SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ngân sách Sở KH&CN TP.HCM đầu tư cho đề tài nghiên cứu Nano bạc là 200 triệu đồng nhưng chỉ riêng hợp đồng với liên doanh Pomax và BV Pharma đã mang về lợi nhuận 600 triệu đồng.

 

Ngày 20/5, lễ ký kết hợp đồng hợp tác điều chế hỗn dịch nano bạc - ứng dụng sản xuất gel rửa tay khô giữa Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTPLabs) cùng liên doanh Pomax và BV Pharma đã diễn ra dưới sự chứng kiến của đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

Đây là kết quả hợp tác nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ theo mô hình 3 nhà (nhà nghiên cứu - nhà nước - doanh nghiệp), xuất phát từ đề tài nghiên cứu khoa học của SHTPLabs với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

nanobac1

Ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc SHTPLabs (trái), ký hợp tác với đại diện công ty BV Pharma

Vật liệu nano bạc từ lâu đã được biết đến với tính chất diệt khuẩn hiệu quả, đã được nghiên cứu rộng rãi nhiều năm qua trên thế giới cũng như trong nước. Phát triển cùng xu thế này, nhóm nghiên cứu tại Phòng Thí Nghiệm nano thuộc SHTPLabs đã nghiên cứu quy trình chế tạo nano bạc và ứng dụng trong sản phẩm gel rửa tay.

Thạc sỹ Mai Ngọc Tuấn Anh, đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết: “Điểm khác biệt trong sản phẩm nano bạc của nhóm nghiên cứu là chế tạo bằng phương pháp xanh thân thiện với môi trường, không sử dụng hóa chất có thể gây dị ứng da tay. Sản phẩm diệt khuẩn hiệu quả với nồng độ ức chế tối thiểu thấp, chế tạo ở nồng độ cao, từ 400 đến 1000 ppm ( ppm = phần triệu )”.

Từ những ưu điểm đó, vật liệu nano bạc được ứng dụng trong gel rửa tay khô không cồn hoặc ít cồn, với nồng độ nano bạc trong sản phẩm thấp hơn 10 ppm nhưng có khả năng diệt 99% vi khuẩn. Những điểm mới này đã được công nhận qua Bằng độc quyền giải pháp hữu ích đối với sáng chế “Chế phẩm rửa tay diệt khuẩn dạng gel và Quy trình chế tạo chế phẩm này”.

nanobac2

Sản phẩm gel rửa tay khô xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và Mỹ

Sản phẩm nước rửa tay thương hiệu Silver Green sử dụng vật liệu nano của SHTPLabs đã được phân phối từ những ngày bùng nổ dịch Covid-19. Sau những kết quả thương mại hóa sản phẩm này, SHTPLabs đã ký hợp đồng cung cấp vật liệu nano bạc với Công ty Cổ phần Pomax để phát triển sản phẩm Gel rửa tay khô DrOH, cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế.

Trong mùa dịch, sản phẩm gel rửa tay đã xuất khẩu được 2 triệu chai sang châu Âu và Mỹ. Đơn hàng tiếp theo sang những thị trường này trong tháng 5 là từ 4-6 triệu chai.

“Điểm thách thức đối với SHTPLabs trong hợp tác này là phải xây dựng công nghệ điều chế hỗn dịch nano bạc với khối lượng lên đến hàng tấn, đáp ứng nhu cầu thương mại của doanh nghiệp“, ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc SHTPLabs, cho biết. Tuy nhiên với tinh thần phát triển sản phẩm nghiên cứu vượt xa khỏi phòng thí nghiệm để trở thành sản phẩm thương mại thực sự, nhóm nghiên cứu đã có nhiều giải pháp sáng tạo để thực hiện.

nanobac3

Ông Mai Võ Tuấn Anh, đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ về nano bạc ứng dụng trong gel rửa tay

Theo chia sẻ của ông Thành thì ngân sách Sở KH&CN TP.HCM đầu tư cho đề tài nghiên cứu Nano bạc là 200 triệu đồng nhưng hiện tại, chỉ với hợp đồng liên doanh Pomax và BV Pharma đã mang về lợi nhuận 600 triệu đồng. Đây là minh chứng cho sự thành công của hợp tác nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ theo mô hình 3 nhà.

Ngoài ra, ông Thành cũng cho biết, lợi nhuận thu về từ những đề tài nghiên cứu khoa học của SHTPLabs là hơn 3 tỷ đồng trong năm 2019 cùng với đó là hơn 50% đề tài đang sẵn sàng chuyển giao, hợp tác với các doanh nghiệp.

nanobac4

Ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc SHTPLabs 

Trong lúc tiến tới mở rộng hợp tác để phát triển thêm sản phẩm mới, các sản phẩm nội địa tại SHTPLabs đã phát triển thành công cũng bước đầu tiếp cận được với thị trường doanh nghiệp.

“SHTPLabs hiện đang đóng vai trò là đơn vị tiếp nhận các yêu cầu nghiên cứu, phát triển và chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm cho các doanh nghiệp. Việc nghiên cứu hướng đến liên kết với các đơn vị sản xuất ở các địa phương, tạo thành mối liên kết vùng trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới”, ông Thành nói thêm.

Năm 2019, SHTB Labs đã ký kết hợp tác với Trung tâm Công nghiệp thuộc Viện CISRO của Úc về việc hợp tác phát triển các vật liệu nano ứng dụng trong cảm biến và y sinh, trong đó có sản phẩm van tim nhân tạo từ các vật liệu nano mà Úc đang nghiên cứu. Đồng thời trung tâm nghiên cứu này cũng hợp tác với Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nhằm gắn kết giữa hai đơn vị trong việc phát triển công nghệ MEMS và đào tạo nguồn nhân lực.

