Sáng 14-9, tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã diễn ra lễ ký kết thực hiện Dự án phát triển Công nghệ chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng đèn LED.
Lễ ký kết thực hiện dự án
Đây là dự án được trung tâm phát triển Công nghệ cao (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam), Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) và Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang hợp tác thực hiện.
Cụ thể dự án chiếu sáng LED do UNDP và Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước. Qua đó Sở KH-CN TPHCM đã ký hợp đồng giao cho trường Đại học Bách Khoa phối hợp với Công ty Điện Quang thực hiện trước đây.
Từ đây, dự án trình diễn sẽ bao gồm 1 trung tâm xử lý dữ liệu, 2 tủ điều khiển và 50-70 đèn LED công cộng công suất 100W-200W tích hợp driver thông minh và hệ thống truyền dữ liệu không dây tại khuôn viên Đại học Quốc gia TPHCM.
Ông Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa chia sẻ: “Với mô hình kết nối giữa nhà nghiên cứu với doanh nghiệp này của Sở sẽ có thể giải quyết được vấn đề ở phía những doanh nghiệp chưa ưu tiên cho việc ứng dụng khoa học công nghệ hay đầu tư nghiên cứu”.
LÊ DUY - SGGP
Chuyên gia sẽ chia sẻ về những bước chuẩn bị, lập kế hoạch, kỹ năng thuyết trình trước nhà đầu tư để tăng tỉ lệ gọi vốn thành công.
Các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch giới thiệu các sản phẩm tại một sự kiện về khởi nghiệp du lịch do SIHUB tổ chức vừa qua. Ảnh: Hà Thế An.
Saigon Innovation Hub (SIHUB) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tiếp tục các chương trình đào tạo hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp. Theo đó, trong thời gian tới, SIHUB sẽ tổ chức khóa đào tạo về gọi vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Các chuyên gia sẽ chia sẻ về cách xây dựng một kế hoạch gọi vốn cẩn thận và chi tiết, để xác định đúng “khách hàng” (nhà đầu tư) của startup.
Các thông tin quan trọng sẽ được chia sẻ là những đối tượng nhà đầu tư có khả năng đầu tư vào dự án khởi nghiệp. Những quỹ đầu tư mà startup có thể tiếp cận. Họ thường đầu tư vào ngành nào? Họ thường đầu tư ở mức nào? Làm sao để tiếp cận họ?
Chuyên gia cũng sẽ chia sẻ về các kỹ năng thuyết trình để dự án khởi nghiệp được nhà đầu tư quan tâm, dự báo được những điều mà nhà đầu tư trông đợi khi startup giới thiệu. Việc chuẩn bị bài thuyết trình và chuẩn bị thuyết trình sẽ là việc quan trọng bạn cần phải làm, giống như chuẩn bị kỹ càng trước khi giới thiệu sản phẩm đến khách hàng.
Chuyên gia của SIHUB sẽ chia sẻ với các bạn sáng lập startup những hướng dẫn căn bản để startup có thể chuẩn bị kế hoạch gọi vốn cho mình một cách suôn sẻ hơn.
Người chia sẻ trong suốt khóa học là chị Nguyễn Thị Mai Hương, CEO & Founder của Color Pencils (startup về giáo dục ứng dụng công nghệ) và phụ trách quan hệ công chúng của SIHUB.
Cộng đồng khởi nghiệp quan tâm có thể đăng ký tham gia khóa học tại đây.
Hà Thế An – kha,pha.vn
Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là trọng tâm quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Israel. Đặc biệt, lĩnh vực giáo dục cũng là vấn đề mà phía Israel rất quan tâm và mong muốn hợp tác với Việt Nam
Chiều 6.9, Sở KH&CN TP.HCM đã có buổi tiếp ông Đỗ Minh Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Israel nhiệm kỳ 2019 – 2022 để bàn về hoạt động thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo giữa 2 nước.
Về phía Sở KH&CN TP.HCM, Giám đốc Nguyễn Việt Dũng cho biết việc hợp tác chung về phát triển KH&CN trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố là điều mà Sở KH&CN đặc biệt quan tâm.
Chiều 6.9, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng (phải) và ông Đỗ Minh Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Israel nhiệm kỳ 2019 – 2022 trao đổi về những nội dung hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với Israel
Trong đó, Sở KH&CN TP.HCM mong muốn thông qua hợp tác phía Israel sẽ chuyển giao, hỗ trợ doanh nghiệp Việt nắm được các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, chế tạo máy… Ngoài ra, sự kết hợp giữa doanh nghiệp của 2 bên để điều chỉnh các công nghệ, giải pháp của Israel cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam và TP.HCM cũng rất được khuyến khích.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực năng lượng tái tạo, vi mạch và nhất là nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến sau thu hoạch cũng được đánh giá có nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Israel.
