức có bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (Sở khoa học và Công nghệ TP.HCM); PGS.TS. Lê Văn Thăng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM); ông Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế, Chủ tịch Học viện Khởi nghiệp thành công, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư tài chính Green+. Về phía đơn vị phối hợp có TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (Viên Kinh tế Việt Nam); bà Nguyễn Quỳnh Anh - Giám đốc Swiss Entrepreneurship Program (Swiss EP) tại TP.HCM và khu vực phía Nam. Về phía khách mời có PGS.TS. Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp TP.HCM; TS.KTS. Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Phòng Quản lý Quy hoạch chung (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM); TS. Huỳnh Kỳ Trân - Người sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hóa - Mỹ phẩm Thorakao; ông Anthony Nahas - Giám đốc AN Consulting, thành viên đại diện liên danh đổi mới sáng tạo MSGC Paris; Th.S Huỳnh Hồng Mai - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp (trường Đại học Nguyễn Tất Thành); TS. Đỗ Xuân Hồng - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ (trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) cùng gần 100 đại biểu là đại diện các Phòng, Ban thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM; các Phòng, Khoa, Trung tâm của trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), sinh viên trường; đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu, các trung tâm ươm tạo và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

1472023KN.jpg

Hội thảo đã thu hút được gần 100 đại diện của nhiều viện, trường, doanh nghiệp và giảng viên, sinh viên, chuyên gia trong và ngoài nước cùng tham gia

Tại buổi Hội thảo, 3 phần trình bày tham luận với các chủ đề gồm:

- “Vì sao chưa phát triển được nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo từ các trường đại học?” của ông Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế, Chủ tịch Học viện Khởi nghiệp thành công, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư tài chính Green+.

- “Phát triển công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp trong các trường đại học khởi nghiệp” của ông Martin Webber - Co-Owner, J.E. Austin Associates McLean, Virginia, United States (chương trình Swiss EP).

- “Giải pháp thúc đẩy phát triển đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo theo mô hình đại học khởi nghiệp” của PGS.TS. Phạm Đình Anh Khôi - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Cũng trong Hội thảo này, các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên và đại diện các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đã có phần thảo luận với nội dung: “Lộ trình phát triển đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo của các trường đại học Việt Nam để phát triển theo định hướng trường đại học khởi nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (Sở khoa học và Công nghệ TP.HCM) nhận định, trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam, trường đại học là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng. Ngoài đào tạo con người, vai trò của trường đại học còn được thể hiện ở hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đồng thời hợp tác với doanh nghiệp để thương mại hóa, ứng dụng các kết quả nghiên cứu ra ngoài xã hội.

“Trường đại học mạnh sẽ tạo ra nguồn cung cấp tri thức cũng như công nghệ cho xã hội. Đây cũng là nơi để phát triển dồi dào những ý tưởng về đổi mới sáng tạo giúp nâng cao tài sản cho doanh nghiệp cũng như nâng cao tài năng trí tuệ trong hoạt động của doanh nghiệp. Quá trình phát triển của doanh nghiệp sẽ có 3 giai đoạn: hình thành ý tưởng, phát triển sản phẩm và tăng trưởng, tương ứng với 3 hoạt động tại trường đại học là đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo”, bà Trúc nói.

Cũng theo bà Phan Thị Quý Trúc, trong giai đoạn đầu, nhà trường và giảng viên đóng vai trò là người truyền cảm hứng, cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản, hình thành những đội nhóm, các hoạt động liên kết sinh viên liên ngành đó là nền tảng giúp sinh viên hình thành ý tưởng về đổi mới sáng tạo. Đến giai đoạn thứ hai, cũng chính thầy cô là người dẫn dắt để những ý tưởng đó được nghiên cứu một cách bài bản và cho ra sản phẩm cụ thể, bước đầu quá trình thương mại hóa. Ở giai đoạn thứ ba, tức giai đoạn tăng trưởng, khi sản phẩm đã được hiệu chỉnh theo phản hồi của thị trường, các đội nhóm sinh viên sẽ nghĩ đến việc hình thành doanh nghiệp để có thể kinh doanh những sản phẩm và dịch vụ này. Lúc này nhà trường có vai trò tạo ra môi trường để cung cấp cho sinh viên kiến thức liên quan đến kinh doanh như pháp luật, thuế, kế toán... Rõ ràng, trong tất cả giai đoạn phát triển của doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp hình thành trong trường đại học vai trò của trường đại học là vô cùng quan trọng và trường đại học cũng là thành tố rất quan trọng trong trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đồng thời đó là nền tảng để tạo ra giá trị cốt lõi cho hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Tuy nhiên, “đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo” đang gặp phải “điểm nghẽn”.

1472023kn1.jpg

Bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (Sở khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu khai mạc Hội thảo

Đồng quan điểm với bà Phan Thị Quý Trúc về “điểm nghẽn" của mô hình đại học khởi nghiệp, ông Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế, Chủ tịch Học viện Khởi nghiệp thành công, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư tài chính Green+, đưa ra phép so sánh: Ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Singapore, Israel… 80% các doanh nghiệp khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo được phát triển từ các trường đại học. Nhưng ở Việt Nam lại xuất hiện nghịch lý là có tới 90% doanh nghiệp khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo nằm ngoài trường đại học.

“Nguyên nhân là việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học tại các trường đại học trong nước hiện nay chưa thực sự hiệu quả và chất lượng. Các trường chưa chú trọng đến ứng dụng và chuyển giao công nghệ, do đó làm nhiều, đúng quy trình nhưng mọi thứ chưa khả quan. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, nghiên cứu sinh tại một số trường đại học hiện chưa thể gắn kết với thị trường và nhu cầu của xã hội, nghĩa là không làm theo đặt hàng nên tính đáp ứng không cao”, ông Thành chia sẻ.

1472023kn2.jpg

Ông Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế, Chủ tịch Học viện Khởi nghiệp thành công, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư tài chính Green+ thẳng thắn chia sẻ về vấn đề khởi nghiệp trong trường đại học hiện nay

Cũng theo ông Thành cho rằng, thực tế nhiều trường đại học trong nước vẫn chưa xây dựng được đầy đủ các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo. Do đó, không khai thác được nguồn lực cho hoạt động quan trọng này. Nhiều trường đại học có vườn ươm, trung tâm đổi mới sáng tạo nhưng lại thiếu những thành tố khác như quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp hay các quỹ đầu tư về khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo ngay trong trường… Bên cạnh đó, quá trình thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ của không ít trường đại học vẫn đang gặp khó vì nhiều quy chuẩn, giấy tờ. Trong khi đó nhiều trường lại chưa có được những tổ chức trung gian hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo. Hiện nay, đa phần các trường vẫn chưa có riêng một tổ chức chuyển giao công nghệ chuyên nghiệp, hầu hết toàn nhân sự kiêm nhiệm. Điều này tạo ra rất nhiều rào cản để phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo bên trong trường đại học.