Thạch An - khampha.vn

Với những công nghệ mới, Điện Quang đang dần chuyển mình từ công ty sản xuất sản phẩm thuần túy sang công ty công nghệ cung cấp các giải pháp tổng thể trong lĩnh vực chiếu sáng và thiết bị điện.

"Là một doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực chiếu sáng, trong thời gian qua, Công ty CP Bóng đèn Điện Quang đã có nhiều sáng kiến, giải pháp góp phần thực hiện đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh, hiện đại", ông Lê Xuân Nghiêm - Giám đốc Kỹ thuật - Khoa học Công nghệ, Công ty CP Bóng Đèn Điện Quang, chia sẻ. 

dq1

Ông Lê Xuân Nghiêm - Giám đốc Kỹ thuật-Khoa học Công nghệ, Công ty CP Bóng Đèn Điện Quang.

Được thành lập từ năm 1973 và đã ổn định với dây chuyền sản xuất cùng thị trường rộng lớn của mình, nhưng vì sao Điện Quang lại quyết tâm chuyển đổi từ doanh nghiệp sản xuất sang doanh nghiệp khoa học công nghệ, thưa ông? 

Ông Lê Xuân Nghiêm: Điện Quang được thành lập từ năm 1973 chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp trong lĩnh vực chiếu sáng và thiết bị điện. Với sứ mệnh chính và xuyên suốt là đóng góp cho xã hội và cộng đồng, Điện Quang luôn tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh nhằm cung cấp sự tiện nghi, an toàn, thẩm mỹ, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và xã hội. 

Sản phẩm của Điện Quang được phân phối khắp các tỉnh thành trong cả nước, có mặt trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: EU, Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ… Chúng tôi tự hào là một trong những doanh nghiệp tiên phong và liên tục là thương hiệu duy nhất của ngành chiếu sáng được chính phủ Việt Nam công nhận là Thương hiệu Quốc gia. 

Năm 2016, nhận thấy được xu thế phát triển nhanh chóng của KH&CN trong kỷ nguyên 4.0, Điện Quang quyết tâm chuyển đổi từ doanh nghiệp sản xuất sang doanh nghiệp KHCN, tham gia vào hoạt động nghiên cứu phát triển với mục tiêu là ứng dụng công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Việc được chứng nhận là doanh nghiệp KHCN vào tháng 9/2019 có tác động như thế nào đến hoạt động nghiên cứu và phát triển của Điện Quang? 

Thật ra việc trở thành doanh nghiệp KHCN được xem là một cột mốc đánh dấu bước phát triển của Điện Quang, khẳng định định hướng trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chiếu sáng thông minh. Với những công nghệ mới, Điện Quang đang dần chuyển mình từ công ty sản xuất sản phẩm thuần túy sang công ty công nghệ cung cấp các giải pháp tổng thể trong lĩnh vực chiếu sáng và thiết bị điện.

dq2

Lễ trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ cho công ty Điện Quang vào tháng 9/2019. Ảnh: DOST.

Bên cạnh đó, trở thành doanh nghiệp KHCN sẽ tạo tiền đề cho chúng tôi đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, tiếp tục tham gia vào hoạt động nghiên cứu phát triển để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh. 

Bằng chứng là sau khi trở thành doanh nghiệp KHCN, Điện Quang được tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp mà Sở KH&CN TP.HCM triển khai. Trong đó có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ,… và các chương trình kết nối, hợp tác sâu rộng hơn với các trường ĐH tại TP.HCM. 

Sự kiện được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ đã khẳng định uy tín, thương hiệu của Điện Quang trong việc cải tiến kỹ thuật, áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trong sản xuất.

dq3

Giải pháp đèn thông minh, hiện đại và hợp thời của Điện Quang được sử dụng ở nhà hàng, quán ăn.

Việc trở thành doanh nghiệp KHCN đã mang lại nhiều giá trị cho Điện Quang nói riêng và doanh nghiệp khác nói chung, nhưng song song với đó thì trách nhiệm của doanh nghiệp ngày càng lớn hơn.

Với những đánh giá rất cao của lãnh đạo Sở KH&CN TP.HCM về quá trình nghiên cứu và các giải pháp công nghệ mà Điện Quang đã đưa ra, Điện Quang sẽ cùng tham gia sâu hơn nữa các chương trình công nghệ cao của TP.HCM. Đồng thời liên kết với các viện, trường đại học để nghiên cứu và chế tạo ra được nhiều sản phẩm mới cũng như tiếp tục phát triển các sản phẩm công nghệ cao, do người Việt làm chủ.

Với sự kết nối của Sở KH&CN TP.HCM, Điện Quang kí kết hợp tác với Trường ĐH Bách Khoa, - ĐH QG-HCM để thực hiện dự án “Phát triển công nghệ chế tạo hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng LED”. Dự án này đã đi đến đâu và hai bên có tiếp tục hợp tác trong các dự án mới không, thưa ông?

Đây là dự án đầu tiên tại TP.HCM triển khai theo mô hình mới với sự liên kết của 3 nhà: nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp. Theo đó, chúng tôi tham gia đồng hành ngay từ những bước đầu tiên cho tới phát triển, hoàn thiện và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

dq4

Hệ thống chiếu sáng thông minh lắp đặt tại ĐH Bách khoa - ĐH QG-HCM.

Với dự án trên, nhóm nghiên cứu của Điện Quang và ĐH Bách khoa đã thành công trong việc làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng LED với nhiều ưu điểm nổi bật như đảm bảo chất lượng ánh sáng, tiết kiệm năng lượng, tuổi thọ cao… Những cải tiến quang học khiến hệ thống đèn LED cung cấp màu sắc chiếu sáng tốt hơn, giúp dễ dàng phát hiện vật thể, tăng cường an toàn cho người tham gia giao thông. 

