SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Top 50 của HAI 2020 quy tụ nhiều đối tượng dự thi từ các bạn sinh viên, các startup trẻ tuổi cho đến các dự án của các tập đoàn công nghệ.

 

Ngày 28/8, tại Sở KH&CN TP.HCM đã diễn ra vòng bán kết cuộc thi “Dự án Đổi mới sáng tạo ứng dụng Trí tuệ nhân tạo TP.HCM năm 2020 (HAI-2020)”. Đây là cuộc tranh tài của top 50 sau khi vượt qua vòng sơ khảo và khóa huấn luyện giúp hoàn thiện dự án và kỹ năng trình bày trước hội đồng tuyển chọn.

Phát biểu tại cuộc thi, ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM đã có những chia sẻ về thông tin, quy chế cuộc thi. Ông cũng nhấn mạnh rằng, hiện TP.HCM đã bắt đầu khởi động các hoạt động của Tuần lễ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo thông qua các cuộc thi nhằm giải quyết các vấn đề cho TP.HCM. HAI 2020 nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong các lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh, giao thông, tài chính, y tế, giáo dục, nông nghiệp… và phục vụ cộng đồng xã hội.

HAI50 1

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN, phát biểu tại vòng bán kết cuộc thi HAI 2020.

"Ngoài ra, nếu dự án có tiềm năng đủ lớn, TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một nhà đầu tư để hợp tác lâu dài với startup trong tương lai. Bên cạnh đó, nếu các dự án có triển vọng sẽ được tham gia chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp SpeedUp do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức với mức hỗ trợ tối đa lên đến 2 tỷ đồng/1 dự án" ông Phùng cho biết.

Trước khi vòng bán kết diễn ra, 50 dự án đã tham gia khóa huấn luyện giúp hoàn thiện dự án và kỹ năng trình bày trước hội đồng tuyển chọn. Khóa huấn luyên này gồm 4 buổi đào tạo, 1 buổi kết nối, 1 buổi tư vấn 1:1, 1 buổi demo pitching với sự tham gia của 25 Đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, Quỹ đầu tư mạo hiểm, Tập đoàn Việt Nam và Quốc tế cùng 25 Nhà đầu tư/Chuyên gia đầu ngành của Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Việt Nam. 

hai50 2

Toàn cảnh vòng bán kết HAI 2020

Ngay trong sáng 28/08, 18 đội dự thi đã cùng nhau tranh tài với nhiều giải pháp ứng dụng AI sáng tạo và có giá trị thực tiễn. Ngoài yếu tố kỹ thuật, các câu hỏi của giám khảo tập trung vào việc ứng dụng thực tiễn cũng như hiệu quả kinh tế mang lại.

Top 50 của HAI 2020 quy tụ nhiều đối tượng dự thi từ các bạn sinh viên, các startup trẻ tuổi cho đến các dự án của các tập đoàn công nghệ.

hai50 3

Lê Văn Pôn, sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên- ĐHQG TP.HCM, thuyết trình về dự án X-ray reporter

Nổi bật trong vòng bán kết là bài thuyết trình và trả lời phản biện khá ấn tượng đến từ  Lê Văn Pôn, sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên- ĐHQG TP.HCM. Dự án X-ray reporter của Pôn mang đến các giải pháp hỗ trợ bác sĩ, các chuyên gia y tế trong việc đọc và phân tích kết quả chụp phim X quang trong bệnh viện. Giải pháp hiện tại của Pôn hiện đang nằm ở giai đoạn thử nghiệm, tuy nhiên rất có triển vọng áp dụng vào thực tế.

hai50 4

Đại diện Edubox chia sẻ về các hoạt động ứng dụng AI của mình

Khác với dự án sinh viên của Lê Văn Pôn, Edubox là giải pháp công nghệ kết nối học viên và giáo viên/gia sư nhằm tiết kiệm thời gian chi phí so với cách kết nối qua trung tâm gia sư truyền thống. Dựa vào nền tảng AI, Edubox sẽ đưa ra danh sách gia sư ứng tuyển theo nhu cầu của từng học sinh để phụ huynh và học sinh lựa chọn. Đây được đánh giá là một startup có thực lực khi đã triển khai thực tế trên địa bàn TP.HCM.

hai50 5

Đại điện bệnh viên Mắt TP.HCM thuyết trình trước hội đồng giám khảo

Một trong những giải pháp xã hội gây ấn tượng chính là tầm soát bệnh glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr. Bệnh có những đặc điểm chung là nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt bình thường, thường gây đau nhức, mất thị lực, có thể gây mù vĩnh viễn. Để giải quyết các vấn đề, cũng như giúp người bệnh phòng chống một cách hiệu quả, trí tuệ nhân tạo EyeDr có thể giúp bác sĩ nhận biết được những bất thường về mắt

hai50 6

Hội đồng giám khảo quan tâm nhiều đến tính hiệu quả trong thực tiễn của mỗi giải pháp AI

Vòng bán kết của sẽ chọn ra 20 dự án xuất sắc nhất. Những dự án lọt vào bán kết sẽ được tham gia Chương trình ươm tạo với kinh phí hỗ trợ ươm tạo tối đa 200.000.000 đồng/dự án trong thời gian không quá 3 tháng.

