SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thông qua sự 'mai mối' của SIHUB, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam để thành lập các startup Việt - Hàn, cùng nghiên cứu và thương mại hóa công nghệ.

 

Ngày 10/6, Saigon Innovation Hub (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) đã có buổi làm việc với Hội Hàn kiều tại TP.HCM (Korean Association in HCMC). Hai bên đã thảo luận về việc chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp Hàn Quốc cho phía Việt Nam để thành lập các startup Việt - Hàn, cùng nghiên cứu và thương mại hóa công nghệ.

VietHan1

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Saigon Innovation Hub với Hội Hàn kiều tại TP.HCM

Tại buổi làm việc, ông Kim Jong Gak, Chủ tịch Hội Hàn kiều tại TP.HCM, đánh giá cao hoạt động hỗ trợ, 'đỡ đầu' cho các startup của SIHUB trong nhiều năm qua. SIHUB có nhiều kinh nghiệm làm việc với doanh nghiệp và các tổ chức trung gian phía Hàn Quốc, đạt được độ uy tín rất cao.

Chính vì thế, ông Kim Jong Gak bày tỏ mong muốn thông qua sự 'mai mối' của SIHUB, hai bên sẽ sớm thành lập được liên doan startup Việt - Hàn để cùng phát triển. 

Về phần mình, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB, chia sẻ SIHUB có quá trình kết hợp với các Bộ, ngành để trở thành trung tâm khởi nghiệp mạnh ở khu vực phía Nam. Đơn vị này cũng đang hỗ trợ cho hơn 50 tỉnh thành trong cả nước xây dựng và phát triển mô hình trung tâm khởi nghiệp tại địa phương, hình thành mạng lưới trung tâm khởi nghiệp trên toàn quốc.

Vì thế, những sản phẩm hoặc công nghệ của Hàn Quốc được giới thiệu tại SIHUB cũng sẽ được lan tỏa ở mạng lưới trung tâm khởi nghiệp trên toàn quốc và được cộng đồng startup ở các địa phương khác biết đến.

VietHan2

Ông Huỳnh Kim Tước, CEO Saigon Innovation Hub và ông Kim Jong Gak, Chủ tịch Hội Hàn kiều tại TP.HCM kí biên bản ghi nhớ hợp tác.

Cũng theo ông Tước, năm 2017, Saigon Innovation Hub đã hợp tác với Shinhan Bank (Hàn Quốc) đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Fintech, kết nối startup công nghệ Việt - Hàn, tuyển chọn startup tham gia chương trình tăng tốc khởi nghiệp (Accelerator) lần thứ 4 của Shinhan, kết nối startup công nghệ của Shinhan với các doanh nghiệp lớn của TP.HCM để thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ... Năm 2018, SIHUB cùng Shinhan Bank triển khai chương trình “Runway to the World” giúp kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp và tiếp cận thị trường lẫn nhau của startup giữa hai quốc gia.

“Saigon Innovation Hub đã ký 20 thoả thuận với các đối tác Hàn Quốc. Vì thế, chúng tôi kỳ vọng sự hợp tác với Hội Hàn kiều tại TP.HCM sẽ đem đến những thương vụ thực tế, tạo ra nguồn tài chính đáng kể. SIHUB hoàn toàn phù hợp để Hội Hàn kiều tại TP.HCM gửi gắm niềm tin, giới thiệu và chuyển giao công nghệ cho startup”, ông Huỳnh Kim Tước khẳng định.

CEO SIHUB cũng bày tỏ mong muốn phía Hàn Quốc sẽ mang đến Việt Nam những công nghệ chủ lực như fintech, blockchain và hóa sinh. 

VietHan3

Tại buổi làm việc, hai bên cũng đã kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác để cùng chung tay hỗ trợ khởi nghiệp thông qua các hoạt động như đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp, cố vấn, đầu tư, phát triển thị trường... Đồng thời, hai bên nhất trí sẽ sẽ hướng đến những hoạt động cụ thể như hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, xây dựng đội ngũ cố vấn, tìm kiếm nhà đầu tư, chuyển giao công nghệ…

 

Tại 'Kết nối ý tưởng', doanh nghiệp có thể chọn lựa nhà cung ứng phù hợp hoặc hợp tác cùng lúc với nhiều nhà cung ứng để nghiên cứu, phát triển giải pháp công nghệ phù hợp yêu cầu của doanh nghiệp.