Ngoài ra, hệ thống chiếu sáng LED còn được kết nối với các thiết bị điều khiển và các mạng thông minh làm tăng lợi ích của nó, hỗ trợ thành phố trong việc quản lý và tạo điều kiện cho các dịch vụ thành phố quan trọng khác, chẳng hạn như giám sát lưu lượng giao thông, giám sát thông số môi trường; cung cấp thông tin về phân luồng thay thế dựa vào thời tiết, điều chỉnh và thay đổi thời gian tín hiệu giao thông… 

dq5

Đại diện trường Đại học Bách Khoa và Công ty Điện Quang ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện.

Hiện, hệ thống này đã được lắp đặt thử nghiệm tại khuôn viên Trường ĐH Bách Khoa, Khu đô thị ĐH Quốc gia ở Thủ Đức, đường nội đô Khu công nghệ cao TP.HCM. Dự án sau khi hoàn tất sẽ tiết kiệm được khoảng 40-60% lượng điện năng sử dụng.

Ngoài dự án nói trên, chúng tôi cũng đang hợp tác với ĐH QG-HCM nhiều dự án khác tại TP.HCM, Bình Phước, Khu Công nghệ cao…

Đây là dự án đầu tiên tại TP.HCM triển khai theo mô hình mới, với sự ‘mai mối’ của Sở KH&CN TP.HCM. Ông đánh giá như thế nào về vai trò kết nối của Sở?

Phải thật sự thừa nhận vai trò kết nối của Sở KH&CN TP.HCM là hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn đơn vị này sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ kết nối chúng tôi thông qua các chương trình chủ trương chính sách của Nhà nước và thông các chương trình hội thảo chuyên đề để tạo sân chơi liên kết cho doanh nghiệp và nhà khoa học trong công tác phát triển nghiên cứu khoa học ứng dụng của TP.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Điện Quang đã có bước chuyển đổi như thế nào để phù hợp với giai đoạn mới?

Trong thời gian qua, Điện Quang luôn chủ trương hợp tác với các công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo… trong và ngoài nước nhằm tạo ra các trải nghiệm mới về sự tiện nghi, an toàn, thẩm mỹ cho ngôi nhà Việt, giúp người dùng quản lý và tương tác với các thiết bị điện một cách tốt nhất.

dq6

 

Sản phẩm đồ điện gia dụng của Điện Quang thắp sáng gia đình Việt, có thể tự điều chỉnh lượng sáng phù hợp với từng không gian.

Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, tháng 7/2019, Công ty CP Bóng Đèn Điện Quang đã chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy Công nghệ cao Điện Quang (DQH) tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.

Đây là nhà máy có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực giải pháp chiếu sáng, cũng là nhà máy thứ 5 của Điện Quang được trang bị máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại, đồng bộ đạt chuẩn quốc tế.

Doanh nghiệp KHCN góp sức xây dựng đô thị thông minh - 8

Nhà máy Công nghệ cao Điện Quang tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.

Ngay từ khi có thông tin về dịch bệnh Covid-19, Điện Quang nhanh chóng chung tay với cộng đồng bằng cách đưa ra thị trường nhiều sản phẩm, giải pháp liên quan đến đến an toàn, bảo vệ sức khỏe, tiện nghi. Đội ngũ R&D của Điện Quang đã nỗ lực ngày đêm trong suốt thời gian qua để nhanh chóng ra mắt sản phẩm, chung tay cùng người dân đẩy lùi dịch bệnh. 

Dựa trên các nghiên cứu khoa học từ các tổ chức uy tín cùng khả năng sáng tạo ứng dụng thực tiễn, chúng tôi đã lên ý tưởng về sản phẩm giúp diệt khuẩn, an toàn, tiện lợi và bảo vệ sức khỏe người dùng. Đèn LED diệt khuẩn ra đời chính là kết quả của nỗ lực, tâm huyết được ấp ủ trong thời gian qua của Điện Quang.

dq8

Đội ngũ R&D của Điện Quang luôn nỗ lực để tạo ra những sản phẩm mới nhất phục vụ người dân.

Sản phẩm này hoàn toàn khác biệt bởi những tính năng nổi bật: Ứng dụng tia cực tím (UV-C) giúp tiêu diệt và làm bất hoạt các vi sinh vật có hại. Đặc biệt biệt nhất, sản phẩm này được tích hợp công nghệ cảm biến tự động bật/tắt thông minh, an toàn với sức khỏe người dùng.

Với tiêu chí mang đến sự tiện lợi cao, ngoài dòng sản phẩm cố định có tác dụng diệt khuẩn cho thang máy, khử trùng trong các phòng mổ, phòng hậu phẫu, phòng thí nghiệm, bệnh viện… thì dòng sản phẩm cầm tay di động là lựa chọn tối ưu cho các hộ gia đình, sử dụng sát khuẩn trong không gian nhỏ như phòng khách, phòng bếp… vô cùng hữu ích.

Xin cảm ơn ông!

 

Cơ sở để thực hiện chuyển giao tài sản là theo luật Khoa học Công nghệ 2013. Bên đặt hàng có quyền sở hữu kết quả nghiên cứu KH&CN, nếu không có các thoả thuận khác theo hợp đồng.

 

Sáng ngày 20/5, tại hội trường Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã diễn ra chương trình tập huấn "Chuyển giao tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước". Buổi tập huấn nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. 

Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, mục tiêu của buổi tập huấn lần này là nhằm phổ biến, hướng dẫn thực hiện quy trình chuyển giao kết quả nghiên cứu và sản phẩm khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho các đối tượng, cá nhân quản lý đúng với yêu cầu của Thành phố.

thkh1

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM phát biểu tại buổi tập huấn.

Tại chương trình tập huấn, các chuyên gia đã phổ biến, hướng dẫn quy trình chuyển giao tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm chuyển giao kết quả nghiên cứu KH&CN, nhận chuyển giao và khai thác kết quả nghiên cứu KH&CN.

Ông Võ Thanh Sơn, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, cho biết, có 4 loại tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước.