Không những thế, một vấn đề mà nhiều trường đại học hiện nay đang gặp phải đó là "khát vốn" khởi nghiệp dẫn đến tình trạng có nhiều ý tưởng rất hay nhưng không được đầu tư đến nơi đến chốn để phát triển thành đề án kinh doanh khả thi. Thậm chí, nhiều ý tưởng tham gia các cuộc thi khởi nghiệp xong rồi ngậm ngùi… đem bỏ tủ.

“Chính việc chưa có sự đầu tư thỏa đáng trong công tác nghiên cứu khoa học đã làm tổn thất nhiều ý tưởng sáng tạo có thể phát triển thành dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp. Và tâm lý đặt nặng vấn đề khởi nghiệp lên vai sinh viên cũng khiến nhiều trường đã trật nhịp trên hành trình đẩy mạnh sự phát triển mô hình đại học khởi nghiệp. Cho nên điều các trường đại học cần làm là tạo ra hệ sinh thái nuôi dưỡng các ý tưởng khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng phát triển. Ngoài ra, cần giảm tính hình thức trong sự kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường, tập trung nguồn lực hiện thực hóa các ý tưởng tốt thành sản phẩm sáng tạo mà thị trường cần”, Ông Thành chia sẻ thêm.

Theo ông Martin Webber - Co-Owner, J.E. Austin Associates McLean, Virginia, United States (chương trình Swiss EP), các trường đại học có vai trò rất lớn trong kết nối 3 nhà “nhà nước, doanh nghiệp và cả cộng đồng xã hội” để có thể tăng tốc đổi mới sáng tạo. Do các trường đại học đóng vai trò cung cấp kiến thức khoa học cơ bản, công nghệ cũng như quy trình kỹ thuật. Khi các trường đại học tạo ra tài sản trí tuệ mới doanh nghiệp có thể áp dụng các đổi mới sáng tạo này để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

“Các trường đại học và startup hoàn toàn có thể thương mại hóa tài sản trí tuệ, tạo ra nguồn thu từ chính hoạt động này, như phí bản quyền thương mại hóa các phát minh. Nguồn thu này sau đó có thể được tiếp tục tái đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) giúp tạo nên một chu kỳ đổi mới lẫn giá trị kinh tế. Thế nên, có thể xem trường đại học là thành tố quan trọng trong hoạt động khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo và cần nhận được sự quan tâm đúng đắn để phát huy vai trò của mình”, ông Webber chia sẻ.

1472023kn3.jpg

Ông Martin Webber - Co-Owner, J.E. Austin Associates McLean, Virginia, United States (chương trình Swiss EP) chia sẻ tham luận thông qua nền tảng Google Meet

Cũng theo ông Webber, để từng bước giải quyết các yếu tố trên cần hoạt động kiến tạo văn hóa khởi nghiệp thông qua khung hướng dẫn cụ thể. Khung hướng dẫn này có 10 bước bao gồm: tư vấn về ngành, xác định chuẩn kỹ năng, thực tập và học việc, trung tâm khởi nghiệp, đánh giá nhu cầu thường xuyên, đào tạo tại chỗ, nghiên cứu do doanh nghiệp tài trợ, đào tạo chuyển đổi giữa sự nghiệp, chương trình cựu sinh viên và chương trình thực tập.

PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, nếu một trường đại học theo định hướng “đại học khởi nghiệp” thì 3 nhiệm vụ chính là đào tạo - nghiên cứu khoa học - đổi mới sáng tạo cần có vai trò ngang nhau.

“Trường đại học cũng phải có những hoạt động hướng tới thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, bao gồm chuyển giao công nghệ, đào tạo cơ cấu, sàng lọc những doanh nghiệp có khả năng. Nhưng tiêu chuẩn quan trọng nhất vẫn là đổi mới sáng tạo và tác động của nó. Tiếp theo đó, trường đại học phải liên tục đổi mới sáng tạo, liên tục cải tiến, phát triển và tạo ra tác động tích cực trong xã hội. Như vậy mới thể hiện rõ vai trò của đại học khởi nghiệp”, PGS, TS Phạm Đình Anh Khôi nói.

Cũng theo PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi, dựa trên cách đánh giá của Tổ chức Kiểm định đại học khởi nghiệp tại châu Âu khi tập trung phân tích 5 tiêu chuẩn quan trọng với một trường đại học khởi nghiệp.

Với tiêu chuẩn đầu tiên là "Định hướng và chiến lược", thì trường đại học khởi nghiệp cần có những cam kết, định hướng về chiến lược khởi nghiệp trong nhiệm vụ đề ra. Đồng thời, nhà trường phải có mục tiêu chia sẻ về khởi nghiệp để tất cả thành viên đều biết. Bên cạnh đó, là một kế hoạch tài chính ổn định để có thể thực thi những hoạt động khởi nghiệp.

Với tiêu chuẩn "Bộ máy quản trị con người", thì hoạt động, sứ mệnh, tiêu chí và những bộ máy quản trị của trường đại học cần tạo điều kiện, thúc đẩy cho hoạt động đổi mới sáng tạo như chia sẻ, chấp nhận rủi ro cũng như đưa ra chế độ khen thưởng, động viên phù hợp.

1472023kn4.jpg

PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ tham luận tại Hội thảo

Với tiêu chuẩn "Nguồn lực", trường đại học cần xây dựng văn hóa khuyến khích giảng viên, sinh viên có thể suy nghĩ và hành động như là người khởi nghiệp. Đồng thời, định hướng những chính sách, dự án, đề tài để hỗ trợ…

Với tiêu chuẩn "Đào tạo - Nghiên cứu khoa học" nhà trường phải cho sinh viên cơ hội cải tiến kiến thức, kỹ năng, hành động liên quan đến khởi nghiệp. Hướng tới mục tiêu hỗ trợ việc tạo ra những trí tuệ có thể khai thác trong tương lai.

Chia sẻ về những khó khăn của trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), PGS.TS. Lê Văn Thăng - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dù là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu khu vực phía Nam, nhà trường cũng đã xây dựng được một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tương đối hoàn chỉnh hoạt động từ năm 2010. Bên cạnh đó, liên quan đến các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp cũng đã có một truyền thống lâu dài và có nhiều thành quả. Tuy nhiên, cũng có nhiều hoạt động khởi nghiệp phải trả giá khá nhiều.

1472023kn5.jpg

PGS.TS. Lê Văn Thăng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) trao đổi tại Hội thảo

Theo PGS.TS. Lê Văn Thăng, đối với chức năng đào tạo và nghiên cứu khoa học thì có lẽ các trường đại học nói chung đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Riêng, chức năng chuyển giao công nghệ, chức năng đổi mới sáng tạo và chức năng khởi nghiệp thì rõ ràng còn khá nhiều vướng mắc, trở ngại có những cái thì do nội tại, do cơ chế và có thể do bài toán tạm gọi là 4 nhà “nhà trường, nhà nước, doanh nghiệp, xã hội”.