 

Sáng 4/6, phiên "Kết nối ý tưởng" đầu tiên đã diễn ra tại Sàn giao dịch công nghệ (số 79 Trương Định, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM) với chủ đề về hệ thống sấy dẻo nông sản cho doanh nghiệp tại Lâm Đồng. 

Đây là mô hình mới thuộc chuỗi sự kiện "Cà phê công nghệ" do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) triển khai trong năm 2020. Sự kiện là nơi để các doanh nghiệp gặp gỡ, trực tiếp trao đổi về các sản phẩm, giải pháp, công nghệ. Từ đó liên kết với nhau, tư vấn các giải pháp công nghệ phù hợp nhất với năng lực sản xuất và phát triển của doanh nghiệp.

bt1

Bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc CESTI, cho biết đây là lần đầu tiên doanh nghiệp được kết nối cùng lúc với nhiều nhà cung ứng để trao đổi, bàn bạc để tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc CESTI, cho biết trong thời gian vừa qua CESTI cũng đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung - cầu giải pháp công nghệ và thiết bị cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp được kết nối cùng lúc với nhiều nhà cung ứng để trao đổi, bàn bạc để tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho doanh nghiệp.

“Điểm khác biệt lớn nhất ở “Kết nối ý tưởng” là doanh nghiệp có thể chọn lựa nhà cung ứng phù hợp với năng lực và đặc điểm sản xuất, hoặc cũng có thể hợp tác cùng lúc với nhiều nhà cung ứng để tạo thành nhóm cung ứng cùng nghiên cứu, phát triển giải pháp phù hợp nhất theo yêu cầu của doanh nghiệp”, bà Bằng nhấn mạnh.

Sự kiện có sự tham gia của các nhà cung ứng bao gồm: Công ty cổ phần Máy Nông Nghiệp Santavi; Công ty Kỹ nghệ Xanh Việt Nam giới thiệu máy sấy thăng hoa sử dụng công nghệ sấy lạnh; Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ thông minh ITS mang đến thiết bị sấy khoai dẻo sử dụng năng lượng mặt trời với giàn sấy động trục đứng; Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Bền vững Việt Nam; Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) với công nghệ sấy lạnh.

bt2

Với việc triển khai chuỗi sự kiện mới, CESTI tiếp tục khẳng định vai trò là "cầu nối" giữa các doanh nghiệp sản xuất và tổ chức/chuyên gia nghiên cứu. 

Bên cầu công nghệ gồm hai doanh nghiệp của Lâm Đồng là Công ty cổ phần Viên Sơn và Công ty TNHH Berryland Việt Nam.

Đại diện công ty Viên Sơn cho biết, công ty chuyên trồng trọt chế biến rau củ quả tươi, cấp đông cho thị trường trong nước và xuất khẩu với sản phẩm chính gồm: khoai lang, bí đỏ, cà tím. Các sản phẩm này được chế biến đa dạng như hấp, nướng chiên… sau đó cấp đông nhanh bằng hệ thống IQF. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất phát sinh nhiều vấn đề khó khăn, trong đó có vấn đề bảo quản nguyên liệu. Đại diện công ty mong muốn được tư vấn chuyển giao hệ thống sấy dẻo khoai lang năng suất 400-500 tấn/năm.

Trong khi đó, Berryland là công ty khởi nghiệp tạo sản phẩm thuần tự nhiên, hạn chế tối đa việc phối trộn phụ gia thực phẩm. Các sản phẩm chính của Berryland là dâu tây sấy dẻo, chuối sấy dẻo, mứt hoa atiso đỏ, với quy mô sản xuất 150 tấn nông sản/năm. Công ty muốn tư vấn chuyển giao công nghệ sấy dẻo thanh trùng (dâu tây, khoai lang, chuối) và tư vấn đổi mới công nghệ sấy từ sấy nóng sang sấy lạnh.

bt3

Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Bền vững Việt Nam giới thiệu công nghệ sấy năng lượng mặt trời.

Tại sự kiện, 5 nhà cung ứng đã lần lượt trình bày các thông tin cơ bản về quy mô, năng lực sản xuất; vấn đề công nghệ đang cần tư vấn; yêu cầu cụ thể… Sau đó, phía bên cung và cầu đã cùng ngồi lại trao đổi, giải đáp thắc mắc về công nghệ, phương án hợp tác, xác nhận phương án hợp tác trong giai đoạn tiếp theo. 