Bao gồm: Tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước; tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng một phần ngân sách nhà nước; tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước; tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng một phần ngân sách nhà nước.

vhson

Ông Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ thuộc Sở KH&CN TP.HCM, trình bày nội dung tập huấn

Cơ sở để thực hiện chuyển giao tài sản là theo luật Khoa học Công nghệ 2013. Cụ thể, bên đặt hàng theo hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có quyền sở hữu kết quả nghiên cứu KH&CN, nếu không có các thoả thuận khác theo hợp đồng.

Đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước thì đại diện chủ sở hữu nhà nước được quy định gồm: bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, là đại diện chủ sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh hoặc cấp cơ sở do mình phê duyệt.

Đơn vị sở hữu phải có phương án ứng dụng, thương mại hoá kết quả, có phương án phân chia lợi nhuận thu được, đảm bảo quyền lợi của Nhà Nước, có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý nhiệm vụ kết quả thực hiện ứng dụng, thương mại hoá (kèm theo báo cáo tài chính của tổ chức chủ trì được kiểm toán độc lập).

 
Chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức các sự kiện sau:
1. Tập huấn "Chuyển giao tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước"
* Thời gian: 8 giờ 00, ngày 20/5/2020 (Thứ tư)
* Địa điểm: Hội trường Sở KH&CN
* Nội dung:
- Phổ biến, hướng dẫn quy trình chuyển giao tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước,
- Chia sẻ kinh nghiệm chuyển giao kết quả nghiên cứu KH&CN,
- Nhận chuyển giao và khai thác kết quả nghiên cứu KH&CN
2. Tập huấn "Hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất"
* Thời gian: 8 giờ 30, ngày 21/5/2020 (Thứ năm)
* Hình thức: trực tuyến (đăng ký tham gia tại https://tructuyen.innotek.tech/b/adm-9p3-har)
* Nội dung:
- Giới thiệu nội dung mới và các quy định của Thông tư 17/2019/TT-BKHCN của Bộ KH&CN về Hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất.
- Kinh nghiệm triển khai đánh giá trình độ công nghệ tại TP. HCM và các địa phương khác.
3. Tọa đàm “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực xây dựng - InnoBuild”
* Thời gian: 8 giờ 00, ngày 22/5/2020 (Thứ sáu)
* Địa điểm: Hội trường Sở Xây dựng
* Mục tiêu: trình bày vấn đề, trao đổi thảo luận và tìm kiếm ý tưởng, đối tác để giải quyết vấn đề liên quan đến đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực xây dựng.
 

Ngoài chương trình ươm tạo cùng tổng giải thưởng lên tới 550 triệu đồng, nếu dự án có tiềm năng đủ lớn, TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một nhà đầu tư đồng hành cùng dự án.

 

Sáng 14/5, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức họp báo công bố cuộc thi “Dự án Đổi mới sáng tạo ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) của thành phố Hồ Chí Minh năm 2020” (viết tắt HAI-2020). Cuộc thi do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM và Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) tổ chức.

hai1

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, phát biểu tại buổi công bố.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, cho biết mục tiêu của cuộc thi là nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức có dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất, kinh doanh, quản trị đô thị, giao thông, tài chính, y tế, giáo dục, nông nghiệp,… và phục vụ cộng đồng xã hội đều có thể tham dự cuộc thi.

hai2

Rất đông người đến tham dự buổi công bố, gồm đại diện các nhà tài trợ, các dự án khởi nghiệp, đơn vị báo chí truyền thông cũng như những người quan tâm đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Ngoài các giải thưởng hấp dẫn lên tới hàng trăm triệu đồng, các dự án tham dự cuộc thi sẽ có cơ hội tham gia các hoạt động hỗ trợ huấn luyện, cố vấn và chương trình ươm tạo với kinh phí hỗ trợ ươm tạo lên tới 200.000.000 đồng/dự án trong thời gian tối đa 03 tháng. 

Tuy nhiên, theo ông Dũng, cái lợi lớn nhất khi tham dự cuộc thi là được làm việc với các chuyên gia trong hệ sinh thái để hoàn thiện dự án. Vòng chung kết cuộc thi được tổ chức vào tháng 11 trong Tuần lễ Đổi mới sáng tạo WHISE 2020. Đặc biệt, năm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với TP.HCM tổ chức Ngày hội Trí tuệ nhân tạo quốc gia tại TP.HCM. Đây là cơ hội để các ứng viên cuộc thi trình bày dự án với các chuyên gia, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

“Hy vọng cuộc thi sẽ nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và các cơ sở ươm tạo,…tạo được hiệu ứng xã hội rộng lớn và để lại dấu ấn tốt đẹp đối với cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo”, ông Nguyễn Việt Dũng bày tỏ.

hai3

Ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao, chia sẻ về các nội dung hỗ trợ các dự án tham gia cuộc thi.

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Lê Thành Nguyên - Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC), cho biết hiện tại các startup về trí tuệ nhân tạo đang ngày được quan tâm và tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, hầu hết các startup non trẻ đều gặp nhiều khó khăn về chuyên gia, máy móc trang thiết bị cũng như dữ liệu, tài nguyên. 

“Tính đến nay, vườn ươm đã hỗ trợ khoảng 60 dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông. Nhiều dự án đã được triển khai trong thực tế. Chính vì thế, các nhóm tham dự cuộc thi sẽ được vườn ươm hỗ trợ hoàn thiện mô hình dự án và xây dựng sản phẩm mẫu cũng như hỗ trợ về dữ liệu”, ông Nguyên cho biết.

Bên cạnh đó, vườn ươm có đủ cơ sở vật chất, có đầy đủ trang thiết bị, cùng đội ngũ mentors là các chuyên gia, các startup thành công và các doanh nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, các dự án sẽ được ‘ươm tạo’ miễn phí hoàn toàn.

hai4

Ông Trần Minh Triết - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG-HCM), ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM và ông Lê Quốc Cường - Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, trả lời thắc mắc cho khách tham dự.

