SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ngày 1-10, UBND TPHCM đã tổ chức khởi công xây dựng công trình Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TPHCM tại số 123 Trương Định, quận 3. Công trình có quy mô 9 tầng cao, 3 tầng hầm; tổng diện tích sàn xây dựng là 16.970m2, dự kiến hoàn thành vào quý 2-2022. 
ttdmst

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án. Ảnh: CAO THĂNG

Đến dự và phát biểu, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá cao chủ đầu tư, cơ quan ủy thác quản lý dự án đã có nhiều cố gắng trong quá trình triển khai xây dựng công trình.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý, đây là dự án góp phần chào mừng Đại hội XI Đảng bộ TPHCM và đóng góp vào kết quả chung của phong trào thi đua 200 ngày, do đó chủ đầu tư, cơ quan quản lý ủy thác dự án và nhà thầu phải nỗ lực nhiều hơn để đảm bảo đúng tiến độ công trình như cam kết.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở KH-CN TP khẩn trương hoàn thiện tổ chức bộ máy của Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TPHCM và hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng phương án tổ chức hoạt động khi công trình được xây dựng xong.

Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TPHCM phục vụ và cung cấp dịch vụ về cơ sở vật chất cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên địa bàn. Đây còn là một trung tâm làm việc sáng tạo, phát triển ý tưởng khởi nghiệp, tiếp cận các chính sách mới nhất về đầu tư và khởi nghiệp, là hạt nhân gắn kết các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp hướng đến công nghệ 4.0. 

LƯƠNG THIỆN - SGGP.ORG.VN

Tính đến nay, Sở KH&CN TP.HCM đã hỗ trợ cho 2.533 dự án khởi nghiệp sáng tạo, đạt 127% chỉ tiêu nhiệm kỳ.

Chi hơn 44 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ KH&CN

Sở KH&CN vừa có báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm về hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn thành phố.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở KH&CN đã tiếp nhận 74 hồ sơ đăng ký thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN; Triển khai đặt hàng 21 nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ công tác quản lý, sản xuất, hỗ trợ người dân, trong đó có 03 nhiệm vụ có các đơn vị đăng ký thực hiện.

25001

Trong 6 tháng đầu năm, Sở KH&CN TP.HCM đã chi 44,055 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN

Sở KH&CN TP.HCM cũng đã chi 44,055 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, trong đó, có 2/32 nhiệm vụ triển khai mới có sự tham gia đồng đầu tư của doanh nghiệp và 40 nhiệm vụ chuyển tiếp. Đồng thời, tổ chức thẩm định nội dung 65 nhiệm vụ, trong đó, có 47 nhiệm vụ được Hội đồng đánh giá Đạt. Nghiệm thu 24 nhiệm vụ, thông qua các nhiệm vụ nghiệm thu đã công bố được 51 bài báo trong nước và 19 bài báo quốc tế, đào tạo 19 thạc sỹ và 2 nghiên cứu sinh.

Một số kết quả nghiên cứu tiêu biểu như: Mô hình tiên lượng tử vong ở bệnh nhân chấn thương vào khoa cấp cứu (nghiên cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy) đã xác định được các yếu tố tiên lượng tử vong sớm (trong 24 giờ đầu) và tử vong trong bệnh viện (30 ngày). Mô hình này đã giúp trang bị thêm công cụ để tiên lượng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân chấn thương tại thời điểm vào khoa Cấp cứu và cung cấp thêm dữ liệu để quản lý về tình hình chấn thương nhằm tìm các giải pháp phòng ngừa chấn thương và giảm tỷ lệ tử vong do chấn thương.

Nghiên cứu quy trình nuôi hàu phù hợp với điều kiện Cần Giờ. Theo đó, nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp để giảm thiểu tác động xấu và phát triển bền vững nghề nuôi hàu và khảo sát, xây dựng sự đồng thuận từ các chủ thể của vùng nuôi hàu ở Cần Giờ. 

Nghiên cứu thiết bị quan trắc ngập tại các điểm thường xuyên ngập nặng thuộc đô thị sáng tạo kết nối công nghệ đô thị thông minh TP.HCM.

Sở KH&CN cũng đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố về Đề án hình thành Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo của Thành phố nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ, hỗ trợ chuyển giao phục vụ doanh nghiệp trên cơ sở kết nối chặt chẽ mối quan hệ các trường viện - doanh nghiệp - nhà nước.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở KH&CN cũng đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, tiêu biểu như: Triển khai “Dự án xây dựng giải pháp tổng thể và thiết bị cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 tránh lây nhiễm chéo và đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế”; Triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu quy trình sản xuất kháng thể IGY kháng vi rút SAR-CoV-2 gây bệnh Covid-19 và ứng dụng vào chế phẩm xịt mũi giúp phòng ngừa bệnh Covid-19”; Thu thập, biên tập, cập nhật các lớp dữ liệu về dịch Covid-19 trên nền tảng chia sẻ dữ liệu, tài liệu GIS mở cho cộng đồng tại địa chỉ https://opendata.hcmgis.vn và phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) triển khai ứng dụng công nghệ GIS để quản lý dịch bệnh Covid-19.

93 doanh nghiệp KH&CN được cấp giấy chứng nhận

Về thương mại hóa sản phẩm, Sở KH&CN đã ban hành Kế hoạch thúc đẩy hình thành tổ chức hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong các trường Đại học nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các trường Đại học

Tiếp tục theo dõi các dự án thương mại hóa đợt 1 được Khu Công nghệ cao Thành phố tổ chức triển khai thực hiện. Thông qua các dự án thương mại hóa, đã giúp doanh nghiệp Việt làm chủ công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm công nghệ cao, thúc đẩy sản phẩm Việt tiếp cận được thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

25002

Ký kết hợp đồng cung cấp nano vàng dạng ngôi sao và công bố sản phẩm kháng viêm da Acne GoldStars. Sản phẩm dựa trên kết quả nghiên cứu chế tạo nano vàng dạng ngôi sao trong kháng khuẩn viêm da từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ giữa Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP’s Labs) và Viện Khoa học và công nghệ tính toán (thuộc Sở KH&CN TP.HCM).

Một số sản phẩm của dự án được hoàn thiện và sản xuất thử đáp ứng cơ bản các tiêu chí của sản phẩm thương mại, cụ thể như: viên nang chống nắng đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế); Sản xuất thử nghiệm pilot băng dán dạng gel (BC-A gel) đã được Viện Kiểm định thiết bị và đo lường xác nhận; Sản phẩm dung dịch thuốc tiêm Stimus đã được Bộ Y tế phê duyệt thử nghiệm lâm sàng và hiện đang được tiến hành thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức.