Từ nhu cầu thực tế, các doanh nghiệp đã kí biên bản ghi nhớ hợp tác ngay tại sự kiện dưới sự chứng kiến của đại diện CESTI. Theo đó, công ty Viên Sơn kí biên bản ghi nhớ hợp tác với công ty Santavi và Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM); Berryland Việt Nam kí biên bản ghi nhớ hợp tác với công ty Kỹ nghệ Xanh Việt Nam và công ty Santavi.

bt4

Công ty Viên Sơn kí biên bản hợp tác với Công ty Santavi và Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM).

bt5

Công ty Berryland kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Santavi 

Phía CESTI sẽ là đầu mối theo dõi quá trình triển khai hoạt động hợp tác giữa các bên, thực hiện lưu trữ tài liệu và hỗ trợ xúc tiến ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ. 

 

Căn cứ Kế hoạch số 1946/KH-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Ủy ban nhân dân TP.HCM về Kế hoạch triển khai tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Khởi động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ xin giới thiệu các văn bản pháp luật, chủ trương, chính sách liên quan đến trẻ em, như sau:

- Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Quốc hội.

- Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.

- Quyết định số 1555/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 – 2020”.

- Công văn số 1586/LĐTBXH-TE ngày 07 tháng 5 năm 2020 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2020.

- Kế hoạch số 1946/KH-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành Phố về triển khai, tổ chức “Tháng hành động vì trẻ em năm 2019” trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Trong 5 năm qua, ngành khoa học và công nghệ TP.HCM đã nỗ lực phấn đấu, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

dh1

Ngày 29/5/2020, Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Đại hội lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025, với chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, nỗ lực phấn đấu đưa khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố”.

dh2

Tham dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Dương Anh Đức - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM, đồng chí Lê Thị Hồng Nga - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối cùng các đồng chí thành viên tổ công tác số 2 của Đảng ủy Khối.

dh3

Sau một thời gian chuẩn bị nghiêm túc, Đại hội được tổ chức với nhiệm vụ tổng kết đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ qua, phân tích những ưu điểm, những mặt còn hạn chế, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.

dh4

Đồng chí Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Đảng ủy Sở - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng, đọc diễn văn khai mạc Đại hội.

dh5

Trước đó, ngày 28/05/2020, Đại hội đã tiến hành phiên trù bị, bầu Đoàn chủ tịch, Đoàn thư kí đại hội và tiến hành thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng Thành phố lần thứ III.

dh6

Trong quá trình chuẩn bị, tổ chức Đại hội, Đảng ủy Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn sâu sát, kịp thời của Đảng ủy Khối các Cơ quan thành phố. Công tác chuẩn bị Đại hội được tiến hành đúng nguyên tắc, quy định, Điều lệ Đảng và hướng dẫn của cấp trên. 

dh7

Đồng chí Lê Thị Hồng Nga - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối, phát biểu chỉ đạo Đại hội.

dh8

Đồng chí Nguyễn Khắc Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy Sở - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, trình bày tóm tắt báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020 và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kì 2020-2025.

dh8

Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có 532 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, bao gồm 7 phòng chức năng, 8 đơn vị và 2 tạp chí. Đảng bộ Sở có 9 chi bộ trực thuộc với 151 đảng viên, trong đó có 9 đảng viên dự bị. Trong 5 năm qua, dù có những biến động phức tạp tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thành phố nhưng ngành khoa học và công nghệ TP.HCM đã nỗ lực phấn đấu, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức.

dh9dh9

Các đại biểu tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng Thành phố lần thứ III.

dh10
dh11
dh12
dh13
dh14
Đại hội tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2020-2025 và bầu đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng Thành phố lần thứ III.
 

Ngày 06 tháng 5 năm 2020, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã ban hành Thể lệ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020 - 2021) và Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2020.