Vòng Chung kết sẽ diễn ra vào ngày cuối của Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh 2020 (WHISE 2020) vào tháng 11/2020. Lễ trao giải cũng sẽ được tổ chức cùng ngày. Lịch trình chi tiết cũng như nội dung các vòng thi có thể được thay đổi phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế.

3 dự án xuất sắc nhất sẽ được nhận 100.000.000 đồng/giải và 5 dự án đoạt giải khuyến khích sẽ được nhận 50.000.000 đồng/giải. Ngoài ra, các dự án vào vòng Chung kết được trình bày trước các nhà đầu tư và có cơ hội nhận được các gói đầu tư cho giai đoạn tiếp theo.

HAI 2020 do Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM và Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) phối hợp tổ chức. Cuộc thi nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong các lĩnh vực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Đối tượng tham gia bao gồm các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức có dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất, kinh doanh, giao thông, tài chính, y tế, giáo dục, nông nghiệp,… và phục vụ cộng đồng xã hội.

 

Theo kế hoạch, thành phố sẽ hỗ trợ truyền thông, tư vấn, huấn luyện, kết nối, ươm tạo và tăng tốc cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giải quyết các vấn đề của cộng đồng.

 

UBND TP.HCM vừa công bố kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội giai đoạn 2020 - 2025. Mục tiêu chung của kế hoạch này là nhằm kết nối các hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có những giải pháp về sản phẩm và công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề của xã hội và môi trường tại TP.HCM

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng nhằm truyền thông đến cộng đồng những ý nghĩa tích cực của mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội, đồng thời tập hợp và tôn vinh các doanh nghiệp đã có sản phẩm và công nghệ giải quyết hiệu quả các vấn đề của cộng đồng xã hội. Khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoặc các cá nhân tổ chức tham gia nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp giải quyết các vấn đề của thành phố như thất nghiệp, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, ngập nước…

knxh1

Không gian làm việc của các startup tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (SIHUB) thuộc Sở KH&CN TP.HCM.

Theo Kế hoạch, thành phố phấn đấu hỗ trợ hàng năm tối thiểu 10% doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có những giải pháp về sản phẩm và công nghệ giải quyết các vấn đề của cộng đồng; đồng thời có ít nhất 10% các dự án đổi mới sáng tạo được hỗ trợ hằng năm từ chương trình SpeedUp, giải quyết các vấn đề của cộng đồng và các vấn đề về môi trường.

Về các giải pháp thực hiện, thành phố sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông cho cộng đồng về những ý nghĩa tích cực của doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội; hỗ trợ tư vấn, tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng về doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội; hỗ trợ kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ hỗ trợ ươm tạo các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giải quyết các vấn đề của cộng đồng; hỗ trợ phát triển và tăng tốc cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giải quyết các vấn đề của cộng đồng; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận thị trường mua sắm công thông qua đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Các hoạt động này sẽ được triển khai thông qua các cuộc thi tìm kiếm dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các sáng kiến cộng đồng hay các giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội. Thành phố cũng hỗ trợ tổ chức các sự kiện nhằm kết nối doanh nghiệp - trường - viện, hỗ trợ hình thành mạng lưới tư vấn, nhà đầu tư, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội.

knxh2

Hoạt động nói chuyện và trao đổi chuyên môn tại SIHUB.

Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ hỗ trợ hoạt động ươm tạo startup từ các mô hình tìm kiếm, tuyển chọn, huấn luyện, xây dựng mô hình kinh doanh cùng các cơ sở ươm tạo; cũng như thực hiện đấu thầu công khai, cạnh tranh để doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội có thể tham gia vào lĩnh vực dịch vụ công ích như xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, y tế và giáo dục cộng đồng,...

Kinh phí thực hiện trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp KHCN của Sở KH&CN TP.HCM. Sở cũng được thành phố giao cho vai trò đầu mối để triển khai kế hoạch trong 5 năm tiếp theo.

Từ đầu năm đến nay, Sở KH&CN TP.HCM đã hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho trên 240 dự án ĐMST, như vậy tính đến nay đã hỗ trợ cho 2.533 dự án, đạt 127% chỉ tiêu nhiệm kỳ.

Chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016-2020 (SpeedUp) trong nửa năm qua đã ký hợp đồng hỗ trợ cho 7 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ là 5,02 tỷ đồng, có 5 dự án có đối ứng với tổng số tiền đối ứng là là 2,9 tỷ đồng.

