SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2020 (AI4VN 2020) với chủ đề "Trí tuệ nhân tạo ứng phó với đại dịch COVID-19" đã chính thức khai mạc sáng 27/11, tại TPHCM.
 
ttbkhcn
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu khai mạc AI4VN 2020 - Ảnh: VGP/Lê Anh

Sự kiện được tổ chức thường niên, là dịp để các nhà khoa học, công nghệ chia sẻ công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo (AI), tiềm năng ứng dụng cũng như kiến nghị giải pháp để phát triển công nghệ AI cho Việt Nam thông qua kết nối các thành phần bên trong hệ sinh thái từ viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, start-up đến cộng đồng AI.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh, từ khóa trí tuệ nhân tạo (AI) đang được tìm kiếm và quan tâm nhiều trong những năm gần đây. Với sự hội tụ của nhiều công nghệ như dữ liệu lớn, công nghệ điện toán đám mây, Deep Learning, AI trở nên gần với cuộc sống, tạo ra nhiều thành tựu mới, làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống.

Theo ông Bùi Thế Duy, hiện nay, tiếp cận với AI không đơn thuần chỉ là câu chuyện của các nhà nghiên cứu, đặc biệt không đơn thuần của của các nhà toán học, nhà công nghệ thông tin. AI cần được tiếp cận ở góc độ rộng hơn: Quản lý nhà nước, chính sách, khuôn khổ pháp luật, nguồn nhân lực, hạ tầng và nguồn tài sản mới ngày nay là dữ liệu.

Ông Bùi Thế Duy cho rằng, COVID-19 đã mang lại cho AI những cơ hội phát triển và thách thức trong tương lai. Đại dịch mang lại cơ hội, thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn bao giờ hết.

Nếu như trước đây, Việt Nam mất hơn 10 năm để quảng bá, triển khai việc học E-learning thì nay, chỉ trong tháng 3/2020, việc học trực tuyến được triển khai đồng loạt cấp tiểu học, trung học đến bậc đại học. Các cơ quan nhà nước cũng có sự thay đổi khi các sự kiện, hội họp đều chuyển sang phương thức trực tuyến. Một ví dụ tiêu biểu là sự kiện Hội nghị cấp cao ASEAN 37 do Việt Nam là chủ nhà, được tổ chức trực tuyến.

Năm nay, chủ đề AI4VN đặt vấn đề làm thế nào để ứng dụng AI kết nối sự trở lại cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sự trở lại của nền kinh tế. Khi đó, người dân, người lao động mới có được cuộc sống trở lại bình thường mới.

Chia sẻ tại sự kiện, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM Nguyễn Việt Dũng cho biết, trong những năm qua, TPHCM đã phát đi thông điệp về AI là đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh trong giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mới đây nhất, UBND TPHCM đã ban hành chương trình chuyển đổi số. Qua đó, là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên phê duyệt chương trình chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, trong đó trọng tâm là chương trình thúc đẩy ứng dụng AI tại thành phố,

Ông Nguyễn Việt Dũng bày tỏ mong muốn sẽ kết nối các nguồn lực từ cộng đồng quốc tế, các bộ, ngành Trung ương và cộng đồng nghiên cứu khoa học để hỗ trợ TPHCM trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo và đặc biệt là ứng dụng công nghệ AI vào các lĩnh vực quản trị nhà nước, dịch vụ công, sản xuất kinh doanh cũng như các lĩnh vực trong đời sống, xã hội.

Theo chia sẻ của Giáo sư Yoshua Benjo, thành viên sáng lập Element AI, Canada, việc xây dựng thế mạnh tri thức trong các lĩnh vực, trong đó có AI, là rất quan trọng với các nước đang phát triển bởi trong tương lai, phát triển kinh tế luôn gắn liền với phát triển công nghệ. Công nghệ sẽ tạo ra nhiều thay đổi cho nền kinh tế cũng như tạo ra nhiều dịch vụ, sản phẩm mới.