Trong lĩnh vực chuyển giao KH&CN về nông nghiệp, Sở đã tổ chức nghiệm thu và bàn giao mô hình nuôi trồng nấm Nhộng trùng thảo (Cordyceps militaris)” cho hộ nông dân ở huyện Củ Chi; Triển khai hỗ trợ 2 dự án, gồm: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống cá chép Koi (Cyprinus carpio) kiểu hình Taisho Sanshoku cho Hợp tác xã ở Củ Chi và Chuyển giao mô hình sản xuất giống cá dĩa đỏ Symphysodon sp cho hộ nông dân ở Củ Chi.

Sở cũng đã phối hợp với các đơn vị trao đổi phương án hỗ trợ các hộ nông dân, hợp tác xã triển khai các mô hình nuôi cấy mô lan, mô hình nuôi tôm, mô hình làm các loại cây giống và tổ chức 4 khóa đào tạo, tập huấn về ứng dụng tiến bộ KH&CN trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi cho 75 lượt nông dân.

Cũng trong thời gian này, Sở KH&CN TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho 6 doanh nghiệp. Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố có 739 doanh nghiệp KH&CN, trong đó có 93 doanh nghiệp KH&CN được cấp Giấy chứng nhận.

25003

Đã có 121 doanh nghiệp tại TP.HCM trích lập Quỹ phát triển KH&CN.

Tính đến nay, Sở KH&CN TP.HCM đã hỗ trợ cho 505 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố về thành lập, trích lập, sử dụng Quỹ phát triển KH&CN và có 121 doanh nghiệp báo cáo thành lập Quỹ với tổng số tiền trích Quỹ hơn 4.142 tỷ đồng, số tiền chi sử dụng Quỹ hơn 1.123 tỷ đồng.

Về phát triển tổ chức KH&CN theo mô hình tiên tiến, từ năm 2017 đến nay, Sở đã thẩm định 5 tổ chức KH&CN, trong đó chọn ra 3 tổ chức đạt yêu cầu theo tiêu chí ban đầu và đang tiếp tục hỗ trợ cho 2 tổ chức (Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP. HCM và Phòng Thí nghiệm trọng điểm Điều khiển số và Kỹ thuật hệ thống) các nội dung để hoàn thành mục tiêu trở thành tổ chức KH&CN theo mô hình tiên tiến.

Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Trong 6 tháng đầu năm nay, Sở KH&CN TP.HCM đã huấn luyện, tư vấn về đổi mới sáng tạo, năng suất - chất lượng, quản lý năng lượng, quản trị tài sản trí tuệ (TSTT),... cho trên 1.900 doanh nghiệp. Lũy kế đến nay đã thực hiện huấn luyện cho 14.907 doanh nghiệp, đạt 149% chỉ tiêu nhiệm kỳ. Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và sản phẩm cho 74 dự án. Lũy kế đến nay đã hỗ trợ được 505 dự án, đạt 168% chỉ tiêu nhiệm kỳ.

25004

TP.HCM là địa phương luôn tiên phong trong việc ban hành nhiều chính sách đột phá và các hoạt động đa dạng trong hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở KH&CN đã hoàn thành dự thảo Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021-2025. Đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố cho phép mở rộng không gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại địa chỉ 273 Điện Biên Phủ, Quận 3 và 79 Trương Định, Quận 1, nâng diện tích không gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại 2 địa chỉ này từ 1.500 m2 lên 6.500 m2 .

25005

Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM (WHISE) là sự kiện lớn nhất trong năm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của TP.HCM

Cũng trong thời gian này, Sở đã hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp (tư vấn, đào tạo, kết nối,…) cho trên 240 dự án khởi nghiệp sáng tạo. Lũy kế đến nay đã hỗ trợ cho 2.533 dự án khởi nghiệp sáng tạo, đạt 127% chỉ tiêu nhiệm kỳ.

Chương hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp 2020 (Chương trình SpeedUp 2020), trong 6 tháng đầu năm đã ký hợp đồng hỗ trợ cho 7 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ là 5,025 tỷ đồng, có 05 dự án có đối ứng với tổng số tiền đối ứng là là 2,875 tỷ đồng, tổ chức họp Hội đồng xét duyệt 04 dự án , nghiệm thu thực tế 2 dự án. Lũy kế đến nay, Chương trình SpeedUp đã tuyển chọn hỗ trợ cho 40 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ của nhà nước là 25,3 tỷ đồng, kinh phí đối ứng từ các quỹ đầu tư là 10,3 tỷ đồng.

Tổ chức 80 sự kiện về hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Không gian đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thu hút trên 2.200 lượt người tham dự. 

 

Nhân dịp Tết Trung thu, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã đến xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ trao quà cho trẻ em nghèo và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. 

Sáng 26/9, Chi bộ Khối Văn phòng và Chi đoàn Khối cơ quan Sở KH&CN TP.HCM đã phối hợp cùng UBND xã Tam Thôn Hiệp tổ chức chương trình “Trung thu cho em Lần thứ 6” tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Dù là một xã cách không xa trung tâm thành phố nhưng cuộc sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. 

tthu1

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, trao những phần quà Trung thu cho các em thiếu nhi ở xã Tam Thôn Hiệp

Với mong muốn san sẻ sự quan tâm và yêu thương cho trẻ em nơi đây, chương trình đã trao tặng những phần quà ý nghĩa cho các hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách giúp các em và gia đình có một cái Tết Trung thu ấm áp và vui tươi hơn.

tthu2

Thiếu nhi nhận đồ dùng học tập cùng bánh kẹo để đón Tết Trung thu vui vẻ hơn.

Theo đó, 80 phần quà đã được trao cho trẻ em khó khăn, mỗi phần trị giá 300.000 đồng, bao gồm tập viết, dụng cụ học tập, cặp xách, bánh trung thu, sữa, lồng đèn. Ngoài ra, Sở KH&CN TP.HCM cũng trao 10 phần quà cho các hộ gia đình khó khăn, gia đình chính sách với giá trị 800.000 đồng mỗi phần, bao gồm nhu yếu phẩm và tiền mặt.

tthu3

Sở KH&CN TP.HCM còn trao các phần quà bao gồm nhu yếu phấm và tiền mặt cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho biết đây là truyền thống hàng năm của Sở KH&CN TP.HCM.

"Những phần quà tuy không lớn nhưng thể hiện tình cảm của cán bộ công nhân viên chức, người lao động của Sở KH&CN TP.HCM nhằm chia sẻ phần nào khó khăn với các em thiếu nhi cũng như các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Tam Thôn Hiệp", ông Dũng bày tỏ.  