 

Quang Niên - khampha.vn

Thực hiện Kế hoạch số 3550/KH-UBND-NCPC ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - 09/11 (gọi tắt là Ngày Pháp luật Việt Nam) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ (Sở) đã xây dựng Kế hoạch số 2002/KH-SKHCN ngày 11/8/2020 về việc triển khai tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2020 tại Sở, Sở thực hiện khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2020 như sau: “Công chức, viên chức, người lao động Sở Khoa học và Công nghệ tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
Thực hiện công bố công khai danh sách báo cáo viên pháp luật theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 8 Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật

Kế hoạch và Quyết định đính kèm

50 dự án lọt qua vòng sơ tuyển sẽ được tham gia khóa huấn luyện giúp hoàn thiện dự án và kỹ năng trình bày trước hội đồng tuyển chọn.

 

Sau hơn 3 tháng phát động, Cuộc thi “Dự án Đổi mới sáng tạo ứng dụng Trí tuệ nhân tạo TP.HCM 2020 (HAI 2020) đã nhận được 108 hồ sơ dự thi với nhiều sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo có giá trị, phục vụ cho hoạt động đổi mới sáng tạo của TP.HCM và đất nước.

Hội đồng sơ tuyển mới đây đã chọn lựa được 50 ứng cử viên sáng giá tham gia khóa huấn luyện giúp hoàn thiện dự án và kỹ năng trình bày trước hội đồng tuyển chọn. 

Danh sách top 50 cuộc thi HAI 2020 được công bố tại website https://hai.doimoisangtao.vn/cong-bo-top-50-cuoc-thi-hai-hcmc-artificial-intelligence-2020/ hoặc tại đây

Trong số 50 dự án lọt qua vòng sơ tuyển, nổi bật có dự án ứng dụng trí tuệ nhân trong chẩn đoán bệnh của startup Deepcare, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nuôi trồng thủy sản của công ty Tép bạc hay bSmart - giải pháp trí tuệ nhân tạo cho giao thông công cộng và giao thông nói chung của BusMap...

Sau khóa huấn luyện này, ban tổ chức sẽ lựa chọn 20 dự án lọt vào vòng bán kết. Các dự án lọt vào bán kết sẽ được tham gia Chương trình ươm tạo với kinh phí hỗ trợ ươm tạo tối đa 200.000.000 đồng/dự án trong thời gian không quá 3 tháng.

hai502

Hội đồng sơ tuyển cuộc thi HAI họp và đánh giá các sản phẩm dự thi vào chiều ngày 10/8 

Vòng Chung kết sẽ diễn ra vào ngày cuối của Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thành phố Hồ Chí Minh 2020 - WHISE 2020. Lễ trao giải cũng sẽ được tổ chức cùng ngày. Lịch trình chi tiết cũng như nội dung các vòng thi có thể được thay đổi phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế.

3 dự án xuất sắc nhất sẽ được nhận 100.000.000 đồng/giải và 5 dự án đoạt giải khuyến khích sẽ được nhận 50.000.000 đồng/giải. Ngoài ra, các dự án vào vòng Chung kết được trình bày trước các nhà đầu tư và có cơ hội nhận được các gói đầu tư cho giai đoạn tiếp theo.

hai501

Hội đồng sơ tuyển gồm các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

HAI 2020 do Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM và Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) phối hợp tổ chức. Cuộc thi nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong các lĩnh vực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Đối tượng tham gia bao gồm các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức có dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất, kinh doanh, giao thông, tài chính, y tế, giáo dục, nông nghiệp,… và phục vụ cộng đồng xã hội.

Theo đại diện ban tổ chức cuộc thi, các dự án khi tham gia cuộc thi sẽ được đào tạo và hỗ trợ phát triển, được giới thiệu trước các nhà đầu tư. Nếu dự án có tiềm năng đủ lớn, TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một nhà đầu tư để hợp tác lâu dài với startup trong tương lai. Bên cạnh đó, nếu các dự án có triển vọng sẽ được tham gia chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp SpeedUp do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức với mức hỗ trợ tối đa lên đến 2 tỷ đồng/1 dự án.

 

Ngoài việc tiếp cận với các chuyên gia hàng đầu, các ứng viên có thể nhận được khoản tài trợ lên tới 140.000 USD và cơ hội tiếp cận vào các nguồn vốn khác.

 

Tiếp nối thành công của chương trình tăng tốc khởi nghiệp mùa thứ nhất, Saigon Innovation Hub và Expara Vietnam tiếp tục khởi động chương trình ươm tạo mùa 2. Chương trình nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nhân và người khởi nghiệp đang có kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam để thương mại hóa và mở rộng các giải pháp sáng tạo.