Trong tháng 8 vừa qua, tại buổi làm việc với Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam, Sở KH&CN TP.HCM cũng đã đề xuất nhiều chương trình hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo giữa TP.HCM và Israel.
Cụ thể, trong quý 4 năm 2018, TP.HCM sẽ phối hợp với Cơ quan Đổi mới Sáng tạo Israel (IIA) tổ chức các chuyến học tập kinh nghiệm, chính sách, mô hình thực tế về đổi mới sáng tạo tại Israel cho các cán bộ, công chức các Sở, ban, ngành của thành phố.
Cùng với đó, 2 bên sẽ tổ chức các hoạt động trao đổi startup, kết nối cung cầu công nghệ qua Sàn Giao dịch Công nghệ trực tuyến của TP.HCM và tổ chức các chương trình tham khảo, học tập kinh nghiệm của Israel trong chính sách thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp, thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các trường viện.
Ông Đỗ Minh Hùng khẳng định: “KH&CN, đổi mới sáng tạo là trọng tâm quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Israel. Trong đó, Israel có nhiều thế mạnh mà Việt Nam có thể tận dụng được. Đặc biệt, lĩnh vực giáo dục cũng là vấn đề mà phía Israel rất quan tâm và mong muốn hợp tác với Việt Nam.”
Ông Đỗ Minh Hùng (trái) cho biết giáo dục là một trong những lĩnh vực mà phía Israel đặc biệt quan tâm và mong muốn hợp tác với Việt Nam
Ông Hùng cũng đề xuất TP.HCM phát triển việc mời các chuyên gia của Israel sang tham gia giảng dạy tại TP.HCM. Đồng thời, TP.HCM cũng có có thể chọn ra những trường đại học mạnh trong những ngành mà thành phố quan tâm để kết nối, hợp tác với các trường đại học của Israel.
Trong quá trình đó, đại sứ quán Việt Nam tại Israel sẽ tích cực giúp TP.HCM tìm kiếm, kết nối với các đối tác cũng như hỗ trợ ở tất cả các khâu.
Phạm Sơn – khampha.vn
Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao (AHBI) đã xây dựng những chương trình, hoạt động hỗ trợ toàn diện cho các dự án khởi nghiệp nông nghiệp tiềm năng.
Nằm trên diện tích 9 ha tại huyện Củ Chi - TP.HCM, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao (AHBI) đang là mái nhà chung của 40 dự án khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đầy tiềm năng. Cũng từ vườn ươm này, 11 dự án khởi nghiệp đã tốt nghiệp và khẳng định được vị trí của mình trên thị trường.
Đồng hành cùng startup nông nghiệp công nghệ cao
Một số dự án khởi nghiệp tiêu biểu được ươm tạo tại AHBI
Những kết quả đó là thành công rất ấn tượng của các startup và các thành viên tại AHBI bởi so với những lĩnh vực khác, khởi nghiệp trong nông nghiệp có rất khác biệt, khó khăn hơn nhiều.
Một trong những rủi ro đầu tiên mà các startup nông nghiệp phải đối mặt là việc phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là thời tiết, sâu bệnh. Bên cạnh đó, sự bấp bênh của thị trường nông sản cũng yếu tố khiến cho không nhiều startup đủ dũng cảm để lựa chọn lĩnh vực nông nghiệp.
TS. Nguyễn Hải An, Giám đốc AHBI, cho biết thêm: “Các startup trong công nghệ, dịch vụ không đòi hỏi quá nhiều về hạ tầng, trang thiết bị thì khởi nghiệp trong nông nghiệp cần có đất đai, trang thiết bị, nhà màn, nhà lưới… Đây là những điều kiện mà các startup khó có thể tự có. Cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính cũng rất khó khăn. Ngoài ra, thời gian để ươm tạo một dự án thành công không hề ngắn, có thể lên tới 5 năm.”