Chương trình “Trung thu cho em” được Sở KH&CN TP.HCM tổ chức trong 5 năm liền và đã đến thăm nhiều mái ấm ở TP.HCM và những địa phương khó khăn ở Long An, Tây Ninh,... 

tthu4

Sở KH&CN TP.HCM thăm căn cứ địa Rừng Sác để ôn lại lịch sử hào hùng của ông cha

 
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Chánh Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, vừa được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.  
Sáng 25-9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức trao quyết định của UBND TPHCM về việc bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Chánh Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM. Thời gian giữ chức vụ là 5 năm.
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ sinh năm 1978, quê Nghệ An; trình độ Thạc sĩ Luật, Cao cấp Lý luận Chính trị.
Nhận nhiệm vụ mới, bà Nguyễn Thị Kim Huệ cho biết, bản thân mình sẽ cố gắng, cùng tập thể Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM hoàn thành nhiệm vụ được giao.
ntkhue
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức trao quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Huệ giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM

Chúc mừng tân Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức mong muốn bà Nguyễn Thị Kim Huệ đoàn kết cùng tập thể sở, cùng đạt được những kết quả quan trọng trong công tác.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đánh giá, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM ngày càng có vai trò quan trọng đối với TPHCM, bởi TPHCM chú trọng thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, khởi nghiệp. Đồng thời, bày tỏ tin tưởng bà Nguyễn Thị Kim Huệ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mới.

SIHUB phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Bình Dương mở lớp đào tạo để nâng cao năng lực xây dựng và vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở địa phương.

 

Trước xu thế của thời đại mới, đón đầu làn sóng khởi nghiệp tại tỉnh Bình Dương, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN TP.HCM (Saigon Innovation Hub - SIHUB thuộc Sở KH&CN TP.HCM) phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Bình Dương tổ chức “Chương trình đào tạo: Nâng cao năng lực xây dựng, vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bình Dương”.

sihbubbd4

Học viên lắng nghe chia sẻ của TS. Đặng Mỹ Châu - Cố vấn cao cấp SIHUB. 

Chương trình nhằm nâng cao năng lực của cán bộ quản lý, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, tạo tiền đề thúc đẩy thành lập cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, ươm tạo công nghệ trong trường đại học cũng như bồi dưỡng kiến thức xây dựng và vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương cho cán bộ quản lý doanh nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,... trên địa bàn. 

Tham dự buổi lễ khai giảng khóa đào tạo có ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Dương, ThS. Huỳnh Kim Tước - CEO của SIHUB, TS. Đặng Mỹ Châu - Cố vấn cao cấp SIHUB cùng bà Huỳnh Đinh Thái Linh - Chuyên gia tư vấn, huấn luyện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và cũng là Giám đốc Ban quản lý World Trade Center Binh Duong New City.

sihubbd3

Ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương, phát biểu khai mạc khóa đào tạo. Ảnh: BIIC. 

Bên cạnh đó còn có sự tham dự của 50 học viên là cán bộ quản lý, giảng viên tại các cơ cở giáo dục đại học, cao đẳng, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trên địa bàn tỉnh. Chương trình đào tạo trong khóa học này được thiết kế dành cho các thầy cô hiện đang là cán bộ, giảng viên của các cơ sở giáo dục, ươm tạo của tỉnh. 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Dương nhấn mạnh vai trò của các cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên là vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại tỉnh: “Khóa đào tạo giúp nâng cao năng lực của thầy cô, từ đó tạo tiền đề thúc đẩy thành lập các vườn ươm doanh nghiệp, công nghệ tại các trường đại học; đồng thời chương trình cũng kỳ vọng sẽ tạo được sự liên kết giữa các tổ chức, cá nhân để đồng hành cùng Sở trong việc triển khai những hoạt động có liên quan trong thời gian tới.”

sihubbd2

 

Ông Huỳnh Kim Tước - CEO Saigon Innovation Hub đang chia sẻ cách xây dựng và vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp & đổi mới sáng tạo tại địa phương. Ảnh: Sở KH&CN Bình Dương. 

Tham gia chương trình, học viên được các giảng viên, chuyên gia có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về các chuyên đề như Thiết kế và vận hành một hệ sinh thái KN & ĐMST địa phương, Xây dựng nguồn lực cho Hệ sinh thái KN & ĐMST, Phân tích và kết nối các nguồn lực về khởi nghiệp.

sihubbd1

Học viên tham gia chương trình đào tạo chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: SIHUB. 

Bên cạnh đó chuyên gia còn chia sẻ cho học viên về Pháp lý và chính sách về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hay Hướng dẫn áp dụng vào thực tế những loại hình hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như Mentoring, demo day, Pitching day, Incubation, accelaration, hackathon,... Sau đó học viên sẽ được trải nghiệm thực tế tại SIHUB, vườn ươm nông nghiệp công nghệ cao cũng như thực hành phân tích các mô hình khởi nghiệp.

 

Sau thời gian kêu gọi bình chọn từ cộng đồng, những cái tên xuất sắc nhất đã lọt vào vòng trong và sẵn sàng tranh tài để tiến thẳng đến chung kết của I-Star 2020.

Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM năm 2020 (I-Star 2020) đã bước vào vòng trong với 40 dự án nhận được lượt bình chọn cao nhất từ cộng đồng. Đây là năm thứ ba I-Star được tổ chức nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của thành phố.

40is11

Lễ trao giải I-Star 2019. 

40 bài dự thi được chia làm 4 nhóm đối tượng, bao gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp; các giải pháp đổi mới sáng tạo; các tác phẩm báo chí truyền thông; các cá nhân tổ chức có đóng góp tích cực cho cộng đồng - góp phần tạo nên làn sóng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sôi nổi của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung trong nhiều năm qua. 

Startup Việt với ý tưởng sáng tạo 

Cuộc thi năm 2020 chứng kiến sự bùng nổ của các doanh nghiệp khởi nghiệp gửi bài tham dự. Sau vòng bình chọn từ cộng đồng, “Ứng dụng gọi xe be” xuất sắc lọt top 10, đây cũng là câu chuyện “thành công từ sức mạnh nội địa” của doanh nghiệp. Chỉ sau 18 tháng lăn bánh, be đã giữ thị phần thứ 2 về gọi xe trên app tại Việt Nam.

40is10

Ứng dụng gọi xe “be”: Thành công từ sức mạnh nội địa. 

Cũng trong 10 gương mặt xuất sắc nhất, phải kể đến “MVV Everlearn - Hệ thống quản trị trải nghiệm học tập”, giúp các tổ chức & doanh nghiệp triển khai hoạt động đào tạo & huấn luyện một cách hiệu quả, chuyên nghiệp và tiết kiệm được chi phí, hay “Consultant Anywhere”, ứng dụng kết nối chuyên gia tư vấn với doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. 

Được mệnh danh là Grab của ngành nội thất, “House3D (house3d.com)” là nền tảng thiết kế nội thất ứng dụng công nghệ 3D/VR/AI cloud rendering. Tiếp theo trong bảng xếp hạng, “Heebee” là startup đã ứng dụng công nghệ nano sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên Việt Nam.

40is9

MiSmart sử dụng máy bay không người lái để tìm diệt sâu bệnh trên cây trồng. 