Nằm trong các hoạt động của Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM 2020, Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM năm 2020 (I-Star 2020) tôn vinh các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của TPHCM. Đây cũng  là một trong những hoạt động thiết thực góp phần thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
ítar
Cây ATM gạo, khẩu trang - một hoạt động đổi mới sáng tạo tại TPHCM

Nhiều sản phẩm hứa hẹn

Cuộc thi I-Star 2020 chứng kiến sự bùng nổ của các startup. Sau vòng bình chọn từ cộng đồng, Ứng dụng gọi xe Be xuất sắc lọt tốp 10 I-Star 2020, đây cũng là câu chuyện thành công từ sức mạnh nội địa của doanh nghiệp. Chỉ sau 18 tháng lăn bánh, Be đã giữ thị phần thứ 2 về gọi xe trên app tại Việt Nam.

Trong những gương mặt xuất sắc nhất, phải kể đến MVV Everlearn - hệ thống quản trị trải nghiệm học tập - giúp các tổ chức và doanh nghiệp triển khai hoạt động đào tạo, huấn luyện hiệu quả, chuyên nghiệp và tiết kiệm chi phí, hay Consultant Anywhere - ứng dụng kết nối chuyên gia tư vấn với doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam.

Được mệnh danh là Grab của ngành nội thất, House3D (house3d.com) là nền tảng thiết kế nội thất ứng dụng công nghệ 3D/VR/AI cloud rendering. Heebee là startup ứng dụng công nghệ nano sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên Việt Nam. Sản phẩm gạch ngói bằng nhựa tái chế Pando với khả năng chịu uốn, chịu nhiệt, chịu kéo và độ mài mòn cao, góp phần giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Trong khi đó, MiSmart sử dụng công nghệ máy bay không người lái bay trên cánh đồng để phát hiện sâu bệnh và phun thuốc, giúp tiết kiệm đến 99% thuốc trừ sâu, tạo sản phẩm nông nghiệp sạch.

Các dự án Triip - Nền kinh tế du lịch phi tập trung giúp các đối tác bán hàng tiết kiệm 50%-90%; Chatbot của 3 kỹ sư 9x Lê Anh Tiến, Hoàng Minh Phú, Nguyễn Đình Tùng có trong tay 77.000 khách và mức tăng trưởng khách hàng cao; BravoHR giúp ứng dụng công nghệ vào quản lý nhân sự cũng xuất sắc lọt vào vòng trong. Sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn là ý tưởng. Nổi bật với sứ mệnh tìm kiếm và ươm mầm ý tưởng giải quyết các vấn đề xã hội của giới trẻ, Upshift Việt Nam là một dự án thúc đẩy nội lực của giới trẻ bằng cách trang bị kỹ năng của thế kỷ 21. Seed Planter là đơn vị hỗ trợ phát triển năng lực khởi nghiệp cho các bạn trẻ mong muốn tạo nên những mô hình kinh doanh bền vững…

Đóng góp tích cực cho cộng đồng

Với hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, không chỉ có sản phẩm mà những hoạt động của con người cũng tạo nên sự mới mẻ đáng học tập. Như nhóm học sinh Trường THCS Tân Tạo A (quận Bình Tân) với dự án Sức khỏe người thu gom rác nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe và hạn chế các bệnh truyền nhiễm cho người làm công việc thu gom rác. Nhóm học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) và cô Lê Thị Thúy giữa cao điểm Covid-19 đã nảy ra ý tưởng Sản xuất xà bông giấy từ những nguyên liệu có sẵn trong nhà để tiện mang đi và sử dụng.

Cũng vào lúc dịch Covid-19 bùng phát, Cây ATM nhả gạo - nhả khẩu trang cho những người khó khăn của Công ty PHGLock đã phát huy hiệu quả tối đa, tiến thẳng vào vòng trong của I-star 2020. Cùng với đó, dự án Smartcity của anh Vũ Hoàng Thương (quận Bình Thạnh) ấp ủ triển khai các cơ sở dữ liệu dùng chung về quản lý đất đai, giao thông, chăm sóc y tế, kết nối chính quyền và người dân…

Sau 2 năm triển khai, dự án Đăng ký khám tâm lý cho trẻ qua tổng đài ở Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có nhiều cải tiến, giảm thời gian đăng ký, thủ tục nhanh hơn và tăng số lượng bệnh nhi được khám. Hay ứng dụng S4Life được phát triển bởi Quận đoàn 1 cho phép kêu gọi hiến máu khi cần thiết, đồng thời hỗ trợ nhà quản lý trong việc theo dõi, thống kê quá trình hiến máu và số lượng dự trữ nhằm hỗ trợ công tác điều trị, cứu người.