Đại diện các trường đại học, PGS.TS Thoại Nam, Viện trưởng Viện Công nghệ tiên tiến - Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận xét HAI là cuộc thi khá thú vị khi gắn liền AI với đổi mới sáng tạo.

“Thông qua cuộc thi, mọi người sẽ có cái nhìn 'thoáng' hơn, mới mẻ về AI. AI hiện có trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống chứ không phải chỉ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. AI gắn liền với ứng dụng thiết thực, phải đi vào cuộc sống và hỗ trợ con người làm việc tốt hơn”, ông Nam nhấn mạnh.

Chia sẻ về năng lực nghiên cứu và khả năng hỗ trợ cho các dự án ứng tuyển, ông Nam cho biết, trường ĐH Bách khoa có đội ngũ chuyên gia tư vấn, phản biện để các dự án hoàn thiện, phát triển từ lý thuyết đến thực tiễn. Đồng thời, trường cũng có lợi thế kết nối với các trường ĐH trong và ngoài nước, cùng các doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực AI. Đại diện trường ĐH Bách Khoa cũng cam kết sẵn sàng đồng hành, chia sẻ hệ thống phòng thí nghiệm đang có với các dự án.

Để giải đáp thắc mắc cho người quan tâm, đại diện Sở KH&CN, Sở TT&TT và các trường đại học đã có buổi giao lưu, trả lời câu hỏi trực tiếp ngay tại họp báo. 

Theo đó, ông Nguyễn Việt Dũng, đại diện Sở KH&CN, chia sẻ đây là một cuộc thi mở. “Tất cả mọi người dù đang sinh sống tại thành phố, ở địa phương khác hoặc ở nước ngoài đều được tham dự nhưng trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 hiện nay thì nên cân nhắc về điều kiện tham gia”, ông Dũng nó

hai5hai6

Đại diện các nhà tài trợ ký kết và bắt tay với đại diện BTC cuộc thi.

Các startup mới khởi động cũng đặt câu hỏi liệu các dự án vừa bắt đầu hoặc chỉ mới phác ý tưởng có thể tham gia không. Giải đáp câu hỏi này, ông Lê Quốc Cường, đại diện Sở TT&TT, cho biết: “Cuộc thi chào đón và phát triển những ý tưởng sáng tạo, vì thế không chỉ những startup đã có thành tựu mà các dự án non trẻ cũng có thể tham gia. Nếu có sáng kiến độc đáo và hữu ích, vườn ươm sẽ hỗ trợ dự án được phát triển”.

Về khả năng “tiến xa” của các startup tham gia chương trình, đại diện BTC chia sẻ: “Các dự án khi tham gia cuộc thi sẽ được đào tạo và hỗ trợ phát triển, được giới thiệu trước các nhà đầu tư. Nếu dự án có tiềm năng đủ lớn, TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một nhà đầu tư để hợp tác lâu dài với startup trong tương lai”.

Ông Nguyễn Việt Dũng cũng cho biết thêm, nếu các dự án có triển vọng sẽ được tham gia chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp SpeedUp do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức với mức hỗ trợ tối đa lên đến 2 tỷ đồng.

hai7

Khách mời nán lại sau buổi công bố để thảo luận về các dự án starup ứng dụng trí tuệ nhân tạo của thành phố.

Sau phần giao lưu với khách mời, đại diện các nhà tài trợ và Ban tổ chức Cuộc thi HAI-2020 đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Các đơn vị tài trợ cho biết rất vinh dự khi được đồng hành cùng các dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng AI của thành phố, cũng như mong chờ vào một đô thị thông minh được vận hành từ những ý tưởng đang chớm nở ngay trong cuộc thi này.

hai8hai9hai10hai11hai12hai13hai14

 

Với các khóa ươm tạo và giải thưởng lên đến hàng trăm triệu đồng, cuộc thi sẽ là sân chơi thu hút những ai đam mê lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

 

Cuộc thi “Dự án Đổi mới sáng tạo ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) TP.HCM 2020 (viết tắt HAI 2020) do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông; Đại học Quốc gia TP.HCM và Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) tổ chức.

Cuộc thi nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong các lĩnh vực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Đối tượng tham gia bao gồm các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức có dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất, kinh doanh, giao thông, tài chính, y tế, giáo dục, nông nghiệp,… và phục vụ cộng đồng xã hội.

hai1

Ảnh minh họa

Các dự án tham gia cuộc thi phải đáp ứng các điều kiện như: Dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện sản phẩm; Dự án đăng ký tham gia không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định và chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin trong hồ sơ dự thi...

Ban tổ chức bắt đầu tiếp nhận hồ sơ từ nay cho đến hết ngày 31/7/2020. Vòng Sơ tuyển sẽ diễn ra vào tháng 8/2020 để chọn ra tối đa 50 dự án tham gia khóa huấn luyện giúp hoàn thiện dự án và rèn luyện kỹ năng trình bày trước hội đồng tuyển chọn.

20 dự án lọt vào vòng bán kết sẽ được tham gia Chương trình ươm tạo với kinh phí hỗ trợ ươm tạo tối đa 200.000.000 đồng/dự án trong thời gian không quá 3 tháng.

Vòng Chung kết sẽ diễn ra vào ngày cuối của Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thành phố Hồ Chí Minh 2020 - WHISE 2020. Lễ trao giải cũng sẽ được tổ chức cùng ngày. Lịch trình chi tiết cũng như nội dung các vòng thi có thể được thay đổi phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế.

hai2
Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, trao giải cho các dự án xuất sắc tại cuộc thi AIoT & Smart Cities 2019.