Bởi vậy, AHBI đã xây dựng những chương trình, hoạt động hỗ trợ toàn diện cho các dự án khởi nghiệp. Khi tham gia AHBI, các nhóm khởi nghiệp sẽ nhận được sự tư vấn, trợ giúp từ xây dựng kế hoạch kinh doanh một cách bài bản cho tới hỗ trợ pháp lý, phát triển kỹ năng mềm, hỗ trợ đăng ký và bảo hộ tài sản trí tuệ…
Các startup tại trung tâm cũng được tiếp cận những hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại thuộc các lĩnh vực như nuôi cấy mô tế bào thực vật, canh tác không sử dụng đất trong nhà màng, công nghệ vi sinh, nuôi trồng và chế biến nấm ăn và nấm dược liệu… để nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm.
Hệ thống đèn chiếu đơn sắc
Phòng sáng với trang thiết bị hiện đại
AHBI còn hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật cho các dự án và giúp các nhóm kết nối với mạng lưới chuyên gia trong các trường, viện nghiên cứu. ABHI cũng là cấu nối đưa những phản hồi của doanh nghiệp, thị trường tới với các nhà khoa học để từ đó rút ngắn khoảng cách giữa các kết quả nghiên cứu trong trường, viện với nhu cầu sản xuất, kinh doanh thực tế.
Nhờ đó, nhiều dự án từ AHBI đã và đang đạt được thành công, được cộng đồng đánh giá cao như các chế phẩm sinh học làm sạch nước và thay thế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản Biobest, dự án nấm sạch và tận dụng phế phẩm sau trồng nấm sản xuất phân vi sinh của công ty Nấm Việt…
Mục tiêu ươm tạo 50 doanh nghiệp khởi nghiệp mỗi năm
AHBI cũng làm cầu nối tích cực hỗ trợ các startup tiếp cận nguồn vốn cũng như phát triển thị trường. Trong năm 2017, trung tâm đã giới thiệu nhiều dự án tham gia chương trình hỗ trợ khởi nghiệp SpeedUp của Sở KH&CN TP.HCM. Trong đó đã có 3 dự án nhận được vốn hỗ trợ với tổng mức đầu tư gần 2 tỷ đồng.
Dự án máy hơ ngải cứu và viên nhang ngải cứu TCS của startup Hà Văn Lộc là một trong 3 dự án nói trên. Đến nay, sản phẩm của TCS đã có mặt trên toàn quốc và nhận được các đơn đặt hàng từ Mỹ, Hàn Quốc.
AHBI: Nơi 'giải khó' cho các startup nông nghiệp công nghệ cao - 4
TCS là một trong những ví dụ cho kết quả hoạt động ươm tạo của AHBI
Nói về những hỗ trợ từ AHBI, anh Lộc chia sẻ: “Sản phẩm của chúng tôi khá đặc thù vì vừa là sản phẩm nông nghiệp nhưng có cả yếu tố y học. Doanh nghiệp được trung tâm hỗ trợ rất nhiều về mặt kỹ thuật. Ngoài ra, cũng nhờ trung tâm mà doanh nghiệp nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình SpeedUp của Sở KH&CN TP.HCM.”
Với những kết quả đã được, TS Nguyễn Hải An cho biết trong thời gian tới, AHBI sẽ mở rộng thêm phạm vi hoạt động sang các lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi.
“Chúng tôi đặt mục tiêu sẽ ươm tạo được khoảng 40 - 50 doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp cao mỗi năm”, TS Nguyễn Hải An nói thêm.
Phạm Sơn – khampha.vn
Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM đã nghiên cứu thành công và đang triển khai thực nghiệm các công nghệ cho thành phố thông minh như thành phố thông minh .
Trong những năm qua, TPHCM đã liên tục phát triển và trở thành một trung tâm kinh tế, khoa học và công nghệ lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu và định mức kinh tế đã nằm ngoài kiểm soát so với kế hoạch do các vấn đề xã hội như thiên tai, ùn tắc giao thông, dịch bệnh…
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS. Đặng Trần Khánh (Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM), cho rằng sự bùng nổ công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm IoT, AI, Big Data có thể khắc phục những vấn đề tồn tại và kỳ vọng mang lại lợi ích lớn.
Theo TS. Khánh cho rằng, hệ thống giao thông thông minh là một ứng dụng điển hình của sự kết hợp của IoT, Big Data và AI. Trong bối cảnh của Việt Nam, IoT thể hiện ở điểm các điện thoại di động của hành khách và người điều khiển phương tiện hay GPS trên chính phương tiện được kết nối về trung tâm.