Thiết thực với việc học, bạn Trần Nhân Nghĩa (quận Gò Vấp) tạo Công cụ trực tuyến giúp học sinh, sinh viên tự học, ôn lại bài cũ, tự học thêm bài mới bất cứ lúc nào, ở đâu. Còn Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) triển khai Sáng kiến về các buổi luyện nói tiếng Anh với diễn giả toàn cầu dành cho sinh viên giúp nói tiếng Anh với người nước ngoài mỗi ngày dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, AIQuant ứng dụng trí tuệ nhân tạo cung cấp giải pháp dữ liệu tin cậy về báo cáo tài chính, biểu đồ giá, biểu đồ phân tích về tất cả doanh nghiệp, ngành và toàn thị trường.

Từ 303 hồ sơ dự thi, BTC đã chọn ra 40 hồ sơ, chia làm 4 nhóm đối tượng, gồm doanh nghiệp khởi nghiệp, các giải pháp đổi mới sáng tạo, các cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực cho cộng đồng đã góp phần tạo nên làn sóng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sôi nổi của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung nhiều năm qua. BTC sẽ công bố kết quả và trao giải thưởng trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TPHCM 2020 (WHISE 2020), một sự kiện đang được mong chờ.

Bên cạnh những sản phẩm, hành động sáng tạo của cá nhân, các tổ chức cũng ghi dấu ấn không kém, như hệ sinh thái doanh nghiệp BestB là một trong những vườn ươm khởi nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam dành cho bạn trẻ khởi nghiệp. HCMUT-TBI: Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ thuộc Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã ươm tạo 48 startup, 9 doanh nghiệp tốt nghiệp, 3 doanh nghiệp KH-CN, 10 doanh nghiệp nhận được vốn đầu tư, tổ chức 40 hội thảo, diễn đàn, phiên chợ khởi nghiệp… Được mệnh danh là cái nôi ươm tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phần mềm, QTSC Incubator đã ươm tạo thành công gần 50 doanh nghiệp phần mềm. Cuối cùng, không thể không kể đến “Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp CiC”, là sân chơi khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên cả nước đã trải qua 5 mùa giải với nhiều dấu ấn.

BÁ TÂN - SGGP

Coding Olympics TP.HCM 2020 là sân chơi lập trình dành cho học sinh. Sáng 25-11, lễ công bố cuộc thi diễn ra tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SiHub).
coding2020
Phần mềm lập trình Code Monkey sẽ được sử dụng tại cuộc thi - Ảnh: PINTEREST

Cuộc thi Coding Olympics TP.HCM do Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM phối hợp với iGroup MangoSTEEMS và KDI Education tổ chức. Đây là một trong nhiều hoạt động nằm trong Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2020.

Theo ban tổ chức, học sinh từ lớp 3 đến lớp 6 trên toàn quốc đều có thể tham gia. Học sinh được chia thành hai bảng thi. Bảng A gồm khối 3 và 4 và bảng B cho khối 5 và 6.

Trong vòng thi đầu tiên Chinh phục thử thách, thí sinh sẽ phải vượt qua 130 bài thi Coding Adventure dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Vòng 2 là Đấu trường Coding. Thí sinh thi tập trung tại địa điểm thi, hoàn thành 12/15 thử thách trong thời gian quy định để vào trận chung kết. Chung kết dự kiến diễn ra ngày 30-1-2021.

Nền tảng cuộc thi dựa trên giải pháp tư duy lập trình cho trẻ em Code Monkey, sử dụng ngôn ngữ lập trình CoffeeScript. Đây là một trong những chương trình dạy lập trình cho trẻ em được dùng nhiều trên thế giới hiện nay.

ntkhue
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - tại buổi phát động cuộc thi - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Bà Nguyễn Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - cho biết, cuộc thi nhằm thúc đẩy hoạt động tìm hiểu STEMS cho học sinh ngay từ các cấp học nhỏ. Bà kỳ vọng cuộc thi năm nay sẽ thu hút được hơn 300 thí sinh tham dự.

Về giải thưởng, thí sinh đạt thứ hạng cao nhất mỗi bảng sẽ nhận nhiều phần thưởng và được chọn tham gia thi đấu trường quốc tế.

Thời gian đăng ký từ nay đến hết ngày 4-12.