“Do đó, thông qua Hội thảo cũng như chuỗi Hội thảo Đại học khởi nghiệp, rất mong muốn nhận được những chia sẻ, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, các đơn vị quản lý nhà nước, của cộng đồng xã hội để từ đó hoàn thiện hơn mô hình hoạt động của một trường đại học và đại học khởi nghiệp, mà đối với trường Đại học Bách khoa xác định  phương châm và tiêu chí lớn nhất của nhà trường là đại học nghiên cứu là đại học khởi nghiệp”, PGS.TS. Lê Văn Thăng nói thêm.

Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (Viên Kinh tế Việt Nam) chia sẻ, trong thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng đã chứng tỏ được những tiềm năng phát triển rất lớn. Mỗi đối tượng trong hệ sinh thái từ dự án khởi nghiệp đến các trường đại học, tổ chức ươm tạo… đều đã có những bước phát triển vượt bậc, số lượng và chất lượng ngày một nâng cao qua từng năm.

“Với những lợi thế sẵn có và sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết, đặc thù cho hoạt động khởi nghiệp sẽ là đòn bẩy cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam phát triển, từ đó thúc đẩy các dự án khởi nghiệp phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Bên cạnh đó, khi tôi tham gia Hội thảo Đại học khởi nghiệp ở 8 trường đại học khác nhau thì rất ít nghe về các cơ chế, chính sách của trường đại học để giảng viên, sinh viên có thể tự tin nghiên cứu và khởi nghiệp. Cụ thể, yếu tố nhỏ nhất là hệ thống đánh giá của trường nếu giảng viên, sinh viên trước đây gắn liền với công tác giảng dạy, học tập và thi cử thì giờ đây tham gia nhiều hơn vào hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp... thành công thì không nói gì như nếu thất bại sẽ đánh giá như thế nào, tốt nghiệp như thế nào. Nên rất hy vọng, dù là cái nhỏ nhất nhưng chúng ta cũng phải rõ ràng”, TS. Thành nói.

1472023KN6.jpg

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (Viên Kinh tế Việt Nam) chia sẻ tại Hội thảo

Theo PGS.TS. Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp TP.HCM chia sẻ, sinh viên trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cũng tham gia nhiều giải thưởng, có giải Nhất, có doanh nghiệp đầu tư, ở trường cũng tạo điều kiện... nhưng thật sự nếu như đúng nghĩa trở thành một startup thì không hề đơn giản.

1472023KN7.jpg

PGS.TS. Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp TP.HCM chia sẻ ý kiến tại Hội thảo

Ví dụ, về phía nhà trường nếu muốn hỗ trợ vốn cho sinh viên thì dự án đó phải có giảng viên đứng ra “đở đầu” nhưng cơ chế đó vẫn rất khó. Hay ví như kêu gọi để chuyển giao và bán công nghệ cũng không hề dễ, bởi vì muốn bán một công nghệ thì phải là chìa khóa trao tay chứ không phải là một ý tưởng bình thường, trừ khi đó là công nghệ lõi. Do đó, ở trong trường chúng ta phải dạy được cho sinh viên tinh thần khởi nghiệp, tinh thần dám nghĩ dám làm, dẫu chúng ta và sinh viên đều biết hình trình đó sẽ gặp phải những khó khăn, trắc trở. Không những thế, sinh viên cũng cần phải lăn lộn ở doanh nghiệp để hiểu được luật lệ trong kinh doanh. Hơn hết, các trường đại học cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cũng như chúng ta cần xây dựng hệ sinh thái trong trường đại học và giữa các trường đại học với nhau và gắn kết chặt chẽ thêm với nhà nước, doanh nghiệp và cả cộng đồng xã hội để cùng chắp cánh khởi nghiệp.  

1472023KN8.jpg

Đại diện Ban tổ chức, diễn giả khách mời, sinh viên trường, đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu, các trung tâm ươm tạo và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố cùng chụp hình lưu niệm

Được biết, trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp, trường đại học là thành tố rất quan trọng. Bên cạnh chức năng đào tạo con người, vai trò của các trường đại học ngày càng trở nên quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác với khu vực doanh nghiệp để thương mại hóa, ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ. Những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này được thể hiện trong các nội dung Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Chính phủ, từ đó góp phần thúc đẩy tinh thần học tập, tư duy sáng tạo, khả năng tự đổi mới, sáng tạo của học sinh, sinh viên.

1472023KN9.jpg

Cũng trong khuôn khổ của Hội thảo, ông Anthony Nahas - Giám đốc AN Consulting, thành viên đại diện liên danh đổi mới sáng tạo MSGC Paris đã chia sẻ thêm cho cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về các dự án "xanh" mà TP.HCM đang phối hợp cùng Pháp đang triển khai thực hiện

Việc xây dựng và triển khai chuỗi Hội thảo “Đại học khởi nghiệp” nhằm chia sẻ những thông tin liên quan đến vai trò của trường đại học trong hoạt động đổi mới sáng tạo và kinh nghiệm xây dựng mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học. Đồng thời, chia sẻ các mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong trường đại học.

Nhật Linh (CESTI)

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các chủ thể tham gia Đề án Chương trình OCOP ứng dụng các giải pháp công nghệ nhằm đổi mới, hoàn thiện công nghệ sản xuất, chế biến theo quy mô phù hợp, tăng cường nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm OCOP.

Ngày 27/6/2023, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP.HCM (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) tổ chức hội thảo “Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn TP.HCM năm 2023”.

OCOP2023.jpg

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đinh Minh Hiệp (Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) cho biết hiện nay TP.HCM có tổng cộng 67 sản phẩm OCOP. Trong số này, có 66 sản phẩm được công nhận 27 sản phẩm 3-4 sao và 1 sản phẩm được đề xuất đánh giá 5 sao.

Đầu năm 2019, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một dự án trên địa bàn vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 với định hướng tập trung phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực (rau, hoa cây cảnh, bò sữa, heo, tôm nước lợ, cá cảnh), 6 sản phẩm thuộc 6 làng nghề truyền thống (làng nghề đan lát Thái Mỹ, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, làng nghề mành trúc Tân Thông Hội, làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn, làng nghề se nhang Lê Minh Xuân, làng nghề muối Lý Nhơn), cùng 4 sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng của huyện ngoại thành (khô cá dứa một nắng Cần Giờ, khô cá đù một nắng Cần Giờ, khô cá sặc một nắng Củ Chi, tổ yến Cần Giờ) và 1 sản phẩm nông nghiệp mang đậm nét vùng miền (xoài Long Hòa – Cần Giờ).

Thực hiện triển khai cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố hỗ trợ chuyển giao kết quả ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao giá trị sản phẩm OCOP. Bình quân mỗi năm có 150 mô hình được hỗ trợ xây dựng và chuyển giao như: các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, mô hình trồng rau thủy canh, mô hình trồng hoa lan theo hướng công nghệ cao… Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM còn hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP xây dựng website – logo, xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì - ấn phẩm quảng bá sản phẩm... Nhờ vậy, Đề án Chương trình OCOP đã góp phần khơi gợi và thúc đẩy phát triển ý tưởng của chủ thể sản xuất, tăng cường sự chủ động, cải tiến công nghệ - thiết bị để sản xuất nhiều sản phẩm mới mang tính độc, lạ, đạt chất lượng tốt phục vụ nhu cầu của thị trường.