 3 dự án xuất sắc nhất sẽ được nhận 100.000.000 đồng/giải và 5 dự án đoạt giải khuyến khích sẽ được nhận 50.000.000 đồng/giải. Ngoài ra, các dự án vào vòng Chung kết được trình bày trước các nhà đầu tư và có cơ hội nhận được các gói đầu tư cho giai đoạn tiếp theo. 

Các cá nhân, đơn vị quan tâm xin vui lòng truy cập vào trang web https://hai.doimoisangtao.vn hoặc liên hệ Ban tổ chức cuộc thi tại địa chỉ 244 Điện Biên Phủ, Phường 7, Quận 3, TP.HCM, Điện thoại: 028.3932.7831, Email: skhcn@tphcm.gov.vn, để biết thêm chi tiết. 

 

Với những chương trình nghiên cứu tập trung vào môi trường, TP.HCM đã thực hiện đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế nhưng vẫn gìn giữ được môi trường tự nhiên. 

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2020 lấy chủ đề “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh” nhằm khẳng định trách nhiệm, vai trò của con người với trí tuệ, sự sáng tạo, khéo léo... trong hành trình chung tay xây dựng và gìn giữ màu xanh cho tương lai.

xanh1

Phát triển đô thị đi cùng với bảo vệ môi trường là xu hướng tất yếu của tương lai. Ảnh: The Independent.

Hoạt động sản xuất công nghiệp của con người là một trong những lý do chính gây nên biến đổi khí hậu, nhưng chúng ta không thể ngừng quá trình này mà thay vào đó phải phát triển bền vững song song với giữ gìn thiên nhiên. Cùng với các đô thị lớn ở Việt Nam, TP.HCM cũng đã có định hướng phát triển nghiên cứu khoa học đi cùng các nguyên tắc bảo vệ môi trường. 

Thành phố cùng doanh nghiệp phát triển xanh 

Theo bà Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, từ năm 2011, sở đã triển khai 17 chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm dựa trên Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 của Quốc hội.

CVHAI
Bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM. 

Theo đó, trong số này có 3 chương trình nghiên cứu mới phục vụ cho 6 chương trình đột phá của thành phố, đều nhằm tập trung vào an ninh thông tin, chống ngập lụt và ùn tắc giao thông. 

Bên cạnh đó, Sở cũng hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường. Điển hình, Sở đã phối hợp cùng Đại học Tài nguyên Môi trường tổ chức các buổi hội thảo để giới thiệu các giải pháp về khoa học công nghệ, về quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Từ những buổi hội thảo, mạng lưới các chuyên gia được tạo nên để tiếp tục cùng nghiên cứu về năng lượng mới, vật liệu mới. 

Cũng trong năm 2019, đơn vị trực thuộc sở là trung tâm Saigon Innovation Hub đã đồng hành cùng UNICEF trong chương trình hành động vì khí hậu. Chương trình này đã hỗ trợ 6 ý tưởng xuất sắc nhất, mỗi dự án được tài trợ 1.000 USD để tiếp tục thực nghiệm và hoàn thiện hóa sản phẩm.

xanh2

Một lớp học được tổ chức trong chương trình hợp tác giữa SIHUB và UNICEF.

Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm của Sở cũng triển khai chương trình về chất lượng hàng hóa, đảm bảo an sinh xã hội cũng như bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

“Để phát triển tiềm lực khoa học công nghệ cho thành phố, Sở cũng hỗ trợ rất nhiều dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ có ứng dụng cao trong cuộc sống mà đặc biệt là liên quan đến các lĩnh vực về môi trường, nhằm hướng đến một tương lai xanh theo chủ đề ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2020,” bà Hải cho biết thêm. 

Giải quyết các vấn đề cấp bách bằng KHCN 

Ngoài những chương trình đang phát triển, bà Hải nhấn mạnh thành phố cũng đã triển khai nhiều chương trình mang tính hành động cao để giải quyết các vấn đề cấp bách của môi trường.

xanh3

Trạm cảnh báo ngập do Sở KH&CN TP.HCM phối hợp cùng Công ty cổ phần Công nghệ Nam Long lắp đặt tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh.

Theo đó, Sở đang tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu như sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính và bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó còn có các chương trình cải thiện hoặc khôi phục môi trường ô nhiễm. Đề tài về mô hình tính toán để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế - xã hội thành phố cũng được đặc biệt chú ý. 

Lấy ví dụ thực tế, bà chia sẻ: “Sở đã và đang thực hiện dự án xây dựng bản đồ ngập lụt, đánh giá và giảm thiểu các thiệt hại do ngập lụt gây ra. Ngoài ra, Sở cũng hỗ trợ các dự án quản lý và xử lý chất thải rắn, nghiên cứu về năng lượng sạch như điện gió hay năng lượng mặt trời. Đặc biệt, thành phố đang định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái theo hướng kinh tế tuần hoàn.”

xanh4

Khu công nghiệp sinh thái, nơi mọi hoạt động sản xuất đều diễn ra khép kín, sẽ sớm được triển khai tại TP.HCM. 

Ở mô hình khu công nghiệp sinh thái, các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, ứng dụng và dịch vụ đều diễn ra theo xu hướng kéo dài tuổi thọ của vạn vật. Tài nguyên sẽ được tái sử dụng, dòng phế liệu đầu ra lại được dùng như nguồn đầu vào của chu trình sản xuất. 

“Quá trình khép kín này sẽ được quản lý để đảm bảo tái sử dụng tài nguyên chứ không tạo ra phế liệu mới, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Đây là hướng đi chủ đạo mà chúng tôi sẽ nghiên cứu và thực hiện ngay trong tương lai gần để phát triển bền vững cho tương lai xa hơn,” bà nhấn mạnh. 

Thay đổi ngay từ những thứ nhỏ nhất 

KhueSHTT
Ông Trần Giang Khuê, Phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM. Ảnh: KHPT.