Thí sinh đăng ký tại nhà trường, hội đồng thi gần nhất, hoặc đăng ký online tại https://mangosteems.com/event/coding-olympics-vietnam-2020/

Trọng Nhân - tuoitre.vn

Sáng 25-11, chung kết cuộc thi “Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2020” do Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao phối hợp với Sở KH-CN TPHCM tổ chức, nhằm tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo, các dự án mang tính đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Sau hơn 5 tháng diễn ra, cuộc thi với 70 dự án đăng ký tham dự. Trải qua vòng sơ tuyển tại cơ sở, 25 dự án đã được chọn để bước tiếp vào vòng bán kết. Vòng cuối cùng có 10 dự án xuất sắc nhất tham gia tranh tài sẽ phải trình bày tính khả thi của ý tưởng cũng như đánh giá lợi ích kinh tế. Cùng với đó, dự án sẽ phải trình bày kế hoạch kinh doanh và trả lời các câu hỏi phản biện của hội đồng giám khảo.

dmtnn
Trải qua 5 tháng tranh tài, 10 đội có ý tưởng sáng tạo đã vào vòng chung kết “Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2020”
Trải qua 4 năm tổ chức, sự kiện đã thu hút được nhiều sự quan tâm, theo dõi cũng như nhiều dự án đăng ký tham gia. Các dự án tham gia đều mang tính đổi mới sáng tạo, đưa ra các mô hình, giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề về kinh tế, xã hội, môi trường, hướng đến phát triển nền nông nghiệp thông minh của thành phố. Ngoài ra, các dự án đạt giải còn được ưu tiên xem xét, lựa chọn tham gia chương trình ươm tạo doanh nghiệp tại Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao và tham gia chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Sở KH-CN với số tiền hỗ trợ lên đến 2 tỷ đồng/dự án.

THANH HẢI - SGGP

Sáng nay, 24/11, Ngày hội Khởi nghiệp Vùng – TECHFEST Vùng 2020 chính thức khai mạc tại Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. 

Đây là hoạt động trong khuôn khổ chuỗi sự kiện lớn nhất trong năm về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Thành phố.

kmtechfestvung

Ông Trần Xuân Đích phát biểu khai mạc Ngày hội

Phát biểu khai mạc, ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hiện nay đã bước vào giai đoạn mới, giai đoạn trọng yếu để phát triển. Do đó, để phát triển hệ sinh thái một cách bứt phá, cần có sự nỗ lực và phối hợp từ các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp khởi nghiệp đến các chủ thể trong hệ sinh thái khác. “Trong những năm tới đây, việc hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo ngay tại các trường đại học, viện nghiên cứu sẽ là những trụ cột chính để nâng đỡ, khuyến khích liên kết viện – trường – doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và khai thác, vận dụng có hiệu quả các tài sản trí tuệ sẽ là cốt lõi để hình thành những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có đủ sức mạnh về trí tuệ, nội lực và sức bật để bứt phá trong tương lai”, ông Trần Xuân Đích cho biết.

Dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, đây sẽ là nơi hội tụ các lãnh đạo địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các tỉnh/thành phố khu vực Đông Nam Bộ quảng bá hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp vùng phục hồi sau khủng hoảng đại dịch Covid-19. Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện này còn có các hội thảo và diễn đàn trao đổi chuyên đề về đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực mũi nhọn của kinh tế vùng Đông Nam Bộ, ứng dụng của khoa học và công nghệ mới vào quản trị điều hành doanh nghiệp Việt Nam.

TECHFEST Vùng 2020 bao gồm 01 Phiên tổng thể, 01 Toạ đàm và 04 Hội thảo chuyên đề. Các phiên hội thảo sẽ dành không gian cho các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp và lãnh đạo địa phương thảo luận về chiến lược phát triển của nền kinh tế Việt Nam: Chuyển đổi số, Đô thị thông minh, Giáo dục thông minh, Nông nghiệp công nghệ cao, Công nghệ tài chính, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ chuỗi khối,…

Tại khu vực triển lãm và giới thiệu sản phẩm khoa học công nghệ, hoạt động kết nối kinh doanh và kết nối đầu tư sẽ được tổ chức nhằm mở ra cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia sự kiện. Mỗi doanh nghiệp tham gia triển lãm còn được tham gia không gian triển lãm trực tuyến tại nền tảng TECHFEST247-WHISE. Nền tảng sẽ hoạt động 24/7 kết nối cộng đồng khởi nghiệp, cộng đồng khoa học và công nghệ, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo 63 tỉnh thành và hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ (Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thailand, Úc,…).