Với vai trò thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ứng dụng khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM hỗ trợ các chủ thể tham gia Đề án Chương trình OCOP ứng dụng các giải pháp công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm OCOP nhằm đổi mới, hoàn thiện công nghệ sản xuất, chế biến theo quy mô phù hợp, tăng cường nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm OCOP. Thêm vào đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng có vai trò tập huấn, hướng dẫn các chủ thể và địa phương tham gia Đề án Chương trình OCOP tạo lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ (nhãn hiệu, giống cây trồng mới…), đăng ký bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP.

Theo ông Nguyễn Thanh Bảo (Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP.HCM), trong giai đoạn 2023-2025, sản phẩm OCOP được phân thành 6 nhóm gồm: thực phẩm; đồ uống; dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu; hàng thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh; dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm bán hàng.

Văn Kiệt - Hoàng Kim (CESTI)

Buổi giới thiệu đã thu hút được hơn 150 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các tiểu thương chợ truyền thống, đoàn viên thanh niên, hội viên hội Liên hiệp phụ nữ, hội viên hội Doanh nghiệp trên địa bàn quận Gò Vấp tham dự trực tiếp. Cũng như, sự quan tâm và chia sẻ của hàng ngàn lượt theo dõi trực tuyến thông qua các trang Fanpage, Zalo của Hội Doanh nghiệp, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Quận đoàn Gò Vấp.

2962023it2.jpg

Hội nghị Tập huấn Thương mại điện tử với chủ đề “Bán hàng trực tuyến" do Uỷ ban nhân dân quận Gò Vấp tổ chức

Ngày 29/6/2023, nằm trong khuôn khổ Hội nghị Tập huấn Thương mại điện tử với chủ đề “Bán hàng trực tuyến" do Uỷ ban nhân dân quận Gò Vấp tổ chức, Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (I-Star 2023) đã được giới thiệu đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các tiểu thương chợ truyền thống, đoàn viên thanh niên, hội viên hội Liên hiệp phụ nữ, hội viên hội Doanh nghiệp trên địa bàn quận Gò Vấp với mục tiêu khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo ở giới trẻ, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở quận Gò Vấp nói riêng và của TP.HCM nói chung.

2962023IT1.jpg

Buổi giới thiệu đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm và chia sẻ của hàng ngàn lượt theo dõi trực tuyến thông qua các trang Fanpage, Zalo của Hội Doanh nghiệp, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Quận đoàn Gò Vấp và trực tiếp tại Hội trường Uỷ ban nhân dân quận Gò Vấp

Tại Hội nghị Tập huấn ông Đào Tuấn Anh - Chuyên viên Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ (Thành viên Ban Thư ký Giải thưởng I-Star 2023) đã giới thiệu Giải thưởng I-Star 2023 đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các tiểu thương chợ truyền thống, đoàn viên thanh niên, hội viên hội Liên hiệp phụ nữ, hội viên hội Doanh nghiệp quận Gò Vấp, ở 3 nhóm chính gồm: Doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập trên địa bàn TP.HCM để thực hiện ý tưởng kinh doanh trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh); Giải pháp đổi mới sáng tạo (tổ chức, cá nhân có cách thức mới, có tính sáng tạo đã được áp dụng có hiệu quả trên địa bàn TP.HCM nhằm giải quyết những vấn đề của cộng đồng); Cá nhân - tổ chức khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có đóng góp tích cực cho cộng đồng (các tổ chức ươm tạo, tổ chức hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư thiên thần, các chuyên gia tư vấn,... có đóng góp tích cực cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên địa bàn TP.HCM).

2962023it.jpg

Ông Đào Tuấn Anh - Chuyên viên Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ (Thành viên Ban Thư ký Giải thưởng I-Star 2023) giới thiệu Tổng quan về Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh

Cũng trong buổi giới thiệu này, ngoài cách thức đăng ký tham dự Giải thưởng I-Star 2023, ông Đào Tuấn Anh còn hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các tiểu thương chợ truyền thống, đoàn viên thanh niên, hội viên hội Liên hiệp phụ nữ, hội viên hội Doanh nghiệp trên địa bàn quận Gò Vấp cách thức tìm kiếm và tham khảo các giải pháp sáng tạo, chuyển đổi số để ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thương, mua bán, vào nơi làm việc và trong cuộc sống thường nhật.

Giải thưởng I-Star được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức thường niên dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố nhằm tôn vinh tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng. Qua 5 năm tổ chức (2018 - 2022), I-Star đã có gần 1.500 hồ sơ của 4 nhóm đối tượng tham gia, trong đó 53 hồ sơ đã được trao giải. Đây là Giải thưởng uy tín nhất trong cộng đồng đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố.

Năm 2023, Giải thưởng I-Star tiếp tục được tổ chức với 4 nhóm đối tượng tham gia: (1) Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; (2) Giải pháp đổi mới sáng tạo; (3) Các tác phẩm truyền thông; (4) Các tổ chức, cá nhân hỗ trợ.

Hồ sơ tham dự Giải thưởng I-Star 2023 được tiếp nhận đến hết ngày 31/8/2023. Tất cả hồ sơ tham gia dự thi và thông tin chi tiết về Giải thưởng được đăng tại: http://istar.doimoisangtao.vn/ 

Thông tin liên hệ: Ban Tổ chức Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh 2023

Địa chỉ: 244 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại và Email: ông Đào Tuấn Anh (028.39320122 - dtanh.skhcn@tphcm.gov.vn) - bà Nguyễn Vũ Anh Phương (028.38258857 - anhphuong@cesti.gov.vn).

Nhật Linh (CESTI)

Ngoài tác dụng làm chậm tốc độ ăn mòn, các loại màng phủ CCCs được tạo ra có màu sắc tương đối đa dạng, đáp ứng nhu cầu của từng loại chi tiết vật liệu trong mỗi ứng dụng khác nhau.