Ông Trần Giang Khuê - Phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM, nhìn nhận, trong nền kinh tế tri thức hiện nay, quyền sở hữu trí tuệ và các tài sản trí tuệ có vai trò quan trọng, đặc biệt là các hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra những tri thức mới. Những giá trị tạo mới này không chỉ giúp nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp mà phát triển nền kinh tế của quốc gia.

Nhưng không chỉ sáng tạo để phát triển kinh tế, sáng tạo còn nhằm bảo vệ môi trường và thúc đẩy đa dạng sinh học trong tự nhiên. Chính vì những điều này, chủ đề của ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay được chọn là “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh”.

Tại TP.HCM, thời gian qua đã có nhiều sáng chế, nghiên cứu khoa học tạo ra các công nghệ vì sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, cho phép chúng ta giải quyết khủng hoảng khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên… 

Xanh5

Ông Nguyễn Quang Ngọc (phải) bên cạnh sáng chế trồng cây không cần tưới nước của mình.

Có thể kể đến “Quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt” của tác giả Trần Kim Qui biến rác thải trở thành tài nguyên để tạo phân bón dinh dưỡng cho cây trồng. Giải pháp của nhà sáng chế 84 tuổi này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng Bảo hộ độc quyền Giải pháp hữu ích số 1426, năm 2016. Đây cũng là sáng chế đoạt giải nhất Cuộc thi Sáng chế toàn quốc năm 2018. 

Ngoài ra, những sáng tạo nhỏ cũng có thể góp phần bảo vệ môi trường như “Chậu trồng cây tiết kiệm nước” của anh Nguyễn Quang Ngọc ở Quận Tân Bình. Sáng kiến nhỏ giúp việc trồng cây của nông dân, cây cảnh, cây xanh đô thị tiết kiệm hơn 80% nước, hơn 60% công lao động, hơn 60% năng lượng và tăng năng suất hơn 30%; 

Ở cấp độ rộng hơn như sản xuất công nghiệp cũng có thể hành động vì môi trường xanh, từ bao bì sáng chế, từ tạo ra những cái sản phẩm thân thiện với môi trường, từ sử dụng những cái sản phẩm đã sẵn có để giúp cho môi trường bền vững hơn.

xanh6

TP.HCM không chỉ năng động phát triển mà còn đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh. Ảnh: The Independent.

 “Những hành động dù rất nhỏ cũng có giá trị thay đổi lớn. Nhưng muốn có được điều rất nhỏ đấy thì mỗi người chúng ta phải thay đổi được nhận thức, tư duy và hành động trong mỗi ngày. Chúng tôi rất muốn người dân Việt Nam cùng nhau hành động và cố gắng thay đổi thói quen hàng ngày để tạo nên một tương lai xanh cho chính chúng ta, cho Trái Đất và cho con cháu sau này,” ông Khuê nhắn nhủ.

 

Trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã có Công văn số 5360/SHTT-NĐHT ngày 15 tháng 04 năm 2020 thông báo về việc hỗ trợ đăng ký quốc tế đối với sáng chế cho cá nhân, cụ thể như sau:

1. Đối tượng được hỗ trợ:

Các cá nhân Việt Nam là chủ đơn có giải pháp kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu sau:

- Có khả năng đáp ứng các yêu cầu bảo hộ sáng chế;

- Có khả năng áp dụng vào thực tiễn các hoạt động sản xuất, kinh doanh;

- Chưa được hỗ trợ kinh phí từ nguồn Ngân sách nhà nước để đăng ký sáng chế quốc tế;

- Đã nộp đơn đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ trong khoảng thời gian từ ngày 15/8/2019 đến hết ngày 15/5/2020.

2. Nội dung hỗ trợ:

- Tư vấn, hướng dẫn các thủ tục, quy định chung và các tài liệu để nộp đơn đăng ký quốc tế với sáng chế;

- Hiệu chỉnh bản mô tả cho phù hợp khi nộp đơn ở pha quốc tế và dịch Bản mô tả sang tiếng Anh;

- Chuẩn bị các loại tài liệu, điền thông tin tờ khai theo quy định;

- Phí đại diện sở hữu công nghiệp tại Việt Nam;

- Nộp đơn đăng ký sáng chế theo hình thức nộp đơn PCT ở pha quốc tế.

3. Kinh phí hỗ trợ:

Hỗ trợ 70% tổng kinh phí thực hiện việc nộp đơn đăng ký sáng chế theo hình thức nộp đơn PCT ở pha quốc tế (tối đa 60 triệu đồng/giải pháp). Phần kinh phí còn lại các cá nhân tham gia chịu trách nhiệm đối ứng.

4. Quy định về việc gửi và tiếp nhận Phiếu đề xuất hỗ trợ:

Các cá nhân có nhu cầu gửi Phiếu đề xuất hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế mẫu quy định (bản giấy và bản điện tử) về địa chỉ:

Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo và Hỗ trợ Tư vấn

386 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội Điện thoại: 02435571843; Email: tthotrotuvan@noip.gov.vn

Thời gian nhận Phiếu đề xuất hỗ trợ: đến hết ngày 15/5/2020

Các cá nhân có thể gửi nhiều đề xuất hỗ trợ. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn chế , trong năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét lựa chọn trên nhu cầu thực tế.

(Các đề xuất cần phải có thông tin đầy đủ, rõ ràng, đúng quy định, trong đó ưu tiên các giải pháp kỹ thuật đã có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ của Cực Sở hữu trí tuệ và theo nguyên tắc nộp trước hỗ trợ trước).

Mọi chi tiết xin liên hệ: Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo và Hỗ trợ Tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ, điện thoại: 0904712355, email: atuan.noip@gmail.com

Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về Sở hữu Trí tuệ “Đổi mới Sáng tạo vì một tương lai xanh” do Sở KH và CN TP.HCM phối hợp với Thành Đoàn TP.HCM tổ chức với nhiều giải thưởng hấp dẫn.