Tin, ảnh: Thùy Linh - voh.com.vn

Ngày 21/11, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ Thành đoàn TPHCM tổ chức chương trình Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo TPHCM lần 11 năm 2020 tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM.

lhttst2020
 
Trong 2 ngày 21-22/11, Liên hoan có nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, tăng cường tính giao lưu, học hỏi, trải nghiệm các ứng dụng, công nghệ mới như: Nghi thức khai mạc Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo TPHCM lần 11 năm 2020, liên hoan Câu Lạc bộ - Đội - Nhóm Sáng tạo TPHCM, triển lãm sản phẩm sáng tạo của thanh thiếu niên Thành phố, diễn đàn khoa học sinh viên quốc tế, lễ ra mắt chương trình khơi nguồn trí thức và ngày hội Văn hóa đọc năm 2020, giới thiệu các mô hình giáo dục STEM, vòng chung kết cuộc thi lập trình Robot MYOR lần thứ 4 năm 2020, Ngày hội khoa học vũ trụ năm 2020, sân chơi Robotacon, cuộc thi vẽ tranh sáng tạo, chủ đề kỷ nguyên công nghệ và thế giới tương lai…

Đây là hoạt động chào mừng tuần lễ đổi mới sáng tạo TPHCM năm 2020. Liên hoan là dịp để tuổi trẻ TPHCM giới thiệu đến đông đảo nhân dân, thanh thiếu nhi về những mô hình, ý tưởng sáng tạo của các cá nhân, tập thể tiêu biểu, đóng góp trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, sáng tạo nghệ thuật, nghiệp vụ chuyên môn trong quá trình học tập và lao động.

Liên hoan còn là dịp giúp các bạn có sân chơi để giao lưu, học tập và trao đổi kiến thức về học thuật, nghiên cứu và sáng tạo trong các đối tượng thanh thiếu nhi giữa các Câu lạc bộ - đội - nhóm trên địa bàn TPHCM. Đây còn là dịp để các đơn vị chuyển giao các sản phẩm sáng tạo, các đề tài nghiên cứu khoa học của tuổi trẻ Thành phố cho các cơ quan, đơn vị và giao lưu với những tài năng trẻ.

Dịp này, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ Thành đoàn đã tuyên dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào học tập, sáng tạo và nghiên cứu khoa học; trao bảo trợ tài năng trẻ; trao tặng tủ sách cho các trường học.

Từ ngày 23 đến 28-11, tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM 2020 (WHISE 2020) sẽ diễn ra. Đây là sự kiện thường niên lớn nhất của TP.HCM về chủ đề này.

tldmst2020

Lãnh đạo TP.HCM tại Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số TP.HCM. Đây là một trong nhiều dự án thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong năm 2020 - Ảnh: TRỌNG NHÂN 

TP.HCM đã khởi công trung tâm khởi nghiệp sáng tạo. Sắp tới, thành phố sẽ hình thành viện công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là những nơi hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ.
Ông Nguyễn Việt Dũng


Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Việt Dũng - giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM - cho biết: WHISE 2020 mang chủ đề hợp tác phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số.
Tuần lễ có trên 40 sự kiện diễn ra xuyên suốt. Trong tuần lễ này, TP.HCM hợp tác với Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức Ngày hội khởi nghiệp vùng (TECHFEST vùng 2020) và Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2020). Do đó, có ba sự kiện lớn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chỉ trong một tuần ở TP.HCM.
* Học sinh, sinh viên, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và những người dân quan tâm có thể tham gia tuần lễ này như thế nào, thưa ông?
- Từ ngày 21 và 22-11, tuần lễ được "làm nóng" bằng chuỗi hoạt động của Thành đoàn TP.HCM tại WHISE 2020. Học sinh, sinh viên có thể tham gia các cuộc thi vẽ tranh chủ đề "Kỷ nguyên công nghệ và thế giới tương lai", cuộc thi lập trình robot, cuộc thi Rung chuông vàng chủ đề "Thanh niên TP và đổi mới sáng tạo", vòng sơ loại Giải thưởng thiết kế chế tạo ứng dụng... Các hoạt động được tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.
Trong chuỗi sự kiện của TECHFEST vùng 2020, các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp có thể tham dự triển lãm sản phẩm, dự án tiêu biểu trong vùng và các địa phương lân cận; hội thảo hỗ trợ, liên kết phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với thế mạnh; hội thảo kết nối đầu tư giữa start-up và doanh nghiệp. Các hoạt động diễn ra vào ngày thứ ba (24-11) tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cơ sở Nguyễn Tri Phương (Q.10) và hội trường K Group (Q.Bình Thạnh).
Trong chuỗi sự kiện của Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam, những người quan tâm đến lĩnh vực này có thể đến dự phiên khai mạc và toàn thể Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam, lắng nghe các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động khởi nghiệp AI. Sinh viên, các nhà khoa học và những người dân quan tâm có thể tham gia phiên tọa đàm chuyên đề về "AI trong tài chính ngân hàng", "AI trong lĩnh vực y tế", "AI trong khối doanh nghiệp". Đặc biệt, chương trình kết nối đầu tư sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có cơ hội gặp gỡ các nhà đầu tư. Chuỗi sự kiện diễn ra ở Trung tâm hội nghị 272 (Q.3) vào ngày 27 và 28-11.
 
* Việc nuôi dưỡng các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo từ khi còn non trẻ cho đến lúc đứng vững được trên thị trường là rất quan trọng. Hoạt động ươm tạo ở TP.HCM hiện như thế nào?
- Sở Khoa học và công nghệ hiện tham mưu cho UBND TP có nhiều gói chính sách hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Chúng tôi phân tích các giai đoạn khởi nghiệp và đưa ra những hỗ trợ thích hợp. Chẳng hạn, với giai đoạn chưa biết gì, chúng tôi có các hoạt động tuyên truyền. Ở giai đoạn hình thành ý tưởng sẽ có các cuộc thi tìm kiếm giải pháp. 
Tiếp đó, chúng tôi có các gói hỗ trợ phát triển sản phẩm ra thị trường. Ở bước này, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể gặp được những quỹ đầu tư uy tín. Chúng tôi cũng có gói hỗ trợ các hoạt động kết nối trong hệ sinh thái, bởi đổi mới sáng tạo đòi hỏi thường xuyên gặp gỡ, tìm kiếm ý tưởng, học hỏi từ xung quanh…
Ở TP.HCM, 5 năm qua, hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, thể hiện ở những dự án tiềm năng đang được các vườn ươm hỗ trợ không ngừng tăng. Các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo được lập ra nhiều. Các trường đại học cho ra mắt các viện và trung tâm ươm tạo, các cuộc thi ý tưởng… Riêng ở các trường đại học, các dự án qua những cuộc thi nếu thành công, sản phẩm có thể được ứng dụng vào đời sống.
Đây là điều ai cũng mong muốn, nhưng nếu thất bại cũng không sao. Sinh viên sẽ học được nhiều kinh nghiệm, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực tế cho thấy không ít sinh viên đã xin được hỗ trợ từ các vườn ươm ở nước ngoài.


* Dịch COVID-19 ảnh hưởng gì đến môi trường đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở TP.HCM năm 2020 không, thưa ông?
- Thời gian đầu, chúng tôi khá căng thẳng. Phần lớn sinh viên - một động lực của đổi mới sáng tạo - tạm nghỉ học khi dịch diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, qua nhiều hoạt động, tình hình khởi sắc, thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn, số lượng hồ sơ đăng ký tham dự giải thưởng Đổi mới sáng tạo TP.HCM 2020 (I-Star 2020) tăng gấp rưỡi so với năm 2019. Các cuộc thi về khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo của TP thu hút đông người tham gia, trong đó không ít giải pháp được đánh giá cao. Không dừng lại ở TP.HCM, các hoạt động đón nhận những giải pháp từ các nhóm ở những tỉnh thành lân cận. Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, đây là tín hiệu đáng mừng.

Trọng Nhân - tuoitre.vn 

 

Ngày 9/11, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 4117/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thu hút chuyên gia, nhà khoa học của Thành phố năm 2020.