Thông tin chi tiết đã được dăng tải tại website: vifotec.vn
Kính mời các tổ chức/cá nhân có công trình nghiên cứu gửi hồ sơ tham dự.
Hồ sơ dự thi có thể nộp tại các địa chỉ sau: 
1. Phòng Quản lý Sở hữu Trí tuệ - Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM: 244 Điện Biên Phủ, P.7, Q.3, TP.HCM
2. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM: 224 Điện Biên Phủ, P.7, Q.3, TP.HCM


Thể lệ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020 - 2021)
Mẫu đơn Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020 - 2021)
Mẫu đơn Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2020


 

 

Trong số 8 sáng chế được vinh danh tại Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ 6, PGS.TS Trần Doãn Sơn, Giảng viên trường ĐH Bách khoa đã ‘ẵm’ luôn 3 giải.

 

Ngày 27/5, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ 6. Giải thưởng năm nay thu hút rất nhiều giải pháp kỹ thuật từ các cá nhân, tổ chức tham gia, trong đó, có nhiều sáng chế mang tính ứng dụng cao.

gtsc1

Giải nhất Giải thưởng Sáng chế TP.HCM được trao cho BS Phạm Thị Kim Loan với sản phẩm Gối dùng để điều trị và phòng ngừa các bệnh ở cột sống cổ. 

Tại lễ trao giải, có 8 sáng chế được vinh danh với tổng giá trị giải thưởng lên đến 160 triệu đồng. Điều đặc biệt, trong số này, PGS.TS Trần Doãn Sơn, Giảng viên Bộ môn Chế tạo máy (Khoa Cơ khí - trường ĐH Bách khoa), đã ‘ẵm’ luôn 3 giải (1 giải nhì, 1 giải ba và 1 giải khuyến khích).

Các sáng chế đạt giải của PGS.TS Trần Doãn Sơn gồm: Thiết bị sản xuất bún bao gồm cơ cấu ép đùn bột nước (giải nhì), thiết bị sản xuất bánh tráng dạng tròn (giải ba) và thiết bị sản xuất bánh tráng rế tự động lấy bánh (giải khuyến khích).

Chia sẻ tại lễ trao giải, PGS.TS Trần Doãn Sơn đánh giá các sáng chế đạt giải năm nay rất đa dạng và phong phú ở nhiều lĩnh vực. Ông cũng cho biết thêm, hiện ông đã thực hiện 15 sáng chế khác nhau được đăng ký sở hữu trí tuệ. Các sáng chế này đều được thương mại hóa và chuyển giao công nghệ cho các cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam.

gtsc2

PGS.TS Trần Doãn Sơn, người có 3 sáng chế được vinh danh tại Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ 6

Giải thưởng Sáng chế TP.HCM ra đời từ năm 2008. Qua 6 lần tổ chức giải thưởng, chất lượng các sáng chế ngày càng cao.

“So với các giải thưởng về khoa học và công nghệ, Giải thưởng Sáng chế TP.HCM có nét đặc thù là đối tượng dự thi phải là các sáng chế đã được cấp bằng độc quyền sáng chế hoặc bằng độc quyền giải pháp hữu ích, còn hiệu lực ít nhất 3 năm tính đến ngày nộp hồ sơ”, ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho biết.

Mục đích của giải thưởng là tôn vinh các sáng chế đã được thương mại hóa và có tiềm năng thương mại hóa cao. Vì vậy, các sáng chế dự thi phải có tính mới đối với thế giới, có khả năng áp dụng công nghiệp và đang được khai thác trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Các sáng chế đoạt giải lần này hầu hết đã được khai thác áp dụng sản xuất, đưa ra thị trường và thương mại hóa thành công”, ông Thanh nhận xét.

shttthi

Trao giải cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về Sở hữu trí tuệ với chủ đề "Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh"

 Bên cạnh lễ tổng kết và trao giải Sáng chế, Sở KH&CN cũng tổ chức trao giải cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về Sở hữu trí tuệ với chủ đề "Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh". Đây là các hoạt động trong khuôn khổ chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 và kỉ niệm 57 năm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.

Cuộc thi đã thu hút gần 600 lượt người tham gia đến từ các trường đại học, các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước… Kết quả, ban tổ chức đã trao 3 giải cá nhân cho 3 thí sinh có số điểm thi cao nhất với thời gian làm bài ngắn nhất; 3 giải tập thể cho 3 đơn vị có số người dự thi nhiều nhất đạt điểm trên trung bình.