Hiện tượng ăn mòn kim loại là vấn đề thường thấy khi kim loại tiếp xúc trực tiếp với môi trường, đặc biệt là môi trường ăn mòn. Một trong các biện pháp khắc phục ăn mòn hiệu quả nhất đó là tạo ra các lớp phủ có khả năng bảo vệ chống ăn mòn cao và có độ chịu mài mòn lớn, điển hình là lớp phủ hợp kim Zn-Ni (đơn lớp) được ứng dụng bảo vệ chống ăn mòn trong điều kiện môi trường khắc nghiệt. Hiện nay, các lớp phủ đa lớp điều chỉnh thành phần (composition modulated multilayer - CMM) đang trở nên hấp dẫn hơn do cải thiện nhiều lần về bảo vệ chống ăn mòn. Bản chất chống ăn mòn được tăng cường của lớp phủ đa lớp so với các lớp phủ đơn lớp được quy cho là sự hình thành các bề mặt mới, cho phép sự lan rộng của chất ăn mòn sang bên cạnh thay vì xâm nhập trực tiếp vào nền. Sự lan rộng môi trường ăn mòn sang bên cạnh dẫn đến làm chậm tốc độ ăn mòn trong lớp phủ đa lớp, trong khi nó có thể xâm nhập trực tiếp tới nền trong lớp phủ đơn lớp. Theo đó, thời gian cần thiết để môi trường ăn mòn chạm tới nền bằng cách xuyên qua các lớp phủ đơn lớp (ít thời gian hơn) và đa lớp (nhiều thời gian hơn yêu cầu đối với đơn lớp) là khác nhau, và do đó hiệu quả chống ăn mòn cũng vậy.

NV-02-H1.jpg

Sơ đồ cơ chế ăn mòn trong các lớp phủ hợp kim đa lớp và đơn lớp

Để nâng cao hơn nữa độ bền ăn mòn của lớp phủ bảo vệ chống ăn mòn cho kim loại, việc nghiên cứu kết hợp các lớp mạ đơn lớp xen kẽ nhau tăng độ bền ăn mòn cho hệ phủ đa lớp là rất cần thiết. Vì vậy, các nhà khoa học tại Viện Kỹ thuật nhiệt đới đã triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu công nghệ mạ đa lớp (3 lớp) nền kẽm và hợp kim có độ bền chống ăn mòn cao ứng dụng cho các chi tiết cơ khí”.

Báo cáo trước Hội đồng tư vấn nghiệm thu do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức, TS. Nguyễn Thị Thanh Hương (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết nhóm thực hiện đã chế tạo thành công màng phủ màu đen (CCCs black/ZnNiSi/ZnNi), màng phủ màu trắng xanh (CCCs blue/Zn/ZnNiSi/ZnNi), màng phủ màu cầu vồng (CCCs ingride/Zn/ZnNi/SiZnNi). Đây là 3 loại màng phủ CCCs bảo vệ chống ăn mòn cho hệ bảo vệ đa lớp phủ kẽm niken nanosilica (ZnNiSi)/hợp kim kẽm niken (ZnNi), kích thước mỗi mẫu là 100x50x1 mm. Trong hệ mạ đa lớp, thép được bao phủ bởi lớp mạ 1 là ZnNi, tiếp theo lớp mạ thứ 2 là ZnNiSi, sau đó đến lớp mạ thứ 3 là lớp mạ Zn, tạo màu sắc cho hệ mạ Zn/ZnNiSi/ZnNi bằng màng phủ CCCs, vừa tăng tính thẩm mỹ vừa tăng độ bền ăn mòn cho hệ phủ đa lớp.

Hệ phủ 3 lớp ZnNi/ZnNiSi/CCCs có độ bám dính tốt và độ bền màu đạt theo tiêu chuẩn HES D6001. Thêm vào đó, các loại màng phủ CCCs được tạo ra có màu sắc tương đối đa dạng, đáp ứng nhu cầu của từng loại chi tiết vật liệu trong mỗi ứng dụng khác nhau.

Nhóm thực hiện đã tiến hành kiểm tra độ bền ăn mòn của các hệ phủ đa lớp bằng phương pháp thử nghiệm gia tốc phun muối trung tính. Kết quả cho thấy sau 48 giờ phun muối các mẫu chưa xuất hiện gỉ trắng hoặc tỷ lệ gỉ trắng thấp hơn 5%, sau 360 giờ phun muối - các mẫu có gỉ trắng, sau 1.000 giờ mẫu xuất hiện gỉ đỏ - thậm chí không xuất hiện gỉ đỏ trên bề mặt mẫu màng phủ màu cầu vồng. Độ bền ăn mòn theo thứ tự mẫu màng phủ màu đen < màng phủ màu trắng xanh < màng phủ màu cầu vồng.

TS. Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết thêm, hình ảnh SEM bề mặt của các mẫu sau thử nghiệm gia tốc phun muối cho thấy sản phẩm ăn mòn bám nhiều trên bề mặt các mẫu màng phủ màu đen và màng phủ màu trắng xanh. Trong khi đó, ở mẫu màng phủ màu cầu vồng thì sản phẩm ăn mòn là ít nhất.

NV-02-H2.jpg

Gỉ đỏ xuất hiện trên mẫu màng phủ màu đen sau 1.000 giờ thử nghiệm gia tốc phun muối

Khi tiến hành xác định tốc độ ăn mòn của các hệ phủ đa lớp ngâm trong dung dịch NaCl 3% bằng phương pháp xác định tổn hao khối lượng, nhóm thực hiện nhận thấy, sau thời gian ngâm mẫu, khối lượng các mẫu màng phủ màu đen tăng trung bình 0,13g; các mẫu màng phủ màu trắng xanh tăng trung bình 0,2g; các mẫu màng phủ màu cầu vồng tăng trung bình 0,218g. Nhìn chung, khối lượng các mẫu đều tăng do có sản phẩm ăn mòn.

Trước thử nghiệm độ bám dính và độ bền màu, bề mặt mẫu đồng đều, không nếp gấp, không bong tróc, không phồng rộp, không rỗ, không bị châm kim, không vết nứt. Sau 3 chu kỳ sốc nhiệt bề mặt mẫu đồng đều, không bong tróc, không phồng rộp, không vết nứt. Độ bền màu được kiểm tra và đánh giá theo tiêu chuẩn HES D6001 mục 4.5, mẫu được để trong tủ sấy ở nhiệt 80 độ C trong 30 phút. Kết quả không thấy sự biến đổi màu của mẫu sau thời gian thử nghiệm.

Nhóm thực hiện đã xác lập 3 sơ đồ công nghệ. Sơ đồ công nghệ thứ nhất quy mô phòng thí nghiệm 10 dm2/mẻ chế tạo màng phủ CCCs có màu đen cho hệ bảo vệ đa lớp phủ ZnNiSi/ZnNi đạt các chỉ tiêu kỹ thuật: chiều dày 10 ÷ 18 µm, 10-15% Ni, đạt chuẩn RoHS, độ bền phun muối trung tính 48 giờ (≤ 5 % gỉ trắng) và 1.000 giờ xuất hiện gỉ đỏ. Sơ đồ công nghệ thứ hai quy mô phòng thí nghiệm 10 dm2/mẻ chế tạo màng phủ CCCs có màu trắng xanh cho hệ bảo vệ đa lớp phủ Zn/ZnNiSi/ZnNi đạt các chỉ tiêu kỹ thuật: chiều dày 10 ÷ 18 µm, 5-15% Ni; đạt chuẩn RoHS, độ bền phun muối trung tính 48 giờ (≤ 5 % gỉ trắng) và 1.000 giờ xuất hiện gỉ đỏ. Sơ đồ công nghệ thứ ba quy mô phòng thí nghiệm 10 dm2/mẻ chế tạo màng phủ CCCs có màu cầu vồng cho hệ bảo vệ đa lớp phủ Zn/ZnNiSi/ZnNi đạt các chỉ tiêu kỹ thuật: chiều dày 15 µm; 5-15% Ni, đạt chuẩn RoHS, độ bền phun muối trung tính 72 giờ (gỉ trắng 0%) và 1.000 giờ (gỉ trắng 30%) không xuất hiện gỉ đỏ.