Ngoài ra, tại các giao lộ hay các điểm quan sát, các camera được cài đặt để thu thập hình ảnh giao thông và được truyền trực tuyến về trung tâm. Với các thiết bị có tính kết nối đó, có thể thu thập được một lượng rất lớn số liệu từ các GPS và từ các camera trên mỗi đơn vị thời gian. Vì lượng dữ liệu quá lớn, không thể phân tích hiệu quả bằng phương pháp thủ công nên cần đến các kỹ thuật trong AI.
Hệ thống camera giúp nhận dạng các phương tiện đang tham gia giao thông.
Hiện tại, Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính đã nghiên cứu, thử nghiệm các kỹ thuật phân tích cho các dạng dữ liệu GPS và hình ảnh nhằm cho ra thông tin liên quan về mật độ, lưu lượng, vận tốc của các phương tiện giao thông.
“Đặc biệt với tín hiệu thu được từ camera, các bài toán về phân loại từng loại xe (xe máy, xe hơi, xe bus, xe tải), cũng như nhận dạng ra biển số xe cũng có thể giải quyết được” - TS. Khánh nói và cho biết, kết quả thu được rất khả quan và đang trong quá trình kết hợp với Tập đoàn VNPT để ứng dụng trên quy mô lớn hơn.
Trong lĩnh vực môi trường, nhờ việc ứng dụng IoT bao gồm các cảm biến chất lượng không khí, chất lượng nước, tiếng ồn, các dữ liệu này sẽ được hệ thống quan trắc thu thập và ghi nhận làm minh chứng để xử lý khi có vi phạm xảy ra. Bên cạnh đó, hệ thống quan trắc còn đưa ra những cảnh báo và dự báo cho người dân sống xung quanh khu vực biết được hiện trạng môi trường.
Ngoài việc triển khai các trạm quan trắc tại các khu công nghiệp, cũng có thể triển khai các trạm quan trắc trong khắp thành phố để thu thập và tạo cơ sở dữ liệu lớn để việc phân tích và dự báo về sự thay đổi thời tiết. Thời gian qua, Trường đã triển khai nhiều hệ thống quan trắc nước thải tại các khu công nghiệp ở Củ Chi, Hóc Môn (TP.HCM) và các tỉnh khác như Trà Vinh, Vĩnh Long.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích ảnh chụp CT và MRI.
Trong y tế, TS. Khánh cho biết, các thiết bị đeo hiện đã rất phổ biến, ngoài các chức năng cơ bản như một thiết bị giải trí, chúng còn có khả năng đo nhịp tim, huyết áp, hỗ trợ kết nối và truyền thông tin về trung tâm. Tại các cơ sở y tế, lượng dữ liệu sinh ra từ các máy chụp cắt lớp như CT và MRI là rất lớn. Với dạng dữ liệu này, các chuyên gia y tế không thể nhận trực tiếp vào từng điểm trong khối dữ liệu 3 chiều. Do đó, họ tốn khá nhiều thời gian để tương tác với phần mềm để xem xét từng lát cắt 2 chiều.
Với những kỹ thuật mới trong AI, máy tính có thể tự động phát hiện các tổn thương trong cơ thể như u trong gan và phổi, sau đó hiển thị các đối tượng phát hiện được một cách trực quan. Nắm bắt được xu thế đó, các nhà khoa học ĐH Bách khoa TPHCM đã thử nghiệm thành công ứng dụng kỹ thuật AI trong phân tích ảnh chụp CT, MRI. Hiện Trường đang kết hợp với Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM để đánh giá toàn diện và thử nghiệm thực tiễn.
Ngoài ra, ĐH Bách khoa TPHCM cũng đang nghiên cứu triển khai những ứng dụng khác trong mô hình thành phố thông minh như: giám sát tình hình an ninh trật tự của các khu phố qua hệ thống camera; hỗ trợ tìm chỗ đỗ xe trong thành phố; điều tiết ra vào trạm tại các khu chế xuất và kho hàng; robot không người lái để giám sát các khu vực mà con người khó tiếp cận…
Khả Hân – khampha.vn
Techmart chuyên ngành y tế lần này sẽ tập trung trưng bày, giới thiệu các công nghệ và thiết bị chuyên ngành y tế (bao gồm các lĩnh vực: khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và xử lý nước thải, rác thải y tế...)
Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học - công nghệ (KH-CN) TPHCM cho biết, “Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) chuyên ngành y tế - Giải pháp môi trường cho bệnh viện và phòng khám” sẽ được đơn vị này phối hợp với Hội Thiết bị y tế TPHCM tổ chức tại Sàn Giao dịch công nghệ TPHCM - Techmart Dail (79 Trương Định, quận 1) trong thời gian từ ngày 11 đến 13-10-2018.