Các sáng chế được vinh danh tại Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ 6:

Giải nhất (40 triệu đồng): Gối dùng để điều trị và phòng ngừa các bệnh ở cột sống cổ (bằng độc quyền sáng chế tại Úc số 2011306484, chủ sở hữu và tác giả Phạm Thị Kim Loan). Gối được thiết kế theo cấu trúc của đốt sống cổ, mặt cong thấp bảo đảm đỡ được phần cổ, đầu, vai, ôm sát đốt sống cổ, giúp đốt sống cổ giữ được độ cong sinh lý vốn có, không bị thoát vị đĩa đệm và không làm chèn ép mạch máu. Hiện nay, gối đã được bán ra thị trường trong và ngoài nước với số lượng hơn 37.000 cái với doanh thu hàng trăm tỷ đồng.

2 Giải nhì (mỗi giải 32 triệu đồng):

+ Thiết bị sản xuất bún bao gồm cơ cấu ép đùn bột nước (bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2065, chủ sở hữu trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, tác giả Trần Doãn Sơn). Thiết bị đáp ứng được công nghệ sản xuất bún từ bột gạo pha loãng thành sợi bún đã được làm chín từ từ, từ nhiệt độ thấp đến nhiệt độ cao nhờ trục vít và xy lanh có kết cấu đặc biệt. Thiết bị thao tác vận hành đơn giản, phù hợp cho nhà hàng, khách sạn. Hiện thiết bị đã được chuyển giao cho 9 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài (Hoa Kỳ, Thụy Điển, Hàn Quốc, Lào) và tiến tới xuất khẩu ra thị trường châu Âu.

+ Hệ thống thoát nước mưa và nước thải có chức năng hạn chế tác động của triều cường (bằng độc quyền sáng chế số 22501, chủ sở hữu và tác giả Nguyễn Công Anh). Sáng chế về hệ thống thoát nước mưa có khả năng thoát nước trên mặt đường ngay cả khi mưa lớn kết hợp với triều cường; có thể ngăn rác, bùn, đất trôi vào lòng hố ga thu nước và các mương dẫn. Sáng chế còn có cơ cấu ngăn mùi và các sinh vật như chuột, gián tránh ô nhiễm; xử lý sơ bộ ô nhiễm nước mưa và nước thải. Ngoài ra, giải pháp còn chống được mất cắp hố ga và tránh việc người di đường rơi xuống hố ga. Hiện sáng chế này đã được đưa vào triển khai tại một số dự án của Công ty TNHH Mục tiêu môi trường và Cộng đồng, và chuyển quyền sử dụng cho các đơn vị khác.

Giải ba (24 triệu đồng): Thiết bị sản xuất bánh tráng dạng tròn (bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 1936, chủ sở hữu là trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, tác giả Trần Doãn Sơn). Thiết bị bao gồm trục tạo hình bánh, cụm hấp bánh và cụm lấy bánh, giúp làm tăng năng suất, tránh lãng phí nguyên liệu sau tạo hình, tạo ra sản phẩm có chất lượng và mẫu mã như mong muốn. Giải pháp này đáp ứng được yêu cầu của công nghệ sản xuất từ bột gạo pha loãng thành bánh tráng dạng tròn có đường kính và độ dày hợp lý, đã được chuyển giao cho 9 doanh nghiệp trên cả nước.

4 giải khuyến khích (8 triệu đồng/giải): Quạt hộp có cơ cấu chuyển hướng gió theo chiều ngang, chiều dọc và tản gió đa chiều (tác giả Trần Chí), Thiết bị sản xuất bánh tráng rế tự động lấy bánh tráng (tác giả Trần Doãn Sơn), Móng nêm (tác giả Lê Hiệp Tuấn), Hệ thống ngăn ngừa và giảm thiểu tai nạn xe ô tô (tác Nguyễn Long Uy Bảo).

 

Sở KH&CN TP.HCM đang hoàn thiện Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố giai đoạn 2021-2025 với 7 nội dung chính.

 

Sáng 27/5, đoàn đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM về việc giám sát kết quả phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn thành phố.

hdnd2

Toàn cảnh buổi làm việc

Đoàn đại biểu đặc biệt ấn tượng với những thành tựu mà TP.HCM đạt được trong nhiều năm qua, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có quy mô hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á với vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào startup Việt tăng từ 140 triệu USD lên gần 900 triệu USD trong giai đoạn 2015-2018.