Mục tiêu của chương trình là ươm tạo 20 công ty khởi nghiệp sáng tạo với đội ngũ quản lý tập trung mạnh mẽ, sản phẩm phù hợp với giải pháp và thị trường đang phát triển nhanh. Đặc biệt, theo xu hướng chung của thế giới, chương trình ươm tạo mùa 2 của SIHUB và Expara hoàn toàn được xây dựng và tổ chức trên nền tảng online.

Tham gia chương trình, các ứng viên sẽ được đi cùng với các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế để đưa startup của mình lên một tầm vóc mới.

sih1

Không gian làm việc chung miễn phí cho các startup tại SIHUB

Chỉ cần lọt qua vòng tuyển chọn, các ứng viên sẽ được nhận ngay gói hỗ trợ 10,000 USD từ Amazon Web Services (AWS). Ngoài ra, các ứng viên sẽ tham gia hội thảo trực tuyến với các “cựu binh” ngành công nghiệp giàu kinh nghiệm; được cố vấn bởi các chuyên gia uy tín như ông Douglas Abrams, Nhà sáng lập và Tổng Giám đốc của Expara, ông Lâm Trần - Nhà sáng lập & Tổng giám đốc của Wisepass, ông Dennis Kibrirev, Cố vấn cao cấp & Trưởng phòng phát triển của Loop Earplugs…

Các ứng viên còn có cơ hội gọi vốn thành công lên đến 140.000 USD từ việc tiếp cận sâu vào mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần, các công ty đa quốc gia, các vườm ươm và chương trình tăng tốc khác. Các startup còn được hướng dẫn chi tiết về quy trình, cách thức chuẩn bị các thủ tục gọi vốn, kỹ năng thuyết trình, thương lượng với nhà đầu tư...

sih2

Chương trình Accelerator Express mùa thứ nhất tổ chức tại SIHUB năm 2017. 

 Thành lập năm 2003 tại Singapore, Expara IDM Ventures (EIDMV) là công ty đầu tư mạo hiểm tiên phong và hàng đầu về ươm tạo và cố vấn cho các công ty truyền thông tương tác và kỹ thuật số (IDM) giai đoạn đầu tại Singapore. Expara cung cấp cả đầu tư và dịch vụ cho hệ sinh thái doanh nghiệp.

Expara Vietnam được thành lập từ năm 2015. Năm 2017, Expara Vietnam và SIHUB đã tổ chức Chương trình Accelerator Express giúp tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp với việc gây quỹ và các kế hoạch kinh doanh khả thi. Nextfit, Nami, Finhay, Edu2review, Remit.vn là những startup sáng giá trong tổng số 16 startups tốt nghiệp từ chương trình tăng tốc khởi nghiệp mùa thứ nhất. 

Thời gian đăng kí tham gia đến hết ngày 16/08/2020. Startup tìm hiểu và đăng kí tham gia tại đây.

Đồng hành và hỗ trợ các startups khi tham gia chương trình, SIHUB có tổ chức lớp đào tạo Online nhằm hướng dẫn cách điền Hồ sơ đăng ký và giải đáp thắc mắc về chương trình. Thời gian đào tạo từ 14h đến 16h ngày 11/08/2020.

Mới đây, Saigon Innovation Hub - SIHUB (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) đã tổ chức sự kiện “Lauching accelerator program - Chương trình đào tạo khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo” nhằm giới thiệu các chương trình liên kết ươm tạo đào tạo với các đối tác quốc tế trong năm 2020. Ngoài Expara, hai đối tác được giới thiệu lần này là Shinhan Future’s Lab (Hàn Quốc và Jica (Nhật Bản).

Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation Hub, việc liên kết với đối tác nước ngoài trong các chương trình ươm tạo không những giúp chúng ta có nhiều cơ hội tiếp cận với các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế mà còn tối ưu hoá chi phí. Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cần nhiều sân chơi đa dạng. Việc liên kết ươm tạo cũng giúp SIHUB học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

 

Kỳ Phong - khampha.vn

 

Vòng sơ tuyển sẽ chọn ra 50 ứng cử viên sáng giá tham gia khóa huấn luyện giúp hoàn thiện dự án và kỹ năng trình bày trước hội đồng tuyển chọn.

 

Chiều 5/8, Hội đồng sơ tuyển cuộc thi “Dự án Đổi mới sáng tạo ứng dụng Trí tuệ nhân tạo TP.HCM 2020 (HAI 2020) đã họp và đánh giá các sản phẩm dự thi.

Sau hơn 3 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 108 hồ sơ dự thi, hứa hẹn nhiều sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo có giá trị, phục vụ cho hoạt động đổi mới sáng tạo của TP.HCM và đất nước.

sotuyenhai1

Hội đồng tuyển chọn HAI 2020 làm việc chiều ngày 5/8/2020.