NV-02-H3.jpg

Các bể mạ trong phòng thí nghiệm

Ngoài ra, nhóm thực hiện còn xây dựng quy trình phân tích các dung dịch tạo hệ đa lớp và bổ sung tổn hao dung dịch. Quy trình này được áp dụng để phân tích và bổ sung cho các bể mạ Zn và hợp kim kẽm niken và bể thụ động của các quá trình tạo chế tạo màng phủ CCCs có màu đen, màu trắng xanh và màu cầu vồng.

Ảnh đại dien (WEB)_H4.jpg

Thao tác trong phòng thí nghiệm

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chuyên gia công cơ khí và mạ tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang có nhiều đơn đặt hàng yêu cầu mạ sản phẩm chất lượng cao. Đặc biệt, có doanh nghiệp (phối hợp triển khai nhiệm vụ) chủ yếu phục vụ xuất khẩu (90-95%) với mức sản lượng trung bình 1.000-3.000 kg/tháng (sản phẩm trung bình 1.000-10.000 chi tiết/tháng), còn sản phẩm sử dụng trong nước chỉ chiếm 5-10% với mức sản lượng trung bình hàng tháng 500 kg/tháng (sản phẩm trung bình 200-1.000 chi tiết/tháng). Vì thế, việc nghiên cứu triển khai ứng dụng kết quả của nhiệm vụ vào thực tiễn sản xuất quy mô công nghiệp là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất các sản phẩm cơ khí và linh kiện được mạ từ công nghệ mạ thân thiện môi trường cả trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu hàng phụ trợ.

Thông tin liên hệ:

Viện Kỹ thuật Nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

Địa chỉ: 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: 0835559888 Email: tdlam@itt.vast.vn

 

Tấm tế bào cho phép “vá” tạm thời thành tim bị mỏng, tế bào được đưa vào đúng vị trí cần thiết, ít bị trôi đi và nhờ đó có thể phát huy khả năng sửa chữa, tái tạo của chúng trong cơ thể bệnh nhân tốt hơn, hướng đến ứng dụng điều trị bệnh tim mạch.

Hằng năm, thế giới có khoảng 18 triệu người tử vong vì bệnh tim mạch. Trong số này, 85% là do nhồi máu cơ tim (MI) và đột quỵ. Sự tiến triển của nhồi máu cơ tim bao gồm các quá trình viêm và sửa chữa để đáp ứng với tổn thương cơ tim và thiếu máu cục bộ. Trong đó, thiếu máu cục bộ kéo dài dẫn đến cái chết của các tế bào cơ tim và giải phóng nội bào vào chất nền ngoại bào (ECM).

Việc giải phóng các thành phần tế bào vào ECM làm kích hoạt phản ứng viêm do bạch cầu trung tính chi phối. Cuối cùng, các mảnh vụn tế bào hoại tử được loại bỏ. Đồng thời diễn ra sự lắng đọng collagen và hình thành sẹo. Quá trình lành thương đòi hỏi sự cân bằng giữa quá trình viêm và sửa chữa mô. Khi các quá trình này mất cân bằng, quá trình tái cấu trúc bất lợi có thể dẫn đến suy tim, rối loạn nhịp tim và các biến chứng khác. Với sự phát triển y học, bác sĩ có thể giúp bệnh nhân giảm các cơn đau và làm chậm tiến trình của bệnh nhưng vẫn chưa thể giúp bệnh nhân phục hồi các phần mô bị tổn thương do thiếu máu hay nhồi máu cơ tim.

Sự ra đời của công nghệ tế bào gốc đã mang đến những hy vọng lớn trong làm lành vết thương, giúp phục hồi các mô hay cơ quan bị tổn thương, qua đó hỗ trợ điều trị nhiều bệnh, trong đó đặc biệt là bệnh tim mạch. Trong đó, tế bào gốc trung mô MSCs (Mesenchymal Stem Cells) là dòng tế bào đa năng trưởng thành được tìm thấy trong các mô khác nhau như tủy xương, mô cuống rốn, mô mỡ. Là tế bào gốc đa năng, MSCs có khả năng tăng sinh trong môi trường nuôi cấy, khả năng tự làm mới và biệt hóa thành nhiều tế bào có chức năng khác.

Trong những năm gần đây, MSCs được xem là nguồn tế bào tiềm năng trong liệu pháp điều trị bệnh tim mạch, cải thiện chức năng tim và làm giảm tái tạo thất bất lợi của cơ tim do thiếu máu cục bộ thông qua các hiệu ứng nội tiết và điều hòa miễn dịch. Nhờ vào công nghệ tấm tế bào mà phương pháp ghép tế bào vào vùng thiếu máu cục bộ trở nên dễ dàng hơn, trong một số bài báo nghiên cứu đã chứng minh khả năng duy trì của của MSCs trong vùng tổn thương và đạt hiệu quả cao trong điều trị.

Nhóm chuyên gia Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM đã triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu tạo và ghép tấm tế bào từ tế bào gốc trung mô mô cuống rốn người và giá thể LunaGel trên mô hình chuột sau nhồi máu cơ tim”. Mục tiêu chính là nghiên cứu tạo tấm tế bào từ tế bào gốc trung mô mô dây rốn và giá thể LunaGel. Tấm tế bào cho phép “vá” tạm thời thành tim bị mỏng, tế bào được đưa vào đúng vị trí cần thiết, ít bị trôi đi và nhờ đó có thể phát huy khả năng sửa chữa, tái tạo của chúng trong cơ thể bệnh nhân tốt hơn, hướng đến ứng dụng điều trị bệnh tim mạch.

Nhiệm vụ do TS. Phạm Lê Bửu Trúc làm chủ nhiệm nhiệm vụ.

H-1A.jpg

TS. Phạm Lê Bửu Trúc trình bày kết quả triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ

Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ vừa được Sở KH&CN TP.HCM tổ chức hồi quý II/2023, TS. Phạm Lê Bửu Trúc cho biết Lunagel là một ma trận ngoại bào liên kết ngang (ECM) trên nền gelatin đã được biến đổi hóa học. Các thành phần chính của Lunagel bao gồm các protein ECM như collagen loại I, III, IV và V, cũng như glycoprotein mô liên kết và proteoglycan. Lunagel duy trì hoạt động sinh học, tạo điều kiện cho sự gắn kết tế bào, tăng sinh, biệt hóa, và di cư của tế bào.