Xướng tên trong top 10, sản phẩm gạch ngói bằng nhựa tái chế của “Pando” với khả năng chịu uốn, chịu nhiệt, chịu kéo và độ mài mòn cao, góp phần giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Trong khi đó, “MiSmart” sử dụng công nghệ máy bay không người lái bay trên những cánh đồng cây trồng để phát hiện sâu bệnh và phun thuốc, giúp tiết kiệm đến 99% thuốc trừ sâu, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch. 

Các dự án “Triip – Nền kinh tế du lịch phi tập trung” giúp các đối tác bán hàng tiết kiệm từ 50% đến 90%; “Chatbot” của 3 kỹ sư 9x Lê Anh Tiến, Hoàng Minh Phú, Nguyễn Đình Tùng có trong tay 77.000 khách và mức tăng trưởng khách hàng rất cao; “BravoHR” giúp ứng dụng công nghệ vào quản lý nhân sự; cũng xuất sắc lọt vào vòng trong. 

Các giải pháp đột phá 

Năm 2020 đã ghi nhận nhiều sự kiện và biến cố ở cấp độ toàn cầu. Tuy vậy, đối với các doanh nghiệp và người trẻ, đây là thời điểm tốt để biến nguy thành cơ, tận dụng khó khăn để sáng tạo và đổi mới.

40is8

Cô và trò trường THPT Lê Quý Đôn sáng tạo xà bông giấy giúp rửa tay phòng chống dịch bệnh. 

Trong top 10 của hạng mục này, nhóm học sinh trường THCS Tân Tạo A (Q. Bình Tân) làm dự án “Sức khỏe người thu gom rác” nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe và hạn chế các bệnh truyền nhiễm cho những người làm công việc thu gom rác. Trong khi đó, nhóm học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) và cô Lê Thị Thúy giữa cao điểm Covid-19 đã nảy ra ý tưởng “sản xuất xà bông giấy từ những nguyên liệu có sẵn trong nhà” để tiện mang đi và sử dụng. 

Cũng vào thời gian đại dịch Covid-19 bùng nổ, “Cây ATM nhả gạo - nhả khẩu trang” cho những người khó khăn trong dịch Covid-19 của công ty PHGLock đã phát huy hiệu quả tối đa, tiến thẳng vào vòng trong của I-star 2020. Cùng với đó, dự án “Smartcity” của anh Vũ Hoàng Thương (Q. Bình Thạnh) ấp ủ sáng kiến triển khai các cơ sở dữ liệu dùng chung về quản lý đất đai, giao thông, chăm sóc y tế, kết nối chính quyền và người dân,...

40is7

“Cây ATM nhả gạo - nhả khẩu trang” cho những người khó khăn trong dịch Covid-19. 

Sau 2 năm triển khai “Đăng ký khám tâm lý cho trẻ qua tổng đài”, hoạt động này ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã có nhiều cải tiến, giảm thời gian đăng ký khám, thủ tục hành chính nhanh hơn và tăng số lượng bệnh nhi được khám. Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng “điều trị thành công bướu máu cho trẻ dưới 12 tháng tuổi bằng Timolol”. 

Cũng ở lĩnh vực sức khỏe, “S4Life” được phát triển bởi Quận đoàn Quận 1 cho phép kêu gọi hiến máu khi cần thiết, đồng thời hỗ trợ nhà quản lý trong việc theo dõi, thống kê quá trình hiến máu và số lượng dự trữ nhằm hỗ trợ công tác điều trị, cứu người.

40is6

S4Life – Ứng dụng giúp hiến máu cứu người. 

Trong lĩnh vực giáo dục, bạn Trần Nhân Nghĩa (Q. Gò Vấp) tạo “công cụ trực tuyến giúp học sinh, sinh viên tự học”, ôn lại bài cũ, tự học thêm bài mới bất cứ lúc nào hay ở đâu. Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM triển khai “sáng kiến về các buổi luyện nói tiếng Anh với diễn giả toàn cầu dành cho sinh viên” giúp nói tiếng Anh với người nước ngoài mỗi ngày dễ dàng hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, “AIQuant” ứng dụng trí tuệ nhân tạo cung cấp giải pháp dữ liệu tin cậy về báo cáo tài chính, chỉ số biểu đồ giá, biểu đồ phân tích về tất cả các doanh nghiệp, ngành và toàn thị trường. 

Truyền thông “tô đậm” làng khởi nghiệp 

Đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp và những ý tưởng đổi mới sáng tạo, nhiều tác phẩm truyền thông được đầu tư kỹ lưỡng đã vào top 10 của I-star năm nay.

40is5

Chọn "con đường khó" để tái chế rác thải nhựa. 

Tác phẩm “Từ những bài học kinh nghiệm trong 2 cuộc khủng hoảng trước đây - startup Việt đã sẵn sàng cho những cơ hội mới hậu Covid-19?” bởi Hoàng Thị Kim Dung - Đại diện quỹ đầu tư khởi nghiệp Genesia Ventures Nhật Bản ở Việt Nam, đăng trên báo Trí Thức Trẻ. 

Bài báo “Thời điểm sống còn, ông chủ trẻ 'mơ mộng' cạn kiệt, khủng hoảng” bởi tác giả Thư Kỳ đăng trên báo Vietnamnet. Chuỗi bài “Mưu sinh thời 'không bình thường'” trên chuyên mục Thời sự của báo Đầu tư Online. Bài viết “Việt Nam, 'miền đất hứa' cho đầu tư khởi nghiệp” của tác giả Thu Phương đăng trên Báo Đầu Tư.

40is4

Chuyên trang “Đổi mới sáng tạo” của Báo Tuổi Trẻ. 

Tác phẩm “Chọn 'con đường khó' để tái chế rác thải nhựa” bởi tác giả Minh Tâm đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Tác phẩm “Sinh viên khởi nghiệp: trước hết phải giỏi” bởi tác giả Huyền Trang đăng trên Thế Giới Tiếp Thị/Báo Dân Việt. Phóng sự “Nâng cao nhân lực hướng tới đô thị sáng tạo, thành phố thông minh” của Truyền hình Nhân Dân. 

Bài phân tích “Không kịp thay đổi, doanh nghiệp nhỏ đối mặt nguy cơ lớn về phá sản” của nghiên cứu sinh Nguyễn Hương Giang từ Pháp đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Bài viết “Hỗ trợ doanh nghiệp: Đừng quên các startup đang ở giai đoạn sống còn” do Trần Nguyễn Lê Văn - nhà sáng lập VeXeRe đăng trên Báo Tuổi Trẻ. Cuối cùng là Chuyên trang “Đổi mới sáng tạo” của Báo Tuổi Trẻ, nơi chắp cánh cho những ý tưởng táo bạo và tinh thần đổi mới lan tỏa trong giới trẻ. 

Những đơn vị ươm mầm các sáng kiến 

Ở hạng mục này, 10 cái tên được xướng là các tổ chức ươm tạo, tổ chức hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư thiên thần, các chuyên gia tư vấn,... có đóng góp tích cực cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên địa bàn thành phố. 

Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp Phía Nam” mong muốn trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho sinh viên thanh niên tại TP.HCM, xây dựng đội ngũ doanh nhân trẻ kế thừa cho đất nước và sứ mạng là ươm mầm khát vọng doanh nhân. “Zone Startups Việt Nam” là quỹ chuyên đầu tư có chọn lọc vào các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu của Việt Nam với những ý tưởng sáng tạo, đột phá.

40is3

Upshift Việt Nam - Tìm kiếm và ươm mầm các ý tưởng giải quyết vấn đề xã hội của giới trẻ. 

Nổi bật với sứ mệnh tìm kiếm và ươm mầm các ý tưởng giải quyết vấn đề xã hội của giới trẻ, “Upshift Việt Nam” là một dự án thúc đẩy nội lực của giới trẻ bằng cách trang bị kỹ năng của thế kỷ 21. Bên cạnh đó, “Seed Planter” là đơn vị hỗ trợ phát triển năng lực khởi nghiệp cho các bạn trẻ mong muốn tạo nên những mô hình kinh doanh bền vững, cân bằng giữa lợi nhuận và tác động xã hội, môi trường. 

Hustle Fund” đồng hành cùng startup công nghệ từ giai đoạn ý tưởng, hiện đang hướng tới các chương trình dành cho các cá nhân và phụ nữ lần đầu khởi nghiệp. “CITT - Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Chuyển giao Công nghệ thuộc Đại học Quốc tế, ĐHQG TP.HCM” đã có 2 năm hoạt động nhằm hướng đến hình thành Hệ sinh thái KN&ĐMST trong nhà trường, cũng như thực hiện đúng Đề án 884 và 1665 của Chính phủ.

40is2

CITT - Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Chuyển giao Công nghệ thuộc trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM. 

Cũng trong top 10 xuất sắc nhất, hệ sinh thái doanh nghiệp “BestB” là một trong những vườn ươm khởi nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp. “HCMUT-TBI: Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ thuộc trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP.HCM” đã ươm tạo 48 startup, 9 doanh nghiệp tốt nghiệp, 3 doanh nghiệp KH&CN, 10 doanh nghiệp nhận được vốn đầu tư, tổ chức 40 hội thảo, diễn đàn, phiên chợ khởi nghiệp,... 

Được mệnh danh là cái nôi ươm tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phần mềm, “QTSC Incubator” đã ươm tạo thành công được gần 50 doanh nghiệp phần mềm. Cuối cùng không thể không kể đến “Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp CiC”, là sân chơi khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên cả nước đã trải qua 5 mùa giải với nhiều dấu ấn.

40is1

QTSC Incubator - Cái nôi ươm tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phần mềm.

40 cái tên được xướng lên sẽ tiếp tục kêu gọi bình chọn đến ngày 30/9. Sau khi vào đến chung kết, các bài dự thi sẽ qua vòng sơ khảo và vòng chấm giải của ban giám khảo chuyên môn để tìm ra 3 giải đồng hạng mỗi nhóm. 

Phần thưởng bao gồm giấy công nhận, cúp lưu niệm và tiền thưởng trị giá 50 triệu đồng. Lễ công bố kết quả và trao giải thưởng sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh 2020 (WHISE 2020).

 

TP.HCM có thể sẽ đi đầu trong lĩnh vực thử nghiệm khung chính sách mới, nếu vượt qua được những khó khăn về cơ chế chính sách.

 

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, đã nhấn mạnh điều này tại Hội thảo chính sách thử nghiệm Sandbox trên địa bàn TP.HCM. Hội thảo do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức với sự tham gia của các đại diện đến từ ngân hàng, vườn ươm, trường đại học, các tổ chức công nghệ, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

Sandbox là khung thể chế thí điểm, cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp để ngăn hậu quả của sự thất bại mà không ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính quốc gia. 

sbox1

Toàn cảnh buổi hội thảo chính sách thử nghiệm Sandbox trên địa bàn TP.HCM

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho biết trong 6 chương trình đột phá của thành phố có khá nhiều nội dung đề cập đến hoạt động đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, sự phát triển của những xu hướng mới, công nghệ mới đi kèm theo đó là sự thiếu hụt về các chính sách và quy định hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Chính vì thế, thông qua buổi hội thảo, Sở KH&CN TP.HCM mong muốn thu thập thêm ý kiến từ các chuyên gia, tổ chức để có thể tham mưu cho thành phố những mô hình và chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Buổi hội thảo tập trung vào các mô hình sandbox nói chung và đào sâu hơn đối với fintech nói riêng.

"Không chỉ là tìm kiếm những cách thức thử nghiệm, cơ chế hoạt động riêng mà còn cần các chuyên gia đề xuất những chính sách đi kèm cho các hoạt động sandbox", ông Dũng gợi mở.

sbox2

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho rằng, TP.HCM cần có chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, cá nhân phát triển trong môi trường mới. 

Theo người đứng đầu Sở KH&CN TP, sandbox trong lĩnh vực tài chính đang là một lĩnh vực mới. Trong khoảng 2 năm nay, các startup fintech kêu gọi được nhiều vốn nhất trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. TP.HCM có thể sẽ đi đầu trong lĩnh vực thử nghiệm khung chính sách mới, nếu vượt qua được những khó khăn về cơ chế chính sách.

Ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng, cái mới là chưa có tiền lệ, không như những thứ đã có trong xã hội để xây dựng cơ chế chính sách quy định. "Vì vậy, TP.HCM đang cần có một chính sách hỗ trợ mô hình Sandbox để thành phố có hướng đầu tư hỗ trợ cho doanh nghiệp, cá nhân phát triển trong môi trường mới", ông Dũng nhấn mạnh. 

Chia sẻ tại buổi hội thảo, TS Dương Như Hùng, Trưởng Khoa QLCN - Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG-HCM chỉ ra tầm quan trọng của Sandbox bởi chúng cho phép gỡ bỏ các rào cản truyền thống, tạo điều kiện cho hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển. Những thử nghiệm ở Sandbox còn giúp nâng cao năng lực chính sách của nhà quản lý bằng cách mở ra các trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp để hiểu rõ hơn sự phát triển của thị trường.

sbox3

Tiến sĩ Dương Như Hùng - Trưởng khoa QLCN Đại học Bách khoa TP.HCM

Ông Hùng cũng cho biết, đối với fintech, cơ chế sandbox có thể giúp nâng cao tài chính toàn diện thông qua đổi mới công nghệ, biometric ID, điểm tín dụng, định danh điện tử, thanh toán dựa trên blockchain và các mô hình kinh doanh mới phục vụ khách hàng thiểu số.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một số hạn chế của Sandbox, trong đó nhấn mạnh giải pháp này không phải để quyết định chính sách nào được miễn mà là tháo gỡ các rào cản phát triển sản phẩm mới, đáp ứng đầy đủ các quy định và tạo giá trị cho xã hội. Sandbox chủ yếu đáp ứng giải tỏa tạm thời cho một số ít doanh nghiệp. Cơ chế chính sách linh hoạt, hướng dẫn xử lý tình huống phát sinh mới là cơ chế tốt nhất để đổi mới.

sbox4

Ông Đỗ Minh Hải - Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành ATM online

Cũng với lĩnh vực fintech, ông Đỗ Minh Hải, Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành startup ATM online, đặt ra những yêu cầu cụ thể cho những doanh nghiệp tham gia Sandbox. Trong đó, các công ty fintech tham gia sandbox cần phải có đầu tư sâu công nghệ, hệ thống nhằm giảm thiểu chi phí vận hành và mang lại lợi ích cho người sử dụng. Đồng thời cần phải được giám sát, kiểm toán hệ thống bởi Ngân hàng Nhà nước.