Vòng sơ tuyển sẽ chọn ra 50 ứng cử viên sáng giá tham gia khóa huấn luyện giúp hoàn thiện dự án và kỹ năng trình bày trước hội đồng tuyển chọn. 

Hội đồng sơ tuyển gồm các nhà nghiên cứu, chuyên gia: GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM; PGS.TS. Thoại Nam - Viện trưởng Viện Công nghệ Tiên tiến, Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG-HCM; PGS.TS. Trần Minh Triết - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG-HCM; Ông Nguyễn Ngọc Tú - Giám đốc Cộng đồng trí tuệ nhân tạo Việt - Việt AI; Ông Lê Thành Nguyên - Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC); Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC).

Sau khóa huấn luyện, hội đồng tuyển chọn sẽ lựa chọn 20 dự án lọt vào vòng bán kết. Các dự án này sẽ được tham gia Chương trình ươm tạo với kinh phí hỗ trợ ươm tạo tối đa 200.000.000 đồng/dự án trong thời gian không quá 3 tháng.

Vòng Chung kết sẽ diễn ra vào ngày cuối của Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thành phố Hồ Chí Minh 2020 - WHISE 2020. Lễ trao giải cũng sẽ được tổ chức cùng ngày. Lịch trình chi tiết cũng như nội dung các vòng thi có thể được thay đổi phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế.

3 dự án xuất sắc nhất sẽ được nhận 100.000.000 đồng/giải và 5 dự án đoạt giải khuyến khích sẽ được nhận 50.000.000 đồng/giải. Ngoài ra, các dự án vào vòng Chung kết được trình bày trước các nhà đầu tư và có cơ hội nhận được các gói đầu tư cho giai đoạn tiếp theo.

sotuyenhai2

Các thành viên hội đồng thảo luận về các dự án tham gia cuộc thi HAI 2020.

HAI 2020 do Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM và Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) phối hợp tổ chức. Cuộc thi nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong các lĩnh vực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Đối tượng tham gia bao gồm các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức có dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất, kinh doanh, giao thông, tài chính, y tế, giáo dục, nông nghiệp,… và phục vụ cộng đồng xã hội.

Hoàng Anh - khampha.vn

'Keo thông minh trong điều trị lành thương' là một trong sáu công trình khoa học và công nghệ được UBND TP.HCM giới thiệu để công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2020.

 

UBND TP.HCM vừa giới thiệu 6 công trình sáng tạo khoa học và công nghệ để công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020.

Trong đó, có 2 công trình đạt Giải thưởng sáng tạo TP.HCM năm 2019 gồm: công trình “Keo thông minh trong điều trị lành thương” của TS Nguyễn Thị Hiệp thuộc Trường Đại học quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM và công trình “Nghiên cứu bào chế mỹ phẩm Gel Dương Cam Cúc matricaria chamomilla L. - Liposome hỗ trợ điều trị da bị viêm và dị ứng” của PGS.TS Trần Văn Thành thuộc Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn, Trường Đại học Y Dược TP.HCM.

Theo đó, loại keo sinh học để chữa lành nhanh và thay thế mô đã mất do TS Nguyễn Thị Hiệp nghiên cứu từ năm 2013 đến nay, đang ở giai đoạn thử nghiệm. Keo được ví như bộ dụng cụ cứu thương gia đình, có tác dụng dùng ngoài da như cầm máu, diệt khuẩn, chữa lành vết thương. 

Ts Hiệp

Tiến sĩ Hiệp tại phòng nghiên cứu của trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM

Keo được hình thành từ axit hyaluronic (một protein tự nhiên) và chitosan có nhiều trong vỏ tôm, cua, có tác dụng tái tạo mô. Hai loại bột này khi tiếp xúc với nước sẽ tạo thành một loại keo dán vào vết thương. Tính chất của keo có thể thay đổi theo tỷ lệ thành phần vật liệu chitosan và axit hyaluronic, thêm các thành phần khác như bạc và hạt nano curcumin (bột nghệ) giúp chế tạo vật liệu tế bào gốc hoặc thuốc đặc trị.

Tiến sĩ Hiệp cho biết keo dán thực nghiệm trên da heo với kết quả rất khả quan. Kết quả nghiên cứu cho thấy keo có khả năng diệt khuẩn, tránh nhiễm trùng, làm lành các loại vết thương nhanh chóng mà không cần các kỹ thuật khâu vá. 

Trong khi các sản phẩm điều trị vết thương trên thị trường chỉ mang tác dụng tạm thời và thường sẽ phải gỡ bỏ, loại keo sinh học này không cần phải lấy ra và có tác dụng thay thế mô đã mất.