 

Từ năm 2000, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chọn ngày 26/4 hằng năm là ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (IP Day) nhằm tri ân, tôn vinh các nhà sáng tạo, đồng thời truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò của sở hữu trí tuệ trong cuộc sống hằng ngày.

Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh”, ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay muốn truyền đi thông điệp: Những lựa chọn chúng ta đưa ra hôm nay sẽ định hình tương lai của chúng ta mai sau. Trái Đất là nhà của chúng ta. Chúng ta cần quan tâm đến Trái Đất.

shtt1

Ảnh minh họa

Theo WIPO, con người có trí tuệ, có sự khéo léo và khả năng sáng tạo tập thể để đưa ra những cách thức mới, hiệu quả hơn nhằm định hình một tương lai xanh. Cái đích cuối cùng sẽ là quay lại phục vụ con người, nâng cao giá trị nhân văn, giá trị con người...

Chọn chủ đề “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh”, WIPO cũng muốn tôn vinh các nhà sáng chế, các nhà khoa học đã phát minh những thành tựu tiên tiến cho nhân loại và truyền cảm hứng trên khắp thế giới. Đó là những người đã nghiên cứu, sáng tạo ra những công nghệ mới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, các hệ thống kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển năng lượng tái tạo, tạo ra giống cây có năng suất chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, vật liệu thân thiện với môi sinh... giúp “xanh hóa” cuộc sống...

Nhân dịp này, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ - Thành Đoàn TP.HCM tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về Sở hữu Trí tuệ “Đổi mới Sáng tạo vì một tương lai xanh”. 

2642020

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới có chủ đề “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh”. Hãy quét mã QR trong ảnh để đăng ký tham gia.Tất cả các cá nhân, tổ chức đều có thể tham gia dự thi, ngoại trừ các tổ chức, cá nhân có hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Người tham gia đăng ký tài khoản, đăng nhập bài làm theo hướng dẫn. Mỗi người tham gia chỉ được đăng ký 1 tài khoản và tham gia thi 1 lần duy nhất. Mỗi người tham gia dự thi trả lời 20 câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Thời gian trả lời là 20 câu hỏi là 10 phút, mỗi câu trả lời đúng được 5 điểm.

3 giải tập thể mỗi giải trị giá 2 triệu đồng sẽ giành cho 3 đơn vị có số lượng người dự thi nhiều nhất. 3 giải cá nhân trị giá từ 1 triệu đến 2 triệu đồng dành cho 3 cá nhân có điểm thi cao nhất trong thời gian làm bài ngắn nhất.

Bạn đọc quan tâm, xin đăng kí tham dự cuộc thi tại địa chỉ http://doimoisangtao.khoahoctre.com.vn/ và làm theo hướng dẫn. Thời gian dự thi: từ 8 giờ ngày 22 tháng 04 đến 24 giờ ngày 01 tháng 05 năm 2020.

 

Các doanh nghiệp, đơn vị có mô hình ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp và sẵn sàng chuyển giao sẽ được nhận kinh phí phối hợp từ ngân sách tối đa lên tới 30%.

 

Trong những năm gần đây, Sở KH&CN TP.HCM luôn ưu tiên hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Nhiều mô hình, ứng dụng hay đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người nông dân.

Trong năm 2019, Sở KH&CN TP.HCM đã thực hiện chuyển giao 30 lượt công nghệ mới, tiên tiến về trồng trọt. Một số công nghệ tiêu biểu đã được chuyển giao trong năm 2019 như:  Xây dựng mô hình nuôi trồng nấm nhộng trùng thảo (Cordycep militaris) tại huyện Củ Chi, chuyển giao công nghệ trồng dưa lưới, rau ăn lá trong nhà màng bằng hệ thống tưới nhỏ giọt... Các mô hình này đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân cũng như đáp đáp ứng được nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp an toàn của người dân thành phố.

htnn1

Mô hình nhà màng sử dụng công sấy bằng năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Đức của chị Lê Hà Mộng Ngọc (Củ Chi). Dự án của chị được chương trình “chia sẻ” tài chính của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM hỗ trợ.

Để tiếp tục đưa các tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo như vậy đến rộng rãi hơn nữa với cộng đồng, Sở KH&CN TP.HCM triển khai chương trình hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp tại TP.HCM năm 2020.

Với chương trình hỗ trợ này, Sở KH&CN TP.HCM mong muốn các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả những mô hình đổi mới sáng tạo, tiến bộ KH&CN mới.

Nhờ đó, người nông dân và các đơn vị, doanh nghiệp có thể tái cơ cấu sản xuất, phát triền sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập. Đồng thời, những dự án này cũng góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

htnn2

Một mô hình trồng rau công nghệ cao ở TP.HCM

Đối tượng tham gia chương trình là các trường, viện, doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, đơn vị sự nghiệp có mô hình ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp có hiệu quả và sẵn sàng chuyển giao. Các đơn vị có đủ chức năng, năng lực triển khai dự án sẽ được nhận kinh phí phối hợp từ nguồn ngân sách thành phố. Phần kinh phí này tối đa lên tới 30% tổng kinh phí thực hiện nhưng không vượt quá 300 triệu đống.

Các tổ chức, cá nhân tiếp nhận dự án cũng phải có vốn đối ứng ít nhất bằng 70% tổng kinh phí thực hiện.

Hồ sơ nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện về Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, Sở Khoa học và Công nghệ, 244 Điện Biên Phủ, Phường 7, Quận 3, TP.HCM. Thời gian tiếp nhận hồ sơ: liên tục trong năm kể từ ngày ra thông báo.

Các cá nhân, đơn vị mong muốn tham gia chương trình vui lòng xem thông báo tại đây. 

 

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353