Techmart chuyên ngành y tế lần này sẽ tập trung trưng bày, giới thiệu các công nghệ và thiết bị chuyên ngành y tế (bao gồm các lĩnh vực: khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và xử lý nước thải, rác thải y tế…), do các đơn vị trong nước nghiên cứu chế tạo hoặc được nhập khẩu từ các thương hiệu uy tín, phù hợp với Việt Nam. Tại Techmart cũng sẽ diễn ra các hội thảo trình diễn công nghệ, nhằm tập trung giới thiệu các công nghệ có hiệu quả ứng dụng cao trong hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc và phục hồi sức khỏe, xử lý môi trường cho bệnh viện và phòng khám.
Để tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho các hoạt động kết nối chuyển giao công nghệ, ban tổ chức sẽ khảo sát nhu cầu đầu tư công nghệ và thiết bị của các đơn vị hoạt động trong ngành y tế tại TPHCM cùng các tỉnh, thành khu vực phía Nam, tổ chức khu vực tư vấn chuyên gia về công nghệ và thiết bị ngay tại sự kiện.
Hệ thống xử lý nước sạch sẽ giúp cán bộ, chiến sĩ giải quyết khó khăn trong cuộc sống thường ngày, giúp các đồng chí an tâm gìn giữ an ninh, an toàn cho nhân dân.
Ngày 29/8, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã trao tặng 4 hệ thống xử lý nước sinh hoạt cho 3 đơn vị Biên phòng: Bù Gia Mập, Đắk Ka, Đắk Bô và Công an huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) .Mỗi hệ thống có công suất 180 lít/giờ.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM trao tặng Hệ thống xử lý nước sinh hoạt cho đại diện 3 đồn Biên phòng và Công an huyện Bù Gia Mập.
Hệ thống xử lý nước sinh hoạt công suất 2m3/h gồm một cột lọc nhựa trao đổi ion resin xử lý nước cứng, giúp nước không bị đóng cặn và 2 cột lọc than hoạt tính xử lý chất độc, chất bẩn và mùi. Ngoài ra, hệ thống còn có bộ phận súc rửa hạt nhựa trao đổi ion resin tự động, nhằm tái sinh ion khí đã bão hòa.
Nước từ các hệ thống xử lý nước sinh hoạt này đã được Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM kiểm nghiệm và có chất lượng tốt, đạt yêu cầu sử dụng sinh hoạt hàng ngày cho các chiến sĩ.
Lõi lọc kim loại giúp cung cấp nước sạch trong hệ thống xử lý nước do Sở KH&CN TP.HCM trao tặng các chiến sĩ.
Chi phí của 4 hệ thống nước sinh hoạt là 200 triệu đồng. Số tiền này do cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Sở đóng góp, cùng với sự hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa.
Ngoài ra, cũng trong dịp này, Sở KH&CN TP.HCM đã tặng thêm mỗi đơn vị 1 phần quà trị giá 1 triệu đồng và 5 triệu đồng tiền mặt.
Phát biểu tại lễ trao tặng, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, bày tỏ hi vọng công trình này sẽ góp phần hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ giải quyết khó khăn trong cuộc sống thường ngày, giúp các đồng chí an tâm gìn giữ an ninh, an toàn cho nhân dân.
Đồng chí Trần Văn Thành thay mặt 4 đơn vị cảm ơn sự giúp đỡ của Sở KH&CN TP.HCM.
Đồng chí Trần Văn Thành, Chính trị viên đồn Biên phòng Đắk Ka, thay mặt các cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng và công an huyện Bù Gia Mập cảm ơn sự quan tâm của Sở KH&CN TP.HCM. Theo đồng chí Thành, hệ thống xử lý nước sinh hoạt này sẽ giúp các cán bộ, chiến sĩ tại đây có nước sạch để sử dụng.
Trước đó, Sở KH&CN TP.HCM cũng đã trao tặng Hệ thống xử lý nước sinh hoạt cho Đại đội Bộ binh 568, nằm trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Được biết, đây là công trình thi đua yêu nước do Sở KH&CN TP.HCM thực nhân dịp Kỷ niệm 70 năm lời Bác Hồ kêu gọi thi đua ái nước.
Vân Ly – khampha.vn
Đây là một trong những nội dung của khóa tập huấn kiến thức phát triển thị trường khoa học và công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức vào thời gian tới.