Theo tiến sĩ Hiệp, người dân không biết cách sơ cứu vết thương có thể mua keo để ở nhà và dùng khi cần thiết, sau đó đến trạm y tế hoặc bệnh viện để chữa trị. Sản phẩm sẽ được sử dụng như bộ dụng cụ y tế cho các gia đình, hữu ích những người sống xa bệnh viện như nông dân, ngư dân, người công tác ở vùng núi, hải đảo... khó tiếp cận với phòng khám, bác sĩ.

Sản phẩm được sản xuất từ chất liệu có sẵn của nước ta nên rất phù hợp về kinh tế và khả năng chữa trị cho người Việt. Nhóm nghiên cứu hiện tiếp tục phát triển keo để tiêm khớp gối, tải tế bào gốc, tái tạo mô cho bệnh nhân ung thư.

Trong khi đó, công trình của PGS.TS Trần Văn Thành và cộng sự là nghiên cứu ứng dụng công nghệ liposome để bào chế mỹ phẩm gel dương cam cúc (Matricaria chamomilla L.) dưới dạng mỹ phẩm. Chế phẩm có tác dụng ức chế sự nảy mầm của bào tử men, mốc và nấm da, hỗ trợ hiệu quả trong điều trị bệnh viêm da dị ứng.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công công thức điều chế gel liposome dương cam cúc phù hợp với những yêu cầu đề ra như: kích thước tiểu phân nhỏ hơn 400 nm, có khả năng tải trên 10% cao và trên 10% tinh dầu dương cam cúc, có độ ổn định theo cơ chế tĩnh điện (thế zêta). Về hiệu quả, gel cho cảm quan tốt, có khả năng giữ ẩm, làm sạch da và kháng khuẩn, không gây kích ứng cho người dùng và có khả năng sử dụng làm mỹ phẩm. Ngoài ra, việc nâng cấp lô nghiên cứu cũng đã đạt được ở quy mô thử nghiệm 2kg với độ ổn định dài hạn theo thời gian.

sachvvn

Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2019. Ảnh: VGP

Ngoài 2 công trình nói trên còn có 4 công trình đạt Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Éureka gồm:

Công trình “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm EM từ các chủng vi sinh vật phân lập trong dạ dày bò ứng dụng xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp” của KS. Nguyễn Văn Đoán thuộc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ.

Công trình “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả vi bao hợp chất màu anthocyanin vào trong tế bào nấm men” của nhóm Hoàng Thị Thúy Hằng – Nguyễn Huyền Nguyệt Trân – Cao Thị Thảo – Nguyễn Thị Huyền thuộc Đại học Công nghiệp thực phẩm TP

Công trình “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo robot xoa bóp dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo” của nhóm KS. Trương Công Toại – KS. Nguyễn Trần Thanh Phòng – KS. Lương Hữu Thành Nam – KS. Nguyễn Đào Xuân Hải thuộc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia Điều khiển số và Kỹ thuật hệ thống, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM.

Công trình “Ứng dụng tin dioxide dạng hạt nano cho xử lý khí ô nhiễm” của nhóm  Bùi Đại Phát - Trần Hồng Huy thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM.

Ra đời từ năm 2016, Sách vàng Sáng tạo Việt Nam được công bố nhằm tuyên truyền, biểu dương các sáng tạo trên lĩnh vực khoa học và công nghệ; khẳng định năng lực sáng tạo của người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài trong phát triển kinh tế, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc… Mỗi năm, số lượng công trình, giải pháp sáng tạo được chọn bằng số năm kỷ niệm Quốc khánh 2/9.

Sách vàng sáng tạo Việt Nam do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các bộ, ban, ngành, một số tổ chức thành viên của Mặt trận công bố hàng năm.

Sách vàng Sáng tạo Việt Nam nhằm cổ vũ, khơi dậy tinh thần yêu nước, trí tuệ của người Việt Nam thi đua sáng tạo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần hình thành văn hóa sáng tạo của người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

 

Phương Hà - khampha.vn

Sáng nay, 30/7, Chợ Công nghệ và Thiết bị chuyên ngành Công nghệ sau thu hoạch (Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2020) do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) tổ chức, với hơn 100 giải pháp công nghệ và thiết bị trong và ngoài nước, do 50 doanh nghiệp, trường viện đưa đến trưng bày, giới thiệu và quảng bá, đã mở cửa đón khách.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, Techmart Công nghệ sau thu hoạch là một trong những hoạt động thực hiện Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2020, nhằm xúc tiến các hoạt động chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đưa sản phẩm từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ ra thị trường, phục vụ nhu cầu ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, nâng cao năng lực công nghệ sau thu hoạch, giảm lượng nông sản tổn thất

sauthuhoach1

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu khai mạc.