Công nghệ liên kết quang độc đáo của Lunagel cho phép kiểm soát độ xốp và độ cứng của ma trận, cho phép các nhà nghiên cứu tái tạo các đặc tính hóa lý của nhiều loại mô khỏe mạnh và mô bệnh trong các ứng dụng nuôi cấy tế bào 3D.

Nhóm thực hiện đã tạo được các tấm giá thể Lunagel bằng phương pháp trộn Lunagel vô trùng trong PBS (dung dịch muối đệm Phosphate Buffer Saline), đổ vào khuôn, tạo hydrogel 3D bằng cách chiếu ánh sáng xanh từ thiết bị Luna Crosslinker.

NV-22-Hinh 1.jpg

Các tấm giá thể Lunagel

Sau đó, nhóm thực hiện sử dụng các tấm giá thể Lunagel này cùng tế bào gốc trung mô mô cuống rốn (hUC-MSCs) để tạo tấm tế bào SCgel. Các tấm tế bào có thể được tạo hình theo dạng đĩa dẹt hay dạng tấm tròn tuỳ theo khuôn. Các mẫu tấm tế bào tạo thành ở các nhóm không có sự khác biệt rõ khi quan sát bằng mắt thường.

NV-22-Hinh 2.jpg

Các tấm tế bào SCgel

Hình chụp bề mặt của tấm tế bào bằng hệ thống SEM cho thấy các tế bào hUC-MSC đã được bao bọc trong lớp Lunagel (B), khác với bề mặt gel không chứa tế bào (A).

NV-22-Hinh 3.jpg

Bề mặt tấm giá thể (A) và bề mặt tấm tế bào (B) ở độ phóng đại 600X được ghi nhận bằng hệ thống SEM

Về đặc tính cơ học của tấm tế bào, TS. Phạm Lê Bửu Trúc nhận xét lực liên kết giữa giá thể Lunagel và mô tim được đánh giá bằng kính hiển vi lực nguyên tử. Lực liên kết giữa giá thể với mô tim là 25,9 nN, nhỏ hơn lực liên kết giữa tấm tế bào và mô tim là 46,4 nN. Điều này có thể do tấm tế bào có thêm thành phần ECM do các tế bào tiết ra làm tăng thêm tính bám dính cho vật liệu. Theo đó, quá trình kết mạch không gây hại đến sự sống và tăng sinh của tế bào dù có sự khác nhau giữa các tấm tế bào với các mức nồng độ Lunagel khác nhau. Việc này có thể là do có sự thay đổi về độ xốp và các lỗ liên kết của giá thể (giá thể phải có các lỗ liên kết với nhau để tạo điều kiện cho tế bào phát triển, di chuyển và trao đổi chất dinh dưỡng).

Mặt khác, do tim có bề mặt ẩm ướt trơn trượt cùng với chuyển động đập của tim khiến cho việc dán “tấm vá” tim trở thành một trong những công việc khó khăn nhất, đòi hỏi độ bám dính chắc chắn. Kết quả thử nghiệm cho thấy cả tấm giá thể Lunagel lẫn tấm tế bào SCgel đều có khả năng bám lên mô cơ tim, tấm tế bào SCgel không gây độc tế bào và đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế về độ vô khuẩn, tấm tế bào SCgel không gây độc và an toàn khi ghép in vivo. Tất cả khẳng định tấm tế bào SCgel phù hợp để ứng dụng hỗ trợ điều trị phục hồi cơ tim.

Kết quả thử nghiệm cho thấy việc cấy ghép giá thể Lunagel và tấm tế bào SCgel (dưới da) ở chuột nhân hóa hệ miễn dịch (Humanized immune mice)và chuột BALB/c không ảnh hưởng đến sức khỏe của chuột. Cụ thể, ở chuột nhân hoá hệ miễn dịch, tất cả chuột đều sống sót sau khi cấy ghép giá thể Lunagel và tấm tế bào SCgel (dưới da), khỏe mạnh và hoạt động bình thường. Các vết thương bắt đầu khô dần từ ngày 3 sau khi cấy ghép, có thể quan sát thấy rõ vào ngày thứ 7. Ngoài ra, vùng da tại vị trí ghép không đỏ/sưng, vết thương lành hoàn toàn và bắt đầu mọc lông sau 14 ngày. Tại ngày thứ 21 vùng da chuột tại vị trí ghép lành hoàn toàn và lông mọc dày tương tự như nhóm đối chứng. Cân nặng không có sự khác biệt đáng kể so với nhóm đối chứng. Tương tự, ở chuột BALB/c, tất cả chuột đều sống sót sau quá trình phẫu thuật ghép giá thể Lunagel và tấm tế bào Scgel, khỏe mạnh và hoạt động bình thường. Các vết thương được ghi nhận là khô hoàn toàn và bắt đầu mọc lông từ ngày 9. Vết thương tại vùng da ghép vật liệu lành hoàn toàn và lông mọc bình thường sau 14 ngày. So với nhóm đối chứng, chuột BALB/c sau phẫu thuật có sự thay đổi cân nặng không đáng kể.

Nhìn chung, giá thể Lunagel và tấm tế bào SCgel không bị thải loại trong suốt quá trình cấy ghép cho đến khi thu mẫu, không xuất hiện phản ứng viêm nghiêm trọng. Ngoài ra, các tế bào gốc trung mô mô cuống rốn tiếp tục tồn tại trong giá thể sau khi cấy ghép và có xu hướng di chuyển ra các mô xung quanh vị trí ghép, cho thấy tiềm năng to lớn trong ứng dụng y học tái tạo.

NV-22-Hinh 4.jpg

Sơ đồ tổng thể thí nghiệm đánh giá tính tương thích của tấm tế bào khi được ghép dưới da chuột

Nhóm thử nghiệm tiến hành tạo mô hình chuột nhồi máu cơ tim (thiếu máu tim cục bộ) để nghiên cứu cấy ghép điều trị để đánh giá hiệu quả điều trị của giá thể Lunagel và tấm tế bào SCgel trong cấy ghép điều trị bệnh tim sau nhồi máu trên mô hình chuột. Kết quả, các lô thí nghiệm cấy ghép có sự thay đổi về mặt tích cực, trong đó lô ghép giá thể Lunagel có khả năng hình thành cơ tim chậm hơn so với lô ghép tế bào SCgel. Kết quả sau 14 ngày điều trị cho thấy được khả năng phục hồi chức năng cơ tim của các tấm tế bào SCgel và giá thể Lunagel thông qua việc cải thiện được nhịp tim đạt đến ngưỡng ổn định. Sau 14 ngày điều trị cấy ghép giá thể và tấm tế bào quan sát thấy, chuột đối chứng biểu hiện ăn uống bình thường, lông mượt bình thường, vận động bình thường. So với mẫu đối chứng, chuột được thắt mạch vành và không được cấy ghép có biểu hiện kén ăn, lông xù nhiều không được cải thiện, mẩn đỏ quanh vùng mắt và tai, vận động chậm.