Theo đó, Thành phố thu hút chuyên gia cho 14 vị trí thuộc cơ quan, đơn vị sau:

Sở Kế hoạch và Đầu tư: 01 vị trí;

Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao:  03 vị trí;

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao: 05 vị trí;

Viện Khoa học và Công nghệ tính toán thuộc Sở Khoa học và Công nghệ: 05 vị trí.

Xem Chi tiết danh mục các vị trí thu hút đính kèm và yêu cầu cụ thể

Chiều 9-11, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, cùng đại diện các sở, ngành của thành phố đã thăm Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số TPHCM (đặt tại tòa nhà Viettel, số 258 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3). 
 
cds911

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thăm Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số TPHCM (gọi tắt là Không gian) có các khu vực dành cho doanh nghiệp (DN) trình diễn sản phẩm, công nghệ số phục vụ Chương trình chuyển đổi số của TPHCM, như: thiết bị 5G, giao thông thông minh, y tế thông minh, hệ thống giám sát mạng xã hội… Không gian cũng là địa điểm để các DN công nghệ tiếp xúc, kết nối và hợp tác với khách hàng tiềm năng nhằm phát triển các sản phẩm công nghệ số phục vụ xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Đây còn là không gian để người dân TPHCM tham quan, trải nghiệm các sản phẩm công nghệ số, chính quyền điện tử, đô thị thông minh. 

Sau khi tham quan, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở TT-TT thực hiện nhiều hơn các chương trình hỗ trợ các DN tham gia Không gian; phổ cập thông tin đến các DN, người dân nhiều hơn. Đồng chí yêu cầu Sở KH-CN có kế hoạch mở rộng Không gian cũng như tổ chức các hoạt động sinh động hơn, thể hiện rõ tinh thần của chuyển đổi số… để từ đó hình thành nên Trung tâm chuyển đổi số TPHCM.

“Trong hoạt động chuyển đổi số cần gắn liền với đổi mới sáng tạo, thể hiện KH-CN là động lực trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội”, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Viettel cần đồng hành với quá trình chuyển đổi số tại TPHCM, đặc biệt là về hạ tầng số. 

Không gian sẽ mở cửa đón người dân, cộng đồng DN tham quan miễn phí đến hết ngày 12-11 tới.

BÁ TÂN - SGGP

Chiều 6-11, Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (KCNC) và ĐHQG TPHCM đã tiến hành ký kết Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2020-2025.
Việc ký kết giữa 2 đơn vị nhằm phát huy thế mạnh của hai bên nhằm cùng triển khai kế hoạch hành động về xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố, góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
kketkcnc
PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG TPHCM (thứ 3 từ trái vào) chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa 2 đơn vị

Theo đó, 2 bên sẽ cùng hợp tác thực hiện 3 chương trình chính, gồm: Chương trình hợp tác phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; Chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghệ cao ưu tiên; Chương trình thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Phát biểu tại lễ ký kết, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG TPHCM chia sẻ, ĐHQG TPHCM được xác định là “trung tâm tri thức” nơi đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu KH-CN đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao và là một trong những cơ sở giáo dục lớn nhất cả nước với 27 đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trực thuộc và 8 đơn vị thành viên. Nơi đây hiện có hơn 69.000 sinh viên đại học chính quy, cùng đội ngũ nhà khoa học với hơn 400 giáo sư, phó giáo sư và hơn 1.300 tiến sĩ.

Cũng nêu bật thế mạnh của đơn vị, ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý KCNC TPHCM nhấn mạnh là 1 trong 3 KCNC quốc gia với mục tiêu tạo ra môi trường thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ cao thúc đẩy đổi mới sản phẩm/công nghệ, nâng cao năng lực nội sinh góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương và khu vực. KCNC TPHCM đang phát triển mạnh mẽ, tổng giá trị xuất khẩu 4 năm qua ước đạt gần 47 tỷ USD (năm 2020 đạt trên 17 tỷ USD), hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, là nơi cung cấp và nuôi dưỡng những ý tưởng KH-CN, thu hút vốn, công nghệ, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước, thích ứng với cuộc CMCN 4.0.

Từ những thế mạnh nêu trên, 2 đơn vị khẳng định có nhiều điều kiện để thúc đẩy hợp tác, phối hợp đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao phục vụ TPHCM và xã hội. Đồng thời chuyển giao, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của 2 đơn vị, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

QUANG HUY - SGGP


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353