Techmart năm nay có nhiều điểm nhấn, sáng tạo hơn Techmart cùng chủ đề đã diễn ra vào năm trước. Bên cạnh các hoạt động trưng bày, giới thiệu công nghệ và thiết bị trực tiếp, trực quan truyền thống tại các gian hàng, một trong các nội dung của Techmart chuyên ngành thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp là hoạt động hội thảo, năm nay được triển khai với 17 chuyên đề, phân bố đều trong 2 ngày diễn ra Techmart. Hơn thế, khu vực tư vấn giải pháp – công nghệ năm nay cũng được tăng cường đầu tư, đổi mới, hoạt động liên tục nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu từ khách tham dự. Theo bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI), đội ngũ chuyên gia tư vấn tại Techmart sẽ không chỉ tư vấn về hơn 100 công nghệ được trưng bày, giới thiệu tại Techmart, mà còn giúp khách hàng giải đáp những vướng mắc trong quá trình tìm hiểu, mua bán, chuyển giao công nghệ liên quan đến bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch, nhằm thúc đẩy quá trình kết nối, giao dịch giữa nhà cung cấp công nghệ và khách hàng.

sauthuhoach2

Lãnh đạo Sở KH&CN TP.HCM nghe giới thiệu về giải pháp công nghệ sấy đã được cấp bắng sáng chế.

Ngược dòng sự kiện, tại Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2019, 125 yêu cầu từ các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu công nghệ đã được tư vấn chuyên gia, 449 lượt giao dịch trực tiếp tại gian hàng, 3 biên bản ghi nhớ và 1 hợp đồng được ký kết ngay tại sự kiện. Vì vậy, Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2020 sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có thêm điều kiện tiếp cận các thành quả công nghệ nhằm đổi mới các máy móc thiết bị, quy trình công nghệ, góp phần gia tăng năng suất, nâng cao giá trị gia tang và chất lượng sản phẩm.

Hoàng Kim (CESTI)

Trong khuôn khổ Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2020 (từ 30-31/7), 17 chuyên đề công nghệ sẽ được giới thiệu chi tiết tại 2 khu vực Hội thảo (Tầng Trệt và Lầu 4) tòa nhà 79 Trương Định, Quận 1, TP.HCM. Mời Quý vị quan tâm tham dự.

Chương trình cụ thể như sau:

Sáng Thứ Năm, ngày 30/07/2020

9g00-10g30 tại Tầng Trệt: “Ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa, sấy tuần hoàn và sấy chân không trong bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm giá trị cao”

ThS. Lê Văn Bạn, Nguyên Trưởng bộ môn Kỹ thuật điều khiển tự động - Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.

9g00-10g30 tại Tầng 4: “Công nghệ sấy ứng dụng năng lượng mặt trời trong chế biến và bảo quản nông thủy sản và thực phẩm bền vững”

ThS. Nguyên Mạnh Tuân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Năng lượng bền vững Việt Nam.

10g30-12g00 tại Tầng Trệt: “Công nghệ sấy động trục đứng ứng dụng năng lượng mặt trời – thiết bị sấy đa năng đáp ứng mọi nhu cầu”

ThS. Phan Văn Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS.

10g30-12g00 tại Tầng 4: “Công nghệ sấy thăng hoa giúp lưu giữ hương vị của trái cây”

ThS. Phạm Hữu Tâm - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ nghệ xanh Việt Nam.

 

Chiều Thứ Năm, ngày 30/07/2020

13g30-15g00 tại Tầng Trệt: “Ứng dụng công nghệ lên men để phát triển sản phẩm từ nguyên liệu trái cây (thanh long, xoài, chuối, mãng cầu, dịch cơm nhầy cacao…)”

TS. Dương Thị Ngọc Diệp – Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh.

13g30-15g00 tại Tầng 4: "Giải pháp đo độ mặn của nước, giúp theo dõi sự phát triển và sinh trưởng của cây trồng phục vụ trong nông nghiệp”

Ông Dương Minh Trí – Nghiên cứu viên - Viện Vật lý TP. Hồ Chí Minh.

15g00-16g30 tại Tầng Trệt: “Giải pháp truy xuất nguồn gốc Blockchain theo chuỗi giá trị hỗ trợ công nghệ sau thu hoạch”

ThS. Đỗ Văn Long - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vietnam Blockchain.

15g30-15g00 tại Tầng 4: "Giải pháp cân kiểm trọng lượng nông sản và loại bỏ các sản phẩm lỗi”

Ông Dương Tích Đức - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Kỹ thuật FA Việt Nam.

 

Sáng Thứ Sáu, ngày 31/07/2020

8g30-9g45 tại Tầng Trệt: “Công nghệ nuôi trồng, chế biến và bảo quản các loài tảo spirulina có giá trị kinh tế cao (Ứng dụng Fermenter ống kín)”

PGS.TS. Trịnh Văn Dũng - Trưởng Bộ môn Quá trình & Thiết bị Công nghệ hóa học - Đại học Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh.

8g30-10g00 tại Tầng 4: “Giải pháp nông nghiệp sạch bền vững – kết nối chuỗi cung cầu”

Bà Lê Thị Kim Cương - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Mỹ Kim.