Là “ngôi nhà” của gần 50% startup trong nước, TP.HCM được xem là thành phố có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế sáng tạo, năng động và phát triển nhanh nhất ở châu Á. Thành phố đã ban hành nhiều chính sách cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ và trở thành cái nôi của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước. 

hdnd1

Đoàn đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM lắng nghe báo cáo kết quả phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.

Trên cơ sở này, Sở Khoa học và Công nghệ đang hoàn thiện Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố giai đoạn 2021-2025 với các nội dung chính như sau:

1. Phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

2. Nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hình thành các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm

3. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển sản phẩm và thị trường

4. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo

5. Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công

6. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế

7. Truyền thông khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Tại buổi làm việc, đại diện các sở ban ngành như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thành Đoàn TP.HCM cũng đã chia sẻ những kết quả đạt được cùng những khó khăn và đưa ra đề xuất liên quan đến việc phối hợp xây dựng hệ sinh thái, góp phần bổ sung cho Báo cáo trình HĐND vào cuối năm nay.

 

Hàng trăm miệng cống thoát nước ở trung tâm TP.HCM bị tắc nghẽn, hư hỏng vì nước thải có chứa dầu mỡ tích tụ, đóng thành tảng lớn làm giảm khả năng thoát nước.

 

Tại hội thảo về "Đổi mới sáng tạo trong xây dựng" do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia đã chia sẻ về vấn đề chất thải dầu mỡ làm hư hỏng, giảm công năng của các hệ thống thoát nước.

Theo ông Đỗ Tấn Long, Phó giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng, hiện nay thực trạng xả thải dầu mỡ, như nhớt xe, mỡ thực phẩm từ các nhà hàng, quán ăn thải ra cống làm ảnh hưởng đến hệ thống cống thoát nước.

Nước thải dầu mỡ chứa 40 - 60%, protein 15%, hydratcacbon 25%,… sẽ nổi lên, bám dính, tích tụ vào thành bê tông của các miệng cống thoát nước do đặc tính nhẹ, không tan trong nước. Mỡ bám dính lâu ngày sẽ phá hủy kết cấu bê tông của cống, thu hẹp khả năng thoát nước, gây hư hỏng cống. Xe tải chạy lên có thể sụp cống, mất an toàn giao thông.

“Qua nghiên cứu, đánh giá cho thấy, quy định xả thải ra hệ thống thoát nước được quy định trong tiêu chuẩn QCVN 14 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguồn nước thải ra môi trường với dầu mỡ thực vật tối đa cho phép ở mức 20mg/lít. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra cho thấy, mức độ ô nhiễm dầu mỡ động thực vật lên đến từ 123mg/l đến 39.168mg/l, vượt hàng chục đến hàng nghìn lần so với quy định”, ông Long nói.

Ông Long, kiến nghị quy định bắt buộc về hệ thống thu gom và xử lý nước thải cục bộ của các cơ sở kinh doanh, ăn uống trước khi thải ra ngoài. Có chế tài răn đe, nhà hàng ăn uống thải dầu mỡ thưc hiện nghiêm.

Theo thống kê của Công ty thoát nước đô thị TP.HCM, khu vực nội thành TP.HCM có khoảng 320 vị trí, quán ăn xả nước thải có chứa dầu mỡ ra hệ thống thoát nước. Trong đó, nước thải của 283 vị trí có hiện tượng dầu mỡ đóng váng, kết tảng làm bít, tắc nghẽn cống thoát nước.

Để giải quyết tình trạng này, các nhân viên công ty thoát nước đô thi TP.HCM đã tạo ra thiết bị tách dầu mỡ tự động. Theo ông Bùi Văn Trường, Trưởng phòng thoát nước mưa, công ty thoát nước đô thị TP.HCM, nước thải từ nhà bếp, bồn rửa chén bát sẽ chảy vào thiết bị, qua các vách ngăn. Dầu mỡ có trọng lương riêng nhỏ hơn nước sẽ nổi lên bề mặt. Dầu mỡ sẽ được gia nhiệt để tránh đông đặc và thu gom vào hộp chứa qua hệ thống con lăn tự động. Nước thải sau khi xử lý qua thiết bị đạt các tiêu chuẩn quy định về lượng dầu mỡ cho phép.

ctn

Thiết bị tách dầu mỡ tự động của công ty thoát nước đô thị TP.HCM trưng bày tại tọa đàm. 