Các học viên sẽ được đào tạo về các công cụ thẩm định giá công nghệ. Ảnh: Hà Thế An.
Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Đối tượng của khóa đào tạo là các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở ươm tạo khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố.
Nội dung khóa học gồm: Phát triển kiến thức chung về thị trường khoa học và công nghệ, ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thẩm định giá công nghệ, chuyển giao công nghệ, tư vấn xây dựng hợp đồng chuyển giao công nghệ, ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Khóa đào tạo sẽ cung cấp các kỹ năng cần thiết cho các học viên để có thể thành lập hoặc tham gia thành lập, vận hành, quản lý một tổ chức trung gian về thị trường khoa học công nghệ.
Giảng viên của khóa học là các chuyên gia có kinh nghiệm đào tạo và tư vấn về pháp lý chuyển giao công nghệ, đánh giá, định giá công nghệ, xây dựng hợp đồng chuyển giao công nghệ, ươm tạo công nghệ, thương mại hóa công nghệ.
Cuối khóa học, các học viên sẽ được cấp giấy chứng nhận của Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp.
Khóa học sẽ được tổ chức hoàn toàn miễn phí với 5 đợt (mỗi đợt kéo dài 3 ngày) liên tục từ ngày 27/08 đến 26/09 tại Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, số 273 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM.
Các cá nhân và tổ chức quan tâm có thể điền vào mẫu tại đây và gửi về chị Trần Thị Ngọc Trâm, email: ngoctram@sihub.gov.vn, điện thoại: 0964.618.396.
Hà Thế An – khampha.vn
Những quy định mới trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Chia sẻ tại buổi tập huấn về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tại Sở KH&CN TP.HCM, ông Nguyễn Khắc Huy, chuyên viên Phòng Kinh tế thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết Nghị định 38/2018/NĐ-CP (Nghị định 38) và Nghị định 39/2018/NĐ-CP (Nghị định 39) được ban hành tháng 3.2018 làm rõ và bổ sung nhiều quy định quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Buổi tập huấn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tại Sở KH&CN TP.HCM chiều 16.8
Một trong những điểm mới được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao là những quy định rõ tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây được coi là “chìa khóa” để công tác hỗ trợ doanh nghiệp đạt hiệu quả, tránh tình trạng hỗ trợ nhầm đối tượng.
Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa được phân theo quy mô bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định…
Tại Nghị định 39 cũng quy định các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ miễn, giảm hàng loạt các nội dung liên quan đến việc đăng ký thành lập và đào tạo hoạt động của doanh nghiệp. Nội dung và mức hỗ trợ sẽ là khác nhau tùy theo loại hình hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ là chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo hay tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ được hỗ trợ tư vấn về các nội dung sở hữu trí tuệ, thành lập doanh nghiệp… qua đội ngũ tư vấn viên.
Thống kê năm 2017 của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy 97,8% doanh nghiệp tại thành phố là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp cũng còn hạn chế. Trong tổng số 171.655 doanh nghiệp (tại thời điểm cuối năm 2016) chỉ có 64.607 doanh nghiệp có lãi (chiếm 37,81%) và có 96.963 DN bị thua lỗ (chiếm 56,49%).
Ông Nguyễn Khắc Huy cho biết: “Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tham gia nhiều vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị. Những quy định mới sẽ tạo cơ hội cho nhóm doanh nghiệp này tham gia tích cực vào chuỗi giá trị chung.”
Ông Nguyễn Khắc Huy nhận định nghị định 38 và nghị định 39 sẽ giúp hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt hiệu quả tốt hơn
Trong thời gian qua, Sở KH&CN TP.HCM cũng đã triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; năng lực quản lý, khai thác tài sản trí tuệ; chuyển giao và nâng cao trình độ công nghệ cho doanh nghiệp…
Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Sở KH&CN TP.HCM đang được triển khai ngày càng rộng rãi đến với cộng đồng doanh nghiệp
Đánh giá về những nội dung mới trong nghị định 38 và nghị định 29, bà Huỳnh Lưu Thanh Giang, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ thuộc Sở KH&CN TP.HCM cho biết: “Những quy định mới mở ra nhiều hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Việc thực hiện những quy định này khó tránh khỏi gặp những khó khăn vướng mắc. Chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tìm cách tháo gỡ trong phạm vi thẩm quyền và trình lên cấp trên những nội dung ngoài thẩm quyền xử lý để hỗ trợ doanh nghiệp.”
Phạm Sơn – khampha.vn