9g45-10g30 tại Tầng Trệt: “Giải pháp xét nghiệm trong an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cho nông sản xuất cảng”

Ông Henry Bùi - Giám đốc Công ty TNHH MTV KHCN Hoàn Vũ.

10g00-11g30 tại Tầng 4: “Giải pháp bảo quản trái cây, hoa cắt cành bằng qui trình ức chế etylen”

TS. Trần Thị Ngọc Lan - Giám đốc Công ty TNHH Sinh hóa Môi trường Bình Lan.

10g30-11g45 tại Tầng Trệt: “AGRILINK – Nền tảng đa dịch vụ kết nối hệ sinh thái nông nghiệp từ nông dân, nhà cung cấp đến người tiêu dùng và xuất khẩu”

Ông Lữ Thế Hùng - Giám đốc Công ty Cổ Phần Công nghệ Nông nghiệp Toàn Cầu.

 

Chiều Thứ Sáu, ngày 31/07/2020

13g30-15g00 tại Tầng Trệt: “Ứng dụng công nghệ chiết xuất, cô đặc đông trùng hạ thảo bằng rượu/ cồn”

Ông Đào Thanh Khê – Giảng viên Khoa Công nghệ hóa học, Đại học Công nghệ thực phẩm TP.Hồ Chí Minh.

13g30-15g00 tại Tầng 4: “Công nghệ trích ly, chiết xuất tinh dầu từ thảo mộc bằng công nghệ CO2 siêu tới hạn”

ThS. Đinh Hồng Sương - Giám đốc Công ty TNHH D&H Retek USA.

15g00-16g30 tại Tầng Trệt: "Công nghệ sấy lạnh tăng tốc Nhật Bản giúp giữ nguyên màu - nguyên mùi - nguyên vị sản phẩm" 

Ông Đặng Trần Việt – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thương mại Quốc tế ORGEN 

15g00-16g30 tại Tầng Trệt: "Giải pháp bảo quản hoa cắt cành bằng công nghệ ion đồng Humik"

Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Tam Đỉnh.

 

Đăng ký tham dự tại đây

Sở hữu trí tuệ được xem là giải pháp pháp lý hiệu quả giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng vững trong giai đoạn hội nhập quốc tế.

 

Ngày 23/7, Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học và Công nghệ (thuộc Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ) khai giảng lớp tập huấn “Nhận diện và quản trị các tài sản trí tuệ trong giai đoạn đổi mới sáng tạo” cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ lĩnh vực sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm.

sme1

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, cho rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tồn tại và phát triển thì cần phải chủ động phòng bị về sở hữu trí tuệ.

Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, cho biết ở giai đoạn hội nhập quốc tế thì rào cản chính sách thuế bị dỡ bỏ, do đó để bảo vệ nền sản xuất trong nước thì các quốc gia chuyển sang sử dụng rào cản kỹ thuật trong thương mại, trong đó quan trọng nhất là sở hữu trí tuệ. Chính vì thế, theo ông Cường, doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tồn tại và phát triển thì cần phải chủ động phòng bị về sở hữu trí tuệ, chẳng hạn như bảo hộ thương hiệu, để có thể bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.

sme2

Lớp tập huấn “Nhận diện và quản trị các tài sản trí tuệ trong giai đoạn đổi mới sáng tạo” cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ lĩnh vực sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm.

Theo đó, nội dung tập huấn gắn liền với sản phẩm trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ, tài sản trí tuệ và tài sản vô hình của một tổ chức, khẳng định vai trò của việc quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các học viên còn tìm hiểu chuỗi giá trị quyền tác giả, bằng độc quyền sáng chế/GPHI và lợi thế pháp lý trong kinh doanh công nghệ mới.

Thông qua những ví dụ điển hình trong thực tế, giảng viên và học viên sẽ trao đổi và khám phá bối cảnh hình thành sản phẩm trí tuệ cùng những rủi ro liên quan, tài sản trí tuệ - tài sản vô hình trong cấu trúc giá trị của doanh nghiệp. Từ đó làm rõ chức năng quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp, tìm hiểu chiến lược phát triển thương mại trong thủ tục đăng ký sáng chế.

sme3

Khóa tập huấn nói trên nằm trong Chương trình đào tạo “Quản trị tài sản trí tuệ tại doanh nghiệp” nhằm trang bị, cập nhật các kiến thức về quản trị về tài sản trí tuệ cho học viên, tăng cường khả năng nhận diện tài sản trí tuệ, phát triển tài sản trí tuệ, giảm thiểu rủi ro khi thương mại hóa sản phẩm vào thị trường trong nước cũng như quốc tế. Ngoài ra, Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học và Công nghệ cũng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các quy chế về bảo mật thông tin và quản trị tài sản trí tuệ tại doanh nghiệp.

 

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378