“Căn cứ trên kết quả thử nghiệm khách quan, Ngân hàng Nhà nước có thể quy định trần lãi suất, các khoản phí… thông qua tổng số tiền phải thanh toán trên mỗi khoản vay để hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi cũng như hạn chế nạn tín dụng đen gây thất thoát thuế và gây rối trật tự cho hoạt động của nền kinh tế”, ông Hải nhấn mạnh.

Đại diện ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, việc xây dựng và ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech nhằm tạo lập môi trường thử nghiệm các dịch vụ; đồng thời hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng khi tham gia sử dụng dịch vụ fintech chưa được cho phép chính thức.

Về lĩnh vực này, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết, Sandbox là cách tạo một môi trường thử nghiệm giống như thật nhưng lại cô lập bởi nhiều điều kiện ràng buộc bởi các sản phẩm dịch vụ mới, trong đó có dịch vụ cho vay ngang hàng. Bởi nếu loại hình tài chính mới này được thừa nhận ngay lập tức mà không thông qua hình thức thử nghiệm có kiểm soát có thể sẽ ảnh hưởng rủi ro đến số đông và hậu quả sẽ khó lường. 

Hoàng Anh - khampha.vn

Sở KH&CN TP.HCM sẽ phối hợp với với phía Israel trong việc hỗ trợ, đầu tư vào các startup trên địa bàn thành phố thông qua chương trình SpeedUp.

 

Ngày 10/9, lãnh đạo Sở KH&CN TP.HCM đã có buổi làm việc với đoàn đại sứ Israel. Buổi làm việc nhằm thảo luận về vấn đề hợp tác thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa TP.HCM và Cơ quan Đổi mới sáng tạo Israel (Israel Innovation Authority) giai đoạn 2018 - 2021.

Theo báo cáo của đại diện Sở KH&CN TP.HCM, kế hoạch hợp tác với Cơ quan Đổi mới sáng tạo Israel gồm 7 nội dung chính: Nghiên cứu xây dựng chính sách thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo; Đào tạo quản trị khai thác tài sản trí tuệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học trong trường ĐH; Đào tạo quản trị vườn ươm; Trao đổi các startup; Tham gia các hoạt động, sự kiện lớn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng năm ở 2 nước; Kết nối cung cầu công nghệ trên Sàn giao dịch công nghệ và các Chợ công nghệ; Mời chuyên gia hỗ trợ thành phố trong hoạt động đổi mới sáng tạo.

htisrasel3

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM tiếp bà Shirel Levi, Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam.

Tại buổi gặp măt, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM đã đề xuất việc hợp tác chặt chẽ hơn với Israel trong nghiên cứu và phát triển các đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao, không tập trung vào các nghiên cứu cơ bản.

Ngoài ra, ông Dũng cũng đề nghị phía Israel hợp tác với Viện tiên tiến và Đổi mới sáng tạo trong tương lai, tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robotic va đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Ông Dũng cũng nhấn mạnh rằng, Sở KH&CN TP.HCM mong muốn bắt tay cùng Israel trong những lĩnh vực cụ thể và có thể triển khai ngay.

htisrasel2

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, chia sẻ về các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại TP.HCM.

Cùng việc hợp tác với Sở, ông Dũng cũng đề nghị phía Israel việc tham gia tư vấn cũng như đầu tư vào thành phố Thủ Đức đang được quy hoạch dựa trên những kinh nghiệm nước này đã thực hiện với thành phố Beer Sheva, phía Nam Israel.

Về phần mình, bà Shirel Levi, Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam, bày tỏ ấn tượng với các chương trình ươm tạo và đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của Sở KH&CN TP.HCM, trong đó có chương trình tăng tốc khởi nghiệp SpeedUp. Bà cũng ngạc nhiên với quy trình, cơ chế cũng như chính sách trong việc hỗ trợ vốn cho 6 startup đến từ Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC) hay 21 startup đến từ Vietnam Silicon Valley.

Bà Shirel Levi cũng cho biết, trong thời gian tới thông qua Cơ quan Đổi mới sáng tạo, Israel sẽ hỗ trợ 10.000 USD cho startup tại BSSC và hi vọng kết hợp với chương trình SpeedUp của Sở KH&CN TP.HCM để tăng tốc phát triển cho các startup này.

htisrasel1

Bà Shirel Levi - Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam 

Ngoài ra, bà Shirel Levi cũng muốn Sở KH&CN chia sẻ về các chương trình hợp tác mà Sở đã triển khai với các nước khác như Úc hay Newzeland để từ đó có thể tìm ra những giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình hợp tác 2 bên.

Từ tháng 12/2018 đến nay, Sở KH&CN TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy hợp tác thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa TP.HCM và Israel.

Theo đó, Sở đã tổ chức Đoàn công tác tại Israel nhằm học tập kinh nghiệm, nghiên cứu chính sách, mô hình về hỗ trợ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Đoàn đã làm việc với Cơ quan Đổi mới sáng tạo Israel; Trung tâm Biohouse - nơi tập trung những công ty công nghệ về y dược của Israel và Cao đẳng Azrieli - một trong những ngôi trường hàng đầu tại Israel về đào tạo kỹ sư…

Ngoài ra, Sở KH&CN cũng từng cử Đoàn công tác tham gia nghiên cứu, trao đổi quản trị khai thác tài sản trí tuệ và thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học trong Trường Đại học tại Israel.

Hiện một số hoạt động khác của 2 bên như trao đổi startup hay tập huấn, xây dựng mô hình mẫu về quản trị khai thác tài sản trí tuệ... đang bị gián đoạn do tình hình dịch bệnh đang bùng phát. 

Chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (SpeedUp) là chương trình hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp với số tiền tối đa lên tới 2 tỉ đồng/1 dự án. Chương trình do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức từ năm 2017 đến nay, nằm trong chương trình Hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM giai đoạn 2016 -2020.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, chương trình đã ký hợp đồng hỗ trợ cho 7 dự án  với tổng kinh phí hỗ trợ là 5,025 tỷ đồng, có 5 dự án có đối ứng với tổng số tiền đối ứng là là 2,875 tỷ đồng, tổ chức họp Hội đồng xét duyệt 4 dự án, nghiệm thu thực tế 2 dự án. Lũy kế đến nay, Chương trình SpeedUp đã tuyển chọn hỗ trợ cho 40 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ của nhà nước là 25,3 tỷ đồng, kinh phí đối ứng từ các quỹ đầu tư là 10,3 tỷ đồng. 

Hoàng Anh - khampha.vn

Việc phân chia rõ ràng lợi nhuận có được từ thương mại hóa hoặc chuyển giao công nghệ sẽ tạo động lực để nhà khoa học nghiên cứu, đem lại nguồn thu cho bản thân cùng đơn vị công tác.

Là đơn vị chuyên nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, xử lý môi trường, công nghệ thực phẩm và y dược học, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) đã có nhiều thay đổi trong nhận thức về quản trị tài sản trí tuệ.

Từ một cơ quan chỉ vừa đủ văn bản quản lý với quy mô nhỏ, nay Trung tâm đã có những “khóa” chặt chẽ nhằm bảo hộ kết quả nghiên cứu, chú trọng các quyền sở hữu, quyền nhân thân, quyền tài sản… Nhờ đó, các kết quả nghiên cứu ngày càng có giá trị kinh tế và là nguồn thu quan trọng đối với đơn vị này.

mbtstt3

ThS. Lâm Vỹ Nguyên, đại diện Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, chia sẻ về cách quản trị tài sản trí tuệ tại Trung tâm

Không chỉ ban hành các mẫu cam kết về việc bảo mật và sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học cho nhân viên và sinh viên thực tập, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM còn ban hành quy chế quản trị tài sản trí tuệ và thành lập Ban quản trị tài sản trí tuệ nhằm quy định rõ các quy trình, quy chế quản lý các kết quả nghiên cứu và sản phẩm thương mại hóa, làm minh bạch nghĩa vụ và quyền lợi cho nhà khoa học.

Cụ thể, tùy theo mức độ đóng góp trong việc tạo ra kết quả nghiên cứu của các bên mà quy định quyền công bố thuộc về bên nào, và những cá nhân nào được công nhận là tác giả/đồng tác giả của kết quả nghiên cứu. Đồng thời căn cứu vào tỷ lệ sở hữu để phân chia lợi nhuận có được từ việc thương mại hóa hoặc chuyển giao công nghệ. Đối với phần lợi nhuận thuộc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, nhóm tác giả hưởng 20% nếu là thương mại hóa, hoặc 30% nếu là chuyển giao công nghệ.

“Đây là mức hưởng gấp 2 lần mức tối thiểu được Luật Sở hữu trí tuệ quy định. Chính điều này đã tạo động lực cho nhân sự quyết tâm thực hiện nghiên cứu thành công”, ThS. Lâm Vỹ Nguyên, đại diện Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, chia sẻ tại hội thảo giới thiệu và lấy ý kiến xây dựng "Quy trình ghi nhận, xác lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ" được hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Hội thảo do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức ngày 8/9/2020.

mbtstt2

Hội thảo giới thiệu và lấy ý kiến xây dựng "Quy trình ghi nhận, xác lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ" được tổ chức tại Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI)

Tại hội thảo, bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng, Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, đã đưa ra dự thảo quy trình thực hiện quản lý tài sản trí tuệ đối với một nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ gồm 10 bước. Cụ thể: 

- Bước 1: Đăng ký nhiệm vụ/đặt hàng thực hiện nhiệm vụ và tra cứu thông tin.

- Bước 2: Tổ chức xét duyệt/tuyển chọn (đặt hàng hoặc theo ý tưởng của các tổ chức/cá nhân).

- Bước 3: Ghi nhận, xác lập quyền đối với các kết quả nghiên cứu (ký kết hợp đồng) theo dự đoán ban đầu.

- Bước 4: Cam kết của người tham gia nghiên cứu.

- Bước 5: Ghi nhận, xác lập quyền tài sản trí tuệ.

- Bước 6: Nghiệm thu, cam kết bảo mật khi kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ (nếu cần).

- Bước 7: Đăng ký thông tin kết quả nhiệm vụ (trong đó có tài sản trí tuệ) thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư 14/2014/TT-BKHCN ngày 11/6/2014.

- Bước 8: Xử lý tài sản trí tuệ sau nghiệm thu.

- Bước 9: Ký kết thanh lý hợp đồng, thực hiện theo mẫu Biên bản thanh lý ban hành kèm theo Thông tư số 05/2014/TT-BKHCN ngày 10/4/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc theo quy định ban hành của cơ quan quản lý nhiệm vụ.

- Bước 10: Theo dõi và quản lý tài sản trí tuệ hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo các quy định hiện hành.

mbtstt1

Bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng, Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, phát biểu tại hội thảo

Theo đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, tài sản trí tuệ phát sinh từ hoạt động khoa học và công nghệ là sản phẩm trí tuệ phát sinh trong hoạt động khoa học và công nghệ; có thể nhận biết và mô tả một cách tách biệt, có khả năng mang lại giá trị kinh tế cho chủ thể đầu tư để sáng tạo, sáng tạo ra hoặc nắm giữ/chiếm giữ hợp pháp sản phẩm trí tuệ đó và chủ thể tương ứng có thể kiểm soát được việc sử dụng, khai thác sản phẩm trí tuệ đó.

Hoạt động quản trị loại tài sản trí tuệ này gồm phân định và xác lập quyền sở hữu; ghi nhận các tác giả, đồng tác giả của các đối tượng tài sản trí tuệ tương ứng với hoặc hàm chứa trong các tài sản trí tuệ đó; xác định quyền và nghĩa vụ của các tác giả đồng tác giả và các đơn vị, bộ phận tham gia vào nhiệm vụ khoa học và công nghệ; ghi nhận, quản lý, khai thác và phân bổ lợi ích phát sinh từ các tài sản trí tuệ mới giữa các bên tham gia tạo lập các tài sản trí tuệ tương ứng.

Theo đó, mỗi tài sản trí tuệ mới phát sinh phải được nhận diện rõ từng đơn vị trong quá trình chuẩn bị, thực hiện và nghiệm thu nhiệm vụ để làm cơ sở để xúc tiến các giao kết li-xăng, chuyển giao công nghệ hoặc thương mại hóa. Đây cũng là cơ sở để các bên phân chia lợi nhuận, tránh xảy ra tranh chấp.

 

Từ 50 dự án ở vòng bán kết, Cuộc thi “Dự án Đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo của TP.HCM năm 2020 (HAI 2020)” đã đi sâu hơn vào vòng ươm tạo và chọn ra 20 dự án xuất sắc nhất.