Thiết bị này tích hợp cùng bộ phận điều khiển và cảm biến lưu lượng, vận hành thông qua kết nối wifi hoặc 3G. Dữ liệu về dầu mỡ thu gom hằng ngày sẽ được gửi đến trung tâm dữ liệu để giúp cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát lưu lượng xả thải của các cơ sở kinh doanh ăn uống.

“Chúng tôi mong muốn hệ thống này sẽ được áp dụng rộng rãi, đồng bộ tại tất cả các nhà hàng, khách sạn, quán cơm, cơ sở rửa xe,… nhằm bảo vệ các hệ thống cống nước thải”, ông Trường nói.

Hiện nay, vẫn chưa có cơ chế phối hợp và quy định áp dụng với nước thải nhiễm dầu mỡ của các cơ sở kinh doanh phải đạt tiêu chuẩn chất lượng trước khi thải ra môi trường. 

 

Các sở ngành TP.HCM sẽ phối hợp với nhau nhằm ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cấp hạ tầng, thay đổi diện mạo thành phố.

 

Sáng 22/5, tọa đàm “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực xây dựng - InnoBuild” diễn ra do Sở Khoa học và Công nghệ cùng Sở Xây dựng TP.HCM phối hợp thực hiện. Buổi tọa đàm có sự tham dự của ông Lê Hòa Bình - Giám đốc Sở Xây dựng, bà Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở KH&CN và ông Tạ Huy Hoàng - Phó Cục trưởng 2, Cục Công tác phía Nam, Bộ Xây dựng.

Nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 57 năm Ngày KHCN Việt Nam, tọa đàm là nơi để trao đổi và tìm kiếm đối tác để giải quyết các vấn đề theo đặt hàng của Sở Xây dựng, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề về quản lý quy hoạch - tài nguyên - xây dựng trên địa bàn, xử lý tình trạng dầu, mỡ gây tắc nghẽn, hư hỏng hệ thống thoát nước đô thị.

cvh

Bà Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM.

lhb

Ông Lê Hòa Bình - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Chu Vân Hải cho biết: “Để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công, Sở KH&CN sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và định hướng chiến lược phát triển ngành lĩnh vực. Sở Xây dựng là đơn vị đầu tiên ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2020 - 2025 với Sở KH&CN để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực xây dựng với các nội dung: Quản lý hạ tầng kỹ thuật, quản lý đô thị và nhà ở, quản lý hoạt động xây dựng”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho rằng thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và định hướng chiến lược phát triển lĩnh vực xây dựng là hết sức cần thiết.

"Các cơ quan, đơn vị, viện, trường, doanh nghiệp khi tham gia giải quyết các vấn đề mà Sở Xây dựng đặt hàng tại tọa đàm hôm nay sẽ tiếp tục phối hợp với các phòng, đơn vị của Sở Xây dựng để có thể nắm rõ hơn các yêu cầu nhằm xây dựng các nhiệm vụ sát với tình hình thực tế và gửi về Sở KH&CN để tổ chức hội đồng xét duyệt”, ông Bình nhấn mạnh.

tcxd

Các đại biểu, chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm tại buổi tọa đàm.

Theo ông Bình, còn rất nhiều ý tưởng hay, kinh nghiệm quý của các đại biểu tham gia tọa đàm. Ông hy vọng buổi tọa đàm giúp gắn kết hợp tác giữa các sở ngành với các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, viện, trường, doanh nghiệp, các mối quan hệ đối tác sẵn có càng thêm sâu sắc và nhiều mối quan hệ đối tác mới được xây dựng, nhằm phát triển để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực xây dựng.

Cũng tại buổi thảo luận, ông Đào Văn Trường - Phòng Cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng, cho biết: “Các thông tin dữ liệu liên quan quy hoạch - tài nguyên - xây dựng đã được Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND quận huyện số hóa tại các địa phương. Tuy nhiên, các dữ liệu chưa nối kết thông suốt nhau. Hiện các sở đang phối hợp với các công ty tư nhân nhằm xây dựng phần mềm quản lý quy hoạch tài nguyên xây dựng dùng chung cho toàn thành phố”.

qlxd

Phần giới thiệu công cụ quản lý đô thị thành phố bằng ứng dụng công nghệ mới.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM cũng giới thiệu “Giải pháp xử lý tình trạng dầu, mỡ gây tắc nghẽn, hư hỏng hệ thống thoát nước đô thị”, ứng dụng những tiến bộ của công nghệ mới. Công ty Cổ phần VLAB giới thiệu “Giải pháp tích hợp thông tin địa chính vào nền tảng quản lý tích hợp thông tin quy hoạch, thông tin xây dựng và tài nguyên môi trường”. Công ty Cổ phần giải pháp công nghệ Thuận Thiên giới thiệu “Hoạt động sản xuất và ứng dụng hố ga nhựa chống trào ngược để thay thế hố ga gạch trong hệ thống nước thải gia đình”.