TS. Phạm Lê Bửu Trúc cho biết thêm, các cá thể được ghép tấm tế bào cho thấy sự cải thiện trong khả năng tống máu tâm thất trái, nhịp tim, khả năng vận động và sức bền. Có thể thấy, việc ghép tấm tế bào thúc đẩy quá trình làm lành cơ tim.

Nhóm thực hiện cũngđã ghi nhận tình trạng xơ hóa nhẹ cũng như tình trạng mất cấu trúc cơ tim ở cả hai mẫu tại vùng nhồi máu không được ghép tấm tế bào, còn tại vùng được che phủ tấm tế bào của cả hai mẫu chỉ ghi nhận tình trạng xơ hóa tại khu vực bị thắt mạch. Điều này cho thấy việc cấy ghép tấm tế bào có thể hỗ trợ việc ngăn chặn sự xơ hóa và mất cấu trúc cơ tim do nhồi máu.

Hơn thế, có thể nhìn thấy sự liên kết giữa tấm tế bào với phần mô tim, và hoàn toàn có thể quan sát thấy sự hiện diện của các tế bào gốc ở vị trí liên kết. Tuy nhiên vì tác động cơ học trong quá trình thao tác nên phần liên kết giữa tấm tế bào và mô bị kéo giãn ra.

NV-22-Hinh-5.jpg

Biểu hiện mức độ phiên mã các gen liên quan đến tạo mạch của mô tim chuột

Sau 14 ngày gây tổn thương, mô tim đã hình thành xơ hóa và mô sẹo (quan sát qua mẫu thắt và mẫu giá thể). Tuy nhiên sau khi ghép tấm tế bào thêm 14 ngày thì không ghi nhận tình trạng xơ hóa hay mô sẹo, đồng thời thành tim vẫn giữ cấu trúc cơ tim, không bị mỏng tại vị trí tổn thương đã được cấy ghép. Vì thế, nhóm thực hiện phỏng đoán rằng ngoài bảo vệ các tế bào khỏi quá trình apoptosis do thiếu máu cục bộ, tế bào gốc có thể kích thích hình thành các tế bào cơ tim mới; và con đường thực hiện có thể thông qua kích thích quá trình nhân đôi và tái biệt hóa.

Từ kết quả của nhiệm vụ, nhóm thực hiện kiến nghị Sở KH&CN TP.HCM tiếp tục hỗ trợ thực hiện nghiên cứu các cơ chế sâu hơn trong việc tế bào gốc giúp phục hồi cơ tim sau nhồi máu. Đây là hướng nghiên cứu mới, sáng tạo trong y sinh học tái tạo và đầy tiềm năng để triển khai ứng dụng phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Thông tin liên hệ:
Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM
Địa chỉ: 2374 Quốc lộ 1, Khu phố 2, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, TPHCM
Điện thoại: (028) 37153792

E-mail: ttcnsh.snn@tphcm.gov.vn

Website: https://www.hcmbiotech.com.vn

Giải thưởng I-Star được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức thường niên dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố nhằm tôn vinh tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng. Qua 5 năm tổ chức (2018 - 2022), I-Star đã có gần 1.500 hồ sơ của 4 nhóm đối tượng tham gia, trong đó 53 hồ sơ đã được trao giải.

2762023at1.jpg

Buổi giới thiệu cũng đã thu hút được hơn 120 đại biểu là lãnh đạo các xã, thị trấn, các hợp tác xã, hộ kinh doanh, các bạn đoàn viên thanh niên và doanh nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi tham dự

Ngày 27/6/2023, nằm trong khuôn khổ Chương trình Tập huấn "Kiến thức về khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn huyện Củ Chi năm 2023" do Uỷ ban nhân dân huyện Củ Chi tổ chức, Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (I-Star 2023) đã được giới thiệu đến các bạn đoàn viên thanh niên, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Củ Chi với mục tiêu khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo ở giới trẻ, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Củ Chi nói riêng và của TP.HCM nói chung.

2762023AT1.jpg

Ông Đào Tuấn Anh - Chuyên viên Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ (Thành viên Ban Thư ký Giải thưởng I-Star 2023) 

Ông Đào Tuấn Anh - Chuyên viên Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ (Thành viên Ban Thư ký Giải thưởng I-Star 2023) đã giới thiệu Giải thưởng I-Star 2023 đến các bạn đoàn viên thanh niên, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh ở huyện Củ Chi, ở 3 nhóm chính gồm: Doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập trên địa bàn TP.HCM để thực hiện ý tưởng kinh doanh trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh); Giải pháp đổi mới sáng tạo ( tổ chức, cá nhân có cách thức mới, có tính sáng tạo đã được áp dụng có hiệu quả trên địa bàn TP.HCM nhằm giải quyết những vấn đề của cộng đồng); Cá nhân - tổ chức khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có đóng góp tích cực cho cộng đồng (các tổ chức ươm tạo, tổ chức hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư thiên thần, các chuyên gia tư vấn,... có đóng góp tích cực cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên địa bàn TP.HCM).

2762023AT2.jpg

Ông Đào Tuấn Anh hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký tham gia Giải thưởng

Cũng trong buổi giới thiệu này, các hợp tác xã, hộ kinh doanh, các bạn đoàn viên thanh niên và doanh nghiệp ở huyện Củ Chi đã cùng trao đổi về hành trình từ ý tưởng đến sản phẩm, giải pháp thương mại hóa, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp nhằm động viên, khích lệ, khuyến khích và tôn vinh những giá trị sáng tạo mà mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đang ngày đêm miệt mài sáng tạo để cống hiến cho xã hội.

Ngoài cách thức đăng ký tham dự Giải thưởng I-Star 2023, ông Đào Tuấn Anh còn hướng dẫn cách thức cho các bạn đoàn viên thanh niên, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh ở huyện Củ Chi tìm kiếm và tham khảo các giải pháp sáng tạo để ứng dụng vào nơi làm việc, địa điểm kinh doanh, hợp tác xã sản xuất và trong cuộc sống hàng ngày.

2762023AT.jpg

Giao diện websize Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (I-Star 2023) trên máy tính

Giải thưởng I-Star chính thức trở thành giải thưởng thường niên của TP.HCM từ năm 2018, nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Năm 2023, Giải thưởng I-Star tiếp tục được tổ chức với 4 nhóm đối tượng tham gia: (1) Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; (2) Giải pháp đổi mới sáng tạo; (3) Các tác phẩm truyền thông; (4) Các tổ chức, cá nhân hỗ trợ. Hồ sơ tham dự Giải thưởng I-Star 2023 được tiếp nhận đến hết ngày 31/8/2023.

Tất cả hồ sơ tham gia dự thi và thông tin chi tiết về Giải thưởng được đăng tại: http://istar.doimoisangtao.vn/

Thông tin liên hệ: Ban Tổ chức Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh 2023
Địa chỉ: 244 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Điện thoại: 028.39320122 (ông Đào Tuấn Anh) - 028.38258857 (bà Nguyễn Vũ Anh Phương)
Email: dtanh.skhcn@tphcm.gov.vn; anhphuong@cesti.gov.vn

 Nhật Linh (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353