 

Trong số 20 cái tên nổi bật nhất không thể không kể đến các dự án làm về y tế công nghệ cao, như “X-ray reporter” của sinh viên Lê Văn Pôn từ trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Dự án này mang đến các giải pháp hỗ trợ bác sĩ, các chuyên gia y tế trong việc đọc và phân tích kết quả chụp phim X quang trong bệnh viện.

20hai6

Sinh viên Lê Văn Pôn thuyết trình về dự án X-ray reporter. 

Giải pháp hiện tại của Pôn hiện đang nằm ở giai đoạn thử nghiệm, tuy nhiên rất có triển vọng áp dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, màn thuyết trình của Pôn cũng gây ấn tượng mạnh ở vòng trước do dày thông tin cũng như phần trả lời phản biện tốt trước ban giám khảo. 

Bên cạnh đó, dự án “DAISA – Deepcare AI-Based Symptom Assessment” của tác giả Nguyễn Hạnh từ Công ty cổ phần Deepcare Vietnam, dự án “Tầm soát bệnh glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với ứng dụng phần mềm AI eyedr” của bác sĩ Phạm Thị Thủy Tiên ở Bệnh viện Mắt TP.HCM cũng gây được sự chú ý.

20hai5

TS Ngô Thanh Hoàn, Chủ nhiệm dự án Skin Detective. 

Nổi bật hơn, Tiến sĩ Ngô Thanh Hoàn đại diện Bộ môn Thiết bị Y Tế, Khoa Kỹ thuật Y Sinh, Đại học Quốc Tế - ĐHQG TP.HCM với dự án “AI hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh Alzheimer dựa trên ảnh não MRI” và đại diện Medical AI Co., Ltd. với dự án “Skin Detective – Ứng dụng tích hợp AI phát hiện các bệnh về da và kết nối bác sĩ da liễu” đều xuất hiện ở top 20. 

Tiếp theo ở lĩnh vực nông nghiệp, dự án “Ứng dụng AI vào nuôi trồng thuỷ sản” của kỹ sư Trần Duy Phong từ Công ty TNHH Tép Bạc là giải pháp hiệu quả có chức năng giám sát và quản lý trại nuôi trồng thủy sản từ xa, giúp người nuôi trồng thủy sản quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp phòng ngừa phù hợp.

20hai4

Kỹ sư Trần Duy Phong bên cạnh dự án của mình. 

Không chỉ là giải pháp giúp chuẩn hóa giám sát quá trình nuôi mà dự án còn giúp người chăn nuôi chứng minh nguồn gốc “thực phẩm sạch” cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, giải pháp này triển khai rất đơn giản, không những giúp người nuôi ghi nhật ký ao nuôi dễ dàng, mà còn nhắc nhở người nông dân những việc cần làm theo đúng quy trình nuôi và gợi ý giải quyết những vấn đề kỹ thuật.

 Thông qua dự án “Xác định sức khỏe cây trồng bằng máy bay không người lái”, kỹ sư Phạm Thanh Toàn với 6 năm kinh nghiệm về Big data và machine learning, anh cùng Công ty cổ phần công nghệ thông minh MiSmart đã dành 2 năm để chế tạo ra phần mềm bay hoàn toàn do người Việt làm chủ, đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân Việt Nam.

20hai3

Thiết bị bay của công ty thiết kế hoàn toàn bằng sợi carbon fiber cứng hơn 5 lần so với titanium và nhẹ hơn nhôm, do đó có khả năng chở được 23 lít nước/thuốc với thiết kế phun sương. Hạt thuốc sẽ được làm mịn với kích thước 100nm, tăng khả năng thẩm thấu của cây trồng lên đến 90% và tiết kiệm được 99%. Thiết bị cũng được thiết kế với chế độ bay phù hợp nhiều loại địa hình, như đồng ruộng bằng phẳng, vườn cây ăn trái, đồi núi dốc. 

Các dự án “Virelic” của Nguyễn Minh Luân ở HSE University, Moscow, Russia, “Guidy” của Lê Huân từ Đại học Bách Khoa, “LTVSchoolBus” của Nguyễn Đức Mạnh ở Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh Đồng Nai, “Phát triển thuật toán điều khiển tín hiệu đèn giao thông dựa trên học tăng cường cho giao thông VN” của Trần Việt Toản từ Đại học Bách Khoa và “Music ID” của Lương Công Trung Nguyên từ Đại học Khoa học tự nhiên được BGK đánh giá cao vì đều là các sản phẩm sáng tạo của học sinh, sinh viên đang còn đi học tại trường.

20hai2

Sinh viên Nguyễn Minh Luân (HSE University, Moscow, Russia) với dự án Virelic. 

Để hỗ trợ các ngành công nghiệp, các dự án “Argus – Giải pháp phòng chống trộm cắp trong siêu thị” của tác giả Phạm Quang Sơn từ Robert Bosch Engineering and Business – Solutions Vietnam Company Limited, “Hệ thống kiểm soát thiết bị bảo hộ lao động ứng dụng AI” của tác giả Võ Công Hoàng ở Công ty TNHH Pyroject hay “Hệ thống IoT xác định âm thanh và các tín hiệu bất thường cho máy công nghiệp” của Tiến sĩ Hàn Huy Dũng, SPARC lab - Đại học Bách Khoa Hà Nội phát huy rất tốt ứng dụng của mình. 

Cùng với đó, “Petkix 360 Dog Camera” của Nguyễn Đặng Hoàng Trung từ Petkix, “Fiona Retail” của Cao Thị Ngọc Trâm từ Công ty Cổ phần Công nghệ FIONA, “AIQuant - Hệ thống phân tích dữ liệu AI và dự báo” của Nguyễn Phương Duy từ AIQuant, “Bot Bán Hàng” của Hoàng Minh Tâm từ Chatbot Vietnam và “Hệ thống tra cứu chỉ dẫn áp dụng và hỏi-đáp pháp luật” của Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt là những cái tên được đi tiếp vào vòng trong.

20hai1

Hội đồng ban giám khảo vòng bán kết HAI 2020. 

20 dự án kể trên sẽ được tham gia Chương trình ươm tạo với kinh phí hỗ trợ ươm tạo tối đa 200.000.000 đồng/dự án trong thời gian không quá 3 tháng. Sau thời gian này, vòng chung kết sẽ diễn ra vào ngày cuối của Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM 2020 - WHISE 2020. 

3 dự án xuất sắc nhất chung cuộc sẽ được nhận 100.000.000 đồng/giải và 5 dự án đoạt giải khuyến khích sẽ được nhận 50.000.000 đồng/giải. Ngoài ra, các dự án vào vòng Chung kết được trình bày trước các nhà đầu tư và có cơ hội nhận được các gói đầu tư cho giai đoạn tiếp theo.

HAI 2020 do Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM và Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) phối hợp tổ chức. Cuộc thi nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và đời sống. 

Đối tượng tham gia bao gồm các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức có dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, kinh doanh, giao thông, tài chính, y tế, giáo dục, nông nghiệp,… và phục vụ cộng đồng xã hội.

 


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378