Buổi tọa đàm là một trong các hoạt động chào mừng Ngày KHCN Việt Nam năm 2020. Nhiều hoạt động, sự kiện khác đã diễn ra trong suốt tuần qua, như lễ công bố Cuộc thi Dự án Đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo của TP.HCM 2020, tập huấn Hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất...

 

Từ kết quả đánh giá, doanh nghiệp có cơ sở để xây dựng mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư, đổi mới công nghệ, cải tiến chất lượng sản phẩm cũng như phát triển sản phẩm mới.

 

Ngày 21/5, Sở KH&CN TP.HCM tổ chức buổi tập huấn "Hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất” theo hình thức trực tuyến. 

Tại buổi tập huấn, các chuyên gia đã phổ biến, giới thiệu những nội dung mới và các quy định của Thông tư 17 của Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm triển khai đánh giá trình độ công nghệ tại TP.HCM và các địa phương khác.

dgtdcn1

Buổi tập huấn có sự tham gia của 3 diễn giả gồm ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, TS kinh tế Tô Văn Hưng và ông Nguyễn Vinh Dự, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (SIHUB).

Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp là việc phân tích, xác định hiện trạng, hiệu quả sử dụng, khai thác công nghệ sản xuất và đánh giá khả năng tổ chức, khai thác công nghệ hiện có, khả năng hấp thụ, làm chủ, nghiên cứu và phát triển và đổi mới sáng tạo công nghệ sản xuất của doanh nghiệp.

“Việc đánh giá đúng trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp sẽ là cơ sở để cơ quan Quản lý Nhà nước thống nhất cơ sở dữ liệu và trình độ công nghệ cho cả nước, từ đó định hướng chiến lược đầu tư phát triển công nghệ hợp lý và khoa học”, ông Thanh nhấn mạnh.

dgtdcn2

Buổi tập huấn được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại SIHUB.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp liên tục phải đổi mới công nghệ và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm. 

Theo ông Nguyễn Vinh Dự, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (SIHUB), việc đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất đóng vai trò hết sức quan trọng và cần thiết tại doanh nghiệp. Thông qua việc đánh giá này, doanh nghiệp xây dựng mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư, đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới, cải tiến chất lượng sản phẩm từ đó có chiến lược dài hạn để nâng cao năng lực canh tranh.

Trong phạm vi một vùng lãnh thổ, một địa phương có những tính đặc thù riêng, việc đánh giá trình độ công nghệ là hết sức cần thiết, cho phép xác định điểm xuất phát của lộ trình phát triển công nghệ một cách hợp lý và tối ưu hóa cách ngành nghề sản xuất.

Ngoài ra, đánh giá trình độ công nghệ được coi là một thước đo nhằm xác định được giá trị thực tế của công nghệ để định giá và thỏa thuận các hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ các tổ chức nghiên cứu phát triển trong nước hoặc nước ngoài đến các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh.

dgtdcn3

Hoạt động đánh giá trình độ công nghệ của SIHUB

Thông tư 17 hướng dẫn nội dung, quy trình đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp trong các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo, lắp ráp và các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Việc đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất sử dụng phương pháp định lượng theo thang điểm 100 điểm cho tổng số 26 chỉ tiêu để đưa về cùng một mặt bằng đánh giá. Doanh nghiệp phối hợp tham gia điều tra sẽ được cung cấp kết quả đánh giá khi hoàn thành. Việc công bố báo cáo điều tra, đánh giá cho bên thứ ba chỉ được thực hiện khi có sự thống nhất của doanh nghiệp.

Buổi tập huấn đã thu hút rất nhiều người quan tâm và đặt câu hỏi thảo luận cho các diễn giả. Đây là một trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 của Sở KH&CN TP.HCM.


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353